Yêu Em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Toàn văn đề tài nghiên cứu khoa học 03 - Word

ĐỀ TÀI:
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC CỦA LEE HEESEUNG: MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU YÊU EM

Sinh viên hướng dẫn: Sim Jake
Sinh viên thực hiện: Lee Heeseung

Ngày 26 tháng 01 năm 20xx

-

LỜI CẢM ƠN

Trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thành dự án, anh đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ, động viên từ phía Jake. Cảm ơn em vì những buổi la cà khắp Sài Gòn, cảm ơn em vì những tin nhắn không bao giờ ngơi nghỉ, cảm ơn em vì đã đồng ý với yêu cầu dở hơi của anh hòng được đi cà phê với em mỗi ngày.

Tất cả sự bao dung của em là động lực vô giá để anh hoàn thành bài nghiên cứu này. Tuy vậy, dù đã thực hiện nghiên cứu không dưới năm lần, đây vẫn là lần đầu anh áp lực như thế này. Trong quá trình thực hiện và bài nghiên cứu sẽ không tránh khỏi những sai sót, vì vậy rất mong em thương tình nương tay và góp ý để anh có thể hoàn thiện hơn.

-

TÓM TẮT DỰ ÁN

Dự án hướng tới xác định mối quan hệ giữa các yếu tố: sự suy tư, sự nhớ nhung, sự lúng túng, sự say đắm, sự đố kỵ, sự ảo tưởng, sự khao khát, sự lo lắng và sự buồn bã đến một cảm xúc anh tạm chưa gọi tên. Cuộc khảo sát này được thực hiện trên 1 đối tượng ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích cho thấy... thôi em cứ đọc tiếp, nhé em.

-

MỤC LỤC

-

1. GIỚI THIỆU

1.1. Lý do chọn đề tài

Chắc em đã biết rồi: anh và em cùng chung nhóm nghiên cứu khoa học đề tài Nghiên cứu thương mại điện tử livestreaming: tác dụng điều tiết của dòng chảy và nguồn cảm hứng (tên đề tài của bọn mình đúng là dài thật đấy). Nhưng có một điều có lẽ em chưa biết: hôm ở quán cà phê mà em lỡ lời ấy (đừng xấu hổ, anh thấy rất dễ thương) không phải lần đầu mình gặp nhau.

Hình như em không nhớ, song lần đầu anh và em nói chuyện với nhau là hồi ở booth sự kiện của câu lạc bộ Kinh tế trẻ đầu năm ngoái, em dạo một vòng quanh sảnh kiếm điểm rèn luyện, nhưng đến chỗ bọn anh thì em mặc kệ, chỉ đứng nói chuyện với Jay. Nếu em đang thắc mắc vì sao anh để ý kĩ thế, thì anh cũng xin phép thành thật – lúc đó nhìn em rất dễ thương, mà anh thì thích những điều dễ thương như vậy. Điều dễ thương ấy còn đứng trò chuyện rất vui vẻ với Jay, cậu em mới vào câu lạc bộ mà anh khá quý. Khi ấy, anh không khỏi hiếu kỳ, ngó qua chào Jay, cũng tiện chào em một tiếng, em cũng cúi đầu chào anh. Cuộc trò chuyện nhạt thếch và đáng quên vô cùng. Nhưng đừng hiểu lầm anh, khi ấy em trong anh đơn giản chỉ là một nhóc sinh viên mới vào trường còn lạ lẫm nhiều điều và thích thú nhảy nhót khắp nơi. Chỉ đơn giản là thế.

Nhưng có lẽ anh đã đánh giá thấp khả năng của em, mà cụ thể là khả năng khảm sâu hình ảnh của em vào cuộc sống của anh. Lần thứ hai anh gặp em, em đang tham gia đến vòng bán kết cuộc thi tranh biện của trường. Dù đội em không lọt vào chung kết, nhưng hình ảnh em mặc sơ mi trắng, đeo thẻ sinh viên, tóc màu hạt dẻ chẻ ba bảy, hơi rối lên vì mải vò đầu bứt tóc đã chiến thắng tuyệt đối trong lòng anh. Anh mến ngoại hình của em, mến sự đáng yêu của em, mến tài năng nở rộ của em trên sân khấu ngập tràn ánh đèn dưới ánh nhìn của bao giảng viên cùng hàng trăm sinh viên, cũng mến tính cách vui vẻ em thể hiện ra ngoài mỗi lúc vô tình trông thấy em trên sân trường. Những cái mến lặt vặt không đáng kể, nhưng sau lần thứ ba, thứ tư rồi thứ bao nhiêu gặp mặt đã chuyển thành cái một thứ gì đó anh không thể kiểm soát được. Anh có nghĩ đến tên gọi của những điều ấy, nghĩ rất nhiều nhưng vẫn không thể khẳng định được. Anh tự hỏi, liệu những điều nhỏ nhặt mà anh nghĩ về em có mối liên hệ gì với cảm xúc lớn lao đang gào thét muốn được tuôn ra khỏi trái tim anh hay không?

Chính vì vậy, anh xin phép thực hiện nghiên cứu này với sự giúp đỡ thầm lặng của em (dù em không biết). Qua nghiên cứu này, anh sẽ xác định được mối liên hệ giữa "những điều lặt vặt" ấy và "cảm xúc" mà anh chưa dám gọi tên, từ đó đưa ra đề xuất phù hợp cho mối quan hệ của chúng ta.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

Tìm hiểu mối quan hệ giữa "những điều lặt vặt" ấy và "cảm xúc chưa gọi tên".

1.3. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là trái tim anh.

Phạm vi thời gian: Từ rất lâu rồi đến ngày 26 tháng 01 năm 20xx

Khách thể nghiên cứu: Lee Heeseung

1.4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện qua phương pháp nghiên cứu định tính nhằm phát triển mô hình và giả thuyết nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định giả thuyết và mô hình nghiên cứu.

1.5. Giới hạn của đề tài

Trong đề tài này, khách thể nghiên cứu chỉ có mỗi anh, cũng chính là người thực hiện nghiên cứu. Vì thế, nghiên cứu có thể mất đi tính khách quan. Nhưng anh cũng không còn cách nào khác, mong em thông cảm cho anh.

-

2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1. Biến độc lập

Trong đề tài này, anh xin phép nêu ra một vài khái niệm về những điều "lặt vặt" mà anh nhìn nhận được.

Đầu tiên là sự suy tư. Theo báo Đại Đoàn Kết, "suy nghĩ, suy ngẫm, suy tư, suy tưởng, suy xét là những hoạt động trí tuệ đòi hỏi ở mức cao nhất đối với mỗi con người nếu muốn tồn tại và phát triển. Chỉ con người mới có những hoạt động tư duy độc đáo này mà tất cả những loài động vật khác đều không có" (Trần Hữu Thắng, 2023). Trong trường hợp này, anh muốn nói đến sự suy tư của anh về em và về chúng ta. Để xác định mối quan tâm của một người với một điều gì đó, chắc hẳn chúng ta cần bắt đầu từ những ý nghĩ. Sự suy tư chính là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự quan tâm đó, anh tin là như thế.

Tiếp theo chính là sự nhớ nhung. Theo từ điển online Soha, "nhớ nhung" là nhớ đến, nghĩ đến một cách da diết khôn nguôi. Anh nghĩ nhớ nhung chính là phiên bản nâng cấp của sự suy tư – vẫn là nghĩ nhưng là nghĩ về nhiều, sau đó là phát triển một loại cảm xúc thiết tha với điều đó.

Theo sau là sự lúng túng. Theo Soha, "lúng túng" là không làm chủ được tình hình nên không biết hành động, xử trí như thế nào. Theo báo VNEXPRESS, lúng túng là một trong những dấu hiệu cho tình yêu (Thụy Ân, 2023), "...cảm thấy ngượng ngịu trước người ta mà không biết lý do tại sao. Bạn cảm thấy hồi hộp và e thẹn mặc dù trong lòng rất thoải mái và muốn gặp họ...bạn nghe tim mình đập mạnh song đồng thời cảm thấy điều ấy thú vị biết bao."

Một yếu tố không thể thiếu là sự say đắm. Anh nghĩ đây là điều quan trọng nhất nhì để xác định cảm xúc không tên ấy, và thậm chí anh còn không còn phải giải thích gì nhiều. Say đắm nghĩa là say đắm mà thôi.

Dĩ nhiên, không thể thiếu những yếu tố tiêu cực hơn. Anh sẽ kể đến đố kỵ đầu tiên. Thú thực, anh không thích tính ghen tuông vớ vẩn. Nhưng nói thì dễ hơn làm, và con người ta lại dễ trở thành thứ người ta ghét bỏ. Đố kỵ là một cảm xúc phức tạp bao gồm nhiều cảm xúc khác, và anh nghĩ dù có xấu xí đến đâu, đố kỵ vẫn là một gia vị khó mà thiếu được trong cuộc đời con người.

Theo sau đố kỵ là sự ảo tưởng và sự khao khát. Chúng đều có chung đích đến: hướng về những viễn cảnh tương lai xa rời hiện thực, chênh vênh giữa cái có thể và không thể.

Những cảm xúc tiêu cực thường gặp chính là buồn bã và lo lắng. Khi quan tâm đến một người khác, chẳng phải chúng ta sẽ muốn lo lắng cho họ từng miếng ăn giấc ngủ hay sao? Cả sự buồn bã, anh nghĩ buồn bã chính là kết tinh của những cảm xúc trên cộng lại. Buồn là một cảm xúc cơ bản và dễ định hình, và dù chẳng thể được gọi là tiêu cực, anh nghĩ nó vẫn sẽ luôn ở đó, là một mắt xích không thể nào thiếu được.

2.2. Biến phụ thuộc

Cảm xúc chưa gọi tên nọ, có lẽ em cũng đã đoán được rồi: ấy là tình yêu. Anh ngại khi phải nói về nó, khi từ thích còn chưa được anh tỏ rõ thành lời mà đã vội nói lời yêu. Nhưng em hãy tin anh vì anh đủ khả năng định hình được điều anh mong muốn. Không chỉ là thích nữa, anh muốn lời yêu, anh muốn được yêu em, anh muốn em yêu anh. Anh muốn ta yêu nhau.

2.3. Các bài nghiên cứu liên quan

Rất tiếc khi phải nói với em rằng, anh không có thêm bài nghiên cứu nào để tham chiếu cả. Anh sẽ không nói dối với em: anh đã từng thích, đã từng rung động; nhưng tình yêu anh khát khao là một cảm xúc có sức nặng và không thường xuất hiện. Hay nói đúng hơn, chưa bao giờ xuất hiện, cho đến khi em len lỏi vào cuộc sống của anh.

Thế nên, bài nghiên cứu này sẽ không có các nghiên cứu liên quan để tham khảo. Và một lần nữa, mong em hãy thứ lỗi cho sự thiếu khách quan này.

2.4. Phát triển giả thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

Hình 1: Mô hình nghiên cứu yêu em

Giả thuyết nghiên cứu:
H1: Sự suy tư có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H2: Sự nhớ nhung có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H3: Sự lúng túng có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H4: Sự say đắm có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H5: Sự đố kỵ có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H6: Sự ảo tưởng có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H7: Sự khao khát có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H8: Sự buồn bã có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.
H9: Sự lo lắng có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến việc yêu em.

-

3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU

3.1. Thang đo

Như anh đã nhắc, chẳng có nghiên cứu nào được thực hiện trước đây về đề tài này cả. Nên là anh, Lee Heeseung, bằng tài năng hèn mọn của mình, xin phép được phát triển thang đo nghiên cứu dựa trên quá trình giải mã trái tim anh.

Sự suy tư - ST
ST1: Anh nghĩ về em nhiều
ST2: Anh nghĩ về việc chúng ta sẽ trông thế nào khi đứng cạnh nhau
ST3: Anh nghĩ về mối quan hệ giữa anh và em

Sự nhớ nhung - NN
NN1: Anh nhớ em buổi sáng, trưa, chiều và tối
NN2: Anh nhớ em cả trong giấc ngủ
NN3: Anh nhớ em mỗi lần thấy điều gì đó đáng yêu

Sự lúng túng - LT
LT1: Anh lúng túng vô cùng khi ở bên cạnh em
LT2: Trái tim anh đập mạnh vô cùng khi mới chỉ nghĩ đến em
LT3: Đôi khi, lưỡi anh như bị mèo ăn mất khi đối diện với em

Sự say đắm - SD
SD1: Nụ cười của em là đẹp nhất
SD2: Em rất thơm
SD3: Không ai hay điều gì dễ thương bằng em cả

Sự đố kỵ - DK
DK1: Anh đố kỵ khi thấy em thân thiết với bạn nữ khác
DK2: Anh đố kỵ khi thấy em thân thiết với bạn nam khác, kể cả Sunghoon
DK3: Anh thậm chí còn ghen khi thấy em quá thân thiết với Jay, tình cảm của hai đứa dường như bền chặt không một kẽ hở

Sự ảo tưởng - AT
AT1: Anh mơ mộng về tương lai chúng ta ở bên nhau
AT2: Anh ảo tưởng về mỗi sáng thức giấc có em cạnh bên
AT3: Anh ảo tưởng về một căn nhà ấm áp có anh và có em

Sự khao khát - KK
KK1: Anh khát khao được ở cạnh em mọi lúc
KK2: Anh khát khao được nhìn thấy em cười
KK3: Anh khát khao em thuộc về anh

Sự buồn bã - BB
BB1: Anh buồn khi nghĩ về việc em không thích anh
BB2: Anh buồn khi nghĩ về việc em ở bên người khác
BB2: Anh buồn khi nghĩ về tương lai anh không có em và ngược lại

Sự lo lắng - LL
LL1: Anh lo lắm khi em chỉ hơi buồn một chút thôi
LL2: Anh sốt vó cả lên khi em ăn không đủ bữa và má tóp đi một tí
LL2: Anh cảm thấy lòng mình như ai đốt khi biết tin em đổ bệnh

Yêu em - YE
YE1: Anh yêu em
YE2: Yêu em từ bao giờ không thể nào rõ được
YE3: Ước gì em cũng yêu anh

3.2. Thiết kế bảng câu hỏi

Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 với mức độ đo lường từ 1-5 (từ "Hoàn toàn không đồng ý" đến "Hoàn toàn đồng ý") để đánh giá mức độ không đồng ý hoặc đồng ý của người tham gia khảo sát về các phát biểu.

3.3. Tính toán số mẫu

Theo tính toán của anh, số mẫu cần thiết anh cần là 1, mà không ai khác là chính anh.

3.4. Phương pháp tiếp cận mẫu

Rất đơn giản, anh dùng phương pháp tự hỏi chính mình.

-

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1. Đặc điểm mẫu

Bảng 1: Đặc điểm nhân khẩu học

4.2. Độ tin cậy thang đo

Sau khi khảo sát trên thang đo Likert 5 (từ Rất không đồng ý đến Rất đồng ý), nhận thấy đáp viên trả lời điểm 5 cho tất cả các biến.

Theo (Fornell & Larcker, 1981), giá trị hệ số Cronbach's alpha phải lớn hơn ngưỡng 0.7 để thể hiện tính nhất quán bên trong, sự tương quan chặt chẽ giữa các biến quan sát cùng đo lường một khái niệm. Giá trị độ tin cậy tổng hợp (CR) được sử dụng để đánh giá độ tin cậy của các thang đo. Giá trị CR phải lớn hơn ngưỡng 0.7 để xác định mối quan hệ giữa các biến (Henseler & Sarstedt, 2013).

Thế nhưng anh nghĩ anh không cần đến những thứ đấy nữa. Vì trái tim anh sẵn sàng trao cho em là minh chứng đáng tin cậy nhất anh có thể đưa ra rồi.

4.3. Đánh giá mối quan hệ tác động và độ phù hợp tổng thể của mô hình

Ở phần này, có ba điều anh muốn nói với em:

Anh đang rất nghiêm túc.

Những cảm xúc nhỏ bé nọ lớn dần lên theo thời gian. Càng ở gần em, chúng càng khó có thể kiểm soát. Anh nghĩ và nhớ về em rất nhiều, anh nằm mơ cũng thấy em ở cạnh anh, vai kề vai, má kề má, tóc mai kề tóc mai. Em đẹp đẽ, dễ thương, em là mọi điều anh thích về vẻ bề ngoài; thế nhưng khi gom đủ dũng khí tiến đến gần em rồi, anh mới nhận ra rằng: em cũng là mọi điều anh thích về con người bên trong. Em tốt bụng, săn sóc, bao dung, hiền hòa, vui tính. Anh biết đây không phải tiết tập làm văn của học sinh tiểu học, nhưng nếu có thể, anh muốn viết về em bằng những từ ngữ mỹ miều nhất. Anh vẫn thường hay bảo, không ai là hoàn hảo cả, và chính anh cũng không thể nào với tới hai chữ đó. Nhưng yêu em rồi, anh mới nhận ra rằng: thì ra, trong mắt người có tình, người họ yêu sẽ trở thành người hoàn hảo nhất.

Chuyện anh tham gia nhóm dự án không phải tình cờ. Đúng là anh không hề nghĩ tới việc Jay sẽ đăng bài tìm thành viên cho nhóm nghiên cứu của các em – dự án nghiên cứu là một cây cầu bớt gập ghềnh hơn Jay bắc cho anh, và anh rất biết ơn vì điều đó. Song, dù không có bài đăng ấy, anh cũng đã chuẩn bị tìm mọi cách để đến gần em. Anh buộc phải làm thế trước khi trái tim ảnh nhảy xổ ra khỏi lồng ngực, máu thịt be bét tìm đến em. Thế thì sẽ dọa sợ em mất.

Từ lâu, những cảm xúc nhỏ xíu trong anh đã hóa thành vũ bão, xoáy tròn trên không rồi lắng lại thành hai chữ yêu em. Theo phân tích chủ quan của anh, mô hình nghiên cứu của anh rất chuẩn, và toàn bộ giả thuyết của anh đều được chứng minh là chính xác.

Hay nói cách khác, ngắn gọn và súc tích hơn:

Anh yêu em.

-

5. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

5.1. Kết luận

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định "những điều lặt vặt" có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến "cảm xúc chưa gọi tên" ở đầu đề, mà bây giờ anh xin phép gọi là tình yêu. Tình yêu của anh với em. Tình yêu anh mơ với em. Tình yêu anh khát cầu cho hai ta.

5.2. Đề xuất

Vì anh yêu em nhiều, anh đề xuất Jake cho phép anh làm bạn trai em. Tất nhiên, trong trường hợp em không muốn điều đó (chỉ nghĩ đến khả năng ấy thôi cũng làm anh đau đớn), em có thể đánh trượt đề tài này. Nhưng nếu em cảm thấy đề xuất của anh phù hợp dù chỉ là một chút anh sẵn sàng chờ đến khi em bị thuyết phục hoàn toàn và trao anh một giải A trọn vẹn.

5.3. Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Như em đã biết, hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là thiếu đi tính khách quan. Dẫu sao thì tình yêu của anh là do chính anh nuôi dưỡng, nên rất khó để có mặt người khác trong đề tài này. Tuy nhiên, nếu em cho phép, anh sẵn sàng để thế giới ngoài kia góp mặt trong lần nghiên cứu tiếp theo mà anh vẫn hằng mơ về mỗi đêm: Mô hình nghiên cứu Bên em và bên em mãi mãi.

-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Fornell, C., & Larcker, D. F. (1981). Evaluating structural equation models with unobservable variables and measurement error. Journal of marketing research, 18(1), 39-50.

Henseler, J., & Sarstedt, M. (2013). Goodness-of-fit indices for partial least squares path modeling. Computational statistics, 28, 565-580.

Thụy Ân (2023). 19 dấu hiệu bạn đang yêu. Truy cập tại VNEXPRESS. https://vnexpress.net/19-dau-hieu-ban-dang-yeu-2838619.html

Trần Hữu Thắng (2023). Suy nghĩ. Đại đoàn kết. Truy cập tại https://daidoanket.vn/suy-nghi-10241210.html#:~:text=Suy%20ngh%C4%A9%2C%20suy%20ng%E1%BA%ABm%2C%20suy,Tranh%20mang%20t%C3%ADnh%20trang%20tr%C3%AD.

-

PHỤ LỤC

(Jake ơi, liệu anh có được giải A không?)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro