Cuộc đời những ông trùm xã hội đen khét tiếng nhất Việt Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm Cam (1947 – 2004) tên khai sinh: Trương Văn Cam là một trùm xã hội đen ở Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm Cam còn là bị cáo chính trong Vụ án Năm Cam và đồng bọn (chuyên án Z5.01) nổi tiếng Việt Nam.
Năm Cam và băng nhóm của mình trong quá trình bảo kê các nhà hàng karaoke và các tụ điểm đánh bạc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gây nhiều tội hình sự. Năm Cam bị tòa án Việt Nam tuyên có tội tháng 10 năm 2003 và bị tử hình vào tháng 6 năm 2004.
Việc phá được Vụ án Năm Cam được báo giới và chính quyền Việt Nam công nhận là một chiến công lớn trong phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó vụ án cũng được coi là mang ý nghĩa chống tham nhũng.
Năm Cam bắt đầu hoạt động trong giới giang hồ khi còn rất trẻ. Ban đầu làm chân gác sòng bạc cho người anh rể Bảy Sy (Nguyễn Văn Sy) ở khu vực Cầu Muối, quận 1, thuộc địa bàn bảo kê trước đây của Lê Văn Đại (Đại Cathay), là đối tượng hoạt động cờ bạc chuyên nghiệp cùng với Thành “đô la”, Sáu Nhã (Nguyễn Văn Nhã), khi có kinh nghiệm hơn thì được giữ vai trò phát hỏa, cắm xường trong sòng bạc của Bảy Sy.
Tháng 12 năm 1962, để bảo vệ sòng bạc tại khu Da heo, hẻm 100 – Nguyễn Công Trứ, Bảy Sy dùng dao đâm chết Nguyễn Văn Lót (Trần Ánh Tuyết); Để cứu lấy sự nghiệp cờ bạc của anh rể, Năm Cam đã đứng ra nhận tội. Do lúc đó đang ở độ tuổi vị thành niên, nên ngày 10 tháng 4 năm 1964, Tòa án Sài Gòn xử phạt 3 năm tù giam về tội “Cố ý đả thương nhân thương chí mạng”. Trong tù, Năm Cam đã đánh một trung sỹ Việt Nam Cộng hòa chết. Tháng 1 năm 1965, Năm Cam được trả tự do.
Sau khi bị Đại Cathay thôn tính các sòng bạc ở quận 1, sòng bạc của Bảy Sy cũng bị xóa sổ, Năm Cam mất chỗ dựa của Bảy Sy, đến cầu cứu Nguyễn Văn Thành (Thành “cao”) là trùm giang hồ quận 4 chuyên tổ chức các vụ “ăn bay” cướp hàng tiếp vụ của quân lực Việt Nam Cộng hòa, “trộm xế, nhập nha”, xin nhập băng nhưng không được chấp nhận vì “bản lĩnh giang hồ’ của Năm Cam còn quá ít, không phải giang hồ thứ thiệt như Thành “cao”, Bắc “què”, Sơn “xóm lách”, Dũng “dưa”, Thành “mắt lộ”…
Tháng 8 năm 1966, trong chiến dịch “bài trừ du đãng, chấn hưng đạo đức, thượng tôn pháp luật” của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Đại Cathay và hầu hết giang hồ cộm cán ở Sài Gòn bị đày ra đảo Phú Quốc. Năm 1967, Bảy Sy được trả tự do ra trại, mua lại sòng bài cẩu của Năm Thông Lợi, gọi Năm Cam và Sáu Nhã (Nguyễn Văn Nhã) phụ giúp việc phát hỏa và cắm xường. Để giải quyết ân oán giang hồ, theo lệnh Bảy Sy, Năm Cam và Sáu Nhã lập kế hoạch giết Tài “chém” – một trùm giang hồ khét tiếng quận 1. Sự việc không thành, Năm Cam bị đàn em Tài “chém” truy đuổi. Sau đó nhờ nhờ Thành “cao” xin tha cho mạng sống của Năm Cam và Thành “cao” đã xin cho Năm Cam nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong vị trí lính kiểng quân tiếp vận thuộc Đại đội 313, đóng quân tại đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt, quận 11), Sài Gòn, sau là vận động viên bơi lội thuộc Cục Quân vận Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1971, Năm Cam bị Cảnh sát hàng Keo, Sài Gòn bắt giữ về tội đánh bạc, bị giam bảy ngày, sau đó giao cho Tòa án Quân sự Sài Gòn xử lý và trả về đơn vị cũ.
Hoạt động của Năm Cam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chưa có một vai trò gì đáng kể trong giới giang hồ và các tổ chức tội phạm ở Sài Gòn, chỉ “ăn theo” hoặc núp bóng người khác như vai trò gác sòng, cắm xường, phát hỏa cho sòng bạc, tuy nhiên đã manh nha thành một tội phạm giang hồ nguy hiểm. như thằng này. Sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975, Năm Cam ra trình diện Ban Quân quản Quận 4, đã bị đưa đi học tập cải tạo ba ngày tại phường Lý Nhơn (nay là phường 6, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi học tập cải tạo, Năm Cam làm nghề buôn bán đồng hồ cũ, radio cũ tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Do không đủ uy tín trong giới cờ bạc, Năm Cam tìm tới Tám Phánh (một chủ sòng bạc lớn ở Sài Gòn trước năm 1975), dựa vào đó, Năm Cam đã trình bày chiến thuật mới được Tám Phánh chấp thuận là tổ chức đánh bạc vào giờ nghỉ của cơ quan hành chính, thời gian kéo dài khoảng hai tiếng, chọn lựa khách quen, xong thì giải tán.
Nuôi ảo vọng thống nhất giang hồ cả nước và thành “minh chủ”, Năm Cam “bắt tín hiệu” với Thắng “Tài Dậu”, một “ông trùm” Hà Nội. Mùa đông năm 1999, Năm Cam bay ra Hà Nội và được Thắng “Tài Dậu” tổ chức một lực lượng hùng hậu đi trên 10 xe ôtô con ra tận sân bay đón.Thắng “Tài Dậu” làm gì để thọc tay vào lĩnh vực bóng đá?
Trở lại chuyện Năm Cam và Thắng “Tài Dậu”, thực sự hai con người này chẳng hề có duyên nợ với nhau, chẳng qua là chuyện kẻ cắp bà già gặp nhau mà thôi.
Nếu đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Thắng “Tài Dậu” mò vào TP Hồ Chí Minh “tầm sư học đạo” không được Năm Cam để mắt tới thì năm 1995, Trương Văn Cam lại bị UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định tập trung cải tạo 3 năm và thi hành án phạt tại Trại Thanh Hà, Vĩnh Phú và đó là cơ hội để “xe duyên” cùng nhau.
Trước khi Năm Cam bị bắt đi tập trung cải tạo, hắn đã nghe ngóng thấy vận đen sắp tới nên đã vội liên lạc với kẻ cầu cạnh mình năm xưa là Thắng “Tài Dậu”. Mặc dù lúc này Thắng “Tài Dậu” đã có số có má và rủng rỉnh tiền bạc nhưng vẫn phục và thấy cần bắt tay với Năm Cam để mở rộng lãnh địa độc quyền khoản cá độ bóng đá ở miền Bắc. Vì thế, Thắng vội nắm lấy cơ hội “vàng” này mà nhận lời giúp Năm Cam.
Sau khi nhận được tín hiệu của Thắng “Tài Dậu”, Năm Cam dẫn Hiệp “phò mã” bí mật ôm theo 10.000 USD ra Hà Nội để chạy án. Thắng dẫn Năm Cam đến gặp Thuyết “buôn vua” – Trần Văn Thuyết và trao hết số tiền trên cho Thuyết.
Đến lúc bị bắt vào trại, Năm Cam tiếp tục chỉ đạo cho Hiệp “phò mã” và Long “đầu đinh” ra hẳn Hà Nội để luôn sát cánh với Thắng “Tài Dậu”, Thuyết “buôn vua” lo “chạy” cho Năm Cam. Hiệp “phò mã” và gia đình đã phải cầm cố 1 căn nhà và bán 1 xe ôtô Nissan để lấy 1,3 tỷ đồng lo chạy án.
Tháng 10/1997, Năm Cam ra trại và tiếp tục bỏ tiền mua chuộc một số cán bộ tha hoá biến chất để bao che cho việc mở lại hàng loạt sòng bạc và tổ chức bảo kê của Năm Cam tại TP Hồ Chí Minh. Năm Cam lại trở lại vị trí trùm xã hội đen tại TP Hồ Chí Minh.
Thời điểm này, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, lực lượng Công an thường xuyên tổ chức các đợt truy quét tội phạm hình sự. Đám giang hồ “trà Bắc” cộm cán như Cường “híp”, Thành “chân”, Thắng “chập”, Hải “bánh”, Dũng “đui”, Dũng “Bắc Kạn”, Ngọc “đói”… Mỗi tay giang hồ cộm cán này kéo theo hàng chục đàn em máu lạnh nữa chạy vào TP Hồ Chí Minh tìm đất nương thân.
Những năm 1998-2000, Hải “bánh” được Năm Cam trọng dụng, nhiều trùm giang hồ “trà Bắc” cũng tìm cách bắt tay với Năm Cam để yên thân. Vì thế, Năm Cam đã nuôi ảo vọng thôn tính toàn bộ giới giang hồ cả nước về một mối và hắn sẽ là ông trùm.
Thông qua Thắng “Tài Dậu” và các trùm giang hồ khác, Năm Cam biết tiếng và bắt quen với Dung “hà”. Ở tận Hải Phòng nhưng Dung “hà” là một trùm giang hồ cộm cán nhất và luôn có sự thách thức với Năm Cam. Tuy nhiên, lúc này Dung “hà” đang cần hình bóng của Năm Cam để đánh bóng cho tên tuổi của mình trong giới giang hồ. Vì thế khi bà Xẩm, chị ruột Năm Cam chết, Dung “hà” liền điều gần hai chục tên đàn em có số má, bay từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh để viếng đám tang bà Xẩm.
Ít bữa sau, bố Dung “hà” qua đời, Năm Cam tỏ ra coi thường và chỉ nhờ Thắng “Tài Dậu” cho một đệ tử từ Hà Nội vác một vòng hoa xuống Hải Phòng viếng. Vụ coi thường này đã làm cho Dung “hà” mất mặt với đám đàn em và lộn tiết lên đầu.
Vừa lo xong đám tang bố mình, Dung “hà” đã sai đám đàn em ở TP Hồ Chí Minh đến các sòng bạc của Năm Cam bảo kê quậy tưng bừng. Năm Cam hoảng sợ trước những chiêu quấy rối của Dung “hà” nhưng cũng chưa thể tìm ra cách gỡ.
Lại nói về Thắng “Tài Dậu”, sau những phi vụ “quên mình” cùng Thuyết “buôn vua” cứu “chúa”, Năm Cam và Thắng “Tài Dậu” tỏ ra khăng khít hơn. Đầu năm 1999, để trả ơn Thắng “Tài Dậu”, Năm Cam đã mời Thắng “Tài Dậu” vào TP Hồ Chí Minh chơi. Năm Cam mở tiệc khoản đãi Thắng “Tài Dậu” từ rượu ngon đến gái đẹp.
Cũng trong những ngày ở TP Hồ Chí Minh, Thắng “Tài Dậu” và Năm Cam đã thống nhất với nhau việc mở rộng lĩnh vực cá độ bóng đá ra các tỉnh phía Bắc, tiến tới hợp nhất giới giang hồ cả nước cũng như tìm cách dàn hòa với Dung “hà”. Vì thế, mùa đông năm 1999, nhân đám cưới con gái Hội “con”, cháu Thắng “Tài Dậu”, Hải “bánh” và chuyên gia cờ bạc Tạ Đắc Lung (Lý đôi) đã tháp tùng đưa Năm Cam bay ra Hà Nội.
Tại Hà Nội, Thắng “Tài Dậu” tổ chức một lực lượng hùng hậu đi trên 10 xe ôtô con ra tận sân bay đón Năm Cam. Từ sân bay, đoàn xe chạy thẳng về phố Lương Sử A để Năm Cam ghé thăm sòng của Thắng “Tài Dậu”, sau đó cả đoàn kéo nhau về nghỉ tại khách sạn Las Vegas của Long “vàng”. Được dịp trả lễ, Thắng “Tài Dậu” tổ chức khoản đãi lại Năm Cam. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Thắng “Tài Dậu” vẫn chỉ là trọc phú mới phất.
Hai ngày sau, Năm Cam xuống Hải Phòng để gặp Dung “hà”. Dung “hà” cho Kỳ “hoác” một đàn em tin cẩn mang xe Mazda 929 lên Hà Nội đón. Năm Cam đề phòng Dung “hà” chơi xấu nên không đi với Kỳ “hoác” mà nhảy sang ngồi xe của Hải “bánh” và Hải “bụi”.
Xe chạy thẳng về siêu thị của Dung “hà” trên đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Tại đây, Năm Cam hạ giọng xin lỗi Dung “hà” và xin được ra mộ thắp hương cho bố Dung “hà”. Ở nghĩa trang gần ngôi mộ bố Dung “hà” lúc ấy có mấy cái huyệt đã được đào sẵn, Dung “hà” kêu Hải “bánh” tới nói gở: “Trên cõi đời này người giết tao chỉ có mày! Nếu tao chết đừng bó chiếu mà hãy hòm ván đàng hoàng và đưa tao về nằm chỗ cái huyệt này nhé”.
– Em đừng nói gở như vậy! – Năm Cam nghe thấy chặn lại.
– Tôi chết còn có chỗ chôn, còn anh chết không biết chôn ở chỗ nào đâu? – Dung “hà” thừa cơ đốp lại…
Sau đó cả hai dàn hòa, Dung “hà” thành thật: “Sắp tới em vào Sài Gòn sống, có gì anh Năm giúp đỡ nhé!”. Năm Cam nhận lời và hứa giúp đỡ. Sau đó cả đoàn kéo nhau ra Đồ Sơn nghỉ. Trong hai ngày Năm Cam và bầu đoàn ở Đồ Sơn, Dung “hà” còn điều hẳn hơn chục gái điếm hạng sang từ Hải Phòng xuống để phục vụ Năm Cam và đồng bọn.
Tháng 8/2000, thấy Hải “Bánh” được việc nên Năm Cam nâng đỡ bằng cách cho nhiều tiền bạc. Năm Cam còn hào phóng cho Hải “Bánh” tham gia cổ phần “bảo kê” vũ trường Phi Thuyền số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Mỗi tháng Năm Cam chia cho Hải Bánh 10 triệu đồng. Năm Cam còn cho Hải “Bánh” tiền để thuê căn nhà số 21 đường Thủ Khoa Huân phường Bến Thành, quận 1, để mở tiệm cắt tóc thanh nữ “Vân’s”. Toàn bộ lợi nhuận từ quán cắt tóc này Năm Cam cho Hải “Bánh” hết để nuôi đám đàn em.
Thời điểm này là thời điểm huy hoàng nhất của Hải “Bánh”, lúc nào tiền cũng đầy túi, cổ nặng trĩu sợi dây xích bằng vàng 24K, ăn mặc thì toàn hàng hiệu và trên tay lúc nào cũng lóng lánh chiếc nhẫn kim cương gần 10 cara.
Cùng thời điểm này thì công tác truy quét tội phạm ở Hải Phòng và Hà Nội của lực lượng Công an làm quá mạnh, Dung “Hà” cùng đám đàn em từ Hải Phòng hết đất làm ăn nên bỏ vào TP HCM. Lúc này đứng đằng sau Dung “Hà” là Minh “Sứt”, một tên trùm buôn lậu ma túy cũng muốn lợi dụng số má của Dung “Hà” để xưng hùng xưng bá và phục vụ cho việc kinh doanh cái chết trắng của hắn. Vì thế Minh “Sứt” luôn đứng đằng sau kích động Dung “Hà” ra mặt tranh chấp lãnh địa với trùm Năm Cam.
Dung “Hà” nghe tin Hải “Bánh” được Năm Cam đỡ đầu trở lên giàu có thì hết sức tức tối. Một hôm, Dung “Hà” gặp Hải “Bánh” và lên giọng đàn chị: “Hiện số đàn em của chị vào đây khá đông, chú hưởng lộc ở Phi Thuyền là đủ rồi, tất cả lợi nhuận thu được từ tiệm cắt tóc thằng em phải nộp cho chị để nuôi chúng nó, nếu không chị sẽ cho đàn em đi quậy phá và thu tiền bảo kê ở các nhà hàng, vũ trường, bất kể là của ai…”.
Dung “Hà” còn ra yêu sách cho Hải “Bánh” phải dẫn Dung “Hà” đi gặp chủ vũ trường Phi Thuyền để thông cáo các điều kiện: Thứ nhất, cho Dung “Hà” đóng góp cổ phần 1 triệu đồng nhưng lợi nhuận thì phải chia bằng cổ đông cao nhất. Thứ hai là, chủ vũ trường Phi Thuyền phải mua luôn căn nhà số 21 Thủ Khoa Huân cho Hải “Bánh” và Dung “Hà”. Thứ ba, Hải “Bánh” bỏ Năm Cam về phụ Dung “Hà” mở sòng bạc, mỗi ngày hoạt động ba ca và nhường cho Hải “Bánh” phụ trông coi một ca, bằng không Dung “Hà” sẽ quậy cho cả thầy lẫn tớ hết đường làm ăn.
Tất cả những yêu sách của Dung “Hà” Hải “Bánh” đều báo cáo lại chi tiết với Năm Cam. Theo lệnh của Năm Cam, Hải “Bánh” trả lời thẳng tưng với Dung “Hà” rằng, chủ vũ trường Phi Thuyền không chấp nhận yêu sách trên.
Để chứng minh lời nói của mình không phải chỉ để gió bay, giữa tháng 9/2000, Dung “Hà” cho đàn em mang tới tiệm cắt tóc của Hải “Bánh” 2 xô phân người và tưới khắp nhà, Dung “Hà” còn buộc Hải “Bánh” phải gỡ máy lạnh ở tiệm cắt tóc: “Cho chị mượn đỡ vì chị khó khăn quá, chưa sắm được”.
Chưa dừng ở đó, Dung “Hà” cho đàn em tới quậy phá vũ trường Monaco của Năm Cam, tổ chức chém nhau tại một sòng bạc ở cầu Hang, Đồng Nai và những sòng bạc khác do Năm Cam bảo kê. Đêm 29/9/2000, Dung “Hà” tiếp tục “đại náo” vũ trường Phi Thuyền bằng cách tổ chức một tiệc sinh nhật giả để cho khoảng 20 đàn em vào vũ trường này quậy phá ném mắm tôm, chuột chết, phân người, rắn rết xuống sàn nhảy. Đêm hôm ấy, hơn 200 thực khách đang nhảy nhót ở vũ trường Phi Thuyền bị một phen hồn vía lên mây, mạnh ai nấy tìm đường thoát khỏi vũ trường. Sau đó Dung “Hà” tiếp tục bắt Hải “Bánh” phải buộc chủ Phi Thuyền thực hiện yêu sách đã đề ra, nếu không Dung “Hà” sẽ tiếp tục quậy nát vũ trường…
Sau tiệc sinh nhật kinh hoàng đêm 29/9/2000 tại vũ trường Phi Thuyền, Năm Cam tức giận đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Công cuộc kinh doanh của “ông trùm” đang ngon trớn thì bị một con tiểu yêu phá phách. Hắn đã nghĩ đến việc “cần phải trừ khử mẹ già đất Cảng” và thời cơ sử dụng Hải “Bánh” vào việc lớn đã đến.
Năm Cam giả bộ nhiều lần điện thoại cho Hải “Bánh” than vãn về Dung “Hà” với giọng điệu gay gắt. Khi biết Hải “Bánh” đã hiểu ý mình thì, Năm Cam gọi điện liên tục cho Hải “Bánh” và chửi thề trong điện thoại: “Đ.M anh không thể chịu đựng được nữa em biết không… anh không muốn nhìn thấy mặt con Dung “Hà” nữa… anh muốn nó “biến khỏi” mảnh đất này – Năm Cam dằn giọng”.
Sau đó Năm Cam đã trực tiếp gặp Hải “Bánh” và ngầm chỉ đạo cho Hải “Bánh” giết Dung “Hà”: “Từ giờ đi đâu em cũng phải mang theo súng”. Hải “Bánh” thừa hiểu, Năm Cam nói thế nghĩa là chỉ thị cho Hải “Bánh” phải lấy mạng Dung “Hà”.
Lúc này Hải “Bánh” có rất nhiều đàn em bị Cơ quan điều tra Việt Nam truy nã đã lẩn trốn sang các nước Đông Âu như Đức, Nga… Bọn chúng vẫn sống bằng nghề “bảo kê” cho các doanh nhân mới người Việt làm ăn ở nước ngoài và luôn có mối liên hệ với Hải “Bánh”. Nhận được “lệnh” của ông trùm, Hải “Bánh” thừa biết, nếu đàn em trong nước ra tay thì sớm muộn gì Công an cũng lần ra. Vì thế hắn đã điều động hai tên đàn em từ Nga về Việt Nam hạ sát Dung “Hà”. Kế hoạch này được Hải “Bánh” giữ kín cho đến khi thành án và đưa lên Trại cải tạo Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì Hải “Bánh” mới tiết lộ với chúng tôi trong một lần cao hứng.
Trong lúc hai tên đàn em Hải “Bánh” từ Nga bay về Việt Nam để thực hiện việc lấy mạng Dung “Hà” thì Năm Cam tỏ ra nôn nóng và không kiềm chế được nên gặp Hải “Bánh” càm ràm về vụ Dung “Hà”: “Chú đã nhận việc của anh rồi mà sao không thực hiện… Đ.M. không thì phá banh luôn đi có gì liên quan đến pháp luật thì để anh lo liệu… em làm sao thì làm miễn là anh không còn nhìn thấy nó…”.
Hải “Bánh” báo cáo việc hắn đã điều hai tên đàn em từ Nga về và sẽ ra tay trong ngày một ngày hai, Năm Cam thừa biết Hải “Bánh” sẽ sớm xử Dung “Hà” nên hắn ranh ma hẹn hôm sau đi ăn cơm trưa với Hải “Bánh”. Chẳng ngu gì mà đi ăn trưa với tên giết người để “lạy ông tôi ở bụi này”, sáng hôm sau, Năm Cam gọi điện lại cho Hải “Bánh” nói là phải đi Nha Trang có việc gấp để tạo chứng cứ ngoại phạm và đánh lạc hướng điều tra của cơ quan luật pháp. Sau đó Năm Cam tiếp tục gọi nhiều cuộc điện thoại liên lạc với một số bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để xin nhập viện và hắn đã làm thủ tục nhập viện thật.
Cùng thời điểm này, lúc nào bên cạnh Hải “Bánh” cũng có hai tên đàn em máu lạnh là Hưng “phi nhon” (Nguyễn Việt Hưng) và Trường “xoăn” luôn trung thành với Hải “Bánh”, cả hai sẵn sàng thực hiện việc giết người nếu Hải “Bánh” bật tín hiệu. Việc Năm Cam la rầy Hải “Bánh” làm Hải “Bánh” bực dọc và một lần không kiềm chế được, Hải “Bánh” đã thổ lộ với hai tên đàn em Hưng “phi nhon” và Trường “xoăn” việc Năm Cam chỉ đạo lấy số Dung “Hà”.
Đêm 1/10/2000, Minh “sứt” điện thoại cho Dung “Hà” hẹn đến nhà Dung “Hà” bàn việc cần. Gội đầu xong, Dung “Hà” vẫn chưa thấy Minh “sứt” tới, do nóng ruột, Dung “Hà” mất cảnh giác một mình ra trước cửa nhà số 17 đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM vừa hong tóc cho khô, vừa đợi Minh “sứt”.
Gần nửa đêm, Minh “sứt” chở vợ hai, tên là Nguyễn Thị Nghiệp, đến gặp Dung “Hà”. Cả ba ngồi luôn ngoài đường nói chuyện. Trời xui đất khiến thế nào, Hưng “phi nhon” và Trường “xoăn” đi chơi về ngang qua đường Bùi Thị Xuân, thấy Dung “Hà” xuất hiện ngon quá, cả hai nghĩ tới thời cơ ngàn năm có một đã đến, phải lập công với đàn anh. Cả hai hộc tốc chạy về tâu với Hải “Bánh”. Hải “Bánh” không suy nghĩ lấy luôn điện thoại di động của mình cùng khẩu súng ngắn của Lưu Tấn Nhơn – Đằng “tây” gửi và đưa luôn chiếc xe Spacy của Anh Thư cho hai tên “tiểu yêu” chạy đi lấy số Dung “Hà”.
Sau này khi đang thụ án, Hải “Bánh” có kể lại với chúng tôi rằng:
0h20, ngày 2/10/2000 Trường và Hưng rời vũ trường Phi Thuyền trên chiếc xe Spacy của Hải “Bánh” đưa chạy về đường Bùi Thị Xuân. Lúc này Hải “Bánh” bồn chồn như đứng trên đống lửa, chưa bao giờ Hải “Bánh” có tâm trạng lo lắng đến như vậy.
Hai tên “tiểu yêu” chạy xe ra chỗ Dung “Hà” thì phát hiện Minh “sứt” đang bỏ đi ra cách xa chỗ Dung “Hà” ngồi để nghe điện thoại. Lúc này chỉ còn Dung “Hà” và chị Nghiệp đang ngồi tâm sự. Không bỏ lỡ thời cơ, Hưng “phi nhon” cầm lái chạy xe thẳng đến trước mặt Dung “Hà” dừng lại. Trường “xoăn” lạnh lùng rút khẩu súng ngắn trong bụng ra dí thẳng vào đầu Dung “Hà” siết cò. Sau tiểng nổ vang trong đêm vắng, Dung “Hà” ngã vật ra đường. Hai tên “tiểu yêu” tăng ga bỏ chạy ra đường Cách Mạng Tháng Tám mất hút.
Khoảng 30 phút sau, chuông từ máy điện thoại của Anh Thư ré lên, thấy số máy của Hải “Bánh” hiện trên màn hình, Hải “Bánh” biết là Trường và Hưng điện thoại cho mình nên cầm máy lên nghe: “Em đã bắn Dung “Hà” rồi, Hưng đã vứt súng, em đang đứng ở đầu đường Trần Quốc Thảo – Lê Văn Sỹ, anh ra lấy xe và điện thoại…”, Trường “xoăn” lạnh lùng thông báo.
Nghĩ đến chuyện xuống tay giết Dung “Hà”, một người từng có nhiều ân nghĩa với Hải “Bánh”, lúc ấy Hải “Bánh” run bắn người và không thể nhấc nổi chân để rời vũ trường Phi Thuyền. Sau này Hải “Bánh” tâm sự thật với chúng tôi: “Trong đời chưa bao giờ em có cảm giác sợ hãi đến như vậy”.
Ít phút sau, hai tên được Hải “Bánh” điều từ Nga về điện thoại cho Hải “Bánh” hậm hực: “Anh giao nhiệm vụ cho tụi em mà thằng nào đã thịt nó rồi”.
Hải giả tảng: “Đứa nào thịt đứa nào?”.
– Dung “Hà” bị đứa nào bắn chết rồi còn gì…! Hai thằng đàn em giận dỗi.
– Thế thì chúng mày phắn khỏi Việt Nam ngay – Hải “Bánh” chỉ đạo.
Sau một hồi lâu trấn tĩnh, Hải “Bánh” gọi điện thoại nhờ Đằng “tây” đi lấy xe và súng giùm, Đằng “tây” đang ở Bar Ca Dao nhưng giả bộ cáo ốm không đi. Hải “Bánh” huỵch toẹt việc bắn Dung “Hà”. Đến lúc ấy, Đằng “tây” mới chịu chạy đi lấy xe và điện thoại đem về Bar Ca Dao ở 38 Lý Tự Trọng cất. Sau đó Đằng “tây” nhờ Long “tây” chạy xe đến 21 Thủ Khoa Huân giao lại cho Hải “Bánh”. Để đánh lạc hướng Cơ quan điều tra rằng mình ngoại phạm, Hải “Bánh” điện thoại rủ nhiều người quen đến cuối đường Pasteur ăn phở. Sau đó mọi người chia tay nhau, Hải “Bánh” về 21 Thủ Khoa Huân, Anh Thư về phường 15, quận 11, TP HCM.
Sáng hôm sau, Hải “Bánh” điện thoại cho Năm Cam báo tin:
– Đã lấy số con Dung “Hà” rồi, em có nên vào bệnh viện thăm nó không?
– Em không nên xuất hiện ở đó, Công an đông lắm – Năm Cam chỉ thị. Mấy ngày sau, Năm Cam điện thoại cho Hải “Bánh” dặn dò:
– Chú hãy cẩn thận. Công an nó đang theo dõi dữ lắm! Em kêu chúng nó trốn ra Hà Nội đi, ở trong này nguy hiểm lắm.
Ngày 5/10/2000, Hưng và Trường đến 21 Thủ Khoa Huân gặp Hải “Bánh”, sau đó Hưng chạy ra làm ở Câu lạc bộ Bóng đá Quốc tế số 21 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Vũng Tàu, thấy Công an truy rát quá, Hưng đã đáp chuyến bay lúc 14h20 ngày 11/12/2001 ra Hà Nội lẩn trốn. Còn Trường cũng bay ra Hà Nội chuyến bay 7h ngày 11/12/2001, trước khi Năm Cam bị bắt đúng 1 ngày.
Sau khi bị bắn vào đầu, Dung “Hà” được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu, nhưng đã không còn cơ hội vì vị trí bắn của đối thủ quá hiểm. Sau đó, nguồn tin mà Cơ quan điều tra thu được chỉ là lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Thanh, Đoàn Thị Tú Anh và Nguyễn Thị Nghiệp đang ngồi uống nước với Dung “Hà” chỉ vỏn vẹn: “Lúc đó có một thanh niên khoảng 26 tuổi, dáng người gầy, cắt tóc ngắn, mặc quần áo màu xanh đen, đi bộ từ đường Cách Mạng Tháng Tám lừ lừ tiến đến chỗ Dung “Hà” từ phía sau. Khi đến gần Dung “Hà”, tên này rút trong túi quần một khẩu súng ngắn kê vào đầu Dung “Hà” siết cò. Sau tiếng nổ, Dung “Hà” ngã ra đường, tên này chạy ra đường Cách Mạng Tháng Tám nhảy lên một chiếc xe Spacy màu trắng do một tên khác chở rồi chạy mất…”.
Công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi của Công an TP HCM cũng chỉ mang đến kết luận: Vũ Hoàng Dung bị bắn chết bằng một viên đạn súng ngắn xuyên thủng bán cầu đại não làm vỡ hộp sọ, đầu đạn đường kính 9mm loại súng Rulo.
Tình hình ANTT ở TP HCM thời điểm này hết sức phức tạp. Chính băng nhóm do Năm Cam cầm đầu đã gây ra những vụ giết người tàn bạo như vụ tạt axít Lâm “chín ngón” (Lê Ngọc Lâm), vụ giết anh Phan Lê Sơn trên đường Hải Triều, quận 1, vụ giết anh Phạm Ngọc Hiền trước Vũ trường Metropolis.
Vụ giết Dung “Hà” càng đẩy tình hình an ninh trật tự ở một thành phố lớn đến mức báo động đỏ. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã có Chỉ thị số 05 về đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Chuyên án vụ giết Dung “Hà” được xác lập và Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban Chỉ đạo chuyên án.
Công an TP HCM tung ra một lực lượng lớn với mức độ tập trung cao nhất để nắm mọi tin tức liên quan đến cái chết của Dung “Hà”. Mọi đối tượng có mối liên quan đến Dung “Hà” đều được phân tích kỹ, mọi nguồn mâu thuẫn được sàng lọc nghiên cứu. Tất cả những thông tin từ thế giới ngầm kháo với nhau cũng được ghi nhận. Các biện pháp nghiệp vụ được triển khai…
Sau một thời gian ngắn điều tra, Công an TP HCM đã có những chứng cứ chứng minh được cái chết của Dung “Hà” là việc thanh toán nhau của các trùm băng đảng mà người đứng sau không ai khác là Năm Cam. Nhưng để bắt Năm Cam không phải dễ. Trước đây, vào ngày 20/5/1995, Năm Cam đã từng bị bắt, nhưng sau 11 tháng 15 ngày trong trại giam, Năm Cam được trả tự do với lý do “không đủ chứng cứ buộc tội”. Lần này không thể để xảy ra tình huống tương tự.
Sau một thời gian điều tra, thấy chuyên án không có chiều hướng phát triển tốt, Ban chuyên án đã cho lật lại 2 vụ gây rối của Dung “Hà” bằng phân người, mắm tôm, chim, chuột tại vũ trường Phi Thuyền. Dựng lại các vụ Nguyễn Tuấn Hải cùng Hải “hấp”, Hải “lớ”, Trung “Nga” tổ chức dùng dao, súng phá sòng bạc của Cường ở Biên Hòa, vụ Hải “Bánh” rút súng đe dọa băng giang hồ khét tiếng Châu “râu” tại Bar Hoàng Hôn, đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM và một số vụ gây rối khác để xác định các mối quan hệ Năm Cam – Hải “Bánh” – Dung “Hà” – và chủ vũ trường Phi Thuyền.
Sau khi phân tích cặn kẽ và có tính khoa học, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành cùng các cộng sự đã xác định: Nguyễn Tuấn Hải (Hải “Bánh”) là “chìa khóa” của các vụ án này. Nhưng bắt Hải “Bánh” lúc này sẽ đánh động đến cả một băng nhóm tội phạm lớn và chúng sẽ cao chạy xa bay thì rất khó khăn cho công tác điều tra.
Từ những nhận định trên, Ban chuyên án chọn lý do Hải “Bánh” đánh người, gây rối tại nhà hàng Tân Hải Vân đường Nguyễn Trãi, quận 1 để bắt Hải “Bánh” nhằm đánh lạc hướng Năm Cam. Chẳng là trước đó, tại nhà hàng Tân Hải Vân, Hải “Bánh” đã bê nguyên một chồng đĩa nện thẳng vào đầu một thực khách chỉ vì thanh niên này dám “nhìn đểu” hắn.
Ngày 19/5/2001, Công an TP HCM thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Hải “Bánh”. Sau khi bắt Hải “Bánh”, một loạt những người khác được gọi lên Công an quận 1, TP HCM và chỉ để hỏi về vụ gây rối, tuyệt nhiên không đả động gì đến vụ Dung “Hà”.
Sau đó Hải “Bánh” được di lý về Trại giam Chí Hòa. Sau 5 tháng 24 ngày ở Trại giam Công an quận 1, Chí Hòa, và Trại giam T.16B, Hải “Bánh” chỉ khai báo tội gây rối trật tự ở nhà hàng Tân Hải Vân, còn vụ giết Dung “Hà” và các vụ án khác hắn không hé răng.
Vũ Thị Hoàng Dung (Dung Hà)
Với những chiêu thức tinh khôn và không lạm dụng bạo lực, thị đã xây dựng được một “đế chế” độc tôn, trật tự và khá an toàn cho thế giới tội phạm ở phố cảng. Nhưng quá khứ đó đã được thay bằng cảnh “hỗn mang” từ khi Dung “hà” chết. Vậy người đàn bà đó là ai?
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có ba “ả tố nga” bên dòng sông Tam Bạc nước cả bốn mùa, Dung “hà” là út nhưng tính tình trầm lặng, lạnh lùng và quyết liệt nhất. Nhà ở phố Trạng Trình gần chợ, gần sông và gần bến xe nên tuổi dậy thì của Dung “hà” cũng là tuổi chập chững trong giới cướp giật móc túi ở Hải Phòng.
Cũng là kẻ đa đoan nên mối tình đầu của Dung “hà” là một gã du côn ít tên tuổi nhưng phong nhã tên là Hùng “chim chích” ở chợ Sắt. Hùng “chim chích” trưởng thành qua các tăng tù “bất khuất” (những trại tù có nhiều tội phạm nguy hiểm) nên hắn có những hình xăm hoa mỹ trên người. Ngập vào ma túy nên bản lĩnh Hùng “chim chích” trở nên thấp hèn. Một người “chí lớn” như Dung “hà” thì không thể coi đó là “tri âm”.
Chia tay Hùng “chim chích”, Dung “hà” yêu một đại bàng đầy số má, đẹp trai và cũng tên là Hùng – Hùng “cốm”. Dung “hà” sẵn cơ mưu, nhìn xa trông rộng, không cầu lợi nhỏ, không chấp chuyện vặt nên đôi uyên ương vùng vẫy trong giang hồ với kẻ tung người hứng, kẻ đấm người xoa rất ý hợp tâm đầu. Hùng “cốm” lãnh án dựa cột bởi tội giết người. Hận vì tình vỡ cộng với máu giang hồ, Dung “hà” tổ chức một cuộc cướp tù với kế hoạch cực kỳ táo bạo, công phu và đầy mưu mẹo.
Quà tắc tế được giấu một quả lựu đạn sẽ tìm một phương án khả dĩ nhất để đưa vào tới tay Hùng “cốm”. Một chiếc xe tải rách nát chuyên chở bắp cải, su hào sẽ đến gần cổng trại giam. Lựa thời điểm, Hùng “cốm” sẽ dùng lựu đạn cướp khóa, khống chế quản giáo, tháo thân. Lựu đạn cay, hỏa mù và các phương tiện đánh lạc hướng sẽ được đám đệ tử phát huy. Xe tải chở Hùng “cốm” phóng thẳng.
Hàng chục xe máy, công nông, xe thồ… sẽ có nhiệm vụ cản đường tại những trục chính đã được tính rằng xe công an có thể rượt đuổi. Hùng “cốm” chạy ra bờ biển. Xuồng nhỏ, xuồng lớn phục sẵn tại các điểm hẹn sẽ đưa kẻ đào tẩu đến phao số không và đi Hong Kong. Các tình tiết ngoại phạm, các phương án xóa dấu vết… được tính toán từng chi tiết.
Tuy nhiên kế hoạch bất thành. Người tình vẫn phải đền tội nhưng Dung “hà” đã khiến tất cả những tên côn đồ hữu dũng vô mưu hay những kẻ to mắt sợ ma phải cúi đầu bởi không chỉ vì lá gan, mưu sâu mà cả vì là liệt nữ hành hiệp “trọng nghĩa” hơn bất kỳ một đại ca nào.
Câu chuyện trên không được Công an Hải Phòng xác nhận nhưng nó đã trở thành một “huyền thoại” trong giới giang hồ đất cảng. Trong tất cả những trùm giang hồ Hải Phòng trong ba chục năm qua thì Dung “hà” được tôn trọng, nể vì nhất. Điều đó khiến đàn em thị trung thành nhất và đông đảo nhất.
Để được như vậy, Dung “hà” luôn tỏ ra độ lượng, thưởng phạt phân minh “ân đức” bao trùm lên thế giới giang hồ. Thị luôn tránh va chạm với dân thường bằng bạo lực. Trái lại, trong con mắt nhiều người, thị còn là một người đàn bà tốt bụng, hảo tâm. Đối với khu xóm, ai hoạn nạn ốm đau, thai sản đều được thị thăm hỏi, quà cáp.
Ngày lễ tết hay đi du lịch, chùa đền về, thị thường chia lộc, chia vui với bà con khu phố. Năm 1995, khi Dung “hà” bị công an bắt, có tới 45 người dân là bà con cùng khu phố thị ở đã viết đơn kêu oan cho Dung “hà”.
Không nuôi gái , không ma túy, không đòi nợ thuê, không buôn lậu hay vận tải mà Dung “hà” chỉ tập trung “thâm canh” bằng cờ bạc và “làm luật” ở một vài khu chợ, bến bãi. Lựa chọn những ngạch làm ăn này vừa nhẹ nhàng, vừa ít va chạm lại thu nhập cao nên thị mở nhiều sòng bạc ở nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên sới bạc tại nhà vẫn là qui mô nhất với đại gia đình tham gia.
Sau khi triệt phá hàng loạt băng nhóm tội phạm có tổ chức, năm 1995 Công an Hải Phòng bắt Dung “hà” về tội tổ chức đánh bạc và lãnh án 7 năm tù giam. Sau bốn năm thụ án, Dung “hà” được đặc xá. “Binh lực” và tiền bạc vẫn mạnh nhưng cửa làm ăn ở Hải Phòng đã hết, Dung “hà” tìm vào Sài Gòn và đã bị Năm Cam cho người hạ sát.
Vinh “lì” kể: “Lúc đó khoảng 9-10 giờ tối, bọn em đang chơi xóc đĩa ở phố Cát Dài thì một anh có điện thoại. Vừa nghe được mấy câu ông ấy rống lên như bò bị cắt tiết, ném điện thoại xuống chiếu, mặt không còn hạt máu: “Chúng mày ơi chị mất rồi! Chúng nó bắn chị Dung chết rồi!”.
Cả chiếu bạc hơn 40 người nháo nhác như gà mất mẹ. Một anh già có vẻ cứng bóng vía nhất quát lên: “Ai bảo mày? Ai nói chị chết?”. Liên tục những cuộc điện thoại gọi đến gọi đi. Nhiều tiếng khóc thảm như trẻ con”.
Đêm ấy, thành phố Hải Phòng như không ngủ. Tiếng khóc, tiếng chửi, tiếng bàn tán xì xào lẩn khuất khắp nơi trong thành phố. Ngôi vị cao nhất của giang hồ đất cảng đã chết không một lời trăng trối, đã bị hạ sát bởi một kẻ lạ mặt giữa lúc thị đang ngự trị giữa bầy đàn đệ tử. Lúc đó lòng thương xót và cơn uất hận của đám ong ve ngùn ngụt như lửa nhưng tất cả đều không biết ai là thủ phạm.
Thậm chí ban đầu ngay những đệ tử tháp tùng Dung “hà” vào Sài Gòn cũng không biết ai là kẻ chủ mưu hại Dung “hà”. Nhiều đầu lĩnh Hải Phòng đã thu xếp vào Nam đòi nợ máu nhưng không thể lên đường vì không rõ đối thủ. Vinh “lì” nói không biết là do quá khôn ngoan hay may mắn mà Năm Cam đã không lộ diện giết Dung “hà”.
Bởi nếu giang hồ đất cảng biết điều đó sớm thì dù Năm Cam có nhiều tiền và hùng mạnh đến đâu chắc chắn cũng không thể tránh khỏi thảm họa như Sìn “cơm” thời mới ở Hong Kong về.
Thi thể Dung “hà” đã được tắm gội, khâm liệm, cúng tế bằng những nghi thức trang trọng và ngay lập tức được đưa vào quan tài kẽm chở về Hải Phòng trong chuyến bay sớm nhất. Giang hồ đất cảng đã tiễn đưa “người chị” đoản mệnh về nơi chín suối bằng một đám tang kỳ quái chưa từng có ở VN.
Từ mờ sáng trên các tuyến phố lớn và đại lộ huyết mạch từ khu trung tâm thành phố (bến xe Tam Bạc, gần phố Trạng Trình, nhà Dung “hà”) dẫn ra nghĩa trang Ninh Hải nằm ở ngoại ô hướng đông nam đã xuất hiện hàng dãy dài những thanh thiếu niên nam khôi ngô tuấn tú mặc đồng phục comlê đen, kính đen, cài dải tang trên áo đứng nghiêm cẩn dọc hai bên để dẹp đường, cấm tất cả các loại xe hoạt động.
Tiếng trống phách, thanh la vang lên não nuột nhưng rất ồn ã từ phố Trạng Trình. Đi đầu đám tang là những cô bé, cậu bé mặc đồ trắng, cầm cờ, hoa, câu đối đi chậm rãi, ngay ngắn. Phía sau họ là một cái kiệu gỗ có ảnh người chết, bát hương và một số đồ cúng tế do những người đàn ông lực lưỡng cáng trên vai.
Vòng xung quanh kiệu là rất đông nhà sư, thầy cúng, ông đồng bà cốt vừa đọc kinh, lần hạt, nhảy múa và hát. Phía sau là những đoàn người trong tang phục đen mà chủ yếu là đàn ông với rất nhiều vòng hoa lớn. Hai bên đường là hai hàng xe hơi màu đen toàn loại sang trọng rì rì lăn bánh theo bước chân người.
Một chiếc quan tài phủ hoa rực rỡ được công kênh bằng những cánh tay người cao vút trên đầu. Đám tang ngày một thêm đông, người đưa ma kéo dài hàng cây số. Các loại phương tiện lớn nhỏ đều phải dừng lại dưới sự chỉ huy của những thanh niên mặc đồ đen. Dân đổ kín hai bên phố và theo chân quan tài đi nhiều tiếng đồng hồ ra tới nghĩa trang.
Tất cả những tên du đãng ở Hải Phòng lúc đó, dù trong đời chưa một lần được “chị” biết đến, thậm chí chưa được nhìn thấy “chị” cũng tự nhận mình là em, là cháu Dung “hà” mà khóc lóc thảm thiết…
Đám tang qui mô, long trọng và kỳ lạ chưa từng thấy ở thành phố này do một đại ca đầy danh tiếng ở Hải Phòng cũng đang lập nghiệp ở Sài Gòn là Minh “sứt” đạo diễn (Minh “sứt” nguyên là công an Hải Phòng, sau bị đưa ra khỏi ngành, vì buôn ma túy hắn bị Tòa án nhân dân TP.HCM xử chung thân).
Minh “Sứt” sinh năm 1956. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Minh được tuyển dụng vào lực lượng Công an và đi học lớp sơ cấp tại Hải Phòng. Học xong, Minh được điều động về phục vụ đội bóng Công an Hải Phòng rồi chuyển qua Cảnh sát bảo vệ và cuối cùng về quận Lê Chân. Do chỉ thích lêu lổng ăn chơi, không chịu ghép mình vào tổ chức nên Minh bị đưa ra khỏi lực lượng Công an.
Năm 1981, Minh lại được nhận vào làm việc tại Công ty Vận tải biển Hải Phòng. Từ đó, sự cạnh tranh giữa y với trùm buôn lậu đất Cảng L. “Đen” gia tăng, nhiều lúc mâu thuẫn đã phải giải quyết bằng… máu. Chính lúc này, Minh đã nghĩ đến chuyện phải bắt tay với xã hội đen.
Tại thời điểm này, Dung “Hà” nổi lên là một ả xã hội đen cộm cán ở Hải Phòng. Dưới tay Dung “Hà” có hàng chục tên tay dao, tay súng chém người không gớm tay như H. “Hấp” – H. “Chó ngao”, Đ. “Con”, Đ. “Ngỗng”, Dũng “Bắc Cạn”, Dũng “Moze”… Nhưng Dung “Hà” lại rất cần tiền để nuôi đám đàn em và nướng vào những sòng đỏ đen. Còn Minh cần mối quan hệ của bọn xã hội đen để phục vụ việc đánh hàng lậu, vì thế kẻ cắp, bà già dễ dàng đến với nhau. Cũng chính sự bắt tay của trùm buôn lậu với trùm giang hồ mà đất Cảng những năm 1980 của thế kỷ trước xảy ra nhiều chuyện động trời…
Máu tham của Minh có thể nói là không cùng. Y đã bắt tay với cả “Hạnh Sự”, đàn chị Dung “Hà”, thâu tóm lĩnh vực buôn bán sắt vụn ở hầu hết các tỉnh miền Bắc để xuất khẩu. Và sự tranh giành lãnh địa buôn lậu của Minh và L. ngày một quyết liệt. L. cũng tập hợp quanh mình một số tên đầu gấu. Cả hai thường xuyên theo dõi nhau và tố cáo chuyện làm ăn phi pháp với các cơ quan chức năng.
Năm 1987, chờ Minh đánh một quả lớn hàng điện tử, L. tố với cơ quan chức năng, Minh bị bắt giam. Ngày 27/7/1988, Tòa án Tối cao tại TP Hà Nội tuyên phạt Minh 2 năm tù về tội Buôn lậu hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Minh ngậm trái đắng trong trại giam.
Sau khi ra tù, tại thời điểm ấy, hàng điện tử đã có chiều hướng “nhạt” lãi, Minh quay sang bắt tay với Ngô Xuân Phương – Phương “Trộm trâu” – Việt kiều Nhật, tổ chức một đường dây buôn lậu ma túy lớn, có lúc đường dây này vận chuyển cả tấn cần sa và hàng ngàn bánh heroin từ Lào, Campuchia về Việt Nam, sau đó chuyển sang Nhật, Mỹ, Australia, Hà Lan để tiêu thụ
Lúc này sự cạnh tranh với L. vẫn rất quyết liệt. Sợ L. biết và tố cáo chuyện buôn bán ma túy thì dựa cột là cái chắc nên cuối năm 1990, Minh quyết định bỏ đất cảng Hải Phòng chạy vào Quy Nhơn, Bình Định tiếp tục tổ chức buôn lậu hàng điện tử và buôn bán ma túy.
Gieo rắc tội ác
Lúc này băng nhóm giang hồ Hà “L” đặt đại bản doanh ở Nha Trang nhưng vươn vòi bảo kê ra gần hết dải đất miền Trung. Minh đã không bỏ lỡ cơ hội để câu móc với Hà “L” đứng ra bảo kê cho hắn. Mặt khác, Minh vẫn sử dụng cô em kết nghĩa Vũ Hoàng Dung cùng cô chị Vũ Hoàng Oanh để tổ chức mua và vận chuyển ma túy từ Nghệ An vào Bình Định bằng ôtô đưa xuống tàu biển “xuất khẩu…”!
Tại Quy Nhơn, Minh liên kết làm ăn với vợ chồng Nguyễn Thị Ng. – một trùm buôn lậu địa phương. Mặc dù có vợ và hai con ở Hải Phòng, nhưng trong quá trình làm ăn, Minh nảy sinh tình cảm với Ng. Ng. cũng khoái Minh nên thường lén lút trốn chồng lẻn đi với Minh.
Hai tên đã lừa cho chồng Ng. đánh một lô hàng lậu thật lớn rồi mật báo với cơ quan chức năng. Chồng Ng. bị bắt quả tang và đi tù nhiều năm. Ở ngoài, Ng. và Minh công khai ở với nhau. Sau này sợ mang tiếng với bàn dân thiên hạ, Minh và Ng chuyển hẳn vào TP HCM thành lập công ty TNHH ở số 47 đường Cửu Long, phường 2, quận Tân Bình làm vỏ bọc để tiếp tục thực hiện những phi vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia.
Chuyện tình của Minh và Ng. ở thành phố biển miền Trung cũng để lại những giai thoại mà nhiều đàn em sau này lấy ra kể làm chuyện cười với nhau. Chẳng là Minh vốn nửa giang hồ, nửa con buôn, tung hoành khắp nơi, tiền tài cũng chẳng kém ai. Nhưng từ khi dính với Ng., Minh cứ như khỉ gặp sư tử cái.
Có thời gian, Ng quản Minh đến mức, cả ngày Minh ăn mặc thật đẹp quanh quẩn hết phòng khách lại lên phòng ngủ, không dám bước cẳng ra khỏi cổng. Chiếc Mercedes cáu cạnh của Minh cũng không khác ông chủ, suốt ngày chỉ im ỉm nằm trong garage. Thỉnh thoảng Minh lại chui vào xe đề máy nghe chơi cho đỡ nhớ những giây phút tung hoành khắp phố chứ đố dám lăn bánh xe ra khỏi cổng khi không có Ng ngồi sau tay lái…–PageBreak–
Ngược lại, thời gian ở TP HCM lại là thời gian đường dây vận chuyển và buôn bán ma túy của Minh hoạt động mạnh nhất. Ngoài đường dây do Dung và đàn em đánh hàng từ Lào, Nghệ An chuyển về các cảng miền Trung tập kết xuống tàu biển thì một đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP HCM và các tỉnh phía Nam đưa xuống tàu biển cũng được Minh củng cố. Mặt khác, Minh câu móc với cả tiếp viên hàng không như Tăng Anh Tuấn để vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi nước ngoài và ngược lại bằng đường hàng không.
Cũng vào thời điểm này, cơ quan chức năng đã phát hiện ra con đường vận chuyển ma túy này. Lực lượng Công an đã mở nhiều đợt tấn công triệt phá nhiều đường dây vận chuyển và mua bán ma túy. Nhiều tên tội phạm bị tử hình. Minh chột dạ. Một đàn em của y từng tâm sự với chúng tôi, Minh nhiều lần nằm mơ thấy mình bị dựa cột, tỉnh giấc rồi mà miệng vẫn ú ớ không nói lên lời vì như có ai nhét chanh vào miệng, quần áo thì ướt đẫm mồ hôi. Sáng hôm sau, Minh kêu đàn em đến tâm sự: “Tàu bè bạc bẽo, ma túy bạc bẽo và đầy nguy hiểm… Anh muốn đổi nghề…”.
Hàng chục năm cùng đám đàn em lăn lộn trong giới giang hồ, nhưng do thói bốc giời của Minh nên tiền bạc hốt được, hắn lại ném vào sòng bạc hay vác đi cá độ đá bóng hết. Ngoái đầu nhìn lại, hắn thấy trùm giang hồ Năm Cam từ tiếng tăm đến tiền bạc, cái gì cũng đủ đầy.
Ngược lại, hắn gần như trắng tay mà lúc nào cái thòng lọng của luật pháp cũng lơ lửng trên đầu. Chính ý nghĩ ấy đã thôi thúc Minh bàn với Dung kế hoạch cắt bớt phần buôn bán ma túy, đẩy mạnh công việc lấn chiếm lãnh địa bảo kê sòng bạc, khánh sạn, vũ trường của Năm Cam và tiến tới tiếm quyền Năm Cam trong giới giang hồ.
Để thực hiện kế họach, Minh thúc đẩy Dung kéo hàng chục tên đầu gấu từ Hải Phòng chạy vào TP HCM nằm vùng. Dung ra mặt buộc Năm Cam phải chia bớt tiền bảo kê để Dung nuôi đám đàn em. Thực hiện chỉ đạo của Minh, Dung cho đàn em xộc vào sòng bài của Năm Cam ở Cầu Hang, Đồng Nai chém đám con bạc và tuyên bố đứa nào còn bén mảng đến đây chơi sẽ chém chết.
Tại TP HCM, nhiều lần Dung tổ chức cho đàn em phá rối vũ trường Phi thuyền, địa điểm bảo kê của Năm Cam. Dù Năm Cam đã có nhân nhượng và chu cấp tiền bạc cho Dung nhưng để đạt được mục đích, Dung đòi Năm Cam chia sẻ quyền lợi, lãnh địa bảo kê nhà hàng, khách sạn, vũ trường, sòng bạc. Chính sự nôn nóng thực hiện ý đồ của Minh, của Dung đã đẩy Năm Cam đi đến quyết định “lấy số” Dung.
Minh “Sứt” bị bắt

Trở lại chuyện buôn bán ma túy của Minh “Sứt”, vào thời điểm những năm 1990 của thế kỷ XX, nhiều đường dây lớn khác do Thanh Tứ, Dũng “Đui” mỗi tên cầm đầu một đường dây lớn ở Nghệ An. Nhiều lúc hút hàng, bọn chúng vẫn lấy hàng của nhau nên biết hết cách tẩy nhau.
Lúc này, dưới tay Dũng gồm hàng chục tên đầu gấu ở Nghệ An. Đàn em của Dung, Minh tỏ ra không kém cạnh nên lấy Minh ra hù dọa Dũng. Mấy lần Minh hẹn mua hàng của Dũng nhưng đến lúc giao nhận hàng thì Minh giở quẻ. Từ đó hai bên luôn xảy ra ân oán với nhau.
Năm 1999, Dũng “Bắc Cạn”, Dũng “Đui” cùng Dũng “Mode” mua thuốc phiện mang vào TP HCM tiêu thụ. Cả bọn thuê khách sạn Embassy để ở và tập kết hàng. Minh chỉ đạo Hải “Chó ngao” báo Công an đến bắt. Khi Công an ập tới, cả bọn bỏ lại cả hàng hóa, tiền mặt cùng một xe ôtô xuyên lục địa chạy thoát thân.
Vì tên gián điệp hai mang Dũng “Bắc Cạn”, vừa là đàn em của Minh vừa là đàn em của Dũng “Đui”, nên sau vụ này, Dũng “Đui” thù Minh “Sứt” thấu trời. Dũng “Đui” tổ chức cho đàn em tìm Hải để chém. Hải sợ quá lặn một hơi không dám chường mặt ra chốn giang hồ.
Tháng 2/2001, Công an An Giang bắt quả tang hai đàn em của Minh là “Dũng Bường” và “Hải Luận” đang vận chuyển ma túy. Tuy là cánh khác, Dũng “Đui” cũng mua ma túy chung một mối từ Campuchia qua đường An Giang về TP HCM. Là một chuyên gia ném đá giấu tay, Minh đã xúi hai tên đàn em đổ tội đánh hàng thuê cho Dũng “Đui”. Dũng “Đui” bị bắt sau đó.
Ngày 22/12/2001, vụ án Năm Cam xảy ra, Hải “Bánh” thành khẩn khai báo vụ Dũng “Đui” tổ chức buôn lậu ma túy bị bắt hụt tại khách sạn Embassy nên Dũng “Đui” được di lý từ Công an An Giang về Công an Tiền Giang để làm rõ. Do thâm thù Minh, Dũng “Đui” khai toẹt ra hắn có bán cho Minh và Thanh mỗi tên hàng chục bánh heroin.
Sau đó, Thanh bị Ban chuyên án Năm Cam bắt. Với “thành tích” buôn bán cả ngàn bánh heroin, biết không thể thoát tội chết, Thanh xé áo quần kết lại tự treo cổ tự tử sau 13 ngày nhập trại. Ngày 26/5/2002, Minh cũng tiếp tục bị Ban chuyên án Năm Cam bắt về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 26/2/2004, Tòa sơ thẩm tại TP HCM tuyên phạt Minh mức án tù chung thân. Viện KSND Tối cao kháng nghị.
Ngày 16/6/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao tại TP HCM tuyên phạt Minh mức án tử hình. Ngày 18/6/2004, tử tù Ngô Đức Minh làm đơn xin tha tội chết. Xét thấy Minh đã thành khẩn khai báo tội trạng của mình và nhiều đường dây ma túy lớn tầm cỡ quốc tế khác, giúp cơ quan điều tra phá án thuận lợi. Áp dụng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, đã ký quyết định tha tội chết cho hắn.
Sau 4 năm thi hành án, được sự giáo dục của cán bộ quản giáo Trại Xuân Lộc, Minh đã dần nhận ra tội lỗi của mình nên tích cực lao động cải tạo.
Tuy nhiên, hàng chục tội phạm đã bị tử hình, hàng chục tên khác bị ngồi tù vì sự lôi kéo, dụ dỗ của Minh vào con đường buôn bán cái chết trắng. Hàng chục góa phụ, hàng chục những đứa con côi cút mất cha, xa mẹ. Và cái chết của Dung “Hà”… tất cả sẽ còn ám ảnh Minh đến cuối đời .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro