00

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.

Ở cái độ mười bảy mười tám, ông bà hay nói "Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu", còn tôi thì không, cái độ ấy, tôi chết mê chết mệt vì em...

Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần tôi dở sách ra, đôi mắt lại vô thức nhìn qua khe cửa, lặng lẽ tìm đến hình bóng em ở phía bên kia đường. Cậu trai con ông chánh tổng ngày ấy, vô tình bước vào tim tôi lúc nào không hay. Tôi vốn con kẻ sĩ, quanh năm cũng chỉ đèn sách là bạn, ấy vậy mà không hiểu sao, cái vẻ tươi cười, lon ton của em lại khiến tôi lưu lại trong tâm trí, chểnh mảng học hành. Có lần ông già nhà tôi, chẳng hay thông tin ở đâu, tối đó về ăn cơm lại vu vơ kể chuyện. U tôi ngồi bên vừa nghe vừa gật gù, còn tôi thì tay cầm đũa cứ run lên từng đợt:

"Thấy bảo con lão chánh tổng chuẩn bị đi Pháp hay sao ấy mà! Chả bù cho nhà mình, thằng Dung thì hình như chán học rồi... Khéo khi lại tống nó sang bên lão chánh, xin làm người ở cũng nên hầy? Mày xem được không con?"

Tôi không biết biểu cảm của mình lúc ấy ra sao, tim đập thon thót. Chỉ sợ ông già nhà tôi nói thật, tôi đành cười cười lấy lòng:

"Thầy cứ đùa, con chán học bao giờ đâu. Chả là mấy nay hơi đau đầu...thầy cứ nói thế ấy chứ..."

"Ô, thế tôi tưởng anh chán học, từ bỏ hết cơ đấy! Này, chính miệng anh nói đấy, tự mà lo liệu, học hành cho cẩn thận vào! Để mà chẳng cái trường nào nhận, nhục cái mặt!"

"Vâng, vâng, thầy con nói phải! Kìa u, u ăn đi, thầy nhắc con vài câu mà u sao thế?"

Lần ấy hú hồn hú vía, may sao thầy tôi không hỏi gì thêm...

___

Tết năm ấy, tôi chở u ra chợ sắm đồ. Thân là đàn ông con trai, đương nhiên tôi xung phong giúp u mang đồ. Mấy bác mấy dì cứ độ này lại quần áo xúng xính ra chợ mua tí quà tí bánh, trông vui đáo để. Đi được một lúc, u tôi ngó được hàng vải, vẫy vẫy ra hiệu bảo tôi đi đâu thì đi, còn u ở lại xem vải may đồ. Tôi bấm bụng xách đồ ra ngoài xe đạp ngồi đợi u, chứ tay xách nách mang thế này có mà nặng chết!

Tay cầm một cành hoa Đào, tay kia cầm nào túi bánh, nào túi kẹo, trông tôi bây giờ chẳng khác nào cái giá treo đồ của thầy ở nhà, chỉ khác ở chỗ biết đi. Xa xa phía sau lưng tôi, bất chợt có tiếng chuông kêu inh ỏi, tôi chưa kịp phản ứng gì đã thấy chếnh choáng, đồ rơi khỏi tay, còn bản thân thì ngã xuống đất. Nghe có tiếng động, tôi hé mắt ra, thấy một chiếc xe đạp cùng một thằng nhóc con ngã sõng soài ra đất. Lồm cồm bò dậy, tôi lết cái chân vừa bị xe đạp của thằng nhóc đấy cán qua, bước lại gần chỗ nó, đỡ nó ngồi dậy. Thằng nhóc nhăn nhó, nó mở mắt ra nhìn tôi, miệng lầm bầm:

"Đã kêu là tránh ra rồi cơ mà!"

"Ô hay, em tông trúng anh chẳng nói thì thôi, sao lại nhăn nhó?" Tôi thấy vậy vặn lại nó. Quả nhiên là nó đuối lí, không biết nói gì, chỉ xuýt xoa cái tay với cái chân đau. Tôi phì cười rồi ôm nó lên, lết từng bước đặt nó ngồi bên vỉa hè. Mấy dì bán rong gần ấy chỉ dám ngồi nhìn, giống như đang kiêng dè thứ gì đó vậy. Tôi bước đến chỗ cái xe, dựng nó sát bên lề đường rồi nhặt đống đồ của mình. Tôi bước đến ngồi bên cạnh nó, nom quần áo nó mặc, xem ra lại là con ông lớn bà lớn nào rồi. Tôi lắc lắc đầu rồi quay sáng hỏi:

"Này nhóc, em tên là gì thế?"

"Anh hỏi làm gì?" Nó cáu kỉnh hỏi tôi, tay vẫn xoa xoa cái vết bầm phía dưới chân. Tôi cũng ngó qua vết thương ở chân, ngặt nỗi, tôi mặc quần dài, cũng chỉ nhìn được vết xước của xe, còn chỗ đau lại chẳng thấy đâu. Tôi thở dài nhìn lên trời. Cái vẻ của phiên chợ ngày Xuân khiến tâm trạng tôi vui lên không ít, tôi cũng chẳng chấp nhặt với trẻ con, mặc kệ nó ngồi xuýt xoa. Đang ngẩn ngơ nhìn về phía xa xăm, tôi giật mình khi có cánh tay đặt lên vai tôi vỗ vỗ. Tôi quay đầu lại, một gương mặt xinh...à không, gương mặt ấy...rất thu hút. Tôi nhìn chằm chằm vào người ấy, miệng không nói được câu nào. Thằng nhóc ngồi bên có vẻ run run, nó cầm lấy cánh tay tôi lắc lắc. Cậu trai vừa nãy vỗ vai tôi không thấy tôi nói gì liền nhìn thẳng vào mắt tôi, cất giọng đều đều:

"Vừa nãy em tôi tông xe trúng anh đúng không?"

Tôi gật đầu

"Hách! xin lỗi anh mau!" Cậu trai ấy quay sang nạt đứa nhỏ, thằng bé trông như sắp khóc tới nơi, tôi thấy vậy liền cười xòa, nói đỡ cho nó:

"Không sao, thằng bé cũng bị đau, cậu đưa em cậu về xem thế nào?"

"Em...em xin lỗi..." thằng bé cúi gằm mặt xuống, lầm rầm xin lỗi. Tôi gật đầu bỏ qua cho nó, còn vỗ vỗ vai ý bảo không sao. Rồi tôi quay sang anh trai của nhóc ấy, gương mặt xinh đẹp nhưng nghiêm nghị quá. Thằng bé bị nhấc lên để anh trai nó kiểm tra, quần áo thì bẩn cả, mu bàn tay còn có vết xước. Lúc này tôi cũng đứng lên, cà nhắc nhặt đống đồ rồi đi ra phía cổng chợ. Bỗng cậu trai kia gọi với tôi lại hỏi:

"Kìa anh! Anh tên là gì vậy?"

"Lý Thái Dung!" Tôi trả lời

"Tôi là Lý Vĩnh Khâm, đây là em tôi, nó tên Lý Đông Hách! Anh gượm đi đã, để tôi quay về xe lấy tiền trả anh, chắc anh cũng cần đi đốc tờ để khám xem đấy!"

"Không cần đâu, tôi chỉ bị xước một tí, cảm ơn cậu!" Tôi không ở lại kề cà, xách đống đồ đi thẳng ra xe. Giờ tôi hiểu vì sao mấy dì gần đấy lại không ai dám nói gì khi tôi cạnh thằng nhóc ấy rồi. Con trai thứ nhà ông Chánh tổng kia mà! Tôi cười khẩy. Đúng là đời, nếu như người khác va phải, chắc tôi sẽ bấm bụng nhận tiền đền bù, đằng này lại đụng trúng con nhà ông Chánh tổng, tốt nhất là tránh xa đừng nên dây dưa chi cho khổ.

Tôi ra xe ngồi chờ u, tiện có quán nước gần đấy, tôi ghé vào ngồi. Vừa gọi được cốc trà đá ra đang định trả tiền, có người lại tranh trả giúp tôi. Tôi chưa kịp nói gì đã thấy con trai cả của ông Chánh giúp tôi trả tiền nước, rồi kéo tôi ra ghế ngồi. Cậu bảo tôi:

"Khi nãy anh đi nhanh quá, tôi bảo người trong nhà đưa thằng Hách về rồi chạy theo anh. Tiền khám anh không nhận, vậy tôi trả tiền nước cho anh. Hình như anh biết tôi là ai nên mới bỏ đi đúng không?"

"Đâu có, tôi không sao thật, nhận tiền cũng ngại..." Ừ, tôi biết cậu là ai nên mới bỏ đi đấy! Nhưng tôi đành nuốt vào trong. Vĩnh Khâm cười với tôi, nụ cười ấy khiến tôi ngẩn ra một lúc. Khi ấy, có lẽ hồn tôi đã bị nụ cười ấy cướp đi mất rồi. Rồi cậu nói với tôi:

"Tôi biết là anh bỏ đi vì sao, nhưng anh đừng lo, thầy tôi quản con nghiêm lắm, sai là phải nhận. Anh đừng vì em tôi nó là trẻ con mà bỏ qua, lần sau có gặp cứ cho nó một trận nên thân! Thôi, anh ngồi đây uống nước nhé! Tôi còn phải đi có việc. Tạm biệt anh!"

Rồi cậu đứng lên và rời đi. Tôi cứ ngồi ngẩn ra đấy, đến khi u tôi chẳng biết từ đâu chạy ra, gọi tôi bảo đi về, lúc ấy tôi mới hoàn hồn...

___

Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.

(Dại khờ_ Xuân Diệu)

______

2.

Chở u bằng xe đạp về tới nhà đã là xế chiều, thầy tôi đang say sưa dạy cho lũ trẻ con. Tôi phụ u mang đồ vào trong nhà cất. Đi qua cửa lớp học, thấy hình dáng quen quen. Tôi ngẩn một lúc, hóa ra thằng nhóc con nhà ông chánh tổng học thầy tôi.

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, đương lúc tôi giúp u mang cái nồi đất ra ngoài giếng để rửa, thầy lại gọi với tôi lại nhờ trông lớp một lúc, có bác Tư sang để hỏi chuyện. U tôi thấy thế cũng lấy luôn nồi đất đi thẳng, bảo tôi mau vào trông lớp. Thế là tôi đành bất đắc dĩ vào trông lớp cho thầy tôi ra ngoài. Tôi vừa bước vào cửa, thằng bé đó hình như đã nhận ra tôi. Nó đứng phắt dậy khiến đám trẻ con xung quanh ngoái đầu lại nhìn. Nó tươi hơn hớn gọi:

"Ơ kìa, có phải anh Dung đấy không? Em đây, Hách nè anh! Không ngờ anh là con của thầy!"

Tôi ngượng chín mặt, ra hiệu bảo nó ngồi xuống viết bài tiếp đi, còn mình thì cầm lấy cuốn sách thầy để trên bàn lên đọc. Thằng nhóc ấy vừa ngã xe xong, chắc là do vội vàng chạy đến lớp học rồi không may va trúng tôi đây mà. Đến lúc thầy tôi quay lại, dúi vào tay tôi một cuốn sách. Lúc ấy ngượng quá, tôi cầm cuốn sách lập tức đi ra ngoài. Tôi cũng thấy lạ, tự dưng đang yên đang lành lại đi xấu hổ, chẳng ra thể thống gì cả. Nghĩ vậy, tôi liền thẳng lưng, bước đi lên lầu. Độ ấy nhà tôi được miếng đất các cụ để lại, cũng rộng rãi lắm. U tôi làm may, khách lại đông, thầy tôi dạy học, kinh tế gia đình thưở ấy cũng gọi là khấm khá. Tôi được thầy u ưu ái, cho hẳn một căn phòng riêng trên gác, nói là cho yên tĩnh, tập trung học hành. Đâm ra tôi lại có nơi để thơ thẩn suy nghĩ và làm mấy thứ hay ho sau lưng thầy tôi. (Chính căn phòng ấy, sau này tôi cũng qua đó mà nhìn em, nhìn em đến quên cả việc học...)

Vừa vào phòng tôi đã đóng luôn cửa lại. Phía góc căn phòng, tôi thắp cái đèn dầu lên cho sáng rồi mới bỏ cuốn sách thầy tôi đưa cho. Ra là tập thơ tôi ao ước lâu nay. Chả là thầy tôi với tôi có sở thích giống nhau, là thích đọc thơ tình. Nghe u tôi nói, ngày nọ lấy thầy tôi, u cũng được thầy hỏi cưới bằng thơ tình ấy chứ. U hay trêu, bảo là cứ liệu, mai mà con dâu u nó bị hỏi cưới bằng thơ tình, là u đánh cho. Làm cái gì cũng thực tế lên, vài ba câu thơ tình, lấy được vợ thì chưa chắc! (Chẳng qua là u tôi dễ dãi quá thôi, u tôi nói vậy).

Tôi nhìn cuốn sách, nâng niu nó trong tay. Chẳng hiểu sao tôi lại yêu thơ tình đến thế. Nó giống như một phần không thể thiếu trong tâm hồn tôi vậy. Ngẩn ngơ được một lúc, tôi nghe thấy phía dưới nhà có người gọi tôi:

"Anh Dung ơi! Anh ở trên đấy ạ?"

Tôi nghe vậy liền lóc cóc chạy xuống nhà. Cái chân vừa nãy bị đau, bây giờ đã đỡ hơn, nhưng vẫn làm tôi phải cà nhắc đi từng bước một. Xuống dưới nhà, đã thấy gương mặt đầy hưng phấn của thằng nhóc Hách, đứng cạnh nó là Vĩnh Khâm. Khâm vừa nhìn thấy tôi bước xuống đã mỉm cười gật đầu chào:

"Hóa ra anh đây là con của thầy Lý, em tôi sáng nay va phải anh, mong anh thông cảm cho. Lần sau nếu nó còn vậy, anh cứ thẳng tay!"

"Ấy, tôi đâu dám, dù sao thì cậu nhà cũng là vì đạp xe đi học nên mới va phải tôi, tinh thần học tập tốt như vậy, tôi muốn nói cũng đâu được!" Tôi cũng cười đáp lại Khâm. Nhìn cái cách Khâm nói chuyện, tôi phải công nhận, ông chánh dạy con tốt thật. Chẳng những lễ phép lại còn lịch sự.

Hách bĩu môi nhìn anh nó, giống như muốn nói "Anh làm như em sắp va chết người ta không bằng!". Bỗng đâu có ba đứa nhóc chạy ra, kéo Hách đi chơi. Ra là ba đứa Hưởng, Nam với Minh. Lũ trẻ con học cùng nhau, thiếu một đứa là không được, phải kéo nhau đi cùng, để lại tôi với Khâm trong gian phòng khách. Tôi khẽ húng hắng giọng rồi mời Khâm ra ghế ngồi. Tôi định pha một ấm chè, ai ngờ cậu từ chối, nói rằng mình không uống được chè, chỉ xin chén nước trắng. Tôi rót nước trắng cho Khâm. Cậu cầm lên uống rồi bắt đầu mở lời:

"Chẳng là, nhà tôi sắp chuyển nhà đến đối diện nhà thầy Lý. Cho em Hách nhà tôi học ở đây cũng tiện, sau này anh với tôi cũng là hàng xóm, bây giờ cũng gọi là làm quen chứ!"

"À vâng, ra là nhà cụ chánh chuyển về đây, tôi cũng không biết nên..."

"Không sao, dù gì cũng đã biết rồi, sau này em Hách nhà tôi cũng nhờ anh thi thoảng ngó tới! Thằng bé ấy vậy mà cũng lanh lắm, xểnh ra một tí là quậy phá!"

"Vâng, trẻ con mà, ham chơi thôi!"

Trước mặt Khâm tôi giống như một đứa chẳng biết chữ nghĩa gì, cứ ú a ú ớ. Lời cậu nói vừa nhẹ nhàng, lại khiến tôi cảm thấy có một chút áp lực. Trái tim trong lồng ngực cứ thế đập liên hồi.

Tôi tiễn Khâm về khi chiều đã ngả bóng. Nhìn cách cậu dắt tay em trai bước đi trên con đường nhỏ, tôi lại như vừa đánh mất thứ gì đó trong mình, tim hẫng một nhịp...

___

"Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm;

Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em

Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.

Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối.

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;

Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;

Mây theo chim về dãy núi xa xanh

Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ

Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ

Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!

Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm.

Với sương lá rụng trên đầu gần gũi,

Thôi đã hết hờn ghen và giận tủi.

(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!)

Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều

Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!

Gió bao lần từng trận gió thương đi,

- Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi.."

(Tương tư chiều_Xuân Diệu)

3.

Dăm ba bữa sau, tôi thấy phía bên kia đường, một đám người bu lại trước một căn nhà. Tôi tặc lưỡi, biết ngay là nhà ông chánh tổng chuyển về, có dân ở đây chưa biết, chứ hôm nọ Vĩnh Khâm báo, tôi cũng biết tỏng rồi. Ngồi bên cửa sổ, tôi vân vê viền lá cây phong lan, tập thơ tình để trước mặt tôi cũng không ngó tới. Nghĩ vơ vẩn thế nào, bỗng dưng tôi lại nghĩ đến hình ảnh của Vĩnh Khâm ngày nọ, nụ cười của Khâm, ánh mắt của cậu khi cười...Tôi chẳng biết mình cũng cười theo lúc nào, tâm hồn cứ như treo lên mây. Đến lúc thầy tôi đứng ngoài gõ cửa, tôi mới giật mình, đánh rơi cả tập thơ xuống đất. Thầy hắng giọng đi vào, ngồi lên chiếc giường đặt trong góc phòng, tay chìa ra một túi được bọc cẩn thận, thầy bảo:

"Bên nhà lão chánh tổng mới chuyển sang ấy, con trai lão ấy sang đưa tí bánh, dặn tôi đưa anh bọc này. Anh cũng ghê gớm nhỉ, quen cả con trai lão ấy!"

"Thầy bảo con trai ông chánh gửi con bọc này á?" Tôi như không tin vào tai mình, quay sang hỏi thầy.

"Ô hay, thế tôi lại đùa anh ấy à? Này, cầm lấy, chậc, tí tuổi đầu!..." thầy dúi vào tay tôi cái bọc rồi ra ngoài, trước khi đi còn thì thầm cái gì đó, nhưng tôi nghe không rõ. Tôi mở bọc ra, bọc gói rất kĩ, gói đến hai lớp, khi mở ra, bên trong là kẹo dừa. Tôi tròn mắt ngạc nhiên, thứ quà này lâu lắm rồi tôi mới được nhìn thấy, chứ lớn rồi, ít khi tôi đụng đến tí bánh tí kẹo. Nay lại gửi quà này cho tôi, khiến sống mũi tôi cay cay, nhớ lại cái hồi còn bé, trên chuyến tàu về quê ngoại, đi qua sân ga có hàng quà, u sẽ dừng lại mua cho tôi chút bánh với kẹo. Cũng lâu lắm rồi tôi không về quê ngoại, giờ nhớ lại, thấy tiếc nuối phần nào. Nhón một cái kẹo lên cho vào miệng, cái vị đặc trưng của kẹo dừa tan trong khoang miệng tôi. Tôi lại ngồi ngẫm lại, nếu như là con trai ông chánh, lại còn đem quà sang cho tôi, chắc chỉ có thằng nhóc Hách. Tôi lại ngó qua cửa sổ, phía bên dưới, đám người khi nãy cũng đã tản ra, ai đi đường nấy, trả lại cho con đường chút ồn ào thường ngày. Chợt có tiếng huýt sáo thu hút tôi, tôi dời mắt khỏi dòng người trên đường, đi tìm chủ nhân của tiếng huýt sáo hồi nãy. Có tiếng gọi tôi:

"Anh Thái Dung!"

"Cậu Khâm?!" Tôi ngạc nhiên, nhoài người đến phía cửa sổ, nói với xuống

"Cậu làm gì ở đấy thế?"

"Nhà em vừa chuyển đến mà! Anh nhận được kẹo chưa?"

"Tôi nhận được rồi! Cảm ơn cậu!" Tôi bật cười nói với Khâm. Cậu chỉ chờ vậy, tít mắt cười. Ra là không phải thằng Hách gửi tôi mà là Vĩnh Khâm. Hèn chi kẹo ngọt ghê!

Rồi Khâm chạy tuột vào trong nhà, để tôi lại bên khung cửa sổ. Con chim Vàng Anh mới được thầy tôi sắm gân cổ lên mà hót. Mọi khi tôi ghét cay ghét đắng cái tiếng nó hót, ấy vậy mà nay lại ngồi nghe nó hót cơ đấy! Chắc tại được tặng kẹo nên tâm trạng tôi tốt lên không ít. Nghĩ đến kẹo, tôi vội vàng gói lại bọc kẹo, buộc dây lại cẩn thận rồi nhét vào trong hộc bàn.

Chừng năm phút sau đã thấy u tôi gọi với lên:

"Thằng Dung xuống đây u biểu!"

Tôi lóc cóc chạy xuống nhà, u tôi đứng sẵn dưới nhà, tay cầm một bọc to, đưa ra cho tôi:

"Mày cầm cái bọc này sang nhà ông chánh, bảo nhà mình có tí quà quê biểu ông nghe chửa? Nhớ là ăn nói cẩn thận, kẻo cái tiệm may nhà mình sau này cũng không còn đất mà làm đâu!"

Tôi vâng vâng dạ dạ rồi cầm bọc quà sang bên nhà ông chánh. Thằng Hách vừa thấy tôi thập thò ngoài cửa liền hớn hở chạy ra kéo tôi vào trong nhà. Nó ấn tôi ngồi xuống ghế trong gian tiếp khách, còn mình thì gọi với vào trong:

"Thầy ơi, u ơi, có anh con trai thầy Lý sang chơi này!"

Chưa đầy mấy giây sau, trong buồng bước ra, một người đàn ông với vẻ nghiêm nghị trên gương mặt, đôi mắt ông đã có vết chân chim cùng vài đốm đồi mồi trên viền mắt. Tôi vội vàng đứng dậy chào ông:

"Dạ bẩm ông, con sang đây là muốn biếu ông chút quà ạ!"

Ông chánh tổng dường như ngạc nhiên khi thấy tôi chào ông. Ông vội vã lại gần, nắm lấy hai vai của tôi. Gương mặt dò xét, sau đó nở một nụ cười:

"Ái chà, cứ tưởng ai, ra là con trai ông bạn già! Thái Dung phải không nhỉ? Mới ngày nào thấy lão già ấy gửi thư khoe có con trai, lớn tướng rồi!"

Ông chánh tổng vỗ vỗ vai tôi bảo ngồi xuống, sau đó đích thân ông ngồi đối diện tôi, tay cầm cái ấm tích rót trà ra. Giờ tôi mới biết, hóa ra thầy tôi với ông chánh là bạn thân của nhau. Hèn chi thầy tôi cứ lão này lão nọ mà chẳng sợ ai trách tội. Tôi đưa quà cho ông chánh, sau đó ngồi tiếp chuyện ông. Người đàn ông mới ngoài tứ tuần nhưng lại như đã trải qua cả một đời đầy gian truân, gương mặt ông khiến người ta phải e sợ, nhưng bản thân ông thì ngược lại, rất dễ mến, năng nổ. Thảo nào Vĩnh Khâm với Đông Hách lại như thế, đúng là con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh!

"Thế thầy con dạo này sao rồi? Lão ấy vẫn khó tính thế hử?" ông chánh hỏi tôi

"Bẩm ông..."

"Ấy ấy chết, thưa bẩm gì ở đây, cứ gọi là chú! Chưa hơn ai cả, nên ta cứ xưng hô với nhau bình thường thôi chứ! Cậu Dung nhỉ?" ông khoát tay, sảng khoái nói một câu như vậy.

"Dạ ô...chú nói phải ạ!" tôi được sự cho phép cũng buông lỏng luôn. Xem ra, so với việc ngồi bên bàn cờ vây với thầy, thì nói chuyện với ông chánh còn vui hơn thật!. Bỗng ông chánh gọi với vào trong nhà:

"Khâm ơi! Ra đây xem ai này con!"

Nghe ông chánh gọi, tim tôi nhảy lên trong lồng ngực. Không biết là do tôi làm sao, nhưng cứ nghe đến tên Khâm là tôi lại phản ứng như vậy.

Khâm bước ra, tay cầm một đĩa kẹo, đặt xuống bàn trước mặt tôi. Cậu ngồi xuống bên cạnh tôi, gật đầu chào:

"Anh Dung sang chơi ạ!"...

Tim tôi như ngừng đập khi Vĩnh Khâm ngồi bên cạnh mình. Chẳng hiểu sao mặt tôi lại nóng bừng lên, tôi quay lại, đối diện với chú Lý (ông chánh tổng đã được tôi gọi bằng chú), còn chẳng dám quay sang nhìn Khâm. Chú Lý hỏi tôi:

"Năm nay con 18 phỏng? Hơn thằng Khâm nhà chú một tuổi, năm nay nó 17! Hai anh em quen nhau đúng không?"

"Dạ vâng thưa chú, chúng cháu tình cờ gặp nhau hôm 20 Tết, hôm ấy em Hách có sang học thầy cháu!" Tôi như được giải vây, cười cười nói với chú.

"Hôm ấy em Hách tông xe trúng người ta đó thầy!" Vĩnh Khâm ngồi bên cạnh tôi lên tiếng, nghe chừng có vẻ là cáo tội em nhỏ rồi.

"Chết chửa? Sao hôm đó về con không nói thầy nghe? Thầy cho nó một trận!" Chú Lý cau mày lại nhìn con trai. Trông chú nghiêm khắc tới nỗi tôi cũng giật mình.

"Em nó còn bé, cháu cũng không sao, chú nhắc em là được ạ, đừng đánh em ấy, tội thân..." Tôi rụt rè lên tiếng, hôm ấy tôi bị bầm ở chân trái, đến giờ vết bầm vẫn còn mờ, nhưng của đáng tội, đánh thằng bé thì đau lắm, tôi không nỡ...

"Ôi chao, cái thằng Hách...thế...con có ngã nặng lắm không hử?" chú sốt sắng hỏi tôi, ánh mắt hiện lên đầy lo lắng. Nhưng chưa kịp trả lời, tôi đã nghe tiếng gọi:

"Ô, thế thằng Dung, mày tính ở bên đằng ấy luôn hử? Này này, lão chánh nhé! Giữ con trai ông lại làm gì?" thầy tôi cầm cái quạt mo, phe phẩy bước vào nhà, chỗ tôi với chú Lý đang ngồi. Cái giọng sang sảng của thầy...quả thật không lẫn vào đâu...

"Ái chà, ông bạn già lại đích thân sang thăm 'kẻ ngồi trên' như tôi đây cơ à?" chú Lý vui vẻ đứng dậy, tay bắt mặt mừng với thầy tôi đang cau có. Tôi đành đứng lên, xin phép về trước để thầy với chú Lý ngồi hàn huyên.

Bước ra tới cổng, một bàn tay nắm lấy cổ tay tôi níu lại. Tôi giật mình quay đầu, Vĩnh Khâm đang cầm lấy cổ tay tôi:

"Anh với em ra bến tàu ngắm hoàng hôn đi!"

____

Chẳng nói lời nào, tôi đi theo Khâm. Ánh nắng chiều tà ngả dần. Con phố nhỏ náo nhiệt vào buổi sáng, về chiều lại thưa thớt, còn có chút vắng. Hai cái bóng một cao một thấp của tôi với Khâm cứ vậy sóng bước bên nhau, cả hai đứa đều chẳng nói gì. Những tia nắng tinh nghịch đậu trên mái tóc của Khâm, khiến mái tóc đen ánh lên những mảng màu cam ngả đậm. Tôi chẳng nói câu nào, cũng chẳng biết nên nói cái gì. Chỉ đơn giản là cùng Khâm sóng bước đi ra bến tàu ngắm cảnh hoàng hôn, nhưng tôi lại thấy lòng mình nao nao khó tả. Từ cái ngày gặp Khâm tới giờ, lần nào gặp Khâm, tim tôi cũng sẽ đập, đập rất nhanh, rất nhanh. Tôi khó hiểu, cảm thấy bản thân dường như đang thay đổi điều gì đó...mà có lẽ tôi chưa giải thích được.

Chuyến tàu cuối cùng của ngày hôm đó khởi hành, cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Chúng tôi ngồi trên nền cỏ cách bến tàu không xa. Tôi ngửa mặt lên trời, nhìn ngôi sao phía xa xa đã bắt đầu xuất hiện. Cái tiết trời se lạnh của mùa xuân cùng với đợt gió nhẹ khiến da mặt tôi giống như vừa được dội qua một làn nước mát. Rồi tôi quay sang Khâm, cậu vẫn lặng lẽ, đưa mắt ra phía xa xa, nơi con tàu vừa đi khuất, gương mặt tươi tắn khi ban chiều bây giờ đang mang lên vẻ ảm đạm, buồn rầu. Chúng tôi đã không nói gì từ khi bắt đầu ra bến, một khoảng im lặng. Nhưng tôi không lấy nó làm phiền, tôi cảm thấy rất thích cảm giác ấy, đó là khoảng thời gian tĩnh lặng hiếm có trong ngày mà tôi có được. Nhưng tôi cảm giác, nếu như tôi còn không nói gì, có lẽ chuyến đi này sẽ rất tẻ nhạt. Vừa định cất tiếng, tôi thấy Khâm đứng dậy. Theo quán tính, tôi cũng đứng lên, bước tới chỗ của cậu đứng. Khâm cất tiếng:

" Anh nhìn kìa, lũ trẻ tới rồi!" Cậu hướng đôi mắt về một nhóm mấy đứa trẻ con, chúng mặc những bộ đồ được chắp vá chi chít, trên tay mỗi đứa cầm một giỏ đồ, đứa thì cầm tập vé số. Chúng nghêu ngao khắp bến tàu, vời người mua hàng. Tôi đoán chắc là lũ trẻ làng dưới lên đây kiếm sống. Nhưng tôi không hiểu, Khâm đang muốn nói điều gì. Rồi một đứa trong số chúng dường như nhận ra Khâm, nó cười rạng rỡ rồi đưa tay vẫy vẫy gọi:

"Anh Khâm, anh Khâm!" đám trẻ con kia thấy đứa bé ấy gọi, liền bỏ dở công việc rồi chạy về phía chúng tôi. Khâm cúi xuống, bế đứa bé nhất lên, sau đó cười hỏi mấy đứa còn lại:

"Sao nay ra muộn thế, mọi khi chưa thấy trống thu không* đã thấy các em ra rồi cơ mà?"

"Nay u em ốm anh ạ, bọn em ở nhà chăm u, đến vừa nãy thầy em về, chúng em mới mang đồ đi bán!" đứa có vẻ lớn nhất bọn nhìn Khâm trả lời. Mặt cậu thoáng đăm chiêu, tay bế đứa bé, Khâm lại hỏi:

"Thế dì đã ổn hơn chưa? "

"Chưa anh ạ, u cứ ho suốt thôi...em còn nghe..." đứa lớn lúc này đã rươm rướm nước mắt, nó ngập ngừng nói.

"Dương nghe gì? Nói anh nghe xem nào?" Khâm sốt sắng hỏi đứa bé tên Dương kia. Còn Dương, nó cứ ngập ngừng mãi, hai tay nó víu vào vạt áo xoa xoa, mặt cúi xuống. Con bé đứng bên cạnh Dương, rụt rè nãy giờ, lên tiếng:

"Thầy em bảo u...hay là bán cái Linh cho nhà cụ lý tổng...trước là lấy tiền chữa bệnh...sau là giữ lại tiền nộp sưu..."

"Nhài, đừng nói bậy!" Dương gắt, mắt của thằng bé bây giờ đã đỏ lừ, khóe mắt vẫn hồng hồng, giọng thì lạc hẳn đi.

"Nhài không nói bậy!" con bé cãi "Rõ ràng thầy nói chuyện với u hẳn hoi...e...em có nói sai đâu..."

Khâm dường như chết lặng, cậu quay sang đứa bé nằm trên tay mình, con bé đã ngủ lúc nào không hay, tay còn cầm tập vé số. Khâm ôm ghì nó vào lòng, khóe mắt hồng lên. Cậu quay sang tôi, ánh mắt khẩn khoản. Khoảnh khắc ấy, tôi dường như đánh rơi đi lí trí cuối cùng, gật đầu với Khâm. Sau đó tôi ngồi xuống đối diện với đám trẻ con, hứa với chúng:

"Sẽ không ai bán em của các em đi đâu, anh hứa!"...

__________

*trống thu không: Tiếng trống thu không báo hiệu trời sắp tối.

4.

Tôi cùng Khâm đi bộ về nhà, cuộc gặp với lũ trẻ khi nãy vẫn còn khiến tôi phải suy nghĩ. Trước giờ tôi chưa từng nghĩ tới, cũng không dám tưởng tượng đến việc, có ngày tôi sẽ giúp ai làm việc gì hệ trọng. Nhưng những đứa trẻ khi nãy, chúng còn quá nhỏ. Trong những đôi mắt hồn nhiên đã thoáng qua vẻ trong sáng nhưng đượm màu buồn. Chúng khiến tim tôi như thắt lại khi nhìn vào. Rồi để cuối cùng, khi quay lại nhìn ánh mắt của Khâm, tôi ra quyết định, rằng tôi sẽ giúp chúng. Tiếng Khâm cất lên, nghe khản đặc, hỏi tôi:

"Sao anh lại đồng ý giúp bọn trẻ?"

Tôi cũng không biết nên trả lời sao cho phải, lí do tôi giúp chúng cũng quá mơ hồ. Tôi đành lặng lặng ngước nhìn lên bầu trời đã sớm đen lại, phớt lờ câu hỏi của Khâm.
_____

Về tới nhà trời đã tối hẳn, trong nhà tôi, ánh đèn dầu hắt ra qua những song cửa tạo trên mặt đất những khe sáng nhỏ. Bầu trời bây giờ tối đen, dấy lên trong lòng tôi cảm giác nao nào khó tả. U tôi vừa bê nồi cá kho vào cửa, nhìn thấy tôi thất thần, u gọi:

"Dung, làm gì đứng đấy thế, vào trong ngồi ăn cơm đi con, thầy con đợi nãy giờ. Vào đi! Không lão ấy mà cáu lên là lại cằn nhằn!"

Tôi vào trong nhà, chào thầy một tiếng, chào u một tiếng rồi ngồi ăn cơm. Thầy tôi ăn cơm ít khi nói chuyện. Còn u tôi, cứ đến bữa là lại nhắc chồng vài câu, kể con nghe vài chuyện. Tôi lựa lúc u tôi nhắc đến chuyện mấy đứa học sinh của thầy mà nói:

"Chẳng phải em Hách nhà chú Lý học thầy đấy à? Thầy thấy em ấy học thế nào?"

"Cái thằng Hách ấy à?" Thầy tôi hỏi "...học cũng được lắm, mỗi tội mải chơi. Thế mày hỏi làm gì?"

"Con hỏi vậy...hôm nay ra bến tàu, con gặp mấy đứa bé huyện bên đi sang bán vé số, có mấy đứa nhìn ngang ngang tuổi nên con hỏi thầy thôi!"

U tôi buống đũa xuống nhìn tôi. U hỏi:

"Mấy đứa bé hay bán vé số ở bến tàu phải không?"

"Dạ đúng rồi u, mấy đứa bé đó đấy ạ!"

U tôi nghe xong mà thở dài, rồi u kể. Mấy đứa trẻ con ấy ở huyện bên. Bố mẹ chúng nó làm mướn cho nhà người ta, không biết làm ra tội gì mà bố của mấy đứa trẻ đó bị đánh cho què chân, không đi lại được. Mẹ chúng nó làm lụng quanh năm, bỗng dưng hôm trước lại đổ bệnh. Kế sinh nhai của gia đình đặt lên mấy đứa con thơ. Chiều nào chúng nó cũng ra bến tàu bán vé số với đồ lặt vặt kiếm chút ít.

Tôi nghe xong khẽ lặng người. Bảo sao Khâm lại thương chúng như vậy. Nghĩ đến Khâm, tôi lại bần thần, cậu thân là con ông chánh tổng, người ta cho rằng cậu kiêu ngạo, hống hách từ xưa đến giờ quen rồi. Mấy ai biết được, con ông chánh tổng lại dịu dàng, thương người đến vậy?

___

Ăn xong bữa, tôi xin phép về phòng. Vừa đóng cửa lại, tôi thở hắt ra một tiếng, lê bước về phía giường, nằm vật xuống. Hướng mắt lên trần nhà, tôi bắt đầu nghĩ vẩn vơ về Khâm. Cách cậu mỉm cười khi nhìn thấy lũ trẻ, cách Khâm bế Linh trên tay rồi lo lắng chuyện Dương nói...tất cả, ùa về trong tâm trí tôi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro