Chương 1. Sắc hạ và anh.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa hè luôn khiến cho người khác cảm thấy mệt mỏi, bởi cái nóng thấu vào da thịt. Như thiêu đốt từng tế bào trên cơ thể. Tôi chẳng ưa gì cái mùa khô nóng này. Giống như bao người. Có lẽ tôi sẽ thích mùa đông hay xuân gì đó - một mùa bất kì trong năm, chỉ trừ mùa hạ. Tiếng ve kêu inh ỏi, và chẳng có cách gì để giải tỏa cái nóng nực ấy.

Nhưng chẳng hiểu vì sao, anh ấy lại thích nó.

Cao Sáng đã luôn thao thao bất tuyệt về việc sẽ thật tuyệt biết bao nếu được đắm mình trong một con suối giữa trời và chỉ có chúng tôi, hai kẻ đang yêu nhau say đắm. Có thể đó sẽ là một cuộc hẹn hò vui vẻ. Tôi im lặng nghe anh nói. Về giấc mơ hè mà anh đã kể không biết nhiêu lần. Hãy coi đó là một sự ủng hộ âm thầm. Lần nữa, khi buổi hòa ca đầu tiên của ve xuất hiện. Tôi nhận được tro cốt của Cao Sáng.

Tôi biết Cao Sáng từ những năm cấp 3, anh là hình ảnh điển hình cho một cậu thiếu niên tươi mát. Sống hết mình vì ngày mai và chẳng có cái quay đầu về quá khứ. Tôi có rất nhiều ấn tượng về Cao Sáng khi anh liên tục là gương mặt đại diện trên báo trường và thông qua những lời tung hô của mọi người, tôi từng nghĩ. Giữa một Tiêu Trì hướng nội và một Cao Sáng hướng ngoại, hai chúng tôi là hai đường thẳng song song mà chẳng có bất cứ giao điểm nào. Mặc dù học cùng lớp nhưng chúng tôi vẫn chẳng thân nhau lắm đâu, trong một dịp tình cờ, tôi xảy ra tai nạn. Là chiếc xe tải lớn tông phải chiếc xe đạp cỏn con của tôi. Một thân đầy máu, tôi trơ trọi nằm giữa lộ lớn, lúc đó bản thân cứ nghĩ sẽ không sống nổi nữa thì Cao Sáng xuất hiện. Vốn là người lạ nhưng có lẽ là bởi cái tính thiện lương, anh đã chẳng đứng bên ngoài chỉ trỏ như những người khác mà nhanh chóng lao vào giúp tôi cầm máu, gọi xe cứu thương. Tôi cảm thấy nếu lúc đó loài người có một chút tính đồng cảm với đồng loại thì có lẽ tôi đã chẳng có cơ hội được quen biết với Cao Sáng.

Những ngày nằm viện, tôi chỉ lủi thủi một mình vì người thân - những bậc sinh thành đã bỏ rơi tôi từ khi tôi còn bé xíu. Nói thật tôi đã chẳng nhớ rõ họ trông ra sao nữa, mà tôi cũng không cảm thấy buồn, lâu ngày thành quen. Cũng may lúc đó tôi có Cao Sáng. Anh vẫn đều đặn đến thăm tôi vào mỗi buổi chiều, chủ động giảng lại phần kiến thức ngày hôm đó. Tôi nhìn anh, dường như trong một phần năm giây, tôi đã say đắm cậu trai này.

Tôi không phải là người năng động vì thế tôi có rất ít bạn. Có lẽ Cao Sáng đã nhìn ra điều đó. Giờ thể dục, nếu như không phải tìm chỗ trốn tránh cái nắng thì tôi sẽ rẽ vào đâu đó cùng vài cuốn sách cho đến cuối tiết. Chẳng có ai cả. Chỉ mỗi mình tôi trong căn nhà kho đầy bụi. Nhưng tôi vẫn thoải mái và có đôi khi tôi tự cảm thấy nếu cố gắng gượng ép bản thân hòa nhập với mọi người thì có lẽ tôi sẽ nổ tung như quả bóng bay được bơm đầy khí.

Ánh nắng len lỏi qua khung cửa sổ ọp ẹp, muỗi và ruồi bay loanh quanh, tôi mở qua trang mới và ở dòng chữ đầu tiên tôi bị Cao Sáng bắt gặp.

Cao Sáng: “Thì ra cậu trốn ở đây!”

Tôi bất ngờ nhìn anh vì chẳng nghĩ bản thân sẽ bị tóm. Anh nhìn tôi, cái nhìn xoáy sâu vào tất cả sự cô đơn trong tim tôi. Và trong một phút giây lơ đãng, tôi, Tiêu Trì đã tình nguyện nắm lấy tay Cao Sáng, nguyện ý hòa vào giữa dòng người có thể làm tôi lạc khỏi anh.

Ngày đó Cao Sáng hẹn tôi ra đầu ngõ trước quán ăn mà tôi đang làm thêm. Người đầy mùi mồ hôi, tôi có hơi ngại, bản thân chỉ kịp lau tay vào chiếc tạp dề bẩn rồi nhanh chóng chạy ra. Cao Sáng đứng trước mặt tôi, ánh đèn đường chiếu ngược khiến tôi chẳng nhìn ra anh đang có biểu cảm gì, chỉ thấy anh hồi lâu không lên tiếng, không khí có vẻ ngượng nên tôi đành hỏi anh tìm tôi làm gì. Ai cũng nói tình yêu tuổi học trò là dễ thương nhất. Tôi đồng ý. Cao Sáng đưa cho tôi một chiếc đồng hồ nam, kiểu dáng hiện đại. Tôi cụp mắt nâng niu thứ ấy trên tay.

Tiêu Trì: "Ý gì đây?"

Cao Sáng: "Còn ý gì nữa, người ta có tiền thì tặng nhẫn, sến thì tặng hoa, tôi cùng lắm chỉ là thanh niên lòng sắt dạ đá, chỉ có thể tặng đồng hồ. Rốt cuộc cậu có lấy không?"

Tiêu Trì: "Nếu lấy thì tôi là gì của cậu?"

Cao Sáng: "Không biết, chắc gọi là bạn trai."

Trước ngày tốt nghiệp vài hôm, nhà trường cho đám cuối cấp chúng tôi điền vào tờ giấy nguyện vọng. Tôi có hơi khó khăn khi đưa ra quyết định bởi tôi chẳng biết bản thân muốn gì, sau này trưởng thành sẽ làm được gì. Tôi hỏi Cao Sáng. Cây kem trên tay tan chảy bởi cái nắng chói chang, rơi xuống nền đất hòa thành một vũng, anh đặt lên trán tôi một nụ hôn nhẹ. Cao Sáng nói anh sẽ nối tiếp truyền thống gia đình. Sẽ trở thành một người cảnh sát anh dũng. Tôi nhìn Cao Sáng hồi lâu sau trong lòng cũng tự đưa ra quyết định. Nếu anh muốn ra tiền tuyến thì tôi sẽ trở thành hậu phương vững chắc của anh.

Ngày nhận được kết quả đậu đại học, tôi thu dọn hành lý, chuẩn bị rời đi. Đứng ở sân bay nhìn những bạn trẻ được gia đình đến tận nơi để tạm biệt khiến tôi có hơi trống trải. Vì dù cho có cố tạo một lớp vỏ kiên cố và la hét với thế giới rằng tôi vẫn ổn sau bao nhiêu đau thương thì trong trái tim của tôi, gia đình vẫn là thứ gì đó khó bù đắp được. Mùa đông, tiết trời se lạnh, nhìn màn hình điện thoại. 12 năm rồi tôi vẫn chưa có đủ dũng khí để gọi cho mẹ một cuộc điện thoại nào. Có lẽ bây giờ mẹ vẫn đang sống hạnh phúc với quyết định vứt bỏ tôi cho bà ngoại sau khi đã chạy trốn khỏi bố. Có nhiều khi tôi tự hỏi, liệu có bao giờ mẹ cảm thấy nhớ tôi hay không?

Tôi cứ mím chặt môi mà chẳng dám bật khóc. Đứng đó rất lâu đến khi đôi chân tê dại, tôi thấy Cao Sáng. Vốn trường mà anh học là nằm ở thành phố D và anh đã lên tàu từ hôm qua nhưng chẳng hiểu sao bây giờ anh lại xuất hiện ở đây. Tôi bất ngờ lắm.

Cao Sáng: "Cậu sao vậy Tiêu Trì? Cậu khóc vì tôi không đến tiễn cậu phải không?"

Tôi lau vội nước mắt đi như cố giấu sự yếu đuối trước mặt anh.

Tiêu Trì: "Chẳng phải cậu đã đến thành phố D sao, sao giờ lại ở đây?"

Cao Sáng: "Lúc nãy tôi đang chuẩn bị dọn phòng mới lại cảm thấy Tiêu Trì của tôi đang khóc nên tôi vèo một cái - dùng siêu năng lực bay tới đây để dỗ cậu."

Tôi cười. Tôi cũng chẳng biết tại sao lại cười, anh lấy từ trong vali ra một con gấu nhỏ đưa cho tôi. Một tay cầm thứ anh tặng, một tay nắm lấy tay anh. Giờ phút này giống như ông trời đã định. Cái nắm tay này chính là nắm đến cuối đời.

Thành phố này rất lớn, người đông vô kể, chúng tôi chỉ là hai cậu sinh viên mới đến, cái gì cũng không biết. Mắc cười lắm. Chẳng biết làm sao lúc đó người môi giới nhà lại gạt được hai chúng tôi. Giống như bị bỏ bùa vậy, nói gì tôi và Cao Sáng cũng tin. Người đó ba hoa cái gì mà chỉ cần một chút tiền sẽ thuê được căn phòng rộng rãi, sạch sẽ. Cao Sáng nghe thế liền lấy 2/3 số tiền trong túi đưa cho người ta. Kết quả thì sao? Chúng tôi bị dắt đến một chỗ đồng không mong quạnh, cái phòng bé như cái lỗ mũi mà còn gần nghĩa địa. Tôi sợ đến mức muốn ngất xỉu. Còn cái tên môi giới đó thì biến đi đâu từ lúc nào cũng chẳng ai hay biết. Cuối cùng tôi và Cao Sáng buộc phải ở lại đó. Vốn cũng chẳng còn cách nào khác. Ban đêm hai chúng tôi chen chúc trên một cái giường bé tẹo, không duỗi thẳng chân. Miệng không nhịn được phải mắng vài câu. Cao Sáng nằm bên cạnh nghe cũng không nghe nổi nữa liền xoay qua.

Cao Sáng: "Có phải là cậu có ý mắng tôi hay không?"

Tiêu Trì: "Tôi nói cậu làm gì, tôi đang rủa tên chó tha gà bắt môi giới đó, làm việc thất đức như hắn, chết không được siêu sinh."

Đêm đó tôi chẳng ngủ được, cứ vài phút liền chửi tên đó một lần. Cao Sáng cũng không ngủ. Anh nắm tay tôi, im lặng nghe tôi chửi. Chuyện đã lâu rồi, bây giờ nói lại cũng không nhớ rõ chi tiết. Chỉ biết đêm đó trời lạnh thấu xương, chăn mỏng hơn lụa. Hai người co rúc vào nhau, có tiếng nói chuyện rôm rả, có tiếng cười trấn áp màn đêm, có sao, có trời. Có một tình yêu của hai thiếu niên trẻ.

Cuộc sống của chúng tôi rất đơn giản, ban ngày đi học ban đêm làm việc kiếm thêm. 24 giờ một ngày, thấy được mặt nhau chưa tới phân nửa. Lúc tôi về nhà thì anh đã đi mất còn khi anh về nhà thì tôi đã ngủ từ đời nào. Vốn chúng tôi chỉ là một cặp đôi vừa quen nhau, còn đang trong giai đoạn mặn nồng vậy mà giờ nửa câu còn chưa chắc nói được với nhau. Năm đầu tiên mới đến chúng tôi có vô vàn thứ để lo, tiền học, tiền ăn, tiền uống,....thứ gì cũng cần tiền. Năm thứ hai khá khẩm hơn một chút, chúng tôi chuyển ra khỏi căn phòng nghĩa địa đó, chọn nơi có nhiều người qua lại và không khí thoáng đãng. Tiền trong túi quần ở đầu tháng vẫn tự nhiên bay hơi mà thôi. Ý chính ở đây là bây giờ cả tôi và Cao Sáng đều cùng có thời gian dành cho nhau. Tô mì nóng hổi thêm hai quả trứng chiên. Hai người xì xụp, chẳng đủ ăn nhưng ngon đến lạ. Đầu đường chỗ chúng tôi ở có một tiệm hủ tiếu lâu đời. Thi thoảng sẽ ra ngoài đấy mà ăn. Chúng tôi hay gọi đó là ăn sang. Tô hủ tiếu nóng hổi đặt trên bàn. Hai người nhưng chỉ một tô. Cao Sáng không thích ăn hủ tiếu nhưng vì tôi - anh sẵn sàng lôi 30 ngàn đã được gìn giữ cẩn thận trong túi quần rỗng tuếch ra trả cho người ta. Tôi biết những gì anh móc ra từ túi quần là tất cả công sức làm việc của anh ngày hôm đó. Một ngày anh đi làm được 100 ngàn, 50 ngàn để dành trả tiền trọ, 30 ngàn để dành đóng học phí, 20 ngàn còn lại thì để dành mua đồ cho tôi. Có nhiều lần tôi đã cố khuyên nhũ anh, tôi là đàn ông, chẳng cần son phấn màu mè hay quần áo tươm tất, chỉ cần no bụng, một lát bánh mì hay nửa gói xôi đều được. Nhưng Cao sáng lại không chịu. Anh nói phải nuôi tôi thành dáng vẻ mập mạp, sau này một mình tôi ở hậu phương chắc chắn sẽ không ăn uống đầy đủ, đến lúc đó chẳng biết sẽ gầy thành bộ dạng gì. Tôi bật cười. Gọi tiểu nhị, nói họ làm cho anh một bát mì. Anh vừa ăn vừa chê, nói họ làm chẳng ngon, chẳng bằng tôi nấu. Đuôi mắt tôi phiếm hồng. Ánh đèn đường lấp lánh, để lại hai bát nhỏ đã được vét sạch.

Ngày tôi tốt nghiệp Cao Sáng mặc bộ quân phục tươm tất nhất mà anh có để đến chúc mừng, phía sau là một bó hoa to tướng, anh trao tận tay nó cho tôi cùng với một nụ hôn nhẹ. "Chúc mừng em." - anh nói lời ấy một cách nhẹ nhàng và sau nụ hôn dường như không tồn tại ấy tôi thấy ánh mắt anh say đắm nhìn tôi. Cao Sáng thực sự vui mừng cho tôi. Chỉ mới mấy phút trước tôi còn cảm thấy hơi lạc lõng khi nhìn những người bạn có gia đình bên cạnh...còn bây giờ thì không. Bây giờ tôi có Cao Sáng. Có tấm chân tình của anh.

Cao Sáng tốt nghiệp sau tôi hai năm. Tôi vẫn thực hiện nghi thức cũ. Một bó hoa lớn đến mức hai tay Cao Sáng cũng cầm không nổi và sợi dây chuyền vàng mà tôi đã tích góp rất lâu mới mua được. Chúng tôi cùng nhau chụp vài bức ảnh để làm kỉ niệm. Bạn bè của Cao Sáng tỏ vẻ ngưỡng mộ chúng tôi. Họ gọi Cao Sáng là anh, gọi tôi là anh dâu. Sau đó Cao Sáng bị người khác gọi đi, tôi đợi anh ở gần gốc cây cổ thụ lớn. Ở đó không khí rất tốt, hình ảnh trong mắt tôi chỉ là toàn là cảnh mọi người tươi cười. Chỉ là trong lúc vô ý, mắt tôi nhìn xuyên qua lớp hàng rào sắt, phía bên kia đường - một cậu thanh niên trẻ đang khóc nức nở. Ánh mắt cậu ta nhìn đăm đăm vào đám người đang bu quanh Cao Sáng. Và trùng hợp là tôi còn bắt gặp thêm một cặp mắt đau thương khác đang nhìn ngược lại. Người đó tên gì ấy nhỉ...? A, là Trương Lưu - Bạn cùng khóa của Cao Sáng.

Cuối tháng này Cao Sáng đưa tôi về thăm mẹ của anh ấy. Bác trai mất sớm, bác gái ở vậy nuôi người yêu tôi và chị gái anh ấy. Nhà bác gái mở một tiệm tạp hóa nhỏ, ban đêm thì bán thức ăn. Lần nào về Cao Sáng cũng muốn ăn bát mì gia truyền của nhà. Bác gái ở trong bếp nấu thức ăn, Cao Sáng ở bên ngoài chăm sóc vườn rau nhỏ. Tôi cố phụ giúp bác gái. Mà phải công nhận, dù đã ngoài tuổi bốn mươi, với lịch trình làm việc nặng nhọc như vậy nhưng dường như sự lão hóa vẫn chưa ghé thăm bác ấy quá nhiều. Không có bao nhiêu nếp nhăn ở trên khóe mắt và rãnh trán, nếu chịu khó chăm chút ngoại hình thì dù cho có nói mẹ chồng của tôi vừa hơn ba mươi thì tôi cũng tin.

Ông nội, ông ngoại, ba, chú, bác, thím, chị, anh và dường như tất cả mọi người trong gia đình của Cao Sáng đều là cảnh sát. Chỉ một số ít trong đó chọn làm hậu phương. Cao Sáng từng kể ba của anh năm đó oai dũng như nào cũng rất vất vả khi theo đuổi mẹ bởi vì mẹ anh không thích cảnh sát, mà phải nói rõ là bác gái không thích chờ đợi. Nhưng duyên phận là do trời định đoạt, cuối cùng ba mẹ của anh cũng cưới nhau và khi anh được ba tuổi. Bác trai mất, để lại bác gái một mình gồng gánh hai đứa con.

Giọng bác gái rất nhỏ nếu so với tiếng ồn ngoài vườn. Bác nhỏ nhẹ hỏi tôi vài chuyện về cuộc sống. Dường như bác gái vẫn rất lo lắng. Cả hai người con đều là cảnh sát. Ở cái tuổi này nếu một trong hai người chết thì chắc chắn bác ấy sẽ không sống nổi. Chị hai của Cao Sáng hiện tại đang công tác ở tỉnh khác thi thoảng sẽ về thăm nhà, chưa bao giờ mất liên lạc. Tôi trấn an bác ấy. Tôi nói rằng Cao Sáng sẽ chỉ làm cảnh sát lòng vòng trong khu vực và sẽ chẳng có mối nguy hiểm nào đe dọa anh ấy. Tôi sẽ thường xuyên bảo anh về thăm dì

Bác gái: "Thằng Cao Sáng không nói với con sao? Nó đã xin chuyển đến biên giới công tác rồi, cuối tuần này là đi. Vốn dĩ định nói con chuẩn bị thêm một ít đồ cho nó..."

Tôi ngỡ ngàng, cố hỏi lại một lần nữa. Thì ra là Cao Sáng giấu tôi. Từ trước đến nay anh chưa bao giờ giấu tôi chuyện gì. Tôi như phát điên, không nể mặt bác gái mà chạy ra vườn cãi nhau một trận lớn với Cao Sáng. Tôi không chấp nhận anh vì lý tưởng mà không màng mạng sống, còn anh nói đã là cảnh sát thì không thể không hi sinh. Tôi tức đến điên. Nhanh chóng chạy vào nhà dọn đồ về thành phố chẳng thèm quan tâm anh ấy nữa. Sau hai ngày Cao Sáng mới về nhà. Chúng tôi chiến tranh lạnh nhưng cũng chẳng được mấy ngày. Ngày anh đi, mẹ và chị gái đã đến nhà khuyên nhũ tôi hãy đến tiễn anh, vì dù sao tôi và anh cũng đã sống với nhau vài năm rồi. Tôi miễn cưỡng, trong lòng vẫn còn giận lắm. Cao An - chị gái Cao Sáng vẫn luôn làm dịu không khí giữa hai chúng tôi. Cao Sáng cũng không chịu thua. Anh có lý tưởng rõ ràng, vì anh là một công dân của đất nước. Ăn, ngủ, mặc,...đều là đất nước cung cấp nên anh cảm thấy hi sinh cũng đáng. Phải chi lúc đó tôi chủ động đánh chết Cao Sáng để sau này tôi và mọi người sẽ không phải khổ.

Tôi không nói một lời nào với Cao Sáng dù cho đó có thể là khoảnh khắc cuối cùng của hai chúng tôi. Bác gái khóc lóc tạm biệt anh, kể cả người chị gái tưởng chừng mạnh mẽ cũng khóc. Vì trong lòng ai cũng rõ, biên giới của thời điểm này chính là một cái miệng cọp, nhảy vào chỉ có phần chết, phần sống rất ít.

Cao Sáng: "Em không có gì muốn nói với anh sao Tiêu Trì?"

Anh mở lời dừng cuộc chiến tranh lạnh của chúng tôi lại, tôi cụp mắt nhìn vào đống đồ đã chuẩn bị cho anh, chẳng muốn mở miệng.

Tiêu Trì: "Nói gì bây giờ? Anh không nghe lời em, một mực nhảy vào miệng cọp. Em còn có thể nói gì sao?"

Cao Sáng: "Em chúc anh đi. Chúc anh một câu bình an."

Tôi lười biếng nhìn anh. Quả thật bây giờ tôi đã không kìm được nước mắt. Tôi nhìn chằm chằm Cao Sáng, hai hàng lệ tuôn.

Tiêu Trì: "Chúc anh bình an, không gặp nguy hiểm, sớm ngày lập công. Trở về với em."

Cao Sáng: "Được. Chờ anh nhé Tiêu Trì!"

Ở cái nơi biên giới xa xôi đó. Ăn thì không có, mặc cũng không đủ, thiếu trên thiếu dưới, khốn khổ đủ điều. Tuần đầu tiên đến đó Cao Sáng đã bị trộm mất điện thoại. Cũng may là đồng đội của anh vẫn giữ được. Anh gấp gáp điện cho tôi, khoe rằng bản thân mặc dù là cảnh sát nhưng vẫn bị ăn trộm, cảm giác ấy rất mới mẻ. Tôi đứng kế mẹ Cao Sáng cũng không nhịn được mà chửi thề.

Tiêu Trì: "Má nó. Cao Sáng à, mày có thể bớt ngu dùm tao được không?"

Mẹ anh ấy ngơ ngác nhưng sao đó cũng bật cười rồi đệm thêm vài câu. Tôi tức tới hoa mắt, phải ra ghế ngồi nghĩ. Câu nói đó của tôi trở thành huyền thoại, thi thoảng mẹ và Cao An vẫn thường hay nhắc lại.

Sau vài tháng đột nhiên Cao Sáng ít liên lạc bằng điện thoại cho tôi, bắt đầu chuyển qua sử dụng thư tín. Ban đầu khi nhận được thư tôi có chút bất ngờ nhưng nhìn vào cái nét chữ cố gắng nắn nót trong khi như gà bới của anh thì tôi đã không nhịn cười được. Có vài chỗ "nắn" đến nổi tôi đã không đọc ra được nó là gì. Tôi nhanh chóng lấy điện thoại chụp vài bức ảnh, gửi cho vài người quen. Số điện thoại mới của Cao Sáng gọi đến, đầu dây bên kia vốn đã không giấu nổi sự phấn khích.

Cao Sáng: "Thích không Tiêu Trì? Anh định gửi cho em mấy bức ảnh nữa nhưng sợ trên đường vận chuyển có chuyện gì thì sẽ hỏng nên lần sau anh sẽ bù nhé?"

Tôi nhẹ nhàng đáp lại: "Ừm, anh ở đó thế nào, có khó chịu không?"

Cao Sáng phấn khởi, vừa nói vừa lôi Trần Lãm vào, hai mắt cậu ta sưng húp, tôi mắc cười quá nên nhanh tay chụp thêm vài bức: "Để anh kể em nghe! Thằng nhãi này thực sự nhớ vợ đến phát khóc. Ngày nào cũng lấy nước mắt rửa mặt. Em nhìn đi, hai mắt của nó sưng như gấu trúc, sắp không mở ra nổi. Em mau nhìn xem."

Năm đầu tiên sau khi Cao Sáng đi tôi được thăng chức trở thành trưởng phòng.

Năm thứ ba sau khi Cao Sáng đi tôi trở thành quản lý.

Năm thứ năm sau khi Cao Sáng đi tôi thuận lợi leo lên chức trưởng chi nhánh.

Tốc độ thăng tiến của tôi so với người bình thường có lẽ là rất nhanh. Có nhiều lời đồn rằng tôi đã đi cửa sau hay dùng một vài cách thức đặc biệt gì đó nhưng tôi không mấy để ý. Tôi chỉ chăm chú làm việc. Đếm từng ngày đến kì nghỉ phép của Cao Sáng. Sáu tháng sẽ được nghỉ một lần, thời gian là một tuần. Lần nào về anh cũng mua một đống đồ cho chúng tôi. Gần đây tôi cũng đã đón bác gái lên ở cùng. Chủ yếu là do tôi không an tâm để bác ở chỗ nông thôn thiếu tiện nghi ấy mà không có ai chăm sóc. Cao Sáng cũng đồng ý. Vì thế từ đầu mùa xuân bác gái đã chuyển đến. Sinh hoạt hàng ngày của tôi cũng dễ thở hơn. Thay vì làm việc đến đầu tất mặt tối mà chẳng có thời gian ăn cơm thì bây giờ khi về nhà đã có người đợi, cơm cũng được nấu sẵn chỉ ngồi vào ăn. Tôi gọi bác gái một tiếng "mẹ", bác gái sẽ nhanh chóng hướng về tôi và mỉm cười.

Lần này Cao Sáng trở về đột nhiên anh ấy lại đốc thúc tôi đi nhận nuôi một con chó. Anh nói phải nhận loại càng dữ càng lớn mới tốt. Đầu tôi đầy dấu chấm hỏi, phải gặng hỏi mấy ngày mới moi được lý do. Thì ra là bởi Cao Sáng thấy ác mộng. Anh nói anh mơ thấy có kẻ làm hại tôi và mẹ, trong lòng thấp thỏm nên muốn có thứ đảm bảo an toàn cho cả hai. Tôi và mẹ nghe xong đều đồng loạt nói anh đã biến thành ông cụ non rồi, lo quá là xa nhưng anh vẫn một mực cố chấp, cuối tuần đó chúng tôi đi nhận nuôi một con chó. Ban đầu chính anh nói là phải dữ nhưng khi thấy mấy giống đó anh lại đổi ý, lựa chọn cả nửa ngày mới chọn được. Thành viên mới của nhà tôi là một bé golden, tên Bang Bang.

Khi rảnh rỗi tôi sẽ viết thư cho Cao Sáng kèm với ảnh của Bang Bang. Anh ấy rất thích con chó này, ngày rời đi còn bịn rịn chia tay, nước mắt nước mũi tèm nhem phải khó lắm cả tôi và chị gái mới lôi anh ra được sân bay, cả Bang Bang ở nhà mọi ngày đều ngoan chỉ có hôm đó là cắn chặt vạt áo Cao Sáng không buông. Quả là tình như thủ túc. Người ngoài không biết nhìn vào còn tưởng cả hai kiếp trước là anh em. Tôi trừng mắt, nạt một tiếng. Con chó đó liền quay về ổ, không hó hé thêm tiếng nào nữa.

Thường ngày tôi vẫn luôn có thói quen vào buổi chiều sẽ dẫn Bang Bang đi dạo ở công viên gần đó. Cái thứ này rất thích chạy nhảy cả buổi chiều không mệt, người mệt là tôi. Ở thành phố mặt trời thường hay lấp ló sau những tòa nhà cao tầng, rất ít khi có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nó vì vậy nếu so với vùng nông thôn tôi từng sống: không khí trong lành, tán cây rộng và dài che phủ cả tuổi thơ của tôi thì là quá tệ. Tôi cẩn thận dùng máy ảnh chụp vài bức, phía sau lưng còn ghi chép lại ngày giờ, khác với tôi ngày nào cũng được ngắm nhìn bầu trời - Cao Sáng ngày nào cũng phải trốn đông trốn tây, rình mò như kẻ trộm chỉ để bắt kẻ trộm, tôi khá chắc là đã lâu rồi anh vẫn chưa được nhìn thấy ánh hoàng hôn dịu dàng này.

" Gửi Cao Sáng của em. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Ngày em nhớ anh nhiều hơn hôm qua. "

Trần Lãm là đàn em tốt của Cao Sáng lúc còn đi học, sau này ra trường cậu ta cũng tình nguyện đi theo Cao Sáng. Mấy năm này mỗi lần được nghỉ phép cậu ta đều đem đồ của Cao Sáng đã mua đưa cho chúng tôi, giống như một chú chim nhỏ đưa thư cực kì chăm chỉ. Vừa thấy tôi sẽ gọi một tiếng anh dâu, thấy mẹ sẽ gọi một tiếng bác gái. Dần dà tự nhiên mọi người cũng sẽ coi cậu ấy là người trong nhà, không còn sự khách sáo thường tình mà thay vào đó sự ấm áp vốn có. Nhà của tôi không có đông người, chỉ có một bà lão, một người đàn ông và một con chó; thi thoảng Cao An mới đến nhà làm khách. Cũng may còn có Trần Lãm. Cậu ta là người kết hôn sớm nhất trong đám, vừa đủ tuổi đã liền đem con gái nhà lành đi. Tính đến giờ cũng đã được 7 năm. Vợ của cậu ấy cũng là cảnh sát, mà trùng hợp là cô ấy còn đang công tác tại thành phố tôi đang sống nên mỗi khi ra đường tôi đều bắt gặp cô ấy đang hành hiệp trượng nghĩa.

Năm thứ 10 Cao Sáng ở biên giới, con trai đầu lòng của Trần Lãm ra đời. Chuyện cũng đã lâu rồi nhưng tới giờ tôi vẫn nhớ rõ sự bồn chồn của Trần Lãm khi đứng trước phòng sinh. Cậu ta cứ đi tới đi lui không đứng yên ở một chỗ được. Tôi và bạn bè đều khuyên cậu ta bình tĩnh nhưng hai mắt cậu ta đỏ hoe lẩm bẩm với tôi

Trần Lãm: "Aaa...anh ơi...Khanh Hạ rất sợ đau...có phải là bây giờ cô ấy đau lắm không?...Aa..anh..cô ấy vì em mà lao vào quỷ môn quan...nếu cô ấy thật sự bỏ rơi em thì phải làm sao đây?"

Sau hơn 3 giờ đồng hồ Khanh Hạ thuận lợi sinh cho Trần Lãm một cô công chúa xinh xắn. Lúc vợ con được đẩy ra ngoài, cậu ta mếu máo hỏi vợ có đau không. Khi đó tôi chợt hiểu vì sao Khanh Hạ lại chịu gả cho Trần Lãm ở đầu giai đoạn thanh xuân như vậy, không phải là do cô ấy yêu đến điên mà là vì cô ấy biết trong tim Trần Lãm sẽ chỉ có mỗi mình cô ấy, chẳng còn bất kì chỗ trống nào để chứa thêm một người phụ nữ nào khác. Gả cho người yêu bạn sẽ không bao giờ thiệt thòi, dường như qua nhiều năm tình yêu của cả hai chưa bao giờ thuyên giảm.

Trần Lãm đặt tên con gái mình là Hiểu Tinh - một ngôi sao sáng và cậu ấy ngỏ ý muốn tôi làm ba đỡ đầu của con bé, tôi suy nghĩ vốn sau này cũng không thể tự sinh con nên nhận nuôi vài đứa trẻ cũng không tính là thiệt thòi. Tôi nhanh chóng báo tin này cho Cao Sáng, mặc dù giọng điệu anh cực kì vui vẻ nhưng nghe kĩ sẽ dễ dàng nhận ra sự chua xót chen lẫn trong đó. Cũng phải, sự việc năm đó quá trấn động với hai trái tim nhỏ bé của chúng tôi.

Năm thứ 12 khi viết câu chuyện tình, Cao Sáng muốn dừng lại. Lần đó anh đột ngột quay về nhà mà chẳng hề báo trước. Tôi với mẹ ngạc nhiên lắm, cứ nghĩ là đã có chuyện gì xảy ra nhưng anh xua tay. Qua mấy ngày vẫn chưa thấy có động tĩnh gì mới, tôi càng lo lắng. Chỉ là chưa kịp đợi tôi hỏi thì Cao Sáng đã nhanh chóng thu lại dáng vẻ thong thả của bản thân.

"Anh sẽ chuyển đơn vị công tác."

"Anh không muốn để em chờ nữa."

"12 năm là quá đủ rồi."

Tôi ngạc nhiên nhìn anh, dường như anh đã bị một việc gì đó tác động sâu sắc đến nỗi hai tay anh từ bao giờ đã rất lạnh, nắm vào vai tôi, lạnh đến thấu xương. Tôi cố sưởi ấm cho anh nhưng đêm đó anh rúc vào người tôi tựa như đang có hàng ngàn cơn gió rét điên cuồng cào cấu vào thân xác người yêu tôi.

"Em sẽ làm hậu phương vững chắc cho anh."

"Những lúc sợ hãi anh hãy nhớ về em, về ngôi nhà của chúng ta."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro