Một mình ở Châu Âu - Phan Việt.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giới thiệu

Bất hạnh là một tài sản

Những người đàn bà, họ không một mình ngẫu nhiên tới Paris, Venice, Rome, Florence...

Họ có thể là sinh viên mới ra trường, muốn đến Paris để viết văn; có thể là người đã đi qua một cuộc hôn nhân, giờ đến đó để nhìn lại; có thể là người bấy lâu vẫn mòn mỏi chờ

đợi mối tình lớn của đời mình và mong nó xảy ra ở châu Âu... Hoặc họ có thể, như tác giả của cuốn sách này, đến châu Âu một mình để du lịch như một người không quá khứ, không ràng buộc; và để hỏi những câu hỏi bước ngoặt về tình yêu và hôn nhân...

Cuốn sách này, hơn cả một cuốn du ký về những ngày du ngoạn qua các thánh địa mơ ước ở châu Âu, còn là một hành trình nội tâm xuyên suốt, dai dẳng, và không phải không đau đớn.

Có thể thấy điều đó, dẫu chẳng ở châu Âu một mình.

Trích đoạn trong sách:

"...Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề của quảng trường San Marco, của Venice, và là lý do tại sao đến đây lần thứ hai nhưng tôi vẫn không ấn tượng với quảng trường này. Có cái gì đó rất Hollywood ở đây và ở khắp Venice. Những người ngồi sưởi nắng ở đây, và

dàn nhạc này không giống với những người sưởi nắng trong vườn Luxembourg. Bởi vì họ không sống ở đây. Họ đến rồi đi... Trong tất cả cái đẹp và sự tinh xảo của Venice, tôi

không sao thoát khỏi cảm giác rằng thành phố này đang chết. Nó đang chìm dần. Venice là ngôi mộ của một quá khứ. Chỉ còn khách du lịch đến đây, và thành phố này chỉ còn đủ người để phục vụ du khách chứ nó không có những người Venice, như Paris có người Paris, Hà Nội có người Hà Nội.

Sáng nay, sau khi rời nhà thờ Mary of Narazeth, tôi mua một vé xe buýt nước theo tuyến số 2 để đi từ đó tới quảng trường San Marco; tức là gần như đi từ đầu này đến đầu kia của Venice; có điều thay vì lấy vé tuyến số 1 chạy theo Kênh Lớn thì tôi lấy tuyến xe buýt chạy bên ngoài Lagoon. Với những người không quan tâm tới hành trình mà chỉ

quan tâm tới cái đích cuối cùng thì tuyến số 1 hay số 2 đều thế cả, chúng đều kết thúc ở quảng trường San Marco; chính vì thế mà một bà già đã nói khi thấy tôi phân vân ngoài bến:

"Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi."

Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào Venice và những công trình kiến trúc của nó - Byzantine, Gothic, Phục hưng... Tất cả đều tuyệt vời nhưng rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản như di sản văn hóa thế giới. "Di sản" - đấy là một từ chính xác nữa để mô tả

Venice. Một thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con

đường của Venice; các ngôi nhà, phòng hoà nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho rêu rong nấm mốc loang lổ.

Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.

Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phổ nổi trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh trong hiện tại. Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay."

Cùng bạn đọc

Cuốn sách này tập hợp những ghi chép rời rạc vào mùa hè 2008, khi tôi đi Châu Âu một mình trong một tháng. Nó là điểm bắt đầu của một câu truyện mà tôi sẽ kể trong hai câu truyện tiếp theo - về những truyện buồn mà cuối cùng đã trở thành tài sản. Như mọi câu truyện có tính hồi kí khác, đây chỉ là ký ức của tôi, sự thật của tôi, nó không chắc là sự thật duy nhất. Mọi nhân vật được đề cập trong cuốn sách này đều được thay đổi danh tính để bảo vệ sự riêng tư cho họ.

"Sợ thì cũng phải làm"

Rostock, Đức, ngày .... tháng Tám, năm 2008

Bây giờ là 4 giờ sáng

Tôi không ngủ được nên đã ngồi dậy để viết. Cái máy tính này của Hiền, em chồng tôi, dùng Window Đức và bàn phím Đức nên hơi khác so với bàn phím Mỹ: chữ Y bị chuyển từ hàng thứ nhất xuống hàng thứ ba và chữ Z thế vào chỗ chữ Y. Các phím Shift, Control, và các phím số đều lạ: tôi thậm chí không thể gõ một số ký tự và dấu theo ý mình và đang mất gấp đôi thời gian bình thường để gõ những dòng này. Nhưng đi du lịch là như vậy: mọi thứ không bao giờ như ở nhà.

Hôm qua, chuyến bay từ Boston đi New York chỉ có một tiếng và tôi phải chờ những ba tiếng ở New York JFK trước khi lên máy bay đi Berlin. Chính ở JFK chiều qua, tôi đã chạm chán châu Âu lần đầu. Khu vực đi Châu Âu tràn ngập người Âu và có thể nhận ra họ ngay: người Âu, kể cả khi bay đường dài vẫn ăn mặc chải chuốt trong khi người Mỹ ăn mặc cốt sao thoải mái. Những cô gái Đức, Pháp, Ý vẫn váy ngắn, giày cao gót, tất dài, kính mắt, khuôn mặt trang điểm cẩn thận như đang đến một cuộc hẹn; những người đàn ông mặc áo suit đen khít người hoặc designer jean với sơ mi phẳng phiu. Và nước hoa! Người Mỹ hầu như không còn dùng nước hoa khi đi làm hằng ngày, và nếu có thì thường dùng quá tay như để đề phòng. Còn những người Âu trong khu chờ bay, ai cũng mang nước hoa, nhẹ, mà lưu mùi rất lâu.

Máy bay xuống sân bay Tegel lúc gần trưa. Từ trên nhìn xuống, sân bay Tegel rất nhỏ. Nó lập tức gợi cho tôi nhớ đến hoặc Sheremetyevo ở Matxcơva hoặc Nội Bài những năm 1990. Khi làm xong thủ tục, bước ra ngoài, tôi không tin được là phần cửa ra chỉ có duy nhất một cái máy trả hành lý và cách đó vài bước chân thấy taxi xếp hàng đón khách.

Châu Âu.

Phải nói gì về ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đất Châu Âu, mà chính xác là Berlin ! Nếu phải chọn một cụm từ chủ đạo cho ngày đầu tiên này, tôi sẽ chọn một cụm từ đã bị lạm dụng trong thời gian gần đây nhưng lại chính xác trong trường hợp này: "thế giới phẳng". Sau bảy tiếng đồng hồ từ khi rời New

York, cái đập vào tôi đầu tiên trong sân bay ở Berlin là sạp bán sách và tạp chí.

Chúng không khác gì với quầy Hudson News ở sân bay JFK ngoài chuyện bằng tiếng Đức.

Vẫn các tạp chí Cosmopolitan, Vogue, People, National, Geographic - bằng tiếng Đức.

Vẫn hình ảnh Jenifer Aniston, Britney Spears và Angelina Jolie tràn các bìa bào và tạp chí - bằng tiếng Đức.

Vẫn là Khaled Hosseini, Stephenie Meyer, Stephen King và dĩ nhiên J.K Rowling ở khu sách bestseller - bằng tiếng Đức.

Cứ như thể tôi không hề rời Mỹ mà nước Mỹ chỉ đột nhiên được "dịch" sang tiếng Đức và tôi mất oan bảy tiếng đồng hồ cho một sự di chuyển chỉ có tính hình thức.

Nhưng cái ấn tượng " phẳng " lớn nhất là trên khuôn mặt người. Trong hành lang sân bay Tegel, hầu hết người chờ bay đều mang khuôn mặt "phẳng" giống hệt nhau: khuôn mặt nhìn thẳng về phía trước, không thái độ, như thể không biết dòng người đi lại hối hả xung quanh. Không biết người Đức không có thói quen biều lộ tình cảm nơi công cộng hay cái vẻ mặt phẳng đó là biểu hiện của sự đồng dạng về tình cảm, suy nghĩ, hành vi mà cội nguồn của nó có thể chính là sự đồng dạng trong tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Với tốc độ toàn cầu hóa (mà phần nhiều là Âu - Mỹ hóa) như bây giờ thì đến một lúc nào đó, du lịch có lẽ mất cái ý nghĩa khám phá một văn hóa khác, với giá trị tương đương và tự thân, so với các giá trị Âu- Mỹ.

Từ Berlin, xe đi ba tiếng đồng hồ tới Rostock, Vừa ra khỏi những khối nhà bê tông cuối cùng của Berlin là những đống lúa mỳ và cỏ đã mở ra trên các triền đồi thấp, chạy thành sóng đến chân trời. Trên những cánh đồng, bò sữa đứng nhẩn nha cạnh những cối xay gió khổng lồ chầm chậm quay. Vắt ngang các cánh đồng là những vệt đường nhỏ, trên đó thi thoảng một chiếc xe tải chạy đơn độc rồi biến mất. Cảnh tượng này gợi nhớ đến California, nhất là vùng quanh thung lũng Napa. Tuy nhiên, ở California nói riêng và các thành phố lớn ở Mỹ nói chúng không có cảnh lái xe quy củ như tôi thấy trên đường từ Berlin đi Rostock. Tất cả xe chạy ở làn bên ngoài đều chạy nhanh để vượt, và khi vượt xong thì lập tức vào làn bên trong; cho nên làn bên ngoài hầu như luôn trống.

Chiều nay, Hiền dẫn tôi đi chợ. Chợ ở đây rất sạch, ngăn nắp; xúc xích, thịt xông khói, pho mát và sữa ngồn ngộn trên các quầy. Rau quả mơn mởn. Có một cảnh trong siêu thị mà tôi không thấy ở Mỹ: người Đức mua nước giải khát, uống xong thì mang chai đi trả lại ở các máy tự động, mỗi chai lấy lại hai mươi xu. Nhà ai cũng có các thùng rác phân loại theo quy trình tái chế, giấy riêng, đồ thủy tinh riêng, nhựa riêng vá rác riêng.

Rostock nghèo và buồn. Những khu nhà chung cư ở đây giống những hộp các tông hồng, chanh cốm và xanh được xếp chồng lên nhau - một sự đơn điệu đã rơi đến ngưỡng khắc khổ. Cái không khí "bao cấp" và "Đông Đức cũ" còn rất rõ, thêm vào đó là nỗi buồn len lén của một thành phố đang lụi dần khi các ngành công nghiệp từng nuôi sống thành phố bị thu hẹp[1]. Tôi muốn viết nhiều thêm về chuyện này và nhiều chuyện khác nhưng cơn buồn ngủ hình như đang trở lại. Bây giờ tôi sẽ datei öffnen cái file này, sẽ beenden và computer ausschalten. Trên cái Windows bằng tiếng Đức này, tôi hi vọng nó có nghĩa là tôi save file, close file, và shut down máy tính.

[1] Rostock từng là thành phố sản xuất máy bay và là thành phố cảng chính của Đức, nhưng từ sau khi nước Đức thống nhất, vị trí này bị mất đi; do đó các nhà máy và dân số Rostock ngày càng giảm xuống.

Giờ mới là im lặng thực sự. Không có tiếng bàn phím r ờ i r ạ c n à y...

.... t h ì tất cả những gì còn lại chỉ là bóng đêm tuy đang nhạt dần nhưng không hề có dấu hiệu của một thành phố sắp trở dậy. Tôi còn ở đây một vài ngày với gia đình Hiền rồi sẽ lang thang một mình ở Châu Âu. Tôi mong làm sao đến ngày đó.

Nhưng giấc ngủ không đến dễ dàng. Tôi cứ nghĩ mãi những gì chúng tôi đã nói đến chiều nay.

Chiều nay, trong lúc chúng tôi chuẩn bị bữa tối, Hiền nói:

"Việt ở được với anh Sơn thì giỏi thật." (Hiền hơn tuổi tôi nên chúng tôi thỏa thuận gọi nhau bằng tên thay vì chị em).

"Cả cái nhà này không có ai ở được với chú Sơn đâu đó cô ơi," cháu tôi cười." Ai cũng sợ chú Sơn như sợ cọp đó, cô không biết à?"

Không, điều này tôi không hề biết.

"Chuyện đám cưới với Việt cũng thế đấy," ba chồng tôi cười. "Chuyện vợ con của Sơn, cả nhà không ai hỏi gì bao giờ, đùng cái Sơn viết thư về cho ba bảo ba ơi con sắp cưới vợ... thì ba cũng chuẩn bị mọi thứ chứ hồi đấy đã gặp Việt đâu... Đến lúc ăn hỏi gặp bố mẹ Việt ở Hà Nội, ba bảo thôi gặp được anh chị, thấy anh chị hiền lành thì tôi cũng đỡ lo, chắc con Việt cũng hiền lành như anh chị. Bố mẹ Việt cũng run run, bảo gặp ba thì cũng yên tâm chứ hai ông bà cũng chưa gặp Sơn bao giờ, thấy Việt bảo đám cưới thì đám cưới... mắc cười hai ông bà thông gia an ủi nhau, chả biết con dâu, con rể mình mặt mũi ra sao. Hai đứa vậy là giống tính nhau... thế nên ở được với nhau... cũng là duyên số cả."

"Chắc là vậy ba nhỉ ?" Hiền nói. "Ai cũng bảo từ hồi lấy vợ, anh Sơn hiền đi bao nhiêu."

Mọi người đều cười. Tôi cũng cười. Tôi kể cho mọi người nghe vô vàn những chuyện ly kỳ khi sống với Sơn. Như chuyện ngày trước ngày cưới, Sơn và mấy người bạn rủ nhau lái xe vòng quanh nước Mỹ, từ Boston xuống Miami, qua Texas rồi vượt qua biên giới sang Mexico, rồi một người bị giữ lại ở Mexico và Sơn phải đưa cậu bạn đó tới thủ đô để bay về Việt Nam, rồi cả đoàn lại đi tiếp sang đến bờ Tây, rồi ghé thăm tôi ở Chicago mấy ngày, rồi đi tiếp lên Michigan, vượt qua biên giới sang Canada, rồi về lại Boston; sau đó Sơn mới bay về Chicago để chúng tôi cùng về Việt Nam làm đám cưới.

"Trời ơi, con ở nhà cứ thấp thỏm. Anh ấy với bạn thì bị giữ ở biên giới Mexico, mà hồi đó Mexico đang có đảo chính, cảnh sát với quân đội súng ống khắp nơi. Xong rồi, có hôm, bạn anh ấy còn đăng lên mạng một mẩu tin là anh Sơn và mấy người bị bắn chết. Lúc con đọc, con tưởng thật, con cầm cái điện thoại mà không bấm nổi số, tay con cứ run bần bật thế này này, điện thoại cứ rơi xuống. Mãi sau mới bấm được số gọi sang Mexico, gặp anh ấy, anh ấy cười hềnh hệch bảo là chúng nó đùa. Hôm ấy, con không vỡ tim chết là may."

Rồi tôi kể chuyện những khi đi đường với Sơn; Sơn luôn lái xe rất nhanh, vượt hết xe này đến xe khác. Nếu xe nào chậm chậm mà cứ chạy ở làn ngoài là Sơn bấm còi liên tục; thậm chí chạy sang làn bên cạnh, vượt lên trước, và chặn không cho xe kia lên để "dạy cho con lợn này một bài học". Mỗi lần như thế, tôi ngồi ghế bên này, chỉ còn biết bám chặt vào thành ghế và tay nắm ở cửa xe. Suốt mấy năm qua, bất kể chúng tôi sống ở bờ Đông hay bờ Tây, các loại phiếu phạt lái xe quá tốc độ, đỗ xe ở chỗ cấm đỗ... từ khắp các thành phố mà Sơn từng đi qua cứ bám theo chúng tôi như một cái đuôi dài.

Tôi kể; ba chồng tôi, Hiền và cháu tôi cười chảy cả nước mắt. Tôi cũng cười chảy cả nước mắt. Sao khi kể lại, những chuyện ấy lại buồn cười đến thế. Hình như tất cả những câu chuyện kể lại đều lãng mạn hơn, bớt đau lòng hơn lúc chúng đang diễn ra. Chuyện về Sơn giống như chuyện về một nhân vật anh hùng bạt mạng trong các bộ phim Hollywood; chúng hấp dẫn nhất là khi ta là khán giả. Tôi và Sơn đã gặp nhau ở Boston, rồi đăng ký kết hôn mười tháng sau đó mà không có gia đình chứng kiến; rồi về Việt Nam làm đám cưới; và Sơn đã nghỉ việc để về Chicago với tôi; rồi chúng tôi đã chuyển đi bờ Tây sống; rồi Sơn lại nghỉ việc ở đó và về làm lại ở bờ Đông; rồi Sơn lại nghỉ việc ở bờ Đông và chúng tôi quay lại Chicago; còn bây giờ Sơn lại trở lại bờ Đông và tôi lại đi theo. Lúc nào cũng di chuyển, lúc nào cũng sống trong căng thẳng, bấp bênh như thể cả hai đang trong một bộ phim hành động đầy những cảnh rượt đuổi.

Nhưng mà... khi tôi chờ Sơn và các bạn anh đi xuyên Mỹ, hay những lần chúng tôi chất đồ đạc lên xe, chạy từ bang này sang bang khác, chỉ dừng lại ngủ đêm ở những thị trấn dọc xa lộ... thì mọi việc không hề giống phim và không hề buồn cười. Những ngày tháng ở Oregon, ở New Jersey, hay như bây giờ, ở New Hampshire... những ngày tháng ấy không hề buồn cười.

Chiều nay, tôi không nói cho ba và mọi người biết rằng tôi không chắc chắn tôi có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi đã mệt rồi. Tôi thực sự đã mệt rồi. Tôi yêu Sơn nhưng sống với anh khó quá. Nó không khác gì xây nhà dưới chân môt ngọn núi lửa đang âm ỉ cháy; tôi không bao giờ biết trước lúc nào thì núi lửa phun trào; chỉ biết mỗi lần phun trào thì tất cả mọi thứ quanh chân núi đều bị hủy diệt. Tôi đã cuống cuồng vơ vét chạy di tản quá nhiều lần, và đến giờ thì bắt đầu hỏi tại sao mình vẫn cứ hy vọng có thể xây dựng một ngôi nhà yên ổn dưới chân ngọn núi này?

Nhưng tôi sẽ không nghĩ đến những việc này vội. Bây giờ, tôi sẽ cố ngủ để giữ sức cho những ngày ở Châu Âu. Phải rồi, tôi đang ở châu Âu. Tôi đã mong chờ chuyến đi này biết bao.

Rome, ngày...

Sáng nay, tôi rời Berlin trong mưa. Trời lạnh, nhiều gió. Sau hai tiếng, Rome đón tôi bằng bản nhạc Clair de Lune của Debussy đột ngột được mở trong khoang máy bay của hang hàng không giá rẻ Easyjet. Ra khỏi cửa máy bay là nắng ấm và trời xanh Địa Trung Hải. Tôi đã tới Rome rồi.

Từ sân bay Ciampino phải bắt xe buýt vào nhà ga trung tâm của Rome: Roma Termini. Bên ngoài sân bay, cảnh tượng nhốn nháo khác hẳn với Đức và cũng bẩn hơn Đức rất nhiều. Ba lần liền, những chiếc xe con sà vào gần chỗ tôi đứng và những đại gia đình bảy, tám người huyên náo chui vào những chiếc Fiat năm chỗ, chưa kể hành lý được chất đầy trong cốp xe hoặc chằng trên nóc xe. Trên xe buýt chạy vào thành phố, radio được mở to cho cả xe nghe. Không biết tiếng Ý thì tôi cũng hiểu là đang có một trận bóng đá. Chà, bình luận viên trên radio... nói thế nào nhỉ... à, "nói văng nước miếng" trong khi người tài xế và một số hành khách ngồi gần đó vừa nghe vừa mắng nhiếc, la ó các cầu thủ một cách đầy kích động khiến cho tôi vừa thót tim sợ rằng bác tài xế sẽ tông xe vào lề đường vừa không nhịn được cười khi nghe tiếng gào thét huyên náo và những âm rung r... r... đặc trưng của tiếng Ý. Ngoài đường, hầu như xe ô tô nào cũng để ngỏ kính cửa, từ đó vọng ra tiếng radio tường thuật bóng đá - và lái xe taxi có một vẻ mặt hầm hầm như thể khách đi xe là kẻ thù khiến họ bỏ lỡ cơ hội xem trận bóng.

Sự thật là tôi không hề có ý định đi Ý khi chuẩn bị chuyến đi châu Âu này. Tôi chỉ định tới Rostock thăm gia đình Hiền rồi sẽ đi Paris và ở đó toàn bộ thời gian. Cho đến khi quyết định đi thêm Ý, tôi không có thời gian đọc bất cứ thông tin gì để chuẩn bị cho hành trình. Trong đầu tôi, tất cả ý niệm về Rome và nước Ý được chắp vá từ phim Bố Già, các sách sử về đế quốc La Mã, các đĩa opera, và ký ức về cái thời mà người Việt Nam háo hức chờ World Cup để xem Robero Baggio trên ti vi đen trắng.

Xuống xe buýt ở nhà ga Termini, tôi kéo hành lý tới chỗ có một dãy xe taxi chờ. Vừa thấy tôi tiến tới, một người đàn ông to béo, trông như Clemenza bước ra từ Bố Già, lập tức nổ ra một tràng tiếng Ý rổn ráng và chỉ vào chiếc taxi đầu tiên. Tôi chưa kịp định thần thì Don Clemenza bật tay cái tách, và từ đâu bỗng nhiên hiện ra một anh chàng chứng hai mươi tuổi, trông giống hệt Roberto Baggio. Chàng Baggio mặc áo phông Lacoste xanh lam, quần bò xé, đeo kính Armani, mái tóc đen hơi xoăn được vuốt keo bóng mượt - y như một tài tử điện ảnh. Chàng hùng dũng tiến tới nhấc hành lý của tôi cho vào cốp xe taxi đã mở sẵn và chỉ tay ra hiệu cho tôi vào xe theo một lối không chừa cho tôi bất cứ lựa chọn nào khác.

Chàng Baggio có vẻ chỉ biết nói tiếng Ý, tôi thì "non parto italiano[2]" nên sau khi vào xe, tôi đưa cho chàng tờ giấy đặt khách sạn, có địa chỉ trên đó. Chàng nhìn địa chỉ, gât đầu rồi đánh xe hòa vào dòng xe đông đúc trên phố. Suốt mười lăm phút sau đó, chàng chạy lòng vòng qua Via nọ, Via kia[3]. Trong lúc này, tôi đọc lại tờ giấy đật khách sạn: hướng dẫn trên đó nói rằng khách sạn chỉ cách nhà ga Roma Termini khoảng 2 phút đi bộ và bản đồ thì cho thấy nó ở ngay ngách bên cạnh nhà ga. À, đã quá muộn! Nhưng thôi, có thể đi taxi phải tránh đường một chiều nên lâu hơn. Có một điều là nhìn mãi chẳng thấy có đường một chiều nào cả, còn chàng Baggio cứ liên tục lòng vòng gần nhà ga, vừa lái vừa liên tục xổ ra những tràng tiếng Ý du dương và chỉ tay ra hai bên phố ra ý rằng không hiểu cái khách sạn quỷ quái này ở chỗ nào mà tìm mãi không thấy. Đoán chừng chạy quanh có lẽ không giải quyết được vấn đề nên khi xe quay lại gần nhà ga một lần nữa, tôi nói:

"Xin anh dừng ở đây, tôi sẽ xuống từ tìm lấy vậy."

[2]Không biết nói tiếng Ý.

[3]Via: tiếng Ý là "đường, phố".

Chàng Baggio tiếp tục chỉ ra hai bên đường, ra vẻ không hiểu ý, và tiếp tục chạy xe. Tôi phải kêu lên "Stop, stop, stop"; và sau khi lần nữa thêm một đoạn thì chàng cũng ngặm ngùi dừng xe. Tôi xuống xe, lấy hành lý để lên vỉa hè, rồi quay lại đề trả tiền. Đồng hồ lúc trước chỉ có 8 euro, nhưng khi tôi quay lại thì đã thấy 14 euro và chàng Baggio thản nhiên nói tiếng Anh:

"Forteen[4]"

[4]Mười bốn.

Rồi lè nhè một tràng dài tiếng Ý, trong đó có từ "bagaglio" mà tôi lập tức hiểu là "hành lý".

"Xin lỗi, chắc là anh đùa?" Tôi nói. "Tôi chưa bao giờ thấy đi taxi phải trả thêm tiền hành lý."

Nhưng chàng Baggio rõ ràng không đùa vì chàng rút từ phía sau lưng ghế ra một tờ giấy trắng nhàu nhĩ, có ghi một số dòng bằng tiếng Ý. Chàng chỉ cho tôi một dòng loáng thoáng về "bagaglio", rồi lại lè nhè một tràng tiếng Ý với vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng - trong số đó cũng chỉ có một từ mà tôi hiểu rõ: "polizia". Ý chàng nói, nếu tôi không trả tiền thì sẽ gọi cảnh sát.

"Xin lỗi, anh lại đùa?" Tôi nói. "Ai viết ra cái tờ giấy này? Tôi không thấy có dấu má hay biểu tượng của tồ chức nào hết?"

Baggio không trả lời câu hỏi của tôi mà rút điện thoại di động và chỉ về phía trạm cảnh sát gần đó, đồng thời liên tục nhắc đi nhắc lại "polizia, polizia" và làm ra vẻ chuẩn bị bấm máy. Biết không thể "nói chuyện phải quẫy" với kẻ vừa ăn cắp vừa la làng này, tôi nói:

"Anh cứ gọi cảnh sát đi, đồ lừa đảo!"

Tôi ném tờ 10 euro vào người chàng và ra khỏi xe, sập cửa lại. Thật may là hành lý của tôi đã ở trên vỉa hè. Chàng Baggio cúi nhìn qua cửa, vẫn tiếp tục ra bộ bấm điện thoại; rồi chừng mấy giây sau thì chàng dông thẳng.

Sau khi loanh quanh một hồi dưới nắng và mồ hôi nhễ nhại vì vẫn mặc áo khoác từ Berlin, tôi tìm thấy con đường có khách sạn. Đó là một đường phố vắng vẻ cách nhà ga khoảng 300 mét. Tuy nhiên, khi tôi tìm đến đúng số nhà thì ở đó không hề có khách sạn nào mà chỉ có một cái cửa lớn, đóng kín, với một tấm biển đồng ở bên ngoài, trên tấm biển đó có một số tên nhà với nút chuông bấm cho từng căn.

Vừa nóng vừa mệt vừa đói, tôi bắt đầu tin nước Ý toàn mafia thì một ông già đầu hói bụng phệ trông giống hệt Frankie ở Bố Già tập hai đủng đỉnh đi qua. Trong tình trạng chết đuối vớ được cọc, tôi lễ phép hỏi Don Frankie bằng tiếng Anh liệu ông có biết cái "hotel" này ở đâu không. Don Frankie nhìn địa chỉ rồi nói với tôi bằng tiếng Ý là tôi đến đúng "hotel" rồi. Tôi đáp lại bằng tiếng Anh rằng tôi chẳng thấy có biểu hiện "hotel" gì cả (chỉ có mỗi từ này là hai bên đều hiểu). Don Frankie đeo kính lên nhìn các chữ trên tấm biển đồng rồi thản nhiên bấm lần lượt tất cả các chuông cửa từ trên xuống dưới, mỗi lần bấm lại nhún vai nói ra một tràng tiếng Ý ra ý "Ôi dào, biết làm thế nào được? Việc phải làm thì làm thôi, cứ bấm cho chúng nó chết." Vừa mệt vừa chán nản mà tôi không nhịn được cười. Nhưng bấm tất cả chuông cửa mà không có ai trả lời, Don Frankie lắc đầu ra ý rất tiếc ông không thể giúp gì thêm.

Để rút ngắn câu truyện này tôi sẽ kể vắn tắt rằng cuối cùng tôi cũng tìm được khách sạn sau khi tiếp tục chạy lòng vòng, gặp một người đàn ông Sri Lanka gọi giúp điện thoại đến khách sạn và lần này gặp một người của khách sạn. Hóa ra, cái địa chỉ mà họ cho tôi chỉ là văn phòng môi giới; người môi giới sau đó mới đưa tôi tới khách sạn. Và khách sạn này thực ra cũng không phải của người Ý mà của một gia đình Nga - tóm lại, mọi thứ đều rất lòng vòng và mafia. Như tôi nhanh chóng nhận ra sau nửa ngày ở Rome, hầu hết khách sạn nhỏ và các cửa hàng quanh khu nhà ga chính của Rome cũng như ở một số điểm du lịch đều do người Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Nga, v.v... thuê lại của người Ý để kinh doanh. Tôi cũng hỏi người chủ khách sạn về chuyện anh chàng lái taxi đòi tôi tiền hành lý, ông ta nói đó là chiêu lừa phổ biến ở đây.

Chiều hôm đó, sau khi sắp xếp phòng, tắm, thay quần áo, tôi đi tới nhà thờ Santa Maria Maggiore, khu đấu trường La Mã Colosseo, khu di tích Domus Aurea Palatino.

Chà, tôi buộc phải nói rằng sau ngày thứ nhất, Rome làm tôi thất vọng. Khu đấu trường Golosseo quả có to lớn, quả có cổ xưa, nhưng trong tổng thể Rome, đấu trường này chỉ khiến tôi liên tưởng đến một miếng gấm được vá vào một chiếc áo sơ mi Dolce & Gabbana made in China. Thực tế là toàn bộ Rome - cho đến lúc này - gợi cho tôi cảm giác về sự nham nhở và lệch lạc vì cái cổ xưa và hiện đại, cái hoành tráng và tiểu tiết lẫn lộn với nhau một cách lộn xộn, bừa ẩu, nhốn nháo. Tôi lại phải nhắc lại là Rome bẩn: bẩn hơn Berlin, bẩn hơn các thành phố lớn của Mỹ. Hơn thế, Rome gợi một cảm giác về một chàng công tử đỏm dáng nhưng lấc cấc, hư hỏng, thuộc một dòng họ quý tộc có lịch sử ngàn năm. Tổ tiên của anh ta có thể danh giá và tạo ra nhiều kỳ tích nhưng đến anh ta thì hầu như tất cả sự văn hóa và lịch lãm đó biến mất, còn lại chỉ là tên họ và một số đồ gia bảo mà anh ta trưng hết ở phòng ngoài cho khách xem (và không quên thu tiền). Nói như người Việt Nam là "hổ phụ sinh cẩu tử". Có thể ngày mai tôi sẽ đổi ý, nhưng lúc này thì là như vậy.

Tôi ăn bữa tối đầu tiên ở ngay gần khách sạn: spaghetti thịt bò xốt cà chua với một ít rau. Thức ăn dở - điều này tôi đã biết trước vì đây là một cửa hàng phục vụ khách du lịch chứ không phải là một nhà hàng tử tế, nhưng tôi chỉ muốn ăn nhanh để quay lại nhà thờ Santa Maria Maggiore[5] xem lễ tối và sau đó sẽ đi bộ trở lại khu đấu trường Colosseo xem nó có đẹp hơn vào buổi tối không. Nhưng nhà thờ Santa Maria Maggiore đã đóng cửa khi tôi tới. Bên ngoài đài phun nước đối diện với nhà thờ, mấy du khách đang ngồi nghỉ chân; khuôn mặt họ thất thểu và mệt mỏi, như thể muốn nói "Người ta bảo mọi con đường đều dẫn về thành Rome, nhưng đến Rome rồi thì đi đâu?" Cũng phải nói thêm: tháng Tám là tháng đi du lịch của Rome nên hầu hết người bản xứ đi vắng; thành phố sau 8 giờ tối hầu như không còn hoạt động gì nhiều. Tôi bỏ luôn ý định đi bộ tiếp ra khu Colosseo để về ngủ sớm.

[5] Một trong những nhà thờ cổ nhất và thiêng liêng nhất ở Rome cũng như trên thế giới, được coi là một thành tích của Thiên Chúa Giáo La Mã.

Sau 10 giờ đêm, những con đường hẹp và cổ kính quanh nhà ga trung tâm đã vắng người. Ít đèn đường. Mèo hoang không biết từ đâu ra rất nhiều, kêu thảm thiết. Trên vỉa hè, mấy người đàn ông Ấn Độ đang mệt nhọc thu dọn những món đồ lưu niệm và túi da Ý rởm mà họ bày bán. Tôi muốn vào Internet để có cảm giác kết nối với thế giới quen thuộc của mình nhưng khi người chủ cửa hàng Internet yêu cầu tôi phải xuất trình hộ chiếu mới được dùng mạng thì trong không khí nghi ngờ cả thành Rome, tôi từ chối và đi thẳng về khách sạn. Đất thánh ư? Rome lúc này không có gì giống đất thánh. Điều vui nhất trong ngày hôm nay với tôi là gặp được chị Mai, nói chính xác là sơ Anna Thanh Mai. Chị là người quen của gia đình chồng tôi. Tôi quý chị ngay lập tức.

Cái mà tôi chú ý nhất trong ngày hôm nay là những phòng xưng tội bằng gỗ đặt dọc hai bên sảnh chính của nhà thờ Santa Maria Maggiore. Có gần hai mươi phòng và người xưng tội có thể xưng tội bằng nhiều thứ tiếng - Ý, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Có một phòng mà cha nghe xưng tôi là người Việt Nam: cha Joseph Trần. Lúc tôi ở trong nhà thờ, có một phòng xưng tội sáng đèn; rồi một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đến quỳ ở bục, chắp tay, cúi đầu, lầm rầm xưng tội chừng mười phút. Trông ông ta rất thành kính và đau khổ.

Ý nghĩ cuối cùng của tôi trước khi chìm vào giấc ngủ là: không biết tội lỗi được xưng nhiều nhất ở Rome là tội gì? Và tội lỗi mà con người thường xuyên mắc phải nhất là tội gì?

Đêm qua, trước khi đi ngủ, rồi đã nhủ thầm rằng sáng nay sẽ dậy trước 6 giờ để tới nhà thờ Santa Maria Maggiore xem người Rome xưng tội trong lễ sáng. Tuy nhiên, khi tôi mở được mắt, đồng hồ đã chỉ 7 giờ. Ngoài cửa sổ, bầu trời có màu xanh Địa Trung Hải ngăn ngắt, không mây. Một ngày nắng rực rỡ.

Hơn 8 giờ, chị Mai tới. Hôm sau, chị mặc áo trắng với váy đen; hôm nay áo hoa và váy hoa vải phin thô màu vàng nhạt nhưng kiểu dáng giống hệt hôm qua. Chị đi xăng đan da nâu và đội mũ vải mềm - gợi tôi nhớ đến những bức ảnh các thiếu nữ trường dòng Sài Gòn từ trước 1975. Chị nhìn tôi bằng đôi mắt nâu rất trong, mỉm cười:

"Hôm qua Việt ngủ có ngon không?"

Chị nói chậm; và sự chậm rãi, cộng với cái nhìn của chị đột nhiên gột khỏi tôi một cái gì đó. Có lẽ là sự đề phòng bản năng. Chị đã hỏi một câu đơn giản nhưng thật lòng.

"Em ngủ như chết," tôi nói. Tôi đã ngủ như chết thật.

Chị Mai chỉ hơn tôi bốn tuổi, người gốc Huế. Chị vào nhà dòng từ năm mười sáu tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học. Chị đã sống nhiều năm ở Pháp rồi qua Rome từ bốn năm nay để học tiếp. Khi nào học xong trong trường dòng, chị sẽ ở lại đây và sống vĩnh viễn trong nhà dòng. Dòng tu mà chị theo gọi là dòng Nữ Công Truyền Giáo; những người theo dòng này không mặc trang phục nữ tu như các dòng khác (tức áo thung với khăn trùm đầu) mà vẫn mặc quần áo bình thường vì họ muốn sống đạo giữa đời.

Sáng nay, trên tàu điện ngầm đi Vatican, tôi hỏi rất nhiều về cuộc sống trong nhà dòng của chị. Ví dụ như hằng ngày lịch hoạt động của chị như thế nào, chị lấy đâu ra tiền để sống; chị nói rằng nhà dòng chu cấp cho chị "mọi thứ", chị không phải lo gì cả.

"Mọi thứ tức là," tôi cố nghĩ ra cái gì đó thật riêng tư "em xin lỗi chị, kể cả quần áo lót và băng vệ sinh!"

"Ừ," chị cười. "Bọn mình có một chị bề trên lo quản lý tất cả những thứ đó, khi nào hết thì chị phát cho."

"Thế nếu chị muốn tiêu gì đó riêng thì sao?"

"Bọn mình không phải tiêu gì riêng hết," chị lại cười từ "riêng" của tôi. "Bọn mình sống chung, hưởng chung, có gì cần thì trình bày với chị bề trên, chị sẽ cung cấp cho."

"Nhưng mà... chị vẫn phải có những thứ cần dùng riêng chứ. Như hôm nay chị ra ngoài thì vé tàu điện ngầm chị lấy tiền ở đâu để mua? Nếu chị muốn ăn kem hay uống nước bên ngoài thì sao?"

"À, cũng được lo hết rồi; mình trình bày với chị bề trên và chị đưa vé cho mình. Mỗi tháng, mình được 15 euro để chi các khoản riêng như Việt nói. Nhưng bọn mình không có đi ra ngoài nhiều như người thường, hôm nay mình ra gặp Việt thì mình trình bày với chị bề trên là em xin phép ra ngoài gặp gia đình từ Việt Nam sang."

Chị cho tôi biết chị sống cùng với một sơ người châu Phi nữa trong một căn phòng nhỏ. Tôi không nhịn được tò mò nên cứ căn vặn chị mô tả tỉ mỉ cho tôi xem phòng đó trông thế nào, diện tích bao nhiêu mét vuông, đồ đạc chính xác có những gì, giường có đệm không, có toilet riêng không, có ti vi, radio, máy tính không, có Internet không, vân vân... Chị cười, kiên nhẫn trả lời tôi rằng phòng của chị khoảng 12 mét vuông, trong phòng có vài cái ghế gỗ, hai cái bàn, không có tivi với radio, Internet thì có ở một cái máy tính chung cho mọi người và chỉ dùng vào cuối tuần. Chị và sơ cùng phòng mỗi người có một giường ngủ đơn chứ không có phòng ngủ riêng và quanh giường của mình thì "mình cũng có thể trang trí tùy theo sở thích".

"Thế sở thích của chị là gì?"

"Mình chỉ muốn phụng sự Chúa thôi!" Chị Mai cười ngất trước sự háo hức của tôi.

"Thế chị trang trí quanh giường thế nào? Các bạn của chị trang trí như thế nào?" (Tôi cứ hình dung các phòng ký túc xá của sinh viên ở Việt Nam với những cái giường cá nhân quây ri đô, và những bức tường dán đầy ảnh Brad

Pitt.)

"Mình thì không trang trí gì cả; chỉ có ảnh Chúa," chị Mai cười. "Các chị em khác cũng thế. Có người thì có ảnh gia đình, có người thì không."

Tôi càng tò mò không biết sống trong nhà dòng thì thế nào.

"Chị Mai ơi, cho em vào sống với chị mấy ngày được không?"

Chị Mai ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi chị nói nếu tôi nghiêm túc thì chị sẽ trình với "chị bề trên" xem thế nào.

Tôi nghiêm túc chứ. Cách đây hơn mười năm, tôi từng vô cùng dị ứng với đạo Thiên Chúa khi Quang Anh, người bạn thân của tôi lúc đó, quyết định theo đạo. Tôi từng nghe rằng tôn giáo "là thuốc phiện của đám đông", chỉ dành cho những người yếu đuối, không làm chủ được cuộc sống của mình nên phải trông vào một đấng siêu nhiên. Khi thấy Quang Anh đổi từ "lương" sang "đạo" vào năm thứ hai ở đại học, tôi bắt đầu đi nhà thờ theo bạn, thậm chí còn đến các lớp học Kinh Thánh do một nhà truyền giáo Tin Lành người Mỹ dạy trong hai năm. Nhưng sự thật là trong suốt những năm ấy, cái duy nhất mà tôi thích trong đạo Tin Lành chỉ là những buổi thánh ca miễn phí ở nhà thờ. Tôi không sao có thể tin Chúa.

Thế thì những người tin Chúa là như thế nào? Cái gì làm cho tôi không thể tin mà họ lại tin? Tôi chắc chắn người Mỹ không phải "những người yếu đuối, không làm chủ được cuộc sống của mình"; tại sao đa phần người Mỹ tin Chúa? Mà thực tế là hơn hai tỷ người trên thế giới này đang tin Chúa. Hơn thế, nếu chỉ lựa chọn tin Chúa nhưng vẫn sống cuộc sống thế tục thì không sao, nhưng còn những người vào nhà dòng để toàn tâm toàn ý phụng sự Chúa? Cái đức tin ấy của họ là thế nào, cái đời sống ấy là thế nào? Không ít người cho rằng những người tu hành sống đời khổ hạnh, thậm chí hành xác, không có tự do. Nhưng nhìn chị Mai, tôi không thấy bóng dáng khổ hạnh, cũng không có bóng dáng sự tù túng. Trên mặt chị ít khổ đau hơn hầu hết những người "vô thần", "tự do" mà tôi gặp.

Một bà sơ trên đường phố Rome

Sáng nay, chúng tôi định sẽ tới bảo tàng Vatican trước. Lúc 9 giờ sáng, bên ngoài bảo tàng đã có một hàng người dài khoảng hai trăm mét, vắt từ cổng qua hai khúc quanh của con đường. Họ nhích chậm chạp dưới cái nắng ngày càng gay gắt. Những người đứng xung quanh tôi - đa phần là khách du lịch da trắng - vừa liên tục uống nước, vừa thở nặng nề và lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trên cổ. Nhìn tốc độ di chuyển của dòng người, chúng tôi quyết định bỏ cuộc để đi sang nhà thờ Thánh Peter.

Nhà thờ Thánh Peter là một trong những điểm du lịch chính của Vatican và cũng là nơi công chúng được vào tự do, những nơi khác đều có những người lính Thụy Sĩ mặc đồng phục vàng, xanh, đỏ, đeo súng đứng gác. Trên đường từ bảo tàng Vatican sang nhà thờ, tôi nhìn thấy nhiều linh mục mặc áo thụng đen và các bà sơ mặc áo thụng xanh nhạt nghiêm trang đi ra đi vào các cánh cổng có lính gác. Họ băng qua đường, chậm rãi bước trên các vỉa hè lát đá, khuôn mặt không thuộc về thế giới này và không hề quan tâm tới những dòng xe cộ đông đúc. Đây hẳn là một cảnh bình thường với Rome và với chị Mai nhưng tôi phải đứng lại nhìn. Có cái gì đó siêu thực trong chuyển động của những khuôn mặt bình thản ấy giữa phố phường Rome ngập người và xe.

Quảng trường Thánh Peter là một không gian đồ sộ. Tôi chưa từng thấy một quảng trường nào đồ sộ như vậy. Cả quảng trường được bao bởi những hành lang vòng cung lớn với 248 cột đá khổng lồ, mỗi cột cao hai mươi mét, đường kính mấy người ôm, được dựng song song theo kiểu các hàng cột của đền Pantheon. Trên đỉnh các hành lang vòng cung là 140 bức tượng thánh trong các tư thế rất sinh động, đang đổ những bóng dài trên quảng trường ngập nắng.

Nhưng tôi thích quảng trường bên ngoài bao nhiêu thì lại không thích bên trong nhà thờ Thánh Peter bấy nhiêu, mặc dù, đây nữa, đây cũng là một công trình khổng lồ. Có quá nhiều thứ được "trưng bày" ở đây; bức tranh nào, bức tượng nào cũng đi kèm những dòng giới thiệu về kì tích có một không hai của nó, khiến cả basilica[6] như một bữa tiệc thánh tích ngồn ngộn mà chỉ nhìn đã phải bội thực. Nào là các thánh tích và hầm mộ của các Giáo hoàng; nào là tượng của Michelangelo; nào là tranh, bàn thờ của người nổi tiếng này người nổi tiếng khác. Tôi không thấy Chúa hay "đạo" ở đây. Cũng không thấy có sự thiêng liêng hay bình yên nào - ngay cả trong những phòng nguyện nhỏ hai bên nhà thờ cho các khách du lịch vào cầu nguyện.

[6] Basilica là nhà thờ kiểu lớn, xây kiểu hoàng cung La Mã.

Cái duy nhất có vẻ có tính đạo trong nhà thờ Thánh Peter là cảnh một nhóm khoảng hai mươi phụ nữ Hàn Quốc đứng xung quanh một cây thánh giá gỗ gắn trên một bức tường trần trụi hiếm hoi trong nhà thờ. Họ cùng vươn tay về cây thánh giá; những người không đứng gần cây thánh giá thì vươn tay chạm vào vai người đứng trước. Trông họ như những cái rễ mọc ra từ cây thánh giá trong lúc họ cúi đầu, lầm rầm cầu nguyện.

Ở nhà thờ thánh Peter ra, chúng tôi đi tới Spanish steps, qua quảng trường Republica, qua Piazza del Popolo (quảng trường Nhân dân); rồi đi qua các đường phố hẹp lát đá tới đài phun nước Trevi. Có đi bộ như vậy mới bắt đầu hình dung được Rome và cái tinh thần thần thánh của Rome. Ở Rome, nếu tính tỷ lệ, có lẽ đài phun nước, nhà thờ, và các quảng trường công cộng là ba dạng công trình có mật độ dày đặc nhất. Cứ đi vài phố lại thấy một đài phun nước giữa một quảng trường lớn hoặc nhỏ. Và nhà thờ thì hầu như góc phố nào cũng có. Hình như từ ban đầu, người La Mã hiểu rằng để có một xã hội tốt và một đời sống cao thì phải có một xã hội dân sự và người dân cần được thực hành quyền dân chủ của mình bên cạnh việc vui chơi giải trí. Họ hiểu rằng con người thực sự là một thực thể xã hội, bên cạnh việc là một thực thể sinh học và tâm linh. Một điều nữa cũng khiến tôi nghĩ: Rome thực sự rất nhỏ về diện tích và theo một số tài liệu tôi từng đọc thì người La Mã cổ đại chỉ có chiều cao trung bình khoảng một mét rưỡi, nhưng họ đã thiết kế tất cả các công trình công cộng với một sự phóng khoáng và vĩ đại cả về ý nghĩa và kích thước thực. Những quảng trường thênh thang, những nóc nhà cao, những hành lang đá lớn, những trụ tường cẩm thạch mấy người ôm, những tháp nhà thờ vươn thẳng lên trời, những bậc thềm, và những chạm trổ kỳ công... Mọi thứ đều phải cao rộng, hoành tráng, phải như thế giới của các vị thần, của Chúa trên thiên đàng. Con người quả là một bản sao của thế giới thần thánh; và nghiễm nhiên có thể là thần thánh.

Sau 3 giờ chiều, Rome tràn ngập người ngồi nhàn tản sưởi nắng ở các quảng trường - cả dân cư Rome và khách du lịch. Cũng khó mà có thể vội vã trong một ngày nắng đẹp như thế này, giữa một thành phố chậm rãi thế này. Trên phố, các tiệm kem đầy ắp người. Ngay cả những cảnh sát lực lưỡng, bảnh bao cũng vừa tán chuyện, vừa ngả ngốn trên những chiếc xe Vespa mà ăn kem thoải mái. Những người đàn ông đi bộ trên phố với một vẻ tự tin và trễ nải của những con báo ăn no đang đi dạo. Tôi thấy cả những ông già mặc com lê nghiêm chỉnh đủng đỉnh bước đi, vừa đi vừa liếm kem như một đứa trẻ. Các cô gái mặc đẹp chạy rông trên phố với mái tóc đen buông xõa; họ thoải mái phô bày cái cơ thể sexy như một quyền tự nhiên của con người.

Quanh đài phun nước Trevi, khách du lịch và người Rome la liệt nằm, ngồi, sửa nắng; họ ở sát cạnh nhau mà không thấy chật chội. Ngay cạnh đó, tôi nhìn thấy một cánh cửa gỗ màu đen pha đỏ, trông rất cổ kính; tôi không rõ nó là cửa vào cái gì nhưng cứ liều đẩy thử rồi bước vào. Bên trong hóa ra là một nhà thờ nhỏ hoàn toàn tĩnh lặng. Nhà thờ chỉ có diện tích như một gian phòng nhỏ, tối, với một ban thờ Chúa ở chính giữa và một vài hàng ghế. Có ba người đang gục đầu yên lặng cầu nguyện trong khi chỉ cách vài bước chân là bao nhiêu khách du lịch và người Rome đang ngồi ăn kem sưởi nắng. Nhìn từ bên ngoài, không thể biết được đây là một nhà thờ - và có lẽ có tuổi đời cả ngàn. Không biết có bao nhiêu nhà thờ như thế này ở Rome - thật khó tưởng tượng rằng tôi đang ngồi ở một tàn tích có thể đã có từ thời Julius Caesar Cleopartra, Antony, khi mà đế chế La Mã trải rộng tới tận sông Nile.

Tối nay, đã chán ngán các loại pizza và mỳ ống, tôi ăn tối ở một nhà hàng Trung Quốc gần khách sạn. Bàn bên cạnh là một cặp vợ chồng châu Á và một cậu con trai nhỏ - có vẻ như cặp vợ chồng đã cãi nhau trước khi đi ăn tối nên họ không hề nói chuyện với nhau và cũng không nhìn nhau suốt bữa; cả hai chỉ nhìn vào cậu con trai. Người vợ có một vẻ mặt khiến cho tôi nghĩ tới cụm từ "bể khổ". Hai mắt chị là hai cái hố khổ và khuôn mặt chị là một bản khắc sống của những năm tháng không vui; một khuôn mặt chỉ chực gục xuống khóc nếu quanh đây không có người. Chị có vẻ rất muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này nhưng không biết cách, có khi không biết lựa chọn đó liệu có tồn tại với chị. Giữa hai người ngồi đó là một khoảng trống chết chóc. Thật là một cảnh đau lòng giữa Rome - thành phố mà người ta hôn nhau ở khắp các góc phố và cúi xuống buộc giày cho nhau.

Tôi vừa ăn vừa liếc nhìn chị và tự hỏi, không biết chị đang nghĩ gì.

Khó lắm, tôi biết chứ.

Những ngày này, tôi chỉ ngủ từ hai đến năm tiếng mỗi ngày. Đã thế, ngày nào tôi cũng đi bộ liên tục, ăn ít, chỉ uống nước là nhiều. Vậy mà không thấy mệt.

Sáng nay, tôi mở mắt lúc 3 giờ sáng và đến 5 giờ đã ra khỏi nhà, xuống tàu điện tới bảo tàng Vatican. Tôi muốn đến sớm để xếp hàng mua vé và có thể vào được bảo tàng trước khi rời Rome.

Bên ngoài, trời còn tối và hơi lạnh. Những đường phố Rome yên tĩnh. Dưới bến tàu điện, chỉ có một vài người chờ tàu. Trông họ đều mệt mỏi và nhem nhuốc - điều rất khó thấy ở Rome. Họ chắc chắn không phải người Ý. Có vẻ như họ là dân nhập cư từ Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay một nước nào đó có màu da sẫm màu.

Lúc hơn 6 giờ 15, bên ngoài bảo tàng chưa hề có ai. Những chỉ vài phút sau, một nhóm người Tây Ban Nha xuất hiện: một gia đình bốn người, gồm bố mẹ và hai người con có lẽ đang là học sinh cấp ba. Sau đó, một chiếc xe buýt dừng lại ở ngay chỗ chúng tôi và hai bà sơ chừng ngoài bốn mươi tuổi bước xuống, một mặc áo thụng trắng, một mặc áo thụng đen. Hôm trước, tôi hỏi chị Mai các màu áo có nghĩa là gì; có phải giống như là đai trắng, đai đen trong võ thuật không; chị Mai cười, bảo không phải, màu khác nhau là do các dòng tu khác nhau. Hai bà sơ đi tới chỗ tôi đứng; nhìn tấm biển báo giờ mở cửa; rồi có vẻ không chắc chắn lắm, họ hỏi tôi. Người mặc áo trắng nói tiếng Anh không sõi nhưng có thể hiểu được; vậy là chúng tôi bập bõm tán gẫu. Hóa ra, họ từ Philippines tới. Tôi nói rằng bảo tàng phải đến 8 giờ 30 mới mở cửa, nhưng người ta có thói quen đến từ sớm để xếp hàng. Sau khi nghe thông tin này và thấy mới chỉ có khoảng chục người đứng xếp hàng, hai bà sơ đi ra trước hai cánh cổng kín bằng gỗ của bảo tàng để chụp ảnh cho nhau. Họ giơ tay giơ chân làm điệu bộ, rồi trêu nhau gì đó và cười lăn lộn, đến mức phải ngồi xuống cho khỏi ngã. Trông họ giống như hai cô gái trẻ thân nhau đang đi shopping trong siêu thị chứ không phải hai nữ tu sĩ. Tôi quan sát họ và cũng thấy vui lây.

Trời buổi sớm có gió lạnh nên những người đứng đợi bắt đầu co ro. Chẳng mấy chốc, có mấy người phụ nữ mang rất nhiều khăn quàng và mũ len đến chào bán. Khăn mũ đủ các loại màu sắc, bằng lụa và len, giá từ 3 đến 5 euro. Họ bán những thứ này vì bảo tàng cấm những người mặc quần sooc và áo cộc tay vào bên trong, những người này phải mua khăn để trùm lên.

Đến 8 giờ 30, bảo tàng mở cửa. Phòng đầu tiên là các cổ vật và tượng thần trong Thần thoại Hy Lạp, hầu hết được làm từ trước hay ngay đầu Công nguyên. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi cần cả tuần mới có thể xem hết được bảo tàng này, mà tôi chỉ có buổi sáng nay. Vậy là tôi đành bỏ qua một loạt phòng để đi thẳng tới Nhà nguyện Sistine.

Đường đi tới đó không dễ. Phải đi lên đi xuống các cầu thang hẹp và xuyên qua các căn phòng đầy những bức tranh trần và tranh tường lớn, vẽ các tích tôn giáo. Một ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong đầu tôi: tại sao ở các nền văn minh đầu tiên của con người, đời sống nghệ thuật và tôn giáo - tâm linh

Những người đến từ 6 giờ sáng để xếp hàng bên ngoài bảo tang Vatican (Rome)

được hòa trộn tự nhiên đến thế vào đời sống thế tục? Nghĩa là việc kính Chúa, thờ thần, việc coi con người như một hóa thân hoặc sự nối dài của thế giới thần linh là một việc tự nhiên; trong khi thế giới hiện đại của chúng ta dễ coi điều đó là biểu hiện của sự tăm tối và ngu dốt. Kết luận này có vẻ quá vội vàng và là một sản phẩm chính trị - xã hội nhiều hơn là sự thật. Con người hiện đại có lẽ đã quá tự mãn về quyền lực của mình và trong sự tự mãn đó đã cắt đứt mình khỏi một sợi dây nối với một cái gì đó cao cả, toàn thiện.

Phần chính của nhà nguyện Sistine là một căn phòng kiến trúc Phục hưng được xây dựng theo kích thước của đền thờ Solomon trong kinh Cựu ước - và lúc này đông nghẹt người. Tôi hầu như không thể di chuyển mà chỉ có thể thả lỏng cho mình được đẩy đi trong cái sóng người đều đang ngửa cổ nhìn lên trần nhà. Trên đó, trong vòng bốn năm từ 1508 đến 1512, Giáo hoàng Julius đệ nhị đã thuê Michelangelo vẽ chín bức bích họa để mô tả ba giai đoạn trong quan hệ của con người với Chúa trời: Chúa tạo ra thế giới, Chúa và con người, Loài người phản bội lại Chúa. Sau đó, từ năm 1537 đến năm 1541, Giáo hoàng lại thuê tiếp Michelangelo vẽ bức Sự phán xử cuối cùng (The Last Judgment) để tạo nên mắt xích cuối cùng cho tổng thể câu chuyện về loài người và Chúa.

Căn phòng lúc này rất tối vì toàn bộ cửa sổ đều bị đóng và do vậy khó mà nhìn rõ các họa tiết, nhất là trong tư thế ngửa đầu. Tuy thế, chỉ quy mô của những bức họa cũng có thể khiến người ta choáng ngợp. Tất cả những người trong phòng hẳn đều cũng có cảm giác này nên hầu như không ai nói gì, chỉ ngửa cổ nhìn, và thỉnh thoảng khẽ tặc lưỡi. Sự chiêm bái và ngả mũ này chỉ có một nửa với Chúa; nửa còn lại là với sức sáng tạo kinh khủng của Michelangelo. Ít nhất là tôi cảm thấy thế. Tôi không có gì để nói khi đứng đây.

Tôi chỉ có thể im lặng và đồng tình với cái tuyên ngôn không lời của Michelangelo khi ông vẽ những bức fiasco này: hoặc là thế này, hoặc là không gì cả.

Nhưng thế này thực sự khó lắm. Những người cho rằng nó dễ là những người hoặc rất may mắn, hoặc không hề biết họ đang nói gì.

Tôi tới Rome làm gì? Câu hỏi này trở đi trở lại trong đầu tôi tối qua. Đa số những người tới Rome - mà phần nhiều là từ các nước phương Tây, hoặc các nước châu Á thân phương Tây như Nhật, Hàn Quốc, Singapore - đều ít nhiều có mục đích hành hương. Họ tới Rome để tới Vatican, để được gần Chúa hơn thông qua việc gần với Giáo hoàng hơn và gần với đất thánh hơn. Nói gì đi nữa, Thiên Chúa giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại, với khoảng hơn hai tỷ tín đồ, trong đó có quá nửa thuộc Thiên Chúa giáo La Mã.

Với tôi, mục đích hành hương này hoàn toàn không có. Từ lâu tôi đã nghĩ, ngoại trừ chuyện một người xuất thân trong gia đình nào và xã hội nào, sự lựa chọn tôn giáo của người đó còn phụ thuộc tạng người. Tạng của tôi không sao tin được những điều cơ bản mà người theo đạo Thiên Chúa nào cũng tin: có một đấng sáng tạo, gọi là Chúa Trời, đã tạo ra thế giới và con người từ cát bụi; loài người đã phản bội lại Chúa và vì thế mà tất cả chúng ta sinh ra đã có tội lỗi khởi thủy; tuy nhiên Chúa thương loài người nên đã cử con duy nhất của Ngài là Jesus xuống chịu tội cho loài người bằng cách chết trên thánh giá; và những ai tin nhận Chúa sẽ được rửa sạch tội lỗi để lên thiên đường sau khi chết còn tất cả những người không tin Chúa sẽ xuống địa ngục[7].

[7] Dĩ nhiên là một số dòng chỉ tin chúa Jesus là sứ giả của Chúa chứ không phải con của Chúa.

Đi nhà thờ với Quang Anh đến hai năm và dầu cố gắng hết sức, tôi vẫn không sao chấp nhận được những điều này. Có cái gì đó trong tôi cứ cưỡng ra. Có lần, khi hết cả kiên nhẫn với tôi, Quang Anh đã nói:

"Tại sao chị bướng thế nhỉ? Chị không chịu tin nhận Chúa chẳng qua là do chị kiêu ngạo chứ không phải vì nó phi logic. Chị sợ người ta bảo chị ngu ngốc."

Bướng thì tôi công nhận, nhưng sợ người ta bảo mình ngu ngốc thì chắc chắn là không.

"Em nhầm," tôi nói. "Nếu thực sự có Chúa, và Chúa đã để Jesus chết trên thánh giá để rửa tội cho con người, thì chị hết tội rồi, tại sao chị lại phải theo Đạo, mà không chị lại còn phải xuống địa ngục. Đã bảo là chết để đền tội thay rồi mà vẫn còn bắt vào đạo mới được chuộc tội thật; cái lỗi đấy là lỗi phiên dịch và cưỡng ép của nhà thờ, chị chẳng tin Chúa tử tế nào lại ép người ta như thế. Phật chẳng bao giờ ép ai theo đạo Phật, Phật bảo mỗi người đều là Phật, phải tự mà cứu mình."

Nghe đến Phật thì dĩ nhiên Quang Anh càng điên tiết. Nhất là vì lúc đó, trong cố gắng tìm một lối tắt để đi tới sự thật (trời ơi!), tôi vừa đi nhà thờ cùng Quang Anh vừa bắt đầu tập thiền cùng với một nhóm bạn khác.

"Đây không phải là phiên dịch của nhà thờ," Quang Anh nói "Đây là Kinh Thánh nói! Kinh Thánh là lời Chúa; chị đã đọc sách Luke và Mathew trong Tân ước, chị biết việc Chúa Jesus là con của Chúa chính là lời Chúa nói trong Kinh Thánh chứ không phải là sự phiên dịch của nhà thờ."

"Dào," tôi tặc lưỡi, "Luke và Mathew trước hết là các nhà chính trị."

Đến đây thì Quang Anh hết chịu nổi.

"Vấn đề không phải là logic, vấn đề là chị chưa thấy địa ngục đấy thôi; nếu chị biết chắc chị sẽ phải xuống địa ngục nếu không tin Chúa thì chị đã ba chân bốn cẳng tin nhận rồi. Chị đúng là chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ."

"Em lại nhầm nữa rồi," tôi cũng phì khói qua hai tai. "Nếu quả thực là như

thế thì lại càng phi lý. Thế thì chị thà xuống địa ngục còn hơn. Đằng nào thì đa số bạn của chị với em cũng xuống địa ngục với chị. Xuống đấy cũng vui chán."

Lúc ấy chúng tôi đang uống sinh tố trên phố Hoàng Diệu vào một buổi tối thứ Bảy, sau khi đi tập thánh ca ở nhà thờ về (hồi đó, phố Hoàng Diệu còn là phố sinh tố). Đến đây thì Quang Anh không nói không rằng, lên xe đi thẳng.

Cũng vì xung đột này mà bọn tôi đã từ mặt nhau một thời gian dài trước khi làm bạn trở lại một cách dè dặt. Chúng tôi học cách không mang chuyện tôn giáo ra tranh luận nữa; nhưng tôi biết Quang Anh vẫn không thể tiêu hóa nổi việc tôi lại không nhận ra cái sự thật rành rành về Chúa.

Chị Mai, trái lại, thuộc tạng có thể theo đạo Thiên Chúa và thực tế là chị đang hiến cả đời mình cho Chúa. Tôi đoán, khi tôi và chị Mai đứng trong nhà nguyện Sistine nhìn lên những bức fiasco của Michelangelo, chị Mai nhìn thấy Chúa, còn tôi chủ yếu thấy Michelangelo. Chị Mai cho rằng ngay cả sự sáng tạo của Maichelangelo cũng thuộc về Chúa, nếu không nhờ ân phước của Chúa thì Michelangelo không thể nào tạo ra kiệt tác này; còn tôi thì chỉ nhìn thấy cơ bắp và các nơ ron thần kinh của Michelangelo căng ra trong lúc ông ngửa đầu ra vẽ, bất kể Chúa hay quỷ Satan có muốn ông vẽ hay không.

Nhưng rút cục, tôi tới Rome để làm gì?

Ngày hôm nay, tôi đối mặt lại với câu hỏi này, nhưng là trước "chị bề trên" trong nhà dòng của chị Mai. Chiều nay, khi gặp chị Mai, tôi lại hỏi chị không biết chị đã hỏi "chị bề trên" cho tôi chưa.

"Nếu chị bề trên đồng ý thì em sẽ quay lại Rome để đến sống thử trong nhà dòng," tôi nói.

"Chị hỏi rồi," Chị Mai cười. "Chị bề trên bảo sao cứ nói mà mãi không đưa cô ấy đến đây giới thiệu."

Lúc ấy, chúng tôi đang đứng bên ngoài nhà ga Termini, tôi nói, " Thế thì đi luôn bây giờ được không chị, để em xuống rửa mặt một chút trông cho tử tế đã." Tôi chạy xuống tầng dưới để vào nhà vệ sinh. Nhưng tôi vội quá và có lẽ là mừng quá nên đã chạy nhầm và toilet nam mà không biết. Trong lúc trang điểm, tôi nhìn vào gương và nhận thấy những người đàn ông đi ngang phía sau tôi cứ nhìn tôi chằm chằm. Đến lúc, những cái nhìn xoáy quá, tôi quay lại nhìn họ và nhận ra mình đang ở trong nhà vệ sinh nam. Tôi vội vàng ôm túi đồ trang điểm chạy ra khỏi phòng.

Nhà dòng của chị Mai ở trong một con phố rất hẹp cạnh khu Piazza Navona. Không có cổng vào, không có tường cao, không có hàng rào, không có thánh giá hay bất cứ dấu hiệu nào bên ngoài cho thấy đây là một nhà dòng. Đó chỉ là một căn nhà hai tầng sơn màu vàng mang kiến trúc Phục Hưng như những căn nhà bên cạnh. Chúng tôi đi qua một cái cửa nhỏ, rồi chị Mai dẫn tôi sang một căn phòng giống như một cái am, ở đó có một bàn thờ Chúa và Đức Mẹ Maria rất đơn giản. Chị bỏ dép, quỳ xuống làm dấu thánh - tuy chỉ trong vài giây nhưng các cử động đều tập trung, tự nhiên, và nối nhau mềm mại như một thứ bản năng thường hằng, tôi cũng vội vàng bỏ dép, quỳ xuống sau chị, và cũng bất giác làm dấu thánh mặc dù ngay trong lúc đang làm dấu, trí óc lập tức đánh động tôi rằng cái dấu thánh của tôi hoàn toàn trống rỗng về nghĩa (và ở đây thì có một phần khác lại lặng im ghi nhận rằng cái phản xạ làm dấu đầu tiên, trước khi trí óc tôi can thiệp, là một phản xạ tự nhiên để đáp lại một điều gì đó tự nhiên mà gọi bằng tên không gì quan trọng). Rồi chị đứng dậy, nói với tôi rằng mỗi lần đi ra ngoài hay đi về, mọi người trong nhà dòng đều phải chào Chúa trước.

"Giống như con cái khi ra ngoài nhà hay đi về đều phải chào bố mẹ mình," chị nhẹ nhàng nói.

Chào Chúa xong, chị Mai dẫn tôi đi qua một cái cửa ngách để vào bếp - chị giải thích rằng phải đi qua bếp mới lên được nhà trên, nơi mọi người sinh hoạt. Vừa bước vào bếp, tôi đã nghe tiếng cười lớn và sau tiếng cười là bốn phụ nữ da đen to lớn, đầu vấn khăn, mặc váy hoa rộng kiểu châu Phi, đang lau dọn những cái bồn rửa bát to như những bể nước ở giữ phòng (họ lập tức gợi tôi nhớ đến những bộ phim từ thời những năm 1980 như Nô tì Isaura). Chị Mai nói với họ rằng tôi là người nhà của chị từ Việt Nam sang (họ nói với nhau bằng tiếng Pháp), rồi giới thiệu với tôi lần lượt cả bốn người: hai chị từ châu Phi, một chị từ Úc và một từ Haiti. Mỗi lần chị Mai giới thiẹu đến ai, người đó lại tiến tới hôn tôi vào hai bên má.

"Bon jour. Enchanté!" các chị cười hiền hậu.

"Bon jour," tôi luống cuống đáp lại vì còn bất ngờ với những cái hôn. "Enchanté!"

Các chị lúc đó chưa biết tôi không nói tiếng Pháp nên hỏi tôi "Comment ca va[8]?" và nhiều câu khác, tôi trả lời rằng tôi "très bien[9]" và tôi "non parle Francaise[10]". Vậy là họ chỉ mỉm cười rất trìu mến, mắt ai cũng lấp lánh niềm vui. Tôi nhìn thấy trên bàn cạnh đó hai thùng đựng sâm banh nên nói:

"Ah, champane... Beaucoup de champagne. Champage no good for

sisters[11]."

[8]Em khỏe không?

[9]Rất khỏe

[10]Không biết nói tiếng Pháp.

[11]A, sâm banh... Nhiều sâm banh quá. Sâm banh không tốt cho các bà sơ đâu.

Các chị phá lên cười, rồi giải thích với tôi qua chị Mai rằng "non non", sâm banh này không phải cho các sisters, sâm banh này là cho "restaurant". Họ đang chuẩn bị mở một cửa hàng nấu món ăn Pháp để có thêm thu nhập cho nhà dòng. Một chị nói gì đó với chị Mai và chỉ lên nhà trên, ra ý rằng chị bề trên đang ở trên đó.

Tôi theo chị Mai đi qua một cầu thang gỗ lên nhà trên. Ngang qua một căn phòng nhỏ, tôi nhận thêm vài chục cái "bious" vào má từ khoảng chục sơ mặc đồng phục trắng đen, đang ngồi trong phòng nói chuyện rất vui vẻ với một đức cha vừa từ Pháp sang. Họ cười rất nhiều và đều lần lượt đứng lên hôn tôi vào hai má khi chị Mai giới thiệu - kể cả người ngồi xa nhất trong phòng và phải đi vòng qua người khác để ra cửa hôn tôi. Ở phòng lớn bên cạnh - mà chị Mai giải thích là phòng ăn và phòng họp của nhà dòng - tôi gặp chị bề trên.

Chị bề trên là một phụ nữ da đen gốc châu Phi và nói tiếng Anh với giọng của người châu Phi. Trông chị nghiêm nghị hơn những người còn lại trong nhà. Chị mời tôi ngồi, lấy nước cho tôi, rồi hỏi:

"Em muốn tới nhà dòng để làm gì?"

"Em muốn tìm hiểu về đời sống ở nhà dòng."

"Tại sao em muốn tìm hiểu? Tìm hiểu cái gì?"

Cố gắng tỏ ra tự tin thật vô ích và ngớ ngẩn.

"Em cũng không biết chắc," tôi cố tìm cách sắp xếp các ý nghĩ của mình cho các trật tự logic, mặc dù tôi cũng lập tức hiểu rằng các ý muốn tạo logic cho câu trả lời của mình có lẽ là vô nghĩa, nhưng dù sao tôi cũng sẽ cố. "Em muốn đến đây sống cùng các chị trước hết để quan sát xem các chị sinh hoạt như thế nào. Là người bên ngoài, bản thân em và nhiều người em biết ở Việt Nam nghĩ rằng đời sống ở nhà dòng rất khổ hạnh, khắc nghiệt, nhưng em thấy mọi người ở đây và em thấy chị Mai chẳng hạn, rất vui vẻ thanh thản. Em muốn tìm hiểu điều đó."

"Điều đó là điều gì?"

"Sự thanh thản, niềm vui sống."

"Để giải thích với mọi người à?"

"Có thể. Nhưng trước hết là để cho em hiểu. Em nghĩ ai cũng muốn sống thanh thản, ai cũng muốn tìm điều đó, bản thân em cũng tìm, cho nên khi thấy có người có thể đã tìm được thì em muốn tìm hiểu. Sau đó thì có thể là em sẽ viết cái gì đó, ví dụ như một bài báo, để cho mọi người có cái nhìn đúng hơn về các nhà dòng và người đi tu."

"Nhưng nhà dòng và người theo đạo không cần thanh minh với ai cả," chị mỉm cười.

"Không phải là thanh minh, nhưng để cho xã hội có một cái nhìn chính xác hơn thì cũng tốt phải không ạ? Vả lại, cơ bản là cho em, em muốn tìm hiểu."

"Chính xác là hiểu cái gì?"

"Hiểu vì sao mọi người đi tu, hiểu xem lựa chọn ấy là như thế nào?"

"Mọi người vào nhà dòng là do ơn gọi của Chúa em ạ," chị nói. "Em có cảm thấy được gọi không?"

Có chữ, tôi nghĩ, có trước hết là sự tò mò gọi tôi; tò mò theo nghĩa cơ bản nhất và lành nhất. Và cả cái gì đó tôi không gọi tên được nhưng nhận biết trong tim tôi, nó là cái mà bao năm qua đã luôn dẫn đường và thầm mách tôi câu trả lời vào những lúc tôi đứng ở ngã ba đường. Tôi cố gắng trình bày những ý nghĩ của mình trong khoảng thời gian năm phút.

"Chị rất thông cảm với ý muốn tìm hiểu của em," chị bề trên cười sau khi lắng nghe tôi một lúc. "Nhưng chị sợ là không đồng ý cho em vào được vì như vậy là trái với quy định của nhà dòng. Nếu chị đồng ý cho em vào, chị sẽ phải đồng ý cho người khác, và như thế có thể xáo trộn đời sống của các chị em ở đây. Khi nào em có ơn gọi, chắc chắn em sẽ đến. Khi đó, nhà thờ sẽ rộng cửa đón em."

Tôi đã đoán trước được câu trả lời này. Thực sự, nếu như là chị, tôi cũng sẽ không cho tôi đến. Tôi nói không sao đâu, chỉ cần đến đây một tiếng vừa rồi là em cũng đã biết thêm một số thứ rồi.

Trên đường trở lại nhà ga cùng chị Mai, tôi không nhịn được lại hỏi:

"Chị Mai ơi, chị đã yêu ai bao giờ chưa?"

Chị cười:

"Mình chưa. Mình vào nhà dòng từ năm mười sáu tuổi mà."

Trời ơi, phí quá, lẽ ra một hoặc nhiều người đàn ông đã có thể có cái hạnh phúc được yêu chị Mai hoặc được chị Mai yêu.

"Em mà là con trai, nhất định em phải quyến rũ chị mới được," tôi nói.

Chị lại cười và nói với tôi rằng các chị trong nhà dòng đều cảnh báo với chị thế nào cũng có ngày chị phải đối mặt với thử thách này và nó sẽ là một thử thách rất khó vượt qua. Các chị trong nhà dòng đều đã trải qua thử thách đó; một số người đã không vượt qua và bỏ nhà dòng ra ngoài. Những người còn lại ở trong nhà dòng hiện giờ thì, nếu họ đã vượt qua thử thách yêu đương, họ sẽ đeo một cái nhẫn cưới ở ngón áp út, để chứng tỏ rằng họ đã kết hôn với chúa Jesus, còn những cô gái trẻ như chị Mai thì sẽ đeo nhẫn đính hôn, để nói rằng họ đã được đính hôn, được hứa gả cho Chúa Jesus, nhưng có kết hôn hay không còn tùy thuộc vào việc họ có vượt qua được thử thách khi họ phải lòng một người đàn ông và sẽ phải chọn giữa Chúa và con người.

"Thế thì chị đã đến nơi lý tưởng cho thử thách này rồi." Tôi nói "Đàn ông Rome rất đẹp trai và có biệt tài tán tỉnh. Chắc chắn là chị sẽ sớm được thử thách."

"Chị cũng mong như vậy. Chị mong sớm được thử thách để có trưởng thành hơn trong Chúa."

Tôi bật cười. Ôi chị Mai ơi, có lẽ không nên mong được thử thách bằng tình yêu với một người đàn ông trong lúc đã được hứa hẹn hoặc kết hôn với một người khác. Thử thách ấy không phải là một thứ nên được mong chờ đâu. Nó có khả năng hủy hoại chị theo những cách không thể tưởng tượng được; đã có quá nhiều người rơi vào cái vết xe đổ ấy. Như trong Kinh Cựu ước, Adam đã nghe con rắn và Eva mà ăn quả táo cấm, và mở mắt, và biết mình đang trần truồng, và lần đầu biết thế nào là xấu hổ, và Adam đã phải ra khỏi thiên đường.

"Nhưng như thế tức là tình yêu với Chúa của mình không đủ mạnh rồi," chị Mai nói. "Và như thế thì mình ra khỏi nhà dòng là đúng. Các chị trong nhà dòng đều cảnh báo mình rằng sẽ rất khó, nhưng mình mong là lúc đó, mình sẽ đủ tình yêu với Chúa để chọn Chúa."

"Chọn" - chính là cái từ này. Tất cả khó khăn của cuộc sống chúng ta, dù là khó khăn thật hay ảo tưởng, hẳn đều nằm ở cái từ này. Làm sao để biết mình chọn đúng? Làm sao biết lựa chọn của mình tối ưu? Làm sao để biết lựa chọn của mình có nghĩa khi mà thông tin và thời gian luôn luôn hữu hạn?

Chị có bao giờ tiếc không? Tiếc là chị đã theo đạo? Chị không được ra ngoài, đi chơi, đi du lịch như em, rồi lấy chồng, có con, rồi làm việc này việc khác...

sống điên rồ, tự do một tí chẳng hạn. Lấy chồng, có gia đình cũng vui.

Không, mình chưa bao giờ tiếc cả. Mình cảm thấy lời gọi của Chúa với mình rất rõ ràng. Khó giải thích lắm nhưng mà mình muốn cuộc sống này hơn bất kì thứ gì khác. Mình chưa bao giờ tiếc.

Bên ngoài cửa sổ xe buýt, Rome bắt đầu lác đác ánh đèn. Thành phố đầy những người hối hả tìm cách vượt qua đám tắc đường để tới một cái đích nào đó: một buổi hẹn với người yêu, về nhà với chồng con sau giờ làm, trốn vợ đi vụng trộm với bồ, hoặc tới lớp học đêm sau tám tiếng làm ngày... Chúng tôi quặt qua một con phố và tôi nhìn thấy ngay giữa khúc giao của hai con đường đầy ô tô và các cửa hàng thời trang Ý hào nhoáng là một khoảng tường thành hõm xuống, nham nhở gạch, cỏ dại phủ kín chân tường và mèo hoang dàn hàng chờ đêm trên các bờ tường. Đây là tàn tích của nền văn minh La Mã đã bị phá hủy, một thời hoàng kim chỉ còn là quá khứ. Tôi cầu mong chị Mai sẽ mãi giữ được cái chị đang có ngày hôm nay dù rằng cái dấu tích La Mã cổ đang nằm như một vết thương không thể kín miệng giữa đường phố Rome hào nhoáng nói với tôi rằng không có bất cứ thứ gì trên đời là vĩnh viễn không đổi thay.

Chị Mai dĩ nhiên sẽ nói: "Việt, không có gì trên đời không thay đổi, ngoài Chúa."

Tôi suýt không gặp được chị Mai trước khi rời Rome.

Chúng tôi đã hẹn gặp để chào nhau nhưng do hiểu nhầm, tôi đợi chị ở bên ngoài bảo tàng Vatican còn chị thì đợi tôi ở đền Pantheon. Chờ một lúc không thấy chị và cũng không có điện thoại để gọi, tôi về khách sạn, check out và ra nhà ga Termini đợi đến giờ ra sân bay. Tôi không quên gọi điện đến nhà dòng để nhắn lại lời chào tạm biệt. Trong lúc đó, chị chờ tôi hai tiếng ngoài Pantheon, rồi đi về nhà, nhận được tin nhắn lại vội vàng trở lại nhà ga. Khi tôi nhìn thấy chị đi lẫn trong dòng người tấp nập của nhà ga, vẫn giản dị trong một bộ váy hoa bằng vải thô, khuôn mặt hơi lo lắng nhưng bình an, một niềm vui ào ạt nhấn chìm tôi.

"Chị Mai! Chị Mai!" Tôi kêu to.

Chị quay đầu, nhìn thấy tôi và, trái với sự khoan thai thường ngày, chạy sà lại chỗ tôi đang ngồi. Hai chị em ôm chầm lấy nhau cười như thể chúng tôi đã thân với nhau lâu lắm chứ không phải mới gặp nhau cách đây mấy hôm. Ôi, chị Mai! Đây là một con người mà tôi sẽ dùng từ "đẹp" để mô tả. Chị Mai là một người đẹp; một tâm hồn như một dòng nước suối mà người ta muốn ở gần. Tôi yêu quý chị quá thể.

Bên ngoài đường tàu của nhà ga Roma Termini, tôi "bisous" chị vào hai bên má. Sau đó, tàu bắt đầu chuyển bánh. Chị vẫn đứng trên sân ga, nhỏ bé, mảnh mai, tay vẫy và cười với tôi - nụ cười trên miệng và cả trong đôi mắt sáng, trong, hiền mà tôi rất hiếm thấy ở những người khác.

Và đấy là hình ảnh cuối cùng tôi mang về từ Rome.

Rostock, ngày...

Suốt mấy ngày vừa rồi, tôi đã trở lại Đức dự lễ nhập học của cháu tôi. Ở Đức, lễ vào lớp một là dịp trọng đại ngang với lễ tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học ở Mỹ.

Từ sáng, chúng tôi đã dậy chuẩn bị. Tất cả đàn ông đều mặc com-lê, kể cả bé Andy hai tuổi. Tôi đã lo lắng chúng tôi ăn mặc quá trịnh trọng nhưng khi tới trường của Nam, nỗi lo của tôi tan biến vì các gia đình khác và lũ trẻ đều mặc lễ phục cả. Đứa trẻ nào cũng được tháp tùng bởi ông bà nội ngoại, bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị em họ... Họ mang theo hoa, bóng bay chúc mừng, máy quay phim, máy chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc trọng đại này.

Phụ huynh và học sinh tập trung trong nhà thể thao của trường. Ở đó, các giáo viên và học sinh các lớp lớn hơn đã trang trí rất nhiều băng rôn, biểu ngữ chào mừng các em lớp một. Học sinh trật tự xếp hàng theo lớp; phụ huynh ngồi ở các hàng ghế xung quanh. Ở chỗ này tôi phải mở ngoặc nói rằng trẻ con Đức, từ những em bé một, hai tuổi đã có ý thức kỷ luật và tự lập một cách kinh ngạc; không hề có cảnh trẻ con khóc lóc, bám bố mẹ; không có cảnh bố mẹ dỗ dành, quát nạt, bú mớm, cho con ăn uống, tay xách nách mang. Một cô giáo hình như là cô hiệu phó đứng phía trên cầm micro hướng dẫn các em ngồi vào chỗ của mình, và học sinh cứ thế răm rắp làm theo, không hề có chen lấn, xô đẩy.

Đúng giờ, lễ nhập học bắt đầu. Các em học sinh lớp ba hát một vài bài hát và đóng một vở kịch ngắn; sau đó, cô hiệu trưởng đọc lời chào mừng các học sinh lớp một; rồi giáo viên chủ nhiệm của mỗi lớp một mới đọc tên từng học sinh để các em đi vào các lớp. Cô giáo gọi đến tên ai, em đó đứng lên, và gia đình vỗ tay, chụp ảnh rồi đi vào lớp rất trật tự. Điều mà tôi nghĩ đến nhiều nhất khi chứng kiến toàn bộ buổi lễ này là "sự tôn trọng". Trẻ em ở đây được tôn trọng như những cá thể độc lập và có ý thức; cho nên chúng được đối xử trên tinh thần như thế; và chúng cư xử lại cũng với tinh thần như thế. Không có sự bao bọc, nuông chiều, cung phụng, hoặc hách dịch với trẻ em.

Chúng tôi theo Nam vào lớp. Trong lớp, cô chủ nhiệm nói thêm vài lời chúc và dặn dò; rồi các em được về - để các gia đình có thể tổ chức tiệc nhập học ở nhà. Buổi lễ rất đơn gỉan nhưng sang trọng. Sau lễ, chúng tôi đi tới một nhà hàng để ăn trưa, rồi lên tàu đi ra một hòn đảo cách đó ba mươi phút. Ở đó có bãi biển và bọn trẻ con được xuống tắm. Hầu hết các bố mẹ ngồi hoặc sưởi nắng ở bên trên, mặc bọn trẻ muốn làm gì thì làm. Có những đứa bé chỉ lẫm chẫm đi, hoặc còn đang bò nhưng bố mẹ chúng mặc kệ cho chúng bò xuống mép nước hoặc nghịch cát. Họ chỉ im lặng quan sát và theo dõi từ xa chứ không kè kè bên cạnh, cũng không ngăn cản, đe dọa, khuyên bảo, dỗ dành. Tôi quan sát một em bé còn đeo tã lẫm chẫm đi ra mép nước, ngồi xuống sờ tay vào nước và hét lên thích thú, rồi bị một cơn sóng đánh ngã ra nhưng bố mẹ em chỉ chăm chú theo dõi mà không chạy tới giúp. Em bé lồm cồm bò dậy, tự động lùi lại rồi tiếp tục sục tay xuống nước để vầy. Ở ngoài xa hơn một chút, những đứa bé ba, bốn tuổi; và xa hơn là bọn trẻ mười - mười lăm tuổi túm tụm chơi đùa. Chúng có thể cãi nhau và đánh nhau, và phải tự giải quyết lấy; người lớn sẽ không can thiệp ngay cả khi trẻ con quay về "mách".

"Việc của con, con tự giải quyết" tôi nghe thấy một ông bố nói với đứa con khoảng sáu tuổi của mình; trong lúc đó, người mẹ nằm sưởi nắng đọc sách.

Tôi nằm trên cát, cạnh những bụi sậy úa vàng dưới nắng hè xem bọn trẻ đùa trên bãi biển và kinh ngạc vì cái cách mà người Đức dạy con. Họ kỷ luật và lý tính còn hơn người Mỹ. Được nuôi lớn lên trong sự bình tĩnh và kỷ luật tự nhiên như thế này, hy vọng những đứa trẻ sẽ có cơ hội giữ được bình tĩnh và kỷ luật trước những biến động và cám dỗ của cuộc sống người lớn sau này.

Đây có lẽ là điều tôi yêu nhất ở Sơn. Anh không bị cám dỗ bởi tiền bạc; không coi việc phải có nhà cửa ổn định, công việc ổn định, thăng tiến trong xã hội là mục đích sống - và tôi đồng ý với điều đó.

Nhưng anh lại cũng không thông cảm và kiên nhẫn được với những người yếu đuối hơn anh. Có phải ai sinh ra cũng đã may mắn có được sự mạnh mẽ đâu, ngay cả khi họ cố hết sức.

Biển Baltic, ngày...

Những ngày này, tôi đã hoàn toàn mất cảm giác về thời gian. Tôi không còn nhớ hôm nay là thứ Hai, thứ Ba hay thứ Tư. Ngay cả cảm giác về những nơi chốn cũng trở nên nhạt nhòa; những địa danh chỉ giống như những hình ảnh nhòe trong một cuộn phim chụp hỏng.

Hôm trước, ở nhà ga trung tâm khổng lồ của Berlin, nhìn những tàu con thoi tốc độ chạy xuyên quốc gia và tầng tầng bến tàu đổ đi các hướng, tôi còn có cảm giác như mình lạc vào một bộ phim khoa học viễn tưởng và sẽ không ngạc nhiên nếu thấy những chiếc ô tô vun vút hạ từ trên trời xuống và Skywalker bước ra. Cũng ở Berlin, khi xuống khỏi bến tàu điện ở khu trung tâm, tôi tưởng như mình đang ở trên Đại lộ Michigan ở Chicago bởi vì kiến trúc của các tòa nhà vừa cửa hiệu ở đây giống hệt Magnificient Mile[12] của Chicago: cũng Chanel, H&M, Niketown, Salvatore Ferragamo, McDonald, và cả Dunkin Donuts. Nhưng chỉ đi ngược một đoạn ra tàn tích của bức tường Berlin, trả mấy euro để chụp một tấm ảnh lưu niệm với hai người mặc đồng phục Hồng quân Liên Xô và Đức Quốc xã, tôi lại tưởng như mình đang sống trong Thế Chiến II hay Chiến tranh Lạnh. Hay hôm nay, ở Copenhagen, khi bước trên những đường phố nhỏ gần nhà An- đéc- xen, tôi ngỡ có thể thấy ông từ đâu đó đi ngược lại phía tôi, cao, gầy, đầu đội mũ, tay chống một chiếc ba toong đen.

[12] Đoạn phố Chicago trong khu trung tâm, toàn các cửa hàng hào nhoáng.

Copenhagen nhỏ, hiền hòa. Xe đạp ở khắp nơi. Những ngôi nhà và những con đường đầy cây, gợi cảm giác chúng đã ở đó từ thế kỉ XIV, XV, và sẽ vẫn ở đó rất lâu, ngay cả khi phần còn lại của thế giới được số hóa và ảo hóa. Ngay cả khu bến tàu bận rộn nhất của thành phố cũng có một vẻ hiền hòa, nhàn tản, khiến cho tôi nghĩ đến những cảng cá luôn thổi một thứ "gió sầu phương Bắc" ru thành phố ngủ mà An-đéc-xen đã nhắc đến.

Copenhagen thực sự rất chậm và có thể làm nản lòng những người muốn tìm kiếm giải trí. Đây là một thành phố hoặc sẽ bị coi là nhạt nhòa và điển hình của sự già cỗi châu Âu hoặc một thành phố dường như đang điềm tĩnh cưỡng lại sự toàn cầu hóa bằng một ý thức sâu sắc về sự trụy lạc và tự diệt vong trá hình dưới cái vỏ "hiện đại hóa". Copenhagen vẫn còn đầy bóng dáng của sự cổ điển.

Ở Copenhagen cũng như ở Berlin, ở Rome những ngày này, cảm giác nổi trội nhất trong tôi chỉ là cảm giác về sự di chuyển: tôi chỉ đang trôi từ nơi này tới nơi khác trong một thế giới đã hóa lỏng.

Nhưng vào lúc hoàng hôn ngày hôm nay, khi vượt qua biển Baltic trên chiếc tàu phà khổng lồ Seandlines để trở lại Rostock từ Copenhagen, nhìn những con sóng bị mũi tàu đánh tơi thành những đám bọt trắng trong lúc con tàu tiến nhanh về phía Nam, ngay cả cảm giác di chuyển cũng dừng lại. Tất cả những gì tôi cảm thấy chỉ là một sự bình yên được bỏ neo sâu và chắc chắn bên trong - ở nơi nào thì tôi không biết. Cái khối bình thản ấy không chứa trong nó bất cứ ý nghĩ cụ thể nào nhưng nó làm nước mắt tôi dâng lên. Tôi cứ đứng ngoài boong tàu ngắm mặt trời lặn trong lúc mọi người đã vào cả trong khoang để tránh gió.

8:00: Mặt trời đang xuống nhanh. Ánh nắng chỉ còn có ở góc xa của mặt biển, hắt chéo lên những cột buồm cao của những con tàu lớn đứng rải rác trên mặt nước. Mặt biển chìm trong bóng râm. Nước có một màu thép non hiền lành ở bên trên nhưng hứa hẹn những vực tối bên dưới.

8:03: Mặt trời chuẩn bị chạm vào mặt nước. Trông như một quả cầu lửa chuẩn bị được nhúng xuống một chảo nước khổng lồ.

8:09: Một nửa mặt trời đã chìm xuống nước và đang chìm rất nhanh.

8:11: Khoảng 4/5 mặt trời đã biến mất

8"12: Tất cả quả cầu đã biến mất. Chỉ còn một quầng sáng màu lửa dội lại từ chỗ mặt trời lặn xuống. Mặt biển đã chuyển sang màu xám thẫm, có lẫn màu xanh đen.

Hôm kia, tôi cũng đã nhìn thấy một hoàng hôn tương tự bên bờ biển

Rostock. Lúc ấy, chúng tôi đã từ lễ nhập học về và vào ăn tối ở một nhà hàng Việt Nam. Tôi ăn xong trước mọi người nên ra ngoài đi dạo bên bờ nước. Mặt trời lúc đó đã lặn nhưng mặt nước ở phía xa vẫn có màu lửa tối trong khi ở phía này đã chuyển màu xanh đen.Những cây sậy ở mép nước chỉ còn là những bóng đen phơ phất trên nền trời và từ chỗ tôi ngồi, tất cả khung cảnh này làm tôi nghĩ tới những bức tranh của Monet.Tôi đang ngồi trên một cái trụ gỗ thấp mà người ta dùng để buộc thuyền vào bến. Một còn vịt trời bay ngang qua mặt nước, cánh của nó chạm khẽ vào chỗ này, chỗ kia, tạo nên những vòng sóng tròn nhỏ trên mặt nước hoàn toàn tính lặng. Dọc vỉa hè, rất nhiều người ngồi yên ngắm mặt trời lặn. Một người đàn ông, chắc cũng là khách du lịch, hỏi tôi:

"Cô từ đâu tới?"

"Chiacago," tôi đáp.

Tôi nói xong thì mới nghĩ ra câu trả lời thực ra không chính xác.Tôi đang sống ở New Hampshire chứ không phải Chicago; thực tế từ mấy năm nay tôi đã không sống ở Chicago thường xuyên. Nhưng tại sao, khi nghĩ đến "nhà", tôi vẫn cứ nghĩ đến Chicago. Có thể là vì những ngày ở Chicago là khoảng thời gian chỉ có đọc, lên lớp, viết, và đắm chìm trong thế giới tri thức và vì thế mà tôi thường trực có cảm giác "neo đậu". Hay vì đấy là nơi cuối cùng mà tôi sống cuộc sống độc thân, trước khi tôi hiểu ra rằng cái cô đơn có thể có trong quan hệ với người khác - nhất là với những người mà mình coi là quan trọng nhất trong cuộc đời mình - còn thấm thía hơn nhiều trạng thái một mình?

Con tàu lúc này đang tiến nhanh về bến và gió thổi lạnh hơn. Trên khoang tàu không còn bóng người nhưng tôi vẫn sẽ đứng đây để lấy cảm giác này.

Berlin, ngày...

Oma trong tiếng Đức có nghĩa là "bà". Oma Marta là người quen của gia đình chồng tôi; hồi Sơn còn làm việc ở Đức, anh đã sống với oma Marta một thời gian.

Bây giờ là 8 giờ 57 phút sáng. Phòng khách của oma Marta lúc này không một tiếng động và được thắp sáng bởi một ngọn đèn bàn nhỏ. Tuy thế, ngoài vườn có nắng; có thể nhìn xuyên qua rèm cửa sổ để thấy những cây phong đầy lá và hàng rào dài bằng những bụi gai. Không nghe thấy gì nhưng tôi mường tượng được tiếng xào xạc của lá phong trong gió. Hôm nay là đầu tháng Chín, tức là bắt đầu mùa thu rồi. Tôi nhớ đến Omaha và những sáng mùa thu khi tôi mới đến Mỹ; đã tám năm. Trời cũng nắng nhạt như thế này, nhiều gió như thế này; ngày nào tôi cũng dậy sớm, đi xuyên qua công viên đầy những cây phong xào xạc trong gió khô, luôn luôn trong tình trạng lâng lâng vì cái quang cảnh như trong truyện cổ tích: những thảm cỏ xanh tỉa gọn ghẽ, những luống hoa cúc đủ màu trồng theo mùa, những con quạ đen chí chóe và lũ sóc với thỏ chạy đầy trong công viên.

Oma Marta đã dậy từ sớm và lúc này đang làm gì đó trong vườn. Gần 7 giờ sáng, khi tôi dậy đi toilet đã thấy oma dậy rồi. Nghe tiếng tôi, bà từ ngoài vườn đi vào hỏi tôi có uống cà phê không. Bà nói tiếng Đức, tôi không hiểu một từ tiếng Đức nào nhưng bà chỉ vào lọ cà phê cho tôi. Tôi cảm ơn bà và nói rằng tôi muốn ngủ thêm - bằng cách đặt hai bàn tay xuống dưới đầu và nghiêng đầu nhắm mắt. Oma Marta hiểu ra. Bà đi vào trong phòng khách kéo rèm cửa xuống cho tôi vì từ lúc 7 giờ sáng, rèm cửa tự động được kéo lên. Sau đó, bà ra ngoài, đóng cửa phòng lại và bây giờ chắc đang làm gì đó trong vườn hoặc ngồi sưởi nắng trên xích đu trước hiên nhà với con chó Andrew. Vài phút nữa tôi sẽ ra xem oma đang làm gì và chúng tôi sẽ uống trà. Nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ, tôi nằm trên sofa viết những dòng này bởi vì it feels so damn good. Tôi muốn cố gắng sống trong giây phút này càng lâu càng tốt.

Một ý nghĩ vừa khiến tôi ngồi hẳn dậy để viết. Cái ý nghĩ đó là thế này: giao tiếp không lời. Oma Marta không biết tiếng Anh và tôi không biết tiếng Đức; tất cả những gì chúng tôi có chỉ là rất nhiều cử chỉ và những nụ cười. Đôi khi, tôi phá ra cười vì tình trạng kì cục của hai chúng tôi: Oma đã ngoài tám mươi nên thường xuyên quên rằng tôi không nói tiếng Đức, vậy là oma cứ nói một tràng dài gì đó, khuôn mặt rất hào hứng chờ tôi trả lời, còn tôi thì hoàn toàn không hiểu; vậy là tôi phải nói lại gì đó bằng tiếng Anh để có thể đoán... và khi những nỗ lực phỏng đoán của chúng tôi đều thất bại thì tôi phá ra cười.

Ý nghĩ thứ hai khiến tôi ngồi dậy viết những dòng này cũng liên quan đến giao tiếp và ngôn ngữ. Cho đến nay, sau gần mười ngày ở châu Âu, có lẽ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chuyến đi này lại là những khoảng lặng yên. Tôi chắc sẽ cần phải xem lại ảnh và tra cứu sách mới nhớ ra các dữ kiện về các công trình kiến trúc ở Rome, ở Berlin, ở Copenhagen, nhưng tôi chẳng cần bất cứ phương tiện trung gian nào để nhớ lại lúc tôi nằm trên bờ bồn nước lớn ở khu trung tâm Đông Berlin cũ, nhìn trời và thỉnh thoảng liếc trộm một đôi tình nhân đang hôn nhau say sưa. Lúc ấy, tôi thấy hạnh phúc cho họ và hạnh phúc cho cả thế giới nữa. Cứ như thể cả vũ trụ đang mỉm cười (giống tôi) khi thấy đôi tình nhân trẻ hôn nhau. Hay như lúc tôi ngắm mặt trời lặn trên biển Baltic từ trong khoang tàu Scandlines từ Copenhagen trở lại Đức. Và như lúc này... trong phòng khách của oma Marta, nhìn ra khu vườn đầy lá của bà, nghe nhạc một chút trước khi trở dậy ra sân bay đi Paris.

Tối hôm đó, khi tôi từ Rostock lên, đã muộn rồi nhưng oma vẫn làm salad cho tôi ăn tối. Bà làm rất nhanh; chỉ có hành tây và đỗ đũa xanh đóng hộp trộn với dầu ăn, một chút muối, một chút hạt tiêu và gia vị gì đó - nhưng rất ngon. Sau khi ăn xong, bà chỉ lên đồng hồ và xòe ngón tay đếm bằng tiếng Đức, rồi nói "taxi" và "Schonefeld". Ý bà nhắc tôi là 11 giờ sáng mai, taxi sẽ đến đưa tôi ra sân bay Schonefeld đi Paris. Paris! Phải rồi, 8 giờ tối nay tôi sẽ có mặt ở Paris rồi. Bây giờ tôi sẽ ra ngoài xem oma đang làm gì.

10:45 sáng: Vừa ăn sáng với oma. Tôi không muốn ăn sáng và tôi nhắc đi nhắc lại "No, no", đồng thời lắc đầu để oma hiểu... nhưng bà lấy hết thứ này đến thứ khác khỏi tủ lạnh và liên tục nói tiếng Đức với tôi với một vẻ mặt vô cùng hớn hở vì sẽ được cho tôi ăn. Bà bày ra ba loại salami khác nhau, thịt lợn xông khói, mứt quả, rồi bơ, bánh mỳ, nước quả... Khi tôi nhận ra rằng đồng ý ăn sáng còn dễ hơn là giải thích với oma rằng tôi không muốn ăn, và việc tôi ăn sáng sẽ làm oma vui lòng hơn nhiều lần sự lười biếng của tôi. Tôi cười, nói "yes, yes, yes" với tất cả những thứ oma đưa cho tôi xem. Rốt cuộc, trên khay ăn sáng của tôi có đủ bà loại Salami, thịt nguội, mứt, bơ, hai lát bánh mỳ nướng và sữa. Tôi mang khay ra ngoài phòng sưởi nắng ngồi ăn. Còn oma, sau khi thuyết phục được tôi ăn sáng thì vô cùng mãn nguyện đi ra ngoài vườn; bà không quên khép cửa lại. Mấy phút sau, tôi nghe có tiếng động khe khẽ. Hóa ra oma đang cắt cỏ.

Bà di chuyển chậm chạp; cổ tay buộc một dải băng, hình như cổ tay bà bị sưng. Tôi đi lại gần, nói với oma để tôi cắt giùm bà - bằng cách chỉ vào tôi, rồi chỉ vào máy cắt cỏ và ra hiệu đẩy đẩy. Nhưng oma cười, lắc đầu, chỉ xuống cỏ, rồi xuống chân và ống quần, rồi đẩy tôi vào trong nhà. Ý oma nói cỏ ướt, tôi sẽ bị bẩn quần và chân, bà có thể hiểu được và tôi nên lo ăn sáng đi. Tôi biết là không thể thuyết phục được một người Đức, nhất là một người đã sống qua Thế chiến và Chiến tranh Lạnh, đã làm chủ một cửa hàng và sống một mình nhiều năm như oma, nên tôi quay vào bàn ăn.

Trên bàn có một tờ báo dày có chữ Berlin, tôi đoán chắc là thời báo Berlin... trang đầu tiên có một tấm ảnh vệ tinh chụp cơn bão Gustav. Tôi cố gắng thử đọc xem có hiểu gì không nhưng chỉ nhận ra vài từ như "Kubas" và "New Orleans" còn lại thì chịu. Vừa lúc đó, oma mở cửa đi vào, tay cầm mấy bông hoa cúc trắng nhỏ xíu. Bà lấy một bình hoa bằng xứ trắng cũng nhỏ xíu, bỏ mấy bông hoa vào rồi đặt lên bàn ăn cho tôi. Vừa bất ngờ vừa cảm động, và vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ rằng mình không biết tiếng Đức, tôi làm hành động rất kỳ quặc: tôi đứng lên vỗ tay và cười toe toét như một đứa bé. Giờ viết lại và tưởng tượng bản thân lúc đó, tôi cũng buồn cười.

Oma Marta mỉm cười, nói một câu gì đó có mấy từ nghe giống như "good good[13]" trong tiếng Anh, đồng thời chỉ ra vườn. Tôi đoán bà nói rằng hoa này bà ngắt trong vườn; tôi bất giác nói "beautiful, pretty[14]"... rồi khi nhận ra oma không hiểu, tôi đặt tay lên tim. Hành động này thì oma hiểu; bà cười rạng rỡ.

[13]Tốt, tốt.

[14]Đẹp quá.

Oma Marta đã ngồi xuống ghế, với tay bật radio rồi bắt đầu nói chuyện với tôi - bà lại quên là tôi không nói được tiếng Đức rồi. Nhưng hình như ngay cả sau khi nhớ ra tôi không nói tiếng Đức thì oma cũng không phiền lòng - bà chỉ cần một người để nghe chứ không cần một người để hiểu. Bà chỉ ra cửa sổ rồi đưa tay lên xuống nhiều lần. Tôi tưởng oma nhắc đến cái rèm cửa sổ hôm trước bị gãy rơi xuống, nhưng rồi bà với tờ báo trên bàn và chỉ cho tôi một bức ảnh nhỏ bên dưới. Đấy là ảnh một đám mây có mưa và chữ Berlin với con số 23 độ C bên cạnh. Tôi nói "vâng, mưa". Rồi bà giở sang trang sau, nói "Paris" và chỉ vào một bức ảnh khác. Ngày hôm nay Paris sẽ nắng, nhiệt độ khoảng 21 độ. Tôi nói "vâng, vâng....Paris good... Paris có nắng." Oma mỉm cười, nói "Paris good good."

Trên radio lúc đó, một giọng ca nam đang hát một bài tiếng Đức. Oma bắt đầu lẩm nhẩm theo và nói tên của ca sĩ. Tôi không bắt được tên đầu tiên, nhưng họ thì nghe giống như "Bjork". Oma giải thích rằng đây là "oma musik", nhạc của thế hệ bà, rằng bà không nghe được cái "tekno musik" bây giờ, nó làm bà váng đầu (chỉ vào đầu), đau cả tai (chỉ vào tai) và toàn "chat xình chát chát bùm". Tôi cười, nói với oma rằng đến tôi cũng còn đau đầu khi nghe "tekno music"

Thế rồi đột nhiên giọng Elvis Presley vang lên trên radio. Tôi không nhận ra bài hát nhưng lập tức nhận ra giọng Elvis. Tôi nói "Elvis Presley". Trời ơi, mặt oma sáng lên và bà đặt một tay lên tim, nói "Elvis Presley". Trong lúc tôi đang nghĩ ra cách để nói rằng Elvis rất nổi tiếng ở Mỹ thì oma đã đứng dậy và bắt đầu nói rất nhanh, hai má hồng lên, mắt lấp loáng, miệng mỉm cười. Bà nói và làm bộ cho tôi hiểu rằng Elvis Presley rất nổi tiếng ở Đức vì từng đến đây đóng quân thời chiến tranh và thế hệ của oma đã lớn lên trong "Elvis music" và thần tượng Elvis.

Và rồi, trong lúc liên tục nói tiếng Đức, oma bất thần hất đầu vừa lắc hông, xoay đầu gối và khua tay giống hệt như các động tác lắc hông nổi tiếng một thời của Elviss. Trời ơi, tôi không thể nhịn được cười. Tôi cười đến nỗi trượt khỏi ghế, loạng choạng ngã xuống sàn nhà. Thật không thể tưởng tượng được: oma Marta bắt chước Elvis Presley! Và bà nhảy đẹp! My oma, she got the moves! Lúc còn trẻ, oma hẳn là một cô gái rất năng động và đẹp lắm. Ngay lúc này, bất chấp làn da mồi và cổ tay bị sưng, trông bà giống như một cô gái trẻ đang swing theo nhạc Elvis, vừa cười vừa nói tiếng Đức với tôi.

Ă sáng xong, tôi mang khay vào trong bếp, bỏ các đồ ăn còn lại vào tủ lạnh. Khi tôi đi ra, oma đang đứng trong phòng với hai cuốn sách rất dày. Bà đưa cho tôi và ra hiệu rằng bà muốn tặng tôi. Đó là hai cuốn Illiad và Odyssey - bìa cứng, bằng tiếng Đức và Hy Lạp cổ. Bà biết tôi viết truyện và tối hôm qua đã khoe với tôi tủ sách nhỏ của bà trên gác xép - trên đó có Cuốn theo chiều gió và một ít thơ. Bà bảo hồi Sơn sống với bà ở Berlin, anh ở trên cái gác xép này và thường đọc sách đến khuya.

"Cậu ấy rất hiền", oma nói với tôi. "Lúc nào cũng đọc sách và rất ít nói. Giờ cậu ấy còn hay đọc sách không?"

Tôi nói có, Sơn vẫn hay đọc sách khuya. Buổi tối chúng tôi hay nằm đọc sách cạnh nhau, và nói những chuyện vớ vẩn như:

"Anh ơi, Lao Tsu là Lão tử, Sun Tzu làTôn tử, còn Lieh Tzu là gì nhỉ?"

(Nghĩ một lúc) "Không biết, chắc là Lợn tử."

Bao giờ tôi cũng bật cười vì những câu như thế; Sơn luôn nghĩ ra những điều kỳ dị và bang bổ nhất để nói về bất cứ ai, không chừa bất cứ một ai. Có lần tôi cười, bảo Sơn, "Sống với anh cứ như là sống dưới một loa phóng thanh mà 24 trên 24 toàn nghe thấy tin xấu". Sơn thì bảo tôi ngây thơ, nhìn cuộc đời toàn màu hồng. Hai chúng tôi thực sự là hai thái cực. Nhưng tôi có thể tưởng tượng Sơn nằm trên cái gác xép này đọc sách hồi anh mới hai mấy tuổi - và "rất hiền".

Cái gì có thể xảy ra khiến cho những con người hai mươi trở thành những con người ngoài ba mươi nhìn cuộc đời và con người như thể không còn bất cứ cái gì thiêng liêng, không còn bất cứ cái gì đáng tin, mọi thứ đều có thể báng bổ và "nhổ toẹt vào"? Bernard Shaw nói "Nếu anh không theo chủ nghĩa cộng sản ở tuổi hai mươi, anh không có tim. Nếu anh không theo chủ nghĩa tư bản ở tuổi ba mươi, anh không có óc". Hay những xung đột giữa tôi với Sơn đơn giản chỉ là như thế? Chúng tôi lấy nhau khi tôi đang giữa tuổi hai mươi còn anh đã sang đến ngưỡng ba mươi? Và bây giờ, khi tôi bắt đầu sang tuổi ba mươi, Sơn đã ở chỗ nào đó tôi không bắt kịp còn anh thì không thể nhớ lại và thông cảm?

Tôi rất muốn nhận sách của oma nhưng tôi còn phải đi nhiều trong ba tuần tới, mà hai cuốn sách to và nặng. Vậy là tôi buộc phải nói với oma "danke schoen" nhưng tôi không thể mang chúng theo lần này, có thể khi nào quay lại Berlin tôi sẽ lấy. Tôi nói bằng cách ra hiệu tôi đang kéo va li và thở nặng nhọc, rồi xoa hai vai tôi và cúi xuống như thể bị hai cuốn sách kéo. Oma hiểu ý; trông bà thật buồn... Oma bảo tôi cất hai cuốn sách lên trên gác xép cho bà.

Khi tôi từ trên gác xép xuống, taxi đã đợi bên ngoài. Ở cổng, tôi hôn vào hai má của oma rồi lên xe. Xe đã chạy đến cuối đường mà oma vẫn còn đứng ở cổng nhìn theo. Tạm biệt oma Marta. Tôi không biết có còn gặp lại bà hay không. Năm nay bà đã hơn tám mươi và tôi thì không bao giờ muốn trở lại Đức. Danke schone, oma[15]! Chúc oma mọi điều tốt lành, dù bà ở đâu, trong cuộc sống này hay cuộc sống khác, dưới mặt đất hay trên thiên đường.

[15] Cảm ơn (tiếng Đức).

Paris, ngày thứ nhất...

Bây giờ là nửa đêm và tôi đang viết từ trong phòng ăn của khách sạn. Tôi đang ở Paris. Phải rồi, tôi đang ở Paris. Tôi vẫn không thể tin được. Cuối cùng tôi cũng đã đến Paris.

Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!

Chiều nay, máy bay xuống sân bay Orly lúc 6 rưỡi. Từ trên cao nhìn xuống, lúc đầu, chỉ thấy những tòa nhà cao của khu hành chính ở ngoại ô Paris, tôi đã nghĩ đến New York, Boston hay Chicago và hơi thất vọng. Nhưng rồi máy bay đột nhiên đảo cánh và khi máy bay lấy lại thăng bằng thì, voilà, sông Seine đột nhiên hiện ra bên dưới cánh máy bay. Màu xanh thủy tinh non của mặt nước và cái cách mà dòng nước uốn khúc lững lờ quanh các khu nhà mái xám và những bóng cây dẻ... nghe thì sáo mòn nhưng quả đúng là một giấc mơ.

Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!

Xuống sân bay, tôi lấy hành lí, rồi ra quầy "Information" để lấy bản đồ và hỏi cách đi tàu điện ngầm về khách sạn ở quận Bốn. Hướng dẫn tôi là một thanh niên Pháp còn trẻ, tóc hạt dẻ hơi xoăn, khuôn mặt thanh tú, nói tiếng anh với cách phát âm Pháp.

"Ồ, grất dễ, grất dễ thôi mà", anh ta mỉm cười kết luận.

Còn tôi thì thầm kết luận rằng anh ta "grất xinh, grất xinh". Ước gì anh ta cứ nói nhiều nữa vào để tôi được nghe cái cách phát âm Pháp đó nhưng anh ta đã lại mỉm cười, kết thúc cuộc nói chuyện bằng một câu quen thuộc:

"Bienvenue à Paris!"[16]

[16]Chào mừng tới Paris.

That's right, bébé! Tôi đã ở Paris.

Theo chỉ dẫn, tôi bắt tàu Orlyval chạy từ sân bay tới ga Antony thì chuyển sang tàu RER B đi tới trạm Châtelex, lại chuyển sang tàu đỏ chạy tới ga Gare de Lyon, rồi chuyển sang tàu vàng chạy tới trạm Thánh Paul thì xuống[17].

[17]Sau này tôi mới nhận ra là tôi đã đi lòng vòng rất không cần thiết.

Kéo va li lên khỏi bến Thánh Paul, tôi thấy mình đứng trên vỉa hè phố Rue de Rivoli lúc này tràn ngập ánh hoàng hôn cuối hè. Con phố không lớn nhưng vỉa hè rất rộng, lát đá xám cổ. Hai bên phố là những căn nhà quét vôi vàng nhạt, cửa chính và cửa sổ cao với những cửa sổ gác mái van vát. Ánh nắng cuối ngày thắp sang những cửa hàng bánh mỳ, tiệm cà phê, restaurant san sát dọc phố, sáng choang, thơm nức và dòng người đi bộ như một dòng sông không ngừng, trong tình trạng chuếch choáng, tôi mất hết phương hướng, không biết mình nên rẽ phải hay rẽ trái để đi về khách sạn. Nhìn quanh, tôi thấy một ông già đang đứng dựa vào một chiếc ghế dài đặt dọc vỉa hè. Nhìn ông già, tôi lập tức nhớ tới một cụm từ mà Victor Hugo dùng trong cuốn Những người khốn khổ "một vị tư sản già sống bằng lợi tức thường niên" - tức là một quần kaki, sơ mi trắng bên trong, áo vest thô bên ngoài, đội một chiếc mũ bê-rê của những người già Paris, và chống một cây ba toong màu vàng. Vì trông ông có vẻ không phải làm gì ngoài thưởng thức buổi chiều tối mùa hè Paris, tôi tiến tới lễ phép nói:

"Bonsoir monsieur[18]..."

[18]Chào ông

Tôi mới nói đến đây thì "vị tư sản già sống bằng lợi tức thường niên" đã lập tức nhăn mặt và quả quyết xua tay:

"Non! Non!"

Phải. Tất cả các sách du lịch đều đã cảnh báo tôi rằng người Paris, nhất là người già, không ưa gì khách du lịch, nhất là khách Mỹ[19]; nhưng mà tôi rõ ràng không phải da trắng, cũng không mặc quần soóc, áo phông, đi giày thể thao, bụng không có mỡ chảy xệ, và tôi cũng không có "chỉ trỏ cười nói thô bỉ" như nhiều du khách Mỹ. Tôi sốc đến nỗi thành thật là tôi đã rơm rớm nước mắt, đồng thời muốn thụi cho vị tư sản già một quả vào bụng. Sao mà tôi lại ngu xuẩn và ngây thơ đến mức tin rằng tôi có thể đến Paris một mình và đinh ninh rằng thành phố này có một chỗ dành cho tôi. Có lẽ Paris mà tôi mơ tưởng, Paris của Hugo đã chết từ lâu rồi. Nghĩ thế, tôi lùi ra một quãng và cố thở đều để lấy lại tinh thần rồi giở bản đồ với quyết tâm sẽ tự tìm lấy đường về khách sạn thay vì trông chờ vào lòng tốt của dân Paris hoa hòe hoa sói.

[19]Cũng không thể trách họ vì mỗi năm, Paris đón tới hơn 40 triệu khách du lịch,khiến cho thành phố trở nên quá chật chội bởi khách du lịch.

Chắc trông tôi loay hoay với cái bản đồ rất tội nghiệp và hẳn đã thấy tôi rơm rớm nước mắt nên Bụt lập tức hiện ra - dĩ nhiên là dưới vỏ bọc một quý bà Paris ngoài sáu mươi tuổi, vô cùng thanh lịch. Đây hẳn là người phụ nữ đẹp lão nhất mà tôi từng gặp: nước da bà trắng mịn, khuôn mặt thanh tú, tóc bạch kim, vấn cao, bà mặc suit Chanel cổ điển màu sữa, tay đeo một cái túi da màu đen, quấn khăn hoa nhỏ quanh cổ và mang nước hoa rất nhẹ. Bà đã đi ngang qua tôi, rồi được vài bước bà quay lại, nói bằng tiếng Anh:

"Mademoiselle, cô tìm gì?"

Rút kinh nghiệm từ vị tư sản già, tôi lập tức "merci beaucoup" trước và trình bày rằng thưa madam, cháu cần phải về khách sạn trên phố Rue des Barres. Nói thật là lúc đó tôi nghĩ đến khách sạn thì ít mà ngỡ ngàng vì lần đầu đối diện với "vẻ đẹp phụ nữ Paris" thì nhiều. Trong lúc tôi ngỡ ngàng vì bà (tôi xin gọi là Grand Dame cho dễ) thì bà cũng ngỡ ngàng không biết Rue des Barres nằm ở đâu. Tôi lại "merci beaucoup" và chờ Grand Dame trả lại tờ giấy đặt khách sạn cho tôi nhưng, Chúa phù hộ bà, bà đã bước lại phía vị tư sản già lúc nãy để trao đổi gì đó bằng tiếng Pháp. Nhìn bộ dạng thì rõ ràng vị tư sản già cũng không biết phố Rue dei Barres ở đâu và cũng không niềm nở gì với Grand Dame của tôi. Không nản lòng, Grand Dame lại đi hẳn vào trong tiệm bánh ngọt gần đó để hỏi (Trời phật phù hộ cho bà và các con cháu chín đời của bà!) Hai phút sau, bà quay lại với khuôn mặt thất vọng.

"Sorry mademoiselle," bà nói, "không ai biết phố Rue des Barres ở đâu cả."

Thật may là lúc ở sân bay, tôi đã tìm ra phố này trên bản đồ, tôi chỉ không biết nó nằm bên trái hay bên phải chỗ tôi đứng. Vậy là tôi chỉ nó cho Grand Dame trên bản đồ.

"Voilà!" bà mỉm cười rạng rỡ. "Thế thì tôi biết rồi."

Bà bảo tôi đi về phía bên trái, cứ dọc theo Rue de Rivoli cho tới khi gặp Rue Louis Phillipe thì rẽ trái.

Cuối cùng thì tôi cũng tìm tới Rue des Barres. Trời ơi, thật không thể tin; con phố chỉ dài chừng 100 mét, nằm giữa Rue Miron và một đại lộ dài chạy phía bên kia. Phải, người ta đã nói Paris là thành phố đi bộ; và tôi đã thuộc cả những trang mô tả các ngõ nhỏ Paris lúc Giăng Van Giăng đưa Cô-dét chạy trốn Gia-ve, nhưng mà những đường phố của Paris thực sự có thể nhỏ và đẹp đến mức này thì không ngờ.

Ở sân bay Schonefeld, chuẩn bị đi Pari, tôi đã tra và tìm ra phố Rue des

Barres trên bản đồ

Sau khi check in, tôi đi một cái thang máy bé tí xíu lên phòng của tôi ở tầng ba. Tầng nhà ở đây đánh số từ 0 nên thực chất là tôi ở độ cao của tầng bốn. Căn phòng tôi ở là phòng cho bốn người; chỉ chừng hai mươi mét vuông với hai giường tầng, một bốn rửa và nhà tắm nhỏ... và lúc đó chưa có ai. Tôi bỏ va li vào trong hốc tường, lựa một cái giường tầng trên rồi mở cửa sổ ra và phải cố gắng lắm mới không hét lên...

Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!

Ngay ngoài cửa sổ, cách khoảng ba mét, là tháp chuông một nhà thơ Gothic cổ kính; tưởng như chỉ cần với tay ra là chạm được vào những cái đầu thú. Thắng từ cửa sổ phòng xuống mặt đất là một khoảng sân rộng lát gạch cổ theo vòng tròn, ở đó các bàn cà phê lúc này chật người ngồi ăn tối. Tôi có thể nghe rõ tiếng trò chuyện giọng Pháp, tiếng thìa dĩa chạm vào nhau và tiếng lanh canh của các ly rượu. Nhìn ra xa, các nóc nhà Paris thấp đều nhau, kiến trúc Pháp đặc trưng, mái xám, những cửa sổ cao, tường sơn vàng nhạt, tầng gác mái hơi vát... và xa hơn nữa là một cái tháp nhọn quen thuộc, cộng với một mái vòm tròn khả nghi. Có lẽ nào tôi đang nhìn thấy tháp nhọn phía sau của nhà thờ Đức Bà và mái vòm của đền Pantheon? Không thể như thế được... nhưng mà rõ ràng...

Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!

Tôi cuống cuồng tắm gội, thay quần áo để ra ngoài ăn tối vì sợ rằng các restaurant sẽ đóng cửa sau 10 giờ như ở Mỹ. Ra khỏi khách sạn 9 giờ 45 phút tối, tôi rẽ trái đi về phía có tháp nhọn khả nghi, cũng là phía có mấy nhà hàng mà tôi nhìn thấy từ trên cửa số. Đi mấy bước chân đã tới con đường dài chạy dọc một bờ tường và phía bên kia là một cái cầu bê tông hơi vòng lên. Nhưng mà cầu bắc qua cái gì? Sông Seine? Không đời nào?

Không cưỡng được tò mò, và quên cả nhiệm vụ đi tìm bữa tối, tôi băng qua đường để tiến tới gần. Vừa qua khỏi đường, tôi vội đưa mắt nhìn xuống phía dưới.

Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!

Đúng là sông Seine!

La Seine!

Thật không thể tin mình đang ở Paris, đang đứng đây mà nhìn xuống sông Seine. Paris đang vào đêm sâu. Mặt nước trong bóng tối lấp lánh ánh đèn vàng của những căn nhà hai bên sông và những đèn ánh sáng chạy dọc con đường đi bộ sát mép nước. Trong cái tĩnh lặng của buổi đêm, có cảm giác sông Seine đang chảy cho một mình tôi, để chào mừng tôi. Những hàng dương liễu dưới sông thì thầm rằng chúng đã luôn chờ tôi tới.

Tôi đừng đó không biết bao lâu mà tim vẫn đập thình thịch và không ngừng lẩm bẩm "Xin chào, xin chào, tôi đây, tôi đây!"

Thật không thể tin được,

Nhưng sau cùng, những thói quen sống cũng tóm được tôi và chúng bảo tôi phải nhanh chân tìm chỗ ăn tối trước khi các nhà hàng đóng cửa và tôi phải đi ngủ đói. Vậy là tôi băng ngược trở lại bên kia, đi theo con đường dọc sông. Chỉ cách vài bước chân, tòa nhà Hôtel de Ville[20] sừng sững hiện ra. Trước quảng trường nhỏ của Hôtel de Ville, tôi nhìn sang bên trái và lại thấy một cái tháp khả nghi mà tôi đã thấy ở cửa sổ. Tôi rất muốn tới xem có phải Nhà thờ Đức Bà không; nhưng rồi tự nhủ rằng tối hôm nay tôi đã thấy quá nhiều. Vậy là tôi rẽ vào một quán Nhật, gọi bữa tối đầu tiên ở Paris gồm có sáu miếng sushi cá hồi và nấm xào thịt nướng với pho mát. Sau đó, tôi đi bộ trở lại khách sạn.

[20]Tòa Thị chính Paris.

Đã gần nửa đêm nhưng các restaurant dọc đường về và cả hai cái restaurant ở khoảng sân cạnh khách sạn vẫn đông người ngồi ăn như thể buổi tối chỉ mới bắt đầu và Paris sẽ không bao giờ đi ngủ. Trong phòng khách sạn, người bạn cùng phòng đầu tiên của tôi đã tới: một cô gái trọc đầu đang nằm ngủ sấp mặt trên giường tầng phía đối diện tôi: chăn đắp ngang lưng, chỉ để hở hai cánh tay và phần gáy có rất nhiều hình xăm. Tôi rửa mặt, đánh răng, thay quần áo, rồi xuống nhà. Lobby dưới tầng một tối đèn, chỉ có một người lễ tân da đen đang ngủ ngồi trên ghế bành sau quầy (và ngáy rất to). Mặc dù tôi đi rất khẽ, anh ta vẫn tỉnh dậy "bon soir". Tôi không nhịn được mà hỏi cái tháp chuông... cái tháp chuông phía bên kia sông Senie..., anh ta nói "Oui, the Notre Dame[21]", rồi cười toe toét khi thấy tôi nhảy cẫng lên.

[21]Đúng rồi, Nhà thờ Đức Bà.

"Oh man, tôi không thể tin được."

"Tin đi, mademoiselle," anh ta cười to, rồi lấy bản đồ chỉ cho tôi thấy. Phải, phải, tôi chỉ ở cách bảo tàng Louvre chừng mười lăm phút đi bộ, cứ đi dọc Rivoli là tới, vườn Tuileries thì ở kế bên bảo tàng và ngay đó là khu Coocotes đại lộ Champs - Elysees và Khải Hoàn Môn; còn Pompidou ngay phía bên kia phố Rivoli; khu Latin thì cứ đi bộ dọc đại lộ thánh Michel là tới... đền Pantheon thì ở ngay gần vườn Luxembourg... "Phải rồi, mademoiselle, vườn Luxembourg... mademoiselle, mademoiselle, cô có nghe thấy tôi nói không?"

Tôi trả 2 euro để vào internet được hai mươi lăm phút từ cái máy tính dưới quầy và email cho Sơn. Em đã đến Paris. Mọi việc đều ổn.

Paris, ngày...

Suốt cả đêm qua tôi đã để cửa sổ mở để lấy không khí bên ngoài và nằm mơ màng nghe những tiếng giày vọng lên từ dưới phố. Sáng nay, khi mở mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, những nóc nhà xám của Paris và đám lá thường xuân mướt mát xòa từ tường nhà vào bậu cửa lại một lần nữa làm tôi chuếnh choáng, và không sao nhập được vào đầu cái ý nghĩ tôi đang ở Paris. Nhưng rồi, tiếng thở nặng nhọc của cô bạn đầu trọc ở giường dưới đã giúp tôi có được niềm tin này. Hé đầu nhìn ra, tôi thấy cô ấy vẫn nằm úp sấp đúng tư thế đêm hôm qua và đúng chỗ cũ, không xe dịch một xăng-ti-met; hình như cô ấy không trở mình cả đêm, dù chỉ một lần. Hẳn là người bạn cùng phòng của tôi vừa đi một chuyến rất xa và mệt. Đêm qua, khi nhìn thấy người bạn đầu trọc người đầy hình xăm này, tôi có hơi lo lăng. Tôi đã đi ngủ với ý nghĩ: trời ơi nhỡ cô gái này là sát thủ giết người hàng loạt, nửa đêm cô ta sẽ chồm dậy, dí dao vào cổ mình thì sao? Hoặc cô ta là dạng psycho đang bỏ nhà đi bụi, cô ta cũng sẽ chồm dậy... Nếu phải chết vào đêm đầu tiên ở Paris thì thật là...

Nhưng giờ, tôi vẫn còn nguyên đây và người bạn cùng phòng vẫn đang úp mặt ngủ. Tôi sẽ để cho cô ấy ngủ tiếp, còn tôi thì phải xuống nhà ăn sáng để còn ra ngoài Paris.

Qua cửa sổ, sáng nay Paris nhiều mây xám, trông như sắp mưa. Gió thổi mạnh, lay những hàng cây dọc sông Seine và khiến những người đi bộ bên ngoài đều dựng cổ áo, rảo bước. Nhìn họ, tôi cũng muốn nhanh chóng ăn xong bữa sáng để ra ngoài. Khách sạn này cho mỗi người một bữa sáng miễn phí gồm một cái croissant, nửa cái bánh mì dài baguette, một cốc nước cam, một phần bơ, một phần mứt quả, và một cốc nước để rót cà phê hoặc chocolate nóng. Tôi chọn chocolate nóng, bỏ lại cái baguette. Mặc dù không có thói quen ăn sáng, nhưng biết hôm nay sẽ đi bộ nhiều nên tôi cũng cố ăn hết cái croissant và uống cạn cốc chocolate.

Tôi cẩn thận đội mũ, quấn khăn, và mang theo một chiếc ô nhỏ. Ở quầy tiếp tân, anh chàng da đen trực đêm tối qua nhận ra tôi nên toe toét cười:

"Bonjour, mademoiselle. Hôm nay cô sẽ đi đâu?"

"Nhà Victor Hugo," Tôi nói.

"Trés bien... chúc cô một ngày tốt lành."

Trong rất nhiều ý nghĩa, Paris với tôi trước hết là thành phố Victor Hugo và có Victor Hugo. Trước khi tới Paris tôi đã dự định sẽ dành buổi sáng đầu tiên ở Paris để đi đến căn nhà mà Hugo đã sống cùng vợ trong mười sáu năm. Căn nhà nằm ở khu Place de Vosges tại quận Bốn, cách khách sạn không xa.

Nhưng tôi ra khỏi cửa được vài bươc, tôi đứng lại, rồi cứ từ từ quay đầu hướng về phía Nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi đã không thể cưỡng lại, như thể có một bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt. Vậy là tôi đi dọc con đường bờ sông, băng qua cây cầu trước cửa Hôtel de Ville để tới Nhà thờ Đức Bà.

Từ bên ngoài và từ đằng trước, Nhà thờ Đức Bà không mấy ấn tượng. Hai tháp chuông và mặt tiền của nhà thờ có một vẻ trần trụi không ăn khớp với tưởng tượng của tôi; do thế trông lại khang trang, sang sủa đáng thất vọng do màu vôi sáng. Thêm vào đó, từ sớm và trời tuy lất phất mưa nhưng rất nhiều khách du lịch đã xếp hàng và ngồi khắp quảng trường phía trước nhà thờ - tất cả đều toach toách làm dáng để chụp ảnh khiến cho toàn bộ tưởng tượng mấy chục năm nay của tôi về Nhà thờ Đức Bà cứ bị những cái chớp máy ảnh và những nụ cười nhiếp ảnh xé nát.

Trong nhà thờ hơi tối. Ánh sáng dường như chủ yếu có mục đích làm nền cho hàng cửa sổ kính màu ở trên cao, còn bên dưới, những khuôn mặt làm người chìm vào bóng tối và sự chờn vờn của những ánh nến thắp dọc hành lang. Đột nhiên, Paris bên ngoài không còn tồn tại. Xung quanh, những người khách du lịch đi lại rón rén; một số khác gục xuống những hàng ghế cầu nguyện; tiếng thì thầm của khách và những tiếng cầu nguyện cùng với tiếng bước chân ầm ầm dưới những mái vòm cao khiến cả nhà thờ có không khí của một nhà nguyện Trung cổ. Tôi ngồi xuống một hàng ghế gần một cậy cao. Càng ngồi, tôi càng chìm dần vào một cảm giác quen thuộc như thể tôi không phải khách du lịch ở đây; tôi là một người quen ghé lại căn nhà cũ, nơi người chú mà tôi từng thân thiết đã chuyển đi từ lâu nhưng cũng có thể bất thình lình ghé lại ngồi xuống cạnh tôi: "Xin chào, đã lâu quá rồi phải không?"

Sáng nay, khi đi ngang cây cầu phía trước Hôtel de Ville và nhìn sông Seine lần đầu dưới ánh sáng ban ngày, tôi cũng có cảm giác đúng như thế. Rằng bất thần, khi tôi đứng nhìn Paris trong thời tiết xe lạnh và hơi xám, với những ngôi nhà trầm mặc đứng dọc hai bên bờ sông và những hàng liễu rủ dưới kè sông, có thể nhà cách mạng già trong Chín mươi ba, hay một thanh niên Sorbonne trong nhóm bạn ABC, mà cũng có thể người đàn ông cầm ô mặc áo vest đen trong bức "Paris trời mưa" của Gustave Caillebotte[22] sẽ đến đứng gần tôi mà thì thầm " Xin chào, đã lâu quá rồi phải không?"

Phải, đã lâu quá rồi.

[22]Họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái ấn tượng.

Rời khỏi Nhà thờ Đức Bà, tôi đi dọc con đường chạy ngang mặt nhà thờ, băng qua đại lộ chạy dọc bên kia sông Seine, rẽ trái, và bắt đầu lạc vào một mê lộ những con đường nhỏ mang không khí phố cổ Hà Nội, chỉ có điều là kiến trúc Pháp hoàn toàn sạch, đẹp hơn nhiều. Tôi cố gắng nhớ tên Rue nọ Rue kia để xem tôi đã đọc thấy chúng trong sách chưa, nhưng nhanh chóng đầu hàng vì quá nhiều đường phải nhớ, quá nhiều thứ phải nhìn... Sau một lúc, tôi hoàn toàn lạc đường, nhưng hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đang ở trong khu Latin - khu vực bao quanh Đại học Sorbonne ngày xưa, trung tâm của Paris cổ. Khắp nơi tôi nhìn, những quán cà phê san sát, những cái bàn nhỏ và ghế đặt từng đôi dọc vỉa hè, và khách ngồi ngập các quán, uống cà phê trong những cái chén nhỏ xíu khác hẳn ở Mỹ, và hút thuốc và nói chuyện như thể họ có tất cả thời gian trên đời. Và tôi phải công nhận, người Paris đẹp, ít nhất là ở khu Latin này.

Bây giờ thì tôi đang ngồi trong nhà hàng của vườn Luxembourg, gần lối vào từ đại lộ Thánh Michel. Nhà hàng ở ngoài trời, hầu hết bàn được đặt dưới những bóng cây, có dù che nhưng lúc này các cây dù đều được cụp lại. Người bồi bàn vừa mang bữa trưa của tôi ra. Bữa trưa có thịt bò bourguignon[23], mấy củ khoai tây luộc còn để nguyên cả củ, và hai lát bánh mì trắng cùng một miếng bơ. Lúc này, mặt trời đột nhiên ló ra sau những đám mây và một cơn gió nhẹ thổi xuyên qua những hàng cây cổ thụ xanh lá, đuổi cát và lá khô chạy thành một cơn sóng dưới mặt đất. Ánh nắng chiếu qua những tán lá rộng đung đưa, làm cho những bóng nắng dưới đất liên tục nhảy múa. Một ngày mùa thu tuyệt vời. Tôi tháo khăn khỏi cổ, và ngồi đó ăn bữa trưa đơn giản, một mình giữa những người Paris xa lạ mà hạnh phúc không sao tưởng nổi. Tôi xắt những củ khoai tây mềm thành những miếng nhỏ, tưởng như đang xắn vào những khối hạnh phúc, rồi nhúng chúng vào nước xốt thịt bò hầm và để cho những miếng hạnh phúc tơi trong miệng thành triệu triệu hạt sung sướng.

[23]Thịt bò hầm với rượu vang, một món truyền thống của Pháp.

Lúc này, trong nhà hàng cũng như trong vườn có rất nhiều người. Một số ngồi trên những chiếc ghế sắt xanh nhạt tranh luận, một số đọc sách (và nhìn bìa sách thì có thể đoán chúng là sách triết học, khoa học, thơ, tiểu thuyết nghiêm túc chứ không phải loại sách đọc giải trí mà người Mỹ hay mang ra công viên hoặc bãi biển đọc trong lúc tắm nắng). Một số người đang hí hoáy viết trên những cuốn sổ nhỏ; một số thì cưỡi lừa (không hiểu lừa ở đâu ra); một số chơi tennis hoặc cầu lông; những ông già thì chơi cờ dưới một cái nhà bát giác có mái. Quanh bồn nước lớn, những đứa trẻ nặn cát; nghịch nước, đua thuyền buồm; những người cha vừa ăn trưa vừa tỉ tê nói chuyện với con; những đôi vợ chồng già thì ngồi yên lặng cạnh nhau, mặt cùng hướng về mặt trời. Rất đông thanh niên trẻ, chắc từ trường Đại học Sorbonne và các trường Đại học quanh đây - họ ngồi từng nhóm cười đùa, nói chuyện và hút thuốc trong lúc mấy đứa trẻ cứ đạp vòng vòng quanh bồn nước... như thể Paris đã tiếp diễn thế này từ thế kỷ XVIII, XIX... và thời gian cứ thế trôi...

Sau bữa trưa, tôi đi loanh quanh trong vườn, ghé chỗ này một tí, chỗ kia một tí, xem các ông già ném bi sắt, nghe lỏm những câu chuyện tiếng Pháp tôi

Trong vườn có rất nhiều người. Một số ngồi trên những chiếc ghế sắt xanh nhạt tranh luận, một số đọc sách

không hiểu chỉ để mà nghe, ngắm những dáng người ngồi yên lặng trong vườn... rồi khi cảm thấy rằng tôi cần để dành vườn Luxembourg cho những lần tới nữa thì tôi ra khỏi vườn bằng cổng trên phố Rue de Vaugirard, tôi nghe lỏm được câu chuyện tiếng Anh của hai phụ nữ Mỹ; họ vừa tra bản đồ vừa bàn nhau cách đi tới tháp Eiffel rồi bước đi quả quyết. Vậy là tôi đi theo bọn họ, nhưng chẳng mấy chốc, tôi mất dấu vì họ bước quá nhanh và cứ theo đúng chỉ dẫn mà đi, còn tôi thì cứ la cà nhìn hết cái nọ cái kia trên phố... và ngẩn ngơ như một kẻ dở hơi.

Ở góc giữa Boulevard Raspail và Rue de Babylone, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ mảnh mai, tóc hạt dẻ rối bời đang úp mặt vào tường, hai tay che mặt khóc nức nở một cách hồn nhiên. Có cái gì đó rất Paris trong cảnh này - một sự bồng bột, bốc đồng, và hồn nhiên Paris mà tôi không nghĩ mình có thể gặp ở Mỹ, Đức hay Việt Nam. Những người Paris khác đi qua cô gái với vẻ thản nhiên như thể họ thấy điều đó quá thường xuyên; trong khi đó tôi và hai người phụ nữ Mỹ thì không sao thản nhiên được. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi cùng bước lại phía cô gái. Người già hơn trong số hai người kia hỏi cô gái bằng tiếng Pháp:

"Cô có làm sao không? Chúng tôi có thể giúp gì cho cô không?"

Cô gái quay lại nói: "Non non merci" nhưng liền đó tuôn ra một tràng dài tiếng Pháp. Cô tiếp tục khoa tay và hồn nhiên kể qua hàng nước mắt một câu chuyện gì đó với hai người phụ nữ kia; câu chuyện có vẻ liên quan đến một người bạn trai đã làm cô đau lòng. Ngay cả trong lúc khóc nức nở, hai má đầm đìa nước, mặt hồng lên vì kích động, và tóc tả tơi, trông cô gái Paris này quá quyến rũ. Tôi không hiểu chàng trai nào làm cô đau lòng đến thế. Nếu tôi là đàn ông, tôi sẽ ôm lấy cô mà an ủi. Thực ra lúc này tôi cũng muốn làm việc như vậy nhưng tôi để phần đó cho hai người phụ nữ đứng tuổi.

Trên phố Rue de Bac, tôi dừng lại mua một cái thẻ điện thoại, nhưng lý do lớn hơn là để chiêm ngưỡng cái sạp báo và tạp chí nhỏ giữa đường; ở đó báo và tạp chí được sắp xếp như một công trình nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo; nhưng tuyệt nhất là cái cách người đàn ông bán báo đứng tuổi ăn mặc chỉn chu, đeo cà vạt, mang nước hoa trong lúc bán báo, và luôn miệng nói chuyện với những người khách ghé vào mua báo như thể họ đã quen nhau lâu lắm rồi và câu chuyện họ nói là một câu chuyện vĩnh cửu. Tôi đứng đó nghe cái dòng đối thoại liên tu bất tận mà tôi chỉ hiểu vài chữ lõm bõm "Oui", "D'accord", "Voilà", xen những tiếng cười và những cái vung tay. Trên phố Rue de Varenne, tôi đứng lại ở những cửa hàng bánh ngọt đế ngắm những cái bánh đẹp đến mức khó tưởng tượng là người ta nỡ ăn chúng, rồi không dừng được mà mua một cái tiramisu và tiếp tục ngẩn ngơ nhìn người chủ cửa hàng cẩn thận cho vào trong một hộp giấy nhỏ, thắt một chiếc nơ bên ngoài, rồi bỏ vào một cái túi giấy cho tôi

Chao ôi là sự công phu và kiều diễm trong từng chi tiết của cái đời sống Paris. Cái tinh thần lãng mạn Paris không nằm trong sự bay bổng của tình yêu hay trong nghệ thuật, mà mấu chốt của nó là ở niềm tin chắc chắn của người Paris rằng cái đẹp cần thiết cho cuộc sống, và người Paris theo đuổi cái đẹp ấy với sự kiện định như người Mỹ theo đuổi thực dụng, hoặc người Việt Nam theo đuổi... thực sự thì tôi không chắc người Việt Nam theo đuổi cái gì.

Tôi lại bắt đầu lẫn đường. Tháp Eiffel có vẻ ngay trước mặt mà đi mãi không tới. Hai sinh viên Mỹ đến từ Philadelphia thấy tôi loay hoay giở bản đồ ra tra thì hỏi thăm và bảo với tôi rằng tôi đã đi sai đường nhưng gần đây có bảo tàng Rodin. Vậy là tôi một lần nữa bỏ dở kế hoạch tới tháp Eiffel để rẽ vào bảo tàng Rodin và một lần nữa, lại chuếnh choáng say sưa vì tượng.

Rời khỏi bảo tàng Rodin lúc 4 giờ chiều, tôi đi ra đại lộ Invalides. Ngày đang bắt đầu tàn; tôi ngồi trên bờ tường thấp xung quanh điện Invalides ăn cái tiramisu dưới ánh nắng ấm của ngày đầu thu. Trước mặt tôi là đường Tocqueville và sau lưng tôi là điện Invalides - nơi chứa hài cốt của một số nhà cách mạng và những người anh hùng đã hy sinh vì nước Pháp, bao gồm cả Napolêon. Tôi nghĩ đến cuốn Dân chủ của Tocqueville và hiểu chính là ở Paris chứ không ở đâu khác mới có thể khởi đầu cuộc đại cách mạng tư sản, mới có những nhà triết học, nhà chính trị, nhà văn, và tư tưởng như Tocqueville, Hugo, Zola... Paris cho họ tinh thần để làm điều đó.

Thật may mắn khi tôi được ở Paris vào lúc này.

Vào lúc này không có bất cứ thứ gì khác mà tôi cần làm ngoài việc nằm trên bờ tường thấp này, nhìn lên trời, và để cho nắng cuối ngày, và những cơn gió nhẹ, và Paris, ngấm vào tôi.

Trở về phòng sau ngày đầu tiên, tôi thấy cô gái đầu trọc vẫn đang nằm trên giường y như đêm qua và sáng nay. Có điều, cô ấy không ngủ. Khi thấy tôi, cô ấy nói "Bon soir", rồi cười. Vậy là chúng tôi làm quen. Fracesca không nói tiếng Anh, còn tôi thì không biết ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Anh. Cuộc nói chuyện lộn xộn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý bồi của chúng tôi diễn ra thế này:

Fracesca: "You name?"

Tôi: "Ruby[24]. And you?"

[24]Nếu bạn ở Mỹ lâu và đã chán việc cứ phải đánh vần tên tiếng Việt của bạn khingười ta hỏi bạn tên gì, thì bạn cũng sẽ như tôi chọn một cái tên tiếng Anh để trả lời những người xa lạ.

Fracesca: "Francesca."

Tôi: "You work?"

Francesca: "Nurse. You?"

Tôi: "Etudiant."

Francesca: "Ah, where you from?"

Tôi: "America. Where you from?"

Francesca: "Milan. You how old?"

Tôi: "30. You how old?"

Francesca: "33" (giơ ba ngón tay ra hai lần)[25]

Sau đó, chúng tôi kể xem ngày hôm nay chúng tôi đã làm những gì.

[25]Tên gì? Ruby, còn chị? Francesca. Chị làm gì? Y tá, còn chị? Sinh viên? À, chị từđâu tới? Mỹ, chị thì sao? Milan, chị bao nhiêu tuổi? 30, còn chị? 33.

Francesca: "Me go Montmartre. Where you go?"

Tôi: "Notre Dame, Pantheon, Rodin Museum, Invalides."

Francesca: "Ah, beaucoup. Bien."

Tôi: "Yes, beaucoup walking."

Francesca: "Huh?"

Tôi: "Beaucoup walking... walking... đi bộ" (lấy hai ngón tay làm động tác đi bộ trên mặt bàn).

Francesca: "Ah..."

Tôi: "Chị làm gì... hừm... tôi, Notre Dame, Muser Rodin... nhìn, ngắm nhìn (mắt lơ láo nhìn lên trần nhà và quanh phòng)... chị thì sao? Shopping?"

Francesca: "Ah, non non... Tôi, nhà thờ Sacré-Coeur."

Tôi: "Bảo tàng Salvador Dali[26]?"

[26] Bảo tàng trong cùng khu đồi Montmartre, cạnh nhà thờ Sacré-Coeur.

Francesca: "Non non... vẽ... vẽ chân dung... tôi chân dung..."

Tôi: "Chị chân dung? Ở Montmatre?" (Tôi tưởng là chị ấy tới Montmartre và để cho các nghệ sĩ đường phố vẽ chân dung.)

Francesca: "Non, ở Italy... tôi bức tranh."

Tôi: "Chị bức tranh?"

Francesca: "Yes, tôi bức tranh."

Khổ quá, ý Francesca là ở Milan, chị ấy cũng vẽ tranh. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện theo cách đó - lẫn lộn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý bồi và rất nhiều cử chỉ. Thế nào mà chúng tôi cũng kể được cho nhau nghe xem mình có mấy anh chị em (Francesca có một chị gái đang có một đứa con chín tháng tuổi). Tôi hỏi Francesca chị đã ăn tối chưa (lấy tay và vào miệng); Francesca nói ăn rồi và hỏi tôi ăn chưa. Tôi nói "non non, no dinner"; chị mở túi đưa cho tôi hai cái bánh cam.

Chúng tôi đang ăn bánh thì cửa phòng bật mở toang và một cô gái Hàn Quốc khệ nệ lôi hai cái va li lớn vào phòng. Thấy chúng tôi, cô gái vừa cười vừa thả cho hai cái va li rơi xuống sàn. Đấy là một cô gái Hàn quốc điển hình: tóc dài ép thẳng; mặt trang điểm như sứ trắng, trông hiền lành. Cô gái ngồi phịch xuống một giường còn trống, tự giới thiệu mình tên là Julia. Vậy là chúng tôi bắt đầu một cuộc nói chuyện tay ba trong đó Francesca bập bõm tiếng Pháp, Julia nói một ít tiếng Anh còn tôi nói tiếng Anh với một vài từ tiếng Pháp. Thế mà chúng tôi vẫn nói được đủ thứ chuyện phiếm, như chuyện diễn viên và cầu thủ ưa thích. Francesca thích Al Pacino và Robert de Niro. Julia thì thích Brad Pitt và Orlando Bloom. Tôi tranh thủ nói với Francesca về sự hâm mộ của người Việt Nam một thời với bóng đá Ý, nhất là Roberto Baggio.

Tôi: "Roberto Baggio. World Cup. On television. Baggio đẹp trai. Vietnam like Baggio."

Francesca: "Baggio đẹp trai? No no. Baggio no đẹp trai."

Tôi: "Baggio no đẹp trai? Nhưng Baggio football bien. Très bien."

Francesca: "Oui, Baggio football bien. Nhưng I love you non Roberto

Baggio. I love you non noir hair (chỉ vào tóc). No Europe sud. No Mediteranian."

Ý Francesca là Roberto Baggio đá bóng hay thật nhưng mà không đẹp trai; chị ấy không thích Roberto Baggio; chị ấy không thích đàn ông tóc đen và bóng nhẫy như đàn ông Nam Âu hay đàn ông ở vùng Địa Trung Hải. Tôi dịch lại cho Julia hiểu.

Julia (quay sang Francesca): "What you like[27]?"

[27]Chị thích kiểu gì?

Francesca: "Me like hair blonde (chỉ vào tóc). Me like eye blue (chỉ vào mắt). Nord Europe, Switzeland. Sweden."

Vậy là Francesca thích đàn ông Bắc Âu tóc vàng mắt xanh. Ví dụ đàn ông Thụy Sĩ hay Thụy Điển. Đến đây, như mọi cuộc nói chuyện giữa các cô gái, câu chuyện quay về tình yêu và hôn nhân.

Francesca (hỏi tôi): "You boy[28]?"

[28]Em, con trai?

Tôi: "Huh?"

Francesca: "You boy?... hmm... boyfriend? You boyfriend?[29]"

[29]Em, con trai? Hửm... bạn trai. Em, bạn trai? Có bạn trai?

Tôi: "Ah, boyfriend, me no boyfriend. Me husband... Husband in America[30]."

[30]À, bạn trai. Không, em không bạn trai. Em có chồng... chồng đang ở Mỹ.

Julia: "Wow... You husband? You young[31]."

[31]Wow, em có chồng? Em trẻ.

Tôi: "Me young? No no, me no young. Me 30. Francesca 33. You how old?[32]"

[32]Em trẻ? Không không, em không trẻ. Em 30. Francesca 33. Chị bao tuổi?

Julia (phá lên cười, lấy tay che miệng): "No no, me not tell[33]."

[33]Không không, chị không nói đâu.

Julia dứt khoát không chịu nói tuổi (nhưng tôi đoán ít nhất cũng bằng Francesca).

Tôi hỏi Francesca điều mà tôi tò mò từ hôm qua:

"You no hair[34]?"

[34]Sao chị không có tóc?

Đến đây thì Francesca cười buồn buồn, nói rằng chị không có tóc vì đang phải hóa trị và xạ trị bệnh ung thư vú. Đợt này chị đang có một quãng nghỉ giữa hai kỳ điều trị nên tranh thủ đi du lịch; khi trở lại Milan, chị sẽ lại phải tiếp tục một đợt điều trị mới. Chị không biết là còn sống được bao lâu, có thể chị sẽ khỏi hẳn mà cũng có thể không; Francesca đã quyết định là chừng nào còn có thể đi lại được thì sẽ đi thăm tất cả những nơi chị muốn, đề phòng khả năng không còn nhiều thời gian.

Cả tôi và Julia đều nói chúng tôi rất tiếc và chúc chị mọi điều tốt lành. Tôi nói, Francesca, trông chị còn rất khỏe mạnh, da chị rất sáng và đẹp, không giống người ốm tí nào. Francesca cười, nói rằng da đẹp phải như da của Julia. Julia nói trời ơi, để có được làn da này vất vả lắm, giá mà chị có làn da trắng tự nhiên như Francesca thì đã đỡ biết bao; chứ con gái Hàn Quốc phải học dưỡng da từ lúc bốn, năm tuổi và mỗi tối trước khi đi ngủ phải mất cả tiếng để làm các thủ tục dưỡng da. Chính vì thế mà mỗi lần đi du lịch, chị phải lôi theo cả đống va li to đùng (chỉ vào hai cái va li trên sàn nhà). Julia mở cả va li cho chúng tôi xem. Bên trong va li lỉnh kỉnh các loại hộp, chai, lọ, tuýp đựng các loại kem, dầu, phấn dưỡng tóc, dưỡng da... cho từng bộ phận... kem riêng cho da cổ, vài loại cho da mặt, vài loại cho mắt, cho vùng chữ T, cho môi, cho cả tai, kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, kem giữ ẩm, kem giữ da săn, kem chống tàn nhang, vân vân... Julia còn mang theo những lọ dầu gội và dầu xả to, cộng với sữa tắm, thuốc xịt côn trùng và rệp; máy sấy tóc; năm, sáu đôi giày dùng cho các trang phục khác nhau và ngồn ngộn quần ao. Tôi nói tôi chỉ có mỗi một cái va li nhỏ và túi xách tay.

Julia không tin, bắt tôi mở va li cho xem. Tôi mở ra: tôi chỉ có cả thảy ba cái quần bò, vài cái sơ mi; hai đôi giày trong đó một đôi đang đi... Tôi chỉ mang một lọ dầu gội đầu nhỏ mà tôi dùng luôn làm sữa tắm khi đi du lịch. Chỉ có thế thôi, chẳng có gì khác cả.

"Thế túi mỹ phẩm của em đâu?" Julia không tin nổi.

Tôi cho Julia xem: tôi chỉ có một cái túi lớn hơn cái bao kính một chút, đựng một lọ kem dưỡng ẩm nhỏ, một hộp phấn nền, một hộp phấn má nhỏ, một thỏi son môi, một cái bút chì mắt, chấm hết. Julia liên tục "wow, wow" - tôi không biết chị ngưỡng mộ hay sốc khi một cô gái có thể chỉ có từng ấy thứ đồ mỹ phẩm.

"Me nothing!" Francesca nói. "No hair. No makeup. No care[35]."

[35] Tôi chẳng có gì cả. Không tóc. Không mỹ phẩm. Không quan tâm.

Francesca đúng rồi. Nếu tôi bị ung thư, tôi chắc cũng không quan tâm đến mỹ phẩm, thời trang nữa. Sự hiện hữu của cái chết sẽ làm chúng ta nhận rõ cái gì thực sự cần, cái gì không cần. Nhìn Francesca, tôi lại nghĩ, dường như quá nhiều người trong chúng ta chỉ làm điều mà chúng ta thực sự muốn khi bị dồn vào bước đường cùng, khi có một cái hạn cụ thể cho sự tồn tại. Còn bình thường, ta phó mặc cho những ước mơ cứ thế chết dần chết mòn trong cái thường nhật và sự nhạt nhòa của thời gian.

Paris, ngày...

Sáng nay, tôi tỉnh dậy lúc 7 rưỡi. Bên ngoài, trời sầm sì u ám. Kính cửa sổ phủ một lớp hơi nước dày, không sao nhìn được ra ngoài. Julia đã ra khỏi giường, vừa lục cục mở hành lý vừa thở nặng nề như người hen suyễn. Mũi và họng Julia chắc chắn đã tắc. Tôi hỏi Julia có muốn tôi đánh cảm cho không, Julia đồng ý... nhưng tôi chỉ mới bôi xong dầu cao và bắt đầu miết tay từ thái dương vào sống mũi thì Fulia đã kêu "ái... ái..." và bảo tôi dừng lại vì đau. Tôi nói phải đau thì mới tốt và tôi đang cố gắng trục khí độc ra khỏi Julia... À, nhưng Julia là một cô gái Hàn Quốc mẫu mực, và giống tất cả các cô gái Hàn Quốc mẫu mực, chị cảm ơn tôi đã có ý giúp đỡ nhưng Julia sẽ kiếm cách gì đó đỡ bạo lực hơn. Như ngủ chẳng hạn. Vậy là Julia lên giường đi ngủ còn tôi đi bộ ra Nhà thờ Đức Bà để leo tháp chuông.

Bên ngoài Paris không mưa và cũng không lạnh nhưng ẩm ướt và nhiều mấy xám. Vừa băng qua con đường chạy dọc sông, tôi lập tức phát hiện ra một điều: hóa ra những cái thùng lớn màu xanh lam đóng kín đặt dọc sông Seine mà tôi tưởng là thùng rác lại là các quầy bán sách và đồ lưu niệm. Hôm qua, vì trời mưa nên các "cửa hàng" đều đóng cửa. Còn hôm nay, có một dãy quầy sách cũ mở ra ở ngay chỗ tôi sang đường.

Tất cả sách đều bằng tiếng Pháp. Có một số tên quen thuộc đập ngay vào mắt như Aragon, Jean-Paul Sartre, Mallarmé và một hàng dài tác phẩm của

Hóa ra những cái thùng lớn màu xanh lam đóng kín đặt dọc sông Seine mà tôi tưởng là thùng rác lại là các quầy bán sách và đồ lưu niệm

André Malraw. Tôi đang cố đoán tên một số cuốn và nhìn lướt để tìm xem có cuốn tranh mỏng nào về Rodin không thì một monsieur khoảng ngoài sáu mươi tuổi bước lại. Monsieur cao dong dỏng, mặc áo sơ mi trắng bên trong, áo gió xanh nhạt bên ngoài, thắt cà vạt, đội một cái mũ Paris và, tất nhiên, có mang nước hoa. Khuôn mặt monsieur có một vẻ hài hước và thân thiện mà thoạt nhìn cũng nhận ra.

"Bonjour petite mademoiselle[36]," monsieur mỉm cười.

[36]Chào cô gái bé nhỏ.

"Bonjour," tôi đáp lại và chuẩn bị bỏ đi vì từ xưa tới nay những người bán hàng hầu như luôn làm tôi sợ (hệ quả của thời bao cấp với các cô bán hàng mậu dịch mặt lạnh).

Nhưng tôi vừa dứt tiếng "Bonjour" thì một suối tiếng Pháp lập tức thánh thót tuôn ra, cộng với một cái khoát tay duyên dáng trên những cuốn sách, ra ý "Mademoiselle nhìn xem, những cuốn sách mới đẹp làm sao" (tôi hoàn toàn đồng ý). Tôi lập tức đoán monsieur là người bán sách nên giải thích với monsieur rằng tôi "non parle Francais", tôi chỉ xem thôi chứ không mua vì, vâng, một lần nữa, tôi "non parle Francais". Tôi tưởng là giống như những người bán hàng Mỹ, monsieur sẽ lịch sự mỉm cười rồi lảng ra tìm khách hàng khác; nhưng không, monsieur vẫn mỉm cười và nói một tràng dài đại ý mời mademoiselle cứ thoải mái xem đi, "pas de problème, pas de problème".

Cung kính không bằng tuân mệnh. Tôi chiêm ngưỡng các cuốn sách thêm khoảng nửa phút cho phải phép. Rồi khi ngẩng lên định "merci, au revoir" thì trước mặt tôi monsieur đã đứng sừng sững, tay cầm một cuốn sách nhỏ, đồng thời ra hiệu cho tôi chờ. Tôi kịp liếc bìa sách: một cuốn thơ của Paul Verlaine. Tôi đang đoán là monsieur muốn gạ tôi mua cuốn thơ thì monsieur đã lật lật vài trang và ngoắc tay cho tôi ghé lại gần. Tôi lại cung kính tuân mệnh. Lập tức bên tai tôi vang lên những khổ đầu của một bài thơ có tiêu đề "Chanson l'automne[37]":

[37]Khúc hát mùa thu, hay còn được dịch là Thu ca.

Les sanglots longs

Des violons

De l'automne

Blessent mon coeur

D'une lanheur

Monotone[38]

[38]Bài thơ này từng được dịch là Thu ca: "Đàn ai nức nở. Nhạc thu ngân dài. Điệubuồn buồn mãi. Lòng tôi ai hoài." (Theo tham khảo trí nhớ một người bạn, không tìm được tên dịch giả).

Tôi vừa mơ màng thưởng thức những lời thơ du dương vừa nghĩ: "Bỏ bố!"

Quả thực là tôi quá bất ngờ. Cái phần lãng mạn trong tôi thì lơ lửng trên mây; phần trẻ con thì cười khúc khích; cái phần một phụ nữ Việt Nam đã lớn lên cũng những chương trình "kể..ể..ể chuyện cảnh giác" vào các tối thứ Bảy hàng tuần suốt những năm 1980 thì ngồi phắt dậy nghe ngóng, trong khi cái phần lý tính và thực dụng mà người Mỹ đã dạy cho tôi trong tám năm qua thì chống cằm "hừm, hừm, ông này muốn gì ở mình?". Các phần còn lại thì vẫn đang bất tỉnh nhân sự vì bất ngờ.

Tôi còn đang chới với trong mớ hỗn độn các cảm giác thì nghe monsieur hỏi tôi có "cảm" được đoạn thơ này không. Tôi định thần lại rồi trả lời rằng tôi chỉ "cảm" một số từ thôi, ví dụ như "mon coeur" là "trái tim của tôi", "mots" là "từ" (như trong bài Michelle của The Beatles: "Michelle, ma belle, sont des mots qui vont très bien ensemble"), "automne" thì chắc là "mùa thu" giống từ "autumn" trong tiếng Anh, "monotone" là "đơn điệu" còn "violon" thì, chậc, là violon. Thế nhưng toàn bộ khổ thơ nghĩa là gì thì tôi chịu. Monsieur bèn vui vẻ giải thích cho tôi từng câu thơ bằng một thứ tiếng Pháp pha tiếng Anh bồi. Rút cục thì tôi cũng hiểu đại khái khổ thơ này nói rằng mùa thu réo rắt những cây violon của nó, khiến cho trái tim người ta não nề.

"Toi chi muon đọọc dững cau thơ nay choa iem," monsieur nói.

Nhìn khuôn mặt monsieur có vẻ rất thành thực thích thú việc đọc thơ này. "Wow, thì ra đây là cái mà người ta gọi là sự lãng mạn Pháp", tôi nghĩ thầm với một sự thán phục và cảm động trong lúc phần lãng mạn thắng tuyệt đối phần cảnh giác. Nhưng vì cũng không có ý định mua sách gì, tôi "merci, merci beaucoup" và nói rằng đã đến lúc tôi phải đi.

Hoặc là monsieur không hiểu tôi nói gì hoặc có hiểu mà tảng lờ vì tôi vừa dứt lời thì monsieur yêu cầu "petite mademoiselle" hãy đọc lại bài thơ cho monsieur nghe. Đến đây thì tôi lại không còn hiểu ra sao nữa. Tôi lại nói lại câu kinh điển: xin lỗi monsieur, tôi "non parle Francais".

"Khoong sao đau," monsieur nói. "Đọọc đi, đọọc đi."

Không biết phải làm thế nào với tình huống chưa có tiền lệ này và lại rất không biết nói "Không" với người khác nên "petite mademoiselle" là tôi đành phải đọc bài thơ. Dĩ nhiên là bằng một thứ tiếng Pháp bồi khủng khiếp. Khủng khiếp đến nỗi tôi không nhịn được, cứ phá ra cười trong lúc chật vật phát âm từng từ. Monsieur cũng cười hài lòng... và chỉnh lại phát âm cho tôi mỗi khi tôi phát âm sai.

Tôi đọc xong thì lập tức cảm ơn monsieur lần nữa và nói rằng tôi phải đi.

Nhưng một lần nữa, monsieur hoàn toàn tảng lờ việc tôi phải đi.

"Where you from, mademoiselle?" Monsieur hỏi.

"Vietnam."

"Ah, Vietnam. Chao iem!" Monsieur nói tiếng Việt và chắp tay cúi đầu chào như... người Thái.

Trong lúc tai tôi vẫn còn lùng bùng hai tiếng ""Chao iem" thì monsieur đã lại nói rất nhanh rằng monsieur đã đến Việt Nam sáu lần. Và rồi monsieur đột nhiên nhắc đến Hồ Chí Minh.

"Ho Chi Minh gióng Charles de Gaulle," monsieur nói.

"Ngươi Anh đen Phap, Charles de Gaulle noi cút đi. Ngươi Phap đen Vietnam. Ho Chi Minh noi cút đi. Gióng nhau, gióng nhau ca thoi."

Liền đó monsieur tuyên bố rằng monsieur đã luôn có ý định dịch mười hai cuốn tuyển tập Hồ Chí Minh ra tiếng Pháp. Tôi không còn biết mình đang nói chuyện với một học giả đội lốt người bán sách hay là người bán sách đội lốt học giả hay bán sách kiêm học giả. Tôi đành cười và chúc monsieur thành công với dự định dịch sách của mình để giúp cho tình đoàn kết giữa Pháp và Việt Nam thêm thắm thiết.

Thế rồi, bất thình lình, câu hỏi sau đây bật ra rất rành rọt từ phía monsieur, bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn như đã được tập luyện nhiều lần:

"Em đi ăn tối với tôi nhé?"

"Bỏ cụ!" Tôi nghĩ.

Tuy luống cuống, tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng tôi không thể ăn tối với monsieur dù monsieur có đọc thơ Verlaine cho tôi nghe. Tôi cố gắng tìm một cách lịch sự để từ chối nhưng nghĩ mãi không ra cách gì, tôi sử dụng lý do kinh điển của các cô gái:

"Merci, merci monsieur nhưng bố mẹ tôi không cho tôi đi ăn tối với người lạ."

"Oh lah lah..." monsieur vung hai tay lên trời một cách thất vọng, nhưng vẫn mỉm cười, "Bo mẹ, bo mẹ. Tại sao ngươi Vietnamien luc nao cung phai xin phep bo me?"

Câu hỏi này quá vĩ mô và không có lợi gì cho tình huống cụ thể của tôi lúc đó nên tôi vừa cười trừ vừa chỉ vào đồng hồ đeo tay:

"Merci monsieur nhưng thật sự là tôi phải đi."

Quan sát nét mặt monsieur, tôi biết là tôi vừa mới đấm bị bông (Chúa phù hộ sự kiên nhẫn của đàn ông Pháp với phụ nữ!) Để thể hiện sự quyết tâm và tự chủ, tôi tuôn ra một tràng tiếng Anh rằng tôi có hẹn với bạn tôi, tôi nhất định phải đi nếu không tôi sẽ bị muộn, rằng monsieur đã rất nice khi đọc thơ cho tôi nghe, tôi rất cảm động nhưng tôi "thực sự, thực sự phải đi" và chúc monsieur bán được nhiều sách. Tôi vừa nói vừa bắt đầu rảo bước. Monsieur cũng rảo bước đi cùng và hỏi tôi có quay lại buổi chiều nay không, monsieur sẽ chờ tôi ở quán cà phê bên kia đường. Tôi nói non non, tôi không quay lại đâu - và bước nhanh hơn. Monsieur lại nói rằng ngày nào monsieur cũng đứng đây bán sách hoặc ngồi bên kia uống cà phê, nếu tôi đổi ý định muốn ăn tối hay uống cà phê với monsieur thì cứ tới tìm bất cứ lúc nào.

Tôi bước đi khỏi một đoạn đã xa mà vẫn thấy đầu óc lùng nhùng vì không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Một ví dụ nhỏ về sự lãng mạn Pháp hay chương một của một tiểu thuyết trinh thám Mỹ mà đến chương hai thì người bán sách mê thơ Verlaine sẽ hiện nguyên hình là sát thủ giết người hàng loạt?

Nhưng thở đều một lúc, sự lãng mạn đã lại thắng thế. Nghĩ cho kỹ, rõ ràng monsieur không hề có gì khả nghi và không làm gì hại tôi ngoài việc đọc thơ Verlaine cho tôi nghe và mời tôi uống cà phê. Tôi kết luận rằng tôi không cần phải lo lắng; không nên nghi ngờ oan cho monsieur mặc dù quả nhiên cách tiếp cận này hơi kỳ cục. Buổi tối nay, khi gặp Kai và Sarah, tôi sẽ hỏi họ chuyện này.

Tôi đã không liên hệ với bất cứ người bạn Việt Nam nào khi tới Paris lần này vì tôi muốn đi du lịch như một người không nguồn gốc, không quá khứ, không ràng buộc. Kai, người bạn cũ từ Đại học Chicago, là người duy nhất biết tôi tới.

Kai và Sarah tới lúc 7 giờ. Tôi đã cuống cuồng nhảy tàu điện từ khu Khải Hoàn Môn về khách sạn thay quần áo để kịp đi ăn tối với họ. Hôm nay là ngày thứ ba của tôi ở Paris, cả ba ngày đều lây rây lúc mưa lúc nắng; mà tôi thì không làm việc gì khác ngoài lang thang ngoài đường nên hôm nào quần áo cũng ẩm ướt và cả ba tấm bản đồ của tôi đều bắt đầu mục vì ngấm nước. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà đánh đổi lấy những ngày Paris toàn nắng đẹp.

Paris trong mưa có cái gì đó quyến rũ vô cùng. Chiều tối nay, khi tôi nhìn thấy Kai và Sarah thong thả bước cạnh nhau từ phía con đường bờ sông tới trước khách sạn, thì tôi hiểu cái quyến rũ ấy là cảm giác Paris và người Paris chậm lại, xích lại gần nhau. Nó là sự lãng mạn được cô đặc, được làm giảm đi một chút bốc đồng để trở nên đằm và thật. Như chiều may, khi đi ngang Nhà thờ Đức Bà và nghe lỏm một người con trai nói trên điện thoại "Em nhất định phải đến, anh cần em" thì tôi tin là anh ấy cần cô gái kia thật. Làm sao có thể không cần một người khác trong cái se lạnh này của mùa thu Paris.

"Chào em," Kai cười từ xa. "Em khỏe không?"

"Em khỏe," tôi nói. "Kai ơi, Paris đẹp quá; em thật ghen với anh."

"Dĩ nhiên rồi," Kai cười, hôn tôi hai bên má. "Tất cả mọi người đều ghen với anh. Nhưng biết làm thế nào được."

Không thể không nhận ra rằng Kai đã khác đi kể từ lần cuối cùng tôi gặp anh, cách đây chừng một năm, ở Chicago. Hồi đó, Kai bơ phờ và dường như lúc nào cũng ngấp nghé một miệng vực vô hình; còn bây giờ, khuôn mặt anh có một ánh sáng mới. Có lẽ Paris làm cho người ta hạnh phúc hơn.

Chúng tôi tới một tiệm ăn có tên "Les Philosopher" ở Rue Vieilles-du-Temple bên phía Marais, không xa khách sạn tôi ở (chắc chỉ có ở Paris thì tiệm ăn mới có những cái tên như "Nhà triết học" hay "Descarter"). Tiệm Les Philosopher nằm trên mặt phố, trong một căn nhà tường ốp gỗ với những cửa sổ lớn mở ra ngoài vỉa hè; vỉa hè cũng có bàn nhưng chủ yếu dành cho người uống cà phê, rượu, hút thuốc sau khi ăn. Chúng tôi vào bên trong; chọn một chiếc bàn gỗ nhỏ. Xung quanh chúng tôi, các bàn hầu như chật người; từng nhóm từng nhóm ngồi với nhau theo cái lối của những người đã đi ăn tối với nhau rất nhiều lần. Họ thoải mái, ồn ào, và tự nhiên. Mỗi lần có một người mới đến, người đó lại ồn ào chào hỏi rồi đi vòng quanh bàn hôn má từng người ngồi quanh bàn. Thật là một cảnh vui mắt. Người Mỹ không bao giờ cho phép mình ồn ào quá ở các nhà hàng mà chỉ có thể ồn ào ở các sport bar.

Kai nói món vịt ở đây khá ngon; vậy là tôi gọi vịt là món chính, khai vị là patê ngỗng. Chúng tôi gọi một chai vang đỏ.

"Chào mừng em đến Paris!" Kai nói. "Cho những ngày Paris vui vẻ!"

"Cho những ngày Paris vui vẻ!" Tôi nói.

"Ở Paris thì khó mà buồn được," Sarah nói. "Em hiện nay chẳng làm gì, coi như thất nghiệp, thế mà cũng chẳng buồn."

Sarah là người Mỹ, Kai người Nhật, hai người gặp nhau ở Chicago; rồi yêu nhau; khi Kai đi Paris nhận việc sau khi tốt nghiệp, Sarah chuyển sang sống chung. Hằng ngày, Kai đi làm, còn Sarah ở nhà học tiếng Pháp và tìm việc.

Chúng tôi hỏi thăm công việc và những người quen cũ ở Chicago. Rồi tôi không đừng được mà kể lại câu chuyện về người đàn ông bán sách đọc thơ Verlaine.

"Em vẫn không hiểu, tại sao ông ấy lại đọc thơ cho em nghe? Ông ấy muốn gì ở em?"

Kai phá lên cười.

"Chết thôi, em bị Mỹ hóa mất rồi. Người Mỹ lúc nào cũng hỏi tại sao, để làm gì, họ muốn gì ở tôi, tôi được gì, mất gì. Có thể ông ấy không muốn gì ở em cả, ông ấy chỉ muốn đọc thơ cho em nghe, đơn giản thế thôi."

"Ồ, nếu em là một cô gái sexy, quyến rũ thì em còn hiểu được; đằng này..."

"Cũng chẳng sao, ông ấy muốn làm vậy vì ông ấy muốn làm vậy thôi. Đàn ông Pháp là thế."

"Mà phải nói là họ kiên nhẫn thật. Em đã nói không không tôi phải đi bao nhiêu lần mà ông ấy không tha."

"Ờ," Kai tặc lưỡi, "về khoản kiên nhẫn thì công nhận đàn ông Pháp là số 1. Người Mỹ với Nhật chẳng bao giờ mất thời gian cho việc tán tỉnh vô thưởng vô phạt ngoài đường như thế, người Pháp thì khác, mà không, anh phải nói chính xác là người Paris thì khác. Đàn ông Paris là một giống riêng. Họ tán tỉnh như một bản năng; nếu thấy có một cái cửa; họ sẽ gõ; cửa chỉ cần hé ra là họ lách chân vào, rồi cứ thế đẩy dần cửa ra, và trước khi em nhận ra thì họ đã trong nhà em rồi."

"Nhưng nhất định họ vẫn phải có một mục đích cuối cùng nào đó chứ. Ông ấy mời em đi ăn tối để làm gì? Họ mời các cô gái xa lạ qua đường đi ăn tối với mục đích gì? Để ngủ với họ à?"

"Cũng có thể là thế. Nhưng có người đơn giản là họ muốn đi ăn tối với em thôi. Với người Paris, đi ăn tối với ai đó, kể cả người xa lạ, là một niềm vui. Đơn giản thế thôi. Gặp nhau, ăn tối, uống chút rượu, nói chuyện phiếm, tán tỉnh nhau một chút, đại để là có mấy tiếng vui vẻ với nhau... đấy là văn hóa Paris. Có thể ông ấy chỉ muốn có người ăn tối cùng."

"Cái đó thì em cũng hiểu. Em cũng ủng hộ sống cho ngày hôm nay, sống cho hiện tại, tận hưởng những khoảnh khắc với người khác, nhưng mà em vẫn thấy có cái gì đó kỳ kỳ."

"Em ở Paris một thời gian, em sẽ không để ý nữa đâu."

"Đúng rồi đấy," Sarah nói. "Hồi em mới sang đây, em cũng gặp chuyện này, em dị ứng lắm. Gần nhà em ở có cái công viên; cứ lần nào em vào đấy chạy bộ hay đọc sách là y như rằng có một anh Parisien ra tán tỉnh. Em nghĩ, bỏ mẹ, không biết bọn này muốn gì ở mình. Trời ơi, có một lão trong công viên lại còn bảo em là lão phát điên vì yêu em... Làm em phải bỏ cả cái công viên đấy một thời gian. Giờ thì em quen rồi; lơ mơ là em chửi cho. Các lão ấy biết chị là khách du lịch mới đến nên thế thôi. Mà đàn ông Pháp thì thích các cô gái Á Đông nhỏ bé lắm."

"Chị cứ tưởng là cái kiểu tâm lý thuộc địa đấy chỉ có ở thời Thế chiến chứ giờ vẫn còn à?"

"Còn đấy, một số đàn ông Pháp vẫn cứ thích các cô gái Á Đông vì họ dịu dàng, chiều chuộng. Chứ đàn bà Pháp với đàn bà châu Âu chả chịu được cái thói lãng mạn rửng mỡ của các ông ấy."

Đến đây thì bồi bàn mang món patê ngỗng ăn với bánh mỳ nướng và một chút mứt dâu tây. Ở các bàn bên cạnh, thức ăn và rượu cũng đầy ắp, những câu chuyện ngày càng ồn ào. Vài người đàn ông mặt đỏ, tóc rối bời, đứng cả lên để tranh luận về chính phủ và Giáo hoàng (nghe nói sắp tới Giáo hoàng sẽ sang thăm Paris), và một thứ tiếng Pháp mê li cứ thế tuôn ra hôi hổi. Tôi vừa ăn vừa nói chuyện với Kai và Sarah vừa quan sát cái không khí một quán ăn tối Paris... Tại sao ngồi đây tôi lại có cảm giác nhớ không khí này và nhớ Paris như thể tôi từng ở Paris? Tại sao, giữa những người Paris trong quán ăn xa lạ này, tôi lại nhớ Hugo, Chopin, Verlaine như thể tôi đã từng ngồi ăn tối với họ ở đâu đó, trong những buổi tối Paris mùa thu?

Ở ngoài khách sạn, Kai và Sarah lại hôn tạm biệt tôi, hẹn rằng sẽ gặp lại trước khi tôi rời Paris.

"Cẩn thận nhé, Kai dặn tôi. Em chỉ có một mình, mà đàn ông Pháp thì mê phụ nữ Á Đông lắm và không phải ai trong số họ cũng tử tế đâu. Em nhớ nhé."

Tôi nói với Kai rằng tôi sẽ cẩn thận. nhưng nếu tôi gặp những trường hợp tán tỉnh và mời đi ăn tối khác, tôi sẽ nhận lời để tìm hiểu xem rút cục thì những người đàn ông này muốn gì. Có thể nào người ta lãng mạn chỉ để lãng mạn mà thôi? Hay là tôi bị "Mỹ hóa" thật như Kai nói nhỉ? Lẽ nào tôi không còn tin và cũng không còn khả năng cảm nhận sự lãng mạn nữa?

Tôi đã tháo nhẫn cưới khỏi tay từ hôm đến Paris. Tôi không biết tại sao. Chắc chắn tôi không định tán tỉnh, yêu đương hay lừa ai nhưng tôi vẫn cứ bỏ nhẫn cưới ra.

Cái nhẫn cưới này, tôi và Sơn đã mua trong một cửa hàng trang sức ở Boston. Lúc ấy, tôi có hai sự lựa chọn: một cái nhẫn với một vòng tròn khép kín và mặt kim cương đính bên trên; hoặc một cái nhẫn với vòng tròn không khép kín và một mặt kim cương nằm giữa hai cái đầu không khép kín ấy. cuối cùng tôi đã chọn cái thứ hai. Trong suốt những năm đeo cái nhẫn này, ngón tay tôi thỉnh thoảng lại bị trầy bởi vì bị cái đầu nhọn kim loại của vòng tròn không khép kín đâm. Chị gái tôi - một người tương đối mê tín - đã nói với tôi khi nhìn thấy cái nhẫn rằng cái nhẫn thế này là biểu tượng của xa cách, hai người không làm thành một vòng tròn. Tôi đã cười, nói chị ấy vớ vẩn. Tôi cũng đã nghĩ những điều khác là vớ vẩn. Ví dụ như Sơn chưa bao giờ đeo nhẫn cưới và tôi chưa bao giờ bắt anh phải đeo.

Nhưng có thể, chúng không vớ vẩn như tôi tưởng? Có thể, để có một cuộc sống vợ chồng lâu bền thì cần có cả những thứ thủ tục, những khuôn khổ, những quy tắc mà người ta phải tuân theo để cầm cương cái bản ngã cá nhân luôn dễ dàng hư hỏng khi được dung túng?

Cả hai chúng tôi, hay ít nhất là tôi, hình như đã quá tự do và ngây thơ về hôn nhân cũng như về chính mình.

Paris, ngày...

Tôi đã quyết định rằng từ chủ đạo cho ngày hôm nay là "trèo". Sáng nay, trở lại Nhà thờ Đức Bà (lần thứ mấy nhỉ?). Tôi đã trèo hơn 300 bậc đá để lên tháp chuông. Chiều tối nay, ở bảo tàng Pompidou ra, tôi thấy từ này càng chính xác.

Để vào bảo tàng Mỹ thuật bên trong Popidou Center, phải trèo một cái cầu thang rất dài bên ngoài để tới tầng bốn. Bước vào trong, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là một tấm canvas trắng mỗi chiều vài mét, trên đó hình như ai đã sơ ý đánh rơi một xô lớn đựng sơn xanh da trời, khiến cho sơn xanh tung tóe trên bề mặt. Bên cạch tôi, một cô gái, lúc này đang đứng nhìn bức tranh, thì thầm với người bạn trai"

"Thế này mà gọi là nghệ thuật á? Em nhắm mắt cũng làm được như thế."

Phải rồi, tôi cũng vừa thoáng nghĩ như vậy mặc dù ngay sau đó, cái ý thức mới hình thành của người viết bảo tôi rằng tôi lại sa vào cái bẫy phán xét theo quán tính của một người ngoài. Với tư cách là một người ngoài, tôi có thể nói tôi thích hoặc không thích một tác phẩm nghệ thuật, tôi thậm chí hoàn toàn có quyền nhận xét nó hay hay dở; nhưng nói "dễ" thì có lẽ phải bắt tay vào làm mới biết. Mà kể cả khi bắt tay vào rồi, tôi chỉ thực sự biết nếu tôi muốn vượt qua bản thân, muốn trèo tới đỉnh. Giống như hôm nay, phải thực sự trèo hơn 300 bậc thang Nhà thờ Đức Bà sau cả một ngày đi bộ lang thang khắp Paris, tôi mới phát hiện ra mình có thể mắc chứng claustrophobia khi phải đi vòng vòng liên tục trong một cầu thang xoáy trôn ốc với những bậc đá chỉ vừa đủ đặt một bàn chân. Và khi lên tới nơi rồi, nhìn Paris trải ra bên dưới, và bất lực trong việc dùng máy ảnh để bắt lại cái nhìn thấy bằng mắt, tôi hiểu là nhiếp ảnh, cũng như tất cả mọi thứ khác trên đời, đều khó khi người ta muốn thực sự lên đến đỉnh.

Quay trở lại với Pompidou. Thực sự, tôi không hiểu gì về hội họa; tôi chỉ biết thích hoặc không thích mà thôi; và nếu phải xếp thứ tự các bảo tàng nghệ thuật cho đến nay, thì tôi sẽ xếp Pompidou trước Orsay, rồi mới đến Louvre. Ngay lúc này, tôi có thể khẳng định rằng tôi thích Pompidou hơn Louvre. Tranh ở Louvre và Orsay vẫn là dạng tranh "minh họa" cảm giác "bội thực" và "ngột ngạt". Còn ở Pompidou không có sự "minh họa" nào cả. Nó là cảm giác và ý nghĩ thông qua khâu trung gian, không cần phiên dịch hay diễn dịch, không có phóng chiếu và ước lệ. Chúng là máu thịt của ý tưởng sống động, tươi nguyên, mạnh mẽ, cá nhân, điên rồ, chuếnh choáng, không che đậy, không thanh minh, không bao biện. Chúng cứ thế tràn ra. Quá nhiều cá tính. Quá nhiều đời sống. Quá nhiều tự do.

Ở bên phải của bảo tàng Pompidou có một phim tài liệu ngắn về Jackson Pollock. Tất cả những gì ông làm, nhìn từ bên ngoài chỉ là nhẩn nha đi đi lại lại (miệng ngậm thuốc), vẩy vẩy màu hoặc nhỏ màu (dripping) lên canvas. Nhưng Pollock nói rằng ông hoàn toàn làm chủ cái việc vẩy màu đó không có cái gì là "accident" bởi vì "mỗi bức tranh có một đời sống riêng của nó, tôi chỉ cố gắng để nó lộ ra". Hôm trước, Rodin cũng nói tương tự như vậy trong phim tài liệu. Nghĩ mà xem, Rodin làm việc trên đá, chỉ bằng một cái búa và một cái đục. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn chưa hết kinh ngạc mỗi lần nghĩ đến cái sự thật ngớ ngẩn này. Điêu khắc - dĩ nhiên rồi, phải làm việc trên đá, trên đất. Nhưng phải nhìn Rodin cầm búa đẽo từng miếng đá cứng, nhìn bụi đá bay ra... và rồi nhìn sự nhẵn nhụi, hoàn hảo - hơn hết là cảm giác sensual sống động của những bức tượng như The Eternal Idol, The Kiss, hay Despair... thì mới biết "điêu khắc" không hề dễ mặc dù Rodin nói rất đơn giản: "trong mỗi khối đá đều có săn một bức tượng, điêu khắc chỉ là công việc loại bỏ đi những phần thừa để bức tượng lộ ra".

Biết cái gì là thừa để loại bỏ đi là một việc không hề dễ dàng. Mà không, tôi sẽ không nói một câu đãi bôi như thế. Tôi sẽ nói: biết cái gì thừa để mà loại bỏ là một việc khó. Có thể là theo những con đường khác nhau, bằng những cái thang khác nhau, tất cả loài người nói chung và người làm nghệ thuật nói riêng đều chỉ đang trèo lên cùng một đỉnh núi. Chính cái ý nghĩ này làm cho tôi thấy mình thoải mái khi ở trong Pompidou chứ không thấy xa lạ như ở Louvre. Đứng giữa một bên là Joan Mitchell cố gắng diễn tả những giấc mơ thời thơ ấu và một bên là Sam Fracis vẽ lại những bông waterlilies nổi tiếng của Monet theo phong cách hiện đại, tôi có thể cảm thấy rõ phía sau những bức tranh là những con người thật, là những ý nghĩ và tình cảm thật. Hơn thế, dường như có một dạng tình bằng hữu ngầm giữa tất cả những người đứng phía sau các tác phẩm nghệ thuật. Đấy là tình bằng hữu của những người cùng muốn theo đuổi sự thật.

Cuộc sống của những người này có bao giờ dễ dàng!

Ở Pompidou ra lúc 9 giờ tối, đói run tay, tôi ghé vào một quầy bán dạo ở ngay bên ngoài bảo tàng để mua một cái bánh mỳ kẹp. Đang đứng chờ người bán hàng nướng lại bánh mỳ, tôi nghe phía sau lưng:

"Ní hảo."

Quay đầu lại: một người đàn ông đang ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, mỉm cười với tôi. Một người vẽ ký họa chân dung ở trước bảo tàng cho khách qua lại. Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, khuôn mặt giống người Ý hơn là người Pháp: da ngăm đen, mắt đen, tóc đen, "nam tính" toát ra mạnh mẽ. Nghĩ đến chuyện người bán sách hôm qua và lại đang đói, muốn về nhà, nên tôi lắc đầu "No ní hảo" rồi quay người đi. Nhưng tôi chỉ quay được nửa người vì ông ta đã nói bằng giọng nói như thể một bàn tay nắm vào khuỷu tay tôi mà giữ lại:

"No ní hảo?"

Tôi lại phải quay lại, lắc đầu một lần nữa:

"No ní hảo! Tôi không phải người Trung Quốc."

Đáp lại khuôn mặt và cái lắc đầu của tôi là một câu tiếng Anh rất chuẩn:

"Mademoiselle, em có đôi môi thật đẹp. Với tư cách là một họa sĩ, tôi phải nói rằng em có đôi môi thật đẹp."

Từ hôm qua đến giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng nghĩ lại câu chuyện về người bán sách và câu chuyện Sarah kể về người đàn ông trong công viên. Và càng nghĩ, tôi càng cảm thấy vừa buồn vừa giận. Tưởng tượng xem, dường như có một đội quân những người đàn ông đứng tuổi hứng tình, đang âm thầm tỏa đi khắp Paris với sứ mệnh là lừa phỉnh các cô gái đi du lịch một mình nhằm biến những kỷ niệm về Paris của họ thành một tập hợp những câu chuyện rẻ tiền và lãng nhách. Thật là một sự lăng mạ lớn cho Paris và cho những người phụ nữ.

Và bây giờ thì một chiến binh trong cái đội thánh chiến đó đang ngồi trước mặt tôi, vừa mỉm cười mơn trớn vừa tuyên bố rằng tôi có "đôi môi đẹp". Tôi rất muốn bảo ông ta "Monsieur, xin ông cút đi với quỷ và để Paris với tôi được yên". Nhưng tôi lại chỉ nói:

"Cám ơn sự tán dương của ông nhưng tôi phải đi đây. Au revoir."

Y như người bán sách hôm qua, monsieur này không hề quan tâm tới việc tôi phải đi cũng như khuôn mặt không hề thân thiện của tôi. Monsieur nói:

"Không không, đây không phải là sự tán dương, tôi chỉ đang nói sự thật bởi vì đó là sự thật và bởi vì tôi là một họa sĩ. Với tư cách một họa sĩ, tôi phải nói rằng em có đôi môi thật đẹp."

Monsieur này nói tiếng Anh khá chuẩn, mặc dù vẫn có accent - nhưng không hoàn toàn là accent của người Pháp. Trong lúc tôi còn đang tần ngần cố nghĩ ra một cách gì đó thật bạo lực để chấm dứt cái màn tán tỉnh lỗ mãng này, tôi nghe monsieur nói với một vẻ hết sức thành khẩn:

"Em có thể làm mẫu cho tôi vẽ không? Tôi muốn vẽ em."

Tôi cười:

"Và sau khi làm mẫu cho ông, chắc là tôi sẽ phải đưa ông mấy đồng; tôi nói có đúng không?"

Monsieur không hề có vẻ mếch lòng. Thay vì thế, monsieur hỏi tôi:

"Em có phải là một nhà khoa học không?"

"Không, có thể một ngày nào đó tôi sẽ, nếu tôi may mắn."

"Tôi là một nhà khoa học," monsieur tuyên bố trịnh trọng.

"Vậy sao?" tôi nói. "Chúc mừng ông."

Monsieur quan sát nét mặt của tôi một lúc, rồi không nói không rằng lục túi lấy ra một tấm danh thiếp.

"Đọc đi!" Monsieur nói mát mẻ.

Đấy là một cái danh thiếp được làm sơ sài bằng bìa mềm. Nền màu xanh da trời, hình như loáng thoáng có vài ngôi sao màu trắng. Không có trang trí gì khác, không có biểu tượng tổ chức, cơ quan, hiệp hội nghệ sĩ gì. Ở góc trái phía trên của các-vi-zít chỉ có tên Paul gì đó... in rất to. Và bên dưới là dòng chữ tiếng Anh:

"Owner of the 5th dimension of the universe expansion theory"

(Chủ nhân của học thuyết về sự giãn nở chiều thứ năm của vũ trụ[39])

[39] Hoặc là "Chủ nhân chiều thứ năm trong học thuyết giãn nở vũ trụ" - thực sự tôi cũng không chắc người đàn ông này làm chủ cái nào.

"Damn! Thật là thiên tài" tôi nghĩ; và phải cố gắng lắm mới không buột miệng cười. Tôi sợ rằng chỉ cần tôi buột miệng cười, tôi sẽ không bao giờ dừng lại được. Tôi hỏi monsieur liệu tôi có thể hân hạnh giữ một tấm danh thiếp của monsieur để còn google về lý thuyết giãn nở vũ trụ của monsieur trên mạng. Nghe đề nghị này, monsieur lập tức rút tấm danh thiếp từ tay tôi và đút ngay vào trong ví. Monsieur nói đầy hờn dỗi:

"Không, tôi không thể đưa cho em vì em không tin tôi."

"Xin lỗi," tôi nói. "Tôi có thể sai, nhưng tôi có quyền nghi ngờ, đúng không?"

Monsieur ném vào tôi một cái nhìn sắc lạnh:

"Em có tin tôi là nhà khoa học không? Em có tin không? Hử!"

Lúc này, bánh của tôi cũng đã nướng xong rồi, và thấy không nên mất thời gian ở đây, tôi nói rằng tôi phải đi. Nhưng monsieur đã cầm tay tôi bằng cả hai tay:

"Tôi là một nhà khoa học," monsieur nói. "Em có tin tôi là nhà khoa học không? Hử? Có tin không?"

"Vâng, tôi tin. Ông là nhà khoa học," tôi rút tay ra. "Au revoir"

"Au revoir."

Tôi thừa nhận rất có thể mình vừa mới có một hành vi rất khiếm nhã vì monsieur có thể là nhà khoa học kiêm nghệ sĩ thật sự. Nhưng tôi không thể cáng đáng nổi sự cả tin của mình trong trường hợp này.

Sau 9 giờ, nắng đã tắt và bóng tối bắt đầu xuống nhanh nhưng trên Rue des Archives, buổi tối dường như mới chỉ bắt đầu. Lần đầu tiên tôi nhận ra khu Marais của Paris thực sự là khu vực của người Do Thái và đồng tính luyến ái. Các đôi tình nhân nam nắm tay nhau đi lại trên phố rất tự nhiên; mỗi khi gặp người quen lại đứng lại bisous thân mật. Họ ăn mặc rất có style, không cố tình lòe loẹt hoặc ồn ào kiểu các drama queen để khẳng định giới tính của mình như dân đồng tính Mỹ, thường là desiger jean với jacket mỏng gam lạnh, mang khăn.

Lúc rời Pompidou, tôi đã mệt, định về nhà; nhưng rồi chỉ đi bộ đến Rue des

Archives và Rue de Sainte-Croix-De-La-Bretonnerie, tôi lại có cảm giác như được sống lại. Đây là cái khác biệt của Paris, hoặc ít nhất là của khu trung tâm. Thành phố này có cách để nâng bạn lên và đỡ bạn đi khi bạn mệt, theo một cách rất ân cần. Vậy là tôi đứng lại ở một góc phố quan sát người qua lại cho đến lúc trời đổ mưa.

Chiều hôm qua, trên đường về từ vườn Luxembourg, tôi đi qua mấy phố ngách phía sau điện Pantheon và phát hiện ra mấy thứ nho nhỏ:

Có một tiệm phở Việt Nam mang tên Tây Đô trên phố Rue de L'Ecoles.

Có một cái vườn nhỏ rất đẹp ở góc phố Rue Monge... Trong vườn cónhững bức tượng và những ghế băng tuyệt đẹp, cộng với rất nhiều bóng râm và cây leo trên tường. Một nơi lý tưởng để nghỉ chân và đọc.

Có một cửa hàng nhạc jazz trên cái phố nhỏ cạnh nhà thờ Thánh Gienevieve - nữ thánh bảo hộ của Paris. Cửa hàng có rất nhiều đĩa CD và một cái poster lớn đề dòng chữ "Jazz không chết ở Paris". Không biết jazz chết ở Paris bao giờ! Thực tế là Paris khiến tôi nghĩ đến nhạc jazz rất nhiều, cũng như Paris làm tôi nghĩ đến những bức tranh của trường phái Ấn tượng. Nhịp điệu của Paris và tinh thần của thành phố này rất hợp jazz, nhất là khu Latin và Marais.

Trên phố Rue des Bernardin lại có một nhà thờ cổ tuyệt vời nữa theo kiếntrúc Gothic.

Ở phía sau Nhà thờ Đức Bà có một quảng trường gọi là Thánh Jean XXIII.Một lần nữa: tuyệt đẹp.

Đẹp, đẹp, tuyệt đẹp. Tôi bắt đầu hết từ để tả Paris rồi.

Ngày mai là thứ Sáu. Trời ơi, tôi nói như thể tôi quan tâm ngày mai là thứ mấy vậy.

Paris, ngày...

Cách đây năm phút, tôi gần như đã ghét Paris khi cô gái gác cổng Đại học

Sorbonne trên phố Thánh Jacques đã trả lời đề nghị được vào thăm trường của tôi bằng một từ "Non!" và vẻ mặt khinh khỉnh.

Nhưng tôi không bỏ cuộc; tôi đi vòng sang cổng khác và ở đây, người gác cổng da đen đã cho tôi vào sau khi hỏi tôi vào làm gì và tôi nói tôi là sinh viên ở Chicago, tôi muốn vào thăm trường, và anh ta nói "Tôi ghét đội Chicago Bulls[40], tôi thích Michael Jordan nhưng giờ anh ấy ngủ rồi", và tôi đã trả lời "Nhưng Chicago còn có nhiều thứ khác, nhất định anh phải thích một cái gì đó chứ... đội White Sox[41] chẳng hạn?"; và anh ta phá lên cười "OK, vào đi". Và giờ thì tôi đang ngồi trên một cái ghế đá trong khoảng sân hình chữ nhật lát đầy đá cổ, đối diện với hai pho tượng: Louis Pasteur và Victor Hugo. Ở Paris, đi đến đâu cũng có bóng dáng Hugo và vì thế mà tôi càng cảm thấy mình thuộc về Paris. Thành phố này có một chỗ cho tôi - nếu không phải giữa những người Paris thì là giữa Paris đầy Hugo; đấy là một mối tình không cần nói thành lời.

[40]Đội bóng rổ Chicago nổi tiếng, có Michael Jordan.

[41]Đội bóng chày ở phía Nam thành phố Chicago, niềm tự hào của người da đen ởChicago.

Nhưng quả thực, tôi đã suýt ghét Paris khi cô bảo vệ trường Sorbonne từ chối cho tôi vào trong. Nghĩ cho kỹ, cũng không thể trách cô ấy được. Cái mầm mống cơn chán ghét của tôi thực ra có bóng dáng một sự thất tình/ghen tuông và nó đã bắt đầu từ đêm qua, và lỗi là do tôi cả.

Đêm qua, lúc tôi trở về khách sạn, Francesca không ở đó, chỉ có Julia đang ở trong phòng cùng với một người bạn gái Nhật Bản mới quen. Chúng tôi hỏi thăm nhau xem đã làm gì trong ngày. Julia nói chị đã tới nghĩa trang Pere Lachaise với mục đích tìm một chỗ yên tĩnh mà suy nghĩ, nhưng những khách du lịch đi thăm nghĩa trang cứ liên tục quấy rầy bằng những câu hỏi "Mộ này của ai đấy? Ông ấy có nổi tiếng không?" Chị cứ ngồi xuống bất cứ ngôi mộ nào là có người hỏi mộ của ai và người chết có nổi tiếng không.

"Nổi tiếng, nổi tiếng, nổi tiếng," Julia nói. "Tất cả những gì họ quan tâm chỉ là người chết này có nổi tiếng không, họ thậm chỉ chẳng buồn đọc bia mộ và chẳng có tí ý niệm gì về người đã chết."

Julia thở hắt ra. Lần đầu tiên tôi thấy chị ấy nổi giận.

"Tôi đã tới Paris để tìm lại bản thân mình... nhưng mà trời ơi, Paris ồn ào không thể tưởng tượng được, quá nhiều khách du lịch, quá nhiều, quá nhiều... mà đàn ông Pháp thì trơ trẽn và lộ liễu quá mức. Không thể nào tìm thấy bản thân mình ở đây."

"Tìm lại bản thân mình" - cụm từ này nén quá nhiều thứ. Tôi hỏi Julia muốn tìm lại bản thân như thế nào, chị tìm gì, và nếu tìm được thì cái "bản thân" ấy trông như thế nào. Vậy là Julia kể cho tôi về cuộc sống của chị ở Hàn Quốc.

Julia là giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học. Chị năm nay đã ba lăm và bố mẹ chị vô cùng sốt ruột vì chị vẫn chưa lấy chồng, Julia từng có một mối tình gần mười năm với một người đàn ông Hàn Quốc, nhưng đã không đi đến đám cưới; và sau đó một thời gian dài thì chị không còn yêu lại ai. "Tôi chán đàn ông Hàn Quốc rồi," Julia nói. "Họ vừa gia trưởng lại vừa yếu đuối." Gần đây chị thích một anh chàng người Anh - người này là giáo viên tiếng Anh của Julia ở Seoul; và chị có cảm giác anh chàng ấy cũng thích chị; họ hay gặp nhau nói chuyện, nhưng họ cũng chưa chính thức hẹn hò vì Julia cố gắng giấu giếm tình cảm của mình, còn anh kia thì mới đến Hàn Quốc nên thấy các cô gái Hàn Quốc quá bí ẩn. Mùa hè này, anh chàng người Anh về lại London thăm nhà và sẽ cùng mấy người bạn đi du lịch ở Châu Âu, bao gồm cả Paris. Vậy là Julia lên kế hoạch đi châu Âu, với mục đích ngấm ngầm là để gặp anh chàng người Anh ở Paris; nhưng để làm thế, chị đã lên cả một lịch trình châu Âu dài dòng, với nhiều thành phố khách nhau, chỉ để trông có vẻ như chị không đi Paris để gặp anh chàng người Anh mà chỉ "tình cờ" có mặt ở đó đúng lúc anh ấy cũng có mặt (trời ơi, phụ nữ châu Á hình như giống hệt nhau về sự lòng vòng này).

"Dĩ nhiên là chị đến Paris không chỉ vì anh ấy," Julia nói, "chị muốn đến Paris vì chị chưa bao giờ đến Paris; ai cũng bảo Paris là thành phố lãng mạn nhất thế giới. Chị muốn đến đây để nghĩ, để lãng mạn trở lại một chút; chị quá mệt mỏi với cuộc sống ở Hàn Quốc, ai cũng giục lấy chồng đi, đẻ con đi, thế này đi, thế kia đi, chị ngột ngạt quá rồi."

Julia đã viết thư cho anh chàng người Anh để thông báo rằng chị sẽ ở châu Âu; nếu anh ấy cũng ở Paris vào cùng ngày thì hãy gặp nhau. Anh chàng kia trả lời rằng anh ấy sẽ đi Paris nhưng không biết chính xác ngày nào vì còn tùy các bạn anh ấy sắp xếp. Vậy là Julia tiếp tục chờ... và ngày này qua ngày khác, tiếp tục cố tìm sự lãng mạn của Paris, "cố tìm lại bản thân" trong lúc chờ đợi. Nhưng ngày nào cũng thế, khi Julia đi ra ngoài với phấn son, áo váy, giày cao gót, và mái tóc đen dài được chăm sóc cận thận hằng đêm để buông xõa vào ban ngày - thì những người đàn ông Pháp xa lạ trên đường cứ lăn xả vào chị mà tán tỉnh theo những lời mà Julia cho là" rẻ tiền".

Có một người đàn ông trung niên dường như ngày nào cũng ngồi uống cà phê ở cái quán gần cầu Pont Notre Dame với một mục đích là chờ chị đi tới để tán tỉnh. Ông ta nói ông ta "phát điên" vì chị; ông ta đã hai lần cầm tay chị hôn và hôm nay thì đòi hôn môi chị.

"Tôi chán ngấy Paris và đàn ông Paris rồi" Julis nói với tôi và cô gái Nhật." Mai tôi sẽ xuống Nice tắm biển, ở đó yên tĩnh hơn, may ra thì có thể nghỉ ngơi. Sau đó thì tôi sẽ đi Tây Ban Nha."

Cô gái Nhật cũng nói rằng cô đến Paris để nghỉ ngơi và "enjoy the city" nhưng cô viêm họng suốt những ngày ở đây vì Paris ngập khói thuốc lá ở khắp nơi và quá nhiều khách du lịch. Càng nghe chuyện tôi càng nhận ra rằng có rất nhiều cô gái châu Á một mình tới Paris - đều với những ảo tưởng và fantasy khác nhau; và thường thì họ thất vọng. Tôi nữa, tôi cùng là một cô gái châu Á, cũng đang ở Paris một mình, thất vọng thì không, ít nhất là chưa, nhưng sau cuộc nói chuyện với Julia và cô gái Nhật, tôi tự hỏi bao giờ đến lượt mình. Và càng nghĩ, tôi càng bực. Tự bao giờ sự lãng mạn Pháp nói riêng và sự lãng mạn nói chung của con người trở nên rẻ tiền như vậy? Từ bao giờ tình yêu trở nên cái gì đó khó bắt, đỏng đảnh, đầy những trò mèo đến vậy? Từ bao giờ cuộc sống con người trở nên một lối mòn trúc trắc gần như chỉ dẫn vào một ngõ cụt? Và từ bao giờ, Paris cho phép những người đàn ông trung niên nứng tình phá hỏng những chuyến đi của người khác?

Nhưng buồn nhất là ý nghĩ ở ngoài kia có nhiều phụ nữ cô đơn và lạc lõng. Nhất là ở các nước châu Á. Họ đều là những người giằng xé giữa ý thức đạo đức truyền thống với mong muốn cá nhân; họ khao khát được yêu một cách chân thành, mãnh liệt - một tình yêu lớn - nhưng rồi luôn luôn phải chấp nhận một cái gì đó thứ cấp, vừa phải. Họ đã tới Paris để "tìm lại mình", "để tìm lại sự lãng mạn" như cách nói của Julia - bởi vì cái thứ tình yêu thứ cấp đó không bao giờ có thể làm người ta nguôi ngoai khao khát về tình yêu kia.

Tôi cũng biết rất nhiều người con gái không bao giờ có cùng câu hỏi và nhu cầu với Julia. Họ không bao giờ cần "tìm lại bản thân mình". Cuộc sống với họ luôn luôn rõ ràng; họ chọn người đàn ông tối ưu, và lấy chồng và sinh con, và cuộc sống của họ cứ thế tiếp diễn. Ở một khía cạnh nào đó, họ thật đáng ngưỡng mộ và ghen tị. Cuộc đời sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu nếu như bạn không có những ý nghĩ kiểu như bạn cần tìm lại bản thân mình. Cuộc đời sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu nếu như bạn chỉ cần có chồng con, chứ không cần thêm một thứ xa xỉ là được chồng hiểu.

Nhưng than ôi, cả điều ấy nữa, người ta cũng đâu có cưỡng được. Tôi tin là Julia đã cố dẹp những tiếng thì thầm trong lòng mình, nhưng không thể.

Đêm qua, tôi nói với Julia:

"Chị đừng buồn. Mình không thể kiểm soát được người khác được đâu. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiểm soát bản thân mình. Đừng để mấy người đàn ôn Pháp phá hỏng Paris của chị. Chị hãy tìm Paris của riêng chị và tìm chỗ của chị ở Paris."

Nhưng Julia đã chịu đựng Paris đủ rồi. Tôi đồ rằng chị ấy đang "thất tình" với Paris - và cả với anh chàng người Anh có lẽ sẽ không bao giờ đủ dứt khoát mà đến Paris gặp chị. Chị đã quyết tâm ngày mai sẽ đi Nice - để thử cơ hội với Nice. Tôi e rằng chị lại cũng sẽ thất vọng với Nice thôi; nhưng ít nhất chị cũng đang cố gắng đi tìm và tôi chúc chị mọi tốt lành.

Sáng nay, khi tỉnh dậy, những tàn dư của cuộc nói chuyện đêm qua vẫn còn vương lại trong đầu tôi. Và rồi, để thêm vào đó, Paris lại mưa, xám, và lạnh... còn tôi thì đã đánh mất cái ô của mình ngày hôm qua. Một câu hỏi lặng lẽ hiện lên trong đầu tôi. "Mình đang làm gì ở đây? Thực sự thì mình đang làm gì ở Paris và ở châu Âu một mình? Mình tìm gì? Cần gì? Muốn gì?

Nhưng dù tôi có biết mình tìm gì, muốn gì ở Paris hay không thì sự thật là tôi đang ở Paris và tôi không muốn trời mưa hay sự tuyệt vọng của Julia trở thành sự tuyệt vọng của tôi; vậy là tôi thay quần áo và ra ngoài. Trời không thực sự lạnh nhưng ướt và xám. Ai cũng bước đi vội vã trong mưa, tay nắm chặt ô. Điều lạ là khi tôi vượt qua sông Seine dưới trời mưa, đầu để trần và nhìn những ngươi Paris cắm cúi bước trong mưa dưới những chiếc ô đen, rồi nhìn sông Seine và cả thành phổ ủ dột dưới màn nước màu xám, đột nhiên tôi bình tĩnh lại. Một cảm giác thanh thản, thậm chí hạnh phúc, lại len lén đến gần ôm lấy tôi. Bất kể thế nào, tôi vẫn có thể có một mối tình riêng, một chuyến đi riêng với Paris mà không ai có thể lấy mất của tôi điều đó.

Khi tôi đi dọc bờ sông, người đàn ông đã đọc thơ Verlaine cho tôi hôm trước lại từ hiệu sách bước ra ""Bonjour petite mademoiselle". Tôi nói "Bonjour" rồi cứ thế đi thẳng. Ông ta kêu lên "Troi oi" nhưng tôi cứ bước đi mà không hề ngoái đầu.

Paris, ngày...

Cuối cùng thì tôi cũng tới Maison de Victor Hugo. Buổi chiều tối ngày thứ năm sau khi tới Paris, tôi đã quyết định không thể chần chừ thêm nữa.

Nó bắt đầu từ một ý nghĩ vào buổi tối hôm trước. Tôi muốn đi tìm phố Rue Plumet và phố Rue Saint Denis. Trong những người khốn khổ, Rue Plumet là phố mà Cô-dét sống cùng Giăng Van Giăng, và từ đó bắt đầu tình yêu với Mari-uýt trong những buổi dạo chơi ở vườn Luxembourg. Vào các buổi tối, Ma-riuýt thường lẻn tới ngôi nhà Cô-dét trên phố, lách qua hàng rào vườn; và họ sẽ ngồi cạnh nhau suốt đêm, chẳng để nói gì, mà chỉ để chiêm ngưỡng người kia và ngập trong tình yêu. Hugo gọi đó là "Tình ca phố Pơ Luy Mê". Còn phố Saint Denis là phố mà những người bạn trong nhóm ABC đã lập chiến lũy làm cách mạng và Ma-ri-uýt đã tới đó để chết cho nền cộng hòa non tre khi nghĩ rằng Cô-dét bỏ đi. Ma-ri-uýt lẽ ra đã chết nếu Giăng Van Giăng không đến chiến lũy cõng anh trên vai, lội qua cống ngầm Paris để trả anh về cho ông nội. Trong Những người khốn khổ, Hugo gọi cuộc chiến của những người bạn ABC là ""anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni". Sau buổi nói chuyện với Julia, tôi dứt khoát rằng tôi phải đi tìm xem có còn chút nào bóng dáng của cái "tình ca phố Pơ Luy Mê" và "anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni" ở Paris không.

Trước khi đi, để cho chắc chắn, tôi hỏi người lễ tân về phố Saint Denis. Anh ấy chỉ cho tôi con đường dài trên bản đồ; rồi nói một câu làm tôi đứng tim:

"Cô muốn tới đó làm gì? Phố này nổi tiếng là phố đèn đỏ."

Tôi nói với người lễ tân rằng tôi cần đến đó tìm một thứ. Vậy là tôi đi dọc phố Rivoli và chỉ qua một quãng ngắn, tôi nhìn thấy tấm biển đề "Rue Saint Denis". Con phố hoàn toàn không như tôi tưởng tượng.

Phố Saint Denis ở khúc này chỉ là một đoạn ngắn chừng vài trăm mét; chạy giữa phố Rivoli và phố Lombards. Một bên phố là một bức tường cao của một tòa nhà cổ; bên kia là một vài cửa hàng ăn Địa Trung Hải khá xập xệ theo tiêu chuẩn của Paris. Loanh quanh một lúc vẫn không thấy chút bóng dáng "anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni" nào, tôi quyết định sẽ ăn vội một bữa trưa gồm cơm sữa chua với thịt cừu nướng ở một nhà hàng Địa Trung Hải rồi sẽ đi tới Maison de Victor Hugo[42] và bỏ qua "Tình ca phố Pơ Luy Mê".

[42] Nhà Victor Hugo.

Tôi không hy vọng gì nhiều. Thực sự, đến Paris lần đầu tiên và một mình bằng những ký ức về Paris trong các tiểu thuyết Pháp từ thế kỷ XVIII-XIX, tôi hiểu rằng tôi hầu như đã tự lên cho mình một kịch bản đầy các thất vọng và có khi còn đẩy mình vào những tình huống ngớ ngẩm kỳ lạ. Mầy ngày hôm nay, tôi đã rơi vào tình huống ấy rồi, khi cố gắng tìm cho được cái hàng cấy tròn vườn Luxembourg, nơi Ma-ri-uýt và Cô-dét nhìn thấy nhau lần đầu trong lúc đi dạo, cho đến lúc "Ma-ri-uýt yêu như si như dại". Trong Những người khốn khổ, Hugo tả hàng cây này nằm gần cổng vào ở phổ Rue de I'Ouest và cạnh đó có mấy "pho tượng lực sĩ". Tôi đã tìm suốt cả mấy hôm nay trên cả ba cái bản đồ tôi có nhưng không sao tìm thấy phố Rue de I'Ouest đâu, và tôi cũng đã đi loanh quoanh khắp vườn nhưng vẫn không xác định được chính xác hàng cây đó là ở chỗ nào vì không thấy chỗ nào có các "pho tượng lực sĩ" cả. Một buổi sáng, sau khi tìm mãi không thấy, tôi quyết định cầu cứu hai cô gái trẻ ngồi cạnh tôi trong vườn bằng cách chìa cuốn Những người khốn khổ bằng tiếng Anh cho họ xem và chỉ cho họ nơi tôi muốn tìm. Trong sách tiếng Anh, chỗ những hàng cây được gọi là "The Pepinere" và tôi chỉ cho họ chữ đó, cộng với "Rue de I'Ouest". Hai cô gái bàn với nhau một lúc rồi quay sang tôi:

"Chị biết đấy, có khi những cái tên này chỉ là hư cấu thôi. Cuốn sách này cũ rồi mà."

Phải, cuốn sách này cũ thật nhưng mấy cái tên này chắc chắn không phải hư cấu. Hugo không bịa ra chúng. Hugo đã mô tả Paris đúng như thời của ông. Có thể là tên đường đã thay đổi khi Paris được tái thiết theo kế hoạch của bá tước Haussmann. Có thể các cô gái này quá trẻ để biết và tin vào một Paris đó.

Vậy là tôi quyết định rời khỏi vườn và trở lại vào một ngày có nắng để tìm cho ra. Ngoài cổng vườn trên phố Thánh Michel, tôi nhìn thấy một hiệu bán sách và tạp chí với cái tên "The Economist[43]" nổi bật phía trên và bên cạnh đó là jazz club có tên The Little Journal mà cả mấy cuốn sách du lịch đều gợi ý tôi nên ghé vào. Vì tất cả giấy và bút tôi mang theo đều đã hết nên tôi ghé vào hiệu sách để mua thêm.

[43]Nhà kinh tế học.

Trả tiền xong và đã quay người đi, một cái gì đó kéo tôi quay lại hỏi người bán hàng - cũng là người chủ tiệm sách - rằng tại sao cửa hàng của ông ấy lại có tên "The Economist". Người bán hàng hào hứng giải thích với tôi rằng cửa hàng của ông ấy là "đối tác" với tạp chí The Economist nổi tiếng. Tôi nói "oh très bien, excellent magazine[44]" và giải thích thêm với ông ấy rằng, hồi còn học đại học ở Hà Nội, tôi theo học ngành ngoại thương, thế nên hồi đó tôi đọc The Economist hằng tuần. Quả thật, hồi những năm từ 1995 đến 1997, khi Internet còn hiếm, tôi thường mua những bản The Economist, Time và Newsweek từ cửa hàng bán sách báo cũ trên phố Bà Triệu để học cái gọi là

"tiếng Anh thương mại" và thỉnh thoảng dịch một bài tôi thích cho các báo Việt Nam. Hồi đó, tùy vào báo đã cũ một tuần hay hai tuần mà tôi sẽ trả hai ngàn đến mười ngàn đồng một tờ, và khi dịch xong một bài, tôi có thể được trả tứ tám mươi đến hai trăm ngàn đồng. Đấy là một trong những cách kiếm tiền đầu tiên của tôi ở đại hoc, trước khi tôi tìm ra những cách khác nhanh hơn và nhiều hơn.

[44]Ồ, hay quá, một tạp chí tuyệt vời.

Ông chủ hiệu sách rất vui khi biết rằng tôi đọc The Economist ở Việt Nam. Ông tặng tôi một cuốn sổ nhỏ có chữ "The Economist" bên ngoài làm kỷ niệm. Thấy ông vui tính, tôi lấy cuốn Những người khốn khổ trong túi ra hỏi xem ông có biết "the Pepienere" với phố Rue I'Ouest ở đâu không. Ông nói nó ngay bên đường kỳa cô kỳa, chính là cái hàng cây cắt phẳng đó, cô nhìn thấy chưa?

Trời ơi, tôi đã loanh quanh luẩn quẩn ở đó mấy lần; đã nằm đó mà đọc sách; thậm chí đã nằm ở đó để tra bản đồ tìm chính nó. Thật không thể tin được.

Nhưng lần này, rõ ràng không có bóng dáng anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni nào. Tôi cũng không hy vọng nhiều ở Maison de Victor Hugo.

Lúc 5 giờ chiều, từ cửa sổ tầng ba căn nhà Victor Hugo nhìn ra, Place des Vosges - cái công viên nhỏ hình chữ nhật có nhiều hàng cây dẻ xanh lá và những ghế băng dài - không một bóng người. Mưa đã ngớt nhưng mặt trời vẫn khuất sau mây và mặt đất trong công viên có những vũng nước nhỏ như những chiếc gương xám. Căn phòng tôi đang ngồi này có sàn gỗ, với những tấm rèm màu đỏ sẫm và thảm tường treo quanh phòng. Một cái gương, một bức tượng bán thân của Hugo và sáu bức tranh lớn trên tường trong đó có một bức vẽ Hugo và con trai mà tôi quen thuộc. Giữa phòng có hai tủ kính lớn báy bản tin đầu tiên của các tập thơ và kịch của Hugo: Lá thu, Ánh sáng và những cái bóng, Chàng hề của nhà vua. Có cả hai cái kiếm sắt cùng một số huân chương, mề đay được bày trong phòng.

Ba phòng liền kề căn phòng này hơi kỳ cục, nếu không muốn nói là xấu. Một căn phòng trưng bày rất nhiều đĩa sứ và đồ cổ từ phương Đông; tường nhà cũng được sơn và trang trí bằng sơn mài hoặc chất liệu gì đó, khiến cho căn phòng trở nên nặng nề, ngột ngạt. Thậm chí có cả một bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng sứ và một số đồ sứ minh họa các điển tích trong văn hóa Trung Hoa. Căn phòng tiếp theo có một cái bàn lớn ở chính giữa phòng, xung quanh là ghế và các tủ gỗ - đây là phòng ăn hoặc phòng hút xì gà. Phòng tiếp theo là phòng làm việc, nơi Hugo viết. Căn phòng chỉ có vài cái ghế, bút, lọ mực và một tủ sách. Kế đến là phòng ngủ. Căn phòng rất tối và lạ lùng - tường phủ thảm đỏ, và cái gường thì hết sức nhỏ; không thể tưởng tượng cái giường búp bê đó lại có thể chứa một con người như Hugo.

Từ lúc vào Maison de Hugo đến lúc này, tôi không hề có cảm giác rằng Hugo từng sống ở đây. Không một đồ vật nào gợi lên tinh thần của ông, khí chất của ông. Thứ duy nhất mang lại một chút liên hệ là những tấm kính màu nhỏ xíu ở các cửa sổ dọc cầu thang dẫn lên căn nhà. Và ở cái chiếu nghỉ giữa tầng hai và tầng ba có một tượng thần Cupid bằng đồng đen tinh nghịch nhìn xuống; tôi cứ nghĩ nếu cái tượng này đã ở đó từ lúc còn Hugo, thì thần Cupid xinh xắn kia đã chứng kiến Hugo đi lại trên cầu thanh này nhiều năm. Hugo hẳn là sẽ dừng lại ở cái chiếu nghỉ này mà nhìn qua những vuông cửa sổ nhỏ ra ngoài.

Nhưng ngoài hai chi tiết ấy, cả căn nhà là một cổ vật không linh hồn, không tính cách.

Ở Maison de Victor Hugo ra, trời bắt đầu nhá nhem tối và mưa xối xả.

Không có ô nên tôi đành đứng lại trong mái hiên của khu nhà mà lúc nãy một nghệ sĩ piano đường phố có tên Yuri Klempert đang chơi nhạc. Tôi bỏ 1 euro để yêu cầu ông chơi bản Raindrops (Những giọt mưa) của Chopin. Rồi tôi yêu cầu vài bản nhạc nữa của Liszt và Tchaikovsky. Bên ngoài, mưa tiếp tục trút, khác hẳn những cơn mưa lây rây mấy hôm trước. Nước mưa chảy ròng ròng từ mái hiên xuống thành một bức rèm nước; ngoài công viên không một bóng người; chỉ có tiếng piano thánh thót lẫn tiếng mưa trong hành lang lớn bao bọc cả khu nhà này.

Tôi ngồi khoảng ba mươi phút thì một cô gái rất đẹp cũng ghé vào tránh mưa và cũng bỏ tiền để yêu cầu nghe Beethoven.

Thế rồi, giữa lúc mưa ngày một nặng hạt, một thanh niên chạy một chiếc xe Yamaha dừng lại dưới hiên. Cậu ta rất trẻ, có lẽ khoảng mười tám hay hai mươi tuổi. Cậu ta mặc một cái áo da đen với quần bò đen bó sát và giày da đen cao cổ kiểu nhà binh, dây buộc còn lòng thòng. Lúc mới tới, cậu ta đội mũ bảo hiểm nhưng giờ thì đã bỏ mũ ra ôm trước ngực. Lúc mới xuống khỏi xe, cậu ta bồn chồn, vừa hút thuốc vừa trầm ngâm nhìn ra ngoài trời mưa nặng hạt như sợ rằng sẽ không kịp đến một cuộc hẹn nào đó, nhưng sau khi hút hết điếu thuốc, cậu có vẻ bình tĩnh lại, rồi bỏ mũ xuống yên xe và giờ thì đang hướng về phía Yuri Kemplert để nghe nhạc. Lúc nãy tôi chỉ thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ta, giờ thì tôi thấy cả khuôn mặt.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Ma-ri-uýt trong Những người khốn khổ, nhưng nếu Ma-ri-uýt hiện ra bằng xương bằng thịt thì chắc sẽ có khuôn mặt của chàng trai này.

Và cái ý nghĩ tự nhiên tiếp theo, mà không, đó không phải ý nghĩ, nó là một cảm giác tự nhiên mà tôi cảm thấy bằng cả cơ thể: tôi yêu chàng trai này, không phải như yêu sự tái hiện của Ma-ri-uýt mà như chính cậu ấy, chàng trai Paris xa lạ này. Giá tôi có thể mời cậu ấy đi ăn tối. Giá mà có thể ngồi bên cạnh cậu ấy ăn một bữa tối, như hai người xa lạ, và cậu ấy có thể nói gì hoặc không nói gì cũng được, có thể hiểu tôi hoặc không hiểu tôi, có thể biết về tình yêu của tôi hoặc không biết cũng được, tôi không bận lòng. Chỉ cần được ngồi cạnh nhau ăn một bữa tối; tôi sẽ chấp nhận khoảng trống ở giữa để đổi lấy cái việc ở gần cậu ấy vào một chiều mưa thế này; như lúc này tôi đã đang chấp nhận khoảng trống giữa tôi với cậu ấy, với cô gái đẹp kia và với Yuri Klempert. "Anh có thể đi ăn tối với tôi không?"

Như thế có kỳ cục quá không? Có rẻ tiền quá không? Tôi đang làm đúng cái việc mà người bán sách và "nhà khoa học sở hữu thuyết giãn nở vũ trụ" đã làm với tôi. Những cơn bốc đồng này? Chúng là lỗi của Paris hay của tôi? Nhưng mà thực sự, tôi ước gì tôi có đủ dũng cảm mà nói với cậu ấy "Anh có thể đi ăn tối với tôi không?"

Anh có thể đi ăn tối với tôi không?

Nhưng tôi là một kẻ hèn nhát, đã luôn là một kẻ hèn nhát trong những tình huống thế này. Thế nên tôi chỉ tiếp tục nghe nhạc và viết những dòng này vào sổ trong lúc vẫn theo dõi Ma-ri-uýt của tôi qua đuôi mắt. Ma-ri-uýt cũng đang theo dõi tôi - có lẽ cậu ấy đang tự hỏi không biết tôi viết gì, và chắc không thể ngờ rằng tôi đang viết về cậu ấy.

Người yêu Paris của tôi. Mon coeur. Tôi yêu cậu nhiều hơn cậu biết.

Trời vừa đổ một cơn mưa nặng hạt mới. Yuri Klepert đang chơi Pathetique của Beethoven và Ma-ri-uýt của tôi lại lo lắng nhìn ra trời mưa. Tôi mong trời ngớt mưa để cậu ấy kịp đến cuộc hẹn với Cô-dét của cậu ấy.

Đi đi, và hãy yêu cô ấy thật nhiều. Tôi sẽ không ghen.

Paris, ngày...

Francesca đã về Milan, Julia đã đi Nice, tôi đã chuyển sang phòng ở mới và có ba người bạn mới: Amy người Seattle, Tristan người Anh, và một phụ nữ trung niên bí ẩn người Canada. Amy là sinh viên ngành chính trị và quan hệ quốc tế tới Paris một năm theo chương trình trao đổi sinh viên; Tristan cũng là sinh viên đang đi du lịch. Còn người phụ nữ Canada to béo thì tôi hoàn toàn không biết lai lịch và cũng không biết lý do chị ấy tời Paris làm gì và tại sao lại có mặt ở cái khách sạn sinh vên này.

Rất nhiều người tới Paris để mua sắm. Nhiều cô gái đặc biệt tới Paris chỉ để mua sắm và ngắm thời trang. Nhưng mua sắm không nằm trong danh sách các việc tôi muốn làm khi tới Paris, và sự thật là chưa bao giờ nằm trong danh sách các việc tôi muốn làm ở bất cứ đâu. Từ hôm đến Paris, tôi chưa hề bước chân vào một cửa hàng quần áo giày dép nào mặc dù đã ngắm nghía từ xa những cửa hàng thời trang trên Rue de Royale và Rue St-Honoré. Nhưng chiêm ngưỡng cái đẹp và sự thanh lịch Paris vậy thôi, chứ tôi không có ham muốn mua những quần áo ấy mang lên người. Cho đến hôm nay, tôi mới chỉ lên một cơn shopping khi tôi gặp một cửa hàng bán sách và băng đĩa cũ ở số 20 phố Thánh Michel. Cũng ở đây lần đầu tiên tôi thấy phiền lòng với việc mình không biết tiếng Pháp và đành bất lực nhìn những dãy sách cũ như người đi trên sa mạc thấy nước mà không được uống. Có một số tên sách và tác giả ở khu "Poche Romantique" và "Romans Poche" là quen thuộc, như Barbara Taylor Bradford hay Danielle Sterk và "Arts Humor Theatre Poesie Cinema" có nhiều đầu sách mà tôi lờ mờ đoán được tên sách nhưng không thể biết thêm các tác giả Pháp viết gì, style ra sao.

Tuy thế, khi đọc sách du lịch về khu chợ trời Clignancent bên quận 18, nơi người ta bán "thượng vàng hạ cám", tôi nhất định phải tới xem. Như giới thiệu thì đây là chợ trời lớn nhất trên thế giới, có rất nhiều thứ chỉ có thể kiếm được ở đây, và chỉ mở vào thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai.

Sáng nay, khi tôi chuẩn bị ra ngoài, Amy và Tristan hỏi tôi đi đâu; tôi nói "chợ trời" và Amy lập tức vùng dậy muốn đi cùng; nhưng vì Amy còn phải tắm gội, ăn sáng, và trang điểm rất lâu nên cô ấy bảo tôi cứ đi trước, với lời dặn:

"Khi nào tới nơi, em sẽ tìm chị rồi mình cùng mua sắm hay ăn trưa."

Nhưng bây giờ, khi đang ở trong chợ rồi, tôi nhận thấy không có cách nào Amy có thể tìm ra tôi trong cái chợ trời lớn này. Khu chợ gồm rất nhiều các khu vực bán đồ khác nhau, chia theo thể loại, và đúng là bán thượng vàng hạ cám, bất cứ cái gì mà người ta có thể nghĩ tới, từ búp bê, kim chỉ, tranh ảnh, bàn ghế, đèn, đồ uống trà, đồ nhà bếp, đồ trên bàn ăn, thắt lưng, quần áo thời trang cổ xưa, găng tay, dây đeo chìa khóa, sách, cây cảnh, đĩa, đài quay đĩa cổ, thậm chỉ cả quan tài và bia mộ. Và mỗi một thứ đồ được bày thành khu riêng; như khu bán kim chỉ có cả vài đường ngách ngắn chỉ bán đủ các thứ kim chỉ, len, sợi cho những người thích khâu, may, đan lát.

Trong chợ trời ở Clignancourt có thượng vàng hạ cám. Đây là những bao diêm đủ loại (Paris)

Khi viết những dòng này, tôi ngồi ở góc cắt giữa Allée 3 (Ngách 3) và Allée 4 (Ngách 4) của Marche Antiques, khu chợ bán đồ cổ. Những ngách này chằng chịt khắp chợ, giống những đường làng nhỏ và ngắn, làm thành một ma trận. Vào đến đây, tôi mới thấy mình hoàn toàn sai lầm khi cho rằng mình không phải là người thích mua sắm. Tôi có thể ở đây cả ngày để đi khắp chợ bởi vì thực tế là tôi đã ngồi cả tiếng vừa rồi để đọc các postcard trong một cửa hàng bán postcard cũ. Tôi dĩ nhiên chỉ có thể đoán lờ mờ nội dung những tấm thiệp. Có một loạt thiệp từ một người đàn ông đang đi du lịch ở Ấn Độ vào năm 1063 gửi cho bạn ở Marseille; rồi một xấp thiệp từ một ông mục sư đều đặn hàng tháng gửi cho vợ từ châu Phi, kể những chuyện "safari" và bệnh "syphilis". Có nhiều tấm thiệp gửi từ Việt Nam về Paris từ thời Đông Dương, với những hình phố cổ Hà Nội, vịnh Bắc Bộ, chợ Đồng Xuân, hay các cô gái Sài Gòn - Gia Định. Tôi bỏ 50 xu mua một tấm thiệp gửi từ Hà Nội năm 1926 từ một thanh niên pháp có vẻ đang rất nhớ nhà:

Georges thân mến,

Từ một xứ sở rất xa xôi mình gửi đến bạn những lời chúc cho năm mới 1926 và không phải không có những nỗi buồn. Mình đã nhớ nhà nhiều hơn mình tưởng.

Tuy nhiên mình cưỡi ngựa một giờ mỗi buổi sáng và bạn biết đó là một trong những niềm say mê lớn của mình. Có điều, suốt dọc đường, mình chỉ thấy cảnh ruộng lúa khá đơn điệu.

Khi cưỡi ngựa bạn có thể có ý niệm về nông nghiệp tại đất nước này; điều không may là bạn chẳng thể biết thêm gì chính xác vì một cách tự nhiên, tất cả những cánh đồng lúa đều ngập nước và người ta làm việc trong điều kiện như vậy.

Mình ở đây rất bận rộn (toàn chuyện pháp lý, ban hành luật lệ) và không còn lúc nào để đi săn. Còn bạn thì sao?

Hãy viết cho mình vài chữ, mình sẽ rất vui; nó mang tới cho mình chút hương của mảnh đất mình yêu hết lòng.

Thân ái

Ôm hôn từ một người bạn đã không quên bạn.

Những tấm thiệp đều đã ố vàng, nước mực đen nhem nhuốc, được đựng trong một cái hộp gỗ có lẽ cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Tất cả những người gửi thư này giờ đã chết. Georges có lẽ đã chết. Người gửi thư cho Georges cùng với nỗi nhớ nhà và những ký ức Việt Nam của anh ta cũng đã chết.

Tất cả những gì còn lại của họ đang được bán ở đây, với giá 50 xu. Họ có lẽ không bao giờ hình dung những tấm thiệp riêng tư lại ra chợ, xếp lẫn trong những bưu thiếp của hàng ngàn người khác. Ngồi đọc những tấm thiệp này giống như được mở những cánh cửa bí mật vào cuộc đời của những người xa lạ trong quá khứ và quan sát những chuyện đời vô danh đã trôi qua không ai ghi chép, kể lại.

Tôi may mắn làm sao khi còn đang sống đây, còn đang hít thở và đi lại. Càng may mắn hơn nữa vì tôi đang ở Paris vào một ngày như hôm nay; trời đã hửng nắng sau nhiều ngày mưa rả rích.

Đã trưa rồi và chợ ngày càng đông người tới mua sắm, trong đó có rất nhiều du khách Mỹ, người nào cũng hớn hở túi lớn, túi nhỏ. Chính tôi, mặc dù đã huy dộng tất cả ý chí và lý do, vẫn cứ mua ba cái áo thun mỏng cao cổ, hai cái mũ nồi (cùng với một bài học về cách đội mũ kiểu Paris từ người bán hàng Ấn Độ), một cái áo khoác mùa thu màu đen. Tất cả đều là đồ rẻ tiền nhưng lại rất đẹp. Ba cái áo có cổ đề giá 5 euro một cái nhưng tôi mua cả ba với giá 10 euro; cái áo khoác chỉ 23 euro. Tôi phải cố gắng lắm mới cưỡng lại được ham muốn mua giày cao gót và bốt vì chúng đẹp mà rẻ, một đôi bốt chỉ chừng 20 euro. Quả thực, ngay cả những đồ gia công bán ở chợ trời Paris cũng rất đẹp. Điều này thì Mỹ không bằng.

Rời khỏi khu chợ trời, tôi lên tàu số 4 rồi lên xuống bến Chateau Rouge của khu Montmartre. Lên khỏi bến, từ đầu tiên nảy lên trong óc tôi là "đen". Người da đen ở khắp nơi; nhưng không phải kiểu người da đen đã bị Mỹ hóa qua hàng trăm năm như tôi thấy ở Chicago. Đây là những người da đen vẫn còn gần với châu Phi, có lẽ mới nhập cư từ các thuộc địa cũ của pháp. Cả phố dài dẫn từ bến tàu lên đến đỉnh đồi Montmartre san sát các hiệu làm đầu cho người da đen và của người da đen. Những bộ tóc giả đủ màu sắc trưng dọc các cửa kính đều là tóc của người da đen. Ở cuối một con đường hẹp, tôi leo mấy trăm bậc thang dọc theo Rue Foyatier để lên đỉnh đồi, chỗ có Sacré-Coeur Basilica.

Bên ngoài thánh đường Scacré-Coeur ở khu Montmartre của Paris

Lúc này, trời nắng rực rỡ và người tràn ra ngồi khắp các bậc đá dẫn lên Basilica trong lúc các nghệ sĩ đường phố chơi nhạc rộn rac. Từ chỗ này có thể nhìn xuống toàn cảnh Paris... với những khối nhà mái xám, sông Seine và các đại lộ. Một thanh niên da đen đang vừa chơi guitar vừa hát bài I'll survive trong lúc những khuôn mặt đẹp đẽ quanh tôi cứ ngửa lên hứng nắng và ôm lấy nhau. Trông ai cũng rạng ngời hạnh phúc và thảnh thơi.

Chiều tối nay, trên đường từ Basilica Sacré-Coeur xuống, tôi đi sau một đôi nam nữ đang khoác tay nhau bước chậm. Giữa con đường lát đá dốc xuống phía dưới, họ đột nhiên đứng lại hôn nhau như thể không có ai ở xung quanh. Mà quả thực là ngoài tôi thì không còn ai khác xung quanh thật. Tôi bước ngang qua họ như thể không hề biết là có người đang hôn nhau cạnh mình. Ở cuối con đường dốc, trước khi rẽ phải, tôi lén liếc nhìn lại. Đôi bạn trẻ vẫn đang hôn nhau, trời ơi! Nghĩa là họ đã hôn nhau không ngừng ít nhất là năm phút vừa rồi. Nhưng mà, quả thật, ở những bậc thềm dẫn lên Basilica, các đôi tình nhân cũng hôn nhau say đắm; thực tế là khắp Paris tôi đi, người ta hôn nhau như không biết có ngày mai. Mà không phải những cái hôn ngớ ngẩn, nụ hôn nào cũng dàiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.

Thực sự, ở Paris, không thể không nghĩ về tình yêu. Paris tôn thờ tình yêu - yêu như cách giải thoát duy nhất, yêu như biểu hiện cao nhất của sự duy mỹ, yêu như không thể tưởng tượng nổi một cách sống nào khác hơn.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.

Rời Montmartre, tôi bắt tàu về lại khách sạn. Vừa rời khỏi bến tàu Hôtel de Ville, cái không khí "nghệ sĩ" của Montmartre vừa ngấm vào tôi đã lập tức bị không khí rạo rực của khu Marais phủ nên. Lúc này, một cái chợ trời nhỏ vừa được mở ngay góc phố Rue de Rivoli; bày đầy những khúc xúc xích óng mỡ, những tảng thịt quay vàng, những tủ gà vịt rôti ngồn ngộn, khoai tây nướng trồng cao, rau củ quả la liệt, cộng với rất nhiều pho mát, bơ, bánh mỳ, rượu vang... cả một biển màu săc, mùi vị làm người ta ứa nước bọt.

Tôi mua một chùm nho và một nửa con gà quay nhỏ rồi trở về phòng. Nhưng gần đến cửa khách sạn, tôi nhìn thấy mấy bà sơ mặc áo thụng trắng thong thả bước từ căn nhà kế bên khách sạn vào nhà thờ đối diện. Tôi đã ở khách sạn này cả tuần và nghe chuông nhà thờ hằng ngày mà không biết gì về nhà thờ này, vậy là tôi đi theo họ.

Vừa vào qua cửa, tôi lập tức đứng lại nín thở và từ đó bắt đầu phải rón rén bước. Mỗi lần cái túi đựng nho và gà quay của tôi lạo xạo là tôi rúm lại chờ sấm sét giáng xuống đầu. Hóa ra đây là nhà tu Thánh Gervais thuộc cộng đoàn Jerusalem; và lúc đó trong nhà tu đang có buổi cầu kinh theo kiểu ngồi im (the silent mass). Tất cả các tu sĩ đều mặc áo thụng dài, nữ thì màu xanh nhạt hoặc trắng, nam thì màu đen; họ ngồi xếp thành nhiều hàng, cúi đầu im lặng trước bàn thờ Chúa. Cả nhà tu không một tiếng động. Chỉ có những bóng người ngồi im lặng nói chuyện với Chúa bằng ý nghĩ trong lúc ánh nắng cuối ngày rọi từng vệt màu lên những bức tường xám bằng đá cẩm thạch. Thật khó tin là ở ngay bên ngoài những tấm kính màu và những trụ tường xám đó, ở phía bên phải là Rue de Rivoli với một cái chợ trời đang náo nhiệt người mua bán và bên trái là con đường chạy dọc sông Seine lúc nào cũng đầy xe.

Buổi cầu kinh trong nhà tu Thánh Gervais thuộc cộng đoàn Jerusalem, đối diện khách sạn tôi ở

Paris có quá nhiều màu sắc, quá nhiều mảng miếng, nhiều góc khuất, nhiều tiếng nói khác nhau. Paris là một biển ấn tượng không ngừng thay đổi. Paris bắt người ta phải chăm chú ngắm nhìn. Và càng nhìn càng bị mê hoặc. Giờ thì tôi hiểu tại sao Paris là thành phố của nghệ thuật; nhất là vì sao hội họa Ấn tượng đã ra đời và phát triển ở nơi đây. Cả thành phố như một palette màu vô biên cho người nghệ sĩ.

Những ngày này, ở Paris, tôi thực sự không thể quan tâm được tới nơi nào khác. Tôi đã hầu như cắt đứt giao tiếp với thế giới bên ngoài, với thế giới cũ.

Vào các buổi sáng trước khi ra ngoài, hoặc vào đêm, trước khi đi ngủ, tôi vẫn xuống nhà, bỏ 2 euro vào cái máy tính của khách sạn để kiểm tra email trong mười phút. Thỉnh thoảng có email của Sơn; "ở nhà vẫn bình thường" - anh viết. Có cả một đống thư từ Nhà xuất bản - họ đang làm bìa và biên tập nội dung lần cuối cho tập truyện ngắn sắp xuất bản của tôi. Nhưng tôi thậm chí cũng không quan tâm được tới cuốn sách của chính mình. Cuộc sống cũ có vẻ như ở rất xa, thâm chí không có thật.

Mai là Chủ nhật. Tôi không có kế hoạch gì cả. Tôi dành cho mình niềm vui kiên nhẫn chờ xem sáng mai, khi tỉnh dậy, Paris gợi ý với tôi điều gì.

Paris, ngày Chủ nhật...

10:42 sáng: Đứng viết trên cầu Royal Port - cầu bắc qua sông Seine từ vườn Tuileries sang bảo tàng Orsay. Tôi vẫn không thể nào get enough of the Seine[45]. Mỗi lần qua sông, tôi lại đứng lại nhìn và lại choáng voáng. Vào lúc này, từ chỗ tôi đứng, bên trái là bảo tàng Orsay, bên phải là vườn Tuileries, phía trước mặt là vòm kính màu xanh lá mạ nhạt của Gare du Nord đang ánh lên trong ánh nắng (hay là Gare Saint-Lazare? Không chắc lắm). Tôi quay người và thấy hai ngọn tháp kiêu hãnh của Nhà thờ Đức Bà, vòm tròn của Pantheon, những cây cầu bắc ngang sông Seine, những ngôi nhà dọc sông, hàng dương liễu dưới sông và dĩ nhiên là màu nước sông Seine. Vẫn là cảnh đã nhìn nhiều lần, vậy mà lần nào cũng mới và vẫn không đủ.

[45] Cảm thấy đã nhìn đủ sông Seine.

Mưa rơi cả đêm qua nhưng đến sáng nay thì ngừng và bây giờ mặt trời đang sắp sửa ló ra. Trời nhiều mây, nhưng xuyên qua những đám mây thấp là một vài khoảng xanh nhạt. Ở đường chân trời, phía Gare du Nord, nắng chiếu chéo lên các nóc nhà, thắp sáng cả khoảng thành phố bên đó. Dưới sông, các thuyền du lịch chạy đều đặn; khách đứng đầy ở ngoài boong, nhìn lên vẫy vẫy tay, tôi cũng vẫy tay đáp lại. Tuy thế, trừ những con thuyền dưới sông, thành phố vắng vẻ lạ thường, Paris còn chưa dậy. Từ sáng tới giờ, những người Paris duy nhất mà tôi nhìn thấy là những người chạy bộ trong vườn Tuileries và dưới con đường bê tông dọc sông Seine (họ gần như mặc đồng phục Abercrombie và Fitch). Không có những dòng xe ô tô. Không có khách du lịch nườm nượp trên phố. Các quầy bán sách dọc sông không mở. Đây là một Paris khác - yên tĩnh, hơi ảm đạm, hơi ngái ngủ... - nhưng vì thế mà càng quyến rũ.

Người ta bảo "ngày nào ở Paris cũng là Chủ nhật". Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ phải sửa lại: "Ngày nào ở Paris cũng là thử Bảy; còn ngày Chủ nhật ở Paris là ngày Chủ nhật ở Paris". Bần thần, ít nhất là vào những giờ sớm của buổi sáng, thành phố rửa sạch son phấn trang điểm và lộ khuôn mặt mộc của nó. Một vẻ hoài niệm cổ điển bao trùm, khiến cho người ta đột nhiên cũng trở nên trầm mặc và muốn xích lại gần nhau. Trên metro không người buổi sớm, tôi ngồi đối diện một chàng trai có vẻ là sinh viên Sorbonne. Anh ta liếc tôi, khi tôi nhận ra và liếc lại thì anh ta lại quay đi. Buồn cười. Thật dễ dàng để bắt đầu một romance ở Paris. Thành phố này giống như một bãi mìn, à không, nói thế thì dễ nghĩ đến phân chó khắp nơi; thành phố này giống như là một bãi cỏ khô được đánh tơi, chỉ cần một cái liếc mắt cũng có thể bốc thành một ngọn lửa. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

3:02 chiều: Viết từ Café A Bonaparte, 42 Rue Bonaparte, 75006, Paris.

Đã gọi một thứ đồ uống có tên café crème, chocolate maison và một món có tên Mixte Ourf et Omelettes. Họ vừa mang ra một cái chén sứ trắng đựng chocolate dạng xi rô và một cái bình sứ đựng cái gì đó có bọt trắng ở trên, bốc hơi nữa. Tôi đoán là sữa nhưng không chắc. Cách phục vụ đồ ăn ở Paris khác với ở Mỹ nên nhiều khi cũng không biết chắc là mình gọi được món gì.

Quán café này nằm trong quảng trường Thánh Germain des Pres, góc cắt giữa Rue de Rennes và Rue Bonarparte. Tôi ngồi ở một cái bàn phía bên ngoài vỉa hè. Từ chỗ này, nhìn thẳng ra nhà thờ Thánh Germain (thực ra không biết tên chính xác, tôi gọi tạm như vậy) và cách hai mươi mét phía trước mặt là quán café Les Deux Magots, chỗ mà Hemingway, Fitzgerald và nhiều người viết thuộc Thê Hệ Mất Mát thường ngồi vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Bên cạnh café Magots là Café de Flore, nơi Jean Paul Satre viết The Road To Freedom (Đường tới tự do) và Simon de Beauvoir[46] hay ngồi chờ Satre. Ngay trên vỉa hè phía bên ngoài hai quán cà phê này có một cái cột sắt nhỏ, trên có tấm biển viết đại khái như vậy.

[46]Nhà triết học, nhà văn nữ quyền và hiện sinh của Pháp, đồng nghiệp và ngườitình của Satre.

Tấm biển bên ngoài hai quán Café Deux Magots và Café de Flore

Tôi đã định vào bên trong café Deux Magots nhưng quán quá đông nên tôi đi sang bên café Bonaparte. Tôi sẽ ngồi đây, have fun[47] vào một buổi chiều Chủ nhật lười biếng bằng cách viết phác vài thứ thế này.

[47]Vui chơi

3:24 chiều: Vừa ăn xong món omelette.

Người ta bảo quảng trường Thánh Germain des Pres là một trong những nơi tuyệt vời nhất ở Paris để ngắm người qua lại. Chắc ngày thường thì chỗ này đông lắm. Nhưng hôm nay là Chủ nhật, đường phố vắng vẻ hơn nhiều. Trời lại có vẻ sắp mưa nữa. Tuy thế, quanh chỗ tôi ngồi, không ai có vẻ lo lắng đến chuyện trời nắng hay mưa. Họ cứ đủng đỉnh ngồi ăn bữa trưa muộn (giờ là 3:33 chiều rồi), uống cà phê, hút thuốc, đọc báo và dĩ nhiên cứ hôi hổi tuôn ra những tràng tiếng Pháp du dương. Bên phải tôi, một người phụ nữ châu Á đứng tuổi (có lẽ là người Philippines) đang uống espresso trong một cái tách trắng bé xíu; bà ta mặc cocktail dress màu đen, đánh phấn rất đậm, mang kính to che gần nửa khuôn mặt và đeo một cái vòng bạc lớn ở cổ tay. Bà ta có cái vẻ của một thương nhân thành đạt mà bạn thấy bước vào các cửa hàng với vẻ mặt lạnh lùng và các cô phục vụ phải xô ra đón tiếp. Bà ta ngồi một mình - thực tế là tôi và bà ta là hai người duy nhất ngồi một mình.

Bên tay trái tôi là một người đàn ông Pháp ngồi với một người phụ nữ - cả hai uống bia Corona. Trông họ như là người tình đã nhiều năm rồi, biểu hiện vừa có cái yêu chiều lại vừa thân mật, tin tưởng, tức là vừa là người yêu vừa là bạn đường. Trước mặt tôi là hai đôi vợ chồng trẻ - ngồi quay lưng lại nên tôi không thể quan sát kỹ được. Chênh chếch là ba học sinh trung học vừa hút thuốc vừa uống cà phê đen và giải ô đố chữ trên báo Chủ nhật. Lại tự hỏi: đàn ông Pháp bắt đầu học các phép tắc phòng trà từ năm lên mấy?

Hôm nay, nhiều cửa hàng trên phố đóng cửa. Trên đường đến đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những người vô gia cư và ăn xin của Paris. Nói chính xác thì hôm qua, hôm kia tôi cũng đã nhìn thấy họ ở Montmartre, ở khu Clignancourt, ở dưới bến tàu điện... nhưng những người này bị nuốt chửng trong biển người nườm nượp trên các đường phố Paris. Còn hôm nay, Chủ nhật, khi các đường phố hoàn toàn vắng vẻ, đột nhiên những người vô gia cư và ăn xin này nổi lên trên nền chính như những dân cư chính thức của thành phố thay vì chỉ là người tạm trú hoặc phần tử bên lề. Trông họ như những ông hoàng và bà chúa trên những con đường mang tên các vị thánh: Thánh Dominique, Thánh Germain, Thánh Này và Thánh Nọ.

Người vô gia cư và ăn xin thì chỗ nào trông cũng giống hệt nhau, dù là Paris hay Chicago hay Boton. Họ luôn cuộn một tấm chăn lớn quanh người, quây những hộp các tông rỗng thành pháo đài xung quanh mình, chất đầy quần áo cũ và đồ đạc trong một cái xe chở hàng lấy được ở một siêu thị nào đó. Họ chiếm đóng một cái cửa kính ăn sâu vào tường của một cửa hàng trên phố, để tránh gió mà vẫn không quá xa đám đông đi lại trên phố. Và họ có thể ngủ bất cứ lúc nào, trong bất cứ tư thế nào.

5:44 chiều: Viết từ trong vườn Lugxembourg. Đang ngồi ở thảm cỏ giữa những hàng cây được tỉa thẳng tắp, cạnh cổng ra đường Thánh Michel - chính là cái chỗ Pierpene mà tôi mất bao công mới tìm ra. Ngồi xung qunh tôi chủ yếu là sinh viên Sorbonne và học sinh từ Lycée Saint Louis[48]. Từng nhóm đứng, ngồi, nằm trên cỏ, ăn, uống, nói chuyện, đánh bài, ném đĩa, đọc sách và dĩ nhiên hút thuốc. Từ đêm qua, cổ họng tôi đã bắt đầu rát, chắc là vì hít quá nhiều khói thuốc lá ngoài đường phố. Nhưng ở Paris, không thể tránh khỏi khói thuốc lá.

[48] Một trường học nổi tiếng, chuyên đào tạo sinh viên để chuẩn bị vào hệ thống đại học lớn (Grandes Ecoles) của Pháp.

6:13 chiều: Nói thật, tôi đã ngừng đọc sách từ mười lăm phút trước mặc dù vẫn nhìn vào trang sách. Nguyên nhân một đôi tình nhân vừa đến ngồi cạnh tôi. Chàng trai ngồi hướng mặt về phía tôi - có một khuôn mặt rất cute; mặc jean với một cái áo phông màu hồng nhạt (trông không hề gay); còn cô gái ngồi quay lưng lại tôi nên tôi chỉ biết là cô gái có tóc dài màu hạt dẻ, người mảnh mai. Trong mười lăm phút vừa rồi, họ chỉ làm một việc là hôn nhau. Tôi dĩ nhiên không nhìn... thì tôi đang đọc sách mà, nhưng tôi vẫn có thể theo dõi sự việc.

Tôi ngồi trên một cái ghế sắt cạnh bồn nước lớn trong vườn Luxembourg đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo. Một ngày mùa thu nắng nhạt

Sự việc diễn ra như thế này:

Đầu tiên, chàng trai áp hai tay vào khuôn mặt cô gái rồi nói gì đó có vẻ rất chậm và ngọt ngào (trời ơi), rồi sau đó hôn vào tóc cô gái ở phía bên ngoài tai phải, sau đó thì hôn đến vành tai, sau đó thì cụng trán vào trán cô gái và giữ như vậy khoảng mấy phút. Sau đó thì đến màn hôn môi. Không biết là bên trong thì thế nào còn từ bên ngoài thì có thứ tự như thế này:

Đầu tiên có rất nhiều những sự mút nhẹ vào môi dưới, sau đó là đến môi trên, sau đó là đến khóe miệng, rồi sau đó là cả miệng, rồi sau đó thì có vẻ là hai cái lưỡi quấn vào nhau... sau đó thì hai bên nghiêng đầu để đổi tư thế sang bên kia... và rồi lặp lại quy trình từ chỗ mút nhẹ vào môi dưới... cứ thế... cứ thế... và cứ thế... suốt 15 phút vừa rồi.

Trong lúc này, một nhóm hai mươi sinh viên đi ngang qua và không một ai thèm nhìn. Xung quanh tôi, cũng không ai nhìn. Thì tôi cũng đâu có nhìn; tôi đang đọc sách mà.

Ngay sau khi kết thúc tràng hôn đầu tiên thì đôi tình nhân này lại bắt đầu tràng hôn thứ hai. Có vẻ như là màn Frech cancan này còn tiếp diễn lâu nên tôi sẽ tiếp tục đọc sách vậy.

6:40 chiều: Đôi bạn đã đi rồi. Màn French cancan miễn phí của tôi đã hết.

6:51 chiều: Một cô gái trẻ vừa đi ngang qua tôi, vừa đi vừa nói chuyện trên điện thoại di động và khoa tay trong lúc nói. Mảnh dẻ, da trắng nhưng có tàn nhang, tóc buộc lỏng lẻo trên đỉnh đầu, để xòa xuống mặt. Mặc một cái áo len mỏng không tay màu xanh lá cây, váy ngắn màu trắng, bốt ngắn bằng da đen loại mềm. Chắc chắn là cô gái này không quá mười tám tuổi. Nhưng nhìn cái dáng đi và cử chỉ mà xem. Cô gái này đã có tất cả sự duyên dáng và quyến rũ của một người đàn bà thuần thục. Đôi môi hơi bĩu ra và cong lên trong lúc nói chuyện - đôi môi hoàn toàn sẵn sàng để hôn cũng như để cãi nhau với bạn trai. Eo nhỏ như của một vũ nữ ballet, đồng thời lại vẫn thoáng cái xương xẩu, gày gò của một đứa bé gái chưa lớn hết. Mũi cao và kiêu hãnh. Không biết những người con gái Paris học sự quyến rũ chết người của họ từ đâu?

7:25 tối: Mặt trời đang lặn dần phía sau cây thông cao đúng chính giữa bãi cỏ. Thảm cỏ này xanh lạ lùng, là thứ cỏ ngắn màu xanh non giống cỏ sân golf chứ không phải cỏ mật... khiến cho cái vòng tròn này giống như một ốc đảo mà ngay bên ngoài hàng rào sắt là đường phố Paris lúc này chật người ngồi trong các quán cà phê vỉa hè. Nhưng cái ấn tượng nhất là cách tất cả mọi người đều kéo ghế ngồi thành vòng cung quanh bãi cỏ, mặt hướng về mặt trời và để bóng họ đổ dài ra phía sau. Người thì đọc sách, người thì nói chuyện, người thì vẽ, nhiều người chỉ ngồi im.

11:30 tối: Hôm nay, tôi tìm ra con đường tối ưu để đi từ vườn Luxembourg về khách sạn: thoát ra bằng cổng trên đường Thánh Michel, sau đó đi thẳng Rue Soufflor hướng về Pantheon, đến phố Thánh Jacques thì rẽ trái và cứ đi thẳng cho đến lúc gặp sông Seine và Nhà thờ Đức Bà. Phố Thánh Jacques là một con đường dốc, như đi xuống đồi. Khi đi dọc phố, có thể nhìn thấy mặt trời lăn trên nóc Nhà thờ Đức Bà.

Tất cả mọi người đều kéo ghế ngồi thành vòng cung quanh bãi cỏ, mặt hướng về mặt trời

Tôi cũng phát hiện ra trong vườn Luxembourg có tượng Stendhal và George Sand.

Ghi ở lề: Nhận thấy là khi đi bộ dọc phố Thánh Jacques, có hơi đánh hông. Cái này là tại đôi giày hay tại Paris? Có lẽ là Paris. Có cái gì đó của Paris khiến người ta muốn đi chậm lại và đánh hông một chút trong lúc bước.

Ngày nào cũng đi ngang Nhà thờ Đức Bà trên đường về khách sạn, vậy mà vẫn không chán.

Đã sụt hơn một cân.

Nhân nói đến giày, hông, và sụt một cân, tôi phải thừa nhận một điều: không thể ở Paris mà không lây cái tinh thần duy mỹ của Paris. Tôi không phải người thích làm đẹp, cũng không biết cách làm đẹp, và cái đời sống học thuật trong những năm qua ở Mỹ càng làm cho việc làm đẹp tụt hạng trong thứ tự ưu tiên của tôi. Thế mà từ hôm đến Paris, tôi cũng để ý đến ăn mặc hơn. Hôm trước, tôi còn mặc một cái áo hở bụng khi đi ăn tối với Kai - điều mà tôi không bao giờ làm ở Mỹ hay Việt Nam.

Đấy là lỗi của Paris. Ở Paris, tất cả những người đàn ông, đàn bà, những con đường, sông Seine, những hàng cây, những hiệu sách, thậm chí cả những thùng rác cũng nói với bạn: phải đẹp. Phải đẹp như một cách để thể hiện tình yêu với người khách, với trời đất, với cuộc sống, và với chính mình. Đẹp như một trách nhiệm. Đẹp như một cứu cánh và một quyền tự nhiên nhất.

Thôi thì tôi cũng sẽ cố gắng làm đẹp, để ít nhất không làm xấu Paris. Tôi sẽ làm đẹp để cho tương xứng với hạnh phúc mà tôi cảm thấy trong những tháng ngày một mình ở thành phố này.

Paris, ngày...

Cách đây vài phút, tôi đã đặt một bông cúc trên mộ của Chopin trong nghĩa trang Pere Lachaise bên quận 20. Tôi đến đây hơi muộn bởi vì đêm qua giấc ngủ của tôi liên tục bị gián đoạn. Nguyên nhân là vì Amy và người phụ nữ Canada ở giường số 3.

Trời đang nắng. Phía tay trái tôi, cách một đoạn không xa là mộ của Chopin; bên tay phải là mộ George Bizet; sau lưng tôi về bên tay phải là Balzac và Proust, phía trái là La Fontaine và Molière. Nếu tôi đi thẳng từ đây về phía Bắc, tôi sẽ gặp Oscar Wilde, và rẽ phải từ Oscar Wilde sẽ thấy Gertrude Stein và Pau Esluard. Đấy mới chỉ là các nhà văn, nhà thơ; hầu hết những người đến thăm nghĩa trang Pere Lachaise vì những cái tên khác - các nhà triết học, chính trị gia, nhạc sĩ, hoặc Van Morrison, người đứng một đẳng cấp riêng trong nghĩa trang (tôi cũng không hiểu tại sao có sự phi lý này).

Nhưng tôi đang nói dở chuyện đêm qua. Có điều tôi cần phải nói một chút về Amy. Amy là một cô gái rất tốt bụng và đồng thời là một cô gái sẽ không ngủ được nếu có ai đó trong phòng còn thức. Cô ấy cũng là kiểu người không chịu được toilet công cộng và đã đi tàu từ đại lộ Champs-Elysees về lại khách sạn chỉ để đi tiểu, rồi lại tiếp tục ra phố. Thậm chí, Amy còn không thể đi dạo trên phố nếu vừa đi toilet trong một nhà hàng nhưng vì lý do nào đó không rửa được tay bằng xà phòng - trong trường hợp đó, Amy sẽ phải đi về khách sạn, vừa đi vừa giơ hai tay ra đằng trước và tránh chạm vào bất cứ cái gì.

Đêm qua, chuyện là thế này:

Amy, Tristan và tôi ngủ cùng giờ và đã thiếp đi được một lúc thì người phụ nữ Canada trở về. Chị ấy lục sục một lúc trong nhà vệ sinh rồi lên giường và chỉ một phút sau thì bắt đầu ngáy vang như sấm. Tôi xin thề: đúng là ngáy vang như sấm. Amy đã cố gắng tảng lờ nhưng không thành. Vậy là cô ấy ngồi dậy, nút lỗ tai bằng hai miếng mút nhưng cả điều đó cũng vô ích. Sau một hồi trở mình và thở dài sườn sượt, Amy bắt đầu thử đủ trò để đánh thức người phụ nữ kia dậy: cô giả vờ ho, rồi ngồi dậy lục sục va li, rồi kéo túi xoành xoạch, rồi lăn trở huỳnh huỵch trên giường. Điều buồn cười là Amy không nhận ra rằng tất cả những tiếng ồn mà cô ấy gây ra làm tôi không ngủ được và tôi quan sát trận chiến của Amy từ trên giường tầng mà không nhịn được cười: Amy không sao tảng lờ được tiếng ngáy mà cũng không sao đánh thức được người phụ nữ kia.

Đấy là một phụ nữ ngoài bốn mươi, rất béo, lúc nào cũng hối hả và như có bí mật gì đó rất vui, thường ra khỏi nhà muộn, về nhà khuya, ăn mặc lụng thụng, ngủ sấp mặt trên giường, và ngáy váng nhà.

Sau khoáng nửa tiếng không xoay chuyển được tình hình, Amy không chịu được nữa. Cô ấy ngồi hẳn dậy trên giường và gọi Tristan - lúc này đang nằm ở giường số 4, phía trên người phụ nữ Canada. Vì họ biết người phụ nữ kia không nói được tiếng Anh nên hai cô gái thoải mái bàn với nhau kế hoạch này:

"Tristan", Amy thì thầm. "Cậu thử đánh thức con mụ ấy dậy xem. Mụ ấy ngáy khiếp quá, tớ phát điên lên mất. Lạy Chúa lòng lành, mụ này nên được phong là Chúa ngáy."

"Ừ, tớ cũng đang phát điên lên. Tớ thề chứ giường tớ đang rung lên bần bật đây này. Để tớ thử."

Tristan ngồi dậy trên giường, giả bộ ho khù khụ, rồi lại lấy chai nước ra uống ừng ực và đập đập cái gối nó bẹt xuống. Người phụ nữ bên dưới không hề động đậy, vẫn đều đều ngáy. Trong lúc này, tôi nằm yên trên giường, không hề trở mình và Tristan với Amy chắc tưởng tôi ngủ trong khi thực tế là tôi phải cố gắng lắm mới không cười phá lên.

Tristan lại hỏi và lần này thậm chí chẳng buồn thì thầm nữa:

"Cậu có muốn tớ gõ vào thành giường không?"

"Ừ, thử xem. Cảm ơn cậu. Đêm qua tớ làm thế là được."

"Vậy là có đêm qua nữa mà mình không được chứng kiến," tôi nghĩ thầm.

Tristan bắt đầu vặn vẹo người khiến cái giường kêu lên ken két, rồi ra sức nhún, tưởng như có thể làm nó sập xuống đến nơi. Vẫn không kết quả. Tristan bèn đứng hẳn lên giường mà nhún không thương tiếc. Lần này tiếng ngáy dừng lại. Tristan nằm xuống và Amy trùm lại chăn. Tôi cũng cố gắng ngủ lại. Nhưng ba phút sau, khi cả ba chúng tôi đều chưa kịp chìm vào giấc ngủ thì tiếng ngáy lại nổi lên, lần này còn dõng dạc hơn, kèm những tiếng khọt khẹt trầm bổng. Trời ơi, tôi phải đút chăn vào miệng để không phá lên cười khi nghe Amy thở hắt ra một hơi dài - có cảm giác như Amy chuẩn bị nhảy đè lên và đánh đấm cho người phụ nữ kia tơi tả. Mà cũng có thể Amy sắp sửa gào lên và đánh thức cả Paris.

Nhưng, là một cô gái ngoan, Amy chỉ thở dài rồi kéo chăn trùm kín đầu. Tôi định bảo Amy xuống dưới quầy lễ tân xin ngủ nhờ cái giường trống nào đó đêm nay rồi mai tính, nhưng rồi tôi lại nghĩ, cứ để cô ấy đương đầu với cuộc chiến nhỏ này. Tôi cũng nên cố ngủ lại.

Tôi không rõ mình thiếp đi lúc nào và bao lâu nhưng sau đó tôi đã tỉnh lại bởi vì Tristan và Amy rõ ràng đã không thể chịu đựng được thêm nên cả hai trở dậy, ra khỏi phòng rồi cố tình sập cửa đánh rầm một cái. Tôi không biết họ đi đâu nhưng khi tôi thiếp đi thì cả hai vẫn chưa trở lại phòng còn người phụ nữ Canada thì vẫn thản nhiên ngáy như kéo bễ.

Tuy thế, tất cả sự thức giấc lúc nửa đêm làm cho tôi không mở được mắt cho tới tận 8 giờ. Khi tôi mở được mắt, đầu tôi váng vất cảm giác sắp ốm, vậy là tôi nằm trên giường đọc cuốn Paris 2008 của Fordor. Càng đọc, tôi càng thấy tội lỗi bởi vì có quá nhiều thứ ở Paris tôi chưa kịp đến: nhà ngục Bastille, phố Tàu, kênh St. Martin, khu shopping có mái che, khu Montpartnasse, thư viện FranÇois Mitterrand, nghĩa trang Pere Lachaisse, và, phải, tôi vẫn còn chưa lên tháp Eiffel.

Vậy là tôi trở dậy và giờ thì tôi đang ở nghĩa trang Pere Lachaise.

Ngồi ở đây, một lần nữa, như rất thường xuyên trong những ngày này, một sự bình an lại trùm lấy tôi. Không phải vì tôi đang ở giữa thế giới người chết. Thực tế là từ lúc vào đây, ý nghĩ của tôi không hề hướng tới cái chết hay sự hữu hạn của cuộc sống con người. Trái lại, đứng trước ngôi mộ đầy hoa của Chopin, tôi thấy được an ủi lạ lùng. Con người sẽ trường tồn. Con

người sẽ bất tử nếu họ muốn. Nếu họ dám lựa chọn cuộc sống như Chopin đã sống. Ông đã không bao giờ có một gia đình đúng nghĩa; đã chật vật chiến đấu với những căn bệnh quái ác; đã làm cha và làm người tình của George Sand theo cái nghĩa tìm một tri kỷ và một tình yêu hơn là tìm cách xây dựng một "tổ ấm". Ngồi đây, không xa mộ Chopin, và nghe đi nghe lại bản valse số 2, Op, 64 trên ipod, tôi có thể tưởng ra những cơn sóng lòng của Chopin, chúng lớn đến nỗi ông không còn có thể bận lòng về chúng; cứ để chúng đến và nhấn chìm mình từng đợt, từng đợt, nhưng không thể hủy diệt mình.

Tôi đã ở Paris cả tuần mà vẫn chưa tới tháp Eiffel. Thực tế là tôi sẽ hoàn toàn hài lòng khi rời Paris mà không tới đó bởi vì cái cột sắt cao ấy không có ý nghĩa cá nhân nào đối với tôi. Nhưng tôi đã tưởng tượng trước: thế nào cũng sẽ có người hỏi tôi khi họ biết tôi tới Paris rằng tôi có trèo lên đỉnh tháp Eiffel không. Tôi có thể tưởng tượng họ nói:

"Trời ơi, làm sao có thể tới Paris mà không tới tháp Eiffel."

Và vì thế nên, sống chết thế nào, tôi cũng phải đến nhìn tháp Eiffel một cái, dù chỉ để tránh phải giải thích dài dòng tại sao tôi đến Paris mà không tới tháp

Eiffel.

Thực ra, ngày đầu tiên ở Paris, sau khi rời bảo tàng Rodin, tôi đã cố tới tháp Eiffel để giải quyết cho xong món nợ đó. Có điều là tôi không tới được tận chân tháp. Ngày hôm đó, cố lắm tôi cũng không mấy ấn tượng - rồi về khách sạn với ý nghĩ một hôm nào đó sẽ quay lại leo lên đỉnh tháp như tất cả những người đến Paris vẫn làm.

Nhưng đấy chính là vấn đề. Quá nhiều thứ chúng ta làm trong đời chỉ vì tất cả mọi người đều làm chứ không phải vì chúng ta thực sự muốn. Dường như con người không bao giờ biết giá trị thật của một thứ trừ khi họ nhìn xem người khác đối xử với thứ đó như thế nào. Chúng ta lúc nào cũng cuống cuồng, vội vã bon chen bởi vì chúng ta nhìn người khác và so sánh, và thèm muốn, và nhầm cái họ cần với cái mình cần.

Như sáng nay, khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là trời ơi, có quá nhiều thứ cần phải làm ở Paris mà tôi vẫn chưa làm. Tôi cần đi nghe đọc thơ ở Shakespeare & Co, tôi cần đi nghe hòa nhạc Vivaldi ở nhà thờ Eglise, tôi cần đi tới một quán bar chơi nhạc sống, tôi cần đi thuyền trên sông Seine để ngắm thành phố từ dưới sông lên, tôi cần phải tới quận 13 xem người Việt Nam ở Paris sống thế nào, tôi cần tới nhà ngục Bastille, tôi cần phải đi thăm nhà hát opera Paris, tôi cần phải tới kênh đào Martin, tôi cần... tôi cần... Cuối cùng tôi lại hít một hơi và tự nói với mình: "Đây là chuyến đi Paris của mình và không của ai khác, mình sẽ chỉ làm những gì mình muốn. Ừ, dậy muộn thì cũng đã sao? Đã thế, mình sẽ còn ỳ ra bằng cách sẽ đi ăn một bữa sáng tử tế cái đã..."

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm và tôi đã hoàn toàn đánh giá thấp sức mạnh của thói quen. Khi tôi ra khỏi khách sạn lúc 9 giờ, nhìn thấy dòng người du lịch nườm nượp trên phố, ai nấy hớn hở khám phá Paris, sự bon chen lại tóm được tôi và bảo tôi cần phải nhanh lên, ngày sắp hết rồi mà còn bao nhiêu chỗ phải đi. Vậy là tôi đành thỏa hiệp: thay vì một bữa sáng thảnh thơi kiểu Paris ở một tiệm cà phê trên phố, tôi chỉ ăn một cái bánh bao và uống một cốc chocolate nóng ở một tiệm fastfood gần Hôtel de Ville.

Sau khi đấu tranh để gạch đi một số thứ, tôi còn lại một danh sách những chỗ tôi muốn đến và những chỗ tôi không muốn lắm nhưng vì ở gần nơi tôi muốn đến nên tôi cũng sẽ đến. Như bây giờ, lúc hơn 3 giờ, tôi đang ngồi ở một quán phở trên Avenue de Choisy thuộc quận 13 để, chậc, ăn một bát phở Việt Nam giữa lòng nước Pháp. Và chiều tối nay thì sẽ tới tháp Eiffel để xem họ lên đèn.

Trên đường tới đây, tôi nhìn thấy một Paris khác nữa - Paris của những người lao động, Paris của những chung cư khá nhem nhuốc, rất nhiều người da đen và các quán ăn châu Á - nào Thái, nào Tàu, nào Nhật. Chúng gợi cho tôi nghĩ đến khu Nghĩa Đô, Bạch Mai ở Hà Nội vào những năm 1990. Một vẻ khắc khổ và vất vả trùm lên khu vực này, khác hẳn với khu trung tâm Paris.

Phở ở đây không ngon, cũng là kiểu phở đã được Tây hóa; bánh phở thực ra là mì, nước phở có nhiều bột ngọt, thịt bò không tươi. Tôi không nghĩ là tôi có thể ăn hết bát phở này mặc dù rất đói; nhưng tôi sẽ cố gắng ăn càng nhiều càng tốt vì tôi không muốn chủ quán buồn. Anh ấy biết tôi là người Việt Nam vì đã hỏi khi mang thực đơn ra:

"Em là người Việt Nam hả?"

"Vâng."

"Người Bắc ha."

Sự vui mừng của anh làm tôi thấy mình có trách nhiệm phải ăn hết bát phở.

5:37: Bây giờ thì tôi đang ngồi ở thảm có phía trước chân tháp Eiffel cùng với rất nhiều người mà tôi đoán là cũng đang chờ tháp lên đèn. Trời lại bắt đầu sầm sì mây xám. Có mấy đôi đang chụp ảnh cưới trước chân tháp và đều là người châu Á. Trông họ thật rạng rỡ và háo hức chuẩn bị cho ngày trọng đại này của mình. Còn quanh chỗ tôi, có rất nhiều người ngồi nói chuyện, ném đĩa, đọc sách và chơi trò chơi. Những chiếc xe buýt đỏ hai tẩng chở đầy khách du lịch lượn vòng quanh, và những người hướng dẫn du lịch cầm micro nói oang oang về các kỳ tích và số liệu của tháp Eiffel. Tôi chẳng quan tâm; tôi ngồi ngắm mấy đôi chụp ảnh cưới và những đứa trẻ lẫm chẫm đi một lúc; rồi nằm ra cỏ, ngửa đâu nhìn trời và nghe Chopin từ ipod.

Thế rồi, những hạt mưa bắt đầu lác đác rơi xuống mặt tôi. Lúc này đã là 5:45: Chỉ còn 15 phút nữa là tháp sẽ lên đèn. Xung quan tôi, những ông bố bà mẹ trẻ dẫn con chạy vào trú mưa dưới những tán cây dẻ dọc hai bên bãi cỏ. Mấy đôi chụp ảnh cưới cũng thu dọn máy ảnh, áo váy và đạo cụ để chạy mưa. Chú rể nâng váy cho cô dâu chạy ré vào vì mưa đột ngột nặng hạt. Sau hai phút, cả một bãi cỏ lớn bằng một sân vận động chỉ còn lại tôi và mấy cậu trẻ chơi ném đĩa.

Tôi ngồi dậy mở cái ô đen nhỏ để che lên đầu. Tôi không muốn đi đâu cả. Tôi sẽ ngồi đây chờ đến lúc lên đèn.

Rồi mưa ào xuống và cả bọn trẻ ném đĩa cũng che áo lên đầu, chạy vào trong. Tôi còn lại một mình, ngồi thu lu dưới cái ô nhỏ giữa bãi cỏ rộng, đối diện với tháp Eiffel trong lúc mưa như trút. Cái cảnh ấy hẳn là kỳ cục lắm bởi vì những người ngồi trên các xe du lịch hai tầng bắt đầu chĩa máy ảnh vào tôi mà chụp. Thậm chí cả những người đứng trú mưa dưới những cây dẻ cũng lấy máy ảnh ra chụp.

Tôi vẫn chờ. 5 giờ 57 phút. Mưa rơi ào ào, thành một màn trắng và tháp Eiffel nhạt nhòa trong mưa; khoảng sân lát đá phía trước tháp cũng không một bóng người trong khi dước bốn góc chân tháp, khách du lịch túm tụm như những búi kiến đen nhỏ. Tôi vẫn ngồi. Rồi 5 giờ 58 phút. Rồi 6 giờ.

Đèn không hề sáng. Tháp Eiffel vẫn sừng sững trong mưa, chỉ là một khối sắt mờ mờ, phần đỉnh tháp đang nhòa dần trong bóng tối và mưa xuống. Tôi không hiểu. Tại sao đèn không sáng. Tôi chờ tiếp. Những người đứng trú dưới các bóng dẻ đã bỏ đi và bóng tối đang xuống nhanh. Một lúc sau, cả khu vực quanh tháp đã vắng người. Đến 6 giờ 15, vẫn không thấy có đèn sáng, hẳn là tôi đã có thông tin sai về việc lên đèn của tháp Eiffel nên đã chờ đợi vô ích. Đèn sẽ không bao giờ sáng. Một cái gì đó giống như một sự tỉnh thức bỗng nhiên choán lấy tôi, khiến tôi không đứng lên nổi.

Đèn sẽ không bao giờ sáng, dù tôi có chờ hết đêm.

Tôi ngồi đó không biết bao lâu rồi đứng lên trở về nhà. Có một lúc, tôi không biết là nước mưa bắn vào mặt tôi hay là tôi đã khóc.

Tôi nhớ buổi sáng ngày trước Giáng sinh năm ngoái, Sơn và tôi lại cãi nhau. Sau đó, Sơn lấy xe đi Providence chơi với các bạn của anh. Đến đêm anh cũng không về. Tôi dọn đồ đạc vào trong vali. Tôi quyết định sẽ về Chicago; tôi không thể tiếp tục sống với Sơn nữa. Nhưng hôm đó là Giáng sinh không còn chuyến bay nào, và xe buýt cũng không chạy. Tôi kéo vali ra khách sạn Red Roof Inn ở gần nhà, định chờ đến ngày mai thì sẽ về Chicago.

Nhưng rồi Sơn gọi điện cho tôi.

"Em đang ở đâu?" Anh nói như thể không hề có chuyện gì xảy ra, như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra.

"Em ở Chicago," tôi nói.

"Đâu mà," Sơn cười. "Em ở đâu để anh đi đón?"

Cuối cùng thì Sơn đến khách sạn đón tôi về. Hôm đó, vào trong ô tô để về lại nhà, tôi đã khóc và một cái gì đó trong lòng tôi đã sụp xuống, vỡ vụn.

Paris, ngày...

Tôi sẽ không thể viết nhiều hôm nay; tôi bắt đầu ôm ốm rồi. Cũng không có gì nghiêm trọng; đầu chỉ hơi nóng và cổ họng đau. Chắc tôi đã viêm họng do hít nhiều khói thuốc lá và nhiễm lạnh, lại ăn uống thất thường và đi bộ quá nhiều. Đầu tôi hoàn toàn tỉnh táo, tôi vẫn còn muốn đi nữa, nhưng cơ thể tôi đã tạo phản[49].

[49] Sau này tôi mới biết hiện tượng này được gọi là "cúm Paris", do một loại virus đặc biệt ở Paris gây ra, và hầu như khách du lịch nào tới Paris cũng có thể mắc.

Cách đây năm phút, tôi đã hỏi người bồi bàn của quán cà phê cho một ly nước để uống ba viên Advil, hy vọng là sẽ đỡ sốt. Đêm qua, khi tôi từ tháp Eiffel về, Amy đã đi nhưng có để lại một mẩu giấy trên giường. "Rất vui được biết chị và cảm ơn đã nói chuyện với em về nhiều thứ. Nhớ giữ liên lạc nhé." Cô ấy viết trên một cái giấy ăn trắng và còn vẽ thêm một cái mặt cười lớn.

Người phụ nữ Canada cũng đã chuyển đi - vậy là tôi không có cơ hội nào để tìm hiểu về người phụ nữ này. Chị ấy làm tôi nghĩ đến cụm từ "góa phụ vui vẻ".

Đêm qua, chỉ còn lại Tristan và tôi trong phòng; trong khi tôi gai ớn khắp người thì Tristan lại thấy nóng. Tôi đi ngủ với áo khoác và mũ trùm kín đầu, cộng thêm chăn; còn Tristan thì mặc áo hai dây, quần cộc. Sáng ra, khi tỉnh dậy, người nặng nề và váng vất, vậy là tôi nằm đến tận 10 giờ. Tristan đã dậy đóng đồ. Cô đã quên không báo với khách sạn rằng mình muốn ở thêm; vậy là bây giờ phải chuyển đi.

Tôi đang ăn một bữa sáng đơn giản: có bánh mì nướng với mứt dâu, ba quả trứng ốp-la với jambon, một ly sô cô la nóng và một ly nước cam. Tôi không định ăn sớm thế này nhưng vì đang hâm hấp sốt nên tôi muốn ăn và uống thuốc trước khi mọi việc trở nên tệ hơn. Ngày hôm nay tôi sẽ tới nhà hát opera Garner; rồi tùy vào sức khỏe và tùy hứng, có thể tôi sẽ đi đâu đó nữa.

Đang hâm hấp sốt nên tôi muốn ăn và uống thuốc trước khi mọi việc trở nên tệ hơn

Chị Mai mới gửi email, Việt ơi, đi Paris có vui không, nếu có quay lại Ý thì nói với chị nhé. Nhà xuất bản gửi email về việc chỉnh lại bìa cho cuốn truyện ngắn. Đấy là tất cả những kết nối với thế giới cũ của tôi vào những ngày này và thế là đủ. Tôi thấy yên ổn vì không ai có thể chạm tới tôi lúc này và tôi không phải lo lắng về bất cứ điều gì ngoài bản thân tôi - ăn ở đâu, đi chỗ nào, xem gì... những thứ nho nhỏ ấy... vậy thôi, thật tốt. Đêm qua, tôi gửi thư cho Kai và Sarah; chúng tôi sẽ đi ăn tối với nhau trước khi tôi rời Paris.

Tôi đã không có dáng đi của một khách du lịch nữa, cũng không chĩa máy ảnh khắp nơi chụp lấy, chụp để, và không còn ồ à về những tòa nhà và những quán cà phê. Tôi đang chìm dần vào sự thong thả của một người sống ở Paris, thật tốt. Tôi ước sao có thể nhấc hết khách du lịch khỏi Paris (trừ tôi) để trả lại sự bình an thật sâu và chất Paris đậm đặc cho thành phố. Thành phố này quá tuyệt vời để mà bị khách du lịch pha loãng trong nhu cầu giải trí của họ. Paris không bao giờ nên bị buộc phải trở thành nguồn cứu rỗi cho sự buồn tẻ của con người.

Đêm qua, trên đường trở về khách sạn trong một cảm giác âm thầm không tên, tôi đi ngang qua một người ăn xin (một ông già) đang ngồi trên vỉa hè, lười biếng chìa cái cốc ra. Cái cốc của ông ta rỗng không - cũng không dễ hiểu vì ông ấy chìa cái cốc với một vẻ "je ne care pas[50]". Tôi đã đi qua, nhưng được mấy bước thì quay lại bỏ 1 euro vào cái cốc rỗng. Paris đã cho không tôi quá nhiều, tôi cũng nên trả lại cho Paris một chút ít. Ông già đột nhiên mỉm cười, mắt lấp lánh trong bóng tối; ông ta nói "merci beaucoup" và điều gì đó nữa bằng tiếng Pháp mà tôi không hiểu.

[50] Tôi cóc quan tâm.

Cơn mệt mỏi vẫn đeo đẳng tôi từ sáng. Đến nỗi từ lúc rời quán cà phê Hôtel de Ville đi đến đây, tôi phải dừng lại ba lần để nghỉ: một trong nhà hát opera, một trong Galeries Lafayette, và giờ là lần thứ ba.

Tôi ngồi ở thềm một tòa nhà khóa trái cửa trên đại lộ Haussmann. Bá tước Haussmann là người đã tạo ra rất nhiều thay đổi cho kiến trúc Paris, nhất là các đại lộ lớn ở khu nhà hát opera Garnier này và quanh khu Champs Elysees. Sáu đại lộ lớn hòa vào nhau ở Place de Opera và đường nào cũng ngập người shopping.

Một phụ nữ có bầu đi ngang qua tôi, và tôi đột nhiên nhận ra rằng từ hôm tới Paris, tôi hầu như không nhìn thấy người phụ nữ mang bầu nào trong khi ở Mỹ, họ khắp nơi. Cũng có thể là phụ nữ mang bầu ở Pháp được nghỉ ở nhà lâu hơn, có thể họ không muốn ra ngoài khi mang bầu, mà cũng có thể phụ nữ Pháp không muốn có con. Người Mỹ thì khác. Có lẽ do trào lưu nhiều con gần đây của Hollywood mà cả nước Mỹ bây giờ thi nhau có con sau nhiều thập kỷ lấy việc không có con hoặc ít con như một cách chứng tỏ sự tự do. Ở khắp nơi

- hiệu sách, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim, trên đường, những người phụ nữ sắp làm mẹ hãnh diện vác bụng bầu như vác một biểu tượng mới của nữ quyền.

Những người đi lại ở khu vực grand boulevards[51] này trông cũng giống người Mỹ hơn là người Paris. Nghĩa là họ béo. Rất nhiều những cái bụng bự và cách ăn mặc theo lối thực dụng Mỹ: quần bò, áo phông, và giày thể thao. Rất nhiều trung niên và những người trông có vẻ thuộc tầng lớp trung lưu và lao động. Khu Marais và khu Latin trẻ hơn, hip hơn và chic hơn nhiều. Có lẽ vì thế mà Amy đã rất vui khi tìm được nhà ở đó. Sáng sớm nay, cô ấy quay lại khách sạn để tạm biệt tôi, lúc tôi quá buồn ngủ, không cả mở được mắt ra. Amy đập mạnh vào tay tôi đau điếng, "Chị ơi, em tìm được nhà rồi", nhà Amy ở ngay gần Nhà thờ Đức Bà. Cô ấy thật may mắn.

[51] Khu đại lộ.

Nhà hát opera Garnier đứng sừng sững, tự tin đối mặt với các đại lộ. Trên nóc nhà hát là hai bức tượng vàng mà vì chói nắng và vì mệt, tôi không nhận ra là tượng gì. Tôi chỉ nhớ mang máng bức bên trái trông gần giống tượng Nữ thần Tự Do ở New York. Mặt trước của nhà hát được trang trí bằng rất nhiều tượng theo phong cách Hy Lạp và La Mã... và có một số tên được khắc trên các bức tường. Bach, Percolese, Haydn, Cimarosa, Beethoven, Mozart, Rossini, Spontini, Auber, Meyerbeer, Halévy, vân vân... Những ngày này, nhà hát đang trình diễn Eugène Onéguine, một vở opera của Tchaikovsky, do nhà hát Bolchoї của Matxcơva trình diễn. Tôi mua một vé xem vở diễn vào tối nay.

Những người bán vé ở nhà hát thật kinh khủng; nói chung việc phục vụ ở Paris thật kinh khủng - và đây có lẽ là phàn nàn lớn nhất của tôi về Paris. Có một hàng dài người chờ mua vé nhưng chỉ có duy nhất một người bán; ở Mỹ mà thế này thì họ phải lập tức đi huy động người ra phục vụ, kể cả giám đốc, lao công nếu cần. Chờ một lúc mà hàng người chỉ chậm chạp nhích lên và anh chàng bán vé thì làm việc một cách lười biếng, tôi đi tới quầy hỏi xem liệu anh ta có thể gọi thêm người bán vé không; anh ta nhìn tôi với cái nhìn "Cô nghĩ cô là ai mà dám yêu cầu?"; chắc anh ta không thường xuyên nhận được yêu cầu như vậy. Tôi hoàn toàn có thể nói "Tôi là khách hàng của anh chứ còn ai nữa" và nghĩa của câu này quá rõ ràng ở Mỹ hay ở Đức. Nhưng ở Paris, có vẻ như chữ "Khách hàng" chẳng có nghĩa gì cả, thậm chí còn là một dạng tội nợ cho những người bán hàng. Lúc cố gắng đặt khách sạn cho chuyến đi này, tôi đã được nếm thử cái địa vị tội nợ của mình, nhưng tới Paris, điều đó trở nên rõ ràng hơn.

Bây giờ là 7:20 trong nhà hát opera Garnier. Mười phút nữa vở opera Eugène Onéguine của Tchaikovsky sẽ bắt đầu. Dàn nhạc đang lên dây và khán phòng vẫn tấp nập người ra người vào. Một người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đã phải cãi lộn với anh chàng phục vụ người Pháp để có thể vào được chỗ ngồi của mình. Rõ ràng là cô gái có nhiệm vụ mở cái box này cho chúng tôi đang tập việc ngày đầu tiên và không hề biết mình phải làm gì... vậy là cô ấy luôn biến mất ở đâu đó trong khi chúng tôi phải chờ mười lăm phút bên ngoài box đã khóa cửa. Suốt mười lăm phút đó, một anh chàng phục vụ đứng nhởn nhơ; nhưng khi chúng tôi hỏi liệu anh ta có thể giúp mở cửa box thì anh ta từ chối với lý do việc của anh ta là trông nom cái box của anh ta chứ không phải là giúp đồng nghiệp ở box bên cạnh. Cả người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đều nổi giận - tôi đoán chị ấy cũng đã phải chịu đựng quá đủ cái cung cách phục vụ khách hàng của người Pháp - nên cả hai chúng tôi gần như đồng thanh kêu lên bằng tiếng Anh:

"Tại sao anh lại bất lịch sự đến như vậy?"

"Tại sao anh lại có thể vô trách nhiệm thế?"

Anh ta chắc chắn hiểu chúng tôi nói gì, nhưng anh ta cứ giả vờ "What? What?" Người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ nói "Chúng tôi là khách hàng của anh, cô ấy thì là đồng nghiệp của anh, chúng tôi thì chờ ở đây mười lăm phút rồi, anh thì đứng chơi không, cô ấy thì chạy đôn chạy đáo, thế mà chúng tôi yêu cầu anh giúp đỡ thì anh lại bảo không, thế là thế nào, tại sao anh lại vô trách nhiệm thế? Tại sao anh lại bất lịch sự thế hả?". Anh chàng sợ quá lảng ra chỗ khác rồi biến mất. Vài phút sau, cô gái kia xuất hiện và anh ta chạy tót lại, thì thầm gì đó vào tai cô gái. Cô gái lập tức chạy đến box chúng tôi để mở cửa và luôn miệng xin lỗi.

Người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tên là Laura, chị là người thiết kế quần áo trẻ em và đang làm việc mấy tháng ở Paris. Chị nói đã tới Việt Nam vài tháng rồi và trẻ con Việt Nam xinh nhất thế giới. Tôi hỏi chị đến Việt Nam làm gì, chị ấy bảo chị muốn đến thì đến thôi; như lần này, chị cũng sang Paris chỉ để xem, để biết, và để thiết kế...

Có thể là tôi sẽ đến Paris sống một năm và viết. Sao lại không chứ? Carrie, người bạn cùng phòng mới của tôi, đang làm vậy. Mà hình như tôi chưa nhắc đến Carrie.

Chiều này, khi về lại khách sạn, tôi thấy một cô gái đang nằm ngả ngớn trên giường tôi, quần áo, sách du lịch và bản đồ bày đầy xung quanh như một pháo đài nhỏ.

"Ê, bạn đang ở trên giường tôi," tôi kêu lên.

"Thế sao?" cô gái nói giọng Mỹ, vẻ thách thức "Bạn ở cái giường này từ bao giờ?"

"Suốt bốn đêm vừa rồi."

"Ồ, nhưng mà tôi thấy giường nào cũng trống; tôi tưởng ai vào trước lấy giường nào thì lấy chứ."

Rõ ràng là cô ấy không tin tôi và cũng không có ý định trả giường cho tôi.

"Bạn không hiểu rồi. Ngày nào họ cũng thay ga trải giường cho nên họ yêu cầu phải bỏ hết đồ ra khỏi giường vào buổi sáng để họ vào thay ga. Mà họ cũng không cho bạn ở trong phòng từ 12 giờ đến 3 giờ chiều để họ còn thay đồ. Thế nên các giường đều trống."

"Ồ thế à, tôi xin lỗi."

Cô ấy nói xin lỗi nhưng trông chẳng có vẻ gì là hối lỗi. Đây có lẽ là một cô gái Mỹ ở bờ Đông. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cô ấy nói là người New York.

Sau màn đụng độ này, Carrie nhanh chóng tự giới thiệu và thực ra rất dễ thương bên trong cái vỏ bặm trợn đó. Carrie hai mươi hai tuổi, người Boston, vừa tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn và đến Paris chỉ vì cô muốn chuyển đến đây sống khoảng một năm. "Em muốn đến Paris, chỉ thế thôi, cứ đến đây rồi tính tiếp," cô ấy nói. Carrie đã phục vụ ở các quán bar trong suốt bốn năm đại học và định sẽ kiếm việc tương tự để sống ở Paris trong năm tới. Lần đi này, Carrie sẽ tìm nhà và chuyển vào luôn. Cô ấy đã mang theo cả đống va li đồ đạc hiện đang ở trong phòng để đổ. Ngày kia, cô ấy sẽ đi xem mấy căn hộ để thuê.

"Tại sao em muốn đến sống ở Paris?"

"Vì em là nhà văn," Carrie nói. "Em muốn đến Paris để viết."

Carrie dĩ nhiên không phải người đầu tiên có ý nghĩ này. Cả một thế hệ Hemingway, Fitzgerald, Gertrude Stein, James Joyce, Ezra Pound, T.S. Eliot,

John Dos Passos vân vân... đã đến đây và lập nghiệp ở đây. Thế hệ sau này có

Henry Miller, James Baldwin và nhiều người khác. Chưa kể các họa sĩ như Picasso, Salvador Dali...

"Em đang viết gì?" Tôi hỏi.

"Em đang viết lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ đại. Đại loại là lấy cốt truyện cổ đại đó nhưng lại viết theo nội dung hiện đại. Fuck, viết văn khó thật, chị nhỉ."

"Dĩ nhiên rồi, viết văn is fucking khó," tôi nói rồi trèo lên cái giường mới của mình và ngủ mê mệt, đến 6 giờ tối thì dậy, ra metro đi tới nhà hát. Lần đầu tiên kể từ hôm đến Paris, tôi đã lên nhầm tàu. Có lẽ sự ốm mệt đã làm tôi không còn đủ tỉnh táo. Paris bắt đầu có cảm giác của một màn sương mờ bồng bềnh mà tôi có thể tan biến vào trong bất cứ lúc nào.

Nhưng bây giờ, buổi diễn đã bắt đầu rồi. Họ đã bắt đầu kéo màn và đèn đã tắt...

Paris, ngày...

Đêm qua, sau một giờ đêm tôi mới về đến khách sạn. Lý do là sau khi rời khỏi nhà hát opera, tôi nảy ra ý định đi bộ ra đại lộ Champs Elysees để nhìn đèn trên đại lộ này lúc gần nửa đêm. Đại lộ Champs sáng đèn lúc nửa đêm và vắng người nhưng không lộng lẫy được như trong các postcard. Tôi ngồi ở đó một lúc rồi tìm bến metro để về lại khách sạn. Nhưng tìm mãi không thấy bến metro nào, mà vườn Tuleries đã đóng cửa, tức là tôi không thể đi xuyên qua đó; tôi định sẽ bám theo sông Seine mà về tới khách sạn.

Nhưng loanh quanh thế nào đó, tôi đi một lúc mà vẫn không thấy sông Seine. Có vẻ là tôi đã lần thứ hai lạc đường trong ngày hôm nay. Paris bắt đầu vào đêm sâu nên bóng tối quánh lại và se lạnh. Một số ô tô vẫn còn chạy trên đường nhưng hầu như không có người đi bộ quanh chỗ tôi - mà lúc đó tôi cũng không còn chắc là mình đang ở đâu. Vậy là trí tưởng tượng của tôi bắt đầu vẽ ra đủ viễn cảnh rùng rợn. Trời ơi, nếu những tên cướp bắt đầu mò ra sau nửa đêm và thấy tôi đi lạc một mình ở đây... Nếu một kẻ vô gia cư quá đói nào đó nhìn thấy tôi mà sinh lòng tham... tôi sẽ chẳng trách được nếu anh ta đâm cho tôi một nhát dao với hy vọng trong túi tôi có một ít tiền. Tôi thì chỉ có một mình và đã mệt, tôi sẽ chẳng có sức đâu mà kêu cứu hay chống cự.

Tôi bắt đầu rảo bước nhanh hơn; vừa đi vừa ngoái nhìn xem có ai theo không. Có một đoạn đi qua một khoảng đường hầm hoàn toàn không một bóng người và đầy mùi khai, tôi đã chạy, với hy vọng qua nhanh khỏi đường hầm tối và để tiếng chân tôi trong đường hầm làm cho tôi vững dạ. Tôi vừa chạy vừa cảm thấy mồ hôi lạnh đầm đìa lưng và cổ áo; hai bàn tay cứ bở ra, hầu như không còn có thể nắm lại.

Lần mò một lúc, tôi cũng tới được bờ sông Seine mặc dù nhìn bản đồ thì tôi đã đi lạc theo hướng ngược lại nên còn xa mới về đến khách sạn. Nhưng đến được sông Seine thì tôi không thể lạc được nữa; tôi cứ men theo bờ sông mà về. Lúc này đã quá nửa đêm, dưới sông còn rất ít đèn sáng và những hàng cây rậm lá làm cho không gian càng tối hơn. Tôi cứ rảo bước; vừa đi vừa chăm chú quan sát và nghe ngóng xem có tiếng chân ai phía sau, hoặc có bóng người nào ở các gốc cây, các góc khuất, hoặc ai đó đột ngột băng sang từ bên kia đường.

Đến một lúc nào đó, những hàng cây có vẻ thưa hơn, bóng tối dãn ra một chút. Tôi ngẩng lên nhìn sang bên kia sông. Ở đó, vượt trên các nóc nhà chỉ còn là những nét thẳng và ngang vạch trên nền trời đêm, hai tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà hiện ra. Lúc này, chúng còn xa, gần như lẫn giữa những nóc nhà đã bị bóng đêm kết dính vào nhau thành những khối vuông... Nhưng một khi nhìn thấy hai tháp chuông mọi sợ hãi của tôi tan biến. Trời đất đột nhiên sáng ra như có một ngàn bóng đèn mới được thắp phía trên Paris. Tôi thấy mình được bảo vệ. Như thể hai tháp chuông là hai con mắt của một ai đó đang theo tôi và canh chừng cho tôi - một người mà tôi chắc chắn có thể tin tưởng. Người đó tuy ở xa bên kia sông nhưng chắc chắn sẽ không để bất kỳ điều gì xấu xảy ra cho tôi. Tôi thở ra một hơi dài và bước chậm lại.

Giờ thì tôi mới nhận ra Paris vẫn còn thức và tôi không hề một mình. Từ Pont Neuf, có nhiều đèn sáng dọc sông và khách du lịch còn tản bộ lúc nửa đêm. Thậm chí còn có cả một ban kèn đồng của mấy sinh viên đang chơi nhạc ở con đường bê tông chạy sát dưới sông mặc dù chỉ có vài người dừng lại nghe. Tôi cũng dừng lại ở dưới một tán cây xà cừ nghe họ chơi nhạc. Rồi sau đó lại ghé vào xem một triển lãm ảnh ở trên cây cầu gỗ Pont des Arts về dịch tả ở Ấn Độ. Những bức ảnh được phóng to, treo trên thành cầu, dưới ánh sáng nhập nhoạng của trời đêm. Dưới sông, thỉnh thoảng một chiếc thuyền đi qua, thắp sáng mặt nước bằng những khoảng xanh và trắng. Nền trời trong; mặt trăng tròn một nửa và gió thì thổi nhẹ. Tôi vui quá nên ngồi xuống trên cầu, tựa lưng vào lan can, rồi tôi nằm lăn ra, áp lưng xuống để nghe những nhịp rung nhè nhẹ của cây cầu dưới những bước chân người và những chuyển động của đường phố thưa vắng trong lúc mặt trăng rải một ánh sáng nhẹ lên khắp Paris. Tôi vui kinh khủng khiếp; mặc dù là hơi đói và người đẫm mồ hôi.

Sau một giờ đêm, Carrie vẫn thức và kinh ngạc khi tôi kể là tôi đã đi bộ từ đại lộ Champs về nhà. Carrie nhờ tôi đánh thức vào 8 giờ sáng mai để đi xem căn hộ định thuê. Trong phòng lại có thêm người mới: một cô sinh viên người Đức.

Đêm qua, tôi đi ngủ trong tình trạng hâm hấp sốt và tỉnh dậy vào đúng 4 giờ sáng. Chuyện này đã xảy ra từ mấy đêm nay và tôi tự hỏi cái gì đánh thức tôi dậy đúng vào giờ đó. Tôi không đói, không khát, cũng không cần đi tiểu (mặc dù thường thì sau khi tỉnh, và tự hỏi xem có phải mình tỉnh vì cần đi tiểu thì tôi nhất đinh PHẢI đi tiểu). Cái gì đã gọi tôi dậy vào giờ đó? Cái gì trong miên man mộng mị đã hiện ra đánh thức tôi? Cơ thể tôi dường như đã tự tỉnh dậy để đáp lại điều gì đó, theo trí khôn riêng của nó. Mà cũng có thể là từ một nơi rất sâu bên trong tôi, cái gì đó đã thức dậy. Bình thường, ở nhà, tôi ngủ đến 9 giờ, và thường thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, như thể tôi chưa từng ngủ suốt đêm.

Nhưng ở Paris mấy hôm nay, tôi luôn mở mắt chính xác vào 4 giờ sáng, hoàn toàn tỉnh táo. Tôi phải ép mình ngủ trở lại. Đêm qua, sau khi ngủ trở lại, tôi rơi vào một giấc ngủ sâu và đến 8 giờ sáng mới mở mắt. Carrie vẫn còn đang ngủ mê mệt. Tôi gọi Carrie dậy; cô ấy vội vã nhào xuống giường đánh răng rửa mặt rồi biến mất. Cả cô gái người Đức cũng tỉnh dậy vào biến mất. Tôi thì nằm trên giường đến gần 10 giờ để đọc sách. Khi nhận ra mình có thể sẽ lỡ bữa sáng lần thứ ba liên tiếp, và sẽ lại phải thấy nụ cười thỏa mãn của bà già phục vụ bữa sáng khi bà ấy chỉ tay vào đồng hồ trên tường với ý "10 giờ rồi, hết giờ ăn sáng rồi nhé", tôi vùng dậy, nhảy phóc từ trên giường tầng xuống rồi cứ thế chạy xuống khu vực ăn sáng. A ha! Vừa kịp lúc. Chỉ còn có hai phần ăn sáng còn lại. Tôi cười, bonjour và merci bà ấy, và đắc thắng mang bữa sáng ra một góc ngồi ăn trong tình trạng tóc tai bơ phờ, mặt mũi còn chưa rửa, miệng đắng ngắt, vừa ăn vừa nghĩ xem ngày hôm nay tôi muốn làm gì. Tôi nửa muốn đi ra khỏi Paris, tới cung điện Versailles, nửa muốn chỉ dành cả ngày ở quanh Latin - có lẽ là lại vào vường Luxembourg nằm đọc sách. Tôi cũng muốn tìm cho được phố Rue Moueffetard mà Hemingway gọi là "The cesspool[52]" - cái phố tôi đã cố tìm nhưng bằng cách nào đó nó luôn trốn thoát khỏi tôi dù tôi đã qua lại khu Latin đến ngàn lần. Cứ như thể cái phố này cố tình chơi trò trốn tìm với tôi. Sau cùng, không thể nào chọn lấy một thứ, tôi quyết định tôi sẽ đi bộ ra bến tàu St. Michel/Notre Dame để bắt tàu RER tới Versailles; và nếu trên đường đi tới bến tàu mà tôi đổi ý thì tôi sẽ ở lại. Tối nay, tôi sẽ ăn tối chia tay với Kai lúc 8 giờ nên kiểu gì tôi cũng phải trở lại khách sạn khoảng 6 giờ rưỡi để còn tắm gội, chuẩn bị trước.

[52] Cái hố phân.

Ra khỏi khách sạn, tôi không thể không nhận thấy rằng Paris lại đang đón tiếp một dòng khách du lịch mới. Cũng không có gì ngạc nhiên. Các sách du lịch đều khuyên tháng Chín là tháng tốt nhất để tới. Hôm tôi mới tới, khách sạn này hầu như không có người, phòng để hành lý chỉ có một cái va li lớn và các đường phố hầu như không có du khách, còn hôm nay, phòng hành lý chật ních các loại ba lô và va li, quầy máy tính lúc nào cũng có ít nhất hai người đang đứng chờ vào Internet, phòng ăn sáng chật người và trên các đường phố của khu Latin, khu Marais, khu Les Halles, thì du khách nhiều hơn người Paris.

Tôi đang đi dọc phố Thánh Michel về phía bến tàu thì thấy một đoàn người rất đông, đa số da đen, đi ngược lại từ đầu kia. Những người đi đầu cầm loa và họ đang gào lên những câu có chữ "papier". Tôi biết chữ này nghĩa là giấy tờ, chứng từ gì đó nhưng không biết chính xác cái có vẻ là một cuộc biểu tình này có nội dung gì. Vậy là tôi từ bỏ kế hoạch đi Versailles để ở lại ngắm khuôn mặt mới này của Paris.

Đoàn biểu tình ở Paris

Thực ra, ngày hôm trước, trên đường từ đồi Montmartre trở về, tôi đã thoáng thấy bóng dáng này của Paris.

Hôm đó, rời đồi Montmartre trong tình trạng mỏi nhừ vì những bậc thang lên đồi và xuống đồi, tôi lên tàu điện ngầm ở Rue de Clichy; rồi xuống bến Charles de Gaulles để chuyển tàu. Lúc đó là giờ tan tầm, tàu đông nghẹt người, tôi chỉ có thể đứng yên mà không nhích nổi chân. Khi tôi đã vào trong tàu ở bến Charles de Gaulles, và tàu đã đóng cửa nhưng mấy phút sau vẫn không chuyển bánh. Thế rồi, loa phóng thanh trên tàu nghèn nghẹt thông báo gì đó và tất cả mọi người trên tàu kêu lên thất vọng rồi rời tàu. Tôi hỏi một cô gái có vẻ là sinh viên xem chuyện gì xảy ra và cô ấy giải thích gì đó bằng tiếng Pháp mà tôi không hiểu. Một số người sau khi rời khỏi tàu thì đi lên khỏi bến luôn nhưng một số lớn vẫn đứng lại tiếp tục chờ. Tôi quá mệt nên quyết định cũng chờ mặc dù không hiểu chuyện gì xảy ra và cũng không dám hỏi ai nữa vì tất cả những người đứng chờ tàu lúc đó đều mang một vẻ mặt im lìm và thiểu não. Tôi chưa bao giờ thấy có nhiều người mặc áo đen đứng im lìm chờ tàu như thế, kể cả là ở Chicago, Boston hay New York.

Chờ thêm mấy phút thì một chiếc tàu khác tới. Tôi vội chen chân lên tàu và kiếm được một chỗ ngồi gần cửa. Nhưng từ lúc đó cho đến lúc xuống tàu ở bến Hôtel de Ville, tôi ngồi trong tư thế mặt đối mông. Quả thực là tàu đông đến nỗi mũi tôi ở cách một cặp mông Pháp chỉ vài xăng ti mét. Nhưng tôi quá mệt và cũng không có chỗ mà xoay trở nên đành chấp nhận tình trạng này. Một số người chậm chân không cả lên được tàu; họ vung tay thất vọng. Mùi người nồng nặc trong khoang tàu nhỏ khiến tôi tưởng mình có thể ngất. Nhưng cuối cùng tôi cũng lên khỏi tàu. Lên đến phố Rivoli và tỉnh táo lại khi hít thở không khí của mặt đất, tôi hỏi một người cảnh sát đứng gần bến tàu; anh ta nói những người lái tàu đang đình công nên có một số tàu chạy, một số thì không.

Đoàn biểu tình lúc này đã đi hết phố Thánh Michel và dừng lại ở quảng trường gần đài phun nước. Họ giương cao một biểu ngữ lớn có dòng chữ "Sans Papiers den danger". Một thanh niên đứng quay mặt lại đám đông diễn thuyết điều gì đó, và đám đông vỗ tay ủng hộ sau mỗi câu anh ta nói. Sau đó, họ bắt đầu một kiểu hát đối đáp của các bộ lạc châu Phi trong đó người thanh niên cầm loa hát một câu và những người trong đoàn biểu tình hát một câu đáp lại. Họ hát và vỗ tay theo nhịp, nghe rất hay. Họ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cụm từ "pa pi ê mi i ghê" mà tôi đoán là "immigrations papers" tức là giấy tờ nhập cư. Tôi hỏi một bà già da trắng đang vừa chờ xe buýt vừa xem biểu tình.

"Bà ơi, bà có nói tiếng Anh không?"

"Một chút thôi."

"Ồ, may quá. Bà có biết họ biểu tình về việc gì không?"

"Về giấy tờ. Họ không có giấy tờ. Mấy người này làm việc... lau dọn... phục vụ... nhưng không giấy tờ."

"Giấy tờ gì vậy? Có phải là giấy nhập cư? Visa nhập cư?"

"Oui oui... visa. Nhập cư lậu đấy."

"Bà có biết họ ở đâu đến không?"

"Châu Phi. Senegal. Congo. Bờ Biển Ngà."

"Chính phủ có làm gì không hay cứ kệ họ?"

Bà già nghe chữ "chính phủ" thì nhún vai với vẻ "ôi giời, chính phủ này thì làm được cái gì chứ" rồi bắt đầu hào hứng nói một tràng dài bằng tiếng Pháp liên quan tới chính phủ. Tôi không hiểu bà ấy nói gì nhưng bà ấy rõ ràng thất vọng nặng nề về chính phủ lắm; bà nhắc đến tên tổng thống Pháp Sarkozy rất nhiều lần với vẻ rất bất bình và ngán ngẩm. Rồi bà túm hẳn lấy tay tôi mà kể lể; hình như bà đang kể lại toàn bộ những bất công mà đời bà từng chịu đựng với chính phủ và "cái xã hội Pháp", từ lúc còn là thanh niên. Bà hẳn còn tiếp tục nói nữa nếu như xe buýt của bà không đến.

Trong lúc đó, đoàn biểu tình tiếp tục đối đáp, hô khẩu hiệu. Xung quanh, chỉ có khách du lịch đứng lại nhìn còn người Paris và cả cảnh sát cũng chẳng có thái độ gì - hẳn họ đã thấy cảnh này quá thường xuyên. Những người cảnh sát đứng ngồi ngả ngốn trên những chiếc mô tô mà tán chuyện vui vẻ với nhau. Tôi băng qua đường, đi thẳng vào giữa đoàn biểu tình. Mấy người đàn ông nhìn tôi với vẻ nghi ngại, nhưng tôi chỉ mỉm cười, liên tục gật gật đầu "bonjour, bonjour" trong lúc vừa len lỏi trong đám đông vừa tìm xem có người phụ nữ nào có vẻ thân thiện để nói chuyện.

Đoàn biểu tình chẳng có mấy phụ nữ. Tôi đi quanh một lúc mới thấy mấy người phụ nữ ăn mặc theo kiểu châu Phi - tức là những cái váy hoa sặc sỡ và đầu quấn khăn. Có một nhóm năm người ngồi cạnh nhau nói chuyện; một trong số họ ngồi dưới đất, trông có vẻ buồn bã. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị ấy.

"Chào chị. Xin lỗi, chị có nói tiếng Anh không?"

Chị lắc đầu rồi nhìn quanh và chỉ về phía một phụ nữ đang ngồi trên bờ gần bồn nước. Chị ấy vẫy vẫy tay rồi gọi to tên người phụ nữ đó; khi người đó quay ra nhìn, chỉ ấy chỉ vào tôi và nói gì đó bằng tiếng Pháp. Tôi cảm ơn chị ấy rồi đi tới ngồi xuống cạnh người phụ nữ mới.

"Chào chị, xin lỗi làm phiền chị. Chị có nói tiếng Anh không?"

"Có."

"May quá, em muốn hỏi chị mấy câu nếu chị không phiền."

"Cô hỏi làm gì?" Chị ấy có vẻ nghi ngại.

"À, em chỉ..." Tôi định nói là "tò mò" nhưng nghe vậy không được hay lắm nên tôi, "Em là sinh viên, em muốn tìm hiểu thôi."

"À, sinh viên," chị ấy thở phào. "Được."

"Mọi người biểu tình chuyện gì thế?"

"Chuyện giấy tờ. Bọn tôi ở đây mười năm, năm năm, lâu hơn thế, không giấy tờ gì cả. Như thế là không tốt."

"Chị ở đây bao lâu rồi?"

"Mười năm rồi."

"Lâu quá nhỉ. Chị vẫn không có giấy tờ?"

"Không giấy tờ."

"Thế chị làm gì để kiếm sống?"

"Không làm gì cả. Không có việc. Vì không có giấy tờ,"

"À, thế là chị không được phép làm việc. Thế thì làm thế nào chị có tiền để sống?"

"Bạn tôi và gia đình cho tôi tiền."

"Chị ở đâu tới?"

"Tubu."

"Thế họ thì sao?" Tôi chỉ vào nhóm người. "Họ từ đâu tới?"

"Khắp nơi. Senegal, Congo..."

Chị ấy đột nhiên nhìn vào ngón tay tôi rồi cười:

"Cô lấy chồng rồi hả?" (Tôi đã lại đeo nhẫn cưới trở lại vì tôi không biết để nó ở đâu mà không có khả năng bị mất, và tôi thì không thể để mất cái nhẫn này.)

"Vâng," tôi cười. "Em lấy chồng rồi."

"Cô từ đâu tới?"

"Em là người Việt Nam nhưng đang sống ở Mỹ."

"Thế à? Mỹ à? Tôi sống ở Mỹ năm năm trước khi sang đây."

"Chỗ nào ở Mỹ ạ?"

"California."

"Thế ạ? Em sống ở Chicago. Đại loại vậy."

"Cô có con chưa?" Giờ thì chị ấy nắm lấy tay tôi hào hứng.

"Em chưa," tôi cười.

"Đừng lo!" Chị ấy phá lên cười. "Cô còn trẻ mà."

"Thế chị thì sao? Chị có con chưa?"

"Hai đứa rồi. Vẫn ở châu Phi."

Chị ấy hỏi chồng tôi có phải người Mỹ không, tôi nói không, người Việt Nam. Chị ấy hỏi tôi có thẻ xanh chưa, tôi nói chưa, em chỉ có visa sinh viên thôi.

"Thế là cũng không có giấy tờ để làm việc, chị ấy nói.

"Đúng rồi, không giấy tờ, giống như chị."

Tôi nói tôi hy vọng khi nào học xong thì sẽ xin được việc. Chị ấy chúc tôi may mắn. Tôi hỏi bây giờ đoàn biểu tình sẽ làm gì; chị ấy nói họ sẽ diễu hành tới quảng trường Cộng hòa; rồi sau đó thì không biết sẽ làm gì tiếp. Có thể là lại về nhà thôi. Tôi hỏi chính phủ có làm gì không, chị ấy nói không biết; những người như chị ấy thì cứ biểu tình đã, cũng vô vọng lắm nhưng còn biết làm gì. Chị ấy bảo giờ chính phủ trơ rồi, mọi người cũng trơ ra rồi, chả ai muốn bảo vệ, ủng hộ, đấu tranh cho ai nữa; mà người nhập cư giờ cũng đông, đủ loại, nhiều người cũng không tử tế gì, cứ trộm cắp, nghiện ngập, cho nên xã hội càng kỳ thị. Giờ dân nhập cư di chuyển tán loạn ở châu Âu, không ở được nước này thì sang nước khác theo kiểu nhập cư lậu, sans-papiers, nên chính phủ càng thắt chặt luật lệ nhập cư. Nước Pháp bây giờ có chế độ nhập cư hà khắc nhất châu Âu. Nói chung là nan giải lắm, biểu tình thì cứ biểu tình, còn chả biết thế nào.

Tôi chào chị ấy rồi đi. Thôi, hôm nay không đi Versailles cũng được. Cuộc biểu tình này tuy nhỏ nhưng nó được phép diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái như thể là một điều lớn. Một xã hội coi việc thực hành quyền dân chủ như một điều tự nhiên là một xã hội đã tiến rất xa. Nhìn những người biểu tình, tôi không khỏi nghĩ đến những bức vẽ mà người ta bán ở các hiệu sách dọc sông Siene; những tấm hình Al Pacino trong phim Scarface với dòng chữ "In money we trust", rồi Jim Morrison, và John Lennon - những người nổi loạn, những "working class hero[53]". Paris thật hợp với những từ như "cách mạng", "lật đổ", "chiến lũy", "biểu tình"... vậy mà Paris vẫn là thành phố lãng mạn nhất và đẹp nhất tôi từng biết. Có lẽ tất cả những người mơ mộng đều là người nhiều lý tưởng; mà để thực hiện lý tưởng đôi khi cần phải lật đổ, đập tan cái cũ. Cách mạng chỉ là một vẻ mặt khác của sự lãng mạn. Cách mạng là sự lãng mạn đang cau mày.

[53]Anh hùng của giai cấp lao động.

Giờ thì tôi nghĩ, có lẽ vật có tinh thần Paris nhiều nhất chính là những cái

cột điện dọc đại lộ Thánh Michel của khu Latin. Trên những cái cột sắt cao mảnh dẻ ấy, có thể gặp một mẩu quảng cáo hòa nhạc Bach và Vivaldi miễn phí trong nhà thờ thánh Chapelle cạnh quảng cáo về một lớp nhập môn triết học cho trẻ em, cạnh một mẫu quảng cáo về dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư, cạnh một tờ khuyến cáo người dân bầu cử, cạnh quảng cáo lớp học ballet, cạnh một mẩu tìm mèo lạc. Tự do, bình đẳng, bác ái, nghệ thuật, dân chủ và cái đẹp chen chân nhau trên những cây cột thắp sáng Paris[54].

[54]Paris được gọi là "kinh đô ánh sáng" vì Paris là một trong những thành phố đầutiên sử dụng đèn điện để thắp sáng đường phố. Cuối thế kỷ XVII, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng nhiều tệ nạn của thành phố. Nhưng cụm từ "kinh đô ánh sáng" cũng ám chỉ việc Paris là một trong những trung tâm văn hóa, tri thức lớn nhất của thế giới.

Quảng cáo hòa nhạc Bach, lớp học triết cho trẻ em, và tìm việc cạnh nhau, Paris.

Đêm qua, tôi ăn bữa tối chia tay với Kai và Sarah. Chúng tôi đi bộ qua sông Seine ở đoạn Quai aux Fleurs, rồi vào một nhà hàng Địa Trung Hải chuyện phục vụ các loại crepe khác nhau. Kai gọi món crepe với thịt xông khói, trứng và rau; Sarah ăn bánh crepe với rau spinach; còn tôi ăn crepe với măng tây. Loại bánh crepe này có da màu nâu chứ không phải màu vàng vì chúng được làm bằng lúa mỳ còn nguyên thay vì bột mì. Kai gọi nước quả lên men, chỉ có 5% cồn. Chúng tôi ăn xong thì đi uống cà phê ở một quán ngay gần quảng trường Thánh Michel - lúc này đông nghẹt người ngồi ăn tối, uống cà phê và rượu. Khi chúng tôi đứng dậy đã là 11 giờ 33 phút và Kai phải bắt chuyến tàu muộn về lại nhà. Chúng tôi ôm hôn nhau và hẹn sẽ còn gặp lại.

Trở về khách sạn lúc gần nửa đêm sau khi chia tay Kai và Sarah, tôi có cảm giác như đã chia tay Paris đến nơi và một nỗi buồn len lén dâng lên. Tôi đi bộ trở lại bờ sông Seine, đứng đó nhìn xuống dòng nước một lúc rồi mới về phòng.

Trong phòng, Carrie đang ngồi trên giường chăm chú nghiên cứu bản đồ Paris:

"Em đã tìm được nhà thuê chưa?" Tôi hỏi.

"Chậc," Carrie tặc lưỡi rồi phá lên cười. "Kế hoạch của em có một thay đổi nhỏ, Fuck, em đã khóc suốt cả ngày hôm nay..."

"Sao thế?"

Hóa ra, Carrie đã đi tới xem và thích căn hộ đó. Nhưng vì Carrie chưa có việc làm và chỉ có visa du lịch nên người cho thuê nhà yêu cầu Carrie phải trả trước ba tháng tiền mặt, tức là khoảng 4000 đô la. Khi Carrie ra ngân hàng rút tiền, cô phát hoảng vì bốn nghìn là một nửa số tiền mà Carrie đã tiết kiệm được trong suốt mấy năm vừa học vừa làm bồi bàn.

"Thế là em bắt đầu khóc và nghĩ, fuck, không biết em đến Paris làm quái gì nhỉ. Chẳng hiểu thế quái nào em lại nảy ra cái ý định quỷ quái là chuyển đến Paris sống một năm chứ. Em không thể làm thế được, em không thể. Em khóc, em gọi điện cho mẹ em, em bảo mẹ ơi, con không làm được. Mẹ em bảo con có thể làm bất cứ thứ gì con muốn, nếu con muốn chuyển đến Paris sống thì dũng cảm lên, con có thể làm được, còn nếu con chỉ muốn đi du lịch khắp châu Âu thì cũng được, tùy con. Em bảo là thôi con không chuyển đến Paris sống nữa, con chỉ đi du lịch quanh châu Âu khoảng ba tháng rồi sẽ về lại Mỹ. Đấy, giờ kế hoạch mới của em là thế... Nhưng vấn đề là bây giờ em không biết làm gì với cả cái đống shit này của em. Fuck! Em mang theo nhiều đồ quá, em cứ nghĩ là em sẽ chuyển đến đây, nhưng giờ chỉ đi du lịch thôi thì em không biết làm quái gì với đống shit này."

Tôi nói với Carrie là sợ hãi là chuyện bình thường, ai cũng sẽ có một chút sợ hãi khi một mình chuyển đến một thành phố xa lạ ở một nước khác, không người thân thích.

"Nhưng em cần cho Paris một cơ hội và cho em một cơ hội với Paris," tôi nói. "Rồi em sẽ thấy mừng là em đã chuyển đến đây."

"Ồ, không, không không," Carrie lắc đầu quầy quậy. "Không đâu, em biết là

em không muốn chuyển đến đây sống. Em chẳng biết là em lấy đâu ra cái ý nghĩ điên rồ đấy. Lúc em email cho cái bà chủ nhà và bảo bà ấy là xin lỗi bà, cháu không thuê nữa đâu, xin lỗi làm mất thời gian của bà, em thấy nhẹ hết cả người. Phù. Chúa ơi, không không, em không muốn đến đây sống đâu, em chỉ muốn đi du lịch ba lô quanh châu Âu một thời gian rồi về nhà tìm việc đi làm thôi. Lại đi làm kiếm tiền như mọi người."

Và đây là lý do mà Carrie đang nghiên cứu cái bản đồ Paris bởi vì từ hôm đến đây, cô ấy quá lo lắng chuyện tìm nhà nên chẳng có tâm trí đâu mà ngắm Paris. Tôi chỉ cho Carrie cách gửi đồ thừa ngoài nhà ga, cách xem bản đồ, cách đi tàu điện và cách định hướng. Tôi trả lời các câu hỏi về Paris... và Carrie ngẩn ra, đập mạnh vào vai tôi:

"Ê bồ, làm thế quái nào mà bồ biết quá nhiều về Paris thế? Chị đến Paris được bao lâu rồi?"

"Mười hôm."

"Mười hôm? Nghe cứ như chị đã sống ở đây cả năm, cái quái gì chị cũng biết là thế nào hử?"

Nghĩ cho kỹ thì Carrie cũng không sai nếu như tôi tính cả những năm tháng tôi đã đọc về Paris. Thực sự là, mới ở đây mười ngày nhưng tôi cảm giác như tôi đã biết rất rõ Paris, tôi có thể lên tàu đi bất cứ đâu, tìm đường về khách sạn từ bất cứ địa chỉ nào... tôi có thể chuyển đến đây sống mà sẽ không bỡ ngỡ. Thực sự, tôi đã không còn là một khách du lịch ở Paris nữa rồi.

Những ngày này, đêm nào tôi cũng đọc lại một chương trong Những người khốn khổ trước khi đi ngủ. Tôi sẽ trở về nhà từ đâu đó trong lòng Paris và trên chiếc giường đơn ở tầng hai, tôi bật cái đèn cá nhân ở đầu giường rồi mở Những người khốn khổ ra và lại chìm đắm trong một Paris của Hugo với những cái tên quen thuộc - phố Thánh Denis, phố Thánh Jacques, Rue de Babylone, nhà xép Gác-bô, quán Cô-ranh, vường Luxembuorg, nhóm ABC, nhà tu Picpus, cầu Austerlitz, cánh đồng Sơn-ca, chân trời có rạng chớp, một phòng khách ngày ấy, Ma-ri-uýt nghèo, Ma-ri-uýt túng quẫn, Ma-ri-uýt tuyệt vọng... trong lúc cách đó không xa, sông Seine vẫn tiếp tục chảy trong đêm, Nhà thờ Đức Bà vẫn đứng sừng sững, vườn Luxembourg thiu thiu ngủ, và những tiếng giày lẻ loi của một người Paris nào đó vọng lên từ dưới lòng đường lát đá... - và tôi nghĩ "À phải, mình đã ở đây, mình biết chỗ này" hoặc "À, chỗ này mình chưa đến... mình phải nhớ đi tìm chỗ này..." và cứ thế, tôi chìm vào một giấc ngủ giữa một Paris ở gần tôi hơn, thật hơn, đẹp hơn, đồng thời lại xa lạ, bí ẩn, và quyến rũ hơn bao giờ hết.

Paris, ngày gần cuối.

Hôm nay là ngày trọn vẹn cuối cùng của tôi ở Paris và Paris có nắng. Tôi thì đang ở tiệm giặt đồ trên phố Rue de Jouy. Tôi sẽ giặt đồ, rồi đi ăn trưa, rồi đi quanh một chút để tìm phố Moueffetard, rồi sẽ tới vườn Luxembourg thêm một lần nữa, rồi sẽ ăn bữa tối tạm biệt Paris. Ngày mai tôi sẽ ăn sáng rồi rời Paris. Tôi cũng muốn cắt tóc nữa nhưng cắt tóc ở Paris đắt quá, các cửa hiệu ở xung quanh khách sạn đều có giá ít nhất 40 euro, tương đương 70 đô la... vậy là tôi sẽ phải chờ về lại Mỹ để đi cắt ở cái tiệm quen thuộc có giá 18 đô la một đầu.

Cửa hiệu giặt đồ này rất đơn giản; chỉ có bảy cái máy giặt tất cả, bốn máy lớn và ba máy nhỏ. Máy lớn có thể giặt được 15kg quần áo mỗi lần (với giá 8 euro), máy nhỏ giặt 7kg (giá 3.5 euro). Chủ hiệu là một ông già gần bảy mươi đang đọc báo và mặc áo may ô và quần cộc lúc tôi bước vào. Giờ đã là gần trưa rồi nhưng ngày của tôi mới bắt đầu bởi vì sáng nay, cả tôi và Carrie đều ngủ quên và mở mắt ra lúc 10 giờ rưỡi. Carrie kêu"

"Ôi giời ơi chị ơi, dậy đi, it's fucking mười rưỡi rồiiiiiiii."

"Chị với em chắc là những kẻ du lịch lười biếng nhất Paris," tôi cười.

Thực sự là tôi có thể dậy sớm nếu tôi muốn, nhưng hôm nay là ngày trọn vẹn cuối cùng của tôi ở Paris và tôi không muốn vội.

Tiệm giặt này chỉ cách khách sạn có hai khối nhà. Có một tiệm giặt khác trên phố Rue de Rivoli nhưng hôm trước, khi đi qua đó, tôi thấy một thanh niên đồng tính luyến ái chỉ mặc một chiếc quần sịp bảy sắc cầu vồng với tất trắng ngồi đọc báo trong lúc chờ đồ giặt. Có vẻ như tiệm giặt đó chuyên phục vụ những người đồng tính luyến ái độc thân.

Sáng nay, trên đường đi đến đây với bịch quần áo bẩn, tôi phải dừng lại giữa đường vì đột ngột có cảm giác choáng váng, bồng bềnh như sắp ngất. Có lẽ là tôi bị hạ đường huyết.

Giặt mất bốn mươi phút. Buồn cười nhất là sau khi giặt xong, tôi ra hiệu cho ông chủ tiệm rằng máy đã giặt xong, nhưng ông ta giơ một ngón tay lên với tôi, ra ý "Im nào, tôi đang đọc báo, đừng làm phiền tôi". Trông ông ấy như thể ông ấy có tất cả thời gian trên đời để đọc hết cái bài báo đó (hình như là báo thể thao). Rồi mấy phút sau, ông ta bỏ tờ báo xuống, từ từ đứng dậy và rồi cũng đủng đỉnh, chậm rãi như thế, nhặt từng món đồ của tôi bỏ vào máy sấy. Trời đất quỷ thần ơi, phải nói là người Paris không hề có một chút ý thức phục vụ khách hàng. Thậm chí họ có vẻ cũng chẳng cần khách hàng. Ở Mỹ thì khác. Tôi không bao giờ cần nói một lời; những người phục vụ lúc nào cũng hau háu chờ xem có thể làm gì thêm để khiến khách hài lòng nhất.

Sấy mất nửa tiếng mới xong. Tôi lại có một loạt quần áo mới để đi Ý.

Trưa, tôi rẽ vào tiệm phở Tây Đô mà tôi nhìn thấy hôm trước trên phố Rue des Ecoles. Khi người chủ tiệm mang phở ra; tôi hỏi:

"Chú là người Việt Nam ạ?"

"Ừ, đây cũng người Việt Nam nữa nè," chú ấy nói giọng miền Trung và chỉ cho tôi một bác già ngồi ở một bàn gần đó cùng một cô gái trẻ người Pháp.

Tôi cúi đầu chào bác già. Bác ấy nói bằng giọng Huế nhẹ:

"Cháu ở đâu sang? Cháu người vùng nào ở Việt Nam?"

"Cháu ở Hà Nội ạ."

Bác ấy mặc áo sơ mi trắng, trông có cái vẻ của một học giả điển hình thời những năm 1960. Sau khi bác ấy hỏi tôi làm gì ở Paris, tôi hỏi lại bác làm gì ở Paris. Bác ấy nói bác ấy đã sống ở đây rất nhiều năm rồi, và bác ấy nghiên cứu ngôn ngữ, ngoài những việc khác. Bác ấy bảo bác ấy đang giải thích cho cô sinh viên Pháp này về ngôn ngữ tiếng Việt. Bác ấy đã viết một cuốn từ điển tiếng Việt với khoảng 33 ngàn từ trong khi người Việt Nam cùng lắm chỉ dùng đến 10 ngàn từ. Bác ấy nói xong, tôi tiếc quá: trước chuyến đi này, tôi đã nghĩ là tôi rất muốn gặp một số học giả người Việt sống ở Paris, tôi biết có rất nhiều người thú vị; nhưng rồi tôi lại thôi. Giờ thì đã quá muộn rồi, mai là tôi rời Paris.

Bác ấy và tôi nói chuyện một chút về tiếng Việt; rồi phở của tôi được mang ra. Bác ấy nói khẽ:

"Ăn đi không nguội cháu. Bon appetit![55]."

[55] Chúc ngon miệng!

Bác ấy có cái vẻ lịch lãm Paris rất dễ nhận. Làm sao có thể sống ở đây mà không nhiễm sự lịch lãm của Paris được.

Bây giờ là 2 giờ chiều và tôi thì đang ở trong cái vườn nhỏ tuyệt đẹp giữa Rue Monge và Rue Bernadins. Hai học sinh trung học vừa mới vào vườn và ngồi xuống một cái ghế dài gần tôi. Một cậu ăn mặc giống với học sinh trung học Mỹ, tức là áo thể thao có mũ trùm đầu, giày Nike, quần bò lụng thụng. Nhưng cậu kia thì trông như một sinh viên Sorbonne những thế kỷ trước. Cậu ấy mặc sơ mi trắng bên trong, com lê da đen ở ngoài, tay cầm một cái túi da dê màu vàng, đầu đội một cái mũ quả dưa như của các quý ông thời trước, và tay cầm một cái ô đen với cán gỗ dài màu vàng. Trông cậu ấy quá giống như một gentlement mặc dù cậu ấy chắc chắn không ngoài mười tám.

Giờ thì tôi dễ dàng nhận ra ai là khách du lịch ở Paris. Họ luôn sợ mất đồ ở khách sạn nên họ thường đi trên phố với một cái ba lô to sau lưng. Trông họ khốn khổ vì gánh nặng khi đi bộ dưới mặt trời.

Có lẽ tôi phải về lại khách sạn thôi. Đầu tôi lại bắt đầu chòng chành rồi. Tôi không thể mạo hiểm được.

10:37 tối: Viết từ trong nhà hàng Les Philosophes, số 28 phố Vieille-duTemple.

Tôi quyết định đến đây ăn bữa tối tạm biệt Paris bởi vì tôi biết lúc này thì tôi rất cần phải ăn một bữa ngon. Mà chính xác là tôi cần ăn thịt bò bít tết; một miếng bít tết New York thật to, được làm tái, cắt ra vẫn còn huyết đỏ. Tôi cũng muốn một ít khoai tây luộc và bánh mỳ bơ. Tôi không thể ốm vào lúc này, và cách phòng trừ tốt nhất là một bữa ăn ngon và một giấc ngủ dài. Thực ra đây là bữa tối thứ hai của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ốm nên tôi ra khỏi khách sạn lúc 10 giờ rưỡi tối mặc dù tôi đã ăn một bữa tối lúc 6 giờ.

Từ chiều, tôi đã về lại khách sạn lúc 2 giờ rưỡi (nghĩa là phố Rue de Mouffetard lại một lần nữa trốn thoát), bò vào giường và ngủ một giấc mê mệt. Khi tỉnh dậy gần 6 giờ tối, tôi thực sự mệt. Người tôi sốt và cả một cảm giác gì đó nữa, giống như một sự mong chờ. Nó làm tôi nghĩ đến những lúc tôi tỉnh dậy vào 4 giờ sáng, hoàn toàn tỉnh táo, cũng với một cảm giác mong chờ không rõ ràng, một sự tìm kiếm và một tiếng thở dài mà tất cả sự lãng mạn hạnh phúc của Paris gộp lại cũng không cứu được.

Tôi ra khỏi giường, đi sang tiệm cơm Tàu ở bên kia phố Rivoli, mua một ít cơm với thịt gà xào chanh và thịt bò xào hành tây. Ăn xong, tôi lại ra siêu thị mua một ít nước cam và một ít nho. Tôi ăn hết tất cả chỗ thực phẩm đó rồi lên giường ngủ tiếp cho đến lúc tôi tỉnh dậy sau 10 giờ và quyết định phải đi ăn bữa tối thứ hai.

Ở bàn bên canh, một thanh niên Pháp vừa tới. Anh ta có khuôn mặt giống hệt Tom Cruise nhưng cao hơn nhiều. Anh ta đi cùng một cô gái nhưng trông hai người có vẻ không phải là người yêu; trông họ như hai anh em thì đúng hơn. Trong quán này, tôi là người duy nhất ăn tối một mình; tất cả những người khác đều có bạn.

Than ôi, ngày gần cuối cùng của tôi ở Paris mà tôi thì ốm yếu như một con sên.

Paris, ngày cuối cùng...

11:33 sáng: Viết từ Café Notre Dame, đối diện với Quai Saint Michel.

Tôi ngồi đối diện với hai tháp chuông Nhà thờ Đức Bà ở cách tôi chừng mấy trăm mét. Tuy nhiên, tầm nhìn của tôi bị chắn bởi một màn hình lớn mà người ta dựng lên từ đêm qua để tường thuật cuộc viếng thăm của Giáo hoàng vào ngày mai. Thực tế là từ hôm qua, họ đã đóng cửa vườn đằng sau; ngày hôm nay chắc họ cũng không cho khách vào thăm Nhà thờ để còn chuẩn bị đón Giáo hoàng. Bây giờ, xung quanh Nhà thờ, ở cả hai bên bờ sông, phía trước và phía sau, người ta đã dựng lên rất nhiều rào chắn, màn hình ti vi ngoài trời và các xe thu phát. Tầm này ngày mai, chỗ này sẽ đông nghẹt người đón Giáo hoàng. Khi nghĩ đến việc Paris đã đông nghẹt khác du lịch từ mấy hôm nay, tôi mừng rằng hôm nay tôi sẽ rời Paris.

Nhưng nói như vậy là nói dối rồi. Tôi không mừng mình sẽ rời Paris hôm nay bởi vì dù đông đến mấy, chật đến mấy, Paris vẫn có một chỗ cho tôi và tôi có một chỗ cho Paris. Nhưng tôi sẽ đi, dù có hơi bịn rịn như phải chia tay một người bạn thơ ấu. Đêm qua, Carrie hỏi tôi "Sao chị có thể thích Paris thế nhỉ?" và nhún vai "Em thì không thích lắm, nhiều khách du lịch quá." Tôi chỉ cười vì sẽ mất quá nhiều thời gian để giải thích cho Carrie hiểu rằng quan hệ của tôi với Paris đã bắt đầu ở một nơi không có những người khách du lịch này và đang tiếp diễn theo cái cách mà những khách du lịch này không thể làm ảnh hưởng.

Nhưng nói về sự quyến rũ của Paris thì tôi phải nhắc đến một việc mà tôi đã nghĩ từ hôm đầu đến đây: Tôi vừa không thể tưởng tượng nhưng đồng thời lại thấy hoàn toàn có thể hiểu tại sao cái thành phố bé nhỏ này có thể chứa nhiều con người vĩ đại đến vậy. Những đường phố nhỏ này đã thấy dấu chân của rất nhiều nghệ sĩ, nhà tư tưởng, chính khách lớn... họ đã đến, đã sống, và chết ở đây. Làm thế nào mà những bộ óc lớn này có thể ở cùng trong một không gian nhỏ, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không dẫm đạp lên nhau, chia sẻ mà không tan biến vào nhau, kết nối những vẫn độc đáo và riêng biệt, chung mà vẫn một mình, cứ ngang nhiên vĩ đại. Tôi cứ nghĩ đến tất cả những salon văn học ở Paris trong các thế kỷ trước và hiểu tại sao chỉ có ở Paris chuyện này mới xảy ra. Như phòng khách văn học của Hugo, nơi những nhà văn và nghệ sĩ thuộc trường phái Lãng mạn đã tụ tập thường xuyên. Hay phòng khách của Mallarmé mà người Paris gọi là Les Mardistes (Những kẻ Thứ Ba) vì thứ Ba hằng tuần là nơi tụ tập của các trí thức và nghệ sĩ bao gồm Yeats, Rilke, Paul Valéry, Paul Verlaine, v.v... Và dĩ nhiên phải kể đến phòng khách của Gertrude Stein - tụ điểm của những nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ nước ngoài sống ở Paris những năm 1920. Rồi tôi lại nghĩ đến những người như George Sand - một nhà văn, một người phụ nữ đã là người-tình/tri-kỷ của cả Chopin và Flaubert. Tất cả chỉ trong một thành phố rất nhỏ.

Thật khó tưởng tượng mà lại thật dễ hiểu.

Và điều này làm tôi nghĩ đến Hà Nội, làm cho tôi muốn làm cái gì đó tương tự ở Hà Nội bởi vì theo nhiều cách, Hà Nội rất giống Paris. Vấn đề là: kiếm đâu ra những người đủ yêu nghệ thuật và cái đẹp đến mức họ có thể chịu đựng và tha thứ cho những cái tôi to lớn và những lập dị của các nghệ sĩ đồng nghiệp; để thấy rằng cái tài và cái đẹp không thể nào xấu xa được.

Đêm qua trời mưa và tôi có một giấc ngủ đầy những giấc mơ nặng nề do hệ quả của cơn sốt chờn vờn. Tôi lục sục tỉnh dậy đi toilet nhiều lần, rồi có một giấc mơ lạ lùng trong tình trạng chàng màng, ở đó, tôi đã nhớ một người bạn mà tôi cũng không chắc là ai, nhưng nhớ đến mức nỗi nhớ như một con dao đâm chầm chậm xuyên qua người tôi, làm tôi tỉnh dậy. Và lơ mơ tỉnh dậy vào lúc gần sáng, tôi không hiểu đó là một giấc mơ, hay là ở một nơi nào đó, trong một chiều không gian nào đó, nó đã thực sự xảy ra, theo cái cách linh hồn của bạn tôi và tôi đã theo dấu nỗi nhớ không rõ khởi nguồn đó mà tìm gặp nhau.

Nhân nói đến trí nhớ, những ngày này tôi có một nỗi lo. Gần đây, có nhiều khoảnh khắc tôi không làm sao nhớ nổi những điều tôi từng biết chắc chắn. Ví dụ như tôi vẫn không làm sao nhớ được chính xác cách viết chữ "Sacré Coeur". Đôi lúc, tôi muốn dừng ghi chép vì có vẻ như khi làm vậy, trí nhớ của tôi sẽ biến thành một cái gương chứ không phải một cái kho; một cái gương thì chỉ phản chiếu ảnh của một vật, và khi vật đó biến mất thì ảnh cũng biến mất lun. Cái hành vi ghi chép này có mục đích ghi nhớ mọi việc nhưng thực tế cũng lại là hành vi tẩy xóa chúng khỏi trí nhớ bởi vì khi tôi viết, não của tôi sẽ tự nhủ rằng được rồi, mình đã lưu lại các việc này trên văn bản ở đâu đó và không cần lưu trong bộ nhớ nữa.

Hôm trước, vì lo điều này, tôi thử không ghi chép gì cả ngày xem tôi có nhớ lại được không. Hóa ra tôi vẫn nhớ được. Vấn đề của tôi là trí nhớ cảm xúc của tôi mạnh hơn trí nhớ hình ảnh, vì thế mà khi tôi có ấn tượng mạnh về một cái gì đó, thì cái ấn tượng cảm giác đó luôn xóa nhòa tất cả các chi tiết khác, chỉ để lại các nét phác thảo cơ bản, giống hệt như kiểu của các họa sĩ trường phái Ấn tượng. Như khi tôi thích một ai đó, tôi không bao giờ nhớ được khuôn mặt người đó trông như thế nào, nhưng tôi có thể nhớ chi tiết cảm giác của mình vào từng khoảnh khắc gặp mặt. Như vào giây phút này, tôi đang ngồi đối diện Nhà thờ Đức Bà, tôi không chắc là sau này tôi sẽ nhớ được bao nhiêu chi tiết về các tòa tháp, các tượng thú, các cửa sổ, các kèo cột... nhưng tôi chắc chắn sẽ nhớ tôi đã cảm thấy thế nào mỗi lần tôi vượt qua sông Seine và thấy Nhà thờ Đức Bà kiêu hãnh đứng đó...

Sáng nay, trên cầu Bourbon, tôi đứng lại để nhìn Nhà thờ Đức Bà từ phía sau và lại thấy những bức tượng thánh sơn xanh lá cây xếp một hàng trầm mặc ở hai bên thân nhà thờ như thể các vị thánh đang hành hương lên một đỉnh núi. Trông họ thật bình an, nghiêm nghị, và cao thượng. Và tôi không biết sự bình an ấy hay cái gì khác làm cho nước mắt tôi dâng lên. Đấy là một cảm giác lạ - nhìn Nhà thờ Đức Bà và biết rằng hôm nay tôi sẽ rời Paris và nghe thấy nhà thờ dường như đang chào tạm biệt tôi chỉ bằng cách đứng đó vững chãi, cao lớn, tự tin, quen thuộc. Như thế, Nhà thờ Đức Bà là một vị thánh ngàn tuổi đang trìu mến nói với tôi, "Ồ nào, con của ta, đừng khóc, chúng ta chỉ tạm chia tay thôi, rồi chúng ta sẽ gặp lại."

Giờ thì tôi ngồi đây, đối diện với hai tòa tháp và tôi lại cảm thấy như chúng chỉ đứng đó cho mình tôi. Mặt trời vừa ló ra thắp sáng thành phố và làm những cửa sổ kính màu long lanh. Người người đi lại tấp nập trên phố, hầu hết là các đôi tình nhân, cả già lẫn trẻ... và, phải rồi, tôi nữa, tôi cũng có một tình nhân, tôi và Paris, chúng tôi là một đôi, chúng tôi đang có một cuộc hẹn hò bí mật và c'est si bon[56].

[56] C'est si bon (Điều đó thật tốt) là một bài hát jazz rất nổi tiếng có xuất xứ từ Pháp.

"C'est si bon, điều đó thật tốt; những đôi tình nhân ở Pháp nói với nhau như thế khi họ tán tỉnh nhau bởi vì, ồ, điều đó thật tốt. Điều đó thật tốt, tôi cũng sẽ nói với em, như người Pháp nói với nhau, ồ, thật tốt, phải rồi, thật tốt, từng lời nói, từng tiếng thở dài, từng nụ hôn, em yêu, thật tốt, chúng đều chỉ đi đến một ý nghĩ này thôi, em yêu, ý nghĩ này, ồ điều đó thật tốt, không gì có thể thay thế vòng tay hờ hững của em... Ồ, em yêu, đừng bao giờ xa tôi, đừng bao giờ, phải rồi, điều đó thật tốt..."

Tôi lại bắt đầu xúc động rồi.

Đêm qua, khi tôi từ quán Les Philosophes trở về, Carrie đang ngồi trên sàn giữa mấy cái va li, quần áo vứt lung tung. Carrie đang cuống cả lên vì không biết sẽ phải ở đâu bây giờ. Tôi đã nói với Carrie từ hôm đầu tiên rằng nếu như cô đổi ý không thuê nhà nữa mà sẽ ở khách sạn này thăm Paris chừng mười ngày rồi đi tiếp thì phải báo với khách sạn ngay để đặt phòng, nếu không thì sẽ không có phòng đâu. Carrie gật gù "vâng, vâng... rồi, rồi... em sẽ làm" nhưng rồi cứ lần lữa mãi và giờ, khi cô ấy muốn ở thêm thì khách sạn không còn phòng nào cả. Carrie giống như rất nhiều cô gái Mỹ trẻ - tự tin rằng mình là người Mỹ, miễn mình cầm đô la trong tay và nói thứ tiếng giao tiếp chính của thế giới thì mình có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì - theo cách và lịch của mình. Nhưng đây lại là Paris. Với cách của Paris.

Sáng nay, khi tỉnh dậy, tôi lại thấy Carrie ngồi trên sàn tiếp tục cuống lên.

Cô không biết nên mang gì theo và bỏ lại gì khi tiếp tục đi du lịch ba lô ở châu Âu trong ba tháng tới.

"Chị nhìn xem," Carrie gần như sắp khóc. "Em điên quá đi mất. Em để cho mọi người phỉnh phờ em mang theo cả cái đống chết tiệt này, ai cũng bảo, em sẽ cần cái này, sẽ cần cái kia... Giờ thì chị nhìn xem, cả một đống shit to tướng, làm sao mà e tha đi được."

Tôi nhìn. Carrie mang theo rất nhiều xà phòng bánh, mấy chai dầu gội đầu lớn, rồi dầu tắm, các loại giày thể thao, giày cao gót, xăng đan, rất nhiều sách, số, cả một đống quần áo lót, máy tính, máy ảnh với một lô ống kính, và rất nhiều các đồ không tên. Tôi chỉ cho Carrie cái rõ ràng nhất:

"Carrie, em mang theo quá nhiều đồ trang điểm."

Tôi bảo Carrie bỏ đồ trang điểm lại, chỉ mang theo những thứ thật căn bản: kem dưỡng ẩm (đừng có mang cả lọ to thế kia, bỏ một lượng đủ dùng sang một cái lọ du lịch nhỏ mua ngoài siêu thị), kem nền, một cái chổi quét, má phấn, chì mắt, một thỏi son, phấn phủ, sữa rửa mặt. Chấm hết. Không nên mang theo gì thêm. Bỏ lại cả những cái váy áo cầu kỳ nữa.

"Thế nhỡ em muốn mặc diện khác với bình thường thì sao? Chả nhẽ cứ áo phông, quần bò thôi à?" Carrie phản đối.

"Không, em sẽ không muốn mặc khác với bình thường đâu," tôi nói. "Mọi người thường tưởng là khi đi du lịch, họ sẽ là một người khác và sẽ mặc như họ chưa bao giờ mặc nhưng rồi rốt cuộc, họ chẳng bao giờ có thể là người khác. Em sẽ vẫn mặc như lúc em ở Mỹ mà thôi, nhất là vì em sẽ đi du lịch ba lô trong nhiều ngày; đừng có mơ mộng làm gì."

"Oh, hell[57] ! " Carrie nói rồi vứt cả một chồng váy áo với giày cao gót sang bên để bỏ lại.

[57] Quỷ tha ma bắt!

Tôi bảo Carrie xếp toàn bộ hành lý của cô ấy thành ba đống: một đống là những thứ mà cô ấy bắt buộc phải có, không có không được; một đống là những thứ cô ấy muốn có; và một đống là những thứ "nếu có thì tốt, không có cũng không sao". Tôi bảo Carrie bỏ các thứ trong đống thứ nhất vào cái va li mà cô ấy định mang theo (và chỉ nên mang một cái va li theo, càng nhỏ càng tốt), nếu còn thừa chỗ trong va li này thì cô ấy có thể bắt đầu bỏ đồ ở đống thứ hai vào, rồi nếu vẫn còn thừa thì mới bỏ đồ đống thứ ba.

Trong lúc Carrie đóng va li, tôi mang hành lý của tôi xuống phòng gửi đồ, rồi check out khỏi khách sạn và giờ thì tôi ngồi đây để có một bữa sáng chia tay với Paris.

Lúc này, mặt trời đang chiếu sáng thành phố nhưng không gay gắt. Có gió nhẹ với một chớm lạnh chờm trên da, chỉ đủ để cho người ta biết mùa thu đã đến. Tôi đã ăn xong bữa sáng gồm cá hồi và một ly sô cô la nóng; và giờ thì gọi thêm món crepe-coco, tức là chỉ có da crepe với một ít sợi dừa rắc bên trên. Tôi sẽ ngồi đây thêm một lúc với Nhà thờ Đức Bà và Paris. Tôi sẽ nhớ những khoảnh khắc này.

4:57 chiều: Viết từ quán Chez Tony trong sân bay Paris/Beauvais. Tôi vừa gọi một bữa ăn nhanh với giá 5 euro - gồm có một cái bánh mỳ kẹp, một chai nước và một cái bánh ngọt. Ba mươi phút nữa, tôi sẽ lên chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Easyjet để đi Venice.

Sáng nay, sau khi rời khỏi café Notre Dame, tôi đi trở lại khách sạn qua mặt trước của Nhà thờ Đức Bà. Rất nhiều người đã tụ tập trước một màn hình lớn để xem tường thuật trực tiếp lễ đón Giáo hoàng ở sân bay. Tôi chụp vài bức ảnh và thoáng nghĩ đến việc mua vài tấm bưu ảnh nhưng rồi lại nghĩ tôi đã có quá nhiều ảnh và ký ức. Chỉ có một việc tôi muốn làm là ném một đồng xu xuống sông Seine như lời hứa sẽ trở lại. Vậy là tôi đi các bậc thang xuống tận bờ sông, chỗ tôi có thể nhìn thấy nóc Nhà thờ Đức Bà, và ném một đồng xu nhỏ xuống.

Tạm biệt!

Lần tới trở lại Paris, tôi sẽ phải làm nhưng điều sau:

Tìm ra phố Rue Mouffetard.

Dành thêm thời gian ở khu vực quanh cầu Austerlitz và Montpartnasse.

Đi thăm cung điện Versaille và rừng Fontainebleau.

Tới rạp xem một bộ phim Pháp, một vở kịch Pháp hay một buổi nhạcPháp.

Đi thuyền trên sông Seine.

Đến thư viện Francoise Miterrand.

Nhưng trên hết, tôi muốn gặp những người Paris thực sự. Tôi cũng muốn gặp những người Việt Nam sinh sống ở đây, nhất là những người trẻ. Nhất định như thế. Lần này là cuộc hẹn hò đầu tiên của tôi và Paris; không ai lại mang thêm người khác tới cuộc hẹn đầu tiên.

Tôi cũng cần phải ghi lại những điều tôi không thích về Paris.

Tôi không thích một số người Paris thô lỗ, kênh kiệu, nhất là những ngườibán hàng.

Tôi ghét việc phân chó ở khắp nơi, không ai nhặt.

Tôi ghét những đôi sục cao su mà khách du lịch Mỹ đi khắp nơi ở Paris.Người nào nghĩ ra loại sục này nên phải chịu hình phạt đi sục này mọi nơi, mọi lúc, dù là với áo com lê hay váy.

Tôi không thích khách du lịch quá nhiều ở Paris, mặc dù tôi cũng là dukhách.

Tôi không thích việc cả vườn Tuileries lớn chỉ có một cái toilet ở tận cuốivườn; và nhìn chung Paris không có nhiều toilet công cộng tử tế.

Và giờ thì tôi không thích bản thân mình vì nghĩ ra cái danh sách này. Tôi không thích mình cũng rơi vào thói quen tóm tắt, tổng kết mọi thứ, và quy mọi thứ về hai thái cực yêu-ghét, đã-làm-được và chưa-làm-được, thành-công và thất-bại. Một khi tôi bắt đầu tóm tắt tổng kết và khái quát Paris bằng những gạch đầu dòng, tôi bắt đầu mất Paris. Thế nên tôi sẽ dừng lại ở đây. Tôi muốn mang đi cùng tôi một Paris với những cảm giác hạnh phúc lớn không sao ôm nổi, và cả trăm ngàn những khoảnh khắc nhỏ, gần gũi, thân thiết. Một Paris bao chứa cả sự vĩ đại và cả những tiểu tiết: đầy sự cao cả và tình yêu. Một Paris mà tôi yêu bằng một tình yêu riêng, không chia sẻ. Một tình yêu không hỏi tại sao. Một tình yêu không có tóm tắt và tổng kết, không thể mang ra gạch đầu dòng.

Tạm biệt Paris! Hẹn gặp lại một ngày gần nhất.

Venice, ngày...

Trước khi tới châu Âu, tôi mất một thời gian đắn đo xem mình có nên đi đâu nữa hay chỉ ở Paris mà thôi. Tôi nói chuyện với Quang Anh, người đã sống ở châu Âu một thời gian. Cuộc nói chuyện qua Yahoo Messenger của chúng tôi như thế này:

Tôi: "Quang Anh, chị có nên đi Venice không?"

QA: "Tất nhiên. Chị phải đi Venice. Venice giống như là một giấc mơ. Hôm đầu tiên đến đấy, em thề là suốt cả ngày em há hốc mồm vì quá ấn tượng."

Tôi: "Được rồi. Chị sẽ đi Venice."

QA: "Thật đấy, cả một thành phố nổi trên nước, it's craaaaazy[58]."

[58] Thật là điên rồ.

Tôi: "Rồi rồi, chị sẽ đi Venice."

QA: "Nhưng mà Venice không so sánh được với Florence. Florence đẹp phát khóc. Em thề!"

Tôi:

Nhưng đấy là cách mà tôi đã quyết định đi Venice, và vì thế, tôi đến Venice mà không có một chút ý niệm về việc mình sẽ đi đâu, xem gì ở thành phố này.

Sáng nay, buổi sáng đầu tiên ở Venice, tôi tỉnh dậy lúc 7 giờ sau một giấc ngủ mệt nhọc và ý nghĩ đầu tiên của tôi là " Ước gì mình đang ở Paris".

Và đấy cũng là ý nghĩ của tôi vào lúc này, 10 rưỡi sáng, khi tôi ngồi ở quán cà phê Florian trên quảng trường Thánh Marco, trung tâm Venice. Trước mặt tôi là Basilica San Marco[59] với tuổi đời hơn 1000 năm, ngạo nghễ vươn những mái vòm tròn khổng lồ kiểu Ả-rập của nó lên trời, hàng trăm khách du lịch hớn hở đi lại trên quảng trường, hàng ngàn con bồ câu dạn dĩ kiếm ăn trên tay khách, và cả mặt biển lớn xanh biếc bên ngoài với những chiếc gondola mũi cong bập bềnh trên mặt nước...

... tất cả đẹp như trong mơ...

[59] Basilica San Marco: Nhà thờ/Vương cung thánh đường Thánh Marco là nhà thờ chính của Cộng hòa Venice và sau này là Venice. Nhà thờ được xấy dựng từ năm 829 để lưu giữ hài cốt Thánh Marco (còn gọi là Thánh Mark), vị thánh bảo trợ của Venice. Kiến trúc chính của nhà thờ là kiến trúc Byzantine, và được thiết kế theo hình chữ thập trong tiếng Hy Lạp.

Những chiếc gondola xếp dọc mép nước ở quảng trường San Marco của Venice vào một ngày nắng đẹp.

... tất cả sáng láng, rạng rỡ, tràn trề, vương giả, thánh thần...

... vậy mà tôi chỉ nghĩ đến một việc: lẽ ra lúc này tôi có thể đang băng qua cầu Bourbon và được nhìn Paris vào một ngày mới với sông Seine mang một màu nước mới. Và tim tôi lại thở dài: "Ước gì mình đang ở Paris."

Đây không phải là lỗi của Venice, dĩ nhiên càng không phải lỗi của Quang Anh. Không ai có lỗi. Từ chỗ này nhìn ra, tất cả du khách trừ tôi đều đang hớn hở tận hưởng Venice - họ đùa với những con bồ câu, chụp ảnh với nhau, tấp nập mua đồ lưu niệm, và xếp hàng dài vào thăm Basilica. Tôi có lẽ là người duy nhất ở Venice mà lại rầu rĩ mong mình đang ở một nơi khác. Lỗi là ở trái tim của tôi. Nó đã phải lòng Paris, và không một thành phố nào khác còn có chỗ nữa. Venice có thể là một kỳ quan có một không hai trên thế giới, có thể là một trong một trăm địa điểm mà ai cũng nên đến một lần trước đi chết (theo lời các sách du lịch), Venice có thể là giấc mơ của tất cả mọi người... thì trái tim tôi cũng vẫn thờ ơ. Biết làm sao được.

Tất nhiên cũng có một phần lý do là tôi rất mệt từ đêm qua. Tôi đã xuống sân bay của Venice lúc chiều tối và khi về tới khách sạn thì đã quá 7 giờ, đói, mệt, và tiếp tục váng vất sốt. Trong tình trạng đầm đìa mồ hôi lạnh, phải vất vả lắm tôi mới lôi được cái vali nhỏ qua những đường phố lát đá ngoắt ngoéo và những cây cầu để về đến khách sạn. Sau khi ăn một bữa thịt bò bít tết trong một nhà hàng đắt tiền nhưng thức ăn rất tệ thì tôi phải đi ăn thêm một bữa mỳ Ý ở một quán ngoài đường nữa để đảm bảo tôi không lăn ra ốm vì thiếu dinh dưỡng. Ăn xong, có vẻ như cơn váng vất sốt của tôi thuyên giảm nhưng mũi tôi vẫn tiếp tục sụt sịt và cái không khí ẩm lạnh của Venice làm cho sự thể không đỡ đi chút nào.

Các loại salad và thức ăn nhẹ trong một cửa hàng ở Venice - trông rất đẹp nhưng ăn thì không ngon tí nào.

Tóm lại, sáng nay tôi mệt và nhớ Paris. Còn bây giờ Venice bắt đầu vần vũ mây để chuẩn bị mưa. Những đám mây xà thấp xuống mặt nước. Gió nổi to, chạy từng cơn dài từ phía ngoài biển vào đất liền, dồn vào những con sóng táp ầm ầm vào kè đá của quảng trường trong lúc sấm ì ùng và chớp rạch những lằn sáng đầy hăm dọa. Tuy thế đám đông trên quảng trường vẫn tiếp tục huyên náo cho bồ câu ăn và mua bán mặt nạ Venice cùng đồ trang sức thủy tinh. Tôi cần nhanh chóng tìm lấy một chỗ trú chân vì tôi không muốn bị ướt và ốm thêm. Từ sáng tới giờ, cuộc tìm kiếm một chỗ cho Venice trong lòng tôi đã trở thành cuộc truy tìm một bịch khăn giấy vì mũi tôi bắt đầu chảy nước ròng như dòng Kênh Lớn của Venice. Tôi đi khắp các cửa hàng để tìm mua nhưng họ chỉ chào mời tôi mặt nạ và đồ lưu niệm. Tôi thực sự đã trang bị rất tệ cho Venice, thậm chí đến một cái bản đồ tử tế cũng không có. Tôi tới được chỗ này cũng là nhờ đi theo Kate, người bạn cùng phòng khách sạn của tôi - một nhà báo tự do ba mươi tám tuổi, sinh ra ở Anh, hiện đang làm việc ở Pháp và đã đến Venice từ hai đêm trước để viết bài về một triển lãm kiến trúc.

Đêm qua, chúng tôi làm quen nhau ở khách sạn và sau khi tôi nói rằng tôi vừa rời Paris còn Kate đang sống ở Paris, thì hai chúng tôi lập tức trở nên thân nhau ngay. Kate nói:

"Cưng ơi, dĩ nhiên là được chứ, em hoàn toàn có thể chuyển đến Paris sống và làm việc nếu em thật sự muốn. Chị chuyển đến đấy cách đây ba năm. Lúc đó, chị không hiểu một từ tiếng Pháp nào mà cũng chẳng có việc làm. Nhưng rồi cũng xoay xở được. Rồi em sẽ có bạn và mọi việc sẽ đâu vào đó, em sẽ lại có một cuộc sống mới ở Paris cho mà xem."

Sáng nay, Kate đi phỏng vấn một số lãnh đạo thành phố và kiến trúc sư; chị bảo tôi có thể đi cùng nếu muốn, chị sẽ giới thiệu Venice cho tôi vì đã đến đây nhiều lần (nói chung, nếu viết báo về mảng kiến trúc và nhà cửa thì sẽ phải đến Venice nhiều). Nhưng tôi cảm ơn chị và nói tôi muốn khám phá một mình. Càng không có ý niệm gì về một thành phố mới thì tôi lại càng cần phải tự khám phá lấy đường đi - cái tạng của tôi là vậy.

Bây giờ thì trời đang mưa sầm sập. Tất cả khách du lịch đã chạy vào trú ở những hành lang lớn quanh quảng trường. Những đôi tình nhân co ro trong những chiếc áo mưa, cười thích thú - có rất nhiều cặp vợ chồng già. Dường như những người đến Venice đa phần là người già và có đôi. Tôi có lẽ là người duy nhất đi du lịch ở đây.

Than ôi, giá mà tôi đang ở Paris.

Trời tiếp tục mưa như trút suốt hai tiếng sau đó. Cứ như thể ai đó đã bê nguyên thác Niagara đến đây. Chưa đầy nửa tiếng, cả quảng trường đã biến thành một hồ bơi còn đảo Murano phía bên kia Lagoon[60] hoàn toàn biến mất sau màn mưa mờ mịt. Các hàng hiên chật ních khách du lịch, ai cũng chỉ có đủ chỗ cho hai bàn chân chứ hầu như không di chuyển được. Mùi nước hoa đủ loại, mùi mưa, mùi thuốc lá, mùi thức ăn và mùi người quánh lại trong không khí ẩm ướt, nhão nhoẹt, cộng với cảm giác ngột ngạt vì bị tắc lại trong đám đông, vừa ướt vừa lạnh, lại mũi dãi ròng ròng khiến cho tôi bắt đầu lao đao như sắp ngất đến nơi. Trời thì trông như sẽ không bao giờ ngừng mưa và chẳng mấy chốc tất cả Venice sẽ chìm xuống biển mang theo tôi.

[60] Lagoon là vịnh nước nằm trong đất liền, ngăn với biển bằng những đảo nhỏ hoặc bằng các bãi san hô (thuật ngữ gọi là "phá", phá Venice). Phá Venice trải dài từ sông Sile ở phía Bắc đến Brenta ở phía Nam, với một diện tích bề mặt khoảng 550 km2. Nó gồm có khoảng 8% đất đai, trên đó là Venice và nhiều hòn đảo nhỏ. Khoảng 11% bao phủ bởi mặt nước mở thường xuyên, hoặc kênh đào, trong khi 80% bao gồm các bãi bùn, các vùng nước nông và các đầm lầy nước mặn. Phá này là vùng đất ngập nước lớn nhất trong Địa Trung Hải.

"Vậy đấy," tôi nghĩ, "vậy là hết một ngày ở Venice. Mình không thích Venice và Venice không thích mình." Thế rồi, thêm vào đó, cái lạnh làm cho tôi bắt đâu, xin lỗi... buồn tè; vậy là tôi phải bắt đầu một cuộc lặn lội đi tìm nhà vệ sinh trong quảng trường nghẹt người nhưng dường như không hề có nhà vệ sinh này.

Mưa trên quảng trường San Marco của Venice

Sau khoảng mười lăm phút lặn lội, xô đẩy và hỏi han, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà vệ sinh ở góc quảng trường. Vào một buồng, tôi đóng cửa lại, hạ nắp đậy bồn cầu xuống và ngồi lì ở trên đó, không phải để đi tiểu mà đơn giản vì nó sáng sủa, khô ráo và ấm áp hơn bên ngoài. Tôi mở cả sách hướng dẫn và bản đồ Venice miễn phí tôi mới lấy được để bắt đầu định hướng. May mà bên ngoài cũng không có nhiều người chờ; và nếu như nhà vệ sinh vắng nữa thì tôi có lẽ sẽ ngồi ở đó cả tiếng chờ hết mưa.

Khi tôi ra khỏi nhà vệ sinh, trời vẫn mưa như trút. Cũng chẳng có việc gì làm ngoài việc chờ mưa ngớt nên tôi lần ra ngoài cái cột xa vắng nhất, đứng tựa vào một cái cột và nhìn lơ đãng ra ngoài biển.

Thế rồi trong lúc tôi đang lơ đãng như thế thì Venice bất thần tóm được tôi, y như một cái mạng nhện trong suốt đột nhiên hiện ra tóm dính con muỗi vô tư lự bay ngang. Tôi đã rơi vào trạng thái bị thôi miên bởi một biển chuyển động của Venice, tựa một bệnh nhân bị thôi miên bởi cái đồng hồ quả lắc của nhà ảo thuật vô hình.

Đấy là chuyển động nhịp nhàng của dây thuyền gondola đậu song song ở mép nước; của những cơn sóng ào ạt chạy từ biển, táp bọt trắng xóa vào bờ, của những hàng nước mưa theo gió tạt dọc tạt ngang trong không trung như một nghệ sĩ trượt băng đang lướt tự do theo một điệu valse. Những chiếc gondola này đều được sơn xanh da trời thẫm; mỗi lần một cơn sóng táp vào bờ, những chiếc thuyền lại nhào lên đè sóng, rồi rút ra theo nước; cả loạt mũi thuyền cong vút nhấp nhô đều tăm tắp, cứ như thể đấy là một hàng diễn viên vũ ba lê mặc váy xanh da trời đang múa. Điều tuyệt vời nhất là, vì mưa cho nên tất cả các xe bán dạo đồ lưu niệm đã biến mất khỏi quảng trường; cả khách du lịch và người chèo thuyền cũng đã biến vào các hàng hiên. Từ chỗ tôi nhìn ra, cả quảng trường bây giờ đã trôi hết những phấn son du lịch. Chỉ còn một khoảng trống mệnh mông, như một sân khấu lớn, ở đó, những diễn viên ba lê và trượt băng đang tự do bay lượn giữa tiếng vĩ cầm của gió, của sóng, trong lúc mưa đổ như vãi kim cương từ trên cao.

Từ chỗ này nhìn ra, Venice là một giấc mơ màu xám nhẹ. Một cơn mộng ngọt ngào chàng màng vương vấn. Như lúc này tôi đang từ từ chìm vào.

Vậy là tôi ngồi đó không biết bao lâu, cứ mơ màng trôi lướt trong giấc mộng màu xám nhẹ có mưa và mặt nước xanh và những chiếc thuyền và những bóng người trôi ra trôi vào. Mỗi lúc mưa xám hơi ngớt đi, một hàng người dài lại lập tức hình thành như một phép màu ngay phía dưới basilica - những cái bóng nhạt nhòa dưới những cái ô tròn xanh, đỏ. Dãy người chậm chạp nhích lên như những con bướm rừng Amazon cứ rập rờn tụ thành đám trên một tảng đá kho cạnh suối; và rồi mỗi lần mưa ào xuống to hơn, những con bướm lại tản ra, bay chấp chới vào hàng hiên, vừa bay vừa hò hét và giẫm nước mưa bắn tung tóe dưới bước chân. Có người ngã xuống vũng nước và thế là một tràng cười lại râm ran các hành lang quảng trường.

Ngồi một lúc, tôi bắt đầu tò mò về những cửa hàng xung quanh quảng trường. Từ sáng đến giờ, người ra người vào cửa hàng tấp nập, ai nấy đều rất hớn hở. Tôi đã liếc từ trước và khi thấy chúng có vẻ là các cửa hàng trang sức thì tôi đã lập tức mất hứng. Nhưng hóa ra tôi đã sai làm sao!

Những món đồ trang sức ở đây đều là đồ địa phương, được làm ngay tại Venice, Murano, Florence, Bologna... của Ý, bởi những người thợ thủ công Ý vô danh và chúng đẹp một cách điên rồ; đẹp hơn cả đồ trong các cửa hàng lớn mà tôi thấy ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, hay Rome. Kiểu dáng, thiết kế, và các họa tiết trang trí... tất cả đều tinh xảo khủng khiếp. Mà lại rất rẻ, chỉ 10 đến 35 đô la. Tôi cứ đứng ngắm mãi một cái mặt dây chuyền bằng thủy tinh nhỏ - nó rất đơn giản, chỉ là một hình xoáy màu xanh da trời nhẹ, ở giữa có những vân nhỏ màu trắng, vàng, và xám chạy dài. Tôi không biết gì về công nghệ thổi thủy tinh nhưng tôi cứ tưởng tượng từ trong miệng một chiếc bình bằng vàng ròng, một dòng thủy tinh màu xanh da trời rất mảnh đã chảy ra, và người thợ thủ công vô danh nào đó đã rất lơ đãng lấy tay ngắt một đoạn thủy tinh khỏi cái dòng đó, và miết nhẹ hai ngón tay khiến cho cái dòng thủy tinh đó xoắn nhẹ. Những vân tay và cả linh hồn của chính người thợ này vẫn còn lưu lại trên mặt thủy tinh; còn những vệt xám, trắng, vàng nhỏ đó là những dải không khí hay vụn vàng vô tình bị kẹt lại bên trong dòng thủy tinh. Cái đường lượn kết thúc rất nhẹ ở phía dưới - không sắc nhọn, không thô tù, không đứt gãy - làm tôi có cảm giác nếu tôi nhìn thấy cô gái nào đeo miếng thủy tinh này trước ngực, thì cái điểm nhọn cuối cùng tiếp xúc với da ngực người con gái ấy sẽ là điểm hội tụ tất cả tinh thần của cô gái; nếu đấy là một cô gái có tâm hồn đẹp thì người ta có thể thấy cả miếng thủy tinh này sáng xanh lên, với những vụn vàng lấp lánh.

Sau khi đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để ngắm đồ, tôi quyết định đã đến lúc phải khám phá Venice bất kể trời mưa. Vả lại, cũng phải biết đường về khách sạn nữa! Vậy là tôi lấy Grand Canal (Kênh Lớn) làm định hướng và cứ men theo đó mà đi. Qua vài phố, tôi bắt đầu nhận ra quy luật xây dựng ở Venice; vậy là tôi yên tâm mình chắc chắn có thể trở về khách sạn đến những nơi muốn đến; tôi đi chậm lại, vượt qua những cái cầu nhỏ nối các nhà, các phố, rồi vòng đi vòng lại, tạt chỗ nọ chỗ kia. Càng đi, tôi càng chìm dần vào giấc mơ Venice.

Có thể tưởng tượng Venice bằng cách nghĩ đến phố cổ Hà Nội, đoạn Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Bạc - Mã Mây... tức là một mê cung những ngóc ngách đủ cho hai, ba người đi vừa; bây giờ, hãy nhấc tất cả khu phố cổ đó mà đặt ra ngoài biển, và thay thế các con đường bằng những kênh nước; và xây thêm các cầu bê tông hình cung nhỏ để nối nhà này với nhà kia; phố này với phố kia. Bước ra cửa nhà, để đi bất cứ đâu, người ta chỉ có hai lựa chọn: một là lên cầu đi bộ, hai là xuống thuyền. Tất cả mọi hoạt động đều ở trên mặt nước - bằng thuyền, taxi nước, hoặc lội, khắp thành phố không bóng dáng ô tô, xe đạp, xe máy, không có bất cứ phương tiện vận chuyển đường bộ nào.

Có lẽ vì thế mà ở Venice cái gì cũng đắt, đắt hơn nhiều so với Paris. Chi phí vận chuyển thực phẩm, hàng hóa để nuôi sống thành phố này quá cao - chưa kể tiền đổ vào để liên tục phục chế, gia cố nhằm đảm bảo thành phố này còn nổi được trên mặt nước. Nhưng cũng vì người ta đã giữ được thành phố này qua hàng ngàn năm cho nên người Venice trở thành bậc thầy về sự chính xác và hài hòa. Những quần áo bày bán trong các cửa hàng ở đây thanh lịch, trang nhã vô cùng. Ngay cả những đôi ủng cao su mà các cô gái Venice đi trong mưa trông cũng như ủng thời trang. Tuy thế, tôi chỉ thực sự bị chinh phục bởi một miếng bánh nhỏ mà tôi mua trong một cửa hàng ăn ọp ẹp trên đường. Tôi đã đói và lại không tin tưởng các nhà hàng hào nhoáng sau bữa tối hôm qua nên đã tạt vào một cửa hàng bình dân bán đồ ăn hàng ngày để mua một hộp salad cá thu. Khi đã trả tiền xong, tôi nhìn thấy cái bánh trông như cái bánh chanh (lemon cake) ở Mỹ nhưng không đề tên... màu vàng chanh tự nhiên của nó và cách những hạt lạc được rắc ở trên quá đẹp nên tôi bảo người bán hàng gói cho tôi một miếng.

Ở cửa hàng ăn ra, tôi bỏ ô, để đầu trần, tạt hết chỗ nọ đến chỗ kia để ngắm nghía sự hoàn hảo điên rồ trong mọi chi tiết của Venice. Từ những cửa sắt uốn công phu, những cầu ngắn bắc qua các kênh nước với độ cong và chiều dài được tính cẩn thận, những cửa sổ đan xen nhau trên các mặt tường, những tay nắm cửa bằng đồng, màu đỏ của ngói lợp trên các mái nhà, màu nâu của đá lát đường dưới chân, sự phân bổ các khoảng không gian trống với các ngôi nhà... Venice là một mê cung nhưng không gây cảm giác ngột ngạt; một mê cung mà không thể được tả bằng từ nào khác ngoài "exquisite[61]". Cũng đúng thôi: thành phố này được xây trên nước từ khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ VIII. Những người xây thành phố này chắc chắn phải có một ý thức tuyệt hảo về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người; họ cũng phải có các kỹ năng tuyệt với để giữ thành phố này không chỉ nổi trên mặt nước suốt hàng ngàn năm qua mà còn là trung tâm hội hè, nghệ thuật của châu Âu trong thế kỷ XVIII.

[61] Tinh xảo, tuyệt vời, hoàn mỹ.

Dưới mái hiên một căn nhà đóng kín cửa cạnh nhà thờ thánh Maurizio, tôi đứng lại ăn miếng bánh màu vàng mua lúc nãy. Nó có vị hơi giống bánh nướng, và cái nhân vàng bên trong là trứng; nhưng miếng bánh lại không khô, không sệt, không bở, và cũng không ngọt khé như bánh nướng. Tôi vốn không thích đồ ngọt, vậy mà tôi ăn hết cả miếng bánh to bằng bàn tay và nghĩ đến việc quay lại mua thêm một miếng nữa cho bữa tối. Sau đó, tôi mở hộp ăn món salad cá thu... Trời ơi, nó ngon khủng khiếp, những lá spinach xanh sạch sẽ, không dấu vết giập nát, những quả cà chua nho đỏ mọng, và một lớp dầu ô liu mòng được tráng lên trên, và những miếng cá thu... Thêm vào bữa ăn tuyệt vời ấy, cái dĩa nhựa mà người chủ quán bỏ vào trong túi đồ ăn cho tôi là một cái dĩa nhựa màu vàng chanh, có một cán rất dài và mảnh; cái cán ấy được gọt vát một đường rất nhẹ ở đầu - chỉ một chi tiết ấy thôi nhưng nó khiến cái dĩa không còn là một thứ người ta dùng với mục đích chính là xiên thức ăn cho vào bụng rồi sẽ vứt đi. Rõ ràng, kể cả khi người Ý làm cái dĩa chỉ để dùng một lần, họ cũng không thể dừng được cái việc là làm nó thật đẹp, thật hoàn hảo. Dù chỉ để cầm nó trong giây lát, cầm nó trong giây lát, thì với người Ý, cái giây lát ấy phải được tối ưu hóa bằng cái đẹp. Chao ôi là một thứ đạo đức cao cả, lấy sự duy mỹ làm chuẩn mực.

Tôi đứng dưới cái cửa đó ăn bữa trưa lâng lâng như trên thiên đường mặc dù những hạt mưa nhỏ từ trên cao cứ táp chéo vào người. Trong lúc đó, từ nhà thờ thánh Maurizio đối diện, tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi vọng qua vòm nhà thờ, choán lấy khoảng trống lát gạch nhỏ phía trước nhà thờ và căn nhà bỏ không mà tôi đang đứng. Theo như tấm biển thông báo bên ngoài thì nhà thờ đang triển lãm bộ sưu tập violon cổ và họ chơi nhạc Vivaldi suốt ngày.

Dùng nhà thờ làm bảo tàng nghệ thuật, ở Venice, cái đẹp và sự thần thánh không hề tách rời.

Tôi vừa trở về nhà trọ, ướt và lạnh. Hai ống quần bết nước, giày sũng nước, tay thì cóng lại vì phải giữ ô trong gió mạnh. Tôi nên đi thay quần áo, nhưng nhà tắm đang có người nên tôi sẽ ngồi viết trước khi những thứ này trôi khỏi đầu óc.

Tôi đã đi bộ về nhà trong tình trạng mù dở bởi vì để tránh gió thốc, tôi lấy ô chắn trước mặt như một cái khiên. Nhưng cũng vì thế mà tầm nhìn của tôi bị hạn chế xuống khoảng nửa mét dưới đất. Tôi cứ nghĩ hầu hết mọi người đều cao hơn tôi và họ sẽ nhìn thấy tôi để mà tránh ra. Vậy là tôi cứ đi như thế về nhà... và trên đường quan sát không biết bao nhiêu chân và giày. Có lần, tôi nhìn thấy bốn mũi giày trước mặt tôi; họ dừng lại và tôi cũng dừng lại, rồi chẳng ai nhúc nhích. Tôi bỏ ô ra nhìn xem ai đang chắn đường. Hóa ra là một cặp vợ chồng già nhỏ bé; họ cũng đang làm chính xác điều tôi làm - tức là cầm ô như cầm khiên chắn gió nên cũng chẳng nhìn thấy gì cả. Hai bên nhìn nhau cười rồi đi.

Phòng khách nhà trọ lúc này có khoảng mười người ngồi tản mát tán chuyện phiếm, tay ai cũng cầm một ly rượu. Bên ngoài trời vẫn mưa và đang nhá nhem tối; bên trong, ai đó mở nhạc Beatles, U2 và đủ các loại nhac cũ. Trên bàn đã có sáu vỏ chai - chả thế mà ai cũng có vẻ tươi tắn và hồng hào; chỉ có tôi vẫn đang tái mét và tơi tả vì ướt. Khi tôi vào, họ hỏi tôi có uống rượu không nhưng tôi chỉ cám ơn và không uống.

Căn phòng này rất cổ và thực tế là cả cái nhà trọ này vốn là một căn nhà cổ được biến thành nhà trọ. Căn nhà được xây từ thế kỷ XII. Trần nhà rất cao, có một cái đèn chùm khổng lồ ở chính giữa và được treo bằng những sợi xích sắt to bằng cổ tay; rất nhiều cửa sổ bằng gỗ hướng ra ngoài đường và một con kênh. Có vẻ người chủ căn nhà này đã giao cho một người cháu biến căn nhà thành nhà trọ và người cháu - một anh chàng ngoài ba mươi có một mớ tóc xoăn khổng lồ - chẳng sửa sang gì, thậm chí cũng không buồn dọn dẹp nên trong nhà vẫn còn những đồ vật khá kỳ cục; ví dụ như ở góc phòng khách là một cái máy khâu hiệu Compania Singer cũ bằng sắt, với bàn đạp chân và trục tay tôi từng thấy ở Việt Nam hồi những năm 1980. Tất cả bàn ghế, tủ, đàn piano trong phòng khách đều vàng vọt, cũ kỹ, cổ giả... và được vứt lung tung.

Bên ngoài vẫn chưa tối hẳn. Trong phòng, ánh nhá nhem cuối ngày lẫn với ánh sáng vàng vọt của hai ngọn đèn bàn và mấy ngọn nến, cộng với mùi mưa và mùi căn nhà cũ. Hai thanh niên mặc vest đen vừa mới bước vào phòng khách cùng với hai chiếc ô đen - tôi đoán là họ chuẩn bị đi dự buổi hòa nhạc Vivaldi mà tôi thấy quảng cáo đầy trên phố. Hai cô gái ngồi trên ghế chăm chú đọc sách trong khi một thanh niên khác tựa người bên cửa sổ ngắm mưa và người ngoài phố. Những người còn lại thì ngả ngốn tán gẫu bên những chai rượu rỗng, còn tôi thì ngồi viết những dòng này bằng bút bi trên một chiếc bàn nhỏ. Nếu Monet hay Renoir bước vào căn phòng này, họ hẳn có thể vẽ lại quang cảnh căn phòng và đặt tên cho nó "Hoàng hôn Venice" hoặc đơn giản là "Venice".

Lười biếng, mơ màng, hoàng hôn là những từ thích hợp để mô tả tinh thần của Venice.

Trời vẫn mưa nhưng chỉ còn lất phất rả rích. Tôi mừng là mình đã đến

Venice mà không hề có một chút kế hoạch hay ý niệm gì về thành phố; chỉ cứ lang thang từ chỗ này sang chỗ khác bởi vì đấy là một cách tốt nhất để có thể tận hưởng cái đẹp của Venice theo đúng tốc độ lười biếng và mơ ngủ của thành phố thay vì kiểu "mình phải đi đến chỗ này, mình phải đi đến chỗ kia".

Bữa tối chung trong nhà trọ khá ngon mặc dù đơn giản: chỉ là pasta với thịt bò và nấm. Kate và tôi ngồi trên sô pha cạnh nhau vì cả hai chúng tôi đều vào muộn và cái bàn to giữa phòng đã chật kín người. Hai chúng tôi đã nói chuyện từ lúc Kate trở lại; câu chuyện chẳng mấy chốc quay về hôn nhân. Kate đã từng kết hôn một lần. Chị kể cho tôi nghe cuộc đời như tiểu thuyết của chị. Nhưng trước khi kể về Kate, tôi cần phải ghi lại: ba cô sinh viên người Úc vừa mới được bổ sung vào phòng tôi. Tuy thế, cả ba đều là gốc châu Á. Cả ba là bạn của nhau từ bé, vào đại học cùng nhau, vừa mới tốt nghiệp cùng nhau và đã đi du lịch bụi xuyên châu Âu cùng nhau trong suốt gần ba tháng qua. Cả ba sẽ ở Venice vài ngày, rồi sẽ đi Paris trước khi trở về nhà để bắt đầu cuộc sống người lớn, làm việc kiếm tiền. Đi du lịch bụi xuyên châu Âu dường như là một nghi lễ trưởng thành của thanh niên các nước phương Tây. Mùa hè ngay sau khi tốt nghiệp đại học thường là mùa hè để họ lang thang một mình hoặc với bạn bè, để nghĩ, để sắp xếp lại cuộc sống.

Trở lại với Kate. Chị ấy ba mươi tám tuổi nhưng trông chỉ như hai mươi lăm. Người chị ấy vẫn gầy và gọn, ăn mặc đẹp - có lẽ là do những năm tháng ở Paris. Và chị lúc nào cũng mỉm cười.

Mười ba tuổi ở Anh, Kate gặp một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng và thần tượng anh ta. Người này, lúc đó ngoài ba mươi, cũng quý mến chị nhưng chỉ như một người cha hay người anh. Cô bé Kate lúc đó theo anh ta tới mọi concert trong bốn năm liền, như một dạng super-fan. Năm mười bảy tuổi, chị nghĩ rằng mình đã là người lớn và chấm dứt tình trạng theo đuổi yêu đương mơ mộng kiểu trẻ con, vả lại chị sắp chuyển đi New York sống nên quyết định đến gặp ngôi sao nhạc rock lần cuối để nói chuyện. Nhưng chị đã không gặp được anh kia. Hơn năm năm sau, từ New York, chị ấy đã quay lại Anh đúng vào lúc ngôi sao kia chuyển đến Mỹ để bắt đầu sự nghiệp quốc tế. Nhiều năm lại trôi qua; chị cưới một người đàn ông vốn là một người bạn từ nhỏ. Rồi một thời gian trôi qua; ngôi sao nhạc rock trở lại Anh. Lúc này Kate đã lấy chồng được khoảng sáu năm và cuộc sống hôn nhân êm ả. Một ngày nọ, chị tình cờ gặp lại ngôi sao nhạc rock và họ lập tức quấn lấy nhau. Anh ta, lúc đó gần năm mươi, muốn chị ấy, lúc đó gần ba mươi, đến sống cùng. Vậy là chị về nhà, kể hết chuyện với chồng; họ ly dị và chị chuyển đến sống với ngôi sao nhạc rock. Họ sống được hai năm thì chị bỏ đi. Giờ thị Kate đã sống độc thân được vài năm.

"Lúc chị nói muốn ly dị, chồng chị có buồn không?"

"Buồn chứ cưng; nhưng anh ấy biết chuyện mà. Chị đã kể cho anh ấy nghe chuyện này từ lúc bọn chị mới gặp nhau. Anh ấy biết hết. Anh ấy bảo là anh ấy tôn trọng chị vì dù sao chị cũng đã trung thực với anh ấy."

"Thế chị sống với anh nhạc rock kia có vui không? Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn... họ sống trong đầu họ nhiều quá, mà họ lại cũng không cưỡng được."

"Bọn chị sống cũng vui. Nói chung cũng lên lên xuống xuống, thăng trầm như bất cứ cặp nào, cưng biết đấy."

"Thế rồi bọn chị cứ thế chia tay hay có chuyện gì lớn xảy ra?"

"Kể ra thì cũng nhiều nguyên nhân, nhưng chẳng cái nào là biến cố lớn cả; cơ bản là đến cuối năm thứ hai, chị muốn anh ấy phải quyết định dứt khoát xem có kết hôn không, rồi còn chuyện con cái nữa. Nhưng anh ấy không quyết định được. Thế là chị bảo chị phải ra đi để xây dựng cuộc sống của chị."

"Thế anh ấy có buồn không? Có giữ chị lại không?"

"Buồn chứ. Bọn chị khóc suốt. Anh ấy muốn chị ở lại, nhưng anh ấy cũng không thể quyết định được việc kết hôn. Anh ấy không muốn kết hôn, anh ấy chỉ muốn sống với nhau như thế, anh ấy bảo sao không thể cứ sống với nhau như thế này, chị thì không thể mãi được, chị không thể cứ như thế đến hết đời, đơn giản là chị không thể."

"Chị có thấy tiếc gì sau toàn bộ chuyện này không? Nghe chuyện em cứ có cảm giác mất mát thế nào đó."

"Không, chị không tiếc."

"Thế chị có tiếc khoảng thời gian mà chị đã theo đuổi và ám ảnh về cái anh nhạc rock này không? Chị có bao giờ tiếc là chị đã phí thời gian cho nó vì kết cục của nó đã không như chị mong muốn?"

"Không, nó là một tình cảm thật em ạ, lúc đó tình cảm của mình rất trong sáng và chân thành, tuy đúng là trẻ con nhưng nó là cái trong sáng và chân thành của trẻ con. Cho nên chị không tiếc. Nó ngớ ngẩn, đúng rồi, nhưng mà lúc đấy nó thế, nó rất chân thành."

"Thế chị có tiếc đã ly dị chồng không? Chị nói anh ấy là người tốt, và chị đã hạnh phúc; chị có bao giờ tiếc là nếu chị không ly dị thì cuộc sống của chị vẫn cứ êm đềm đến giờ?"

"Không, chị không tiếc. Anh ấy tốt nhưng cuộc sống bọn chị vẫn thiếu cái gì đó, chị không thể giả vờ được. Nếu chị không chia tay thì chị vẫn không thể nào thôi ám ảnh về người kia, thực sự là như thế. Với cả, tiếc làm gì cho phí phạm, mỗi một lúc mình chỉ có thể quyết định điều tốt nhất vào lúc đó thôi cưng, mình làm sao biết được quyết định đó là tốt nhất hay không, đời thì dài, chết có khi cũng còn chưa là kết thúc thì làm sao tính được?"

"Thế chị có định sẽ lập gia đình lại không?"

"Chị không biết, chị không cần lấy chồng nhưng chị muốn có con, mà chị cũng chẳng còn nhiều thời gian nữa cho nên chị phải nhanh lên. Nhưng chị cũng không thể lấy đại một ai đấy chỉ để có con. Cưng biết đấy, khi đến từng này tuổi thì rất thực tế, không thể lãng mạn như thời còn hai mươi tuổi được nữa. Bây giờ, chị không thể nào hẹn hò với người nào không có công ăn việc làm tử tế, không đủ tự nuôi sống bản thân. Ý chị là, chị sẵn sàng làm việc nhưng mà người đó cũng phải làm việc nữa. Không thể nào có kiểu tình yêu 'tình yêu là tất cả, tình yêu sẽ chinh phục tất cả'. Chị không thể kham nổi cách sống đó nữa."

"Em xin lỗi nhưng mà nghe như vậy thấy buồn quá."

"Ừ, buồn, chị biết, nhưng mà đời nó vậy đấy."

"Làm sao mà đời người ta lại cứ xuống dốc như vậy nhỉ? Em cứ nghĩ, hàng triệu, hàng tỷ người... tất cả đều cứ đi xuống dần, lụi dần, chẳng mấy người hạnh phúc; ai cũng có rất nhiều ước mơ và dự định, và hăm hở lúc hai mươi tuổi, nghĩ rằng mình có thời gian để làm tất cả, nhưng chớp mắt một cái, cuộc sống dường như đã sang dốc bên kia rồi, chỉ có đi xuống và mọi thứ chỉ là xoay xở thực dụng để có thể sống được."

"Chờ đến lúc cưng ba mươi tám tuổi như chị; nó sẽ còn buồn hơn nhiều so với những gì em tưởng tượng bây giờ."

Tôi nhìn Kate. Lúc trẻ hơn, chắc chắn chị là một cô gái xinh đẹp và năng động; chị chắc chắn đã có lúc nghĩ mình có tất cả, và có thể có tất cả... thế mà bằng cách nào đó, cuộc sống của chị đã đến chỗ như bây giờ: một người viết báo nghiệp dư, cố gắng làm việc đủ sống và nuôi hy vọng sẽ có một gia đình trong khi hy vọng cứ mỏng dần, mỏng dần. Chị đã rẽ sai ở chỗ nào? Đã lạc lối ở chỗ nào? Cuộc sống có cách riêng để chơi khăm hay tất cả là lỗi của chị?

Tôi không biết nữa.

Ở sâu trong tim, người ta nghĩ gì? Muốn gì? Cần gì?

Nếu tôi chia tay Sơn, cuộc đời tôi rồi có kết cục giống như Kate không?

Venice, ngày...

Bây giờ là 10 rưỡi sáng và tôi đang ở trong nhà thờ Thánh Mary. Tôi chạy vào đây để tránh mưa sau khi đã mua vé tàu ở ga Santa Lucia. 3 giờ chiều mai tôi đi Florence rồi mà Venice thì cứ mưa ròng rã như thể cái thành phố nổi này quyết làm cho toàn bộ ký ức của tôi về Venice là một tập hợp hỗn độn của mưa, lạnh, ướt, và dĩ nhiên là nước - nước ở bên dưới, nước ở bên trên, nước đầy trong không khí, nước dọc, nước ngang, nước ở khắp nơi.

Tôi đã quên hôm nay là Chủ nhật, cho tới lúc chạy vào đây tránh mưa và chứng kiến lễ cầu kinh sáng Chủ nhật. Buổi lễ sớm lúc 7 giờ đã xong và bây giờ là buổi lễ thứ hai trong ngày; và nó được mở đầu bằng một giai điệu organ quen thuộc mà tôi đã nghe rất nhiều lần vào những sáng Chủ nhật ở nhà thờ Ngõ Trạm cùng với Quang Anh. Nó là bài thánh ca khai lễ với câu kết thúc "Chúa cha và Con, Thánh linh muôn đời". Ngay cả khi được hát bằng tiếng Ý, tôi cũng vẫn nhận ra giai điệu. Tôi ngồi ở phía cuối nhà thờ; cách tôi hai bước chân là một buồng xưng tội nhỏ. Từ lúc tôi vào ngồi đây, hai phụ nữ và một người đàn ông đã lần lượt vào xưng tội. Tôi không biết họ xưng gì với đức cha ngồi trong đó nhưng, nếu có thể, tôi cũng muốn được xưng.

"Trình cha, con là kẻ có tội. Đêm qua, con đã có rất nhiều ý nghĩ xấu xa..."

Quả thật, đêm qua tôi có rất nhiều ý nghĩ xấu xa. Nhưng mà buổi lễ đã bắt đầu.

Đầu tiên cũng là những màn cầu nguyện chung và dàn hợp ca nhà thờ hát vài bài Kinh Thánh quen thuộc (giờ tôi mới nghĩ ra, có lẽ nghi thức các buổi lễ nhà thờ ở đâu cũng thế, vị họ cần có sự thống nhất này để tập hợp các con chiên khắp thế giới). Sau đó thì một đức cha to béo và hói bắt đầu giảng đạo. Đức cha này là tạng đức cha bốc đồng (trái với kiểu các đức cha trầm mặc, sâu lắng) - tức là ông nói to, nói nhiều, cao hứng, liên tục lên bổng xuống trầm, đi đi lại lại trong lúc giảng. Tôi hoàn toàn không hiểu đức cha giảng gì nhưng nghe có vẻ rất thú vị, những bà già ngồi bên dưới liên tục "Amen" làm dấu thánh, và giữa một màn giảng bài cao hứng, đức cha giơ hai tay lên trời hét to "paradiso, paradiso" rồi thêm một vài từ khác và lại "paradiso".

Vậy là đức cha đang giảng về thiên đường. Tôi không muốn báng bổ, nhất là vì tôi đang ở trong nhà thờ, nhưng quả thực mỗi lần nghe tiếng Ý, tôi không thể nghĩ đến thiên đường hay bất cứ cái gì khác ngoài phim Bố Già. Thực tế là từ khi tới Ý, tôi đã nghĩ rất nhiều tới Bố Già và mafia. Đến mức, hôm qua, trên đường về lại nhà trọ, tôi dừng ở một cửa hàng bánh ngọt để mua một cái bánh cuộn kem canolla Sicily chỉ vì trong Bố Già phần III, Connie đã đầu độc cha đỡ đầu của mình bằng một cái bánh trứ danh này.

Vì tôi đang nói đến Bố Già và đầu độc, và vì đức cha trên kia sẽ còn giảng lâu và trời thì đang mưa bên ngoài, tôi sẽ viết lại những ý nghĩ tồi tệ của tôi đêm qua.

Đêm qua, tôi đã lên giường với quyết tâm phải ngủ một giấc dài mà tôi rất cần để có thể lấy lại sức. Nhưng khoảng gần nửa đêm, tôi tỉnh dậy vì một cô nàng người Úc liên tục gây ồn trong phòng. Cô nàng này đã uống rất nhiều rượu trong bữa tối và chắc say xỉn cho nên cứ đi lại rầm rập và sập cửa rầm rầm mỗi lần đi ra đi vào. Cô ta không ở trong phòng tôi; cô ta ở phòng bên cạnh nhưng liên tục đi qua phòng tôi để sang phòng của mấy cậu con trai; và họ cười đùa, uống rượu, đi ra đi vào liên tục, mỗi lần lại sập cửa ầm ầm và bước chân thì huỳnh huỵch như đóng gạch.

Bằng vào những tiếng động trong phòng, tôi biết tất cả những người trong phòng tôi đều đã tỉnh dậy - cả Kate, cả mấy cô bé sinh viên người Úc, và những người còn lại. Nhưng chúng tôi có lẽ đều hiền lành như nhau nên chẳng ai nói gì. Và vì không có ai nói gì, cho nên tôi lại nghĩ "Có khi chỉ mỗi mình là bực vì mình thiếu ngủ cả tuần nay." Và thế là, để tự xoa dịu bản thân, tôi bắt đầu cố nghĩ những ý thiền định kiểu như "Nào, mình biết là mình không thể nào khống chế được bên ngoài. Mình chỉ có thể kiểm soát bản thân mình mà thôi. Nào, tất cả là do tâm mà ra, hít vào, thở ra, hít vào, thở ra... ngủ đi, ngủ đi..."

Tôi cố hít thở đều, hít vào, thở ra, hít vào, thở ra... tôi tập trung theo dõi hơi thở của mình, nào bắt đầu đi vào từ mũi, qua trước ngực, xuống đan điền, một... hai... ba... đi lại lên ngực, qua mũi...

aaaaaa

ummmm

aaaaaa

ummmmm

hít vào

thở ra

hít vào

thở ra

aaaaaaaa

ummmmmmmmm...

nhưng mà giời ơiiiiiiiiiiiiiiiii, tổ sư bố nó chứ, con lợn cái người Úc cứ tiếp tục đi ra đi vào sập cửa ầm ầm như đóng ván quan tài bố nó. Tôi không sao thở được. Tổ sư bố mày, đồ con lợn, đồ lợn sề lắm lông, đồ óc bã đậu, đồ shithead, đồ asshole, you bitch[62], đồ trời chu đất diệt kia. Giời đất ơiiiiiiiii, tôi phát điên lên mất. Đầu tôi như sắp vỡ ra; máu dồn lên mặt nóng ran và thái dương thì giật như sắp đứt mạch máu. Giời ơi là giờiiiiiiii, tổ sư bố mày, cả lò nhà mày, họ hàng, hang hốc cụ kỵ nhà mày...

[62] Đồ óc đất, đồ lỗ đít, đồ chó cái.

Trời ơi, tôi đã tức đến nỗi một việc kỳ lạ đã xảy ra. Tôi nhớ hồi tôi mười tám tuổi và bắt đầu tập thiền, thầy của tôi thường nói về khái niệm "tín tâm" và về "quán chiếu". Khi bạn tin sâu sắc vào một điều gì đó và bạn dùng toàn bộ định lực tập trung quán chiếu thì bạn có thể nhăm mắt mà nhìn thấy "linh hồn Bổn Tôn" tức là thấy Phật hiện ra ngay trước mặt trong sắc vàng rực rỡ. Và nếu công lực tụ tập của bạn mạnh mẽ, thì bạn sẽ giữ được linh ảnh này liên tục 24/24. Lớp thiền có nhiều bậc khác nhau, tôi vào học bậc căn bản nên các bài tập của tôi lúc đó vẫn chỉ là thiền động, điều khí và dẫn khí là chính; nhưng khi xá thiền, chúng tôi được hướng dẫn quán chiếu ánh sáng trắng và xanh; tức là tưởng tượng có một vầng hào quang màu trắng, rồi đến màu xanh nhạt bao quanh người. Suốt hai năm tập, tôi chưa bao giờ làm được điều này, nghĩa là tôi có thể cố gắng tưởng tượng ra nhưng chưa bao giờ thực sự "nhìn" thấy ánh sáng đó. Và thường thì cả sự tưởng tượng cũng chập chờn bởi vì đầu óc tôi quá hiếu động. Nhưng tối hôm qua, sự tức giận của tôi đậm đặc và tập trung đến mức nếu ai có thần nhãn hẳn sẽ thấy người tôi là một khối lửa đỏ bừng bừng. Trong đầu tôi đột nhiên hiện lên rõ mồn một một cảnh phim, như thể có một màn hình ti vi hiện ra trước mặt tôi và tôi đang xem một đoạn phim cao bồi sau:

Trong một căn phòng khách sạn yên tĩnh ở Venice, cả phòng đang ngủ say. Rồi cửa mở, một cô nàng người Úc bước vào, vừa đi vừa nện chân rầm rầm xuống sàn. Đột nhiên, một tiếng "Kiaaaaaaa!" vang lên và một cô gái nhỏ bé bay như Lý Tiểu Long từ trên giường xuống, song phi một cú trời giáng vào giữa bộ ngực phì nộn của cô nàng người Úc. Cô ả lập tức ngã lăn ra và kêu la ầm ĩ như bị chọc tiết. Trước khi cái bộ óc đà điểu của cô ta kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bóng người nhỏ bé đã ngồi đè lên cô ta, hai tay đấm túi bụi.

Cô gái nhỏ bé sẽ nện cái đồ bị thịt óc bã đậu cho đến lúc nó phải giấu cái đầu đà điểu bé như hạt cải vào giữa hai cái chân que tăm và van lạy như tế sao:

"Vâng, em lạy chị, chị tha cho em, em là con lợn, em chỉ là con lợn."

Tôi thực sự đã nhìn thấy rõ mồn một như đang xem phim. Và lạ lùng là một khi tôi nhìn thấy như thế thì tất cả những sự giận dữ của tôi tan biến như bong bóng. Một lúc sau thì tôi thiếp đi.

Mưa có vẻ đã ngớt. Mặt trời vừa mới làm sáng những tấm kính cửa sổ của nhà thờ nên tôi sẽ rời khỏi đây để nhìn Venice lúc nắng ráo trước khi trời lại mưa.

Amen! Chúa Cha và Con, Thánh linh muôn đời! Tại sao cứ sang đến Ý là tôi phải cãi cọ, đánh đấm một ai đó nhỉ? Cả ở Rome và Venice? Tại sao nước Ý làm cho ngay cả những người hiền lành nhất cũng trở nên bạo lực?

Amen!

4:14 giờ chiều: Viết từ quảng trường Thánh Marco - lần thứ hai. Trời đang nắng, vòm trời được nâng lên cao, xanh ngắt. Tôi ngồi tựa vào một trong rất nhiều cột của quảng trường. Bên trái tôi là hai cột đá cao, trên đỉnh có tượng Sư tử của San Marco và tượng Thánh Theodore; cả hai đều được xây từ năm 1172. Bên phải tôi là basilica; từ chỗ này, có thể nhìn thấy rất nhiều người đứng ở hành lang bao quanh nóc basilica nhìn xuống quảng trường. Khuôn mặt họ mang các vẻ kinh ngạc, ấn tượng, háo hức, sung sướng, hạnh phúc, hoặc trầm mặc khi được nhìn bao quát quảng trường lớn này và cả Lagoon bên ngoài, cộng với những con đường của Venice. Còn tôi, tôi đang nhìn những con bồ câu - con thì thong thả bước, con thì chạy, con thì bay, con thì lượn, con thì đứng một chân ngủ... nhưng tất cả đều sẽ đổ xô đến bất cứ chỗ nào có người chìa tay rắc vụn bánh mỳ. Nhìn chúng mà buồn. Tất cả đều xơ xác, lông cánh tả tơi vì ngày này qua ngày khác đánh đấm, chen lấn, leo trèo lên đầu lên cổ lên người nhau mà giành thức ăn... Toàn là thức ăn từ những người cho ăn với hy vọng chụp được một bức ảnh bồ câu bao quanh mình. Chúa ơi, chúng mày là bồ câu Venice, ít nhất cũng nên có một chút tự trọng, một chút tư cách chứ! Nhưng đòi hỏi như thế hẳn là quá nhiều với những con bồ câu.

Những con bồ câu trên quảng trường San Marco của Venice

Lúc này, các quán cà phê trên quảng trường đã mang rất nhiều ghế ra sân cho khách ngồi. Những người khách ngồi đó, mang kính râm, vừa uống cà phê vừa ngửa mặt hứng nắng. Gió thổi tóc họ bay. Những tiếng cười. Dàn nhạc của quán Gran bắt đầu chơi trên cái sân khâu nhỏ ngoài cửa quán. Họ có một piano, một viola, một violon, và một accordion. Họ vừa chơi "Everybody loves somebody sometimes[63]" theo lối jazz, phập phồng, bập bùng. Họ chơi rất hay. Một vài đôi tình nhân trên quảng trường khiêu vũ nhẹ theo tiếng nhạc. Trên quảng trường nắng đẹp lúc này, với mặt hồ xanh ngăn ngắt ngoài kia, và những người trên quảng trường hầu như ai cũng có ai đó làm bạn, thì cái bài hát "Ai cũng có lúc yêu ai đó" càng trở nên tuyệt vời. Như một giấc mơ hay cảnh bộ phim Hollywood được dàn dựng hoàn hảo.

[63] Ai cũng có lúc yêu ai đó.

Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề của quảng trường San Marco, của Venice, và là lý do tại sao đến đây lần thứ hai nhưng tôi vẫn không ấn tượng với quảng trường này. Có cái gì đó rất Hollywood ở đây và ở khắp Venice. Những người ngồi sưởi nắng ở đây, và dàn nhạc này không giống với những người sưởi nắng trong vườn Luxembourg. Bởi vì họ không sống ở đây. Họ đến rồi đi... Trong tất cả cái đẹp và sự tinh xảo của Venice, tôi không sao thoát khỏi cảm giác rằng thành phố này đang chết. Nó đang chìm dần. Venice là ngôi mộ của quá khứ. Chỉ còn khách du lịch đến đây, và thành phố này chỉ còn đủ người để phục vụ du khách chứ nó không có những người Venice, như Paris có người Paris, Hà Nội có người Hà Nội.

Sáng nay, sau khi rời khỏi nhà thờ Mary of Narazeth, tôi mua một vé xe buýt nước theo tuyến số 2 để đi từ đó tới quảng trường San Marco; tức là gần như đi từ đầu này tới đầu kia của Venice; có điều thay vì lấy vé tuyến số 1 chạy theo Kênh Lớn thì tôi lấy tuyến xe buýt chạy bên ngoài Lagoon. Với những người không quan tâm tới hành trình mà chỉ quan tâm tới cái đích cuối cùng thì tuyến số 1 hay số 2 đều thế cả, chúng đều kết thúc ở quảng trường San Marco; chính vì thế mà một bà già đã nói khi thấy tôi phân vân ngoài bến:

"Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi."

Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào

Venice và những công trình kiến trúc của nó - Byzantine, Gothic, Phục hưng... Tất cả đều tuyệt vời nhưng rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản như di sản văn hóa thế giới. "Di sản" - đấy là một từ chính xác nữa để mô tả Venice. Một thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con đường của Venice; các ngôi nhà, phòng hòa nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho rêu rong nấm mốc loang lổ.

Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.

Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phố nổi trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh trong hiện tại.

Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.

11:05 tối: Viết trên giường.

Tôi vừa trở về nhà từ buổi hòa nhạc và vẫn còn đang cao hứng vì âm nhạc và cái bánh nutella-coco crepe mà tôi mua trên đường về. Thực tình, dàn nhạc bình thường và các nghệ sĩ cũng bình thường, nhưng nghe hòa nhạc sống trong một căn phòng nhỏ vẫn mang lại ấn tượng sâu sắc; nhất là lại nghe opera bằng tiếng Ý, hát bởi người Ý. Giờ thì tôi hiểu tại sao tiếng Ý là ngôn ngữ của opera. Với tất cả những chữ "ô" và "r" tràn ngập trong ngôn ngữ này thì dĩ nhiên là cổ họng và lưỡi của người Ý sẽ được luyện tự nhiên để có những nghệ sĩ opera số một thế giới. Và tiếng Ý lại là ngôn ngữ có xuất xứ từ thơ Dante.

Scuola Grande Di San Teodoro là nhà hát lớn nhất của Venice và tối nay, trừ tôi với vài đứa bé đi cùng ông bà, toàn bô khán phòng đều ít nhất 45 tuổi. Từ lúc xếp hàng vào nhà hát, tôi nhận ra đến một nửa những người đang xếp hàng cùng tôi phải chống gậy - mặc dù là những cái gậy gỗ rất đẹp. Có hai ông bà già có lẽ là vợ chồng đi cùng nhau, ông phải đẩy bà già ngồi trên xe lăn, với một bình ôxy đặt ở chỗ để chân và một đường thông hơi dẫn từ cái bình lên mũi bà. Cả hai ăn mặc rất lịch sự - ông mặc tuxedo đen, bà mặc váy dạ hội đen và đội mũ cắm lông chim màu đỏ và cái lông chim cứ rung rung vì đầu bà liên tục lắc lư nhẹ như người bị bệnh Parkinson. Cuộc đời trớ trêu vậy đó: tuổi trẻ không có tiền để làm những thứ họ muốn, ví dụ đi nghe nhạc; còn tuổi già có tiền thì không có sức mà đi nghe nữa.

Phòng biểu diễn buổi tối nay là một căn phòng đơn giản. Không có ghế bọc nhung hay các box cho dân thượng lưu; chỉ có một khán đài nhỏ cho các nghệ sĩ; còn lại khán giả ngồi trên những cái ghế rời thông thường. Tuy thế, tất cả các bức tranh trên tường và trên trần nhà đều rất đẹp. Trông chúng như tác phẩm của Leonardo da Vinci.

Chiều tối nay, trên đường đi bộ từ quảng trường San Marco về lại nhà trọ, tôi càng nhận ra Venice thật nhỏ, nếu ở đây một tuần, chắc chắn một người bình thường có thể thông thuộc mọi ngõ ngách của thành phố này. Ít nhất người ta cũng không bao giờ có thể lạc ở Venice vì chỉ cần lấy Kênh Lớn để định hướng là tìm được đường về. Trên đường về, tôi đi chậm để la cà chỗ này chỗ kia và càng thêm ngưỡng mộ cảm quan nghệ thuật của người Ý. Ngay cả cừa hàng McDonald duy nhất ở Venice cũng trở nên có phong cách. Bằng chứng là thay vì cái logo chữ M vàng chóe khổng lồ như vẫn thấy ở Mỹ, cửa hàng McDonald duy nhất ở Venice này có một cái logo "McDonald" màu bạc rất trang nhã ở bên ngoài, còn toàn bộ cửa hàng là một kiến trúc đá cẩm thạch đen đứng lẫn trong những tòa nhà cổ của Venice. Chính quyền Venice và người dân Venice hẳn đã dứt khoát yêu cầu McDonald bỏ lai sự sấn sổ của đường lối marketing Mỹ ở bên ngoài.

Buổi hòa nhạc bắt đầu lúc 8 giờ. Tất cả các nghệ sĩ đều mặc trang phục dạ hội điển hình của Venice vào thế kỷ XVIII. Nhưng tôi sẽ không mô tả gì thêm về buổi hòa nhạc. Tôi sẽ ngừng viết ở đây và có lẽ nên ngừng viết luôn cho chuyến đi này. Venice bắt đầu làm tôi thấy rằng thay vì ghi nhớ thì lãng quên có lẽ cũng là một lựa chọn quan trọng không kém của đời người.

Trong phòng tôi lúc này có hai người đang ngủ vùi mặc dù đèn vẫn sáng và cái cửa chết tiệt thì vẫn cứ liên tục mở ra đóng vào xình xịch. Tôi chính thức ghét một đám người ở cùng nhà trọ này; phải, "ghét" - từ mà tôi hầu như không bao giờ dùng. Họ có quá nhiều thứ hổ lốn để tán nhảm với nhau không mệt mỏi, từ giờ này sang giờ khác mà không bao giờ dừng lại nghĩ xem những gì họ nói có ý nghĩa gì không. Họ giống như những con thú đồ chơi đã được lên dây cót và cứ thế nói, nói, nói, không sao dừng lại được. Những cái máy nói không còn khả năng tự kiểm soát. Toàn những chuyện dây cà dây muống, anh A chị B, ông tôi bà tôi, bố tôi cụ tôi, liên tu bất tận. Thật kinh khủng. Nếu bắt họ không được nói một ngày, có lẽ những người này sẽ nổ tung mà chết.

Nhưng tôi chỉ còn ở đây tối nay thôi. Tôi sẽ không bao giờ quay lại cái nhà trọ này nữa. Giờ thì cố gắng mà ngủ vậy. Tôi muốn sẽ dậy sớm ngày mai để xem mặt trời lên trên dòng Kênh Lớn; rồi tôi sẽ tới quảng trường San Marco một lần nữa xem có gì ấn tượng hơn không trước khi đi Florence.

Tôi mới chụp hai cái ảnh có tôi ở Venice. Không hiểu sao tôi không có hứng thú ghi lại ảnh bản thân ở đây. Mà các ghi chép của tôi đang ngày càng trở nên buồn tẻ; sự mệt mỏi của chuyến đi bắt đầu ảnh hưởng đến tôi.

Đêm nay, tôi thấy thêm một Venice vào đêm sâu, như một người già không sao ngủ được vì tất cả các khớp xương đều đau nhức. Cả thành phố rền rĩ, cọt kẹt - những cái trụ cầu và những móng nhà đang âm thầm mục ruỗng, những cửa sổ toang hoác như những cái miệng đang kêu cứu, và những còn đường sũng nước, dù ban ngày hào nhoáng làm sao.

Phải rồi, lãng quên cũng là một đức hạnh. Để cho một thức không còn sức sống được chìm xuống, được chết đi cũng là một đức độ. Không thể có sự tái sinh nếu trước đó không có cái chết.

Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.

Tôi đã đi ngủ lúc 11 giờ đêm trong lúc phòng vẫn sáng đèn. Sau đó, có lẽ là sau nửa đêm, tôi tỉnh dậy vì cái nhóm người gồm cả cô nàng Úc hôm trước lại uống rượu say và bắt đầu huyên náo đến mức không thể chịu được. Họ đã uống từ chập tối trong phòng khách, và giờ thì ồn ào bàn nhau là sẽ đi ra ngoài để đến quán bar hay sàn nhảy nào đó. Nghĩa là trong vòng 30 phút, tất cả ra ra vào vào nhà tắm liên tục, và sập cửa rầm rầm, nói cười huyên náo. Con lợn người Úc chắc chắn đã say xỉn nên nói cười không kiểm soát nổi nữa. Cô ta ra ra vào vào mặc váy mặc áo ầm ĩ, rồi đứng trong hành lang, cửa để mở, cứ thế huyên thuyên những chuyện đá cá lăn dưa với lũ con trai. Tôi biết cả phòng tôi đều đã bị đánh thức và đều điên tiết. Tôi thực ra không tức lắm vì sau khi nhận ra tạng của cô nàng người Úc này là tạng nhố nhăng không thể tự kiểm soát thì tôi không sao còn có thể tức cô ta được. Chẳng ai lại đi nói lý với lợn - các cụ đã dạy. Thế nhưng sau khi một cô bé trong nhóm mấy cô bé sinh viên - cô bé tóc ngắn đeo kính rất dễ thương - thở dài sườn sượt và vật vã trên giường thì tôi thấy mình gào lên:

"Fuck youuuuuuu!"

Tôi không nhận ra là mình gào to đến mức nào và tôi đã chuẩn bị nói "Câm mẹ nó mồm mày lại" hoặc "Sao mày không nói to lên nữa cho cả Venice nghe thấy những thứ bullshit mà mày đang lảm nhảm," nhưng ngay sau khi tôi gào lên "Fuck you" và ngừng lại để lấy hơi, và nhận ra sự yên lặng tức thì bao trùm căn nhà, thì tôi cũng ngừng lại. Tôi chờ xem cô ả người Úc nói gì; chỉ cần cô ta mở mồm ra thì tôi chắc chắn sẽ nhảy khỏi giường lao vào cô ta, bất chấp sau đó sẽ thế nào.

Nhưng cô nàng người Úc chỉ lập tức kêu lên "Ôi ôi, tôi xin lỗi, tôi rất xin lỗi..." rồi rón rén khép cửa lại và cả đám thì thầm gì đó rồi líu ríu kéo nhau ra ngoài đường, đúng như bản chất đớn hèn của cái tụi thùng rỗng kêu to.

Trong phòng tôi lúc đó, mọi người đều sốc và nằm im thin thít. Cô bé sinh viên tóc ngắn nhổm đầu lên khỏi giường nhìn tôi rồi lại nằm xuống. Kể cả mấy cậu ở phòng bên cạnh cũng im thít. Căn nhà rơi vào im lặng. Im lặng đến mức tôi cảm thấy sự tĩnh lặng đến chết chóc của Venice về đêm đang cô đặc lại như bánh đúc. Im lặng tới mức bây giờ thật khó mà ngủ trở lại. Trong phòng, dường như tất cả đều bị sự im lặng mới mẻ này đánh úp và đều phải cố gắng làm quen với nó. Tôi muốn dậy đi tiểu nhưng lại không muốn phá vỡ sự im lặng nên tôi tự nhủ "Rồi, mình sẽ không đi tiểu; ngủ đi."

Bằng cách nào đó, tôi ngủ trở lại được.

Nhưng không được lâu, khoảng ba mươi hay bốn lăm phút sau, khi chúng

tôi đã thiu thiu ngủ, cô bạn người Úc và nhóm bạn của cô ta trở lại; chắc là vì nhận ra rằng sau 10 giờ đêm, Venice hoàn toàn đóng cửa nên chúng chẳng có chỗ nào mà đi. Mà cũng có lẽ, đi được một lúc là bọn hèn nhát ấy bị sự yên tĩnh ma quái của Venice làm cho sợ hãi hoặc sự huyên náo của chúng bị người khác đánh đuổi. Vậy là bọn chúng trở lại nhưng không vào nhà mà đứng ở khoảng sân trước; cạnh cái cầu nối kênh nước nhỏ, nói cười huyên náo theo cách của những kẻ say không còn tự chủ được mình đang ở đâu, với ai, và đang nói gì.

Căn nhà này không có điều hòa nên cửa sổ lúc nào cũng mở ra đường, và vì thế tất cả những bô lô ba la của bầy lợn đều lọt vào trong phòng và ngay lập tức đánh thức chúng tôi dậy. Giường tôi ở cuối phòng nên tôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi tiếng ồn... nhưng cái ý nghĩ rằng những kẻ du lịch ngu ngốc kia đang phá hỏng cả một đêm và phá hỏng Venice khiến tôi một lần nữa lại nổi điên. Tôi cố nghĩ xem có cách gì bạo lực hơn với bọn chúng. Có lẽ tôi đi lấy một xô nước hắt vào bọn chúng qua cửa sổ; nhưng lấy đâu ra xô bây giờ? Có lẽ tôi sẽ dùng thùng rác làm xô. Hoặc là tôi sẽ ném cái bánh mỳ kẹp còn thừa từ trưa vào bọn chúng.

Vậy là tôi ngồi dậy trên giường, quờ quạng tìm cái bánh mỳ kẹp. Nhưng trước khi tôi kịp xuống giường, cô bé sinh viên tóc ngắn đã nhảy bổ từ giường ở tầng một ra cửa sổ và gào lên:

"Trời ơi, bọn điên, các người có biết là có người đang cố ngủ không hả?"

Tôi nghe cô nàng người Úc phàn nàn gì đó với đồng bọn; nhưng rồi chúng cũng im tiếng. Chắc chắn là bọn chúng cũng đã bị xua đuổi lúc trước nên mới quay lại. Tôi không biết bọn chúng đi đâu tiếp nhưng không nghe thấy tiếng chúng nữa. Tôi nằm xuống trở lại và lập tức thiếp đi vì quá mệt...

Ahhhhhhhhhhhhhhhh!

Venice, ngày...

8:15 sáng: Tôi đang ở quảng trường Thánh Marco, lần thứ ba. Vào lúc này, trên cả quảng trường thênh thang, chỉ có ba người khách du lich Hàn Quốc cũng dậy sớm giống tôi để xem Venice thức dậy cùng mặt trời. Có mấy ông bà già có lẽ không ngủ được nên dậy sớm ngồi trầm mặc như những pho tượng đá trên một chiếc ghế đá gần nhà thờ và hai cô gái da trắng còn trẻ đang ngồi vẽ bên giá vẽ ở mép nước. Ngoài ra, tất cả những người đang đi lại quanh tôi đều là người Venice đi làm và cũng chỉ có vài người. Không có các đám đông huyên náo quanh những con bồ câu, mà ngay cả lũ bồ câu lúc này cũng đan nép vào nhau, ngủ đúng trên một chân và trông còn thảm thương hơn ngày hôm qua vì lông của chúng đang bị gió tốc lên.

Lúc này, các cửa hàng quanh quảng trường còn chưa mở. Năm phút trước, tôi chụp ảnh chiếc xe bán dạo đầu tiên xuất hiện - một người đàn ông còng lưng lôi cái xe chất đầy đồ phủ vải bạt tới chỗ mà ông ta chọn. Ông ấy đã quan sát kỹ trước khi chọn cái chỗ đó - ông ấy có vẻ lo lắng khi thấy đống hàng rào gỗ và tấm ván lắp sàn biểu diễn di động mà người ta mới chất ở một góc quảng trường. Hình như tối nay hoặc tối mai có concert ngoài trời.

Mặt trời đã lên từ trước 7 giờ. Hôm nay là một ngày nắng đẹp; da trời xanh ngắt và mặt nước Lagoon cũng phản chiếu màu xanh đó. Lúc này, quảng trường yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ nước vỗ ì oạp vào mép bê tông của quảng trường và những chiếc gondola cứ dập dềnh lên xuống trên mặt nước, tất cả đều được phủ vải bạt xanh thẫm, xếp thành một hàng dài duyên dáng dọc mép nước. Có thể nghe cả những tiếng gù khẽ của lũ bồ câu và tiếng xuồng ca nô với xe buýt nước chạy xa xa ngoài Lagoon hoặc dọc theo Kênh Lớn - để chở người đi làm, chở hàng hóa, vật liệu phục vụ Venice. Nếu muốn nhìn Venice vận hành thì đây chính là lúc thích hợp, chỉ một tiếng nữa thôi, tất cả những gì người ta nhìn thấy là một Venice đã son phấn xong, đã áo xống xong và sẵn sàng kéo rèm lên cho khách du lịch được thấy một màn trình diễn ngoạn mục. Nhưng trước và trong lúc mặt trời lên, người Venice tỉnh dậy để chuẩn bị thành phố của họ cho buổi diễn.

Sáng nay, trong khi đi bộ từ nhà trọ tới cầu Rialto, tất cả những gì tôi nhìn thấy là ca nô và gondola chở hàng hóa chạy dọc Kênh Lớn, đàn ông vác các thùng hàng từ dưới thuyền lên bến, bồi bàn nam và nữ lau dọn bàn để chuẩn bị mở cửa hiệu; công chức mặc com lê rảo bước và một vài người mặc đồ thể thao trùm kín đầu chạy bộ. Đường phố của Venice yên tĩnh như một nấm mồ; đến mức tôi nghe tiếng chân tôi đều đặn vang dọc theo các đường phố lát đá hẹp và âm âm ra khắp các hướng. Thậm chí tiếng bánh xe của một cái va li nào đó bị kéo trên mặt đường nghe như những tiếng sấm rền vang vọng và tiếp tục lăn xa trong ma trận các đường phố mà không hề thấy bóng dáng của người kéo.

Dấu hiệu sự sống ở Venice, vào lúc tinh mơ, là tiếng húng hắng và tiếng chổi xoèn xoẹt trên mặt đường, tiếng nước táp vào chân các căn nhà và tiếng động cơ ca nô. Phải rồi! Tiếng động cơ ca nô - chúng như tiếng tim đập của thành phố này; nếu một ngày nào đó chúng tắt thì tức là Venice đã chết! Khi tôi tới cầu Rialto, đồng hồ đeo tay chỉ 7 giờ đúng; mặt trời đã lên và đang di chuyển ngang bầu trời, bắt đầu màn trình diễn ánh sáng tuyệt hảo trên mặt nước và hai dãy nhà đứng dọc Kênh Lớn, ở phía mở ra ngoài Lagoon.

Mặt trời, ở phía bên trái của Kênh Lớn, vẫn còn khuất sau nóc nhà nên từ trên thành cầu Rialto, tôi có thể thấy vệt nắng di chuyển chậm rãi trên những căn nhà phía bên phải kênh. Từ những mái ngói đổ xuống tới những đường viền trang trí trên các vòm của sổ Gothic và Batantine; nắng đã xuống tới hàng cửa sổ và các cột chống đầu tiên; rồi đến hành lang, rồi sàn nhà, rồi chạm vào mặt nước. Và bởi vì Kênh Lớn cong về bên phải nên phía xa nhất của dòng kênh - phần hòa vào Lagoon - được thắp sáng trước hết. Rồi ánh mặt trời chạm vào mặt nước dòng kênh ở phía trong và bắt đầu loang ra như thể có ai đó đổ một thùng than lửa xuống dưới nước khiến cả dòng nước rực lên dần từ bên trong. Ánh nắng cũng sơn lên tường các ngôi nhà ở phía cuối dòng kênh một màu vàng ấm trong khi ở chỗ tôi đứng, mới chỉ có phần mái của các ngôi nhà bắt đầu được thắp sáng. Một cảnh tượng rực rỡ tuyệt vời. Những màu sắc khác nhau của các căn nhà - đỏ, vàng, da cam, trắng, xanh da trời, xanh thẫm, xanh lá cây, đen... - hòa vào nhau như một palette màu lớn cứ sáng lên dần cùng với mặt trời và mặt nước sóng sánh ánh sáng bởi những chiếc ca nô chạy qua chạy lại.

Venice quá đẹp.

Tôi đã dậy từ lúc 6 giờ 30 và ra khỏi nhà trọ trong tình trạng mặt chưa rửa, răng chưa đánh, quần áo không thay. Chỉ kịp vớ lấy túi xách với áo khoác ngoài, đi giày và đi tới cầu Rialto, tôi vốn định chỉ đến cầu xem mặt trời lên rồi sẽ về lại nhà trọ, ngủ đến trưa rồi sẽ dậy ra bến tàu đi Florence. Nhưng khi thấy những gì bình minh có thể làm với các căn nhà trên Kênh Lớn và phía mặt nước xa của dòng kênh, thì tôi biết tôi sẽ phải đuổi theo mặt trời ra đến ngoài Lagoon để xem bình minh sẽ làm gì với mặt nước xanh rộng. Nghĩa là tôi sẽ quay lại quảng trường San Marco lần thứ ba.

Đi trên xe buýt nước dọc Kênh Lớn buổi sáng sớm là một kinh nghiệm tuyệt vời. Có cảm giác như tôi đang trên một chiếc thuyền chạy đuổi theo ánh sáng đến chân trời. Nhưng ấn tượng nhất là khuôn mặt thản nhiên của những người Venice trên xe. Họ là nhưng người Venice thật và đang đi tới chỗ làm; tôi là người duy nhất cứ tanh tách bấm máy chụp những căn nhà được mặt trời thắp sáng trên dòng kênh. Tất cả những người còn lại đều gà gật ngủ rốn, hoặc đọc báo thể thao, hoặc nhìn ra ngoài với cái nhìn trống rỗng, mệt mỏi. Thật khó tưởng tượng là ai đó lại có thể thờ ơ với cảnh mặt trời lên tuyệt vời thế này. Nhưng nghĩ kỹ thì đây thật nhất về Venice mà tôi chứng kiến từ lúc tới đây. Thành phố này mặc dù độc đáo, đẹp đẽ, mơ màng, kỳ lạ đến đâu thì trước hết vẫn là một thành phố của những con người thật - họ vẫn phải chống lại những cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi và kiệt sức để kiếm tiền sinh sống hàng ngày. Có thể không thấy họ vào ban ngày khi những người khách du lịch tràn ngập thành phố, có thể không thấy họ sau khi họ đã trang điểm, mặc quần áo đẹp để phục vụ khách du lịch; nhưng vào lúc sáng sớm như bây giờ, họ chỉ có khuôn mặt mộc, không phấn son, không đồng phục. Đấy là những khuôn mặt phụ nữ và đàn ông đầy những nếp nhăn, tàn nhang và những dấu hiệu của thời gian. Họ thu mình trong những bộ quần áo thùng thình cốt lấy sự thoải mái, chân mang những đôi giày thể thao cũ, chỉ để tiện cho đi lại. Ai cũng có túi đồ ăn trưa; những người phụ nữ mang theo cả túi lớn đựng hộp trang điểm và đồng phục để mặc ở nơi làm.

Người ta nói dân số của Venice chỉ khoảng bảy mươi ngàn người và tiếp tục giảm dần mỗi năm trong khi số khách du lịch tới đây mỗi năm là mười hai triệu người. Cũng từ đầu thế kỷ XX cho tới giờ, Venice đã lún sâu hơn một mét, và từ thập kỷ năm mươi, hơn một trăm ngàn người đã rời bỏ Venice vào sống trong đất liền. Tuổi trung bình của người dân Venice là năm mươi. Thành phố đang tàn lụi, đang chết. Nhưng chỉ có thể thấy dấu hiện của cái chết từ từ ấy khi đối diện với Venice lúc sáng sớm hoặc sau nửa đêm. Vào ban ngày, thành phố vẫn thành công trong việc biến mình thành một giấc mơ lạ lùng và khách du lịch vẫn cứ tấp nập đổ tới đây để được sống trong giấc mơ ấy.

Có đi xe buýt nước mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người Venice trong việc điều khiển ca nô, thuyền, hay bất cứ cái gì nổi trên mặt nước. Họ luồn lách, lái xe buýt nước không khác lái ô tô trên cạn. Khi một chiếc ca nô cấp cứu phóng qua - với còi hú, đen nháy và sáu cảnh sát đứng trên ca nô tất cả các thuyền trên kênh đều lập tức dạt ra hai bên, và chiếc ca nô phóng vụt qua. Trên Kênh Lớn không hề có một thứ cảnh sát giao thông nào, thuyền bè dường như tự giác tuân theo một luật chơi và một thứ nhịp điệu không lời của sông nước cộng với cái tinh thần duy mỹ của Venice. Tôi chợt nhớ đến một nghiên cứu văn hóa về người Eskimo nói rằng người Eskimo hầu như không bao giờ giận dữ; bởi vì hằng ngàn năm họ phải chung sống trong những túp lều bé xíu, cho nên họ học cách không nổi giận, vì có nổi giận cũng chẳng có chỗ nào mà bỏ đi. Có lẽ Venice cũng thế. Người Venice đã ngấm vào máu cái lối sống hài hòa với tự nhiên, với sông nước bởi họ có cả ngàn năm sống với nước.

Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.

Rời khỏi quảng trường San Marco lúc 9 giờ 40 phút, tôi lên xe buýt nước trở lại nhà trọ.

Trong phòng khách không thấy đám người huyên náo đêm qua đâu. Có lẽ giờ này cả đám còn đang ngủ bù hoặc trốn ở đâu đó nhưng trên bàn, tàn tích của chúng còn hiển hiện ở một đống vỏ chai. Chỉ có ba cô sinh viên đang ngồi nói chuyện rì rầm và cười chào tôi hiền lành. Chúng tôi không hề nhắc lại chuyện đêm qua nhưng tôi hiểu là giữa chúng tôi đã có một thứ gắn kết mới chớp nhoáng giữa những người du lịch xa lạ vì hoàn cảnh mà trở thành cùng hội cùng thuyền.

Tôi trèo lên giường, ngủ thêm một tiếng rồi dậy, đóng gói đồ đạc và rời khỏi nhà trọ lúc gần trưa. Sáng nay trở dậy, nhớ lại câu chuyện đêm qua, tôi đột nhiên nhận ra tôi đã hầu như không bao giờ nổi giận trong suốt những năm tôi và Sơn sống với nhau. Tôi không biết cách nổi giân, đã không nổi giận và bây giờ có lẽ đã quá muộn.

Venice cũng có phố Tàu. Gọi là "phố Tàu" nhưng nó thực sự chỉ có năm bảy ngôi nhà và một cửa hàng Tàu ở ngay bờ một nhánh kênh. Người Tàu là thế, chỉ cần có một người Tàu đến một thành phố, họ sẽ mở "phố Tàu" và nhanh chóng bành trướng. Khu phố Tàu này, nước dâng mấp mé nền nhà rồi; nếu nước lên chút nữa là tràn vào trong nhà.

Tôi quyết định ghé vào đây trên đường ra bến tàu đi Florence bởi vì nó nằm ngay trên đường ra bến và tôi bắt đầu thèm cơm sau mấy ngày chỉ ăn pizza, mì ống và các loại đồ Ý mà món nào cũng đầy xốt cà chua đóng hộp. Tôi thèm cơm và một tí rau tươi. Tôi cũng muốn xem thế nào mà người Tàu có thể mở phố Tàu ở Venice, nơi mà đồ ăn Ý ở khắp nơi và người châu Á thì hầu như không xuất hiện (thực tế là từ hôm tới đây tôi đếm trên đầu ngón tay những khuôn mặt châu Á thuần chủng, chỉ có vài người gốc Á sống ở Úc hay các nước đã phát triển; thậm chí người Nhật và người Hàn Quốc cũng hiếm). Đúng là "phố Tàu" hiện chỉ là một cái tên hơn là một thực tại, nhưng ai mà biết được, một khi họ đặt được tên ở đây (và thực tế đã treo biển "phố Tàu" và đặt tên phố bằng tiếng Tàu). Thì họ sẽ mở rộng ra một phố, hai phố, rồi biết đâu... Và họ thì rõ ràng vẫn thành công trong việc giữ giá rẻ; bữa cơm ba món của tôi chỉ có 10 euro trong khi ở Venice, không thể ăn bất cứ cái gì dưới 15 euro. Họ lại phục vụ nhanh, chỉ mấy phút là thức ăn được bê ra.

Trong khi kéo hành lý ra ga, tôi không thể không nhận thấy Venice lại đang chào đón một ngày mới với một đòng khách du lịch mới - trên mặt họ phủ đầy sự hào hứng, ngưỡng mộ, thậm chí nghi ngờ sự tồn tại của Venice - thành phố trên mặt nước. Có thể dễ dàng nhận ra những người khách mới đến - họ mang hai, ba tấm bản đồ trong tay (tấm nào cũng mở tung), ba lô trên lưng, và họ sẽ dừng cả tiếng ở cửa hàng bán đồ lưu niệm đầu tiên để ngắm nghía những đồ thủy tinh Murano và mặt nạ Venice. Và điều này làm tôi nhận ra tôi đã đi khắp Venice mấy hôm nay mà không dùng bản đồ và tôi cũng chưa mua một món đồ lưu niệm nào. Nếu được chọn lại tôi sẽ mua một cái mặt nạ hóa trang lớn - loại thật sặc sỡ, với các họa tiết cầu kỳ và lông nhím. Nhưng tôi không thể mang nó đi theo vì tôi còn Florence ở phía trước. Vậy là tôi mua mấy cái mặt nạ nhỏ, có gắn nam châm phía sau để dính lên cửa tủ lạnh hay bàn làm việc. Rồi, trong một phút phù phiếm, tôi muốn mua một món đồ trang sức Venice, để nếu có ai khen nó đẹp thì tôi có thể tỉnh bơ trả lời "À, cái này hả? Tôi mua ở Venice ấy mà." Chậc, không thể tới thành phố của lễ hội hóa trang mà không nhiễm một chút sự phù phiếm.

Vậy là tôi mua một đôi khuyên tai thủy tinh trong suốt có hình hai giọt nước. Rồi tôi nhìn đến những món đồ trang sức thủy tinh Murano và mua thêm năm cái vòng cổ với màu sắc khác nhau. Rồi lại thêm ba đôi khuyên tai thủy tinh đi kèm với vòng cổ thành bộ. Mấy món đồ không đáng bao nhiêu tiền nhưng người bán hàng cẩn thận gói chúng trong giấy lụa, và tách riêng mặt với dây, như thể chúng là những món trang sức kim cương đắt nhất thế giới.

Ấn tượng cuối cùng của tôi với Venice là những tấm áp phích tơi tả được dán đầy các cột điện và trạm điện thoại công cộng quanh bến tàu Santa Lucia. Những tấm áp phích có ảnh chân dung tổng thống Kennedy của Mỹ bên cạnh một chính trị gia nào đó của Ý. Chữ "dân chủ" (democracy) được phóng lên, chạy ngang mặt hai người. Tôi rời Venice với ý nghĩ: tại sao người ta lại cần khái niệm "dân chủ" khi mà Venice đã làm chủ được một khái niệm còn đẹp hơn và bền lâu hơn dân chủ - đó là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người (harmony).

Florence, ngày...

Trên tàu hỏa từ Venice đi Florence, tôi ngồi đối diện một phụ nữ trung niên người Anh. Bà đi du lịch cùng chồng - hai người ngồi canh nhau và nhìn vào mắt nhau trìu mến trong lúc nói chuyện. Khuôn mặt bà tràn ngập sự thảnh thơi. Hạnh phúc đã làm thành một thứ ánh sáng rõ ràng, như một đường viền ôm lấy khuôn mặt ấy. Bà không có cái vẻ căng thẳng lo âu hay cằn cỗi lạnh lùng mà tôi nhìn thấy ở quá nhiều người, cũng không có cái vẻ sợ hãi của một người đang ở trong một mối quan hệ mà mình phải thay đổi quá nhiều, đến mức mình không còn là mình nữa. Bà không hề có nhu cầu tự vệ trước chồng. Hạnh phúc. Bà có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Điều đó làm tôi sợ.

Tàu từ Venice qua Bologna tới Florence. Có những khi tàu đi ngang qua một con sông xanh lam chảy lững lờ, hai bên tràn trề những vạt cỏ ngập hoa cúc tím. Trên các cánh rừng thông phủ xanh các quả núi gần Bologna, những ngôi nhà mái đỏ và những lâu đài ẩn hiện. Nhưng tàu vòng qua Bologna và một vài thị trấn nhỏ nữa, rồi những quả núi nhường cho những triền đồi thấp phủ đầy cây ô liu và nho làm rượu hiện ra dưới nắng ấm. Đây là bình nguyên Tuscany rồi.

"Florence rồi!" Người đàn ông nói với người phụ nữ.

"Florence!" Bà ấy mỉm cười đáp lại.

"Florence," tôi tự nhủ. " Tôi đã mệt rồi. Please, please, xin cho những ngày cuối cùng tôi ở châu Âu được suôn sẻ".

Florence, ngày...

Bây giờ là 9 giờ tối và tôi đang ăn bữa tối đầu tiên ở Florence nhưng là bữa ăn thứ hai ở Florence, trong một nhà hàng gần thành đường Doumo. Bữa tối của tôi là một món tuy gọi là salad, nhưng rất kỳ cục: có rất nhiều cá mực trộn với cơm, cà rốt thái mỏng, ớt chuông, cần tây, hành tây, tôm và dầu giấm... và đều được ướp trong đá lạnh. Tôi mua bởi trong tủ kính, trông món salad này sặc sỡ vô cùng. Tôi đã không cưỡng được sự tò mò, nhưng ăn thì không ngon chút nào.

Bữa ăn đầu tiên của tôi ở Florence thực ra là một cái bánh mỳ kẹp McDonald, cộng với khoai tây chiên và ba cái cánh gà chiên. Tôi đã đứng mà ăn ngốn ngấu cả bữa ăn đó ở cửa hàng McDonald trong bến tàu Santa Maria khổng lồ của Florence.

Suốt tám năm ở Mỹ, tôi chỉ ăn ở McDonald vài lần. Ngoài chuyện đồ ăn quá nhiều chất bảo quản, tôi cũng không thích cái cách mà các chuỗi cửa hàng McDonald, với chữ M vàng chóe lố bịch của nó, tỏa đi khắp thế giới, áp đặt giá trị Mỹ lên mọi thứ. Nhưng hôm nay, ra khỏi bến tàu lúc 5 giờ 20 phút chiều, và gặp lại cảm giác lạc lõng, mất hướng của người mới tới một thành phố, đói và mệt giữa một biển người hối hả, tôi mừng làm sao khi nhìn thấy cái chữ M ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu cảm giác mà những người Mỹ thường nói tới: thèm ăn một cái Big Mac thật to, với hai tầng thịt bò, thật nhiều pho mát nóng chảy, và khoai tây chiên giòn, và cánh gà... toàn những thứ đồ béo nhưng tôi đang muốn chính những mỡ và pho mát béo ngậy đó lấp đầy cãi lỗ thủng không đáy trong dạ dày. Đấy là cảm giác thèm đồ ăn, như người ốm dậy thèm ăn bù, nhưng hơn cả điều đó, nó là sự thèm muốn cảm giác thuộc về, cảm giác ở nhà, cảm giác cắn chặt được vào một cái gì đó quen thuộc trong một biển nhốn nháo những người không nói tiếng của mình, những con đường không có trong trí nhớ của mình, những phép tắc hành xử mình không biết. Thực sự, McDonald làm người ta cảm thấy mình đang ở Mỹ hơn bất cứ thứ gì, hơn cả đại sứ quán Mỹ. Có lẽ đó là lý do mà người Mỹ đi du lịch khắp nơi vẫn cứ đôn đáo tìm của hàng McDonald, Burger King, hay KFC trong khi ở nhà, họ hiếm khi bước chân vào.

Trong cửa hàng McDonald ở nhà ga Florence, hầu hết người đứng chờ gọi đồ ăn là người Mỹ. Họ nhẫn nại xếp hàng và cứ liên tục nhìn lên menu rồi lại lo âu nhìn ra ngoài nhà ga nườm nượp người, như thể cái cửa hàng McDonald này là một chốn trú ẩn và họ là những kẻ đang chạy trốn sự săn đuổi của bầy người xa lạ bên ngoài. Khi đến lượt, ai cũng dõng dạc gọi từng món như không thể kham nổi việc cô gái phục vụ người Ý có thể lãng tai mà bỏ sót một món nào. Ai cũng gọi rất nhiều. Đến lượt mình, tôi cũng gọi đầy đủ - một cái bánh mỳ kẹp, khoai tây chiên và cánh gà - rồi ra đứng chờ, tay lăm lăm cái hóa đơn có đánh số. Những người đứng cạnh đó (tay cũng lăm lăm hóa đơn có đánh số) mỉm cười với tôi, cái cười hiểu ý của những người cùng hội cùng thuyền. Họ cũng như tôi ngắm nghía cái hóa đơn như ngắm một thành tích. Tôi bỏ cái hóa đơn vào túi để giữ nó làm kỷ niệm và không khỏi nghĩa đến mẩu quảng cáo đặc trưng của thẻ tín dụng Master Card - một sản phẩm nữa của một nước Mỹ đang ra sức Mỹ hóa thế giới.

Bánh mỳ kẹp: 1 euro.

Cánh gà rán: 1 euro.

Khoai tây chiên: 1 euro.

Tương ớt: 10 xu.

Cảm giác như đang ở nhà trong một thành phố lạ: vô giá!

Sau bữa ăn đầy ắp tình yêu mới được khơi dậy với McDonald và nước Mỹ ấy, tôi gọi taxi để về nhà trọ. Ra khỏi bến tàu, tôi chuẩn bị tinh thần để trả 20 euro cho quãng đường ngắn (tôi biết nhà trọ chỉ cách nhà ga một chút xíu và nếu khỏe thì tôi đã có thể đi bộ). Sau khi taxi rời ga, ông già lái taxi hỏi tôi "Japan?" Tôi nói "No, Việt Nam". Ông ấy đột nhiên cười toe toét và giơ ngón cái với ngón trỏ ra. Thấy tôi ngẩn ngơ không hiểu, ông ấy kêu lên "pằng pằng"... À, thì ra ông ấy đang nói tới "chiến tranh Việt Nam." Ông ấy bắt đầu vừa lái vừa cười nhìn tôi qua gương chiếu hậu và vung tay nói gì đó rất sôi nổi về "chiến tranh Việt nam"; có vẻ như hồi những năm thanh niên, ông ấy và bạn bè đã biểu tình phản chiến Mỹ và đã rất vui khi Việt Nam thắng. Tôi không chắc mình có nên vui mừng khi khắp nơi tôi đi người ta nhắc đến Việt Nam chủ yếu vì chiến tranh hay không, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng sự nổi tiếng này có lợi cho tôi bởi ông già lái taxi chỉ lấy 5 euro và liên tục nói "Vietnam, Vietnam, good, good" khi tôi xuống xe. Ông còn dứt khoát đòi mang hành lý cho tôi vào tận cửa nhà trọ.

Nhà trọ nằm trong một phố nhỏ gần Doumo. Khi mở cửa vào đến sảnh, tôi suýt nữa thì quỳ xuống tạ ơn Chúa, Phật (hoặc ai đó trên cao đã nghe lời cầu khẩn của tôi) bởi vì nhà trọ này thật sạch, thật mới, thật trẻ trung; mọi thứ đều ngăn nắp, sáng sủa. Đứng quầy lễ tân là một anh chàng khoảng ngoài hai mươi đang nở một nụ cười rất tươi. Anh ta hỏi tôi đi đường thế nào, nhanh nhẹn làm thủ tục nhận phòng cho tôi, rồi đưa tôi chìa khóa tủ đựng đồ, và một vật gì đó dài dài, đen đen, trông như vũ khí trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.

"Đừng sợ!" Anh ta cười khi thấy vẻ mặt của tôi. "Đây là đèn đọc sách của chị."

May quá! Tôi thực sự không còn sức chống trả nếu ai đó muốn chơi khăm tôi lúc này nữa. Tôi cầm đèn, cảm ơn anh ta, lấy một số bản đồ miễn phí rồi theo anh ta về phòng. Mở cửa phòng ra, tôi lại muốn quỳ muốn tạ ơn. Căn phòng rộng, sạch, sáng sủa làm sao. Sau những ngày ở Venice, cái phòng trọ này là thiên đường.

Trong phòng lúc này đã có bốn người - Sophia người Argentina, Veronica từ Mexico, Nick người Canada, và một cậu sinh viên nữa đang ngủ. Chúng tôi bắt tay chào hỏi nhau rồi tôi sắp đồ vào phòng, tắm gội, rồi ra ngoài ăn tối. Bây giờ thì tôi đang ở nhà hàng này, ăn món salad kỳ dị này nhưng vui không sao tưởng nổi.

Ăn tối xong về lại phòng, khi ngang qua sảnh, tôi nghe có tiếng "Hello, hello" từ ngoài ban công. Một nhóm sinh viên đang ngồi hút thuốc, uống bia và tán gẫu.

"Hello!" tôi đáp lại.

"Chị có muốn ngồi uống gì đó với bọn tôi không?" Một cậu nói giọng Anh hỏi tôi.

"Ngồi thì có, nhưng uống thì chắc là không, cám ơn," tôi nói.

"Đây, có ghế đây, chị ngồi đi!" Cậu người Anh đứng lên nhường ghế cho tôi. "Tôi sẽ đi lấy ghế khác."

Lúc đó đã có ba cậu con trai, còn lại là tám cô gái, đều trẻ và đẹp. Họ cũng chỉ vừa mới tụ tập và nhìn chung cũng không quen nhau. Có vẻ như cậu người Anh và mấy người bạn đã ngồi uống bia ở sảnh, rồi họ quyết định cứ thấy ai đi qua sảnh thì rủ nhập hội. Tôi hỏi xem họ từ đâu tới. Hầu hết từ Anh, có hai sinh viên từ Mỹ, một từ Venezuela, một từ Tây Ban Nha và một từ Úc. Cậu từ Úc ngồi ngay cạnh tôi có lẽ chỉ mười tám, mười chín tuổi, trông rất bảnh bao.

"Ồ, tôi vừa mới có một kinh nghiệm rất tệ với người Úc," tôi nói sau khi nghe cậu ấy giới thiệu cậu ấy người Úc.

Tất cả phá ra cười. Có vẻ như giữa mấy người này đã có chuyện đùa gì đó lúc trước liên qua tới cậu người Úc.

"Ồ, thế thì chị sẽ còn có thêm nhiều kinh nghiệm xấu nữa với cậu này," họ tranh nhau nói.

"Thế những người Úc đấy làm gì chị?" Họ hỏi.

"Cũng không có gì nghiêm trọng cả," tôi nói. "Họ chỉ uống quá nhiều, nói quá to và..."

Tôi không thể nào nói hết bởi vì tất cả bọn họ lại cười phá lên, lần này còn to hơn và ngã cả xuống đất. Chắc chắc là họ có một "inside joke[64]" nào đó trong nhóm mà tôi không thể biết về cậu người Úc này.

[64] Chuyện cười bí mật mà chỉ có người trong nhóm mới biết với nhau.

"Thôi thế thì chị mô tả đúng cậu này rồi," họ đều nói.

"Chị có chắc là không phải cậu ta không? Chị nhìn kỹ đi. Có khi chính cậu ta ở trong cái nhóm đã gây phiền toái cho chị."

Cậu người Úc hỏi tôi:

"Chuyện đó xảy ra ở đâu?"

"Venice. Tôi vừa từ Venice đến đây chiều nay."

"Tôi cũng vừa từ Venice đến đây chiều nay. Hay có khi là tôi thật nhỉ."

"Chắc không đâu; nếu là cậu thì tôi đã nhớ."

"Chị ở khách sạn nào"

Cả đám lúc này háo hức với câu chuyện. Tôi nói tên nhà trọ ở Venice.

"Phù! May quá, tôi không ở đấy," cậu ta nói. "Nhưng có người bạn tôi ở đấy. Mà tôi biết người Úc thế nào rồi. Thay mặt cho người Úc và đàn ông Úc, tôi xin lỗi chị."

"Đàn bà," tôi nói. "Một người đàn bà Úc đã làm tôi khó chịu chứ không phải đàn ông."

"À," cậu ta tặc lưỡi, "đàn bà Úc thì tôi biết rồi. Trứ danh!"

Vậy là câu chuyện chuyển sang kể tội người Úc, rồi đến kể tội người Anh, người Mỹ, người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha...

"Người Mỹ không biết yêu. Người Mỹ đến yêu cũng phải chuyên nghiệp hóa thành công đoạn, y như họ biến nấu ăn thành các công thức. Gặp nhau bao nhiêu lần thì mới ngủ với nhau, bao lâu sau thì giới thiệu với bố mẹ, bao lâu thì đính hôn, bao lâu thì cưới... nói chung là không biết yêu."

"Ê ê, kết luận hồ đồ," mấy cô gái Mỹ kêu lên.

"Cậu ấy đúng đấy. Tôi xin lỗi nhưng phụ nữ Mỹ không biết yêu thật. Họ rất thuộc bài làm thế nào để một người đàn ông phải lòng bạn, lúc mới gặp, họ tỏ vẻ rất tự tin, họ fun, họ sexy hấp dẫn, nhưng một khi rơi vào tình yêu là họ cứng người lại, họ chẳng biết làm thế nào cho nó sống. Năm ngoái, tôi gặp một cô người Mỹ này ở Paris. Bọn tôi đi nhảy, đi ăn với nhau; tôi rủ cô ấy sang Barcelona; cô ấy đi. Xong rồi cô ấy về Mỹ, tôi bảo tôi sẽ sang thăm cô ấy, cô ấy không thể tin được tôi sẽ từ tận Barcelona sang. Rồi đến lúc tôi bay sang, cô ấy vẫn không tin. Tôi bảo tôi có thể chuyển sang Mỹ để ở gần cô ấy vì tôi thích cô ấy. Đến đây thì cô ấy phát hoảng... Thế đấy, người Mỹ thích mơ mộng về tình yêu lớn, tình yêu vĩ đại, tình yêu vượt qua tất cả, nhưng khi nó xảy ra với họ thì họ không biết làm thế nào."

"Cái đó thì chẳng cứ người Mỹ."

"Có thể cô gái này thuộc dạng tự ti ngầm. Không biết được đâu, nhiều người tỏ ra rất tự tin bên ngoài nhưng nếu bạn biết rõ họ thì bạn mới thấy họ là một đống đổ nát bên trong A big mess. Tôi từng hẹn hò với một cô gái rất đẹp, fun, sexy, tự tin nơi công cộng, nhưng sau tôi mới biết là cô ấy trầm cảm kinh niên; khi nào không dùng thuốc chống trầm cảm thì cô ấy chỉ có nằm bẹp khóc lóc 'Anh có yêu em không? Em xấu xí lắm phải không? Chẳng ai thích em cả'."

"Thế cậu bỏ cô ấy vì cô ấy trầm cảm à?"

"Cậu tệ quá. Bố tôi cũng bị trầm cảm."

"Không, không, không phải vì cô ấy trầm cảm, mà vì không hợp nhau thôi; tôi đã cố giúp cô ấy một thời gian dài nhưng tôi đứng còn chả vững thì làm sao giúp được. Cứ quấn lấy nhau thì rồi cả hai chết thảm, thế là bọn tôi chia tay."

"Có thể không phải là người Mỹ không biết yêu, có thể chỉ là cô gái Mỹ của anh thôi; có thể cô ấy không cáng đáng nổi một tình yêu lớn."

"Vấn đề là anh tiến nhanh quá, lẽ ra phải có chiến thuật. Bày tỏ nhanh quá là họ sợ."

"Nhưng mà tôi không muốn chiến thuật; yêu thì yêu, có phải chết đâu mà sợ."

"Có thể với môt số người tình yêu còn đáng sợ hơn chết."

"Hồi đấy, cậu có để râu như bây giờ không?"

"Dĩ nhiên, dĩ nhiên, tôi không phủ nhận. Có thể là tại tôi, nhưng mà tôi tò mò. Thế nào là một tình yêu lớn?"

"Romeo và Juliet là một tình yêu lớn."

"Không, Romeo và Juliet không phải tình yêu lớn."

"Tại sao không? Đấy là một chuyện tình kinh điển."

"Kinh điển chỉ có nghĩa là già, không có nghĩa là lớn."

"Romeo và Juliet là một sự si mê lớn nhưng không phải tình yêu lớn. Hai cái đấy khác nhau."

"Khác nhau thế nào?"

"Romeo và Juliet kinh điển chẳng qua vì cả hai đều chết. Nếu họ tiếp tục sống và lấy nhau thì tôi cam đoan chỉ được một năm, với bản chất bốc đồng của cả hai thì chắc chắn là một trong hai hoặc cả hai sẽ ngoại tình."

"Ngoại tình thì đã sao? Ngoại tình không phải lúc nào cũng xấu."

"Người nói câu này chắc chắn đang ngoại tình hoặc đang rắp tâm ngoại tình."

"Ha ha, không, cám ơn, tôi rất chung thủy."

"Đang nói chuyện Romeo và Juliet cơ mà. Sao lại ngoại tình vào đây?"

"Thì đây, tôi đang nói Romeo và Juliet chắc chắn sẽ ngoại tình."

"Thế Elizabeth và Mr. Darcy thì sao?" - một cô gái hỏi.

"Ai cơ?"

"Elizabeth và Mr. Darcy. Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen?"

"Tôi không đọc chick lit."

"Cậu nên bắt đầu đọc đi nếu cậu muốn có bạn gái."

"Cũng thế thôi; chưa sống với nhau, chưa chịu thử thách, chưa có thực tế thì chỉ là say mê mù quáng thôi."

"Tình yêu dĩ nhiên phải mù quáng. Không có mù quáng không phải tình yêu."

"Bravo!"

"Ơ nhưng mà nãy giờ toàn là tình yêu tiểu thuyết nhỉ."

"Tôi thấy vấn đề của các cậu chính là đọc nhiều quá."

"Còn vấn đề của cậu là uống quá nhiều."

"Tôi nói rồi, tất cả những tình yêu người ta cho là lớn đều có người phải chết. Lancelor và Guinevere, Tristan và Isodde, Paris và Helen thành Troy."

"Có thể tình yêu lớn giữa một người đàn ông và đàn bà không tồn tại thật được; nó chỉ có thể tồn tại dưới dạng ý tưởng. Đời sống thật chỉ có thể có tình yêu lớn giữa mẹ với con, giữa một người với tổ quốc của anh ta, giữa một người với Chúa hay với sự nghiệp của anh ta. Con người chỉ có thế yêu hết mình một lý tưởng, chứ một con người thật khác không bao giờ có thể tuyệt vời như một lý tưởng."

"Không, người thật mới thú vị chứ, lý tưởng chán òm. Những có lẽ cái gì tồn tại thật cũng có giới hạn sử dụng."

"Tôi vẫn nghĩ là có, chỉ hiếm thôi."

"Cho tôi một ví dụ đi, tôi chỉ cần một ví dụ thôi. Không cần lớn, chỉ cần nhỡ nhỡ thôi. Thật hoặc trong sách cũng được."

"Hugh Hefner[65] và các cô gái tóc vàng. Nào, đấy, theo tôi, chính là tình yêu lớn và có thật, được chứng minh hàng tháng."

[65] Người sáng lập Playboy.

"Haha"

"Khó lắm. Tình yêu lớn đòi hỏi nhiều quá. Nó vắt kiệt người ta nên nó tự hủy diệt. Về lý thuyết nó khó tồn tại bởi vì nó lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến đấu chống lại cái gì đó."

"Mệt nhỉ. Tôi chả muốn có tình yêu lớn, cứ dăm ba tình yêu nhỏ cũng được."

"Chậc, trong gia đình tôi hiện nay, tất cả đều đã li hôn. Tôi chẳng biết có nên tin vào tình yêu hay không chứ đừng nói tình yêu lớn."

"Có thể li hôn cũng là một biểu hiện của tình yêu lớn."

"Có vẻ ngày xưa dễ có tình yêu lớn hơn, ngày xưa người ta trong sáng hơn."

"Hoặc là sợ hãi hơn."

"Tôi chẳng biết nhưng rõ ràng bây giờ tôi chỉ thấy tình yêu tiện lợi, tình yêu thoải mái, tình yêu vui vẻ, tình yêu dễ chịu, tình yêu hòa hợp, tình yêu danh giá, tình yêu xứng đôi vừa lứa, tình yêu hợp lý... chứ tình yêu lớn chắc không tồn tại... mà, quỷ tha ma bắt, không tồn tại cũng chẳng sao, trăm phần trăn nào."

Từ sau Paris, tôi đã hầu như bỏ Internet. Tôi không có nhu cầu biết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới nữa. Đêm nay cũng thế.

Này thế giới ngoài kia, chúc ngủ ngon và chúc may mắn !

Flornce, ngày...

12:30 đêm. Ở quảng trường Pitti của Florence, bên ngoài bảo tàng Pitti.

Tôi đang nghĩ cần phải treo cổ người đầu tiên phát minh ra ý tưởng đi thăm các bảo tàng nghệ thuật khi tới thăm một thành phố. Và sau đó, cần treo cổ cả kẻ đã phát tán ý tưởng này - tức các công ty du lịch và các học giả. Mà không, tốt nhất là không treo cổ họ. Hình phạt tốt nhất là bắt họ chỉ được đi thăm bảo tàng, lăng mộ, đền đài, thành quách, tức là tất cả những thứ đã chết và cổ vật ở mọi thành phố mà họ đến... chỉ thế mà không hơn gì.

Bảo tàng nghệ thuật hoàn toàn có thể là một cuộc tra tấn cho những người không quan tâm tới Michelangelo và muốn dành thời gian đi shopping hơn là đi ngắm tượng David, ngay cả khi chuyến đi Florence này là chuyến đi Florence duy nhất trong đời họ. Mà chính vì nó là chuyến đi duy nhất của đời họ tới Florence cho nên họ lại càng không nên đi ngắm tượng David nếu họ muốn đi shopping. Không ai nên phí thời gian làm vậy chỉ để có thể khoe với bạn bè bức ảnh mình đang đứng cạnh tượng David.

Tôi nói vậy là bởi vì khi tới Florence, tôi đã quyết định rằng, sau Paris, tôi sẽ không tới bất kỳ bảo tàng nghệ thuật nào nữa trong chuyến đi này. Vậy mà rút cục tôi vẫn đang có mặt trước bảo tàng Pitti. Tất cả là do thói bon chen.

Đêm qua, tôi đã đi ngủ với một ý nghĩ rất rõ ràng: "Điểm du lịch hấp dẫn nhất của Florence với mình lúc này chính là một giấc ngủ ngon. Mình sẽ ngủ cho đến lúc nào muốn dậy thì dậy. Florence là nơi nghỉ ngơi trong chuyến đi châu Âu này. Mình sẽ không bao giờ đi bảo tàng hay bất cứ điểm du lịch nào cả. Mình sẽ chỉ đi cắt tóc, đi mát xa, đi làm móng tay, móng chân, sẽ đi dạo loanh quanh và nghỉ ngơi sau bốn tuần đi lại." Đây là một ý nghĩ rành mạch, đơn giản, tự nhiên và chắc chắn.

Sáng nay, tôi mở mắt lúc gần 7 giờ sáng. Nhưng vì đã quyết tâm nghỉ ngơi nên tôi nằm đọc sách đến 9 giờ 30 mới ra khỏi giường, ăn một bữa sáng rất thong thả trong nhà trọ rồi, cũng thong thả như thế, ra đường. Ở sảnh, tôi dừng lại chỗ anh chàng lễ tân vui tính Fredo:

"Fredo, tôi có một câu hỏi hơi kỳ cục cho anh."

"Tôi có phải là trai bao không hả ?" Fredo cười toe toét.

"Không, không phải câu đó," tôi nói. "Ờ nhưng mà anh có phải trai bao không đấy ?"

"Không, giá như mà được như vậy!" Fredo phá lên cười. "Chị định hỏi gì?"

"Anh có biết hiệu cắt tóc nào tốt không? Hiệu cắt tóc sinh viên ấy. Cắt được mà không quá đắt."

"Hừm... câu hỏi không kỳ cục nhưng mà khó nhỉ... để tôi nghĩ xem..."

Fredo nghĩ mấy giây rồi quay sang nói tiếng Ý với người bảo vệ khách sạn.

"Rồi, tôi biết rồi, có một tiệm ở gần bảo tàng Pitti. Chị biết bảo tàng Pitti chứ?"

Tôi nói tôi biết; làm sao có thể đến Florence mà lại không nghe về bảo tàng Pitti, nhưng tôi không biết đường đến đó. Fredo chỉ cho tôi cách đi trên bản đồ. Tôi cảm ơn Fredo, vừa đi ra cửa vừa nghĩ thẫm "Tốt quá! Để đi đến cái hiệu cắt tóc đó mình sẽ phải đi qua Doumo, bảo tàng Uffizi, cầu Vecchio và bảo tàng Pitti. Nhưng mình sẽ không dừng ở bất cứ chỗ nào. Mình sẽ đi thẳng một mạch đến hiệu cắt tóc."

Bên ngoài, trời nắng ấm và, sau Venice, Florence làm tôi hiểu thế nào là một thành phố sống. Ở đây có ô tô và xe máy chảy như những dòng sông nhỏ trên những đường phố lát đá, giữa những khối nhà kiến trúc Phục Hưng những quảng trường và lâu đài có khi còn cổ hơn Venice. Tôi bỗng nhiên nhận ra thêm là tôi không hề nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào ở Venice. Venice chỉ toàn người lớn, nhất là người già. Không biết trẻ con được sinh ra và người chết được chôn cất thế nào ở Venice. Nhưng thôi, hãy tạm gác các ý nghĩ u ám này lại cho những ý nghĩ sáng sủa hơn. Ví dụ như về sự hoành tráng của Doumo dưới ánh sáng ban ngày. Và hoành tráng hơn là dòng người dài dằng dặc đang xếp hàng chờ vào trong.

Nhìn hàng người dằng dặc ấy, tôi không băn khoăn gì khi đi thẳng qua Doumo. Nhưng đến quảng trường Piazza della Signoria (lúc này rất đông người) và nghe lỏm một hướng dẫn viên du lịch thuyết trình bằng micro với đoàn du lịch của anh ta về bức tượng David thì sự bon chen đã lại tóm được tôi.

"Hãy nhìn vẻ mặt David," anh ta nói. "Hãy nhìn đôi lông mày cau lại và vẻ tư lự của David, đấy là dáng vẻ của một người đàn ông thời Phục Hưng. Nếu các bạn để ý đến tỷ lệ, thì các bạn sẽ thấy đầu và tay David to bất thường so với thân người; đây là một đặc điểm điêu khắc của Michelanelo; nhưng điều đặc biệt nhất là, khác với tất cả các nhà điêu khắc khác, Michelangelo đã khắc họa David một mình, trước khi chiến đấu với quái vật khổng lồ Goliath chứ không phải sau khi đã chiến thắng; ở đây, ta thấy cái tư lự củ David là một cái tư lự của con người thế tục sắp dấn thân vào một thử thách, chứ không giống một phiên bản thần thánh bất khả chiến bại. Nói cách khác, David là bức tượng đầu tiên khắc họa con người như một người phàm, bằng xương thịt và với những tư lự cá nhân, chứ không phải như một bản sao hay một mô hình của thế giới thần thánh như trong nghệ thuật trước đó."

"Trời ơi!" tôi nghĩ. "Có thể mình sẽ không bao giờ trở lại Florence nữa. Mình phải đi xem David tư lự thế nào mới được." Và với ý nghĩ đó, cơn sốt bảo tàng của tôi đã bắt đầu.

May sao, hàng người dài dặc xếp hàng chờ mua vé trước bảo tàng Uffizi đã đẩy lùi được cơn sốt của tôi. Tôi cũng an toàn vượt qua cầu Vecchio. Sông Arno vào mùa này cạn nước nên cây cầu trông trơ trọi. Và lại nó thương mại quá; khắp cầu là những người da đen bán túi Louis Vuitton, Fendi, và kính Guicci giả. Quá nhiều cửa hàng bán đồ trang sức vàng bạc; khiến tôi cứ nghĩ đến cụm từ "Trung tâm vàng bạc đá quý Hà Nội". Nhưng ngay cả như vậy, đứng trên cầu Vecchio mà nhìn Florence dọc sông Arno quả là một bữa tiệc cho con mắt. Nhưng ngôi nhà sơn vàng mái ngói đỏ theo kiến trúc Phục hưng chạy ôm theo bờ sông lững lờ, và những ngọn đồi Tuscany xanh mờ xa xa... Chúa ơi, thành phố này là một miếng thiên đường được nhấc ra mà đặt xuống mặt đất.

Từ cầu Vecchio, tôi đi tới quảng trường Pitti. Không may cho tôi, ở đây chẳng có người bán hàng nào mà bảo tàng này lại trưng bày rất nhiều tác phẩm của Rafael và Botticelli; vậy là sự bon chen thắng thế và lôi được tôi đến quầy bán vé. May sao, bảo tàng chỉ nhận trả tiền mặt chứ không nhận thẻ tín dụng, còn tôi thì vừa hết sạch tiền mặt. Chậc, quả là cái điềm rằng tôi nên quên hẳn các bảo tàng đi. Vậy là tôi đi ra quảng trường rộng phía trước bảo tàng và nằm lăn ra đó dưới nắng. Xung quanh hầu như không có ai. Tôi sẽ nằm đây sưởi cho đến khi nào chán thì sẽ đi cắt tóc.

Nhưng như tôi đã nói, cần phải treo cổ cái người đã nhồi cho chúng ta ý tưởng phải đi thăm các bảo tàng nghệ thuật khi tới một thành phố. Chẳng có bảo tàng nào so được với việc nằm dưới ánh nắng mật ong vẩn vơ nhìn thấy mây với người Florence trôi qua.

Đối diện hằng ngày với một cái đẹp như thế này nên tâm hồn con người vươn lên được đến ngưỡng thánh thần. Trên một mảnh đất hẹp, người Ý nói chung và người Florence nói riêng đã sản sinh ra hội họa Ý, kiến trúc Ý, điêu khắc Ý, thời trang Ý, ẩm thực Ý, triết học Ý, văn minh Ý, và bóng đá Ý.

"Florence được hình thành khoảng năm 80 trước Công nguyên ở thung lũng Arno màu mỡ, án ngữ đường đi giữa Rome và miền Bắc nước Ý. Nó được hình thành như một khu đồn trú quân đội với nhiều đường phố nhỏ, thành lũy và pháo đài nhưng do vị trí địa lý thuận lợi nên Florence nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm buôn bán sầm uất. Cùng với sự sầm uất của thương mại, nghệ thuật cũng phát triển dưới sự bảo trợ của những nhà quý tộc và chính trị đứng đầu Florence. Thế kỷ XI sau Công nguyên được coi là thời kỳ vàng son của trường phái nghệ thuật Florence và trong thế kỷ XIII, Florence là trung tâm sản xuất các đồ da và dệt của châu Âu. Đến thế kỷ XV, Florence là một trong những thành phố lớn nhất, giàu nhất châu Âu. Mặc dù về danh nghĩa, Florence có một thể chế dân chủ nhưng thực tế, việc cai trị thành phố nằm trong tay gia đình Medici. Đời thứ ba của gia đình Medici, đứng đầu là Lorenzo Medici, là những người bảo trợ chính cho nghệ thuật ở Florence. Lorenzo là người đã nuôi Michelangelo, Leonardo da Vinci, Botticelli để hoàn thành nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc; cũng như các nhà soạn nhạc Alexander Agricola, Johannes Ghiselin, Heinrich Isaac. Đây chính là thời kỳ nghệ thuật Phục hưng hình thành và nở rộ, với cái nôi là Florence.

Sau thời hoàng kim này, Florence và gia đình Medici có một khoảng thời gian khủng hoảng. Tùy nhiên, Machiavelli, nhà chính trị lỗi lạc (tác giả của tác phẩm Quân vương) đã tiên đoán rằng Florence sẽ phục hồi mạnh mẽ. Quả nhiên, cuối thế kỷ XVI, gia đình Medici quay lại cai trị Florence trong hai thế kỷ tiếp theo trước khi bị lật đổ vào thế kỷ XVIII.

Trong thế kỷ XIX, Florence từng là thuộc địa của Áo. Sau đó, nước Pháp dưới sự cai trị của Napoleon đã từng chiếm Florence, biến nó thành một quận thuộc địa của nước Pháp từ năm 1808 đến năm 1814, khi Napoleon thất thế. Năm 1861, Florence và vùng Tuscany trở thành kinh đô của Ý thay cho Turin. Trong kế hoạch hiện đại hóa kinh đô, các khu chợ cũ, các lâu đài Trung cổ bị phá hủy thay vào đó là những đường phố và các dãy nhà mới. Các quảng trường được mở rộng. Tuy nhiên, sáu năm đó, khi quân Pháp rời khỏi Ý thì kế hoạch hiện đại hóa Florence bị ngưng lại vì Rome trở thành thủ đô.

Trong thế kỷ XX, Florence phát triển mạnh do mở rộng các ngành du lịch, thương mại, tài chính, và công nghiệp. Ngày nay, Florence có dân số khoảng gần bốn trăm ngàn người sống trong thành phố, và hơn một triệu người nếu tính cả các vùng ngoại ô. Florence tiếp tục là một trong những điểm du lịch lớn là trung tâm nghệ thuật và thời trang của Ý và thế giới. Các hãng thời trang lớn của Ý như Salvatore Ferragamo, Gucci, Cavalli, Pucci đều đóng trụ sở chính ở đây trong khi nhiều hãng khác như Prada hay Chanel đều có văn phòng chi nhánh lớn trong thành phố... "

Tôi đọc những điều này về Florence từ cuốn sách mang theo, trong lúc ngồi trên bờ tường của quảng trường Pitti và ăn bữa trưa ngon nhất trong suốt chuyến đi này. Tôi đã mua bữa trưa này từ một tiệm ăn bé xíu ngay bên cạnh bảo tàng.

Tiệm ăn có một quầy hàng ám khói quay gà tơ ở bên trên; và mỡ gà rớt xuống dưới thì dùng để chiên khoai tây củ. Đứng quay gà và chiên khoai là một người đàn ông Ý to béo, mồ hôi nhễ nhại, vừa đảo khoai bằng một cái xẻng nhỏ vừa vung tay nói chuyện với những khách vào quán - chủ yếu là dân văn phòng ở quanh đây. Họ ăn mặc đẹp, diện toàn com lê, cà vạt, hoặc váy; họ mua đồ ăn cho vào hộp rồi mang về. Tôi mua nửa con gà quay, một ít khoai tây cắt làm bốn, chiên tỏi, và một ít rau dền xào tỏi. Cả bữa ăn chỉ có 7 euro nhưng là bữa ăn ngon nhất của tôi trong suốt chuyến đi châu Âu tới giờ.

Ăn trưa xong, tôi tới tiệm cắt tóc. Đây là tiệm cắt tóc cho sinh viên nên trông không có gì hào nhoáng. Người cắt tóc cho tôi là một cô gái trẻ, mặc xuềnh xoàng một chiếc áo thể thao thụng, không son phấn trang điểm, thậm chí tóc cô ấy cũng bù xù. Trong lúc đó, ở cái ghế bên cạnh, một anh chàng người Ý rất điển trai và chải chuốt đang cắt cho một phụ nữ trung niên. Tôi muốn anh ta cắt cho tôi nhưng cô gái kia đã tiến tới, cười rất hiền và hỏi xem tôi muốn cắt không thôi hay là cả cắt cả gội - cắt không chỉ 12 euro, còn cả cắt và gội thì 15 euro. Tôi nói cắt và gội. Cô ấy bảo tôi đi tới bồn gội đầu. Tôi cứ tưởng là nếu tính riêng tiền gội đầu như thế thì tôi sẽ được gội đầu ba mươi phút như ở Việt Nam, hóa ra cô ấy chỉ lấy nước phun vào đầu tôi, gãi qua loa rồi xả nước, giống như ở Mỹ. Ở Mỹ thì việc gội này nằm trong việc cắt tóc rồi, không ai tính thêm tiền.

Gội xong, cô bảo tôi ra ghế ngồi.

"#%%#**@)^#%%*^#%*#," cô nói một tràng tiếng Ý làm tôi ngẩn ra.

"Vâng" tôi trả lời đại, "vẫn kiểu này, chỉ cắt ngắn đi thôi."

"#^)$*%&#%*$%*%#*%#," cô chìa hai ngón tay ra và ra hiệu hai đốt ngón tay.

"Vâng, cắt đi khoảng chừng đó."

"#^^*$^*#%*%$*$%*$%*%$."

"Vâng, tôi rẽ mái ở chỗ này. Tôi sẽ giữ mái bằng. Như thế này..."

"&%&^$&$&*$&*?"

"Vâng, ngắn chừng đó. Tôi muốn một cái đầu khoai tây đẹp. Potato, potato[66]..."

[66] Khoai tây, khoai tây.

"Hử ? Patata, patata ?"

Ý tôi muốn nói tới cái đầu tỉa tròn kiểu như đầu của nhóm Beatles thời những năm 1960. Cái đầu đó trông đơn giản nhưng thực ra rất khó cắt cho tóc người châu Á. Lúc ở Chicago, tôi đã thử rất nhiều nơi, và cuối cùng chỉ có mỗi Steve, anh chàng đồng tính ở tiệm cắt tóc trên phố 57 có thể cắt được cái đầu đó. Steve bảo "đơn giản mới là khó, chứ mấy cái đầu phức tạp thực ra dễ làm, vì đầu đơn giản thì nếu cắt hỏng là lộ ngay".

Tôi không biết làm thế nào để giải thích được cho cô gái cắt tóc về cái "đầu khoai tây" theo ý tôi. Cuối cùng tôi nói:

"Beatles. Paul McCartney. 1963."

"Ah ah," cô ấy cười. "Giờ thì cô ấy hiểu ra kiểu đầu tôi muốn rồi."

Sau khi chúng tôi đồng ý về kiểu đầu, tôi ngồi yên xem cô ấy làm việc. Thực sự, tôi chưa thấy ai cầm kéo khéo léo như thế và cắt chăm chú nhưng uyển chuyển đến thế - còn hơn anh chàng điển trai toanh toách bên kia. Có vẻ như cô ấy mới là thợ chính, còn anh kia chỉ là thợ phụ - chuyên phục vụ các bà già thích được các chàng trẻ tuổi, bóng bẩy chăm sóc. Thực tế là anh kia vừa cắt tóc vừa tán chuyên gì đó - chắc để thời trang và làm đẹp - nên bà khách cứ liến thoắng nói và xoay bên nọ, xoay bên kia để soi gương từ các hướng. Còn cô gái của tôi, cô ấy không nói một lời trong khi cắt. Hai mắt cô ấy nhìn thẳng vào tóc tôi, hai tay xoay cái đầu tôi như đang xoay một quả cam. Rõ ràng tôi không hề tồn tại với cô ấy, chỉ có mái tóc của tôi tồn tại.

Tôi dĩ nhiên cũng chỉ cần có thế. Sau khoảng bốn lăm phút, tôi ra khỏi cửa hàng với một cái đầu khoai tây mà tôi rất thích. Đến nỗi, tôi nhờ cô ấy chụp một tấm ảnh cái đầu mới cho tôi và xin chụp chung một cái ảnh. Lúc này, cô mới cười, hỏi bập bõm:

" Where are you from ?"

"Tôi là người Việt Nam nhưng đang sống ở Mỹ."

Hơi dài dòng nhưng cũng không có câu nào khác phản ánh đúng tình trạng và cảm giác của tôi. Sau tám năm ở Mỹ, tôi thấy mình rõ ràng không phải người Mỹ nhưng cũng không còn thuộc về Việt Nam nữa. Tôi ở đâu đó ở giữa. Và càng đi nhiều, tôi càng thấy thế giới quả thật ngày càng trở nên toàn cầu, danh tính của mỗi người và khái niệm "nhà", "quê hương" ngày càng nhòe. Nhưng người bạn tôi gặp trên đường đến từ đủ mọi nơi, làm đủ mọi nghề, thường không sống ở nơi mà họ sinh ra. "Công dân thế giới" - đây là cái mà các thế hệ trẻ bây giờ đã trở thành. Không còn là một từ xa xỉ nữa, nó thực sự là một hiện hữu.

Như ở Florence, tôi đã có người cắt tóc, đã có quán ăn yêu thích. Theo những kết nối giản đơn đó, Florence hoàn toàn có thể trở thành nhà của tôi. Tôi chỉ cần thêm một căn phòng nhỏ và một cái xe đạp hoặc xe máy để đi lại vậy là đủ dể bắt đầu một cuộc sống mới.

5:30 chiều: Viết từ trên tháp cao nhất của nhà thờ Doumo. Tôi đang ở trên đỉnh cao nhất của Florence, nhìn xuống thành phố và những quả đồi của bình nguyên Tuscany bao quanh thành phố. Từ chỗ này, khung cảnh thật choáng ngợp. Hàng hàng những ngôi nhà Phục hưng màu đỏ, vàng, và da cam tỏa ra như những cánh cung từ quảng trường trung tâm thành phố, chạy tới những chân núi xanh xa. Mặt trời đang lặn, rải những ánh nắng ấm dịu xuống một vài nóc nhà ở phía bên kia thành phố, trong khi lại chói sáng ở phía khác. Đây đó trên những quả đồi, mây trắng bảng lảng trong một thứ ánh sáng mơ hồ như phủ khói. Bầu trời có màu gần xanh nhưng ở về phía Tây có những đụn mây hồng và tím dày, qua đó, những luồng sáng trắng xuyên xuống thành vệt. Thật là một cảnh thành thần; người ta có thể cứ chép nguyên khung cảnh này và gọi nó là thiên đường. Tôi có thể đứng đây ngắm cái cảnh này mãi mãi nhưng Doumo sẽ đóng cửa lúc 6 giờ 20 phút nên tôi phải ghi nhanh một chút rồi ra khỏi đây.

Tôi đã vào đây sau khi loanh quanh shopping trong thành phố. Shopping, phải rồi; dù không hề có ý định, nhưng tôi đã không cưỡng được. Tôi không hề phóng đại.

Chiều nay, sau khi cắt tóc, tôi đi loanh quanh, hờ hững ngắm nghía các cửa hàng bán đồ da ở con đường chạy dọc sông Arno với ý nghĩ "Cứ nhìn thôi thì có chết ai?"

Florence, nhìn từ nóc thánh đường Doumo

Hóa ra là chết nhiều người, trong đó có tôi. Ở một cửa hàng tôi thấy một cái túi da đỏ rất đẹp bày trong tủ kính... Tôi đứng ngắm nó một lúc rồi lơ đãng hỏi người chủ cửa hàng xem tôi có thể nhìn nó kỹ hơn và nếu có thể thì thử khoác nó... Chị ấy nói dĩ nhiên rồi, và sau đó thì tôi mắc câu như một con cá tội nghiệp. Tôi đeo nó lên người, ngắm nghía trong gương và không thể nào bước đi nổi. Trời ơi, cái túi này thuộc về tôi, nó chắc hẳn được làm ra cho tôi, người thợ nào làm ra nó hẳn đã biết trước có ngày tôi đến; mà cái túi cũng đã chọn tôi là chủ, nếu tôi không mua nó thì tôi sẽ phản bội nó, nó sẽ không hạnh phúc với người chủ khác, trời ơi... Ồ nhưng mà không, tôi không muốn mua thêm cái túi nữa, tôi có nhiều túi rồi, mà tôi có bao giờ cần túi đâu, lúc nào cũng vẫn chỉ dùng một cái túi cũ duy nhất... Vậy là tôi đặt cái túi xuống... rồi lại cầm nó lên... rồi lại đặt nó xuống... rồi lại cầm nó lên... thật là đau khổ... tôi chưa từng biết đến nỗi khổ shopping cho tới lúc này... trời ơi... nhưng mà không được...

Trong lúc này, người phụ nữ bán hàng cứ thản nhiên nhìn tôi nhắc lên, đặt xuống. Khi tôi cầm nó lên lần thứ ba, chị ấy nói:

"Cái túi này thật hợp với cô. Tôi không hiểu tại sao nhưng nó hợp với cô lắm, như là được làm riêng cho cô ấy."

Trời ơi, giết tôi đi. Giết chết tôi đi. Tại sao chị ấy lại phải nói thế chứ?

Tôi cố thoi thóp:

"Tôi thích lắm, nhưng tôi không thể mua được. Tôi nhiều túi lắm rồi, mà thực sự lúc này tôi cũng không thể mua một cái túi chừng đó tiền."

"Có thể cô sẽ mua được những cái túi này chăng." Chị ấy nói với vẻ thông cảm và chỉ cho tôi cái giá bên cạnh mà tôi đã không nhìn đến vì mải dán mắt vào cái túi đó.

"Những cái này thì bao nhiêu tiền?" Tôi hỏi. "Xin chị nói giá cho tôi trước khi tôi thử đeo chúng nếu không thì tôi sẽ chết."

"Ôi trời ơi !" Chị ấy phá lên cười. "Cô vui tính quá (chị ấy nghĩ tôi nói đùa, nhưng mà tôi hoàn toàn không đùa). Nhưng cái này khoảng 75 euro."

"Chị nói thật đấy chứ ? Chị không đùa đấy chứ? Chúng đẹp thế cơ mà."

Tôi không thể tin là những cái túi này chỉ có 75 euro, tức là khoảng 130 đô la, bởi vì trông chúng cũng đẹp y như cái túi đó. Làm sao lại có thể chỉ có 75 euro.

"Chị nói 75 euro đúng không ?" Tôi hỏi lại và chỉ vào một cái túi. "75 euro, không phải 750 chứ ?"

"Phải rồi, 75 euro, không phải 750," chị ấy lại cười ngặt nghẽo. "Cô vui tính quá."

Tại sao người ta rất hay cười và bảo tôi vui tính vào những lúc tôi nói những điều nghiêm túc và chân thành nhất nhỉ? Hình như bi kịch cuộc đời tôi hoàn toàn liên quan đến những khoảnh khắc vui tính chết người như thế này.

"Nhưng mà nó đẹp quá," tôi nói. "Nó có khác gì với cái kia đâu ?"

Chị bán hàng hẳn là thấy tôi rất đáng thương, vả lại tôi là người khách duy nhất lúc đó nên chị ấy nói với vẻ rất thật.

"Những cái túi này rẻ hơn bởi vì nó là những cái túi cuối cùng của bộ sưu tập. Cô thấy đây, mỗi cái chỉ có một màu, không có màu nào khác cả, và cũng không có cái thứ hai. Nó không hợp với bộ sưu tập tôi đang có cho mùa này. Cũng có cái như cái này này, chỉ là đồ tôi làm mẫu để bán thử, rồi không sản xuất. Chúng là túi đơn. Không còn cái thứ hai nên chúng rẻ. Cô hiểu không?" Không, tôi không thể hiểu cái logic đó. Cái đẹp là cái đẹp, mọi nơi, mọi lúc, mọi mùa... cần gì đi với bộ sưu tập cho mùa nào...

"Nhưng mà chúng đẹp quá," tôi nhắc lại lần thứ ba, với một sự ngớ ngẩn hiển nhiên. " Xin chị đừng giận, thực sự là tôi không hiểu ; tôi thấy chúng còn đẹp hơn những cái túi trong bộ sưu tập mùa này của chị, mấy cái túi đắt tiền kia kìa."

"Cô nói đúng rồi," chị ấy nói. "Tôi nói thật nhé, những cái túi này còn đắt hơn mấy cái túi kia nếu như chúng không phải là những cái cuối cùng tôi có hoặc không phải túi mẫu. Ví dụ, cái này, tôi chỉ có một cái duy nhất làm mẫu, tôi làm cái mẫu này, còn đắt hơn cả túi kia, loại da này đắt hơn nhiều và phải làm rất kỳ công. Nhưng tôi chỉ làm mẫu mà không sản xuất cho nên tôi định bán nó với giá rẻ, thu lại được bao nhiều thì thu."

"Tôi hiểu rồi," tôi nói và không đừng được mà thêm. "Tôi chẳng hiểu là người Ý các chị bị làm sao nữa. Sao người Ý lại có thể có con mắt nghệ thuật tuyệt vời thế nhỉ ?"

Chị ấy lại cười.

"Tôi không phải người Ý. Tôi sinh ở Anh nhưng chuyển sang đây lúc tôi còn nhỏ. Nhưng tôi đồng ý với cô, người Ý có con mắt nghệ thuật đặc biệt; họ rất riêng không dân nước nào tính kịp họ về khoản này đâu."

Rồi đột nhiên chị ấy nói:

"Nếu cô trả tiền mặt tôi sẽ bán cái túi này cho cô với giá 65 euro."

Tôi đã sẵn sàng trả 75 euro rồi, nhưng các cụ quả không sai khi nói "Thấy bở đào mãi" vì sau khi nghe chị ấy nói thế thì tôi mỉm cười, nói với chị ấy:

"60 euro nhé."

Và thêm:

"Tôi xin chị đấy, tôi thích nó lắm."

Chị ấy nhăn nhó, vặn vẹo một lúc, rồi nói:

"Thôi được, tôi lỗ rất nhiều tiền cho cái túi này nhưng mà tôi thích cô," tôi nói thật đấy. "Tôi sẽ để nó cho cô."

Tôi không biết chị ấy có thích tôi thật không và tôi cũng không biết thực sự chị ấy mất bao nhiêu để làm cái túi. Nếu tôi kể chuyện này với mẹ tôi, chắc chắn mẹ tôi bảo tôi bị lừa; với mẹ tôi thì tôi là đứa dễ bị lừa nhất trên đời, người ta nói sao tôi trả vậy và luôn tin bất cứ sự phỉnh phờ nào. Nhưng kệ, tôi có một cái túi đẹp mà tôi thích. Với tôi, chuyện chỉ có thế. Ai lừa tôi là việc của người đó, tội của người đó.

Chị bán hàng cẩn thận bọc cái túi cho tôi trong một cái túi giấy vàng nhạt, rồi bỏ vào trong một cái túi xách khác bằng vải. Rồi chị còn nói chuyện với tôi về các loại da, về việc làm túi, về việc thiết kế túi và sản xuất túi ở Florence. Chị ấy chỉ cho tôi thấy cần phân biệt các loại da như thế nào để biết đâu là túi thật...

Sau khi ở cửa hàng túi ra, tôi còn mua thêm một đôi giày da và một đống sổ bọc da tuyệt đẹp để làm sổ ghi chép trong vài năm tới. Sau đó, tôi về lại nhà trọ, cất chúng đi rồi tới Doumo.

Nhưng giờ, tôi phải xuống đã. Họ sắp đóng cửa Doumo.

8:27 tối: Viết từ quảng trường Vecchio. Tôi ngồi ở một bậc thềm đá, nghe một người đàn ông và một cô gái vừa chơi guitar vừa hát các bài hát tiếng Anh. Họ đã hát "All I have to do is dream[67] ", rồi đến "Hey Jude" và bây giờ là "You're got a friend [68]" của James Taylor. Họ phối bè với nhau rất hay; cô gái không phải người nói tiếng Anh nên hát tiếng Anh với một chút accent, còn người đàn ông là người Mỹ, có một giọng trầm ấm rất dày. Quanh tôi, rất nhiều người cũng ngồi trên các bậc thềm, quanh những bức tượng cẩm thạch lớn của quảng trường mà nghe nhạc. Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc bởi vì tôi đã phát hiện ra cặp nghệ sĩ này trước nhất; tôi là người đầu tiên ngồi xuống nghe họ, và rồi những người khác mới tới... nhưng vì tôi là người đầu tiên nên đã chọn được chỗ ngồi tốt nhất.

[67]Tôi chỉ cần mơ.

[68]Bạn có một người bạn.

Tôi nói "may mắn" bởi vì tôi đã định về nhà bằng lối khác; nhưng linh tính hay cái gì đó mách tôi nên đi cái lối mới này. Dường như các thiên thần của Rafael, Michelangelo hay linh hồn của Florence đã đưa tôi đến đây bởi vì họ muốn tôi có một quãng thời gian tuyệt vời ở đây.

Lúc ở Doumo ra, tôi ngồi xuống các bậc thềm lớn bên ngoài cửa nhà thờ để nghỉ, với ý định sau đó sẽ đi về khách sạn. Lúc đó, mặt trời bắt đầu lặn và màu nắng cuối ngày hợp tuyệt vời với màu sơn vàng của những ngôi nhà Florence. Trông như thể cả thành phố đang được quét bằng mật ong, tắm trong mật ong. Thế là tôi quyết phải đi bộ trở lại cầu Vecchio để nhìn ánh hoàng hôn trên sông Arno và trên các ngôi nhà dọc sông.

Tôi đã không lầm. Từ cầu Vecchio nhìn ra, hoàng hôn buông xuống Florence như một phép màu. Như thể Chúa hay các thiên thần trên cao đang lấy một bình vàng lỏng đổ xuống thành phố. Giờ thì tôi hiểu tại sao cái thành phố bé tí xíu này lại sản sinh ra nhiều nghệ sĩ vĩ đại thế, hằng giờ, không thể nào không hướng tới cái đẹp và coi cái đẹp như một phần máu thịt. Không thể nào không nghĩ đến thiên đường và thần thách.

Tôi đứng đó ngắm mặt trời lặn rồi đi bộ trở lại cái quán nhỏ mà tôi đã mua bữa trưa. Tôi mua một ít cà tím nướng, một ít rau dền xào tỏi, một ít khoai tây, và một miếng sườn to. Rồi tôi đi bộ về phía nhà trọ. Tôi đã định sẽ trở lại nhà trọ, ăn bữa tối này rồi sẽ đi ngủ. Nhưng trên đường về, tôi đã rẽ ngả này và gặp hai người nghệ sĩ đường phố.

Họ vừa mới hát "The Boxer" của Paul Simon và Art Garfunkel. Tôi vui quá. Nhưng trời bắt đầu trở lạnh và tôi đã thấy đói. Tôi sẽ nghe thêm hai bài nữa rồi về khách sạn ăn bữa tối chắc chắn sẽ rất ngon này. Chỉ thế thôi là đủ cho một ngày tốt lành nữa. Tôi không cần phải tiêu nốt phần còn lại của buổi tối vào việc gì cả.

Cho đến lúc này, Florence đã rất hào phóng với tôi. Như thể Florence cố gắng bù đắp cho tôi những gì Venice làm hỏng.

Cảm ơn Florence!

Florence, ngày...

11:15 đêm: Viết trên giường. Tôi mệt rã rời. Hai chân tôi và lưng tôi đã hóa đá, cứng đờ, không sao nhấc lên được. Người tôi thì sực mùi dầu con hổ. Nhưng ngoài sự mệt mỏi thể xác này thì tôi thoải mái hoàn toàn. Tôi vừa trở về sau chuyến đạp xe qua những quả đồi Tuscany, mà chính xác là vùng Chianti.

Chuyện đạp xe trên đồng quê Tuscany không hề nằm trong kế hoạch của tôi ở Florence. Tới tận chiều qua tôi cũng không hề có kế hoạch đi. Nhưng đêm qua, tôi đã đi uống bia với mấy người bạn trong cùng nhà trọ; sau nửa đêm, trở về nhà từ club cùng với họ, rồi nhìn Florence yên tĩnh trải ra dưới ánh trăng đầy tháng và nhất là nhìn cái bóng thẫm của bức tượng David trên quảng trường Signoria vắng người, tôi muốn ra khỏi thành phố. Lúc ấy đã sau nửa đêm nhưng những tờ quảng cáo tour du lịch đều nói rằng họ trực điện thoại 24/24 nên tôi cứ gọi. Tôi có ba tờ quảng cáo khác nhau; tôi gọi cho cả ba và cả ba đều nói rằng họ đã kín chỗ cho tour ngày mai. Thực tế là họ đã kín chỗ cho cả tuần tới vì tháng Chín là tháng du lịch cao điểm ở Ý.

Khi biết mình không có cơ hội để đạp xe, tôi bắt đầu tưởng tượng: đồng quê Tuscany như trong những bức tranh... những vườn nho và ô liu trải dài, những ngọn đồi thấp "như những đàn voi quỳ", những rặng thông và tùng, xen lẫn những lâu đài cổ... những màu vàng, màu xanh da trời, xanh lá cây, nâu đất, màu mật ong, màu cỏ úa, màu bụi và nắng, màu của cái nóng và những bóng râm trên mặt đất, mùi nho, mùi thông, mùi đất... trời ơi, làm sao tôi có thể bỏ qua. Vậy là tôi quyết định sáng mai tôi sẽ dậy sớm đi tới điểm tập kết của những đoàn tour trong quảng cáo, có thể sẽ có ai đó bỏ chỗ của họ vào phút cuối. Mà kể cả nếu không có ai bỏ chỗ thì tôi cũng sẽ cầu xin, năn nỉ. Tôi dứt khoát phải thuyết phục họ cho tôi đi, kể cả phải quỳ xuống lạy lục, tôi nhất định phải được nhìn thấy Tuscany trước khi rời Florence.

Vậy là tôi yên chí đi ngủ. Tôi giữ được quyết tâm đó đến sáng và 7 rưỡi sáng thì tôi trở dậy; ăn sáng rồi rời khách sạn. Tôi xem bản đồ các điểm tập kết và đi tới điểm gần nhất ở gần cầu Vecchio.

Ngày hôm nay nắng đẹp. Vẫn còn sớm mà bên ngoài bảo tàng Uffizi đã có một hàng người dài tới mấy chục mét đang chờ đến giờ mở cửa. Nhìn thấy hàng người dài ấy, tôi càng thấy phải ra khỏi thành phố. Vậy là tôi hùng dũng đi tới điểm hẹn. Tôi đến đó lúc 9 giờ 25 phút sáng và chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà đang ngồi trên bờ tường bê tông thấp cạnh bờ sông. Cả hai đều mặc quần soóc, áo phông đi giày thể thao và mang nước nên tôi đoán có thể họ là người của đoàn đạp xe. Vì trông họ cũng ngơ ngác như tôi nên tôi tiến tới hỏi:

"Xin chào, anh chị đi đạp xe có phải không?"

"Ôi ơn Chúa là em hỏi," người đàn ông nói. "Chúng tôi đang băn khoăn không biết là mấy giờ phải tập trung ở đây, 9 hay 10 giờ. Chúng tôi đến đây từ lúc 9 giờ nhưng chờ mãi chẳng thấy ai. Chúng tôi đang tưởng chúng tôi đến nhầm chỗ."

"Họ nói 10 giờ," tôi nói. "Họ nói gặp ở chỗ này."

"Cảm ơn em, may quá; bọn tôi lo lắng từ nãy đến giờ."

Hóa ra hai người này - Amy và Greg là người bang Ohio - đang đi nghỉ tuần trăng mật. Học đã đăng ký tour đạp xe này cách đây một năm, lúc lên kế hoạch cho đám cưới và tuần trăng mật; và họ đã cho thông tin về tour này vào trong cuốn sổ kế hoạch của họ. Nhưng vì cả hai đều là dân marketing bận rộn nên đã không hề xem lại cho tới tận lúc đến Florence và tới đêm qua thì họ nhận ra là không có thông tin gì ngoài tấm bản đồ Mapquest chỉ điểm hẹn. Họ không biết thời gian hẹn chính xác và cũng không có địa chỉ chính xác. Họ đăng ký tour này vì hai vợ chồng ông già người hàng xóm đã nói rằng tour đi xe này là kỷ niệm tuyệt vời nhất của họ trong chuyến đi Ý.

Nghe Greg nói thế, tôi lại càng quyết tâm phải đi bằng được. Tôi nói với Greg:

"Em không đăng ký trước tour này. Đêm qua em gọi thì họ nói là tour đã đầy rồi. Nhưng em vẫn cứ đến xem có ai bỏ chỗ hay không."

"Phải có tinh thần thế chứ," Greg nói. "Được rồi Ruby, chúng tôi nhất định

sẽ giúp em vào. Dĩ nhiên là bọn tôi chẳng có quyền gì nhưng bọn tôi sẽ cố gắng xin giúp."

9 giờ 45 phút, bắt đầu có thêm người xuất hiện ở chỗ tập kết và tôi thì như ngồi trên đống lửa. Càng có nhiều người đến, tôi càng bồn chồn. Các tờ quảng cáo nói rằng mỗi tuần thường chỉ nhận mười tám người để đảm bảo an toàn, nhưng đã có tới hai tư người đứng chờ và vẫn chưa thấy hướng dẫn đâu. Tôi bắt đầu cầu nguyện một cách tuyệt vọng trong đầu: "Please, please, tôi xin tất cả các thánh thần trị vì Florence, tất cả linh hồn và thiện ý của những người đang sống hay đã chết ở vùng Tuscany đẹp đẽ này, xin giúp tôi được đi đạp xe... làm ơn cho tôi được nhìn thấy vùng Tuscany đẹp đẽ này!"

Đúng 10 giờ, một anh chàng da trắng khoảng hai lăm tuổi mặc áo phông màu xanh đen với hàng chữ "Michigan" ở trước ngực xuất hiện và tự giới thiệu mình là Keith, "hướng dẫn viên du lịch". Anh ta có một giọng nói vui vẻ, và nói một thứ tiếng Anh rất lạ. Khi anh ta đến chỗ Greg và Amy, Greg lập tức nói:

"Tôi và vợ tôi đã đặt chỗ trước. Nhưng tôi cần thêm chỗ cho một người bạn nữa trong nhóm của tôi."

"Tôi sẽ phải xem rồi mới trả lời anh được," Keith nói. "Hôm nay, không hiểu sao chúng tôi có quá nhiều người đăng ký đi."

Rồi Keith tiến tới chỗ tôi:

"Chào, tôi là Keith. Em có đặt chỗ trước không?" (chắc đoán tôi trẻ hơn anh ta)

"Không, em đến xem có thể ghép vào đoàn không."

"Tôi sẽ phải kiểm tra tổng số rồi sẽ báo với em sau. Tôi sẽ quay lại trong hai phút."

Keith tiếp tục kiểm đếm quân số cả đoàn rồi băng qua đường và biến mất tromg một tòa nhà. Khoảng năm phút sau, Keith trở lại, lần này đi cùng một anh chàng da trắng gầy nhom, mặc áo thun và đội mũ bảo hiểm như những tay đua ở giải đua vòng quanh nước Pháp. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch chờ họ đi tới chỗ mình. Nhưng Keith và anh kia đi tới một nhóm bốn người ở phía xa nhất và nói gì đó với họ. Bằng vào điệu bộ và nét mặt mấy người kia, tôi đoán họ cũng là những khách hàng nhảy dù như tôi và vừa mới bị từ chối. Khi tôi thấy cả bốn người bỏ đi, tôi hiểu là cơ hội của tôi vô cũng mong manh. Và chẳng mấy chốc thì Keih và thanh niên cao gầy kia tới chỗ tôi.

"Xin lỗi em," Keith nói, "bọn anh không cho em đi được rồi. Hôm nay đông người quá. Xin lỗi nhé."

"Ôi khônggggggggggg," tôi nói. "Pleaseeeeee, cho em đi với."

Hẳn là tiếng kêu của tôi thảm thiết lắm bởi vì tôi vừa dứt lời thì tất cả những người đang đứng ở quanh đó đều quay đầu lại và đồng thanh nói:

"Ôi khônggggggggggg..."

Chắc họ đoán tôi chỉ là một đứa bé nên rất tội nghiệp cho tôi - và điều đó cũng không sai lắm bởi vì tất cả những người đứng đó đều già hơn và to lớn hơn tôi rất nhiều. Tôi là người châu Á duy nhất, là người duy nhất đi một mình, và trông chắc chắn không cao hơn một thiếu niên mười tuổi ở phương Tây.

"Xin lỗi," Keith lại nói, "vấn đề là bọn anh không có đủ xe cho mọi người. Đoàn hôm nay là đoàn đông nhất mà bọn anh từng tổ chức, bọn anh hết sạch cả xe đạp rồi."

"Thế có thể cho cô ấy ngồi trong ô tô cùng đoàn được không ?" Greg nói, rồi lập tức thêm. "Ồ nhưng mà thế thì chẳng có gì vui vì em sẽ chẳng được đạp xe."

"Dĩ nhiên là ngồi ô tô thì cũng được," Keith nói. "nhưng mà như anh nói đấy, sẽ chẳng có gì vui cả."

"Không sao, thế cũng được," tôi cố chộp lấy cơ hội cuối cũng để được thấy đồng quê Tuscany. "Cho em đi trong ô tô cũng được. Cứ để cho em ngồi trong ô tô. Em muốn được thấy Tuscany."

Mọi người lúc này đều háo hức theo dõi kết cục câu chuyện và họ chăm chú nhìn Keith chờ nghe quyết định. Mắt tôi cũng dán vào Keith. Keith thì nhăn nhó không biết quyết định ra sao. Đột nhiên, anh chàng mặc dồ đua xe nói bằng một thổ âm rất lạ mà tôi không biết là ở đâu.

"Em trèo xuống được không ?"

Lúc ấy tôi đang ngồi trên bờ tường thấp chạy dọc bờ sông. Tôi không hiểu câu hỏi của anh ta nhưng cũng lập tức nhảy xuống, vừa nhảy vừa hỏi:

"Ý anh là gì ?"

Tôi nhảy xuống và lập tức bỏ cả áo khoác ngoài để làm cho tôi trông nhỏ còn nhỏ hơn - tôi không hiểu tại sao trông nhỏ hơn thì lại có lợi cho tôi nhưng lúc đó dường như có tiếng nói mách bảo tôi rằng tôi nên cởi áo. Keith và anh chàng mặc đồ đua xe nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên. Tất cả những người đứng quanh đó cũng vây lại. Bất thần anh chàng mặc đồ đua quay sang nói với Keith:

"Mình có thể dùng cái xe đạp cho trẻ con vẫn treo trên gác. Cậu nghĩ thế nào ?"

Keith nhíu mày đăm chiêu trong lúc tôi nín thở chờ. Keith lại nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, rồi nhăn nhó thêm trước khi tặc lưỡi.

"Thôi được, em có thể đạp cái xe đạp trẻ con."

"Yeahhhhhhhhhhhhh!", tôi reo. "Người lùn là bá chủ thế giới."

Tất cả mọi người ở đó đều phá lên cười.

"Thế nào, em vui chứ ?" Greg nói.

"Cảm ơn anh chị," tôi nói. "Không có anh chị nhắc họ không cho em đi."

Giờ thì tôi hết sức cao hứng, nhất là sau khi tôi thấy Keith đuổi thêm hai người da trắng to lớn nữa đi. Chẳng mấy chốc, đoàn chúng tôi băng qua đường, leo lên ba chiếc xe minivan. Tôi đi cùng xe với Amy và Greg, một cặp vợ chồng đứng tuổi người Texas đang đi kỷ niệm hai mốt năm ngày cưới. Lái xe cho chúng tôi chính là anh chàng mặc đồ đua xe mà lúc này tôi đã biết tên là Andy. Andy người Scotland, vì thế mà nói tiếng Anh kiểu người Scotland, cứ lên bổng xuống trầm vô tội vạ.

Sau ba mươi phút, chúng tôi rời khỏi dòng xe cộ đông đúc của Florence và những quả đồi Tuscany bắt đầu trải ra. Càng xa khỏi Florence, xe cộ và nhà cửa càng vắng. Chẳng mấy chốc, hai bên đường chỉ còn những vườn cây ô liu và nho và con đường thì lên xuống qua đồi. Andy chắc chắn đã qua cung đường này hàng ngàn lần nên lái xe rất nhanh như thể đang đi trên đường bằng; còn chúng tôi trong xe thì bắt đầu thấy lao đao. May mà Andy rất vui tính và liên tục kể những câu chuyện cười kỳ cục bằng cái giọng trầm bổng của anh ấy.

"Khỉ thật, tôi mê cái giọng của cậu này quá đi mất," Greg nói khi chúng tôi dừng lại để Andy ra ngoài mua nước. "Tôi đoán là cậu ta chắc cũng mê giọng Mỹ của tụi mình."

Một tiếng sau, chúng tôi tới điểm tập kết để ăn lót dạ và lấy xe đạp. Đó là lâu đài từ thế kỷ XI của dòng họ Guicciadini, một dòng họ làm rượu và dầu ô liu, giống như đa số các gia đình khác ở đây. Keith, Andy, và một cô gái đưa chúng tôi đi một vòng quanh lâu đài, qua các hầm rượu và hầm đựng dầu ô liu, giới thiệu cho chúng tôi về quy trình làm cả hai thứ này, rồi lên tòa tháp cao nhất của lâu đài để nhìn ra cả quang cảnh đồng quê xung quanh. Sau đó chúng tôi đi xuống một phòng để thứ rượu vang, bánh mỳ và dầu ô liu.

Đấy là món bánh mỳ với dầu ô liu ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời. Dầu rất đậm, thoáng một chút vị chát ở cuối lưỡi, sánh, mà không ngấy. Bánh mỳ mới nướng; vỏ dày cỡ cả phân, không cứng mà cũng không mềm. Nó giòn vừa phải, đủ để khi nhúng vào dầu ô liu thì miếng bánh mỹ giữ dầu lại chứ không để dầu chảy xuống tong tỏng, cũng không sũng. Họ làm rất đơn giản: bánh mỳ được xắt sẵn thành lát, và dầu ô liu cứ vậy mà tưới lên. Có thế thôi. Tôi ăn sáu lát và nếu không nghĩ đến những người khác thì tôi sẽ ăn hết cả cái bàn bánh mỳ này. Tôi có thể suốt đời sống chỉ bằng bánh mỳ và dầu ô liu thế này.

Đây là món bánh mì với dầu ô liu ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời

Họ cũng đã rót rượu được sản xuất trong lâu đài này ra các ly thủy tinh cho mọi người thử. Có cả vang trắng, vang đỏ và các loại rượu mạnh. Tôi không uống nhưng những người khác đều uống ít nhất một ly và đều trầm trồ rằng rượu ngon. Chắc là ngon thật vì sau đấy ai cũng mua rất nhiều rượu và dầu ô liu để mang về làm quá. Vả lại rượu cũng rẻ, chỉ 5 euro một chai vang làm quà cho gia đình giáo sư Menken ở Berlin khi tôi trở lại.

Sau bữa ăn nhẹ, Keith và Andy dẫn chúng tôi xuống nhà xe để nhận những chiếc xe đạp 24 tốc độ. Ở chỗ này, tôi cần phải mở ngoặc nói thêm rằng Andy từng là tay đua xe đạp chuyên nghiệp trong nhiều năm. Rồi Andy gặp Keith một sinh viên Anh đi du lịch tới Florence và cũng thích đạp xe. Hai người bắt đầu đạp xe quanh vùng này như một cách tập luyện; rồi dần dần, họ nảy ra ý định sẽ tổ chức các tour đạp xe. Đến nay, công việc của họ tiến triển rất tốt và cả hai đã bỏ việc đua xe chuyên nghiệp. Andy nói "Đua xe cũng tốt, nhưng chẳng kiếm ra tiền mà sống". Còn mỗi chuyến dẫn tour như thế này, tôi nhẩm tính, có 25 người, mỗi người đóng 65 euro, nếu trừ tiền họ cho hai bữa ăn, tiền nước, tiền các chi phí xe cộ, thì chắc cả hai cũng được 500 euro/ngày, mỗi tháng họ đi 10 đến 15 chuyến, tức là khoảng 5000 euro cho hai người mỗi tháng. Với mức này, ít nhất họ cũng đủ sống ở đây.

Sau khi nhận xe và được hướng dẫn cách điều khiển xe, chúng tôi được phân thành ba nhóm, mỗi nhóm mười người, và lập tức lên đường. Mỗi người cũng được phát một cái mũ bảo hiểm và một chai nước. Nhóm đầu tiên đi theo Andy, nhóm thứ hai đi theo Keith, và nhóm thứ ba đi theo cô gái mà chúng tôi mới gặp ở trên lâu đài. Nghe phân công như thế, tôi đoán ngay nhóm thứ nhất chắc là toàn những người to khỏe và hăng máu; mà tôi thì không có cả hai đặc điểm này. Thực tế là khi nghe Andy vừa nói "Nhóm 1 đi cùng tôi" thì một người đàn ông ngoài năm mươi nói với vợ:

"Chúng mình sẽ không đi nhóm này. Mình không phải là 'cool people.'"

Xe của tôi đúng là một cái xe đạp trẻ con, bánh xe nhỏ hơn tất cả các xe còn lại. Và tôi dĩ nhiên cũng không muốn đi cùng nhóm này bởi vì tôi rõ ràng là không thể nào theo kịp họ về thể lực. Nhưng nhóm này có Andy, rồi cả Greg, Amy, và vợ chồng Texas trong xe chúng tôi; vậy là tôi có cảm giác như tôi phải đi theo "gia đình" của mình. Vậy là tôi miễn cưỡng nhảy lên xe, bám theo Andy, Greg, và Amy - lúc này đã phóng vút từ trên sân lâu đài xuống con dốc dẫn vào.

Tôi lao xe xuống và lập tức có cảm giác như bay lên cùng với tốc độ và hai hàng thông vun vút trôi lại phía sau. Nhưng chỉ năm phút sau, tôi gặp ngọn đồi đầu tiên bên ngoài lâu đài và mắc một lỗi khủng khiếp mà rõ ràng là có một phần tại Andy. Thực ra, đây cũng không hoàn toàn phải là lỗi của Andy mà của cả nền giáo dục. Nó là thế này.

Cái xe đạp có hai cái lẫy để điều chỉnh tốc độ (có 6 tốc độ) - mà về cơ bản nghĩa là điều chỉnh xem bạn sẽ dùng nhông lớn hay nhỏ. Khi bạn lên đồi, bạn muốn chuyển sang nhông nhỏ để đỡ mất sức vào mỗi lần đạp; còn khi xuống đồi hoặc chạy trên đường bằng, bạn nên dùng nhông lớn để đi nhanh hơn. Giống như chạy xe máy; lúc lên dốc hoặc mới khởi động bạn đi số 1, 2, lúc chạy đường bằng và nhanh, bạn lên số cao nhất. Nhưng Andy lúc hướng dẫn chúng tôi lại nói:

"Nếu bạn muốn đạp nhẹ nhàng thì kéo lẫy về phía bạn; nếu bạn muốn đạp nặng hơn thì đẩy lẫy ra xa khỏi bạn. Nhớ nhé, nhẹ hơn thì kéo, nặng hơn thì đẩy."

Lúc đấy tôi đã nghĩ "Thế là thế quái nào nhỉ? Ai điên mà lại muốn đạp nặng hơn?" Lẽ ra Andy nên nói thế này:

"Khi lên dốc, chuyển sang các số nhỏ như 1, 2, 3; khi xuống dốc hoặc trên đường bằng, chuyển sang các số lớn như 4, 5, 6."

Chà, nhưng giải thích mọi thứ một cách đơn giản và dễ hiểu là một kỹ năng mà không phải ai cũng có.

Lúc khởi hành tôi đang đi ở số 4 hoặc 5 gì đó. Khi chúng tôi bắt đầu leo dốc, những người khác đều còn khỏe nên họ leo dốc băng băng, không vấn đề. Còn tôi, thấy mọi người phóng qua vùn vụt một cách dễ dàng, tôi cố gắng nhấn bàn đạp nhưng trời ơi, tôi không sao ấn được bàn đạp xuống vì dốc thì cao mà xe đạp thì đang để ở số quá lớn. Nhưng tôi dĩ nhiên không biết, tôi chỉ tiếp tục lấy hết sức mà ấn xuống, tôi đứng cả lên để dùng sức nặng cơ thể và sức cơ bắp để ấn bàn đạp nhưng xe không nhúc nhích. Người tôi đã đầm đìa mồ hôi trong khi hai chân đã gần như hóa đá vì co rút trong những cử động đột ngột. Thế mà chúng tôi chỉ mới khởi hành và đây chỉ là con dốc đầu tiên và cũng không quá cao. "Damn, mình không thể đạp được. Chỉ vừa mới khởi hành mà mình đã kiệt sức rồi. Mình không thể nào đạp hết cả chuyến này được, những hơn hai mươi cây số." Tôi nghĩ thế, nhưng một ý nghĩ khác lại lặp tức chen vào "Gớm, chưa chi đã định bỏ cuộc rồi à?"; vậy là tôi tiếp tục vặn vẹo trên xe, cố nhích từng bước một.

Tôi đã cố thử điều chỉnh tốc độ xe bằng cách gạt qua gạt lại cái lẫy; nhưng vừa mới bắt đầu hành trình và trong lúc tá hỏa vì những người khác cứ phóng qua tôi ầm ầm, tất cả những lời hướng dẫn của Andy biến thành mớ bòng bong. Tôi gạt qua gạt lại cái lẫy để thử nhưng không làm sao quyết định được là cần phải làm gì vì số to hay nhỏ thì hình như tôi vẫn không làm sao khiến cái xe di chuyển được. Hai chân thực sự đã cứng lại, lưng lại đau và tôi cứ thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa. Được một lúc, tôi không sao cử động được nữa, cả người tôi hóa đá trong lúc đứng lên để ấn bàn đạp; vậy là tôi từ từ đổ vật sang một bên, may mà kịp nhảy khỏi xe. Sự bất lực làm tôi vừa muốn đá cái xe, vừa muốn đá bản thân. Nhưng rút cục, tôi chỉ nuốt giận và quyết định là sẽ dắt xe lên dốc. Tôi dựng xe lên, hít một hơi và bắt đầu dắt xe bằng đôi chân bê tông. Nhưng dắt được mấy bước, sự bực mình và nôn nóng tóm được tôi, và tôi lại nhảy lên yên xe với quyết tâm sẽ đạp bằng được lên dốc... nhưng nhanh chóng hiểu rằng việc này chỉ khiến chân và lưng tôi thêm co rút mà không được tích sự gì. Tôi khổ sở và bực mình làm sao. Cơ thể tôi thì kêu gào "Dừng lại, dừng lại ngay... mình muốn tự sát à? Không đạp được đâu, mình không đủ sức, nhảy vào trong ô tô đi"; nhưng đầu óc ương bướng của tôi thì phản kháng "Gớm nhỉ? Mới thế này mà đã đầu hàng à? Hồi sáng thì cố gắng cầu xin người ta cho đi bằng được, giờ vừa mới đi được mấy phút thì đã bỏ cuộc. Đẹp mắt chưa?"

Đạp xe đã mệt, mà cái màn đấm bốc qua lại giữa cơ thể và lý trí làm tôi còn mệt hơn. Một lần nữa, tôi lại nhảy xuống khỏi yên xe, đã mạnh vào bánh xe và chỉ thiếu chút nữa là lăn ra đất đấm ngực thùm thụp mà kêu gào. Ngay lúc đó, cứu tinh xuất hiện. Đó là một người đàn ông Úc ở nhóm phía sau:

"Miss, cô có làm sao không?" Anh ấy hỏi.

"Tôi không biết nữa," tôi cố nói qua hơi thở hổn hển.

"Hình như xe của tôi bị làm sao ấy. Tôi không làm sao khiến nó di chuyển được. Tôi cố đạp hết sức mà nó không đi."

"Ồ, cô đang để số to quá. Phải chuyển sang số nhỏ khi lên dốc; thế này này..."

Anh ấy chỉnh lại số cho tôi.

"Cô thử đi"

Giờ thì dễ hơn nhiều mặc dù xe đi rất chậm.

"Cô thấy dễ hơn chưa?"

"Ồ, dễ hơn rồi, cảm ơn anh; anh cứ đi trước đi."

"Không sao đâu."

Lúc này, nhóm của tôi và cả hai nhóm kia xũng đã biến mất sau đỉnh đồi. Còn lại mỗi mình tôi loay hoay bò như một con sên lên đỉnh. Người đàn ông Úc chậm rãi đạp phía sau tôi và từ tốn giải thích bài giảng Nhập môn đạp xe đạp mà Andy rõ ràng đã đánh trượt tôi. Cuối cùng thì hai chúng tôi cũng đến đỉnh dốc, rồi lao xuống dốc, và đạp mười phút trên đường bằng thì gặp cả đoàn đua đang đứng lại bên một sườn đồi để chụp ảnh tòa lâu đài. Trông ai cũng hơn hở, vui vẻ, còn tôi thì chỉ có duy nhất một ý nghĩ "Trời ơi, những hai mươi cây số ? Mình chỉ mới đạp có hai cây mà đã chết đến nơi rồi."

Giá chết rồi thì còn đỡ vì như thế thì tôi còn được nằm xuống và không cảm thấy gì. Đằng này, tôi không được nằm mà toàn thân thì đau nhức, các chỗ cơ bị co rút cứ nóng rãy lên. Chắc hẳn là tôi đã vặn sai các bó cơ đùi và hông vì lúc này mỗi cử động nhắc chân cũng làm tôi đau nhừ và có cảm giác chân tôi không thuộc về tôi nữa; cùng lúc, hai mông tôi ê ẩm vì vặn vẹo trên cái yên cứng. Tôi đau đến nỗi, sau khi bắt kịp mọi người ở chỗ chụp ảnh, tôi nhảy xuống xe và không hề nghĩ tới việc chụp ảnh mà chỉ lục túi xách để tìm lọ dầu cao tôi luôn mang theo.

Vẫn còn đang lục tìm lọ dầu thì tôi nghe tiếng Andy gọi nhóm tôi chuẩn bị lên đường tiếp. Cho đến lúc tôi tìm được lọ dầu thì cả nhóm tôi và một số người từ nhóm khác đã lên xe đi tiếp, trong khi một số người hóa ra còn chậm hơn tôi bắt đầu tiến tới chỗ chụp ảnh. Cái chỗ chụp ảnh này thì chỉ đủ cho chục người đứng nên nhóm tôi phải đi thì nhóm sau mới có chỗ. Vậy là tôi nhét lọ dầu trở lại một chỗ để tìm, lấy máy ảnh ra chụp vội vài tấm. Tôi chỉ chụp được vài tấm vì tôi đã nghe tiếng Keith hét lên hào hứng trong tư thế đứng thẳng người trên xe đạp:

"Này mấy người kia, trành ra cho bọn tôi đi, chỗ này thuộc về bọn tôi rồi."

May mà Andy vẫn còn quanh quẩn để chờ người cuối cùng trong nhóm tức là tôi. Tôi tóm lấy anh:

"Andy, cái xe của em bị làm sao ấy."

"Nó làm sao, darling?" (Andy gọi tất cả mọi người trong đoàn già, trẻ, lớn,

bé là darling.)

"Nó đi chậm lắm."

Thực ra thì tôi chỉ hỏi han để câu giờ, chứ tôi biết cái xe của tôi có bánh nhỏ hơn xe của mọi người nên tôi chắc chắn đi chậm hơn và phải đạp gấp hai lần để đi cùng quãng đường. Tôi cũng muốn Andy kiểm tra xem tôi có đang đi đúng số không. Andy nhìn vào cái lẫy rồi nói:

"Darling, em cần phải đi số to nhất vì giờ mình sẽ chạy trên đường bằng một lúc," anh vừa nói vừa gạt cái lẫy sang số 6. "Nào đi thôi !"

Chúng tôi lại lên đường. Trời ơi, tôi ước tôi không phải đạp xe nữa, và tôi không biết lần nghỉ tới là chỗ nào và còn bao nhiêu ngọn đồi trước khi được nghỉ nên tôi bắt đầu hối hận vì đã tham gia việc đạp xe này. Thêm vào đó, hẳn là tất cả sự đi lại trong cả tháng vừa rồi đã tích tụ lại làm cho tôi xuống sức nên tôi càng hối hận. Tuy thế, trí óc bướng bỉnh của tôi thì vẫn cứ bình tĩnh nói "Thì dĩ nhiên là khó rồi, có ai bảo là dễ đâu, nhưng mà nhìn xem, mấy người già còn đạp được... người ta đã tính toán cái tour này cho cả người già và trẻ con, mình chắc chắn là có thể đi được." Vậy là tôi tiếp tục đạp trong tính trạng bất mãn đầy mình.

May là từ đoạn đó có rất nhiều đường bằng phẳng và những lần đổ dốc. Và chẳng mấy chốc, dù người vẫn đau ê ẩm, tôi bắt đầu hào hứng trở lại. Hơn thế, cái phong cảnh như tranh của đồng quê Tuscany trở nên mê hoặc và làm cơn đau đỡ đi. Thêm nữa, thời tiết hôm nay tuyệt vời để đạp xe. Khi lao xe xuống đồi, tôi có cảm giác như đang bay. Tôi co hai chân lên trên gióng xe và mỗi lần lao lại không đừng được mà hét lên:

"Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh"

Nhóm của tôi dĩ nhiên là đạp khỏe hơn tôi; bây giờ, khi chúng tôi liên tục xuống dốc, họ nặng hơn nên theo quán tính thì lao càng nhanh và ngày càng bỏ xa tôi. Loáng cái họ đã mất hút và tôi chỉ còn lại một mình lóc cóc đạp trên con đường không bóng người, giữa những quả đồi thấp đầy nho và ô liu. Tôi sung sướng không sao tả nổi mặc dù vẫn có thể nhận biết từng búi cơ trên đùi và ở lưng đang đau nhói theo các cử động. Tuy thế, tôi cũng đã học được một vài tiểu xảo để giảm thiểu việc tốn sức lực; mỗi lần xuống đồi, tôi đạp thật nhanh để lấy thêm lực; sao cho đến lúc xe phải lên dốc tiếp thì tôi vẫn còn đủ quán tính mà chạy lên đến gần đỉnh con dốc. Cứ thế... lên dốc, xuống dốc, lên dốc, xuống dốc... tôi lao băng băng một mình qua các sườn đồi và mỗi lần lao xuống thì lại hét:

"Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!"

Trước khi tôi nhận ra thì tôi đã đến điểm dừng chụp ảnh thứ hai. Chỗ này là đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống thung lũng có tòa lâu đài. Lần này, tôi đủ lịch duyệt để biết rằng không cần phải nghĩ xem mọi người đang làm gì; ai muốn đi thì đi, không cần bám theo họ, không cần đi cùng họ. Vậy là tôi lấy máy ảnh ra, nhờ một người đàn ông Úc lúc trước chụp cho một tấm; sau đó, tôi tự chụp vài tấm ảnh phong cảnh; rồi cất camera đi để lấy lọ dầu con hổ. Sau đó, tôi cẩn thận, bình tĩnh xoa dầu vào lưng, bụng, cổ, trán và rốn. Giờ thì tôi ổn rồi... và nhóm tôi cũng đã lên đường.

Chúng tôi tiếp tục lao dốc thêm một lúc nữa, cùng với một đoạn đường bằng. Đến lúc này, cả đoàn đã đi chừng một tiếng và có lẽ khoảng mười cây số. Tôi lại tụt lại và khi bắt kịp đoàn thì mọi người đã dừng lại ở một nhà hàng - đây là trạm ăn trưa của chúng tôi.

Khi tôi vào tới nơi, mọi người đang tản mát ở ngoài vườn và đều hỏi tôi có ổn không vì lúc nào tôi cũng tụt lại phía sau. Tôi nói tôi ổn cả mặc dù có hơi mệt. Hóa ra, tôi không phải người duy nhất thấy mệt. Chắc chắn là chuyến đạp xe này không phải một chuyến đạp xe cưỡi ngựa xem hoa chơi chơi; Andy và Keith đảm bảo rằng mỗi người tham dự đều phải đạp cật lực mới đến đích và có lẽ vì thế mà họ sẽ thấy vui mừng hơn khi hoàn thành được chuyển đi.

Trong bữa trưa, tôi ngồi đối diện với một cặp đồng tính từ London. Người "chồng" là một người đàn ông đã ngoài 60, da rất trắng, nhẹ nhàng, nói chuyện từ tốn. Còn người "vợ" là một người đàn ông ngoài 40, da ngăm ngăm, cơ bắp cuồn cuộn, nói chuyện oang oang và lúc nào cũng đầy kịch tính. Cả hai đều rất lịch sự và hay mỉm cười. Họ hỏi chuyện tôi và kể về cuộc sống ở London - người trẻ hơn không ngừng cao hứng mô tả London và nói tôi nên đến sống ở London nếu tôi có ý định đi khỏi Mỹ bởi vì London đa dạng và "quốc tế" hơn nhiều so với các thành phố khác ở châu Âu.

"London rất tuyệt. Tôi chưa bao giờ thấy thành phố nào như thế, ngoại trừ New York."

Trái với dự đoán của tôi, bữa trưa thực ra rất ngon chứ không phải như những bữa du lịch qua quýt trong các tour du lịch một ngày. Bữa trưa có đủ cả ba món - đầu tiên là salad với dầu trộn Ý; tiếp đến là món chính với tám lựa chọn khác nhau (tôi chọn xúc xích với đậu trắng); sau đó tráng miếng bằng tiramisu hoặc kem; rồi sau đó là cà phê hoặc trà. Dĩ nhiên trong bữa ăn có rượu vang nhà làm do chủ quán cung cấp miễn phí và muốn uống bao nhiêu thì uống. Trừ tôi, ai cũng uống rất nhiều - dù là bữa trưa. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi uống ít nhất ba ly.

Sau bữa trưa, chúng tôi được nghỉ mười lăm phút ở ngoài vườn để tiêu thức ăn. Tôi nhân cơ hội này nằm xuống cỏ để cho lưng được nghỉ. Trời ơi, chưa bao giờ tôi mừng như vậy khi được ngả lưng xuống mặt đất bằng phẳng. Tôi bôi thêm một ít dầu vào lưng và bụng; rồi cứ nằm đó nhìn trên trời xanh và để nắng sưởi ấm mặt. Nếu không phải đi tiếp thì tôi đã có thể cứ thể ngủ một mạch.

Mười lăm phút sau, chúng tôi lại khởi hành. Tôi lại một lần nữa túm lấy Andy:

"Andy, nhóm 2 và nhóm 3 đi chậm hơn nhóm 1 phải không ?"

"Không đâu, từ giờ chúng ta sẽ đi thành một nhóm lớn thôi. Nhưng đừng lo, darling. Em cứ đi theo tốc độ nào mà em thấy thoải mái cho em. Cứ từ từ thôi cũng được."

Rồi có tiếng Keith gọi to cho tất cả mọi người nghe thấy:

"Giờ chúng ta sẽ đi thành một nhóm thôi. Lần lượt từng người một. Nhớ đi sát lề bên phải. Nhớ nhìn đường cẩn thận. Đi thôi, các chiến binh của tôi."

Hẳn là họ đã tính toán kỹ vì trong khoảng một tiếng tiếp đó, chúng tôi chủ yếu đạp xe trên đường bằng, và điều này có lý vì tất cả vừa mới ăn trưa xong. Chỗ này, tôi phải công nhận rằng Keith và Andy tổ chức một tour du lịch rất chuyên nghiệp, chu đáo, và hết sức thoải mái cho khách hàng. Mỗi lần chúng tôi phải băng qua đường, họ lại ra đứng giữa đường để trông chừng xe cộ và chờ cho đến khi tất cả qua hết mới đi tiếp. Ba người luôn phân công nhau, một đi trước, một chặn hậu và một ở trong ô tô đi kèm để lo hậu cần. Hai người đi đầu và cuối liên tục tăng tốc hoặc chậm lại để kiểm tra tình hình của mọi người trong đoàn xem có ai bị tụt lại hoặc đuối sức, hay có vấn đề gì. Nước lúc nào cũng sẵn sàng... và Keith và Andy lại còn hài hước kinh khủng.

Nếu bạn nghĩ rằng đạp xe trên đường bằng phẳng dễ hơn trên đồi thì bạn nhầm. Lý do là thế này. Khi bạn leo đồi, bạn có một cái đích cụ thể để phấn đấu ; trí óc bạn tập trung vào cái đích đó. Còn khi bạn đạp xe trên một con đường bằng phẳng dài tít tắp không biết đâu là đích, thì lúc đó đầu óc bạn bắt đâu chơi trò với bạn. Nó bắt đầu bối rối, quẩn quanh, bứt dứt, bồn chồn, nhẹo nhệch vì không biết bao giờ thì đến nơi nhỉ, gớm sao trời lại nắng thế, hình như mình bắt đầu đau bụng, không biết tối nay mình có sưng chân lên không, thế này mà ốm thì mai làm sao mà ra sân bay được, nếu mà nhỡ chuyến bay thì làm thế nào nhỉ, vân vân và vân vân... Và chẳng mấy chốc, bạn sẽ bắt đầu thấy mệt và bồn chồn; bạn bắt đầu thấy nóng bức, mọi thứ trở nên khó chịu và bạn chỉ muốn nằm vật xuống mà ngủ. Bạn bắt đầu cáu bản thân vì đã đi chuyến đi này và tự dẫn xác vào sự khổ sở này. Bạn sẽ bắt đầu trách móc bản thân và sau đó thì trách móc đến các đối tượng khác...

Lúc này cả nhóm lại bắt đầu vỡ ra thành những tốp nhỏ: những người khỏe nhất đi đầu cùng với Andy; sau đó là đến tôi một mình một nhóm tương đương với nhóm... trẻ con và ở cuối cùng là một nhóm gồm có mấy phụ nữ to béo và một cặp thanh niên trong đó cô gái có vẻ như đang ốm. Keith đạp xe ở nhóm cuối cùng, vừa động viên vừa chuyện phiếm với họ và trông chừng các nhóm phía trước. Tôi nghe tiếng Keith cười văng vẳng ở xa.

Trong tình trạng sức khỏe bình thường, có lẽ tôi sẽ xoay xở được với chuyến đạp xe này nhưng vì đã mất quá nhiều sức lúc đầu và trong những tuần vừa qua, cộng với việc lâu lắm rồi không đạp xe nên tôi mệt bã. Tốc độ của tôi cứ giảm dần, giảm dần và đến một lúc, tôi bắt đầu chuệch choạc đạp lạc ra ngoài vệ đường, vấp vào mấy cái ổ gà, ngoi ngóp quay lại mặt đường nhựa trong tình trạng ngơ ngơ như người mất hồn. Hình như tôi bắt đầu say nắng hoặc quá mệt; tôi phải bắt mình tập trung bằng cách đếm lẩm nhẩm "Một tôi đang đạp xe, hai tôi đang đạp xe, ba tôi đang đạp xe..."; tôi phải giữ đầu óc bận rộn và tập trung; nếu không nó lại bắt đầu bồng bềnh và kêu gào đòi tôi bỏ cuộc. Phía sau tôi, một cô gái béo thở hổn hển đã bắt kịp tôi rồi khó nhọc vượt qua tôi và đi mất dạng. Tiếp đến là cặp thanh niên ốm yếu. Giờ thì tôi là người đi cuối cùng trong cả đoàn, chỉ có Keith, đạp chầm chậm ở cách một quãng; vừa đạp vừa kiểm tra email trên Blackberry và trả lời email bằng cách bỏ hai tay khỏi ghi đông mà xe vẫn cứ bon bon.

Tôi biết Keith ở phía sau nhưng tôi không ngoái lại nhìn mà Keith cũng không đạp nhanh lên để bắt kịp. Anh chỉ theo phía sau ở một khoảng cách vừa đủ. Sau một khúc cua khá hẹp, tất cả những người phía trước đã biến mất hút; chỉ còn lại mình tôi với ánh nắng chói chang và những vườn ô liu lúc này đã trở nên nhàm chán và con đường thì vô tận. Tôi đã không còn đếm "một tôi đang đạp xe, hai tôi đang đạp xe..." nữa; thay vì thế, tôi đếm "một tôi là con sên, hai tôi là con sên, ba tôi là con sên..." Tôi không còn bực mình nữa, tôi chỉ quá mệt.

Chắc chắn là tôi đã thực sự giảm tốc độ xuống bằng con sên mà không biết, vì khi tôi đang chăm chỉ đếm "ba tôi là con sên" thì tôi nghe tiếng Keith ngay phía sau:

"Hey darling, em có muốn anh đẩy một lúc không?"

"Cảm ơn anh, em không sao đâu."

"Đừng lo, cứ gác hai chân lên phía trước đi, cho chúng nghỉ chút, anh sẽ đẩy em."

Keith vừa nói vừa đặt một tay ra sau lưng tôi và bắt đầu vừa đạp vừa đẩy tôi.

"Cứ gác chân lên trước," Keith nói vì tôi vẫn cứ tiếp tục đạp. "Gác lên đi, anh sẽ đẩy, không sao đâu."

Vậy là tôi đành gác chân lên phía trước và để cho Keith đẩy tôi.

"Thế nào rồi !"

"Đỡ lắm, cảm ơn anh."

Tôi để Keith đẩy tôi một đoạn rồi nói:

"Em có thể đạp chậm tùy ý em, phải không ?"

"Đúng rồi, đạp chậm tùy ý, miễn là em thấy thoải mái."

"Thế thì không phải lo cho em đâu, anh cứ đi trước đi, em sẽ đuổi theo."

"Được rồi, darling. Thế thì anh sẽ đi chuẩn bị ô tô. Cứ đi từ từ nhé."

Rồi Keith phóng vụt qua tôi và mất dạng. Giờ thì tôi thực sự còn lại một mình. Không một ai ở xung quanh; con đường không người, không ô tô, không xe máy, xe đạp. Tôi nhảy xuống khỏi xe, lấy máy ảnh ra chụp vài tấm, rồi cứ đứng ở vệ đường nhìn những triền đồi trải dài trong ánh nắng vàng như mật ong. Thật là một cảnh trong mơ. Khi tôi lên lại xe, tôi bắt đầu đếm vui vui "Phải, tôi là con sên; vâng tôi là con sên..." và tôi cứ đạp mãi, đạp mãi, đạp mãi trên đường...

Không rõ bao lâu sau, tôi thấy mọi người đang chờ tôi dưới tán cây ô liu bên vệ đường. Chiếc xe vẫn đi kèm đã đỗ cạnh đó và phía trước mặt là một con dốc cao sừng sững. Những người khỏe nhất trong nhóm đã bắt đầu đạp xe leo dốc; những người khỏe nhì đang uống nước và duỗi chân duỗi tay; những người yếu hơn thì còn đang đấu tranh tư tưởng xem có nên leo dốc không hay vào ô tô, còn tôi thì vừa mới đến. Tuy thế, tôi không hề nghi ngờ rằng tôi nhất định sẽ leo dốc. Kể cả với tất cả sự mệt mỏi vào lúc này, tôi biết là tôi sẽ và có thể lên đến đỉnh dốc. "Dĩ nhiên là thế rồi," tôi tự nhủ. "Mình chưa bao giờ bỏ cái gì giữa chừng cả, nhớ chứ?"

Vậy là tôi đi đến chân dốc với sự quyết tâm đó. Vừa nhảy xuống khỏi xe, tôi nghe lỏm được câu chuyện như sau giữa Andy và cô gái béo:

"Tôi có nên cố không ?"

"Darling, nó là một cái dốc chết người. Tùy em quyết định nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không cố nếu đã mệt rồi."

"Nhưng mà thế thì rồi tôi sẽ bỏ lỡ một cơ hội thể dục tốt."

"Đây không phải một cơ hội thể dục tốt đâu darling. Leo con dốc này là một cuộc chiến."

"Thế à? Khó thế à?"

"Nó là một cái dốc chết người," Andy nhắc lại.

"Thế thì tôi vào xe vậy."

Cô gái béo nói rồi đưa xe cho Andy buộc lên ô tô. Tôi đi tới chỗ Greg và Amy xem họ đang làm gì. Greg đang nhăn nhó khổ sở:

"Tình yêu ơi, thế em không đi thật à ?"

"Không, em không đi đâu, xin lỗi anh."

Greg (càng khổ sở hơn): "Nhưng anh không muốn leo một mình. Mình là một đội cơ mà."

"Không, em xin lỗi, nhưng em không thể đi được. Nếu em leo thì ngày mai chắc chắc là em không nhấc được chân lên, có khi còn phải đi viện ấy. Em thì không muốn đi viện vào lúc này."

Chà, Greg và Amy đang đi nghỉ tuần trăng mật và muốn làm mọi thứ cùng nhau, thế mà Amy còn không muốn leo dốc cùng Greg. Và Amy thì to khỏe hơn tôi nhiều. Tôi bắt đầu nghĩ lại. "Nếu Amy không đi thì có lẽ mình cũng không nên đi." Nhưng một phần khác trong tôi vẫn muốn leo dốc. Vậy là tôi lại túm lấy Andy.

"Andy, leo cái dốc này có khó không?"

"Rất khó, darling yêu quý ạ."

"Anh nghĩ là em có leo được không?"

"Dĩ nhiên là em có thể leo được nhưng em cần nghĩ xem có đáng không, bởi vì leo xong, có thể em sẽ rất mệt vào mấy ngày tới."

Phải rồi, tôi còn hai ngày mệt nhọc phía trước với rất nhiều di chuyển, tôi không muốn mạo hiểm. Tôi không muốn ngày mai thức dậy và không nhắc nổi chân ra khỏi giường. Vậy là tôi hít một hơi "Được rồi, mình không cần phải chứng minh gì cả. Dĩ nhiên là mình có thể leo được cái dốc này, nhưng mình sẽ không làm. Không phải hôm nay, không phải lần này."

"Em sẽ vào xe!" Tôi nói và đưa xe cho Andy chất lên ô tô.

Cuối cùng có nhiều người vào xe hơn tôi tưởng - đến mức xe phải đi hai chuyến mới chở hết. Ngoài tôi và Amy, còn có người đàn ông đồng tính già, cô gái béo, người phụ nữ từ Texas, tất cả những người phụ nữ ngoài năm mươi và cô gái ốm. Khoảng mười người đã lên ô tô.

Xe nặng nề vọt lên dốc rồi dừng lại ở một nhà hàng ngay trên đỉnh dốc. Chúng tôi xuống đó tiếp tục thở và uống nước, nghỉ ngơi, chờ những người leo dốc. Chừng mười lăm phút sau, người đầu tiên xuất hiện: chính là anh chàng đồng tính lực lưỡng. Anh ta không có vẻ gì là mệt mỏi mặc dù áo ướt đẫm mồ hôi và mặt lẫn tóc ướt rượt. Anh ta dắt xe chạy tới chỗ người bạn kia, la to:

"Anh có thấy không? Em lên đầu tiên. Anh có chụp được cái ảnh nào không?"

"Có, có, anh chụp đây này," người kia mỉm cười và cúi xuống hôn anh ta.

Rồi lần lượt, từng người một lên đến đỉnh dốc, ai nấy thở hổn hển, mặt đỏ văng, áo ướt đầm. Greg nói không ra hơi trong lúc Amy lấy nước cho Greg uống:

"Em đúng đấy, em không leo được đâu. Anh suýt bỏ cuộc giữa chừng."

Từ chỗ đó, chúng tôi chủ yếu đạp xe xuống dốc, để về lâu đài. Tôi sung sướng không sao tả xiết. Khi về gần tới lâu đài, tôi dừng lại ở một ruộng nho cùng với vài người đi xuống ăn nho. Nho ngon.

Trở lại Florence, tôi ôm hôn tạm biệt mọi người rồi đi bộ trở lại khách sạn. Ngang qua cầu Vecchio, tôi đứng lại nhìn Florence lúc hoàng hôn. Thành phố tắm mình trong một dòng vàng. Những cơn gió nhẹ từ dưới sông và từ những quả đồi lướt nhẹ trên trán tôi; cả người tôi mỏi nhừ, động vào chỗ nào cũng thấy đau nhưng tôi thấy yên ổn.

Tất cả rồi sẽ ổn thôi.

Châu Âu, ngày cuối cùng

1:00 chiều, giờ châu Âu: Tôi đang viết những dòng này trong khoang máy bay của chuyến bay Delta 079 và đang trên đường trở lại Mỹ. Sau khi ở Đức, và Ý trong một tháng, chia đều mỗi nơi 10 ngày, tôi rút ra kết luận: nếu được chọn, tôi nhất định sống ở Paris, có thể đi chơi ở Ý, nhưng sẽ làm việc với người Đức, đi du lịch với người Đức, ra trận với người Đức. Và trong trường hợp tôi bị đi đày ra hoang đảo mà chỉ được chọn duy nhất một người bạn giữa người Đức, Pháp, Ý và không biết thông tin gì khác ngoài quốc tịch thì tôi nhất định sẽ chọn người Đức. Vì sao? Bởi vì trong mười ngày ở Đức mang lại cho tôi cảm giác tin cậy mà tôi không có được ở Ý hay ở Pháp cho dù, để đổi lại, sự đáng tin đó đi kèm một chút lạnh lùng.

Chiều qua, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Schonefeld, cảm giác đầu tiên của tôi là sự nhẹ nhõm vì được trở lại một nơi mà tôi sẽ không phải mắt trước mắt sau lo mất đồ, lừa đảo, hoặc lo bị tán tỉnh. Ở Đức, thực sự tôi cảm thấy yên tâm hơn cả khi ở Mỹ. Kéo hành lý ra ngoài, tôi rất tự tin đi tới chỗ đậu taxi để về nhà vợ chồng giáo sư Menken, một người quen của gia đình chồng tôi.

Lái taxi là một ông già đã ngoài bảy mươi, mặc quần ka ki với áo vest phẳng nếp, tóc hầu như không còn nhưng vẫn được chải ép gọn gàng, tác phong nghiêm trang theo kiểu một đại tá quân đội về hưu. Sau khi lên xe, tôi đưa miếng giấy có địa chỉ nhà giáo sư Menken cho ông. Ông lái xe rất cẩn thận và sau chừng hai mươi phút thì chúng tôi tới một phố có tên hình như là Steppendorfer Weg và ông bắt đầu tìm số nhà. Tôi hoàn toàn không biết gì về Berlin nhưng như tôi còn nhớ thì quang cảnh nhà giáo sư Menken không giống thế này. Đồng hồ trên taxi lúc đó chỉ 21 euro. Sau khi vòng thêm một vòng ngược lại đường mà không tìm được số nhà 33, ông lái taxi bảo tôi đưa lại tờ địa chỉ. Ông nhìn, lẩm bẩm gì đó bằng tiếng Đức rồi với tay tắt đồng hồ tính tiền đi. Sau đó, ông lái xe ngược lại về đường sân bay Schonefeld. Tôi bắt đầu lo rằng có lẽ tôi ghi sai địa chỉ và bây giờ ông già trả tôi lại sân bay.

Nhưng xe chỉ chạy ngang sân bay rồi rẽ sang hướng khác... chạy chừng ba mươi phút sau thì tôi thấy quang cảnh bắt đầu giống với nhà giáo sư Menken. Đi thêm một lúc nữa thì tới nhà. Lúc này, ông già mới bật đồng hồ lên và tôi vẫn chỉ phải trả 21 euro cho dù tôi đã đi gấp ba đoạn đường đó. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không rõ là lỗi tại tôi ghi sai địa chỉ hay ông già đi sai đường lần đầu. Nhưng trong cả hai trường hợp, tôi đều khâm phục sự trung thực và tử tế hiếm có của ông. Cả ba lần tôi đi taxi ở Ý, tôi đều bị lừa; còn bốn lần đi taxi ở Đức, lần nào số tiền cũng giống hệt nhau khi tôi đi cùng đoạn đường. Tôi đưa cho ông già lái xe 25 euro và cảm ơn ông - vì sự trung thực nhiều hơn là vì số tiền tôi tiết kiệm được.

Ông bà giáo sư Menken ăn mặc chỉnh tề ra đón tôi. Cả hai lần tới đây, dù là

tôi sẽ ở qua đêm, ông bà luôn ăn mặc rất nghiêm chỉnh để đón khách. Trong nhà, ông bỏ áo khoác cho tôi rồi giúp tôi mang hành lý vào tận phòng. Sau đó, ông mang nước cho tôi uống còn bà chuẩn bị khăn tắm cho tôi. Bà nói rằng bữa tối sẽ bắt đầu lúc 7 giờ hoặc sớm hơn nếu tôi đói.

Đúng 7 giờ, bữa tối bắt đầu. Bữa tối có bánh mỳ với mấy loại thịt hun khói, patê, cá sardine xốt cà chua và một ít salad dưa chuột với cà chua bà tự làm. Bà giải thích với tôi rằng bữa trưa là bữa ăn chính của người Đức, còn bữa tối chỉ là ăn bánh mỳ nhẹ thôi. Tôi nói, và tôi hoàn toàn thành thật, rằng đây là bữa ngon nhất trong nhiều ngày vừa qua của tôi. Cả hai ông bà rất hài lòng, nhất là bà, vì tôi ăn nhiều.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi kể rằng chai rượu đỏ mà tôi mua biếu ông bà là rượu tôi mua ngay tại lâu đài dòng họ Guicciardini, vốn có truyền thống làm rượu vàng và dầu ô liu từ thế kỷ XI. Tôi mua chai rượu này trong chuyến đi xe đạp ở vùng đồng quê Chianti, cách Florence khoảng hơn một tiếng đi ô tô. Tôi nói đi xe đạp có cả người già và người trẻ; người trẻ thì hăng hái đạp lúc đầu nhưng sau rồi mất sức rất nhanh, còn người già đạp chậm nhưng đều đặn và có khi lại đến đích trước. Hai ông bà gật gật đầu, rồi bà nói với tôi rằng "bởi vì người già có..." - đến đây thì bà không nhớ ra từ tiếng Anh mà bà muốn dùng. Tôi đang định gợi ý một số từ thì bà đã "excuse me" rồi đứng dậy đi vào phòng khách. Khi trở lại, bà cầm theo một cuốn từ điển bỏ túi Anh - Đức. Bà nói một từ tiếng Đức gì đó rồi bắt đầu tra.

"À, đúng rồi," bà cười. "Kinh nghiệm. Experience. Người già có kinh nghiệm hơn người trẻ."

Từ đó, cuộc nói chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại ngắt quãng để ông bà tra từ điển cho thật chính xác từ định dùng. Giáo sư Menken năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi và đã nghỉ hưu. Bà Menken năm nay cũng ngoài bảy mươi, cũng đã nghỉ hưu sau nhiều năm làm nhân viên hành chính. Ông bà là bạn từ thời phổ thông, cưới nhau từ lúc còn trẻ và sống chung đến bây giờ. Tôi có thể nhìn rõ hạnh phúc và sự hòa hợp của hai người như việc bà quen thuộc đồ uống của ông, nhớ đến loại đường dùng cho người có bệnh tiểu đường của ông, quen với từng thói quen nhỏ và ý nghĩ của ông... Mặc dù ngoài bảy mươi nhưng cả hai đều hồng hào, khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, lưng thẳng, nói chuyện hoàn toàn minh mẫn, với một sự bình thản và hiền lành của những người biết rõ về bản thân mình và không cần so sánh mình với ai. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là vì cả hai ông bà đều vẫn sử dụng trí óc - như việc dùng từ điển này là một ví dụ. Bà Menken nói với tôi rằng bà vẫn đều đặn đi học tiếng Anh mặc dù bà chưa bao giờ có khách nói tiếng Anh như tôi. Bà còn đi tập Yoga nhiều năm nay. Hai ông bà hằng ngày đều đọc báo, xem ti vi, đọc sách, sử dụng Internet để biết tin tức và làm việc trên máy tính.

Sau bữa tối, chúng tôi ra phòng khách uống nước và nói chuyện tiếp; bà vẫn mang theo từ điển và mỗi khi không nhớ ra từ, bà lại mở từ điển ra. Tôi đã dạy tiếng Anh luyện thi đại học một thời gian trước khi đi Mỹ, tôi có thể kết luận rằng khả năng hiểu và nói tiếng Anh của bà Menken hơn hẳn nhiều bạn trẻ Việt Nam mà tôi từng dạy mặc dù bà mới học và học khi đã già. Vấn đề không phải ở khả năng trí tuệ mà ở thái độ học tâp. Sự cẩu thả, lớt phớt, không đến nơi đến chốn là đặc điểm mà tôi gặp ở nhiều học sinh cũ của tôi. Sang đến Mỹ, cái lớn nhất và đầu tiên mà tôi học được là việc học hành đến nơi đến chốn; tuy nhiên cái đến nơi đến chốn này ở Mỹ có một nguyên nhân hết sức thực tế: vì sinh viên Mỹ hầu hết phải vay tiền ngân hàng để đi học đại học cho nên họ phải cố học như một cách vắt kiệt tất cả những gì có thể vắt từ khoản đầu tư của mình. Còn bà Menken đi học tiếng Anh khi đã già, hoàn toàn là do sở thích và như một cách giải trí của người già tại câu lạc bộ mà bà sinh hoạt. Tuy thế, bà vẫn học rất nghiêm túc; và sự nghiêm túc này dường như là đặc tính của người Đức - như tôi thấy ở khắp nơi. Như thể họ nghiễm nhiên cho rằng nếu đã làm việc gì, phải làm cho đến nơi đến chốn. Ngay cả sự trung thực, tử tế của họ cũng là một sự trung thực, tử tế đến nơi đến chốn, có tính nghiễm nhiên chứ không phải do lễ giáo.

Sau 9 giờ, tôi xin phép ông bà Menken đi ngủ sớm vì tôi hơi mệt sau cả ngày đi đường. Ông bà cẩn thận dặn tôi rằng lúc 7 giờ sáng, rèm cửa sổ sẽ tự động kéo lên nhưng tôi cứ việc ngủ, đến lúc 7 rưỡi thì hai ông bà sẽ gọi tôi dậy, chúng tôi sẽ ăn sáng lúc 8 giờ và 9 giờ thì taxi sẽ đến đưa tôi ra sân bay. Ông Menken còn đưa cho tôi một cái đèn pin nhỏ, để nếu nửa đêm tôi có dậy đi toilet thì có thể soi đèn. Ông nói tôi cứ yên tâm về chuyện ra sân bay vì ông đã gọi điện cho hãng taxi và còn nói chuyện cả với người lái taxi để yên tâm là tôi sẽ được trông nom tử tế.

Sáng nay, trời Berlin nắng đẹp. Ông bà Menken ôm hôn tôi ở cửa, chúc tôi có một chuyến bay an toàn và cuộc sống hạnh phúc. Tôi cũng chúc hai ông bà sức khỏe và mọi sự tốt lành.

Máy bay cất cánh lúc 11 giờ 25 phút. Bên dưới, cảnh vật Berlin không làm người ta choáng ngợp như khi nhìn thấy những tòa nhà chọc trời của New York và cũng không làm người ta bị mê hoặc như khi thấy sông Seine của

Paris. Tôi chợt nhớ ra rằng ngoài một đĩa DVD về lịch sử Đức, tường Berlin, tôi không hề mua một món quà kỷ niệm nào về Berlin. Có lẽ cũng đúng; di tích du lịch lớn nhất của Berlin là một di tích chiến tranh mà, so với những đấu trường Colloseo của Rome, tháp Eiffel của Paris hay quảng trường Thánh Marco ở Venice thì nó thật thô kệch. Tuy thế, Berlin vẫn có cái làm tôi nhớ: đó là con người và sự tử tế. Berlin làm tôi nhớ rằng sự tử tế là một điều cần phải nghiễm nhiên tồn tại, phải là một lối sống tự nhiên như người ta ăn, uống, thở; và nó phải được thực hành ở mọi nơi, với mọi người, trong mọi hoàn cảnh.

New York, ngày...

Vào 2 giờ 20 phút chiều, chuyến bay 079 của Delta hạ cánh xuống sân bay Kennedy ở New York và tôi trở lại Mỹ sau đúng một tháng ở châu Âu. Một tháng trước, khi tôi đi, New York JFK chỉ là một sân bay bận rộn vào hạng nhất thế giới. Một tháng sau tôi quay lại, JFK là hình ảnh một nước Mỹ và một thế giới đang hoảng loạn: tại các quầy báo Hudson News, hầu hết các tờ báo lớn chạy hàng tít choán hết trang một về vụ khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ sau Thế chiến II; quanh các màn hình ti vi lớn ở các cửa ra máy bay, dân business tụ tập, thành kính lắng nghe Wolf Bliter của CNN đưa tin kế hoạch thương lượng giữa tổng thống Bush với Quốc hội Mỹ về một cuộc tổng giải cứu nền kinh tế: "A bailout to end all bailot". Cũng chỉ trong một tháng John McCain đã đề cử một phụ nữ ít tên tuổi trên chính trường Mỹ (Sarah Palin) làm ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, hai hay ba cơn bão lớn đã tàn phá vũng biển Caribbean và vịnh Mexico và thời tiết đã kịp chuyển từ mùa hè sang thu...

Trong một tháng tôi đi vắng, thế giới dường như đã lộn ngược. Hình ảnh "bình thường" duy nhất có lẽ là những người phụ nữ mặc chải chuốt vẫn bình thản hơ ấm ngón tay trong cửa hàng 10 Minute Manicure[69] để chuẩn bị làm móng trước khi lên máy bay.

[69] Làm móng tay móng chân 10 phút.

Tôi nghĩ đến cái tài khoản còm cõi của mình ở một ngân hàng nhỏ tại Chicago; không biết tôi có nên rút hết tiền mang về nhà cho chắc chắn và chuyển sang tiêu tiền mặt giống như khi ở Việt Nam và châu Âu thay vì dựa vào cái văn hóa tín dụng Mỹ vừa mới chứng minh tính bấp bênh của nó? Và theo đúng tinh thần của một người sống ở một đất nước đang rơi vào khủng hoảng tài chính, tôi thầm làm một bảng cân đối trong đầu về chuyến đi châu Âu vừa rồi. Ngoài quà cho người thân, tôi đã chi tiêu những gì?

Vé máy bay khứ hồi.

Ba cái áo thun cao cổ và hai cái mũ nồi mua ở Paris

Nhạc trữ tình Pháp mua trong chợ trời ở khu Clignancount.

Một cơn ho từ hai tuần nay do hít khói thuốc lá từ đường phố Paris và khíẩm Venice: quy đổi ngang một gói kẹo ngậm ho và thuốc sẽ mua khi về đến nhà.

Tượng thạch cao mua bên ngoài bảo tàng Vatican.

Khuyên tai mua ở Venice,

Mặt nạ Venice.

Vòng cổ bằng thủy tinh Murano.

Túi da, giày da, và sổ bìa da ở Florence.

Đĩa DVD về Bức tường Berlin.

Một đôi giày đã bị bai và mấy cái áo lót sẽ phải vứt đi vì đã nhão dưới mưanắng lây rây một tháng trời.

Các chi phí khách sạn, nhà trọ, ăn uống và đi lại trong ba ngày - tôi vẫn giữ hóa đơn một số nơi trong đó làm kỷ niệm.

Chà, tôi nên bắt đầu đau lòng được rồi, nhất là với tỉ giá quy đổi euro và đô la như hiện nay.

Nhưng bên cạnh những thiệt hại tài chính đó, tôi có mười GB ảnh chụp, một ít postcard, một số bản đồ nhàu nát vì bị dùng nhiều, các tờ rơi giới thiệu các bảo tàng và điểm du lịch, một bình nước trong chuyến đạp xe ở đồng quê Tuscany, những tấm vé xe buýt nước ở Venice, hóa đơn McDonald ở Florence, vài vé tàu điện ngầm ở Paris chưa hề dùng, cuống vé máy bay từ Berlin đi Paris, từ Paris đi Venice, từ Florence về lại Berlin, và khứ hồi Boston - Berlin? Và còn một cuốn sổ nhỏ viết kín, gần một trăm trang ghi chép dọc đường, hai bút bi cạn mực, một hộp thuốc Advil cũng đã cạn, một lọ dầu con hổ dùng dở, những tấm các- vi- rít và mẩu giấy nham nhở với nét chữ ghi vội vàng của những người bạn mới quen? Những thứ này trị giá bao nhiêu?

Thôi, tôi sẽ không tính toán nữa.

Tạm biệt châu Âu.

Tạm biệt.

Hẹn gặp lại một ngày gần nhất.

Giờ thì tôi phải về nhà và đối mặt với một hành trình còn khó khăn hơn. Tôi sẽ phải nói với Sơn rằng chúng tôi nên chia tay. Tôi yêu Sơn nhưng cả hai chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu không sống với nhau.

Những ngày tháng một mình ở châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng. Bên dưới cái bề mặt kết thành bởi những điều không thể chia sẻ, tôi vẫn còn là tôi như tôi biết trước đây - và tôi sẽ không chối bỏ tôi nữa. Sự thật là tôi sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bản thân mình, không bao giờ có thể làm một ai khác. Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu.

Sẽ khó khăn, nhưng có lẽ nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất của đời người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro