money is all?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm nô lệ cho nó.

Không đời sẽ ngang trái lắm!

Tôi đã hỏi câu này trên facebook và nhận được 3 loại câu trả lời:

Phương tiện

Mục đích

Cả hai

Các bạn cần lưu ý, đây là câu hỏi mở (open question) chứ không phải câu hỏi đóng (closed question). Closed question là câu hỏi có thể trả lời một cách ngắn gọn. Câu hỏi mở là để bạn thể hiện bản thân, ở đây là thể hiện sự hiểu biết về tiền bạc. Nếu bạn đi xin việc (đặc biệt các công việc lương cao), xin học bổng thì bạn rất thường gặp câu hỏi mở. Nếu bạn trả lời như là trả lời câu hỏi đóng, khả năng bạn bị loại rất cao. Ở bài này, Takahashi sẽ luận về chủ đề trên, tức là "tiền là phương tiện hay là mục đích?".

Tham khảo thêm về Open and Closed Questions (trang web ngoài).

Về cơ bản, tiền vừa là phương tiện, vừa là mục đích. Khi bạn kiếm tiền, nó là mục đích (目的 Mokuteki Mục Đích). Khi bạn xài tiền, nó là phương tiện (手段 Shudan Thủ Đoạn). Chúng ta cần phải phân ra thành phương tiện và mục đích là để hiểu hơn về tiền bạc, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về tiền và có cuộc sống tốt hơn. Takahashi nói như vậy thì nghe rất đơn giản, quá đơn giản và nhiều người nghĩ "Bạn quá ngây thơ". Đúng thế, tôi rất ngây thơ, nhưng chính vì thế tôi không bị lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích của tiền bạc.

Có một điều: Đại đa số mọi người đến một lúc nào đó nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích của tiền bạc. Nhất là khi họ bắt đầu kiếm được nhiều tiền. Ban đầu, mọi người kiếm tiền để có cuộc sống tốt hơn. Tức là tiền lúc này là mục đích, nhưng mục đích có tiền là để phục vụ cho mục đích khác: Có cuộc sống tốt hơn. Khi họ có tiền, tiền trở thành phương tiện để có cuộc sống tốt. Nhưng khi cuộc sống đủ tốt rồi thì họ không biết làm gì nữa (tức là không có lý tưởng, mục đích gì khác) thì họ không biết làm gì ngoài kiếm nhiều tiền hơn. Thế là, lúc này bản thân việc kiếm tiền lại trở thành mục đích, chứ không phải là phương tiện để có cuộc sống tốt nữa. Nhiều người giàu thường rơi vào tình trạng này. Thực sự là họ không biết làm gì ngoài kiếm tiền, nên họ luôn phải thể hiện "ta giàu" mà chúng ta thường nói là khệnh khạng. Họ ăn nói đao to búa lớn để mọi người biết họ kiếm tiền nhiều thế nào. Với Takahashi thì việc này là vô nghĩa, vì tiền chỉ nên là phương tiện, không nên là mục đích.

Nói về chất lượng cuộc sống thì kiếm tiền làm bạn khổ, còn tiêu tiền làm bạn thoải mái. Nên chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào thời gian bạn kiếm tiền (càng ít càng tốt) và việc bạn tiêu tiền (càng nhiều càng tốt). Tuy vậy, tiêu tiền quá mức bạn kiếm được (vay nợ) sẽ dẫn tới thiếu tiền trong tương lai và gây ra thảm họa về chất lượng cuộc sống. Do đó, bạn phải duy trì hợp lý giữa hai mức này. Có những người dành cả đời để kiếm tiền dù họ không thiếu tiền vì họ không biết cách tiêu tiền mà bị sa chân vào việc lấy kiếm tiền là mục đích sống.

Nhầm lẫn tiền bạc là mục đích sống

Bởi vì họ đã mất quá nhiều thời gian cho việc kiếm tiền (thường họ đi lên từ tay trắng và rất vất vả kiếm tiền), cuối cùng họ rất giỏi kiếm tiền và quên mất mục đích ban đầu là kiếm tiền vì cuộc sống tốt hơn. Có một tâm lý hoạt động ở đây là càng có nhiều tiền lại càng thấy mình ít tiền, do trong quá trình này họ thường quen nhiều người giàu hơn họ. Việc dành cả đời để kiếm tiền cũng là một sự nô lệ cho đồng tiền (đây là kiểu nô lệ của người giàu) vì họ cứ kiếm tiền chất trong nhà chứ số tiền này hoàn toàn không giúp ích gì cho ai. Họ là nô lệ cho tài sản của họ.

Ngược lại, người nghèo lại có kiểu nô lệ cho đồng tiền của người nghèo. Đó là họ dành cả đời kiếm tiền (kế sinh nhai) để có thể sinh tồn trong hoàn cảnh tối thiểu.

Đừng làm nô lệ cho đồng tiền

Đồng tiền luôn có 2 mặt. Ảnh: Wikipedia.

Bạn phải luôn nhớ đồng tiền có hai mặt: Mặt số hay mặt hoa văn, à không phải, là mặt PHƯƠNG TIỆN và mặt MỤC ĐÍCH. Bạn phải xác định rõ mặt đồng tiền mà bạn đang theo đuổi và bạn đang nắm rõ. Mục đích cuối cùng của tiền vẫn là làm PHƯƠNG TIỆN cho một mục đích, một lý tưởng của bạn. Bản thân đồng tiền không nên lấy làm mục đích, nếu không cuộc sống của bạn sẽ méo mó. Bạn nên quan sát bảng sau:

 KIẾM TIỀN (Mục đích)

 - An toàn tài chính

 - Mất thời gian, sức lực

 - Có tiền theo đuổi các mục đích khác (lấy tiền làm phương tiện), tức là có phương tiện

 TIÊU TIỀN (Phương tiện)

 - Sống vui vẻ

 - Giảm an toàn tài chính

 - Giảm phương tiện

Để không làm nô lệ cho đồng tiền, chúng ta phải hiểu rõ hai mặt của đồng tiền như trên. Không nên làm nô lệ cho đồng tiền theo kiểu người giàu (chỉ kiếm rất nhiều tiền và coi đó là mục đích sống) hay người nghèo (tiêu hết mọi đồng tiền kiếm được cho mục đích sinh hoạt).

------------------------------------------------------------------

Tại sao có những người năng lực rất tốt, làm việc rất chăm...

Tại sao có những người năng lực rất tốt, làm việc rất chăm chỉ nhưng mãi vẫn không giàu?

どうして高い能力をもっていて仕事に勤勉な人はなかなか金持ちにならないのか。

Doushite takai nouryokku wo motte ite shigoto ni kinben-na hito wa nakanaka kanemochi ni naranai no ka.

Đây là câu hỏi trên Facebook SaromaLang.

Thực tế là có những người năng lực chuyên môn rất cao, rất được coi trọng nhưng thu nhập lại quá bình thường. Vậy đâu là nguyên nhân? Đây không phải là một nguyên nhân mà khá nhiều nguyên nhân có thể kết hợp lại. Takahashi sẽ thử phân tích dưới đây. Vì chẳng biết nhét bài này vào đâu, nên mình cho vào mục "Nhật Bản luận" nhé.

Chống chỉ định: Những nhà đạo đức giả, những người yếu về tâm lý, những người rất ghét tiền (tới mức ghét luôn người nói về tiền).

Không đánh giá lại hiệu quả việc mình làm

Đánh giá lại là một việc khó. Không đánh giá lại hiệu quả là một nguyên nhân lớn nhất dẫn tới không thành công về tiền bạc. Việc đánh giá đòi hỏi bạn ghi chép chi tiết lại quá trình làm việc. Tức là sẽ làm công việc thực tế tăng lên. Sau đó bạn còn tốn công ngồi phân tích nữa. Nhiều người không làm việc này nên họ không tiến xa.

Tôi lấy ví dụ, nếu công ty yêu cầu bạn làm một công việc nào đó. Bạn sẽ làm thế nào? Bạn có thể hoàn thành công việc nhanh hơn người khác. Và thế là hết. Thế thì bạn sẽ khó thành công.

Vì lần sau có công việc tương tự, bạn sẽ làm lại từ đầu. Thực ra, để thành công bạn phải có báo cáo chi tiết bạn làm công việc đó như thế nào, ghi lại trình tự các bước. Sau đó bạn đánh giá lại xem có cải tiến (kaizen) được gì không. Cuối cùng bạn sẽ có Final Report, bản báo cáo hoàn chỉnh. Sau này, khi có công việc tương tự, bạn làm theo hướng dẫn do chính bạn tạo ra. Ngoài ra, bạn có thể hướng dẫn cho người khác làm được như bạn. Bằng cách này, bạn lên chức quản lý với mức lương cao hơn và thành quả lớn hơn. Nhưng có vẻ rất mất thời gian đúng không?

Nếu mỗi lần bạn lại làm lại từ đầu thì hiệu quả công việc thực ra là khá thấp. Do đó, dù bạn làm tốt và chăm chỉ thì cũng không nâng hiệu quả lên được quá nhiều.

Không đặt mục tiêu tiền bạc

Bạn không đặt mục tiêu có mức lương bao nhiêu vào thời điểm nào mà chỉ đơn thuần HI VỌNG sẽ thăng tiến, tăng lương, hoàn toàn tùy thuộc vào công ty. Bạn hi vọng làm tốt thì công ty đánh giá cao và tăng tiền cho bạn. Mà  bạn không biết rằng:

Số tiền bạn kiếm được = (Số tiền bạn tạo ra cho công ty) × (Phần trăm công ty chia cho bạn)

Nếu bạn chỉ đi làm chăm chỉ thì số tiền bạn kiếm được chỉ là tiền lương nhân số tháng làm việc. Bạn chỉ hi vọng là tiền lương sẽ tăng theo thâm niên. Nếu đặt mục tiêu tiền bạc, bạn sẽ phải tính cách khác thay vì tiền lương. Lúc này, bạn sẽ phải chuyển sang chế độ hưởng theo thành quả, tức là (Số tiền bạn tạo ra) × (Phần trăm hoa hồng).

Đặt mục tiêu tiền bạc khiến bạn phải động não. Bạn có thấy những đại lý bán hàng không? Họ không sản xuất mà chỉ bán hàng và số tiền họ kiếm là (Số hàng bán được) × (Tiền hoa hồng), hoàn toàn dựa theo thành quả chứ không dựa trên THỜI GIAN LAO ĐỘNG.

Nếu đặt mục tiêu số tiền rất lớn thì bạn sẽ phải nghĩ. Ví dụ, nếu bạn có thế mạnh về bán rau củ quả, và bạn bán 1 cửa hàng thì bạn có làm quần quật ở đó bạn cũng chỉ kiếm được lợi nhuận của 1 cửa hàng mà thôi. Lợi nhuận này rất hữu hạn do bạn phải cạnh tranh với các cửa hàng khác nên không thể đẩy giá lên rất cao. Dù bạn có năng lực và chuyên môn tới thế nào, thì bán rau củ quả bạn vẫn chỉ kiếm tối đa là từng ấy thôi.

Vậy nếu bạn mở 1000 cửa hàng thì sao? Đây chính là ý tưởng của CỬA HÀNG CHUỖI (チェーン店 Cheenten, CHAIN ĐIẾM). Bạn phải mở nhiều cửa hàng, tốt nhất là NHƯỢNG QUYỀN (フランチャイズ Furanchaizu, Franchise). Chỉ bằng cách này bạn mới sử dụng tri thức của minh với một số lượng lớn cửa hàng và kiếm một lợi nhuận lớn.

Chỉ bán thời gian mà không bán năng lực

Giả sử bạn làm kỹ sư vẽ bản vẽ cho một công ty kiến trúc đi. Bạn đi làm và ăn lương tháng. Thế thì dù giỏi mấy bạn cũng chỉ kiếm được:

Lương tháng × Số tháng làm việc

Nếu bạn được tăng lương thì công thức vẫn chỉ như trên với mức lương mới. Đây là công thức của việc bán thời gian của bạn. Bạn chỉ bán thời gian 8 tiếng/ngày để kiếm tiền. Vì làm nhiều hay ít thì lương không thay đổi nhiều nên bạn chỉ LÀM VIỆC CẦM CHỪNG. Bạn đi làm 8 tiếng nhưng chỉ tương đương 2 tiếng làm việc thực sự. Nếu trả theo THÀNH QUẢ thì bạn có thể kiếm gấp 4 lần số đó.

Bạn phải chuyển qua bán năng lực

Hãy tưởng tượng bạn làm nghề tự do freelancer chẳng hạn. Bạn sẽ nhận lương theo công thức:

Tiền công bản vẽ × Số lượng bản vẽ

Đây là công thức của việc bán năng lực. Nếu muốn giàu, bạn phải bán năng lực hoặc ít nhất có phần bán năng lực trong đó. Mua cổ phiếu công ty cũng là một dạng bán năng lực, vì lợi nhuận quay một phần vào túi bạn.

Nếu bạn là một chuyên gia bản vẽ thì sao? Bạn nên KHỞI NGHIỆP. Hãy lập công ty riêng và chuyên nhận lại việc vẽ bản vẽ từ công ty cũ của bạn. Bằng cách này, bạn chuyển hoàn toàn từ bán thời gian sang bán năng lực. Tất nhiên, quản lý công ty đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức tài chính, pháp luật. Nhưng trước hết nếu bắt đầu từ chính chuyên môn và sức lao động của bạn thì tôi không nghĩ có vấn đề gì. Bạn có thể tự làm QUY TRÌNH HƯỚNG DẪN (manual) cho mình và thuê thêm người làm để họ làm thay bạn.

Có nhiều lý do để không thành công về tiền bạc mà những người khác chỉ ra như không có kỹ năng đàm phán, không làm vượt quá yêu cầu của người tuyển dụng, không đánh giá đúng bản thân, không sáng tạo, v.v... nhưng theo Takahashi thì đây không phải là lý do chính (chỉ là hệ quả của việc bạn không kiếm tiền được ở mức bạn muốn). Lạc lối vào các lý do không bản chất sẽ làm bạn lẫn lộn. Lý do chính có lẽ chỉ là các lý do tôi nói ở trên. Nếu bạn có một mục tiêu về tiền bạc và cam kết theo đuổi nó thì tôi tin chắc bạn sẽ đạt được thành quả

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro