Một số biểu hiện độ khúc xạ của Nho giáo ở Việt Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2.3.1. Độ khúc xạ về chính trị

Nho giáo là một học thuyết cai trị, cai trị bằng lễ giáo, đạo đức của chế độ phong kiến Trung Hoa. Khi mới vào Việt Nam, Nho giáo khó bắt rễ sâu vào nền tảng xã hội, vì đó là học thuyết của kẻ cai trị. Đến khi nước nhà được độc lập, mặc cảm này được tháo gỡ, đồng thời xã hội Việt Nam lúc này dần dần trở thành xã hội có nhà nước và có nhu cầu xây dựng một chính quyền quân chủ tập trung mạnh. Nho giáo đáp ứng được nhu cầu đó và phát triển hết sức mạnh mẽ. Nho giáo ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội Việt Nam, từ thể chế nhà nước, phương thức cai trị, bộ máy hành chính, chế độ quan lại, học hành thi cử.

Độ khúc xạ Nho giáo của Việt Nam về mặt chính trị là không tiếp thu phần triết học cao siêu phần học thuyết Nho giáo mà nghiêng về mặt cai trị bằng đạo đức.

Ở Trung Quốc, các nhà Nho từ Khổng Tử trở đi đều đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, coi đạo đức là công cụ, phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được mục đích chính trị. Đạo đức là công cụ, phương tiện chủ yếu nhất của giai cấp phong kiến trong việc trị nước và quản lý xã hội, là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến. Nho giáo coi đạo đức, lễ giáo có vai trò nhất định trong việc duy trì địa vị, quyền lợi của giai cấp phong kiến thống trị, trong việc trị nước và quản lý xã hội. Tư tưởng về đường lối trị nước là sự phản ánh ý chí, chủ trương của các triều đại phong kiến trong lịch sử, đồng thời quyết định sự tồn vong của mỗi triều đại.

Trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng về đường lối trị nước được hình thành và phát triển cùng với sự hoàn thiện của bộ máy nhà nước phong kiến. Tư tưởng đức trị trong học thuyết chính trị-xã hội của Nho giáo phản ánh trực tiếp, tập trung và bảo vệ lợi ích giai cấp phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng. Các nhà Nho Trung Quốc cũng như Việt Nam, đại biểu cho tư tưởng của chế độ phong kiến, đặc biệt nêu cao đường lối đức trị.

Để phù hợp với nhu cầu khách quan của lịch sử và đáp ứng những nhiệm vụ đặt ra cho việc xây dựng, củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền, các nhà Nho và các triều đại phong kiến Lý – Trần đều đề cao trung nghĩa, nghĩa là đề cao tuyệt đối địa vị, vai trò, uy quyền của nhà vua. Do vậy, trung nghĩa có tác dụng nhất định trong việc xây dựng, củng cố nền quân chủ chuyên chế.

Nho giáo Trung Quốc đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, luôn yêu cầu nhà vua phải yêu dân, rất ít đề cập đến tư tưởng trung quân. Tư tưởng của nhà Nho thời Lý – Trần cũng chứa đựng tư tưởng trung quân. Trong tư tưởng của họ, nhân dân hiện lên như một lực lượng mạnh, cần được duy trì, sử dụng để bảo vệ địa vị, quyền lợi của nhà vua, sự tồn tại lâu dài của chế độ phong kiến.

Trong tư tưởng đức trị của các nhà Nho thời Lý – Trần đều luôn coi đạo đức của nhà vua là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công đường lối đức trị. Đường lối đức trị ở Việt Nam khác với đường lối đức trị ở Trung Quốc. Đường lối đức trị của nhà Trần được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống nhân văn của dân tộc với tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo và tư tưởng tiến bộ của Nho giáo nhằm mục đích cuối cùng là đoàn kết toàn dân để xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Ở thời Trần, mặc dù giai cấp thống trị giương cao và kiên trì nguyên tắc “đức trị” coi “đức trị” là đường lối chủ đạo trong cách trị dân trị nước. Nhưng đó không chỉ là đường lối “đức trị” thuần túy mà có sự kết hợp nhất định với “pháp trị” theo tinh thần “đức chủ, pháp bổ”.

Chủ trương trị nước phải có pháp luật và lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân của nhà Lê Sơ. Đường lối “ đức trị” kết hợp với “pháp trị” từ thời Trần đến thời Lê Sơ là một bước phát triển mới trong lĩnh vực chính trị xã hội so với các triều đại trước đó. Nếu ở nhà Trần, đường lối “đức trị” là chủ yếu có sự hỗ trợ của pháp luật thì đến nhà Lê Sơ, vai trò của pháp luật được nâng lên ngang tầm với yếu tố “đức trị”. Nói cách khác, đó là đường lối trị nước “đức trị” kết hợp với “pháp trị” theo đúng nghĩa của nó. Đường lối này góp phần hình thành nên những trụ cột vững chắc của triều đại là hệ thống quan liêu hoàn chỉnh, một quân đội mạnh, một pháp luật nghiêm và một hệ thống lễ giáo.

2.3.2. Độ khúc xạ về tư tưởng đạo đức

Trước hết để thấy được sự khác nhau trong đạo đức xã hội của Nho giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam thì chúng ta phải thấy được sự khác nhau trong tâm thức của hai dân tộc khi nói đến “Nước”. Bởi đây là yếu tố cơ bản nhất dẫn đến sự khác nhau trong đạo đức Nho giáo ở hai dân tộc.

Trong tâm thức người Trung Quốc nước chỉ là vật sở hữu của dòng họ. Cho nên tên các nước của Trung Quốc trước đây như Hạ, Thượng, Chu, Tấn, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… đều gắn liền với dòng họ, cụ thể với triều đại. Triều đại, dòng họ là đồng nhất với nước; Ví dụ: Hàn Phi nói: “Người ta nói nước Tề mất không phải vì đất đai, thành quách của nó bị mất, mà vì họ Lữ không cầm quyền mà họ Điền được dùng”.

Trong tâm thức người Việt Nam, nước là của dân chứ không phải của vua, cũng không thuộc dòng họ nào hết. Ông vua và dòng họ ông ta chỉ là người thay mặt dân cai quản đất nước, không phải người sở hữu của đất nước. Sở dĩ như vậy vì đất nước Việt Nam do người Việt Nam giành lấy từ biển cả, bằng cách đắp đê phòng lụt, quai đê lấn biển, đắp đập ngăn sông, giành lấy sự sống cho cộng đồng  trong cái chết của mình. Đất nước đó do mình tạo ra là của mình và phải bảo vệ cho kì được.

Khổng Tử và các nhà nho Xuân Thu – Chiến quốc chu du hết nước này sang nước khác, ai dùng họ thì họ theo, ai không dùng thì bỏ sang nước khác. Trái lại, ở Việt Nam, nước gắn liền với sự sống con người, không có ai chọn nước mà thờ cả. Ngay thời Trịnh – Nguyễn phân tranh dù có tranh giành giữa các thế lực nhưng chỉ có một nước duy nhất là Đại Việt. Mọi âm mưu chia cắt đất nước đều bị thất bại.

Trong quan niệm của người Việt Nam, nước là của dân, không ai được chia cắt nó. Vua Trung Hoa đã bao lần chia cắt đất nước mà chẳng thấy phản ứng của các nhà Nho. Trong sách vở, các nhà Nho của Việt Nam và Trung Quốc nói chẳng khác gì nhau nhưng trong ứng sử cụ thể lại trái ngược nhau. Người Trung Hoa cho rằng “Thiên hạ hợp rồi lại phân, phân rồi lại hợp đó là lẽ trời”. Ngược lại với tâm thức người Việt Nam. Khi vua Tự Đức cắt đất nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp, lập tức các nhà Nho chống lại. Phan Văn Tự, cử nhân Nho học quát: “Chém đầu Tự Đức, moi gan Tự Đức, uống máu Tự Đức”. Rồi toàn thể tri thức Nho giáo nổi dậy. Nho giáo ở Việt Nam số phận người tri thức gắn liền với Tổ quốc. Họ tham gia lãnh đạo các phong trào cứu nước. Dù bị giết, bị tù đày thì con của họ tiếp tục đến cùng sự ngiệp cứu nước như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, các nhà lãnh đạo cộng sản. Còn Nho giáo ở Trung Quốc là một học thuyết không nói đến Tổ quốc, Nho giáo Việt Nam là “Tổ quốc luận”. Các nhà Nho Trung Quốc chẳng băn khoăn gì khi các triều đại ngoại tộc như Nguyên – Thanh cai trị, họ còn đứng ra bảo vệ triều đại ngoại tộc chống lại các cuộc khởi nghĩa.

Nói đến khái niện “Trung”:

Chữ “Trung” trong quan niệm Nho giáo Trung Quốc có nghĩa là hi sinh, tận tụy, chết cho người nuôi mình. Nho giáo Trung Quốc chủ trương “Trung quân” tức là trung với vua mà cơ sở của nó là sự đối sử như Hàn Tín nói với Khoát Triệt: “Ăn cơm người ta thì làm việc cho người ta, mặc áo ngưới ta thì chết cho người ta”.

Chữ “Trung” với người Việt Nam thì khác. “Trung” là trung với Tổ quốc Việt Nam chứ không phải trung với người nuôi mình. Ai có khả năng cứu nước cứu dân thì dù người đó không hề nuôi mình, mình vẫn trung, hi sinh cho người đó. Ví như Nguyễn Trãi là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, là quan to nhà Hồ nhưng ông không hi sinh cho nhà Trần và nhà Hồ mà cùng  với Trần Nguyên Hãn (cháu nội Trần Nguyên Đán) lên Lam Sơn theo Lê Lợi vì chỉ có Lê Lợi mới cứu được nước.

Đạo nho ở Việt Nam và đạo nho ở Trung Quốc đều lấy chữ “hiếu” làm nền tảng nhưng nội dung hai chữ này rất khác nhau. Nội dung chữ “hiếu” của Trung Quốc và Khổng giáo là người con phải hi sinh tất cả để lo cho cha mẹ mình. Còn chữ “hiếu” của Việt Nam thì có đại hiếu và tiểu hiếu.

Đại hiếu là hiếu đối với dân với nước và tiểu hiếu là hiếu với cha mẹ tức là chính chữ hiếu của nho giáo Trung Hoa. Ví dụ: Khi quân Minh bắt Phi Khanh qua Trung Quốc, Nguyễn Trãi và em đi theo. Đến cửa khẩu, nhân lúc vắng người, Phi Khanh bảo con: “Việc tiểu hiếu để cho em nó làm. Còn con là người có học, có tài nên lo cứu nước, cứu dân làm chuyện đại hiếu. Theo cha khóc lóc như người đàn bà làm gì” Đây là lời trao đổi giữa hai nhà Nho nổi tiếng của Việt Nam là Phi Khanh và Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi đã vâng theo đại hiếu, quay về lo cứu nước.

Hay là Hồ Chủ Tịch nói “trung với nước, hiếu với dân” chính là biểu hiện đúng cách nhìn của Việt Nam về Trung và Hiếu.

Chữ “nhân” của Khổng Tử cũng khác chữ nhân theo cách nhìn của Việt Nam.

Chữ “nhân” của Khổng Tử là một quan niệm siêu hình, tự thân nó chứa đựng mọi giá trị khác về đạo đức. Trái lại chữ “nhân” Việt Nam lại rất cụ thể. Nó chỉ sự hi sinh cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Chỉ những người như thế mới được người Việt Nam cho là có nhân. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “sát thân thành nhân”. Còn khi một người tốt với một người khó khăn thì người đó không dùng chữ nhân mà dùng nhân đức.

Chữ “trí” và chữ “anh hùng” của Việt Nam cũng khác “trí” và “hùng” của Trung Quốc.

Khi cái trí chỉ dùng để mưu lợi cho bản thân thì người Việt Nam dùng chữ “khôn” hay “mưu trí”. Một con người dũng cảm thì Trung Quốc đều gọi là anh hùng. Còn Việt Nam chỉ được gọi là anh hùng khi sự dũng cảm đó là để phục vụ nhân dân, Tổ quốc.

Ví dụ: “Trừ đọc, trừ tham, trừ bạo ngược

         Có nhân, có trí, có anh hùng”.

Mặt khác gia đình phong kiến Nho Giáo chỉ giới hạn hẹp hòi trong nhà ngoài sân. Mọi thành viên trong gia đình tuyệt đối phục tùng người cha, người chồng. Người phụ nữ chỉ có tam tòng tứ đức. Mỗi gia đình sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Gia đình giàu có cho con ăn học làm quan tinh thần phù gia ra sức vươn lên gây thanh thế cự tộc, hoàng tộc giành lấy ngôi vua thống trị đất nước. Tác hại của gia đình này là kéo bè kéo cánh bà con không có tài năng cũng được đưa vào chức cao dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề… Thực tế đó khiến cho gia đình Nho giáo có nhiều điều không phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay. Chính vì thế mà Viêt Nam chỉ tiếp thu chữ “hiếu đễ” và tiếp thu giáo dục của gia đình Nho Giáo. Nho giáo đề cao chữ  hiếu đối với cha mẹ với 2 nội dung chính là phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và tang ma thờ cúng khi cha mẹ đã chết. Hiếu với cha mẹ khi đã chết thể hiện ở tang lễ và thờ cúng tổ tiên đã thành một tín ngưỡng lâu nay vẫn duy trì đậm nét. Trong gia đình truyền thống Việt Nam xưa kia tiếp thu sâu sắc thuyết lí gia đình Nho giáo đã diễn ra nhiều tấm gương về chữ hiếu đáng quý như Nguyễn Đình Chiểu trên đường từ trường thi trở về chịu tang mẹ đã khóc thương mẹ đến mù cả đôi mắt. Hiếu với cha mẹ không chỉ là nuôi nấng mà còn phải hết sức yêu thương chăm sóc để cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Nho giáo đặt ra giáo dục gia đình “Cha nhân nghĩa con khắc có hiếu, anh rộng lượng em sẽ kính trọng”. Khía cạnh đó đặt ra ý nghĩa giáo dục gia đình ngày nay. Trước hết là tấm gương tốt về lao động sáng tạo, trí tuệ tài năng, thái độ đúng đắn của các bậc làm cha mẹ anh chị có tác dụng gương mẫu đầu tiên quan trọng đến con em trong nhà và các cháu.cGiáo dục nho giáo là “nghiêm cha từ mẹ” nếu kết hợp hài hòa sẽ tạo thành tính cách tự nhiên tốt đẹp cho con cái hướng đến sự lựa chọn cái chân, thiện, mỹ.

 2.2.3. Về tư tưởng triết học

Nhà nho có danh đời nào cũng xuất hiện, tên tuổi còn ghi lại nhiều. Ngoài công lao kinh bang tế thế, Nho sĩ Việt Nam còn giúp vào việc giáo hóa, trứ tác thơ văn nhiều loại. Riêng về mặt triết học, cũng rất phong phú, không những phô diễn đạo lý cổ truyền Khổng-Mạnh, Trình-Chu mà còn bày tỏ ít nhiều quan điểm riêng của người Việt, thể hiện hoặc tinh thần độc lập hoặc ý thức đối kháng với tư tưởng Trung Hoa. Tư tưởng triết học của Nho giáo vốn đơn giản, chung quy chỉ gồm thuyết “Thiên mệnh”, “Thiên nhân cảm ứng”. Về sau, đến đời Tống, Nho giáo mới bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc của thế giới, quan hệ giữa tinh thần và vật chất mà các nhà Nho gọi là “lý” và “khí”.

Khi tiếp nhận Nho giáo về mặt triết học, các nhà Nho Việt Nam chủ yếu tiếp thu thuyết “Thiên mệnh” và thuyết “Thiên nhân cảm ứng”. Việc tiếp nhận này chủ yếu nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị của mỗi triều đại, mỗi dòng họ. Muốn lấy được lòng dân, mỗi triều đại phải tìm cách làm cho dân hiểu được việc thay đổi triều đại là một việc hợp lòng trời. Một ví dụ tiêu biểu là việc nhà Lý lên thay nhà Lê. Ngoài ra, điều này còn được thể hiện trong việc đặt tên cho niên hiệu của mỗi vị vua. Chẳng hạn như việc đặt niên hiệu của vua Lý Công Uẩn (Thuận Thiên), vua Trần Thái Tông (Thiên Ứng Chính Bình-1232). Tất cả đều cho thấy được là các nhà Nho ở Việt Nam đã tiếp nhận hoàn toàn thuyết “Thiên mệnh” và tin tưởng tuyệt đối vào nó. Cũng chính vì vậy, các nhà Nho mới cho rằng, những việc làm của con người trời đều biết và đều có thưởng phạt thích hợp cho những việc làm đó. Vì vậy, mỗi khi đất nước gặp phải những thiên tai, các vua quan thường tự kiểm điểm xem những thiên tai đó có phải là do chính sách trị nước và cách cai quản của mình dẫn đến không. Ví dụ, chiếu của vua Lê Nhân Tông (1443): “Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khoá có điều lợi cho dân không?...”

Bên cạnh, việc tiếp nhận tư tưởng triết học về thuyết “Thiên mệnh”, thuyết “Thiên nhân cảm ứng”, một số nhà Nho Việt Nam còn quan tâm đến việc nghiên cưú về nguồn gốc của vũ trụ như Lê Quý Đôn, Tự Đức. Tuy bàn về vấn đề “” và “khí”, nhưng những quan điểm của các nhà Nho vẫn không vượt ra khỏi quan niệm truyền thống về thế giới của Nho giáo Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn có một số nhà Nho có những quan điểm khác trong việc xác định mối quan hệ giữa “” và “khí”. Chẳng hạn như Lê Quý Đôn, ông đã khẳng định “nhờ có khí mà thấy được lý”, “lý ở trong khí”, quan niệm đúng đắn và quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Điều này khác với một số nhà Nho Trung Quốc của phái Lý học.

Trong các tác phẩm của mình, các Nho sĩ Việt Nam vừa ghi chép lại những tác phẩm triết học của các nhà Nho Trung Quốc vừa trình bày những quan điểm riêng của mình. Có thể kể tên một số tác phẩm như “Tứ thư thuyết ước” của Chu Văn An đời Trần, “Chu dịch quốc âm giải nghĩa” của Đặng Thái Phương đời Hậu Lê (Tác phẩm dùng thơ lục bát giải nghĩa từng hào (diễn ca); như quẻ Càn, hào sơ cửu Tiềm long vật dụng ), “Thánh mô hiền phạm lục” của Lê Quý Đôn (trích lục nguyên văn những lời nói của thánh hiền, xếp loại, chia thành mười hai đề mục, ghi rõ xuất xứ từng câu đã trích trong Dịch, Thi, Thư, Xuân thu Tả truyện, Lễ ký, Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Gia ngữ, Hiếu kinh, Mạnh tử, Chu tử, Quốc sách, Quốc ngữ, Sử truyện, Tiên nho cách ngôn...), “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn (Sách gồm chín đề mục, trong đó đề mục thứ nhất là Lý khí ngữ, gồm 54 điều về vũ trụ, vũ trụ luận; chủ yếu giải bày quan niệm của Tống Nho về vũ trụ luận, đồng thời có nhiều phát triển riêng của ông)... Tuy nhiên, do những cuộc chiến tranh, thiên tai, nên những tác phẩm của các Nho sĩ nước ta bị thất tán, tiêu huỷ. Vì vậy, nguồn tài liệu để nghiên cứu về tư tưởng triết học của các nhà Nho Việt Nam rất ít. Do đó, nói đến Nho giáo Việt Nam, cái nổi bật hình như không phải là tư tưởng triết học, mà lại là tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức trong xã hội Việt Nam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro