Chương 2: Khúc hát ru trên mái nhà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc này đang là 6 giờ 42 phút tối.

Trời đã tối sầm từ khoảng hơn nửa tiếng trước, đó cũng vừa ngay khi tôi tạt vào trung tâm thương mại, xếp hàng và bắt đầu dõi theo kim đồng hồ mỗi năm phút một lần. Đoàn người nối dài vào bên trong khu mua hàng khuyến mãi vẫn chưa được rút ngắn. Ai nấy cũng đều mệt mỏi ra mặt. Niềm tin mù quáng về việc sẽ sớm đến lượt cứ gặm nhấm dần sức chịu đựng của mọi người, đỉnh điểm là ở đôi chân. Của tôi cũng đang biểu tình suốt từ nãy giờ đây. Đầu tôi cứ lởn vởn ra một loạt các phương án khác nhau, tất cả chỉ đều mong mỏi cho ý định bỏ cuộc khỏi nhiệm vụ chán phèo này.

Có điện thoại đổ chuông. Là từ chính cái tên đã lôi kéo tôi vào vụ này. Hắn để ảnh nền trong danh bạ là hình con hải cẩu trông khá tếu theo phong cách Anime. Nếu không hiểu nhiều về hắn, ai cũng sẽ cho rằng đây là một tay có tý óc hài hước và thích làm trò con nít. Mà cứ cho là vậy đi, có khi hắn thực sự thuộc tuýp ấy luôn đấy.

"Nghe đây." Tôi nhấc máy. "Còn lâu lắm, nên cứ chuẩn bị ở nhà trước đi."

"Xong hết cả rồi." Hải Cẩu (tôi gọi hắn vậy luôn cho tiện) nói. "Gì chứ bếp núc thì tui làm nhanh gọn lẹ lắm. Giờ chỉ chờ ông nữa thôi."

"Hừm". Tôi khịt mũi. "Có nhất thiết là phải mua cái loại bia khỉ gió này không? Đợi vài ba ngày nữa tung đầy ra thị trường rồi muốn hốt về bao nhiêu cũng được. Ông lằng nhằng quá đấy."

"Ồ, cứ chờ xem. Không có vụ 'vài ba ngày' như ông nói đâu. Nãy tui có nói rồi, loại này là phiên bản giới hạn nên còn lâu lắm mới được bán đại trà. Ngay cả mấy tay người Nhật họ cũng đang cố lết từng bước như ông đấy thôi."

Hải Cẩu nhắc mới để ý, khá nhiều người trong đám đông xếp hàng có vẻ giống người Nhật. Trong tiếng xì xầm to nhỏ nghe chẳng hiểu quái gì, bọn họ đều vui mừng ra mặt khi xách về những lốc bia có vỏ hình trụ dài như lon nước yến được in họa tiết cầu kỳ, tôi cố gắng nhìn, có vẻ là một cành thông được in trên màu giấy Washi nâu điệp.

"Rồi rồi." Tôi nói. "Đợi đến 7 rưỡi thôi nhé, nếu vẫn chưa thấy mần ăn được gì thì chịu khó mà nốc Sài Gòn đỏ cho tui nhờ."

Dĩ nhiên là Hải Cẩu chẳng thể vui nổi với câu nói của tôi. Giọng hắn xìu đi trông thấy. "Thôi được rồi, cố lên nhé." Hắn cúp máy ngay sau đó.

Tính tôi hơi gắt, đặc biệt là với những chuyện mà mình cảm thấy thiếu rõ ràng về mặt động cơ để thực hiện. Nôm na là khi một vấn đề nào đó được khởi xướng nên, trước khi mọi người kịp suy nghĩ về nó thì tôi sẽ không ngần ngại mà vỗ mặt ngay bằng những câu kiểu như "Có nhất thiết phải làm vậy không?" hay "Làm vậy phỏng có ích gì?". Hồi còn sinh viên thì cũng không đến nỗi vậy đâu, nhưng sau khi ra trường thì ý thức hệ của tôi đã thay đổi chóng vánh. Một số bạn học cũ khi điện thoại lại cho tôi, nói láp nháp vài ba câu thôi mà họ cứ ngỡ là đã gọi nhầm số rồi. Họ hỏi, tại sao lại thế? Tôi từ tốn trả lời rằng chẳng có gì cả, đó là tự do tôi cảm thấy mình nên như vậy thôi. Giống như khi cầm vô lăng thì dù cợt nhả đến mấy thì người lái cũng phải có sự nghiêm túc nhất định. Nói một cách cạnh khóe hơn thì có vẻ như tôi đang tìm cách xù lông lên để bảo vệ mình trước tình trạng mấy gã luôn mồm anh em cậu chú cứ vồ vập đi mượn tiền lẫn nhau vào quãng thời gian lông bông nhất của cuộc đời thì phải. Thực sự thì tôi vốn có xu hướng đánh giá rất kỹ sự thật tâm của một con người chứ không loáng thoáng qua những lời hay ý đẹp. Cái gì cũng có cái giá của nó cả, những mối quan hệ không thực sự chân thành dần rơi rụng như lá mùa thu. Nếu gom lại thành một đống thì thứ này cháy rất đượm đấy.

Đốt lá chán chê rồi, tôi tình cờ quen Hải Cẩu – tay Otaku sống ở đối diện phòng trọ tôi, cách nhau một con hẻm quanh năm đọng nước. Lý do quen nhau cũng vớ vẩn không kém, là từ chiếc áo thun có in hình Robot mà tôi thường mặc ở nhà. Trong lúc phơi đồ, tôi sơ ý để nó bay sang nhà hắn, lúc này đang để cửa mở toang. Chiếc áo hạ cánh lên trên đầu Hải Cẩu – lúc đó đang cắm mặt vào máy tính làm gì đó. Hắn tưởng đây là một trò chơi khăm nên cứ thế mà bước ra ngoài ban công và ra hiệu tôi qua lấy. Tôi bước xuống đường với tâm trạng hết sức bực bội, mồm miệng cứ lầm bầm rủa xả về việc mình bất cẩn để rồi bị dây vào những chuyện không đâu. Tôi cũng có gặp Hải Cẩu vài lần trước đó, hầu hết là ngay tại đầu hẻm vào giấc nhập nhoạng tối sau khi đi làm về. Ấn tượng đầu tiên là trông hắn cứ như bị thiểu năng ấy. Người thì tròn vo như con lật đật, bước đi thì khệnh khạng, áo quần lôi thôi lếch thếch còn gương mặt thì trông cứ như đang nhếch mép cười đểu thiên hạ vậy. Được mỗi cái trắng trẻo hồng hào do không mấy khi phải đi ra ngoài nắng. Hắn mở cửa đón tiếp tôi trong tình trạng vẫn để nguyên chiếc áo phủ kín mặt mình, kính cẩn khom nhẹ đầu xuống để ra hiệu tôi lấy nó ra.

"Cảm ơn đã giữ nó giúp." Tôi thở dài. "Nhưng lần sau thì không nhất thiết phải làm trò như vậy. Cứ gỡ ra khỏi đầu, vứt vào đâu đó rồi chờ tui tới lấy là được rồi."

"Ừ, lúc đầu tui cũng tính vậy đấy." Hải Cẩu lên tiếng, cái giọng lanh lảnh hơi chóe hệt như mấy tay diễn viên hài nhảm. "Nhưng nhìn thấy hình in trên áo là tui lại không nỡ. Nói nghe, ông cũng thích Mecha đúng không?"

"Không." Tôi thẳng thừng đáp. "Tình cờ thấy vừa size người nên tui tiện tay mua thôi. Chẳng có yêu thích gì cả đâu."

"Chà!" Hải Cẩu tặc lưỡi. "Có cần phủ nhận quyết liệt đến vậy không? Ông chêm câu cuối vào nghe căng thẳng phết."

Tôi thầm nghĩ, đúng rồi đó. Tôi không muốn nói chuyện dây dưa với cậu đâu. Cơ mà nói thẳng toạc ra thì bất lịch sự quá nên tôi bèn phải ngụ ý như thế.

Phía bên kia, Hải Cẩu xem ra vẫn không biết điều. Hắn vẫn cứ thao thao bất tuyệt. "Hình tượng con Robot trên áo ông là loại hiếm lắm luôn đấy. Nó không đơn thuần là những mẫu thường thấy trên Amazon mà còn phải Custom thêm một số chi tiết độc đáo khác. Chẳng hạn như chiếc sừng đỏ hay lối cách điệu hình mặt hổ ở hai bên đầu gối. Mẫu này trong giới người ta gọi Beserk Gundam. Một mô hình theo phong cách Beserk này có giá không dưới 5 man, chưa tính phí gửi hàng về Việt Nam và phí bảo hiểm áp dụng riêng cho hàng dễ vỡ..."

"Ừ, rồi sao nữa? Tui đã nói là chẳng yêu thích gì mà?" Tôi thở hắt thật mạnh. Thấy phiền quá rồi đấy.

"Bình tĩnh nào. Giới thiệu sơ qua là để dẫn dắt vào mục chính thôi. Tui đang có mấy mẫu trong phòng đây này, ông vào xem đi cho vui."

Chưa kịp phản ứng gì thì Hải Cẩu đã kéo tôi vào trong phòng hắn. Trông tròn lẵn thế thôi chứ tay hắn mạnh khiếp, tôi gần như không đủ sức để cự lại. Vui chẳng thấy đâu, trước mắt tôi chỉ thấy khó chịu rần rần vì phải tốn thêm thời gian hầu chuyện vô bổ.

Những diễn giải dông dài của Hải Cẩu sau đó tôi không mấy để tâm đến. Thứ khiến tôi chú ý hơn, đó là không gian bên trong căn phòng trọ của hắn. Phải nói sao nhỉ, nôm na thì nó trái ngược hoàn toàn với cái vẻ ngoài bê bối của hắn đấy. Phòng ốc lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc nhưng tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp và cực kỳ sạch sẽ. Chỉ có chút bụi với vụn lá khô trên ngọn cây hắt vào nơi cửa ban công đang mở, ngoài ra thì không có vật dụng thừa thãi nào lởn vởn trong tầm mắt tôi cả. Nhìn lên trên trần thấy lắp nguyên dàn máy lạnh bóng loáng và đèn sinh học, tôi nghĩ nhiều đến khả năng hắn thuê người giúp việc dọn dẹp mỗi ngày. Mà cũng có thể là hắn đã thực sự làm tất cả đấy, tôi thiên về ý này hơn khi nhìn hắn nâng niu cẩn thận từng mẩu mô hình được bày biện trên tủ âm tường, phía sau lớp kính dày sáng bóng tinh tươm.

Thú thực, bản thân tôi đã cảm thấy hơi xấu hổ khi nghĩ đến không gian sống của mình hóa ra lại không được chỉnh chu như hắn.

"Ông kể ra cũng chịu khó quá nhỉ." Tôi nói. "Theo như ông nói thì đây toàn hàng độc, giá cũng toàn trên trời mà ông sắm nguyên cả dàn luôn."

Hải Cẩu đáp ngay. "Tui làm Freelancer, đánh đu theo thời vụ chứ không đi giờ hành chánh như ông. Lĩnh vực tui làm nó thất thường lắm, tùy theo tính chất dự án và bên trả công mà tui sẽ trúng rất đậm hoặc chỉ được vài xu lẻ chả bỏ dính răng. Giờ để chắc ăn thì tui còn kiếm thêm nhờ vào việc mua đi bán lại mấy cái mô hình này. Đánh giá vào độ khan hiếm của thị trường, tui có thể săn được các mẫu có số lượng gia công có hạn và bán cho những ai có cùng đam mê. Mẫu càng cầu kỳ, hoa hòe thì càng có giá trị."

"Kể cả thứ đồ chơi này luôn à?"

Tôi chỉ tay về phía một món đồ đang treo cạnh tủ âm tường. Nhìn nước sơn của nó cũ kỹ hơn hẳn so với những mô hình bóng lộn mà Hải Cẩu đang mân mê, chưa kể là bị mẻ mất ở một góc nữa. Trông phút chốc, tôi thấy gương mặt hắn thoáng trở nên nghiêm trọng như thể rằng đây không phải là chuyện để đùa, trước khi trở về vẻ tếu táo vốn có ngay sau đó.

"À không, cái này thì không phải." Hải Cẩu xua tay. "Kỷ vật ngày xưa ấy mà. Với lại nó không phải đồ chơi đâu, nó là nhạc cụ đấy."

"Nhạc cụ?"

"Bộ ông chưa thấy đàn Melodica bao giờ à?"

"Chưa." Tôi lắc đầu. "Trông nó cứ trẻ con thế nào ấy."

"Nhà tui ai cũng từng nghĩ như ông cả." Hải Cẩu nhún vai. "Đến khi thổi ra được một bài hoàn chỉnh thì may ra mới chịu tin."

"Vậy là ông biết thổi đúng không? Thử làm một bản xem nào."

"Không. Để khi khác đi."

Hải Cẩu không có ý khước từ hoàn toàn. Ngữ điệu trong lời nói cho thấy rằng hắn đang không muốn động đến nó vì một lý do nào đó, điều này có thể đã xảy ra từ cách đây cũng khá lâu rồi. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy bề mặt cây đàn cũng đang bám một lớp bụi mỏng, đặc biệt là xung quanh chiếc vòi màu đen dẫn vào các mặt phím.

Sau khi nói hết những gì muốn nói, trước khi về, Hải Cẩu có tặng tôi vài ba bức ký họa Gundam mà hắn khoe là đã mua ủng hộ một họa sỹ không chuyên tại kỳ lễ hội Nhật Bản vừa qua. Hắn dụ khị tôi rằng người vẽ ra chúng chủ yếu sống vì đam mê, thu nhập thì đồng mọc đồng lặn nên họ chỉ mong người mua sẽ sử dụng nó một cách có ý nghĩa, chẳng hạn như treo ở một góc trang trọng trong phòng chẳng hạn. Cái giọng chóe của hắn tự dưng nghe có sức thuyết phục kinh khủng khiến tôi khó lòng từ chối được.

Quyết không chịu thua tên mập kia, hôm sau tôi ra sức tu sửa lại nơi ở của mình bằng nhiều cách khác nhau, từ việc vung tay hết một nửa tháng lương để thay thế các vật dụng hư hỏng cho đến phát quang những ngóc nghách đóng bụi và dùng giấy dán che lại phần tường bị bong tróc. Kết quả sau một tuần, tuy nhiên, lại không được như mong đợi. Đúng là tổng thể trông khá khẩm hơn nhiều song tôi vẫn cảm thấy thiếu thứ gì đó, kiểu như mình đang cố ra vẻ nhưng bản chất thì không hoàn toàn được vậy. Bố cục của căn phòng cùng các chi tiết đang bộc lộ cảm giác khô khan nhàm chán chứ không đủ sức khơi dậy nên ấn tượng nào cụ thể hơn. Ngay cả với đống giấy dán tường mà mình đã cất công dán, so với một Hải Cẩu không cần sử dụng vẫn toát lên được vẻ thanh thoát thì tác phẩm này xốn mắt không chịu được.

Mình đang thiếu gì ở đây nhỉ?

Tôi lại suy nghĩ, xen lẫn chút gì đó của âu lo trằn trọc. Liệu nó không hoàn toàn nằm về phía khách quan, mà là do bởi chính nhân cách của mình? Có khi nào thành quả mà mình tạo nên không hề có sự nhiệt huyết? Chẳng lẽ, mối tương quan giữa bản thân tôi và phong cách sống của mình dần nghèo nàn đi bởi vì tôi vô ý xóa nhòa đi ham muốn gầy dựng nên những dấu ấn, mà thay vào đó là tự cào bằng tâm hồn mình cho đến khi mất hẳn những đặc trưng cần phải có?

Những giả thuyết dần trở thành hiện thực khi tôi thử nhớ về một số điều đã từng khiến mình hứng thú trong quá khứ, nhiều nhất là quãng thời gian sinh viên với đầy ắp cảm xúc phấn chấn, hăng say và cuồng nhiệt. Lạ thật, giờ thì tôi lại thấy mình chẳng còn chút năng lượng nào để sống theo cách mãnh liệt như vậy nữa.

...

Tôi đặt chân ra khỏi thương xá vào lúc 7 giờ 25 phút, sớm hơn một tý so với kỳ hạn sau cùng mà tôi đã mè nheo Hải Cẩu trước đó. Trên tay là hai lốc bia ưa thích của hắn, chúng đang kiêu hãnh sáng lấp loáng dưới ánh đèn trang trí phát ra từ những trụ điện. Trời đang dần se lạnh nên tôi bắt đầu tăng tốc những bước chân của mình để hâm nóng cơ thể, băng qua vài ngã tư trước khi rẽ vào con hẻm quen thuộc.

"Bớ này!"

Hải Cẩu đúng là cái gã luôn làm cho người khác cảm thấy khó lường về những gì hắn đang nghĩ. Thay vì ngồi yên vị trong phòng mình, hắn giờ đang đứng quơ tay múa chân và gào toáng lên từ tít trên sân thượng nhà hắn.

"Làm cái trò khùng điên gì nữa vậy?"

Tôi nhấc máy lên gọi Hải Cẩu chứ không buồn phí sức vào cái trò gào hét kia.

"À, là thế này. Do có chút thất bại trong vấn đề đàm phán với bà chủ nhà nên tụi mình dời lên trên đây đi cho thoáng."

"Đừng có đùa chứ? Trên đấy gió lạnh lắm."

"Lạnh thì nhâm nhi nồi lẩu mới đã đời chứ." Hải Cẩu đáp tỉnh bơ. "Mình chỉ lai rai một tý thôi thì không đến mức đổ bệnh đâu."

Trong cơn bực bội, tôi đạp phăng cửa cổng sang một bên rồi phóng cái vèo lên cầu thang trước mặt. Kể ra thì cũng mệt muốn đứt hơi đấy, nhưng cơn sừng sộ của tôi thì lại không cho phép mình bận tâm đến nó nữa.

"Này, không sao chứ? Trông ông cứ như trở về từ sa mạc vậy?"

Hải Cẩu thấy tôi bước xiêu vẹo bèn dìu đến bàn, sẵn tiện khui một chai nước suối đã được chuẩn bị sẵn và rót vào ly đá. Nhìn thoáng qua thì hắn đã chuẩn bị đầy đủ hết mọi thứ; từ mồi nhắm, đá lạnh, rau sống cho đến một số món ăn kèm khác.

"Chắc lúc đi làm KPI của ông hẳn phải cao lắm nhỉ?"

Hải Cẩu lúi cúi bật bếp ga lên và bắt đầu cho từng món vào, đoạn quay sang hỏi tôi một câu chẳng liên quan gì. Nhưng tôi vẫn thành thật trả lời lại.

"Không hẳn. Lâu lâu tui có làm sai sót vài vụ căng đét nên cấp trên cũng đánh giá tui thấp lại. Nói chung chỉ đang ở mức trung bình thôi."

"Rồi." Hải Cẩu gật gù. "Với cái việc KPI ở một mức chấp nhận được, liệu ông có bao giờ coi đó là một thành tựu chưa?"

Tôi lắc đầu. "Chưa hề. Đó là trách nhiệm cần phải đảm bảo bằng mọi giá chứ chẳng phải là một thứ thành tích khơi khơi để lấy làm tự hào. Với lại còn nhiều người khác có thành tích tốt hơn, tui mà không được như họ thì sớm muộn gì cũng sẽ bị bật bãi thôi."

"Thế giả sử như ông bị bật bãi thật thì sẽ ra sao?"

Đầu tóc tên mập bữa nay trông hơi kỳ kỳ, vừa xù xù mà còn ngả nâu nữa. Hắn đưa tay lên xoa xoa vuốt vuốt tóc mình nên tôi mới chợt để ý. Cơ mà gương mặt Hải Cẩu giờ bỗng nghiêm túc hơn bao giờ hết.

"Tui nghĩ là." Hải Cẩu tiếp lời. "Ông cứ như vậy thì sẽ mệt lắm đấy. Tui thì không dám chắc là nếu làm ngược lại sẽ khá khẩm hơn, nhưng nếu cứ đau đáu mãi về những gì mình đã làm thì nó, những suy nghĩ ấy, ắt sẽ gặm nhấm dần cảm hứng của mình đi."

"Cách diễn đạt này hơi bị trừu tượng." Tôi lắc cổ tay mình mấy cái. "Nói gì thì nói, tui vẫn chưa thấy phiền hà gì vì điều này."

"Đó là chưa đến hồi thôi. Bởi thế nên tui mới đặt vấn đề như lúc nãy đấy. Liệu tâm trí ông có đủ tỉnh táo để đối mặt với viễn cảnh rằng mình sẽ thất bại bởi chính thứ mà ông đã cố gắng đầu tư vào nó chưa? Nói lòng vòng nãy giờ thì tui đang đoán là ông chưa đồ ra được lối đi tiếp theo của mình là gì cả."

"Ừ, ông nói đúng. Tui chưa hề có phương án B."

Cảm thấy cần phải có gì đó kích thích sự thẳng thắn, tôi lôi lon bia ra và tu một hơi hết sạch. Cảm giác đắng ngất ngưởng dâng đầy lên sống mũi như đang nếm phải mù tạt. Khóe mắt tôi cảm giác như đang nóng phừng lên theo từng nhịp thở. Tôi lại nghĩ về hôm trước, về cảm giác bối rối khi trang trí căn phòng mình. Có lẽ mọi thứ đều có chung điểm tắc nghẽn mà tôi đã không thể giải quyết được.

Hải Cẩu bắt đầu vớt từng miếng thịt ra khỏi nồi và cho vào chén tôi. Còn sót vài mẩu vụn thì hắn cho hai con mèo hoang đang quấn chặt lấy ống quần hắn. Một món ăn nóng hổi được thả xuống nền đất lạnh tanh có vẻ như là một lời mời gọi kỳ quặc đối với chúng nó, khiến cả hai đều nheo nheo tròng mắt mình và rón rén bước lùi lại. Đến khi miếng thịt không còn bốc khói, lũ mèo mới bắt đầu vòng ra phía sau chân hắn và bật tới chộp lấy nó, vừa ăn vừa rón rén nhìn lên tôi và Hải Cẩu như thể muốn xác nhận điều gì đó.

Hải Cẩu chỉ tay xuống lũ mèo và nói. "Yên tâm đi, đôi khi chúng ta vẫn bản năng vậy đấy. Thận trọng là một thứ phản ứng hết sức tự nhiên khi chúng ta nhận thấy điểm gì đó không phù hợp với logic của mình. Nó vẫn luôn hiện diện đâu đó trong cuộc sống này, giống như những ngõ hẻm ở hai bên đường vậy. Việc chúng ta nhìn vào nó, hoặc bỏ qua mà đi tiếp đều là do chúng ta tự quyết định."

Càng lúc tôi càng tin rằng Hải Cẩu có thêm một biệt tài về mặt thuyết giải. Hắn vẫn trung thành với cái giọng chóe và kiểu nói năng dông dài, tôi biết vậy, nhưng cách đặt vấn đề của hắn đang đưa đẩy tôi đến sự mở mang ngoài mong đợi.

"Vậy ý ông là." Tôi chép miệng. "Mình hãy sống chan hòa với lòng mình, và thôi dằn vặt hay phân bì về mọi thứ nữa?"

"Ái chà!" Hải Cẩu tu sạch lon của mình và tặc lưỡi. "Không đúng với ý tui định diễn đạt lắm. Mà thôi, cứ cho là vậy đi. Ông nên điều tiết quan điểm sống của mình lại. Không thỏa hiệp với bên nào nữa, hãy học cách trung lập giữa bản thân và cuộc đời này. Tui với ông chơi cùng nhau cũng được một khoảng thời gian rồi, ông rất tốt tánh nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh về điều đó mãi. Tuy nói ra có hơi cưỡng ép, nhưng tui không muốn ông cứ như vậy đâu. Thật đó."

Tôi lại tiếp tục suy nghĩ. Hải Cẩu thấy tôi như vậy thì cũng tạm thời ngưng lên bia. Hắn quay sang vớt bọt cho nồi lẩu và tiếp tục cho lũ mèo ăn. Bọn chúng giờ thì đã chẳng còn ngại ngùng gì nữa. Đánh chén đã đời rồi, chúng vô tư chồm lên người và nằm hẳn vào lòng của Hải Cẩu, ngáp mấy cái rồi quay sang nhìn tôi. Ánh nhìn không toan tính như của một đứa con nít.

Ăn uống chán chê và nốc sạch sẽ toàn bộ số bia đã mua về, chúng tôi lúi cúi dọn dẹp bãi chiến trường. Ban đầu thì cả hai tính để đấy mai hẵng dọn, nhưng rồi nghĩ đến cảnh chén đĩa dơ hầy phơi ngoài trời lạnh, váng mỡ nổi lềnh bềnh bốc mùi lờm lợm thì tôi lại cảm thấy gai hết cả người. Hải Cẩu chắc cũng nghĩ vậy, hắn đồng ý rất nhanh với đề xuất của tôi. Hắn còn viện cớ rằng đêm nay còn làm một số công việc lặt vặt nên cần vận động cho tỉnh người. Tôi thì phụ trách việc gom rác và dùng vòi nước tráng sơ qua nơi đã bày bừa, còn Hải Cẩu thì đem chén đĩa xuống phòng để rửa. Tôi cố tình giao hắn việc nặng hơn, thể theo nguyện vọng được tỉnh táo từ chính miệng hắn.

Sau khi hoàn thành phần việc mình, tôi lảo đảo lại gần bờ lan can rỉ sét của sân thượng và nhìn chằm chằm xuống mọi thứ bên dưới. Trong tầm mắt chỉ là hằng hà đốm sáng bởi ánh đèn điện đang trồi mọc hỗn loạn giữa cánh đồng đen thẳm của màn đêm. Chúng tỏa sáng, nhấp nháy, hơi nhòe đi rồi lại chợt tắt theo một tín hiệu tùy tiện nào đó.

"Chắc là tui nên nói về bản thân mình một tý. Có được không?"

"Ông cứ nói đi."

Lại là Hải Cẩu. Hắn đã rửa chén xong và quay lên đây đứng cạnh tôi. Trên tay hắn đang là cây đàn Melodica cúng cơm mà tôi đã thấy hôm bữa. Hải Cẩu nấc cụt một vài tiếng rồi bắt đầu bằng vài ba chuyện câu giờ, còn tôi thì cứ thế ngả nghiêng trên thành lan can vì men say túy lúy. Đầu óc quay cuồng khiến tôi bỏ lỡ mất phần đầu, nhưng càng lúc thì lời hắn kể lại thấm thía hơn rất nhiều.

Gia đình Hải Cẩu có hai người con. Hắn là anh, còn đứa em trai thì nhỏ hơn hắn tận sáu tuổi. Thằng ấy tài giỏi đến mức đáng ghét, Hải Cẩu thừa nhận với nét mặt thoáng ngán ngẩm. Sự kiệt xuất của người em mình được hắn mô tả bằng một loạt sở trường cùng các danh hiệu học tập lớn nhỏ đạt được. Tôi vừa nghe vừa gật gù cảm tưởng rằng thằng nhãi ấy nên về lại hành tinh của mình ngay đi. Tất nhiên là cán cân một gia đình được hình thành theo cách thiếu cân bằng đến thế ắt sẽ phát sinh ra những dấu hiệu bất thường, nói thẳng ra là sự thiên vị ấy, và lãnh đủ không ai khác chính là kẻ bất tài hơn.

Hải Cẩu đâm ra buồn chán, tìm đến thế giới Anime để mộng tưởng nên một nơi thuộc về mình và tự học Melodica thông qua những bản nhạc Nhật ưa thích. Hắn không dám cho mọi người biết đến việc tập nhạc của mình nên đã dùng cách là bật nhạc loa ngoài thật to (hắn chọn những bản hợp thời khi ấy để tránh dị nghị), sau đó đeo tai nghe để phân tích chính bản nhạc cần tập rồi cần mẫn chơi lại. Tiếng đàn phát ra quá nhỏ vì phải rón rén thổi, kết hợp với nhiều giai điệu chõi loạn xạ cùng lúc khiến Hải Cẩu hết sức khổ sở. Trong đầu hắn khi ấy chỉ toàn những ý nghĩ tiêu cực. Có lẽ nên dừng mọi thứ lại thôi, kiểu kiểu vậy.

Tôi bảo hắn rằng, đó luôn là tình trạng của bất kỳ người mới chơi đàn. Không ai có thể tự nhiên mà làm nhạc cho hay được, vì đây gần như là một hình thức đấu tranh theo kiểu nhích từng chút một. Hải Cẩu hiểu và cũng thừa nhận mình hơi bế tắc với lối suy nghĩ ấy. Nhưng rồi thời gian đã là kẻ đã chứng minh nỗ lực của hắn không hề vô nghĩa, khi mà những bản nhạc đã trở nên mượt mà và nghe có sức hút hơn. Hải Cẩu được đà bèn tập thêm những thể loại khác, thậm chí là cả Jazz. Trong căn phòng riêng của hắn dần thai nghén nên một thế giới khác. Thế giới của nhạc không lời, của những giai điệu để nhắm nghiền mắt và cảm nhận lấy.

"Và rồi, chính thằng đó lại phá hỏng tất cả."

Hải Cẩu nắm chặt cây đàn Melodica, lấy ngón tay mình xoa xoa chỗ rạn nứt.

Đó là vào thời điểm cuối năm lớp mười hai, một ngày nọ, Hải Cẩu hứng chí nên vô tình thổi quá to mà quên khép cửa phòng lại. Thằng em hắn hôm ấy lại được lớp học thêm cho về sớm, tình cờ đi ngang qua phòng hắn và bắt quả tang. Nó ban đầu không nói năng gì cả, nhưng đến tối thì Hải Cẩu bị lôi đầu ra giữa phòng khách. Hải Cẩu không được đứng thẳng, không được ngồi trên ghế, chỉ được phép quỳ khoanh tay và trả lời tất cả những câu hỏi được đặt ra. Hắn bị mắng xối xả vì không lo học hành cho kỳ thi đại học sắp tới và tự ý dùng tiền tiêu vặt mua đồ linh tinh. Thằng em hắn ôm mặt cười khúc khích suốt cả buổi hôm đó.

Giai đình kiểu quái gì vậy, thật không thể hiểu nổi?

Chưa cần tôi cảm thán thì Hải Cẩu đã tự buột miệng thốt lên vậy, nhưng với một giọng điềm nhiên đến dửng dưng. Hắn giờ cảm thấy nực cười với những câu chuyện về nỗi thống khổ ngày xưa của chính mình. Hắn tồn tại vật vờ trong nhà, học hết cấp hai, thi chuyển cấp, làm hồ sơ nhập học, trải qua những năm cấp ba rồi tiếp tục chọn trường đại học mà không một ai đoái hoài, quan tâm, động viên hay giúp đỡ. Về lý thuyết thì chẳng ai có quyền được bắt bẻ hắn, nhưng trên thực tế thì hắn lại bị chỉ trích về chính việc không tuân theo sự sắp đặt của mọi người. Rõ luẩn quẩn.

Sau cùng, người bố nóng tánh của hắn đã không giữ được bình tĩnh khi thấy Hải Cẩu cứ cúi gầm mặt và im lặng, nên ông đã giựt lấy cây đàn Melodica và ném thật mạnh xuống đất. Hải Cẩu nói, hành động đó đã lấy đi của hắn nhiều thứ lắm. Một trong số đó đã tạo nên một hắn bây giờ. Từ ngày hôm sau hắn không còn chơi đàn nữa. Hắn lặng lẽ học bài và giải đề thi, cùng với đó thì lên một vài kế hoạch mở đường máu cho mình.

Nhân lúc mẹ hắn dở tay nấu ăn, Hải Cẩu lén lấy điện thoại để gọi cho một người dì đang sống bên Mỹ, nói rằng mình sắp sửa trở thành một sinh viên tự lập nên cần thêm tiền trang trải học phí. Hải Cẩu đỗ trường Nhân văn, đại học công lập hẳn hoi nên mức học phí cũng khá hợp lý, song hắn cố tình báo khống lên để bù trừ thêm chi phí sinh hoạt. Có lẽ là trong cơn lén lút vụng trộm, người dì kia hiểu nhầm giọng nói run rẩy của Hải Cẩu thành một lời van xin thẩn khiết nên đã mủi lòng và nhanh chóng chuyển khoản cho hắn. Số tiền ấy sau này Hải Cẩu sử dụng hết sức chắt chiu, chỉ dùng để đóng học phí và chấp nhận nhịn ăn nhịn mặc chứ nhất quyết không tiêu pha vào một trò vô bổ nào khác.

Hai mắt Hải Cẩu lúc này bỗng hơi rưng rưng. Hắn nghẹn ngào kể tiếp.

"Đến giờ tui vẫn thấy thương dì ấy lắm. Chồng dì thì cũng hiền lành không nói gì, nhưng nghe nói là bố mẹ tui khi hay tin đã điện thoại qua bển chửi dì vuốt mặt không kịp. Đòi từ chị em, rồi từ họ, rồi hăm dọa sẽ cạch mặt nhau nếu sau này có về lại Việt Nam. Đủ thứ cả. Dì sợ đến mất ăn mất ngủ nhưng vẫn tin là mình đã không làm điều gì sai cả.

Năm ấy, tui đang cặm cụi đi làm ca đêm cho cửa hàng tiện lợi, khuya hôm đó tự dưng cảm thấy trăn trở quá bèn tra địa chỉ của dì trên mạng rồi đánh liều viết thư tay gửi qua, giải thích tất cả mọi việc. Tháng sau, thư về, dì đã không trách thì thôi còn động viên tui ráng đi làm kiếm tiền nữa. Đọc xong tui gục khóc nức nở đến ướt chèm nhẹp hết cả giấy viết thư luôn. Giờ thì cũng tích gần đủ rồi, cứ đà này tầm khoảng cuối năm sau là tui sẽ trả lại dì hết số tiền đã mượn, cả vốn lẫn lời luôn."

"Thế còn cái nhà đáng nguyền rủa kia thì sao?" Tôi buột miệng hỏi.

"Đơn giản thôi, tui không bao giờ quay về đó nữa. Tết nhất gì cũng ở trong này luôn."

"Thế thì có hơi buồn thật." Tôi thở hắt lên không trung. "Nhưng ít ra thì sẽ không nặng lòng vương vấn nữa. Tính ra giờ họ đang ra sức yên ổn với con mèo chiêu tài kia mà, ông về phá bĩnh thì coi sao được."

"Tui không dám cho đây là đúng, nhưng có lẽ là đã phù hợp nhất rồi, như ông nói."

Hắn bật cười vanh vách. Gió cũng bắt đầu thổi nhẹ dần.

Hải Cẩu cũng giải thích thêm về số mô hình Gundam quý giá đang trưng bày trong phòng hắn. Tất cả đều mua lại từ một người đàn ông trung niên hồi sáu tháng trước. Khi ấy ông ta bị vợ mình thúc ép phải vứt bỏ hết vì cho rằng nó đang choáng lấy diện tích phòng ngủ của con mình. Bỏ thì tiếc, mà vương thì gia đình còn hục hặc dài dài nữa, thế nên ông ta cứ đứng ngơ ngác bên lề đường với độc một chiếc quần đùi và đôi dép lào giữa trời nắng chang chang. Khuôn miệng ông cứ khẽ mấp máy trông muốn khóc đến nơi khiến Hải Cẩu không đành lòng được khi đi ngang qua.

Cuộc giao dịch sau đó diễn ra chóng vánh khi chú nói Hải Cẩu cứ trả bao nhiêu cũng lấy. Về phần hắn, ngoài số mô hình thu về, hắn còn được khai sáng thêm rất nhiều ý tưởng độc đáo để phất lên. Chú vốn là một dân chơi mô hình có thâm niên, và thứ bị vợ ông gán cho cái mác "choáng chỗ" ấy thực chất đều là các mô hình chế tác thủ công được xách tay trực tiếp từ Nhật về, giá trị có thể được đẩy lên rất cao nếu có người săn tìm. Theo thời gian và những lần chuyển nhà, quá nửa trong số ấy bị sứt mẻ và gãy tay chân. Chú nói, nếu dùng keo phục chế những chỗ nứt gãy cho thật khéo rồi bán lại thì vẫn sẽ kiếm chác được đôi chút. Cái ông cần Hải Cẩu cam kết ở đây đó là hãy giữ gìn số ít mẫu nguyên vẹn còn lại sao cho thật tốt, giống như cách mà ông đã từng nâng niu từ thưở còn trai trẻ phóng khoáng. Trong những lời sau cùng phảng phất tiếc nuối, ông thừa nhận rằng cuộc sống của mình đã không còn rộng rãi và bay bổng được nữa. Tương tự số đo vòng bụng đang gia tăng chóng mặt của mình, mọi thứ càng lúc càng trở nên hạn hữu. Không thể khác đi được. Tuổi tác dần khiến ông phải làm quen với việc ở dưới mặt đất quá lâu, nhìn chới với lên khoảng không trên đầu và chấm dứt hoàn toàn suy nghĩ về những cách biệt.

Tôi tỉnh táo trở lại sau khi Hải Cẩu dứt lời kể. Ánh mắt tôi đã thôi dõi theo gương mặt hắn và trở về lại với bóng tối bên dưới. Có tiếng nhạc lặng lẽ cất lên bên tai tôi. Nhạc Jazz à, tôi không định hình được quy tắc hòa âm nào có thể làm nên những giai điệu này, nhưng trong tâm trí mình thì lại đang liên tưởng mãnh liệt đến một hình ảnh bình lặng nào đó. Nhạt nhòa nhưng mềm mại, chơi vơi nhưng say đắm, bóng trăng tròn khô khốc lạnh tanh nhưng cũng đầy sóng sánh mật ngọt.

Lũ mèo hoang đang mỉm cười với giấc ngủ của nó, tai vẫn nghe thấy tiếng nhạc và khẽ giựt giựt theo từng nhịp. Hải Cẩu chơi rất hay, quả thực vậy. Từng nốt giai điệu được hắn xướng lên trông như đang ẩn chứa cả những âm vực sâu thẳm bên trong đó. Hắn đang nhắm nghiền mắt mình lại, tay phải lướt thanh thoát trên từng phím, không chệch choạc và cũng không do dự. Hắn đang chơi như thể rằng mình đã không còn thuộc về thế giới này nữa rồi.

Nhạc dứt, hắn ngước lên bầu trời đêm một lúc lâu rồi từ từ mở mắt ra. "Đôi lúc, những kẻ to xác chúng ta lại muốn tìm về những khúc hát ru." Hắn thì thào vậy. "Kể cả khi không ai hát ru cho mình, chúng ta cũng phải tự ê a ra những giai điệu mà chúng ta hằng mong mỏi."

Tôi không đáp lại, nhưng ra dấu với Hải Cẩu rằng mình vẫn đang chìm trong suy nghĩ. Hắn hiểu vậy bèn nhoẻn miệng cười và tiếp tục độc thoại.

"Dù không muốn thừa nhận, nhưng tui phải nói rằng mình thật là một gã may mắn. Tuy có hơi muộn màng nhưng xét về tổng thể thì tui đã có được sự giải thoát tối thiểu. Như lúc nãy muốn ám chỉ, tui cũng đang cố gắng tối giản đi những câu hỏi được đặt ra về cuộc đời mình. Chẳng hạn như thay vì sống sao cho có sự nghiệp, cho thật vẻ vang, cho nở mày nở mặt với ai đó thì tui chỉ muốn nghĩ là mình đang sống, thế thôi."

"Tui hiểu hơn rồi."

Tôi lên tiếng, đoạn xoay người lại và ngả hẳn lưng lên trên bờ lan can. Trời đêm quả là khác biệt hẳn so với lúc nãy. Không có những cá thể quá sáng chói, không có tiếng người và xe cộ râm ran, mọi thứ đều bình đẳng và thật hài hòa giữa vầng trăng treo cao.

"Ông này." Tôi nói. "Chơi lại bản vừa rồi thêm lần nữa, được không?"

Dĩ nhiên là Hải Cẩu vui vẻ đồng ý mà chẳng suy nghĩ gì. Cả lũ mèo đang ngủ cũng bẽn lẽn tán thành bằng cách tiếp tục giựt giựt đôi tai dù đang say giấc. Trong mơ, hẳn chúng đang nghĩ đây là khúc ca dành riêng cho chúng vậy. Một thứ suy nghĩ ích kỷ nhưng cũng hồn nhiên đến lạ...     

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro