Mối Chúa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

MỐI CHÚA

Kính cẩn tưởng niệm:
Ba mươi năm ngày mất của Bà nội
Hai mươi năm ngày mất của Mẹ
Mười lăm năm ngày mất của Bố
Và để kính lễ Đức  Ngài linh thiêng,
người luôn trở lại thế gian
trong những giấc mơ của tôi.
 

                                         LỜI TÁC GIẢ

CHO LẦN XUẤT BẢN ĐẦU TIÊN

Từ bé tôi luôn đau khổ với cái tên Đãng của mình. Cô giáo chủ nhiệm hồi tôi học lớp năm thì bảo tôi có một cái tên khi gọi thấy đau hết cả miệng! Nó luôn bị biến thành Đăng, thành Dũng, ngay cả khi tôi đã cẩn thận đánh vần cho người gọi, người đọc, người chép nào đó từng âm từng tiết một, nói rõ luôn cả dấu ngã. Vậy mà có tới 99 phần trăm sau đó vẫn nhầm! Nhưng nếu thế thì chưa phải bi kịch. Tôi suýt còn gặp nạn lớn chỉ vì cái tên có âm trúc trắc đó. Tôi đã kể lại vấn đề này trong một bài viết có đầu đề Nhớ lại để cười, thuât lại căn nguyên ra đời truyện ngắn Người khác đầy tai ương. Đôi khi tôi nghĩ, đời mình khốn nạn ngay từ cái tên.
Muôn sự chỉ tại bố. Bố tôi luôn là người muốn sơ lược hóa tối đa mọi chuyện. Đặt tên con, có gì mà phải cầu kỳ, khi nó chỉ như một thứ ký hiệu để gọi và phân biệt người này với người kia. Tên anh họ tôi là Vinh, ra đời trước mấy tháng, thì tên anh ruột tôi còn phải chọn đâu xa mà không là Quang (Vinh Quang), sau Quang là Đãng (Quang Đãng), quá thuận miệng và dễ nhớ. Chấm hết. Chả cần phải mang theo nghĩa bóng nghĩa gió nào cả.
Nào ngờ, khi đọc bộ Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, tôi sướng phát điên khi cái tên mình, khô khóc và khó phát âm thế, hóa ra cũng có nghĩa nếu luận theo tiếng Hán. Đãng, được Phùng Hữu Lan giải thích là trừ hại. Ô kìa, chả lẽ chó ngáp phải ruồi là chuyện có thật! Một cái tên đặt cốt cho có, hoàn toàn ngẫu hứng dựa theo một cái tên khác, lại mang một ý nghĩa không đến nỗi nào. Từ đó, tôi cứ thấy âm ỉ một thứ khoái cảm rất trẻ con.
Nhưng phải mới đây, nhờ Cục xuất bản In và Phát hành, tôi mới nhận ra gái trị hiển nhiên của cái tên bố đặt cho, gọi là tên cúng cơm. Cục nhắc Nhà xuất bản bằng một công văn có số má đàng hoàng (1), yêu cầu Nhà xuất bản nghiêm khắc nhắc tôi không được tiếp tục dùng cái tên Tạ Duy Anh khi ký biên tập, mà nhất định phải là Tạ Viết Đãng, như ghi trong chứng chỉ hành nghề. Đã là luật thì không chuyện du di, chiếu cố. Vốn cũng là người thượng tôn pháp luật có phần còn thái quá, bản tính lại nhát, tôi răm rắp chấp hành mà không có ý kiến gì. Thế là bạn bè bắt buộc phải quen với cái tên Đãng bị chính tôi biến thành ra lạ hoặc với cuộc đời chả ra gì của mình.
Để chuộc lỗi bất kính với cụ thân sinh, đồng thời cho bạn bè thấy, rằng cái tên Đãng cũng xứng đáng là cái tên đặt cho người, chứ không chỉ là một ký hiệu vô hồn, tôi quyết định lấy tên cúng cơm của mình, ghép thêm chữ Khấu, thành Đãng Khấu, làm tên tác giả cho lần in đầu tiên của cuốn sách này, vốn được viết để tưởng niệm ông bà hai bên, bố và mẹ, gọi là báo đáp công sinh thành, dưỡng dục, che chở, phù trợ của các cụ. Ngoài chút tình riêng ấy, chẳng vì bất cứ điều gì khác.
Nay xin kính báo bạn đọc xa gần và mong mọi người rộng lòng thứ lỗi cho sự rắc rối không do cố ý này.
Hà Nội, tháng 3 năm 2017
ĐÃNG
(Tạ Duy Anh)

       VÀO CHUYỆN

Tôi biết mình không có năng khiếu văn chương, vì thế chưa bao giờ mơ trở thành nhà văn. Theo định hướng của bố, tôi quyết định tập trung vào lĩnh vực tài chính. Là con của một doanh nhân nổi tiếng thành đạt và giàu có, tôi có một điều kiện để vào bất cứ trường đại học nào tốt nhất trên thế giới. Nhưng đất nước mà tôi đến du học thì lại được quyết định bởi văn học.
Vào năm cuối cấp của chương trình trung học phổ thông, sau mỗi giờ lên lớp qua loa về môn ngữ văn vốn rất buồn tẻ, cô giáo dạy văn của tôi lại tạt ngang sang mục kể chuyện. Cho đến tận giờ này, dù đã đi gần khắp thế giới, tôi vẫn không tìm được ai có khả năng kể chuyện hấp dẫn như cô. Cô hơi bị gù ở phần vai, nhưng bù lại, có một khuôn mặt đẹp mê hồn. Mỗi khi tưởng tượng về Đức Mẹ Maria, hoặc các nữ thần, gương mặt thánh thiện của cô lại choán lấy tâm trí tôi. Khi cô cất giọng kể, mọi con mắt chúng tôi lại dán vào cặp môi xinh đẹp của cô, còn trái tim thì muốn lao ra khỏi lòng ngực. Với tôi, đôi khi là sự buốt nhói tít đâu đó trong những mạch máu nhỏ li ti bị quá tải. Tôi cứ nhất định rằng, cô là thiên sứ. Cặp mắt ấy, khóe miệng ấy và đặc biệt là thứ giọng trong và vang, không thể là người thường mà có được.
Hồi đó, khi nghe cô giáo dạy văn kể về tác phẩm Jane Eyre của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte (1), tôi cứ mơ ngày nào đó được đến tận xứ sở của nhà văn đó. Sau này tôi có điều kiện tìm hiểu thêm để biết, bà là chị cả của một gia đình có ba chị em gái tài năng và đoản mệnh. Cuối cùng, khi bố tôi đưa ra cho tôi các lựa chọn, chẳng hiểu sao tôi thấy cồn lên từng đợt gió hú của miền Bắc nước Anh, như mô tả trong tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily Bronte (1) . Bản thân bà tác giả cũng là một thiên sứ khác đối với tôi. Và nó có sức hút mê muội không thể nào cưỡng nỗi.
Tôi kể ra như vậy chỉ để nói rằng, văn chương có mối liên hệ mang tính số phận đầy bí hiểm. Bởi vì cuối cùng, dù không muốn, tôi vẫn phải cầm bút để viết cái công việc để không thể gọi khác là viết văn.
Đây thực sự là công việc bất đắc dĩ, sau khi tôi đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết tư liệu có tên Mối Chúa, của một ông nhà văn sống ẩn mình, rất hãn hữu xuất hiện trước đám đông, chỉ trong vòng một đêm. Căn cứ vào sự trang trọng trong lời ông ta đề tặng thần tượng của mình với biệt danh lấy tên một nhà thơ Mỹ nổi tiếng, có thể Mối Chúa là tác phẩm rất tâm đắc của tác giả. Nhưng với tôi thì nó, cái quyển sách tôi đọc chỉ trong trọn vẹn một đêm ấy, sẽ còn là sự thách đố bản lĩnh và khả năng kiềm chế. Đó cũng sẽ là đêm xáo trộn của tôi về mặt cảm xúc, kể từ sau khi bố tôi từ trần. Tôi tưởng mình vừa được sống lại cả một phần đời không chỉ của mình mà còn của cả những người gắn bó với mình thông qua hệ gen đầy bí ẩn. Trong cuốn sách vừa nói, tôi nhận ra mình trong nhân vật Việt. Nhiều chỗ đọc lên tôi thấy nóng cả mặt, tôi cứ như tôi đang ngắm mình trong gương. Với đầy đủ những đường nét cần phô ra và dấu đi của cơ thể rồi cả những suy nghĩ nữa. Đặc biệt, chẳng hiểu sao tác giả lại biết rất chi tiết về chuyện tình của tôi. Tuy nhiên, phần viết về bố tô, thì, phải nói thật, khiến tôi lên cơn sốt. Tác giả rõ ràng có chủ ý cho bạn đọc biết nhân vật chính của câu chuyện là ai, mặc dù tên bố tôi được viết tắt, vì thế tôi tên rằng bất cứ bạn đọc nào cũng sẽ đọc cuốn sách trong tâm thế đang thâm nhập vào một hồ sơ cá nhân , với sự tò mò không thể bỏ dỡ. Chỉ đơn giản, bởi cá nhân ấy đã quá nổi tiếng với tôi, qua cuộc đời thật rất đáng ghen tị và qua vô số sự thêu dệt, cả thân ái lẫn ác ý, có lẽ ác ý là chính. Tôi không quan tâm đến những sự kiện được nêu ra, nhất là một số scandal tình ái gắn bó với bố mình vốn đã bị báo chí, mạng xã hội khai thác triệt để. Chỉ có điều, dưới ngòi bút của tác giả, bố tôi có nguy cơ trở thành một kẻ giống với nhận vật Xuân Tóc Đỏ (1) trong cảm nhận của bạn đọc, hơn là một nhân vật của thời đại mới: trí thức, doanh nhân, với tất cả niềm vinh quang và những bi kịch cay đắng nhưng vẫn vượt qua một cách đầy sức mạnh, để kiến tạo một hệ giá trị mới, như ý tác giả muốn. Sự thành tâm của tác giả là không thể nghi ngờ. Vì thế có thể nói, cuốn sách là minh chứng sinh động cho tình trạng lực bất tòng tâm của người viết. Cũng có thể, đã khiến tác giả bối rối và mất kiểm soát. Vẫn thường xảy ra như vậy trong sáng tác nghệ thuật, như chính lời cô giáo tuyệt vời của tôi nói cách đây hàng chục năm, nhưng hồi ấy tôi không nhập tâm. Rằng, khi nhân vật quá cỡ, thì tác giả có thể bị cớm bởi chính cái bóng của tôi. Trong đời đọc sách, tác giả cũng thể hiện sự khiêm tốn khi nói trước về khả năng này. Nhưng tôi cho rằng, do dựa vào những thông tin bị bóp méo, những thông tin bề nổi được chủ động tạo ra để tung hỏa mù, những thông tin đã qua bộ lọc đầy định kiến của người khác… Khiến tác giả đã  bị lạc hướng mà không biết khi căn cứ vào đó để tạo tính cách nhân vật chính – nhân vật Mr. N. Ông ta là bản copy của bố tôi trong phần tiểu sử, cách ăn nói, hành xử, suy nghĩ (thế mới tệ!), nhưng sự thăng tiến để trở thành giàu có… thì lại gần với kiểu dạng người  mà Xuân Tóc Đỏ là vị tổ sư. Vì nó là tiểu thuyết tư liệu, nên việc thẩm định hàng loạt sự kiện – có thật – và bản chất của những sự kiện ấy, kể cả bối cảnh mà nó ra đời, không gian nó tồn tại đương nhiên là quan trọng do tính thể loại đòi hỏi, thì loại rất hời hợt, nhiều sự kiện được nhìn bằng sự thiên lệch, thậm chí xuyên tạc, dù có thể không cố ý.
Tôi sẽ không đưa ra bình luận, cũng không có ý định gặp tác giả để tranh luận về những chuyện đó, với hy vọng của ông ta sẽ bổ sung khi tái bản. Làm thế tôi tự nhận mình là kẻ yếu đuối và vô lý. Vả lại, trừ những điều đã nói, cuốn sách thực sự rất đáng để đọc. Nhiều kiến giải gắn với một vài sự kiện lịch sử nằm ngoài hiểu biết của tôi nhưng đáng tin về mặt logic và suy đoán, không thể nói là không thú vị. Cũng nhờ cuốn sách tôi mới biết thêm về tiểu sử, hành tung, sự tích, thói quen và nguyên nhân cái chết của một vài nhân vật mà, với tư cách người trong cuộc, tôi không thể có được sự khách quan hay như nhờ Mối Chúa. Nên tôi có cơ hội nhìn từ xa những nhân vật hằng ngày gắn bó với mình, ít ra là trên phương diện quan sát thuần túy, để định hình họ trong tâm trí mình. Một trong những nhân vật như thế sẽ phủ bóng lên cuộc đời chúng tôi và sẽ bám theo chúng tôi cả khi ông ta biến mất khỏi thế gian này.
Tuy nhiên, trên tổng thể, với những gì liên quan đến gia đình mình một cách rõ ràng, tôi không thể dễ dàng chấp nhận nội dung cuốn sách như nguyên bản. Nhưng tôi có thể làm được gì để nói với những ai đã đọc Mối Chúa rằng, nhiều sự thật về gia đình tôi không như cuốn sách đã miêu tả, đó hầu như là việc làm vô vọng! Bởi tuy tác giả lấy khuôn mẫu từ chúng tôi, bao gồm cả những sự kiện liên quan tới nhiều người (rồi quý vị sẽ thấy), lẫn các chi tiết đời tư có khả năng chỉ dẫn cho bạn đọc rằng đó là chúng tôi, không thể chệch đi đâu được, nhưng xét đến cùng thì, họ vẫn không phải là chúng tôi trên phương diện pháp lý! Không thể quy tội bôi nhọ, tố cáo người khác cho tác giả, để bắt ông ta phải chịu trách nhiệm nào đó. Tính chất nguy hiểm này của văn chương đã khiến nó bị cảnh giác và trả giá đau đớn suốt chiều dài lịch sử kể từ khi xuất hiện – tôi đọc được ở đó điều này nhưng nguy hiểm hơn lại ở chỗ, ngay cả một bạo chúa có thể đốt cháy thành La mã chỉ trong một đêm, có thể treo cổ bất cứ cả văn nhân hay triết gia nào, cũng bất lực tuyệt đối trước việc bắt mọi người chối bỏ hoặc không tin cuốn. Bạo chúa còn thế huống hồ tôi! Cuối cùng tôi đi đến quyết định viết lại về mình, bằng hẳn một cuốn sách khác.
Chính là bản tường thuật mà quý vị sắp đọc.
Đây là công việc cực kỳ khó khăn bởi sau khi mọi việc xảy ra (chính là nội dung mà tôi kể lại của cuốn tường thuật này, mong bạn đọc kiên nhẫn chờ), tôi trở thành đối tượng bị báo chí, các đối tác săn lùng khắp nơi. Nhưng khó khăn còn ở cả khía cạnh tâm lý. Liệu rồi chính tôi có làm tồi tệ hơn hình ảnh của bố mình so với chân dung của ông trong Mối Chúa, còn hơn viết lại mà không  hơn gì! Ý nghĩa u ám này khiến tôi mất nhiều thời gian để do dự.
Nhưng rất may cho tôi là trong suốt thời gian đánh vật với chữ nghĩa, tôi luôn có sự trợ giúp hào hiệp của nhà văn L.T (tôi xin được kính cẩn viết tắt tên ông), một người thường khiến phụ nữ chết khiếp sẽ không hề vòng vo khi chỉ ra cho tôi những chỗ cần phải sửa chữa hoặc viết lại. Ông cũng can dự khá toàn diện và khó chịu vào việc tạo nên bố cục  của cuốn sách. Ông khiến tôi sau đây muốn từ bỏ vĩnh viễn ý hướng cầm bút tiếp, bằng chính vẻ mặt khắc khổ như bị trời đày của ông. Nghề văn, như những gì tôi thấy qua ông, không giành cho người yếu bóng vía và hám danh.
Đó là lý do ra đời cuốn sách mang tính tường thuật này. Nói là tường thuật, tôi chỉ muốn hàm nghĩa nó được kể lại thuần túy, một cách trực tiếp và thấy thế nào thì nói lại y như vậy. Tôi không dám coi nó là một tác phẩm văn học, mà chỉ như một phụ lục đi kèm, với ý đồ đính chính hoặc bổ sung, tùy từng ngữ cảnh và sự kiện, và tiểu thuyết Mối Chúa. Một cách nào đó có thể hiểu là tôi muốn viết lại Mối Chúa theo cách thức của tôi và trên cơ sở những sự thật tôi có. Tôi sẽ để nguyên những gì trích ra từ Mối Chúa khi thấy nếu mình có thể kể lại thì cũng không đặc sắc hơn – cả về độ chính xác của sự kiện, lẫn nội dung được miêu tả - so với những gì tác giả Mối Chúa đã đạt được. Những phần như vậy đều được tôi ghi chú rõ ràng để không ai có thể lầm lẫn. Rất may cho tôi, tiểu thuyết Mối Chúa tác giả đặt tiêu đề riêng cho từng chương, còn tường thuật của tôi thì ngắn gọn bằng việc ghi rõ tên văn bản kèm chữ số La mã.
Vì vậy, bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên, có thể khó chịu nữa và tôi xin được thứ lỗi trước về điều này – khi thấy trong cuốn sách, ở một vài chỗ có hai giọng kể biệt lập, giữa hai con người không hề liên quan gì đến nhau (tận giờ này, sau vô vàn cảm xúc xáo trộn gây ra bởi Mối Chúa, tôi vẫn chưa có ý định gặp tác giả của nó) nhưng cùng đề cập đến một chủ đề, một sự kiện hoặc nhân vật nào đó. Và mặc dù những đoạn như thế không nhiều, chỉ chiếm một phần nhỏ dung lượng của những gì tôi sẽ tường thuật, nhưng để tôn trọng tác giả - vì ít ra thì ông cũng đã mất nhiều công để thu thập tư liệu về bố tôi, dòng họ nhà tôi và nhiều chỗ với một thiện cảm rõ ràng, hơn nữa tác phẩm của ông là nguyên nhân để có bản tường thuật này, lại cũng đã ăn sâu vào trí nhớ một số đọc giả - tôi vẫn lấy đầu đề cuốn tường thuật là Mối Chúa. Nhưng do lường trước tới một sự lẫn lộn thảm họa nào đó, cho cả tác giả tiểu thuyết, người viết tường thuật lẫn bạn đọc, nên tôi mong bạn đọc mặc nhiên coi đây là Mối Chúa bản phụ, nghĩa là luôn còn ở đâu đó một tiểu thuyết Mối Chúa bản chính.
Bây giờ tôi xin được bắt đầu bản tường thuật...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro