#51. Văn Việt Nam.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đây là một phần trong bài Rant về giáo dục Việt Nam mà tôi sẽ đăng sau này. Nhưng tôi cảm thấy cần đẩy phần này lên trước vì Văn học là môn làm tôi cảm thấy bức bối nhất.

Warning: Vấn đề nhạy cảm, cân nhắc trước khi đọc. Nói thật đấy. Cái chứ Warning lù lù ở đầu rồi in đậm gạch chân rồi nên đừng có bảo tôi không nói trước. Nếu bạn có tinh thần yêu anh Bùi Gia Duy (BGD) thì tôi khuyên thật lòng không nên đọc.

Warning 2: Ý kiến hoàn toàn là của tôi, có một vài phần sẽ trích dẫn bạn bè tôi.

Warning 3: Sẽ có chửi bậy, chửi thề cả tiếng Việt cả tiếng Anh. Sẽ có chém tiếng Anh. Tất nhiên là vì bài viết này được sinh ra từ sự ức chế của tôi khi học ôn thi cấp ba.

Cảm ơn.

------------

Cho tôi hỏi thật.

Bao nhiêu bạn ở đây là người viết truyện hay ở lớp hay bị điểm kém môn văn?

Vì tôi là một trong số những người đó.

Không, tôi không nhận mình viết hay hay là mình tốt đẹp gì, nhận xét này được lấy từ các comment trên truyện của tôi. Hiểu câu này thế nào tuỳ các bạn.

Ở trên mạng, đặc biệt là Wattpad, tôi là một tác giả được gọi là "có chỗ đứng", chưa phải nổi tiếng gì, chỉ là có chỗ đứng và có chút ảnh hưởng thôi. Ở lớp, tôi là một đứa học Văn cũng tàm tạm, nhưng mà về cơ bản thì môn Văn của Việt Nam nó cũng chỉ là học thuộc ý thôi, không có gì cao sang lắm. Tuy vậy, vì tôi là người nhận được hai nền giáo dục của Việt-Mỹ nên tôi sẽ nói cả Văn Mỹ, hay, theo trường tôi gọi, là Văn Chuyên Gia.

Để tôi nói thẳng luôn, trong môn Văn ấy, tôi là một học sinh giỏi. Bảng điểm Chuyên Gia học kỳ hai của tôi ở bên dưới:

Như các bạn có thể thấy, điểm Văn Chuyên Gia của tôi là 105.52%, vượt ngưỡng 100%, là mức tối đa. Bình thường, ở một trường trung học của Mỹ, 100% là mức điểm tối đa bạn có thể đạt được, và nó không vượt quá mức ấy. Nếu tôi đang ở Mỹ, tôi sẽ có 100% là điểm trung bình cả học kỳ hai. Đó là một sự khác biệt rất lớn đối với điểm Văn Việt Nam cả kỳ của tôi, 8.0.

Nhưng tại sao lại có sự khác biệt này? Có phải vì tôi chỉ là một người "sính ngoại", thích học Văn của người ta mà không trân trọng nền Văn Học nước nhà? Có thể. Ngoài ra còn lí do nào khác không? Có.

Khi so sánh Văn Việt với Văn Mỹ, thằng bạn tôi đã nói: "Hai cái hoàn toàn khác nhau, một cái hữu dụng, một cái phế phế." Có thằng lại nói: "Cách dạy Văn Mỹ tốt hơn. Văn Việt Nam dạy như shit."

Để tiện, tôi sẽ so sánh cách tôi được dạy hai truyện ưa thích của tôi năm nay, một truyện trong chương trình Văn Việt và một trong chương trình Văn Mỹ.

Trong chương trình Văn Việt, tôi thích nhất truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu, một truyện ngắn không mang kết thúc có hậu tươi đẹp gì với nhân vật Nhĩ. Truyện là lời cảnh tỉnh đến con người, rằng trên đời có những cái "chùng chình", "vòng vèo", và con người ta phải nhanh lên, vượt qua những cái chùng chình đó thì mới đến được với những giá trị đích thực của cuộc sống đó là gia đình và quê hương. Con Fap nói rằng nó không hiểu truyện ấy nói cái gì cả, nhưng tôi thì hiểu. Thực sự, nó là một câu chuyện hay, ý nghĩa sâu sắc, và khi đọc phân tích của các cô dạy Văn, tôi cũng thấy nó khá đúng với ý kiến của tôi. Nhưng đây mới là điểm khiến tôi không có một tí hứng thú nào khi đọc truyện đó.

Mỗi khi vào lớp, câu đầu tiên mà cô giáo bộ môn Văn Học của chúng tôi nói là:

"Các anh các chị đã học bài chưa?"

Vâng, không có gì lạ ở đây cả, đúng không? Cô giáo thường nói thế khi cô bước vào lớp, sau đó chúng ta chào cô, rồi cô bắt đầu bài học.

Bây giờ, sang bên Văn Mỹ. Truyện ưa thích của tôi là tiểu thuyết Lord of The Flies (Chúa Ruồi trong tiếng Việt) của William Golding. Nó là về một lũ con trai từ mười hai tuổi trở xuống bị kẹt trên một hòn đảo. Nhưng nó không phải là câu chuyện phiêu lưu giống như Robinson Crusoe hay The Coral Island, không có chuyện bọn trẻ con tự nuôi gia súc để ăn, hay làm một chiếc bè để quay trở về với thế giới văn minh, không có chuyện đó. Ban đầu, bọn trẻ quyết định lập lại nền văn minh trên hoang đảo, nhưng rồi, càng về sau, nỗi sợ một con Quái vật không tồn tại đã khiến chúng quay trở về với bản chất thật của con người, theo quan điểm của William Golding, đó là sự man rợ và độc ác nằm sâu thẳm trong mỗi con người, dù đó có là ai. Chúng đã cùng nhau giết một đứa trẻ trong số chúng nó, và một đứa nữa đã bị đẩy đá xuống người, văng xuống vực, đập đầu mà chết (đầu mở toác ra, máu nó nhuộm đỏ một phần nước biển). Cuối cùng, chúng sống sót, được cứu thoát bởi ngọn lửa chúng vô tình tạo ra khi định giết thêm một đứa nữa. Kết thúc có hậu? Không hề. Bọn trẻ bị kẹt trên đảo vì chiếc máy bay sơ tán của chúng bị bắn rơi trong chiến tranh. Người giải cứu chúng là một sĩ quan Hải Quân, có nghĩa là ông ta cũng đang trong nhiệm vụ tiêu diệt kẻ địch khi ông ta cứu bọn trẻ. Cho dù có quay trở về thế giới văn minh, bọn trẻ cũng đã biết quá nhiều về cái sự man rợ của loài người ấy để có chỗ cho sự vô tội của chúng, và chúng sẽ tiếp tục sống trong thế giới ấy, lớn lên để trở thành những con người phục vụ cho sự độc ác của chính chúng. Không có kết thúc có hậu gì cả. Tiểu thuyết này là một lời cảnh tỉnh về những cái xấu xa trong bản chất loài người đã luôn tồn tại từ thuở nguyên thuỷ.

Hai truyện cùng là hai lời cảnh tỉnh, cùng là hai truyện không có kết có hậu, nhưng tại sao tôi lại có thể phân tích Lord of The Flies rành mạch như thế, còn Bến Quê thì không? Tôi tin rằng một phần câu trả lời nằm ở hai câu nói sau của thầy Chuyên Gia Văn:

Khi thầy đi vào lớp, "Hi guys, how are you doing today? I hope you've all done your homework."

(Dịch: Chào các em, hôm nay các em có khoẻ không? Thầy hy vọng các em đã làm hết bài tập về nhà.)

Trước bài kiểm tra cuối kì: "Okay, unlike the Vietnamese tests, you don't really have to remember anything, just write the answers the way you understand them."

(Dịch: Okay, không giống như những bài kiểm tra Văn bằng Tiếng Việt (thầy đã nghe chúng tôi phàn nàn khá nhiều về cách học Văn ở Việt Nam), các em không cần phải nhớ nhiều lắm, chỉ cần trả lời câu hỏi theo cách các em hiểu thôi.)

Đúng thế, người Mỹ quan tâm học sinh của họ nghĩ gì. Quan điểm là một vấn đề quan trọng, vì không ai có quan điểm giống nhau. Trong khi, trước bài thi Văn của Việt Nam, cô giáo sẽ bảo chúng tôi như thế này:

"Các anh các chị nhớ về học thuộc kiến thức cơ bản, cứ bám sát cái kiến thức cơ bản là được."

Câu nói này lặp đi lặp lại, và dần dần hình thành một khái niệm trong não chúng ta, đó là "Học thuộc = Mọi thứ sẽ ok". Vì thế, chúng ta phụ thuộc vào những kiến thức ta được dạy, không nhìn nó theo chiều hướng khác. Ở Việt Nam, ta được dạy thế này là đúng, ngược lại là sai khi ta phân tích các tác phẩm được học. Ở Mỹ, giáo viên dạy cho ta những cái cơ bản về tác phẩm, và ta tự đi lên từ đó, tự nêu ra các ý kiến của mình. Đó cũng là lí do mà khi ta tìm những bài phân tích truyện ngắn Bến Quê, ta sẽ thấy những ý kiến na ná nhau như: "Bến Quê là lời cảnh tỉnh tới con người ta...", còn khi ta tìm những bài phân tích tiểu thuyết Lord of The Flies, ta sẽ thấy rất nhiều quan điểm, ý kiến về tiểu thuyết, tất cả những bài phân tích sẽ chủ yếu có những từ như: "I think", "I feel like", "In my opinion",... (Tôi nghĩ rằng, Tôi cảm thấy rằng, Theo quan điểm của tôi,...). Điều này tạo ra sự khác biệt lớn giữa học sinh Mỹ và học sinh Việt Nam. Ở Việt Nam, ta học thuộc lòng và nhắc lại lời giáo viên như những cái máy, ở Mỹ, ta nêu ý kiến, quan điểm của mình, và chỉ cần ta bảo vệ được quan điểm ấy, ta sẽ được điểm.

Một sự khác biệt nữa là ở bản thân những giáo viên. Như tôi đã nhắc đến ở trước, khi vào lớp, giáo viên dạy Văn Việt Nam của chúng tôi thường nói: "Các anh các chị học bài chưa?", còn giáo viên người Mỹ nói: "Chào các em, hôm nay các em có khoẻ không? Thầy hy vọng các em đã làm hết bài tập về nhà."

Ngoài ra còn có cách dạy. Học dưới hai chương trình, tôi đã đổi rất nhiều giáo viên, cả Văn Việt cả Văn Mỹ. Từ lớp sáu đến giờ, tôi đã đổi bốn giáo viên Văn Việt và bốn giáo viên Văn Mỹ. Qua bốn năm, tôi thấy cách dạy Văn của giáo viên người Việt là na ná nhau, thậm chí, nếu có đổi cô, tôi cũng không nhận ra nổi sự khác biệt. Những giáo viên người Mỹ đã dạy chúng tôi lại khác. Cách dạy của họ thay đổi theo từng người (tất cả đều có bằng cấp hẳn hoi, không phải Tây ba lô). Có người vui vẻ, có người nghiêm túc, có người dạy hơi chán, và giáo viên năm vừa rồi của chúng tôi thì có một chút của cả hai người đầu tiên.

Thật sự, tôi rất tiếc khi năm sau nhiều khả năng sẽ không học hệ song ngữ nữa, vì năm sau chúng tôi sẽ đọc The Great GatsbyJulius Ceasar, và cũng sẽ được thầy năm vừa rồi dạy. Với giáo viên Việt Nam, tôi thực sự không có hứng thú lắm.

Tôi nghĩ vì những lí do trên, và vì tôi có một phần nào đó sính ngoại, mà thừa nhận đi, ai chả vậy, nên điểm Văn hai chương trình của tôi lại khác nhau như vậy.

------------

(Tôi cũng nên nói là tôi cuồng Lord of The Flies và viết fanfic của nó trên account jess_ng , nên nếu bạn có hứng thú thì hãy đọc thử. Tôi khuyên bạn nên đọc tiểu thuyết đó trước.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro