MÙA KÝ ỨC THÊNH THANG...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


1. Em vẫn thường kể cho ông xã của mình về chị - người mà anh ấy chưa một lần gặp mặt mà đã nghe kể đến n lần. Những lúc như vậy, anh ấy chỉ im lặng lắng nghe và lắng nghe. Có một đôi lần nào đó em cũng ngu ngơ nghĩ rằng chắc ông này cho rằng bà vợ của ổng bị chập một sợi dây thần kinh nào đó, cứ nhắc hoài về một người mà hơn chục năm qua chỉ toàn "văn kỳ danh bất kiến kỳ hình"...Nghĩ vậy thôi nhưng em vẫn không thôi kể về chị - người chị đầu tiên của em. Nhà có 3 chị em gái, em là chị đầu. Với em mọi thứ đều lạ hoắc. Lạ từ cái gọi là "làm gương cho lũ em" lạ đi.. ..

Rồi em gặp chị. Những tháng ngày theo chị đi chỗ này chỗ kia cũng kịp để em lượm về một mớ những ký ức không tên. Có chị rồi, được chị móc tặng một chiếc túi xách bằng cước trắng, móc kiểu vảy cá xinh ơi là xinh. Lần đó trường Nguyễn Trãi tổ chức cắm trại 26/3 ở biển Bình Sơn, em điệu đà mang cái túi xách ấy đi theo, lũ con gái mới lớn cứ trầm trồ suốt. 17 tuổi, lần đầu tiên em biết đến cái cảm giác được người khác ganh tị với mình đấy!

Thế là em tập tành mua kim, mua len về tập móc. Sản phẩm đầu tiên em làm ra là cái bao viết ốm nhom, dài nhằng như con cá cơm. Rồi gỡ. Rồi lại tháo. Những cọng len xanh xanh đỏ đỏ loằng ngoằng như cọng mì tôm, vắt vẻo từ bàn học tới giường ngủ. Nản không chịu được. Tháo đi tháo lại thêm vài lần. Bỏ ngủ trưa thêm vài hôm rồi cũng làm xong cái bao viết. Rồi lại mất ngủ thêm vài đêm nữa chỉ vì mãi ngắm em ấy. Xinh quá mà. Rồi em tại tập tành móc giỏ. Ước ao sẽ có một ngày mình sẽ tự làm cho mình một cái giỏ thiệt là xinh như cứ thôi thúc. Rồi lại bỏ ngủ trưa. Rồi lại tiếp tục rải những cọng mì tôm xanh xanh đỏ đỏ loằng ngoằng từ bàn học tới giường ngủ... Giờ thì thêu thùa đan móc cái gì cũng giỏi, cũng làm ra vài cái giỏ xách kiểu này kiểu kia tặng người kia người này. Nhưng cái cảm giác thỏa mãn khi tự làm cho mình cái giỏ xách lúc 17 tuổi ấy cứ theo em suốt đến tận bây giờ.

2. Lúc ấy kinh tế gia đình chị khó khăn, chị cùng mấy chị em gái lăn lộn ra chợ mở sạp bán trái cây. Ơn trời, trái cây của sạp chị lúc nào cũng sạch bong, láng bóng, xinh như chị em cô chủ sạp nên níu chân nhiều người ghé vào. Mãi sau này, cứ mỗi lần đi chợ, em lại cứ thích ghé ngang qua khu bán trái cây. Thích nhìn lại cái cảnh mấy cô chủ sạp ngồi lau lau những trái cam đến sạch bong, sáng bóng, tự nhiên em lại như nhìn thấy chị của hơn hai mươi năm về trước. Đó là những buổi trưa đi học về, vội ăn ăn uống uống xong, lại tót ra hàng trái cây của chị, leo lên cái chỗ cao nhứt trong sạp – là cái thùng tiền, chỉ để phụ chị ấy... thối tiền cho khách!!!

Có người nói chị gan lắm nhé, chỉ mới biết đạp máy may thôi mà đã mua vải về tập tành may áo quần. Mà may đẹp nữa mới ghê. Thế là cứ tháng nào cũng xin má tiền để mua vải đưa chị may đồ mới. Chị cứ như con ong cần mẫn. Chìu chuộng cho cái tuổi ẩm ương mới lớn thích làm điệu của em. Hết kiểu sơ mi gài nút đằng trước thì chuyển sang sơ mi gài nút đằng sau. Hết áo cổ lọ thì tới áo cổ thuyền. Hết tay lỡ thì tới tay giò heo... Mới 4 giờ sáng là đã mắt nhắm mắt mở, tấp tễnh đạp xe từ Đạo Long xuống chợ PhanRang dọn hàng để kịp bán sỉ cho khách, vậy mà đêm nào chị cũng thức may đồ tới khuya cho khách, cho em. Cho khách thì còn kiếm được vài đồng, may cho em thì toàn là miễn phí không thôi.

Trong trí nhớ của em, chị phải lớn hơn em chắc cũng cả chục tuổi, như vậy mới có thể đạt đến cảnh giới tùy cơ ứng biến với hoàn cảnh như vậy chứ! Sau này mới biết, thì ra chị chỉ hơn em có 4 tuổi thôi. Thì ra cuộc sống vất vả làm con người ta trưởng thành sớm như vậy.

3. Em nhận giấy báo đậu đại học, trong thủ tục nhập học, Trường đại học Đà Lạt yêu cầu phải cắt và chuyển hộ khẩu về trường. Có trời mới biết em lúng túng không biết phải làm thế nào với cái thủ tục ấy. 18 tuổi, thủ tục hành chính đầu tiên mà em phải làm là xin cắt khẩu. Ngày xưa không có anh "gu gồ" để mà đụng cái gì cũng hỏi, em chỉ biết hỏi chị thôi. Chả biết chị có xin cắt khẩu lần nào chưa mà sao rành quá vậy, loáng một cái đã đọc cho em viết xong cái đơn xin cắt khẩu. Phục quá đi mất. Rồi em vào đại học, trong hành lí mang lên Đà Lạt là mấy bộ quần áo chị may cho. Đẹp. Đà Lạt lạnh lắm, con gái Đà Lạt quanh năm mặc áo lạnh nên áo quần mặc nhà thường rất đơn giản, không giống như Phan Rang của mình, áo quần đủ kiểu, đủ màu sắc. Chân trời mới mở ra, em có thêm nhiều bạn mới ở khắp các tỉnh. Vui. Thư nhà gởi lên, ba nói chị đã cùng gia đình xuất cảnh rồi. Em buồn lắm nhưng cũng chỉ một chút rồi lại quên ngay. 19 tuổi, em vẫn vô tâm, vô tư thế đấy. Một lần nào đó, em cũng bon chen, hưởng ứng phong trào khoe người thân của bọn sinh viên cùng phòng: "bà chị của tao rất giỏi nhóe, xinh lắm nhóe. Chỉ có điều tao mất liên lạc với chị ấy òy". Kết quả là em bị lũ bạn cùng phòng ấy trùm mền đập cho một trận, vì cái tội "người dưng mà rêu rao y như chị ruột" và cái tội "vô tâm đến thế là cùng, người ta đã xuất cảnh mà tụi tao chả thấy mày buồn chút nào, nửa chút cũng không có luôn". Chỉ có điều cái tội sau nó nặng hơn cái tội trước. Lần đó em đã phải lấy trọn tiền nhuận bút viết báo trong tháng, dẫn tụi nó đi ăn bột chiên, chỉ để mua chuộc "tụi mày xóa dùm tao cái tội danh vô tâm gì gì kia đi, kẻo lại sau này tao không còn mặt mũi để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ..."

Tốt nghiệp đại học, em lại về Phan Rang. lại làm thủ tục nhập khẩu. Buổi trưa ngồi một mình trên gác viết đơn xin nhập khẩu mà rươm rướm nước mắt. Ký ức lại ùa về thênh thang. Sao mà nhớ chị dữ vậy nè. Lá đơn viết một loáng là xong nhưng nỗi nhớ của em thì lại đi lang thang cả buổi chiều hôm đó, nhớ những lần theo chị về rẫy nhà chị chơi, miếng rẫy ở tuốt tận Từ Tâm, xa ơi là xa, đạp xe cóc cách qua cầu Đạo Long gió ngược, nắng chói chang, mặt người nào người nấy đỏ bừng. Vậy mà vui. Ở rẫy chơi suốt một buổi, trèo cây, ăn và uống nước dừa, cảm giác như đi dã ngoại.

Ngày xưa kể ra lạc hậu nhỉ, Internet không có, thư từ thì khó khăn, chị em mình lạc mất nhau hơn 20 năm rồi còn gì.

4. Gặp lại chị trên Facebook, mừng còn hơn bắt được vàng. Hỏi đủ thứ chuyện, thăm đủ thứ người. Thì ra chị vẫn nhớ, từng người, từng người một.Nhớ từng con đường, từng góc phố. "Em sống thế nào?" câu hỏi này chị cứ hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần. Và cũng từng ấy lần mình trả lời "Em ổn chị ơi". Rồi cười. Chị cũng cười. Tiếng cười vẫn như ngày xưa xa lắc.

Thế là suốt cả đêm không ngủ được, lại tiếp tục kể về chị với ông xã. anh ấy vẫn như xưa, luôn luôn lắng nghe, nhưng lần này thì đã có chút thấu hiểu, tin rằng bà vợ của mình không phải bị chập sợi dây thần kinh nào đó. Người chị xưa xửa xừa xưa rốt cuộc là có thật! Trời ạ.Hơn hai mươi năm rồi còn gì. Và em cũng kịp trở thành một phụ nữ khéo léo với các kỹ thuật thêu thùa đan móc, tự tin hơn khi tiếp xúc với các thủ tục hành chính, quyết đoán hơn khi gặp những tình huống cần phải xử lý... Tất tần tật những gì em có được hôm nay cũng là do một phần ảnh hưởng từ chị của ngày xưa.

Khoe với má là con đã gặp được chị rồi. Má hỏi thăm đủ thứ, rồi lại khóc. Người già dễ xúc động vậy đó. Vậy mà, lúc em đội nón, xách giỏ chuẩn bị ra về, má lại dặn với theo:"Chị con sống bên xứ người chắc cũng vất vả lắm. Đừng làm phiền cuộc sống của chị con, nghe chưa".

Em nghe mà muốn khóc. Đâu phải chỉ mình em thương chị, phải không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro