Chương 8: Chuyện, cơm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ban chiều, Hạnh đánh một giấc rồi thức dậy thay đồng phục, nó mặc chiếc áo len đơn giản, thêm quần vải rộng thùng thình, sau đó búi tóc lên để tiện cho việc dọn dẹp nhà cửa.

Từ sau khi bố mẹ mất cho đến nay, chức trách của Hạnh là đảm nhiệm đủ các loại vai trò như lo toan, săn sóc cho ngôi nhà lẻ loi của mình.

Hễ có thời gian rảnh rỗi là nó mang kéo ra cắt tỉa cây cảnh giống hệt như bố mình từng làm. Chỉ tiếc là khi bố cắt tỉa hoặc tạo hình tạo dáng cho cây, thi thoảng bố sẽ quay ra nhìn mẹ thật lâu rồi hai người sẽ cười với nhau rất tình cảm, trông cứ như là cặp đôi trẻ mới yêu vậy.

Khi đó Hạnh thấy như thế cũng vừa đủ hạnh phúc.

Việc cuối cùng trong ngày là bơm nước để tưới khóm rau cải trong vườn.

Mà nhắc đến khu vườn mới nhớ.

Nó có một điểm rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ, đó là gắn liền với chuyện tình yêu từ thời ông bà của Hạnh, phải nói là rất xưa rồi. Chẳng hiểu vì sao mà mẹ nó dùng câu chuyện ấy để kể hơn một trăm lần với mục đích duy nhất là ru ngủ cho Hạnh mỗi đêm, nhưng cuối cùng cũng không thành công. Thật ra không phải câu chuyện này nhảm nhí hay nhạt nhẽo, mà thực chất ở đó có quá nhiều thứ nuối tiếc và đau thương.

Mẹ Hạnh còn kể, khu vườn này trước đây mang một cái tên vô cùng hạnh phúc, cũng liên quan trực tiếp tới chuyện tình yêu khốn khổ của bà Tuyết và ông Vinh. Chính nơi đây đã bén rễ sinh duyên cho hai người họ, và để ông bà có cơ hội gặp được nhau.

Nghe mẹ nó nói ông bà trước khi mất, họ bảo ban con cháu không được phép phá dỡ khu vườn, cũng không được bán đi. Bởi vì đó là kỉ niệm duy nhất mà ông bà Hạnh trân quý. Cả cuộc đời của hai người có khu vườn này thì ngôi nhà nhỏ của họ mới có thể sum vầy hạnh phúc.

Và cho đến tận bây giờ, không một ai dám phá đi.

Hạnh gạt qua dòng hồi tưởng, nó hoàn thành việc nhà cửa xong xuôi rồi chuẩn bị thoa thuốc. Lúc chấm nhẹ lên vùng da cũng khiến Hạnh đau rát.

Giá như mẹ nó còn sống, thì hẳn là nó sẽ không phải chịu đựng mấy vết thương tích hằn trên xác thịt đau đến cỡ này.

Cũng may buổi chiều theo lịch học được nghỉ, khi thoa thuốc xong là nó quyết định đến quán phụ giúp chị Hạ, tiện thể làm quen với công việc luôn.

Cửa hàng quán tạp hóa vẫn cứ đìu hiu nằm cuối con ngõ, hoàn toàn không một bóng người qua lại. Có lẽ mấy ngày này ít người ghé vào mua bán, hoặc vì mùa giá rét nên chị Hạ treo rèm kín chăng? Đến khi ánh mắt Hạnh va phải bảng thông báo đóng cửa, lúc này nó mới cảm thấy có gì đó không đúng lắm.

Hạnh mở cửa, tiếp đến là kéo rèm, nó tự nhiên bước vào trong. Hạnh đưa mắt sang quầy thanh toán, rồi lại đến vị trí trong góc tường, nhìn ngó một hồi cũng không thấy chị Hạ đâu.

Ngay lập tức, tiếng nói chuyện ầm ĩ thoát ra từ căn phòng bên trái. Giọng nói trong trẻo này đích thực là của chị Hạ.

“Mẹ vừa đi là bố lại bắt đầu phá quán, hôm trước đã say xỉn đập vỡ lọ hoa mấy trăm nghìn, hôm nay lại đập vỡ kệ tivi nữa.” Chị Hạ lầm bầm:

“Không biết bao giờ mới sống bình thường được đây.”

Hạnh nghía vào trong xem có chuyện gì xảy ra. Nhưng tầm nhìn vẫn vậy, hình như chị Hạ đang nhặt những mảnh vỡ thủy tinh cho vào túi bóng, chốc chốc vớ lấy cái chổi gom đống vụn vào nhau. Chị gạt những mảnh to lẫn mảnh nhỏ qua một bên để tránh cho người đàn ông dẫm phải.

Người đàn ông mặc áo ba lỗ rách tươm, cơn lạnh dưới sàn nhà không ăn thua gì rồi vất vả đứng lên. Hầu như toàn thốt ra những lời trách cứ:

“Tại mẹ con nhà mày cứ chui rúc ở cái xó xỉnh rách nát này nên mới không phất lên nổi.”

“Mẹ nói sẽ làm việc và cố gắng chuyển quán đi mà bố, chúng ta cứ kiên nhẫn mở cửa cho đến lúc đó.” Chị Hạ cẩn thận nhặt đống mảnh thuỷ tinh, nhẹ giọng nói.

Ông ta khua tay lung tung, lắc lắc đầu:

“Có cái rốn cái lỗ ông này.”

Người đàn ông chỉ ra ngoài cửa.

“Vừa mới về đã vội xếch đít chạy theo trai, kiếm tiền cái đếch gì? Làm ăn làm ăn làm ăn!!! Toàn là giả dối hết!”

“Nếu biết có ngày hôm nay, tao sẽ không bao giờ lấy một con điếm.”

Chị Hạ thầm siết chặt bàn tay làm mảnh vỡ của miếng thủy tinh găm sâu vào da thịt từng chút một. Dường như cơn đau do tấm thủy tinh gây ra cũng chả ăn nhằm gì so với sức sát thương mạnh mẽ của người đàn ông trước mắt chị. Ngay lúc đó, trong kẽ tay Thu Hạ có giọt máu chảy xuyên qua và rơi từng giọt xuống sàn.

Thu Hạ nhìn người đàn ông trừng trừng, cả con ngươi đen không thấy đáy.

“Bố không được phép sỉ nhục mẹ con, dù sao bà ấy cũng là vợ bố, là mẹ của con.”

Người đàn ông cười khinh:

“Sỉ nhục? Hai từ này có vẻ chẳng đáng với bà ta.” Ông ra sức gằn từng chữ.

Lúc nói câu này, trong giọng điệu của ông có sức phẫn nộ kinh người. Như thể đã được kìm hãm trong khoảng thời gian quá dài vậy.

“Mày đừng quên, cái ngày con đàn bà ấy ăn nằm với thằng khác, sau đó trơ trẽn vác cái bụng bầu về đây để cầu xin tao nuôi đứa trẻ còn đang thành hình ngay từ trong bụng.”

“Lúc đó…” Ông ta bước đến gần chị Hạ, áp sát khuôn mặt vào chị, con mắt đen kịt: “Bà ta có nghĩ đến thằng này suy nghĩ như thế nào hay không?”

Khuôn mặt chị Hạ dần lấy được sắc thái bình thường, không còn một gợn sóng. Tuy nhiên, cái không khí áp bức này khiến người ngoài cuộc như Hạnh cũng không tài nào chịu được.

“Bố,” Chị Hạ nhìn thẳng vào mắt ông, không có lấy một tia sáng: “bố còn nhớ… vì ai mà em ấy đã mất đi cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời không?”

Có lẽ men rượu ngấm hoàn toàn vào cơ thể, nên ông không chắc mình nghe thông không. Ông sững người, chốc lát mảnh kí ức mơ hồ tràn vào não như thước phim tua ngược, nhưng không rõ ràng lắm. Sau đó người đàn ông lắc đầu, vội vã đẩy vai chị Hạ và chạy thẳng ra ngoài đường.

Cuộc nói chuyện dứt hẳn, trả lại không khí tĩnh lặng đúng nghĩa cho gian phòng.

Sau khi người đàn ông đó rời đi, Hạnh bước vào phòng trông thấy chị Hạ. Trước đó nhìn vào mắt chị, Hạnh luôn thấy một kiểu hình của người con gái kiên cường và mạnh mẽ. Nhưng giờ đây… người thiếu nữ ấy cũng không gồng nổi mà thụp gối xuống và khóc nấc lên.

Hạnh chậm rãi tiến vào, nó xoa bả vai chị ra ý an ủi thay cho lời nói. Thu Hạ cảm nhận nhiệt độ lành lạnh nơi bả vai liền sụt sịt ngước đầu. Trông thấy Hạnh, chị vội lau nước mắt rồi đứng lên chỉnh lại đầu tóc ngay ngắn.

“Không ngờ… em lại là người bắt gặp tình cảnh này.” Chị Hạ cúi đầu, cười khổ.

Khi Hạnh dìu chị ngồi xuống vị trí cũ, nó chủ động bước vào bếp muốn pha cho Hạ một ly trà gừng. Ban đầu chị Hạ ngăn cản, nếu Hạnh làm vậy sẽ không phải phép, ai đời lại để khách tự túc vào pha nước nôi như thế được.

Tính cách chị Hạ vốn thẳng thắn, chị nhanh chóng giữ tay Hạnh lại. Có lẽ trận xung đột vừa nãy đã kéo dài rất lâu, thế nên giọng chị hơi khàn khàn:

“Để chị.”

Hạ vỗ lên mu bàn tay Thu Hạ, dịu giọng:

“Không sao đâu, dù gì em cũng là nhân viên ở đây mà. Chị cứ để một đứa nhân viên mới này làm dần cho quen việc.”

Thu Hạ bị đứa nhóc này làm mình bật cười thì thả tay ra. Nó làm như kiểu ở đây hút khách lắm vậy. Chị lặng lẽ bước theo sau, nhưng chỉ dừng ở ngưỡng cửa tựa lưng vào mép tường quan sát Hạnh. Hình như có cô nhóc ngốc này ở đây khiến chị Hạ thấy vui hơn nhiều. So với việc lủi thủi một mình trong quán, bản thân chị thu nhận thêm một người nữa phụ giúp cũng khá là có lợi.

Hạnh pha xong, hai chị em nó ngồi thu mình trên ghế. Chỉ có điều là không giống lần trước lắm, mà lần này cả hai lặng im, không nói, không hỏi. Chị Hạ bần thần ôm lấy cốc trà gừng nóng trong tay ủ cho mình, còn lòng nghĩ về chuyện trước đây.

“Chị vẫn ổn chứ?” Hạnh đút hai tay vào túi áo khoác, khẽ khàng lên tiếng.

“Ừm, cảm ơn em, chị ổn.”

Thu Hạ hơi nâng cốc: “Cảm ơn vì cốc trà gừng.” rồi chị đặt lên bàn.

“À… lần trước em có nhận việc ở đây mà vướng việc học quá, nhiều chuyện xảy ra nữa, cho nên em không tới làm được.” May là vết thương trên má đã giảm được một chút.

“Có sao đâu em, ở đây cũng không nhiều khách, thi thoảng lác đác hai ba người,” Thu Hạ nói đùa: “chị chỉ sợ không có lương mà trả ý.”

Hạnh cười, con nhỏ đáp trả lại ngay:

“Nếu vậy thì chị cấp bữa cơm là đủ, em không kén ăn lắm đâu.”

“Trời đất, con bé này, em khéo quá.”

Bầu không khí vui vẻ diễn ra chưa được chục phút, Thu Hạ bỗng nhiên nhìn về tấm ảnh trên kệ tủ cạnh mình. Hạnh thấy lạ nên cũng đưa mắt nhìn theo.

Trên tấm hình đó là một đứa bé gái xinh xắn, con bé cười lên có hai cái má lúm đồng tiền rất duyên, da dẻ trắng trẻo, khuôn mặt tròn trịa, chắc khoảng chừng năm, sáu tuổi gì đấy. Tấm hình nhỏ được lồng trong khung hình gỗ, nhìn qua thì rất mới, có vẻ đã được lau đi lau lại nhiều lần, nhìn ngang nhìn dọc đều không thấy hạt bụi nào cả.

Hạnh nhìn mà không khỏi tò mò, nó hỏi:

“Cô bé này là ai vậy chị?”

“Là một người em gái ruột của chị, nhưng cùng mẹ khác cha.” Chị Hạ hạ bức ảnh, dùng tay áo của mình lau chùi mặc dù nó còn sạch sẽ.

Đúng là cùng mẹ khác cha, nhưng Thu Hạ đã sớm coi đứa trẻ ấy là em gái ruột của mình. Lại nhớ tới một bộ phim Hạnh xem cùng mẹ cách đây mấy năm, trong đó cũng có tình cảnh tương tự như của chị Hạ. Nhưng tiếc rằng người chị gái kia lại ghét bỏ đứa em khác cha của mình, lúc nào cũng hăm he, tìm cách hãm hại đứa trẻ ấy cho đến cùng, chỉ tại vì thiếu thốn tình yêu thương.

Thế nhưng Thu Hạ thì khác hẳn, chị yêu thương đứa em gái không cùng cha này của mình cực kỳ. Vậy nên chị mới coi con bé là em ruột, không toan tính hại một đứa trẻ còn chưa vắt sữa.

Chưa để Hạnh hỏi, chị Hạ bắt đầu đề tài kể chuyện, ánh mắt hiện lên đôi phần thương tâm:

“Như em nghe thấy đấy, cuộc cãi vã vừa rồi giữa chị và ông ấy.” Hạnh biết người chị nhắc tới là bố của Thu Hạ, người đàn ông không những độc miệng mà còn đáng sợ nữa.

Thu Hạ dừng vài giây mới nói tiếp, như là dồn hết can đảm để chia sẻ ra ngoài:

“Không phải là chị đang bôi xấu người nhà mình, nếu chị nói cái này thì…” Thu Hạ hít sâu một hơi, sau đó thở dài:

“Mẹ chị trước kia từng làm gái bán thân.” Thu Hạ biết trước được biểu cảm của Hạnh, chị nói luôn: “Em không nghe nhầm đâu, nhưng đáng khinh lắm nhỉ?”

Chị Hạ gẩy chân đứng của bức ảnh, chống lên bàn:

“Tất cả chuyện của bố mẹ chị được nghe kể từ bà con hàng xóm, rảnh mồm rảnh miệng là họ bắt đầu xỉa xói, nói vô số lời không tốt về bà, nói mẹ chị là… một con đàn bà đĩ thoã… Bọn họ sử dụng từ ngữ ấy mà không hề ngần ngại, nhưng bà không quan tâm, biểu cảm xấu hổ hay gì đó cũng không lộ ra chút nào. Dường như bà đã chai lì cảm xúc khi đối mặt với mấy lời công kích đó.”

“Về sau này, may mắn mẹ chị gặp được bố, bố mẹ chị ở độ tuổi xuân thời yêu nhau vô cùng nồng thắm. Nghe mẹ chị kể vậy chị vô cùng ngưỡng mộ, ngưỡng mộ vì bố dám bỏ qua lời đồn xấu xa mà đến với mẹ. Can đảm đón nhận mẹ cho dù mẹ chị không còn gì nữa. Đương nhiên, là chuyện này chị cũng được nghe lại từ miệng của một người cô.”

“Thật ra đồn cũng chỉ là đồn, ai biết được họ có bơm thêm ý nào vào hay không.” Chị cười nhàn nhạt, nói ra thì nửa tin nửa ngờ.

Hạnh nghe xong, không cười nổi.

“Khi bà sinh ra chị, nuôi chị lớn, ngày tháng đó chị thực sự cảm thấy rất hạnh phúc. Cho đến năm mười bốn tuổi thì mọi việc mới ập tới. Có một thời gian mẹ chị quyết định lên thành phố làm ăn xa, cứ tháng mười một là bà về thăm nhà thăm quê, gửi tiền sinh hoạt cho bố và chị trang trải. Khi ấy bố con chị không biết gì về công việc của bà cả, chỉ nghe người ta nói việc bà đang làm cứ phất lên như diều gặp gió. Có một ngày bà kêu chị lập một tài khoản ngân hàng để thuận tiện gửi tiền vào, đỡ mất công đi lại cho nhọc người, chị nhớ như in là hàng tháng số tiền bà gửi về rất lớn, tháng nào cũng đều đều nhau.”

“Nhưng… số tiền đó không xuất phát từ công việc bà làm lụng gì hết, mà là do người tình của bà chu cấp cho.”

“Vậy ông ấy có biết chuyện này không?” Hạnh đổ người về trước, hỏi.

“Ông ấy không biết.”

“Vài tháng sau thì bà trở về, chỉ có điều… bà quỳ xuống ngay trước mặt bố chị khai thật câu chuyện, rõ ràng, không sót một chi tiết. Bà còn nói muốn nuôi đứa trẻ đó và cầu xin đến mức suýt nữa thì vỡ đầu. Mà bố chị thì là người nặng tình nặng nghĩa, ông vẫn còn nhiều tình cảm với mẹ nên đành miễn cưỡng gật đầu đồng ý, vì bố quá yêu mẹ chị mà.”

“Tại sao… người đàn ông đó của bà ở đâu?”

“Chị không rõ, bà không nói cũng không tiết lộ gì thêm. Nhưng không thể tin được là mẹ chị có tình cảm với ông ta. Đến lúc bố chị biết chuyện đó, bố đã đánh mẹ gần nhập viện.”

“Ở độ tuổi đó chị cũng không hiểu nhiều về chuyện của người lớn, chỉ biết rằng chuyện bà gây ra đã làm tổn thương đến bố rất sâu sắc. Chính vì tổn thương nên bố đã nhấn mình vào con đường nghiện rượu nghiện thuốc, tình cảm đối với mẹ chị ngày càng khô khan giảm dần, và cuối cùng… là mất hoàn toàn. Rồi tình cha con giữa bố và chị cũng ngày càng xa cách, những trận cãi vã tăng cao, kéo dài cho đến tận bây giờ.”

Cũng không sai, người đàn ông ấy đã dành trọn tình yêu cho bà Năm như vậy, thế mà bà Năm làm sai với ông trước, việc hận hay không hận, tình thương giữa nam và nữ phai nhoà hay không cũng nằm trong dự đoán. Giữa hạnh phúc gia đình, chỉ cần sơ suất có thêm một người khác can dự, thì tuyệt nhiên, chuyện gia đình tan nát là vấn đề quá đỗi bình thường.

Nếu đâm sâu đến tình cảm giữa hai ông bà, thì dĩ nhiên người không biết trân trọng là bà Năm, người còn lại chỉ biết trách móc, là người đàn ông ấy. Mà con người vốn dĩ là giống loài dễ dàng được hưởng loại tình cảm thiêng liêng như tình yêu, nhưng cũng có thể dễ dàng đánh mất đi tình yêu mà mình đang có.

Thật ra trên đời có một loại tình yêu thế này: trong thời điểm thiếu thốn, dễ rung cảm, đột nhiên có người đến dành trọn tình cảm của mình cho anh vô cùng sâu đậm, vô cùng mãnh liệt, thậm chí là càng yêu lại càng cảm thấy nghiện. Sau này anh dâng lên một nỗi tham lam và thèm muốn nhiều hơn nữa. Khi tình yêu đó của đối phương dành cho mình không đủ lớn như mong muốn, ngay lập tức anh vội chạy đi tìm một thứ khác khiến anh cảm thấy thỏa mãn hơn.

Chung quy lại mà nói, số người ấy quá tham lam, thành ra không trân trọng đối phương trước mắt.

Kết cục, đó là tan vỡ.

Và bố mẹ chị Hạ là cặp đôi điển hình cho loại tình yêu đó.

“Kể từ khi mẹ hạ sinh bé gái này, chị chưa từng có suy nghĩ muốn đố kỵ tình thương với con bé. Bởi vì… chị thích có em gái thế này, nó mang cho chị rất nhiều cảm xúc. Từ lúc có con bé, chị đã được trải qua cảm giác lần đầu được làm chị là như thế nào.”

“Chị quý em ấy lắm, nhưng mà…” Hốc mắt Thu Hạ cay xè, chị nghẹn ngào.

“Nhưng em ấy lại…” Nói đến đây, Thu Hạ cắn môi nói không nên lời.

Thế là Thu Hạ thực sự khóc rồi.

“Nếu không thể nói ra, vậy thì đừng nói nữa.” Hạnh chạm lên đỉnh đầu chị, thấp giọng an ủi: “Có thể khóc thì chị cứ khóc, đừng kìm nén nữa, em sẽ coi như là không thấy, có được không?”

Thu Hạ nghe thế càng khóc lớn hơn, chị hoàn toàn bộc lộ con người yếu đuối của mình trước mặt một người không thân thích. Nước mắt có bao nhiêu, Hạnh sẽ đỡ cho chị bấy nhiêu, tuy nó chưa trải qua những chuyện kinh khủng như thế, nhưng cảm giác mất mát ấy Hạnh có thể hiểu được. Vì nó đã trải qua rồi.

Đau đớn lắm.

Nó không giống nỗi đau trên xác thịt, mà loại cảm giác đau đớn đó nằm ở bên trong, khó mà xoa dịu. Huống hồ năm đó sự việc giáng lên đầu một đứa con gái mới hơn mười bốn tuổi, chị biết gánh làm sao?

“Cảm ơn chị đã trải lòng với em, chị rất mạnh mẽ.”

Sao Hạnh thấy thương chị Hạ quá. Ấy thế mà trong ánh mắt chị, khi kể đến cô em gái của mình mới thấy rõ chị Hạ chất chứa tình thương. Khác xa với chuyện của bố mẹ chị, lúc đó khuôn mặt chị gần như chai sạn, cảm xúc cũng bộc lộ không được bao nhiêu.

Thực ra Thu Hạ có đau, có khổ, có mất mát. Nhưng không biết vì sao Hạnh lại cảm nhận được thứ mà chị mất vốn là tình thương, là tình cảm gia đình đột ngột biến mất. Cái mảnh vỡ ấy to lớn đấy ghim vào kí ức Thu Hạ, đau khôn cùng, không gì có thể diễn tả nổi. Căn bản là chị đã trải qua liên tiếp chuyện gia đình, bố mẹ không còn quan tâm chị như trước.

Hơn nữa… một cô thiếu nữ ở tuổi hai mươi tư đáng ra phải tự do bay nhảy với đời, nếm trải tình yêu đôi lứa. Nhưng chưa kịp cất cánh bay, chị lại bị cơn bão gia đình nhấn chìm, chính thức lạc ở tuổi thiếu niên đẹp đẽ này suốt hai mươi tư năm qua.

Câu chuyện dừng ở đó cũng là lúc trời sẩm tối. Hạnh ngồi một lúc cho tới khi chị Hạ ổn định tinh thần rồi mới ra về. Đi đến đầu ngõ, chị Hạ nhớ ra gì đó rồi chạy ra ngoài gọi Hạnh lại.

Thu Hạ thở dốc:

“Cầm cái này về nhé. Trong này là cơm rang thịt bò nhà làm, em mang về ăn, đừng mong từ chối, xem như là chị tặng.” Chị Hạ dúi hộp cơm vào tay Hạnh, độ nóng vẫn còn nguyên.

“Như thế này…”

“Cảm ơn Hạnh vì cố lắng nghe mấy lời tiêu cực của chị. Chắc vừa nãy em muốn tìm bà Năm, phải không?”

Hồi nãy là có, bây giờ thì không.

Thu Hạ tiếp lời:

“Ở trên hộp cơm có số điện thoại của chị, khi nào bà ấy về chị sẽ báo cho em.”

“Vậy… em cảm ơn chị nhé.”

“Ừm, về nhà cẩn thận, có gì cứ alo cho chị.”

“Em biết rồi.”

Vào giây phút này, cái ấm áp lan vào trong lòng Thu Hạ, chị nhớ tới đôi mắt của đứa em gái mình và đem ra so sánh với Hạnh. Nếu đôi mắt của Hạnh sáng lên một chút, thì hẳn là giống lắm.

Chị tự cười mình, âm thầm dõi theo bóng lưng của Hạnh.

“Vậy mà mình đi so sánh một đứa trẻ sáu tuổi, với một cô nhóc mười sáu tuổi.”

Ánh đèn đường vàng vọt rọi sáng lối đi, đột nhiên chiếc xe máy phân khối lớn chạy vụt lên làm hộp cơm Hạnh đang cầm bắn lên cao, sau đó đáp xuống đất tung tóe.

Người thanh niên vặn ga cứ thế lao lên trước, nhưng không may quệt trúng một bà lão lọm khọm. Sau đó hắn đánh xe theo phản xạ, rồi ngoái đầu lại bực bội, gào lên:

“Già rồi đừng có đi ra ngoài đường thế chứ bà già!”

Bà bận suýt xoa cái lưng yếu của mình mà không để ý đến câu đổ thừa của tên thanh niên đó. Hạnh không còn hơi đâu mà quan tâm đến hộp cơm lăn lóc trên mặt đất, nó nhanh nhẹn chạy đến chỗ bà lão hỏi han:

“Bà có sao không ạ?”

“Ôi trời trời cái lưng ta ôi!”

Hạnh ngẩng đầu nhìn về phía trước, đang định nói gì đó nhưng anh ta đã chạy mất từ hồi nào.

Bà thở một hơi than vãn:

“Người trẻ bây giờ chạy xe nguy hiểm quá, không biết cái thân già này còn sống được bao lâu đây.”

“Để cháu đỡ bà, bà cẩn thận nhé.” Hạnh đưa tay ra cho bà bám lấy. Khi có điểm tựa rồi bà lão mới an toàn đứng lên.

Khuôn mặt bà lúc nhìn kỹ trông rất phúc hậu, lúc cười lên lại càng phúc hậu hơn: “Bà cảm ơn con gái.”

Bây giờ Hạnh mới để ý đến quần áo trên người bà lão, nó nghĩ bụng người già mặc phong phanh thế này ra ngoài đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mất. Con nhỏ cởi chiếc áo khoác của mình ra, khoác lên người bà lão, dặn dò bà:

“Trời lạnh thế này bà mặc ấm sẽ đảm bảo sức khỏe hơn, thế này sẽ không bị bệnh.”

Bà cười hiền: “Cảm ơn con.” Rồi bà vỗ lên bắp tay Hạnh, chú ý đến gương mặt nhợt nhạt kia.

“Bây giờ bà muốn đi đâu, để cháu đưa bà đi nhé?”

Bà lão nhận tấm lòng tốt, gật đầu cảm ơn một lần nữa.

Trên quãng đường Hạnh đưa bà về, ngoài những câu chỉ đường cho Hạnh thì hai bà cháu cứ nắm chặt nhau. Hạnh hơi run, sau đó rùng mình một cái, cơn gió đông liên tục phớt qua mặt làm da thịt nó trở nên lạnh lẽo.

Hai bà cháu bước đi song song, cả đường đi cũng chỉ trò chuyện được dăm câu.

Bà xoa bàn tay Hạnh, khẽ mỉm cười:

“Con gái, con tên là gì?”

“Dạ, cháu tên Hạnh ạ.”

Ánh mắt bà thoáng ngạc nhiên, như vừa nghĩ đến điều gì.

“Hạnh…” Bà gật gù: “Ừm, Hạnh là một cái tên hay.”

Trí nhớ của người tuổi cao thường không tốt, bà lão cũng thế. Nhưng sao bà cảm thấy cái tên Hạnh này mình đã từng nghe qua ở đâu rồi thì phải, dù sao thì bà cũng thử gặng hỏi xem:

“Trước đây cháu của bà cũng hỏi bà về cái tên này, không biết là cháu có biết người này không.”

Lúc này Hạnh vẫn thoải mái: “Bà có cháu ạ?”

“Đúng rồi, là một đứa cháu trai, tuy nó nghịch ngợm nhưng mà tính tình thì rất tốt.”

Lúc nghe đến hai từ này có vẻ bà rất vui. Chắc hẳn là bà quý đứa cháu này lắm.

Nói được vài câu thì hai bà cháu cuối cùng cũng đến nơi. Nhà bà lão là kiểu nhà hai tầng, nằm ở khu vực gần chợ, từ đây có thể thấy phố xá phía xa lấp ló ánh đèn, khi gặp phải dịp lễ thì chắc chắn sẽ biến thành một khu trung tâm nhộn nhịp và đông đúc. Có điều, lại cách nhà Hạnh một khoảng cực kỳ xa.

“Đến nơi rồi, đến nơi rồi.” Bà cười tươi, quay lại nhìn Hạnh rồi kéo tay con nhỏ vào trong: “Vào đây với bà.”

Hạnh đứng im: “Bà ơi… cháu…”

“Bà nội?” Cánh cửa bất ngờ bật mở, đối mặt với hai bà cháu là một cậu trai ngăm đen, anh chàng này cao ráo đẹp trai, hình như vừa mới bước từ nhà tắm ra, gương mặt hốt hoảng được nén xuống rồi thở phào yên tâm.

“S… sao cậu lại ở đây thế?” Hạnh ngạc nhiên hỏi cậu bạn.

Quang Anh nheo mắt, gác tay lên mép cửa, hỏi lại:

“Ừ nhỉ, tại sao?”

“Hai đứa biết nhau à? Ầy, hai đứa đã biết nhau thì quá tốt rồi. Vào nhà cả đi, đứng ngoài này mãi bà lạnh lắm.”

Hai đứa nó thuận theo, trông thấy quần áo vương đầy bụi bẩn thì Quang Anh lo lắng. Nó định hỏi có chuyện gì đã xảy ra nhưng bị bà đẩy sang một bên. Hai bà cháu nhà nọ kéo nhau đi vào, mặc kệ thằng nhỏ đang đứng như trời trồng.

Quang Anh đóng cửa lại, quay gót vào trong, cơn lạnh bên ngoài trời được ngăn cách bởi cánh cửa nên ngôi nhà đơn sơ này trở nên ấm cúng, nhen lên vài hơi ấm áp.

“Con nấu cơm chưa? Hôm nay bạn cháu đến chơi, chúng ta phải mời con bé một bữa.” Bà nội cởi áo khoác vắt lên thành ghế, tiếp theo là đeo bao tay, xắn tay áo, ngay lúc đó tiếng xoong nồi lạch cạch vang lên.

“Bà ơi, cháu cảm ơn bà nhiều lắm, nhưng cháu phải về ngay bây giờ.”

Không một ai để tâm đến lời Hạnh nói.

“Dạ nấu rồi ạ.” Quang Anh đi theo bà vào tận gian bếp, tấm áo bụi bẩn của bà không làm nó khỏi tò mò.

“Nhưng sao quần áo của bà lại thành ra như vậy?”

Nội chậm rãi nói từng chữ, thản nhiên: “Vừa nãy đi thăm một người bạn già bị ốm, lúc về không cẩn thận bị ngã, cũng nhẹ thôi, bà không sao hết.”

“Lần sau bà đừng đi ra ngoài thế nữa, muốn đi đâu cứ bảo với con con đưa bà đi, trời tối như vậy lỡ gặp phải tên nào đi xe phóng nhanh vượt ẩu sẽ dễ xảy ra va chạm. Dạo này có nhiều thanh niên như vậy lắm đó bà.” Quang Anh nhăn tít mày, nó ôm bà nội khẽ đẩy bà ra ngoài:

“Bếp núc để con làm cho, bà mau đi thay quần áo đi.”

Chứng kiến hình ảnh bà cháu tình thương mến thương này, sao mà Hạnh ghen tị quá. Nó chủ động lướt qua Quang Anh, dừng lại bên chậu nước. Hạnh xắn tay áo, xả nước rửa rau. Dù sao cũng được mời vào, nên theo phép tắc phải phụ giúp người ta chứ.

“Cậu biết nấu ăn?” Quang Anh khoanh tay đứng nghiêng người, dựa hông vào mép gạch. Từ góc độ này nó chỉ thấy mỗi phần mái của Hạnh có vài cọng rơi xuống, che nửa khuôn mặt.

“Có thể gọi là thế.” Hạnh trả lời.

“Chắc phải có người dạy cậu chứ.”

Hạnh ngưng động tác rửa rau, hai giây sau tắt vòi nước, sau đó vớt rau ra rổ vẩy vẩy, nó thực hiện một loạt hành động rất nhuần nhuyễn.

Hạnh đáp lời: “Ừm, mẹ tôi dạy cả.”

“Ồ.” Quang Anh cảm thán.

“Sao Hạnh lại đi cùng bà nội tôi vậy?”

“Bà cậu giải thích rồi đó, tôi thấy bà cậu ngã ven đường thì chạy tới giúp đỡ.” Hạnh thái hành, miệng vẫn trả lời đầy đủ.

Cọng tóc mái của con nhỏ làm Quang Anh thấy chướng mắt, ngón tay nó ngứa ngáy muốn giúp Hạnh kẹp gọn lên. Những lúc giơ tay ra thì Hạnh lại di chuyển, xem chừng nó đang bận rộn lắm.

“Tôi có thể giúp gì không?”

Hạnh nhìn qua bọc thịt lợn, nó đưa con dao mình đang cầm cho Quang Anh:

“Cậu biết thái thịt chứ? Để xào với mướp ấy.”

“Ờ…” Quang Anh cắn môi dưới, nhìn vào miếng thịt rồi nhìn Hạnh gãi đầu gãi cổ, cuối cùng mới nói:

“Ừ… thì biết.”

Mười phút trôi qua, Quang Anh vẫn loay hoay với miếng thịt, có lúc Hạnh vỗ vai hỏi về tình hình nhưng nó chỉ biết trả lời qua loa. Thằng nhỏ đứng nghĩ mãi, với hình dáng miếng thịt lợn đáng ghét này thì phải thái ra sao. Khi quyết định xong hình dáng, Quang Anh hào hứng bắt tay vào thái thịt. Nó chẹp miệng: ra cái nùi gì cũng được, miễn là có thịt để ăn là được rồi. Đến nay nó đã mười sáu nồi bánh chưng, có bao giờ lăn vào bếp đâu.

Hồi nãy mạnh miệng nói thế với bà cũng là khoác lác thôi, đúng hơn là thể hiện với đứa con gái này cho có mặt có mũi.

Quang Anh đặt con dao lên thớt, bỏ gia vị sẵn như lần bà hay làm rồi đưa cho Hạnh.

Hạnh vừa thái mướp xong, nhìn vào bát thịt sau đó khựng lại, trố mắt:

“Cậu vừa thái cái gì vậy?”

“Thịt đấy, xào chung với mướp là ngon hết nấc.”

“Ngon cái con khỉ ấy, cậu thái làm bốn cho người ăn?”

“Thì ăn cho bõ cái mồm.”

Hạnh bất lực đá Quang Anh ra ngoài, kéo rèm cửa, con nhỏ buông một câu rồi quay người vào trong:

“Cậu mà vào nữa, cậu là con cún.”

Thế là cả phòng bếp cứ để Hạnh cân tất.

Quang đứng ở ngoài nói to:

“Có gì khó khăn cứ nói tôi nhé?”

“Khỏi!”

Bữa cơm diễn ra vào khoảng bảy rưỡi, bà nội dời sập gụ ngồi xuống chiếu.

Quang Anh làu bàu vì lo cho bà:

“Con nói rồi mà, người già dễ đau xương khớp, đi đâu phải nói với con một tiếng.”

“Nội biết rồi, con nói nhiều quá.”

Bà gạt tay Quang Anh, kéo Hạnh ngồi xuống cùng mình:

“Ngồi xuống đây với bà.”

“Dạ…” Hạnh làm theo lời bà, cứ nhìn bà là nó không tài nào phật ý được. Hành động kéo tay của bà mấy lần đều như nhau, rất kiên quyết.

Bà nở nụ cười, bữa cơm thịnh soạn như vậy đã lâu lắm rồi bà mới thấy. Từ khi con gái của bà lên thành phố khởi nghiệp và lấy chồng, bà luôn tự nấu ăn nhưng toàn là những món đơn giản và dân giã. Nội đưa mắt nhìn quanh mâm, không có món nào mà thằng cháu mình đụng vào cả, nhưng bà cũng thấy đứa bé gái này quá giỏi giang, có thể làm những món ăn cầu kỳ thế này không phải là dễ.

Vừa ăn cơm bà vừa hỏi, thói quen trò chuyện này chưa hề mất đi:

“Nhà con có mấy người?”

Hạnh đưa miếng cơm lên miệng, nghe bà hỏi vậy thì Hạnh cũng trả lời bình thường:

“Trước đây nhà cháu có năm người.” Nói đến đây, Hạnh gắp cho bà miếng thịt: “Nhưng… bây giờ cháu ở một mình bà ạ.”

Bà hiểu ra liền chuyển chủ đề.

“Khi nào rảnh rỗi thì đến đây chơi với bà.”

“Vâng, con sẽ đến chơi ạ.”

“Ngoan quá.”

Quang Anh ngồi thừ ra đó, cố gắng nuốt miếng cơm dở dang. Lúc nghe thấy Hạnh nói nó ở một mình, Quang Anh đã đoán ra sự việc, rồi sự áy náy dâng lên, nó biết mình làm sai ở đâu rồi. Cũng biết hôm đó mình đã vô tình chạm vào vết xước của Hạnh cực nghiêm trọng.

Đã lâu lắm rồi Hạnh không cảm nhận sự ấm áp này. Bây giờ nó ngưỡng mộ Quang Anh, giá như có thể quay lại thời gian trước đây thì tốt biết mấy.

Nhưng mà cho dù có ngẫm một nghìn lần “giá như” thì sẽ không bao giờ thành hiện thực được.

Căn nhà nhỏ rất nhanh được bao bọc bởi tiếng cười, không còn buồn tẻ như thường ngày nữa.

Bà nội nói cười hỏi thêm vài câu, nhưng không dám xoáy sâu vào việc nhà của Hạnh. Một người lớn tuổi như bà, thật sự rất xem trọng những đứa trẻ mồ côi, để có thể tự lập, thì hẳn là tâm lý phải rất kiên cường và mạnh mẽ. Nội nhìn thấy trong đôi mắt của Hạnh chất đầy đau thương mà con bé chưa muốn chấp nhận. Hình như nó đang giấu giếm vô vàn tâm sự.

Hạnh có nét rất duyên dáng, gương mặt tuy rằng mất một phần sắc thái tươi sáng nhưng lại giữ được sự hiền lành, tạo cho người khác cảm thấy thiện cảm. Có lẽ đã trải qua nhiều chuyện đau lòng, mất mát. Vừa tiếp xúc với Hạnh bà nhìn thấy một sự trầm tính, không biểu lộ quá nhiều cảm xúc.

Cứ nhìn thật lâu bà lại thương đứa trẻ này thật nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro