Chương 14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 14:

Vô hình chung tôi gần như đã quên mất rằng mới đó mình còn khóc nháo nói bản thân rất buồn, rất buồn. Song làm gì có ai muốn bản thân mãi mắc kẹt trong bốn bức tường, ngày ngày đánh bạn với cô đơn? Dù buồn thế nào tôi cũng phải vượt qua, người ta sống được thì tôi cũng sống được. Và hơn hết tất cả tựa như bộ môn Sinh Học đã chỉ rõ, để tồn tại và phát triển. Nếu không muốn bị chọn lọc tự nhiên đào thải tôi buộc phải thay đổi để thích nghi!

...

Nguyên Phân bảo tôi:

- Này, nín đi, đã xấu rồi còn khóc ra thành cái dạng này, thật khó coi!

Tôi ngồi thẳng người dậy, thụi mạnh cù trỏ vào ngực Nguyên Phân, nâng tay quệt nước mắt trên mặt lại xì mũi vài cái rồi bôi hết vào áo hắn. Nguyên Phân đưa tay sờ vai áo, nơi có một mảng nước mắt cộng nước mũi chộn lẫn chảy dài bẩn thỉu. Hắn nhìn tôi đăm đăm, lát sau chìa cái bộ mặt than ra nói:

- Em nghĩ mình làm vậy là đúng à? Có tin anh cởi áo ra lau mặt cho em không?

Tôi nhe răng nhe lợi tỏ ý không sợ song chống tay đứng dậy cũng tiện đà kéo Nguyên Phân dậy, tôi bảo hắn:

- Làm người là phải có trách nhiệm, sống là phải có đạo đức, lỡ đóng vai người tốt rồi thì diễn cho đạt luôn đi.

Nguyên Phân quắc mắt lườm tôi song khác với mọi khi, hắn không cãi lại cũng chẳng buồn đôi co. Chúng tôi một trước một sau đi trên phần đường dành cho người đi bộ. Tôi thấy con đường phía trước rất dài, sâu hun hút lại không có đích đến. Tôi chùn bước, tôi rất sợ, tôi không biết tiếp theo mình phải đi đâu về đâu, phải làm gì. Tôi cất tiếng gọi Nguyên Phân, gọi người từ nãy đến giờ vẫn đi theo sau lưng mình, tôi hỏi hắn:

- Thi đại học sắp tới anh định đăng kí trường gì thế?

- Không biết, anh không thích cái gì hết, cũng chẳng biết tương lai phải làm gì.

Tôi không như Nguyên Phân, tôi thích rất nhiều thứ. Ngày bé xem phim khoa học viễn tưởng tôi luôn nghĩ lớn lên mình sẽ làm giáo sư, tiến sĩ hay cái gì đó để cứu thế giới. Giả dụ chẳng may có đại dịch xảy ra như tình huống trong các bộ phim viễn tưởng của Mĩ chẳng hạn. Sau này lớn hơn một chút, bản tính ham ăn lười làm nổi lên, tôi lại thích làm hướng dẫn viên du lịch. Vì nghe đâu làm hướng dẫn viên du lịch vừa được đi chơi vừa được cho tiền, căn bản là chỉ có lời chứ không có lỗ. Rồi lớn thêm chút nữa, anh Nam đỗ Học viện cảnh sát, tôi cũng muốn làm cảnh sát. Song đến giờ phút này nếu Nguyên Phân quay ngược lại hỏi tôi sang năm muốn thi trường gì, tôi cũng sẽ như hắn, trả lời rằng tôi không biết.

Con đường phía trước quá dài, tôi lại không biết đích đến, không biết tiếp theo mình phải làm thế nào, sẽ ra sao. Không thể như xem một bộ phim, đọc một cuốn sách muốn biết cái kết thì lật trang cuối mà xem. Không thể có cỗ máy thời gian như của Doremon để đến tương lai xem thử mình sống thế nào. Không thể, có quá nhiều thứ không thể. Tựa ngày trước anh Nam từng nói với tôi: "Trên đời này cái gì cũng có chỉ không có nếu như. Trên đời này chuyện gì cũng có thể chỉ không thể hối hận". Bởi vậy trước khi làm chuyện gì cũng phải suy xét cho kĩ, đắn đo trước sau vì khi đã bước qua rồi, bạn vĩnh viễn không còn cơ hội để quay đầu làm lại lần nữa!

Anh Nam mất nhà tôi được đền bù một khoản tiền khá lớn và theo miệng lưỡi người đời, họ giải thích nguyên căn của khoản tiền ấy thế này: Cái xe bồn đụng phải anh tôi trực thuộc một tập đoàn săng dầu lớn nhất nhì cả nước. Để không tốn thời gian vào vụ kiện tụng xe bồn đâm bị thương người, họ quyết định để anh trai tôi "ra đi" luôn. Nghe có vẻ vô lý tầm thường nhưng thật ra nó luôn có một cái lý do chính đáng ở phía sau.

Thứ nhất xe bồn đâm bị thương người, đem ra truy tố trước pháp luật công ty quản lý phải bắt tay với cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ sự việc. Hệ lụy kéo theo nó là hình ảnh công ty xuống dốc vì một nhân viên vô trách nhiệm, không những vậy báo đài liên tục giật tít cố phiếu công ty cũng vì đó mà xuống dốc không phanh. Rồi còn sau vụ kiện phải đền bù tiền cho người bị hại, tiền viện phí, tiền bồi thường sức khỏe sau tai nạn. Đã thế trong thời gian diễn ra vụ kiện, chiếc xe gây ra tai nạn sẽ bị giam giữ phục vụ cho việc điều tra án. Ngẫm thôi cũng thấy rắc rối mẹ đẻ rắc rối con rồi. Lợi bất cập hại, ai hơi đâu mà ôm một đống rắc rối vào người như thế?

Ngược lại nếu anh trai tôi mất, công ty quản lý chỉ cần đứng ra đền bù một khoản tiền cho thân nhân rồi dùng cách giải quyết bằng "tình cảm" giữa hai bên để không làm to chuyện dẫn đến kiện tụng. Sau đó bước tiếp theo họ dùng tiền để bịt miệng truyền thông, làm nhẹ mức độ nghiêng trọng của vụ tai nạn xuống hết mức có thể. Về phía công an, tài xế giải thích rằng lúc đó do quá hoảng hốt nên "vô tri vô giác" mới lùi xe lại. Chứ tận sâu thâm tâm ông ta không muốn hại chết anh tôi, ông ta chỉ muốn xuống xe kiểm tra xem anh tôi có bị thương hay không thôi.

Hồ chủ tịch từng nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Quả thật bác nói chẳng sai tẹo nào. Có tiền, có quyền, có tri thức, họ nói vài câu bằng dân đen kêu oan khản cổ cả trăm lần. Hơn nữa ba mẹ tôi, hàng xóm rồi mọi người ở quanh đây nào ai nghĩ nhiều được vậy? Họ chỉ biết sáng đi làm, tối về bên con cái cuộc sống bình ổn cứ thế trôi qua, ai nói gì nghe đấy rồi rảnh thì tụm năm tụm ba buôn chuyện. Có khi lại thêm vài câu bình luận vào, làm như mình có óc phân tích lắm. Thế nhưng được mấy người biết phân tích mặt lợi mặt hại khôn ngoan lõi đời như người làm kinh doanh.

Lại nói, mất anh trai ba mẹ tôi đã đủ chật vật lắm rồi còn hơi sức đâu mà đi kiện tụng? Mà dù có kiện đi nữa ba mẹ tôi liệu có thắng nổi người ta hay không? Có đủ tiền tài vật lực để theo đến cuối vụ kiện hay không? Rồi còn một vấn đề cần đặt ra nữa, nếu anh trai tôi không đi đua xe, anh không tự tay đem mạng sống mình đặt ngay giữa cửa sinh tử thì gia đình tôi liệu có chật vật như ngày hôm nay hay không?

Cái gì cũng có luật nhân quả, phải hiểu rằng khi bạn lớn lên bạn buộc phải thay đổi. Tựa như dùng thật ngữ môn Sinh Học để diễn đạt, nếu bạn không thay đổi để thích nghi với môi trường, bạn sẽ bị chọn lọc tự nhiên đào thải.

Tôi từng đọc ở đâu đó, có một cuốn sách hay một người từng nói thế này: "Cuộc đời thật kỳ lạ. Thứ ta từng nghĩ là lung linh, là tuyệt đối, từng nghĩ có thể từ bỏ tất cả để đạt được nó thì khi thời gian trôi qua, hay khi nhìn ở một góc khác, thứ đó bỗng trở nên nhạt nhẽo đến kinh ngạc." Không chỉ là nhạt nhẽo thôi đâu mà bản thân nó còn phủ đầy bụi, bẩn thỉu, bốc mùi và hôi thối.

Năm nay tôi mới mười sáu tuổi, chỉ mới mười sáu tuổi thôi, sao chưa gì tôi lại hiểu rõ cuộc đời này như thế? Sao chưa gì tôi lại nhìn thấy trước mặt là tối tăm, là một màu xám. Nó ập đến ôm chặt lấy tôi, mặc kệ tôi cố giẫy giụa thế nào nó cũng không buông, nhất quyết không buông?

Lòng tôi đau lắm, rất khó chịu! Ngày nghe tin anh Nam mất rồi lại lờ mờ hiểu ra một ít sự thật đằng sau. Tôi như bị ném xuống vực sâu vạn trượng, mãi mãi không có đường lên. Có đôi khi những thứ mình không nhìn rõ, hãy cứ để nó tiếp tục mơ hồ, có một vài chuyện, một vài người, nhìn thấu đáo, triệt để quá, ngược lại sẽ càng chịu nhiều tổn thương. Như vậy không hay ho gì đâu, thật đấy!

Tôi nâng tay lên gạt đi hai hàng nước mắt, ngồi thụp xuống đường ôm chặt lấy hai chân úp mặt vào đầu gối. Tôi không muốn bước tiếp nữa, tôi sợ lắm, tôi thật sự rất sợ...

Nguyên Phân thấy tôi như vậy lập tức chạy tới, vội vã hỏi:

- Lại sao nữa vậy?

- Em buồn lắm!

- Em buồn anh cũng có vui tẹo nào đâu. – Hắn cáu kỉnh kéo khủy tay tôi. – Đừng khóc nữa, đi ăn kem đi, đã xấu rồi cứ động tí là khóc. Giá mà em xinh xắn thêm một chút thì anh cũng nguyện làm kị sĩ áo đen đấy...

Tôi quay phắt lại trừng Nguyên Phân, hắn liền biết điều ngậm miệng. Đợi tôi nghiến răng nghiến lợi lườm đủ rồi, mặt mũi cũng đen sì vì tức như than Quảng Ning rồi. Nguyên Phân liền dẫn tôi vào Café & Sách, gọi hai ly kem chọn hai quyển chuyện cười, kiếm đại một cái bàn ngồi xuống đọc. Hắn nói:

- Lát về giặt áo cho tôi đấy cô, không phải hết giá trị lợi dụng rồi là thôi đâu!

Tôi bĩu môi khinh khỉnh không thèm chấp, mà nói trắng ra là phủi bỏ trách nhiệm. Ai ngu đâu mà đi "đổ vỏ"? Dù là tôi làm tôi cũng sẽ không bao giờ "đổ vỏ".

Đang ngồi đùn đẩy trách nhiệm bỗng có người đến vỗ vai Nguyên Phân, anh này chông mặt quen quen mà tôi chẳng biết là ai. Có điểu hình như người ta biết tôi, còn nhăn răng cười với tôi đoạn bảo "chào Nhã Trúc". Tôi gật đầu đáp lễ song cũng chẳng biết nói gì hơn. Tôi có một cái tật xấu đó là "hiếm khi nào" nhớ tên người khác.

Nguyên Phân hất tay anh bạn kia ra khỏi vai mình nhăn trán hỏi:

- Nhỏ bồ mày đâu? Sao nay có thời gian rảnh đến tìm tao tán dóc thế?

Bạn Nguyên Phân kéo ghế ngồi xuống cạnh hắn, lấy thìa dằm dằm ly kem của Nguyên Phân, múc vài muỗng thả vào miệng nhăn mũi nói:

- Lạnh quá!

Nguyên Phân giành lại ly kem, giọng điệu ghét bỏ tiếp lời:

- Ai mướn mày ăn?

- Tao đang buồn mà! – Bạn Nguyên Phân nũng nịu đáp. Tôi ngồi nhìn anh ấy chằm chằm, trông tướng tá cao to đẹp trai thế kia mà nói chuyện nghe buồn nôn thôi rồi!

- Buồn cái vẹo! Liên quan quái gì đến tao? Sao hôm nay đi đến đâu cũng gặp người nói mình buồn thế không biết? Số tao sao lại khổ thế này? Đi đến đâu cũng phải làm gối ôm, làm khăn lau mặt. – Nguyên Phân lườm bạn mình song quay sang bảo tôi. – Ra kêu chị Mun pha cho nó một ly café, nhớ bỏ nhiều muối vào. Thằng này ăn mặn dữ lắm!

Tôi bật cười, đứng dậy gật gù tỏ vẻ đã hiểu, đoạn hỏi thêm:

- Anh có muốn thêm ít tương cho chua chua ngọt ngọt hay không?

Bạn Nguyên Phân liếc xéo tôi ra vẻ bà cô đanh đá, đưa ngón út lên gẩy gẩy tóc mai, chớp mắt nghĩ ngợi một chút lát sau đáp:

- Không, cám ơn, một ly café đen là đủ rồi!

Giỏi á, coi cái cách nói chuyện kìa, làm như tôi là phục vụ của mấy người không bằng ấy. Thiệt bực mình hết chỗ nói! Lại còn cái anh này nữa, điệu bộ nhìn như bê đê thế mà cũng có bạn gái, chịu không có thấu. Tôi đánh mắt lườm hai anh con trai đang ngồi cười phúc hậu đợi mình đóng vai chân sai vặt đi mang café về. Tôi bảo:

- Vâng thư hai ông lớn, đợi đấy!

Tôi quay lưng đi được một đoạn rồi mà vẫn nghe giọng Nguyên Phân lanh lảnh đằng sau, hắn nói:

- Đi nhanh rồi về đừng để hai quan đợi lâu nghe con.

Rồi á, anh giỏi lắm luôn rồi á! Tôi nghiến răng nghiến lợi tự nói với lòng rằng lát về thế nào cũng phải nhổ hết tóc Nguyên Phân, cho chừa cái tội tự mãn. Đến quầy tôi bảo chị Mun cho mình một ly café đen, chị ấy lại bảo tôi tự pha. Này là cái lý gì? Mấy người này thật sự coi tôi là giúp việc rồi đó hả? Tôi tức tối nằm bẹp ra quầy bắt đầu dọa dẫm:

- Tốt thôi, nếu chị thật sự muốn lỗi vốn vậy thì em sẽ pha.

Chị ấy dừng động tác trong tay lại, xoa đầu tôi cười nói:

- Con bé này, bữa nay lại sao thế? Pha hộ chị một chút đi. Chị đang bận này!

- Vâng, chị bận...

Tôi tự mình pha lấy một ly café và mang về cho hai tên mất dịch nọ. Từ xa Nguyên Phân thấy tôi thì nhiệt tình vẫy tay song nói:

- Về đây nhanh, anh kể chuyện này cho mà nghe.

Tôi nhướn mày nhìn Nguyên Phân song bước nhanh đến chỗ hắn, để ly café xuống bàn không kiềm được toét miệng cười hỏi:

- Vụ gì thế?

- Thằng này mới bị bồ đá, há há há... - Nguyên Phân ngửa cổ cười điên cuồng, mà nói đi cũng phải nói lại, tội anh chàng này ghê có thằng bạn thế này chắc tức mà chết!

Bạn Nguyên Phân thấy mình bị đem ra làm trò cười thì đầu đầy vạch đen, tức tối dụi cù trỏ vào ngực hắn, thấy chưa đủ lại vòng tay kẹp cổ Nguyên Phân nghiến răng nghiến lợi hỏi:

- Nguyên Trịnh, có tin tao bẻ gãy cổ mày không, hả?

Không đợi Nguyên Phân đáp lời, tôi ngồi đối diện vỗ bàn cái "bốp" vội lên tiếng ngăn cản:

- Khoan khoan từ từ hẵng bẻ, đợi em lấy điện thoại ra quay cái đã.

Hai chàng trai nọ dừng hẳn động tác ngồi im nhìn tôi, không khí ngưng kết có phần đáng sợ. Tôi đưa tay lên gãi gãi đầu, thả chiếc điện thoại mới lấy trong túi quần ra xuống bàn, nghĩ một lúc rồi hỏi:

- Vậy là hai anh không đánh nhau nữa hả?

- Đánh cái gì? Có tin anh đánh em trước không? – Nguyên Phân chồm người đến cốc vào đầu tôi một cái đau điếng. Tôi sụt sịt xoa đầu mở to mắt nhìn hắn chằm chằm, tôi rất muốn gào lên nói cho Nguyên Phân biết rằng: đã cảnh cáo thì không được hành động. Anh có hiểu không, có hiểu không hả? Cái thứ người gì thế không biết? Người ta có lòng tốt đánh trống lảng để mình không bị bạn hăm dọa bẻ gãy cổ rồi còn. Đúng là không biết tốt xấu!

Thoáng thấy tôi phụng phịu, làm bộ làm tịch liếc hắn đến rách hai con mắt, Nguyên Phân nói:

- Nhắm mắt lại, con gái con đứa nhìn nhìn liếc liếc kiểu đấy thế hả? Xấu tính!

Sao mà cái tên này chẳng bao giờ nói nổi một câu tử tế thế nhỉ? Từ bé đến lớn, hắn chưa bao giờ nói chuyện với tôi một cách đàng hoàng, bình đẳng. Nguyên Phân sống theo kiểu cứ phải chọc cho tôi tức điên lên thì mới chịu được. Tôi nghiến răng nghiến lợi nuốt ngược cục tức vào trong đoạn nói:

- Em xấu tính thế đấy, thì sao chứ? Anh nhìn lại mình xem, hơn em ở điểm nào?

- Thôi thôi được rồi, hai đứa mày làm ơn đừng coi tao là người vô hình nữa. – Bạn Nguyên Phân xen vào, khuôn mặt bất đắc dĩ có phần nhăn nhó. Anh ấy bảo tôi. – Em ngày nào cũng cãi nhau với nó thế mà không chán à? – Thật ra tôi rất muốn hỏi anh ấy rằng: "Em chán mà người ta không chán thì biết làm thế nào?"

Song tôi chưa kịp nói gì Nguyên Phân đã chìa bộ mặt hí hửng ra tiếp lời:

- Ừ ha, tí thì tao quên mất, đang kể chuyện mày bị bồ đã mà?

- Thôi mày, để tao yên đi...

- Để yên cái gì? Tao làm gì mày đâu? Mà này, tao cứ thắc mắc mãi, thi học kỳ năm lớp mười nhỏ bồ mày ngồi bàn trên cứ quay xuống chép bài tao suốt. Bao năm nay tao vẫn băn khoăn, lần đó tao được hai điểm, không biết nó được mấy nhỉ?

- Không biết...

- Cái thứ mày nó đá là phải rồi, hỏi cái gì cũng không biết. Thôi chấp nhận số phận đi, không trước thì sau sớm muộn gì cũng bị đá.

- Thôi mày...

Cứ thế cãi nhau nguyên cả ngày. Giờ có lẽ không cần tôi nói anh ấy cũng biết, không phải là tôi thích cãi nhau với Nguyên Phân mà là hắn không cho tôi quyền lực chọn.

Nhớ có lần tôi qua nhà Nguyên Phân chơi thấy hắn đang ngồi nhổ tóc trắng cho mẹ. Bới qua bới lại cả buổi chẳng được sợi tóc trắng nào, vậy mà nhe răng nói dối không thèm chớp mắt. Nguyên Phân nói: "Hết tóc trắng rồi.", mẹ hắn bảo: "Sao mà hết được? Nhổ tiếp đi". Ừ thì nhổ, mà chông cái cách hắn nhổ tóc trắng không khác gì xào rau, quệt bên này bên kia mỗi bên một nhát, tựa như đang câu giờ. Tôi nhớ như in khuôn mặt cà lơ phất phơ của hắn lúc ấy, tôi còn nhớ hắn nói:

- Sao mẹ nhiều tóc trắng thế?

- Tại anh bất hiếu, tôi nói không bao giờ nghe nên tôi mới nhiều tóc trắng thế đấy!

- Hèn gì...

- Hèn gì cái gì?

- Hèn gì mà ông bà ngoại đầy một đầu tóc trắng, mẹ hư lắm nhé!

Đấy bạn xem, đến mẹ mình mà hắn còn không tha nữa là người dưng nước lã như tôi, như bạn hắn.

Vô hình chung tôi gần như đã quên mất rằng mới đó mình còn khóc nháo nói bản thân rất buồn, rất buồn. Song làm gì có ai muốn bản thân mãi mắc kẹt trong bốn bức tường, ngày ngày đánh bạn với cô đơn? Dù buồn thế nào tôi cũng phải vượt qua, người ta sống được thì tôi cũng sống được. Và hơn hết tất cả tựa như bộ môn Sinh Học đã chỉ rõ, để tồn tại và phát triển. Nếu không muốn bị chọn lọc tự nhiên đào thải tôi buộc phải thay đổi để thích nghi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro