#2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trọn vẹn yêu thương

Ngô Đỉnh

Tổ tiên nhà ông tám đời làm nghề nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Một lần ông có cơ hội đến thành phố, thấy các toà nhà cao vút mọc lên như nấm, người người đi lại ồn ào tấp nập, ông nghĩ rằng làm người thành phố sẽ an nhàn và sung sướng hơn. Nhưng rồi ông lại nghĩ, đó không phải là cuộc sống của mình. Rồi một hôm ông phát hiện ra rằng con mình rất thông minh. Đột nhiên ông có ý muốn cho đứa con mà ông yêu quý nhất được trở thành người thành phố, để cuộc sống của con sau này tốt đẹp hơn.

Muốn con trở thành người thành phố, cách đơn giản nhất (cũng có thể là khó khăn nhất) là cho con học đại học. Hai vợ chồng ông chỉ trồng hai mươi mét vuông ruộng, thu nhập chỉ đủ ăn. Ông đi vay lãi khắp nơi để đưa con vào học trường cấp ba trọng điểm trong thành phố. Người con ham học, có chí tiến thủ cũng không phụ lòng vợ chồng ông.

Năm 2000, con ông thi đỗ vào trường Đại học Bắc Kinh. Lúc đó, khoản nợ của ông đã lên tới gần mười vạn. Tất cả các nhu cầu chi tiêu của con ở trường dù nhiều hay ít ông đều chu cấp đầy đủ. Chỉ duy nhất có một lần, con xin ông đi leo núi là ông do dự. Tuy nhiên, ông chỉ do dự một lát, sau đó đồng ý và đi vay tiền gửi cho con. Vì ông không thể để thầy giáo và các bạn cùng lớp nói con không thích tham gia các hoạt động tập thể.

Thế nhưng lần này con ông đi chơi mãi vẫn chưa thấy về. Khi nhà trường mời hai vợ chồng ông lên Bắc Kinh, ông mới biết cả đoàn tham quan của con ông đã đi vào vùng tuyết lở. Ông đau đớn vô cùng nhưng không khóc mà vẫn tỏ ra mạnh mẽ để chăm sóc người vợ cũng đang đau đớn đến đứt từng khúc ruột. Ông luôn động viên vợ bớt buồn đau.

Nhiều người nhà của các sinh viên gặp nạn đều nêu ra một vài yêu cầu đối với phía nhà trường. Nhà trường phải có trách nhiệm hoàn toàn trong chuyện này, nhà trường phải đáp ứng các yêu cầu của họ. Những người này lần lượt gặp phía nhà trường và đòi thương lượng. Cả hai phía đều bế tắc. Cuối cùng, phía nhà trường chọn mấy gia đình tiêu biểu để nói chuyện, cố gắng thuyết phục họ rằng hậu sự đã giải quyết xong rồi bảo họ về. Những gia đình tiêu biểu có con em gặp nạn đã nói với tất cả mọi người, nếu nhà trường không đáp ứng yêu cầu của họ thì tuyệt đối họ không đi đâu cả.

Sau khi nghe phía nhà trường nói rằng mọi chuyện hậu sự đã giải quyết xong, đến ngày thứ hai, ông đưa vợ lặng lẽ rời khỏi Bắc Kinh về quê và không nói gì với những người khác.

Ông vừa về đến nhà thì có điện thoại từ Bắc Kinh gọi đến. Một trong số phụ huynh có con gặp nạn nói: "Sao ông lại có thể bỏ đi mà không nói gì cả? Chuyện của con chúng ta không thể kết thúc như vậy được. Hơn nữa, con ông là đứa chết oan uổng nhất. Đáng lẽ ra cháu đã không chết, vì cháu không ở tổ A mà ở bộ phận hậu cần của tổ C. Nhưng nhà trường đã tạm thay đổi tổ của cháu. Chúng ta cứ tiếp tục kiên trì đi, họ sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của chúng ta. Lúc đó ông sẽ có được một khoản tiền... Bây giờ tại sao ông lại làm như vậy? Ông không thương con mình hay sao?".

Ông lặng im không nói gì. Người kia nói tiếp, giọng gắt gỏng: "Sao rốt cuộc ông lại lặng lẽ bỏ về? Ông nói đi!".

Ông nghẹn ngào nói: "Bác thương con, tôi cũng thương con lắm chứ. Chỉ vì quá thương con mà tôi mới làm như vậy... Bởi vì con tôi ở trường được thầy cô khen ngợi, bạn bè yêu quý. Tôi lo rằng chúng ta cứ tiếp tục đẩy nhà trường vào thế bế tắc như vậy thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con tôi...".

Người kia không nói gì nữa. Một lát sau thì điện thoại bị ngắt. Sau đó thì các phụ huynh ấy cũng rời Bắc Kinh. Sự căng thẳng giữa nhà trường và các phụ huynh có con gặp nạn đã được giải quyết như vậy.

..........Suy ngẫm:

Tình yêu của người cha không có khoảng cách không gian, thời gian, cũng không vụ lợi, đó là tình cảm mộc mạc, nồng hậu. Người cha trong câu chuyện này có tình thương con sâu nặng, lúc nào ông cũng nghĩ cho con dù con mình còn sống hay đã chết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro