Một người bạn đặc biệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy. Vẫn cái dáng vẻ ngông nghênh bước, cái đầu luôn ngẩng cao như thể cuộc đời này đối đãi ông vừa đủ. Ông cứ thế bước đi, không ngoảnh lại, vì biết, ông sẽ đổi ý nếu nhìn thấy tôi lần nữa.
Ông là ai ? Một người không tên không tuổi, mọi người chỉ biết đến ông như một người vô gia cư, sống qua ngày bằng việc thu gom chai nhựa rỗng và giấy báo cũ. Không giống với những người vô gia cư khác, tôi được kể lại rằng ông xuất hiện lần đầu ở khu phố nhỏ này khoảng 8 tháng trước, lúc ấy trông ông giống một doanh nhân hơn là người vô gia cư. Ông ngày ấy mặc bộ vét đen xa xỉ, trên tay là tẩu thuốc bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, chiếc cà vạt đã được nới lỏng từ trước vắt quanh cổ. Mái tóc xuề xoà, bạc trắng quá nửa, nhưng người ta nói trông ông lãng tử lắm. Đúng cái dáng đi ngông nghênh như lần cuối tôi gặp, cộng thêm cơ thể to lớn và tư thế luôn ngẩng đầu, đây chắc hẳn phải là một người có tầm cỡ lớn chứ chẳng đùa. Thế nhưng lạ thay, người đàn ông tưởng chừng như nắm mọi quyền lực trong tay, ngay lặp tức vứt tẩu thuốc xuống đất và tiến tới mấy cái thùng rác nhặt nhạnh những chai nước, tờ báo trước sự kinh ngạc của bao người. Giờ đây, những gì mà mọi người thấy được chỉ là một lão già thô kệch với bộ quần áo rách rưới. Và cuộc đời ông vẫn là một ẩn số.
Chẳng ai dám đến gần ông vì sợ ông có bệnh về tâm lý nhưng tôi lại nghĩ là do cách ông hành xử hơi thô bạo khiến mọi người xa lánh. Tuy vậy tôi rất quý ông. Quý từ lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện, quý mái tóc của ông, cái dáng đi chẳng giống ai và cả cái tính vô tư mặc kệ đời nữa.
Lần đầu tôi gặp ông là vào một buổi trốn học. Vì sao tôi trốn ư ? Có nguyên do cả đấy nhưng tôi sẽ chỉ nói là trường học dạy những thứ rất "thú vị". Và thế là lại một buổi trốn học, tôi đi vòng quanh khu phố ngắm nghía thật kĩ để cố gắng tìm ra điểm mới vào ngày hôm đó. Phải, tôi lập dị. Ở lớp tôi được coi là đứa đầu óc có vấn đề, phát biểu những thứ mà bọn trẻ cùng tuổi chẳng thể hiểu nổi. Giáo viên của tôi nghĩ rằng tôi trưởng thành hơn, nhưng không hẳn, là do những đứa khác chậm hiểu mà đúng ra là chúng không thèm hiểu thôi.
Trong lúc mải suy tư, tôi đâm ra đói bụng. Đi thêm một đoạn thì thấy người đàn ông vô gia cư được nhắc đến mấy hôm nay đang mua đồ ở cửa hàng tạp hoá. Chủ cửa hàng có vẻ không ưa ông lão nên cứ khăng khăng xua đuổi. Tôi không phải đứa tò mò tọc mạch nhưng muốn xem chuyện này sẽ đi đến đâu.
- Ông làm ơn đi cho, ở đây không bán bánh mì đâu. - Chủ cửa hàng nói.
- Tôi thấy thùng bánh mì ở ngay đằng sau ông.
- Đó là thùng rỗng, tôi đã bảo rồi.
- Thôi nào ông bạn, ông có lòng thương người không vậy ? Tôi trả tiền mà.- Mặt người đàn ông vô gia cư có chút nài nỉ.
- Ai thèm làm bạn với ông ? Tránh xa cửa hàng của tôi ra !
Thấy mọi chuyện có vẻ căng thẳng, tôi tiến tới, lén lấy tờ tiền ông lão cầm trên tay, nói:
- Bác Hải, cháu mua 3 cái bánh mì.
Bác Hải cầm tờ tiền, lấy cho tôi ba cái bánh mì và thêm hộp sữa đặc nhỏ:
- Này, cho cháu. Cảm ơn đã giúp bác tối qua.
- Không có gì đâu ạ.
- Còn ông, không mau đi đi ?
Ông lão lẳng lặng bước đi, không nói lại một lời. Tôi bám đuôi theo ông đến công viên, thì thấy ông đi vào trong túp lều rách rưới, bên trong chẳng có gì ngoài một miếng thảm lót chân, một chiếc đèn pin cũ và mấy tờ báo. Tôi tiến lại gần, đưa túi bánh mì cho ông.
- Sao ông không nói gì khi cháu lấy tờ tiền ?
- Đó là cách lũ trẻ ngày nay chào hỏi người cao tuổi sao ?
- Sao ông không nói gì khi cháu lấy tờ tiền ? - Tôi nhắc lại câu hỏi.
- Chẳng phải cháu sẽ giúp ta sao ? Mà cháu đã giúp rồi đấy.
- Sao ông biết cháu sẽ giúp ?
- Vì ta biết. Ta giỏi nhìn người lắm.
Ông lão đón lấy túi bánh mì, và đưa cho tôi một cái.
- Cháu không đói.
- Cháu chắc chứ vì ban nãy ta nghe thấy tiếng bụng sôi của ai đó. Có vẻ là của ta rồi.
Tôi khẽ nhăn mặt, cầm lấy cái bánh.
- Không phải lúc này đang giờ hành chính sao ? Cháu lẽ ra phải ở trong lớp.
- Cháu ghét trường học.
- Ta cũng vậy. - ông lão phì cười.
Tôi bỏ một miếng bánh vào miệng, tôi chưa từng nghĩ khi đói chiếc bánh mì cũng có thể trở nên ngon lành đến vậy. Nhấm nháp thêm vài miếng, tôi bắt đầu nhìn khung cảnh xung quanh. Thảm cỏ xanh mướt được tỉa tót đều tăm tắp, những chậu hoa sắc màu trông thật bắt mắt. Hàng cây bàng to lớn dang tay che khuất cả một vùng trời. Tôi muốn sống đâu đó như nơi đây, yên bình tĩnh tại. Nghe nói ở Châu Âu có nhiều nơi như vậy lắm, có khi lớn lên tôi sẽ đến Châu Âu.
- Cháu đang nghĩ gì vậy ? - ông chợt hỏi tôi.
- Không gì cả, nhưng ngồi cũng vui.
- Cháu là một cô bé đặc biệt. - Ông khẽ cười, nhìn tôi.
- Đặc biệt đến mức kì dị, ít nhất lũ trẻ trong lớp cháu cũng nghĩ thế.
- Tại sao ?
- Lũ trẻ đó chỉ nghĩ đến việc ngày mai ăn gì, làm gì, chúng nghĩ chỉ việc thức dậy là có thể ăn vạ bố mẹ.
- Còn cháu ?
- Chưa từng nghĩ tới việc đó. Mỗi sáng cháu thức dậy là tiếng chửi rùa của bà dì đáng ghét, những gì bà ta muốn là cháu chết khuất đi để bà còn được hưởng thụ đống tài sản bố cháu để lại.
- Ha ha ha ha ha ! - Ông chợt cười lớn.
- Có gì đáng cười lắm sao ?
- Đáng chứ ! Khi cuộc đời ném gạch vào ta, chỉ việc dùng gạch xây nhà thôi.
- Cháu không hiểu. - Tôi nhăn nhó nhìn ông.
- Tức là, cháu phải cười thật lớn, cười vào cái cuộc đời đã lấy đi tất cả này, khinh thường nó. Đời chẳng là cái gì hết vì chúng ta là người kiểm soát nó. Cười lên, ta chắc cháu sẽ thấy khá hơn đấy.
Tôi ôm bụng cười, một phần là do cách ông nói, phần là cái điệu bộ của ông. Lâu lắm rồi kể từ ngày mẹ tôi mất, tôi mới có lại cảm giác này. Trước kia mẹ hay làm đủ thứ trò, nói đầy thứ khó hiểu chỉ để khiến tôi cười. Người đàn ông này làm tôi sống lại khoảnh khắc hiếm có đó.
Ngồi một lúc, tôi cùng ông đi dạo khắp công viên. Chúng tôi chia sẻ cho nhau đủ thứ chuyện trên đời.
- Ông nghĩ sao về các tờ đô la ?
- Ta thích cách chúng được trang trí. Nhưng ta muốn nghe cháu nói hơn.
- Họ nghĩ rằng nó là một thứ giá trị nhưng cháu nghĩ nó chỉ là một tờ giấy in màu.
Người đàn ông vô gia cư nhìn tôi khó hiểu.
- Ý cháu là sao ?
- Nếu hỏi cháu về tờ đô la, cháu nghĩ chẳng khác gì hỏi điểm khác nhau giữa cái bút 3 nghìn và cái bút 300 nghìn.
- Ồ ? Vậy điều gì khiến chúng trở nên khác biệt ?
- Điều khác biệt của cái bút 300 nghìn đó là có tên người chết trên đó.
- Hả ? Ý cháu là sao ? - ông lão có vẻ bất ngờ trước câu trả lời của tôi.
Tôi đưa ra cái bút bi đen bóng loáng có khắc tên John F. Kennedy trên thân, cùng với chiếc kẹp vẫn còn mắc mệnh giá lớn chưa được bóc.
- Vậy là tờ giấy trở nên có giá trị khi nó được in màu và có ảnh người nổi tiếng trên đó ?
- Họ nghĩ rằng có ảnh người nổi tiếng trên đó để vinh danh thì họ đã sai vì điều đó khiến những người khác nghĩ họ chỉ đáng vài đô. Giống như Lincoln đáng giá 5 đô vậy.
- Ha ha ha ha ha ha. - Ông lão lại một lần nữa cười lớn. - Đó là chỉ khi cháu chưa được biết về ý nghĩa của tờ đô la thôi, rồi cháu sẽ thấy. - Ông nói - Nếu vậy cháu đã từng nghĩ cháu sẽ thay hình ảnh gì trên tờ tiền chưa ?
- Chúng ta có thẻ tín dụng, tại sao phải dùng tiền cơ chứ ?
- Nhưng làm sao khiến tờ tiền biến mất ngay được ? Và không phải ai cũng có khả năng làm thẻ.
- Đó là việc của nhà chức trách hoặc những người đứng đầu, cháu không quan tâm.
- Cháu nên gửi đơn kiến nghị cho tổng thống Mỹ để góp ý.
- Ông ta là người bận rộn, thêm nữa, chưa chắc ông ta đã sờ đến bức thư của một đứa lập dị.
Bỗng từ xa vọng lại là tiếng quát mắng đanh thép của mụ dì ghẻ.
- Con oắt kia ! Mày còn không mau vác mặt về ? Khoan đã ! Kia có phải là... - Bà ta đớ người một hồi.
- Biết rồi biết rồi, lão già vô gia cư bẩn thỉu, không được tiếp xúc với ông ta, gì cũng được, không phải nói thêm đâu.
- Mày láo nhỉ ? Dám nói chuyện với tao bằng cái thái độ đấy ? Để xem về nhà tao cho mày một trận !
Tôi thở dài, vẫy vẫy tay chào ông với vẻ mệt nhọc rồi cất cặp bước theo bà ta.
Đúng như tôi nghĩ, về đến nhà bà ta la mắng chửi rùa, đánh mắng tôi liên hồi, tôi mặc kệ chịu trận vì chuyện này xảy ra như cơm bữa. Tôi không muốn phản kháng vì bà ta có đứa con trai riêng to lớn bảo kê.
Đến bữa tối, bà ta ném cho tôi bát cơm với chai nước mắm cùng một ít tôm rang, trong khi bà ta cùng con trai nhờ người giúp việc nấu một bữa cơm xa hoa. Tiền trợ cấp bà ta có thừa để sống trong vài năm tới nhờ ăn vạ được bố tôi trước khi ông mất. Nhà tôi trước vốn giàu có nhưng qua một trận ốm, mẹ tôi mất, 3 tháng sau bố tôi rước bà ta về nhưng rồi bố cũng ra đi vì tai nạn giao thông. Từ sau đó tôi đâm ra chán nản, mặt lúc nào cũng rầu rĩ, cả ngày mở thời sự, chứng khoán lên xem để giết thời gian. Lạ nhỉ ?
Từ sau hôm đấy, tôi càng tích cực trốn nhà, trốn học đến nói chuyện với ông lão. Cuộc trò chuyện của chúng tôi sau này đa dạng hơn trước, tôi cũng được hiểu thêm về gia đình người đàn ông mới quen kia. Ông vốn là một người làm kinh doanh, giới kinh doanh gọi ông là Bố già, ông có người vợ mất do bệnh hiểm nghèo. Ông còn có 2 người con trai và 1 người con gái. Đứa con trai đầu tham ô đang bị tạm giam, đứa con gái chỉ mải chơi suốt ngày đêm không chịu làm lụng. Còn đứa con trai út là đứa ông yêu quý nhưng chỉ mới 18 tuổi chưa thể điều hành cơ nghiệp đồ sộ ông để lại. Ông nay đã 65, tuổi cao sức yếu. Bất mãn vì cãi nhau với người chị và đứa út nên đã bỏ nhà ra đi để chứng minh cho họ thấy, ông dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tuy vậy, những lần tôi gặp mặt, đều thấy ông cười rất tươi, cười hả hê mà không hề hối hận bất cứ điều gì mình đã làm. Ông luôn ngẩng cao đầu, luôn trong tư thế hiên ngang và nói: "Cuộc đời với ta thế này là đủ".
6 tháng làm bạn với ông rất vui, thế nhưng... lại có chuyện không ngờ xảy đến. Tôi chót đánh rơi tờ giấy ghi mật khẩu két an toàn và nó vô tình lọt vào tay bà dì. Hôm đó, tôi sống chết lấy bằng được tờ giấy nhưng bất thành. Một mình tôi không lại nổi người đàn bà độc ác cùng người con trai. Tôi chỉ biết sử dụng trí thay vì lực. Nhân lúc bà ta không để ý thì chộp lấy tờ mật khẩu chạy mất. Chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi thuộc mật khẩu và phi tang tờ giấy, tôi bị bắt lại và đánh đập. Sống trong nhà của chính mình nhưng không chắc có nên gọi là nhà không nữa. Trước kia bữa ăn xa xỉ nhất kể từ khi sống với bà ta là cơm, mắm và đĩa thịt, thỉnh thoảng được mấy quả táo hay một ít rau nhưng bây giờ không phải cơm, không phải tôm hay bất kì thứ gì ăn được mà là cám lợn. Đúng thế, bà ta coi tôi là vật nuôi, xích cổ tôi bằng dây xích và buộc vào nắm cửa, phạm vi trong 1 góc giường, hàng ngày tra hỏi tôi bằng được mật khẩu két. Tôi đã nhịn đói được 12 ngày, trong 12 ngày ấy, tôi lên kế hoạch chạy trốn.
Bà ta tưởng đã cắt đứt được tôi với thế giới ngoài kia thì bà ta đã sai rồi. Tôi có giấu một chiếc điện thoại trong hộc tủ đầu giường, gần góc tôi nằm đang được sạc 24/24, chiếc tủ bị khoá và vấn đề duy nhất là lấy được chiếc chìa khoá. Tối trước đó, tôi phát hiện ra nó nằm ở trong túi người con trai, và tôi đã phải lợi dụng anh ta đánh tôi để lén lấy. Chỉ còn chìa khoá mở xích cổ. Tối hôm sau, tôi bật sẵn chế độ ghi âm rồi giấu điện thoại trong người. Như thường lệ, bà ta cùng người con trai đánh đập tôi tra hỏi, nhưng lần này, tôi khiêu khích để bà ta khai ra mọi chuyện. Sau đó hai người họ bàn bạc trước mặt tôi, nhân lúc cả hai mất cảnh giác thì tôi đá thật mạnh vào đầu đứa con trai khiến anh ta đập đầu vào thành giường, bà dì hoảng hốt, ngay lặp tức, tôi kéo bà lại, giật lấy chìa khoá, đồng thời đấm vào mũi, đẩy bà ta ra rồi nhanh chóng mở khoá chạy mất.
Trời tối đen như mực, ánh sáng đèn khẽ rọi yếu ớt khu phố. Tôi chạy mãi, chạy mãi, hi vọng tìm được sự trợ giúp. Nhưng cuối cùng, bà ta may mắn tìm thấy tôi ở gần bờ sông cuối phố.
- Mày đến đường cùng rồi. Khôn hồn khai ra mật khẩu. Nếu không, đừng trách tao độc ác !
- Có chết cũng không đưa.
- Do mày tự chuốc đấy nhé ! - Mụ đay nghiến nói.
- Giỏi thì lấy từ người chết đi !
Nói xong, tôi chạy, cầm chiếc điện thoại trong người, ấn sẵn số cảnh sát, nói thật nhanh vị trí của mình rồi ném vào bụi cây gần đó.
- Dừng lại ! Tao nói mày dừng lại ! - Từ đằng sau, bà cùng đứa con trai đuổi theo.
Chạy đến chiếc cầu bắc ngang qua sông, tôi chững lại vài giây, nhìn xuống dòng nước dưới chân mình...
- Mày làm gì vậy ? Không được ! Tao không cho phép.
- Tôi nói, có giỏi thì lấy từ cơ thể chết nhũn của tôi đây này !
Hít một hơi thật sâu, tôi ngước nhìn lên bầu trời đêm, rồi nhìn xuống dòng sông lấp lánh kì diệu. Tôi cười thật lớn vào cuộc đời tàn độc này. Nếu cuộc đời cho ta trái chanh, hãy làm cốc nước chanh... Thế này là quá đủ rồi.
Tôi nhắm mắt, gieo mình xuống dòng sông lạnh ngắt. Lúc ấy, cảm giác tự do lắm, chẳng phải lo nghĩ gì cả. Không phải nghĩ rằng ngày mai đi đâu, làm gì hay phải gặp những ai, hay phải nói chuyện gì với những người chưa từng hiểu tôi...
Thế nhưng !
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Một bàn tay đỡ lấy cơ thể tôi, kéo tôi ra khỏi bóng tối và cho tôi một cơ hội để tiếp tục sống...
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
   Là ông !
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
2 tháng sau đó, mọi chuyện dần êm xuôi. Mẹ con dì bị toà tuyên án tù chung thân. Tôi bắt đầu một cuộc sống mới, thay đổi cách sống, và cố gắng sống tốt hơn với gia đình mới. Còn nữa... tôi phải tạm biệt người đàn ông vô gia cư, ông nói muốn về với cuộc sống trước kia cùng với những đứa con. Trước khi đi, ông dặn, rằng tôi phải sống tiếp cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa.
Và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông. Vẫn cái dáng vẻ ngông nghênh bước, cái đầu luôn ngẩng cao như thể cuộc đời này đối đãi ông vừa đủ. Ông cứ thế bước đi, đầu không ngoảnh lại vì biết, ông sẽ ở lại nếu nhìn thấy tôi lần nữa.
Nhưng ông là ai cơ chứ ?
Một người bạn đặc biệt !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#oneshot