(Seventeen / SoonChan) Clytie

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng










Hiện đại đồng quê / Sinh hoạt thường nhật / Thế giới song song / Ấm áp văn
Seventeen / SoonChan (Kwon Soonyoung x Lee Chan)





_____

Tặng Jil,
cảm ơn chị thật nhiều vì đã luôn cố gắng
cho tổ dân phố của chúng mình

_____











1.

Tiếng dì Ba từ dưới lầu vọng lên.

- Soonyoung, thằng Chan đến rồi nè!

- Dạ!

Tôi đáp lời, vội vàng trút toàn bộ những ốc vít, cờ lê, dây điện và đủ thứ linh tinh khác trên bàn vào chiếc hộp dụng cụ đặt dưới chân. Tiếng kim loại loảng xoảng va vào nhau khiến tôi nổi lên cả một tầng da gà. Chan bưng khay nước mát đứng ở ngưỡng cửa, nhìn thấy tôi nhe răng xoa khắp hai cánh tay thì cười khanh khách.

- Em đã nói anh lót khăn bông vào đáy hộp bao nhiêu lần rồi mà anh không chịu nghe.

Tôi cầm lấy ly nước Chan đặt xuống trước mặt, uống một hơi cạn sạch rồi ném chiếc khăn cho thằng nhỏ.

- Anh quên. Lau mặt đi, ướt sũng không. Anh cũng nói mày học buổi sáng bao nhiêu lần rồi mà mày cũng đâu có nghe.

Chan đón lấy chiếc khăn, lau đi mồ hôi chảy thành dòng xuống hai bên thái dương. Ló mặt ra khỏi lớp vải xanh màu trời, thằng nhỏ cười hì hì.

- Tối nào em cũng ở ngoài chòi canh vịt tới khuya lơ khuya lắc. Sáng dậy hổng nổi anh ơi.

Tôi tặc lưỡi, lấy ra tập sách đút trong ngăn kéo và đặt quyển vở ngay ngắn trên mặt bàn cho thằng nhỏ. Nói vậy chứ tôi biết nhà Chan. Bác trai đi làm ăn xa, chỉ dịp lễ tết mới về, bác gái bận quanh năm với vườn rau. Việc chăm vịt được chia đều cho Chan và chị gái, nhưng nghe dì Ba tôi nói chị mới lấy chồng vài tháng trước, thành thử giờ chỉ còn mình Chan lo mọi việc lớn nhỏ cho đàn vịt dễ phải lên tới cả trăm con.

Thằng nhỏ ngồi xuống, hai cẳng chân không chạm đất, cứ khe khẽ đung đưa. Từ ngày tôi mới về nghỉ lễ, thằng nhỏ đã sang nhà gặp tôi luôn, để nhờ tôi dạy kèm môn Toán.

- Em nghe má, cả dì Kwon nói anh học khoa kỹ thuật của Đại học Seoul lận. Anh dạy em với, em cũng muốn theo học ngành đó, tạo ra mô hình nuôi vịt tự động nữa. Ngày nào cũng đuổi bắt mấy quãng đồng, mệt quá trời.

Thằng nhỏ ngước lên. Tuy đã mười tám tuổi, nhưng Chan vẫn thấp hơn tôi cả một cái đầu. Và mặc dù có vẻ bẽn lẽn, nụ cười vẽ trên chiếc miệng rộng, cùng đôi mắt híp cong lại của Chan vẫn khiến thằng nhỏ nom rạng rỡ như một bông hoa hướng dương be bé.

Thế mà đã hai tuần trôi qua. Chẳng rõ Chan nhớ được bao nhiêu công thức và định lý tôi đã giảng giải và thằng nhỏ cần mẫn ghi lại vào cuốn sổ tay màu vàng; chỉ biết riêng việc ngồi ngay ngắn khi học bài, là tôi đã nhắc đến cả trăm lần mà Chan vẫn không làm được.

- Không biết sau này em có được như anh không? Em cũng muốn học về năng lượng gió nữa. Sau năm năm, em muốn được là người đầu tiên đem những tua-bin màu trắng về đặt giữa cánh đồng cỏ lau. Và là người đầu tiên nhìn những cánh chong chóng quay. Đẹp, anh nhỉ?

Giờ giải lao, Chan đem mô hình năng lượng sạch – đồ án từ học kỳ năm ngoái tôi đặt trên kệ xuống ngắm nghía. Tôi đem nước lên cho cả hai, nhìn những ngón tay đã sớm nổi chai của thằng nhỏ tạo đà cho ba cánh quạt nhỏ xíu chuyển động, và cái gáy sắp bị hun thành màu đồng sau những buổi trưa đứng bên hồ dưới mùa hè chói chang kéo dài. Tôi đưa tay xoa tròn mái tóc xơ xác và hung hung sắc nắng.

- Nhất định.











2.

Tôi quên mất không nói, Chan là hàng xóm nhà dì tôi.

Nói là hàng xóm, nhưng từ nhà Chan tới nhà dì Ba cũng còn cách một quãng xa, phải băng qua một cánh đồng cỏ lau. Ngày trước ở đây có một lối mòn rất đẹp, ai đó đã xếp những viên đá cuội màu xám tròn vo và nhẵn thín dọc theo những nếp uốn lượn ngoằn ngoèo, ngăn cách con đường đất phủ màu vàng nhạt với hàng cỏ lau mọc ven hai bên bờ. Sau vì đổ đường nhựa dễ đi hơn, lại không sợ bùn đất mỗi khi trời mưa, mà dần dần không còn ai sử dụng lối mòn này nữa. Khi ấy tôi mới mười tuổi và cỏ chỉ mọc lấm chấm đến mắt cá. Còn bây giờ, hàng bông lau đã cao đến khoeo chân, về nhà gỡ cả buổi cũng không hết những bụi hoa trăng trắng bám đầy gấu quần.

- Ấy là em còn phát quang bớt đi rồi đấy.

Chan nói.

Chan là một thằng nhỏ kỳ lạ. Như việc thay vì đi đường chính, thằng nhỏ lúc nào cũng băng qua cánh đồng để sang nhà tôi học. Bất kể những cơn mưa rào bất ngờ của mùa hạ, bất kể tôi có càm ràm và bắt Chan liệu phải phủi cho bằng hết hạt cỏ lau trước khi vào phòng. Một buổi chiều nọ, như thường lệ, Chan ngồi trên bậc thềm, kế giá để giày của nhà dì Ba tôi và cặm cụi gỡ từng bông tròn nhỏ li ti khỏi quần áo. Ngày hôm ấy trời nóng như đổ lửa, nhìn mái tóc ướt mồ hôi dính cả vào gáy và hai bên gò má của Chan, tôi không nói không rằng mà kéo thằng nhỏ vào thẳng phòng. Cổ tay thằng nhỏ rám nắng, gầy tới độ lọt thỏm trong bàn tay tôi. Và có lẽ người Chan cũng nhẹ hửng, bởi thằng nhỏ chẳng khác nào một con chim chích với đôi chân chạy suốt không nghỉ trên những sợi rơm vàng óng của ngày mùa.

Suy nghĩ này khiến tôi suýt chút bật cười, cũng vì Chan tự dưng trông lúng túng khác hẳn thường ngày, với chiếc quần dù đã xắn lên tới đầu gối vẫn vương đầy những hạt cỏ trăng trắng. Thằng nhỏ trộm liếc tôi, đôi mắt trong veo và dường như ngây thơ hơn nhiều lắm so với tuổi mười tám. Có đôi khi tôi cảm tưởng thằng nhỏ mới chỉ mười lăm mà thôi, vào cái ngày tôi thoáng thấy bóng Chan trên sân ga của chuyến tàu đưa tôi tới Seoul.

- Bình thường mày cũng đi đường này hả?

- Dạ không. Thường em đi đường to chứ chi, đi đâu cũng tiện. Vào năm học mà lỡ ngủ dậy muộn, em phóng xe đường to chưa đến năm phút là tới nơi. Gần xịt hà.

- Chứ sao bận nào học phụ đạo mày cũng đi đường đồng sang nhà anh?

- Em... ơ, em cũng không biết nữa. Chắc tại... em thích thế.

Giọng Chan nhỏ rí, và hình như bỗng nhiên thằng nhỏ lại thấy vạt áo mình đẹp đến lạ lùng, cứ cúi đầu mân mê mãi. Tôi vô tình để vuột ra một tiếng cười từ cổ họng. Chan ngẩng phắt lên. Thấy tôi chẳng có vẻ phiền lòng nhiều như mọi khi, Chan đánh bạo.

- Hay là hôm nào anh sang nhà em chơi. Em chở anh đi qua đồng cỏ, xe đi êm lắm anh. Êm hơn đi đường nhựa mới trải nữa.

Tôi chẳng nói gì, chỉ cười và vò lung tung mái tóc của Chan lên, trước khi để thằng nhỏ ngồi vào bàn học, hai cẳng chân lại khe khẽ đung đưa.

Tôi nghĩ Chan chỉ đùa, thành thử cũng không để tâm lắm. Chẳng ngờ mấy hôm sau, giữa buổi chiều tà của một ngày tháng Bảy dịu mát hiếm hoi, Chan ghé qua nhà tôi. Vẫn là mái tóc ướt do đạp xe dưới bóng mặt trời cả một quãng đường dài, và dẫu ngược nắng, nụ cười của thằng nhỏ vẫn rạng rỡ hơn cả tia sáng đỏ cam đang dần khuất xuống phía sau tấm lưng gầy.

- Mày đi đâu đây?

- Em mới qua trường lao động. Hôm nay trời mát, anh, qua nhà em chơi.

Tôi trèo lên xe. Ban đầu, tôi muốn là người chở, vì ai lại để mày lai anh bao giờ, tôi nói. Nhưng Chan cứ nhất quyết gạt đi, nói rằng con xe cà tàng của thằng nhỏ, tôi đi không quen, và rằng thằng nhỏ thuộc đường hơn tôi rất nhiều. Thế là tôi đành ngồi lên gác ba ga, duỗi thẳng hai chân. Cỏ lướt qua từng đầu ngón mang theo mùi ngai ngái, và vang lên âm thanh rào rạo êm ái dưới sức nặng của từng vòng bánh xe lăn đều.

Lẫn trong làn gió thổi tới không khí khô hanh đặc trưng của mùa hè nơi vùng quê, tiếng hát của Chan vang vọng cùng tiếng ve kêu sớm nghe câu được, câu mất. Con đường uốn khúc, Chan gò lưng đạp xe ngược chiều gió thổi, chiếc áo đồng phục trắng hơi quá khổ của thằng nhỏ phồng lên, nom chẳng khác gì một hạt cỏ lau cỡ bự nhấp nhô giữa hàng ngàn nhành lá dần đổi sang sắc vàng bởi ráng chiều phía chân trời xa. Tôi lại bật cười bởi suy nghĩ ấy. Dường như khi ở cạnh Chan, tôi luôn có những liên tưởng kỳ lạ.

Chan nghe tiếng tôi cười thì quay lại, hơi ngượng ngùng.

- Em hát dở lắm hở?

- Không. – Tôi vẫn cười, xua xua tay. – Anh có cười mày hát đâu. Cỏ chạy qua lòng bàn chân anh nhột.

Chan mỉm cười, có hơi bẽn lẽn, rồi lại quay đi, và chỉ hát lên khe khẽ nữa thôi. Tôi cố nghiêng tai nghe ra âm điệu để bắt nhịp và hát theo thằng nhỏ. Nói về khoản hát hò thì tôi tệ hơn Chan nhiều lắm, tông của tôi sai hết cả, còn không thuộc lời. Tôi hát được một lúc thì Chan cười ra thành tiếng. Tuy không nhìn thấy rõ mặt, nhưng tôi có thể hình dung ra được nụ cười vẽ ra trên khuôn miệng hơi rộng, khiến thằng nhỏ trông y hệt một bông hoa hướng dương be bé ấy.

Chan thực sự là một thằng nhỏ kỳ lạ. Chẳng hạn như sự cứng đầu không rõ lý do với đồng cỏ lau. Nhưng điều đó cũng chẳng là gì nếu so với tủ sách tôi nhìn thấy trong phòng của Chan, khi thằng nhỏ kiêu hãnh mở ra cánh cửa, và tôi không thể kìm được việc bật ra một tiếng kêu thán phục.

- Thế mà mày không đi làm nhà văn.

Tôi nhìn quanh giá sách chạy dài suốt bốn bức tường của căn phòng, ngăn nào cũng đầy ắp và đủ thể loại, nhưng nhiều nhất vẫn là thần thoại và kỹ thuật lắp ráp. Dường như sách là thứ duy nhất được quan tâm trong căn phòng này, khi quần áo vứt bừa bộn mọi chỗ thì những cuốn sách lại được xếp ngay ngắn theo thứ tự bảng chữ cái, theo từng danh mục, và thậm chí theo màu. Như đọc được sự đánh giá của tôi, Chan toét miệng cười.

- Có bao nhiêu tiền em đều dồn cả vào mua sách đấy. Em đang nghĩ sau này lên thành phố học, nếu không được đem hết đống sách này đi, chắc em buồn chết.

Rồi ngừng lại một lúc, thằng nhỏ như chợt nhớ ra câu nói ban đầu của tôi.

- Mà em cũng thích làm nhà văn lắm. Biết đâu em sẽ viết nên một hệ thống thần thoại mới ấy chứ.

Tôi tùy ý rút xuống một cuốn bìa cứng màu đỏ, tựa sách có lẽ được chạm bằng kim nhũ, nhưng thời gian đã làm bong tróc lớp chữ đến khó lòng đọc được. Chan cười hì hì.

- Đó là cuốn Thần thoại Hy Lạp tập 1, anh thích thì cứ cầm về mà đọc. Giống như truyện cổ tích ấy, đọc cuốn đó trước khi đi ngủ sẽ ngủ ngon lắm.

- Mày coi anh là con nít đó hả?

Tôi cầm cuốn sách giơ lên cao quá đầu Chan, làm bộ muốn giáng xuống thằng nhỏ. Chan đưa tay lên đỡ, càng cười dữ hơn.

Tối hôm ấy, tôi ở lại ăn cơm với gia đình Chan. Thuyết phục tôi ngủ lại một đêm mãi không được, bác Lee đành để Chan đưa tôi về, và dặn đi dặn lại nhớ cẩn thận đường xá. Chan vâng dạ, nhưng cuối cùng vẫn đi về đường cũ (thằng nhỏ vẫn luôn cứng đầu như thế). Đạp được một nửa quãng đồng tối om chỉ được chiếu rọi bởi duy nhất một quầng sáng rung rung phát ra từ chiếc đèn pin tôi cầm ở phía sau, thì Chan dừng lại.

- Anh, có muốn ra chòi canh vịt với em không?

Chúng tôi ngồi bên hồ nước, gió đêm thổi tới mang theo hơi sương lành lạnh và làm tai tôi hơi ù. Chan cầm một cành trúc dài khua xuống mặt hồ, tạo nên những gợn sóng nho nhỏ hình tròn, như muốn trêu chọc đàn vịt với bộ lông trắng muốt đang say ngủ. Lũ đom đóm từ trong đám cỏ ướt và những khe đá chập chờn bay lên, như những vì sao hòa vào bầu trời đêm trong vắt, và sáng đủ để tôi có thể nhìn thấy đôi mắt Chan lấp lánh trong khoảnh khắc một đốm vàng kim lướt ngang qua khuôn mặt của cả hai.

- Em còn muốn được làm phi hành gia nữa. Ước gì em có thể chế tạo được một con tàu đưa mình đi xem tất cả những vì sao trước khi chúng tàn lụi. Biết đâu em sẽ gặp được hành tinh có trồng ba cây bao báp, hay đóa hoa hồng trong lồng kính, và cả chú bé trong bộ quần áo màu xanh.

- Chú mày ước muốn nhiều thế.

Chan mỉm cười.

- Em cứ ước thôi, anh. Mỗi năm có biết bao nhiêu vì sao chết đi, cả những vì sao mang điều ước của em. Nếu em không mơ những giấc mơ mới, biết đâu đến một ngày không còn vì sao nào có giấc mơ của em sáng lên nữa, thì sẽ buồn biết bao nhiêu.











3.

Thời gian sau đó, tôi dần thân với Chan hơn. Những cuốn sách thằng nhỏ nhiệt thành cho tôi mượn đã chất gần đầy kệ thứ nhất trong tủ sách của tôi, và tôi đã thật sự đọc hết hơn ba trăm truyền thuyết cổ đại chỉ trong một tuần – tôi đã không đọc nhiều đến thế kể từ khi vào Đại học. Mỗi khi bàn luận về sách cùng tôi, Chan như biến thành một người khác. Chúng tôi tập trung và sôi nổi đến nỗi cả cái tật lúc nào cũng khe khẽ đung đưa chân của thằng nhỏ cũng không còn làm tôi để tâm nữa.

Thế nhưng vẫn có một điều ở Chan làm tôi hơi ghét. Đó là việc thằng nhỏ cứ luôn gọi tôi là "người thành phố."

- Anh có gọi mày là người nhà quê bao giờ đâu. Sao mày cứ gọi anh là người thành phố thế?

Tôi nhăn nhó khi nghe thằng nhỏ bắt đầu câu chuyện có lẽ là thứ một ngàn lẻ một bằng cụm từ quen thuộc ấy. Chan cười hì hì.

- Ai biểu anh không biết bơi chi. Đàn ông con trai trong làng mình ai cũng biết bơi hết, có mỗi anh là con vịt cạn. Mùa hè mà không đi tắm sông, chán không.

Sỉ nhục sự "nam tính" của tôi đã đành, Chan còn lè lưỡi trêu tôi. Tôi quạu, gõ bút cái "cốp" lên cuốn vở để trước mặt thằng nhỏ, lưu lại một vệt tròn lõm xuống trang giấy trắng phau.

- Không phải anh không biết, mà là anh chưa học. Mày thử dạy anh đi xem nào. Anh bơi được rồi thì cấm mày gọi anh là thành phố này thành phố nọ nữa, nghe chưa?

Biết tính Chan rồi, sau khi thằng nhỏ đồng ý, tôi đã phải vội vàng xuống thị trấn mua một chiếc quần bơi mới. Ban đầu, tôi còn định mua cả kính bơi và mũ chụp tóc, xong nghĩ đến việc Chan nhất định sẽ cười tôi thêm một trận đã đời nữa đến đỏ bừng cả mặt mũi lên, tôi lại thôi.

Chan dạy tôi ngay ở khúc sông gần chòi canh vịt của thằng nhỏ. Chỗ này nước nông, lại có bóng cây, không sợ bị say nắng anh ạ, thằng nhỏ nói.

Chỉ vậy là đủ để chứng tỏ Chan là một thầy giáo giỏi hơn tôi nhiều lắm. Bình thường mỗi khi thằng nhỏ quên bài, tôi bỏ qua cho một lần, thế nhưng đến lần thứ hai là tôi nhăn nhó liền. Vậy mà tôi đã quên phải ngửa mặt lên để lấy không khí mỗi khi đổi tay quạt đến buổi thứ ba liên tiếp, mà thằng nhỏ vẫn kiên nhẫn nhắc nhở tôi.

- Anh, ngẩng mặt lên, hít vô. – Thằng nhỏ bơi dập dềnh kế bên khi tôi đạp chân điên cuồng, làm những bọt nước trắng xóa văng lên tung tóe, ướt sũng cả khuôn mặt của Chan. Thế mà tôi cũng chẳng tiến được xa hơn là mấy. – Cố lên, sắp được rồi.

Mỗi lần như thế, khi trở về tôi lại tự nhủ, mình sẽ dịu dàng với thằng nhỏ hơn chút nữa. Thế là những buổi học của chúng tôi giờ yên tĩnh hơn hẳn, cứ hơi gường gượng, nhưng lại dễ chịu theo một cách khác.

Sang đến buổi thứ mười mấy thì tôi đã có thể bơi được một quãng ngắn mà không luống cuống chân tay, nhịp thở cũng đều hơn. Chan ngồi trên bờ, móc những trái táo xanh từ trong chiếc giỏ mây đeo bên hông ra nhai rôm rốp. Vành nón khuất bóng cả nửa khuôn mặt của thằng nhỏ, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy qua hàng mi sũng nước của mình nụ cười hoa hướng dương.

- Vầy là tốt rồi đó anh. Mai mốt em dẫn anh ra chỗ bơi yêu thích của em, anh nhất định cũng mê cho coi.

Tôi đưa tay đón lấy trái táo Chan ném cho, hăng hái cắn theo thằng nhỏ. Chua đến ê răng. Tôi trừng mắt, còn Chan cười đến bò lăn cả ra.

Từ sau ngày Chan mở lời đưa tôi đến "căn cứ bí mật," tâm trạng tôi cứ háo hức bồn chồn không yên. Tôi cứ nghĩ sẽ giống như mọi lần trước, chỉ một hai ngày sau chúng tôi sẽ đi luôn, thế nhưng chờ cả tuần trời vẫn chẳng thấy Chan đả động thêm câu nào. Đàn vịt nhà Chan cũng sắp đến lúc xuất chuồng, nên thằng nhỏ càng bận túi bụi, chỉ dặn tôi phải tự chăm chỉ tập bơi, học phụ đạo cũng có buổi nghỉ. Đứng bên cạnh Chan, dường như bỗng nhiên tôi trở thành một đứa trẻ lớn xác. Tôi hơi buồn rầu nghĩ, và cũng thương Chan, nên lại tự cáu kỉnh với chính mình.

Một ngày gần cuối tháng Bảy, Chan ghé qua nhà tôi. Từ khung cửa sổ, tôi không còn thấy Chan ngồi trên con ngựa sắt cũ đã tróc sơn một nửa nữa, mà thay vào đó là một chiếc xe mới bóng loáng. Thằng nhỏ vẫy tay liên hồi với tôi.

- Anh, anh, xuống đi, em chở anh đi bơi.

Ngồi sau yên xe lót đệm mút bọc da tinh tươm, tôi đã thành thói quen cởi giày, để ngọn cỏ lau lướt qua bàn chân trần theo từng vòng bánh xe quay.

- Sao mày mua xe mới chi vậy?

- Nhà em mới bán vịt, năm nay lời nhiều anh ơi. – Chan đáp, tôi có thể nghe rõ sự tự hào trong giọng nói của thằng nhỏ, đứa đã vất vả chăm bẵm suốt mấy tháng qua. – Em xin má mua xe mới, xe cũ hỏng gác-ba-ga rồi, đi xóc lắm.

Chẳng biết gác-ba-ga này có phải là chỗ chỉ mình tôi ngồi hay không, mà câu nói của Chan bỗng khiến tôi thấy ngọt ngào quá đỗi. Dường như tôi đã bắt đầu hiểu được vị ngọt của đồng cỏ trong những cuốn tiểu thuyết mượn được từ Chan, khi tôi cầm trong tay bông lau chạm vào đầu lưỡi, và không thể kìm được nụ cười đang lan rộng ra cả khuôn mặt bỗng chốc nóng lên chẳng phải vì ánh nắng chiều rực rỡ.

Căn cứ bí mật của Chan xa hơn tôi tưởng, khi chúng tôi đến nơi, mặt trời đã khuất xuống hơn một nửa sau những rặng cây. Chan gạt chân chống xe bên bãi cỏ, ngoắc tay ra hiệu với tôi và nhảy chân sáo trên cầu gỗ chòi ra bờ sông; lại nom chẳng khác gì một con chim chích ở giữa những tháng ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời, cất tiếng ca vang.

Chúng tôi bơi được một lúc thì hoàng hôn tắt hẳn, nhưng làn nước được chiếu sáng cả ngày bởi ánh nắng của mùa hè vẫn lưu lại một nhiệt độ âm ấm dễ chịu. Chan kéo tôi ra giữa hồ, nơi những hàng thông đan lại với nhau, mở ra một mái vòm tự nhiên lên bầu trời không trăng sao, chỉ lửng lơ vài cụm mây màu bạc lười biếng trôi qua. Chan nói như reo, dường như thằng nhỏ đặc biệt háo hức.

- Hôm nay trời trong quá.

Tôi quay qua.

- Chi vậy?

Thế nhưng Chan chỉ cười mà không nói. Vuốt ngược mái tóc đã ướt sũng nước ra phía sau, đôi mắt của thằng nhỏ trong bóng tối vẫn như sáng lên long lanh.

- Lát nữa anh sẽ biết.

Màn đêm nhanh chóng phủ trùm chiếc hồ nhỏ trong một màu xanh thẫm, rồi ngả dần sang đen và lũ đom đóm phía đằng xa lại chập chờn bay lên. Đến khi làn gió đêm thổi qua khiến cả người tôi nổi da gà, thì tôi nhất quyết không nghe theo lời nài nỉ của Chan nữa.

- Kệ mày đó, anh lên trước, anh sắp chết cóng rồi đây này.

Chan níu lấy tay tôi.

- Chờ thêm xíu nữa đi mà anh. Sắp tới...

Thế nhưng Chan chưa kịp nói hết câu, thì từ vòm trời trên đỉnh đầu chúng tôi vang lên một tiếng nổ đùng, khiến cả hai đứa giật bắn mình.

Tôi ngước nhìn. Lần này, Chan reo lên thật sự.

- Em đã bảo anh mà! Đẹp quá hén!

Ở Seoul, tôi đã từng được chứng kiến những màn pháo hoa rực rỡ hơn thế nhiều lắm. Nhưng có thể vì ngày hôm ấy, bầu trời thực sự trong như Chan đã mong đợi, những giọt nước hồ đọng lại trên mi mắt tôi khiến cảnh vật như thể được nhìn qua một lăng kính bảy màu lóng lánh, và bàn tay Chan đụng phải bàn tay tôi trong vô thức dưới làn nước dập dềnh đẩy chúng tôi gần sát nhau hơn, và tôi cũng tự nhiên đan lại mười đầu ngón tay của hai đứa, mà chùm pháo hoa ấy đã trở thành chùm pháo hoa đẹp đẽ nhất tôi từng nhìn thấy trong đời.

Chan quay lại khi tôi siết chặt hơn bàn tay em bé nhỏ trong tay mình. Gương mặt em ửng hồng, và giống như Anne Sexton đã từng nói, đôi mắt em chứa thiên ngôn vạn ngữ (1) vào khoảnh khắc em khe khẽ rướn hàng mi nhìn tôi, trước khi nghiêng đầu trong một động tác duyên dáng như những vở kịch cổ của William Shakespeare, để lưu lại một nụ hôn trên gò má.











4.

Chan còn là một thằng nhỏ rất hay mắc cỡ.

Từ sau ngày lễ hội mùa hè ấy, mỗi lần gặp tôi, hai vành tai của Chan đều không tự chủ được mà đỏ ửng lên, và cái miệng lúc nào cũng tía lia bỗng như bị ai đó trộm đi mất. Thế nhưng vào những lúc tưởng rằng tôi không chú ý, em đều len lén nhìn tôi, và bất cứ khi nào tôi có chút xa cách hơn thường khi, là nét mặt em cũng đều chùng hẳn xuống. Vẻ lúng túng ngượng ngập ấy, mỗi khi nhìn thấy đều khiến tôi muốn bật cười và ôm lấy em, vì lòng tôi sao cũng mềm quá đỗi.

Chẳng mấy chốc kỳ nghỉ hè đã sắp kết thúc. Một buổi chiều tháng Tám, khi tôi đang kiểm tra lại hành lý lần cuối cùng trước khi lên chuyến tàu sớm tới Seoul vào sáng mai thì Chan ghé qua. Em đứng thập thò ở ngưỡng cửa, vẫn là chiếc áo đồng phục trắng hơi quá khổ và gò má ửng lên nét hồng nhàn nhạt khi em cất tiếng.

- Anh, đi cùng em ra đây một xíu heng?

Chan chở tôi bằng chiếc xe đạp quen thuộc, băng qua trảng cỏ lau đã đi mòn thành lối, và xa mãi, xa mãi, qua cả nhà của em, chòi vịt và hồ nước có cây cầu gỗ. Tôi không hỏi gì, chỉ nhẹ nhàng đưa khăn lau đi giọt mồ hôi chảy xuống hai bên thái dương Chan. Gò má em cong lên, có lẽ em đang cười. Tôi cũng mỉm cười.

Chúng tôi dừng lại bên một vườn hoa hướng dương, đâu đó bên rìa ngôi làng nhỏ. Chan nắm lấy tay tôi, mái đầu hung hung của em nhấp nhô giữa những cánh hoa mọc cao quá tai người và ươm đầy sắc màu của mặt trời. Len lỏi trên con đường đất uốn khúc theo từng luống cây màu lục vươn mình đầy kiêu hãnh, ngón tay tôi đan vào tay em cũng ấm áp và tự nhiên như nắng.

- Tặng cho anh.

Chan ngượng nghịu gãi đầu, và đứng lùi sang phía phải khi tôi tiến lên. Dưới ánh sáng lấp lóa của mùa hè, chính giữa nhụy của bông hoa hướng dương cao nhất, rực rỡ nhất cánh đồng là hình ảnh gương mặt tươi cười của tôi, tỉ mẩn vẽ bằng bột phấn trắng, với đôi mắt híp đặc trưng mà Chan vẫn thường gọi trêu là "đôi mắt mười giờ mười phút."

- Chờ em một năm nữa nghen?

Chan đặt bông hoa vào tay tôi, bàn tay run run, mái tóc em rũ xuống che đi gò má đã đỏ rực hơn cả ráng chiều dần kéo lên bầu trời ngoài xa.

Và tôi biết tôi chưa từng thích em nhiều hơn tôi đang thích em ngay ở giây phút này, cũng chẳng thể thích em ít hơn tôi đang thích em ngay ở giây phút này được nữa. (2)

Mỉm cười, tôi cúi xuống đặt lên trán em một nụ hôn giữa chiều gió lộng.

- Hẹn gặp lại nhé, Clytie. (3)








_____

(1): Nguyên gốc: "I like you; your eyes are full of language." trích từ lá thư gửi đến Anne Clarke (viết năm 1964) của  Anne Sexton, một nhà thơ nổi tiếng người Mỹ từng đoạt giải Pulitzer vào năm 1967.

(2): Nguyên gốc: "I never loved you more than I do, right this second. And I'll never love you any less than I do, right this second." trích từ tiểu tuyết "Beautiful Creature" của Kami Garcia và Margaret Stohl.

(3): Tên của vị thần Hoa hướng dương trong Thần thoại Hy Lạp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro