Mùa Thu Bay Mưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa Thu Bay Mưa

CHƯƠNG MỘT

Cơn mưa kéo dài từ lúc sáng tới bây giờ mới dứt một hột. Tôi đã cố ý không khép cửa sổ để mặt cho bụi mưa tạt vào bàn học. Có những vụn nước bắn lên quyển sách để gần cửa sổ, những vụn nước không thấm được cái bìa nylon bọc bên ngoài đọng lại như những giọt sương sớm trên lá cỏ. Quyển sách này mấy hôm tôi nằm vùi trong phòng trong một cơn sốt, Nấm Hương đã mang đến cho. Tôi nhớ mấy dòng chữ của Nấm Hương để tặng bằng bút mực tím. Không chừng mấy dòng chữ ấy bị mưa làm nhòa đi. Không khéo lúc sang chơi Nấm Hương thế nào cũng giận. Tôi rời chiếc ghế mây kê ở góc phòng và bỏ ngang bài học để cầm quyển sách lật ra trang đầu. May quá, dòng chữ vẫn còn nguyên nét mực. Tôi mang cuốn sách trở lại ghế ngồi lật xem một đoạn. 

"Tôi đã rời Paris cách đây chừng mười ngày, thân xác rã rời đau ốm và mệt nhoài. Tôi đến vùng bình yên bao la ở miền Bắc này. Một vùng rộng thênh thang. Sự im lặng thanh thản và vòm trời ở đây chắc sẽ làm tôi bình phục lại. Nhưng tôi ở vào một cơn mưa thê lê, chỉ mới hôm nay trời được quang đãng, hôm nay tôi biên đôi lời chào thăm ông…". Trời quang đãng? Không, trời đang xám lại với những đám mây mù chưa tan đấy Nấm Hương ạ. Quyển sách trên tay tôi là cuốn kịch Briesfe an einen Dichter của Rainer Maria Rilke: Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi. Quyển sách tôi chưa đọc hết theo như lời dặn của Nấm Hương. Nhưng tôi hứa khi nào thật sự khỏi bệnh sẽ cố gắng đọc hết trong một đêm. Tôi đã coi như qua khỏi cơn sốt mấy hôm nay nhưng cũng không có thì giờ để đọc vì còn phải ôn bài. Năm nay tôi không muốn ngồi lại lớp. Nếu ngồi lại năm này nữa bắt buộc tôi phải ra khỏi trường. Tuy nhiên tôi đủ biết nội dung của cuốn sách. Đó là mười bức thư của Rainer. Một thi sĩ nổi tiếng và cô đơn nhứt trong văn nghệ nước Đức gửi cho một người làm thơ trẻ tuổi. Nấm Hương nghỉ tôi cũng là một người làm thơ trẻ tuổi nên đã mua tặng với nhiều ý nghĩa. Cô bé đã biết tôi làm thơ, và hầu hết những bì thơ tôi làm đều chép tay vào một cuốn sổ dày 300 trang cỡ lớn với cái bìa đỏ chói. 

Hôm tôi đau nằm trong phòng, Nấm Hương tới thăm đã tình cờ đọc được tập thơ ấy. Tôi xấu hổ muốn chết luôn trong cơn đau, vì người khác đã biết được những gì mà tôi cố giấu . Nhất là những bài thơ ngây ngô đó. Tôi đã giận Nấm Hương suốt buổi và nằm im lặng không thèm trả lời những câu hỏi của Nấm Hương. Cô bé sợ đến tái xanh cả máu mặt và hứa sẽ không bao giờ đọc bất cứ một thứ gì trong phòng tôi. 

Thấy tôi làm thinh mãi, và với cơn đau làm tôi thở rất khó nhọc Nấm Hương bật khóc. Lúc đó mới cũng mới mở choàng mắt ra khỏi thơ anh dở lắm phải không, Nấm Hương giấu nước mắt đáp em chưa đọc hết nhưng có những bài thơ rất cảm động có điều anh làm Nấm Hương sợ quá suýt chút nữa thì ngất đi. Tôi không hiểu hai tiếng "cảm động" của Nấm Hương nói là thế nào. Cảm động chỉ có thể cảm động thôi chứ không hay. Tôi mỉm cười, chắc lúc đó môi tôi khô và nụ cười héo hắt lắm. Tôi gấp quyển sách lại với ý định leo lên giường nằm nhưng không hiểu sau tôi lại đi loanh quanh trong căn phòng để đếm những bước chân. Sau cơn mưa không khí trong căn phòng gây lạnh và hình như gió bên ngoài vẫn còn. Tôi nghĩ đến những Hoa sứ rụng trắng xuống nền cỏ. Trên cành của mỗi cây chỉ còn lại một vài đoá, nhưng cũng không đoá hoa nào được nguyên vẹn. Tôi yêu Hoa sứ, nhưng cũng thích mưa. Nhưng một trong hai đã tự tàn phá nhau, và chúng đâu có biết đã làm tôi buồn. Bất ngờ có cơn gió lạnh lạc vào cửa mang theo những hạt nước đọng đâu đó trên lá cây. Những hạt nươc bám trên da mặt làm tôi rùng mình. Tôi chợt nhớ mình đang mặc trên người một chiếc áo khoác bằng len để tránh gió lạnh. Và chiếc áo đã nhắc tôi nhớ tôi vừa đau mới khỏi. 

Trên mái ngói nâu của nhà có vài tấm diều giấy ướt tả tơi nằm vắt trên đường dây điện kéo chằng chịt. Những cánh diều của tụi trẻ trong xóm thả bay trong mùa hè trước. Trong khoảng trời mù đục ở xa mãi của một khu phố khác, thỉnh thoảng tôi thấy vút qua những cánh chim xám ngoét, cùng với những bóng cây mờ trong bụi mưa. Tôi đang ở trong mùa đông nên bầu trời ít khi ráo nắng . Mưa có thể trút xuống bất cứ lúc nà và dai dẳng cùng với gió lạnh không ngớt ngoài khu vườn tả tơi lá rụng. 

Những hôm Nấm Hương tới thăm tôi, cô bé phải che dù và mặc áo mưa. Từ ô cửa này nhìn xuống tôi có thể thấy Nấm Hương dưới đường, lúc xe xích lô đỗ lại bên đường, một chỗ nào đó có thật nhiều bóng cây trên đầu. Và rồi tấm bạt chắn phía trước được vạch ra, Nấm Hương nhỏ bé như con mèo nhảy gọn gàng xuống với cây dù bất ngờ mở tung. Trong bóng dù và bóng của bụi mưa trông Nấm Hương như một chiếc nấm rơm. Nấm Hương cũng là một loại nấm. Chị Nguyệt Cầm ngược lại, có đôi khi hát để trêu tôi: "Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian báo tin rằng có nàng… Nấm Hương…". Chị cố ý đổi chữ Giáng Hương thành Nấm Hương. Và điều này luôn làm tôi lúng túng. Hôm nay trời mưa dai và gió trở mỗi lúc một nhiều. Tôi đoán Nấm Hương sẽ không bao giờ tới thăm tôi vào lúc này mặc dù đã hơn một tuần Nấm Hương không đến kể từ khi để lại bàn tôi cuốn sách với mấy dòng chữ đề tặng. Tự nhiên tôi đâm ra lo sợ cho những cây sứ dưới vườn. Gió mạnh nó có thể sẽ gây chết. Tôi tới gần cửa sổ 

dòm xuống. Hàng sứ vẫn chưa có cây nào gẫy. Bông sứ trắng nở trong bụi mưa mờ nom như những tuyết vỡ. Có tiếng chân dừng lại trước cửa phòng tôi. Chị nguyệt cầm dòm vào nói:

- Ngủ bây giờ mấy dậy. Quên cả buổi cơm. Không thấy đói sao? Tôi vẫn nhìn ra ngoài mưa đáp: - Không thấy đói. Mà đã ăn cơm trưa rồi sao? Chị Nguyệt Cầm cười:

- >-Em nói bây giờ là mấy giờ? -Em tưởng còn sớm. Có lẽ tại trời mù quá. Từ sáng đến giờ chị có thấy mặt trời không? -Không thấy mặt trời nhưng có nắng. Tôi cười: -Chị đùa hoài. Em không thấy sợi nắng nào cả. -Có nắng chứ. -Bao giờ? -Lúc em ngủ. Chị Nguyệt Cầm bước hẳn vào phòng tôi. Chị tới bàn dùng tay phủi những bụi mưa bám. Bàn tay bề bộn sách vở. Thỉnh thoảng lắm, nhũng thứ ấy mới được ngay ngắn, nhưng chỉ được vài ngày. Sau đó thì đâu vào đó. Chị Nguyêt Cầm ra công thu dọn, sắp đặt lại. Chị thường trách tôi giữ mãi tính cẩu thả. Tôi chỉ cười nhìn chị làm việc. Có lúc tôi cũng thấy mình ngăn nắp lắm nhưng tôi cũng cố ý cẩu thả để có việc cho chị Nguyệt Cầm làm. Và tôi luôn luôn súng sướng khi nghĩ rằng ít nhất bên cạnh đời sống chúng tôi cùng với những nỗi quạnh hiu còn có chị Nguyệt Cầm, bằng vào sự giúp đỡ vặt vảnh ấy. Chị Nguyệt Cầm lao hết bụi mưa xong nhìn tôi nói: -Em chưa khỏi hẳn. Đừng nên để cửa sổ. Gió vào đau trở lại đấy. Tôi nói: -Em khỏi rồi. -Môi em tái mét thế kia. Mau lại giường nằm để chị đóng cửa sổ. 

Vừa nói chị vừa lấn tôi sang bên để đóng cửa sổ. Tôi không muốn đóng cửa sổ chút nào hết, nhưng tôi muốn làm vui lòng chị. Tôi trở lại giường nằm. Chị Nguyệt Cầm hỏi: 

- Trên bàn em có mấy con sâu nào không? 

- Con sâu mấy hôm bay vào ấy mà? Chị Nguyệt Cầm gật đầu. Tôi nhìn chị cười: 

- Nó chết rồi. Em giết nó chết, chị không nhớ sao? 

- Giết lúc nào? 

- Lúc chị ngất xỉu đó. 

Chị Nguyệt Cầm đỏ mặt: 

- Chị sợ đến ngất xỉu kia à? 

- Chớ còn gì nữa. Bữa đó tưởng chị đã chết. Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Chết thế nào được. Nói xong chị bước loanh quanh trong phòng. Chị bước tới cái nút mở điện. Ngọn đèn xanh biếc được mở sáng lên soi rõ màu vôi của bốn bức tường. Ở một phía tường chỗ kê cái bàn học bất ngờ tôi nhìn thấy lại hai bức tranh sơn dầu của hai người bạn học Mỹ Thuật tặng. Một bức vẽ tĩnh vật còn bức kia vẽ thiếu nữ. Nét vẽ chưa tự nhiên lắm nhưng tôi vẫn yêu nhất là hai con mắt. Nhìn thiếu nữ ở trong gương mặt và hai con mắt có lúc tôi nghĩ là Nấm Hương. Chính có lúc nghi ngờ đó tôi đã viết bằng bút chì ở dước bức hoạ chỗ bàn tay thiếu nữ để hững hờ câu "Có phải là Nấm Hương không?". Sau một tuần chị Nguyệt Cầm đọc được, ngạo tôi. Tôi đã len lén bôi đi. Bây giờ nhìn lại bức tranh tôi nhớ lại, nên nhìn chị Nguyệt Cầm cười. Chị vén tóc hỏi: 

- Cười gì? Tôi nói: 

- Đố chị biết? 

- Làm sao chị biết được. Và chị Nguyệt Cầm cũng cười với tôi. Hàm răng chị trắng nõn, đều đặn như hai hàng hột bắp dưới ánh đèn. Cũng dưới ánh đèn tôi nom tóc chị đen hơn, xoà hết xuống vai như con búp bê Nhật Bản lồng trongẳu kính ngoài phố. Hàm răng của Nấm Hương cũng trắng, đều như chị Nguyệt Cầm. Nhưng khác là Nấm Hương có một chiếc răng khểnh. Tóc Nấm Hương đen, sợi to, khác với tóc chị Nguyệt Cầm, óng mượt. Cả hai mái tóc đều đẹp. Chị Nguyệt Cầm dừng lại để buông người xuống ghế. Hai chân chị đi đi trên nền phòng. Chị nói: 

- Trời lạnh ghê nhỉ? 

- Lạnh. Nhưng sao chị không mặc áo len? 

- Áo len để đi học mặc, ở nhà mặc làm gì. Người ta không biết sẽ nói mình điệu. Tôi cười 

- Người ta là ai? 

- Ơ, người ta là thiên hạ, là mọi người, là bá tánh chứ còn ai. 

- Em cứ nghĩ người ta là một người nào đó. Chị Nguyệt Cầm thoáng đỏ mặt: 

- Em nói kỳ. 

- Chị noi cũng kỳ. 

Đột nhiên hai chị em im lặng, hình như tôi nghe được tiếng mưa rơi lại bên ngoài. 

Tôi hỏi chị Nguyệt Cầm: 

- Mưa nữa hả chị? 

- Hình như vậy. 

Vừa nói chị vừa chạy lại cửa sổ dòm ra. Cánh cửa đã đóng kín, nhưng qua những 

khe hở chị có thể nhìn thấy mưa rất rõ ràng. Chị Nguyệt Cầm quay trở lại ghế: 

- Mưa nữa. Nhưng mưa bụi thôi. Khu vườn dưới mưa nom đẹp lắm. 

- Chị có thấy hàng Sứ không? 

Chị gật đầu tôi hỏi: 

- Chị có thấy cây nào gãy không? 

- Hình như không. 

- Em sợ nó sẽ gãy hết khi có mấy cơn gió mạnh. 

- Nói thế chứ làm sao mà gãy được. 

- Gió mạnh thì gãy chứ. Làm sao chịu nổi. 

- Chị bảo đảm sẽ không có cây nào gãy hết. Cho dù ngày mai, ngày mốt có gió mạnh 

hơn thế này nữa. 

- Ngày mai, ngày mốt trời có mưa như thế này nữa không? 

- Chắc là không. 

- Hình như bão ở đâu, phải không chị? 

- Có lẽ bão thật. 

- Chị có xem báo mấy ngày nay? 

- Có 

- Không nghe nói bão ở đâu hết sao? 

Chị Nguyệt Cầm cười lớn: 

- Bão ở đây. Tại đây 

Tôi quay lại nhìn chị. Nụ cười vẫn còn trên môi chị Nguyệt Cầm: 

- Em tin không? 

- Bây giờ thì em tin. Lúc nãy em không tin. 

- Lúc sáng chị đi học về thấy cây đỗ trên đường. Cái cây to ghê lắm mà đổ, dĩ nhiên 

phải có bão. 

- Thế mình đang ngồi trong một cơn bão sao? 

- Em nằm chứ đâu có ngồi. Chỉ có chị ngồi. 

Tôi cười: 

- À, thì em nằm. Nhưng chị cũng chưa hẳn là sẽ ngồi mãi mãi. 

- Chị ngồi mãi mãi, nếu ngày này sẽ kéo dài hơn những ngày khác. Chị thích ngồi 

trong chiếc ghế này. Chiếc ghế rộng làm mình có cảm tưởng mình là con mèo con. Vừa nói chị Nguyệt Cầm vừa thu hai chân lên ghế. Chị ngồi lọt thỏm vào 

trong, ngó chị thật giống con mèo. Tôi nói: 

- Chị ngồi như thế thật giống con mèo. 

Chị nháy mắt: 

- Còn nếu Nấm Hương ngồi thì giống con gì? 

- Nấm Hương chưa ngồi ở ghế đó lần nào. 

- Em xạo. 

- Em mà xạo 

Chị Nguyệt Cầm cười khúc khích: -Em không xạo, nhưng không ai xạo bằng em. -Chị có xạo không? -Chị không xạo, nhưng không ai xạo bằng chị. Chị Nguyệt Cầm lườm: -Trả thù chị phải không? Tôi nằm im cười. Chị Nguyệt Cầm bỗng rời ghế đứng lên khỏi phòng. Như sực nhớ điều gì, chị quay lại hỏi: -Em đói không? -Không hiểu nữa. -Trong bụng em mà em không hiểu thì ai hiểu. Chị pha cho em ly cà phê sữa nhé? Tôi gật đầu. Chị Nguyệt Cầm kéo mền đắp lên tận ngực tôi. Chị nói: -Gió lạnh lắm. Em không nên ra khỏi phòng hay mở cửa sổ. -Nhưng đóng kín cửa em lại chịu không nổi. Em muốn nhìn mưa bên ngoài. Chị mở cửa sổ cho em. -Em nằm yên trên giường thì chị mở. -Vâng, em sẽ nằm yên trên giường. Chị Nguyệt Cầm bước đến mở tung cánh cửa sổ ra phía ngoài. Aùnh sáng lùa vào làm nhạt bớt ánh đèn xanh trong căn phòng. Gió lạnh cũng tạt vào lẫn với bụi mưa. Chị Nguyệt Cầm vuốt bụi mưa bám trên tóc. Chị định đóng bớt một cánh cửa lại nhưng tôi vội cản: -Cứ để như vậy đi chị. -Gió lạnh lắm. -Em không thấy lạnh. Chị Nguyệt Cầm nhìn thoáng qua bên ngoài. Bầu trời bây giờ nom đục hơn. Ngó ở xa như sà thấp xuống ngang đầu những ngọn cây cao. Tôi có cảm tưởng mình đang bị đè dưới những lớp mây nặng nề đó. Ngoài khung cửa giăng đầy mưa bụi. Mưa như thế này đúng là có bão. Tôi không mong ai đến vào giờ này cả. 

Một lúc chị Nguyệt Cầm mang lên cho tôi ly sữa. Chị tới ngồi bên mép giường và giục tôi ngồi dậy uống. Tôi không thấy đói chút nào, nhưng tôi vẫn theo lời chị để chị vui lòng. Tôi thích được có người săn sóc vụng về nhất cũng làm cho tôi sung sướng. Tôi uống vài ngụm đã thấy chán. Chị Nguyệt Cầm nhìn tôi nói: 

- Em phải rán uống chứ. Người em gầy như cây tăm, thảo nào mà không đau quanh năm suốt tháng. Tôi không thích ai phê bình về sức khoẻ của tôi. Có lẽ là do mặc cảm. Tôi gắt: 

- Em không phải là một nhà thể thao. Em cũng không ham là lực sĩ. Chị Nguyệt Cầm thoáng cau mày, rồi chị cười ngay: 

- Chị không cố ý. Em uống hết ly sữa đi. 

- Em không uống. 

- Giận chị sao? Tôi lắc đầu buông mình xuống giường. Chỗ nằm của tôi đã bay mất hơi ấm. Cái lạnh như đã chiếm mất hơi ấm trong căn phòng tôi và hơi thở cho dù mới thở ra, tôi cũng có cảm tưởng nó là hơi của một tảng băng đang tan. 

Tôi im lặng nhìn ngọn đèn xanh biếc toả ra khắp căn phòng và dọi lên bốn phía tường. Tôi vô tình để ý đến hai con thằn lằn nom khoẻ mạnh, trắng trẻo, chứ không đau ốm và đen đúa như tôi. Lúc này có một cái gương chắc tôi sẽ không dám nhìn vào để soi mặt gương mặt của tôi như thế nào nhỉ? Tôi hỏi chị Nguyệt Cầm: -Em xanh lắm hả chị? -Người nào đau mà chả xanh. Khi nào em khỏi bệnh sẽ mạnh khỏe trở lại. Em có muốn khỏe mạnh không? -Chứ chị tưởng em muốn đau như thế này hoài sau? -Vậy em đừng nên thức khuya học bài. Thi rớt thì thi lại. Năm nay không đậu thì sang năm. -Năm nay không đậu thì em phải ra khỏi trường. -Thi rớt một lần không ai nỡ đuổi đâu. -Em không muốn ngồi lại lớp, dù không bị đuổi cũng vậy. -Chị thấy thích em khỏi bệnh hơn là thấy em được lên lớp vào nhà thương hay đau quanh năm suốt tháng. Chị nhìn tôi tiếp : -Em nghe lời chị không? Tôi đáp thật lẹ làng: -Em hứa nghe lời chị. Tôi nói xong quay mặt vào tường. Tôi bắt gặp màu vôi tường trắng mờ như những đám mây ngoài kia. Những đám mây nặng nề, sũng nước. Chị Nguyệt Cầm cười: -Em đã nghe lời chị. Bây giờ em có quyền bắt chị phải nghe lời lại em một điều. Em muốn chị nghe điều gì nói đi? 

Tôi đã biết tánh của chị Nguyệt Cầm. Bao giờ chị cũng sợ tôi nghe lời chị mà buồn nên chị luôn luôn bắt tôi phải tìm cho chị một điều để chị nghe lời lại. Tôi không nhớ Nấm Hương và hỏi: 

- Chị đừng ngạo em với Nấm Hương. Chị hứa không? Chị Nguyệt Cầm háy mắt: 

- Tại sao? 

- Không tại sao hết. 

- Nhưng chị ngạo em bao giờ? 

- Chị đừng háy "Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian, báo tin rằng, có nàng Nấm Hương…" nữa. 

- Đó là bài hát chứ bộ. 

- Nhưng bài hát không phải tên Nấm Hương. 

- Thì Giáng Hương. Chị sẽ không hát Nấm Hương mà chị sẽ hát Giáng Hương. Tôi lắc đầu: 

- Cũng không được nữa. Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Em khó tánh quá. 

- Chị hứa với em không? Thấy tôi sắp sửa giận, chị Nguyệt Cầm cưới nói: 

- Chị hứa. 

- Thật chứ? 

- Thật. Tôi quay nhìn ra mưa. Tự nhiên tôi thấy yêu thích những bài thơ tôi làm, mà có những lúc tôi thấy nó vô duyên vô cùng. Tôi định với tay lên đầu giường tìm tập thơ bìa đỏ để được đọc lại trong lúc này, những bài thơ đó. Nhưng tôi sực nhớ là có chị Nguyệt Cầm trong phòng. Tôi không muốn để chị biết tôi có những bài thơ đó. Nếu biết, chị sẽ ngạo tôi đến chết mất. 

- Em này! Tôi quay nhìn chị. Tự nhiên tôi thấy chị Nuyệt Cầm đẹp hơn mọi ngày. Có lẽ trong cơn mưa con gái thường đẹp hơn con trai. Và nhất là đẹp hơn thường ngày. 

- Nấm Hương hôm nay có đi học không nhỉ? Tôi lắc đầu: 

- Làm sao biết được. 

- Mọi khi em vẫn hay đến trường đón Nấm Hương luôn mà? Tôi ngạc nhiên: 

- Sao chị biết? Chị Nguyệt Cầm tủm tỉm cười: 

- Việc gì chị lại không biết. Tôi xấu hổ ghê khi chị Nguyệt Cầm biết tôi vẫn hay đến trường đón Nấm Hương. 

Tôi vốn sẵn có mặt cảm về chuyện này. Chị Nguyệt Cầm ác quá. Chị làm tôi muốn độn thổ, hay biến thành bụi mưa ngoài kia cho bớt xấu hổ. Tôi cố làm tỉnh: 

- Chắc là cô bé xí xọn ấy nói lại với chị? 

- Sao gọi người ta là cô bé xí xọn? 

- Tại việc gì cũng mang nói lại với chị hết. 

- Nhưng có phải Nấm Hương nói lại với chị đâu. Chị biết ấy chứ. Tôi bắt đầu giận chị Nguyệt Cầm nên nói cộc lốc: 

- Không cãi với nhau nữa. 

- Để cãi với Nấm Hương chắc. Tôi cáu: 

- Không cần biết đến cô bé xí xọn ấy nữa. Chị Nguyệt Cầm vẫn tiếp tục chọc cho tôi tức: 

- Chiều nay thứ sáu, người ta về sớm nửa tiếng. Nếu trời không dứt mưa thì người ta bị ướt. Không biết có ai đưa người ta đi học về không nhỉ? Tôi nhất định làm thinh, mặc cho chị Nguyệt Cầm muốn nói gì thì nói. Tôi trùm mền phủ kín từ đầu đến chân, nhưng tiếng quái ác của chị Nguyệt Cầm vẫn vang lên trong căn phòng im vắng: 

- Người ta bị ướt, người ta sẽ khóc. Tôi vùng dậy hét: 

- Chị đi ra khỏi phòng tôi. Chị Nguyệt Cầm tái mặt. Chị lấm lét nhìn tôi, hình như chị định nói gì đó lại thôi. Chị đứng lên khỏi ghế, ôm mặt chạy về phía cửa phòng. Tiếng chân chị mất dần trên những bậc thang gác. Tôi thở mệt nhọc vì giận dữ. Tôi buông mình trở lại giường, rồi đột nhiên vùng dậy chạy đi tắt đèn, đóng kín cửa sổ. Căn phòng bây giờ tối om. Tôi quay lại giường nằm thở. Đột nhiên tôi nghe tiếng mưa lớn bên ngoài. Tiếng nước đỗ ròn rã trên mái ngói. Tôi thấy lờ mờ tấm lịch treo phía trên bàn học. Hôm nay thứ sáu. Lúc nãy chị Nguyệt Cầm nói chiều nay Nấm Hương về sớm nửa tiếng. Đúng quá. Sao chị lại biết rõ như thế? Nếu Nấm Hương nói thì làm sao chị biết? Tôi giận Nấm Hương vô cùng. Chỉ tại cô bé xí xọn này. Tôi nhất định dù cho hết bệnh tôi cũng không thèm đến trường đón Nấm Hương vào những chiều thứ Sáu. Nếu lỡ trời mưa, tôi cầu mong cho cô bé bị ướt hết. Nếu trời nắng, tôi mong cho con đường từ trường về nhà đầy cát bụi và gió sẽ cuốn Nấm Hương bay mất như chiếc lá. Còn chị Nguyệt Cầm nữa. Tôi không thèm ngó tới mặt chị. Tôi nhất định không nói chuyện với chị. Tôi quyết nằm đây cho đến khi nào chết rã rời như chiếc xương lá mục ngoài vườn.

CHƯƠNG HAI

Tôi thức dậy không biết vào khoảng mấy giờ, nhưng thấy nắng đã vào đầy phòng. Những lượn nắng ồ ạt của một đầu ngày tươi khoẻ nhất. Cánh cửa đêm hôm rồi tôi quên đóng lại và chị Nguyệt Cầm cũng đã giận tôi suốt hai ngày nay nên không hề đặt chân lên thang gác. Không bước vào phòng để đóng giùm cánh cửa như hôm nào chị đã đóng trong cơn mưa. Ừ nhỉ, cơn mưa đã qua mất hai ngày rồi. Những giọt sương cuối cùng mòn mỏi tôi còn nghe nhỏ lon ton trên máng xối thế mà nó cũng khô cạn biến mất tự lúc nào. Sáng nay như vậy, là một buổi sáng ráo nắng báo hiệu cho một đầu ngày tươi xanh rực rỡ trong mùa mưa này. Những buổi sáng như vậy thật hiếm quý. 

Tôi trở mình và lăn đi hai vòng, rồi nằm ngửa trở lại nhìn lên đỉnh mùng. Nắng mới gọi vào từng sớ vải, làm cho chiếc mùng trắng biến sang màu ngà và nom nó rộng thênh thang. Tôi nghĩ lơ mơ đến một chuyện cổ tích có vị hoàng tử trẻ tuổi một hôm đi săn lạc mất đoàn tuỳ tùng phải ngủ lại giữa rừng. Sáng hôm sau sương mù phủ kín khu rừng âm u làm cho vị hoàng tử không tìm thấy lối ra. Cuối cùng có một người tiều phu già cùng đi đốn củi với cô con gái. Họ đi đến chỗ hoàng tử ngủ và cứu vị hoàng tử ra khỏi khu rừng sương vây kín kia. Và gì nữa… tôi không thể làm hoàng tử được. Và cái mùng này cũng không thể nào là một khu rừng. Cả đến nắng mới sáng hôm nay cũng không phải là sương vậy. Tôi chỉ là một người đau vừa mới khỏi trong căn phòng im vắng này sau cơn mưa sụt sùi trước hai ngày trước. 

Nằm một chút tôi trở dậy đi loanh quanh trong căn phòng. Đi một lúc thấy chán, tôi tới đứng bên cửa sổ nhìn xuống khu vườn. Hàng Sứ bông vẫn trắng và vẫn đứng yên trên lối đi trên sỏi trắng chứ không có cây nào gẫy. Tôi đếm lầm bầm trong miệng từ một tới mười. Hàng Sứ có mười cây cả thảy. Nhưng bông trắng thì tôi chịu, không thể nào đếm được. Chỉ thấy phía đó là một khoảng không trắng mướt như từ dưới đất nhìn lên đỉnh núi tuyết xa. Đỉnh núi tuyết xa, ôi đỉnh núi tuyết xa! Tôi lại nghĩ tại sao mình không sinh ra ở một nơi nào đó thuộc vùng quanh năm suốt tháng đầy tuyết, và quanh năm suốt tháng toàn những chiều dày đặt sương mù. Tôi sẽ có một căn nhà nhỏ, một phòng ngủ trên ngọn đồi xanh cây cỏ nào đó, để nhìn xuống sương mù và nhìn lên đỉnh tuyết xa. Tại sao tôi mãi là tôi trong căn phòng bệnh hoạn này với một thành phố ồn ào suốt ngày đầy tiếng người và tiếng xe cộ. Tôi đẩy rộng cành cửa sổ và nhoài đầu ra thở đầy một lồng ngực không khí. Khi tôi thở ra một hơi dài, bất chợt tôi nhìn thấy một đoá hoa mới nở gần cửa sổ. Tôi ngắt vội vàng rồi đưa lên mũi ngửi. Hoa dại không hương thơm nhưng màu vàng rất đẹp. Tôi xoay cành hoa trong mấy ngón tay định chút nữa sẽ cắm vào chiếc bình cắm hoa nhỏ xíu của chị Nguyệt Cầm cho lúc trước. 

Tôi bắt đầu để ý đến ngọn cây cao. Sáng nay lá cây như có nguồn sinh lực mới. Chúng vươn dài nằm tranh lên nhau trên những cành để thở. Không có con chim nào trên bất cứ ngọn cây nào. Nhưng tiếng gió vi vút không ngớt lướt đi vào khoảng không r ực rỡ nắng ban mai. Khu vườn nhỏ của tui sáng hôm nay tự nhiên lại thấy nở rất nhiều hoa. Tôi không biết tên hết các loại hoa có trong khu vườn, vì không để ý. Nhưng Nấm Hương và chị Nguyệt Cầm thì gần như biết không sót một loại hoa nào. Có hôm chị Nguyệt Cầm ngắt hoa dưới vườn cắm lên chiếc bình để trên bàn học tôi một loại hoa mà chị kêu là hoa Kim Hài. Cái tên nghe hay đến nỗi tôi nhớ mãi. Rồi cũng có hôm Nấm Hương cắm vào bình một loại hoa mà Nấm Hương gọi là hoa Thục Quỳ. Đều là những cái tên rất 'hoa" làm tôi thầm sung sướng vì khu vườn nhỏ bé của tôi lại có rất nhiều hoa đẹp. Hình như không có chiếc nấm nào gọi là NấmHương. À, tại sao tôi lại nghĩ tới Nấm Hương bây giờ nhỉ? Tôi nhớ lại vì Nấm Hương mà tôi và chị Nguyệt Cầm cãi nhau, rồi giận nhau cho đến hôm nay. Tôi hối hận vì đã làm cho chị Nguyệt Cầm buồn. Làm cho chị phải khóc mà ôm mặt chạy đi. 

Khu vườn sau cơn mưa sụt sùi cũng nom tươi khoẻ hẳn lên, với màu xanh của lá trên cây và bãi cỏ ở ven lá sỏi. Hoa thì rỡ hơn với ắng. Tôi thì rực rỡ hơn với cơn đau vừa mới khỏi, phải không? Tôi nhìn mải miết theo những con bướm từ đâu đó mới bay vào vườn. Chúng bay là đà trên những nụ hoa, đôi cánh màu sắc kia cứ chóp luôn trong nắng. Tôi nhớ đến giấc mơ hoá bướm của Trang Tử, ước gì tôi cũng hoá bướm để được bay bằng đôi cánh màu sắc kia và đời sống như vậy sẽ thênh thang biết bao nhiêu. Tôi cũng nhìn thấy ở góc vườn, trên những cây ngâu trổ hoa vàng lấm tấm những con ong Bầu to lớn kêu "u u" với những lần bay lên, đáp xuống. Chị Nguyệt Cầm kể ong Bầu là kiếp của người hát bội ngày xưa. Nên tiếng kêu của nó "u u" như hát bội. Ngày nhỏ tôi và chị Nguyệt Cầm vẫn thường bắt ong Bầu để lên mặt thùng thiếc, trên dằn cái đĩa cho nó hát bội. Hát chừng một buổi thì ông Bầu chết. Chị Nguyệt Cầm sợ tội nên mang ông Bầu đem chôn, vừa đào đất vừa khóc. Trong khi tôi đứng nhe răng cười ngạo chị mít ướt. Chị vốn có cái biệt danh là cô bé "dòn cười tươi khóc"do cả nhà đặt cho. Bây giờ chị Nguyệt Cầm chưa hẳn là người lớn, và tôi nữa, nhưng bắt đầu nghe nhớ tha thiết ấu thơ cuả mình đã bỏ lại Phú Vang với trò chơi, với tiếng kêu u u của ông Bầu trong suốt mùa hè bên cạnh tiếng ve não ruột trên hàng phượng vĩ trước nhà. 

Tôi rời cửa sổ đi xuống dưới nhà rửa mặt. Sau cơn đau và những ngày nhịn cơm tôi bước đi như một khối bông. Hai chân nhẹ tênh, thân hình như biến mất trên đôi chân ấy. Những lon nước của buổi sáng mát lạnh. Nước thoáng hơi thơm, trong vắt. Khi trở vào tôi đi ngang tủ áo của chị Nguyệt Cầm, tôi dừng lại ngó bóng mình trong ấy. Cái bóng gầy nhom, da mặt xanh xao như màu lá sắp chết. Đôi mắt lõm sâu vào trong, thâm quầng. Tôi có cảm tưởng cái bóng kia là một người nào khác, không phải tôi. Đồng hồ trên bàn học chị Nguyệt Cầm chỉ đúng 9 giờ. Tôi tới đứng ở sổ nhìn ra vườn. Tôi thấy chị Nguyệt Cầm đang lom khom bên những khóm hoa. Aùo cánh ngắn của chị màu xanh da trời, nổi hẳn lên trên màu hoa cúc vàng, màu hoa mười giờ đỏ ối. Ở góc đường bên kia là khu nhà thờ. Tiếng chuông như ném vào thinh không tôi sực nhớ hôm nay là chủ nhật. Tiếng chuông hình như dứt cho buổi lễ cuối Tôi đi thẳng ra vườn. 

Chị Nguyệt Cầm đang ngắm hoa thấy cái bóng xám của tôi đang loáng thoáng trên nền cỏ chị ngước lên. Tôi hơi bối rối vì không biết phải nói với chị như thế nào. Biết chị có còn giận tôi không? Nhưng chị Nguyệt Cầm đã cười, làm tôi nhẹ nhõm cả người. Chị hỏi: -Em không ngủ nữa à? Tôi ngồi xuống viền cỏ, tay ngắt bâng quơ một chiếc lá, đáp: -Em ngủ muộn quá chị còn kêu em ngủ nữa. -Em đau thì phải ngủ nhiều cho khoẻ chứ. Dậy sớm làm gì. -Nhưng em đã khỏi đau rồi mà. -Hôm qua chị thấy em xanh quá. Có lẽ tại mưa làm da mặt em đổi màu. Bây giờ trong nắng nom em hồng hào hơn. -Chị cắt hoa làm gì nhiều thế? Chị Nguyệt Cầm đưa hoa lên cười: -Để cắm hoa trong bình em chứ để làm gì. -Hoa trên ấy hãy còn mà. -Hoa cũ phải thay đi chứ. Tôi im lặng một chút rồi ngó chị Nguyệt Cầm hỏi nho nhỏ (hình như tôi xấu hổ khi phải nói với ai một điều gì trước khi xin lỗi họ): -Chị còn giận em không? Chị Nguyệt Cầm ngừng con dao trên khóm hoa. Chị chóp mắt nói: -Không. Chị không giận em gì hết. 

- Dù sao thì em cũng phải xin lỗi chị chuyện hôm trước. Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Hôm ấy em đau nên khó chịu là thường. Chị không để ý. Chị Nguyệt háy mắt: 

- Đã bảo… Tôi xin chỉ một nhánh hoa đưa lên mũi ngửi. Hoa cúc vàng nở giữa sớm mai nom tươi khoẻ như có một nguồn sinh lực trong từng cánh. Chị Nguyệt Cầm ngẩng đầu để hất mái tóc dài của chị sang bên vai. Tôi thẩn thờ với cử chỉ của chị. Lúc đó chị Nguyệt Cầm đẹp lạ lùng. Chị nói: 

- Chị vào nhà pha cho em ly sữa nhé? Nếu mạnh rồi thì trưa nay chị cho em ăn cơm. Em thích ăn món gì nào? Tôi cười: 

- Biết món gì mà nói. Em chưa biết bao tử của em nó đòi hỏi món gì nữa. Nó đang nằm im và lép xẹp. Chị Nguyệt Cầm ngẫm nghĩ một lúc: 

- Em đau mới khỏi không ăn được đồ nặng. Chị nấu súp khoai tây nhé? 

- Chị ăn gì em ăn nấy. 

- Chị pha sữa cho em rồi chị đi chợ. Em vào nhà hay ở đây? Tôi đáp: 

- Em ở đây. 

- Vậy chị mang ly sữa ra đây nhé? Tôi chỉ: 

- Cái băng kia kìa. Em sẽ tới đó ngồi. Chị Nguyệt Cầm gật đầu bỏ đi. Chân chị bước rào rạo trên sỏi trắng Tôi hốt một nhúm sỏi ném từng viên về phía bãi cỏ ở góc vườn để xem tay tôi khoẻ không. Những viên sỏi lần lượt rớt xuống đất khi chưa tới bãi cỏ. Tôi biết tôi còn yếu lắm. 

Tôi ngồi dựa vào thân cây. Nắng sớm đã phủ hết khu vường nhỏ. Cây mai già cành lá xum xuê có thể che mát cho tôi suốt buổi nếu nắng nóng gắt. Nhưng bây giờ nắng hãy còn nhẹ, như thảm lụa chảy xuống bằng một đôi tay mở rộng của trời. Cỏ xanh, lá xanh. Một vùng xanh mướt bao quanh lấy tôi, bên cạnh đủ thứ màu sắc chói lọi của hoa mới nở, hoa sắp tàn và của những chú bướm ngơ ngác bay vào vườn. Gió làm rung mấy ngọn cây cao. Làm rung mấy hàng Sứ của tôi trên lối đi, và làm cho những đoá hoa Sứ rụng tả tơi xuống nền cỏ. Tôi hít không khí và thở ra. Tôi ngỡ mình đang làm những cử động căn bản của người tập thể dục mỗi buổi sáng. 

Tôi chợt riêng buổi sáng hôm nay tôi không cảm thấy lạnh. Có lẽ khi tôi thức dậy thì nắng đã xua hết hơi lạnh đi rồi. Và nắng cũng đã làm bốc hơi những giọt sương đọng trên lá cây. Bên cạnh chỗ ngồi của tôi, một đôi chuồn chuồn cỏ xanh biếc nhỏ như cây kim may đậu lúc nào trên một lá cỏ. Tôi dùng một cây que ngắn khua động thân cỏ để đuôi chuồn chuồn bay đi. Hai cái bóng xanh vụt biến đi trong nắng. Tôi nhớ lại những buổi trưa ở quê nhà. Mùa hè trong tiếng ve kêu rả rít và huyết phượng bay tơi tả. Trong vườn bắp ở phía trước nhà, tôi và chị Nguyệt Cầm chạy đuổi theo những con chuồn chuồn nghệ. Tôi lúc nào cũng sẵn cái ná thun với những cọng u du. Mỗi lần cái ná thun bật, cọng u du bay ra thì là một con chuồn chuồn rơi xuống đất. Chị Nguyệt Cầm năn nỉ tôi đừng bắn chuồn chuồn, nhưng tôi vẫn thích trò chơi này. Nên thường, hai chị em gây gổ nhau trong vườn bắp. Chị Nguyệt Cầm thấy tôi bắn chuồn chuồn chết quá cứ ngồi mà khóc, chị chỉ thích đuổi theo chúng nó thôi. Chị vẫn nói chuồn chuồn không cắn ai bao giờ, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Nó còn giúp cho người ta biết bơi nữa. Tôi cười nhạo chị ngây thơ. Vì không ai biết bơi nhờ chuồn chuồn cắn rún cả. Suốt ba tháng hè ở quê nhà, hai chị em thấy thời gian đi mau hơn chiếc lá rụng. Mùa hè làm tôi quên hẳng căn nhà trọ với những chồng sách cao nghệu và một mùa thu đầy lo âu. Chị Nguyệt Cầm cũng thế, nhưng tới ngày phải lên Sài Gòn chị luôn luôn là người nhắc tôi trước nhất. Hai chị em với hai chiếc va ly nhỏ đựng đầy quần áo. Mấy cái túi xách đựng đầy trái cây, quà bánh. Cùng một nỗi tiếc nhỏ làm ngây ngây lòng lên chuyến xe sớm nhất trở lại Sài Gòn. Mẹ tôi không bao giờ cho chúng tôi đi chuyến xe trưa hay chiều. Bà sợ đường xa làm chúng tôi mệt, khi lên tới Sài Gòn sẽ đau. Mẹ tôi luôn lo xa, bà không bỏ lỡ một cơ hội nào để săn sóc chúng tôi, dù rằng mỗi ngày bà thường bận bịu với hàng trăm công việc ở quê nhà. Ba mẹ con sống với nhau trong căn nhà đó từ lúc chị Nguyệt Cầm mới biết đi chập chững, còn tôi thì mới biết bò. Mẹ tôi đảm đang đủ mọi thứ, vì ba tôi theo kháng chiến chống Pháp mấy năm. Sau kháng chiến ông có vợ bé ở riêng. Chúng tôi không còn liên lạc gì với ông nữa. Mẹ tôi thường nói ông ở ngay Sài Gòn, có khi lại ở rất gần chúng tôi, nhưng ông không muốn nhìn ba hay ba không muốn nhìn mẹ. Căn nhà chúng tôi ở hiện tại do mẹ tôi mua lại sau những năm dài ở trọ. Căn nhà chỉ hai chị em với một khu vườn nhỏ. Mẹ tôi lâu lắm mới lên thăm chúng tôi một lần trong những dịp cần thiết. Căn nhà vì thế nên vắng vẻ mênh mông. Tuy nhiên, cả tôi và chị Nguyệt Cầm đều thích sự vắng vẻ đó. Tôi đứng lên đi chầm chậm trên lối sỏi tới ngồi vào cái băng đá ở gần bãi cỏ. Trời thật trong, mây xanh thật cao. Nắng như lượn múa trên đầu tôi và trên những ngọn cây. Tôi đoán chiều nay sẽ không có mưa và cơn bão nào đó cũng đã tan. Tôi ngả đầu vảo thành băng thở nhẹ nhàng. Hình như trái tim đang đập mạnh với những lượng máu mới. Ngày đẹp quá. Đẹp hơn hết là tôi mới ra khỏi cơn đau. Ra khỏi cơn mưa sụt sùi của mùa đông rét mướt. 

Chị nguyệt Cầm trở ra, mang cho tôi ly sữa nóng và khúc bánh mì. Chị để cả lên băng đá rồi ngồi xuống: -Hôm nay em thấy đói thật không? Tôi cười: -Thấy kiến bò trong bụng thôi, chứ không thấy đói. Chị Nguyệt Cầm cũng cười: -Thế là em bắt đầu khoẻ rồi đó. Em cố mà ăn uống cho lên vài ký. Khi nào mạnh em sẽ thèm ăn ngay. 

Tôi bắt đầu uống sữa và ăn bánh mì. Chị Nguyệt Cầm kể tên các thức ăn mà chị dự định mua. Chị giống mẹ tôi ở đức tính hiền dịu và chịu đựng. Khi chị trổ tài nội trợ thì càng giống mẹ tôi hơn nữa. Mẹ tôi trước khi làm thức ăn đều kể vanh vách các thứ phải có. Đôi khi mẹ chu đáo quá làm tôi phải phìcười. Vì tánh tôi cẩu thả. Ít khi để ý tới việc gì. Có cũng như không mà không cũng như có. Lại thêm cái khối óc dễ quên. Chuyện gì xảy ra ngày trước đến ngày sau quên ngay. Có hôm định sẽ tới trường đón Nấm Hương đưa cô bé về nhà, cuối cùng quên khuấy đi. May là tôi ít khi có hẹn. Chị Nguyệt Cầm hỏi: -Em ăn thấy có ngon không? Tôi lắc đầu: -Chả thấy ngon gì hết trơn. -Vậy là tại cái lưỡi của em dơ. Chị sẽ mua chanh về cho em ăn với muối nha nhé. -Ăn thế mà làm sao ăn được. -Thì cố mà ăn cho lưỡi sạch. Chị đứng lên nói: -Chị đi chợ. Em có mua gì không? Tôi nhớ lại buổi sáng kem đánh răng đã hết. Tôi cười: -Chị mua giùm em kem đánh răng với bàn chải. Sáng nay đánh nhờ bản chải của chị.Cái của em chuột tha mất rồi. -Em để đâu mà chuột tha? -Em cũng không biết nữa. -Nhớ dai ghê há. Chị Nguyệt Cầm cười rồi quay đi. Tôi uống hết ly sữa nhưng không ăn khúc bánh mì. Sau đó tôi đi quanh quẩn trong khu vườn. Một lúc tôi cần phải xem một đoạn sách nào đó. Tôi quay vào nhà lấy cuốn sách Nấm Hương tặng mang trở ra vườn ngồi đọc. "Có thể là sau khi đi sâu xuống hố thẳm trong hồn mình, trong những gì cô liêu nhất trong tâm tư mình thì không có thể sẽ bỏ việc làm thi sĩ (đối với tôi mình phải cảm thấy rằng mình có thể sống không cần viết làm gì). Lúc ấy thì dù sao sự đi xuống sâu thẳm trong tâm tư ông cũng không hoàn toàn phù phiếm. Đời sống của ông, dù trong trường hợp nào cũng lấy hướng đi từ đó. Những hướng đi ấy có thể đối với ông tốt đẹp, giàu sang, hạnh phúc và rộng rãi, tôi mong chúc ông được như thế, dù khó lòng nói những gì hơn nữa…". Đây là đoạn gần cuối của bức thư thứ nhất gửi cho "người thi sĩ trẻ tuổi". Tôi tự dưng bị ám ảnh bởi "người thi sĩ trẻ tuổi". Chắc trong thâm tâm, một lúc nào đó tôi đã có ý muốn làm "người thi sĩ trẻ tuổi" đó. Tôi nhớ lại những bài thơ tôi làm, để xem tôi có quên hẳn nó hay không, và chặt đứt cái ý muốn làm "thi sĩ" của tôi. Bởi vì, "đối với tôi mình phải cảm thấy rằng mình có thể sống không cần viết thì mình cũng không nên cố sức viết làm gì". Tôi xấu hổ, ném cuốn sách lăn xuống bãi cỏ. Khu vườn bây giờ nắng đã bắt đầu nóng. Tôi thấy mình đang trôi trên một dòng sông lững lờ nhất. 

Trên những cành cây cao lá bắt đầu rụng nhiều. Quanh chỗ tôi nằm đầy xác lá chết. Từ đây nhìn vào nhà có vẻ bí ẩn, nằm khuất trong cành là tĩnh mịch quạnh hiu. Đàn bướm từ một khóm hoa nào đó bay vụt lên những đôi cánh màu sắc loáng thoáng trong nắng. Ngôi nhà với mái ngói đỏ, tường vôi, cửa sổ màu xanh. Hai chị em tôi ở đó như hai nhân vật tí hon trong truyện cổ tích. Tôi thấy yêu căn nhà ngói đỏ, yêu khu vườn, yêu cái vắng vẻ tĩnh mịch xung quanh. Tôi nhìn lên trời cao và bỗng muốn thành chim. Tôi thích có được một đôi cánh non tươi khoẻ mạnh hơn là có đôi tay mệt mỏi xanh xao này. Tiếng xe cộ qua lại ngoài đường rì rầm, âm thanh bị chìm mất khi bước tới cổng vườn, qua một dãi rào cây xanh có cỏ tóc tiên màu tím nhạt. 

Hình như chị Nguyệt Cầm đã đi chợ về. Tôi thấy cánh cửa sổ phòng chị mở ra. Tôi thoáng ngạc nhiên vì không hiểu chị đã đóng cửa sổ từ lúc nào. Một lúc, chị Nguyệt Cầm tới đứng trong khung cửa sổ. Aùo cánh chị xanh da trời. Tóc chị đen tuyền như dòng suối đêm. Gương mặt ngước ra khoảng không. Một khoảng không rạng nhất. Chị tôi đó. 

"Chị tôi giặt lụa cầu ao 

Trời trong nắng ửng má đào ghẹo duyên. 

Tôi say nước thấm mây huyền. 

Nước mơ dáng cũ, mây truyền tiếng xưa…". 

Mấy câu thơ của Hồ Dzếnh làm tôi thấy yêu chị tôi hơn. Ngày còn nhỏ ở quê nhà chị tôi cũng giặt lụa ở cầu ao. Tôi ngồi câu cá bóng, cần không lưỡi, nhìn bóng chị soi dưới đáy nước xanh trong. Bây giờ chị không còn giặt lụa nữa, tôi cũng không còn câu cá bóng. Nhưng hình ảnh ấy là hình ảnh của những 

ngày thơ ấu chưa mất, là hương không ngớt bay trong tình chị em. Tôi phải làm một bài thơ như Hồ Dzếnh để tặng chị. Phải rồi, một hôm nào đó. Chị Nguyệt Cầm ra vườn búi tóc cột bằng một dải lụa màu tím, gương mặt chị no tròn vành vạnh như mặt trăng đêm rằm. Tôi đã ngồi dậy cầm cuốn sách trong tay. Bóng mát che cho tôi một khoảng rộng. Chị Nguyệt Cầm hỏi: 

- Em không vào nhà à? 

- Em không muốn ở ngoài vườn suốt ngày. 

- Nắng sẽ làm cho em mệt và chóng mặt. Tôi đưa tay một vòng quanh bóng mát: 

- Em sẽ có bóng mát này che chở. Nắng sẽ không làm gì em được đâu. Chị Nguyệt Cầm ngồi xuống bên tôi. Tóc chị thơm mùi thơm bồ kết. Tôi hít hà: 

- Tóc chị thơm mùi bồ kết quá. Hôm qua có nắng đâu mà chị gội tóc? 

- Có nắng chứ. Tôi sực nhớ hôm qua tôi và chị giận nhau. Tôi nằm lì trong phòng nên không biết gì cả. Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Chị đang nghĩ đến việc làm một cái nhà chòi ngoài vườn. Em thích không? Tôi cười lớn: 

- Hai chị em lớn hết rồi, chơi nhà chòi người ta cười cho chết. 

- Lớn bao giờ? Lớn hơn cách đây vài năm thì có. 

- Vài năm cũng là lớn rồi. 

- Nhưng chị nghĩ chúng ta hãy còn nhỏ. Chúng ta còn qúa bé nhỏ với đời sống. Em hiểu không? Tôi gật đầu. 

- Điều này thì đúng, 

- Chúng ta như một đời chim đối với mùa đông. Đời chim luôn luôn bé nhỏ. Không có đời chim nào lớn cả. 

- Khi nào nó chết thì phải gọi làm sao? Chị Nguyệt Cầm hỏi: 

- Em có nhìn thấy con chim nào chết già chưa? Câu hỏi của chị làm tôi ngạc nhiên. Hình như chưa bao giờ tôi thấy một con chim nào chết già cả. Tôi đáp: 

- Chưa. 

- Vậy là không có đời chim nào già. 

- Nhưng phải có một đời chim chết chứ? Chị Nguyệt Cầm gật đầu: 

- Có. 

Hai chị em nhìn nhau cười. Chị Nguyêt Cầm đứng lên nói: 

- Chị vào nấu cơm. Suốt buổi em không vào nhà phải không? Tôi háy mắt: 

- Sắp có nhà rồi. Em thích ở căn nhà này hơn. 

- Nhà nào? 

- Nhà chòi mà chị dự định xây cất. Chị Nguyệt Cầm cười thành tiếng. Tiếng chân chị rời xa bãi cỏ bước trên những viên sỏi. Hình như tôi vẫn nghe tiếng cười của chị vang đâu đó trên các khóm hoa, trong từng phiến nắng. Tôi nằm nhìn những đám mây bay qua khu vườn. Những đám mây xanh ngát, trong vắt không mang sức nặng của mưa bụi. Ừ, mưa bụi thì thú quá nhỉ? Tôi nhìn trong bóng lá này nghe như mưa rắt trên từng phiến lá mỏng. Mưa bụi không làm ướt áo, không làm cỏ cây rũ rượi. Nhưng tôi biết, mùa này mà mong một cơn mưa bụi thật là mong sống lại một giấc mộng đẹp Tôi muốn nói theo một thi sĩ: Mưa bụi phải chăng là một thực tại? Không, mưa bụi là một giấc mộng. Và tôi như đang thiêm thiếp trong một giấc mộng. Tôi mơ hồ nghe thấy tiếng cười thanh thoát của chị Nguyệt Cầm phía cuối vườn.

CHƯƠNG BA

Trái với dự đoán của tôi, chiều nay trời lại mưa. Trời mưa hình như không có gió bão. Cơn mưa cũng không bị dạt vào cửa sổ phòng, những sợi nước ngoan ngoãn đứng lại ngoài sông, rả rích. Tôi ngồi trong ghế mây rộng lắc lư làm những cử động vu vơ. Căn phòng không bật đèn. Buổi chiều tối xám vây quanh, lờ mờ như những hình sau bức màng voan mỏng. Tôi nhớ lại những chiều mưa như thế cùng ngồi với người bạn trong một quán cà phê đường Tự Do. Những chiếc ghế ngồi bọc da đỏ. Từ chỗ ngồi đó nhìn qua một lằn cửa kính đầy bụi mưa. Bên kia là một công viên thanh vắng. Những thân cây móc xám vươn thẳng lên, cành khô và lá rụng gần hết. Không một bóng chim nào bay qua. Thành phố bây giờ nom lãng đãng như một cõi nào mơ hồ có trong mộng tưởng. 

Cơn mưa làm hồn tôi rũ xuống, khác chi một cành lá ngoài khu vườn. Chị Nguyệt Cầm lên đứng ở cửa phòng gõ gõ vào đấy mấy cái cho tôi chú ý rồi hỏi: 

- Em không ngủ à? 

- Bộ chị tưởng em lúc nào cũng ngủ được sao? Mưa như thế này mà làm sao ngủ nổi. 

- Sao? 

- Mưa làm em thấy nôn nao. Không ngủ nổi. 

Chị Nguyệt Cầm mỉm cười bước vào phòng. Chị đem tới cây đàn lại cho tôi rồi ngồi ở mép giường nói: 

- Em hát cho chị nghe một bài nào đó em thích nhất. 

Tôi cầm lấy đàn, hững hờ: 

- Hát cho chị nghe để cho chị cười suốt đời à? 

- Thôi đừng xạo, hát đi cậu. 

Tôi mỉm cười so lại dây vì mấy ngaỳ qua bị mưa nên lạc mất hết. Tôi hỏi: 

- Bản gì nhỉ? 

- Bản gì em thích đó. Bản "có một đàn chim tóc trắng"… 

Tôi xua tay: 

- Thôi, chị ngạo em không hát, 

- Ngạo gì. Thôi hát đi. Em làm khó hoài. Xấu hả? 

- Chị ngồi im em hát. 

Rồi, chị ngồi im. 

Tôi búng nhẹ dây đàn và hát cho nhỏ, vừa đủ cho chị Nguyệt Cầm nghe:  

Chiều lâm ly nắng trôi 

Theo lá vàng tách rơi 

Theo gió lùa tới 

Cánh hoa tơi bời rớt theo chiều gió 

Cánh hoa theo chiều gió hồn hoa tìm bướm mơ 

Chết khi mùa đông đến 

Bướm hoa nặng tình duyên 

Xác hoa trên mình bướm 

Còn vương bao nhớ thương 

Khóc trong vườn thu vắng 

Những đêm sầu buồn vương 

Hương mặn tình mơ tan dưới gió đông 

Bầy mối oan thanh sầu đông khi mủa thu chết còn quyến luyến 

Tiếc bao chuỗi ngày xuân thắm tươi 

Xác hoa theo chiều gió, vườn thu thêm xác xơ, gió thu còn vi vu 

Thấu chăng vườn hồn thu. 

Hát xong tôi buông đàn ngó chị Nguyệt Cầm. Chị kêu hát lại một lần nữa. 

Tôi cười: 

- Hay ho gì giọng em mà chị kêu hát lại. 

- Em hát hay lắm. Chiều nay em hát hay lắm. 

- Có lẽ cơn mưa phụ hoạ. 

Chị Nguyệt Cầm "nịnh" tôi: 

- Ngoài kia thì mưa, trong phòng thì nghe em hát. Còn gì bằng… 

- Thôi, em không có bùi tai đâu. 

Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Thật đó. 

Mặc chị Nguyệt Cầm nói khéo cách nào tôi vẫn nhất định không hát. Tôi ôm hững hờ cây đàn cũ (cây đàn mà tôi yêu thích từ năm tôi thi vào đệ thất. Mẹ tôi thưởng cho ít tiền, tôi vay chị Nguyệt Cầm một ít hùng lại mua). Cây đàn đ ã theo tôi trong những năm qua. Hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Nhưng không bao giờ nó là cây đàn bỏ quên cả. Bây giờ, trong nhà này tất cả mọi thứ đều dừng lại. Cây đàn như vậy, cũng dừng lại bên tôi. 

- Mưa không lớn lắm đâu. 

Chị Nguyệt Cầm nói bâng quơ khi mắt chị hướng ra cửa sổ. Tôi đưa trả chị cây đàn nói: 

- Chị máng giùm em lại chỗ cũ. 

Chị Nguyệt Cầm làm theo lời tôi. Chị cười: 

- Em làm khó chị đấy nhé. Mai mốt chị làm khó em lại đừng có trách. 

Tôi cãi: 

- Em đâu có làm khó chị. 

Chị Nguyệt Cầm ôm lấy hai vai. Dáng chị co ro như con mèo sợ rét: 

- Thôi, ai cãi cho lợi em. Đằng nào người ta cũng là luật sư tương lai. 

Tôi trã đũa chị Nguyệt Cầm ngay: 

- Còn đằng nào chị cũng là nữ  bác sĩ tương lai. 

Nhưng mà chị có học y khoa đâu? 

- Chị thích thì chị phải học chứ. Không học bây giờ mai mốt cũng học. Chứ em có học Luật đâu. 

- Em chưa học nhưng rồi em sẽ học. 

- Thì chị chưa học nhưng rồi chị sẽ học. 

- Chịu thua. Ai cãi cho lại em. 

Bao giờ chị Nguyệt Cầm cũng có câu nói đó sau mỗi lần cãi lộn với tôi. Tôi biết nhiều lúc chị Nguyệt Cầm có lý nhưng chị vẫn chịu thua tôi trước. Và tôi cũng biết có lúc tôi "ăn hiếp" chị. 

- Chị xuống nhà học bài nhé. Khi nào thích em hát cho chị nghe lại bản đó nhé. 

Tôi gật đầu: 

- Sau cơn mưa này em sẽ hát cho chị nghe. Bây giờ em thích ngắm mưa hơn thích hát. 

Chị Nguyệt Cầm bước ra khỏi phòng cười, nheo mũi: 

- Em tôi nghệ sĩ tệ.  

Tiếng chân của chị Nguyệt Cầm đã ra khỏi phòng tôi, mất hút dưới chân thang. Nhưng nỗi xấu hổ của tôi còn mãi kéo dài biến trái tim tôi thành một khúc nhạc rộn ràng đập trong lồng ngực. Chị Nguyệt Cầm thích ngạo tôi và thích làm cho tôi xấu hổ. Ngược lại tôi thích chọc cho chị phải phát khóc. Khóc càng mau, càng nhiều càng tốt. Chị Nguyệt Cầm chắc đã tới bên bàn học ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của chị. Nhưng tôi biết chị chưa học bài đâu. Mưa đẹp và quyến rũ như thế này. Cửa sổ phòng chị cũng hướng ra vườn. Bây giờ tôi biết chắc chị đang ngồi nhìn mưa ngoài vườn. Nghĩa là trong koảng thời gian đứng lại nào đó, tôi và chị Nguyệt Cầm cùng nhận thấy khu vườn dưới tầm mắt của riêng mình. Chẳng biết chị nghĩ gì khi một chiếc lá bị mưa cuốn đi khỏi cành cây. 

Tôi rời chiếc ghế lại giường nằm. Mắt tôi vẫn hướng ra mưa. Căn phòng tối nên mưa hiện rõ với thứ ánh sáng mờ ảo nhất. Tôi thấy rõ mưa kéo từng sợi qua khung cửa sổ và mây đứng từng thảm nặng nề trong bầu trời thấp. Căn phòng như ôm lấy tôi bằng một đôi tay êm ái nhất từ trước tới giờ. Riêng  hôm nay tôi không muốn đi ra khỏi phòng trong cơn mưa. Mọi lần tôi vẫn thích đi lang thang ngoài mưa để nhìn mọi người. Hình như mọi người dưới mưa đều đẹp. Hoa lá, cây cỏ lại càng đẹp hơn. Nằm một lúc lâu tôi thấy hình như cơn mưa nhỏ lại bên ngoài. Những sợi nước không còn kéo qua cửa sổ nữa: Nhưng bây giờ trời đột nhiên trở gió. Những cơn gió vào phòng bằng cửa sổ ươm hơi rét khắp nơi. 

Tôi không thấy lạnh. Đúng hơn cái lạnh làm cho tôi thú vị hơn thì phải run cầm cập như những buổi sáng sớm. Tôi biết gió này của cơn mưa để  lại mang rất nhiều hơi nước. Tôi vẫn nằm yên trên giường. Căn phòng lờ mờ như bầu trời ngoài kia. Bất chợt tôi nghe tiếng chân lên cầu thang nhè nhẹ. Tiếng chân lạ hoắc, không phải tiếng chân quen thuộc của chị Nguỵêt Cầm (nhà có hai chị em nên tôi và chị Nguyệt Cầm đều quen thuộc tiếng chân của nhau). Tiếng chân dừng ngay trước cửa phòng. Và khi cánh cửa xịch mở, Nấm Hương bước vào, một tay khép cửa lại, tay kia đang rũ chiếc áo mưa màu sữa loãng. Tôi nằm im ngó Nấm Hương. Cô bé bị mưa làm ướt tóc. Khi quay lại phía tôi, Nấm Hương nhìn như cũng ướt nước mưa. Cô bé bối rối vuốt vụn nước trên tóc và phủi những giọt sương lớn còn bám lại trên áo dài. Tôi vẫn yên lặng. Hình như tôi đang giận Nấm Hương một điều gì đó rất mơ hồ. Và điều này khiến cho tôi không nói được. Nấm Hương tới gần cái bật đèn nói: 

- Để em  bật đèn lên nhé. Căn phòng tối quá. 

- Cứ để như vậy. Anh thích nằm một mình trong bóng tối 

- Anh không thích Nấm Hương tới chơi à? 

Tôi lắc đầu: 

- Không biết nữa, 

- Sao lại không biết. Nếu không thích, em về. 

Quả thật tôi cũng không biết lúc này mình nghĩ gì. Nấm Hương tới bất ngờ làm tôi ngạc nhiên. Nhưng vẫn thấy dửng dưng không mừng rỡ, xôn xao như bao lần trước. Có lẽ tôi thích nằm một mình trong căn phòng này thật. Nhưng tôi không muốn Nấm Hương giận (Hình như tôi rất lo sợ khi bị người ta giận). Tôi cố cười giữ Nấm Hương lại: 

- Trời hãy còn mưa. Không nên về bây giờ. 

Nấm Hương nói như sắp khóc: 

- Đã tới đây lúc mưa thì về lúc mưa cũng được. Có làm sao đâu. 

- Không làm sao nhưng Nấm Hương sẽ bị ướt và lạnh. 

- Ướt và lạnh thì có sao đâu. 

Tôi chậc lưỡi: 

- Ướt và lạnh, Nấm Hương sẽ bị cảm. 

- Em bị cảm hoài có làm sao đâu. 

Tôi tức Nấm Hương kinh khủng. Nếu lúc khác tôi đã để mặc cho Nấm Hương đã đội mưa tới ngoi ngóp như con mèo nhỏ bị mưa. Tôi đành nhịn Nấm Hương một bữa (tôi tự dặn mình một bữa nay thôi đấy nhé). Tôi cười, ngồi dậy: 

- Nấm Hương bị ướt nhiều không? 

Nấm Hương vẫn còn giận: 

- Bị ướt thì có làm sao đâu. 

Tôi lại cười: 

- Trời mưa có lớn không? 

- Ư… hơi lớn. 

Nấm Hương tới đây bằng gì? 

- Ư… xích lô. 

Tôi quay sang… đả kích ông xích lô: 

- Tại ông xích lô không che tấm bạt nên Nấm Hương bị ướt hết đó. Ông xích lô thật ác. 

Nấm Hương tròn xoe con mắt: 

- Ơ… ông xích lô đâu có ác. Ông ấy che bạc đoàng hoàng mà, ông che hết bốn bên Nấm Hương ngồi gọn lỏn trên trong ấy mà. 

Tôi sượng sùng. Cố tìm cách kết tội ông xích lô cho bằng được: 

- Thế thì tại ông ấy đạp xe chỗ có nước ngập. Nước từ dưới đường bắn lên làm Nấm Hương bị ướt. 

- Không phải, ông ấy chạy chậm và tử tế lắm. Đời nào ông đạp chỗ nước ngập. 

- Sao không. Mấy ông xích lô hay rửa xe điệu đó lắm. Nấm Hương không biết đâu. 

Nấm Hương nheo mắt: 

- Thế anh biết chuyện đó hả? 

- Biết chứ sao không. 

Nấm Hương cười: 

- Nhưng ông xích lô này cố chạy tránh chỗ nước ngập mà. 

- Nấm Hương bị che bít bùng làm sao mà thấy. 

- Thấy chứ. Chỗ tấm bạc phía trước có cái lỗ tròn để cho người ngồi bên trong nhìn ra. 

- Nhờ dậy em mới cho xe dừng lại ngay trước cửa nhà không thì ông ấy trở đi mất rồi. 

- Tôi đành… tha cho ông xích lô tử tế của Nấm Hương. 

- Thế tại sao Nấm Hương bị ướt? 

- Vì lúc chạy vào nhà em đụng phải cái cây trên lối đi, nước trên ấy đổ xuống chứ còn làm sao nữa. 

Tôi giả bộ ngây thơ: 

- Ừ nhỉ! Thế mà anh nghĩ mãi không ra. Vậy là ông xích lô tử tế thật. 

- Tử tế chứ sao không. Oâng quen mà. Em còn dặn đúng sáu giờ trở lại rước em nữa đó. 

- Còn mấy cuốn sách của em có bị ướt không? 

Nấm Hương nhớ ra chiếc cặp. Cô bé chạy ra cửa phòng xách chiếc cặp ngoài ấy vào. 

- Không có ướt gì hết. 

Nấm Hương mở cặp lấy ra một cành hoa mang lại cắm vào bình. Tôi hỏi: 

- Hoa ở đâu thế? Em hái dưới vừơn à? 

- Không phải. Em hái ở rào người ta. Con bạn đỡ em lên hái. Hoa đẹp không? 

- Đẹp. Nhưng hái trộm hoa lỡ bị… chó rượt thì sao? 

- Ở ngoài rào mà chó rượt gì. Bộ em vào nhà người ta sao? 

- Biết đâu. 

- Anh muốn Nấm Hương bị… chó cắn lắm hả? 

- Ai muốn kỳ vậy. Nhưng hái trộm hoa thì thế nào cũng bị chó rựơt. 

- Cắn thì cắn chứ. 

- Gan nhỉ? 

- Chứ ai kêu anh mong cho người ta bị chó cắn. 

- Mong bao giờ? 

Nấm Hương phụng phịu: 

- Không thèm cãi với anh nữa. 

- Không thèm cãi. Bộ tưởng tôi ham cãi với cô bé lắm chắc. Tôi nhìn Nấm Hương cười. Cô bé hỏi: 

- Cười gì? 

- Tức cười thì cười. 

- Khi không cái cười. 

Nấm Hương giận tôi từ lúc mới đến nên bây giờ tìm cách để "trả thù" tôi cho bỏ ghét. Tôi biết thế nên không dám chọc Nấm Hương nữa. Nhưng khi tôi im lặng Nấm Hương lại bắt bẻ: 

- Anh không nói gì nữa à? 

- Không nói nữa 

- Sao không nói? 

Nấm Hương lườm: 

- Nói cái gì cũng được hết. Chẳng lẽ em đến chơi mà anh ngồi im lặng như tượng đá sao? 

Tôi chỉ vào ngực mình: 

- Anh như vầy mà tượng đá sao? 

- Nếu anh im lặng thì rất giống tượng đá. 

- Còn Nấm Hương im lặng thì giống cái gì? 

Nấm Hương cười: 

- Nếu em im lặng ấy hả? Nếu em im lặng thì giống… ư… cô bé đưa tay chỉ bức tranh thiếu nữ trên tường - Em giống bức tranh kia. 

- Khôn há! Sao biết nói người ta là tượng đá mà chỉ thích mình như bức tranh? 

Nấm Hương nheo mắt: 

- Bộ tượng đá không đẹp hà? 

- Không. 

- Không đẹp mà sao người ta trưng bày ở công viên? 

Câu hỏi của Nấm Hương làm tôi thừ người thừ người không biết trả lời sao. Tôi đành đáp bừa: 

- Những bức tượng đó xấu thấy mồ. Chả hiểu sao họ lại trưng bày kỳ cục như thế. 

Nấm Hương nheo mắt trêu tôi. Cô bé đi lại gần cửa sổ, thò tay ra ngoài nghịch những giọt nước mưa. Tóc Nấm Hương chưa dài đủ để phủ nửa lưng. Tóc Nấm Hương chỉ vừa đủ chấm vai thôi. Nhưng mái tóc Nấm Hương thật đẹp, đen tuyền như một dòng suối. Nấm Hương chấm hai cánh chỏ lên thành cửa sổ, đôi vai hơi so lên như chị Nguyệt Cầm thường làm khi buổi sáng lạnh. Vai Nấm Hương nhỏ xíu. Tôi nghĩ đến một chỗ đáp cho những lá vàng. Chắc Nấm Hương không chịu che bởi mái tóc. Tôi nhìn thấy chiếc mũi xinh xắn của Nấm Hương và một con mắt mở lớn ra bên ngoài mưa. Nấm Hương chư cao bằng tấm lịch tôi treo phía trên bàn học. Nấm Hương còn bé xíu. Đứng chưa đầy hết khung cửa sổ. Tôi nghĩ Nấm Hương như con Thiên Nga trắng bơi trên mặt hồ trong xanh như mặt gương. Thiên Nga chưa biết buồn, chưa biết một ngày nào mình phải vỗ cánh rời hồ tiên bay vào trần gian báo tin cho loài hoa phải tàn vào mùa Đông trước khi có những cơn gió heo may đến. Nấm Hương bỗng quay vào đưa cánh tay ướt đẫm nước mưa doạ tôi: 

- Anh sợ lạnh không? 

- Không sợ. 

Nấm Hương háy mắt: 

- Cho nói lại một lần nữa. Sợ lạnh không? 

Tôi lắc đầu: 

- Không việc gì phải sợ. 

Nấm Hương nhảy tới áp bàn tay lên má tôi. Nước mắt làm tôi rùng mình. Nấm Hương cười khúc khích: 

- Vậy mà nói không sợ. 

- Anh có sợ đâu! 

Nấm Hương rụt tay về. Đột nhiên tôi thấy cặp mắt Nấm Hương ngơ ngác. 

- Tôi cười: 

- Muốn ra mưa không, anh chạy ra mưa cho xem. 

Tôi giả vờ phóng xuống giường làm  y như tôi sắp chạy ra mưa. Nấm Hương hốt hoảng kéo tôi lại. 

- Anh còn đau ra mưa thì chết. 

- Chết thì chết, ai sợ? 

Nấm Hương giữ  tay tôi thật chặt. Cô bé giữ bằng cả hai tay. Chắc là hai tay tôi sẽ không thoát khỏi đâu. Nhưng cô bé đâu biết tôi chỉ vùng nhẹ một cái là thoát ra hai bàn tay mềm mại yếu đuối ấy ngay. Không hiểu nghĩ sao Nấm Hương lại thè lưỡi nói: 

- Anh nói nghe ghê, chết mà không sợ. Lúc bà nội chết em không dám ở nhà nè. 

- Nhưng anh chết… dễ thương lắm. Anh sẽ nhắm hai mắt lại như người ngủ say. 

- Ê! Anh sao rồi nhé! Chết không ai nhắm mắt cả. Nấm Hương nghe nói bà Nội lúc chết mở mắt đến chừng Ba vào vuốt bà Nội mới nhắm. Vậy là anh chưa biết chết là gì cả. 

- Chết dễ ợt. Anh biết chết chứ sao không, coi này nhá. 

Tôi thở hắt ra một caí thật mạnh để… cướp tinh thần Nấm Hương rồi giả bộ nhắm mắt lại, nín thở hơi lâu. Nấm Hương thấy vậy sợ quá rung tay tôi lia lịa. Nấm Hương sờ mặt tôi, rồi sờ mũi, rồi sờ đến ngực. Trời lạnh làm cho tôi lạnh theo như người chết thật. Nấm Hương ôm tôi khóc oà lên. Tôi để cho Nấm Hương khóc đã đòi mới mở mắt ra cươì khì khì (lúc nín thở hết nổi nữa). 

Tôi hỏi: 

- Anh biết… chết chưa? 

Nấm Hương buông tôi ra, sượng sùng giấu mặt trong tóc: 

- Chỉ giỏi tài làm bộ. 

- Biết làm bộ sao còn sợ? 

- Anh làm thấy ghê ai mà không sợ. Khi không cái nín thở hết trơn. 

Tôi cười phá lên. Nấm Hương lườm: 

- Còn cười gì nữa. 

Tôi phải quay mặt đi cho Nấm Hương lau những giọt nước mắt, nếu không cô bé lại tiếp tục cự nự. Cơn mưa bây giờ đã tạnh. Nhưng chớp hãy còn loé lên thật bất ngờ, và tiếng gầm trong trời vẫn còn làm Nấm Hương đoi khi giật mình. Nấm Hương hỏi: 

- Anh đọc hết quyển sách hôm trước chưa? 

Tôi giả bộ lắc đầu: 

- Chưa. 

- Sao anh không đọc? 

- Dở ẹc, anh không thích đọc. 

- Thật thế hả? 

Tôi gật đầu: 

- Tưởng anh đùa à? 

Nấm Hương tức quá kóc ngon lành. Tôi cố ý chọc cho Nấm Hưong khóc nhưng khi thấy cô bé khóc, tôi không đành, nên bỏ đi loanh quanh trong căn phòng một hồi. Tưởng đâu Nấm Hương khóc tí thôi, không ngờ Nấm Hương khóc hoài. Tôi đành phải tới sau lưng cô bé nói: 

- Đuà chứ anh đọc hết rồi. 

Nấm Hương thút thít: 

- Sao nói là chưa? 

Tôi cười: 

- Nói cho người ta mủi lòng khóc chơi được hôn? 

- Sao anh ghét "người ta" thế nhỉ? 

- Tại vì "người ta" hay khóc, mà anh thì thích chọc cho người ta khóc lắm 

- Vậy là anh ở ác. Người nào ở ác, thi rớt hoài. 

Tôi nheo mắt: 

- Còn "ở hiền" thì đậu hoài hả? 

- Chứ sao. Ở hiền gặp hiền mà. Mẹ em vẫn bảo thế. 

Tôi nhìn ra bầu trời xám xịt. Tôi nghĩ tới lúc Nấm Hương phải về. Biết đâu lúc ấy trời lại chả mưa nữa. Tôi hỏi: 

- Ông xích lô có hẹn bao giờ tới đón Nấm Hương không? 

- Có chứ, ông hẹn 6 giờ. 

Tôi nhìn đồng hồ. Còn nửa tiếng nữa. Nấm Hương bỗng hỏi? 

- Sao anh bệnh hoài vậy nhỉ? 

Tôi cười: 

- Tại thấy anh gầy như cây tăm xỉa răng nên vi trùng nó ăn hiếp anh. 

- Vậy mỗi buổi sáng anh phải ra nắng ngồi cho nắng… giết vi trùng nhé. 

Tôi giả vờ: 

- Thật hả? Nắng giết vi trùng hả? 

Nấm Hương gật đầu: 

- Vi trùng sợ nắng ghê lắm. Tại vì anh ở trong phòng tối om suốt ngày, nên đau hoài là phải. Mà anh có uống thuốc không? 

Tôi cười: 

- Mình ra ngoài nắng cho nắng giết vi trùng, cần gì uống thuốc. 

Biết tôi ngạo, Nấm Hương phụng phịu: 

- Bộ anh không tin hả? 

- Tin chứ! 

- Nắng giết vi trùng thôi, còn mình phải uống thuốc nữa mới khỏi. 

- Anh có uống thuốc không? 

Tôi lắc đầu: 

- Anh sợ thuốc như vi trùng sợ nắng vậy. Nên anh ít uống thuốc lắm. 

- Thế nên anh đau hoài là phải. 

- Anh hết đau rồi mà. 

Nấm Hương ngắm tôi một lúc rồi nói: 

- Mặt anh xanh mét thế kia làm sao mà anh hết đau được. Hết đau da mặt phải hồng hào cơ. 

- Thế em có đau đâu mà mặt cũng xanh mét thế kia? 

- Thật hả? 

- Thật chứ, soi gương thì  rõ. 

Nấm Hương cười: 

- Em không có đau. Trời lạnh quá xá. 

- Bật đèn lên nhé? 

Tôi gật đầu. Nấm Hương đi bật đèn. Aùnh sáng bùng lên xô hết bóng tối trong căn phòng. 

Một chút ánh sáng ném ra phía ngoài cửa sổ, làm loáng lên những phiến lá xanh ướt đẫm nước mưa. Khu vườn bây giờ nom tối đen như một vùng sâu thẳm nào đó. Tôi nghe gió lạnh từ đó thổi hất hết lẫn với hương của đất ướt và của lá cây khô. 

- Anh Đan Trường này! 

Tiếng gọi của Nấm Hương như một mảnh thuỷ tinh vừa vỡ ra, rơi xuống. Rơi vào cái không khí đột nhiên tĩnh mịch của cơn mưa vừa ngớt hột. 

Tôi quay lại phía Nấm Hương: 

- Gì đó bé? 

- Anh muốn ra vườn chơi không? 

- Ra ngay bây giờ ấy à? 

- Ra liền bây giờ. 

- Thôi, mưa làm ướt đất, ướt lá cây hoa trái, ướt bãi cỏ, mình ra ngoài đó có gì vui đâu? 

Nấm Hương cười: 

- Chứ ở trong phòng này có gì vui? 

- Thì nói chuyện không vui à? 

- Anh nằm im lìm chả chịu nói gì hết. 

Tôi cười: 

- Thì bây giờ anh nói. 

- Anh nói có tí xíu lại im lặng nữa hà. 

- Không, anh nói hoài. 

- Thật nhé? 

- Thật. 

Nấm Hương đến ngồi trong chiếc ghế mây, dáng chừng để nghe tôi nói chuyện. Mắt Nấm 

Hương mở to, đen nhánh như hai hạt huyền. Mắt Nấm Hương thật rạng rỡ dưới ánh đèn xanh mướt. Tôi thích nhìn Nấm Hương ngồi thu mình như vậy trên ghế, hơn là thấy Nấm Hương đi qua đi lại trong phòng như người lớn. Tôi muốn Nấm Hương nhỏ bé hoài như một hoa hồng, không bao giờ lớn hơn năm cánh. 

- Anh nói chuyện đi, anh Đan Trường. 

Tôi cười: 

- Nói chuyện gì bây giờ? Anh kể chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn cho Nấm Hương 

nghe nhá? 

- Xời, chuyện ấy Nấm Hương nghe đến thuộc lòng rồi. 

- Thôi chuyện công chúa ngủ trong rừng. 

- Em cũng biết nữa. 

- Chứ cái gì Nấm Hương chưa biết? 

Nấm Hương cười: 

- Đừng kể chuyện cổ tích. Nấm Hương biết hết rồi. Anh kể chuyện bây giờ đi! 

- Chuyện bây giờ có gì đâu mà kể? 

- Thiếu gì. Tại anh không muốn kể đấy chứ. 

Tôi cười: 

- Chuyện đời xưa kể đã khó rồi mà chuyện bây giờ kể lại càng khó hơn. 

- Nấm Hương tha cho anh lần này đi. 

- Không có tha gì hết trơn. Anh kể chuyện trường anh cho em nghe. 

- Trường anh ồn ào thấy mồ, anh ghét ghê lắm. Từ ngoài nhìn vô như ngôi miếu thờ. 

- Thế còn ngôi trường em chắc là ngôi chùa phải không? 

Tôi cãi: 

- Trường em đẹp ghê lắm. Lại ở gần chùa nên càng đẹp hơn. 

- Anh xạo. 

- Thật chứ. Trường em có cái vỏ cổ kính, những con đường xung quanh lại đẹp, vắng và 

có thật nhiều bóng mát cây lá và hoa. Lại ở gần bên ngôi chùa lớn nhất thành phố. Không đẹp sao? 

Nấm Hương được dịp kể… khoe trường mình: 

- Anh không biết gì hết, trong sân trường em còn trồng liễu nữa. Có một cây cao tới cửa sổ lớp em. Ngày nào em cũng với tay ra háy đầy cặp. 

Tôi trêu Nấm Hương: 

- Ưa, trường em còn nhiều xe nước đá nữa, chắc nhày nào em cũng uống một ly phải không? 

Nấm Hương cúi mặt cười: 

- Đâu có, khi nào khát nước em mới uống chứ bộ. 

- Em xạo. Con gái là chúa ăn hàng. 

Nấm Hương nhắc lại câu "con gái là chúa ăn hàng" xong nguýt tôi một cái thật dài rồi không thèm nhìn tôi nữa mà nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi cũng không biết phải nói gì với Nấm Hương, nên ngồi im lặng nhìn mấy bức tranh treo trong phòng. Nấm Hương ôm chiếc cặp sứt quai mốc thếch. Chiếc cặp vun cao lên, hẳn nhiên là đựng rất nhiều sách vở. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu sách vở cho năm nay Nấm Hương nhét hết vào cặp. Tôi nghĩ tới lúc Nấm Hương khệnh khạng ôm nó mà tức cười. Tôi hỏi: 

- Chiếc cặp nặng thế sao Nấm Hương ôm nổi nhỉ? 

Nấm Hương nói: 

- Sao lại không nổi? Bộ anh tưởng Nấm Hương yếu như bún chắc? 

- Chắc đựng nhiều sách vở lắm. 

- Ư… cũng nhiều nhiều. 

- Chắc cũng đựng nhiều đồ ăn lắm? 

Nấm Hương lại nguýt tôi: 

- Không có đựng đồ ăn đâu à nha, anh đừng vu can cho người. 

- Ai biết. Anh nghe đồn mấy cô bé ưa mang đồ ăn vào lớp học ăn vụng ghê lắm. Chắc Nấm Hương không giống họ đâu nhỉ. 

Biết tôi nói mỉa, Nấm Hương hừ nhỏ một tiếng trong miệng không thèm trả lời. Tôi tiếp tục trêu: 

- Nấm Hương có biết chuyện con chuột không nhỉ? 

- Con chuột làm sao? 

- Chuyện đời xưa cơ. 

- Chuyện đời xưa không có chuyện nào tên là "con chuột" cả, Anh phịa ra thì có. 

Tôi nghiêm giọng: 

- Thật đó. Chuyện này anh biết chắc Nấm Hương chưa nghe ai kể bao giờ 

- Chuyện làm sao anh kể nghe xem? 

Nhưng Nấm Hương không tin mà. Nghe chuyện phải dốc hết lòng tin, chuyện mới hay được. 

Nấm Hương cười: 

- Anh kể đi. 

- Không được, Nấm Hương phải nói là tin hay không tin anh mới kể. 

Nấm Hương nhíu mày, gật đầu: 

- Rồi. Nấm Hương tin. 

- Tin bao nhiêu phần trăm? 

- Năm mươi phần trăm. 

Tôi lắc đầu: 

- Như thế chưa gọi là tin. 

- Bảy mươi phần trăm, được không? 

Tôi vẫn lắc đầu: 

- Như thế chỉ mới hơi hơi thôi. 

Nấm Hương nhăn mặt: 

- Anh khó quá, tin chín mươi phần trăm đó. 

Tôi cười: 

- Không được. Phải một trăm phần trăm cơ. 

- Rồi. Một trăm phần trăm. Anh khó quá chừng. 

- Người ta kể chuyện hay làm khó chứ. 

Nấm Hương giục: 

- Rồi, anh kể đi. 

Tôi hắng giọng, giả vờ nghiêm trọng kể: 

- Ngày xưa đó, có ba cô học trò học giỏi và dễ thương ghê lắm. Họ thương nhau như ba chị em ruột, ngày nào đi học cũng đi chung với nhau. Họ học cùng lớp, ngồi cùng bàn. Suýt soát nhau hai ba tuổi. Môn nào họ cũng chăm cả, thế nên được cô giáo và bạn bè hết thảy ai cũng điều quý mến. Nhưng chỉ phải cái tội là cả ba hay ăn vụng trong lớp học. 

Nấm Hương ngó tôi: 

- Không có phịa à nha. 

Tôi gằng giọng: 

- Ngồi im nghe anh kể. Đến chót mới biét phịa hay không chứ. 

Tôi bắt đầu kể tiếp: 

- Ngày nào, giờ nào, họ cũng mang đồ ăn chất đầy cặp vào lớp giấu dưới học bàn. Hễ giáo sư giảng bài quay lưng xuống phía dưới là họ dồn đò ăn cho vào miệng nhai. Cả ba ra vẻ thích thú lắm. Một hôm, vô tình giáo sư thấy được bắt cả ba cô quỳ gối ngay tại chỗ ngồi suốt cả buổi học. Trong lúc quỳ gối cả ba lại ngủ quên và cùng đi vào một cơn mê lạ kỳ bị Diêm Vương bắt về dưới âm phủ tra hỏi. Cả ba mo7í đầu chối không chịu nhận tội ăn vụng trong lớp. Diêm Vương giận quá cho họ quá thành ba con chuột. Cô thứ nhứt sợ hết hồn nên nhận tội đầu tiên. Diêm Vương thương tình cho làm chuột bạch. Cô thứ hai nhận tội liền sau đó được làm chuột cống và cô th71 nhất quyết nói mình oan nên bị làm chuọt chù. Hình như cô thứ ba là… Nấm Hương thì phải. 

Nấm Hương nhảy tới nắm tay tôi cấu mấy cái thật đau. Cô bé phụng phịu: 

- Anh lừa người ta hả. Vậy mà nảy giờ người ta vẫn ngồi nghe. Xời ơi, tức ghê nơi! 

Thế là cái tay tôi bị thêm mấy cái cấu nữa. Lần này Nấm Hương cấu hết sức lực nên tay tôi hằn bốn vết nhọn của móng tay (trừ ngón tay cái, Nấm Hương tha cho tôi mà thôi). Bốn vết hằn rướm máu. Tôi đau thì ít, giả bộ đau thì nhiều, Tôi ôm mặt nhăn nhó: 

- Thịt anh bị… lủng rồi. Móng tay Nấm Hương mấy tháng không cắt hay sao ấy? 

Thấy tôi nhăn nhó. Nấm Hương không dám phụng phịu nữa. Cô bé rối rít: 

- Cho Nấm HƯơng xin lỗi nhé. Ai kêu anh chọc cho Nấm Hương giận làm chi. 

- Anh kể chuyện đời xưa chứ bộ. 

- Chuyện đời xưa gì kỳ vậy? 

- Ai kêu Nấm Hương nghe. 

- Ai kêu anh lừa người ta. 

Tôi ôm cánh tay, làm như sắp chết đến nơi. 

- Chút xíu nữa tay anh đứt ra. 

- Nấm Hương xin lỗi mà. 

- Làm sao chó nó lảnh lại anh mới chịu. 

Nấm Hương cười: 

- Mai mốt thì lành chứ gì. 

- Nếu nó không lành thì sao? 

- Nếu không lành Nấm Hương đền cho anh cánh tay, chịu không? 

Tôi lắc đầu: 

- Tay Nấm Hương nhỏ xíu mà làm gì được. Anh thích tay to như tay bức tưọng ngoài công viên cơ. 

- Tay to để làm gì? 

- Đánh người nào ưa khóc nhoè. 

Nấm Hương lè lưỡi kêu: 

- Eo ôi, tay to thế mà đánh Nấm Hương mọt cái chắc chết. 

Cơn gió bất ngờ dạt vào phòng, đem theo những vụng nước đọng từ trên những chiếc lá cây. Nấm Hương rùng mình ôm cặp sát vào người. Lúc nãy vì mới thắp đèn lên khu vườn bên ngoài tối đen bây giờ thì khác hẳn, khu vường chỉ tối hơn ánh đèn một chút. Tôi thấy rõ những cái hoa sứ đằng xa. Dọc theo lối đi. Sáu giờ trên mặt kim đồng hồ. 

Nấm Hương đứng lên nói: 

- Nấm Hưong về. 

Tôi đứng lên theo: 

- Lúc nãy có gặp chị Nguyệt Cầm dưới nhà không? 

- Có. Chị ngồi học bài. 

- Để anh đưa Nấm Hương ra đường nhé. 

Nấm Hương lắc đầu: 

- Thôi, Nấm Hương xuống nhà, chạy một hơi thì tới đường. Anh mới hết đau không nên 

ra mưa. 

Nấm Hương bước thoăn thoắt xuống cầu thang. 

Tôi tới đứng bên cửa sổ nhìn xuống. Nấm Hương chạy lúp xúp trong khu vườn, len qua những trái cây còn nặng nước, im sững cành lá. Chiếc cặp nặng làm cho vai Nấm Hương bị nặng đi. Tà áo nhảy nhót trên đôi chân Nấm Hương như một cánh bướm mới cáo vườn sau cơn mưa. Nấm Hương ngó lên cửa sổ thấy tôi, cô bé mỉm cười đưa bàn tay lên làm hiệu. Tôi cũng đưa bàn tay qua song cửa ngoắc ngoắc. Điệu bộ đó không có nghĩ gì hết. Nấm Hương chạy khuất khu vườn để ra đường. Tôi chợt nghe có tiếng chuông xe xích lo kêu kinh koong, một lúc một mất hút. Tôi nghĩ Nấm Hương đang ngồi gọn trong thùng xe xích lô có che bạt bốn bên. Gió bên ngoài đường chắc lạnh lắm.

CHƯƠNG BỐN

Trời nắng liền ba hôm đủ để làm cho mấy cơn mưa dầm hôm trước biệt tích trên cát. Khu vườn hình như thay đổi một số hoa mới, cũng như là đã có một số hoa cũ dẫy chết trên mặt cỏ vàng úa. Buổi sáng, từ trên vuông cửa sổ nhìn xuống, tôi thấy vô số ong bướm bay vào vườn. Ong thì hút mật hoa còn bướm thì lượn múa thành vòng trên cánh lá. Chị Nguyệt Cầm định làm cái chụp lưới bắt bướm ép vào sách, nhưng tôi ngăn chị nếu bắt được một con trong đàn bướm đó sẽ không bao giờ đàn bướm khác dám vào vườn nữa. Chị Nguyệt Cầm nghe dọa không dám bắt, vì chị sợ khu vườn tàn héo vắng tanh như một bài hát của Văn Sĩ: "Vườn thu khôngbóng chim, bao dáng buồn  lắng im, hơi gió lùa tới, cánh hoa tơi bời, rớt theo chiều gió…". Bây giờ chị không mấy thích và ít bắt tôi hát bài "Cành hoa trắng" nữa. Chị bắt tôi hát bài "Vườn thu". Chị kêu tôi hát hoài đến phát luời nên một khi có chiếc sơ mi nào đứt nút nhờ chị đơm lại y như lần nào chị cũng ra điều kiện là hát cho chị nghe một bản rồi chị mới làm. Nếu đứt hai nút thì phải hát hai bản. Có hôm không hiểu sao, chiếc áo sơ mi tôi mặc thường ngày bị đứt liền một hơi bốn cái nút. Thế là phải gồng người lên hát cho chị nghe bốn bản. Mà bao giờ cũng bắt đầu bằng  bản "vườn thu" rồi hát bản gì nữa thì hát. Tôi ít thuộc nhạc, nên phải vừa ôm đàn, vừa dòm vào nhạc mà hát. Tôi mới chép được mấy bản tiền chiến như bản "Bến xuân" của Văn Cao, "Giáo đường im bóng" của Nguyễn Thiện Tơ, "Dạ lan hương" của Phạm Duy, "Cô láng giềng" của Hoàng Quý. Chị Nguyệt Cầm thích lắm, và tôi cũng nhớ đó mà có được mấy chiếc nút khuy lành lặn. 

Chiều nay tôi mang sách ra vườn ngồi học. Cả tập thơ mới chép thêm được vài ba mớ. Có một bài làm tặng Nấm Hương và một bài tặng chị Nguyệt Cầm. Tôi giấu tập thơ kỹ ghê lắm, nên cả hai đều không hay biết gì hết. Khi bóng nắng đã ngã vào cổng vườn, thì chiều cũng nhạt trên những chòm lá ngoài kia. Tôi lật tập thơ xem lại, cùng lúc khu vườn cũng xôn xao những cánh bướm. Buổi chiều rực rỡ màu nắng và màu của bướm hoa. Tôi ngơ ngác nhìn khắp mọi nơi trong khu vườn, thấy lòng len lên mốt thứ cảm giác ấm và chừng như những âm thanh của tiếng đàn rung trong mưa. Chợt ngoài cổng có một cô bé bước vào, ôm trong tay một khung vải, với lỉnh khỉnh những sơn cọ. Cô bé ngơ ngác nhìn về phía tôi rồi lại ngơ ngác dòm khắp nơi trong khu vườn. Cuối cùng có lẽ thấy chỗ tôi ngồi là chỗ thích hợp nhất nên cô bước tới và gật đầu mỉm cười hỏi: 

- Xin lỗi. Như có thể đặt giá vẽ ở đây được không? 

Tôi gấp tập thơ lại gật đầu: 

- Được chứ. 

- Như học vẽ hôm nay là đầu tiên như tập sự. Như xin được phép vẽ một vài thứ trong khu vườn này. Vườn đẹp quá. 

Cô bé làm như người lớn không bằng. Tôi hơi mếch lòng nhưng cũng mỉm cười: 

- Chắc Như vẽ đẹp lắm nhỉ? 

Cô bé thoáng đỏ mặt: 

- Xời ơi, mới học vẽ mà đẹp cái gì! 

Cô bé đặt giá vẽ xuống bãi cỏ. Tôi liếc thấy một mảnh giấy nhỏ ghim phía sau khung vải ghi tên Quỳnh Như. 

 Tôi cười hỏi: 

- Quỳnh Như định vẽ những gì? 

Quỳnh Như thoáng ngạc nhiên nhìn tôi nhưng khi tôi chỉ ngón tay thì cô bé hiểu là tôi đã nhìn thấy tên của cô bé. 

Quỳnh Như dòm chung quanh rồi đáp: 

- Vẽ khóm cúc vàng ở phía kia. Căn nhà, mấy cây hoa sứ. Nhiều thứ để vẽ lắm. 

- Thế có vẽ đàn bướm kia không? 

Quỳnh Như mím môi, cười: 

- Có chứ. 

Quỳnh Như lom khom pha màu. Tấm bìa cứng phết màu cầm ở tay trái, cọ cầm ở tay mặt. 

Cô bé đặt xuống cỏ, lấy bút chì tay vịn khung vải, tay kia phác vài nét trên nền vải trắng. Tôi ngồi ở phía sau, nhìn qua vai cô bé thấy đó là một vài nhánh cây với vài chiếc lá (Tôi đoán thế không biết phải có đúng không). Cô bé biết tôi nhìn nên quay lại cười. Nụ cười thật tươi làm tôi ngơ ngác một lúc. Quỳnh Như mặc chiếc Rop màu cánh cam. Hai chân thật đẹp. Tóc dài như tóc chị Nguyệt Cầm nhưng không đen bằng tóc Nấm Hương. Mắt Quỳnh Như màu nâu. Cô bé có vẻ "Tây" ghê lắm. Khi Quỳnh Như quay lại gía vẽ tôi đón thấy nụ cười đặc biệt vừa rồi của cô bé như còn ném lại phía sau. Cô bé giao: 

- Xem không được cười lén đấy nhé! 

Tôi trêu: 

- Ai mà dám cười "nữ họa sĩ". 

Quỳnh Như quay lại lườm tôi. Đôi mắt thật sắc. Tôi cười: 

- Nói đùa đấy cô bé. 

- Người ta như thế này mà dám gọi cô bé. Bộ tưởng "ông" lớn lắm chắc. 

Tiếng "ông" của Quỳnh Như làm tôi hơi nhíu mày. Mặc dầu biết cô bé nói đùa nhưng tôi không thích cách nói đùa đó, có vẻ đanh đá, mà tôi lại chúa ghét đanh đá. Tôi đáp: 

- Không lớn hơn ai, nhưng chắc là lớn hơn cô bé rồi. Phải hông? 

- Mấy tuổi mà lớn? 

Tôi hỏi lại chứ không thèm trả lời: 

- Mấy tuổi mà đòi làm người lớn? 

Quỳnh Như trợn mắt: 

- Ơi! Người ta có đòi làm lớn bao giờ đâu? 

Tôi cũng trợn mắt: 

- Sao gọi bằng cô bé lại không chịu? 

- Không chịu cô bé cũng không chịu người lớn. Được hông? 

"Được hông". Tức muốn chết chứ được. Cô bé ăn nói đến phát khiếp. Tôi giận qúa nên ngồi im. Cô bé cũng làm thinh, tiếp tục vẽ. Khi cô bé xong bằng bút chì và đang sửa lại bằng gôm tôi thoáng thấy một phía nhà nằm khuất dưới nhưng chiếc lá. Tôi nghĩ thầm: Cô bé vẽ cũng không tệ lắm. Nhưng tôi không thèm khen. Tôi đứng lên tức giận đá mấy hòn sỏi lăn trên bãi cỏ và đi lòng vòng trong khu vườn. Tôi nghĩ tới chuyện Nguyệt Cầm, nghĩ tới Nấm Hương. Không ai dám nói chuyện với tôi như Quỳnh Như. Cô bé đanh đá đến phát khiếp. Tôi tức bực đi hoài trên lối sỏi và không muốn nhìn thấy mặt cô bé "họa sĩ" đó trong khu vườn nữa. Cái giá vẽ để trơ trơ trên bãi cỏ, ánh nắng từ trên ngọn cây hắt xuống làm cho khung vải trắng đổi sang màu ngà, nét chì phác họa mờ nhạt như những vết sương trên cánh đồng xa trong những buổi sáng có nắng sớm. Cô bé đã ngồi vào trong bóng lá và đang lật xem một cuốn sách của tôi. Cô bé gan thật. Và bỗng tôi giật mình, cô bé đang lật xem tập thơ viết tay của tôi. Không dằn được nữa. Tôi nhảy tới giựt tập thơ trong tay cô bé. 

Tôi gắt lên: 

- Sách vở của người ta không được coi. Cô bé gan nhỉ? 

Quỳnh Như thản nhiên cười: 

- Không có coi sách vở, người ta coi tập thơ. 

Tôi trợn mắt: 

- Ai cho phép? 

- Không ai cho phép hết. Thấy nó ở đó thì người ta lật xem chứ bộ. 

- Sao không hỏi? 

- Hỏi ai? 

Tôi tức quá hét lên: 

- Hỏi "tôi" chứ hỏi ai. Giả vờ vừa chứ! 

Cô bé bụm miệng cười: 

- Anh Đan Trường giận người ta đấy nhỉ? 

Cô bé lại biết cả tên tôi. Như vậy là cô bé đã xem hết sách và luôn cả tập thơ của tôi rồi 

Tôi tức quá đứng ngây người không nói gì được. Chưa bao giờ tôi thấy một cô bé đanh đá như thế. Nhiều lúc Nấm Hương cũng "bày đặt" đanh đá với tôi nhưng vẫn chưa bằng cô bé này. Tôi vừa thở vừa dọa thầm: hừ, phải cho cô bé này một trận. 

Quỳnh Như chống tay lên cằm nghiêng cổ nhìn tôi nheo mắt: 

- Làm thơ hay thế mà giấu không cho ai xem hết, anh Đan Trường xấu lắm đấy nhé. 

- Tôi không biết. 

- Không biết thì người ta cũng đã xem hết rồi. 

- Coi như không có. 

Cô bé cười chúm chím: 

- Coi như không có thì đừng giận có phải hơn không? 

Giọng cô bé như cái que nhọn chọc vào tai tôi. Ức quá tôi định nói một trận cho hả dạ nhưng tôi phải bình tĩnh. Bất cứ việc gì mà không có bình tĩnh thì dễ làm trò cười cho người khác. Nhất là tôi không muốn là trò cười cho cô bé này, vì như vậy thì "ê" quá. Tôi mím môi đá mấy viên sỏi lăn trên bãi cỏ chứ không nói gì. Một lúc tôi thấy cơn tức của tôi hạ xuống và tôi thở hắt ra một hơi dài. May quá tôi đã bình tĩnh. Và như vậy tôi đã thắng được giận dữ tức nhiên tôi không sa vào "cái bẫy" ác độc của cô bé Quỳnh Như đanh đá này. Tôi cố cười, làm như quên chyện vừa rồi: 

- Sao cô bé không vẽ tiếp tục? 

- Tự nhiên không thích vẽ nữa. Để ngày mai vẽ tiếp. 

- Không nghe người ta nói: "Nếu làm được việc gì thì làm ngay không nên để sáng ngày mai. Vì như vậy sẽ tập dần tính lười biếng" sao? 

Cô bé lắc đầu: 

- Chưa nghe ai nói thế bây giờ. Mà nếu đúng thì cũng không đúng vào trường hợp này. Vì đây là chuyện "bức tranh" chứ không phải "việc làm". 

- Tranh cũng là một khía cạnh của sự làm việc. 

- Không phải. Đây là trường hợp của "nghệ thuật". Nghệ thuật khác xa đời sống. 

Gớm, cô bé lý luận như như người lớn không bằng. Tuy nhiên tôi lại thích cãi với cô bé. 

Và tôi bắt đầu nói chuyện y như người lớn. 

- Nghệ thuật cũng nằm trong sự cố gắng chung của con người đang có đời sống nghệ thuật. Bức tranh vẽ hôm nay không thành cho dù ngày mai có vẽ tiếp thì cái nhìn không còn đúng như hôm nay nữa. Ngày mai là khác hẳn hết rồi. 

Quỳnh Như nháy mắt: 

- Hay nhỉ. Anh có biết vẽ không? 

Câu hỏi Quỳnh Như ra ngoài dự đoán cả tôi. Và vì thế làm tôi ngớ ngẩn một lúc. 

Sau đó tôi đáp: 

- Tôi không biết vẽ, nhưng tôi có nhiều người bạn họa sĩ. Họ vẽ thần tình hơn cô bé nhiều. 

- Như đâu có nhận mình là "họa sĩ" bao giờ đâu? 

- Không nhận cũng phải. 

Tôi nói câu đó nhằm trả thù Quỳnh Như đấy. Cô bé cũng không kém: 

- Anh cũng không nhận mình là "thi sĩ" lại là một điều phải hơn. Thơ anh dở lắm. 

Nói xong câu đó cô bé đứng dậy sách giá vẽ đi ra khỏi khu vườn. Tôi định chạy theo đánh cô bé đanh đá ấy một cái tát cho hả giận nhưng không hiểu sao tôi đứng ì một chỗ như pho tượng. Câu nói của cô bé đúng là một câu nói của mụ phù thủy ác độc. Câu nói làm cho tôi vừa tức tối vừa xấu hổ vừa tủi thân. Tôi ném tập thơ ra thật xa trên bãi cỏ và ngồi phịch xuống đó. Tự nhiên buổi chiều buồn không tả. Tôi tự giận mình tại sao không đuổi cô bé ác độc kia ra khỏi vườn từ đầu. Tôi sực nhớ tới cánh cổng, và tôi chạy vụt đi đóng cửa vườn lại. Ngày mai. Không, bắt đầu từ bây giờ tôi không cho cô bé ấy vào vườn vẽ nữa. 

Tôi trở lại ôm mấy cuốn sách về nhà. Tôi bỏ tập thơ nằm lăn lóc trên bãi cỏ, không thèm nhặt lên. Tôi mong có cơn mưa thật to ập xuống để tập thơ bị ướt rách nát ra, không còn nhìn thấy gì nữa. Vào nhà tôi gặp chị Nguyệt Cầm ngay ở cửa. Chị hỏi: 

- Em học thuộc bài chưa? 

Tôi buồn bã gật đầu. 

- Chiều nay vườn nhà mình đẹp quá phải không? 

Tôi làm thinh bước lên thang gác. Chiều nay những bước chân của tôi nặng nề khôn cùng, và cái thang gác nằm ngắn ngủn nhỏ hẹp thường ngày tự nhiên thấy dài thêm ra. Lên phòng tôi ném mấy cuốn sách lên bàn và nằm vật xuống giường mở mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà. Tôi không hiểu sao trời lại sinh ra chi một cô bé ác độc như thế. Tôi mong cho cô bé hóa thành mụ phù thủy xấu xa kinh khiếp nhất. Xấu xa  đến  loài bọ hung cũng không muốn nhìn. 

Chị Nguyệt Cầm cũng theo lên phòng tôi. Chị ngồi xuống bên cạnh nhỏ nhẹ hỏi: 

- Em đang có chuyện gì bực mình phải không? 

Tôi lắc đầu: 

- Không có chuyện gì. Tại em mệt. 

- Em giấu chị đấy chứ. Có chuyện gì nói cho chị nghe với. 

Tôi nhất định không nói. Vì nói ra xấu hổ với chị Nguyệt Cầm vô cùng, chẳng lẽ tôi đi chịu thua cô bé xa lạ sao? 

- Em mệt thật mà. 

- Em giấu chị. Mặt em có vẻ buồn ghê lắm. 

Tôi cố cười: 

- Chứ mệt thì sao có gương mặt vui được. 

Chị Nguyệt Cầm tiếp tục dỗ dành: 

- Có chuyện gì bực mình nói cho chị nghe với. Biết đâu khi nói với chị, em sẽ hết bực mình ngay. 

Tôi vẫn lắc đầu. Tôi hỏi chị Nguyệt Cầm để lánh sang chuyện khác: 

- Chị học bài chưa? 

- Rồi. 

- Chiều nay buồn ghê chị nhỉ? 

- Tại em buồn rồi thấy buổi chiều buồn theo chứ hôm nay nắng đẹp lắm đấy. 

- Lâu quá không nhận được thư của mẹ, em muốn trở về quê nhà ít lâu. Về đó vừa học vừa dưỡng bệnh chắc tốt lắm. 

- Lúc này mẹ bận chăm nom vườn tược ruộng rẫy, sang hè thế nào mẹ cũng lên rước hai chị em về quê. 

- Mùa này ở dưới nhà chắc đẹp lắm chị Nguyệt Cầm nhỉ? 

Chị Nguyệt Cầm nhìn ra cửa sổ. Đôi mắt chị nom thật buồn. Tự nhiên tôi nhớ tới đôi mắt của mẹ tôi vì chị Nguyệt Cầm có đôi mắt giống mẹ tôi lắm. Chị Nguyệt Cầm nói: 

- Mùa này là mùa mưa. Vườn mãng cầu ở sau nhà lá xanh và bắt đầu kết trái rồi đó. 

- Sang hè chúng mình về thế nào cũng có mãng cầu chín. 

Tôi sáng mắt lên: 

- Mãng cầu già dú bằng lá sầu đâu mau chín lắm chị nhỉ? 

- Phải thắp thêm cây nhang nữa chứ. 

- Vâng, phải có thêm cây nhang nữa. Hai chị em nhìn nhau cười. Tôi nhớ mẹ thật nhiều và thương chị Nguyệt Cầm cũng thật nhiều. Và tôi không muốn giấu chị một điều nhỏ nhặt nào hết. Tôi chớp mắt lót hai tay dưới đầu mở mắt nhìn những vệt nắng chiều. Và tôi chậm rãi kể cho chị Ngyệt Cầm nghe chuyện tôi và cô bé Quỳnh Như. Cô bé thật xa lạ như những đám mây trời bay mất ngang khu vườn, nhưng để lại cho tôi một nỗi buồn đầm đìa xót xa nhất. Chị Nguyệt Cầm ngồi nghe và khi nghe xong, chị cười: 

- Em thật kỳ. Giận cô bé xa lạ ấy làm  gì? 

Tôi nghĩ cũng chả thèm giận cô bé xa lạ ấy làm gì nhưng không hiểu sao tôi cứ phải nhớ tới gương mặt, nụ cười và nhất là giọng nói đanh đá của cô bé "họa sĩ" ấy. Chị Nguyệt Cầm hỏi: 

- Cô bé ấy dễ thương lắm phải không? 

Tôi mím môi: 

- Đanh đá và độc ác như mụ phù thủy Phi Châu chứ dễ thương. 

- Em có vẻ căm thù người ta quá xá. 

- Em sẽ cho cô ấy một trận nếu gặp lại. 

Chị Nguyệt Cầm cười khúc khích: 

- Em sẽ làm sao? Ném thêm chập thứ hai nữa chăng? 

Tôi hơi ngượng vì câu nói của chị Nguyệt Cầm. Tôi không dám nhìn chị mà nhìn ra cửa sổ. Ngoài khu vườn gió xô những ngọn cây lao xao. Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Em ném tập thơ chỗ nào để chị đi tìm. 

Tôi xấu hổ đáp: 

- Ở chỗ bãi cỏ. Nhưng em nhất quyết bỏ nó ở đó mà. Chị không nên tìm làm gì. 

- Chị muốn đọc hết tập thơ của em. Sao em lại giấu chị thế nhỉ? 

- Thơ em dở lắm. Chị đọc đặng cười em đến một đời sao? 

- Ai mà dám cười "thi sĩ". 

Tôi lườm chị Nguyệt Cầm. Thật ra hành động của tôi như vậy thật là buồn cười, nhưng lúc giận Quỳnh Như quá tôi không nghĩ đến. Nếu Quỳnh Như đem kể với ai chuyện này chắc tôi chết mất. Và còn Nấm Hương nữa. Nếu chị Nguyệt Cầm đem chuyện này, kể lại cho Nấm Hương nghe chắc Nấm Hương cũng cười tôi chết mất. 

- Bao giờ thì cô bé ấy quay trở lại vẽ tiếp bức tranh? 

- Không biết nữa. Nhưng chắc ngày mai. Mà em đóng cửa vườn lúc nãy rồi. Nếu cô bé đó có đến chị đừng mở cửa nhé! 

- Sao vậy? 

- Em không muốn gặp lại cô bé ác độc ấy nữa? 

- Sao lại ác độc? 

- Như vậy là ác độc chứ còn làm sao nữa? 

- Cô bé ấy vẽ đẹp không? 

Tôi lắc đầu. Và không việc gì phải khen tài của cô bé ấy. Tôi chê: 

- Vẽ xấu lắm. Cô bé chưa biết vẽ chị ạ.Chưa biết vẽ mà người ta dám vác giá vẽ đi vẽ ngoài đường à? Cô bé làm bộ đấy. 

Chị Nguyệt Cầm cười giòn: 

- Em ghét người ta nên mới nói thế phải không? 

- Cô bé ấy đáng ghét lắm. Chị gặp sẽ như em ngay. 

- Ngày mai chị sẽ gặp. 

Tôi ngạc nhiên hỏi: 

- Làm sao chị gặp được khi em đã không cho cô ấy vào vườn. Và cổng vườn em đã đóng. 

Chị Nguyệt Cầm rùng mình, háy mắt trêu chọc tôi: 

- Eo ơi, gì mà rùn rợn thế? 

Tôi mắc cỡ với câu hỏi của chị Nguyệt Cầm. Tôi tránh tia nhìn của chị dù biết rằng chị chỉ nhìn tôi để trêu chọc chứ không có gì là ác ý. Ờ nhỉ, tại sao tôi lại có thể tức giận cô bé xa lạ ấy được. Trong khi tôi vẫn hiểu rằng chưa bao giờ tôi giận một người xa lạ. Tự nhiên tôi thấy bực bội với ý nghĩ của mình. Tôi tới đứng bên cử sổ nhìn xuống khu vườn. Từ chỗ này nhìn tới bãi cỏ tôi chỉ lờ mờ thấy bãi cỏ vàng úa, chỉ có thể phỏng chừng chỗ để giá vẽ của Qỳnh Như chứ tôi không thể nào nhìn thấy được tập thơ bìa đỏ của tôi đã ném lúc nãy. Tôi muốn trở lại bãi cỏ để nhặt tập thơ nhưng tôi nghĩ làm như vậy thì thật là xấu hổ trước mặt chị Nguyệt Cầm. Nếu chị không nhặt giùm tôi và cũng không có ai nhặt nữa hết tôi thà để cho tập thơ bị tan nát tơi tả dưới mưa. 

 Chị Nguyệt nói ở phía sau: 

- Ngày mai chị sẽ gặp cô bé ấy xem có đáng ghét như em bảo hay không nhé. 

- Đã bảo đáng ghét lắm chị không cần gặp. Em chưa bao giờ thấy một cô bé nào đanh đá và xấu xa như vậy. 

Chị Nguyệt Cầm cười khúc khích: 

- Em căm thù người ta ghê thế. 

Nói xong chị Nguyệt Cầm bước ra khỏi phòng. Khi cánh cửa khép lại thì tôi không thấy chị đâu nữa. Tôi không biết chị có xuống vườn để nhặt giùm tập thơ của tôi hay không.

CHƯƠNG NĂM

Tôi thức dậy thì trời đã về chiều. Bên ngòai nắng đã nhạt. Tôi trông thấy những ngọn cây lao xao ở dưới vườn. Tiếng chim hót trong bụi cỏ chiều nghe thật xôn xao. Tôi nằm im lặng nghe với tất cả hồn mình. Chiều nay như hồn tôi lắng xuống, êm mát, yên lành như mặt nước trong hồ không có gió. Một ngày đã qua rồi . Đã có một lúc mặt trời tắt ở phía xa thành phố. Nơi có những tháp chuông cao và những tầng cao của ngôi biệt thự vươn lên trong vùng cây lá xanh mướt. Đã có một lúc mặt trời mọc lên, ánh nắng trở dậy, háo hức quyến rũ từng bầy chim về hàng cây bên ngoài. Con đường lớn chạy ngang qua cửa nhà tôi. Tiếng chim như nghe cách một bức tường, do đó sức quyến rũ của nó càng tăng. Tôi muốn buổi chiều ngừng lại cùng với tiếng chim hót mãi không thôi. 

Có vài cơn gió từ dưới khu vườn nhỏ thổi thốc lên, lùa vào cửa phòng. Mùa Đông, cho dù những cơn gió không mang theo một hơi rét nào cũng thấy gây gây lạnh. Tôi thèm đứng trong một vùng có nắng chiều còn sót lại. Và tôi xuống nhà. 

Lúc tôi ở cửa phòng rửa mặt bước ra ngoài thì chị Nguyệt Cầm cũng từ ở ngoài vào. 

Những giọt nứơc cả buổi chiều làm da tôi như se lại. Lúc đó chắc mặt tôi tái mét. Chị Nguyệt Cầm cười hỏi: 

- Em ngủ được không? 

Tôi gật đầu: 

- Tương đối mấy ngày nay em ngủ không được. 

- Ngủ được là mau khỏe lại lắm Em nên cố gắng ngủ. 

Tôi cười: 

- Nếu lỡ em ngủ hoài thì sao? 

Chị Nguyệt Cầm lườm tôi: 

- Em chỉ giỏi cái tài nói bậy. 

Tôi ngóng ra vườn. Chẳng hiểu Quỳnh Như giờ này có đến để vẽ tiếp bức trnh hay chưa. 

Và khi thấy tôi đóng cổng không cho vào cô bé ấy sẽ nghĩ gì? Bỏ về và không bao giờ vẽ tiếp bức tranh ấy nữa. Hay cô bé ấy tìm cách vào được trong vườn mà không cần phải có ai mở cổng? Tôi không dám hỏi chị Nguyệt Cầm. Nhưng chị đã cho tôi biết liền sau đó: 

- Cô bé ấy đã đến rồi. Đang vẽ tiếp bức tranh hôm qua đó. 

- Cô bé ấy đã đến. Nhưng ai mở cổng vườn cho cô bé ấy vào, chị mở? 

Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Chị không mở. Cô bé ấy tự tìm cách vào đấy. 

- Cách nào? 

- Chị không biết được. À, có người nhờ chị đưa cho em cái này. 

Chị trao cho tôi một mảnh giấy gấp làm tư. Tô cầm mảnh giấy vừa mở ra vừa hỏi: 

- Của ai vậy chị? 

- Thì của ai mở ra đọc thì biết. 

Tôi từ từ mở mảnh giấy ra đọc: 

"Anh Đan Trường, 

Như xin lỗi anh nhé, vì chiều hôm qua anh làm cho Như giận quá nên lỡ lời. Tạp thơ của 

anh Như đã đọc hết, hay lắm. Có những bài làm cho Như chớp mắt hoài. Ngưòi ta nói chớp mắt là sửa soạn khóc đó. Anh biết không? Ước gì anh làm tặng cho Như một bài chắc Như thích thú và cảm động lắm. 

Như đang vẽ tiếp bức tranh ngày hôm qua. Bức tranh bây giờ hình như có một nét màu buồn vô tình trên khung vải. Như không hiểu tại sao. Nhưng nếu bức tranh này được bà giáo sư dạy vẽ chấm hạng nhất thì một phần nào do những bài thơ của anh gợi ý cho Như đó. 

Mong anh hãy ra vườn nhận lại tập thơ đã ném trong lúc giận dữ. "Cô bé họa sĩ" ngày hôm qua khác hẳn "cô bé họa sĩ" ngày hôm nay rồi, nghĩa là…". 

Nghĩa là tôi không hiểu rõ ràng lắm. Nhưng cũng hiểu lơ mơ. Tôi gấp mảnh giấy lại bỏ vào túi áo. Chị Nguyệt Cầm cười hỏi: 

- Cô bé ấy viết gì? 

- Cô bé ấy xin lỗi chuyện em hôm qua. 

- Vậy còn giận người ta hết? 

Tôi mím môi, gật đầu: 

- Còn. 

- Người ta đã viết thư xin lỗi thế mà còn giận được sao? 

- Giận được chứ. Có gì mà không giận được. 

- Em giận dai ghê. 

Tôi cười, đi chung quanh chỗ đứng của chị Nguyệt Cầm. Thật ra tôi không biết tôi còn giận "cô bé họa sĩ" đanh đá ngày hôm qua nữa không. Có lẽ tôi… mắc cỡ vỉ lỡ giận một cách tự nhiên vậy thì xấu hổ chết. Sau này thế nào chị Nguyệt Cầm cũng nhắc lại để ngạo tôi. Thế nên đã giận thì không việc gì lại chẳng tiếp tục. 

- Cô bé ấy dễ thương vậy mà em nói đanh đá. Chị chả thấy đanh đá tí nào. 

- Bộ chị nói chuyện với cô bé ấy rồi hả? 

Chị Nguyệt Cầm gật đầu: 

- Rồi. Nói nhiều nữa là khác. 

- Rồi sao? 

- Cô bé ấy nhờ chị đưa mảnh giấy đó cho em và xem chừng hối hận ghê lắm. 

Tôi xì một tiếng to trong miệng ra và nói thầm: Cô bé ấy chả đời nào biết hối hận. 

Chị Nguyệt Cầm nói: 

- Em ra làm hòa lại với cô bé ấy đi. Rồi nhận lại tập thơ. 

- Để làm gì? 

Chị Nguyệt cầm ngó tôi ngơ ngác. Mắt chị có vẻ buồn: 

- Làm gì thì em biết rồi. Chị làm sao biết được. 

Tôi thoáng một chút hối hận. Tại chị Nguyệt Cầm cứ hối thúc tôi hòai chứ nếu chị để im 

cho tôi một mình chắc tôi sẽ không còn giận cô bé ấy nữa và sẽ ra vườn ngay để nhặt lại tập thơ. Tôi vốn không thích nghe lời xúi của ai hết. Ai xúi tôi cái gì tôi thích ngược lại. Tôi nói lưng lơ: 

- Một chút em sẽ ra. Bây giờ chưa thích ra. Với lại em cũng mới ngủ dậy, ra đó cô bé ấy biết được thì cười em chết. 

- Cô bé ấy sẽ không dám cười em đâu. 

- Sao chị biết? 

- Chị biết chứ. Cái gì mà chị không biết. 

Sau câu nói chị Nguyệt Cầm cười ý nhị. Nụ cười của chị làm tôi xấu hổ. Và tôi ngó xuống đất di di mấy con kiến vô tội đang bò quanh tôi. Trong một khoảng khắc tôi nghe được một trái tim mình đang đập cho một cảm xúc nào đó rộn ràng trong lồng ngực. Chiều hôm nay và những buổi chiều đã qua đi với nắng trên cây thật nhạt và mặt trời sẽ đi ngủ thật đầm đà. Nhưng chỉ riêng buổi chiều hôm nay thôi tôi nghe được tiếng chim ca. Tôi ngẩng lên hỏi chị Nguyệt Cầm: 

- Chị có nghe tiếg chim hót ngoài kia không? 

Chị Nguyệt Cầm gật đầu: 

- Nghe chứ. Hình như có một bầy chim chứ không phải một vài con. 

- Một bầy chim? 

- Thì một bầy chim chứ sao. 

Tôi sung sướng như vừa có ai chấp cho tôi đôi cánh để bay. Hai chân tôi bước nhẹ tênh trên đất và tôi muốn bay ra vườn. Ôi vườn cây hôm nay ở phía nào đó, những cánh gió đang thổi về những ngọn cây lao xao trong ánh nắng nhạt đậu từng thảm trên màu lá xanh. 

- Chị có ra vườn không? 

- Chị còn phải nấu cơm nữa chứ. 

Tôi đi ra vườn nhưng cũng nói hờ với chị: 

- Em đi ra ngoài là tại em thích chứ không phải vì cô bé đanh đá ấy đâu nhé. 

Chị Nguyệt Cầm đứng trong khung cửa nhìn theo cười: 

- Cái đó chị không biết…! 

Tôi không dám nhìn lại chị và tôi biết sau câu nói là cái nhìn chế riễu. Chiều nay tại sao tôi có nhiều cái bối rối mất bình tĩnh như thế, cũng là cô bé đanh đá tôi không ưa. 

Tôi đã nhìn thấy cô bé Qỳnh Như đang lom khom trên khung vải. Hôm nay cô bé mặc chiếc Rope màu đọt chuối, màu này là màu tôi thích nhất. Trên máy tóc cô còn có chiếc khăn cột màu tím thẫm với những hoa lớn trắng. Từ xa nhìn tới cô bé như thiên thần đang dạo chơi trong khu vườn có thật nhiều đào tiên. Đào tiên thơm. Cô bé Quỳnh Như sẽ là Ngọc Nữ. Phải vậy không? Tuy nhiên nhớ buổi chiều ngày hôm qua, tôi lại ghét cay ghét đắng, cứ nghĩ cô bé là con sâu ghê tởm đang ăn lá cây trong vườn tôi. 

Quỳnh Như đã thấy tôi và cô bé nghênh cổ lên cười. Tôi tránh cái cười đó và cúi mặt bước tránh sang một đám hoa để đi theo lối khác. Tôi không thể cười vì tôi đang còn ức. Lối đi này có cái băng đá lớn do chủ nhà trước để lại. Băng rộng đến nổi tôi có thể nằm trên ấy và ngủ một cách thoải mái như ngủ ở trên một chiếc giường nhỏ. Băng đá này tôi và Nấm Hương thường ngồi ghê lắm. Phía này gần đường phố . Vườn cách con đường phía ngoài bằng một dãy rào thấp toàn là hoa tóc tiên và dây tơ hồng. Mấy hôm nay Nấm Hương đến chơi tôi thường leo rào gọi người bán kem bên ngoài mua kem ốc cho Nấm Hương ăn. Nấm Hương thích ăn kem ốc hơn kem kẹp. Tôi cũng thích ăn kem ốc. Nhưng tôi thích được nhìn chiếc miệng xinh xắn của Nấm Hương ngậm bánh. Hai hàm răng đều đặn như cườm cắn bánh ròn tan và nụ cười luôn nở trên môi. Lúc đó tôi hái hoa tóc tiên cho Nấm Hương cài lên tóc làm điệu và hái thật nhiều dây tơ hồng cho Nấm Hương bỏ vào cặp. Dây tơ hồng vàng óng tròn như cọng bún khoanh lại làm thành tổ chim rồi để viên cuội trắng lên làm trứng chim thì tuyệt. Cái tổ chim vàng này không bao giờ nở, và như vậy sẽ không bao giờ có chim bay đi. Tôi nghĩ, tất cả những gì đẹp nhất trên đời này là chuyện còn trong trứng ấp. Đó là giấc mộng chưa vỡ. Và giấc mộng chưa vỡ thì là giấc mộng của chính mình. Tôi muốn Nấm Hương giữ mãi tổ chim bằng dây tơ hồng vàng óng và trứng bằng cuội trắng tinh. Đó là giấc mộng của tôi gửi cho Nấm Hương giữ với chút ước mơ đầu đời. Nhưng tôi chưa hề nói cho Nấm Hương biết điều đó. Bởi vì nói cho Nấm Hương biết câu chuyện mất hay. Và sẽ mất tuyệt vời. Tôi muốn thời gian đứng lại tuyệt vời như mọi thứ, tôi đang om lặng và mọi thứ như đang xa ngời trong đôi mắt ngây thơ của Nấm Hương. Trong đôi mắt ấy chỉ có ngày vui và đêm trăng sao sáng. Trong đôi mắt chỉ có nắng chiều vàng chứ không có những trận mưa ngâu buồn vào tháng bảy. 

Tôi ngồi xuống băng đá mọi khi, đầu kia là chỗ Nấm Hương. Nhưng hôm nay Nấm Hương không tới, chỗ ngồi ấy bỏ trống với bài ca chiếc lá chết nằm bất động trên đó. Tại sao chiều nay tôi lại nghĩ nhiều đến Nấm Hương thế nhỉ? Có phải chăng trong hồn tôi chiều nay có nhiều đợt sóng quá làm sao động mặt hồ bình lặng những tháng qua. Tôi cần một bến bờ nào đó để ghé lại như loài rong, như chiếc hoa lục bình tím trôi lênh đênh. Phải rồi, cô bé vẽ tranh đàng kia là cơn sóng làm xao động hồn tôi bắt tôi phải bực tức giận dữ. Và tôi lại nghĩ tới Nấm Hương như một bờ đá cuội có thật nhiều cỏ xanh êm mát. Cô bé chiều nay, giờ này chắc đan ngồi trong lớp học, hai tay khoanh trên bàn, ngoan ngoãn nghe lời giảng bài của cô hay chạy sang phía bên kia ngôi chùa tĩnh mịch hái nhiều hoa như hôm nào đã khoe với tôi. 

Từ hôm khỏi bệnh đến nay, cứ dự định mãi tôi vẫn chưa tới Trường đón Nấm Hương vào giờ tan học để đưa cô bé về nhà. Tôi sẽ chở Nấm Hương chạy qua những con đường có thật nhiều bóng cây nhất là những con đường có thật nhiều bông để Nấm Hương ngắm và tặc lưỡi tiếc rẻ. Không hiểu làm sao Nấm Hương thích bông đến như vậy, gặp Nấm Hương bao giờ và bất cứ lúc nào cũng đều thấy cô bé cầm trong tay một nhánh bông. Nhiều hôm chở Nấm Hương đi một vòng qua những con đường quen thuộc nhánh bông trên tay Nấm Hương rơi mất lúc nào không hay. Tôi không thích bông như Nấm Hương mà tôi thích nhìn lá đổ. Nhất là khi tới một khoảng đường nào đó có cơn gió mạnh cuốn hút cát ở đường bay lên, và lá đổ xuống phía trước mặt như đàn bướm. Có hôm trời mưa bụi phía trên đầu, tôi nhìn lên những ngọn cây cao vút, ở đấy lá vàng mưa rớt xuống. Lá rơi không nghe một tiếng động nào và mưa không làm ướt áo. Chỉ có bụi bám trên tóc Nấm Hương thôi. À, tại sao mưa lại thích bám trên tóc con gái nhỉ? Có lẽ tại tóc con gái mềm và dài chứ không như tóc con trai cứng và ngắn ngủn. Nhất là tóc của tôi lại chả có vẻ "nghệ sĩ" tí nào. Có lẽ tôi phải để tóc dài mới được. Khi dự định đón Nấm Hương thì bắt buộc tôi phải nghĩ tới chiếc xe của tôi trước nhất. Chiếc xe cà tàng nhất thế giới. Lẽ ra nó được bỏ vào bảo tàng viện lâu rồi nhưng tôi vốn yêu quý những cái gì cũ, càng cũ chừng nào càng tốt chừng đó. Thế nên dù sợ Nấm Hương ngồi phía sau bị dằn tôi cũng thích cô bé ngồi trên đó chạy rong trên đường phố đầy nghẹt những chiếc xe Nhật bóng loáng. Tôi không xấu hổ gì hết. Trái laị còn thích thú nữa đằng khác. Chiếc xe yêu quý của tôi xấu bề ngoài nhưng tốt bề trong. Ít khi nào hư nếu hư thì chắc quăng luôn chứ chả biết làm sao sửa. Tôi thích chở Nấm Hương bằng chiếc xe có một không hai đó. Thứ nhứt vì tôi muốn như vậy, thứ hai vì không có tiền mua xe mới. Phải đợi vài năm nữa tôi đi làm cơ! Nhưng biết đâu vài năm nữa Nấm Hương sẽ lớn. Cô bé sẽ chê tôi xấu và mắc cỡ không ngồi ở phía sau cho tôi chở nữa. Thời gian phải ngừng lại đấy nhé. Nếu Nấm Hương có lớn hơn, cao hơn một chút cũng phải nắm chân cô bé ấy mà kéo lại. Tôi ghét Nấm Hương lớn lắm, lớn lên biết đâu cô sẽ không thân thiết với tôi nữa vì lớn lên con người thường đổi khác và hay quên kỷ niệm lúc đầu. Vậy Nấm Hương đứng bao giờ lớn Nấm Hương nhé. 

Tôi nghe tiếng chân bước nhè nhẹ trên sỏi. Tiếng chân có khi dẫm lên tiếng lá chết bị gẫy vụn. Tiếng chân lần đến phía tôi. Không phải chị Nguyệt Cầm. Tuy nhiên tôi cũng quay lại. Cô bé 'họa sĩ" đang nhoẻn miệng cười thật tươi. Nụ cười hiền hòa thánh thiện lắm nhưng sao cô bé lại ăn nói đanh đá như thế không biết. Nụ cười vẫn chưa làm tôi nguôi giận. Có thể cô bé… khóc thì may ra. Quỳnh Như đưa trả tôi tập thơ bằng cả hai tay nói thật nhỏ nhẹ: 

- Lẽ ra anh Đan Trường đừng giận bé như thế và cũng đừng ném tập thơ lên bãi cỏ, nhỡ trời mưa ướt hết thì Như biết lấy gì mà đền cho anh. 

Giọng nói của Quỳnh Như hôm nay sao ngọt ngào như mía lùi. Cô bé vừa nói vừa chớp mắt nom thật cảm động. Tuy nhiên tôi chưa biết phải giải quyết làm sao. Nửa muốn lấy tập thơ nửa muốn không lấy. Tôi ghét ai chọc cho tôi giận rồi tỏ vẻ ăn năn. Thà đừng chọc tôi giận có phải êm đẹp hơn không? 

- Anh nhận lại tập thơ đi. Không mất bài nào cả. May ghê nơi, mấy hôm nay không có mưa. Trời thương bé Như ghê anh thấy không? 

Chà, cô bé lại giở giọng thân mật nữa chứ. Nhưng thế này tôi phải biết làm sao đây? Chẳng lẽ giận hoài. Mà giận hoài chắc gương mặt nom khó coi lắm nhỉ? 

Quỳnh Như dúi tập thơ vào tay tôi. Tôi cầm lấy một cách hờ hững rồi lật ra xem một cách vu vơ vì tôi không biết làm gì khác hơn trong lúc này. 

Quỳnh Như đứng xủi mũi giàu xuống đất cát. Những viên sỏi bung lên văng đi như những trứng chim bị gió đẩu rơi ra khỏi tổ. 

- Anh vẫn còn giận Quỳnh Như hả? 

Tôi im lặng. Vì tôi không muốn phải gật đầu. Giận một người nào đó thì đâu có ích gì nhỉ nên luôn luôn tôi không giận ai hết. Nhưng tôi nghĩ thì được nhưng đến khi ai nói xóc tôi một câu là tôi giận ngay. Có lẽ tôi phải chìu tôi hết. Chìu cả những cái không thể nào chịu được. Đó có phải chăng là một tâm lý bệnh hoạn? 

- Như biết anh ghét Như ghê lắm. Như đâu có muốn thế. Nhưng hôm đó Như muốn đùa với anh và muốn thấy anh giận. Khi thấy anh giận Như lại sợ. Chị Nguyệt Cầm nói anh khó tánh lắm. Ở nhà chị luôn luôn chìu anh. Có phải thế không? 

Tôi bắt buộc phải trả lời: 

- Chị Nguyệt Cầm nói xạo. "Tôi" hiền nhất trên đời này. "Tôi" không khó tánh bao giờ. 

Quỳnh Như phụng phịu: 

- Bộ anh thích xưng "Tôi" với người ta lắm hả? 

- Người ta là ai? 

- Người ta là một người. Là người nào nói chuyện với anh đó. 

- Khi nào cần thiết thì xưng "tôi". 

Quỳnh như nhìn thẳng vào mắt tôi: 

- Khi nào cần thiết? 

- Khi nào "tôi" ghét người đó. 

Đôi mắt Quỳnh Như chóp nhanh. Con gái chỉ giỏi cái tài làm cho người cảm động bằng cách … chớp mắt. Dễ thường cô bé biết mắt mình đẹp nên "dọa" tôi đây. Tôi không sợ, cũng không có cảm động đâu. Đừng hòng. Tôi vẫn thường chọc cho Nấm Hương khóc nguyên một buổi mà vẫn chả cảm động tí nào. 

- Phải rồi, Như đáng ghét lắm. Như là con bọ hung xấu xa nhất trần đời mà. 

Cô bé nói như sắp khóc. Tôi bối rối lật nhiều trang của tập thơ hơn, lật hoài mà chẳng nhìn được chữ nào. 

- Có phải thế không? 

Cô bé lại bắt tôi phải giải thích. Mà tôi thì không muốn thích một điều gì cả. Có điều tôi không ghét Quỳnh Như, tôi chỉ ức cô bé đã chọc cho tôi giận thôi. Ức vì cô bé chê thơ của tôi dở. Thơ dở tức là thơ con cóc, thơ con nhái, thơ con ễnh ương, thơ con… nhiều thứ thơ lắm. Hễ khi nào nói tới là tôi ví thơ mình với một con. Tại sao cô bé lại ác độc thế, trong khi tôi vẫn định khen cô bé vẽ đẹp cho cô phải vác đồ nghề đến vườn nhà tôi vẽ hoài. 

- Anh cũng không thèm trả lời cho Quỳnh Như nữa hả? 

Tôi cười, lắc đầu: 

- Không có ghét Quỳnh Như. Chỉ ức Quỳnh Như thôi. 

Quỳnh như tươi hẳn nét mặt. Cô bé mở lớn mắt nhìn tôi hỏi: 

- Tại sao lại ức Quỳnh Như ? 

- Vì Quỳnh Như chê thơ tôi dở. 

Quỳnh Như cắn môi: 

- Không có "tôi". Anh vừa nói không ghét Quỳnh Như kia mà . 

Tôi cười: 

- Không "tôi" chứ là cái gì? 

- Bộ anh không đáng là anh Như sao?... 

- Ừ… Thì đáng là anh chứ. Người ta lớn hơn Như cả bao nhiêu tuổi lận cơ mà. 

Quỳnh Như cười khúc khích. Cô bé dậm chân kêu: 

- Xời ơi, mỏi chân ghê! 

Tôi cười xòa, mời Quỳnh Như ngồi xuống băng đá. Cô bé lém lĩnh ngồi xuống. Đúng vào chỗ ngồi của Nấm Hương, Quỳnh Như sửa lại sợi dây cột tóc, hất mấy cọng tóc lòa xòa trước trán. 

- Vườn đẹp ghê. Anh có nghe chim hót tự nãy giờ không? 

Tôi gật đầu: 

- Có chứ sao không. Chim của vườn người ta mà. 

- Anh nói hay ghê nhỉ. Bộ không thể là chim của vườn người khác sao? 

- Chim rừng không khi nào bay về thành phố. 

- Bộ bay về chơi không được sao? 

- Không được. 

- Chứ chim én đó, sao mùa xuân trở về thành phố được? 

Tôi đáp bừa: 

- Ừ, bởi vì chim én… là chim én. 

- Không phải, chim én là chim của biển, nó thường xây tổ ở ngoài biển. 

- Nhưng chim trong vườn nhà anh có phải chim én đâu. 

- Chứ chim gì? 

- Chim sơn ca chứ bộ. 

Quỳnh Như sáng mắt lên. Cô bé ngó lên hàng cây nghênh tai nghe tiếng chim hót. Cô bé cười và nói ròn tan. 

- Chim sơn ca. Xời ơi! Bây giờ Như mới biết. Thích ghê anh Đan Trường. 

- Ừ. Thích lắm. Chim sơn ca hót mới hay. 

Tuy trả lời cho Quỳnh Như như vậy chớ tôi không biết bầy chim đó có phải là chim sơn ca không nữa. Quỳnh Như có vẻ không rành về chim muông hoa lá bằng Nấm Hương chắc tôi không dám "phịa" vậy đâu. 

- Anh Đan Trường này! 

- Gì? 

- Anh hết giận Quỳnh Như rồi chứ? 

Tôi lắc đầu, mỉm cười: 

- Hết giận rồi. 

Quỳnh Như háy mắt: 

- Tại anh giận dai nên anh bị ốm hoài đó. Anh cười luôn miệng thì anh sẽ mập cho mà xem. 

- Anh không muốn làm nhà thể thao. 

Quỳnh Như cười: 

- Bộ anh muốn làm… cây tăm xỉa răng hả? 

- Anh không muốn làm gì hết, chỉ muốn làm anh thôi. 

Quỳnh Như khêu nhưng viên sỏi cho chạy vòng vòng. Gió nhẹ làm mấy cọng tóc non bay phất phơ bên má Như. Cô bé vén tóc bằng năm ngón tay trắng muốt. Tôi cũng đưa tay lên vén tóc mình. Tôi bồng bềnh như một đám rong nước trong cái hồ xao động… Chiều vàng, len dần từng khoảng cỏ trong khu vườn. Có một vệt nắng đang kéo qua mái tóc như một giải lụa mỏng, làm nổi bật chiếc khăn cột tóc của cô bé. 

Quỳnh Như có dáng ngồi hơi ngả về phía trước, hai bàn tay luôn luôn để trên đùi và hai chân im lặng trên mặt đất. 

- Cô bé vẽ xong bức tranh chưa nhỉ? 

Quỳnh Như lắc đầu: 

- Chưa. 

- Chừng nào mới xong? 

- Ngày mai. 

- Bức tranh bây giờ có thêm cái gì nữa nhỉ? 

Quỳnh Như cười: 

- Có đàn bướm, có mái nhà ngói đỏ. 

- Có… anh không? 

Quỳnh Như khúc khích: 

- Anh ngồi ở chỗ nào? 

- Anh ngồi ở chỗ bãi cỏ đó. 

- Anh đang cau mặt lại đuổi Như ra khỏi vườn mà ném tập thơ hả? 

Tôi lườm: 

- Chuyện đó cũ rồi. Không có nhắc lại. 

- Mới đó mà cũ. 

- Nhưng anh muốn nó cũ, được không? 

Quỳnh Như ngó tôi. Cô bé phải mỉm cười đánh trống lảng: 

- Mình tới bãi cỏ chơi. Như muốn cho anh coi bức tranh. 

Quỳnh Như háy mắt: 

- Nhưng đừng cười. 

Tôi đứng lên đi với Quỳnh Như. Có cơn gió từ phía sau thổi tới đùa lá khô trên mặt sỏi lăn long lóc dưới chân tôi. Bầy chim "sơn ca" đã bay ra khỏi vườn từ lúc nào tôi không hay. Bây giờ khu vườn hoàn toàn im lặng . Quỳnh Như đi chậm chậm bên cạnh tôi, cô bé cúi mặt như đang đếm từng viên sỏi. Một lúc cô bé ngẩng mặt lên hỏi: 

- Anh thích gì nhỉ? 

Tôi đáp: 

- Bây giờ anh đang thích trở về quê nhà. Chẳng biết mai mốt còn thích gì nữa không. 

- Chỉ có vậy thôi sao? 

Tôi cười: 

- Hiện giờ thì chỉ có vậy. 

- Anh không thích đi chơi ra bên ngoài, đi về ngoại ô. Thích nói chuyện, vui đùa, thích quen với một người nào đó, chẳng hạn? 

Tôi lắc đầu: 

- Anh chỉ thích đi dạo trong vườn, lang thang bên ngoài phố nếu trời mưa. 

- Còn quen với một người? 

- Người nào? 

- Ai mà biết. Anh không có bạn à? 

- Có chứ. 

- Ai? 

Tôi không biết có nên nói tôi và Nấm Hương quen nhau hay không. Nấm Hương nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng cũng như người bạn của tôi vậy. Chỉ có điều người bạn ấy hay hờn tôi kinh khủng. 

Không thấy tôi trả lời, Quỳnh Như hỏi nữa: 

- Ai vậy anh Trường? 

Tôi đáp một cách ngần ngại: 

- Nấm Hương. 

- Chắc "chị ấy" học cùng lớp với anh? 

- Không. Nấm Hương học thua anh xa lắc xa lơ. Người ta còn bé xíu cơ mà. 

- Bé… như Quỳnh Như vậy hả? 

- Gần bằng Quỳnh Như. 

- Tên cô bé đẹp ghê. 

- Bộ tên Quỳnh Như không đẹp sao? 

- Tên Quỳnh Như xấu thấy mồ. Ở nhà không ai kêu Như là Quỳnh Như 

Tôi ngạc nhiên: 

- Sao vậy? 

- Thì tại cái tên xấu chứ sao nữa. 

- Thế ở nhà gọi Như bằng gì? 

- Ở nhà Như là Loan. 

Tôi xì: 

- Cái tên dở ẹc, tên Quỳnh có phải đẹp không. 

Quỳnh Như cười : 

- Mà Như còn nhiều tên nữa lắm. Tên thánh này nhé, tên ở trường này nhé. 

- Như theo đạo thiên chúa hay sao mà có tên Thánh? 

Quỳnh Như gật đầu: 

- Như không theo đạo thiên chúa. Tại Như học trường Pháp rồi mấy bà giáo sư bắt theo đạo. 

- Thế tên Thánh của cô bé là gì? 

- Marie Paule. 

- Còn tên trường? 

- Isabelle. 

Tôi gật gù: 

- Anh không thích tên Loan mà cũng chả thích tên Marie Paule, chỉ thích Isabelle thôi. Nếu không gọi cô bé là Quỳnh Như , anh sẽ gọi là Isabelle nhé! 

Quỳnh Như gật đầu. Cô bé hôm nay thật khác xa với ngày hôm qua. Tôi có cảm tưởng Quỳnh Như mới, ngoan ngoãn dễ thương như thiên thần. 

- Anh nghĩ gì đó? 

Tôi cười: 

- Nghĩ tới Quỳnh Như. 

- Quỳnh Như làm sao ạ? 

Quỳnh Như tròn miệng sau câu nói và đôi mắt mở lớn thật dễ thương. Đôi mắt ngơ ngác như nai con ở bìa rừng. 

Tôi nói: 

- Quỳnh Như đã tắm trong suối tiên rồi hả? 

Cô bé không hiểu ý tôi nên càng ngạc nhiên hơn nữa. 

Tôi giải thích: 

- Cô bé Quỳnh Như đanh đá ấy chắc đã đổi lớp trong dòng suối mầu nhiệm nào rồi nên hôm nay mới có một Quỳnh Như dễ thương thế này. Phải không? 

Cô bé hiểu ra, xấu hổ che mặt cười. Trong một khoảnh khắc nào đó hai chân Quỳnh Như như đứng lại, ở yên trên một vùng cỏ xanh non. Và tiếng cười ấy là nắng thủy tinh vỡ xuống. Tôi mong giữ được bước chân của khoảnh khắc đó và nụ cừơi bỏ xuống cỏ xanh. Mong Quỳnh Như sẽ ở mãi trong cuộc đời với cái lớp hiền dịu này. Sẽ kông bao giờ thấy cô bé Quỳnh Như đanh đá nữa. Tới bãi cỏ Quỳnh Như chỉ vào gía vẽ khoe bức tranh. Tôi ngắm nghía một lúc rồi gật đầu khen: 

- Mái nhà đẹp lắm. Nếu cô bé chịu khó cho màu pha với lòng trắng trứng để giả làm sương mù thì những chiếc lá cây xanh kia sẽ nổi hẳn lên. 

- Anh thích có sương mù hả? 

- Sương mù là giấc mộng đấy. Quỳnh Như ạ. Anh thích sống trong giấc mộng hơn. 

- Nhưng đâu có lòng trắng trứng, phải về nhà cơ. 

Tôi lại chỉ đàn bướm: 

- Bướm sao nhiều quá vậy? 

- Một bầy mà. 

- À, một bầy cũng có nghĩa là một con. Quỳnh Như vẽ một con thôi. Con bướm cô đơn nhất trần đời trong khu vườn mùa mưa của anh ấy mà. Như vậy là anh phải vẽ một bức tranh khác. 

- Ừ, vẽ bức tranh khác đi. Bức này để bà giáo sư của Như chấm điểm. 

Quỳnh Như háy mắt: 

- Bức kia Như tặng anh để anh treo trong phòng nhé. 

Tôi gật đầu. Quỳnh Như cười: 

- Còn anh cũng phải làm cho Như một bài thơ nữa à? 

- Anh biết làm thơ nữa rồi. Thơ con cóc ấy mà. 

- Xời, anh khiêm nhường ghê! 

Tôi và Quỳnh Như ngồi xuống bãi cỏ. Gió chiều thơm mùi nắng và hương những chiếc bông hoa nở muộn. Tôi nhìn mải miết chiếc khăn cột tóc của Quỳnh Như phất phơ sau gáy như hai con bướm. Cô bé ngồi ngắt những cọng cỏ mật, mùi cỏ và mùi đất làm tôi nhớ quê nhà, nhớ mẹ tôi. Quỳnh Như nói: 

- Hôm nào mời anh lên nhà bé chơi nhé! 

Quỳnh Như kể rằng cô bé đang ở với cô rất hiền từ, thương Quỳnh Như như con và gần gũi Quỳnh Như như bạn. Cô Tuyên. Nghe Qùynh Như kể tự nhiên tôi cũng kính mến "cô Tuyên" của Quỳnh Như. Tôi hỏi: 

- Cô Tuyên còn trẻ không? 

- Cô còn trẻ lắm. Vì thế mới gần gũi với tụi Như được chứ. 

- Sao lại tui? 

Quỳnh Như cười: 

- Ơ, vì trong nhà còn có Giang , Tuyến nữa. 

Quỳnh Như kể một một hồi vè môi quan hệ bà con của cô bé mà tôi không tài nào nhớ hết nổi. Chỉ biết Quỳnh Như có bà con rất đông và cô Tuyên là người mà cô bé kính mến nhất. 

- Nhưng lên nhà chơi lỡ cô ghét anh thì sao? 

- Không có đâu. Cô hiền lắm. 

- Hiền nhưng anh đáng ghét thì sao? 

- Đã bảo không đời nào mà. Cô của bé tốt lắm, thương bé lắm, bé cũng thương cô Tuyên nhất nhà. 

Tôi cười: 

- Thôi, anh không dám đâu cô bé ơi. Anh có một con thỏ sau lưng nên không dám đến nhà ai hết, nhát là nhà cô bé. Đến lỡ Giang và Tuyết ghét anh thì sao? 

Quỳnh Như lườm: 

- Xời, đã bảo nhà Như ai cũng hiền hết! Giang và Tuyến không đời nào dám ghét anh. Hai nhỏ ấy vui tính lắm. Anh lên thế nào cũng bị hai nhỏ ấy chọc cho con thỏ sau lưng của anh đứt đuôi chạy vào rừng mất tiêu cho xem. 

- Xời ơi. Thế anh lại càng không dám đến thế nữa. 

Quỳnh Như phụng phịu: 

- Bộ anh ghét Quỳnh Như lắm hả? 

- Không phải. 

- Sao mời anh đến nhà anh lại không đến? 

- Vì sợ. 

Cô bé phỏng vấn tôi luôn miệng làm tôi không biết trả lời làm sao. Tôi đành cấu cứu với chị Nguyệt Cầm: 

- Thôi để anh hỏi lại chị Nguyệt Cầm. Nhưng hôm nào thật đẹp trời và con thỏ chạy mất đã. Có con thỏ sau lưng đi đâu nó cắn chân đau lắm cô bé ơi. 

- Xời ơi, anh nhát thấy mồ. 

Quỳnh Như nhìn trời. Cô bé nói: 

- Chiều rồi nhỉ. Như về. Mai mốt anh đến chơi nhé. Cô Tuyên sẽ mừng lắm chứ không có ghét đâu mà sợ. 

Quỳnh Như đến thu gọn giá vẽ. Tôi đứng lên tiễn cô bé ra khỏi cổng vườn. Dáng Quỳnh Như loáng thoáng trong nắng. Lúc ra đường Quỳnh Như trao cho tôi mảnh giấy ghi đại chỉ. Rồi bỏ mảng giấy vào tập thơ gấp lại. Tôi hỏi: 

- Ngày mai có tới vẽ nữa không? 

Quỳnh Như vẫy chiếc xích lô bên kia đường nói: 

- Tới chứ. 

Chiếc xích lô quẹo qua. Cô bé leo lên ngồi để bức tranh chắn phía trước mặt. Người đàn ông đạp xe đi. Buổi chiều như sắp sửa ngả hết sau lưng.

CHƯƠNG SÁU

Những ngày kể tiếp mưa liên miên. May là tôi đã khỏi bệnh hẳn chứ không thể nào cũng đau trở lại. Hôm nay có cơn mưa từ lúc sáng nên buổi chiều trời chỉ hơi u ám chứ không thể nào hứa hẹn một cơn mưa khác nữa. Tôi đứng những cửa sổ nhìn những đám mây bàng bạc trôi qua những đầu ngọn cây ở xa. Phía đó là một vùng vàng ửng nắng chiều. Nắng trải xuống những ngôi nhà cao, nóc bằng lẵng với tháp chuông nhà thờ sừng sững. Một đôi khi tôi thấy những bầy chim từ phía dưới tung cánh bay vút lên rồi túa ra từ phía. 

Chị Nguyệt Cầm đang phơi những chiếc áo cánh ngắn của chị dưới sân. Tóc chị lồng lộng theo gió và màu áo chói chang trong màu nắng vàng nhưng màu áo chị vàng hơn, màu vàng một loài lá chết khô bị tẩm thêm nước mưa. Chị Nguyệt Cầm có những chiếc áo thật đẹp. Sào kẽm hơi cao nên thỉnh thoảng chị Nguyệt Cầm phải vói lên để mặc áo. Lúc đó nom chị thật nhỏ bé, hiền từ, hơn cả người chị nữa. Lúc mắc áo xong chị quay lên bất ngờ gặp tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống, chị nhoẻn miệng cười. 

Tôi đưa tay vẫy chị. Lúc chị ngửng mặt nhì thẳng tôi thấy hai má chị ửng nắng chiều một màu hồng nhẹ và thật tươi thắm. Tôi nói lớn: 

- Nấu cơm chưa? Em đói bụng rồi. 

Chị cười và nói lại cho tôi nghe: 

- Nấu cơm rồi. Đâu có hư như "cậu" ngủ giờ này mới dậy. 

- Đâu có ngủ, em thức đây chứ. 

- Thôi, xuống nhà ăn cơm. Chị vào dọn đây. 

Nói xong chị Nguyệt Cầm chạy thoan thoắt qua quãng sân vào nhà. 

Bữa cơm đạm bạc với vài món ăn quen thuộc nhưng chiều nay tôi ăn rất ngon miệng. Chị Nguyệt Cầm cũng vui vẻ hẳn lên. Chị nói: 

- Như vậy là em đã thật sự khỏi bệnh. Chị mừng ghê nơi. 

Tôi cười: 

- Mừng chị khỏi nhắc em uống thuốc. 

Chị Nguyệt Cầm cười khúc khích sau câu nói của tôi Hai chị em vừa ăn vừa nhắc lại những kỷ niệm ngày còn ở quê nhà. Chị kể những "cái tội" của tôi gây ra mà tôi đã quên mất. Nghe chị kể làm tôi đỏ mặt vì xấu hổ. Aên cơm xong tôi đi loanh quanh trong sân nhà chờ chị Nguyệt Cầm dọn dẹp xong hai chị em đi ra vườn. Nắng như muá reo trên từng chiếc lá. Khu vườn chiều nay có rất nhiều bướm và chị Nguyệt Cầm đuổi chúng chạy quanh trên bãi cỏ. Tôi ngồi chờ chị trên băng đá. Một lúc chị quay lại ngồi xuống bên cạnh tôi vừa thở vừa cười: 

- Xời ơi, chúng bay nhanh quá chị đuổi theo chả kịp, mệt quá. 

- Hôm nào em sẽ bắt cho chị ép vào sách. 

- Có cho Nấm Hương? 

- Sao lại Nấm Hương? 

- Nấm Hương cũng thích bướm ép lắm. 

- Bắt nhiều bướm sẽ bay hết. 

- Thì bắt cho chị một con, Nấm Hương một con. Như vậy đâu có nhiều phải không? 

Tôi gật đầu: 

Không nhiều. Nhưng bắt bướm khó thấy mồ. Phải mất cả buổi của người ta. 

Chị Nguyệt Cầm háy mắt: 

- Chứ để em ngồi làm thơ phải không? 

Thật buồn cười. Hôm nào ôi nhất định không thèm làm một bài thơ nào nữa hết, thế mà hôm qua tôi đã làm một bài thơ mới. Bây giờ thì chị Nguyệt Cầm đã biết. Tôi không có gì để giấu chị nữa cả. Tôi cười: 

- Em mới làm được bài thơ mới. Chị muốn nghe không em ngâm cho chị nghe? 

- Eo ui, thì ngâm liền đi. Còn phải hỏi. 

- Mà giao trước, không có cười à nha! 

- Chị không dám cười đâu. 

Tôi ngâm chị nghe hết bài thơ. Bài thơ có đoạn nói về chị Nguyệt Cầm làm chị cảm động quá, mắt cứ chớp lia lịa. Chị nịnh: 

- Em làm thơ hay ghê. Cảm động muốn khóc. 

- Chị xạo thấy mồ. 

- Thật đó. Nhưng sao bài nào cũng buồn hết vậy? 

- Thơ buồn mới cảm động. 

- Bộ thơ vui không cảm động được sao? 

Tôi cười lắc đầu: 

- Thơ vui làm người ta cười hì nì. 

Những ngọn cây trên đầu tôi lao xao khua động. Gió theo với mùa đông sắp tàn, như những sợi chỉ căng cứa nhẹ vào gan bàn tay. Cái lạnh không rét cóng nhưng là cái lạnh làm cho hồn người ta đâm ra hoang vu, không có chỗ nào để ghé lại nghỉ ngơi cho những ngày tháng băng đi rất vội vàng. Tôi đang nghĩ là những chiếc lá trên cành cây kia đang buồn bã chào cành để sửa soạn cho một buổi sáng nào đó rơi rụng theo những thứ phải rơi rụng trong khu vườn và trong mùa đông cuối cùng này. Những chiếc lá đang nói hay chính những cành cây đang nói. Lá với cành, ai là kẻ phải tiễn chân ai? Tôi đưa tay lên đầu, với ngắt một chiếc lá vàng mân mê trong bàn tay. Chiếc lá vỡ ra với từng đường xương khô. Xương lá dã hết mùi thơm. Chiếc lá đã không còn hồn. Tôi ném chiếc lá xuống cỏ. 

Chiều nay tôi laị nhớ tới mẹ và căn nhà ở dưới vườn cây của một ngôi làng tĩnh mịch. 

Ngôi nhà maí ngói đỏ đã ngả sang màu mốc xám vì rong rêu thời gian. Phía trước là khoảng sân rộng có hai cây trứng cá lúc nào cũng sai trái vàng. Chiếc cổng có thật nhiều hoa tóc tiên và hai dãy rào xanh mứơt. Sau nhà cách một khoảng sân là ao nước. Mùa hè đáy nước trong soi rõ bóng tôi và Chị Nguyệt Cầm. Soi rõ những cành cây đang đơm trái và có hoa vàng rụng thơm cả một khoảng không. Nhà tôi đó. "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước". Tôi nhớ mẹ tôi với từng sợi tóc của người. Mấy năm không trở về chắc tóc mẹ tôi đã có sợi bạc. Mùa này ở quê nhà những cơn mưa bắt đầu trong tháng tư. Tôi như nghe rõ lại tiếng lao xao của vườn mía Ngay bên hông nhà. Tiếng giọ nhau của bầy chim vào vườn mãng cầu hái trộm trái chín. Và ở khoảng sân sau tiếng rơi nhẹ nhàng của từng chùm sầu đông đang chín rụng. Tôi quay qua hỏi chị Nguyệt Cầm: 

- Chị nhớ mẹ không? 

Chị Nguyệt Cầm chớp mắt: 

- Nhớ muốn khóc. 

- Em nhớ mẹ, nhớ quê nhà, nhớ chiếc cầu ao của nhà mình soi bóng nước. Nhớ đủ thứ hết. Mùa này những cơn mưa tới từ tháng tư. Lũ sáo con trong vườn cau đã nở. Em nhớ tiếng kêu của chúng lần theo gió sớm. 

- Còn chị nhớ những trứng gà chói chang trong nắng. 

- Còn còn vườn mía Ngự? 

- Ừ, chị nhớ hôm nào có gió to mía ngã hàng loạt. Mẹ xót xa lắm nhưng chị em mình lại thích vì co bạn để cho bạn bè. 

- Em nhớ hết. 

- Chị cũng nhớ không thiều một thứ gì. 

Tôi chớp mắt: 

- Ngày mai em về quê nhà. 

Chị Nguyệt Cầm ngạc nhiên: 

- Ngày mai em về quê? Không đợi đến hè sao? 

Tôi lắc đầu: 

- Em không đợi đựơc nữa. Em chỉ về chơi vài ngày thôi. 

- Về bất ngờ như thế mẹ rầy làm sao? 

- Mẹ không rầy đâu. 

Chị Nguyệt Cầm chớp mắt: 

- Chờ hè chị về với. 

- Em thích về bây giờ. 

- Về một mình? 

- Về một mình. Chị phải ở lại trong chừng nhà. 

Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Muốn chị đi cũng không đi đựơc. 

Làm chị khổ thê! Bầy chim lại bay vào vườn. Chúng chia nhau từng cành cây ca ríu rít. 

Nắng chiều vàng lững trên những mái ngói xa. Con đường im vắng như trong mùa thu. Người ta không còn nghe thấy tiếng xe cộ, tiếng huyên náo của sinh hoạt trong khu phố nữa, mà chỉ còn nghe tiếng lá chết rơi đâu đó. Ngày mai tôi trở về quê nhà, trên chuyến xe sớm nhất. 

Chị vào nhà một chút. 

Chị Nguyệt Cầm đứng lên đi khuất dưới hàng cây. Tôi trở lại bãi cỏ thường ngày vẫn ngồi, ít chiều nằm rãi rác quanh đây. Tôi thẫn thờ nghĩ rằng cô có nên viết thư cho Nấm Hương biết tôi về hay không, sợ cô bé ấy một hôm nào đến nhà chơi không gặp rồi lại giận. Và còn Quỳnh Như nữa. Cũng phải báo tin cho cô bé ấy biết chứ. Nghĩ loanh quanh một hồi tôi lại bỏ ý định ấy. Tôi muốn rời thành phố này hết sức âm thầm, ngoài chị Nguyệt Cầm của tôi ra sẽ không còn ai biết nữa hết. Về quê nhà trong mùa mưa, tôi thấy lòng nao nao không biết bao nhiêu là cảm gíac. Tôi có thể hình dung ra cơn mưa đang đổ xuống khu vườn nhà tôi, cái âm thanh lồng lộng ấy không lúc nào ngớt, không lúc naò làm tôi quên được. Tôi thèm đi lại trên những con đường cũ, thèm nghe lại giọng nói hiền hòa của mẹ tôi, thèm tắm lại một buổi trưa nắng gắt trên con sông êm đềm chảy qua làng. Ngày mai tôi trở lại quê nhà. Sẽ còn những gì và sẽ còn mất đi những gì nới ấy. 

Tôi nằm xuống bãi cỏ nhìn những đám mây kéo qua. Có một cánh chim trời dạt theo với sức gió, xuôi theo đường mây. Tôi muốn được làm con chim đó. Và muốn đám mây kia sẽ xuôi về với quê nhà, sẽ có mẹ tôi đứng chờ bên cầu ao. Tôi muốn mỉm cười, nghĩ tới một câu chuyện thần tiên nào đó. Một lúc tôi thấy chị Nguyệt Cầm trở ra vườn, chị trao cho tôi mảnh giấy học trò. 

Chị nói: 

Lúc sáng Nấm Hương có ghé, nhờ chị đưa cho em. 

Tôi cầm mảnh giấy hỏi: 

- Nấm Hương đi đâu mà ghé? 

- Hình như đi mua sách. Chị thấy cô bé ôm rất nhiều sách. 

- Nấm Hương ghé lâu hay mau? 

- Ghé có tí xíu. 

Tôi mở mảnh giấy gấp làm tư ra đọc: 

Anh Đan Trường ơi ời. 

Người ta đi mua sách tiện đường ghé nhà chơi mà anh lại ngủ khòe. Chắc là thức đêm gạo bài ghê lắm hả? 

Chiều nay tới trường đón Nấm Hương nhá. Bây giờ Nấm Hương về. Đi lâu quá mẹ la à. "Mắt huyền nhung đen". 

Nấm Hương hôm nay điệu ghê, bài đặt ghi cuối thư là "mắt huyền nhung đen" trong bài "Cô láng giềng" của Hoàng Quý. -Xời ơi, mắt huyền nhung đen! Tôi cười khúc khích. Chị Nguyệt Cầm hỏi: 

- Vui lắm phải không? 

Tôi cười to hơn nhưng không trả lời chị Nguyệt Cầm. Tôi gấp mảnh giấy lại bỏ vào túi, "bỏ mắt huyền nhung đen vào túi đấy". Tôi quay nói với chị Nguyệt Cầm: 

- Em đi ra phố một chút. 

Chị Nguyệt Cầm háy mắt: 

- Thật không, hay đi tới trường hay bên cạnh ngôi chùa? 

Tôi lắc đầu quầy quậy: 

- Trường nào mà có ngôi chùa? 

- Em giả vờ nhé, trường nào có "mắt huyền nhung đen" học ấy. 

Nghe chị Nguyệt Cầm nói mà tôi muốn xỉu. Thì ra chị đã biết hết mà rồi lại cố giấu quanh. Tôi xấu hổ chạy vào nhà. Chị Nguyệt Cầm còn cố cười trêu ở phía sau lưng. Khi tơi dẫn chiếc xe cà tàng của tôi ra đường bỗng nhiên tôi trông thấy một vài đám mây đen đang keó về ngang bầu trời, hình như để sửa soạn cho một cơn mưa. Tôi nghe có cơn gió lùa tới gom hết lá cây trên mặt đường cuốn bay lên. Dãy phố phía trước mặt nom tối xám khi mất đi những vệt nắng chiều óng ả lúc nãy. Tôi nghĩ phải chạy thật nhanh tới trường Nấm Hương, chạy nhanh trước cơn mưa sẽ kéo tới. Tôi đạp xe và van vái thầm cho chiếc xe đừng chết máy dọc đường. 

Tôi tới trường vừa lúc cơn mưa trút xuống. Tôi dựng xe ở lề đường chạy vào sân chùa đứng nấp dưới một bóng cây lớn. Còn mười phút nữa sẽ tan học. Cánh cổng sắt kia rồi sẽ mở ra, những đàn bướm trắng sẽ bay túa ra đầy đường. Tôi chỉ đợi một cánh bướm duy nhất mang tên Nấm Hương mà thôi. Cố bé chắc đang ngồi chống tay nhìn cửa sổ ngắm mưa, hàng liễu đang rũ lá hứng những giọt nước trong vắt thơm ngát từ trên trời xuống như những giọt thủy tinh. Phải không? Nấm Hương có bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn ra ngoài ô cửa ngắt cho tôi vài chiếc lá liễu. Hay Nấm Hương đang buồn và những sợi kia là những sợi tơ đang chùng xuống lòng cô bé. Không, tôi không muốn thấy Nấm Hương buồn, cho dù nỗi buồn nhè nhẹ như tiếng mưa đang đổ trên cành lá quanh đây. 

Trước mặt tôi bây giờ hàng cây bông xám, đứng im sững và nhòa nhạt trong màn mưa. Những chấn song rào sắt của ngôi trường hình như cũng đang tung theo hơi gió dồn tới. Khoảng sân vắng ngắt kéo từng làn bong bóng nước chạy tới chân tôi vừa vặn vỡ tan. Tôi gặp những chiếc lá vàng úa nằm chênh vênh trên những chắn song sắt đỏ. Những chiếc lá cuối cùng rồi đó. Mùa đông sắp sửa ra đi. Đi khỏi một lần nữa trong thành phố này. Những chiếc lá kia có muốn nhắn nhủ gì không? Và cả đến mùa đông nữa, có muốn vẫy tay chào? Tôi mỉm cười và thấy lòng muốn khóc. Ngôi chùa này tĩnh mịch và rộng lớn quá. Đây là lần đầu tiên tôi bước vào, đứng chỗ này. Kia là những bậc tam cấp nối dài như chiếc cầu bắc lên thinh không. Tôi muốn lên đứng đó nhìn xuống bao quát hết ngôi chùa. Nhưng mưa lớn quá, ra khỏi chỗ nấp này sẽ trở thành… Người đi trong mưa gió ngay. Và lúc gặp Nấm Hương chắc tôi đứng rét run như con mèo ướt. 

Sáu giờ, tiếng chuông reo vang. Mưa vẫn không ngớt hột. Cánh cổng sắt mở ra với những chiếc áo mưa nhỏ nhắn đứng ở bên kia đường như những cánh bướm màu sắc của mùa mưa. Có những cô bé chạy băng qua đường để vào sân chùa, họ chia nhau từng bóng cây gọi vẫy cươì đùa như bầy chim bay lạc vào vườn. Tôi cũng vừa trong thấy Nấm Hương đứng dưới gốc cây, đôi mắt ngơ ngác nhìn sang hàng cây đầu ngã ba. Cô bé không dám chạy băng qua đường. Tôi rời chỗ nấp chạy sang vẫy gọi Nấm Hương. Cô bé thấy tôi nhoẽn miệng cười. Mái tóc ướt đẫm nước mưa, chiếc cặp trên tay như nặng hơn thường ngày. Tôi giành lấy chiếc cặp nặng nề ấy và cầm tay Nấm Hương băng trở lại sân chùa. Những giọt nước mưa không ngớt bắn lên, như tiếng reo vui của tôi lúc đó. Nấm Hương vừa chạy vừa thở vừa nói: 

- Tưởng trời mưa anh không thèm tới đón để Nấm Hương về một mình chứ! 

Tôi buông tay Nấm Hương ra, vuốt nước trên tóc tôi: 

- Anh thích trời mưa, càng mưa anh càng tới đón Nấm Hương hơn bao giờ. Cô bé sợ không? 

Nấm Hương cũng vuốt tóc mình, cười: 

- Sợ gì cơ? 

- Sợ trời mưa. 

- Nếu có một mình thì Nấm Hương sợ. 

- Sợ tiếng sét đánh phải không? 

- Sợ nhiều thứ lắm. 

Tôi cười: 

- Sao lúc nãy Nấm Hương không băng qua đường? 

- Trời mưa đường trơn, Nấm Hương sợ ngã. Tụi bạn của Nấm Hương bị ngã hoài. 

Nấm Hương chợt hỏi: 

- Sao anh chạy nhanh mà không ngả nhỉ? 

- Tại anh lớn hơn Nấm Hương. 

- Làm người lớn chắc thích anh lắn nhỉ? 

Tôi lắc đầu: 

- Làm người lớn buồn lắm Nấm hương ạ! 

- Sao lại buồn? 

- Bởi vì người lớn sẽ không bao giờ trẻ dại như mình mong muốn. 

Sau câu noí chắc mặt tôi se lại nom buồn thảm lắm nên Nấm Hương nhìn tơi, bối rối đầy trong đôi mắt ướt nước mưa. Nấm Hương nói thật nhỏ: 

- Vậy Nấm Hương không làm người lớn đâu. Nấm Hương muốn trẻ dại hoài. 

Có cơn gió mạnh lùa tới, lùa cả những giọt nước tạt vào mặt tôi và mặt Nấm Hương. Bây giờ tôi chợt nhìn đến đôi môi tái nhợt của cô bé. Tôi thấy Nấm Hương co ro hơn bao giờ, co ro hơn con mèo của chị Nguyệt Cầm mấy hôm bị mưa chạy lên phòng tôi. 

- Nấm Hương lạnh không? 

Cô bé cười, lắc đầu: 

- Anh có lạnh không? 

Tôi cũng lắc đầu. Thật ra tôi cũng thấy da mặt mặt mình tái đi. Cái lạnh như cây kim đi vào da thịt. Tôi cũng biết Nấm Hương đang lạnh, nhưng cô bé "làm tàng" bảo là không lạnh. 

- Đố Nấm Hương biết mưa có lâu không? 

Nấm Hương nhìn mưa một lúc rồi nói: 

- Mưa to như thế này chắc lâu lắm mới tạnh. 

- Sao vậy? 

Tôi cười: 

- Tại vì anh thích mưa, và thích nhiều thứ khác trong cơn mưa nữa. Nhiều thứ khác? Nấm Hương không hiểu. 

- Bộ bây giờ Nấm Hương còn bé lắm hả? 

- Chứ Nấm Hương lớn với ai. 

Nấm Hương phụng phịu: 

- Anh làm tàng quá ơi. 

- Người lớn thì phải làm tàng chứ sao. 

Nấm Hương dậm chân: 

- Nhưng Nấm Hương có sợ đâu. 

Nấm Hương lặng lẽ vuốt tóc. Đôi mắt Nấm Hương như trôi lờ đờ trong màn mưa. Đôi mắt rực rỡ, đen nhánh tưởng có thể soi mặt tôi trong ấy. Đôi mắt là hai bầu trời vì sao của tâm hồn. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó. Câu nói là cho tôi mỉm cười. Đôi mắt của Nấm Hương hơn thế nữa, là hai vì sao sáng nhất soi vào tâm hồn tôi, nơi có những vùng buồn quằn quại nhất. Đôi mắt ướt đẫm nước mưa, càng làm cho hai viền lông mi của Nấm Hương cong dài thêm. Đôi mắt ngơ ngác dại ngờ ấy mỗi lần giận tôi thì phải biết. Tôi không thích đôi mắt ấy biểu lộ một sự giận dữ. Cứ để đôi mắt ấy dại khờ như mắt chim và cứ khóc cho những giọt nước mắt mang hết niềm mến thương để tôi nhớ suốt đời. 

Tôi định sẽ nói cho Nấm Hương nghe chuyện tôi sẽ về quê vào ngày mai nhưng rồi lại thôi. Cứ để im lặng như thế cho Nấm Hương bất ngờ chơi. Và nếu một hôm nào đó Nấm Hương bất ngờ lại chơi, cô bé sẽ ngạc nhiên vô cùng khi thấy căn phòng thật vắng, khu vươn thật vắng, cưả nhà thật vắng. Lúc đó tôi đang nằm trong vườn mía Ngự ở quê nhà, nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa trong vườn dừa âm u tĩnh mịch. Lúc đó có một nỗi nhớ tuyệt vời trong sự im lặng tuyệt vời. Tôi thích như vậy, và không bao giờ (hình như thế) tôi nói cho ai nghe một dự định nào của tôi cả. Có phải chăng chính những điều đó đã làm tâm hồn tôi chùng với những đường tơ khó khăn nhất. 

- A, anh đang… làm thơ âm thầm hả? 

Tiếng reo của Nấm Hương làm tôi nhớ lại cơn mưa nãy giờ tôi đã "bỏ quên" để đuổi theo ý nghĩ riêng tư của mình. Tôi cũng quên ngay là cô bé Nấm Hương bên cạnh. Tôi cười trong khi tay với những giọt mưa: 

- Nấm Hương xạo, làm sao biết anh làm thơ… âm thầm hả? 

- Xời ơi, Nấm Hương đâu phải là thi sĩ như anh. 

Cơn mưa tự nhiên như ngưng lại. Những chiếc bóng nước dưới chân tôi và Nấm Hương cũng vỡ hết. Tôi đưa tay ra và nói: 

- Sắp hết mưa rồi. Mình qua công viên chơi. 

Tôi nắm tay Nấm Hương đi ra khỏi ngôi chùa. Bên ngoài đường lá cây chợt đổ xuống và gió bây giờ mới nghe lạnh. Nấm Hương co ro như con mèo nhỏ, "con mèo ngái ngủ trên tay anh" như một câu thơ tôi vẫn hằng nhớ. Bên ngoài đường bây giờ, hay ở trong âm hồn, mọi người chắc hẳn cũng dịu lại, những buổi bực dọc và bao khó khăn đều lắng xuống, xuôi chảy theo cơn mưa. Hai hàng cây bị gió lùa lao trút những hạt nước còn đọng lại xuống mái tóc Nấm Hương. Những giọt nước trong như pha lê đọng trên dòng suối đen huyền. 

Tôi và Nấm Hương đi chầm chậm trong công viên. Những chiếc lá vàng sau cơn mưa bị ướt nên rơi xuống vội vàng không đợi ngày mai. Tôi hát nho nhỏ bài "Vườn thu" của Văn Thủy. Cùng với tiếng hát của tôi, Nấm Hương yên lặng bước và hình như tất cả xung quanh đều im lặng. Nỗi im lặng bước tuyệt vời như thời gian đang đọng lại dưới gót chân và Nấm Hương như con chim nhỏ bé hơn bao giờ ở trong khu vườn mùa mưa.

CHƯƠNG BẢY

Quận Bình Đại có ba ngôi làng kề nhau. Giồng Trên, Phú Giang và Lộc Thuận. Tôi ở làng Phú Vang, một ngôi làng bé nhỏ, nghèo nàn nhất của quận ly. Nhỏ bé nghèo nàn đến nỗi chỉ có một cái chợ "chồm hổm" và một ngôi trường sơ học. Trường có ba lớp, lớp năm, tư và ba. Vách gỗ mái lợp lá, nền đất, xây liền bên nhau, mỗi lớp cách một tấm vách gỗ, đứa này đồng đồng" đứa kia thì vừa vặn trông thấy hết những dãy bàn ghế lem ố vết mực, những khung cảnh bám bụi, ông thầy giáo và đám học trò "lớp nhỏ" hơn mình. Tôi học lớp ba, lớp cao nhất của bậc sơ học. Cuối năm đó thầy Hoàng lập một danh sách gồm những đứa học sinh giỏi để đưa xuống làng Lộc Thuận thi vào lớp thì vào lớp nhì của ngôi trường Tiểu học làng này. Nếu thi đậu thì được cấp mảnh bằng Sơ Học và đương nhiên được lên lớp nhì. Dĩ nhiên đó là niềm mơ ước lớn nhất của mẹ tôi và của tôi lúc bấy giờ. 

Suốt từ lớp năm cho đến lớp ba tôi đều đứng bản danh dự. Nếu tháng nào kém lắm thì cũng tụt xuống hạng ba, rồi leo lên. Ranh đua ráo riết trên bảng danh dự chỉ có ba đứa: Nguyễn Quang Thuận, Trần Thị Ngọc Vệ đứng về nhì và tôi đứng nhất. Vệ ở làng Giồng Trên, tôi và Thuận ở Phú Vang. Nhà lại gần nhau nên chơi thân nhau hơn những đứa khác. Lớp tôi có khoảng 40 đứa, vừa con trai vừa con gái. Thế mà hôm làm danh sách đi thi sơ học thầy Hoàng chỉ có kêu 30 đứa. Ngót 10 đứa phải ngổi lại chờ năm sau. Tôi, Thuận và Vệ được kêu đầu. Đứng sắp hàng trên khoảng sân cỏ rực nắng, tôi không khỏi hảnh diện thầm khi bên ngòai đường đông nghẹt "phụ huynh học sinh" đến chúc mừng cho con mình trước khi theo thầy ứng thí. Dĩ nhiên trong đám đông ấy có mẹ tôi. 

Thi sơ học hồi đó quan trọng lắm. Trường tiểu học Lộc Thuận cũng có tổ chức một hội đồng giám khảo với những thứ kỷ luật khắt khe. Chúng tôi phải thi 3 ngày, mỗi ngày hai buổi phải theo thầy đi, về trên con đường đất dài hơn cây số. Chỉ có bổi trưa đựơc ở lại nhưng không ở trong trường. Chúng tôi phải mang tập vở ra ngoài những hàng cây ngồi học và ăn cơm trưa tập thể ngoài chợ mà thầy đã đặt trước. Dĩ nhiên chúng tôi phải góp tiền cho thầy trước khi đi thi. Mặc dù thân nhau nhưng Vệ là con gái nên  chỉ có tôi và Thuận đi chơi chung với nhau, ngồi chung với nhau một bóng cây để học bài và "trắc nghiệm" trước những câu hỏi thường thức hoặc "dò" giùm nhau bài "Rè xi ta xi ông" cho đến khi thuộc làu làu. Nhà Thuận giàu nhất làng, kế đến nhà Vệ. Nhà tôi thì bét hết hơn những đứa bét. Ba tôi lại ở mãi Sài Gòn nên chỉ có hai chị em tôi và mẹ sống trong cảnh túng bần thường xuyên. Tiền học tiền cơm đóng là do mẹ tôi chạy vay ở người cậu. Giấy, bút mực, thước đi thi tôi mượn của Thuận. Vệ cũng mua cho tôi máy viên mực tím với cái ngòi viết lá tre dúi vào tay tôi lúc sắp hàng tan buổi học cuối cùng của mùa hè. Năm đó tôi đúng 8 tuổi, cùng tuổi với Nguyễn Quang Thuận. Còn Trần Thị Ngọc Vệ phải chờ tói tết mới tròn 7 tuổi. 

Vào cái tuổi đó, tình cảm chỉ là ý niệm của trẻ con, xảy đến hay tan đi của mối giận hờn. 

Trần Thị Nọc Vệ là đầu dây mối nhợ để tôi và Thuận giận nhau khi đứa này cảm thấy "con nhỏ" thân với đứa kia hơn tân với mình. Nhưng giận hờn chỉ đến trong một lúc nào đó rồi quên ngay. Tôi và Thuận lại chơi thân với nhau để "trả thù" Trần Thị Ngọc Vệ. May mắn cho tôi, Thuận và Vệ được thi chung lớp. Nhưng phải ngồi rất cách xa nhau. Lớp tôi điều khiển bởi một cô giaó. Mà mãi sau này tôi mới biết tên cô ấy là cô Tròn. Suốt ba ngày thi, sáu buổi phải hồi hộp, lo âu với cô Tròn. Và một tháng chờ tin kết quả có lẽ tôi là người buồn thảm nhất. Bởi vì bài toán thi vào ngày cuối cùng tôi làm sai mất những hai câu chót. Tôi không hy vọng. Trong khi đó Thuận và Vệ tin tưởng vì cả hai làm đúng y boong như bày giải của thầy. Trong một tháng đó tôi ít đi chới với bạn bè, mặc cảm đầy người và có khi nghĩ tới lúc mình thi rớt tôi khóc mùi. Có lẽ vì những giọt nước mắt lo sợ ấy đã làm "bà Tiên" nào đó cảm động hay sao mà ngày kêu kết qủa thì tôi vẫn có tên. Đứng mãi ở hạng 20 trong số 30 đứa đi thi. Tôi cho là phép lạ, nhưng đậu sơ học để lên lớp nhì trường Lộc Thuận là hách lắm rồi. Mẹ tôi còn mừng hơn tôi nữa, và bà phải đi mua một nải chuối về cúng… ông Địa. Lúc mẹ tôi lâm râm khấn vái, tôi và Thuận phóng qua rào vừa chạy vừa cười. Nghĩ rằng chút nữa ông Địa về xơi nải chuối chỉ có Thuận, tôi với thằng bạn vừa thi đỗ. 

Lên lớp nhì Vệ học với cô Tròn, tôi và Thuận học lớp của thầy Sĩ. Vì hai làng cách xa nhau bởi một con đường dài hai cây số nên tôi phải ở lại buổi trưa lấy cơm trong ngăn gà mèn ra ăn. Vệ không biết đi xe đạp nên cũng phải mang cơm theo. Chỉ có Thuận mới sắm được chiếc xe đạp tốt nhất làng mới về nhà vào buổi trưa thôi. 

Nhà tôi nghèo nên thức ăn của tôi thường xuyên là tép rang dừa với hai trái chuối xiêm. Bữa nào "gồ" nhất là tép nấu canh chua với bông sua đũa. Lớp tôi cách lớp Vệ một tấm vách gỗ. Lúc ăn cơm Vệ thường leo lên bàn chuyền cho tôi mấy cục thịt gà kho mặn với rừng thái mỏng, tôi cũng phải đứng trên bàn thầy với lấy. Hai đứa đôi khi với phải bàn tay của nhau, ngơ ngẩn một lúc rồi cười khúc khích. Thời gian cứ thế mà rơi vèo vèo như những chiếc lá bên ngoài cửa lớp. Cuối năm lớp nhất đậu xong tiểu học tôi, Thuận và Vệ học chung lớp Tiếp Liên để sửa soạn thi vào đệ nhất trường tỉnh. Thời gian này Vệ đã biết mắc cở khi bắt gặp cái nhìn bất ngờ của tôi trong lớp học. 

Cuối năm lớp Tiếp Liên, trường tôi có tổ chức một đêm trình diễn văn nghệ. 

Theo lời ông hiệu trưởng đêm đó sẽ có ông hiệu  trưởng tới chủ tọa, và mời tất cả phụ huynh học sinh tới xem, đêm trình diễn văn nghệ sẽ là đêm thi đua cho các lớp lớn (lớp nhì, lớp nhất và lớp Tiếp Liên) và sẽ chấm điểm. Nếu lớp nào suất sắc nhất sẽ được  ẵm giải thưởng do ông Quận trao. Trước khoảng hai thầy giaó, cô giáo, đều làm một cuộc tuyển chọn… tài tử cho lớp mình. Lớp tôi là lớp Tiếp Liên (lớp cao nhất của bậc tiểu học, đàn anh của trường). Tôi học thầy Phi. Sáng hôm đó thầy kêu đưa tay tình nguyện. Không ai dám đưa tay. Thầy kêu bạn bè thấy ai có khả năng thì đề nghị. Tối có biệt tài ca… vọng cổ, ca rất mùi, nên được bạn bè đề nghị. Mới đầu tôi cũng làm bộ, từ chối e lệ, lắc đầu nhưng sau đó vì sự đề nghị quá hăng hái và thầy cũng đồng ý nên tôi… chịu. Tôi và hai đứa bạn nữa được công nhận là tài tử của lớp: Tấn, học dốt nhưng có tài làm… hề. Vua chọc cười lớp học. Đạt, học khá, có biệ tài… đá banh. Chuyên môn đi "a le de". Ba tài tử gạo cội của lớp Tiếp Liên, một vở kịch được chép ra mỗi người một bản, học thuộc lòng. Vở kịch mang tên "Chống nạn mù chữ", gồm có ba vai. Người cha (dốt say rượu tối ngày). Người chú (cũng dốt nhưng không uống rượu). Và người con biết đọc chữ quốc ngữ. Tôi "được" đóng vai… người con. Tấn đóng vai người cha, Đạt đóng vai người chú. Như vậy cũng chắc ăn lắm, thầy tôi bèn chọn bên con gái để đóng thêm một vở kịch nữa. "Đừng bỏ ruộng hoang". Bên phía con gái đông hơn. Có những… năm tài tử: Hiệp, Vệ, Thơm, Aùnh Nguyệt. Chiều thứ baỷ và chiều chủ nhật nghĩ học chúng tôi phải tới nhà thầy tập kịch. Thầy vừa làm soạn giả kiêm luôn đạo diễn. Chúng tôi răm rắp nghe lời thầy từ một cử chỉ nhỏ, một câu nói lớn. Tập đi tập lại suốt hai tuần thầy mới vừa ý. 

Nhưng cũng vừa đêm trình diễn. Bên phía tôi, chỉ có Tấn là đóng xuất sắc. Đạt thì tạm được. Còn tôi chỉ có biệt tài… ca vọng cổ sáu câu thôi. Thầy không cho tôi… ca cứ bắt tôi đóng kịch. Lại đóng vai làm con. Mỗi lần "tập là mặt tôi cứ đỏ rần rần lên vì… mắc cỡ. Nhất là phải kêu Tấn bằng cha và đánh vần câu "thuốc giết chuột" theo điệu ABC. Bên bọn "tài tử" con gaí đứng phía ngoài luôn luôn chĩa mõm vào. Vệ hay che miệng cười. Tôi cống cả chân tay nói không ra tiếng cũng vì nụ cười đó. Đến lượt con gái. Chúng tôi phá lại. Tôi cũng che miệng cười khi Vệ cằm cái cuốc cùn khom lưng bổ xuống đất hát "Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu". Sau mỗi buổi tập kịch, trên đường về nhà, không có thầy, tôi được dịp "trả thù", nụ cười của tôi và Vệ phải phát khóc. Vệ cũng rất mau nước mắt và cũng dai. Khi Vệ chưa khóc tôi hăng hái bao nhiêu thì Vệ khóc tôi lại ân hận bấy nhiêu. Vệ khóc tôi làm thinh. Xốn xang trong lòng nhưng không biết nói gì cả. Mãi đến khi hai đứa chia tay ở dưới gốc cầu tôi cố gắng lắm mới lí nhí xin lỗi Vệ một tiếng. Vệ lại không thèm trả lời. Nguýt tôi một cái thật dài rồi bước thẳng. 

Buổi chiều trước đêm trình diễn. Chúng tôi "diễn thử" cho toàn trường xem và ông Hiệu trưởng cùng các thầy, các cô phê bình. Lớp tôi diễn trước tiên. Và vở kịch "Chống nạn mù chữ" được thầy chọn đầu tiên. Lần thứ nhất bước ra sân khấu. Tôi nhìn xuống đám đông và… khớp. Hàng đầu có ông Hiệu trưởng, thầy giáo, cô giáo. Phía sau bọn nhóc cùng trường. Chúng tôi bước la loạn cả lên. 

Đêm trình diễn văn nghệ tổ chức long trọng. Một dãy lớp đựơc gỡ vách ngăn bàn ghế của học trò khiêng để cả ngoài sân dành chỗ trống để kê những chiếc ghế dài có phụ huynh học sinh ngồi. Trong sân trường đèn bóng xanh đỏ giăng mắc tứ tung. Sân khấu được trang hoàng thêm tấm màn nhung xanh rờn màu lá mạ. Những tấm sơn thủy lòe loẹt và có cả mi-rô. Hầu hết những thứ đó đều mượn của ban văn nghệ ở quận từ buổi chiều, các "tài tử" đã tập trung tất cả nhà thầy. Diễn lại một lần chót. Nghe ông Hiệu trưởng dặn dò đủ thứ. Sau đó mới kéo nhau đến trường. Khỏi nói, lúc đó các "tài tử" hách đến bậc nào. Tơi luôn luôn ôn nhẩm lại trong óc những câu mà mình phải đối đáp trong vở kịch. Sợ lên sân khân khấu khớp quá rồi quên. Bên phía tôi thì tỉnh ghê lắm. Nhưng bên con gaí thì thật "ồn ào" như bắp rang về chuyện vở kịch "Đừng bỏ ruộng hoang". Sân trường hôm nay chật ních bọn nhóc tùy. Thấy các "tài tử" vào phòng riêng để trang điểm, làm một bộ râu cho "gìa" hẳn đi. Bên phía con gái đứa nào cũng đánh phấn tha son cứ y như là hát cải lương. Tôi đứng nép một bên cửa lén nhìn trộm Vệ, "con nhỏ"  ăn mặc theo lô cô "thôn nữ". Môi tô son đỏ, má phơn phớt hồng. "Con nhỏ" bắt gặp tôi cứ ngây mặt đứng nhìn, rồi cứ chúm chím. "Con nhỏ" mắc cỡ, nguýt tôi một cái rồi nấp sau lưng mấy ngươì bạn. Tới giờ trình diễn lớp tôi bắt thăm… hạng nhì nên đứng xem tụi lớp nhứt diễn "Tiếng trống Hà Nội". Thằng Quang đóng vai vua Quang Trung thật xuất sắc. Tiếng vỗ tay muốn vỡ cái mái ngói làm bọn Tiếp Liên xuống tinh thần. Thầy cho bên con gái diễn trước. Tới lúc "cuốc đất" Vệ bị con nhà Hiệp… cuốc lỡ vào chận một cuốc. Đau, Vệ… hò hết nổi. Vở kịch "được" vỗ tay miễn cưỡng. Tự ái nổi lên vùn vụt. Ba đứa chúng tôi ra sân khấu với tất cả sự quyết liệt và vở kịch "Chống nạn mù chữ" đêm đó đươc ông Quận chấm giải nhứt. Thế là chúng tôi đã mang danh dự về cho lớp Tiếp Liên. Riêng tôi, sau đêm "văn nghệ" đó thành người bạn thân của Vệ hơn, "gạt phăng" Nguyễn Quang Thuận ra ngoài. 

Mùa mưa mới bắt đầu thường về sớm nhất là những cơn gió rét. Vào những buổi chiều heo hút thổi từ mạn sông lan qua cánh đồng khô vào vườn. Nhà tôi nghèo không vuốt trên mặt mình khi tới từ trong chăn ấm chui ra. Mỗi lần đi chơi như vậy tôi phải mặc trên người hai lần áo. Chiếc áo ngoài cùng thay cho áo ấm. Bao giờ tôi cũng chọn màu rách cổ. Chiếc áo mặc trong là áo học trò, cụt tay màu trắng. Chiếc áo tôi quý vô cùng. Và như thế, tôi chạy ra ngõ, băng qua những hàng cây. Thường tôi còn phải lấy trớn để nhảy qua những cái ao nước xâm xấp, toàn một thứ rau bò xanh mướt. Nếu tôi muốn thu ngắn quãng đường từ đó tới nhà của Vệ. 

Nhà Vệ ở sâu trong vườn dừa. Quanh năm chỉ nghe được những trận gió đùa trên ngọn cây cao và ít khi nhìn thấy nắng vàng trĩu xuống. Vườn dừa của Vệ lớn lắm. Đi suốt ngày cũng chưa hết. Từ trên đường chính tới nhà Vệ  phải qua một lối đi trải sỏi trắng. Lối đi này rộng gấp đôi đường chính. Hai bên lại có trồng nhiều loại kiểng, đủ các thứ hoa. Mùa mưa, nhưng cơn mưa đầu thật tươi, thật mát, làm cây trổ lá xanh và hoa bắt đầu nở. Tôi thích nhìn cái dáng rũ rượi của cây Móng Tay hoa màu hường nhạt trồng trên lối đi vào nhà Vệ. Những cây Món Tay thân trong suốt, mọc thẳng, ít lá nhiều hoa. Nhưng cả lá và hoa đều muốn đau dưới cơn mưa gió lạnh. Tôi tưởng tới những hôm Vệ bị sốt, ho húng hắng phải mặc áo len ra ngồi sưởi nắng trên thềm nhà. Tôi ví Vệ như cây Móng Tay ngoài lối đi. Mắt Vệ là những chiếc lá xanh. Những thứ đó trong cơn đau và mùa mưa trút xuống, cái dáng cây sầu héo đến não nùng. 

Nhưng tôi không thích tới nhà Vệ bằng cái lối đi lớn lót sỏi trắng. Lối đã thường có hai con bò kéo chiếc xe cũ kỹ nặng nề, chở đầy vỏ dừa hay củi khô. Dấu chân bò đã làm đất lún xuống, vỡ ra, bánh xe cây đã làm cho sỏi chia hai đường. Và tôi đã tức giận. Tôi không muốn nhìn con đường bị "dẫm nát" ấy nữa. Với con đường dẫn tới nhà Vệ phải thẳng, phaỉ êm bước chân, phải tươi xanh những viền cỏ Tây và rực rỡ hoa nở. Tôi đã tới nhà Vệ bằng con đường khác. Vòng phía sau cái sân cỏ. Lối đi này tuy nhỏ hẹp nhưng không có dấu bánh xe và chân bò. Lối đi hoàn toàn của tôi. Chính tôi đã chỉ cho Vệ thấy và đặt cho nó một cái tên ngõ Tơ Hồng. Bởi trên lối đi toàn là cây dại, đôi khi có xen một vài bụi hoa Trang màu đỏ mồng gà. Nhưng nhiều nhất là dây tơ hồng. Dây tơ hồng bò khắp nơi. Dưới đất, trên cành như phủ một màng lưới bằng nhện tơ vàng trên những bụi Trang. Dây tơ Hồng đã vàng, màu nắng của buổi chiều cũng vàng. Càng làm cho con ngõ nhà Vệ rực rỡ, ánh lên một thứ màu sắc dịu kỳ trên cỏ, lá xanh. Nhờ con đường này tôi đã thuộc lòng một câu hát ru em của mẹ tôi. Khi một ngày, ít nhất là hai lần lại qua trên con đường đó. Con đường tơ hồng và có bông Trang nở, "gió đưa gió đẩy bông Trang, bông búp về nàng bông nở về anh". Câu hát ru em naỳ tôi đã dạy cho Vệ, nhưng Vệ không thuộc, mỗi lần kêu đọc lại, cứ đọc sai vài chữ làm tôi ứa nước mắt. Vệ nhỏ hơn tôi một tuổi. Mặt không bầu bĩnh nhưng rất dễ thương. Đôi mắt Vệ to đen như hai hạt nhãn. Lúc nào cũng như tươm tướp một thứ nuớc suối trong vắt của mùa hè. Vệ không cắt bum bê như mấy nhỏ bạn mà để bum bê như mấy đứa nhỏ bạn mà để tóc dài, Tóc Vệ chưa tới vai nhưng óng mượt. Tôi thích nhất là Vệ cười, hai cánh môi chúm lại, răng trắng ngà đều như hạt bắp. Lúc đó tôi thấy Vệ giống hệt cô gái mẫu trong hình vẽ quảng cáo cho hãng kem đánh răng. Tôi vẫn thường kêu "mình về mình nhớ ta chăng, ta về ta nhớ hàm răng mình cười". 

Câu này tôi thấy phía dưới hình vẽ cô gái mẫu và học thuộc lòng. Vệ thường cười khúc khích hỏi tôi "mình" là gì. Ngớ ngẩn trả lời "mình" là không phải "đầu". Vệ chê tôi ngu, không biết cắt nghĩa. Nhưng khi bị tôi hỏi ngược lại Vệ cũng không biết trả lời ra sao. Tôi bèn trả thù bằng cách xé giấy vẽ ngoằn ngoèo một cái hình mà tôi cho rất là giống Vệ, bằng bút chì màu đỏ rồi đề bên dưới năm chữ thật lớn "Vệ ngu chứ ai ngu". Tôi rán dán giấy ấy ngoài cửa nhà Vệ rồi chốn biệt. 

Vệ đã nhìn thấy miếng giấy và xé tan tành. Từ đó mỗi lần đi học gặp tôi Vệ không bao giờ nhìn. Biết tôi đi sau lưng nhưng không thèm quay lại trêu tôi. Hóa ra bây giờ tôi là ngưòi khổ chứ không phải Vệ. Tôi bèn làm hòa. Bỏi vì đi chới với bạn bè rồi cũng chán. Khi tôi chán bắn ná thun, chán đi góc trái để giành đá những cú banh "cot-ne" vào gôn địch thủ. Tôi mới tới căn nhà của Vệ. Nhớ con ngõ vàng ối dây tô hồng. Nhưng Vệ Bây giờ chơi với đứa khác cạnh căn nhà của mẹ Vệ. Cái thằng con nhà giàu, trời lạnh mắc áo ấm màu hoa cà trong như đứa hát tuồng. Nó mang ra con bướm kẹp tóc. Con bướm bạc sáng lấp lánh. Tôi đón cái "thằng hát tuồng" hai bữa liền ở ngoài ngỏ tơ hồng mới gặp. Tôi "nện" cho con nhà này một trận sưng mí mắt rồi xông vào nhà lấy chiếc kẹp bươm bướm trên tóc Vệ xuống, bẻ nát đạp dưới chân và… đứng khóc ngon lành.  

    Sau đó tôi chơi lại với Vệ. Và mỗi lần tới nhà tôi đều không quên bức cho Vệ một nắm dây tơ hồng và ối để thả xuống ao cho cá ăn. Tôi mến Vệ và mến luôn những con cá lững lờ dưới nước. Bây giờ đã hơn mười năm, Vệ đã lớn, cái ngõ tơ hồng đã đầy chông gai của đời sống phủ lên, như hầu hết những kỷ niệm ấu thơ đều rơi vào tâm tưởng. Không biết một lúc nào đó tình cờ cô bạn thuở nhỏ của tôi, Vệ còn nhớ đến không? 

Lên tám, tôi đã bắt đầu suy nghĩ và thường đặt ra những câu hỏi về ba tôi. Những câu hỏi này, luôn luôn là một bài toán không có đáp số đúng. Luôn luôn là những bóng cây xám ngoét kéo ngang bầu trời tinh sương. Trong những cuộc vui chơi bạn bè, điều bất ngờ tôi nhớ ra vài câu chuyện vụn vặt về ba tôi được những người bà con bên nội kể lại hay chính lời mẹ tôi, bằng một giọng nói thường trầm xuống mỗi lần nghe tôi nhắc tới ông. Lúc còn ở quê ngoại. Hay khi đã về bên nội. Tôi cũng ít khi gặp ba tôi. Đối với tôi hình ảnh của ông không làm nên một nỗi nhớ trong suốt những ngày tháng ba mẹ con tôi sống trong căn nhà rộng lớn xa lạ và hoàn toàn lẽ loi ở quê nội. Tôi thường không ưa những cô người chú cũng thường không ưa mẹ tôi. Họ không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào đề nói xấu mẹ tôi với bà nội hay xì xầm bàn tán một giọng điệu hết sức mỉa mai. Tám tuổi, coi như  chưa biết gì. Nhưng hình như đã "biết gì" lắm trong một vài lần trả lời một cách ngổ ngáo cho những câu hỏi đầy ác ý về mẹ tôi từ khi mới bước chân về nhà nội. 

Mẹ tôi sống thui thủi trong vòng vây rộng lớn đó. Vòng vây chắc không bao giờ được mở ra. Tôi không đủ can đảm hỏi tiếp khi vòng tay mẹ mở rộng ra ôm lấy. Và hai mẹ con cùng khóc. Tôi đoán mẹ tôi đang mang một điều gì uất ức thật ghê gớm trong lòng. Càng thắc mắc tôi càng muốn biết rõ. Và tôi đã biết rõ một dịp tình cờ nghe cô chú cãi nhau về chuyện của ba tôi. Biết rõ, tôi lại càng thương mẹ tôi hơn. Và cảm thấy cái gánh nặng sầu khổ mẹ tôi đang mang trên vai sẽ không bao giờ được lấy xuống. Trái lại, một ngày cứ chất chồng thêm lên. Và tôi đã khóc một mình để cảm thương mẹ tôi cứ ngỡ lưng mẹ tôi đã còng. Mắt mẹ tôi còn sáng, mà tôi cứ ngỡ đôi mắt ấy đã mở vì không bao giờ thấy ngơi nước mắt. 

Chuyện tôi biết, không xa lạ gì với những người lớn. Nhưng thật là một điều rất mới cho trẻ con, cho riêng tôi. Bởi từ lâu, tôi vẫn nghĩ một điều, trong tình thương chỉ có hai người. Ba tôi, và mẹ tôi. Tình thương ấy đã pha vào nôi ấm, quạt vào chăn nồng, sưởi giấc ngủ cho tôi ra đời. Tình thương ấy là một điều duy nhất, nó thành đá cứng, nó thành đất mềm, nhưng không thể thành một con sông chia hai nguồn nước. Thế mà tình thương ấy đã chia hai. Con sông giữa đời chị em tôi đã có. Con sông đã cuốn hút theo luôn niềm vui của mẹ tôi như những khóm lục bình vừa có hoa tím nở đã bị sóng đánh cho những cánh hoa rơi. Chuyện tôi biết là chuyện mấy năm ba tôi mới về thăm nhà một lần, vào dịp tết. Và cái nhà mẹ con tôi đang ở không phải là một mái ấm, không phải là một gia đình. Ba tôi đã có gia đình khác, đã có một người đàn bà không phải là mẹ tôi đang ở trong. 

Từ dạo tôi biết đó, và tiếp theo sau những lần ba tôi nói nhỏ to với những bên nội, mẹ tôi càng bị đối xử tệ hơn. Thường vào những buổi chiều mẹ tôi dẫn hai chị em tôi ra sau vườn ngồi nhìn rặng sầu đông đang mùa trái rụng vì những cơn gió bấc đột ngột trở về không báo trước. Lúc đó mẹ tôi ôm tôi và chị Nguyệt Cầm vào lòng, nói thật nhiều về quê ngoại. Mẹ ước ao cho một ngày nào đó được trở về sống ở quê nhà. Con út củabà ngoại. Mẹ tôi nói con gái theo chồng là con của nhà chồng. Mẹ ra khỏi nhà một lần là ra khỏi mãi. Nhưng mẹ vẫn muốn về đó sống, không phải mẹ không thương ba hay ghét bà nội mà vì mẹ không muốn cho một người nào bên nội khinh ghét con. Tôi khóc vùi trong lòng mẹ tôi. Và tôi cũng được ước ao về quê ngoại. Lúc này ba tôi là hình bóng mờ nhạt nhất, gần như đến lạnh lùng, trong trí nhớ và tình thương non nớt của chị em tôi. 

      Ít lâu sau ba tôi lại về một lần nữa. Lần này ông nói chuyện với mẹ tôi suốt đêm. Tôi chú ý lắng nghe đến lúc mệt quá lăn quay ra ngủ. Sáng thức dậy ba tôi đã đi. Mẹ tôi đã thu góp một ít quần áo và đồ vật dụng cho vào va ly. Khi mặt trời lên ngọn sầu đông thì mẹ tôi cho biết đã được ba cho về bên ngoại. Mẹ tôi vừa nói vừa tức tưởi. Tôi cũng muốn khóc theo nhưng nghe nói về ở bên ngoại tôi đổi buồn làm vui. 

Mẹ tôi thu xếp đồ đạc xong dắt hai chị em tôi lên chào bà nội. Tôi nhớ bà nội và các người cô hỏi tôi và chị Nguyệt Cầm nếu ở bên nội, bà nội sẽ thương hai chị em tôi, cho hai chị em lên Sài gòn ăn học. Hai chị em tôi trả lời bằng cái lắc đầu quyết liệt. Mọi người gầm gừ nhì mẹ tôi bằng đôi mắt. Tôi liếc thấy hai giọt nước mắt rơi trên má mẹ tôi tự bao giờ. Ngoài chiếc va ly đựng quần áo và đồ vật dụng riêng của mẹ tôi có con heo mới nuôi được sáu tháng mua bằng tiền của mẹ tôi dành dụm trong suốt mấy năm đi cấy thuê, cắt cỏ mướn. Mẹ tôi tay xách va ly, tay nắm tay tôi và chị Nguyệt Cầm. Trước khi đi mẹ tôi đã cẩn thận buộc thêm sợi dây thật chặt vào mũi con heo cho tôi giữ. Ba mẹ con tôi đi bộ lên làng, buổi sáng lồng lộng những cơn gió bấc mà mẹ tôi chỉ mặc duy nhất một chiếc áo sờn cổ màu đọt chuối non đã phai hết một khoảng lưng. Mẹ tôi vừa đi vừa khóc. Chị Nguyệt Cầm cũng vậy. Còn tôi thì luôn luôn vẫy tay chào những đứa bạn từ phía xa. Con heo thì hình như cũng buồn theo mẹ tôi nên kêu en ét suốt khoảng đường. 

Về ngoại, ba mẹ con tôi ở đậu nhà cậu Tư. Gặp phải người mợ dâu đanh đá, mẹ tôi lại khóc những giọt nước mắt sầu khổ cho nửa đời mình. Ông ngoại đã chết lúc tôi vừa mới ba tuổi. Chỉ còn bà ngoại, bà ngoại đã già và nghèo khổ đang sống nhờ với cậu Tư. Huê lợi ông ngoại để lại không bao nhiêu vì một phần lớn đã bán đi trang trải nợ nần thuốc thang cho cơn bệnh ngặt nghèo của ông tôi lúc còn trên giường bệnh. Cậu Tư thương mẹ tôi, nhưng không biết xử sao đành cho mẹ tôi khoảng đất sau vườn, bên cạnh cái ao cá tra. Mẹ tôi thuê người cất nhà. Xin cây trong vườn một người nhà giàu tốt bụng. Căn nhà nhỏ được dựng lên như niềm vui của ba mẹ con trong ngày trở về quê ngoại. Đã ra ở riêng nhưng người mợ dâu không ngớt tìm cách dè bỉu. Mẹ tôi cắn răng chịu đựng không nói một lời như từ trước tới nay vẫn cắn răng chịu đựng những người ác tâm bên nội. Mẹ tôi hằng ngày ra bến đò mua trái cây từ tỉnh chở về mang xuống chợ làng bán kiếm lời. Thường thì không lời được bao nhiêu nhưng cũng đủ chi dụng qua ngày, cho tôi và chị Nguyệt Cầm đi học và cho bà ngoại ăn cau trầu. 

Những trận gió bấc cuối mùa lạnh thấu xương da kéo qua làng, mẹ tôi vẫn mỗi sáng sớm ra bến đò chờ chuyến đò thứ nhất để mua cho được trái cây tươi. Dạo này gần tết nên chợ họp đông người, mẹ tôi phải bán tranh với người ta để có nhiều lời mua sắm tết cho hai chị em tôi và bà ngoại. Cũng lúc hy vọng bán con heo vào cuối năm sẽ thêm một món tiền lớn nhưng con heo càng lớn càng phá cây cối trong vườn nhà cậu Tư. Nó khoái ủi mấy dòng mì mợ Tư dành quết bánh phồng. Mẹ tôi sơ ý để nó đứt dây chạy vào vườn. Mợ Tư trộn sẵn thuốc rắc dài theo vồng mì. Và con heo ăn phải nên nằm chết ngay đơ. Mẹ tôi vừa buồn tuỉ vừa tiếc con heo ngồi khóc cả ngày. Tôi tức giận lây con chó của mợ Tư nên lấy ná thun bắn con chó què giò. Tôi quyết bắn cho con chó chết nữa nhưng ná thun thì chỉ có thể làm cho con chó què giò mà thôi. 

Mẹ tôi biết chuyện giận tôi mấy ngày liền không nói. Cũng không rầy đánh tôi, nhưng tôi biết mẹ tôi buồn. Và khi buồn, luôn luôn mẹ im lặng chịu đựng bởi vì sầu khổ đã là cái gánh nặng mẹ tôi đã gánh suốt đời. Tôi đã học ở mẹ tôi cái đức tính quý báu ấy. Và hình ảnh của mẹ tôi ngày xưa hay bây giờ đều là một hình ảnh rực rỡ nhất, cũng như trái tim thì luôn luôn ở trong lòng. Dù đôi khi trái tim đã đập ra  ngoài những nhịp điệu yêu thương của đời người. 

Sau này, lúc bà ngoại đã mất, nhờ chịu khổ cực buôn bán  tảo tần mẹ tôi đã dành dụm được một số tiền lớn để mua được miếng đất khác, cất được căn nhà khang trang với một số huê lợi đủ để nuôi hai chị em tôi ăn học. Mẹ tôi vẫn không ngớt làm lụng, mặc dù bây giờ bà có thể mướn người trông nom ruộng rẫy. Tôi vẫn mong một ngày nào đó khi tuổi gìa đã theo thời gian mà chín vàng như một thủa nào. Và mẹ tôi sẵn sàng trong bao nhiêu năm một tấm lòng bát ngát như đại dương để tha thứ cho ba tôi. Lúc ấy có thể cả tôi và chị Nguyệt Cầm đều thừa khôn lớn. Nhưng vui sướng nhỏ bé biết chừng nào trên một đôi chân chim sẽ đi trở lại từ đầu những tháng ngày sầu khổ đã đi qua. 

Tôi đã về đây từ hai ngày qua, những cơn mưa vẫn còn đổ dạt dào trong khu vườn nhỏ phía sau nhà. Trong cơn mưa tôi nghe tiếng một loài chim naò đó hoảng hốt kêu. Trời thật lạnh. Tôi thường đi loanh quanh trên hiên nhìn mưa giăng xám ngắt trong bầu trời. Những con chim nhỏ bé bay trốn cơn mưa bây giờ đều trở về đậu trên cành cây cheo leo rỉa lông. Chúng hót cũng với một giọng nhỏ bé nhưng nôn nao cả lòng tôi. Không làm sao tôi khỏi nghĩ tới tiếng cười của Nấm Hương buổi chiều nào trong cơn mưa. Mẹ tôi từ nhà sau đi lên hỏi: 

- Mưa tạnh rồi phải không con? 

Tôi đáp: 

- Dạ, mưa tạnh rồi. 

- Trời hơi lạnh. Con không nên đứng ngoài này lâu. 

Tôi mỉm cười: 

- Về đây tự nhiên tôi hết bệnh. Cái lạnh nhẹ nhàng lắm mẹ ạ. Chẳng ăn nhằm gì với con cả. 

Mẹ tôi cũng cười: 

- Chưa chắc đâu "cậu ạ", người cậu yếu như cọng bún ấy. 

Tôi rút cổ lại, bắt chước chị Nguyệt Cầm… làm nũng: 

- Mẹ nói thấy mà ghê. 

- Chứ còn sao nữa. Con trai hở một tí cái đau. Trời nắng có tí mưa cũng đau, trời mưa có tí nắng cũng lại đau. Như vậy là con trai… nhõng nhẽo mẹ đấy biết không 

Tôi đỏ mặt: 

- Con đâu có như vậy. Mẹ nói kỳ thấy mồ. Lỡ bạn con nghe được họ cười chết. 

Nói câu này tự nhiên tôi nghĩ tới Nấm Hương và Quỳnh Như. Nấm Hương, mà biết chắc cô bé sẽ ngạo tôi đến chết mất. Và Quỳnh Như sẽ cho tôi là "cậu bé" hay làm nũng. Tôi sợ làm nũng kinh khủng. 

Thỉnh thoảng tôi nhớ mẹ tôi nên… làm nũng một tí cho chị Nguyệt Cầm chìu tôi chơi. Và quả thật, được người nào chìu tôi sung sướng lắm. Nhất là những người thân thiết. Nhưng ngoài mẹ tôi và chị Nguyệt Cầm ra hình như không ai chìu chuộng tôi nữa cả. Nấm Hương không biết chìu chuộng tôi, lại cứ bắt tôi phải chìu lại nên đôi khi tôi… hờn rất âm thầm. Tôi hờn thì chả nói ra bao giờ đâu. Nhưng Nấm Hương ngây thơ và ngây thơ ,mãi chả biết gì hết trơn nên giận hờn rồi tôi cũng quên. Nhưng như vậy là một nỗi buồn to lớn nhất cứ trải ra trong đời sống tôi mỗi đầu ngày và mỗi cuối ngày. Ít khi Nấm Hương hiểu cho dù bằng một cử chỉ tự nhiên nhất mang ý nghĩa của sự chìu chuộng. Do đó hàng ngày tôi vẫn phải đeo sợi xích buồn phiền. Và sợi xích ấy cứ khua leng keng trong một nỗi lặng yên không một người nào nghe. 

- Mẹ đã sửa soạn để mai con trở lên sớm. Chịu khó xách nặng một tí vì có nhiều trái cây thức ăn cho hai chị em ăn suốt cả mùa thi. 

Tôi cười: 

- Chắc là có chuối khô, phải không mẹ? 

Mẹ tôi "cốc" nhẹ lên đầu tôi cười: 

- Món này sao mẹ quên được, khéo vờ hỏi! 

- Con muốn ở lại nhà cho đến hết mùa mưa. 

- Thi xong thì về. 

- Sợ khi đó không còn mưa nào nữa. 

Mẹ tôi cười: 

- Con đừng lo, mùa mưa năm nay sẽ kéo dài lắm. Thi xong mưa vẫn còn. Mưa cuối mùa đấy. 

Mẹ tôi trở ra sau. Tôi bước ra khoảng sân tới dưới cây trứng cá leo lên hái mấy trái sắp chín cho Nấm Hương. Cũng có cái gì cho cô bé "họa sĩ" nữa chứ. Tôi ra vườn sau. Mùa mưa là mùa của trái cây nên vườn nhà tôi có thật nhiều trái. Lũ chim thường ngày vẫn vào vườn, bầy chim hốt hoảng bay cả đi. Mùi thơm của trái cây phảng phất trong không khí. Buổi chiều sau cơn mưa đất mát như một mặt nước im trong cơn nắng cháy. Cỏ cây, hoa lá, cũng tươi mát như trời vừa chớm xuân. Mùa hè chỉ là những bước chân bé mọn thập thò ở đâu đó theo âm thanh của bầy ve. 

Quê nhà tôi bây giờ thiếu vắng đi nhiều thứ quá. Bạn bè cũng đã ra đi mang hết theo cái khung trời thơm lừng tuổi thơ ấu cũ. Tôi nhớ Thuận và Vệ. Hai người bạn thân của tôi đó. Cùng những người bạn thân khác. Trong đó có Tiếp, Thành, Triêm, Na, Nhung, Triêu, Na chết, Nhung chết, Triêu chết. Tôi và mấy người khác ở mỗi nơi và ít khi trở về, tôi thương Nhung cán dá nhất. Với một cánh tay tật nguyền mà người ta cũng mang Nhung đi trong đêm tối và giết chết trên cánh đồng hàng ngày Nhung vẫn rong chơi. Hai năm trước tôi về có đi ngang nhà Nhung, ngang qua vườn mía của Nhung thấy em Nhung đứng cười. 

Tôi không dám vào nhà nói chuyện với em Nhung, tôi sẽ khóc. Hai năm. Thời gian làm cho tôi tiếc rẻ hết đủ mọi thứ, như một cảm giác không bao giờ được trở lại nữa, một ấu thời xưa như một lần đã bán đứt đi cho người những kỷ niệm thơm lừng ấu thơ. Hai năm. Em Nhung bây giờ chắc đã lớn. Như một cánh bướm vừa đủ màu sắc để khoe với nắng chiều vàng. Tôi trở lại như một phấn hương  phai cho tình ô vuông kỷ niệm. Và hết. Quê nhà tôi chỉ còn lại mẹ tôi thôi. Tất cả, bây giờ là hình bóng. Tôi sống theo hình bóng. Tôi nghe nỗi buồn chợt dấy lên, bàng hoàng như một cánh dơi. Ngày mai tôi trở về thành phố đó. Mang theo nhiều thứ khác để kể cho Nấm Hương nghe. 

CHƯƠNG TÁM

Chuyến xe đưa tôi trở về thành phố sau cơn mưa nhỏ. Cơn mưa không đủ nước làm ướt hết những con đường. Buổi chiều của thành phố mang e ấp một thứ hơi rét để lòng người vừa vặn lắng xuống những cảm giác nhớ mong. Khu phố của nhà tôi. Khu vườn của nhà tôi hình như nỗi rét mướt tràn đầy. 

Chị Nguyệt Cầm đi học chưa về. Tôi mở cửa căn nhà bước vào với những bụi mưa còn bám trên tóc. Hành lý là chiếc va ly nhỏ với mấy ngày ở quê nhà. Dù sao, mấy ngày đó cũng trở thành hình bóng quay vút trong nhịp tim tôi đập rộn ràng khi tra chìa vào ổ khóa quay đi một vòng. Những cánh bướm chiều bay lả tả trong khu vườn còn ướt bụi mưa. Và mưa là những tiếng chân nhè nhẹ của kỷ niệm lúc nào cũng như mới về, xô lấn nhẹ vào không gian giăng mắc những vòng lưới của quá khứ. Mưa xô mạnh vào cánh cửa với hơi rét. Mấy chiếc lá bay vèo xuống. Mưa thoáng trong mắt đã yếu và gió se cho da đủ lạnh. Căn nhà yên tĩnh quá. Không có tiếng động nào hết. Tôi lên phòng. Tất cả đồ đạc vẫn còn nguyên. Tôi bắt gặp bức tranh của Quỳnh Như treo trong phòng. Trên bàn học có bức thư của Nấm Hương dằn dưới những cánh hoa đã héo. Tôi mở tung cánh cửa sổ cho ánh sáng bên ngoài tràn vào phòng và đọc bức thư: 

"… 

Chiều hôm đó bị mưa về nhà Nấm Hương nằm cảm li bì một mình trên phòng. Mẹ kêu uống thuốc Nấm Hương không chịu uống. Giận ai đó thì biết nên muốn chết. Căn phòng có cửa sổ mở ra, những ngọn me suốt ngày rơi rụng. Khi cơn mưa hình như gió gom cả lá me lùa vào phòng. Buồn quá Nấm Hương khóc. Mấy con sâu mưa rơi trên bàn bò cả lên mấy quyển sách. Có con chết trên bình mực tím (hay gì đó, Nấm Hương không thấy nó trở dậy). Eo ui làm Nấm Hương sợ càng khóc dữ hơn. 

Khi hết đau Nấm Hương tới đây ngay. Chị Nguyệt Cầm bảo "ai đó" đi về quê rồi. Nấm Hương nén giận viết thư và chắc sẽ không bao giờ nói chyện gì hết khi người ta đã không muốn nói chuyện… về quê của người ta. 

Lần cuối đấy! 

"Mắt Huyền Nhung Đen" 

Dưới chữ ký tên, Nấm Hương có vẽ một cô bé, bím tóc, mắt to. Có những giọt nước mắt (chắc là lăn xuống má), bên cạnh lại có mấy chiếc 1á (chắc là lá đổ muôn chiều). Tôi biết là cô bé sẽ giận tôi lâu lắm nên mới viết một bức thư "gay go" như vậy. Thôi "Mắt huyền nhung đen" cứ khóc đi. Khóc càng nhiều bao nhiêu càng… đẹp mắt huyền bấy nhiêu rồi anh sẽ tới một buổi chiều nào đó trong cơn mưa cuối cùng của mùa đông này khi lá chết rơi đầy trứơc cổng trường để cho những chiếc lá trên cây mới xanh. Lúc đó khu vườn nhà anh chắc sẽ có nhiều bướm mới, bướm về cho mùa xuân tới. Xuân về để cho đông ra đi. Anh sẽ gửi chiếc áo buồn bã cũ ngoài cành cây quên lãng ở góc vườn. Khi đó, Nấm Hương cũng vừa đủ giận hờn để cho trái tim ngọt lịm cho nho thơm và hương mật tràn đầy mái tóc, mới dài thêm một chút xuống vai. 

Tôi tới cây đàn ngồi dưới bức tranh của Quỳnh Như. Mấy ngày bỏ quên đã có mấy sợi dây chùng xuống. Tôi lên dây đàn lại trong khi bụi mưa goài kia vẫn không ngớt rơi. Và tôi hát. Tôi ngắt đi một cành hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo. Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em. Ôi tiếng "ta" sao mà hoang vu hơn bao giờ! Ta sẽ chờ cho hết mùa thu này đến mùa thu khác để có một mùa thu ở giữa đời người, lá rơi đẹp nhất, kỷ niệm nồng ấm nhất. Phải không? Tôi không muốn gọi thành tên người sau câu hỏi cũng như chính tôi đã trả lời. Nhưng tôi chợt nhớ đóa hoa sứ trắng như tuyết, trong sáng như hòn pha lê. Nấm Hương đó. Tôi không bao giờ muốn đóa hoa sứ phải rụng rơi, phải tả tơi trên mặt đất sầu khổ này. 

Tôi ngồi nhìn mưa bụi một chút thì chị Nguyệt Cầm về tới. Chị lên phòng tôi ngay và hỏi: 

- Mẹ vẫn mạnh chứ? 

Tôi gật đầu: 

- Mẹ hỏi sao chị không về. 

- Rồi em trả lời sao? 

- Em nói chị bận học thi. 

Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Lẽ tất nhiên mẹ phải khen con gái mẹ rồi. 

Chị Nguyệt Cầm phát vào vai tôi một cái đau điếng. Hai chị em nhìn nhau. Chị Nguyệt Cầm nhớ ra điều gì vụt hỏi: 

- Mấy hôm trứơc Nấm Hương có đến. Cô bé hờn em ghê lắm, mà hình như để cái gì cho em nữa. Thấy không? 

Tôi gật đầu: 

- Em thấy rồi. Một bức thư nhỏ. 

- Chắc là "gay go" ghê lắm. 

Tôi lắc đầu quầy quậy: 

- Không có gì. Mà có gì "gay go" như chị nói đâu. 

Chị Nguyệt Cầm lại nhớ ra một điều khác: 

- À, chị quên. Quỳnh Như cũng có tới chơi và mời em khi nào trở lên là tới nhà cô ấy ngay đấy. 

Chị Nguyệt Cầm háy mắt: 

- Thế nào, quyết định đi về hướng nào đây? 

- Quỳnh Như nói thế thật hả chị? 

- Lại không thật. 

- Thế chị có đi với em lên trên ấy chơi không? 

- Thôi. Mình em đi thôi. Có chị đi làm gì. Bài vở còn nhiều thấy mồ. 

Tôi loanh quanh trong phòng nói một mình: 

- Chẳng có lẽ người ta mời mà mình lại không đi. Tội chết. 

Chị Nguyệt Cầm ngó tôi háy mắt: 

- Ừ, tội chết. 

Tôi biết chị Nguyệt Cầm có ý trêu tôi. Cơn mưa bụi chợt ngưng ở bên ngoài. Tôi có ý định ra vườn và đề nghị với chị Nguyệt Cầm chiều nay không nấu cơm. Sẵn bánh và trái cây tôi vừa mới mang ở dưới quê lên đem ra vườn hai chị em cùng ăn, và… trừ cơm… Chị Nguyệt Cầm  bao giờ cũng lo xa: 

- Không được đâu. Lỡ tối đói bụng rồi làm sao? 

- Em sẽ bao chị ăn mì. 

- Thật há? 

- Thật chứ. 

- Chà, chắc về nhà nhõng nhẽo với mẹ nên mới giàu có đấy chứ gì? 

Tôi cười: 

- Đố chị biết làm sao em dám bao chị đấy. 

- Ai mà biết được. 

- Tiền mẹ gửi lên cho chị lấy bao ăn mì đấy. Thấy em… tốt bụng không? 

Chị Nguyệt Cầm đấm tôi: 

- Em đúng là tên nhà giàu xấu bụng, keo kiệt trong chuyện cổ tích 

Hai chị em cười khúc khích, cùng xuống nhà mang thức ăn ra vườn. Lúc ngồi trên bãi cỏ chị Nguyệt Cầm nói: 

- Em để dành cho Nấm Hương chứ. Aên hết cô bé ấy sẽ giận em suốt đời đấy. Mang đến đền người ta đi cậu. 

- Biết Nấm Hương thích thứ gì mà để dành. 

- Trái trứng gà đi. 

Tôi lắc đầu: 

- Chị khỏi lo. Em có thứ này đặc biệt lắm. Cam đoan Nấm Hương sẽ thích kinh khủng. 

- Thứ gì? 

- Không phải trái cây đâu. Chắc là cô bé không ưa trái… cây. 

- Chứ ưa  gì? 

- Dây tơ hồng. Thứ này ở dưới quê nhưng ở Sài Gòn hiếm quí như tóc bà tiên Nhân Aùi. 

- Chị thấy em tài không? 

Chị Nguyệt Nguyệt Cầm khen tôi rối rít: 

- Em tài thật. Vậy mà chị không nghĩ ra, Nấm Hương chắc sẽ vui lắm. 

- Dây tơ hồng này được nhiều trò chơi lắm, như làm tổ chim yến, làm kèn và nó còn có ý nghĩa nữa. 

Chị Nguyệt Cầm háy mắt: 

- Chị nhớ cái lối tơ hồng vào nhà mình không? 

- Nhớ chứ. 

- Bây giờ nom xơ xác hơn xưa nhiều rồi chị ạ. Có những bụi hoa Trang bị đốn. Mà dây tơ hồng thì leo hoa Trang mà thôi. 

Chị Nguyệt Cầm chớp mắt: 

- Buồn nhỉ? 

- Ừ, buồn chết được. 

Buổi chiều đã xuống hết trong khu vườn. Gió mang hơi rét tới lồng vào da thịt. Nhưng cánh bướm đã bay mất từ lúc nào theo nắng. Bây giờ chỉ còn lá vàng từ trên cây cao rơi xuống bãi cỏ, lối đi. 

Tôi nhìn mải mê những đóa hoa nở muộn. Hoa nở muộn trong chiều mùa đông bao giờ cũng mang một vẻ đẹp dã dượi rời rã. Tôi nghĩ tới Nấm Hương giờ này chắc cô bé cũng đang đi dạo trong vườn, đang gom lá chết thành đống rồi dùng sợi kẽm dài xỏ từng chiếc thành một xâu mang lên phòng treo ở cửa sổ chờ cho gió tới mang từng chiếc bay trở xuống vườn mà nhớ tới mùa thu đã chết. Nấm Hương cũng mơ mộng không kém gì tôi. Mà người nào mơ mộng nhiều thì khổ nhiều. Tôi không thích Nấm Hương mơ mộng như không thích Nấm Hương khổ. Cái khổ ấy hãy để cho tôi, gom  hết về với tôi như lá chết trong vườn nhỏ của nhà Nấm Hương vậy. Ngay từ bây giờ tôi cũng có thể viết cho Nấm Hương một bức thư xin lỗi rồi chạy ngang nhà Nấm Hương  bỏ cái thư vào thùng thư trước cửa. Thùng thư do Nấm Hương nhờ người đóng và giữ chìa khóa, vì thế tôi không sợ ai mở ra coi lén được. Thùng thư ở trên cánh cổng có cây bông giấy lớn, lúc nào bông cũng nở đỏ. Cây giấy trước nhà Nấm Hương cũng như tâm hồn tôi, lúc nào cũng nở đỏ rực một mùa hoa cho một đời người. Mùa hoa bất tử  không héo tàn, không phai hương dù cho gió có thật quyến rũ. Bức thư ấy được Nấm Hương đọc vào lúc sáng sớm, lúc cô bé dùng chìa khóa mở thùng thư đầu ngày. Lúc ấy chắc nắng mai rực rỡ lắm. Và cô bé có thể sẽ hết giận tôi chạy ngay để tới nhận dây tóc tiên tôi đã khó nhọc mang từ quê nhà lên. Nhưng tôi không biên thư, không chạy ngang nhà của Nấm Hương. Tôi khhông làm gì hết. Tôi muốn để cho giận hờn kia rồi sẽ lắng xuống, yên nghỉ như hòn cuội trắng nằm mơ mộng dưới mặt hồ xanh êm ái, giận hờn nào rồi cũng qua đi. Thương mến nào cũng có một khoảnh khắc đứng lại. Tôi thích làm người nằm ngủ dưới gốc cây bóng mát sẽ đầy hơn, tỏa rộng để vừa đủ thêm cho giấc ngủ của một người. Tôi thích như vậy hơn. Và tôi, có lẽ còn phải đợi chờ nhiều hơn nữa.

CHƯƠNG CHÍN

TÔI dừng xe trước nhà Quỳnh Như. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Tấm bảng vẽ cái đầu con chó "bẹc-giê" nhăn răng thè lưỡi như đe dọa. Bên phải cổng là nút chuông điện nặng lắm, có thể làm cho tôi ngộp thở. Tôi giận chị Nguyệt Cầm kinh khủng, thầm trách chị đã để cho tôi đi một mình. Nếu có chị Nguyệt Cầm tôi sẽ mạnh dạn hơn. Không có việc gì phải sợ, nhưng sao tôi vẫn cứ lo ngay ngáy. Nếu ấn chuông mà không có Quỳnh Như  chạy ra thì sao? Tôi tưởng đến con chó trong nhà chắc phải to lớn và dữ tợn  lắm. Tôi đi qua lại trước cổng nhà Quỳnh Như nhiều lần. Nhà Quỳnh Như nằm bên ngoài đường của một xóm đạo yên tĩnh. Nhà cất theo lối cũ, mái lợp ngói nằm dưới những tàn cây cao lá rậm. Xung quanh là khoảng sân cát có trồng nhiều loại cây kiểng. Xung quanh khoảng sân là hàng rào cao khỏi đầu tôi. Ngôi nhà biệt lập trong vùng cây cối xinh tươi. Từ bên ngoài nhìn vào đông người lắm, bởi vì tôi thấy có nhiều xe hơi đậu trong khoảng sân. Như vậy "cô bé họa sĩ" ở góc nào tong nhà rộng lớn đó và tôi cố tìm không ra. Nhà đông là tôi kỵ bởi vì cứ tưởng lúc mọi người nhìn vào tôi một cái cũng đủ làm tôi chết đứng rồi. Quỳnh Như thật ác, không biết tôi yếu tim hay sao mà bắt tôi lên nhà trong cái khung cảnh hoàn toàn… đe dọa như thế này. Tôi định quay về để hôm khác sẽ trở lại, một hôm nào thật vắng người, trong cái nhà rộng lớn đó. Nhưng bất ngờ trong nhà có người đi ra, lúc đầu tôi định chạy trốn, nhưng làm như vậy thì kỳ quá… Quỳnh Như biết được cười chết. 

- Cậu kiếm ai? 

Tôi bối rối: 

- Dạ, có Quỳnh Như ở nhà không? 

- À, có phải cậu là cậu Đan Trường gì đó không? Tôi có nghe Quỳnh Như nói một lần, sợ quên tên. 

Tôi đỏ mặt đáp nhỏ: 

- Dạ, đúng là tên đó. 

- Mời cậu vào nhà chơi. Tôi là cô của Quỳnh Như. Cậu về quê mới lên đấy phải không? 

Tôi ngạc nhiên hết sức. Sao cô của Quỳnh Như lại biết rõ về tôi quá vậy, chắc là cô bé "xí xọn" hết rồi. Sự tự nhiên và cởi mở của cô Quỳnh Như làm cho tôi bạo dạn hơn. Tôi hỏi: 

- Thưa, cô có phải là cô Tuyên không ạ? 

- Phải. Quỳnh Như nói cậu biết à? 

- Dạ, Quỳnh Như nhắc tới cô luôn. Quỳnh Như còn tả về cô nữa nên lúc mới gặp Trường cứ ngờ ngợ. 

Cô Tuyên cười: 

- À, Quỳnh Như cũng tả về cậu cho tôi biết. Lúc mới gặp thì tôi nhận ra ngay. 

Tôi lại trách thầm Quỳnh Như. Cô bé thật là "xí xọn". Cô Tuyên và tôi vào nhà. Cô mời tôi ngồi xuống ghế. Phòng khách rộng mênh mông. Tôi thấy bàn ghế toàn là đồ gỗ, một bức tranh sơn mài trên tường chỗ ra vào. Duy chỉ có bàn khách và ghế ngồi thì theo kiểu mới. Trên bàn khách có một bình hoa mới. Những đóa hoa cúc tím mạnh khỏe dễ thương, đẹp làm tôi phải nhìn mãi. Một lúc tôi lại nhận ra còn mấy bức tranh rải rác trên tường. Một bức chân dung giống cô Tuyên. Một bức vẽ khóm cúc vàng bằng màu nước pha sệt. Tôi đoán chắc là của "cô bé họa sĩ" Quỳnh Như. Nhìn những vật dụng kiểu xưa chưng bày trong phòng khách tự nhiên tôi thấy yêu thích căn phòng này ngay. Bởi vì mẹ tôi cũng thích đồ cổ. Nhà tôi, ở dưới quê cũng chưng bày toàn là gỗ.  

Cô Tuyên hỏi tôi về chuyện học hành thư cử. Khi nghe nói tôi đang ôn thi, cô Tuyên khuyên tôi nên ăn nhiều trái cây tươi và nhất là đừng thức khuya. Những điều cô Tuyên khuyên tôi đã biết hay chị Nguyệt Cầm cũng đã nói, đôi khi chị còn dọa tôi nếu thức khuya học bài khi thi xong tôi mang mảnh bằng vào nhà thương trị bệnh lao mà ngắm. Nhưng cô Tuyên khuyên tôi còn mang một ý nghĩa đặc biệt, điều này làm cho tôi thật sự cảm động. 

Quỳnh Như đã nói không sai một chút naò. Cô Tuyên còn trẻ, không phải trẻ chỉ với ý nghĩa tuổi tác mà cả ý nghĩa của tâm hồn nữa. Cô Tuyên nói chuyện vui tươi cởi mở làm cho tôi tự nhiên dần dần. Khi tôi tới đây trời sửa soạn một cơn mưa. Mây kéo xám một phía trời và những ngọn cây trên đường bị xao động mạnh. Gió mang bụi cát dưới đường bay lên bỏ lần lượt trên những mái nhà tắt hết nắng còn trơ từng viên ngói đỏ. Lá cây bay lả tả trước mặt tôi. Nếu mỗi năm có thêm một mùa lá rụng thì chắc tôi đang ở trong một loang loáng nước. Cái lạnh e ấp bàn tay lên má vào những buổi sớm lúc cả người còn co ro trong chăn ấm. Có con chim lạc bầy hay vỡ tổ bay ở đâu dạt vào thềm, Đôi cánh ướt nhầy nước mưa. Con chim kêu thảng thốt rồi nhảy chuyền vào cành cây. Bụi Dạ Lý Thủy um tùm nở hoa trắng xóa, hương thơm theo hơi đất và mùa mưa bay vào phòng. Tôi ngây ngất như vừa  uống một ly chanh có pha vài giọt rượu rum. 

Câu chuyện xoay qua những bài thơ của tôi. Cô Tuyên khen tôi làm thơ hay làm tôi phải cuối mặt nhìn xuống hai bàn chân mình cho đỡ xấu hổ. Một lúc cô Tuyên mở băng, tôi được nghe lại những bản nhạc tôi hằng ưa thích. Tiếng nhạc nghe dưới trời mưa nhỏ như thể có thêm vào đó một âm thanh cũ của nhạc. Và giọng ca tài tử của Duy Trác với bản "Đường chiều lá rụng" nghe hay hơn bao giờ. 

Nghe nhạc để tìm ra một người biết thưởng thức nhạc thì tôi đã tìm ra cô Tuyên của Quỳnh Như (mà có thể của tôi), tôi sợ đến một gia đình nào mà từ lớn đến nhỏ đều mê một loại nhạc thời trang rẻ tiền với các ca sĩ sặc mùi cải lương và thâu vào đắt tiền, tôi đâm ra tiếc giùm. Mơ ước của tôi là có căn phòng im vắng, biệt lập, có một chiếc máy thâu băng tốt để chính tôi đi chọn nhạc, chọn giọng ca rồi những buổi chiều trời mưa nhỏ một mình nằm trong phòng nghe những bản nhạc mình yêu thích thì không còn niềm thoải mái nào hơn. Lúc đó hạnh phúc là cái gì nhẹ nhàng nhất đã đứng gần bên cửa. Tình cảm là cái gì mê mải nhất, sắp sửa vuốt ve bàn tay lên trái tim ngọt lịm máu đời của người. Tôi có thể chết như người ngủ để quên mọi cơn đau và bệnh tật. Tôi vẫn còn nuôi mơ ước đó nhưng không biết đến bao giờ mới có được điều người khác quá thừa mà chị em tôi thì quá thiếu. 

Một lúc, Quỳnh Như mang ra ba ly nước. Cô bé đẩy ly nước về phía tôi cười: 

- Trời mưa chắc anh không dám uống nước lạnh? 

Tôi cười: 

- Trời mưa uống nước lạnh để nghĩ rằng tâm hồn mình còn hơi ấm. 

- Anh Đan Tường văn hoa ghê. 

Cô Tuyên thêm vào: 

- Người ta là thi sĩ mà. 

Tôi bưng ly bước lên uống một ngụm để đỡ xấu hổ. Tại sao cô Tuyên cứ kêu tôi là thi sĩ? 

Và tại sao cứ phải xấu hổ khi nghe hai tiếng đầy thơ mộng kêu hãnh đó? Có lẽ tại tôi bé mọn so với hai tiếng thi sĩ và những bài thơ tôi làm chưa hẳn là thơ mà nó chỉ là những khoảnh khắc của thời gian lắng xuống. 

Quỳnh Như háy mắt: 

- Anh Đan Trường về quê có vui không? 

- Có ai được về quê mà không vui đâu. 

- Có chứ. Đôi khi về quê Quỳnh Như thấy buồn. 

- Tại sao lại thấy buồn. 

- Đố anh Trường biết tại sao? 

Tôi nhìn sang cô Tuyên, cô cũng nhìn tôi mỉm cười. Tôi nói: 

- Anh đâu có phải thầy bói. 

- Thì cứ đoán thử, mất mát cái gì mà lại sợ. 

- Thôi, nói sai kỳ chết. 

Quỳnh Như nói: 

- Thì thôi vậy, để lâu lâu rồi anh Trường sẽ biết. 

Câu nói của Quỳnh làm cho tôi suy nghĩ. Tôi không hiểu rõ lắm rồi sẽ có chuyện gì xảy ra khi cái "lâu lâu rồi anh sẽ hiểu" nó rõ ràng như tôi biết từ bây giờ tôi thương mến Quỳnh Như. Thương mến căn nhà này và những người thân của Quỳnh Như nữa. Có một điều Quỳnh Như chưa phải là cái bóng đè nặng lên tâm hồn tôi như Nấm Hương. Có lẽ khi có một người tới với thương mến của mình trước nhất thì người đó chiếm hết một số lớn lưu lượng máu chảy ở cửa tim mình nhiều hơn kẻ tới sau. Tôi không có ý  nghĩ so sánh tình cảm cửa tôi đối với Quỳnh Như như vậy, nhưng ít ra tôi cũng không thể nói một cách gì khác khi Nấm Hương đã có thể làm cho tôi buồn, yêu thích đời sống hay giận hờn đời sống. 

Cô Tuyên bảo tôi uống nước và hỏi thăm về mẹ tôi. Cô Tuyên quả thật ý nhị, cô luôn luôn  làm cho tôi cảm động để tưởng rằng cô là người thân tong gia đình hơn là người thân quen. Nụ cười hay cái nhìn của Cô Tuyên thật hiền từ. Tôi nghĩ Quỳnh Như thật sung sướng có một người cô gần guĩ như cô Tuyên để thay thế mẹ của Quỳnh Như (Tôi vẫn chưa nghe Quỳnh Như nói gì về mẹ mình, chỉ nghe nói Quỳnh Như hiện ở với gia đình cô Tuyên mà thôi). 

Tôi vẫn thích được nghe ai nói về mẹ, bởi mẹ, cho dù còn sống hay đã chết đều mang một thứ tình gần gũi nhất, bao la nhất, sâu đậm nhất làm cho đời sống này bớt quạnh hiu. Viết về mẹ hay nói về mẹ đều là một hình thức sống lại từ đầu cái thơ ấu đang trên đường nhỏ nhoi chưa tới đỉnh tuổi sầu héo của đời người. Mẹ tôi, hay mẹ Quỳnh Như, hay mẹ của Nấm Hương đều mang một hình ảnh đó. Nhưng riêng  mẹ tôi, có là người mẹ sầu khổ nhất đã sinh ra tôi và chị Nguyệt Cầm trên một khối đời sầu héo không kém. Vì thế tôi thương mẹ tôi nhất đời và chắc hẳn mẹ tôi cũng thương hai chị em nhất đời. Lúc còn sông1 bên cạnh mẹ, những đêm có gió giao mùa từ đâu đó thổi về đẩy đưa những tàu lá bên ngoài hiên nhà hai chị em tôi nằm nghe mẹ kể chyện đời xưa chờ giấc ngủ. Hình như chuyện đời xưa nào mẹ tôi kể cũng có hai chị em bị cha bỏ rơi nghèo khổ đói lạnh sống bên cạnh mẹ cả. Và bao giờ chị Nguyệt Cầm cũng ôm tôi mà khóc. 

Thế nên dù bây giờ hay lớn khôn hơn một tí tuổi đời tôi vẫn hằng lo âu ngày kia mẹ tôi sẽ chết. Mà mẹ tôi hình như đã gìa, tôi đã thấy tóc mẹ tôi có nhiều sợi bạc. Tôi nhìn ra sân, đã không còn nghĩ tới tuổi già của mẹ tôi nữa. Tôi bắt đầu lo sợ như con ve lo sợ mùa đông trở lại rồi đó. 

Buổi chiều như không còn thấy đâu nữa. Nắng trên cây đã tắt hết. Và bây giờ mưa đằng sau như một tấm gương mù. Tiếng nước dội coong coong trên mái ngói và chảy ào ạt xuống cái bồn nuôi cá trên lối đi. Khoảng sân ướt nhầy nước và cây lá im rũ. Trời mưa. Oâi trời mưa! Sao lại có một thứ thời tiết thơ mộng như vậy? Cô Tuyên đã đứng lên đi vào trong, bây giờ chỉ còn tôi và Quỳnh Như ngồi đối diện nhau. Tôi nhìn thoáng nét mặt Quỳnh Như đằng sau những cái hoa cúc tím. Nét mặt bình lặng rạng rỡ ấy, chắc từ bây giờ tôi không thể nào giận dữ được hết. Và chắc Quỳnh Như sẽ cũng chẳng bao giờ làm cho tôi buồn. 

- Anh Trường quên đem áo mưa theo à? 

Tôi cười: 

- Quên mang theo cũng không có hề gì. Anh thích đi dưới mưa mà cô bé. 

Quỳnh Như lè lưỡi: 

- Xời ơi, "nghệ sĩ" hả? 

- Không hẳn đúng như thế đâu, nhưng nếu thành phố mà không có những cơn mưa thì là thành phố chết. Mưa làm cho lòng người ta rộng ra, tâm hồn người ta diệu lại. Và nhất là làm cho cây cối, con người thêm thơ mộng. 

- Nhưng mưa đã làm cho người ta ướt hết áo. 

- Ướt hết áo cũng lại là… một điều thơ mộng, 

Cô Tuyên trở ra cười: 

- Mình cãi không lại đâu. 

- Ai mà thèm cãi, phải không cô? 

Quỳnh Như nói hờn, tôi ngó ra mưa cười vu vơ. Trên thềm nhà bây giờ có thêm mấy con chim sẻ dạt mưa bay vào kêu chiếp chiếp. 

Từ phía trong có hai cô bé đi ra. Cô Tuyên giớ thiệu với tôi tên của hai cô bé Giang và Tuyến. Hai cô bé ngó tôi cười. Nụ cười có vẻ như trêu chọc làm cho tôi hơi ngượg. Giang và Tuyến hỏi tôi đủ thứ chuyện làm tôi không biết đằng nào mà trả lời. Hai cô bé tự nhiên hơn tôi tưởng và ăn nói dạn dĩ hơn Quỳnh Như nhiều. Tuyến nói: 

- Chị Quỳnh Như bữa đó về nói tới anh luôn. Trời ơi, anh biết không, chị Quỳnh Như chép thơ anh ra từng bài, đêm nào cũng đọc rồi mới đi ngủ. 

Giang phụ họa: 

- Chị Quỳnh Như còn đọc lớn lên cho mọi người nghe nữa. Có nhiều bài cảm động quá làm Giang cũng… muốn khóc. 

Quỳnh Như mắc cỡ giấu mặt sau hai bàn tay. Mọi người cùng cười. Tôi thì ngồi chết trên bàn ghế. Hai cô phá quá làm tôi ngại. May quá cơn mưa hình như muốn tạnh. Bây giờ ngoài trời chỉ còn những giọt nhỏ, thánh thót. Tôi đứng lên xin phép cô Tuyên ra về. 

Tuyến ngăn lại: 

- Ê, người ta mới "phỏng vấn" có mấy câu hà, còn nữa. Chưa có về được đâu. 

- Mưa chưa hết dứt mà về, ướt hết sao? 

Tôi cầu cứu cô Tuyên. Cô cười: 

- Thôi để cho cậu Trường về, mấy cô bao vây người ta làm sao người ta dám ở lại. Quỳnh Như vẫn che miệng cười. Tôi ức kinh khủng. Lẽ ra Quỳnh Như "về phe" với tôi mới phải. Tôi nhất định về. Tôi nói với cô Tuyên: 

- Thôi để hôm khác sẽ trở lại lâu hơn. Bây giờ cô cho phép về. 

Cô Tuyên gật đầu. Tôi mừng quá phóng ngay ra cửa. Tuyến và Giang cười phá lên ở sau lưng, lại còn dặn với theo: 

- Mai mốt lên chơi lâu lâu cho tụi này phỏng vấn tiếp nghe. 

Tôi giả vờ như không nghe. Mai mốt tôi sẽ bắt nạt lại hai cô bé này để trả thù. Tôi nghĩ như vậy và ra khỏi nhà Quỳnh Như với một nỗi vui nhỏ vừa nhen nhúm lên trong lòng. Tôi nghe những giọt nước rơi từ trên cao xuống, bám vào mái tóc. Buổi chiều đã đi mất với những sợi nắng vàng. Chỉ còn có mưa, và một bầu trời xám đục. Tôi muốn dong xe hoài dưới những bóng cây xanh rũ rượi với gió chiều. 

CHƯƠNG MƯỜI

TỪ hôm lên nhà Quỳnh Như về bị mưa tôi đau liên miên suốt cả tuần. Nằm vùi trong phòng, trong khi đó bên ngoài mưa vẫn xối xả từng buổi chiều từng buổi sáng. Có hôm tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài thấy mưa vẫn còn rơi ở bên ngoài, kéo dài từ sáng sớm. Chị Nguyệt Cầm lúc đem sữa lên cho tôi đã nói có bão. Chị đi chợ thấy cây ngã rất nhiều trên đường. Tôi lo lắng cho Nấm Hương, trời bão như thế này chắc Nấm Hương đi học khổ sở lắm, gió lạnh phải biết. Suốt tuần chị Nguyệt Cầm không cho tôi mở cửa sổ, chị sợ gió lạnh làm tôi đau nặng hơn. Tôi thèm được nhìn mưa bão, thèm được nhìn xuống khu vườn hoang vắng quạnh hiu. Mưa bão đã đuổi những đàn bướm hoa của tôi bay ra khỏi khu vườn và đe dọa bầy chim sơn ca không trở lại. Tôi cũng thèm được nghe tiếng chim hót trong những buổi chiều có nắng vàng trải xuống lắm. Những lúc lên cơn sốt tôi mơ hồ thấy Nấm Hương xô nhẹ cửa phòng bước vào cầm lấy tay tôi lay dậy. Nụ cười của Nấm Hương thật tươi  chứng tỏ cô bé đã hết giận hờn. Tôi biết có khi mê sảng kêu tên cô bé thật lớn làm chị Nguyệt Cầm phải chạy lên sờ vào trán tôi. Chị nói em mê sảng và bắt tôi ngậm thủy. Thủy lên đến 38 độ rưỡi làm chị Nguyệt Cầm lo sợ đòi kêu xe cho tôi đi bác sĩ. Nhưng tôi không chịu. Tôi sợ đi bác sĩ rồi vào nhà thương. Nếu phải vào nhà thương thà tôi nằm ở nhà chết còn sướng hơn. Có lúc chị Nguyệt Cầm bảo tôi cứng đầu rồi chị òa lên khóc. Tôi cũng khóc theo. Nhà có hai chị em không ngươì quen biết. Tôi đau nặng chị sợ tôi chết. Nhưng tôi thấy dửng dưng  chả biết lo sợ gì. 

Hình như tôi còn đợi cái chết đến nữa là. Nhưng thấy chị Nguyệt Cầm khổ sở, khóc lóc, lo lắng thức suốt đêm với tôi bên giường mà học bài, nhưng tôi không tài nào học được. Đôi mắt nóng lên, và tôi phải vứt sách nằm nhắm mắt thở dài. Có lẽ chưa lúc nào buồn cô đơn buồn khổ như lúc này. Suốt tuần này Nấm Hương vẫn không hay tôi đau, vẫn không thấy đến. Quỳnh Như cũng vậy. Tôi nằm trong phòng nghe mưa đổ bên ngoài, tiếng nước dội tí tách dưới hiên nhà và gió bão dồn dập ngoài cửa sổ. Đôi khi có cả tiếng chim sẻ kêu chiếp chiếp trên mái nhà. Tiếng chim non nớt sợ hãi chắc là của một bầy chim non bị gió làm vỡ tổ. Tôi thèm ôm cây đàn, thèm hát lại bài "Cành hoa trắng". Cũng như thèm nghe tiếng chân của Nấm Hương bước nhè nhẹ lên cầu thang, thèm nhìn thấy Nấm Hương cười, thèm thấy Nấm Hương chớp mắt. Cô bé chắc không bao giờ hiểu đựơc  rằng tôi buồn bã thảm thiết như bầy chim vỡ tổ trong gió mưa. Nếu một mai tôi không còn trên cõi đời này nữa, Nấm Hương sẽ làm gì? Đời sống vậy mà cũng có cái làm tôi không thể hiểu nổi, đoán ra được. Nằm ở đây, đôi khi nghe ai hát bản "Mùa thu chết" vọng lên từ chiếc máy thu băng của hàng xóm tôi như muốn ngất đi, lịm dần trong một cõi hoang vu kinh khiếp. "Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo, em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em…". Hình như tôi cũng đang chờ một điều gì đó, có thể là một người, có thể là một thời gian sẽ ngừng lại ở bên tôi. Toiâ không hay biết ngày mưa sẽ hết. Bão có tan đi hay không? Suốt một tuần mưa không ngớt chắc khu vườn tôi có nhiều lá chết lắm. Và có những chiếc lá mục nát, trơ chiếc xương mét lăn lông lốc trên bãi cỏ. Đời lá không còn, hồn đã chết tinh anh, và mùa lá đã bay theo với gió mưa. Tôi lo sợ bão sẽ không tan với gió mưa, mà mưa bão sẽ triền miên xuống khu vườn. Và biết đâu khi nắng lên, vừa mở cổng tôi sẽ không còn đứng trên bãi cỏ nhìn những cánh bướm xưa bay vào vườn nữa. Nếu tôi có là chiếc xương lá mục ngoài vừơn chắc sẽ không còn ai để ý nhặt lên. Tôi muốn mở tung cửa sổ một lần. Và tôi lại thiếp đi một lúc lâu. Khi tỉnh dậy tôi đã đoán trời đã về chiều. Căn phòng lấn dần bóng tối. Như vậy là đã có một ngày nữa rơi theo tờ lịch mỏng manh. Tôi đoán giờ này Nấm Hương đã đi học về. Chắc chắn cô bé sẽ bị ướt lạnh. Nấm Hương cũng có căn phòng quay cửa ra vườn cây. Chắc gió mang lá cây vào phòng Nấm Hương nhiều lắm. Có tiếng chân của chị Nguyệt Cầm tới phòng tôi. Rồi chị đẩy cửa bước vào. Tôi hỏi khi thấy nụ cười của chị: 

- Mưa có tạnh được chút nào không chị? 

- Mưa vẫn còn to lắm. 

- Bão cho tới bao giờ mới dứt, chị nhỉ? 

- Chắc ngày mai. 

- Biết bao nhiêu ngày mai rồi. Em không tin ngày mai lắm. 

Chị ngồi xuống bên giường, chép miệng: 

- Em lại nói nhảm. 

- Em thấy ghê sợ. 

Chị đưa tay sờ lên trán tôi. Chị nheo mắt hỏi: 

- Ghê sợ điều gì 

- Ngày mai. Thời gian. 

- Đó là tâm trạng của người đau. Khi nào khỏi hẳn em sẽ thấy thời gian là cần thiết. Ngày sẽ đẹp. 

Và chị xoa đầu tôi như tôi còn nhỏ dại lắm. Tôi vừa ngượng, vừa sung sướng trước cái nhìn của Chị Nguyệt Cầm. Hình như hơn lúc nào hết tôi muốn mình còn nhỏ dại mãi trong cái xoa đầu nống ấm dịu dàng của chị tôi. 

- Em đã bớt sốt. Uống thêm thuốc và ăn cháo. Hy vọng ít ngày nữa em sẽ mạnh. 

- Uống thuốc, ăn cháo em ngán đến tận cổ rồi. 

- Phải ráng chứ. Chiều nay Nấm Hương có tới thăm em không? 

Tôi lắc đầu: 

- Trời bão như thế  này chắc Nấm Hương không tới đựơc. 

- Biết đâu. 

Tôi nằm lặng nghe mưa đổ và gió rít bên ngoài. Hình các cây cối đều rung chuyển mạnh. 

Mùa lá sẽ tan nát trước khi tàn tạ và thay đổi theo thời tiết cố định. Tôi thương những chiếc lá lìa cành sớm, nó mang một vẻ tội tình, hối tiếc. 

- Chị bật đèn nhé? 

Tôi gật đầu. Chị Nguyệt Cầm tới chỗ bật đèn. Nhọn đèn sáng xanh làm gương mặt chị Nguyệt Cầm rạng rỡ thêm. Chị vòng tay ôm lấy cầu vai cười nói: 

- Có giận nhau không? 

Tôi không biết trả lời với chị Nguyệt Cầm ra sao. Hình như giữa tôi và Nấm Hương đang có một chút giận hờn nào đó xen vào những ngày cuối tuần đầy mưa bão. Tôi biết hơn ai hết tình cảm của mình, tôi cũng lại là một đứa con trai yếu đuối. Nhiều khi, tôi muốn tâm hồn mình bình lặng như một dòng nước mùa hè, chai cứng như một phiến đá nhưng rồi tôi hiểu rằng tâm hồn tôi hãy còn xao động và sôi nổi lắm. Tôi chưa qua hết tuổi thiếu niên. Nấm Hương trong khi đó là một cô bé thơ dại mong manh như cái hoa trổ lúc sáng sớm trời có sương mù. Tình cảm hai đứa như hai sợi khói vừa quện lấy nhau, hai sợi khói dễ tan và dễ dàng bay xa. Tôi nằm mở mắt nhìn lên trần nhà. Một khoảng không bao la bát ngát chiếm ngợp hồn tôi. Tôi không biết chắc lắm, nhưng tôi biết rõ Nấm Hương sẽ không tới được trong chiều nay để thăm tôi. Cô bé giận, hoặc vì mưa gió đầy trời. Tôi vừa mong Nấm Hương tới như một cánh chim trốn rét ngoài rừng cây, ngoài trời lạnh. Nhưng cũng vừa không mong Nấm Hương tới. Tôi thích nằm yên lặng để nghĩ vu vơ tới một hình bóng nhẹ thoảng như khói. Nấm Hương đang là một chiếc bóng, một cái hoa Phù Dung mong manh trước chân ngày sắp lặn. 

- Có cần áo len không, em? 

Tôi kéo cái chân lên tận ngực, lắc đầu. 

- Chị nghĩ, em nên mặc áo len cho ấm ngực. 

Tôi cố dằn một cơn ho. Tôi cố cười một tiếng lớn cho chị Nguyệt Cầm yên tâm. Chị Nguyệt Cầm đứng đó, che nửa cái cửa sổ thân thuộc căn phòng. Tôi thích nhìn chị ở phía sau lưng. Tóc chị Nguyệt Cầm đẹp quá những sợi đen nhánh chảy dài trên nền áo. Chị như một thiếu nữ trong tranh, Nấm Hương chắc cũng sẽ có mái tóc đẹp như chị nếu ngày kia Nấm Hương lớn bằng chị. Mái tóc là thời gian của một người con gái. Họ nuôi dưỡng và chờ đợi. Ngày nào mái tóc cắt ngắn đi nghĩa là đã có một biến chuyển trong cuộc đời. Tôi thích những người con gái tóc dài. Tưởng như họ không bao giờ nghĩ rằng thời gian rồi sẽ tới. Tuổi vàng rồi cũng bay, vỗ cánh như chim. 

- Chị thấy gì dưới vườn trong mưa? 

- Con đường sỏi buồn nằm dưới những khóm cây rũ rượi. 

- Chiều nay có hoa nở không? 

- Hình như không. 

- Sáng mai chắc có nhiều hoa nở. Nhưng em thích hoa nở trong cơn mưa hơn. 

- Trong cơn mưa chỉ có hoa tàn héo và lá rơi tơi bời thôi. 

Chị Nguyệt Cầm làm tôi nhớ tới bài "Vườn thu" của Văn Thủy. Bài hát buồn thảm như một cơn đau đè nặng trong người. Tôi loai hoay mãi với que đan và cuộn chỉ. Tôi ao ước được bình phục, ao ước được mạnh khỏe. Những ngọn cây cao lớn, những bức tường cứng bám đầy rêu xám đôi khi cũng là một mơ ước lớn của tôi. Nhiều lúc quá tuyệt vọng, tôi có cảm tưởng rằng mình sắp chết. 

Chị Nguyệt Cầm bỗng quay lại nói: 

- Hôm nay trông em khỏe ra. Vài ngày nữa bình phục như thường. Em vui không? 

Tôi cười với chị mà thật ra lòng tôi không tin tưởng mấy. Tôi biết chyện một người sắp chết nhìn qua những cửa sổ đếm những chiếc lá trên cây. Đêm trời mưa bão lá rụng gần hết chỉ còn một chiếc lá cuối cùng. Người bệnh tuyệt vọng nghĩ rằng khi chiếc lá ấy rơi thì mình cũng chết. Người chị thương em đứng canh chờ chiếc lá rụng để gắn một chiếc lá khác, xanh non lại trên cành và sáng hôm sau người em thức dậy thấy chiếc lá vẫn còn như một huyền lục nhiệm mầu đưa người em ra khỏi cơn bệnh. 

Đột nhiên tôi nói: 

- Em muốn về quê chị ạ. 

Giọng chị đầy ngạc nhiên: 

- Em sắp khỏi bệnh, ngày thi cũng gần kề. Nán ở lại thi xong chị và em cùng về. Với lại mẹ cũng sắp lên rồi. 

- Em thích đi trong ngày mai. 

- Đừng có điên. Mẹ la chết. 

Chị Nguyệt Cầm nhìn tôi. Đôi mắt chị hơi cong lại thoáng một nét giận. Tuy nhiên chị cười ngay sau đó: 

- Về quê rồi Nấm Hương tới làm sao? 

- Mặc kệ. 

- Bây gờ em có thêm cái tanh hay hờn mát nữa. Con trai như thế không được đâu. 

Tôi từng bị chị Nguyệt Cầm chê trách như thế. Tôi nghĩ đó là một cách trách yêu của chị và không lấy gì làm khó chịu. Tuy nhiên tôi cũng không hiểu rõ mình. Nhiều lúc tâm hồn tôi mềm yếu như một chiếc lá. Có khi tôi khóc ngon lành vì môt lý do vu vơ nò đó, hay bằng một cách tưởng tượng mông lung nào đó. Tôi nghĩ tới những đóa hoa sứ trắng trên lối đi vào vườn. Những buổi chiều đầu tiên Quỳnh Như mang khung vẽ tới. Màu nắng vàng trong vườn đẹp làm sao khiến tôi nhớ mãi. Nhưng bây giờ thì bên ngoài trời đang mưa, khu vườn chắc buồn bã lắm. Ừ nhỉ, đột nhiên rồi tôi cũng nhớ tới Quỳnh Như, cô Tuyên và Tuyến. Lâu lắm tôi không gặp lại cô bé đó với màu áo vàng cánh cam nhẹ tênh trên màu cỏ. Chị Nguyệt Cầm bỗng nói với tôi: 

- Có một chiếc xe đang dừng lại bên ngoài đường, ngay trước cửa nhà mình. 

Tôi không hình dung được người nào sẽ tới thăm tôi trong lúc này. Nấm Hương chỉ tới bằng xích lô. Tôi hỏi: 

- Xe gì chị? 

- Xe du lịch, rất đẹp. 

- Vậy chắc họ lầm nhà. Hơn nữa họ chưa chắc vào nhà mình. 

- Họ vào nhà mình thật. Đoán xem ai? 

- Chị thấy mặt? 

- Không. Một người che một cây dù to đang chạy lúp xúp dưới mưa và các khóm lá. 

- Chị không nhìn được nét quen thuộc nào của người đó sao. Một cô gái? 

Chị Nguyệt Cầm cười: 

- Dĩ nhiên, phải là một cô gái người ta mới đi dù chứ. 

- Đàn ông cũng đi dù. 

- Nhưng họ phải đi một chiếc dù đen. Đằng này chiếc dù màu xanh lơ, rất đẹp. 

Tôi nằm im không cãi với chị Nguyệt Cầm nữa. Tôi đã biết rõ đo là một cô gái che chiếc 

dù màu xanh lơ rất đẹp theo lời chị Nguyệt cầm nói. Nhưng cũng có thể không là người quen của chị. Tôi chỉ có cách im lặng, nằm chờ đợi. Chị Nguyệt Cầm nói: 

- Để chị xuống mở cửa. 

Rồi chị quay đi. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy một khoảng trời mù đầy mưa và mây xám đục nặng nề. Một lúc chị Nguyệt Cầm trở lên. Tôi bàng hoàng khi thấy người đi phía sau chị. Chị Nguyệt Cầm cười nói: 

- Em có khách. 

Tôi thấy Quỳnh Như xếp cây dù lại để phía bên ngoài cửa. Hôm nay Quỳnh Như mặc chiếc jupe màu xanh như cây dù. Quỳnh Như cười khi trông thấy tôi. Cô bé bước vào phòng theo sau chị Nguyệt Cầm và đứng một bên chị. Tôi ngượng quá. Tấm chăn đắp ngang ngực được tung ra và tôi ngồi dậy. 

- Em cứ nằm. 

- Em có thể ngồi dậy được. 

Chị Nguyệt Cầm mời Quỳnh Như ngồi rồi quay ra cửa nói: 

- Chị xuống nhà một chút. Có gì cần cứ gọi nhé. 

Tôi biết chị tránh mặt cho tôi tự do nói chuyện với Quỳnh Như. Quả thật tôi không ngờ Quỳnh Như đến thăm tôi trong lúc này. Cô bé lúng túng trước một chiếc ghế rộng. Tôi chỉ và nói: 

- Quỳnh Như ngồi xuống ghế. Bên ngoài mưa có to không? 

- Dạ to. 

- Có bị ướt? 

Quỳnh Như cười: 

- Quỳnh Như che dù. 

- Tới đây với ai? 

- Một mình thôi. À, có ông tài xế lái xe. Ông ta chờ phía dưới. 

- Sao bắt ông ta chờ. Không mời vào nhà? 

- Ông ấy coi xe luôn thể. 

Quỳnh Như chợt cười, bảo: 

- À, cô Tuyên gửi cho anh cái này. 

Quỳnh Như ra bên cửa xách vào một giỏ đầy trái cây. Tôi thấy những trái cam. Quỳnh Như để giỏ Cam trên bàn nói: 

- Cô Tuyên bận việc không đi được, bảo Quỳnh Như mang tới cho anh. Và hỏi xem anh bớt đau chưa. 

Tôi nói: 

- Đã bớt đau. Nhưng tôi không ăn được cam đâu, cô Tuyên cho nhiều thế. 

- Cô bảo người đau phải ăn nhiều cam cho khỏe. Anh cũng phải ăn chứ. 

- Tôi ngán nhất là ăn trái cây ngọt và uống sữa. 

- Nhưng những thứ đó làm cho người ta mau lại sức. 

Và Quỳnh Như cười: 

- Còn Như, Như cho anh cái này. 

Quỳnh Như bắt tôi xòe tay ra và đặt vào đó một bông hoa. Tôi nhận ra một bông mười giờ còn tươi như mới nở. Bông mười giờ không hương thơm nhưng tôi rất thích. Quỳnh Như cười nói: 

- Như ngắt bông hoa trong sân vườn đó. 

- Làm sao mà hoa không tàn, hay vậy? 

- Người  mới ngắt lúc chiều tối. Chúc anh mau hết bệnh. 

Tôi đưa bông hoa lên mũi. Quỳnh Như nói: 

- Không có thơm đâu. Hôm nào Như sẽ hái cho anh một bông hoa rất thơm trong vườn nhà Như. Hôm nay hoa ấy tàn hết rồi. Phải một tuần nữa mới có hoa mới. Lúc chiều trước khi tới đây Như thấy có những cái nụ thật xinh xắn. 

- Vậy tôi có thể sống thêm một tuần nữa để chờ cho bông hoa của Như tặng. 

- Anh nói gì thấy ghê. 

Tôi cười, đưa bông mười giờ cho Quỳnh Như, bảo cô bé bỏ vào cái lọ không trên bàn. 

Quỳnh Như nói: 

- Phải có một chút nước hoa mới tươi lâu được. 

Quỳnh Như nghiêng chiếc lọ thủy tinh nhỏ bé ra ngoài cửa sổ hứng nước mưa. Một thoáng chiếc lọ đã đầy nước. Quỳnh Như cô vẻ thích thú khi bông mười giờ được cắm trong chiếc lọ học trò. 

- Cô bé lạnh không? 

Quỳnh Như đung đưa hai chân bảo: 

- Ở ngoài thì lạnh, vào nhà đã hết. 

- Chiều nay cô bé không đi học? 

- Có chứ. Nhưng hôm nay Như về sớm. 

- Hôm nay thứ mấy nhỉ? 

- Thứ bẩy. 

Tôi nói như một tiếng thở dài: 

- Lại hết một tuần, sắp sửa sang tuần khác. 

- Lúc nãy chị Nguyệt Cầm bảo thứ hai anh có thể đi học trở lại. 

Tôi nhìn những giọt mưa bên ngoài. Suốt những ngày đau tôi hầu như không rớ gì tới sách vở. Kỳ thi này tôi không hy vọng gì đậu nổi. Nếu tôi không đậu chắc mẹ tôi buồn lắm. Tôi không hiểu nổi mình, một đứa con trai mà tâm hồn yếu đuối như con gái. Chị Nguyệt Cầm bảo những cơn đau làm tôi cảm tưởng rằng tôi yếu đuối, rồi khi lành sẽ khỏi. Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy mấy chiếc lá rơi ngoài vuông cửa. Mái tóc của Quỳnh Như thả dài, đen mượt như một dòng suối đêm bên những chấn song cửa sổ xanh. Quỳnh Như lớn hơn Nấm Hương, đẹp hiền thục và ngoan ngoãn. Cô bé ngồi đó như một con mèo sợ rét, thỉnh thoảng nhìn tôi bằng đôi mắt mở lớn và một nụ cười lúng túng. Tôi cũng không biết nói  gì thêm với Quỳnh Như, câu chuyện vẫn xoay quanh cơn mưa và tôi biết mùa mưa sẽ kéo dài ra với những ngày u buồn cho tôi. Nhiều khi tôi sợ trông thấy một bầu trời ẩm đục, nhiều mây nặng và gió lạnh thổi qua các đỉnh cây làm lá rụng xao xác. Nhưng rồi mưa cũng cứ đến. Lúc đó tôi nằm miết trong phòng như một con chim mùa đông nằm trong tổ kín. Tôi ao ước một bầu trời xanh, quang đãng với nhiều mây trắng nhẹ. 

- Trời mưa như thế này chắc khu vườn nhà tôi hoa rụng hết. 

Quỳnh Như nói: 

- Nhưng rồi sẽ có hoa mới. Lúc nãy Như thấy có rất nhiều hoa mới. Trời nắng lên, mùa hè chắc vườn nhà anh đẹp hơn vườn nhà Quỳnh Như. 

Tôi cười: 

- Và cô bé có còn xách giá vẽ tới để vẽ như hôm nào? 

Quỳnh Như cúi mặt ngượng ngùng, hai má đỏ. Cô bé vừa nhắc cho tôi hai tiếng mùa hè. 

Phải rồi, mùa hè, tại sao không nghĩ ra điều đó. Tại sao bao nhiêu lâu nay tôi lại cứ nhớ ra mùa đông, tưởng như mình đang sống trong một mùa đông dài triền miên bất tận? Mùa hè với những con đường rực rỡ hoa Phượng đỏ, bầy chim sẻ trong khu vườn, nắng len vào song cửa xanh. Tiếng ve kêu ran trong thành phố. Mùa hè mạnh khỏe với mặt trời hồng mỗi sáng sớm, rực rỡ giữa trưa nắng và đẹp mơ hồ vào buổi chiều mùa hè. Phải rồi, tại sao tôi không nhớ ra thời tiết sẽ thay đổi và trong mùa đông buồn đầy mưa bão còn có mùa hè đầy nắng ấm? Tôi nói như mơ màng: 

- Mùa hè. Tôi vừa nhớ ra những con ve trong khu vườn cũ. 

Quỳnh Như thương những cánh phượng già rụng dưới gốc cây trong sân trường. 

- Bao lâu nữa mới tới mùa hè? 

- Hình như chúng ta đang ở trong mùa hè. 

- Sao trời đầy mưa bão thế này? 

- Đó là những cơn bão rớt. Rồi mùa mưa sẽ chấm dứt, những cơn mưa sẽ chấm dứt. 

- Mùa hè ở trong mùa mưa, phải không? 

Quỳnh Như mỉm cười. Cô bé nhìn quanh: 

- Căn phòng tối quá. Chỗ nào bật đèn, anh? 

Tôi nhớ ra bóng tôi đã vây quanh căn phòng từ bao giờ. Tại sao lúc nãy chị Nguyệt Cầm không bật đèn? Hay chị đã bật đèn và tắt khi tôi nhắm mắt? Bầu trời đầy mây đục và buổi chiều hình như cũng sắp hết với một bóng đêm bắt đầu sửa soạn tới. Tôi đưa tay chỉ cho Quỳnh Như thấy công tắt bật đèn: 

- Chỗ kia. 

- Chỗ nào anh? - Quỳnh Như ngó theo tay tôi và hỏi. 

Tôi cười: 

- Không thấy à. Phía tay mặt, bàn viết. 

- À, thấy rồi. Chỗ đó nhiều bụi mưa tạt vào. Anh quên đóng cửa sổ khi mưa to, phải không? 

Tôi đáp: 

- Hình như có chứ. Không hiêủ sao nó lại bật ra. Chắc trời gió. Chiều nay gió lớn lắm. Như đi dù mà muốn bay bổng lên không. 

Đèn sáng. Căn phòng bớt vẻ lạnh lẽo. Quỳnh như đứng án cửa sổ để nhìn xuống khoảng sân. Tôi định hỏi Quỳnh Như thấy gì bên dưới, nhưng tôi nhớ đã hỏi câu này với chị Nguyệt Cầm rồi, Quỳnh Như đứng kiễng chân để ngó cho rõ một vật gì bên dưới, hai cánh tay trắng vịn vào hai bên thành cửa, tóc dạt qua một bên má. Bây giờ tôi mới hỏi: 

- Quỳnh Như đang nhìn bên dưới? 

- Một cây hoa có một búp vàng rất đẹp, chắc là sắp nở. 

- Tôi không biết. 

- Anh không thấy bao giờ à? 

- Có chứ, nhưng trước đây mấy hôm không có một búp nào cả. 

Quỳnh Như cười mấy tiếng như tiếng chim hót trên mái nhà mỗi buổi sáng. Tôi nghĩ mãi về giọng cười này. Tại sao con gái có một giọng cười giống như tiếng chim hót? Nấm Hương cũng cười nhỏ, nhưng lại là một nụ cười buồn, tôi ít khi nghe tiếng giọng cười Nấm hương vỡ ra. Hình Như giọng cười của Nấm Hương chi ở trong vành môi. 

- Có ai đến thăm anh không? 

Tôi lắc đầu: 

- Không có ai hết. 

- Cô bạn nho nhỏ của anh hôm trước đâu? 

- Chiều nay cô ấy học đến tối. 

- Anh có nhớ cô bạn nho nhỏ ấy không? 

Tôi ngó Quỳnh Như ngạc nhiên. Tại sao cô bé có thể gan dạ để hỏi tôi một câu như vậy trong khi bình thường cô bé rất nhát? Tôi muốn cười một tiếng và im lặng không trả lời. Nhưng đến khi tôi nhìn thấy đôi mắt bối rối ấy tôi lại nghĩ khác. Tôi muốn trêu cô bé chơi: 

- Nhớ chứ. Người ta là bạn thân mà. 

- Chắc chiều nay anh buồn lắm. 

- Đau mà không thấy bạn thân tới thăm. 

- Có chứ. Quỳnh Như đấy. 

- Như chỉ là người bạn mới quen. 

- Người ta có thể thân thiết với nhau khi mới quen. Hay có thể chưa quen mà đã thân nhau rồi. 

Quỳnh như tròn mắt: 

- Chưa quen mà đã thân nhau? Anh nói chuyện kỳ ghê. 

- Không có gì kỳ hết. 

- Rồi bao giờ cô bạn nhỏ ấy tới? 

- Không biết. Nhưng chắc sẽ tới bất ngờ như Quỳnh. 

Quỳnh Như ngạc nhiên: 

- Cái gì Quỳnh. Quỳnh Như chứ? 

- Tự nhiên tôi thích gọi Như là Quỳnh. 

- Sửa tên người ta hả? 

- Bớt thôi chứ không có sửa. 

Quỳnh Như mím môi, cười: 

- Quỳnh. Nghe kỳ quá, nó trông trống, thiêu thiếu một cái gì phía sau. 

- Quỳnh là hoa Quỳnh. Biết hoa Quỳnh không? 

- Sao không. Lúc trước cô giáo dạy vẽ bắt vẽ toàn hoa Quỳnh. 

Chị Nguyệt Cầm trở lên, đem cho Quỳnh Như một ly nước chanh và cho tôi một ly sữa với hai viên thuốc. Chị nhắc tôi uống sữa và phải nuốt hai viên thuốc. Tôi ngán đến tận cổ khi nhìn thấy hai thứ  ấy. Quỳnh Như đưa hai viên thuốc tới bàn tôi và cười: 

- Anh uống thuốc đi. 

- Tối uống. 

- Uống ngay bây giờ chứ sao lại tối. 

Chị Nguyệt Cầm đứng cười. Tôi bị bắt buộc phải uống thuốc trước mặt Quỳnh Như. Tôi đau khổ bỏ hai viên thuốc đắng vào miệng và uống ngay tức khắc một ngụm sữa. Sau đó tôi thở ra, Quỳnh Như vẫn cứ đưa ly sữa tới trước mặt tôi: 

- Anh cũng phải uống sữa nữa. 

- Uống sữa nhiều sẽ hóa thành một đứa con nít. 

Tôi biết chị Nguyệt Cầm gián tiếp nhờ tay Quỳnh Như bắt tôi không bỏ cữ thuốc nào và sữa hằng ngày, nếu không có cô bé này chắc tôi đã lén quăng hai viên thuốc vào gầm giường và đổ ly sữa qua cửa sổ. Tự nhiên tôi nóng mặt. Tôi muốn khỏi ngay cơn đau, muốn chạy ra vườn, băng dưới mưa và la hét ầm ĩ. Tại sao tôi là một đứa con trai yếu đuối và luôn luôn đau ốm? Tôi uống phắt hết ly sữa và nhắm mắt lại cho khỏi phải ói trở ra. Và tôi thở dốc nằm xuống. Chị Nguyệt Cầm bảo Quỳnh Như  uống ly nước chanh rồi biến mất. 

Quỳnh Như ngồi trên ghế ngó tôi. Một lúc cô bé hỏi: 

- Anh giận Quỳnh rồi phải không? 

Nếu cô bé nói Quỳnh Như chắc tôi giận thật, đằng này cô bé khôn ngoan chiều ý tôi xưng mình là Quỳnh Như tôi thích. Tôi không trả lời nhưng tôi thầm sung sướng trong lòng. Thấy tôi không trả lời Quỳnh Như không dám hỏi nữa. Cô bé đứng lên đi ra cửa, những bước chân lọc cọc ngoài thềm vang nhẹ làm tôi buồn. 

Tôi muốn ngồi dậy cầm lấy cây đàn nhưng tôi không thể nào ngồi dậy được. Quỳnh Như trở vào. Tôi cũng không mở mắt ra, bất ngờ  hai mắt tôi chạm vào hai mắt Quỳnh Như. Cô bé quay đi. Tôi thoáng bàng hoàng. Tôi không dám nghĩ nữa. 

- Cô Tuyên dặn khi nào anh hết đau mời anh lên nhà chơi. 

Tôi nói: 

- Lỡ không gặp Quỳnh Như ở nhà. 

- Cô Tuyên mời chứ bộ Quỳnh Như mời sao? 

- Nói chuyện với cô Tuyên ngại chết. 

- Con trai mà như con gái. Cô Tuyên bảo anh phải đi lính trông mới khác được. 

- Sợ người ta không cho anh đi. 

- Tại sao? 

- Anh gầy quá, qua cầu gió thổi bay cái vù mất tiêu. 

Tôi không biết sao hơn khi bị chê gầy. Ai cũng chê tôi gầy trong khi tôi chả muốn mập tí nào. Trong trường tôi có nhiều người mập, và trong lớp tôi có một đứa mập không chê vào đâu được. Tôi ước ao hôm nào sẽ chỉ cho Quỳnh Như thấy thằng đó. Và tôi sẽ dịp trả thù Quỳnh Như. Bây giờ tôi chịu thua. Tôi quay vào tường và muốn Quỳnh Như đi về. 

- Bên ngoài tối quá rồi, anh Đan có thấy không? 

Cô bé lại trêu tôi bằng cách bỏ tên chính mà chỉ kêu tôi bằng tên lót như tôi kêu cô bé. 

Tôi tức nhưng tự nhiên rồi cũng thấy hay hay với tên Đan Trường vừa quen thuộc vừa xa lạ kia. 

- Trời vẫn mưa hoài. 

Tôi có cảm tưởng đó là một tiếng thở dài của Quỳnh Như, Chữ "hoài" cô bé kéo dài ra, buông rơi, nhẹ như là một hơi gió. 

Mưa buồn ghê. Chắc là hết đêm nay mới tạnh. 

- Bão, không biết sao? 

- À, bão. 

Tôi không hiểu Quỳnh Như nói gì nãy giờ. Cô bé nói chuyện như là nói một mình. Tôi cảm thấy nhức đầu và bực bội. Tôi muốn nằm yên ngủ một giấc cho tới sáng mai. Biết đâu sáng ngày mai có một tia nắng rọi vào phòng. Tia nắng đầu một ngày, tia nắng hồng tươi lứơt  trên hơi lạnh vừa tan của những ngày mưa ẩm ướt và buồn. 

- Thôi Quỳnh Như về đây. 

Tự nhiên rồi tôi hốt hoảng giữ Quỳnh Như ở lại. Nhưng tôi nằm im lắng nghe tiếng chân cô bé bước dần xa khuôn cửa. Tôi thấy mình buồn rũ như  một xác chết nằm yên và hình dung ra  khuôn mặt của Quỳnh Như nụ cười hiền hòa của cô ấy và những bước chân thoăn thoắt chạy trên lối đi đầy mưa ra đường. Cây dù xanh sẽ bật lên, che một khoảng trên đầu. Tôi sợ sẽ không bao giờ nhìn thấy lại hình ảnh dễ thương đó nữa. 

- Quỳnh Như về rồi. Cô bé có nói gì với em không? 

Chị Nguyệt Cầm bước vò hỏi. Tôi lắc đầu. Chị Nguyệt Cầm bước tới gần hơn: 

- Sao thế? 

- Cũng không biết tại sao. Cô bé ấy nói đi về và… 

- Em cũng không giữ cô bé lại? 

- Em muốn nằm yên và ngủ một giấc bất tận. 

- Lại nói nhảm. 

Tôi cười. Chăc nụ cười của tôi buồn lắm nên chị Chị Nguyệt Cầm thở dài một tiếng. Tự nhiên tôi ứa nước mắt. Tôi sắp khóc. 

Một lúc tôi hỏi chị: 

- Trời tốt hẳn chưa chị? 

- Còn một chút ánh sáng. 

- Chắc mưa đến ngày mai mới tạnh. 

- Có lẽ. 

Tôi lẩm bẩm: 

- Hoa Quỳnh… 

- Caí gì? 

Tôi lắc đầu cười: 

- Không cái gì hết. Em muốn ngủ một giấc. 

Tôi nhìn thấy loáng thoáng gương mặt của chị Nguyệt Cầm cúi xuống, mái tóc dài của chị che kín ánh đèn bên trên. Chị đứng lên và quay ra cửa phòng. Tôi nói: 

- Chị tắt đèn giùm em. 

Chị bước tới chỗ công tắc, và tôi thấy ánh sáng vụt tắt trước mắt. Sau đó có tiếng chân chị bước nhẹ ra cửa, đồng thời tiếng mưa cũng nghe nặng bên ngoài, Quỳnh Như chắc đang trên đường về nhà. Chiều nay hai hàng cây trên đường về nhà Quỳnh Như chắc sẽ rụng nhiều lá. Tôi úp mặt và nghe hơi thở nóng sốt của mình đầy mặt.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Một cơn mưa nhỏ vừa đi qua bằng những hạt nhẹ rơi cây lá xuống mặt đường. Nắng vàng ửng trải một khoảng xa trước mặt tôi cùng với màu lá chết làm ngợp mắt. Con đường này nhiều cây, cũng như có rất nhiều ngôi nhà đẹp. Trong từng nhà có vườn, hoa nở đỏ rực hay vàng tươi. Đó là những thứ hoa tôi chưa biết tên. Tôi chỉ biết độc một thứ, đó là những cái hoa Dầu to, đỏ như màu máu trên cao kia, trong bóng lá xanh. Con đường với hai hàng Dầu to, cao lớn chạy dài. Tôi thấy lũ chim kêu vang bên những ngọn và nhảy chuyền đẹp mắt. Con đường cũng có nhiều chim quá. Và những con đường xoay chung quanh một ngôi trường con gái hình như đều có nhiều cây và nhiều chim. Tôi không thuộc hết những con đường bao quanh trường Nấm Hương, nhưng tôi có thể nhắm mắt mà dong xe không sợ nhầm lẫn với những con đường khác. Những buổi chiều sau cơn đau dài vưà dứt như trận bão đã tan, bay mất khỏi thành phố buồn thiu này khí xung quanh tôi là màu xanh và nắng vàng, tiếng chim và hoa nở rực trên cao. Hôm không có hẹn trước với cô bé, nhưng lệ thường chúng tôi thường gặp nhau đầu tuần và cuối tuần, hai ngày đó sẽ là mối dây liên lạc khắp một tuần lễ dài, Tôi hy vọng chiều nay Nấm Hương không quên điều đó. Tôi dừng lại xe nơi chỗ hẹn cũ với một chương trình nho nhỏ sắp sẵn trong đầu. Và tôi muốn ngợp đi trong màu xanh của cây lá. Con đường hình như không được quét lá. Người phu quét đường chắc cũng mơ mộng không kém chi học trò, ông ta để lá chết rơi đầy, và cứ có một cơn gió thổi tới lá trên cây rụng xuống và lá đã bay dưới đường bay lên. Chiều nay con đường mát rượi với một chút nắng sau cơn nhỏ vừa dứt. Tôi có cảm tưởng lớp lá chết lìa cũng mềm và mát rượi dưới những bức chân của đám học trò con gái. 

Tiếng chuông lên cách tôi một khoảng đường. Nhưng không hiểu sao tôi nghe rõ ràng như đứng sát cổng trường của Nấm Hương. Có lẽ tiếng chuông quen thuộc quá, như thể đã ăn sâu vào trong trí nhớ và tới một thời gian cố định nào đó thì nó reo trong lòng ta trước. Tôi mỉm cười chờ đợi tiếng chuông tan. Tôi thấy cành cửa trường mở rộng. Đây là cánh cổng sau, mở ra con đường đẹp nhất trong các con đường. Tôi đứng chờ Nấm Hương cách một khoảng, ở một ngã tư và cạnh công viên phía trước có rất nhiều xe nước đá, xe bò bía, xe cóc, ổi dầm vàng lườm lượm. Tiếng chuông tan, một hồi dài đã dứt. Đám học trò về hai đầu giờ ùa ra với một rừng áo trắng lượn múa trong gió. Từ chỗ này, tôi có thể nhìn thẳng tới cánh cổng để trông rõ Nấm Hương và khi bước ra. Học trò về hai giờ đầu không đông lắm, một thoáng sau đó tôi cũng thấy Nấm Hương bước ra với cái cặp da nặng dưới tay. Nấm Hương đi với hai người bạn nữa, cả ba đang bàn cải một câu chuyện gì gay go lắm. Và tôi luôn luôn thấy Nấm Hương ra trễ, có khi ông gác dan đã khép cổng lại rồi sau đó Nấm Hương mới chạy tung ra như một con chim thoát khỏi chiếc lồng bởi một cậu bé lơ đãng. Từ phía đó hình như Nấm Hương cũng đã thấy tôi. Cô bé nhìn lại, sau đó cả ba cũng bước về hướng tôi. Không hiểu Nấm hương kéo theo hai cô bé kia làm gì, dù tôi biết đó là người bạn thân của Nấm Hương. Tôi vẫn ngồi yên trên xe lúc cả ba băng sang đường. Tôi thấy Nấm Hương cười, bối rối với bốn con mắt của hai người bạn. Hai cô bé kia cũng ngó tôi một thoáng rồi họ phớt tỉnh bước ngang qua mặt tôi, bỏ lại một mình Nấm Hương. Tôi hỏi: 

Ba người đó bỏ dở một chuyện gì gay cấn lắm phải không? 

Nấm Hương cười: 

- Chuyện gì? 

- Lúc nãy thấy bàn cãi hăng lắm. 

- Tụi nó rủ đi vòng vòng hái trộm hoa nhà người ta. 

- Sao không đi? 

- Thấy anh đứng chờ ở đây. 

- Không thấy chắc đi hái hoa rồi hả? 

Nấm Hương đỏ mặt. Hình như mặt Nấm Hương ở những buổi trưa nắng đều đỏ ửng lên. 

Bây giờ là buổi chiều, một chút nắng còn trong bầu trời cũng đủ làm cho hai má Nấm Hương ửng đỏ. 

- Chắc anh mong người ta đi hái hoa để trở về noí chuyện với người bạn họa sĩ thân mến lắm. 

Tôi cười. Nấm Hương lườm mắt: 

- Phải không, trả lời đi. 

- Hôm nay cô bé không có tới. 

- Không tới cũng có nghĩa là chưa tới. 

- Thôi. Lên anh chở về. 

Nấm Hương ngó xuống đất. Tôi biết cô bé bắt đầu dỗi. Tôi đạp xe cho nổ máy và rồ ga thật mạnh làm cho mọi người xung quanh ngó lại phía tôi và Nấm Hương. Cô bé bây giờ mới chịu ngó lên hỏi: 

- Đi đâu? 

- Đi đâu sẽ biết. 

- Để nói với ông xích lô đã chứ, kẻo ông ấy chờ. 

Bây giờ tôi mới nhớ tới ông xích lô thường trực đưa rước Nấm Hương. Ông ta đứng cách tôi một khoảng, cũng không xa là bao nhiêu, dưới một gốc cây to tràn đầy bóng mát. Ông ta ngồi dựa ngửa, nhắm mắt, chắc là đng trong một giấc ngủ. May quá, nếu ông ta khôg ngủ chắc đã thấy tôi và Nấm Hương đứng nói chuyện với nhau. Hẳn ông ta phiền lòng vì Nấm Hương đã bắt ông ta chờ. Tôi vẫn cứ gồ ra trong khi Nấm Hương chạy lại đánh thức ông xích lô dậy. Sau đó tôi thấy ông bậc người ra sau dựa đầu ngủ tiếp. Nấm Hương quay trở lại. Tôi hỏi: 

- Ông ta ngủ thật không, hay chỉ giả vờ nhắm mắt? 

Nấm Hương leo lên ngồi phía sau, nói: 

- Ngủ mà cũng giả vờ nữa sau? 

- Có chứ. Nhiều khi ông ta giả vờ ngủ rồi hé mắt nhìn mình nói chuyện rồi về báo cáo lại. 

- Ông ta biết từ khuya rồi. Ông ta theo phe em chứ bộ. 

- Hú hồn! 

Nấm Hương cười khúc khích. Toiâ biết cô bé đã quên dỗi. Tôi cũng không dại gì nhắc lại chuyện lúc nãy. Trên cổ tay tôi còn những dấu tay của cô bé, những dấu tay sâu, rướm máu đau xót cả những lần Nấm Hương giận dỗi một chuyện cỏn con nào đó mà nhiều khi tôi không biết nguyên do. Suốt những ngày đau, những dấu tay đã lành, nhưng tôi vẫn cảm thấy cái đau tê tê trong da thịt và sẽ chịu những dấu tay mới của cô bé bất cứ lúc nào. 

- Đi đường này, anh. 

Tôi quẹo xe theo hướng tay Nấm Hương chỉ rồi mới hỏi: 

- Tại sao không đi thẳng mà quẹo? 

- Đi thẳng gặp nhiều đứa quen. 

- Ăn nhằm gì. 

- Vào lớp kỳ lắm. 

Con đường này cũng khá đẹp. Tôi chạy xe chậm rì. Nhưng nếu muốn chạy nhanh chưa chắc chiếc xe cà tàng của tôi có thể chạy nhanh hơn. Tôi sợ phải đi vào một con đường vắng, vì lúc ấy chỉ nghe mỗi một mình tiếng máy xe của tôi thôi. 

- Xe anh nổ như cái nhà máy xay lúa. 

- Để anh đánh thức những người trong ngôi nhà hai bên đường ngủ tới sáu giờ mới thức dậy. Nếu không có người kêu chắc còn có thể ngủ nữa. 

- Nhà này có nhiều hoa quá. 

Nấm Hương cười: 

- Nấm Hương và tụi bạn đã vào hái trộm hoa rồi đó. Tài không? 

- Rào cao như thế làm sao mà vào? Trong nhà có cả chó dữ nữa. 

- Tụi em quen với con chó dữ đó rồi. Rào cao hả, trèo. Một đứa cõng một đứa trên vai trèo qua rào như chơi. 

- Trời đất! 

Nấm Hương có vẻ thích thú khi đi ngang ngôi nhà có nhiều hoa đẹp và thích thú kể lại thành tích hái trộm hoa của mình. Tôi không biết cô bé hái trộm hoa để làm gì trong khi nhà cô bé cũng không thiếu gì hoa. Một lần Nấm Hương đi học ghé nhà bất thình lình mang theo cả một cây Ngọc Lan đầy hoa, phần gốc được bao kín bằng một lớp bông gòn thấm ướt nước dày cộm. Tôi ngạc nhiên thì Nấm Hương cũng giải thích rằng miếng bông gòn tẩm nước kia giữ cho hoa lâu tàn và cây lâu chết. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Nấm Hương cho biết cây Ngọc Lan kia Nấm Hương đã nhổ trong vườn nhà người ta, thêm một vạt áo rách vì bị con cho nhảy ra vồ. 

- Anh dừng xe đợi người ta một chút được không? 

Tôi ngạc nhiên hỏi: 

- Làm gì? 

- Hái hoa. Em vừa trông thấy một nhánh hoa thật đẹp trong nhà kia. 

- Đừng có đùa. Người ta rượt chạy không kịp. 

- Bây giờ không có ai ngoài đường đâu. Anh đừng sợ. 

Tôi chưa kịp dừng xe lại Nấm Hương đã nhảy xuống, để chiếc cặp da lại phía sau rồi thoan thoắt băng qua đường, thoan thoắt trèo qua một khoảng rào với tay bẻ nhánh hoa Ngâu vàng tươi chạy trở ra khoe với tôi. Phải nói thật là tôi hú hồn khi thấy Nấm Hương chạy trở ra bình yên. Nấm Hương sung sướng cầm nhánh hoa trên tay. Tôi gắt: 

- Lần sau đừng có làm như thế nữa nhé. Ngưòi ta bắt được thì sao? 

- Thì cười một cái rồi chạy đi. 

- Người ta đuổi theo? 

- Không ai đuổi theo làm gì. 

Tôi lắc đầu chịu thua cô bé rồi tiếp tục cho xe chạy đi, nuốt dần những khỏang đường và màu xanh mát rượi của cây lá buổi chiều. Con đường nối dài tưởng vô tận cuối cũng hết. Khi tới trước một ngã tư tôi quay hỏi Nấm Hương: 

- Đường nào đây? 

- Tùy anh. 

- Tay phải nhé! Ra phố. 

- Chi vậy? Em thích đi vòng vòng cho hết những con đương rồi về nhà. 

- Đi vòng vòng anh cũng thích nhưng đặc biệt hôm nay ra phố tới một chỗ rất đẹp uống nước. 

- Gặp ba đi làm về cũng… đẹp lắm, ông bố cho một trận rồi cạo đầu đi tu luôn. 

- Có khi không cạo đầu mà vẫn đi tu được. Đừng lo. 

Nấm Hương thúc một cái vào lưng tôi. Tuy nhiên tôi vẫn cứ quẹo tay phải để ra phố. Con đường này không có cây Dầu nào trổ hoa đỏ ối trên cao nhưng đặc biệt là có rất nhiều cây me già. Mùa này lá me xanh mướt như vừa mới được quét một lớp sơn mới. Hai hàng me đâu ngọn với nhau, suốt mùa rụng lá. Những chiếc lá me giờ rơi rụng trong gió như một đàn bướm nhỏ trong khu vườn nhà tôi. 

Nấm Hương khen: 

- Lá me rụng đẹp quá. 

- Nhưng chiếc lá chết cuối cùng đấy. Rồi chắc mai mốt không còn lá để rụng nữa. Mùa mưa năm sau mới lại thấy. 

- Nói thế chứ sao ngày nào đi học e cũng thấy lá me rụng hết vậy? 

- Đó là những cây me chưa thay lá đó nhỏ ơi. 

- A… 

Tôi nghe Nấm Hương kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Tôi cũng ngạc nhiên hỏi: 

- Cái gì thế? 

- Anh vừa gọi người ta bằng nhỏ? 

Tôi cười: 

- Nhỏ thua một chiếc lá me nữa. 

- Bộ cô bé họa sĩ của anh lớn lắm chắc? 

- Không lớn hơn ai, nhưng lớn hơn nhỏ thôi. 

Tôi không nghe Nấm Hương nói gì cả. Và như vậy là cô bé đã giận. Suốt con đường ra tới phố tôi không nghe cô bé nói một lời. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như cô bé nhẩy xuống đường, cành hoa Ngâu vanøg vẫn conø trong tay. Tôi gọi: 

- Nấm Hương. 

Vẫn im lặng. Tôi cười.: 

- Ra phố, mang bộ mặt ấy người ta tưởng đâu anh chở theo một cái bánh bao chiều. Dị lắm! 

Nấm Hương xoay mặt chỗ khác. Tôi cũng vừa thấy một cái ngã tư đèn đỏ bật. Ông cảnh sát đứng dựa vào gốc me nhìn lên vệt trắng kéo lướt qua một cành cây trên mái nhà bên kia đường. Phố buổi chiều nhiều người đi dạo. Những người chơi thể thao đi xe đẹp cầm vợt mang quần áo vớ trắng chạy chậm chậm cặp theo lề con đường có nhiều bóng mát. Tôi chờ đèn xanh bật lên. Nấm Hương im mãi cho tới khi tôi dừng lại trước một ngôi quán. 

- Ở đây hả? 

Tôi gật đầu, cho xe lên lề đường. Nấm Hương lúng túng với chiếc cặp, nhưng quán không đông khách, tôi nhìn vào thấy rất nhiều bàn ghế trống. Tôi nói nhỏ: 

- Đừng ngại. Chả ai để ý đâu. 

- Người ta sẽ bảo mình cúp cua. 

- Ăn nhằm gì. 

Tôi thấy đôi mắt Nấm Hương bối rối, cúi xuống khi bước vào quán. Hai má Nấm Hương đỏ bừng, đi va vào mấy chiếc ghế sắp té. Tôi đẩy rộng chiếc ghế ra cho Nấm Hương ngồi xuống và ngồi chiếc ghế đối diện. Nấm Hương để chiếc cặp sang ghế bên cạnh, ngó tôi nói: 

- Lần đầu tiên người ta vào đây. Kỳ ghê! 

- Quán không có ai hết, thấy không? Chỉ có hai đứa. 

- Bên kia có nhiều người ngoại quốc quá. Họ tới đây làm gì mà nhiều thế anh? 

- Họ tới để uống nước như mình. 

Nấm Hương nhìn quanh, vẫn chưa hết bối rối trên đôi mắt to đen ấy. Bên ngoài đường nắng vàng trải xuống từng khoảng. Mặt đường in bóng cây, không khí xao xác và khu phố gần như yên tĩnh so với những khu phố náo nhiệt đông đúc khác. Quán gần bờ sông nên gió thổi mạnh từng cơn về mát rượi. Ngồi ở đây thật thoải mái. Hôm nay là lần đầu tôi dắt Nấm Hương vào đây nhưng tôi đã thường ngồi ở quán này vào những hôm trời mưa kéo dài. Ngồi yên lặng với ly nước của mình nhì ra ngoài thấy mọi người đi lại trong một cảm giác buồn chán dửng dưng. Những buổi chiều như thế tôi yêu tất cả những cánh chim bay qua một khoảng trời, vượt đỉnh cây bay qua mái nhà cao nâu sẫm. 

- Hương uống gì? 

- Anh uống gì Hương uống cái đó. 

- uống bia Hương có uống bia không? 

- Uống chứ. 

- Vậy anh kêu hai chai bia mình đối ẩm nhé? 

Nấm Hương cười: 

- Cụng ly sợ anh say. 

Tôi đưa tay ngoắc người hầu bàn, nhưng Nấm Hương đã ngăn lại: 

- Nói đùa đó. Hương uống cô ca. Mà anh cũng đừng uống bia. 

- Chứ anh uống cái gì? 

- Hương uống cái gì anh uống cái đó. 

Tôi gật đầu bảo người hầu bàn. Ông ta quay đi một chút mang lại hai chai cô ca với hai cái ly sẵn đá. Tôi rót cô ca vào ly cho Nấm Hương và chợt nhận ra một cái gì ngượng ngùng trong cách xưng hô giữa tôi và cô bé, khi tôi gọi Nấm Hương là em, khi thì kêu tên, ngược laị Nấm Hương nhiều khi cũng lẫn lộn như thế. Giữa tôi và cô bé không có cái gì rõ rệt. Có một điều chắc chắn một cái gì, hiểu một cách mơ hồ tình cảm cũng như mùa lá. Khi lá vàng, khi lá thay màu xanh. Tôi cảm thấy mong manh trong tất cả những ngày tháng. Nấm Hương còn bé quá. Rồi Nấm Hương sẽ lớn. Không có cái chắc chắn được ở ngày mai. Một người lớn lên sẽ khác một người nhỏ như bây giờ. Và vì thế tôi thích thấy Nấm Hương nhỏ bé mãi. 

- Anh nghĩ gì, sao không uống nước đi? 

Tôi nhìn thấy bờ môi Nấm Hương ngậm lấy vành thủy tinh trong suốt. Một vài vụn nước đá loang ra như sương bám trên cửa kiếng. Môi Nấm Hương đỏ như thoa son hồng. Tôi cũng uống một ngụm nước. Tôi đang mong trời đổ một cơn mưa. 

- Mấy giờ rồi anh? 

- Chưa tới giờ đâu. 

- Đưa Hương về trước sáu giờ nhé! 

Tôi gật đầu. Một lúc tôi hỏi: 

- Vào đây sợ không? 

- Sợ. Nhất là có mang theo chiếc cặp. 

- Hương đựng cái gì trong đó mà nặng thế? 

- Sách vở học. 

- Có ngăn nào đựng những trái ổi, trái mận, cóc dầm không? 

Nấm Hương cười, xoay cái ly trước mặt. Tôi nhìn ra ngoài đường thấy cái bóng nắng đã tan trên mặt đường. Gió lớn từ hướng sông thổi lên, khu phố đẹp như một nơi xa lạ mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy. 

- Mình về anh Đan Trường. 

Nấm Hương vừa gọi tên tôi một cái bất ngờ làm tôi bàng hoàng nhớ tới Quỳnh Như. Cô bé gọi tôi là Đan. Cũng dễ thương cũng như tôi gọi cô bé là Quỳnh vậy. Tôi gật đầu: 

- Hương uống hết nước đi. 

Nấm Hương uống một ngụm nước cuối rồi đứng lên theo tôi. Tiền trả tôi để lại trên bàn cho người bồi. Cánh cửa sắt nặng nề kéo qua cho Nấm Hương bước ra. Bầu trời chyển màu có những cánh mây xám. Nấm Hương bảo: 

- Coi chừng mưa, anh. 

- Hình như đã hết mùa mưa rồi. 

- Chưa hết đâu. Thế nào cũng còn vài cơn mưa lớn nữa. 

Tôi đạp nổ máy xe. Nấm Hương ngồi lên. Con đường một chiều thẳng tắp. Tôi nhìn đống hồ thấy chưa phải chạy nhanh vội nên đưa Nấm Hương ra bờ sông rồi từ đó về con đường nhiều cây lá nhất chúng tôi thường đi. Nấm Hương ngồi phía sau nói: 

- Lúc nãy ở bờ sông Hương thấy một chiếc tàu đang nhả khói. 

- Thiếu gì tàu đang nhả khói. 

- Hương thích biển. 

- Vài năm nữa anh đi Hải Quân, chịu không? 

- Anh nhớ bắt những con chim biển về cho Hương nhé. 

Tôi cười. Nấm Hương chắc không hiểu tại sao tôi cười. Cô bé thúc vào lưng tôi một cái ra ý hỏi nhưng tôi im lặng cho xe chạy. Nấm Hương hỏi lớn: 

- Cái gì mà cười? 

- Không có gì hết. 

- Không có gì hết sao cười, bộ nhạo người ta hả? 

Tôi lắc đầu quầy quậy và cho xe chạy nhanh vào đám đông để tránh phải cãi vã với cô bé, tôi biết một lúc cô bé sẽ giận. Khi quẹo qua ngã tư tôi thoáng trông thấy một cánh tay đưa ra từ trong chiếc xe nhà chạy vụt qua vẫy tôi. Chạy một khoảng tôi mới ra hình như là Quỳnh Như. Vừa lúc đó Nấm Hương nói: 

- Có thấy ai đưa tay vẫy không? 

Tôi làm bộ lắc đầu, Nấm Hương cấu nhẹ vào lưng tôi nói: 

- Quỳnh Như, bạn thân của anh đó. 

- Anh không thấy. 

- Có giả vờ không? 

- Thật. 

- Người nào nói dối thì bị tội gì? 

- Bị thằn lằn cắn thụt lưỡi. 

Nấm Hương cười. Trong khi tôi bàng hoàng nhớ lại cái vẫy rối rít của Quỳnh Như trên đường. Cô bé đi học về và không biết có ý định ghé nhà thăm tôi không. Nếu có giữ ý đó chắc tôi chắc cô bé đã bỏ. Chiều nay chị Nguyệt cầm cũng đi vắng.

Tôi dừng xe cho Nấm Hương xuống cách nhà một khoảng xa. Nấm Hương cho tôi cành Ngâu và nói: 

- Chúc anh sẽ gặp lại Quỳnh Như. Hai người chưa quen nhau mà. 

- Quen rồi. Từ hôm ở nhà anh cơ. 

- Sao lại có vẻ không thân được với nhau nhỉ? 

- Đố anh biết. Thôi, tặng cành Ngâu này. Hương về đây. 

Tôi cầm Ngâu thấy những cánh hoa vàng đã rụng gần hết. Nấm Hương đã bỏ đi, băng qua con đường, cái cặp da vẫn nặng trên tay và tà áo trắng bay bay trong gió. Nấm Hương nhỏ bé và xinh xắn như một cánh bướm về vườn. Tôi muốn chạy theo Nấm Hương nói một cái gì đó, nhưng tôi không biết sẽ phải nói cái gì, hình như là một lời giải thích. Tôi phóng xe theo, nhưng cũng vừa lúc Nấm Hương băng vào một ngõ tắt khuất dưới cây lá của một khu vườn xa lạ. Con đường xe lửa in dưới bóng chiều trơ trọi dẫn qua mắt tôi và hình như có tiếng còi kéo xe từ xa. Chuyến xe sáu giờ về tới. Tôi thấy người phu trạm sắp sửa kéo hai cánh cổng chắn đường. Tôi phóng xe nhanh qua khỏi đó với một nỗi buồn vu vơ trong ngày sắp tàn, buổi chiều nhạc thết thả xuống xung quanh phố. 

Về tới nhà tôi thấy chị Nguyệt Cầm ngồi trước một thau đồ. Hai tay chị đầy bọt xà phòng, những sợi tóc mai thấm ướt mồ hôi. Tôi hỏi chị: 

- Chị về bao giờ? 

- Trước em một chút. 

Tôi đi loanh quanh chỗ chị ngồi nhìn bọt xà phòng dâng cao. Hai bàn tay chị thoan thoắt cử động và những cái áo được vò kỹ ném qua chiếc thau bên cạnh. Chị làm việc gì nhìn cũng đẹp. Tôi vẫn thích nhìn chị trong những công việc thường ngày. Tôi không dám nghĩ tới ngày chị Nguyệt Cầm có chồng, mặc dù ngày đó đã gần kề. Tự dưng hôm nay tôi lại nghĩ tới, và tôi lại thấy buồn. Căn nhà này không phải là một chỗ ở vĩnh viễn cho tôi và chị. Nhất là chị, con gái không có một căn nhà nào hết ngoài căn nhà của chồng. Mẹ tôi vẫn thường nói như thế. Một ngày kia, không còn ngồi bên cạnh thau quần áo đầy tràn bọt xà phòng thân mến kia. Chị sẽ rời bỏ tất cả, ra khỏi tất cả những gì tưởng sẽ ngàn đời trói chặt trong tình thương gia đình. Tôi sẽ là người ở lại trong căn nhà này, dĩ nhiên với hình bóng và một nỗi đau quay quắt khi chị ra khỏi. Mẹ tôi cũng sẽ không ở lại vớ tôi, bà sẽ chết, một ngày nào đó mà tuổi già chống chất lên mái tóc đã bạc của bà. Tôi không thích ở thành phố. Tôi có quê nhà tôi. Những ngày vàng trải dưới chân đi một thời thơ ấu. Tôi sẽ trở về đó, sống lại với hình bóng cũ. Cho dẫu bây giờ tôi đã lớn. 

- Em có tới trường đón Nấm Hương? 

- Có. 

- Gặp cô bé không? 

- Gặp. 

- Sao buồn xo vậy? 

Tôi ngồi xuống thềm, gần bên chị. Những bọt xà phòng ngũ sắc vô cùng nhưng cũng dễ bể vô cùng. Tôi bỗng muốn khóc khi nhìn mái tóc dài đen nhánh những sợi buồn của chị. Tôi linh cảm rằng chị tôi, người nào cũng sẽ khổ. Nhất là chị, người đẹp thường khổ sở. Chị Nguyệt Cầm đẹp quá. Đẹp bàng hoàng như bức tranh thiếu nữ ngày xưa. 

- Chị đẹp quá. 

Má chị Nguyệt Cầm đỏ lên, chị cúi xuống và ngăn thẹn bằng cách vò mạnh nhưng chiếc áo. Bọt xà phòng tung lên, những bóng tròn ngũ sắc bay phất phới trong không khí rồi vỡ tung ra. 

- Nói nhảm. 

- Thật. Nhưng người đẹp thường khổ sở cho đến chết. Chị có sợ khổ không? 

- Không. Chứ có bao giờ mình sung sướng đâu. 

Tôi bật cười. Chị hỏi: 

- Giận nhau sao trong buồn quá vậy? 

- Bàn chuyện khác. À, lúc về gặp cô bé Quỳnh. Cô bé vẫy em từ trong xe, rồi xe chạy qua mất. 

- Chị biết rồi. Và vì thế mà hai người giận nhau. 

- Không phải. 

- Còn gì nữa. Cô bé không giận nhưng mà cay đắng. Lúc về trách khéo, phải không? 

Tôi cười. Thật ra tôi cũng không biết rõ tình cảm của mình. Lúc cảm thấy gần lúc cảm thấy xa những gì mà tưởng ở mãi trong mình. Nấm Hương như một loài chim nhỏ, loài chim cánh trắng bay qua trong một cơn mơ trần gian. Quỳnh Như là một thiếu nữ buồn ngồi trong khu vườn buổi chiều có mưa nhẹ và gió lạnh bạc. 

Bất ngờ tôi hỏi chị Nguyệt Cầm: 

- Bao giờ chị lấy chồng? 

Hai má chị đỏ bừng, chị ngừng tay trong thau nước ngó tôi: 

- Sao lại hỏi chị như vậy? 

- Hỏi thế thôi. 

- Em làm chị xấu hổ. 

- Rồi chị cũng phải như thế chứ? 

- Bao giờ em lấy vợ. 

- Thôi đi ông. Vài năm nữa chứ không lâu đâu. 

- Vài năm nữa, thiếu chuyện đổi thay. 

Chị Nguyệt Cầm bỗng ngưng công việc. Chị rửa tay bằng những lon nước trong. Bọt xà phòng tan theo nước rời kkhỏi tay chị chạy đùa trên nền xi măng. Tôi cũng đứng lên và cảm thấy đói. Chị bảo chị sẽ vào dọn cơm. Tôi về phòng mở tung hết cửa sổ. Buổi chiều đã tắt, nắng biến mất nhường chỗ cho một bầu trời mờ mờ chập choạng tối. Tôi nhìn thấy lũ cây lá ở xa ngâm mình trong bóng mây và thành phố lên đèn. Tôi nhìn cây đàn. Sau cơn đau dài tôi chưa rớ tới nó, những ngón tay tôi còn run. Hôm nay tôi muốn ngồi đàn trong lúc trời tối ngoài kia. Nhưng chị Nguyệt Cầm đã lên gọi tôi xuống. Bữa cơm vẫn có hai chị em. Tôi nhắc tới mẹ tôi và cả hai chị em đều cảm thấy buồn. Ngọn đèn bóng vàng thấp sáng căn phòng quen thuộc và yêu dấu. 

- Nếu một ngày kia chị rời khỏi ngôi nhà này hay sao? 

Chị Nguyệt Cầm hỏi tôi và tôi đáp: 

- Em sẽ bán nó đi, về quê sống. 

- Rồi em sẽ có những công việc của mình chứ, và một nơi chốn thích hợp. Quê nhà để người ta nhớ chứ ít khi người ta sống ở quê nhà. 

- Em chẳng bao giờ có công việc hết. 

- Bây giờ em thấy thế nhưng vài năm nữa em sẽ thấy khác. Em sẽ thấy mình rất bận rộn trước đời sống. 

- Em sẽ cũng chẳng bao giờ người bận rộn trước đời sống. 

Chị Nguyệt Cầm chỉ cười. Bữa cơm xong khi có bóng trăng ngoài cửa. Lúc đó chị Nguyệt Cầm dọn dẹp ở nhà dưới và tôi mang đàn ra vườn ngồi đàn một mình. Đêm mùa thu trăng lên, ánh trăng đẹp mơ hồ như giấc mộng. Đầu tuần trăng nên mặt trăng tròn, vàng ánh chiếu xuống khu vườn và rải bóng vàng lên khắp cây cỏ, hoa lá, ở đâu cũng có trăng và tôi cảm thấy trong từng cánh hoa bóng trăng cũng lồng vào. Gió nhẹ lên, đem những hương hoa tới và tôi muốn ngợp hồn trước một đêm trăng mùa thu tàn. Lũ lá chết dưới chân tôi mềm ẩm và mùi ngai ngái nhẹ nhàng bốc lên. Tôi muốn nằm xuống ngủ suốt đêm ngay dưới bóng trăng huyền ảo đó. 

Chị Nguyệt Cầm ra đứng bên tôi. Chị đi chậm chậm trên lối đi, bóng chị thoáng thoáng đằng xa một lúc trong các khóm hoa rồi chị trở lại ngồi trên đám lá chết. Tay chị Cầm một nhánh hoa trắng mà mùi thơm giống như hoa Ngọc Lan. Chị xoay cành hoa trước mũi đêm nay có một cai gì mơ hồ trước hồn tôi. Không hẳn là một nỗi buồn, không hẳn là một hạnh phúc. Nhưng tôi vừa cảm thấy sung sướng vừa buồn. Chị Nguyệt Cầm thả maí tóc dài xuống vai. Bây giờ mái tóc của chị đúng là một dòng suối trong đêm trăg. Tôi không nghe chị nhắc tới tên một người bạn trai nào, cũng không thấy ai tới nhà ngoài một vài bạn cùng trường với chị. Những người đó rất tự nhiên, không có vẻ gì khác biệt cả. Nhưng tôi biết chị Nguyệt Cầm cũng có một người yêu. Người đó tôi không biết. Và chị cũng không bao giờ để lộ một điều gì cho tôi biết ngoài việc tôi mơ hồ cảm thấy như thế. 

- Hát chị nghe đi. 

- Tay đàn em còn run lắm. 

- Kệ. Chị thích nghe em hát trong đêm nay. Trăng đẹp quá, thấy không? 

Tôi im lặng, Chị nói tiếp: 

- Trăng đẹp và buồn. 

Tôi cười: 

- Nếu trăng đẹp mà không buồn chắc trăng không đẹp. Cái này phải có cái kia bù đắp 

vào. Người đẹp mà vui thì không đẹp lắm. Người đẹp mà buồn mới đúng nghĩa là đẹp. 

- Gớm. 

- Chị vừa đẹp vừa buồn. Thế mớ có khối anh chàng chết mà rụng mất trái tim. 

Chị lườm tôi, nửa như người nửa như đau khổ vì bị tôi chê một điều mà từ trước tới giờ chị ngượng hơn hết. 

Chị giục: 

- Thôi, hát đi. 

- Hát cái gì bây giờ? 

- Em hát một bài thật buồn, thật mênh mông. 

- Như thế mới ra biển mới được. 

Chị cười: 

- Chị nói thật, đừng có đùa. 

- Bài hát theo ý chị chắc khó có ai hát được. 

Tôi nhớ tới một bài hát rất cũ của một nhạc sĩ nổi tiếng. Tôi nghĩ ông ta vừa là một nhạc sĩ cũng vừa là một thi sĩ mới có những câu hát đẹp và thơ ấu như thế. Tôi nói với chị: 

- Một bài hát mang tên chị, chịu không? 

Chị buột miệng kêu lên: 

- Nguyệt Cầm. 

Và chị sung sướng cười. Tôi so lại dây đàn. Tay tôi còn run nhưng đêm nay tôi muốn hát cho chị bài hát đó. Biết đâu sẽ không còn một đêm trăng nào như đêm trăng này tôi ngồi gần bên chị. Được hát cho nghe. Được tắm đẫm trong tình thương gia đình, tình thương chị em. Ở thành phố này hai chị em tôi là hai người cô độc nhất. Tôi vừa đàn vừa hát đủ cho chị nghe. 

Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta 

Ngập ngừng xa suối trăng dồn úa trôi qua. 

Sầu thu sầu lên vút mịt mù mà em nhớ thương mùa thu 

Trăng tầm dương lung linh bóng sáng 

Từng thoáng lệ ngân mà hồn phân vân cuồng điên nhớ, 

Long lanh tiếng Nguyệt Trầm tiếng đàn trầm 

Ai thương nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát chết theo nước xanh chết theo nước xanh. 

Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh 

Long lanh long lanh trăng chiếu một mình. 

Khơi vơi khơi vơi nhạc lắng tơ ngời 

Nguyệt Cầm, ôi từng lệ ngân chết từng mùa xuân 

Đêm ngời men nhớ, nhạc tê người thuở xưa 

Trăng sầu riêng chiếc… Trăng sầu riêng chiếc 

Sầu cho tới bao giờ… 

Tôi thấy mặt chị Nguyệt Cầm tối hẳn lại. Hình Như chị khóc. Một lúc tôi nghe chị nói: 

- Sao em không hát tiếp? 

- Bài hát buồn quá. 

- Ừ, bài hát buồn chết được. 

Tôi buông cây đàn trên đám lá chết. Một đêm trăng mùa thu. Tôi muốn nhớ mãi như thế. 

Chị Nguyệt Cầm với mái tóc buông dài che nửa khuông mặt. Chị ngồi đó và tôi nghĩ rằng chị khóc một mình không hay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro