[ Năm đó không có phép màu ]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Seonie

Cảnh báo:

- Câu chuyện viết ra được dựa trên những gì được nghe kể lại, tuy nhiên cũng đã được tác giả thay đổi ít nhiều và kết hợp lại với nhau. Tác giả hoàn toàn tôn trọng lịch sử Việt Nam!

- Nhân vật không thuộc quyền sở hữu của tác giả. Tên của các nhân vật và một số địa điểm không phải là dụng ý người kể chuyện, không mang ý xúc phạm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào khác.

* * *

Sẽ thế nào nếu như mô tả nạn đói năm Ất Dậu 1944-1945 thực sự là một thảm án với dân tộc Việt Nam?

Khoảng tháng 10 năm 1944, các cường quốc chiếm đóng Việt Nam như Nhật và Pháp đã cho khai thác triệt để tài nguyên ở đất nước vốn đã nghèo đói để phục vụ cho mục đích chiến tranh. Trong khi Nhật đang là một đất nước theo chế độ phát xít: vận chuyển số lượng lớn gạo về Nhật với giá thành rẻ để dự trữ, ép nhân dân Việt Nam nhổ lúa trồng đay để giải quyết nạn khan hiếm vải; thì Pháp - một đất nước đang chịu xâm chiếm lúc bấy giờ - cũng xông đến, với chế độ bảo hộ mậu dịch, dự trữ lương thực bởi thực dân Pháp cũng đã nhen nhóm ý định đánh bại Nhật cho công cuộc tái xâm lược Việt Nam.

Kết hợp thêm với vô vàn những nguyên do khác như Thế chiến thứ hai, thời tiết khắc nghiệt, bệnh dịch tả, mất mùa, tình trạng địa chủ chiếm hữu ruộng đất,... miền Bắc Việt Nam đã thực sự rơi vào cảnh "giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm". Người người cơ cực lầm than, oán thán đến tận trời, đau khổ dây tận đất cũng không sao che lấp hết được. Chết nhiều, nhiều lắm! Con số hai triệu người còn khó có thể đong đếm chính xác những người của đồng bào đã ngã trên nền đất tanh mùi xác đã mục rữa...

Nhân dân Việt Nam nghèo thêm nghèo, đói thêm đói. Cơm ăn hết, chó mèo lợn gà gì cũng giết hết. Ăn hết của nhà thì ăn đay. Mà đay nó ngứa, nhưng được ăn là may mắn lắm rồi, có cái bỏ miệng là đủ sống đến hôm sau. Đay ăn rồi thì cũng hết. Mà có phải ăn sung ăn sướng gì cho cam, ăn chắt ăn chiu, ăn giấu ăn giếm. Nhà khác nó đánh hơi được thì mình mất cái ăn. Hết đay thì đi mò tôm mò tép. Đất thì nghèo, có là bao? Ăn cái gì rồi cũng hết. Cả một vùng đất Bắc rộng lớn thênh thang chẳng còn cái mả gì cả! Chẳng còn cái gì! Ăn hết tôm tép ở đồng thì ăn sang đến cám, cám lợn. Rồi cũng đến lúc mọi thứ đều hết chứ, bọn nó chỉ có bòn rút ra khỏi đồng bào mình, mình làm được thêm cái gì đâu? Đã nghèo đã đói, lại còn chịu thống trị của một lũ khốn nạn, cướp bóc, tham lam! Dọc con đường từ Thái Bình tới Hà Nội độc có người da bọc xương, lả ra như một cái xác đã khô. Nạn đói hoành hành cùng dịch bệnh, chiến tranh miên man một bể khổ rộng lớn. Chết như ngả rạ!

* * *

Tuấn thất thểu từng bước trên cánh đồng vắng. Cái nắng nóng chang chang giáng xuống lưng anh, mỏi mệt đến cùng cực. Anh đã đi từ tờ mờ sáng để kiếm ăn, nhưng rồi về lại dưới làng cũng chẳng có gì. Hôm qua có lẻ tẻ mấy con tép ngoài đồng anh cũng để cho vợ mình - Nhài - và cái Tị, đứa con gái đầu của cả hai. Vợ anh còn đang bụng mang dạ chửa, anh mẩm thôi thì chịu thêm chút nữa, cho vợ cho con có cái mà ăn. Chứ cái thể đói ăn rồi chết cả mẹ cả con, lúc đấy anh cũng còn sống để làm cái gì nữa?

- Mẹ cha chúng nó! Tao làm tội làm tình gì bây mà bây hại cho nhà tao ra cái nông nỗi này?

Cả một mảnh ruộng khô cằn, lúa bị nhổ sạch, đay cũng bị vặt sạch, còn đâu mà ăn? Tuấn lầm bầm chửi bọn tay sai quan lại, thoáng nhớ đến làng mình bữa nọ lại cũng có mấy người một nhà nọ chết vì đói. Đói liên miên, ngày nào, ở đâu cũng có thể thấy một vài cái xác ốm nhom bị vất chổng chơ giữa cả cánh đồng cạn. Trời thì nắng um lên như thổi lửa, cái nóng bốc lên từ mặt đất, cái nóng ảm xuống từ mặt trời, xơ xác và trơ trọi. Cảnh làng không khác gì một bãi hoang tàn bị bỏ lại sau chiến tranh, tanh tưởi xác chết, người làng gầy gò ốm yếu, vật vờ như những bóng ma quanh đường làng ngõ xóm.

Tuấn xiêu vẹo mấy bước rồi ngã ngửa ra, mơ màng ngất đi.

Mùi đất tanh tanh, chắc đã có người chết trên đây từ trước. Mà ở đâu mà chẳng tanh! Người chết la liệt, cái làng không khác gì cái nghĩa địa không bia không mộ. Người chết cứ nằm phễnh ra đến lúc thối mục mới có người đến xúc đi.

- Xem nó còn thở không?

Tuấn nghe tiếng người bị dọa cho tỉnh, giật mình cố lùi ra xa khi thấy hai thằng lọm khọm đẩy cái xe chất chồng một đống xác. Nhặt xác cũng đã trở thành một công việc, một "nghề" có lương. Phát xít Nhật sẽ trả cho lũ đó một vò gạo với hai chục cái xác một ngày. Sau thì chết nhiều quá, gạo không đủ, giảm thành một nắm gạo với ba chục cái xác. Một nắm là đủ cho nhà Tuấn ăn đủ cả tháng trời. Lắm lúc con người cũng mất đi lương tâm, đói nghèo rồi thì còn nghĩ cho ai? Cái bọn thu gom xác chỉ có chực thấy người ta hấp hối là đem tót lên xe, đằng nào mà chả chết. Không nay thì mai. 

Trời đã về chiều muộn, Tuấn nhớ đến Nhài còn ở nhà, và cả cái Tị nữa. Tuấn thương cái Tị lắm, nó ăn mà còn bảo để phần cho u cho thầy nó, cả đứa em trong bụng u nữa, thế mà Tuấn không ăn. Có một chút ét tép tôm lẻ tẻ được như đầu ngón út đã là vui lắm rồi, để phần để dành thì ai ăn ai nhịn? Nhưng anh đã không kiếm được gì cả ngày hôm nay...

Trời tậm tịt tối, rồi tắt hẳn, Tuấn mò mẫm về đến nhà. Tối om. Chỉ còn nghe tiếng ru của Nhài run rẩy, chắc cái Tị ngủ rồi. Đói quá lả đi cũng nên.

- Thầy nó về rồi à? Có được gì không?

Tuấn mò vào góc tối, không trả lời vợ. Anh cắn răng xẻo một miếng thịt hiếm hoi ở đùi, mùi máu tanh tóe loe nồng nặc. Cả người da bọc xương, có chỗ nào trên người là có thể gặm được, Tuấn cắt ra đưa cho Nhài.

- Nay tôi may mắn bắt được một con chó. Mình này, con có đạp mình không? M-mả cha cái Út, giẫy lắm để u mày đau! Mi-mình ăn đi kẻo đói...

Tuấn nạt nhẹ cái Út trong bụng Nhài, trút hết những hạnh phúc cuối cùng cho đứa con nhỏ không thể thấy mặt cha. Chị Nhài vuốt bụng bầu mà ngậm ngùi thương chồng. Con cái là lộc trời cho, thế nhưng bụng dạ chửa đẻ lúc này thì thực sự không phải là cái quà cáp gì cho cam. Đành vậy thôi... Cái Tị hình như cũng ngửi mùi thịt, choàng dậy thì thầm nho nhỏ. Nó hỏi có phải thầy về mang thịt về không. Tuấn mất máu quá nhiều, kiệt quệ nhưng cố gặng chút sức cuối cùng trả lời con cho qua, dịu cho vợ con ăn.

- Tị ăn đi! Ăn nhanh kẻo người ta biết!

- Thầy nó ăn chưa?

- Tôi ăn rồi, tôi ăn nhiều lắm! Tị cứ ăn đi cho u mầy còn nghỉ.

Nói rồi Tuấn ngả ra nền đất, máu cứ lênh láng chảy trong đêm đen mà Nhài không hề hay biết: mình đang ăn thịt của chồng. Mãi cho đến khi gọi mà chỉ còn nghe tiếng ư ử đáp lại yếu ớt của Tuấn, Nhài mới sinh nghi: thế quái mà lại có thịt chó giữa ban ngày ban mặt đàng hoàng đương nhiên như thế? Tuấn thều thào:

- Mình này... Cả đời mình vất vả hi sinh vì tôi vì con... T-tôi chỉ có thể làm bằng này để mình và con được sống. Mình cũng đừng nghĩ ngợi, tôi thương mình, thương con nên mới làm thế. Rạng sáng mai mình chôn tạm tôi xuống cái hố sau làng cũng được, đừng để chúng nó khiêng tôi đi... Có gì đi tìm thằng Quốc làng bên, tôi nghe nó nói người ta đang phát cơm trên Thủ đô... T-tôi...

Tuấn thở đứt đoạn một hơi rồi ngừng hẳn, để lại cho Nhài một mảng thậm thụt chếch choáng, một vết dao đâm rất sâu trong tim, và dường như khiến chị khó thở đến cùng cực. Duyên vợ duyên chồng cũng chỉ vì cái đói mà chia lìa, cứ như vậy mà chấp nhận sao? Người ta có thể đói đến mức mất đi nhân tính, nhưng có phải ai cũng thế đâu? Nhài kiếm đâu lại một người chồng như Tuấn nữa bây giờ? Cho đến hơi thở cuối cùng của Tuấn, hình bóng Nhài và con vẫn luôn nhuốm đậm từng câu từng chữ khó khăn thoát ra từ anh, khiến Nhài càng không muốn từ bỏ cái Tị và đứa con út... Nhài hô hấp khó khăn, cố gắng hít lấy hít để khí trời đã sặc đẫm mùi máu của chồng, bỗng dưng có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối. Nhài không giữ miệng được, gào lên đau đớn, tựa như chứa đựng thêm cả nỗi đau mất chồng khiến cái Tị đang thiu thiu thiếp đi cũng phải tỉnh dậy, thất thanh gọi mẹ. 

- Tị! U đau! Đau quá!

- U ơi! U có sao không!

Nhài ôm bụng chửa nuốt khô cổ họng, mồ hôi đầm đìa quanh trán và dọc xuống khắp khuôn cằm, tóc tai rũ rượi ra như một mụ điên quằn quại trên đất lạnh. Người đàn bà vật vã trong đêm tối đến không thể tưởng được, đầu ong lên như bị đinh đâm xuyên qua và tứ chi tê liệt, không thể làm gì cả. Cái Tị hốt hoảng mò mẫm thấy bầu ngực của Nhài, vội vã vòng tay ra sau xoa lưng u nó an ủi. Nó không biết làm gì cả, chỉ nhớ đó là những gì u làm mỗi khi dỗ cho nó bớt đau. Tị khóc thút thít mà miệng vẫn mếu máo dỗ u nín đi, con thương u. Đêm thanh vắng trùm trên cái làng đất Cánh, thê lương và xơ xác khốn cùng. Nhài gào đến khản đục giọng, cơn đau từ mọi tế bào giống như nuốt chửng lấy chị, ọp ẹp chỉ chực chôn cả mẹ cả con xuống vực thẳm...

Ngay trong đêm đó, Nhài vừa tiễn chồng sang cõi bên kia cách đó không lâu thì đã đón đứa con trai út chào đời. Trong cơn đau nhức nhối còn sau mười tiếng tự mình vật lộn, Nhài địu thằng Út mới sinh còn đỏ hỏn trong lòng kéo xác chồng ra sau làng chôn. Cắn răng chịu đựng nỗi giày vò và tấn công về cả thể xác lẫn tinh thần, Nhài vừa chôn chồng, giọng run run từng câu hát ru con cho bớt quấy, mà mắt cứ lã chã hai hàng lệ ướt đẫm, tèm lem cả gò má. Nhài cũng đã nghĩ, hay chết quách đi cho xong, sống làm gì khổ chồng khổ con. Nhưng nhìn cái Tị, nhìn thằng Út còn non còn nhỏ, cốt nhục của Tuấn ở đây rồi, Nhài phải sống. 

Cái Tị trông thấy u nó đang đắp lên một cái gò đất cao thì tò mò hỏi. Nhài giấu nó, bảo là đang đắp lại đất ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Ba mẹ con ôm nhau bên gò đất, tận cho đến khi cái Tị thằng Út thiếp đi trong lòng chị. Mãi khi đó, Nhài mới lẳng lặng rơi nước mắt, đôi mắt đỏ hoen ầng ậc đau thương và nhớ nhung. Chị hết nhìn hai đứa con trong lòng đến ánh mắt đăm chiêu trước mộ chồng. Vươn đôi tay bệch máu đến phía trên gò đất xoa nhẹ nhàng, Nhài sụt sịt nhỏ giọng:

- Em sẽ cố gắng sống, thầy nó yên nghỉ nhé... 

Mặt trời đằng Đông đang lên rồi, rọi nắng mai lên cả một miền quê đìu hiu cằn cỗi. Ngày mới đến, người ta cũng lại thấy lác đác mấy cái xác trên cái mương đã cạn, một nhóm lính lại đẩy xe đi thu gom xác... 

* * *

- Tiên sư cha chúng nó tạo nghiệp! Mẹ con tôi khổ còn chưa hết, lấy đâu ra tội tình gì mà khiến chúng tôi chết vì đói cơ chứ! Sao số tôi khổ thế hả giời ơi là giời!

Nhài địu con về sau một sáng kiếm ăn không có gì thì bỗng nghe thấy tiếng hét thất thanh của hàng xóm. Vội chạy sang, trước mắt là là cảnh kinh rợn đến tận xương tủy mà có lẽ cả đời sau, chị cũng không dám quên. Trong góc, sõng soài trên nền đất là đứa trẻ con gầy còm đã nhắm mắt, người nhạt hẳn đi. Người góa phụ hàng xóm cũng vừa mới sinh đứa bé đó không lâu, nay lại đang khụy xuống, khóc nấc lên dưới chân Nhài. 

Chị ôm chặt thằng Út mới sinh trong lòng, tay còn lại úp mặt cái Tị vào người mình, không cho con chứng kiến cảnh tượng trước mắt. Họa trời đáng sợ như thế đấy! Giặc ngoại, giặc đói hoành hành như thế đấy! Nước mắt chị lại lần nữa giàn giụa trên khuôn má gầy gò, tim rung lên từng hồi chua xót. Vừa sợ mà vừa cảm thấy nghiệt ngã, Nhài cũng nhớ đến Tuấn, người mà chị yêu nhất vừa mất cách đây không lâu... Nhài luôn không ngừng dằn vặt bản thân, nhìn lán nhà xập xệ mà hai vợ chồng mưa nắng có nhau, nhìn cái Tị, thằng Út - dòng máu của hai người - say giấc cạnh nhau, chị vẫn không thể không tự trách. Trách mình là gánh nặng của người chồng quá cố, trách mình... gián tiếp giết chết chồng. 

Nhài không kiềm được nữa, nấc lên trong cơn quặn thắt, cổ họng nghẹn lại, khô khan và nước mắt trào ra dọc khuôn mặt đã méo xệch, hòa cùng với mồ hôi mặn chát đang đầm đìa hai bên mai tóc vì cái nắng giữa trưa. Hai người đàn bà góa chồng... có ai mang phép màu lại không? 

Không lâu sau ấy, theo một toán người từ Thái Bình lên Hà Nội, Nhài địu thằng Út, tay dắt cái Tị đi theo đoàn để xin ăn. Đất Thái Bình, Nam Định có lẽ là chết nhiều nhất, khoảng ba bốn trăm người là còn ít. Đa số toàn bần nông đói nghèo cơ cực, người chết như ngả rạ. Dọc con đường từ Thái Bình đến Hà Nội là những nhóm người vật vờ vì đói, mà cũng như đang cận kề với cái chết. Tị đi theo u nó thi thoảng chỉ dám rên rỉ mấy tiếng hỏi bao giờ thì tới nơi, hỏi u đi có mệt không, hỏi thầy nó đâu. Mà nó cũng đói, đói lắm rồi...

- U ơi... con đói... 

- Một tý nữa là có cơm rồi! Đợi u một lát! Con ngồi đây trông em nhé... Đợi u...

Đoàn người xếp hàng chờ phát cơm cuối cùng cũng đến Nhài. Mỗi người được một nắm cơm bé bằng ngón tay cái đã là một đặc ân rồi. Nhận được cơm, hai mắt Nhài sáng rực như lấy được vàng, cầm nắm cơm nhỏ xíu chạy vội về phía con. Xui thế nào, người ta thông báo hết cơm ngay sau đó. Đoàn người chưa nhận được như hóa điên, vùng dậy đi cướp của những người đã được phát. Tiếng đá đấm thùm thụp, tiếng người kêu gào van xin, tiếng phụ nữ trẻ con rên khóc, khung cảnh hết sức hỗn loạn, bung bét ra như cảnh chiến tranh không cần đến vũ khí. Người người dẫm đạp lên nhau vì cái ăn, kinh hãi, dã man đến không thể tưởng tượng nổi. 

- Tổ sư lũ khốn nạn! Cơm của tao đâu! Cơm của tao! 

Nhài hoảng hốt khi thấy có dăm người lao về phía mình, chị chạy vội đến chỗ cái Tị, nhưng không còn kịp nữa. Chúng nó đuổi đến chỗ chị, cơm chưa đút kịp cho con, Nhài nhét vội vào họng cố nhai nhanh để nuốt. Một thằng bóp cổ chị, móc miếng cơm còn trong họng Nhài ra. Cái đói thực sự đã thú hóa đồng bào, mặc kệ dớt dãi và miếng cơm nhai dở, mấy người chỉ còn da bọc xương nhồm nhoàm tranh nhau như những con thú, không còn có thể thấy đâu tính người. Cái Tị thấy cơm nhưng không được ăn thì khóc òa lên. Đám người lại tiếp tục đi cướp giật, xô ngã cả cái Út và cái Tị trên nền đất. Nhài cố nhịn cơn đau từ cổ, bò vội đến phía con... 

- Tị! Út! Con có đau ở đâu không? U xin lỗi! U xin lỗi... 

* * *

Sau tiết học của môn sử mà mình rất thích, mình đã phải tốc kí ý tưởng để hoàn thành, mất khoảng hai tuần. Mình đã đắn đo rất nhiều về việc có nên public không, vì sự thật lịch sử quá bi thương, quá đau lòng... Câu chuyện này còn bỏ dở, bởi vì mất mát, chết chóc sẽ không bao giờ có thể thực sự nguôi ngoai và được đặt dấu chấm hết trong ký ức của những người sống sót qua thời kỳ đó. 

Như đã nói, chuyện này mình tổng hợp được, đa số là từ những mẩu ngắn mình nghe thầy giáo dạy sử của mình kể lại, và thực sự đã khiến mình khóc ngay trên lớp: quá tàn khốc, quá khủng khiếp. Qua lời kể của thầy, mình hoàn toàn có thể tưởng tượng được ra Bắc Kỳ khi đó như thế nào, và đồng bào mình ra làm sao. Tiếc thay, không có phép màu. 

Từng có ý kiến về tình nghĩa dân tộc - truyền thống của người Việt Nam - trong nạn đói năm Ất Dậu, và thời cuộc cũng đã được phản ánh rõ nét qua tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, thật sự lúc nào cũng đáng để đọc hết. Tuy nhiên, ở đâu cũng sẽ có người tốt người xấu, và ở hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể mất đi lý trí khi bản năng đã thực sữ trỗi dậy. Câu chuyện hóa điên ở cuối cùng đó chỉ là một góc nhỏ tồn tại hiển nhiên và song song với những giá trị nhân đạo giữa cảnh nghèo đói, không đánh giá, không phán xét. Và mình mong các cậu có thể cảm nhận được điều gì đó qua "Năm đó không có phép màu".

Mình thực sự trân trọng sự quan tâm của các cậu, cảm xúc của các cậu đối với mỗi câu chuyện mình viết. Cảm ơn cậu đã ở đây, và chúc cậu luôn tươi mỗi ngày. 

Ngày 2 tháng 4 năm 2022

Seonie, một writer ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro