Mưu lược Deng Xiao Ping P1C

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.9. Cuộc đấu tranh giữa phái thực tiễn do Đặng Tiểu Bình - Hồ Diệu Bang đứng đầu với phái "phàm là" do Hoa Quốc Phong - Uông Đông Hưng đứng đầu, là chủ đề của đời sống chính trị Trung quốc trong năm 1978

Ông già Đặng Tiểu Bình 73 tuổi, sau khi được phục hồi, không thỏa mãn với việc được khôi phục quan chức, yên hưởng tuổi già. Ông đem hết dũng khí và trí tuệ to lớn vào việc gạt bỏ mọi chướng ngại, để thực hiện đại kế phục hưng đất nước đã ấp ủ từ lâu vào những năm cuối đời. Nhưng, đối thủ lần này của ông không phải là "nhóm bốn tên" nữa mà là Hoa Quốc Phong, người được lợi trong cuộc đấu tranh giữa ông với "nhóm bốn tên" và Uông Đông Hưng, người đã lập công lớn trong việc đập tan "nhóm bốn tên", những người vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối của cách mạng văn hóa.

Có lẽ vì tác dụng quán tính của mô thức cách mạng văn hóa, nên hiệp đấu mới cũng áp dụng phương thức dặc thù, tức là tranh luận một vấn đề thuần túy triết học - Tiêu chuẩn của chân lý rút cục là cái gì. Hai câu trả lời khác nhau với vấn đề này đã hình thành phái thực tiên do Đặng Tiểu Bình - Hồ Diệu Bang đứng đầu và phái "phàm là" do Hoa Quốc Phong - Uông Đông Hưng đứng đầu. Cuộc đấu tranh giữa phái thực tiễn với phái "phàm là" đã trở thành chủ đề của đời sống chính trị Trung quốc trong hai năm đầu sau khi đập tan "nhóm bốn tên", đặc biệt là năm 1978.

Cương lĩnh của phái "phàm là" được đưa ra trong bài xã luận "học tốt văn kiện, nắm vững khâu chủ yếu của "hai báo và một tạp chí", được các báo lớn trong toàn quốc đăng vào 7.2.1977. Bài xã luận do Uông Đông Hưng chủ trì biên soạn đại biểu cho chỉ thị rõ ràng của Trung ương đảng lúc bấy giờ là "Phàm những quyết sách do Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm những chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều triệt để tuân theo". Điều "nắm vững khâu chủ yếu", mà bài xã luận nêu ra là đi sâu phê phán "nhóm bốn tên". Nhưng theo thuyết "hai phàm là" thì khi vạch trần "nhóm bốn tên", đầu tiên lại gặp phải vấn đề: Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên trong "nhóm bốn tên" đã viết hai bài văn nổi tiếng: "Bàn về sự chuyên chính toàn diện đối với giai cấp tư sản" và "Bàn về cơ sở xã hội của tập đoàn chống đảng Lâm Bưu". Vạch trần và phê phán "nhóm bốn tên" có cần phê phán hai bài đó không? Uông Đông Hưng nói: Hai bài đó Mao Chủ tịch đã xem, không được phê. Muốn phê cũng chỉ có thể phê phán không nêu tên một số quan điểm sai lầm trong đó.

Vạch trần, phê phán "nhóm bốn tên" tất nhiên khiến người ta liên tưởng đến cuộc đấu tranh giữa Đặng Tiểu Bình với "nhóm bốn tên". Cần đánh giá thế nào việc chỉnh đốn toàn diện vào năm 1975. Uông Đông Hưng nói, Đặng Tiểu Bình không nghe lời Mao Chủ tịch, vẫn cứ làm theo kiểu của mình. Theo lôgích của họ, đã không nghe lời Mao Chủ tịch thì có đấu tranh với "nhóm bốn tên" thế nào cũng không thể kể là anh hùng, công tác chỉnh đốn dù có thành tích thế nào cũng là sai lầm.

Lúc đó, Đặng Tiểu Bình chưa được phục hồi danh dự. Mọi người hết sức mong mỏi ông được sớm trở lại, trông mong Trung ương Đảng có sự đánh giá công bằng với sự kiện Thiên An Môn. Nhưng theo thuyết "hai phàm là" thì việc phê phán Đặng, phản kích lại làn gió hữu khuynh đòi lật án vẫn phải tiếp tục tiến hành, "sự kiện phản cách mạng Thiên An Môn" không thể được đánh giá lại bởi vì đó là những bản án đã được Mao Chủ tịch xác định.

Mọi người rưng rưng nước.mắt hát xong bài "Tú kim biển", lại bắt đầu hát bài "Núi Giao Thành, sông Giao Thành, núi Giao Thành xuất hiện chính ủy Hoa"... Việc sùng bái cá nhân với "lãnh tụ anh minh Hoa Chủ tịch" không hề kém sự sùng bái Mao Trạch Đông. Nếu không giải quyết vấn đề "hai phàm là" thì coi như chỉ đổi thang mà không đổi thuốc. Mọi người cảm thấy con đường khắc phục rối loạn, trở lại an định chồng chất khó khăn. Bất luận là phần tử trí thức muốn phát huy tài năng, thoát khỏi sức ép nặng nề của đường lối cũ, hay cán bộ các cấp muốn suy nghĩ về mọi chính sách đều cảm thấy e ngại, sợ phạm phải khuyết điểm chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông, phủ định đại cách mạng văn hóa, phủ định sự vật mới, bị chụp cho chiếc mũ muốn lật lại bản án 17 năm.

Còn những vấn đề cụ thể hơn, như mùa xuân năm 1978, hai tỉnh Tứ Xuyên, An Huy truyền về tin tức nông dân khoán sản phẩm đến từng hộ, những nông dân đói khát muốn từ thực tiễn để đột phá vào "hai phàm là". Nhưng Trần Vĩnh Quý, chủ quản về nông nghiệp vội đứng ra ngăn cản, cho rằng nói như vậy là hữu khuynh, là đi ngược lại bài học Đại Trại.

Còn đội quân hàng triệu người về thành phố đợi công ăn việc làm, hàng vạn người có án oan, án giả cần được minh oan, hàng vạn xí nghiệp chờ được khôi phục, hàng chục vạn cán bộ cần được đưa lên hoặc kéo xuống... Tóm lại là bách phế đãi hưng, bách nghiệp đãi cừ. Nếu cứ dựa theo "hai phàm là" thì chỉ có thể "đợi" vĩnh viễn. Đúng như Cảnh Tiêu, người chủ trì công tác tuyên truyền đã nói: Đăng bài văn đó, coi như "nhóm bốn tên" chưa bị đập tan. Nếu theo "hai phàm là" trong bài văn đó mà thực hiện, thì không làm nổi việc gì.

Cảm tưởng của một nhà báo già là: Giống như lời hoan hô nồng nhiệt về "thắng lợi tháng 10" chưa hô xong, thì đã bị "hai phàm là" chặn đứng. Ông lo những năm cuối đời của mình sẽ tiếp tục bị "phàm là" làm tiêu tan. Đại biểu cho hàng vạn con tim lo lắng, Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên đứng ra nói chuyện.

Từ tháng 5.1977, khi chưa được phục chức, Đặng Tiểu Bình đã chỉ rõ "hai phàm là" là không đúng. Bởi vì, một là, Hoa Quốc Phong đã nói sẽ khôi phục Đặng vào thời cơ thích hợp và còn nói hành động của quần chúng trong tiết thanh minh là hợp tình hợp lý, nếu theo "hai phàm là" thì những điều đó không xuôi. Hai là, mỗi người đều có thể phạm sai lầm, Mác, Ănghen, Lênin, Xtalin đều không nói "phàm là" bao giờ, bản thân Mao Trạch Đông cũng không nói "phàm là". Phương pháp bác bỏ của Đặng ở đây là "dùng cái mâu của anh để đâm vào cái thuẫn của anh". Điều phản bác thứ nhất nhằm vào mâu thuẫn trong lời nói của Hoa Quốc Phong, làm cho phái "phàm là" không trả lời được Điều phản bác thứ hai tồn tại một điều giống như là lối lập luận vòng quanh. Nếu phái "phàm là" có đủ tri thức lôgích, họ có thể sẽ hỏi vặn lại: Các anh chẳng đã "phàm là" là gì? Mao Chủ tịch không nói "phàm là", thì tại sao chúng tôi lại không được nói? Mao không nói "phàm là", họ nói "phàm là" như thế là họ nói điều mà Mao Chủ tịch không nói, do đó họ không thuộc phái "phàm là". Mà anh nói là Mao không nói "phàm là" do đó chúng tôi cũng không được nói "phàm là" thì xem ra lại có cái giống với thuyết "phàm là" Điều này tỏ rằng thuyết "phàm là" không dễ bị đánh đổ về mặt lôgích. Không lâu sau, Đặng được phục chức, không có nghĩa là phái "phàm là" bị bác bỏ, mà là kết quả của tác dụng lòng người trong đảng và trong dân.

Trước đó (10-4), Đặng còn đề xuất phải lấy tư tưởng Mao Trạch Đông hoàn chỉnh, chuẩn xác để chỉ đạo, ngầm có ý là phái "phàm là" chỉ lấy từng câu từng đoạn vụn vặt. Sau này, trong hội nghị toàn thể trung ương (21-7) Đặng lại tiến một bước, thay "tư tưởng hoàn chỉnh, chuẩn xác" bằng hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông, muốn dùng "toàn bộ hệ thống" để đối phó với "câu chữ cá biệt" của phái "phàm là". Ý của Đặng muốn nói: Toàn bộ hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông là đúng đắn, nhưng không phải câu chữ nào cũng là đúng đắn. Sai lầm của phái "phàm là" là không căn cứ vào điều kiện cụ thể, chỉ khư khư nắm lấy một vài câu chữ với tiền đề cho rằng câu nào của Mao cũng là chân lý. Đặng còn đặc biệt chỉ ra rằng, việc dùng những câu chữ riêng lẻ của Mao để lừa người, dọa người là thủ pháp quen dùng của "nhóm bốn tên". Cách phê phán đó nhằm vạch trần sai lầm của phái "phàm là" đối với hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông rõ ràng là rất có sức mạnh. Nhưng nếu như gặp phải câu "tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản" thì sẽ gặp khó khăn vì bản thân lý luận đó là một hệ thống hoàn chỉnh, nhưng dù lý giải thế nào cũng không thấy được sự chính xác của nó. Huống chi, "hệ thống" cũng phải được biểu đạt bằng các câu chữ cả biệt, rút cục câu chữ cá biệt nào đại biểu cho hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông? Xem ra, phân chia hệ thống và câu chữ cá biệt cũng không đánh đổ được "hai phàm là".

Đồng thời với việc phân biệt hệ thống với câu chữ cá biệt, Đặng Tiểu Bình còn nêu ra thực sự cầu thị "là cái căn bản nhất" "là tinh túy trong tư tưởng chỉ đạo của Mao Trạch Đông" Cần phải nói là điều này đã chạm tới chỗ cốt yếu của "hai phàm là", bởi vì áp dụng thái độ "phàm là" với tư tưởng Mao Trạch Đông rõ ràng là đi ngược lại điểm căn bản của tư tưởng Mao Trạch Đông là thực sự cầu thị. Vấn đề là dù "thực sự cầu thị" có căn bản đến thế nào cũng vẫn chỉ là "câu chữ cá biệt" của Mao Trạch Đông. Nếu phái "phàm là" tìm một câu chữ cá biệt khác, ví dụ "đấu tranh giai cấp" và nói đó là điểm căn bản của tư tưởng Mao Trạch Đông thì làm thế nào? Có thể là vì ý thức được điểm đó, trước khi đề xuất vấn đề tiêu chuẩn chân lý, Đặng không nói nhiều về "thực sự cầu thị".

Trong Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba khóa X, Đặng Tiểu Bình còn dùng hình thức đưa ví dụ để nói tới vấn đề giới trí thức, một vấn đề mà lúc đó chưa nhạy cảm lắm. Trước hết, ông khẳng định ý kiến đúng đắn của Mao Trạch Đông về vấn đề này, như nhấn mạnh tác dụng của giới trí thức, dùng để làm chỗ dựa cho quan điểm của mình, đồng thời sửa lại cách hiểu một vài quan điểm của Mao, như nói rằng Mao nhấn mạnh việc cải tạo thế giới quan của trí thức là xuất phát từ ái mộ trí thức, đồng thời còn phát huy quan điểm của mình như nói phần tử trí thức là người lao động trí óc. Ngoài ra, Đặng chỉ ra rằng lời Mao Trạch Đông nói giới trí thức ý nói giới trí thức là tư sản, những lời đó hiện nay không thể tiếp tục nói. Phương pháp của Đặng Tiểu Bình dùng ở đây là phân biệt lời của Mao thành loại đúng đắn và loại sai lầm, cho rằng đúng đắn thì phải khẳng định, sai lầm thì phải phủ định. Đặng còn chú ý tới mức độ tức là mặt đúng đắn của Mao Trạch Đông là chủ yếu, mặt sai lầm là cục bộ. Điều này rõ ràng là sự đột phá lớn vào phái "phàm là" cho rằng câu nào cũng là chân lý. Nhưng nếu về một vấn đề nào đó lời của Mao là sai lầm huyện đại bộ phận là sai lầm, thì cách "một chia làm hai" đó của Đặng không giải quyết được vấn đề.

Tháng 8 và 9 năm 1977, Đặng Tiểu Bình bắt đầu chĩa mũi nhọn phê phán vào một vấn đề có tính bùng nổ khác, tức là "hai sự đánh giá", cho rằng 17 năm trước cách mạng văn hóa, mặt trận giáo dục bị đường lối đen của giai cấp tư sản chi phối, đại đa số phần tử trí thức là trí thức tư sản. Hai sự đánh giá đó là do Mao đưa ra, theo "hai phàm là" thì không được động tới. Nhưng Đặng nói "Đồng chí Mao Trạch Đông đã nói không có nghĩa là trong đó không có chuyện đúng sai" Vấn đề nằm ở đâu? "Kỷ yếu có dẫn rất nhiều lời Mao Trạch Đông, nhưng "có rất nhiều điều là cắt xén" Hai là, "Kỷ yếu" được nhét vào rất nhiều lời của "nhóm bốn tên". Câu thứ nhất muốn nói lời của Mao ở đây là sai, vì đã bị người khác lý giải một cách cắt xén. Câu thứ hai chỉ rõ có sai lầm không thuộc bản thân Mao Trạch Đông. Đây là vấn đề quan hệ giữa "toàn bộ hệ thống" và "câu chữ cá biệt". Thế thì 17 năm rút cục là sợi chỉ đỏ hay sợi chỉ đen? Đặng Tiểu Bình trả lời quả quyết: "Mặt chủ đạo là sợi chỉ đỏ". Cần nói rằng: Đánh giá lại 17 năm vào lúc đó là rất dũng cảm, nhưng Đặng "cũng chiếu cố một chút tình hình hiện thực". Ông chỉ nói sợi chỉ đỏ là chủ đạo, nhưng không nói có tồn tại sợi chỉ đen không. Đặng cho rằng chỉ cần sợi chỉ đỏ là chủ đạo thì bản án đã được lật lại rồi. Ngờ đâu sự "chiếu cố" đó lập tức được phái "phàm là" lợi dụng. Cuối năm 1977, đầu năm 1978, Quang Minh nhật báo và tạp chí Hồng Kỳ đều đăng bài nhắc lại thuyết về sợi chỉ đen, nhưng phương pháp đề cập rất khôn khéo. Họ không phủ nhận đường lối chiếm địa vị chủ đạo trong 17 năm là đường lối cách mạng đúng đắn của Mao Chủ tịch, nhưng sau khi khẳng định điểm đó, họ lại nói như đanh đóng cột "Sợi chỉ đen là có. Đó là đường lối xét lại phản cách mạng của Lưu Thiếu Kỳ. Mười bảy năm không còn là do đường lối đen chi phối nữa, mà biến thành đường lối đúng đắn của Mao Chủ tịch đấu tranh với đường lối đen của Lưu Thiếu Kỳ. Phái "phàm là" ở đây cũng dùng phương pháp "một chia làm hai", kết quả là làm cho phương pháp một chia làm hai của Đặng Tiểu Bình mất hiệu lực: Đường lối đen vẫn là đường lối đen, còn đường lối đỏ bản thân vĩnh viễn vẫn không bao giờ sai lầm.

Việc phê phán "hai phàm là" trong suốt năm 1977 vẫn xoay quanh những câu chữ cá biệt, hoặc dùng "câu chữ cá biệt" đúng đắn để phủ định "câu chữ cá biệt" sai lầm, hoặc chứng minh "câu chữ cá biệt" nào đó vốn không phải là của Mao Chủ tịch. Những thành quả về mặt này cũng không ít. Thí dụ, Nhân Dân nhật báo hồi tháng 5 đã vạch ra: bài văn do "hai tờ báo và một tạp chí" phát biểu về lý luận của Mao Trạch Đông "tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản", đăng ngày 6.11.1976, sau khi đối chiếu với bản thảo gốc, thấy cách nói "chuyên chính toàn diện" không phải là lời của Mao Trạch Đông mà là do Trần Bá Đạt, Diêu Văn Nguyên viết thêm vào, xếp chữ đậm trở thành "ngữ lục của Mao Chủ tịch". Người ta liền cho rằng, thế là cơ sở lý luận của cách mạng văn hóa bị lung lay rồi. Nhưng điểm đó cũng không làm phương hại đến "hai phàm là", ngược lại, còn chứng minh là lời của Mao Chủ tịch là không thể sai, nếu có sai thì nhất định không phải là lời Mao Chủ tịch. Điều quan trọng hơn là, Mao Trạch Đông nói nhiều như vậy, nếu cứ giám định thật giả từng câu một thì đến tháng nào năm nào mới xong.

Tháng 11.1977, Nhân Dân nhật báo và tạp chí Hồng Kỳ lại đưa ra một tin rung động: Trong sổ ghi chép của Trì Quần có tìm thấy một câu nói của Mao Trạch Đông đánh giá về 17 năm: Đánh giá về 17 năm không nên nói quá mức, chấp hành đường lối sai lầm chỉ là một số nhỏ; đa số phần tử trí thức vẫn ủng hộ chủ nghĩa xã hội; người ta là những giáo sư, vẫn cần được tôn trọng... Câu nói này bị "nhóm bốn tên" phong tỏa suốt 6 năm trời, bây giờ mới tìm ra, đa số phần tử trí thức mới thoát ra khỏi sự đè nặng của hai sự đánh giá. Nhưng người ta có thể hỏi: Nếu "nhóm bốn tên" giấu kín hơn câu nói đó, hoặc nếu Trì Quần dứt khoát đốt bỏ cuốn sổ đi, làm cho người đời sau vĩnh viễn không thấy được ánh sáng của chân lý, thì sẽ như thế nào? Bất kỳ là dùng "câu chữ cá biệt" đúng đắn, hoặc nhấn mạnh "toàn bộ hệ thống", hoặc phân biệt "mặt chủ đạo", đều không buộc được phái "phàm là" nộp súng đầu hàng. Dù rằng nêu ra điểm căn bản "thực sự cầu thị" thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Đó chủ yếu là vì phía phê phán vẫn chưa vượt ra khỏi phạm vi của bản thân lý luận. Muốn đè bẹp "hai phàm là" về căn bản, cần phải vượt ra khỏi lý luận từ bên ngoài lý luận để bàn về lý luận, tức là đưa vấn đề chuyển sang tiêu chuẩn của chân lý để bàn. Người đầu tiên mở ra bước đó không phải là Đặng Tiểu Bình, mà là một người dân thường có cùng cách nghĩ với Đặng Tiểu Bình: Giảng sư Hồ Phúc Minh ở khoa triết học Trường đại học Nam Kinh.

Hồ Phúc Minh từ lâu đã ý thức được rằng phê phán "hai phàm là", mục đích là nhằm phủ định đại cách mạng văn hóa, phê phán sai lầm cuối đời của Mao, nói trắng ra là nhằm phê phán hai chủ tịch, vì vậy tiến công từ chính diện khó thu được kết quả. Ông ta suy nghĩ lao lung, thấy rằng viết từ chính diện, bàn về thực sự cầu thị thì khó trực tiếp tác động được tới "hai phàm là". Phê phán luận điệu "Lời Mao Chủ tịch, câu nào cũng là chân lý do Lâm Bưu nêu ra có phần tác động gần nhưng vẫn chưa nhằm đúng vào điểm cốt tử của "hai phàm là". Điểm cốt tử của "hai phàm là" là:

1) lời Mao Chủ tịch là thiên kinh địa nghĩa, câu nào cũng là chân lý, không cần phải kiểm nghiệm bằng thực tiễn.

2) Những chỉ thị, lời nói chuyện, lời phê, lời khuyên, lời tán thành của Mao Trạch Đông đều tuyệt đối chính xác, không. những không cần chứng minh bằng thực tiễn mà còn là công cụ để chứng minh, là tiêu chuẩn của chân lý.

Qua một số ngày nghiền ngẫm, cuối cùng Hồ tìm ra được một đột phá khẩu - đó là vấn đề tiêu chuẩn của chân lý. Sự đề xuất này nhằm trúng vào điểm cốt tử của "hai phàm là", mà lại không cần công khai nêu ra "hai phàm là". Vì tìm được cách đề xuất đó, nên Hồ hết sức phấn khởi.

Một ngày tháng 4.1978, bài văn bàn về tiêu chuẩn của chân lý của Hồ Phúc Minh được gửi tới Quang Minh nhật báo, tới tay tổng biên tập mới, Dương Tây Quang. Dương vừa tốt nghiệp Trường Đảng trung ương, được phó hiệu trưởng Hồ Diệu Bang phái tới Quang Minh nhật báo làm việc. Ngay từ tháng 12.1977, Hồ Diệu Bang đã nêu lên hai nguyên tắc nghiên cứu lịch sử đảng: Một là, vận dụng tư tưởng Mao Trạch Đông một cách hoàn chỉnh, đúng đắn. Hai là, thực tiên là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Dưới sự chủ trì của Hồ Diệu Bang, Trường Đảng còn tổ chức cuộc thảo luận sôi nổi về một loạt vấn đề nhằm dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định. Dương Tây Quang cũng tham gia các cuộc thảo luận đó, nên khi nhận được bài báo bàn về tiêu chuẩn thực tiễn của Hồ Phúc Minh, liền thấy ngay rằng đây là cái mình đang cần. Ông quyết định không xếp bài báo vào chuyên mục triết học, mà tổ chức lực lượng hiệu đính, tăng cường tính nhằm vào hiện thực, đề cập tới những nội dung cấm kỵ ảnh hưởng tới việc dẹp bỏ rối loạn, trở lại an định, rồi cho đăng trên trang nhất.

Trong khi tổ chức lực lượng để hiệu đính, sửa chữa, thấy Tôn Trưởng Giang và Ngô Giang ở phòng nghiên cứu lý luận Trường Đảng trung ương cũng đang viết về đề tài này, liền triệu tập đến để cùng sửa chữa. Bài văn sau khi sửa, đã tập trung phê phán chủ nghĩa giáo điều cho rằng, những điều ghi trong thánh kinh mới là đúng, phê phán khuynh hướng sai lầm chỉ nhằm vào mấy câu chữ trong chú nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông, thậm chí dùng mấy câu chữ có sẵn đó để hạn chế, cắt gọt, tước bỏ thực tiễn cách mạng vô cùng phong phú và phát triển rất nhanh chóng, đặt tiêu đề là "Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý".

Bài văn sau khi sửa chữa xong, được gửi tới Hồ Diệu Bang để thẩm định. Để mở rộng ảnh hưởng, những người biên tập quyết định, trước hết cho đăng trên tạp chí nội bộ của Trường Đảng trung ương là tờ "Động thái lý luận", hôm sau mới đăng công khai trên Quang Minh nhật báo. Vì mọi bài báo đăng trên "Động thái lý luận" đều phải qua Hồ Diệu Bang duyệt. Hồ Diệu Bang hoàn toàn đồng ý với phương án này.

Bài báo được sửa đổi mười lần trong 7 tháng, cuối cùng đã được đăng trên Quang Minh nhật báo ngày 11-5- 1978, ở vị trí nổi bật trên trang nhất với danh nghĩa bình luận viên đặc biệt. "Bình luận viên đặc biệt", danh nghĩa đó dễ khiến người ta nghĩ đến một bàn tay đầy quyền uy. Kỳ thực, các biên tập viên nghĩ ra cải tên đó là có sự suy xét: Lúc đó, phàm các bài quan trọng trên báo chí trung ương được phát biểu dưới hình thức xã luận hoặc danh nghĩa bình luận viên bản báo, thì đều phải đưa sang cho Uông Đông Hưng, người chủ quản công tác tuyên truyền thẩm duyệt, nếu lấy danh nghĩa bình luận viên đặc biệt thì được miễn.

Qua việc bàn bạc trước, sau khi Quang Minh nhật báo đăng tải, Tân Hoa xã sẽ chuyển phát toàn văn, và hôm sau 1.5.1978, Nhân Dân nhật báo và Giải phóng quân báo sẽ đăng lại toàn văn và có chú rõ "theo tin điện ngày 11-5 của Tân Hoa xã". Trên thực tế, ở các địa phương cũng có hơn 10 tờ báo như "Liêu Ninh nhật báo" đồng thời đăng toàn văn. Như vậy, trái bom nguyên từ xuất phát từ Trường Đảng trung ương và Quang Minh nhật báo đã nhanh chóng phóng tia bức xạ từ Bắc Kinh tỏa đi các nơi. Khi phái "phàm là" chú ý tới thì đã quá muộn.

Theo tin của Chia xơ Burai: "Trước khi phái thực tiễn phát động cuộc đại biện luận, để bảo đảm bất ngờ, giành thắng lợi, công tác bảo mật đã được tiến hành rất tốt, phái "phàm là" hoàn toàn không hay biết gì. Trong khi Quang Minh nhật báo phát bài đó, Hoa Quốc Phong đang đi thăm Triều Tiên, nên phái "phàm là" không có được phản ứng kịp thời, có hiệu lực. Sau khi bài báo ra mắt công chúng, Uông Đông Hưng và Kỷ Đăng Khuê liền danh đánh điện cho Hoa Quốc Phong báo cáo tình hình, cho rằng việc này có ảnh hưởng rất rộng, hậu quả rất lớn, xin Hoa Quốc Phong cho phương châm đối phó. Hoa nhận được báo cáo, chủ trương giữ thái độ thận trọng"

Điểm cốt tử của "hai phàm là" bị đánh trúng. Không ai phủ nhận được "thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý". Đó là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác. Mệnh đề này hay ở chỗ nó bác bỏ được từ căn bản mọi khả năng lấy bất kỳ lý luận nào để thay cho chân lý. Thần thoại của phái "phàm là" bị đả phá. Lời Mao Trạch Đông không thể coi là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý. Bản thân nó có là chân lý hay không còn cần được thực tiễn hôm nay phán đoán. Như vậy thì câu nói "phàm là" lời Mao Chủ tịch thì đều không thể thay đổi, là không đứng vững nữa. Từ đó suy rộng ra, Mao Trạch Đông cũng không tránh khỏi có sai lầm, thế thì các án oan, án giả cần được sửa sai. Dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định là cần thiết. Sự suy rộng đó hoàn toàn đáp ứng tâm lý của đông đảo cán bộ bị oan trong thời kỳ cách mạng văn hóa, nên tất nhiên khiến phái "phàm là" lo sợ.

Ngay hôm bài báo xuất hiện, mấy người trong phái "phàm là" phát hiện vấn đề lý luận nêu ra trong đó không phải là mới, nhưng lại rất quan trọng đối với tình hình lúc bấy giờ. Tối hôm đó, họ gửi cho Tổng biên tập Nhân Dân nhật báo một bức điện nghiêm khắc, nói bài đó xúi giục người ta sửa chữa lại tư tưởng Mao Trạch Đông, là phản động về mặt chính trị.

Uông Đông Hưng định thần lại, vào ngày 17-5 nói trong một cuộc hội nghị là, bài báo đó "trên thực tế là chĩa mũi nhọn vào tư tưởng Mao Trạch Đông" và trách cứ: "Đó là ý kiến của đồng chí trung ương nào?". Uông khiển trách những người đăng bài báo đó là "không có tính đảng". Hôm sau, Uông lại tìm người thân tín của Hoa Quốc Phong là bộ trưởng tuyên truyền trung ương Trương Bình Hóa. Trương được lệnh nói với các trưởng đoàn đại biểu tham gia hội nghị giáo dục toàn quốc, yêu cầu họ không nên vì thấy Nhân Dân nhật báo đã đăng, Tân Hoa xã đã phát mà cho là vấn đề đã được xác định, phải nâng cao năng lực phân biệt, không nên chuyển theo chiều gió, và yêu cầu họ trở về báo cáo lại với Thường vụ các tỉnh ủy.

Ngô Giang nói rất đúng: Cuộc thảo luận này nếu không có sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình vừa ra làm việc lại thì không thể triển khai thắng lợi được. Ngày 19-5, Đặng Tiểu Bình bắt đầu tỏ thái độ. Theo nói lại, khi Quang Minh nhật báo đăng bài này, ông chưa chú ý lắm. Sau nghe nói có người phản đối rất kịch liệt, ông mới tìm xem. Xem xong, Đặng nói thẳng với người phụ trách tiểu tổ lãnh đạo hạt nhân trong bộ Văn hóa cách nhìn nhận của mình: Bài báo phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin, không thể bác bỏ được. Ngày 30-5, khi nói chuyện với mấy người phụ trách, ông lại nhằm thẳng vào phái "phàm là": chỉ cần anh nói không giống với Mao Chủ tịch, không giống với Hoa Quốc Phong thì là không được. Đây không phải là một hiện tượng cô lập, đây là sự phản ánh một tư trào hiện nay.

Cuộc thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn chính là nhằm chống lại tư trào đó. Từ một năm nay, Đặng Tiểu Bình đang đi tìm vũ khí. Một năm trước, ông đã nhằm vào "hai phàm là" mà hai lần nêu ý kiến rằng "thực sự cầu thị" là điều căn bản và tinh túy của tư tưởng Mao Trạch Đông, nhưng ông chưa triển khai đầy đủ, cũng chưa tạo nên sự uy hiếp với phái "phàm là", là vì thực sự cầu thị vẫn chưa đề cập tới tiêu chuẩn thực tiễn, chưa liên hệ với tiêu chuẩn thực tiễn. Nay từ trí tuệ của nhân dân, Đặng đã phát hiện ra mối liên hệ đó. Do đó, trong hội nghị công tác chính trị toàn quân ngày 2-6, Đặng đã nói về ba vấn đề, dành thời gian dài nói về thực sự cầu thị. Ông chỉ thẳng ra: "Có một số đồng chí ngày nào cũng nói tư tưởng Mao Trạch Đông, nhưng luôn quên mất, vứt bỏ, thậm chí phản đối lại thực sự cầu thị, xuất phát từ thực tế, lý luận kết hợp với thực tiễn là những quan điểm căn bản, phương pháp căn bản của chủ nghĩa Mác. Không những thế, một số người còn cho rằng ai kiên trì thực sự cầu thị, xuất phát từ thực tế, kết hợp lý luận với thực tiễn thì người đó phạm tội lỗi tày trời. Quan điểm của họ, về thực chất là chủ trương chỉ cần sao chép nguyên xi lời của Mác-Lênin, Mao Trạch Đông rồi truyền đi, theo thế mà làm là được. Nếu không như vậy, thì nói là đi ngược lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, đi ngược lại tinh thần của Trung ương". Văn phong của Đặng là phản đối việc dẫn kinh.

Nhưng lần này, để luận chứng thực sự cầu thị là điểm xuất phát, điểm căn bản của tư tưởng Mao Trạch Đông, ông đã phá lệ, làm như một nhà khảo chứng nghiêm túc, đã trưng dẫn nguyên lời của Mao Trạch Đông phản đối chủ nghĩa sách vở trong những năm 80, và nhấn mạnh đến thực tiễn xã hội trong những năm 60, trong 3 trang của bài nói, đã dẫn tới 17 đoạn. Đây là lần duy nhất thấy trong toàn bộ trước tác và nói chuyện của Đặng Tiểu Bình. Việc trích dẫn của Đặng được làm một cách rất có nghệ thuật, ông hầu như đưa ra hết những lời sắc bén và nổi bật của Mao Trạch Đông về chống chủ nghĩa giáo điều, như chủ nghĩa giáo điều là anh lười biếng, là kẻ thù của Đảng Cộng sản, là biểu hiện tính đảng không trong sáng, là phương pháp khéo léo để không thi hành chỉ thị cấp trên, là coi chủ nghĩa Mác là thần đan tiên dược trị bách bệnh. Những cái đó đem ra chỉ đạo cách mạng thì nếu không phạm cơ hội chủ nghĩa, cũng phạm manh động chủ nghĩa, vừa làm hại mình, vừa làm hại đồng chí. Dẫn chứng của Đặng còn đặc biệt chú ý mở rộng từ thực sự cầu thị sang tiêu chuẩn thực tiễn, như "chỉ có thực tiễn xã hội của người ta mới là tiêu chuẩn chân lý để người ta nhận thức thế giới bên ngoài", chỉ có qua sự khảo nghiệm của thực tiễn mới chứng minh được tư tưởng "rút cục là đúng đắn hay là sai lầm, ngoài ra không có phương pháp kiểm nghiệm chân lý nào khác"; tư tưởng cần được "kiểm nghiệm trong thực tế khách quan, chứng minh là chân lý, như vậy mới được tính là chân lý, không như vậy, không được tính là chân lý", cuối cùng Đặng đi vào vận dụng thực tế, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo các cấp, đối với chỉ thị của trung ương hoặc cấp trên "không nên coi như pháp bảo, sao chép và truyền đi một cách giản đơn". Theo thống kê, trong cuộc thảo luận lớn về tiêu chuẩn chân lý năm 1978, trong toàn quốc có tới 650 bài văn. Bài này của Đặng Tiểu Bình là một trong số đó, và là bài xuất sắc nhất, có trọng lượng nhất.

Bài nói chuyện ngày 2-6 của Đặng Tiểu Bình đã ủng hộ tích cực cho cuộc thảo luận về tiêu chuẩn chân lý, nhưng phái "phàm là" vẫn không chịu thua. Ngày 15-6, Uông Đông Hưng triệu tập cuộc họp người phụ trách các đơn vị tuyên truyền, vẫn phê phán những bài về tiêu chuẩn thực tiễn. Lúc đó, ngoài xã hội truyền lan tin đồn là Nhân Dân nhật báo phạm sai lầm, đã bị cải tổ. Có người còn công kích tờ "Động thái lý luận", nói: thời "nhóm bốn tên" có "hai trường", nay có Trường Đảng trung ương, giờ thì hết. Một số nhà lý luận phe tả ra sức phản công. Họ nói nhấn mạnh thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý tức là phủ nhận tác dụng chỉ đạo của lý luận. Họ chất vấn, nói chủ nghĩa cộng sản đến tương lai mới thực hiện được, hiện nay vẫn chưa được thực tiễn chứng minh, chẳng lẽ không được tính là chân lý hay sao? Để trả lời những sự thách thức đó, Hồ Diệu Bang lại tổ chức cho Ngô Giang và một số người nữa viết bài báo trọng điểm thứ hai "Nguyên tắc căn bản nhất của chủ nghĩa Mác". Bài này không thể đăng trên Quang Minh nhật báo và Nhân Dân nhật báo mà dùng phương thức quanh co, trước hết đăng trên Giải phóng quân báo với hình thức bình luận viên đặc biệt. Phương án này được La Thụy Khanh, bí thư quân ủy ủng hộ và giúp đỡ, vì bài báo này, La đã 6 lần trao đổi qua điện thoại với Hồ Diệu Bang. Ông còn nói rằng nếu bài báo này bị đánh, ông sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Bài này ngoài việc luận chứng rằng quá trình lý luận chỉ đạo thực tiễn cũng là quá trình kiểm nghiệm chân lý phát triển lý luận, còn chỉ rõ một số người sở dĩ muốn kiên trì "hai phàm là" bởi vì lợi ích của họ ít nhiều có liên hệ với khẩu hiệu cũ đó. Việc công bố bài báo thứ hai khiến cho cao trào thảo luận về vấn đề tiêu chuẩn chân lý lại dâng lên.

Trong tháng 7, giới khoa học và giới lý luận triệu tập hai cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, đưa cuộc thảo luận về tiêu chuẩn chân lý mở rộng ra toàn quốc. Lúc này Uông Đông Hưng cuống quít, ông ta giao ước với tỉnh ủy Sơn Đông ba điều: Một là, không được hạ cờ; hai là, không được vứt bỏ vũ khí; ba là, không được quay ngoắt 180o. Đặng Tiểu Bình tìm Trương Bình Hóa, nói thẳng thắn: anh đừng có "ra lệnh cấm", "vạch khu cấm" nữa, đừng có kéo lùi phong trào chính trị vừa mới bắt đầu được xốc nổi sống động trở lại. Trung tuần tháng 9, Đặng Tiểu Bình thị sát vùng Đông Bắc, nhằm vào thuyết "hạ cờ", nói làm thế nào giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông. Ông nói rõ: "hai phàm là" không phải là giương cao thật, mà là giương cao giả, giương cao một cách hình thức. Giương cao một cách thực sự là thực hiện di nguyện của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, nhằm mục tiêu bốn hiện đại hóa. Chủ bài của phái "phàm là" là "giương cao", Đặng dùng giương cao thật và giương cao giả để phân biệt và giành lại lá cờ.

Phái thực tiễn hầu như khống chế được trận địa dư luận, phái "phàm là" chỉ còn lại trong tay tờ tạp chí Hồng Kỳ. Uông Đông Hưng trao phương châm cho tờ Hồng Kỳ là đứng một mình, không tham gia vào cuộc thảo luận. Với sự khống chế của Uông, Hồng Kỳ im lặng mất 5 tháng, không hề đăng bài về tiêu chuẩn thực tiễn. Sau không thể im lặng mãi được, liền tổ chức đăng một bài về "thực tiễn luận". Ngay trong bài này, Uông cũng yêu cầu chỉ hạn chế trong việc thảo luận học thuật. Điều này hoàn toàn ngược với cách làm của "nhóm bốn tên" quen đi từ vấn đề học thuật tiến sang vấn đề chính trị. Điều đó tỏ rằng phái "phàm là" ở vào địa vị thế thủ, Uông hy vọng giữ vững được trận địa cuối cùng là tờ Hồng Kỳ, nhưng sau lại bị Đàm Chấn Lâm tiến công nên không giữ vững được. Nguyên là Hồng Kỳ dự định viết mấy bài nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, hẹn Đàm Chấn Lâm viết về việc Mao Trạch Đông lãnh đạo cuộc đấu tranh ở Tỉnh Cương Sơn như thế nào. Ngờ đâu, Đàm viết thành bài về tiêu chuẩn thực tiễn. Ban biên tập yêu cầu ông sửa lại ông không những không sửa, còn đề ra hai cái "phàm là" mới: phàm thực tiễn đã chứng minh là đúng, thì phải kiên trì; phàm thực tiễn đã chứng minh là sai, thì phải sửa chữa. Đàm nói hai câu đó cũng là kết quả suy nghĩ trong hai tháng. Sau đó việc kiện cáo đưa lên tới Bộ Chính trị, Đặng Tiểu Bình phê như sau: Tôi thấy bài này tốt, ít nhất là không có sai lầm. Sửa đi một chút, nếu Hồng Kỳ không chịu đăng thì chuyển sang Nhân Dân nhật báo đăng. Tại sao Hồng Kỳ lại không tham gia vào cuộc thảo luận? Nên tham gia. Xem ra bản thân việc không tham gia, lại là một cách tham gia. Việc tham gia này khiến phái "phàm là" mất đi trận địa cuối cùng. Chỉ thị của Hoa Quốc Phong cho người lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng là không tham gia, không tỏ thái độ. Ông ta còn phê bình các tỉnh, thành phố đã tỏ thái độ. Nhưng ông ta cũng không có cách nào dập tắt đám lửa. Từ tháng 8, các tỉnh, thành phố, khu tự trị sôi nổi tỏ thái độ ủng hộ cuộc thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn. Chỉ có tỉnh Hồ Nam là nghe lời Hoa, nhưng cuối cùng cũng phải tỏ thái độ. Đây là một loại tỏ thái độ chính trị đặc biệt. Tán thành tiêu chuẩn thực tiễn thực chất là tán thành phái thực tiễn của Đặng Tiểu Bình. Vì vậy việc tỏ thái độ của các tỉnh có nghĩa là phái "phàm là" rơi vào cô lập, phái thực tiễn thừa thắng truy kích.

Trong hội nghị công tác trung ương kéo dài 36 ngày từ 10-11 đến 15-12, phái thực tiễn hoàn toàn nắm vững quyền chủ động, làm đảo lộn hết chương trình nghị sự đã định của Hoa Quốc Phong, hình thành một loạt 8 quyết định quan trọng:

1) Sửa sai cho sự kiện Thiên An Môn;

2) Hủy bỏ văn kiện phê phán làn gió lật án hữu khuynh của Đặng Tiểu Bình;

3) Sửa sai cho vụ án oan tập đoàn Bạc Nhất Ba gồm 61 người;

4) Sửa sai cho "dòng nước ngược tháng hai";

5) Sửa đổi những kết luận sai lầm về Bành Đức Hoài, Đào Chú, Dương Thượng Côn;

6) Bỏ tổ chuyên án trung ương;

7) Thẩm tra các tội ác của Khang Sinh, Tạ Phú Trị;

8) Chỉ thị cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị căn cứ vào nguyên tắc thực sự cầu thị, xử lý một số việc quan trọng nảy sinh trong cách mạng văn hóa. Những người và việc nêu ra trong 8 quyết định này đều là những vụ án quan trọng do Mao Trạch Đông nêu ra hoặc đồng ý. Nay đã lật lại toàn bộ, tỏ rằng phái "phàm là" thất bại hoàn toàn.

Ngày 13-12, Hoa Quốc Phong bị buộc phải kiểm thảo trong phiên họp bế mạc về "hai phàm là". Ông ta nói: cách đề xuất "hai phàm là" là quá tuyệt đối, nó đã trói buộc tư tưởng mọi người ở các trình độ khác nhau, không có lợi cho việc vận dụng các chính sách của đảng một cách thực sự cầu thị, không có lợi cho việc làm sống động tư tưởng trong đảng. Lúc đó chưa suy xét được chu đáo về hai câu nói đó, ngày nay nhìn lại, không đề ra "hai phàm là" thì tốt hơn. Uông Đông Hưng cũng phải nói mấy câu kiểm thảo và thuyết minh qua quít. Dù thế nào, phái "phàm là" đã chịu thua, phái thực tiễn giành được thắng lợi có tính quyết định.

Trong buổi bế mạc, Đặng Tiểu Bình đã đọc bài nói "Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, đoàn kết nhất trí nhìn về phía trước". Bài nói này thực tế là báo cáo chủ đề cho Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khoá XI sau này. Hội nghị Trung ương lần thứ ba đã xác lập toàn diện đường lối tư tưởng, đường lối chính trị và đường lối tổ chức của phái thực tiễn, đánh dấu sự bắt đầu của thời đại Đặng Tiểu Bình. Hội nghị miễn trừ các chức vụ kiêm nhiệm của Uông Đông Hưng, khiến ông ta không có cách nào can thiệp vào công tác tuyên truyền, đồng thời bổ nhiệm Hồ Diệu Bang làm Bí thư trưởng trung ương kiêm trưởng ban tuyên truyền trung ương. Vị trí đó sẽ nhanh chóng phát triển sang thay thế chức vụ của Hoa Quốc Phong.

Trong lúc thành công, Đặng Tiểu Bình không quên vấn đề then chốt là cuộc đại thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn. Ông nói: ý nghĩa của cuộc tranh luận này rất lớn, càng xem xét càng thấy quan trọng, bởi vì nó giải quyết vấn đề đường lối tư tưởng, là một việc "xây dựng cơ bản, không giải quyết vấn đề đường lối tư tưởng, không giải quyết tư tưởng thì không thể định ra được đường lối chính trị đúng đắn, dù có định ra được cũng không thể quán triệt được" Rõ ràng cuộc thảo luận này khiến Đặng Tiểu Bình thu được lòng đảng, lòng dân, chuẩn bị về tư tưởng và lý luận cho việc chuyển biến của Hội nghị toàn thế Trung ương lần thứ ba, mở đường cho Đặng Tiểu Bình triệt để sửa chữa sai lầm của cách mạng văn hóa, tiến hành đường lối đổi mới, cải cách.

1.10 mục tiêu của Đặng không những chỉ là đảo ngược lại sự đánh giá "ba sai bảy đúng" của Mao, mà còn phủ định về căn bản "cách mạng văn hoá ", phủ định một loạt sai lầm về lý luận và thực tiễn

Đặng Tiểu Bình vì muốn phủ định "đại cách mạng văn hóa" mà bị Mao Trạch Đông cách chức lần thứ hai. Bất đồng căn bản giữa Đặng và Mao là ở đâu? ở sự nhìn nhận cách mạng văn hóa. Mao giữ vững ý kiến cho là cách mạng văn hoá có 7 phần thành tích, 3 phần sai lầm. Ba phần sai lầm, theo Mao là "đả đảo tất cả, nội chiến toàn diện". Đặng nói: "Tám chữ đó làm sao phù hợp được với bảy phần thành tích?". Theo ông, đả đảo tất cả, toàn diện nội chiến là một sai lầm rất lớn. Mà trên thực tế, cái mà ông muốn phủ định không chỉ là tám chữ đó. Mục tiêu của ông không chỉ là muốn đảo ngược lại sự đánh giá ba phần sai lầm bảy phần thành tích của Mao, mà căn bản phủ định cách mạng văn hóa, phủ định một loạt lý luận và thực tiễn sai lầm của cách mạng văn hóa, phủ định việc lớn thứ hai trong cuộc đời Mao Trạch Đông.

Năm 1977, sau khi được trở lại làm việc, việc thứ nhất mà Đặng Tiểu Bình muốn làm là thanh trừ hậu quả của cách mạng văn hóa. Điều đó không phải xuất phát từ ý chí cá nhân, và cũng không thể giải thích bằng tính cách quật cường của Đặng. Nguyên nhân căn bản là Đặng có cả một hệ thống phương lược từ trước hoàn toàn khác với Mao, từ mục tiêu "bốn hiện đại hóa" đến phương pháp cải cách mở cửa, Đặng hiểu rõ rằng, nếu cứ kế thừa nguyên xi toàn bộ hậu quả của cách mạng văn hóa mà Mao Trạch Đông để lại thì sẽ là chướng ngại không thể vượt qua được để ông thực hiện lý tưởng của mình. Ngược lại, nếu ông bắt tay vào việc thanh trừ những hậu quả đó thì trở ngại sẽ biến thành động lực to lớn.

Đặng Tiểu Bình quyết tâm sửa chữa sai lầm của cách mạng văn hóa, là chủ đề xung đột giữa ông với phái "phàm là". Toàn bộ công việc của Hoa Quốc Phong, thủ lĩnh phái "phàm là" sau khi đập tan "nhóm bốn tên" là tuyên bố "cuộc đại cách mạng văn hóa vĩ đại" đã kết thúc "thắng lợi" Phương châm "nắm khâu chủ yếu, trị lý quốc gia" tiếp sau của ông ta là:

1) Tập trung phê phán "nhóm bốn tên",

2) Tiếp tục phê Đặng,

3) Yêu cầu cán bộ và quần chúng đông đảo đối xử đúng đắn với "cách mạng văn hóa".

Khi bàn về vấn đề Đặng Tiểu Bình, cách nói của Uông Đông Hưng là Đặng không hiểu cách mạng văn hóa, không đối xử đúng đắn với ba việc (đối xử đúng đắn với cách mạng văn hóa, đối xử đúng đắn với phong trào quần chúng, đối xử đúng đắn với sự vật mới). Thậm chí còn có người coi ngang bằng giữa Đặng Tiểu Bình và "nhóm bốn tên". Phái "phàm là" không biết rằng việc họ vừa phê phán "nhóm bốn tên", vừa phê phán Đặng Tiểu Bình có chứa đựng một mâu thuẫn không thể khắc phục nổi, và rất nhiều người bị hại trong cách mạng văn hóa, bao gồm cả Đặng Tiểu Bình liền lợi dụng chính ngay mâu thuẫn đó để đưa Trung quốc sang một hướng khác.

Đặng Tiểu Bình và các chiến hữu của ông dự tính bắt đầu từ việc vạch trần phê phán "nhóm bốn tên". Dù thế nào, thì đó cũng là điểm chung giữa họ với phái "phàm là" lúc đó đang giữ vị trí chủ đạo. Nhưng việc vạch trần, phê phán "nhóm bốn tên" của những người lãnh đạo phái "phàm là", lại có điểm khiến người ta thất vọng. Trước hết họ gọi đường lối của "nhóm bốn tên" là cực hữu mà không phải là cực tả. Theo tiêu chuẩn định tính đó, ba tài liệu phê phán được liên tiếp đưa ra không đả động đến thực chất cực tả của "nhóm bốn tên". Mục đích làm như vậy của phái "phàm là" là buộc lẫn Đặng Tiểu Bình với "nhóm bốn tên" làm một, hai là bảo vệ đường lối cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Bởi vì họ biết rằng hễ phê phán cực tả thì sẽ chạm tới sai lầm của Mao Trạch Đông. Nếu như cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông phát động là sai thì địa vị của họ, những người được lợi nhờ cách mạng văn hóa và là những người kế thừa hợp pháp của Mao Trạch Đông sẽ bị lung lay.

Để đánh bại chiến thuật của phái "phàm là", Đặng Tiểu Bình nghĩ ra một diệu kế: liên hệ "nhóm bốn tên" với Lâm Bưu. Tháng 6.1978, ông chỉ rõ: "Muốn vạch trần sâu sắc phê phán thấu triệt "nhóm bốn tên", thì không thể không vạch trần, phê phán Lâm Bưu. Mối liên hệ giữa "nhóm bốn tên" với Lâm Bưu là sự thực mà ai cũng biết, đặc biệt là trong "Kỷ yếu tọa đàm về công tác văn nghệ trong quân đội do đồng chí Lâm Bưu ủy nhiệm cho đồng chí Giang Thanh triệu tập" năm 1966. Khi còn sống, Mao Trạch Đông luôn cho rằng "nhóm bốn tên" có công phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu. Phê Lưu Thiếu Kỳ "có công" là đúng, phê Lâm Bưu có công thì rất thành vấn đề. Một là vì, lúc Lâm Bưu bị phê thì đã thân bại danh liệt, không cần phê cũng đã xấu xa. "Nhóm bốn tên" phê Lâm là có dụng ý, là phê Lâm và phê Chu Ân Lai. Còn phê bản thân Lâm, chúng chỉ hạn chế vào việc phê hai đầu mà không phê đoạn giữa, tức là chỉ phê lịch sử của Lâm Bưu trước kia và cuộc chính biến phản cách mạng "Kỷ yếu công trình 571", mà để nguyên không phê phán đường lối cực tả của Lâm Bưu, sợ phê cái cực tả của Lâm thì lại lộ ra cái thực chất của họ. Năm 1972, Mao đã từng có chỉ thị về việc phê cái cực tả của Lâm, nhưng sau đó lại bị Mao dùng chủ trương "phản hồi trào" để ngăn lại. Trong vấn đề phê cực tả, Mao Trạch Đông và "nhóm bốn tên" đều có sự lo lắng giống nhau, chỉ khác nhau về tính chất và trình độ. Lâm Bưu và "nhóm bốn tên" chính đã lợi dụng sai lầm tả khuynh của Mao Trạch Đông mà hoành hành 10 năm trong cách mạng văn hóa, đất trời, và lòng người đều oán giận, làm đủ việc xấu xa. Do đó Đặng nói: "Vạch trần phê phán "nhóm bốn tên" liên hệ với vạch trần phê phán Lâm Bưu là việc hết sức hợp tình hợp lý, không có vấn đề vướng mắc không rõ ràng về lịch sử". Nhìn trở lại, dù đó là chuyện cũ, cũng không thể không gỡ ra. Vì khi "gỡ", thế tất sẽ động chạm tới thực chất cực tả của "nhóm bốn tên", động chạm tới toàn bộ lịch sử mười năm cách mạng văn hoá, và do đó động chạm tới sai lầm phát động cách mạng văn hóa trong những năm cuối đời của Mao Trạch Đông. Việc "gỡ" như thế sẽ hoàn toàn làm rối loạn sự bố trí của phái "phàm là", làm cho cuộc phê phán "nhóm bốn tên" chuyển sang chủ đề mà Đặng mong muốn: Trong thời kỳ "đại cách mạng văn hóa", sự hoành hành của Lâm Bưu và "nhóm bốn tên" đã làm cho tất cả đều rối loạn. "Ngày nay chúng ta dẹp yên rối loạn khôi phục an định, chính là dẹp yên cái rối loạn do Lâm Bưu và "nhóm bốn tên" gây ra, phê bình sai lầm cuối đời của đồng chí Mao Trạch Đông, trở lại con đường đúng đắn của tư tưởng Mao Trạch Đông"

Đặng Tiểu Bình biết rằng muốn phủ định cách mạng văn hóa mà chỉ phê phán Lâm Bưu và "nhóm bốn tên" thì không đủ, còn cần phải phê bình sai lầm cuối đời của Mao Trạch Đông nữa. Điều cuối cùng này rất khó thông qua trước mặt phái "phàm là". Nhưng cuộc thảo luận lớn về tiêu chuẩn chân lý được triển khai rộng rãi từ trên xuống dưới trong toàn quốc vào nửa cuối năm 1978 đã mở đường cho Đặng Tiểu Bình.

Chính cuộc thảo luận lớn đó đã cung cấp vũ khí sắc bén để đảnh giá lại những đúng sai của mười năm cách mạng văn hóa, đó là: Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Theo tiêu chuẩn đó, mọi quyết sách mà Mao Trạch Đông đưa ra trong cách mạng văn hóa rút cục là đúng hay sai, cũng phải được kết quả thực tiễn là hậu quả của cách mạng văn hóa kiểm nghiệm. Vũ khí đó đã đưa lại kết quả trong Hội nghị công tác Trung ương cuối năm 1978 và trong Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khoá XI.

Hội nghị công tác Trung ương đã đưa ra tám quyết định quan trọng:

1) Sửa sai cho sự kiện Thiên An Môn;

2) Hủy bỏ văn kiện do trung ương thông qua trước kia về "phê phán làn gió hữu khuynh lật án của Đặng";

3) Sửa sai đối với cái gọi là tập đoàn chống Đảng Bạc Nhất Ba gồm 61 người;

4) Sửa sai cho cái gọi là "dòng nước ngược tháng hai";

5) Sửa lại những kết luận sai lầm với các đồng chí Bành Đức Hoài, Đào Chú, Dương Thượng Côn,

6) Triệt tiêu tổ chuyên án Trung ương, toàn bộ án kiện chuyển giao cho Ban tổ chức trung ương;

7) Vạch tội lỗi của các "công thần" trong cách mạng văn hóa là Khang Sinh, Tạ Phú Trị;

8) Một số việc quan trọng trong cách mạng văn hóa, giao cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị giải quyết theo tình hình thực tế.

Những quyết định đó, tuy chưa phải là toàn bộ, nhưng đã lật lại nhiều vụ án quan trọng trong cách mạng văn hóa. Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba đã ra quyết sách quan trọng di chuyển trọng điểm chiến lược, tức là chuyển trọng tâm công tác của toàn đảng toàn dân sang công cuộc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Đó là việc lập lại trật tự căn bản nhất, vì đó có ý nghĩa là triệt để vứt bỏ tư tưởng chỉ đạo cách mạng văn hóa "lấy đấu tranh giai cấp làm chủ yếu" của Mao Trạch Đông. Lúc đó, Đặng Tiểu Bình đã nắm vững quyền chủ động ra quyết sách, ông hoàn toàn có thể làm như Khơrútsốp đánh giá thời đại Xtalin, thả sức chửi rủa Mao Trạch Đông, vạch mọi tội trạng của cách mạng văn hóa. Nhưng Đặng đã không làm thế. Ông biết rằng việc phủ định trừu tượng trên lý luận không những không thể thực sự đạt tới mục đích triệt để thanh trừ hậu quả của cách mạng văn hóa, mà lại còn tạo ra nhiều phiền phức mới không cần thiết, do đó sẽ gây ra trở lực trên đường tiến lên. Vì vậy, Đặng đặt trọng điểm chú ý vào việc phủ định cụ thể, dốc sức vào việc sửa chữa những sai lầm cụ thể của cách mạng văn hóa, từng việc từng việc một, mà không vội đưa ra những kết luận chính trị, tranh cãi về sai đúng. Đình chỉ coi đấu tranh giai cấp là chủ yếu, chuyển trọng điểm công tác sang xây dựng kinh tế, đã là một việc phủ định cụ thể có sức mạnh nhất. Còn sự đánh giá tổng thể giai đoạn lịch sử cách mạng văn hóa, trong hội nghị toàn thể trung ương, Đặng vẫn giữ một thái độ tương đối thận trọng, chủ trương "không cần vội vã tiến hành", "cần tiến hành công tác nghiên cứu nghiêm túc", "cần qua một thời gian dài hơn mới có thể hiểu đầy đủ và đưa ra lời đánh giá". Sau này, việc đánh giá đó trải qua ba năm, sáu tháng, đến Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 6, mới đưa ra dưới hình thức "Nghị quyết về một vài vấn đề lịch sử của đảng từ ngày lập nước đến nay". Khi đề cập đến tính hợp pháp của Đại hội lần thứ IX, Đặng cũng có sự khẳng định trừu tượng để nói rõ "Trong đại cách mạng văn hóa vẫn có sự tồn tại của Đảng". Trong Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, Đặng thậm chí còn khẳng định Mao Trạch Đông phát động cách mạng văn hóa với động cơ "phòng và chống xét lại", tựa hồ như Mao làm việc "xấu" với "dụng ý tốt". "Dụng ý tốt" có thể an ủi được nhiều người, còn "việc xấu" (sau khi sửa chữa) có thể cứu được nhiều người.

Khi phủ định cụ thể cách mạng văn hóa, ngoài việc nắm vững việc di chuyển trọng điểm công tác, Đặng còn chọn việc bình phản án oan, án giả cho hàng chục triệu người đã chịu đau khổ làm đột phá khẩu. Đặc điểm của chiếc cửa mở này là khi đã đột phá thì không thể ngăn cản nổi, nên đã nhanh chóng làm trôi con đê của phải "phàm là", giúp Đặng giành được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, khiến cho sai lầm của Mao Trạch Đông, tội lỗi của "nhóm bốn tên" biến thành thành tích của Đặng Tiểu Bình, hậu quả tai nạn của cách mạng văn hóa biến thành động lực cho cuộc trường chinh mới. Đó là sự phủ định thực tế nhất, cụ thể nhất, có sức mạnh nhất đối với lý luận và thực tiễn của cách mạng văn hóa.

Đặng nhằm vào các bước đi cụ thể của việc sửa sai, án oan, án giả trong cách mạng văn hóa, vận dụng phương pháp lật lại từ gần đến xa. Trước hết tiến hành sửa sai cho sự kiện Thiên An Môn và "làn gió lật án hữu khuynh" sau cách mạng văn hóa, sau đó thâm nhập vào những vấn đề quan trọng trong 10 năm cách mạng văn hóa, lật lại các bản án mà Mao Trạch Đông đã định đối với một số nhân vật, một số ngành, một số sự kiện, một số văn kiện. Thí dụ như lật lại bản án cho Bộ liên lạc đối ngoại là "tam hòa nhất thiểu", "tam hàng nhất diệt"* (*Tam hòa nhất thiểu: tức hòa hoãn với đế quốc, chủ nghĩa xét lại và thế lực phản động các nước; giảm bớt sự ủng hộ với phong trào giải phóng dân tộc. Tam hoàng nhất diệt: Đầu hàng 3 lực lượng trên, tiêu diệt phong trào giải phóng dân tộc) cho Bộ mặt trận thống nhất là chấp hành đường lối đầu hàng, cho Bộ tuyên truyền trung ương là điện Diêm Vương, cho Bộ văn hóa là Bộ đế vương khanh tướng, tài tử giai nhân v.v..; sửa sai cho cái gọi là "dòng nước ngược tháng hai" và cho "thôn ba nhà", hủy bỏ "kỷ yếu tọa đàm về công tác văn nghệ quân đội" năm 1966, "kỷ yếu tọa đàm về công tác giáo dục toàn quốc" năm 1971; lật lại "hai sự đánh giá" về mặt trận giáo dục và phần tử trí thức trong 17 năm v.v..

Mục tiêu chủ yếu và thành tựu chủ yếu của cuộc cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông phát động là phê phán đường lối xét lại do Lưu Thiếu Kỳ làm đại biểu, đánh đổ bộ tư lệnh tư sản do Lưu Thiếu Kỳ làm thủ lĩnh. Nếu sửa sai và minh oan cho Lưu Thiếu Kỳ thì có nghĩa là toàn bộ bản án của cách mạng văn hóa đã được lật lại. Nhưng Đặng Tiểu Bình không vội đi bước đó. Trước hết, ông lợi dụng thắng lợi của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, sửa sai cho nhóm Bạc Nhất Ba gồm 61 người có trực tiếp ảnh hưởng tới Lưu Thiếu Kỳ. Trong "phái đi theo con đường tư bản" Lưu, Đặng, Đào, Vương, trước hết ông minh oan cho ba người có vai trò thứ yếu đã. Đợi tới khi mọi công tác ngoại vi đã làm xong, đến 2.1980, Đặng cho rằng thời cơ đã thành thục, mới quyết định sửa sai cho Lưu Thiếu Kỳ.

19.9.1980, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc ra thông tri: nhất luật sửa sai cho những người bị nhận lầm và bị phê phán trong cách mạng văn hóa, bỏ hết những lời lẽ không đúng với họ. Như vậy, cách mạng văn hóa còn lại cái gì? Một loạt các "sự vật mới" nảy sinh trong cách mạng ván hóa dần dần biến mất trong làn sóng cải cách của Đặng.

Biện pháp mang tính chiến lược của Mao Trạch Đông đề phòng và chống xét lại là đưa thanh niên trí thức lên vùng núi và về nông thôn cũng bị đình chỉ vào năm 1979, hàng chục triệu thanh niên trí thức từ nông thôn ùa về thành phố. Phong trào quần chúng, hình thức chủ yếu để Mao Trạch Đông phát động cách mạng văn hóa đã bị Đặng Tiểu Bình dùng hình thức hiến pháp để cấm chỉ. Cuối cùng, cơ sở lý luận của cách mạng văn hóa "tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản" cũng được bản"nghị quyết lịch sử" chấn chỉnh làm rõ. Theo cách nhìn của Mác Phaxiơ, cách mạng văn hóa bắt nguồn từ năm 1957, có lẽ Đặng cũng đồng ý với cách nhìn nhận này, nên ông đã đưa việc phủ định cách mạng văn hóa tới phong trào "tứ thanh" *(*Tứ thanh: thanh lý công điểm, nợ nần, tài sản và kho tàng của công xã nhân dân. Đề ra vào năm 1963) trước cách mạng văn hóa, phong trào chống hữu khuynh mấy lần vào năm 1959, phong trào đại nhảy vọt năm 1958, phong trào chống phái hữu năm 1957. Tóm lại, suốt cuộc đời Mao Trạch Đông làm hai việc lớn, thì việc thứ hai đã bị Đặng phủ nhận sạch trơn. Mặc dù như vậy, Đặng vẫn đồng ý để cho Mao danh hiệu "nhà cách mạng vô sản vĩ đại", "nhà mác xít vĩ đại".

Kết thúc việc phủ định đại cách mạng văn hóa trên thực tế là kết thúc thời đại Mao Trạch Đông và mở đầu thời đại Đặng Tiểu Bình. Đặng thường coi Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khoá XI là điểm ngoặt của hai thời đại, bởi vì "Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 3 không những đã giải quyết vấn đề của 10 năm cách mạng văn hóa, mà ở trình độ rất lớn, cũng giải quyết những vấn đề của hơn 20 năm".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro