Vùng thông đàn gió hát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ONE SHOT | VÙNG THÔNG ĐÀN GIÓ HÁT

Ep.4 series "Tập viết lúc bị Writer's Block"

Written by Đào.

Được đăng tại Wattpad @dreamyperspective và WordPress Nắng Cappuccino. Vui lòng không re-up hay chuyển ver.

***

Đây không phải chuyện tình yêu, nhưng mình rất mong nó có thể giúp những người cô đơn cảm nhận được tình yêu. Tình yêu có muôn hình vạn dạng, một lần nữa rất hi vọng sẽ có bạn đọc hiểu được thứ tình yêu mà mình muốn truyền tải :>

***

Mùa đông ngày ngắn hơn đêm, sáu giờ sáng rồi mà hừng đông vẫn chưa chịu vươn mình qua dãy núi Liên Thành chắn giữa vùng quê nhỏ và đô thị xa hoa. Bởi thế nên người ta thường nói người giàu ở thành phố luôn được đón bình minh trước, sau đó chút nắng tàn đã bị họ hút hết sinh khí mới mon men trèo qua Liên Thành để chạm ngõ thung lũng Liên Sơn.

Tại Dân xốc chiếc giỏ tre đã lấm tấm những vệt mốc dài lên lưng, bỏ rìu vào giỏ rồi bắt đầu một ngày lên núi kiếm cơm. Anh sinh ra và lớn lên ở Liên Sơn, cha mẹ anh đã vượt núi cao để đến thành phố lớn tìm kế sinh nhai - nhưng khoảng mười năm đổ lại đây anh đã không nghe được tin tức gì từ họ nữa - và tất cả những người quen biết trong con xóm nhỏ của anh đều khẳng định cha mẹ anh đã tử vong vì tai nạn lao động.

Từ ngày không còn tiền chu cấp của cha mẹ gửi về, bà ngoại lại lâm bệnh nặng, Tại Dân đã không đến trường nữa. Âu cũng vì Liên Sơn chỉ có trường tiểu học và trường cấp hai, trẻ em ở đây muốn học lên cao thì chỉ có cách vượt Liên Thành để tìm cơ hội ở những vùng đất khác. Tiền bảo hiểm của cha mẹ được gửi về tận tay, cộng thêm bản thân Tại Dân không nhìn thấy cơ hội đổi đời từ việc học, vậy nên anh đã đi đến quyết định bỏ ngang mọi thứ, ngày ngày chăm sóc bà trong bệnh xá và lên rừng bổ củi bán dắt túi vài đồng.

Có vài vị hàng xóm tốt bụng đã khuyên anh nên tiếp tục con đường học vấn bằng tiền bảo hiểm của cha mẹ, số tiền ít ỏi đó có lẽ cũng đủ để anh học tiếp lên cao đẳng, tìm kiếm được vô số cơ hội tốt hơn. Trong mắt họ thì Liên Sơn đã hấp hối lắm rồi, bao nhiêu trẻ con sinh ra rồi lớn lên đều đã tung cánh bay đến những phương trời khác, Tại Dân cũng nên như thế, ở lại đây chẳng khác nào lãng phí tuổi trẻ mà chờ chết già.

Nhưng Tại Dân lại nghĩ khác. Đối với anh, "đổi đời" phải là đổi thay ở ngay chính mảnh đất mình sinh ra, rồi bản thân mình tự làm nó trù phú lên, làm nó trở thành miền đất hứa, ấy mới đúng là ý nghĩa của đổi đời. Còn "đổi đời" mà lại đi đến vùng đất khác để làm ấm thân mình, giàu cho mỗi mình mình rồi con cháu mình lại chẳng biết gì về vùng đất đã nuôi dưỡng tổ tiên - thì khác gì tự mình vứt đi cái gốc rễ của mình, trở thành một người con ích kỉ, một hậu duệ bỏ rơi quê cha đất tổ chỉ vì cái định nghĩa sống "sướng" hào nhoáng của mình.

Có bao nhiêu người theo đuổi hai chữ "đổi đời" mà thực sự được sống "sướng"? Tại Dân không muốn bản thân phải đuổi theo những giá trị mà anh không hiểu rõ những điều tự mình phải đánh đổi. Đánh đổi là hành động một mất một còn nguy hiểm như việc đu qua một vực sâu thăm thẳm bằng một sợi dây thừng; người vượt qua được ít nhiều cũng chai lòng bàn tay và ê ẩm tinh thần, người không qua được thì lại bị vực đen nuốt chửng không thương tiếc.

Vậy nên Tại Dân của những tháng ngày niên thiếu đã từng vắt tay lên trán tự hỏi: giá trị nào thực sự là chân giá trị mà anh muốn theo đuổi trong cuộc sống? Tiền bạc ư? Để rồi cả năm trời không về nhà lấy một lần như cha mẹ anh, để bếp lửa quê nhà nguội ngắt suốt lễ Tết, để đến lúc bản thân chết vì đồng tiền mà chưa được hưởng phúc ngày nào?

Suy nghĩ kĩ hơn nữa, thì ra Liên Sơn không có ai là không chê tiền cả, nhưng vốn dĩ để sống tốt ở Liên Sơn cũng đâu cần phải có nhiều tiền: Tại Dân thủa bé sáng mò cua xong thì lại trồng rau, trưa chạy đi câu cá, chiều vừa thả bò vừa tranh thủ làm rẫy, tối lại về đan giỏ thủ công. Tại Dân cứ nghĩ mình sống tốt cho đến khi anh đi học, bà không còn sức lao động nên anh phải dựa dẫm một phần vào tiền cha mẹ cày cuốc trên thành phố thì mới đủ sống. Cứ thế rồi tiền học phí, tiền sách vở, tiền ăn uống lại khiến cho Tại Dân bé nhỏ thêm phần đau đầu - khi mà những cơn buồn ngủ không cho phép anh đan nhiều thêm một chiếc giỏ hay dậy sớm thêm một tiếng để mò cua.

Vậy là với một kiếp người bình đạm đến mức chạm đáy nhạt nhẽo như Tại Dân, đi học là một khái niệm khiến anh sợ hãi vì nó làm cho anh cảm nhận sâu sắc sự nghèo khó của gia đình mình. Anh càng cho rằng điều đó là đúng - khi mà từ lúc anh nghỉ học, số tiền bảo hiểm của cha mẹ để lại đủ để duy trì sức khỏe của bà ở bệnh xá, và thời gian rảnh trong ngày lại càng đủ để anh kiếm thêm một khoản tiền nho nhỏ nhằm được ăn no ngày ba bữa mà không phải nơm nớp lo sợ đến những khoản phí khác nữa.

Không còn phải lo học phí, tiền sách tiền vở hay tiền bồi dưỡng học sinh giỏi, không còn lo phải bữa đói bữa no lại còn được tự mình kiếm ra tiền nuôi thân ấm bụng - Tại Dân nghĩ trạng thái tự do về tinh thần này chính là trạng thái mà anh muốn duy trì mãi cho cuộc đời êm ấm tại Liên Sơn của mình.

Nhưng Tại Dân không thể mãi nhỏ bé. Và khi anh lớn, khi bà ngoại cũng không thể cận kề bên anh nữa, anh lại càng dễ cảm nhận được cảm giác cô đơn len lỏi vào đời sống thường nhật vốn rất tự do tự tại của mình. Đó là Tại Dân như hiện tại, sáng ngày đông nào anh cũng tranh thủ vào rừng đốn củi mang về bán, dọc đường sẽ tranh thủ đào măng hoặc củ quả về ăn dần. Người lớn rất quý anh, anh cũng rất quý họ, ngày nào cũng có thể nói chuyện vui vẻ hòa đồng với nhiều người ở Liên Sơn - ấy vậy mà cảm giác cô độc buồn hiu này lại bắt nguồn từ đâu mà đến, Tại Dân nghĩ mãi không ra.

Ngày đông hôm nay vẫn như mọi ngày, Tại Dân lên núi từ sớm để đốn củi, củi mùa đông bán sẽ được giá hơn rất nhiều. Anh là một trong số những người trẻ hiếm hoi có đủ sức để vào sâu đến cánh rừng thông, thậm chí có thể là rừng trúc phía xa xa kia nếu muốn. Người dân Liên Sơn ngoài trẻ con ra thì cũng chỉ còn những người lớn hơn bốn mươi tuổi mà thôi, trai tráng ở độ tuổi của Tại Dân đều đã vượt Liên Thành kiếm ăn nhiều năm chưa về rồi. Bởi thế nên mùa đông anh chỉ cần chịu khó lên rừng đốn củi ngày hai buổi là đã không lo đói ăn đói mặc, cuộc sống đời thường không có gì nổi bật nhưng cũng không đến mức nghèo túng như cách những vị hàng xóm tốt bụng nghĩ về anh.

Anh luôn tìm được cách để đối phó với cảm giác cô độc len lỏi trong lòng mình, hoặc ít nhất anh cho là thế. Anh coi Liên Sơn cùng dãy Liên Thành là bạn, anh coi nắng, gió, mưa và những cơn bão tuyết là khách ghé chơi. Khu rừng ngăn cách giữa Liên Sơn và Liên Thành có rất nhiều chủng loại thực vật khác nhau, nhiều loại cây gỗ đa dạng cũng như nhiều loài động vật phong phú. Tại Dân coi sự phong phú của núi rừng cũng là sự phong phú của chính tâm hồn anh, ngày ngày anh đắm chìm cùng nó, kiếm sống từ nó và cũng duy trì sự sống cho nó.

Núi rừng cũng không phụ lòng anh, nó luôn gửi tới anh những người bạn nhỏ bé nhưng lại chứa đầy năng lượng tích cực. Có hôm thì sẽ là một loài gặm nhấm kì lạ nào đó leo cây còn nhanh hơn cả sóc, có hôm thì sẽ là chồn hương hoặc cáo hoa. Tại Dân nhận thức được anh không ở trong rừng một mình, và anh âm thầm hi vọng những điều đẹp đẽ mà núi rừng gửi đến sẽ có thể chữa lành những vết nứt trong lòng anh - những vết nứt vô tình khiến cảm giác cô đơn chớp lấy thời cơ len lỏi vào trong da thịt.

Đi sâu vào rừng thông, anh lại nghe thấy bản nhạc quen thuộc vi vu trên đỉnh đầu. Đó là khúc đàn của thông và gió, khúc đàn hiếm hoi được cất lên vào mùa đông - khi tiết trời hanh khô vô cùng và Liên Thành đã chặn hết mọi cơn gió thổi về từ phương xa. Lòng Tại Dân thanh thản đến lạ, và trong một khắc tâm hồn anh rung động, anh chẳng nỡ đốn hạ một cây thông già trụi lá nào đó chỉ để bổ gỗ đổi lấy cơm.

Trong tiếng hát xôn xao của đại ngàn, Tại Dân nghe thấy thứ âm hưởng lạ lùng từ phương Bắc mà anh không hề rõ. Đó là tiếng rên rỉ yếu đuối, thanh âm rất mỏng, tựa hồ như chỉ cần có một cành thông rơi là đã có thể bẻ gãy đường truyền mỏng manh mềm yếu đó. Anh nương theo tiếng kêu yếu ớt đi về hướng Bắc, âm thanh ngày một rõ ràng nhưng sinh lực của nó có lẽ đã dần cạn kiệt; mỗi một lần chân giẫm phải cành gỗ khô là lại thêm một lần Tại Dân hốt hoảng vì lo sợ bản thân đã lạc dấu tiếng cầu cứu giữa bản nhạc của rừng thông.

Và khi âm thanh ngày một rõ dần, Tại Dân đã dễ dàng nhận ra sinh vật mà núi rừng gửi đến cho tâm hồn cô quạnh của anh ngày hôm nay.

***

Đoàn chuyên gia bảo tồn gấu trúc mất hơn ngày rưỡi mới vượt được con đèo khúc khuỷu uốn quanh Liên Thành. Khi xe nghiệp vụ chạm ngõ đường mòn dẫn vào Liên Sơn, cả đoàn đã thấm mệt, có người phải xin tạm dừng xe mà chạy một mạch xuống rừng, nôn thốc nôn tháo.

Liên Sơn là một vùng đất khá cô lập với những vùng lân cận, mấy năm gần đây tuy chính phủ đã mang nhà máy về đây nhằm phát triển công nghiệp cho bà con nông dân, Liên Sơn vẫn không thể nào trở mình như những dự đoán trước đó của các chuyên gia kinh tế. Cha mẹ Nhân Tuấn rời Liên Sơn lập nghiệp năm mười tám đôi mươi, số lần họ mang cậu trở về quê nhà thăm thú chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau này khi đã trưởng thành, cậu cũng chỉ về Liên Sơn với mục đích công tác là chính.

Đường đèo vẫn ngoằn ngoèo khó đi như năm nào, bảo sao đề án xây dựng khu bảo tồn gấu trúc hoang dã ở Liên Sơn đã phê duyệt được hơn ba năm rồi mà vẫn chưa đi vào thực hiện. Nhân Tuấn lặng thing vừa đọc tài liệu vừa đếm số lần đồng nghiệp nôn ọe vì say xe, thậm chí đến cả mặt mũi bác tài cũng nhăn nhúm hết cả lên; mới thở dài tự nhủ chính quyền đã cố gắng lắm rồi, đem được nhân sự và nguồn lực vật tư lên đây xây dựng khu bảo tồn thì đúng là khó như lên trời.

Hai ngày trước Trung tâm Bảo tồn gấu trúc Trung ương nhận được mấy cuộc điện thoại đứt quãng từ một người dân họ La, báo cáo về việc tìm thấy một chú gấu trúc nhỏ bị thương nặng ở chân. Bảo là mấy cuộc điện thoại vì một cuộc chẳng nghe nổi đầu dây bên kia nói gì, sóng truyền tín hiệu liên tục bị ngắt quãng, phải đến cuộc thứ năm mới nắm được hết toàn bộ thông tin cần thiết. Biết được địa điểm là vùng rừng núi Liên Sơn, Hoàng Nhân Tuấn cứ vậy được Trung ương chỉ định đi công tác tại chính quê nhà của mình.

Chiếc xe bán tải chở cán bộ chuyên gia và vật tư khoa học lênh đênh mãi mới đi hết đường mòn, đâm thẳng vào đường đất dẫn đến xóm Thượng Ngàn. Phía sau thùng xe dán một tấm ảnh gấu trúc rất to, người dân nhờ thế mà đã ngay lập tức nhận ra họ, không cần hỏi cũng chủ động dẫn đường đến nhà anh La. Họ nói anh La mang một chú gấu trúc nhỏ từ trên núi về, bị thương rất nặng và có dấu hiệu sợ hãi khi thấy con người, từ hôm nọ đến giờ chỉ chăm chăm quấn lấy anh La. Dẫu biết chú gấu trúc nhỏ không ưa nơi chốn đông người, người dân qua mấy ngày liền vẫn vô cùng tò mò và thích thú, mang qua đủ loại thức ăn cho quốc bảo thưởng thức.

Hoàng Nhân Tuấn vừa xuống xe đã thấy anh chàng họ La cẩn thận ôm gấu trúc nhỏ ra đón, người dân xung quanh tự ý thức đứng xa thành vòng tròn, những đôi mắt hiếu kì vẫn không rời khỏi cục bông nhỏ trắng đen trong lòng chàng trai họ La.

"Bị thương không nhẹ nhỉ", Hoàng Nhân Tuấn liếc qua chiếc chân trước bên phải bị cuộn chặt trong mấy lớp băng y tế, lịch sự đưa tay ra chào hỏi, "Tôi là trưởng đoàn công tác bảo hộ gấu trúc hoang dã, Hoàng Nhân Tuấn. Theo tôi có bác sĩ thú y Lý Toàn, hai chuyên viên Trần Uyển Linh và Lưu Hạ."

Tại Dân một tay vẫn ôm chặt gấu trúc nhỏ, một tay nhanh nhẹn bắt tay qua một lượt đoàn công tác:

"Tôi là La Tại Dân, là người đã báo cáo thông tin với Trung ương. Hôm nọ đường truyền viễn thông không tốt lắm nên nghe câu được câu mất, vậy nên tôi đành tự ý sơ cứu cho bé gấu trúc theo mấy bài thuốc dân gian rồi. Hai ngày qua bé chỉ uống sữa bột, hoàn toàn không sút dù chỉ một cân. Người dân có luộc cà rốt và bí ngô cho bé ăn nhưng bé ăn được mấy miếng lại nhè ra, bé cũng động vào lá trúc họ mang đến."

Nhân Tuấn gật đầu, đỡ lấy chú gấu trúc nhỏ, chuyển sang cho Lý Toàn xem xét tình hình, sau đó lấy giấy bút ra ghi chép một vài đặc điểm sinh học và dự đoán tình trạng sức khỏe của gấu trúc, còn thuận miệng hỏi Tại Dân mấy câu xã giao:

"Băng bó cũng chuyên nghiệp đấy, anh đã giải cứu động vật hoang dã bị thương nhiều lần rồi đúng không? Em bé này rất nhỏ, đoán chừng chắc chưa được hai tuổi. Hai ngày qua anh có gọi nó bằng cái tên nào không?"

"À, đây là lần đầu tiên tôi gặp gấu trúc bị thương, băng bó tạm thời vậy thôi", Tại Dân ngại ngùng gãi đầu, đôi mắt vẫn không an tâm dõi theo chú gấu trúc nhỏ đang kêu "en en" trong tay Lý Toàn, "Lúc tôi mang nó về nhà, nó kêu như tiếng chó sủa vậy, thế nên người trong xóm ai cũng gọi nó là Tiểu Cẩu."

"Ây da, quốc bảo mà lại đi đặt tên Tiểu Cẩu à?" Nhân Tuấn vừa ghi chép vừa bật cười, nụ cười thân thiện vừa hay lại rút ngắn được khoảng cách và sự khách sáo giữa chuyên gia làm việc ở đô thị với người nông dân quanh năm gắn bó cùng núi rừng. "Anh có phát hiện dấu vết của gấu trúc mẹ gần chỗ Tiểu Cẩu bị thương không?"

Tại Dân bối rối lắc đầu, tầm nhìn chuyển đến bàn tay nhỏ xíu đã hơi phiếm hồng vì lạnh của Nhân Tuấn:

"Tôi có nhìn thấy dấu chân từ vị trí Tiểu Cẩu hướng về phương Bắc tầm mười mét, nhưng sau đó lại chẳng tìm thấy dấu vết gì nữa. Vì Tiểu Cẩu bị thương nặng quá nên tôi quyết định đưa nó về nhà trước, sau đó thì ngay lập tức gọi điện đến Trung tâm báo cáo tình hình."

"Giỏi lắm, rất chuyên nghiệp và đúng quy trình", Nhân Tuấn gật đầu tán thưởng, biểu cảm thân thiện và tích cực làm Tại Dân cùng người xóm Thượng Ngàn đứng gần đó đều vui lây.

***

Đoàn công tác bảo hộ gấu trúc hoang dã tá túc tại xóm Thượng Ngàn, người dân vô cùng niềm nở và hào phóng, họ sẵn sàng nhường giường cho chuyên gia bảo hộ ngủ qua đêm. Nhân Tuấn quê gốc vốn ở xóm Hạ Giang, cách Thượng Ngàn nửa tiếng đi xe, do đường đất ở đây không dễ đi và cũng do một phần tại Nhân Tuấn không nhớ rõ tình trạng ngôi nhà cũ của gia đình mình ra sao nữa - vậy nên đoàn công tác chỉ có thể nhờ cậy người dân Thượng Ngàn chiếu cố mình một thời gian.

Lý Toàn sau khi thăm khám và băng bó lại vết thương cho Tiểu Cẩu đã đến báo cáo qua tình hình với Nhân Tuấn: Tiểu Cẩu có lẽ khoảng mười bảy đến hai mươi tháng tuổi, vết răng cắm vào lòng bàn chân rất sâu, khả năng cao là của chó sói; song rất may mắn là sức khỏe Tiểu Cẩu vẫn ổn định, tuy có thấp bé nhẹ cân hơn gấu trúc trong môi trường nuôi nhốt nhưng lại hoàn toàn đạt tiêu chuẩn của một gấu trúc hoang dã khỏe mạnh. Ở độ tuổi này gấu trúc con hoang dã đã có thể bắt đầu tách mẹ, song Tiểu Cẩu vẫn thích ti sữa hơn ăn lá trúc hay măng non. Đoàn công tác đưa ra nghi vấn có thể em chưa tách mẹ hoàn toàn, gấu trúc mẹ có lẽ đã chiến đấu với thú hoang và để lạc mất Tiểu Cẩu.

Đoàn công tác đi xa đã thấm mệt, Nhân Tuấn quyết định để cả đoàn nghỉ một đêm lại sức, sáng sớm ngày mai sẽ nhờ Tại Dân dẫn đến hiện trường nơi Tiểu Cẩu bị thương cầu cứu. Nhân Tuấn cùng Lý Toàn nghỉ lại nhà Tại Dân, trong nhà chỉ có hai chiếc chõng tre kê sát tường làm giường ngủ, Tại Dân vốn muốn nhường giường cho cán bộ nhưng lại bị Nhân Tuấn xua tay từ chối.

Ở lại nhà Tại Dân mới thấy Tiểu Cẩu thực sự rất quấn Tại Dân - chứ không phải kiểu nói quá mà Nhân Tuấn thường bắt gặp ở những xóm làng có gấu trúc vào ở nhờ mà cậu đã từng đi qua. Lý Toàn đi đường xa không quen, đã sớm nằm co ro một góc trên chõng tre mà ngáy khò khò. Nhân Tuấn ngồi thức dỗ dành Tiểu Cẩu với Tại Dân, dỗ mãi Tiểu Cẩu cũng chịu ăn một chút cà rốt và lá trúc.

Hóa ra là em bé Tiểu Cẩu này bị mẹ chiều quá nên sinh hư, gấu trúc hoang dã cùng độ tuổi với nó đã có thể ăn xen kẽ thức ăn tự nhiên và ti mẹ, còn Tiểu Cẩu thì nhất quyết đòi bú bình rồi mới chịu đi ngủ. Lý Toàn nói sức khỏe của nó thực sự rất tốt, bị cắn sâu đến thế mà vẫn không phát sốt dẫn đến chán ăn, là một bé gấu trúc hoang dã đạt tiêu chuẩn bảo tồn tự nhiên hiếm thấy. Đội công tác của Nhân Tuấn đã bắt gặp nhiều bé gấu trúc hoang dã gầy yếu, buộc phải nuôi dưỡng và huấn luyện đến năm ba tuổi mới được Trung tâm phê duyệt thả về tự nhiên. Riêng Tiểu Cẩu thì khác, khả năng cao chữa lành chân xong là có thể trả bé về rừng rồi.

Tại Dân nghe chuyên gia phân tích tình hình xong thì có hơi buồn, tuy chỉ mới gắn bó với Tiểu Cẩu được hai ngày nhưng anh thực sự muốn bầu bạn dài lâu với nó. Anh không thể hiện sự tiếc nuối âm thầm của mình ra ngoài, nhưng Nhân Tuấn vẫn cảm nhận được hai đầu lông mày của anh khe khẽ hẹp lại, tâm trạng rõ ràng là không vui.

Khi màn đêm buông là lúc những tâm hồn nhỏ xích lại gần nhau hơn để tìm kiếm thứ ánh sáng có thể thay thế mặt trời ban ngày. Hoặc đó cũng là khi vạn vật đều đã mệt mỏi sau một ngày dài, đầu óc chỉ muốn nghỉ ngơi, tinh thần cũng không còn phòng bị những tác động bên ngoài nữa - vậy nên tâm hồn với tâm hồn mới dễ chào đón nhau đến thế. Hoàng Nhân Tuấn vừa tranh thủ làm báo cáo vừa bắt chuyện với La Tại Dân, với hi vọng có thể xua tan chút hụt hẫng vừa dâng lên trong lòng anh.

Câu chuyện bắt đầu từ Tiểu Cẩu, sau đó sẽ đến lượt những chú gấu trúc mà Nhân Tuấn đã từng gặp ở những miền đất xa xôi. Nhân Tuấn kể cho Tại Dân nghe về những người trẻ như anh - những người trẻ hiếm hoi còn sót lại ở những nơi được cư dân thành phố gọi là "rừng thiêng nước độc" - những người sống tự do tự tại ở mảnh đất mà họ dốc lòng yêu thương; nhưng khi màn đêm thăm thẳm ôm trọn lấy vùng đất nhỏ của họ, họ lại cảm nhận được cảm giác đơn độc không rõ đã bén rễ trong lòng tự bao giờ.

Những người đó hòa hợp với núi rừng một cách kì lạ, hòa hợp với tất cả những thứ thuộc về núi rừng: từ từng gốc cây, từng mỏm đá cho đến từng cánh chim, từng con thú lướt ngang cuộc đời của họ. Nhân Tuấn nói rằng cậu đã tá túc qua đêm ở nhiều gia đình được gấu trúc ghé thăm, có những gia đình chỉ có đôi bạn già nương tựa vào nhau, có những gia đình chỉ có ông và cháu, và cả những mái nhà chỉ đơn độc một người trẻ tuổi như Tại Dân. Mỗi bước đi hằn lên đất của mỗi con người đó đều thể hiện được cuộc sống và mong ước của họ:

Như bước đi thật nhẹ và khẽ của đôi vợ chồng già, họ sợ sẽ đánh thức bé gấu trúc nhỏ đang run bần bật trong chuồng lợn bé tí teo; họ sợ sự già cỗi khập khiễng của mình sẽ khiến lũ trẻ của rừng cười chê. Nhưng sự khập khiễng của họ hoàn toàn có lí do: họ sợ bạn đời không may trượt chân mà ngã - bởi thế nên dấu chân trái của người đi bên phải sẽ đậm hơn dấu chân phải, cũng như dấu chân phải của người đi bên trái sẽ đậm hơn dấu chân còn lại. Lũ trẻ gọi đó là khập khiễng, là phiền phức, là yếu đuối - nhưng họ lại coi dấu chân đó là trụ cột vững chắc cho người bạn đời của mình;

Hay những bước đi của những gia đình chỉ có ông và cháu, luôn luôn là đứa cháu hiếu động chạy đi trước và người ông vững chãi bước theo sau. Nhân Tuấn gọi đó là bước chân của sự chuyển giao thế hệ, khi đằng sau những dấu chân bé nhỏ cách xa nhau luôn có những dấu chân lớn hơn chậm rãi từ từ in hằn lên con đường mà dấu chân bé nhỏ đã vẽ. Đứa trẻ vô tư dù đi xa đến đâu, quay đầu lại vẫn luôn là bến bờ yêu thương chờ nó quay trở về;

Và cũng luôn có những bước đi mạnh mẽ cô quạnh như Tại Dân, dài và rộng, tự do, phóng khoáng mà vẫn in từng nét thật đậm xuống mặt đất như thể không muốn rời xa. Dấu chân của những người trẻ này có mặt ở khắp mọi nơi trên mảnh đất quê hương họ; nhưng bên cạnh lại thiếu đi một dấu chân làm chỗ dựa cho họ - hoặc một dấu chân ở ngưỡng cửa chờ họ quay trở về.

Nhân Tuấn nói, ngay từ lúc thấy dấu chân Tại Dân thẳng một đường từ bậc thềm đến xe nghiệp vụ mà không có dấu chân lạ nào chen ngang, cậu đã tự mình cho rằng anh rất giống với những người trẻ cô độc mà cậu đã từng gặp. Những người trẻ có bạn là núi, là sông, là rừng, là vạn vật - nhưng không có bạn là một con người thực thụ, một tâm hồn có thể gọi là tri âm tri kỉ. Cậu đặc biệt ghi nhớ những câu chuyện về họ, vì sự gắn bó của họ với gấu trúc hoang dã mang đến cho cậu một cảm giác khác lạ hơn hẳn. So với sự chăm bẵm cưng chiều của những đôi bạn già hay sự hào hứng vui vẻ của những gia đình neo người, cậu cảm nhận được sự quyến luyến dùng dằng rõ rệt ở Tại Dân và những người như anh.

Vì anh và họ đều giống như gấu trúc hoang dã trưởng thành, sau khi tách mẹ thì chỉ sống một mình giữa núi rừng rộng lớn, tự mình chiến đấu với những mối nguy luôn rình rập ngày và đêm. Và chúng không có bạn đời. Bởi gấu trúc hoang dã trưởng thành rất dễ kích động trước đồng loại, dễ xảy ra xô xát và có thể lưu lại những chấn thương nguy hiểm trên người; chúng sẽ chấp nhận chỉ kết giao bạn tình vào những thời khắc yếu mềm, để rồi sau đó chẳng màng đến chuyện gặp lại nữa.

Nhưng gấu trúc hoang dã một khi đã gặp loài người thì lại rất quấn quýt, đặc biệt là những người cũng mang màu sắc đơn độc như chúng. Dù là nhiều năm không gặp lại, chúng vẫn nhớ được con người ngày đó đã vô tình gặp gỡ và vỗ về chúng, cho chúng một bữa no hay một buổi đùa vui mãn nguyện trước khi chào tạm biệt. Chúng sẽ giận, sẽ dỗi nếu biết được con người thân thuộc với chúng lại đi vỗ về một chú gấu trúc hoang dã khác. Chúng cũng biết quyến luyến, cũng biết ngoái đầu lại nhìn, cũng biết nhớ nhung; và là một phiên bản mở lòng hơn rất nhiều, chân thực hơn rất nhiều của những người như Tại Dân.

"Vậy nên khi tôi nói Tiểu Cẩu sẽ phải trở về nhà của nó, anh mới hụt hẫng như vậy. Anh biết không phải một sớm một chiều mà Tiểu Cẩu được thả về, thời gian của anh và nó vẫn còn dài, nhưng anh vẫn cứ buồn như thể ngày mai chúng tôi sẽ đưa Tiểu Cẩu đi vậy. Chắc là anh đang muốn vỗ về bản thân mình - nhưng anh lại chẳng có cách nào để làm vậy cả - nên anh mới muốn vỗ về Tiểu Cẩu."

Tại Dân phóng tầm mắt sang những cành củi thông cháy tí tách trong lò sưởi, nơi những tia lửa nhỏ hung hăng bắn ra rồi lại nhanh chóng hạ cánh xuống cùng tro tàn. Giống như cách bà ngoại anh đã từng ví von, rằng đời người nên sống như những đốm lửa trong bếp lò: nồng nhiệt và rực rỡ, mang lại cảm giác ấm áp cho những người kề cạnh, và cuối cùng sẽ ra đi một cách thật khiêm nhường. Nhưng anh đã chọn sống như đất, tĩnh lặng ở yên một chỗ và chờ đợi những điều kì diệu gieo xuống lòng mình, làm lòng mình trở nên phong phú và phì nhiêu, và mình cũng sẽ tặng lại sự đầy đặn đó cho vạn vật.

"Nhân Tuấn à, cậu sống như một ngọn gió vậy. Cậu chẳng mấy khi đặt chân xuống Liên Sơn và cậu cũng chẳng buồn nhớ nhung nó khi đang phiêu bạt ở những nơi chốn khác. Cậu chẳng gắn bó nhiều với ai, cậu cứ đến rồi đi và nhìn người khác đến rồi đi, như Tiểu Cẩu hay những chú gấu trúc hoang dã khác trong đời cậu vậy. Có lẽ vì thế mà cậu cảm thấy khó hiểu trước những người như tôi."

Nhân Tuấn chỉ cười:

"Hay là anh đi học đi, đi học lớp trung cấp chăm sóc gấu trúc. Anh phải sống như gió một lần, để vơi bớt cảm giác cô quạnh trong lòng."

***

Sườn núi lấp ló rạng đông yếu ớt, Tại Dân dẫn Nhân Tuấn cùng Lưu Hạ lên đường. Vị bác sĩ thú y cùng chuyên viên còn lại được Nhân Tuấn phân công chăm sóc và trông nom Tiểu Cẩu, Tại Dân cũng an tâm giao chìa khóa cổng cho họ. Ánh nắng mặt trời yếu ớt xuyên qua từng cành cây tán lá, tạo nên những đường ray nắng mang màu sắc lạnh lẽo lạ thường. Nhân Tuấn không quen với màu nắng lạnh, hai tay liên tục chà xát vào nhau đến đỏ ửng.

Lưu Hạ lại lấy làm thích thú, thằng nhỏ quấn lấy Tại Dân, dọc đường hỏi hết đủ thứ chuyện này sang thứ chuyện khác. Tại Dân có hơi choáng váng với Lưu Hạ, thằng nhỏ chỉ mới ngủ nhờ nhà cô Đậu một đêm mà đã tường tận đến cả cuộc hôn nhân đầu tiên của cô Đậu, thậm chí cả chuyện đi làm và chuyện yêu đương của con trai cô Đậu ở Bắc Kinh.

Đó là ví dụ của kiểu người nhiệt tình như lửa, Nhân Tuấn nói. Lửa sẽ cháy nhiệt tình trên nền đất, sẽ tắt ngúm khi rơi vào lòng nước nhưng lại bùng lên mạnh mẽ khi gặp gió. Lưu Hạ không hiểu câu chuyện giữa đội trưởng và anh trai họ La, nhưng thằng nhỏ vẫn ngoan ngoãn lắng nghe và gật đầu bằng tất cả sự tôn trọng. Thằng nhỏ cảm thấy hiếu kì với người Liên Sơn bản địa như Tại Dân, đồng thời cũng thấy hiếu kì với người xa quê Nhân Tuấn - dù nó đã làm việc chung với Nhân Tuấn được mấy năm.

Và khi ba người đến rừng thông, thay vì hỏi Tại Dân về thứ nhịp điệu kì lạ văng vẳng giữa không trung - thằng nhỏ lại chọn hỏi anh Nhân Tuấn của nó. Nó không hỏi âm thanh du dương đến từ đâu, nó hỏi tại sao gió có thể luồn vào những khe hở nhỏ của rừng thông để tạo nên bản nhạc êm đềm này. Tại sao? Nhân Tuấn cũng không biết, cành thông trên cao đan cài vào nhau tựa hồ như không có kẽ hở, nhưng cuối cùng gió vẫn có thể xuyên qua, để mặc cành lá viết lên mình gió những nốt nhạc không tên.

Tại Dân trả lời thay, "Một cơn gió tưởng như không lớn mà lại có thể thổi từ đầu rừng thông đến cuối rừng thông. Chỉ cần có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, gió đã có thể xuyên qua một cách rất dễ dàng, mượn sự chuyển động của từng cành thông để làm động lực, cứ truyền đi mãi không ngừng."

Khi ba người họ leo đến hiện trường Tiểu Cẩu bị thương, bài ca của gió vẫn chưa ngừng hẳn. Ngày dài lại tiếp tục dài thêm, cả ba khảo sát hết một lượt rừng thông rộng lớn, từ những hang đá nhỏ cho đến những đỉnh thông cao vời vợi - tất cả đều không cho thấy dấu hiệu của mẹ Tiểu Cẩu. Mặt trời dần lên cao, trốn sau những đám mây âm u, rồi lại dần hạ xuống. Tại Dân đánh tiếng có lẽ họ nên quay về trước khi mặt trời biến mất, và hành trình của ngày mai sẽ là vào sâu trong rừng trúc. Anh còn nói rừng trúc rất rộng, phải chuẩn bị sẵn lương thực để đi hẳn mấy ngày.

Nhân Tuấn chỉ đồng ý quay về khi thấy Lưu Hạ đã than đói bụng. Cậu thở dài than thở, nói rằng vốn dĩ số lượng gấu trúc hoang dã ước tính trong sổ sách tại đây không nhỏ, đáng lẽ ra họ nên tìm được ít nhất là một dấu hiệu nào đó của một chú gấu trúc bất kì. Tại Dân lại ngỡ ngàng, vì anh sống ở Liên Sơn từ bé, lên rừng rất nhiều, nhưng chẳng mấy khi nhìn thấy một chú gấu trúc khổng lồ vụt qua trong tầm mắt.

Tiến độ của đội công tác bị phụ thuộc hẳn vào Tại Dân, Nhân Tuấn dù mang tiếng là người gốc Liên Sơn nhưng lại không biết đường vào rừng. Vừa về đến xóm Thượng Ngàn, Nhân Tuấn đã cấp tốc chạy xe vào hợp tác xã mua một chiếc giường nhỏ. Tại Dân kiên quyết không nhận, đội công tác phải lấy Tiểu Cẩu ra đe dọa thì anh mới chịu kê chiếc giường nhỏ vào góc tường. Còn phải ở lại đây lâu dài, Nhân Tuấn cho rằng bản thân nên hào phóng với tất cả người dân Thượng Ngàn. Lý Toàn cùng Trần Uyển Linh trong lúc chờ ba người họ vào rừng đã tranh thủ tặng bà con trong xóm chút quà, vừa thấy Nhân Tuấn mang giường trở về là ngay lập tức chạy ra khoe.

Tiểu Cẩu đã khỏe hơn rất nhiều, bắt đầu thích ăn những miếng táo cắt nhỏ. Nhân Tuấn vẫn để Tại Dân thoải mái chăm sóc Tiểu Cẩu như cũ, chỉ có sữa bột là phải chuyển sang dùng loại đặc biệt được mang từ thành phố về.

Trời tối rất nhanh, Tiểu Cẩu bị Lý Toàn đè ra chơi một ngày đã thấm mệt, lăn vào lòng Tại Dân ngủ say. Tại Dân được Nhân Tuấn cho mượn ké một cuốn cẩm nang chăm sóc gấu trúc tổng quan, gọi là đọc thử cho biết, để xem có đáng bỏ công ra học một cách nghiêm túc hay không.

Tại Dân đã lâu không đọc sách, cuốn cẩm nang đầy chữ lại khiến anh thấy hơi nhức đầu. Nhân Tuấn kiên trì ngồi một bên vừa làm báo cáo vừa thi thoảng quay sang xem Tại Dân đang nghiên cứu đến đâu, hoàn toàn cho anh một không gian yên lặng thoải mái để tiếp nhận những kiến thức cơ bản nhất.

"Chăm sóc gấu trúc chỉ có thế thôi hả?"

"Ừm, lai tạo gấu trúc mới phức tạp, nhưng vì tính chất của gấu trúc cái nên cả năm tôi cũng không làm công việc lai tạo nhiều. Mặc dù học vị của tôi là tiến sĩ nhưng công việc mà tôi làm nhiều nhất vẫn chỉ là hốt phân cho tụi nó, lại còn dọn chuồng, trồng măng, trồng cà rốt. Thời tôi mới đi làm, cha mẹ tôi luôn mắng là học cho cao vào làm gì, để rồi cũng phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như họ. Tôi ấy à, chắc chắn số lượng phân tôi đã hốt trong đời nhiều hơn số lượng phân anh đã nhìn thấy trên đường rất nhiều."

Tại Dân khẽ cười, anh chỉ thấy Nhân Tuấn thật chân thực. Khác với những kẻ học rộng tài cao khác, anh lại cảm thấy Nhân Tuấn toát ra mùi "đời" hơn, dễ gần hơn mà cũng dễ chịu hơn, khiến cho anh có thể thoải mái trò chuyện như những người bạn.

Những cuộc trò chuyện của Tại Dân và Nhân Tuấn ngày một dài hơn. Có khi là trò chuyện cùng Lưu Hạ trong lúc khám phá rừng trúc, có khi là trò chuyện cùng nhau khi màn đêm đã nuốt chửng bầu trời, và có khi là trò chuyện bằng cả ánh mắt. Tại Dân, không rõ là vì có niềm yêu thích mạnh mẽ với Tiểu Cẩu hay vì lí do nào khác, mỗi một ngày khám phá rừng trúc đều tự nhận ra bản thân mình đã nảy sinh sự tò mò to lớn đối với gấu trúc hoang dã. Sự tò mò và khát khao hiểu biết đó lại càng lớn hơn khi ba người họ liên tục tìm được những hốc đá có dấu hiệu sự sống của gấu trúc sơ sinh, phát hiện được dấu chân gấu trúc trên đất và những vết lõm rõ rệt trên thân cây khi gấu trúc trèo lên tránh nguy hiểm.

Ở một số điểm thuận lợi quan sát, Nhân Tuấn và Lưu Hạ thay nhau lắp máy quay cảm biến nhiệt chạy bằng năng lượng mặt trời. Họ cứ thế vừa đi vừa quan sát và lắp thêm máy quay mới, từ đó lại phát hiện thêm nhiều cá thể gấu trúc hoang dã xuất hiện. Tại Dân dần dần hiểu được những cảm xúc của Nhân Tuấn và Lưu Hạ, bắt đầu chủ động hỏi những câu hỏi mà anh thật lòng muốn hiểu rõ, và thậm chí là chủ động đề xuất những vùng địa hình nên gắn máy quay.

Ròng rã ba ngày trời, ba người phát hiện xác một chú gấu trúc hoang dã khổng lồ đang phân hủy. Nó bị đè bởi một thân trúc cao đã bị gãy ngang, trên thi thể có rất nhiều vết cắn, dấu răng cũng tương tự với vết thương của Tiểu Cẩu. Mọi thứ đều chưa đi đến quyết định cuối cùng, Nhân Tuấn lấy mẫu để đưa về làm xét nghiệm DNA của nó và Tiểu Cẩu, đồng thời quay chụp lại để làm tài liệu báo cáo.

Tại Dân không có thẩm quyền can dự, anh chỉ có thể giúp Nhân Tuấn và Lưu Hạ những việc nhỏ con, trong lòng không khỏi cảm thấy chua xót. Với một người dân suy nghĩ đơn giản như anh, có lẽ đây chính là mẹ của Tiểu Cẩu, nó bỏ Tiểu Cẩu lại và lấy thân mình làm mồi nhử, chạy một quãng đường xa thật xa - cho đến khi kiệt sức và bỏ mạng trên thân trúc già. Nhưng Nhân Tuấn vẫn cứ một mực khăng khăng với anh, chúng ta chưa thể chắc chắn đây là mẹ Tiểu Cẩu.

Lúc những cơn gió rì rào trên đầu chuyển sang chơi bài nhạc ngân nga, Tại Dân mới nhận thức được anh đang dẫn Nhân Tuấn cùng Lưu Hạ quay trở về. Nhân Tuấn và Lưu Hạ cho rằng đây là một chuyến đi thành công - khi mà cả ba người họ đã lắp đặt được rất nhiều máy quay ở các vị trí đắc địa, từ đó đã thu thập được nhiều hình ảnh gấu trúc khổng lồ hoang dã khác nhau. Anh lại nghĩ khác, lòng anh cứ nặng trĩu khi nghĩ về thân xác chú gấu trúc mẹ tử vong, và tâm hồn anh lại càng xám xịt hơn nữa khi một trăm lẻ một câu chuyện bi kịch về mẹ Tiểu Cẩu và Tiểu Cẩu cứ liên tục vụt qua đại não.

***

Sáu tháng sau, Tại Dân đồng ý học trung cấp chăm sóc gấu trúc hoang dã. Nhưng trước đó, có nhiều chuyện đã xảy ra.

Mẫu DNA được gửi về thành phố, mãi hơn một tuần sau đó mới có kết quả - chú gấu trúc khổng lồ đó không phải mẹ Tiểu Cẩu. Tại Dân nhận ra dù kết quả có như thế nào thì anh vẫn buồn, và Nhân Tuấn đã nói rằng, Tiểu Cẩu đến tuổi này đã có thể bắt đầu tách mẹ, dù có mẹ hay không có mẹ thì nó vẫn bắt buộc phải nỗ lực sinh tồn trong tự nhiên. Gấu trúc hoang dã sống một mình, phải sống một mình.

Công văn gửi về từ thành phố cho phép đoàn công tác của Nhân Tuấn nuôi dưỡng Tiểu Cẩu thêm năm tháng, đồng thời nghiêm túc nghiên cứu quần thể gấu trúc hoang dã tại Liên Sơn. Tại Dân được Nhân Tuấn thiên vị rất nhiều, mà công tác thực địa của Nhân Tuấn cũng nhờ có Tại Dân mà suôn sẻ hơn dự tính. Lưu Hạ được Trung ương điều về thành phố, hành lý mang về có kèm theo thư giới thiệu của Nhân Tuấn. Nhân Tuấn âm thầm viết thư giới thiệu cho Tại Dân mà không cho anh biết, cứ ngày ngày cùng anh lên núi rồi lại cùng anh về chăm sóc Tiểu Cẩu.

Tiểu Cẩu lớn nhanh như thổi, vẫn chỉ quấn Tại Dân như ngày đầu. Lý Toàn và Trần Uyển Linh thay phiên nhau chăm sóc nó mỗi ngày, thời gian ở cạnh nó rõ ràng là nhiều hơn Tại Dân; vậy mà nó vẫn chỉ thích ngóng trông Tại Dân về. Nhân Tuấn nói anh rất có duyên, không phải ai muốn chăm sóc gấu trúc hoang dã cũng có duyên như vậy.

Duyên phận là một thứ rất đỗi kì diệu, suốt ba năm đắp chiếu không ai động đến, đề án khu bảo tồn gấu trúc hoang dã bỗng nhiên chính thức đi vào hoạt động, cán bộ ở thành phố vì vậy cũng được điều đến Liên Sơn nhiều hơn. Cán bộ đến đây ai cũng phải qua nhà Tại Dân ít nhất một lần, để bắt tay cảm ơn Tại Dân và xin được sờ mó Tiểu Cẩu vài cái. Gọi là đồng nghiệp của Nhân Tuấn nhưng anh vẫn không thể tìm được cảm giác gần gũi ở phía họ, họ chỉ đến rồi đi, đến rồi đi. Có lẽ vì cơ sở vật chất ở Liên Sơn không được tốt cho lắm, điều kiện sống cũng không đảm bảo, vậy nên hiếm ai thực sự muốn gắn bó dài lâu với Liên Sơn.

Thì cũng đúng, làm gì trùng hợp đến nỗi chuyên gia bảo tồn gấu trúc nào cũng là người gốc Liên Sơn như Nhân Tuấn.

Liên Sơn có nhiều người đến hơn, mỗi lần Tại Dân bước ra khỏi nhà, lòng anh lại dâng lên cảm giác sợ hãi một cách kì lạ. Sợ hãi phải bắt chuyện với những chuyên gia sừng sỏ từ thành phố, sợ hãi bị hỏi han những câu hỏi đơn giản về địa hình và rừng núi, sợ hãi họ coi anh như một kẻ ít học may mắn vớ được Tiểu Cẩu. Nhân Tuấn nói với anh, cậu đã gửi đơn giới thiệu về thành phố, chờ thành phố phê duyệt chương trình đào tạo đội tình nguyện bảo tồn gấu trúc hoang dã. Xóm Thượng Ngàn ở ngay gần bìa rừng, khả năng bắt gặp gấu trúc hoang dã cao hơn các vùng khác; nếu mỗi người dân là một thành viên của đội bảo tồn thì sẽ hay biết mấy. Tại Dân gật gù đồng ý, cho đến khi Nhân Tuấn nói, "anh đứng lớp nhé?".

Anh ôm Tiểu Cẩu trong lòng mà lắc đầu nguầy nguậy. Khi xưa anh bỏ học, người dân Thượng Ngàn đều tặc lưỡi tiếc thay; bây giờ trong mắt họ thì anh cũng chỉ là một kẻ thất học như họ mà thôi. Người dân ai cũng yêu gấu trúc, ai cũng quý Tiểu Cẩu, nhưng họ đều lớn hơn Tại Dân một cái đầu, anh bảo rằng anh lấy đâu ra tư cách để đứng lớp họ.

"Anh đứng lớp, tôi làm trợ giảng, thế là hợp lí. Dù sao thì tôi cũng không phải người bản địa chính gốc, tôi không am hiểu thói quen sinh hoạt cũng như cách họ đối xử với những tài nguyên của rừng. Nếu không có anh, làm sao tôi và Lưu Hạ biết chỗ nào nên lắp máy quay, chỗ nào nên đánh dấu để không lạc đường chứ? Anh từng nói với tôi, anh sống như đất. Đất là nơi làm chỗ dựa cho mọi thứ, là nơi ôm lấy hạt giống vào lòng và trả lại thế gian quả ngọt. Tại Dân, anh hãy làm điểm tựa cho mọi người đi, tôi sẽ luôn đứng phía sau anh."

Và thế là Tại Dân đứng lớp kỹ năng bảo tồn gấu trúc hoang dã ngay trước cả khi anh đi học bằng trung cấp chăm sóc gấu trúc hoang dã. Anh dùng ngôn ngữ hình thể để thể hiện tất cả những gì mình được học suốt thời gian qua, anh mang Tiểu Cẩu theo để làm ví dụ trực quan cho dễ hiểu. Nhân Tuấn chỉ là người cung cấp những kiến thức cơ bản về gấu trúc, môi trường sống của nó cũng như dinh dưỡng của nó một cách khoa học cho Tại Dân nắm bắt. Còn người truyền đạt những thứ có sẵn đến với người dân Thượng Ngàn chỉ có Tại Dân, và họ lắng nghe Tại Dân như một người bạn có kinh nghiệm thực địa phong phú - người bạn vinh dự của họ đã được cán bộ từ thành phố đích thân công nhận.

Nhân Tuấn âm thầm ghi lại lớp học của Tại Dân, làm thành báo cáo chi tiết, tất cả đều được gửi về Trung ương. Cậu chỉ nói với Tại Dân rằng, "bây giờ anh đã là một ai đó".

"Một ai đó là sao?"

"Là một ai đó có ý nghĩa rất lớn trên đời, được người khác tin tưởng và noi theo. Anh chỉ cần cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để biến "một ai đó" thành "một tôi" là được rồi."

"Một tôi là gì?"

"Là một Tại Dân biết mình sống để làm gì."

"Vậy Nhân Tuấn nghĩ sống là để làm gì?"

"Để tìm hiểu xem mình là ai. Khi biết mình là ai rồi, ta sẽ không cô độc nữa."

Tại Dân mất hằng đêm để suy nghĩ về câu nói của Nhân Tuấn, "khi biết mình là ai rồi, ta sẽ không cô độc nữa". Khi hơi tàn của mùa đông dần tan theo từng dòng nước đổ về sông, về suối; khi bếp lửa đã không đỏ hồng suốt hai tư tiếng đồng hồ, Tại Dân đã hỏi:

"Vậy Nhân Tuấn là ai?"

"Tại Dân nói tôi là gió."

"Là Nhân Tuấn sẽ không ở yên một chỗ, là cậu sẽ rời Liên Sơn?"

"Không, là tôi có thể ở khắp mọi nơi."

Ngày Tiểu Cẩu được thả về tự nhiên với một chiếc vòng cổ theo dõi dấu hiệu sinh tồn, Tại Dân đứng lặng thinh trước rừng trúc đợi nó, đợi nó đi thật xa, chắc chắn nó đã đi thật xa với bốn chiếc chân nhỏ xíu; sau đó mới quay về. Hóa ra Tiểu Cẩu dù quấn quýt anh đến vậy nhưng nó vẫn là gió, nó có thể ở khắp mọi nơi - chứ không nhất thiết chỉ là khuôn viên nhà chưa đầy năm mươi mét vuông của anh.

Vậy nên Tại Dân cũng muốn tự mình làm một cơn gió, để anh có thể đến mọi nơi, và có thể gặp lại Tiểu Cẩu ở rừng thông đầy tiếng hát ngày đó.

***

Tại Dân lần đầu tiên rời Liên Sơn, ở một độ tuổi mà già chưa già, trẻ không trẻ. Anh học bằng trung cấp tại đơn vị công tác của Nhân Tuấn, ở chung một kí túc xá với Nhân Tuấn. Vậy nên anh đã nói với Nhân Tuấn về ý nghĩa của hai chữ "đổi đời" mà anh đã luôn suy nghĩ, đồng thời cho rằng Nhân Tuấn đã cho mình cơ hội để "đổi đời".

Nhưng Nhân Tuấn lại cười khúc khích:

"Anh đâu có "đổi đời", tôi thấy đời anh vẫn vậy. Anh chỉ đang sống như cách Tại Dân nên sống mà thôi. Sau này học xong rồi, trở về Liên Sơn, anh vẫn là đất của Liên Sơn."

"Vậy Nhân Tuấn vẫn là gió sao?"

"Tôi chỉ là Nhân Tuấn."

Cùng với sự cổ vũ của Nhân Tuấn, Tại Dân dùng khoản tiền tiết kiệm của mình để đóng học phí, và anh thực sự cảm thấy sự học của mình bấy giờ đã đáng đồng tiền. Anh vừa học vừa làm, vị tiến sĩ trẻ đứng lớp anh cũng cùng học sinh của mình dọn phân, dọn chuồng, trồng măng và trồng cà rốt. Thi thoảng anh sẽ làm bánh bí ngô cho lũ gấu trúc ở trung tâm bảo tồn nuôi nhốt, và cũng có dịp anh sẽ được đưa đến các vùng bảo tồn tự nhiên để khảo sát thực địa.

Nhân Tuấn nói anh vẫn là đất, vẫn luôn vững chãi và kiên định - dù ở thành phố hay ở Liên Sơn, anh vẫn luôn là chỗ dựa đáng tin cậy của rất nhiều người. Tại Dân là người lớn tuổi nhất trong lớp trung cấp, nhưng lũ trẻ không vì thế mà e dè hay xem nhẹ anh - chúng thực sự xem anh như một người anh dịu dàng và tràn đầy chân thành, một người anh hoàn toàn có thể an tâm dựa vào.

Anh học tập chăm chỉ, nhưng cũng có những khoảnh khắc anh nhớ Liên Sơn đến lạ. Với sự thiên vị của Nhân Tuấn, thi thoảng anh lại được Nhân Tuấn đưa về Liên Sơn thăm nhà. Chỉ trong vòng một năm mà Liên Sơn đã có đường nhựa, trụ sở bảo tồn gấu trúc hoang dã cũng đang trong quá trình xây dựng tích cực. Nhân Tuấn nói, đất Liên Sơn thật trù phú, giá như những người con của Liên Sơn đều có thể quay về thì sẽ tốt biết bao nhiêu.

Tại Dân đồng ý.

Tại Dân công nhận rằng người Liên Sơn cũng nên đi xa một chuyến, chỉ một chuyến thôi, rồi sau đó quay trở về cũng được. Cả đời anh chỉ bám lấy đất Liên Sơn, nếu không có sự xuất hiện của Tiểu Cẩu và Nhân Tuấn, có lẽ anh cũng đã cho rằng người phải bám đất thì đất mới thương người. Nhưng người ở lâu ngày một chỗ thì sẽ thấy cô quạnh, và đất luôn cổ vũ người hãy đi xa khám phá những phương trời mới lạ; khi những cơn nhớ da diết bủa vây lấy tâm hồn người, một ngày người trở về thì sẽ thấy đất thật thân thương, thật trù phú, và chẳng có gì là cô đơn.

Đi xa rồi, gió sẽ thay sự cô đơn len lỏi vào những vết nứt trong tâm hồn mình. Gió sẽ thế chỗ cho những cảm xúc trống rỗng, lấp đầy những vết nứt để vẽ lại một tâm hồn phong phú hơn. Giống như gió luôn tìm cách để luồn vào cánh rừng thông vi vu nơi quê nhà của anh, gió cũng sẽ mang anh đến với những điều đẹp đẽ, những người đẹp đẽ, tạo nên những bản nhạc đẹp đẽ. Như cách anh gặp Tiểu Cẩu và Nhân Tuấn, những ngọn gió tưởng như vô tình nhưng lại vừa đẹp khiến hạt giống rơi trên vùng đất khô cằn của anh bén rễ thật sâu vào lòng, vá lại những vết nứt tưởng chừng đã không thể cứu vãn.

Quả thực như lời Nhân Tuấn nói, khi về, anh vẫn là anh, vẫn là một Tại Dân mà anh nên sống. Trên bắp tay anh là băng đeo tay màu đỏ, "Đội Trưởng" của đội tình nguyện bảo tồn gấu trúc hoang dã, và dưới chân anh là vô số dấu chân của những cô, những bác nông dân trong đội tình nguyện. Dấu ấn mà anh để lại trên đất đã không còn cô quạnh nữa.

Anh hỏi, "Vậy là bây giờ cậu lại tiếp tục làm gió, tiếp tục tìm kiếm một Liên Sơn thứ hai?"

Nhân Tuấn đáp, "Bây giờ tôi lại muốn làm đất. Một mảnh đất mà người khác có thể nương vào mà sống, thậm chí cả Tại Dân."

.END.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro