Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cột đèn giao thông chỉ có hai màu xanh đỏ

Tôi có thể hòa đồng với tất cả mọi người. Từ cấp một đã vậy, chứng kiến nhiều cuộc cãi vã giữa bạn bè cùng lớp, tôi luôn là người giúp hòa giải.

Vì lành tính, biết lắng nghe nên tôi nghiễm nhiên trở thành nơi để mọi người trút bầu tâm sự. Giống như cha xứ nghe con chiên xưng tội trong một căn buồng hai ngăn. Trước giờ tôi không có bạn thân thực sự.

Mong ước lớn nhất của tôi khi vào cấp ba đó là có một người bạn. Người nào đó làm bạn với tôi đơn giản chỉ bởi con người tôi chứ không phải vì những lí do khác.

Lớp tôi học có ba mươi bảy người. Ai cũng có ưu điểm riêng: thông minh, cá tính, cởi mở... Lớp học giống như một xã hội thu nhỏ, cần có người lãnh đạo. Chúng tôi mới vào, chưa biết rõ nhau nên cô giáo chọn ra vài bạn có điểm đầu vào cao nhất tạm thời đảm nhận chức vụ cho đến đại hội chi đoàn. Ba bạn đó là Hải Anh, Minh Anh và Tuấn.

Cá nhân tôi nghĩ chẳng cần bầu lại. Các bạn ấy có đầy đủ tố chất lãnh đạo rồi, bao nhiêu năm kinh nghiệm làm tư vấn viên miễn phí nên tôi thấy mình cũng khá có mắt nhìn người. Quả nhiên, kết quả sau khi biểu quyết vẫn thế.

Hải Anh sôi nổi, cầu toàn; Minh Anh vui vẻ, biết quan tâm; Tuấn mọt sách thì khá ngây ngô, thân thiện.

Một lần tình cờ xe đạp hỏng, chiều lại có tiết, tôi xin bố mẹ ở lại trường buổi trưa. Ba người họ cũng ở lại nên rủ tôi cùng ăn cơm. Khi tôi nói sẽ ra cổng mua tạm cái bánh mỳ, Hải Anh dứt khoát không chịu, Minh Anh cũng nói bạn ấy đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, Tuấn cười bảo “Nếu ngại thì cậu có thể mua đồ uống”, tôi vui vẻ đồng ý.

Đợt bầu ban cán sự, trước nỗ lực PR điên cuồng của Hải Anh, nào là “hiền nhất quả đất”, “gương mặt phúc hậu” rồi cả “giàu lòng thương người và động vật”... tôi giữ chức thư kí kiêm thủ quỹ cùng ba người họ. Về sau chúng tôi đều hẹn trước nếu muốn ở lại, y như cắm trại trong lớp học, vui cực kì.

Trước giờ tôi vẫn luôn là người ngoài cuộc. Những cuộc vui tôi tham gia chỉ vì mọi người nghĩ tôi sẽ tủi thân nếu không được mời.

Tôi giống cái cột đèn giao thông hàng ngày đứng nhìn người ta dừng rồi lại đi. Khi đèn hỏng hay mất điện thì chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Giờ tôi thấy mình biến thành mợ ba trong một gia đình bốn người.

Tôi đã tìm được những người bạn tốt nhất như vậy đấy.

Hãy cười thật nhiều trước khi niềm vui trở thành những bức ảnh

Tôi không nhớ đã nghe câu nói ấy ở đâu, cũng không chắc có nhớ đúng không. Hằng ngày đạp xe qua hai ngã rẽ, một cây cầu, trạm cứu hỏa, ủy ban phường, một trường đại học, năm bến xe buýt và hàng chục căn nhà, cửa hàng tạp hóa để đến trường, lòng tràn đầy hứng khởi. Mỗi ngày đều lấp lánh, rực rỡ như màu sắc trong bức họa của Klimt.

Khắp các ngõ ngách của thành phố này đều in dấu chân bốn chúng tôi. Sáng thứ tư hàng tuần chúng tôi giúp Hải Anh trong chương trình radio của trường. Đôi khi rảnh bọn tôi lại đến quán phở của bác Minh Anh rửa bát, quét dọn để đổi lấy bữa ăn miễn phí.

Mỗi lần đến nhà Tuấn chơi là y như rằng được bà nội chiêu đãi món hoa quả dầm ngon ngất ngây. Mọi người cũng đến thăm cả sở thú nhà tôi nữa. Hai con Husky to bự của bố mẹ, mèo mướp của tôi, bốn cái lồng chim của ông nội, con vẹt của cậu em và một cơ số côn trùng với loài bò sát khác. Gia đình tôi xứng đáng được Hiệp hội bảo vệ động vật trao tặng bằng khen.

(o^..^o)

Kỉ niệm hai mươi năm thành lập trường vào năm thứ hai, cả lớp đều dốc sức chuẩn bị: trang trí lều trại, báo tường, tập văn nghệ... các hoạt động đã rục rịch trước đó cả tháng.

Mấy bạn nữ đến nhà tôi làm bộ váy bằng nilon để tối hôm đó trình diễn. Đám con trai vụng về thể hiện sự quan tâm bằng cách mua đồ ăn vặt tới. Ngôi nhà nhỏ bỗng chốc được đón tiếp hơn hai mươi vị khách, ai cũng đáng yêu. Lũ thú cưng chưa từng được nhiều người vuốt ve, chơi đùa đến thế. Khung cảnh loạn như giữa một trận đánh. Tiếng cười nói, hò hét, tiếng kêu cứu, tiếng đồ vật va vào nhau ồn ào hơn cả cái chợ.

Trại lớp tôi không được giải, trang phục thì được khuyến khích nhưng bọn tôi vẫn vui vẻ nắm tay nhau chạy vòng quanh khi lửa bùng lên, vẫn hồn nhiên giành nhau củ khoai, miếng sắn vừa nướng trong đống lửa.

Mấy đứa ngồi quây quần một góc, tưởng tượng ra viễn cảnh mười, hai mươi thậm chí một trăm năm nữa khi tất cả đã hóa người thiên cổ.

-         Đến lúc ấy tớ sẽ cầm đầu lũ ma K19 về quậy lũ nhóc một trận ra trò. Ha ha ha – Hải Anh rất thích bắt nạt mấy em khóa dưới.

-         Thế không định đầu thai mà cứ làm ma vất vưởng mãi à? – Minh Anh bắt bẻ.

-         Cái Lan mấy lần ăn táo toàn vứt hột ra cửa sổ. Nó bảo vứt ra đấy cho cây nó mọc lên, mấy năm nữa về trường còn có táo ăn. Sau này có khi còn được người ta dựng miếu thờ ở gốc cây cũng nên – Hạnh, bạn chí cốt của Lan cho hay.

-         Sau này thành tỉ phú tao sẽ xây tặng trường một cái kí túc to đẹp như khách sạn năm sao. Mỗi phòng hai người ở, lắp đầy đủ nóng lạnh, điều hòa, TV, tủ lạnh...có cả khu thể thao, ăn uống, giải trí riêng.

-         Nói cứ như thật ấy.

Không biết ngôi trường có tồn tại được đến ngày ấy không. Không biết sau này cuộc đời sẽ dẫn chúng tôi theo những ngả nào. Chỉ biết tôi của hiện tại đang cười nhiều nhất, thành thật nhất kể từ khi sinh ra đến giờ.

Ranh giới mỏng manh. Những cảm xúc không thể kiềm chế

Lớp mười hai đến cùng với những lo toan, bề bộn, những hoạch định, lo nghĩ cho tương lai. Cô giáo chủ nhiệm về hưu, giáo viên mới được phân về lớp tôi.

Bốn chúng tôi cũng ít tụ tập chơi bời mà hay gặp người nọ người kia ở thư viện, hiệu sách, lớp học thêm hơn. Hải Anh và Minh Anh hẹn sẽ cùng thi một trường, Tuấn cũng đã có sẵn hướng đi cho bản thân, còn tôi vẫn loay hoay ở vài lựa chọn đơn giản, điển hình của khối D. Tôi không rõ bản thân muốn gì, giỏi cái gì bởi kết quả môn nào cũng tàm tạm.

Tuần trước chúng tôi làm bài kiểm tra để chọn tám người vào đội tuyển. Sau đó dựa vào kết quả thi học sinh giỏi thành phố để chọn tiếp sáu người đi thi quốc gia.

Mọi người đều muốn có tên trong danh sách vì nếu đạt giải sẽ rất có lợi khi thi đại học. Nhưng áp lực cạnh tranh cao, nhiều bạn làm bài cũng chỉ để thử sức chứ không hy vọng nhiều. Tôi cũng vậy. Bọn tôi có thể đoán trước những ai sẽ được vào. Tuấn, Minh Anh, Ngọc, Quân...những cái tên kì nào cũng giành học bổng. Bất ngờ là Hải Anh không nằm trong số đó.

Minh Anh học đều tất cả các môn nên Ngoại ngữ không đặc biệt giỏi, nhưng bạn ấy chăm chỉ hơn bất kì ai. Hải Anh chắc sốc lắm vì đặt rất nhiều hi vọng vào bài kiểm tra này.

Tôi chưa kịp phát huy sở trường an ủi, động viên người khác thì đã nghe tin Hải Anh gặp cô để xin kiểm tra lại. Điều tôi không ngờ tới là bạn ấy chỉ cầm mỗi bài của Minh Anh lên để so sánh. Cô giáo không hiểu sao lại đồng ý cho hai người làm lại.

Đề bài trước chủ yếu là ngữ pháp, cấu trúc câu, lần này lại thiên về từ vựng. Kết quả Hải Anh thay thế Minh Anh trong đội tuyển trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi bị bủa vây giữa hàng loạt tin đồn, những lời nhận xét cả tốt lẫn xấu.

-         Cái Hải Anh cũng quá đáng thật. Người khác thì không nói làm gì, đằng này bị chính bạn thân đâm cho một nhát.

-         Nghe bảo lớp mình có đứa đi biếu xén cô giáo chủ nhiệm để tránh điểm liệt đấy. Biết đâu bố mẹ Hải Anh cũng...

-         Cô giáo mình có họ hàng với thầy hiệu trưởng cơ mà.

-         Thảo nào, làm gì có chuyện mới về trường đã được chủ nhiệm lớp 12 chứ?

-         Này, cậu có chính mắt nhìn thấy bố mẹ Hải Anh đến gặp cô không? Không biết thì đừng có ở đấy nói bừa.

-         Phải đấy, Hải Anh trước giờ làm gì cũng quang minh chính đại, bài của Minh Anh rõ ràng có lỗi sai, kiểm tra lại là đúng rồi.

Người trong cuộc còn chưa lên tiếng mà quần chúng đã tranh luận sôi nổi đến thế. Tôi không rõ đây có phải là dấu chấm hết cho tình bạn giữa hai người không, chỉ là sau đấy hiếm khi thấy hai người nói chuyện trực tiếp với nhau, không còn cười đùa, về chung hay buôn điện thoại đến nửa đêm nữa.

Nỗ lực hòa giải của tôi và Tuấn chỉ nhận được sự thất vọng. Hải Anh khăng khăng cho rằng mình không làm gì sai, sao phải xin lỗi. Minh Anh thì chán nản lắc đầu “Nếu muốn xin lỗi thì mình cũng không cần”. Bố mẹ bạn ấy còn cấm bạn qua lại với Hải Anh. Tôi lại trở về làm cái bình để mọi người trút gánh nặng tinh thần.

Những tin đồn tam sao thất bản kiểu này chẳng mấy chốc đến tai cô. Giờ sinh hoạt cuối tuần căng thẳng hơn bao giờ hết. Cô giáo bình thường nhẹ nhàng nhưng gặp chuyện thì rất nghiêm khắc. Tôi trước giờ không ghét nhưng cũng không đặc biệt thích cô.

Cô biết các em có nhiều điều không hài lòng về cô. Cũng biết các em thích cô chủ nhiệm cũ hơn. Nhưng hoàn cảnh như vậy cô và các em vẫn phải gặp nhau cho đến lúc tốt nghiệp. Nếu trước giờ có gì không phải thì cô xin lỗi.”

Cô im lặng một lúc lâu rồi kể cha cô trước đây rất nghiêm khắc, luôn cấm đoán cô đủ chuyện. Ông cũng thường đánh mắng khi cô không vâng lời. Cô luôn cảm thấy bức bối, ngột ngạt.

Hè năm thứ hai đại học, cô quen một người bạn ở trong Nam, người này rủ cô vào trong đó chơi. Cô rất muốn đi nhưng cả cha mẹ đều phản đối. Cô nghĩ mình đã hơn hai mươi tuổi rồi, có thể tự mình quyết định việc gì nên và không nên.

Cô đã trốn đi chơi, thậm chí tắt điện thoại mấy ngày liền. Khi trở về cô nghe tin cha phải nhập viện. Không thể tin là người cha lúc nào cũng mạnh mẽ của cô lại mắc bệnh ung thư gan. Mấy hôm cô vắng nhà ngày nào cha cũng ra ga tàu đợi đến tối. Cô rất hối hận, cũng khóc rất nhiều, giờ chỉ ước lại được nghe mắng lần nữa.

Lúc bằng tuổi các em, cô cũng ham chơi, thích ăn vặt, thích tụ tập, buôn đủ thứ chuyện trên giời dưới biển. Có câu nói tưởng vô hại nhưng thật ra lại đau như xát muối. Cô không thể cấm các em không được nói về người này người kia, nhưng trước khi làm thế các em hãy đặt mình vào vị trí người đó”.

Everything’s gonna be alright

Sau đấy tôi có nghe những từ như “thẳng thắn”, “tâm lý” hay “kịch”, “giả tạo” của vài bạn khi nói về cô. Trong mắt chúng tôi, người lớn là những sinh vật không biết nói xin lỗi. Vậy nên khi cô trải lòng như vậy, đối với vài bạn nó giống như một lời nói dối, có lẽ khi lớn hơn chúng tôi mới có thể hiểu sự quan tâm ấy là chân thật.

Quay lại chuyện của bốn chúng tôi.

-         Không thể để yên như này được, cứ thế thì hai người sẽ không bao giờ làm lành mất – tôi nói với Tuấn.

-         Tớ nghĩ bọn nó muốn gặp nhau lắm rồi, chỉ là không ai chịu mở lời trước, cả hai đều cứng đầu kinh!

-         Vậy chỉ cần bọn mình tạo cớ thôi nhỉ!?

-         Ừ! – Tuấn gật đầu.

Kế hoạch của tôi đó là đánh vào điểm yếu để đối phương tự phất cờ trắng đầu hàng. Cụ thể là tôi phụ trách Hải Anh, Tuấn tác chiến bên Minh Anh. Mấy buổi sáng liền để trước cửa nhà mỗi đứa món trà sữa khoái khẩu, kèm theo đó là một mẩu note nhỏ ghi vài thông điệp như “I’m sorry”, “I miss you”.

Giờ G đã điểm, hai bên đã có dấu hiệu mềm lòng. Trên lớp, người này thi thoảng lại lén nhìn người kia. Chúng nó tưởng không có ai để ý nhưng mọi động thái của cả hai đều không qua nổi con mắt quan sát tinh tường của tôi và đồng đội Tuấn.

Đòn quyết định là đây, tôi và Tuấn lén lấy điện thoại của hai người và mạo danh nhắn cùng một tin cho người kia. “3h thứ Bảy ở ghế đá công viên mọi khi. Không gặp không về.” Nhiệm vụ của bên thứ ba thế là xong, kết quả thế nào phụ thuộc và hai người.

Ấy thế mà hai đứa tôi ẩn nấp nửa ngày trời vẫn không thấy bóng dáng nhân vật chính đâu. Tuấn vò đầu bứt tai nghĩ xem mình đã sai sót ở chỗ nào. Tôi thì buồn muốn khóc.

Trên đường về Tuấn phải động viên tôi. Nào là “Mọi chuyện sẽ ổn thôi” rồi thì “Tớ không tin mười mấy năm tình bạn của hai đứa lại không bằng một bài kiểm tra”. Tôi chỉ thấy mọi hy vọng đã tắt ngấm. Lời xin lỗi nếu không nhanh nói ra sẽ giống như lực đẩy vô hình tách hai người ra xa mãi mãi.

-         Ê sao trông cái mặt như vừa mất sổ gạo thế kia.

-         Đội hòa giải gương mẫu của tổ dân phố đã bỏ cuộc rồi à?

Trước hai cặp mắt trợn tròn của tôi và Tuấn, hai cái người cả tháng trời không nói với nhau câu nào kia đang khoác vai bá cổ, cười tươi như vừa trúng số.

Thì ra hôm bọn tôi bắt đầu tiến hành kế hoạch, hai đứa nó đã gặp nhau rồi. Những trò tiếp theo của bọn tôi đã bại lộ, hai đứa cứ giả vờ chưa làm lành để xem kịch hay.

Kết quả, hôm nay ở quán sinh tố bên kia đường có hai con bé cười như bị động kinh. Cũng phải thôi, bộ dạng lén lút của tôi và Tuấn cũng khiến không ít người nhìn vào với con mắt ái ngại.

Tôi chẳng bận tâm, miễn sao hai đứa nó không còn chiến tranh lạnh nữa. Hải Anh tinh quái còn quay cả clip. Bọn tôi chụm đầu vào xem và cười nắc nẻ.

Khi gần về đến nhà, Tuấn nhìn tôi cười nói “Thấy chưa, tớ đã bảo là mọi chuyện sẽ ổn thôi mà”. Tôi cũng cười, gật đầu “Ừ. Bye bye” rồi quay ra chào cậu ấy.

Khi cái bóng cao gầy sắp khuất, tôi khum tay hét lớn “Cảm ơn cậu nhé!”. Cậu ấy hơi khựng lại rồi giơ cả hai tay lên vẫy “Chúc ngủ ngon”. Tôi vừa vẫy tay vừa nhảy lên.

Dù trời tối nhưng tôi biết cậu ấy cũng đang cười giống tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro