2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở lều bên cạnh, Trường, trung đội trưởng, vừa lên xong kế hoạch cho ba ngày Tết. Anh đã sắp xếp, phân bố lại toàn bộ các thức ăn hiện có : vài chục lon cá hộp Thái trung đoàn cấp lại sau khi thu được ở Ampil, thịt heo đóng hộp của ta, khô cá lóc bông, ruốc cá, bánh kẹo , thuốc lá hậu phương gửi sang .. để mỗi ngày Tết đều vừa đủ thức ăn thết đãi khách khứa, đồng hương, vừa dành lại một phần nhỏ cho những ngày sau đó. Anh bước ra khỏi lều, cất tiếng gọi Nhu, anh nuôi trung đội, đang ngồi nhặt thóc phía bên kia lại, giao cho Nhu tờ giấy anh đã liệt kê chi tiết. Chí phèo gọi giật Nhu tới, cầm lấy tờ giấy đọc qua, rồi nói như quát với Trường :
- Sao mày lo xa thế. Lính là phải chơi xả láng, hết mình, chơi cho đã rồi mai có chết cũng không còn phải tiếc gì ! Thằng Nhu đừng có nghe  nó, cứ việc đem ra nấu hết trong ba ngày Tết cho tao !
Nhu nhìn Trường, rồi lai nhìn Chí phèo, không biết phải nghe ai. Anh nghĩ bụng, có phần thiên về phía Chí phèo : “ Ông nào cũng có lý. Thôi cứ tới ngày nào tính ngày đó, hơi đâu mà nghĩ ngợi cho lắm”.

Chí phéo càu nhaù thêm vài câu, rồi gọi to :
-   Mấy thằng được phân công lấy củi hôm qua đâu, theo tao !
Theo hội ý hôm qua, bữa nay tới phiên Hòa, Huy, Phước , Danh đi lấy củi để đốt lửa trại đón giao thừa. Mọi người lấy dao rựa rồi tập hợp lại trước cửa lều, Chí phèo lại hét :
-   Lên đường !

Trường nhìn theo cười khẽ, không có vẻ gì bực tức. Trường đã quá hiểu Chí phèo, ngay cái biệt danh cũng đã nói lên tính cách của anh. Chí phèo nói đó rồi lại quên đó, ruột để ngoài da, cứ hùng hổ làm như sắp nhảy xổ vào người khác vậy chứ thật ra lại rất đa cảm và tốt bụng.
Dạo mới về Phnom S'rọ, có một lần Trường và Chí phèo đi xắn măng rừng, chợt Trường bị một viên đạn mồ côi ở đâu rơi xuống xuyên qua bắp chân trái. Vết thương chỉ ở phần mềm, không nguy hiểm, nhưng máu ra khá nhiều. Chí cuống quýt bứt vội mấy cọng dây rừng quanh đó, rồi móc cái khăn tay của người yêu tặng ra, đè lên vết đạn băng bó lại cho anh. Cái khăn này của Chí phèo rất quý, chỉ cất trong túi áo chứ không khi nào đem ra lau mặt. Nhưng cái khăn quá mỏng, máu vẫn ứa ra đẫm ướt ống quần. Lúc đó hai người cách trại khoảng ba cây số. Chí phèo dìu anh đi một đoạn khoảng 200 mét, rồi thấy máu cứ rỉ ra, Chí nói “ Thôi để tao cõng mày. Mày đi, động vết thương mất máu nhiều nguy lắm” . Rồi Chí xốc anh lên vai, hì hụi cõng anh từ đó về đơn vị.

Một lần khác, Phước lên cơn sốt ác tính, người cứ co giật thấy thương quá chừng, Chí vừa nằm ôm lấy nó đè xuống, vừa nước mắt nước mũi chèm nhèm. Phải nói trong trung đội, Chí phèo thương nhất là Phước. Cả hai đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đều chịu nhiều vất vả, nên dễ đồng cảm với nhau. Có những đêm, hai người nằm rì rầm nói chuyện suốt, làm Trường phát bực, phải quát lên : “ Hai thằng mày còn sống với nhau lâu dài, có phải là một ngày một bữa mà nói cho lắm thế ! Ngủ đi, cho người khác ngủ !”.

Trường nghĩ tới đó chợt thấy buồn buồn, nhớ những chuyện xa xôi. Đã hai năm rồi anh không biết chút tin tức gì ở quê nhà. Bố mẹ anh đều đã qua đời. Hai ông anh, người thì lên mạn Cao Bắc Lạng làm rừng, người thì vào tận Tây Nguyên khai khẩn đất hoang, chẳng biết giờ làm ăn, sinh sống ra sao. Còn An, người con gái vùng Thanh có cặp mắt đen lay láy, đôi má ửng hồng lên mỗi lúc gặp anh dạo mới quen nhau, từ sau lá thư cuối cùng, với những câu úp mở, quanh co, ngụ ý khuyên anh hãy quên đi những chuyện ngày xưa cũng đã im lặng, không hồi đáp những lá thư đầy âu lo, ray rứt của anh.
Giờ đây cô ấy ở nơi đâu, sống ra sao ? Có khi nào nhìn ra cánh đồng chiêm trổ đồng vàng óng mà nhớ tới buổi chièu cùng anh thề sẽ sống bên nhau mãi mãi ? ..

Thật ra, Trường không hề giận trách gì An. Cô hẳn phải có những lý do để làm như vậy. Vả chăng, chính Trường cũng có nhiều lúc định nói lời chia tay với cô, ngay trước khi nhận được lá thư đau xót ấy. Đó là những giây phút bàng hoàng, trống vắng sau một trận đánh căng, có người đổ máu và có người ra đi mãi mãi. Những lúc ấy Trường chợt nghĩ biết đâu lần kế đó sẽ là chính mình. Và anh mường tượng tới sự đau đớn tột cùng của An khi nhận được một tin dữ từ đồng đội của anh. Thế là anh viết những lá thư ngắn với những câu khô khan, phi lý, có khi còn nặng nề xúc phạm cô, để mong cô sẽ giận và sẽ quên anh.

Nhưng rồi sau đó bình tĩnh lại, Trường xé nát những lá thư này. An đã trở thành một phần không thể tách rời với vui buồn, với thương yêu tràn ngập trong anh. Anh không thể, không có đủ can đảm để làm cô buồn phiền, đau đớn chỉ vì một điều chưa xảy đến, một điều biết đâu sẽ không bao giờ xảy đến .. Trường chỉ thấy lòng đau nhói, và buồn vì An không nói rõ nguyên do, để anh khỏi phải thắc mắc suy diễn lung tung. Anh hiểu cô có những điều khó nói, anh hiểu không nên thắc mắc mà chỉ nên chấp nhận một sự thật vô cùng đơn giản, là đã mất An và tốt nhất là hãy quên đi mọi chuyện. Nhưng sự mâu thuẫn của tim anh, cũng như sự mâu thuẫn đời đời trong trái tim của loài người, là biết rất rõ cách tốt nhất để chữa trị vết thương lòng, nhưng vẫn cứ hành xử những điều ngược lại, cứ tự mình khoét sâu, chọc mãi vết thương.

Trường thở một hơi dài, lắc mạnh đầu như để xua đi những ý nghĩ nặng nề. Anh vào lều xách con dai quắm bản to để chặt cây rừng, bước tới đống cây khô làm củi. Anh vung dao lia lịa, phạt đôi những thân cây khô, cho đến lúc đống cây đã vơi hẳn đi, và mồ hôi đã ròng ròng ướt đẫm chiếc áo xanh bạc phếch.

Cả bọn đã chặt được khá nhiều củi khô, toàn là những cành dầu, sao chắc nịch. Họ bó phần của mỗi người lại thành hai bó, cột ràng thật chặt, rồi chọn một cành thẳng làm đòn gánh xỏ qua, gánh về.
Huy đi chân ma đá chân chiêu như người say rượi. Chí phèo cứ nhìn dáng bộ của Huy mà cười thầm trong bụng. Anh tự hỏi tại sao người ta lại tuyển mộ một tên nhỏ con ốm yếu, thư sinh trói gà không chặt như Huy vaò quân đội. Lại còn là khẩu đội trưởng hỏa lực nữa chứ ! Bộ thằng này mà xiết chừng nửa thùng 12 ly 7 chắc mặt không còn chút máu ! Anh cất giọng chế nhạo Huy :

-   Tao không hiểu sao họ lại chọn một thằng thư sinh trói gà không chặt như mày cho học hỏa lực đó Huy. Chưa hết, tướng mày đâu phải tướng con nhà lính. Tướng mày chỉ có nước ngồi bàn cạo giấy mà thôi !
Huy trả đũa :
-   Đừng trông mặt bắt hình dong anh Chí ơi. Chứ như anh cũng đâu phải là tướng lính. Nom mặt mày của anh, chỉ có về làng Vũ Đại vạch mặt an vạ là hợp thời trang nhất đó !
Hòa chợt cười khe khẽ như ngựa hí, quay qua hỏi Chí phèo :
-   Ông Chí phèo, ông còn nhớ vị nước trà thằng Huy pha hôm nó mới về không .. hí hí .. Cái đó người ta kêu bằng pha trà kiểu “tướng sĩ một lòng phụ tử” đó nghe !

Huy bật cười. Cả bọn cũng cười theo hô hố. Hôm đó, Chí phèo đưa cho Huy một gói trà, bảo đem pha. Huy ra bếp nấu một nồi nước to, rồi trút hết gói trà vào. Trên kia đã nghe tiếng Chí la oai oái :
-   Huy đâu rồi, có ấm trà mà mày làm gì lâu thế !
Khi thấy Huy lễ m ễ bê nồi nước lên, Chí phèo giật mình kinh ngạc :
-   Mày bưng nồi nước lên làm gì vậy Huy ?
-   Thì anh kêu em pha trà mà – Huy thản nhiên đáp.
-   Có chút xíu trà mà pha nguyên nồi nước vậy sao ! – Chí phèo trợn mắt – Trời ơi, đúng là ngu không chịu nổi !
-   Vậy chứ làm sao ? – Huy nổi cáu.
-   Nè, Hòa, mày về huấn luyện lại lính mày cách pha trà nghe. Lần sau mà còn thế này là tao không tha mày đâu. Hừ ! Toi mất gói trà rồi – Chí nhăn mặt – Đâu đem cái nồi lại tao xem !
Thì ta, pha trà ở đây, khác với ở nhà ! Ở đây, lính tráng quen uống thứ “trà quạu” pha thật đặc. Như gói trà của Chí, chỉ pha độ một phần ba bi đông nước. Thế mà Huy tống vaò cái nồi cả hai lít nước sôi.

Rõ ràng, trong cuộc sống lính chiến ở đây có biết bao điều mới lạ Huy chưa từng biết đến. Anh ngơ ngác với mấy từ lạ tai cánh lính cũ dùng. Trong đó, có những từ nghiêm chỉnh, cũng có từ lóng mà mấy tay ma cũ hay lấy nó để trêu mấy con ma mới tò te. Khi Huy mới vừa chân ướt chân ráo về tới nhà trung đội, chưa kịp khô mồ hôi, cả đám lính cũ đã nhao nhao bu lại. Người này nhìn anh như người ta nhìn một con gà giò trong lồng tre ngoài chợ, đánh giá xem nó có dễ bị toi không, có thể thành một con gà trống hiên ngang, đủ tài chăn dắt lãnh đạo cả bầy gà mái không. Người khác đưa tay nắn nắn bắp tay, bắp chân Huy rồi bĩu môi lắc đầu khi dễ. Tự ái Huy nổi lên đùng đùng. Dù gì, người ta cũng qua hết chín tháng quân trường, rèn ngày rèn đêm đến da đen cháy như than, thịt săn cứng như củi, chứ đâu là loại bở. Chỉ có cái Huy nhỏ con và hơi ốm thôi mà ! Rồi một tay mặt mày bậm trợn, râu tóc bờm xờm, sau này mới biết là anh Chí nhà ta, vừa cười nhe trợn hai hàm răng ám đen khói thuốc lào, vừa ranh mãnh nháy mắt với Huy :
-   Trung đoàn có cấp tiền “xốc lọ” cho mày chưa vậy ?
-   Tiền xốc lọ là tiền gì ? – Huy thực sự ngơ ngác.
Chí phèo bậm trợn giải thích một cách đáng ngờ :
-   Đó là một loại trợ cấp cho lính mới sang. Mai mày lên tài vụ trung đoàn hỏi đi nghe – Anh ta vờ vịt – Sao kỳ vậy cà ! Lẽ ra họ phải cấp cho mày rồi mới đúng chứ !

Cả bọn cười ầm lên. Huy nhìn họ, hai mắt tròn xoe như một con nai vàng chính hiệu. Huy hỏi mãi nhưng chẳng ai chịu nói rõ ràng, chỉ hàm hồ ú ớ đó là một món tiền rất ư hấp dẫn, không lấy là uổng cả nửa cuộc đời ! Mấy bữa sau, Danh mới chịu cười nắc nẻ giải thích cho Huy. Chiều hôm đó hội ý, Huy lại thêm một phen ngạc nhiên khi Trường nhắc nhở :
-   Các đồng chí nhớ giao ca cho đúng giờ giấc. Đừng có ăn gian nhau dăm mười phút mà anh em xích mích ..
Huy nhìn quanh một lượt, chẳng thấy ai có đồng hồ cả. Anh hỏi :
-   Ở đây không có đồng hồ, làm sao biết giờ cho đúng ?

Trường giải thích :
-   Chúng ta sẽ nhìn sao để đoán giờ. Từ từ rồi Huy sẽ quen thôi. Ví dụ như chập tối là sáu giờ rưỡi, thì sao Hôm mọc. Rồi ta sẽ xác định một điểm mốc, so với ngôi sao, một ngọn cây chẳng hạn. Một tiếng đồng hồ, thì ngôi sao sẽ di chuyển so với vị trí lúc đầu khoảng một gang tay ..
-   Một gang tay ?
-   Tức là em sẽ duỗi thẳng tay ra, rồi xòe tay trước mắt để ướm khoảng cách đó.
-   A, ạ .. Huy gật gù thú vị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro