Mua Mua O Lai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa Mưa Ở Lại

Trần Tùng Chinh

Phần I

Chương 1

Hôm nay là ngày thi cuối cùng của học kỳ hai. Môn văn học dân gian của thầy Tùng tương đối nhẹ nhàng. Hôm ôn thi, thầy biểu học sạch sẽ hết tám chương. Đứa nào đứa nấy lè lưỡi ra dài cả thước. Không ngờ thầy chỉ dọa thế thôi. Sau một hồi để cho đại diện lớp đứng lên năn nỉ ỉ ôi, thầy mới thủng tha thủng thỉnh đằng hắng giọng thật to rồi chậm rãi nói:

- Xét thấy tuần rồi, cả lớp làm rất tốt tiểu luận ca dao dân ca. Xét thấy cả học kỳ vừa qua, lớp soạn bài khá đầy đủ. Nay, tôi ra quyết định mới: thi hết học phần lần này, các anh chị chuẩn bị cho tốt chương 1, 2, 4 và chương 8. Hết. Còn khiếu nại gì không?

Lớp trưởng Hồng đứng lên cười ỏn ẻn:

- Dạ, tụi con không dám khiếu nại gì đâu ạ!

Lớp học cười rần. Nhỏ Hồng xưng con trong khi thầy Tùng chỉ mới chừng khoảng 35 tuổi. Nghe đâu thầy mới có cô công chúa còn bé xíu chỉ chừng hơn một tuổi. Hèn gì mà thầy ra tay làm phước cứu vớt cuộc đời sinh viên khốn khổ của tụi tôi. Hôm nay thầy cho đề ngay bon chương một và chương bốn. Đề có một câu hơi hóc búa để cho mấy đứa mọt sách cỡ như thằng Vũ lấy chín mười điểm. Chứ còn lè tè như tôi thì cũng có hai câu đủ điểm trung bình.

Còn gần nửa tiếng nữa mới hết giờ nhưng tôi đã làm xong bài. Tất nhiên là chừa lại câu cuối khó nhai khó nuốt. Đang loay hoay chuẩn bị nộp bài, đã thấy bóng thằng Hậu lượn qua lượn lại ngoài phòng thi. Trời đất, nó làm bài còn "ác liệt" hơn. Đã xong tự hồi nào mà cái mặt ra vẻ đắc chí lắm.

Nộp bài và ký tên vào bảng ghi điểm xong, tôi vội chào thầy giám thị đi ra. Thằng Hậu chộp lấy tôi ngay nơi băng đá:

- Làm bài gì mà lâu quá vậy? Bộ tính cạnh tranh với thằng Vũ cận hả?

- Hổng dám đâu! Chẳng qua tao không có tiền đóng để thi lại lần hai thôi. À mà thằng Vũ ra chưa?

- Mày quên là nó luôn nộp bài sau tiếng kẻng hết giờ à?

- Ừ hén, nhưng mà tao cứ tưởng hết giờ rồi!

- Bây giờ đi!

- Đi đâu?

- Thì đi vườn nhà nhỏ Nhung chứ đi đâu!

- Trời đất, mày tính không về quê sao?

- Mai mới về mà! Đi chơi một bữa cho thư giãn. Ba tuần nay tao toàn đóng vai sinh viên chăm chỉ tối ngày ở trên thư viện có dám đi chơi đâu?

- Chờ thằng Vũ chút nghen!

Thằng Hậu gạt ngang:

- Mày lúc nào cũng thằng Vũ, thằng Vũ... Mày chờ nó để rồi thi xong nó biểu đọc xong cuốn sách này rồi hẵng đi. Mà cuốn sách nào nó đọc cũng vài trăm trang trở lên. Mày léng phéng lại gần, chẳng may cuốn sách của nó mà rớt xuống thì có nước mày bị dập cẳng như chơi...

Nói rồi nó cười toe:

- Được rồi, vậy mày chờ ở đây nghen. Tao chạy lại xem tụi nó thi ra, tao tập hợp quân số cho đông đông để kéo xuống quậy tan nát vườn mận nhà nhỏ Nhung luôn thể.

Tôi gật đầu lia lịa để nó biến đi cho rồi. Cái thằng gì mà lanh chanh quá đỗi. Vậy mà được cái nó cũng tốt bụng và cũng biết phục thiện. Hồi học kỳ một, chẳng biết nó học hành thế nào mà thi tổng cộng chín môn thì nó thi lại hết... sáu môn. Cô chủ nhiệm phải phân công một nhóm bạn trong lớp toàn là cán sự môn kèm cặp.

Ở chung nhà trọ với nó, tôi biết. Nó là một đứa học hành cũng không đến nỗi tệ. Nhưng mà năm thứ nhất, mới đậu vào đại học, sau một năm luyện thi mệt bở hơi tai, nó nói để xả hơi cho bõ những ngày miệt mài học tập.

Thế là xa nhà, cuộc sống mới cái gì cũng hấp dẫn, bạn bè lại mới quen. Bữa thì đi trầm quán, bữa lại bày ra dĩa mồi ngồi nhậu lai rai. Rồi con trai khoa văn, lọt vào cái lớp hơn hai phần ba là con gái - trong đó cũng hơn hai phần ba dễ thương ác liệt. "Gươm lạc giữa rừng hoa" mà. Anh hùng lụy khách má hồng cũng là chuyện thường tình. Vậy là cả học kỳ một trôi qua theo những lý do rất ư là "khách quan" đó. "Phàm phu tục tử" cỡ thằng Hậu làm sao mà vượt qua nổi. Thi lại là cái chắc. Sáu môn là còn ít. Tôi cứ tưởng là hết trơn hết trọi cả chín môn!

Cũng may, tôi kịp tỉnh ngộ cái lần má lên thăm nên sơ sơ chỉ có hai môn. Thằng Hậu nghe cô chủ nhiệm nói tình hình này mà tái diễn ở học kỳ hai là nó chỉ còn nước bị đình chỉ học tập. Lần này thì nó sợ thiệt. Hôm đó nó rầu rĩ than thở chắc phen này về nhà cắm câu. Thằng Bửu liền xía vô:

- Ở quê bây giờ cũng không còn cá cho mày cắm đâu!

Thằng Hậu nghe mà ngậm ngùi đau khổ, không trả lời lại một tiếng nào. Và học kỳ hai thấy nó có siêng hơn, vô lớp đều hơn, lại có soạn bài. Hôm nọ lại còn xung phong lên thuyết trình. Hy vọng sau mùa thi này kết quả của nó sẽ khả quan hơn.

Tôi nhìn theo bóng Hậu mất hút theo dãy hành lang. Nơi đó có một cây phượng bắt đầu trổ rất nhiều hoa. Chiều qua, trời mưa thì ít mà lại chuyển rất lâu. Gió từ đâu thổi về làm bụi cát trong trường bay mù mịt. Cây phượng cũng nghiêng ngả. Rồi gió bứt tung từng cánh hoa đỏ thả rơi lả tả. Kết quả là hôm nay, xác hoa nhuộm đỏ một vùng quanh chỗ gốc cây.

Đó là màu của mùa hè. Hè đã đến rồi. Nhanh thật! Mới đó mà năm học thứ nhất đã đi qua.

Hôm nay tất cả những mệt nhọc của mùa thi sẽ được gác lại. Cả lớp sẽ đi nhà lớp phó chơi một bữa cho thỏa thích rồi chia tay nhau về nhà nghỉ hè. Tuy nhiên mùa hè này, gần hết lớp chúng tôi đăng ký chiến dịch "Ánh sáng văn hóa" ở một số huyện vùng xa. Ai cũng nôn nao mong mùa thi mau qua để cùng nhau lên đường đi về nông thôn. Lần đầu tiên bọn sinh viên năm nhất chúng tôi đi chung với nhau, sống và làm việc với nhau trong vòng một tháng trời, chắc là vui lắm.

Riêng tôi, tôi càng háo hức nhiều hơn vì một lý do rất riêng tư. Rằng hôm đăng ký chiến dịch hè, sau khi phát hiện rõ ràng Huyền Diệu đăng ký về Tri Tôn, tôi cũng lẹ tay đăng ký đi cùng một địa điểm và hí hửng tưởng tượng ra bao nhiêu điều dễ thương sẽ đến với tôi và Diệu. Để cứ mỗi "một điều" như thế sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên.

Và trong chiến dịch hè này, tôi sẽ lên kế hoạch để tiếp cận "nữ chiến sĩ" mà ngay từ đầu năm vào lớp tôi đã thầm thương trộm nhớ. ''''Chiến sĩ'''' Hoàng Nguyệt Huyền Diệu. Ôi, cái tên đã nghe thơ mộng lãng mạn cỡ "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu! Nếu em là ánh trăng Huyền Diệu thì mùa hè này và mãi mãi về sau, tôi nguyện suốt đời sẽ là nhân vật Lãm với một tình yêu mê muội...

Huyền Diệu quê ở Đồng Tháp. Chắc là em quê đâu đó ở Tháp Mười nên em có một khuôn mặt búp sen với làn da trắng nõn nà. Bước đi của Diệu mềm mại và tha thướt như một cành sen. Má em hồng hồng như cánh sen. Môi em chúm chím như một nụ sen mới nở. Nói chung là ở em cái gì cũng gắn với bông sen, chỉ có cái tên mới không phải là sen thôi. Nhưng với tôi, ngay cả cái tên cũng gợi lên tính chất của một đóa sen huyền diệu.

Chỉ có điều, suốt một năm học, dù tôi đã bao lần ướm thử thăm dò nhưng em vẫn cứ hồn nhiên như không. Có lần em cười với tôi làm cho tôi đêm về mất ngủ. Nhưng sáng hôm sau đi học, tôi mới nhận ra rằng nụ cười như mùa thu tỏa nắng đó, em dành cho hết thảy mọi người. Từ thằng Hậu, thằng Bửu, đến thằng Linh, thằng Tùng... Và cả nhỏ Nhung, nhỏ Huê, nhỏ Thúy...

Nhưng mà được rồi. Mùa hè này trời sẽ giúp tôi. Nếu không thì làm sao tình cờ mà tôi biết được nơi em chọn để về công tác? Rõ ràng là trời xui đất khiến hôm tôi đi nhận báo cho chi đoàn ở phòng công tác sinh viên, cô Thư để hồ sơ thế nào mà bày ra ràng ràng trước mắt tôi cái tên Huyền Diệu, đăng ký về huyện núi Tri Tôn.

Phen này, một tháng trời ở quê là một hoàn cảnh tuyệt vời cho tôi thực hiện được cơ hội bày tỏ tình cảm của mình với Diệu. Rồi hai chúng tôi sẽ nhận dạy phổ cập cùng một nhóm người. Tối tối, hai đứa sẽ xách cây đèn dầu đi vào những phum, sóc vận động bà con đến lớp. Hàng cây thốt nốt đen đen thỉnh thoảng sẽ làm em giật mình sợ hãi mà ôm chầm lấy tôi. Tôi sẽ bảo vệ cho em không còn sợ gì nữa hết.

Những ngày chúa nhật không có công tác gì, hai đứa sẽ trèo núi đi chơi. Những chỗ khó đi, tôi sẽ tình nguyện cõng em dù điều này có hơi khó khăn cho hình hài nặng chưa tới sáu chục kí lô của tôi. Nhưng mặc kệ, tôi sẽ dìu em lên tận đỉnh núi. Hai đứa sẽ ngồi tựa lưng nhau trên mỏm đá thật cao mà đón khí trời. Ôi, chỉ mới nghĩ đến đó thôi mà tôi đã đê mê sung sướng...

Đang lim dim trên băng đá nghĩ đến cảnh tượng vô cùng lãng mạn đó, bỗng nhiên thằng Hậu ở đâu chạy sầm sập tới làm tôi té cái phịch về... hiện tại. Đang tức tối vì "giấc mơ huyền diệu" bị phá rối bất ngờ thì tôi nghe giọng của Hậu hớt hơ hớt hải:

- Minh, lại đây nhanh lên! Thằng Vũ thi xong, vừa nộp bài, bỗng lăn đùng ra xỉu rồi. Chạy lẹ tiếp tao khiêng nó lên phòng y tế. Nhanh lên!

Chương 2

Phòng y tế của trường là một nơi khá quen thuộc với tôi. Số là trong lớp tôi, em Vân Anh là chuyên gia... xỉu trong giờ thể dục. Lần nào cũng vậy, hễ tới giờ học thể dục là bọn con trai phân công với nhau chuẩn bị khiêng cô nàng lên phòng y tế.

Gần đây nhất là ngày thi môn học "bạo lực" này, cả bọn con gái chạy một vòng sân trường tính giờ. Mới bắt đầu xuất phát, trong bụng tôi đã nghi ngờ. Dù chưa đến lượt bọn con trai thi nhưng lũ mày râu chúng tôi cũng phi nước kiệu chạy theo. Được mới có hơn nửa vòng thì y như rằng, em Vân Anh khuỵu một chân xuống rồi cứ thế mà lăn đùng ra xỉu ngon lành, không cần biết sau đó, lũ con trai khoa Văn ốm yếu phải gồng mình lên khiêng nàng đi như thế nào.

Còn tôi dù có khiêng hay không, lần nào tôi cũng túc trực ở phòng y tế để xem bệnh tình của nhỏ Vân Anh sống chết ra sao. Nói thì nghe rất là nhân nghĩa nhưng thú thực là thổ lộ ra điều này, bản thân tôi cũng cảm thấy xấu hổ, áy náy lắm. Đơn giản là tại vì Vân Anh chơi rất thân với Huyền Diệu của tôi.

Lần nào Vân Anh xỉu, Diệu cũng hoảng hốt, hớt hơ hớt hải chạy đến phòng y tế xuýt xoa, thấy thương lắm. Tôi lo cho Vân Anh thì ít mà thương cho Diệu thì nhiều. Rồi trong đầu lại thèm mình là Vân Anh... nằm ngay đơ ở đó cho Huyền Diệu giật gió xức dầu, chắc là tuyệt vời ghê lắm! Lúc đó, chắc là tôi chỉ muốn mình không bao giờ ngồi dậy. Tôi sẽ lim dim mắt thì thào với Diệu rằng Diệu cứ xức dầu cho tôi mãi. Một lố dầu gió Trường Sơn tôi cũng chịu mà không cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Vừa cùng với thằng Hậu khiêng thằng Vũ cận đặt xuống giường, miệng còn thở ra khói, nhỏ Nhung đã ào ào:

- Sao vậy Minh? Sao vậy Hậu? Vũ có sao không?

- Tui cũng không biết nữa. Chắc là học bài quá sức chứ gì!

Chưa kịp làm gì thêm, thầy Ân phụ trách phòng y tế đã xua cả bọn đi như đuổi tà:

- Thôi, mấy anh chị làm ơn ra ngoài bớt cho tôi làm việc. Chỉ để lại một người ở đây phụ giúp tôi khi cần thiết thôi.

Lại Nhung, tài lanh phân công:

- Minh ở lại với Vũ, Hậu đứng ở ngoài này có gì thì hỗ trợ. Tụi này đi chuẩn bị xe cộ nhe!

Bỗng nghe một giọng rất quen:

- Mình cũng ở lại đây một tí. Nhung đi trước đi. Bạn Hậu đi theo phụ giúp Nhung chuẩn bị đồ đạc nhe! Có Diệu ở đây với bạn Minh rồi!

Tôi giật mình quay lại nhìn. Đúng là Diệu. Trời ơi, tự dưng Diệu chủ động ở lại vì tôi đang ở đây với Vũ. Tôi có nghe lầm không đó? Vũ ơi, mày nằm im... lâu lâu hãy dậy cho tao nhờ nhe Vũ.

Có vẻ như Vũ đã nghe lời thỉnh cầu tha thiết của tôi hay sao mà nó nằm im thiêm thiếp. Cái kính cận trễ xuống để lộ ra một đôi mắt nhắm nghiền thâm quầng. Chắc là đêm qua lại tiếp tục chợp mắt có một tí chứ gì? Học hành như nó đến ngày thi cuối cùng mới bị kiệt sức cũng là còn may lắm.

Sau khi khám xong cho Vũ, thầy Ân bảo là nó không sao, để đó cho thầy chuẩn bị tiêm thuốc. Nghe vậy, tôi mừng húm vội tuồn ra ngoài cửa. Hình như mắt Diệu có cái gì giống như là lo lắng. Tôi chỉ cái băng đá gần đó, ra hiệu với Diệu đến đó ngồi. Ghé mắt nhìn vào trong phòng một thoáng, Diệu ôm cặp vào lòng thật là duyên dáng và ngồi xuống thật nhẹ nhàng. Tôi vội bắt chuyện:

- Chắc là vì nó học bài quá sức. Thầy Ân bảo chỉ lát nữa thôi nó ngồi bật dậy đòi đọc sách nữa cho mà xem. À, Diệu làm bài thi có ngon lành không?

Nụ sen chúm chím trả lời:

- Chắc là không đến nỗi thi lại. Minh này, bạn ở chung nhà trọ với Vũ, bạn có biết buổi sáng đi học, Vũ có ăn uống gì không?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ủa sao kỳ vậy ta? Sao em không hỏi mình buổi sáng có cái gì trong bụng không? Sao chỉ hỏi có Vũ? À, chắc tại em ngại ngùng e thẹn gì đây, hay là em cố tìm một câu chuyện nào đó để trò chuyện với tôi chứ gì? Tôi nhìn Diệu bằng ánh mắt rất trữ tình:

- Có chứ, sáng nào tụi này cũng điểm tâm đầy đủ chất bổ. Vừa có đạm, vừa có tinh bột, vừa có muối i ốt...

Diệu trố mắt ngạc nhiên:

- Mấy bạn ăn gì vậy?

Tôi cười hề hề:

- Thì "Khoai lang chấm muối ăn bùi" chứ cái gì đâu?

Rồi nói bằng giọng nghiêm túc hơn:

- Nhưng mà sáng nay, đứa nào cũng nhịn đói, để dành tiền mai về quê. Minh thì đi ngủ sớm cho đỡ đói. Còn thằng Vũ, ai biểu đói bụng mà còn bày đặt học tới hai, ba giờ sáng làm chi?

- Hai ba giờ sáng, thiệt không? Trời đất, Vũ học gì mà dữ vậy?

- Ờ... không hai ba giờ sáng thì là mười hai giờ đêm... Mà Diệu hỏi làm chi, hôm qua chín giờ Minh đi ngủ rồi. Là Minh đoán vậy thôi, tại thằng Vũ hay thức cỡ đó. Hết đọc sách rồi ghi ghi chép chép gì đó, có trời mà biết.

- Minh nè... - Diệu bỗng hạ thấp giọng.

Tôi giật thót mình. Cái này mới tuyệt à nhe. Có lẽ sau ngày hôm nay đã là chia tay, mãi tuần sau chúng tôi mới tụ họp lại chuẩn bị đi công tác chiến dịch mùa hè xanh. Nên Diệu đã thay đổi rồi sao? Tôi trả lời cũng bằng cái giọng rất "trữ tình".

- Minh đây!

- Sau này Minh nhớ nhắc Vũ ăn sáng đầy đủ nhe! Học cực mà ăn uống qua loa là có hại cho sức khỏe lắm đó.

Trời đất, vậy là sao? Hay là em muốn kín đáo gửi gắm tôi một lời nhắn nhủ. Rằng mỗi khi tôi nhắc Vũ ăn sáng là tôi nhớ tới em. Suy ra là tôi cũng phải ăn sáng thường xuyên nếu không sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe. Ôi, vậy là em cũng quan tâm tới tôi giống như là tôi quan tâm tới em vậy. Thật là hạnh phúc. Không ngờ ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè, tôi lại có một niềm vui đột ngột mà lớn lao như vậy!

Em hãy yên tâm. Thật ra không có sáng nào mà tôi không ăn điểm tâm thật "tận tình". Mấy bữa ngồi trước một rỗ khoai lang, thằng Vũ vừa đọc sách vừa thong thả gặm nhấm củ khoai thì tôi đã cho vào mồm mình ít nhất là... hai ba củ. Như vậy thì mới mạnh khỏe. Ý nghĩ trước đây thèm muốn được bệnh như Vân Anh cho em Diệu săn sóc đã tan biến trong tôi. Không được để cho mình đau yếu, nhất là trong chiến dịch hè này, tôi còn phải làm "vệ sĩ" cho em dạy học phổ cập nữa. Nghe nói học trò toàn mấy anh chàng nông dân bự chảng. Mà con trai xứ núi Tri Tôn này cũng đáng gờm lắm. Lơ mơ là bị cuỗm mất như chơi.

Diệu đứng dậy và lại ghé mắt nhìn vào phòng Y tế, rồi quay sang tôi nói nhỏ nhẹ:

- Vũ tỉnh rồi kìa. Minh vào với Vũ đi. Diệu đi tìm Nhung một lát. À lát nữa Vũ khỏe hẳn, Minh nhớ đạp xe chở Vũ xuống sau nhe!

Nói xong những "lời có cánh" đó, hoa sen Đồng Tháp dịu dàng thong thả bước đi. Hương sen như vẫn còn để lại phía sau...

Tôi vào với Vũ. Tội nghiệp, ba tuần lễ thi đã làm tiêu hao bao nhiêu là sinh lực của nó. Mà có phải ngày thường là toàn ăn chơi, mãi đến mùa thi, nước đến chân mới nhảy đâu?

Cả bọn trong phòng trọ thì có lẽ là như thế thật. Nhưng Vũ thì tuyệt nhiên không. Ngày nào cũng như ngày nào, cả lũ chỉ học đối phó với bài tập thuyết trình ở lớp. Đa số toàn đợi đến thi mới học. Vũ thì được anh em trong phòng gọi là con mọt sách. Nó ăn cũng sách, ngủ cũng sách. Ngồi ăn cơm, lại bê sách báo tạp chí chuyên ngành ra làm gia vị... Ăn uống lộn xộn vừa vật chất, vừa tinh thần như nó nên có ngày bị bội thực cũng phải.

Tôi lè lưỡi, cũng may là tôi tuy lo học nhưng vẫn không quên nhiệm vụ phục vụ cho bao tử của mình một cách tận tình. Giống như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khuyên con người ta sống là phải biết ơn chính mình. Lục phủ ngũ tạng của mình làm việc suốt mấy chục năm trời mà không quan tâm tới, không tiếp tế năng lượng đầy đủ thì tội nghiệp cho... mình quá.

Thật ra, sống đời sinh viên xa nhà cũng khó mà ăn uống đầy đủ, nhưng tôi cũng thu xếp sao cho mình không bị suy dinh dưỡng. Lâu lâu tôi còn chiêu đãi chính mình một vài "xị" cho đời lên hương.

Vũ thì không như vậy. Chưa chi nó đã bộc lộ năng khiếu làm một nhà mô phạm thứ thiệt. Ngoài cái chuyện ngốn hết cuốn sách này tới cuốn sách khác, tôi không thấy nó có một niềm đam mê nào khác. Ngay cả chuyện ăn uống, nó cũng rất dè xẻn. Cả phòng hùn tiền lại nấu nướng ăn uống chung cũng để cho bạn bè nương tựa lẫn nhau.

Lúc mới chập chững bước vào năm thứ nhất, ai cũng lạ huơ lạ hoắc. Cùng ở chung nhà trọ, nhưng đến giờ ăn, mạnh đứa nào đứa nấy đi đến những quán cơm bình dân khác nhau. Có lần, tôi phát hiện ra Vũ chỉ mua có 1000 đồng cơm về nhà ăn với muối tiêu. Hết học kỳ một, bạn bè thân thiết với nhau hơn, tôi mới phát hiện ra nhà thằng Vũ rất khó khăn. Tía má nó làm ruộng có mấy công mà nuôi cả một bầy con nheo nhóc. Vũ là anh cả, đi học, không phụ giúp được chuyện nhà, lại còn tốn tiền chi phí mỗi tháng không dưới hai ba trăm ngàn.

Tội nghiệp, thằng Hậu biết chuyện, đề nghị ba thằng góp gạo nấu ăn chung. Nấu cơm đi chợ thì chia theo lịch trực. Nhưng nói vậy thôi, đi học về muốn ăn thì cả ba thằng đều "lăn" vô bếp. Cứ thế đời sinh viên cũng trôi qua lạc quan như câu thơ của ông nhà thơ Lê Minh Quốc làm hồi thuở sinh viên ốm đói của ổng:

Đêm đói mặc quần vào là tụt xuống

Bụng lép vô với ba mươi sáu xương sườn

Tôi ung dung đưa tay hứng nước uống

Bụng phình to đời lại lên hương

Những đêm đói ở trong ký túc xá

Buổi chiều ăn xong chẳng muốn đứng lên

Cơn đói ùa về như nước lũ

Tôi như chiếc lá vật vờ

trong nước cuốn lênh đênh...

Nhưng có lẽ những lúc đồng cam cộng khổ như vậy mà ba thằng chúng tôi rất thân thiết với nhau. Và tất nhiên, tôi đã thuyết phục cả hai thằng nó cùng đăng ký về huyện miền núi Tri Tôn để tham gia chiến dịch ánh sáng văn hóa hè với tôi.

Phen này, để hai đứa tụi nó coi con đường tình duyên của thằng Minh này sáng sủa như thế nào. Nghĩ đến đó tôi nôn nao chờ ngày lên đường. Đến nỗi cả tuần lễ sau đó về thăm nhà, thăm má, cứ tưởng thi xong khỏe re tha hồ mà ngủ cho lại sức trước khi đi. Ngày nào má cũng đi chợ nấu những món ăn tôi thích, nhất là món củ sen hầm xương. Má biểu ăn món này nằm xuống là nhắm mắt ngủ liền một giấc cho tới sáng. Vậy mà lạ kỳ thay, không đêm nào tôi ngủ được cho yên giấc. Thỉnh thoảng trong đêm cứ giật mình thức dậy nghe con tắc kè bên vách chặc lưỡi mà quay quắt nhớ Diệu. Rồi nằm ôm gối trằn trọc mong cho trời mau sáng, một ngày mau chóng trôi qua để trở lên trường cùng bè bạn lên đường....

Chương 3

Rồi cái ngày tuyệt vời ấy cũng đến. Bọn sinh viên năm nhất chúng tôi có mặt gần như đầy đủ đúng hạn như lời dặn dò cuối năm của phòng công tác sinh viên. Chỉ mới nghỉ có một tuần không gặp mặt nhau mà tụi nó làm như cả năm trời đã trôi qua. Hết ôm nhau mừng mừng tủi tủi, rồi kêu réo hỏi thăm nhau í ới. Mới có tờ mờ sáng mà hầu như không thiếu đứa nào. Tôi dáo dác tìm kiếm Diệu. Em đang đứng gần Vân Anh và Hoa ú. Không như hai cô nàng kia miệng liền miệng, tay liền tay, em có vẻ trầm tư. Hôm nay em mặc một chiếc áo xanh đậm màu. Tóc kẹp lại rất gọn gàng rồi lùa vào trong chiếc nón tai bèo rộng vành rất ra dáng sinh viên tình nguyện.

Tình cờ nhìn theo hướng ánh mắt của em, tôi nhận ra thằng Vũ. Hôm nay trông nó có vẻ khỏe khoắn hồng hào hơn. Mặt trời còn chưa mọc, trời chưa sáng hẳn vậy mà nó đã lăm lăm cầm một tờ báo như sắp chúi mũi vào mà đọc. Chả trách phải đeo hai mảnh "ve chai" trên sống mũi. Nhìn cái kính cận dày mấy đi-ốp của nó mà đoán dễ chừng cũng không dưới đôi ba độ. Đang quan sát "đối tượng" thì bỗng nhiên, thằng Hậu vỗ vai tôi cái độp:

- Ê, nhìn gì dữ vậy? Lên xe kìa!

Cả bọn lục tục kéo đến cửa xe nghe thầy Hải đọc tên theo danh sách. Thầy đọc trúng ngay tên đứa nào, đứa đó gào lên một tiếng "có" rõ to rồi vác hành lý lồm cồm leo lên xe. Các em phe kẹp tóc được ưu tiên lên ngồi phía trước, bọn con trai từ giữa xe ngồi dài cho đến cuối xe. Vậy là một chuỗi giấc mơ của tôi khi còn ở dưới quê tưởng tượng ra đã bị phá sản cái đầu tiên.

Số là tôi hình dung ra chuyến đi công tác hè vô cùng lãng mạn này sẽ mở đầu bằng ngày lên đường, tôi sẽ được ngồi bên cạnh Diệu trong suốt cuộc hành trình về vùng Thất Sơn bảy núi. Sau khi chỉ trỏ một cách thích thú cho tôi xem những ngọn núi rồi những cánh đồng ở hai bên cửa xe, Diệu sẽ ngả nhẹ đầu vào vai tôi và... ngủ. Theo nhịp dằn xóc của con đường, tôi cũng nghe trái tim mình nảy trong lồng ngực. Và khung cửa nơi em ngồi lồng đầy ánh nắng ban mai mà ở đó, vẻ đẹp của em vừa rực rỡ vừa huyền diệu....

Vậy mà bữa nay lên đường, ngồi cạnh tôi, một bên là thằng Vũ mọt sách chúi mũi vào tờ báo lâu lâu giật thót mình mỗi lần xe xuống dốc cầu; một bên là thằng Hậu dựa cái đầu đinh nặng trịch của nó lên người tôi mà... ngáy phì phò.

Tôi lóng ngóng nhìn ra phía trước chỉ thấy cơ man toàn là... lưng ghế. Chẳng biết Diệu ngồi chính xác ở đâu, em đang nghĩ gì? Có nhớ tới tôi không? Tôi chỉ còn biết thở dài cho thời vận của mình rồi ngóng ra ngoài cửa sổ đếm xem còn bao nhiêu cột cây số nữa là tới Tri Tôn.

Và rồi chợ Tri Tôn cũng xuất hiện trước mặt. Đây là một thị trấn nhỏ êm đềm có cái chợ bé xíu như nắm tay nằm lọt thỏm vào những dãy núi trập trùng. Thò đầu ra cửa xe, thằng Quang kêu toáng lên:

- A, người nước ngoài kìa!

Rồi nó kêu to:

- Hế lô! Hế lô!

Theo hướng tay chỉ của nó, bọn tôi đứa nào cũng lóng ngóng nhìn xuống chợ Tri Tôn để tìm xem đâu là người nước ngoài như nó nói.

- Đó, đó... Cái em gái vận... xà rông đó!

Thằng Tín trề môi:

- Mày khùng quá Quang ơi! Người ta là con gái Khơ me chứ nước ngoài hồi nào?

Quang cãi:

- Thì cũng là người nước ngoài chứ bộ!

Vũ thủng thỉnh sửa cái gọng kính do xe dằn xóc xệ xuống phía dưới mũi, nói:

- Đó là dân tộc thiểu số ở Tri Tôn. Họ với người Hoa kiều nữa, sống rất đông ở đây.

- Mày biết tiếng nói của họ không? Chỉ cho tao câu nào để tao giao lưu với con gái ở đây đi. Coi bộ con gái Khơ me dễ thương ác chiến, nước da bánh ít đen giòn, hàm răng trắng lóa. Nhìn đã thấy mê...

Quang vừa nói vừa ngoái nhìn xuống tìm kiếm các cô gái Khơ me đang đi phía dưới chợ Tri Tôn.

Thằng Vũ chưa kịp trả lời thì thằng Hậu đã xía vô:

- Tao biết nè, để tao chỉ mày một câu quan trọng.

Quang tò mò:

- Câu gì vậy?

- Òn ơi, xà lon bòn tê?

- Là cái gì?

- Là "Em ơi có thương anh không?" chứ gì? Mày nói đi, bảo đảm sau mùa hè này, mày sẽ ở rể tại đây luôn. Tha hồ cho mày quấn xà rông. Lúc đó nhớ trả ơn cho tao đó.

Cả bọn trên xe cười vang, thằng Quang hơi bị quê, đánh trống lảng:

- Công nhận Tri Tôn đẹp thiệt!

Hướng ra cửa xe, tôi nhìn thấy những dãy phố cổ nằm rêu phong với thời gian. Những con đường nhỏ chừng như chỉ thích hợp cho những bà mẹ quê quang gánh ra chợ sớm. Những ngôi chùa Miên cổ kính và độc đáo. Hướng ra xa là một con kênh xanh mát dịu dàng nằm ngoan ngoãn bên thị trấn thật bình yên này.

Và núi. Cơ man những núi là núi. Kia là núi Cô Tô như cái bát úp nằm cạnh đồi Tức Dụp. Nọ là núi Dài dẫn lối ra Ba Chúc. Rồi núi Cấm xa xa vẫy gọi bước chân hành hương. Ngút tầm mắt nữa là núi Két, núi Tượng, núi Bà Đội Om... Núi nhiều đến nỗi nơi đây ngày xưa đã được mệnh danh là Thất Sơn huyền bí.

Tôi say mê ngắm núi. Những ngọn núi nhìn như một hòn non bộ nằm ngạo nghễ giữa đồng bằng. Ngồi trên xe, bỗng đâu một niềm khoan khoái và một nỗi háo hức vô biên mơn man xâm chiếm. Tôi vươn vai hít thật sâu cái không khí khác lạ nơi phố núi. Lòng chợt nghĩ đến những ngày sắp tới, nơi đây sẽ in dấu chân tình nguyện của bọn sinh viên chúng tôi mà trong đó tất nhiên có cả của tôi và dấu chân rất đẹp của gót sen Huyền Diệu. Chỉ mới nghĩ đến đó thôi, bao nhiêu bụi bặm của cuộc hành trình mấy tiếng đồng hồ mệt nhọc bỗng tiêu tan đâu mất.

Tiếng thằng Hậu hét lên làm cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, bao giờ nó cũng là cái thằng phá hoại những khi tôi đang "độc thoại nội tâm":

- Ê, tụi mình sẽ đóng quân ở đâu vậy ta?

Thằng Quang thù dai trả đũa:

- Cho mày tá túc trong chùa để mày làm ông lục.

Hậu ngơ ngác:

- Ông lục là gì? Có oai lắm không?

Thằng Vũ tủm tỉm cười:

- Ông lục là mấy sư sãi người Khơ me. Khi vào tuổi trưởng thành phải vào chùa tu một thời gian. Nhưng Hậu, mày yên tâm đi, ông lục khi hoàn tục được cưới vợ bình thường mà!

Thằng Hậu quay sang Quang, trừng mắt lên:

- A, thằng bạn hiền này muốn mình đi tu để nó ngoài này tha hồ dụ dỗ mấy em gái Khơ me chứ gì?

Tôi thấy mình phải ra tay can ngăn:

- Thôi, tụi bây nói xàm quá. Tới chỗ ở rồi kìa. Lo chuẩn bị vác đồ giùm mấy em lớp mình may ra còn có cơm chiều nay ăn. Lo tơ tưởng mấy em gái Khơ me chỉ có nước bụng xẹp lép. Lúc đó tụi bây muốn quấn xà rông cũng không được.

Tôi chỉ đùa đến đó thôi, ai dè nghe mọi người cười hưởng ứng, thằng Hậu nham nhở:

- Hí hí, là mày nói bụng xẹp lép, quấn xà rông lỏng le, tuột luốt chứ gì? Hay! Hay lắm!

Nói xong, sợ tôi chửi rủa, thằng Hậu mau chóng nhảy xuống khi xe vừa đậu lại. Trước mặt chúng tôi là một ngôi trường tiểu học. Vào mùa hè trường vắng lặng lạ thường. Chúng tôi sẽ ở lại đây một tháng trời để dạy phổ cập và làm một số công tác xã hội khác. Được ở một chỗ như thế này cũng là lý tưởng lắm rồi. Chúng tôi có một không gian riêng để tha hồ sinh hoạt. Chứ vào chùa như thằng Quang nói nhiều khi lại không thoải mái. Chẳng lẽ bọn sinh viên quỷ quái chúng tôi chịu làm ông lục sống đạo mạo mực thước trong khuôn phép? Họa may là... quỷ phá nhà chùa thì có!

Lại thằng Hậu la lên:

- Trời ơi, em Vân Anh lại... lại...

- Lại... thế nào? - Tôi vội vàng quăng ba lô chạy đến:

- Lại...xỉu nữa rồi!

Đó, ngày đầu tiên của chúng tôi bắt đầu như vậy đó.

Chương 4

Đêm. Những cơn gió mát hình như từ núi thổi về. Nhưng lại nghe như có mùi của sông? Hay lại nhớ nhà rồi? Tôi quay sang nói với Vũ:

- Ê mậy, tao nghe trong gió như có hơi nước. Mà hơi nước như có vị phù sa của rạch Ông Chưởng(*) quê tao vậy đó!

Vũ lấy tờ báo quơ đuổi muỗi:

- Mày xạo hoài! Trời sắp mưa thì có. Còn cái hơi nước mày nghe chắc là từ mấy dòng suối trên núi chứ gì?

- Mưa ở đây chắc là vui lắm Vũ hén? - Tôi gợi chuyện và liên tưởng đến một chiều tôi và Diệu đi ra phố thì bất chợt gặp cơn mưa xứ núi.

- Sao lại vui? Mưa nhớ nhà lắm! Theo mày dụ dỗ lên đây, tao hối hận quá. Phải về nhà là giờ này tao đã chui vô mền nằm đọc sách rồi.

Hôm đó, tôi và thằng Hậu đã thuyết phục hết lời, Vũ mới chịu đi. Nó viện ra đủ lý do nhưng tôi và thằng Hậu biết không có lý do nào khác ngoài vấn đề tài chính tế nhị. Nhưng khi nghe tôi nói nhà trường có hỗ trợ một phần kinh phí và quan trong là có hai nhà tài trợ chính là tôi và Hậu thì nó nhận lời. Nhớ đến chuyện đó, lại nghĩ chắc Vũ lại ngại, tôi giả bộ lên giọng Bí thư chi đoàn:

- Đồng chí Vũ nên nhận thức rằng là thanh niên, đồng chí phải biết lao vào công tác xã hội mà cống hiến sức trẻ của mình chứ? Chẳng lẽ tối ngày đồng chí cứ chúi mũi đọc sách hoài hay sao? Không sợ cái mắt kiếng dày thêm mấy đi-ốp nữa hay sao?

Vũ gỡ mắt kiếng ra nhìn tôi lom lom:

- Trời tối quá nên tao không thấy cái bản mặt mày xạo tới cỡ nào! Nè, Minh, tao hỏi thiệt. Làm gì mà tự nhiên hè này mày nhiệt tình đi công tác vậy? Lại còn kéo tao và thằng Hậu theo về đây. Nếu không tao đã về công tác hè tại địa phương rồi!

Tôi cười tủm tỉm:

- Rồi mày sẽ biết!

Rồi hỏi Vũ bằng cái giọng hơi mắc cỡ:

- Ê, Vũ, mày có để ý em nào ở lớp mình chưa vậy?

Vũ hồn nhiên:

- Tao hả? Tao còn nhỏ chưa nghĩ tới!

Tôi chọc ghẹo nó:

- Mày coi bộ ngây thơ vô số tội đó. Lù đù như mày, mai mốt vác lu mà chạy, phải không?

- Thôi đi thằng điên. Đừng đầu độc tao! Để cho tao yên thân mà tốt nghiệp ra trường cái đã - Bỗng dưng Vũ nhíu mày, khều tôi - Ê, Minh hình như có ai ngoắc mày kìa. Tối quá tao nhìn không rõ.

Nhìn theo hướng tay Vũ, tôi giật mình cái tưng. Trời đất! Huyền Diệu chứ còn ai. Đúng là em đang vẫy tay ra hiệu gọi tôi. Thế là bỏ thằng Vũ ngồi ngơ ngác, tôi chạy ù đến bên em.

- Ủa, Diệu, đứng đây lâu chưa vậy?

Huyền Diệu lúc lắc đầu. Hai bím tóc của em ngúc ngoắc thật đáng yêu.

- Cho hai bạn nè!

- Cái gì vậy?

- Bánh bò thốt nốt. Đặc sản ở đây đó!

- Mấy cái vậy?

- Minh này, thì hai cái chứ mấy?

- Cho một mình ên tui?

- Minh tham ăn ghê! Của Minh và Vũ đó!

Nói xong câu đó, Huyền Diệu chạy mất tiêu.

Tôi đang nằm mơ hay sao. Mới đến Tri Tôn ngày đầu tiên, chưa kịp có cơ hội mời em leo núi thì em đã mời tôi ăn bánh bò thốt nốt rồi. Một nỗi xúc động làm tôi như muốn ngộp thở. Ôi, bánh bò thốt nốt muôn năm!

Tôi chạy trở lại bên Vũ.

- Ôi trời ơi, muỗi ở đâu mà bay như là vãi trấu thế này? Ai kêu mày vậy Minh? - Vũ vừa than thở vừa hỏi.

Tôi hí hửng:

"Em" chứ ai?

- Vũ hỏi có vẻ hờ hững:

- "Ghệ" của mày hả?

Tôi dương dương tự đắc:

- Còn ai vô đây nữa!

Vũ lại hồn nhiên tỏ vẻ khâm phục làm cho tôi càng sung sướng hơn khi nghe những lời xuýt xoa của nó.

- Công nhận mày có số đào hoa thiệt đó. Biết chừng nào tao mới có người kêu réo như vậy!

Tôi an ủi nó:

- Không xa đâu, mày đừng lo. Tại mày tối ngày chỉ làm con mọt sách thôi!

Vũ trả đũa:

- Chứ mày bảo tao làm "con dê" như mày sao tao làm được?

Tôi tỏ vẻ bao dung trước sự bôi bác của nó. Tình yêu làm cho người ta nhân hậu hơn và sẵn sàng tha thứ cho những câu nói đầy ác ý của người khác. Tôi lên giọng của một người đang hạnh phúc nói với một kẻ "đen tình" bất hạnh như nó:

- Thôi đừng buồn nữa, mày là bạn tao thì mày cũng còn hưởng lộc ké của người yêu tao dài dài mà. Đây nè, bánh bò "đặc sản tình yêu" đó.

Vừa nói, tôi vừa chìa ra cho Vũ một cái, lòng chợt thắc mắc không biết cái nào Huyền Diệu dành cho tôi, cái nào Huyền Diệu cho Vũ ké vào. Vì thế, tôi rụt tay lại đưa cả hai lên mũi ngửi xem. Nhiều khi em cố tình để vào đây mùi vị của... tình yêu thì sao?

Thằng Vũ nhìn tôi như nhìn một thằng điên:

- Thôi, mày làm ơn ăn hết hai cái luôn đi. Chẳng qua là mày tham ăn mới giở trò ngửi bánh này chứ gì?

Thấy thằng Vũ có vẻ hờn dỗi, tôi xuống nước năn nỉ nó:

- Tao giỡn chơi cho vui mà. Mày thiệt! Thôi đừng giận nữa, ăn đi. Ở nhà trọ tụi mình làm gì có cái thứ xa xỉ này.

Vũ cười khì:

- Nghĩ tình bạn bè, tao ăn giùm mày. Vả lại, nãy giờ muỗi chích tao mất máu nhiều quá nên tao phải ăn... bù lại thôi.

Rồi hai thằng cười vang.

Gió từ những ngọn núi đen thẳm trong đêm lại ùa về lồng lộng. Trời chớp lóe lên và văng vẳng những tiếng rì rầm cuối chân trời.

Tôi khoác tay Vũ:

- Thôi, đi ngủ. Mai thức sớm lên ủy ban xã nhận phân công công tác. Trời chuyển mưa thế này ngủ mà nằm chiêm bao là hết ý. Nhất là mơ thấy người yêu đem đến cho mình ít chục cái bánh bò thốt nốt nữa là cuộc đời này tao không còn thiết tha gì nữa.

Vũ đứng dậy phủi tay:

- Dạo này tao thấy mày hơi bất thường đó nghe. Ngủ sớm đi và đừng có phát biểu linh tinh nữa.

Và thật là hiệu nghiệm. Y như tôi mong muốn. Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật tuyệt vời mặc dù giấc mơ ấy có cái kết thúc hơi... kinh dị một chút.

Trong mơ, tôi thấy mình nắm tay Diệu đi như bay lên đỉnh núi. Rồi hai đứa ngồi tựa lưng nhau nhìn ngắm cánh đồng mênh mông phía dưới chia ra thành rất nhiều ô vuông với nhiều màu xanh bát ngát. Hình như tôi còn... hát cho em nghe nữa. Em nghiêng đầu vào vai tôi thì thầm những lời yêu thương. Mái tóc em thơm ngát và mềm mại. Không cầm lòng được, tôi gọi tên em và nhẹ nhàng lấy bàn tay mình nâng mặt em nhìn về phía mình.

Nhưng khi Huyền Diệu quay lại nhìn tôi thì... lạ thay, trước mắt tôi không phải là em Huyền Diệu mà lại là nụ cười toe toét của em... Hoa ú. Tôi thét lên một tiếng và thấy mình rơi xuống núi. Kết quả là khi giật mình thức dậy tôi thấy mình té từ trên giường xuống đất, ê ẩm cả người...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yhtyi