Miền Trung năm Thìn 1964

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thảm họa thiên tai thế kỷ tại Quảng Nam qua ngày giỗ lụt mùng 6-10 (ÂL) (Lụt năm Thìn)
"Họa năm Thìn" mà dân gian hay nhắc liên quan đến những năm Thìn kinh hoàng trong lịch sử. Năm Giáp Thìn 1904 một trận bão, gây sóng to như sóng thần, làm nước dâng khủng khiếp tại các vùng thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay từ ngày 13-3 đến ngày 16-3 (ÂL). "Tháng ba, mười ba còn ghi. Nhựt thực giờ Ngọ vậy thì tối tăm". Năm Giáp Thìn (1964) có 11 cơn bão.

Bài 1: Miền Trung năm Thìn 1964 – trời sa xuống đất
Hiện nay ở miền Trung trung bình mỗi năm chịu ảnh hưởng của 13 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới và 23 đợt gió mùa Đông Bắc. So với đỉnh lũ lịch sử năm 1999 nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cao hơn đỉnh lũ năm 1964. Thế nhưng trận lụt kinh hoàng năm 1964 sẽ còn mãi ám ảnh đến cư dân miền Trung như một thảm họa thế kỷ qua ngày giỗ lụt mùng 6.10 (ÂL).

Như một sự trùng lặp, hiện tượng "nhựt thực giờ Ngọ" cũng được ghi lại bằng trực cảm trong trận lũ lụt năm Thìn – 1964 tại miền Trung. Các nhân chứng tại Quảng Nam mô tả giống nhau: Đầu tháng 10 (ÂL) nước từ trận lụt trước còn mấp mé không chịu rút / Mùng 4-10 (tức ngày 7-11-1964) mưa to kéo dài / Từ mùng 5-10 trời sa xuống đất / Giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy / Mưa kéo dài không ngớt đến ngày 6-10 thì nước vào / Tối mùng 6-10 nhà cửa bắt đầu trôi / Nước lên nhanh nhưng xuống chậm.

Trận lụt năm 1964 gây thiệt hại kinh hoàng cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín (đơn vị hành chính của Việt Nam cộng hòa năm 1964), Quảng Ngãi và Bình Định. Đặc biệt tại Quảng Nam, cư dân ven hai con sông Thu Bồn – Vu Gia bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo tài liệu của nhà báo Hoàng Hải Vân, ông Phạm Khôi (tức Mười Khôi), Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ đó mô tả: "Lụt từ trên nguồn đổ xuống bốn hướng. Từ Phước Sơn, Tân An xuống Giảng Hòa, từ sông Giằng, từ Tam Sơn xuống Tam Kỳ và từ Tam Kỳ xuống Bàu Bầu, An Hòa. Trận lụt to làm nước xuống rất mạnh đến nỗi núi lở từng cụm từng mảng, đẩy những tảng đá như cái nhà cái nong trôi đi, ở Trà My, Phước Sơn. Lụt đã mở thêm ra hai cửa biển và đổi cả dòng sông. Ruộng bị lấp ở Phương Đông, Dương Yên thành như sân bay. Ở Giảng Hòa 480 dân chết hết 400, đất lở hết không còn làng nữa. Trong tỉnh, 3.000 mẫu ruộng bị lấp, gần 6.000 người chết, huyện Quế Sơn là nặng nhất!".

Sinh viên dược khoa Sài Gòn gói bánh chưng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lụt năm 1964
Sinh viên dược khoa Sài Gòn gói bánh chưng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lụt năm 1964
Huyện Quế Sơn theo mô tả của ông Mười Khôi hiện nay tách thành hai huyện là Quế Sơn và Nông Sơn. Huyện Nông Sơn nằm ven sông Thu Bồn chính là rốn lũ năm Thìn – 1964. Theo số liệu điều tra vết lũ, mưa từ ngày 4 đến ngày 10-11-1964 mực nước tại trạm Nông Sơn đạt 22,16 mét. Tại các làng như Đông An, Khánh Bình, Cà Tang, Trung Phước... bị thiệt mạng gần hết. Nhiều gia đình, nhiều xóm tập trung tránh lụt trên gác gỗ hoặc nóc nhà bị cây cối trôi từ nguồn xuống càn quét theo dòng nước dữ. Cả một vùng mênh mông ngổn ngang dày đặc xác cây cối, nhà cửa, súc vật và người.

Ngày 13-11-1964 Chính phủ Việt Nam cộng hòa của ông Trần Văn Hương tổ chức họp báo quốc tế tại hội trường Diên Hồng (Sài Gòn) về tình hình lũ lụt miền Trung. Con số đưa ra tại cuộc họp báo của ông Trần Văn Hương cho thấy tỉnh Quảng Nam có 2.500 người thiệt mạng, 22.447 nhà cửa bị trôi, 96% hoa màu bị thiệt hại. Tỉnh Quảng Tín thiệt hại nhân mạng 1.270 người, 14.250 nhà cửa bị cuốn trôi, súc vật chết 83%, hoa màu thiệt hại 100%. Tỉnh Quảng Ngãi 1.000 người thiệt mạng, 14.000 nhà cửa bị sập cuốn trôi, súc vật chết 80%, hoa màu thiệt hại 80%... Tỉnh Quảng Tín thời điểm đó bao gồm các huyện lỵ kéo dài từ ngã ba Hương An (Quế Sơn hiện nay) đến giáp Quảng Ngãi, dân số 340.220 người, tỉnh Quảng Nam dân số 569.322 người, Quảng Ngãi 618.174 người.

Theo tài liệu đã dẫn ở trên, ông Mười Khôi cho biết lụt năm Thìn – 1964 số người thiệt mạng tại Quảng Nam lên đến 6.000. Heo, gà, trâu, bò bị trôi có đến 3 vạn con, tấp xuống ven biển làm thành một bờ đê súc vật. Mùa gặt đã thu hoạch về bị mất 35%. Khoai lúa còn ngoài đồng mất từ 70 đến 90%. Sinh lực bị hao kiệt... Trong khi đó số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) Tây Thái Bình Dương vào năm 2011 cho biết trong vòng 50 năm qua Việt Nam có 20.000 người chết do bão so với 4.000 người chết do lũ lụt. Những trận bão tệ hại nhất trong thế kỷ này là trận bão năm 1964 khiến 7.000 người chết và bị thương...

Không rõ WTO dẫn từ nguồn nào, song chắc chắn số người bị thiệt mạng trong thiên tai năm 1964 là do lụt chứ không phải bão. Một số liệu khác trong bài báo "History of Hue swamped by flood water" năm 1999, đăng trên tờ Viet Nam News, Tiến sĩ Đỗ Đức Hùng nêu: Trận bão đổ bộ vào vùng bờ biển này năm 1964 gây lũ lớn ở 3 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người...". Có một điều hết sức lạ lùng, hiện nay đa phần người dân Quảng Nam luôn tin số liệu trong bài thơ "Thảm nạn quê hương" chúng tôi sẽ trích đăng dưới đây của nhà thơ Tường Linh là số liệu chính xác nhất. Số người thiệt mạng tại Quảng Nam trong bài thơ này là 4.000 người!

Hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong trận lụt năm Thìn – 1964 gần như không có. Phần lớn người dân tự cứu nhau nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh thời điểm đó mọi người coi như cùng chung số phận. Cần nhắc lại là năm 1964 do chiến tranh, làng mạc ven sông Thu Bồn – Vu Gia nghèo xơ xác, chỉ toàn nhà tranh vách đất, một làng may ra mới có được vài chiếc ghe nan thô sơ, hoàn toàn không có xuồng máy. Khi bị nước cuốn trôi, mạnh ai nấy bu bám bất cứ vật gì vớ được và may mắn được tấp vào một nóc nhà còn vững chắc hay một gò đất nào đó.

Cảnh ngộ cha nhìn thấy con, vợ nhìn thấy chồng, anh nhìn thấy em đuối sức thả tay chết trước mắt mà không cứu được hết sức bi thương. Nhiều gia đình, dòng họ cùng tránh lụt trên gác hay nóc nhà cầm chắc cái chết nên lấy dây gàu múc nước cột tay nhau với hy vọng không xác ai bị thất lạc. Khi nước rút ra, những người còn sống sót thân sơ thất sở vật vưỡng đi tìm người thân và bắt gặp nhiều "dây xác" dính chùm với nhau như vậy.

Sau lụt lớn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hồ Nghinh triệu tập Ban Thường vụ họp khẩn cấp để nghe tình hình thiệt hại. Khi bàn về chủ trương khắc phục hậu quả, ông Hồ Nghinh nêu phương châm: "Trời làm hại, bắt đất bồi thường" và chỉ thị: Phải tập trung toàn bộ lực lượng của cách mạng xuống đồng bằng vừa phối hợp với lực lượng địa phương giúp dân dựng, sửa lại nhà cửa, đào hầm, dọn vệ sinh, phòng chống các dịch bệnh; phát động một phong trào sản xuất rau màu ngắn ngày cứu đói...

Khu V trích xuất hai phần 3 lương thực để cứu dân. Ông Nguyễn Quốc Dũng – nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 72 đứng chân trên địa bàn Nông Sơn – Trung Phước cho biết: "Lụt vừa rút ra, chúng tôi liền xuống cơ sở ở vùng giải phóng để giúp đỡ bà con. Ngang qua các làng Thạch Bích, Bình Yên, Tí, Sé, Dùi Chiêng... thấy cảnh tan hoang chưa từng có. Hơn cả một trận địa B52 của Mỹ!".

Hoạt động cứu hộ cứu nạn trong trận lụt năm Thìn – 1964 không có nhưng hoạt động cứu trợ và nhân đạo sau lụt diễn ra tương đối tốt, phần lớn là nhờ đồng bào Nam Bộ và nhất là Sài Gòn. Tại Sài Gòn, nhiều tổ chức tôn giáo, thương mại, sinh viên, học sinh... đã treo khẩu hiệu "Một triệu đồng bào miền Trung đang đói rét" nhằm quyên góp lương thực thực phẩm, thuốc men, quần áo... cho đồng bào miền Trung.

Các lực lượng đoàn thể, sinh viên Sài Gòn như nam, nữ Hướng Đạo, thanh niên, sinh viên Phật tử, thanh niên, sinh viên Công giáo, thanh niên thiện chí, các hội sinh viên Văn khoa, Dược khoa Sài Gòn, Kỹ thuật Phú Thọ, Cao Thắng... di chuyển từ Sài Gòn ra Đà Nẵng bằng máy bay DC3 tham gia cứu trợ. Sinh viên Sài Gòn tham gia cứu trợ được cho phép nghỉ học 3 tuần lễ.

Các đoàn cứu trợ từ Đà Nẵng vào Hội An và di chuyển bằng ca-nô từ Hội An ngược lên sông Thu Bồn. Quân đội Mỹ cũng cử một chiến hạm chở 1.300 tấn vật phẩm gồm bột mì, đậu nành, bắp, sữa, áo quần... của 3 tổ chức từ thiện cá nhân và tôn giáo Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng. Số vật phẩm này được 24 máy bay trực thăng đưa đi phân phát cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và Bình Định.

Nhà thơ Tường Linh sinh năm 1930, hiện đang sinh sống tại TP HCM. Quê ngoại của ông ở làng Đại Bình, quê nội ở làng Trung Phước nay thuộc huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam. Bài thơ "Thảm nạn quê hương" được viết năm 1964 ngay sau trận lụt nay gần như trở thành bài thơ "dân gian" ở Quảng Nam, nhiều người già đều thuộc. Bài thơ này được tác giả chú thích là "Ghi theo lời kể của anh Cả Ngoạn".

Thảm nạn quê hương
Không còn gì nữa cả
Không còn gì nữa cả em ơi!
Một tháng quê hương không bóng mặt trời
Một tháng quê hương mưa gào gió thét
Đất Quảng thân yêu người người rên siết
Sáu mươi năm lại đến "họa năm Thìn"
Thảm nạn này biết thuở nào quên!

Biết thuở nào quên!
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
Tấp vào bờ thây của người ông
Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
Một "dây xác" trôi về đâu, ai biết...

Còn bao cảnh não nùng, bi thiết
Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
Người sống sót không còn nhà cửa
Không áo cơm, khô cả lệ thông thường
Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục
Quê hương ta: một hình hài ngã gục
Gà Tan ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên... nước xóa cả rồi
Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm
Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm
Đồng hoang vu còn giữ những thây người
Những thây người! Không đếm hết, em ơi!

Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10
Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!
Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ
Thảm nạn này biết thuở nào quên
Xót thương về, em hãy đốt hương lên!

Bài 2: Gặp nhân chứng của ngôi làng 1500 người chết

Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng trong tâm thức những người dân ít ỏi còn sống sót tại làng Đông An xã Quế Phước huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam trận lụt năm Thìn – 1964 như mới xảy ra ngày hôm qua.

Đó là một cơn ác mộng, một ký ức tàn khốc, chắc đến cuối đời những nhân chứng của trận lụt này mới có thể quên được

Ông Lương Mân (67 tuổi), sống tại làng Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Năm 1964, ông Bảy Mân 18 tuổi, sống tại làng Đông An xã Quế Phước huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam cùng với cha mẹ và anh chị em.

Đông An là một làng nhỏ nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, thời điểm đó có khoảng 300 gia đình, dân số khoảng 1.500 người, chủ yếu làm ruộng và hoa màu ven nà cát. Xế trưa ngày mùng 6-10 năm Giáp Thìn (tức ngày 9-11-1964) nước lụt từ sông tràn lên làng. Nước lên rất nhanh, xế chiều thì tắt đường chạy vô núi.

Cả gia đình ông Bảy Mân 11 gồm ông bà nội và các cháu trèo lên gác. Cỡ tiếng đồng hồ sau, mọi người phải dở tranh mái trèo lên nóc nhà. Nước từ sông chảy ào ào ghê rợn. Nước bao vậy tứ phía.

Cả làng Đông An lúc bấy giờ đều ở trên các nóc nhà. Khi trời còn sáng, một số nhà bắt đầu trôi. Tiếng kêu la chới với kinh hồn lạc phách vang lên. Đến lượt nhà ông Bảy Mân cũng đổ nhào.

Mọi người mạnh ai chụp được bất cứ cái gì bám lấy cái đó. Ông Bảy Mân cùng 5 – 6 người trong cơn hoảng loạn bu được ngọn mít. Trong một cố gắng cứu giúp mọi người, cha và bác Hai của ông Bảy Mân từ trong làng chèo chiếc ghe của gia đình ra. Mọi người mừng quá nhào ra bám lấy ghe.

Chiếc ghe chìm nghỉm theo dòng nước xoáy hất mỗi người đi một hướng. Lần này ông Bảy Mân bu được cây gạo trên đó đã có sẵn mấy người bám rồi. Người anh đầu của ông Bảy Mân lúc đó lại từ làng bơi ra trên một chiếc ghe nhỏ để cứu cha, cứu mẹ, cứu em và mọi người. Chiếc ghe lại lật úp một lần nữa đánh văng mọi người trôi tuốt xuống một ngọn cây cao ở Hội thánh Tin lành. Trời bắt đầu tối.

Trong bóng đêm, ông Bảy Mân và mọi người mỗi người bám một ngọn cây cố gắng kêu gọi nhau cho bớt sợ. Ở ngọn cây gần đó, ông nghe tiếng bà Quyển đang ôm đứa cháu nội nói với ông Dung: "Anh Dung ơi, em đi đây!".

Không chịu đựng nổi, bà Quyển đã thả tay. Rất nhanh sau đó ông Dung cũng thả tay chìm ngỉm giữa dòng nước hung tợn. Không một cây cối nào chịu đựng nổi sức nước hung tàn đang chảy dữ dội. Ông Bảy Mân phó mặc mệnh trời khi ngọn cây to nhất ông đang bu bám cũng bật gốc từ đuôi làng trôi ra hướng giữa sông vun vút như tên.

Mỗi lần gặp nước xoáy, cả cây chìm xuống nước sau đó lại trồi lên. Suốt cả đêm, ông Bảy Mân cố chết cố sống bám giữ vào gốc cây đó cho đến sáng. Cả một cảnh tượng kinh hoàng đang bày ra trước mắt ông Bảy Mân. Dòng sông, làng mạc biến thành một biển nước ngập tràn cây cối, nhà cửa, trâu bò và những người còn sống kêu la chới với. Bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ thúc đẩy ông nhảy đại qua một cây cổ thụ khác to hơn nên có vẻ an toàn.

Quá mệt mỏi vì hoảng sợ và lạnh ông vòng tay ôm chặt một nhánh cây. Lúc bình tĩnh định thần nhìn lại, một cảnh tượng còn khiếp đảm hơn đang ngoằn nghèo trên thân cây cổ thụ. Từng nùi rắn, đủ loại, đủ màu, con to bằng bắp chân, nhỏ như ngón tay út quấn lấy nhau huơ đầu hoảng loạn. Một con rắn hổ chúa to bằng bắp tay trườn lên bụng ông nằm im lạnh ngắt.

Ông Bảy Mân kể lại lúc đó mình chỉ biết nhắm mắt và phó mặc cho định mệnh.

Nhưng kỳ lạ thay, nhiều con rắn bò qua người nhưng không con nào cắn. Đến khoảng 4 giờ chiều, gốc cây trôi ra đến Hội An, sắp tới Cửa Đại sau hành trình gần 100 cây số.

Gần như kiệt sức, mọi hy vọng về sự sống đã tắt ngấm, đầu óc bắt đầu quay cuồng. Ngay lúc đó ông Bảy Mân thấy trên bờ bên kia, một bà già mặc bộ đồ nâu cầm chiếc nón lá tất tả chạy theo gốc cây đang trôi gọi tha thiết: "Con ơi! Vô đây với bà! Con ơi...".

Gốc cây đó đã tấp vô bờ ngay chỗ bà cụ già đang gọi nhưng ông không thấy bà cụ đâu nữa. Sau đó ông ngất đi và được người ta tìm thấy đưa vào bệnh viện Hội An.

Nửa tháng sau nước rút, ông Bảy Mân hồi phục và trở lại Đông An. Từ cõi chết trở về, thấy ngôi làng xưa của mình tan hoang như địa ngục. Xác người chết, trâu bò, cây cối ngổn ngang đầy đồng.

Cả làng không còn một mái nhà, không còn một ngọn cây. Từng đàn quạ bay lượn trên trời không kiếm ra chỗ đậu kêu la quàng quạc nghe rợn người. Lội trong bùn non ngập tới bắp vế tìm lại ngôi vườn cũ, lâu lâu lại thấy máu tươi sủi bóng bóng từ dưới bùn trồi lên mặt.

Anh Hai Hương của ông trôi ngược tới Đá Mài gần khu An Điềm của Đại Lộc cũng còn sống sót trở lại. Dòng họ Lương ở Đông An còn lại bốn anh em, trong đó có anh Tư của ông Bảy Mân là ông Lương Lang khi nước lụt ông đang làm việc dưới Hội An nên thoát nạn.

Gia đình ông Bảy Mân bị chết tất cả 11 người, sau lụt chỉ tìm ra được hai xác. Cả làng Đông An 300 gia đình trên 1.500 người chỉ còn sống sót 19 người của 12 gia đình.

Họ che tạm lều, mót bắp và lúa ngập lụt phơi khô ăn qua ngày. Vụ mùa năm đó không ai trồng tỉa nhưng cả đồng mọc đầy lúa rài trĩu bông. Đặc biệt bí đao nhiều vô kể ra trái không làm gì cho hết nhưng ông Bảy Mân bỏ làng ra đi luôn cho đến bây giờ. Con cái ông Bảy Mân bây giờ sống ở thành phố Đà Nẵng nói mỗi lần nghe tivi thông báo bão lụt là ông Bảy Mân sợ hãi thất thần.

Chúng tôi trở lại làng Đông An để tìm gặp những nhân chứng sốt sót trở về trong trận lụt năm Thìn – 1964. Trên bàn thờ ở nhà ông Lương Lang không có di ảnh nhưng thay vào đấy là một danh sách dài 11 người được đánh máy lồng trong khung kính sau bát nhang. Là người đứng mũi chịu sào trong dòng tộc, sau lụt năm Thìn – 1964 ông Lang trở về làng bám trụ và xây dựng cuộc sống mới.

Vợ ông Lang là bà Huỳnh Thị Thiệp, một trong 19 người sống sót ở làng Đông An. Bà Thiệp thời đó không biết bơi nhưng bà nói nhờ phúc phần bà đã được cứu sống vào sáng mùng 7-10 (ÂL) khi trôi tới làng Bảo An ở Gò Nổi và bám lên được một mái nhà. Hai ông bà có tất cả 8 người con, tất cả đều học hành đỗ đạt và ông Lang nói ông vẫn ở lại làng này mà không thấy sợ lụt nữa.

Vào buổi chiều tà, ông Lang đã dẫn chúng tôi lên đầu làng, nơi đó có một cái cấm nhiều cây cổ thụ và ông nói đây là chòm cây cối duy nhất của làng còn sót lại sau lụt năm Thìn – 1964 che chở cho 19 người còn sống sót ở Đông An. Ngôi đình làng nằm giữa cấm bị lụt trôi mất được ông Lang vận động phục dựng lại cách đây mấy năm.

Ở phía đầu đường đi vào đình có một căn nhà nhỏ trên đề mấy chữ "Nhà thờ lụt", lễ cúng giỗ chung cho cả làng vào ngày mùng 6-10 (ÂL) hàng năm được tổ chức tại đây. Ông Lang nói: "Sau lụt năm Thìn – 1964, làng dựng miếu thờ những người chết lụt ở đây nhưng một trận lụt khác đã cuốn đi mất. Mấy năm nay tôi mới vận động tiền xây lại. Làng nghèo nên không có tiền để làm miếu lớn nhưng như thế này cũng thấy ấm cúng rồi!".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro