Niệm Phật?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chắc có lẽ trong số chúng ta, ai cũng từng nghe hoặc từng được bảo rằng: "Niệm Phật diệt trừ muôn lậu tận, muôn nghiệp chướng, hóa giải oan gia, đạt đến giải thoát". Thậm chí hàng tá người trong chúng ta còn thực hiện việc đấy mỗi ngày, từ lâu.

Thực chất mọi người cho rằng việc niệm Phật chỉ cần niệm câu Hồng danh (Danh hiệu) của một Đức Phật hay của một đức Thánh hiền, Bồ Tát nào đó nhiều lần. Có người niệm 5 câu, có người niệm 10 câu hoặc cả ngàn vạn câu trong một khoảng niệm ấy. Họ tin rằng việc niệm Phật bằng danh hiệu sẽ giúp cho họ giải thoát khỏi các sự ràng buộc của Thế gian này, lìa ái dục mà đến hóa thân ở một cõi nào đó tốt đẹp hơn, vĩnh hằng hơn, sung sướng hơn.

Chỉ cần miệng niệm, tâm niệm một vài câu Hồng danh như vậy, lợi ích vô vàn, chẳng phải quá dễ dàng để đạt đến sự Giác Ngộ mà Đức Thế Tôn đã từng dành hàng chục năm ròng tìm kiếm hơn hai ngàn năm trăm năm trước sao?

Đúng! Quá dễ dàng! Đức Phật đã chỉ cho chúng ta một con đường tắt, cực ngắn để đạt được sự bình yên, thái hòa ở một cõi khác cũng như trong chính linh hồn của chúng ta.

Thế nhưng, từ "niệm" ở đây bị hiểu sai trầm trọng trong một bộ phận không nhỏ các Phật tử của Đại thừa, đặc biệt là ở Việt Nam và các nước Đông Á, Đông Nam Á. Họ nghĩ rằng từ "niệm" chính là chỉ cần nói một câu Phật hiệu, như một loại thần chú để chính họ giống Phật, chỉ cần nói thật nhiều, thật lâu, thật tha thiết thì sẽ được Chư Phật lắng nghe, mai sau đến tiếp dẫn khi mạng chung mà chẳng cần làm bất cứ các thứ việc gì khác khó khăn. Có thể, sự sai lầm một nửa này bắt nguồn từ các vốn từ đồng âm trong ngữ nghĩa của một số nước, trong đó cũng có nước ta.

Quả thực, rất sai lầm! Dù là chỉ đúng một phần cũng rất sai! Một sai lầm mà nếu như chẳng nhìn nhận bằng một góc chính xác hơn thì sẽ ngày càng khiến cho nhiều người lãng quên đi cách Niệm Phật chân chính. Sự sai lầm về nhận thức này bắt nguồn từ một câu chuyện thời Ấn Cổ như sau:

"Thuở xưa, vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, có một ông vua xứ nọ nằm phía Tây Nam thành Ca Tỳ La Vệ. Ông ta là một người rất tàn bạo, hiếu chiến và thích xử trảm vô cớ nhiều người dân vô tội. Chưa từng một giáo lý hay một tư tưởng đạo đức nào có thể cải hóa cho ông ta được.
Một hôm, Đức Thích Ca Mâu Ni đi hoằng pháp đến kinh thành của vị vua ấy, Ngài giảng giải mọi điều cho ông hiểu về tánh sanh hận ghen tị tị hiệm của chính bản thân ông, giúp ông hướng đến điều lành, xuất lòng từ bi ai mẫn.
Lúc bấy giờ, sau khi Đức Phật rời thành đô để tiếp tục hoằng đạo, vị vua nọ trong một chuyến viên hành, đã bắt gặp hình ảnh của một người ăn xin.
Vốn dĩ có lòng ích kỷ nhỏ mọn, ông ta liền ra lệnh đuổi gã ăn mày kia đi nơi khác. Tuy nhiên, trong một phút chóc, ông chợt nhớ đến hình ảnh của Phật Đà, nhớ về những lời dạy của Ngài, ông kiềm xuống. Ông thiết nghĩ rằng bản thân ông nên giúp đỡ cho người ăn xin ấy, nên dốc hết lòng giúp đỡ cho ông ta. Thế là ông rời lưng ngựa, đưa cho lão ăn xin kia một bao lương thực cùng một vài nén vàng nhỏ. Đối với ông, số tiền này chẳng đáng là bao.
Gã ăn mày nhìn ông bằng một đôi mắt xúc động, trong vô thức, gã chấp tay nhắm mắt, miệng niệm "Nam Mô Phật Đà" (Namo Buddha) (Tức: Kính Ơn Đức Giác Ngộ)"

Chúng ta có thể nhận thấy rõ việc gã ăn mày niệm câu Hồng danh là có nguyên cớ, chứ không phải đơn thuần miệng lẩm bẩm lẩm bẩm như chúng ta đã từng làm.

Trước hết, hãy tập trung vào sự việc vị vua nọ tưởng niệm là hình tượng của Đức Phật, từ đó sinh ra lòng từ bi hỷ xả cứu người ban phước. Đây mới chính là cái bản chất thật sự viên mãn tròn đầy mà chúng ta phải hiểu rõ khi Niệm Phật. Ở đây, Niệm chính là Tưởng Niệm, là Nhớ, là Hình Dung ra các tướng hảo cùng các đức tính của một Vị Phật, một Vị Bồ Tát. Chính cái sự tưởng niệm này, nhớ này, và hình dung này sanh ra trong lòng ta một đức tính, đó chính là Phật tính. Từ đó, là căn nguyên cho sự hành thiện trên cõi đời này, trong chính cuộc sống hiện tại của chúng ta.

Tôi có từng nhìn thấy khá nhiều người, thức khuya dậy sớm bày kệ trước bàn thờ mà "niệm Phật", (ở đây tôi không có ý chỉ trích họ, mà là dùng họ để phản ánh rõ cách Niệm Phật đúng) niệm một cách hăng say tận 1-2 tiếng, 3-4 tiếng đồng hồ, rồi sau khi niệm xong lại chẳng hiểu được gì, đầu óc chẳng nghĩ đến Phật, mơ mơ hồ hồ, như tay lái xe như đầu lại nghĩ lái máy bay, niệm không tĩnh tâm đã muốn đến Tịnh độ. Lại có người dù "niệm Phật" nhưng xong lại nổi tính hung dữ, đâu lại vào đấy, chẳng sửa đổi tính tình, gặp ai cũng la mắng. Lại có người cho rằng mình "niệm" nhiều, mình "niệm" hay, cho rằng mình sắp "Giác ngộ", để rồi sửa người này, bẻ người kia, người ta làm đúng cũng la, người ta làm sai cũng la, tạo nên một ác cảm của người xung quanh đối với hình ảnh người tu hành.

Đại đức sư thầy Thích Phước Tiến từng nói đùa: "Người ta ở nhà thì không sao, đến chùa thì lại gặp những người, hễ cứ làm việc gì là bảo động cái này tội, động cái kia tội. Thế chẳng phải ở nhà sướng hơn sao? Đến chùa làm gì cũng tội cả???"

Qua đó có thể thấy, chỉ "niệm" Phật theo cách thông thường, tức nói nhẩm hay lẩm bẩm câu Phật hiệu thì chẳng có ích lợi gì, lại chẳng được thiện nghiệp, mà phải niệm đúng cách, miệng niệm thì tai phải nghe, mắt phải tưởng niệm đến Phật, sinh lòng hoan hỷ, sinh lòng từ bi, tạo nên những thứ diệt trừ các cấu uế, các lòng dâm dục hay dục vọng trong cơ thể con người cũng như trong linh hồn. Niệm Phật là để thành Phật, nhưng để thành Phật thì trước mắt tâm phải như Phật, niệm miệng thì tâm phải sửa sao cho như Phật, tấm lòng như Phật thì mới sống được cuộc sống an nhàn, không bị chúng ma dơ bẩn quấy rầy.

Do đó, niệm Phật không chỉ đơn thuần là việc đọc Phật hiệu nhiều hay ít, mà là để cho chúng ta tự nhắc nhở chúng ta, rằng làm sao để tâm như Phật, tính tình ôn hòa, hiền hậu, chứ không phải để sau khi niệm xong thì muốn làm gì thì làm, hung hăng hống hách, tánh nào tật nấy chẳng chịu sửa đổi. Kính mong Quý Phật tử có cái nhìn rõ hơn về việc niệm Phật. A Di Đà Phật.
----------------------------***-------------------------

"Nói người khác nghe điều lành mà mình biết,
Khuyên kẻ khác nghe thiện nghiệp mà nên làm,
Dạy người mê biết cách thức tỉnh giấc,
Chính là vô úy thí vô vi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro