Mối quan hệ nhà-làng nươc (st)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

MĐ:

Xuyên suốt Lịch sử dân tộc Việt Nam là một chuỗi dài những cuộc đấu tranh, kháng chiến trường kì để bảo vệ độc lập và chủ quyền của dân tộc, giặc ngoại xâm luôn hùng hổ, mạnh mẽ âm mưu thống trị nước ta, song với một truyền thống kiên cường bất khuất và trí tuệ của nhân dân ta, trong hầu hết các cuộc đấu tranh nhân dân ta đều giành được độc lập. Bởi thế cho nên, lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, quan trọng hơn nữa lịch sử dân tộc là lịch sử của một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, lịch sử của tình đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo và mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ trong một cộng đồng lớn Nhà - Làng - Nước

Có một điều nổi bật là trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế người Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành qua nhiều thời đại và chịu nhiều thử thách của không gian và thời gian mà vẫn không ngừng tiến lên khẳng định tính bền vững của bản sắc văn hóa. Có được bản lĩnh và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc để có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chúng ta không thể không nói đến vai trò quan trọng của làng xã, của gia đình.

Nhà- Làng- Nước là ba thực thể xã hội với ba cấp độ khác nhau về không gian kinh tế- xã hội nhưng lại có mối liên quan, liên kết chặt chẽ. Sự thống nhất giữa Nhà- Làng- Nước đã tạo nên một sức mạnh lớn đưa đất nước Việt Nam vượt qua biết bao thăng trầm của thời đại, vẫn đứng vững sau nhiều cuộc xâm lược của những kẻ thù mạnh như: phong kiến phương Bắc, rồi đến thực dân Pháp và đế quốc Mĩ...

--------------------------------

TB:

Muốn hiểu được mối quan hệ nhà - làng - nước, trước hết ta cần tìm hiểu về cơ cấu xã hội nhà - làng - nước truyền thống ở nước ta

 Cơ cấu xã hội nhà - làng - nước:

Đây là một thể cộng đồng đồng tâm và đồng dạng:

Nhà/ gia đình (hình thức mở rộng là Họ): Đại đa số là gia đình tiểu nông trồng lúa nước, với cơ cấu kinh tế tự túc, tự cấp theo mô hình ''chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa''.

Làng: là một đơn vị cộng cư của cư dân nông nghiệp định cư trên một vùng đất chung, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tự túc tự cấp. Đó cũng là mẫu hình phù hợp với xã hội có nền sản xuất tiểu nông. Làng được hình thành và tổ chức chủ yếu dựa vào hai nguyên lý cội nguồn và cùng địa vực. Làng có sức sống mãnh liệt với cấu trúc động, không có làng bất biến. sự biến đổi của làng do sự biến đổi chung của đất nước. Do những đặc thù của tự nhiên và xã hội mà ở miền Trung và miền Nam tuy gốc gác cũng là người Việt từ miền Bắc di cư vào, nhưng với môi trường sống mới, hình thức cơ cấu làng xã và quan hệ xã hội thay đổi nhiều, không còn những đặc điểm như làng Bắc Bộ. Làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ là hình thức công xã nông thôn với những đặc thù riêng của làng được thể hiện ở chế độ ruộng đất, chế độ công điền, các loại hình và nguyên tắc tổ chức xã hội như lệ làng, tín ngưỡng, lễ hội của làng. Đặc trưng nổi bật của làng Việt Nam là ý thức cộng đồng làng, ý thức tự quản - quyền quản lý làng xã được thể hiện trong hương ước của làng và tính đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng trong tập quán, nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo, kể cả giọng nói và cách ứng xử. Các đặc trưng trên có mối liên hệ hữu cơ, tạo cho làng một vị trí đặc biệt làm nên những đặc trưng văn hoá làng, văn hoá dân tộc. Làng là một đơn vị xã hội của văn hoá Việt Nam, đồng thời là một môi trường văn hoá. Ở đó, mọi thành tố, mọi hiện tượng văn hoá được sinh thành phát triển, lưu giữ và trao truyền tớimọi thành viên.

Nước: Là một cộng đồng siêu làng/dân tộc. Khi cộng đồng người đã tiến tới trình độ dân tộc thì cộng đồng làng lớn nhất là nước, là dân tộc. Con người Việt Nam trong lịch sử, từ rất lâu đã là con người vừa của làng, vừa của nước ''sống ở làng sang ở nước''.

Như vậy, cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống: xã hội Việt Nam là xã hội nông nghiệp, văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp. Trong xã hội đó, gia đình, làng là đơn vị xã hội cơ sở, là hai yếu tố cơ bản chi phối toàn bộ hệ thống xã hội Việt Nam. Đặc trưng cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống là những gia đình tiểu nông trong những làng xã tiểu nông.

Mối quan hệ kiềng ba chân Nhà - Làng - Nước chính là triết lý, là ý thức cộng đồng của người Việt. "Trong lịch sử lâu dài của nước ta, hệ thống cơ cấu Nhà - Làng - Nước là cột trụ làm nên sức sống của dân tộc, nó là ba cái khâu của một sợi dây chuyền không gì phá vỡ nổi, mỗi khâu đều có tầm quan trọng của nó"

Ở Việt Nam, mối quan hệ Nhà- Làng- Nước là mối quan hệ hữu cơ, máu thịt. Có làng mới có nước. Nước hình thành trên cơ sở làng. Mọi người đều gắn bó với làng, với nước. Xây dựng bảo vệ làng là xây dựng bảo vệ nước. Ngược lại, chống lại làng là chống lại nước. Không có ai yêu nước mà không yêu làng. Mối quan hệ Làng- Nước bền chặt như vậy nên trong lịch sử đã có lúc mất nước nhưng không mất làng. Chúng ta có thể thấy thể liên kết cộng đồng Việt Nam chủ yếu theo ba cấp cộng đồng theo trục dọc: Nhà - Làng - Nước. Nhà = Gia đình là tế bào của xã hội. Làng là cộng đồng kết hợp quan hệ láng giềng (xóm làng) với quan hệ huyết thống (họ), mang tính tự quản cao. Nước là quốc gia dân tộc. Năm 1804 vua Gia Long cũng nhận thức sâu sắc sự liên kết cộng đồng làng và nước khi nói: "Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước". Chúng ta sẽ xét mối quan hệ này trên các bình diện : kinh tế, văn hoá, xã hội.

 Mối liên hệ về kinh tế:

Như chúng ta đã phân tích ở trên. Gia đình Việt Nam truyền thống chủ yếu lấy kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước làm nghề nghiệp chính. Do yêu cầu cần phải hợp tác nên đã dẫn đến sự hình thành làng xã và ở mức độ cao hơn là sự hình thành nhà nước như một biểu hiện cao nhất của sự hợp tác này. Mối quan hệ Nhà- Làng- Nước về kinh tế thể hiện qua nền kinh tế tiểu nông. Kinh tế đất nước hay kinh tế trong phạm vi làng xã đều lấy kinh tế hộ gia đình làm cơ sở.

Thực tế lịch sử cho thấy khi kinh tế hộ gia đình phát triển, ổn định thì kinh tế làng xã hay kinh tế đất nước phát triển, ngược lại khi kinh tế hộ gia đình kém phát triển hay suy yếu thì kinh tế đất nước cũng gặp nhiều khó khăn. Trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, sức mạnh của làng xã hay Nhà nước đều phải dựa vào nông dân. Đồng thời mỗi nhà muốn phát triển kinh tế đều phải nhờ vào cộng đồng làng xã và nhà nước. Nghề nông trồng lúa nước bắt buộc ngưòi nông dân phải tát nước khi ruộng đồng thiếu nước và tháo nước ra khi thừa nước, trong hoàn cảnh đó một gia đình riêng rẽ không thể nào tự mình trồng lúa nước được. Do đó phải có tổ chức đoàn kết gắn bó mọi người dân vào một thể cộng đồng chung tức làng xã để điều hòa quyền lợi.

Làng xã ra đời trong môi trường sinh thái học nên nó rất vững chắc, không phải ngẫu nhiên mà làng xã dưới nhiều hình thức khác nhau, tồn tại hàng ngàn năm cho đến bây giờ. Làng do người dân tạo nên thì nó là tài sản chung của mọi người trong làng. Chính điều này mà một gia đình tiểu nông không thể sống tách rời khỏi làng xã, họ phải dựa vào làng xã và nhà nước.

Trong lịch sử nước ta khi nào Nhà nước có những chính sách khuyến khích nông nghiệp thì kinh tế tiểu nông phát triển, ngược lại khi nhà nước suy yếu, không lo quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp thì kinh tế tiểu nông không thể phát triển được. Ý thức được điều đó nên các vương triều phong kiến nước ta nói chung đều có những chính sách khuyến nông tích cực. Mỗi triều đại đều có đặt những chức quan chuyên lo về vấn đề nông nghiệp.

Như vậy chúng ta thấy mối liên hệ giữa gia đình tiểu nông với làng xã, nhà nước là mối liên kết biện chứng có tác động qua lại với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Sức mạnh kinh tế của gia đình sẽ tạo nên sức mạnh kinh tế của làng xã, và sức mạnh kinh tế làng xã lại tạo nên sức mạnh kinh tế của cả nước. Tại sao một gia đình tiểu nông nước ta phải gắn bó chặt chẽ với làng và nước. Xung quanh vấn đề này nhiều người đã đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau, có thể tổng hợp lại thành một số ý kiến sau :

Do nước ta thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai. Chính thiên tai xảy ra thường xuyên là động lực tạo nên sự hợp tác lẫn nhau giữa các thành viên trong làng xã và cả nước. Rủi ro do thiên tai đem lại khiến cho một cá nhân, một gia đình không thể đơn lập làm kinh tế mà phải có sự hợp tác, cùng nhau giải quyểt của cả cộng đồng đất nước.

Do yêu cầu của việc làm thuỷ lợi cũng là nguyên nhân quan trọng tạo nên mối quan hệ Nhà- Làng- Nước về mặt kinh tế. Các chính sách của nhà nước phong kiến qua các triều đại cũng góp phần tạo nên mối quan hệ Nhà- Làng - Nước về kinh tế. Đó là chính sách quân điền của nhà nước phong kiến. Theo chính sách quân điền thì ruộng làng nào chỉ được cho làng đó, không được đem ruộng làng này chia cho dân làng khác. Điều này càng cột chặt người tiểu nông vào làng xã. Đồng thời tạo nên ý thức cộng đồng làng xã, gắn các thành viên trong cộng đồng chặt chẽ hơn, để bảo vệ ruộng đất chung và bảo vệ làng. Mặt khác chính sách quân điền vừa tạo nên tính tự quản của làng quê vừa tạo ra một kiểu làng công xã phụ thuộc vào nhà nước. Nói cách khác ruộng công làng xã và chế độ quân điền là công cụ để nhà nước phong kiến quản lý và khống chế người nông dân, đánh dấu việc nhà nước đã công xã hoá được làng thôn.

Tóm lại chính yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước dựa trên cơ sở hộ gia đình là nguyên nhân quan trọng, chính yếu tạo nên mối quan hệ Nhà- Làng- Nước về mặt kinh tế. Đồng thời đến lượt nó, mối quan hệ này lại góp phần rất lớn cho kinh tế tiểu nông có thể tồn tại và phát triển.

Kinh tế tiểu nông là nguyên nhân giải thích tại sao kinh tế đất nước ta mặc dầu trải qua nhiều khó khăn do giặc ngoại xâm, thiên tai phá hoại nhưng nền kinh tế nước ta vẫn không bị phá hoại, khắc phục có hiệu quả những trở ngại, khó khăn để phục hồi và tiếp tục phát triển. Nói cách khác nếu không nhờ kinh tế tiểu nông và tái sản xuất nhỏ thì kinh tế Việt Nam không thể tồn tại và phát triền sau những biến động và thăng trầm của lịch sử dân tộc.

 Mối liên hệ về mặt văn hóa - xã hội

Mối liên hệ này thể hiện ở chỗ: nhiều gia đình họp lại thành một làng và nhiều làng hợp lại thành nhà nước. Giữa nhà nước và làng xã vừa có tính liên kết chặt chẽ với nhau nhưng xét về phương diện nào đó làng xã vẫn có tính độc lập tương đối với nhà nước.

Trước hết ta xét tính tự trị của làng xã với nhà nước. Làng Việt Nam mang tính tự quản cao hay nói cách khác đó là tính tự trị. Mỗi làng tồn tại như một tiểu vương quốc độc lập. Nhà nước phong kiến nói chung đều có những cố gắng để nắm lấy làng. Tuy nhiên vẫn không thu được kết quả triệt để, làng vẫn giữ được tính tự trị đặc thù của mình thông qua việc lập hương ước, trong suốt quá trình lịch sử làng xã vẫn giữ được tính tự trị nhất định. Thành ngữ "phép vua thua lệ làng" thường được dùng để nói làng Việt có sự độc lập với chính quyền Trung ương. Làng ̣được xem có tính tự trị, khép kín, độc lập, là một vương quốc nhỏ trong vương quốc lớn. Tính tôn ti trong trật tự của các dòng tộc đã dẫn đến mặt trái của nó là tâm lý gia trưởng, trọng nam khinh nữ và đặc biệt là tâm lý địa phương, cục bộ. Đây là một rào cản rất lớn trong quá trình hội nhập của người nông dân Việt. Làng xã Việt Nam như một vương quốc thu nhỏ với luật pháp riêng (hương ước) tạo nên một sự cố kết, bền vững của làng xã và cũng đã tạo nên tâm lý bè phái, địa phương, ích kỷ.

Hương ước của làng xã chính là hệ thống giá trị, chuẩn mực của làng xã được ghi thành văn bản, nó quy định cung cách ứng xử, lối sống của cá nhân trong làng, tạo nên sự đồng nhất, mà trước hết là trong dòng họ. Với hương ước sự cố kết trong cộng làng xã tăng lên nhưng có thể làm giảm tính liên kết giữa làng xã và nhà nước, bản thân làng xã có sự "độc lập tương đối" với các đơn vị xã hội khác.

Nói làng mang tính tự trị không có nghĩa là làng hoàn toàn độc lập với nhà nước. Thực ra giữa làng xã và nhà nước truyền thống có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, chính mối quan hệ này là nhân tố dẫn đến sự hình thành nhà nước Việt Nam trong lịch sử. Nhà nước Việt Nam trong thời phong kiến có thể gọi là hình thức siêu làng. Trong tâm thức của người Việt Nam làng bao giờ cũng gắn với nước và ngược lại. Do đó mà trong lịch sử các đơn vị trung gian giữa làng và nước thì luôn luôn thay đổi còn tổ chức của làng thì vẫn luôn được giữ nguyên. Vũ Đình Hòe, từng viết: "Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam, thì không có quốc gia Việt Nam". Hương ước tạo nên tính tự trị của làng xã. Nhưng mặt khác chính nội dung hương ước cũng có các điều khoản quy định nghĩa vụ của làng xã với nhà nước. Như vậy từ lệ làng ý thức cộng đồng làng xã đã phát triển thành ý thức quốc gia dân tộc. Với tiến trình lịch sử ấy ý thức ấy sẽ càng thêm sâu đậm, thể hiện tinh thần làm chủ đất nước của tổ tiên ta. Chính hương ước sẽ làm cho nhà nước và làng xã gắn bó với nhau hơn trong công cuộc gìn làng giữ nước. Từ đó làng xã là đơn vị bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, là cơ sở của xã hội Việt Nam. Lòng yêu nước cũng từ đó mà ra. Nhìn lại tiến trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, điểm nổi bật chiếm vị trí hàng đầu và trở thành chuẩn mực đạo lý Việt Nam là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc. Cuộc sống lao động gian khổ đã tạo ra truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và kiên nhẫn, yêu cầu phải liên kết lại để đấu tranh với những khó khăn, thách thức đã tạo ra sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với nhau trong mối quan hệ gia đình, láng giềng, dòng họ của người Việt cũng như trong cộng đồng Nhà- Làng- Nước- Dân tộc.

Đối với con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện đại, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hết sức khăng khít trong một hệ thống bền chặt Nhà - Làng - Nước. Điều này được biểu hiện rất rõ ở tính cộng đồng:

• Cộng đồng gia đình:

Một giọt máu đào hơn ao nước lã

• Cộng đồng làng xóm:

Bán anh em xa mua láng giềng gần

• Cộng đồng lãnh thổ/dân tộc:

Bầu ơi! Thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Tính cộng đồng bền chặt có ở con người Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Nước ta tọa lạc trong ngã ba đường thuận lợi giao lưu kinh tế - văn hoá với nhân loại, nhưng giặc ngoại xâm lại luôn quấy nhiễu, luôn phải đối mặt với những mưu đồ xâm lăng và đồng hoá. Trong bối cảnh đó, vận mệnh của cá nhân luôn gắn chặt vào vận mệnh cộng đồng và xã hội và cá nhân sẵn sàng hy sinh những lợi ích riêng để bảo vệ lấy lợi ích chung, bảo vệ được cái chung cũng chính là sẽ giải quyết được cái riêng. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một nền văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là lịch sử của tình đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo luôn "chung lưng đấu cật", đoàn kết yêu thương, mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ... trong một cộng đồng lớn Nhà - Làng - Nước - Dân tộc.

Làng là sự tràn ra của nhà, là sự tràn ra của thế ứng xử từ trong gia đình, giữa người làng với nhau. Nước là hình ảnh phóng to cả làng. Và người đứng đầu cả nước cũng coi là gia trưởng, là cha mẹ. Nếu gia đình người Việt cổ truyền được tổ chức tốt nhất để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sự thiết lập mối quan hệ bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần giữa hai hằng số văn hóa nông nghiệp định cư - định canh. Mặc dầu làng mang tính tự trị nhưng làng Việt Nam không phải là tổ chức khép kín, xét trên mọi phương diện chúng ta vẫn có thể thấy được tính mở của làng. Các yếu tố như chợ làng, các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, lễ hội cũng tạo ra mối liên hệ vùng và trong toàn quốc. Mọi nhà, mọi làng xã trong cả nước ta đều có chung một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho mối liên hệ Nhà-Làng-Nước về mặt xã hội. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã tạo nên tín ngưỡng thờ các vua Hùng - tổ tiên lớn nhất của dân tộc. Chính việc thờ các vua Hùng đã thắt chặt thêm mối quan hệ Nhà -Làng- Nước trong lịch sử dân tộc. Thật hiếm có dân tộc nào lại có ngày giỗ tổ chung cho cả nước như người Việt Nam.

Chúng ta đã nói làng Việt Nam mang tính cộng đồng cao. Từ tính cộng đồng làng đã tạo nên ý thức cộng đồng làng. Đây là điều không cần phãi bàn cãi. Mọi người dân trong làng tồn tại với tư cách là thành viên trong làng xã. Chính các tổ chức như xóm ngõ giáp phe phường hội mà mỗi cá nhân là thành viên đã đảm bảo cho cuộc sống ngèo khổ đầy rủi ro của dân làng, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đây là nguyên nhân tạo nên tính cộng đồng làng. Người Việt Nam khi đi xa luôn dành cho quê hương một tình cảm đặc biệt. Họ luôn tự hào về quê hương của mình. Khi chết họ vẫn mong muốn được an nghỉ trên chính mảnh đất quê hương làng xóm của mình.

Ý thức cộng đồng làng trong quan hệ với nhà nước mang tính hai mặt rõ rệt. Một mặt do ý thức cộng đồng làng cao nên dẫn đến tính tự trị của làng xã, từ đó tạo nên hạn chế là sự cục bộ địa phương, chỉ chăm lo cho quyền lợi của làng mình mà quên đi quyền lợi của cả nước. Nhưng mặt khác ý thức cộng đồng làng là nguồn gốc của ý thức dân tộc, ý thức đoàn kết toàn dân. Lòng yêu nước cũng từ đó mà ra. Do điều kiện khách quan của sự phát triển nông nghiệp lúa nước gắn liền với nhu cầu thuỷ lợi và nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm, sự liên kết cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc. Do vậy sau khi hình thành, Nhà nước phát triển theo xu hướng chủ yếu là quốc gia quân chủ tập quyền, thống nhất (hiểu theo nghĩa tương đối của từng thời kì lịch sử). Sản phẩm tinh thần được người Việt Nam coi trọng nhất của quá trình lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, quá trình hình thành, phát triển của quốc gia dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc. Chế độ quân chủ thời thịnh trị mang tính "thân dân", lấy "nước"và "dân" làm gốc (như dưới thời Lí- Trần). Việt Nam coi trọng "trung hiếu" nhưng gắn với với "nước", "dân", đồng thời nêu cao "nhân nghĩa". Khi quyền lợi của làng xã và nhà nước thống nhất với nhau thì ý thức cộng động làng sẽ dẫn đến ý thức dân tộc. Điều này thể hiện rõ nét nhất khi đất nước gặp nạn ngoại xâm. Khi đó sự sinh tồn của làng xã và nhà nước được đặt ra một cách khẩn cấp thì ý thức cộng đồng làng và ý thức cộng đồng dân tộc hòa lại làm một. Lúc đó thì trăm họ sẽ là binh, mỗi gia đình là một pháo đài và mỗi làng là một làng chiến đấu, hình thành nên thế trận đánh giặc của cả dân tộc. Lịch sử chống giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh nhân dân. Lúc này sự thống nhất của Nhà- Làng- Nước là sức mạnh vô địch của nhân dân ta, khiến kẻ thù phải lùi bước. Đất nước Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay, bất chấp phải thường xuyên chịu sự xâm lấn của các thế lực ngoại xâm chính là nhờ mối quan hệ Nhà- Làng- Nước đã phát huy tác dụng triệt để. Mối quan hệ này không chỉ tạo ra sức mạnh để nhân dân ta chống sự xâm lấn của giặc ngoại xâm mà còn giúp ta giữ được bản sắc văn hóa của mình, tránh được nguy cơ bị đồng hóa.

-----------------------------

KB:

Lịch sử trải qua hàng nghìn năm đã chứng minh mối quan hệ không thể thiếu giữa Nhà- Làng- Nước. Đây là ba thực thể xã hội với ba cấp độ khác nhau về không gian kinh tế- xã hội nhưng lại có mối liên quan liên kết chặt chẽ tạo nên sức mạnh của làng, của nước. Có nhà thì mới có làng, có làng mới có nước, do đó không thể tách rời mối quan hệ giữa ba yếu tố này. Sự thống nhất giữa Nhà- Làng- Nước đã tạo nên một sức mạnh lớn đưa đất nước Việt Nam vượt qua biết bao thăng trầm của thời đại, vẫn đứng vững sau nhiều cuộc xâm lược của những kẻ thù mạnh như: phong kiến phương Bắc, rồi đến thực dân Pháp và đế quốc Mĩ...Mối liên hệ Nhà- Làng- Nước trải qua một thời gian dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai sẽ và còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro