Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngoài trời lất phất những hạt mưa đầu mùa, gió se lạnh vùn vụt thổi tới như cứa vào da thịt lạnh buốt. Màn đêm đã bao trọn Sài Gòn hoa lệ, phù phép biến phố thị phồn hoa ban ngày này trở nên tĩnh mịch đến đáng thương.

Trong cái tiết trời lành lạnh này mọi người có vẻ ngại đặt chân đi dạo phố, khắp các con đường hầu hết cũng tắt ngóm đèn điện. Bên ngoài lác đác vài chiếc xe hơi rì rè chậm rãi mà chạy, đủ cho thấy sự phát triển vượt bậc của một thành phố văn minh.

Dưới mái hiên ga Sài Gòn, một thằng bé tầm cỡ tám tuổi ngồi co ro tránh đi trận gió vồ vập thổi tới. Trên người nó chỉ có vài mảnh vải bố được may lại qua loa, tạm chấp nhận gọi là quần áo. Cánh tay gầy gò, dáng dấp nhỏ bé cùng khuôn mặt khắc khổ làm nó càng trở nên thê lương.

Một chiếc xe hơi sang trọng giảm tốc, ghé vào mái hiên chỗ thằng bé đang lạnh rúm người kia.

Người đàn ông ngồi ghế lái vội vã đi xuống, đến cửa sau vặn tay cầm mở ra. Một đứa trẻ khác khoảng mười tuổi, ăn vận sơ mi cùng chiếc quần Tây ống rộng, nhìn qua là biết con cái gia đình giàu có nào đấy.

Cậu đi đến trước mặt thằng bé kia, hắng giọng kêu một tiếng. Đợi vài giây thằng bé ngẩng đầu mới nói:

— Mày về làm cho nhà tao! Tao cho mày ăn ngon.

Thằng bé ngước nhìn người trước mặt. Dáng người cao hơn nó, sạch sẽ hơn nó. Nó suy nghĩ lại lời vừa rồi của cậu, sụt sùi hỏi:

— Anh... Anh cho em ăn với ở hả?

— Tao nói là làm. Không xạo mày đâu! — Cậu lấy tay dụi dụi mũi tỏ vẻ kênh kiệu, tao là người có tiền, nuôi thêm miệng ăn như mày quá dễ!

Nó nghe thấy thế mừng lắm, tay chân luống cuống đứng lên. Ngày nào cũng lang thang ngõ cùng hẻm cụt xin từng miếng thức ăn thừa, có hôm không xin được đồng nào đành ôm bụng đói. Bây giờ có người cho nó ăn, cho nó mặc, cho nó ở, đổi lại chỉ cần làm việc, đối với nó mà nói đây là điềm lành ông Trời cho nó.

Thấy thằng bé gom gom mấy thứ rác rưởi xung quanh định mang theo, cậu nói:

— Khôn hồn thì quẳng hết đống đồ bẩn thỉu đó đi! Dơ xe ba tao.

Nó phản ứng lập tức. Vứt toàn bộ đống "báu vật" trong tay đi. Nào là báo cũ, cái lược mất mấy cái răng, cái kiếng mất một tròng, bật lửa hết gas, cái ly sứ vỡ hơn nửa,... Tiếc nuối nhìn đống "gia tài" đồ sộ bị bỏ lại, nó cắn răng mà ứa nước mắt.

Mải miết nhìn mớ đồ bỏ kia, nó không để ý cậu đã đi lên xe mà vọt mất. Quay lại thấy chiếc xe hơi đã đi xa, sắp khuất bóng nó mới ì ạch chạy theo.

Cả ngày không ăn gì nên nó chạy rất chậm, cố gắng nhớ ngã rẽ của chiếc xe mà bức tốc liều mạng đuổi theo. Nhưng có vẻ cậu dặn lái xe đi chậm để cho nó theo kịp được, thành ra con xe chạy rất êm, chậm rì rì ngang với vận tốc của xích lô.

Trên xe, cậu chủ kháu khỉnh ngoái lại nhìn thằng bé hì hục đuổi theo mà khoái trá cười hề hề. Dáng dấp nhỏ bé, khoác bộ quần áo thùng thình khiến nó giống như con búp bê Pháp cha cậu mua cho cậu hồi tháng trước.

— Nhanh lên! Không là tao bỏ mày lại đấy! — Cậu vặn kính xe xuống, nói rõ to.

Câu kia vừa lọt vào lỗ tai, thằng bé lập tức tăng tốc, cố gắng giữ khoảng cách với xe cậu chủ. Nó không muốn bị bỏ lại đâu!

•••••

— Sinh đâu rồi! Xách cặp cậu ra đây mau! — Bà Liễn cài cúc áo cho Phúc, lớn giọng gọi.

Hôm nay là ngày khai trường của Phúc, Sinh được cậu cho theo hầu ăn uống gì đấy. Bởi thế ngay từ sáng sớm, nó lật đật phụ bà Cúc làm cơm sáng cho cậu, ủi quần áo cho cậu. Từ lúc nó về làm đến nay là hai tháng, học ủi đồ mà cháy lên cháy xuống, suýt chút là cháy nhà, nhưng nhờ ý chí quyết tâm phục vụ cậu hai tận tình, nó lấy mấy miếng vải vụn tập ủi. "Có công mài sắt, có ngày nên kim", bây giờ nó đã ủi đồ khá chuyên nghiệp, không còn cháy nữa.

Điều khó khăn nhất với nó có lẽ là soạn thời khóa biểu cho Phúc. Sinh vốn dĩ nửa chữ bẻ đôi cũng không biết huống hồ đọc môn học mà xếp vào cặp cho cậu. Nó sợ hỏi lại bị mắng té tát, nên cuối cùng đưa ra quyết định sáng suốt, cho toàn bộ sách vở vào cặp cậu. Và rồi người chịu khổ cuối cùng là nó, vách cái cặp nặng trịch này đến trường cho Phúc.

— Dạ, con ra đang ra nè bà ơi!

Sinh chật vật kéo cái cặp táp đen của Phúc ra. Cái cặp rõ to còn nó thì bé tẹo như con kiến, đúng là tội nghiệp.

Phúc ăn mặc tươm tất xong, nhìn Sinh nhíu mày:

— Có cái cặp xách cũng không xong! Có tin tao vứt mày về nhà ga không hả?

Sinh tái mặt nói:

— Con lạy cậu! Đừng đuổi con, con sợ đói sợ lạnh lắm! Huhu.

Nhìn bộ dạng sụt sùi của Sinh, Phúc đâm ra bực dọc:

— Đàn ông con trai khóc cái gì? Muốn không bị đuổi mà còn lề mề à!

Thấy cậu chủ đi một mạch ra xe, Sinh lật đật cầm cặp táp chạy theo.

— Mở cửa cho tao! — Phúc di chuyển lông mày nhìn Sinh.

Sinh đặt cặp nặng xuống, lễ phép mở cửa xe, thỉnh cậu lên.

Phúc ngồi trong xe nhìn thằng Sinh bên ngoài, nhăn nhó mặt mày như đít khỉ. Nó nhìn thấy cậu như vậy liền dùng mắt kiểm tra bản thân có dơ dáy chỗ nào mà để cậu nhìn chằm chặp như thế. Nó vẫn không hiểu, ngây ngốc nhìn Phúc.

— Mày định đi bộ đến trường tao à? Lên xe mau! — Phúc mất kiên nhẫn với thằng hầu khờ khạo này.

Ơ, rõ ràng người ở không được lên xe cậu chủ, sao cậu lại cho nó lên? Sinh ngơ ngác ngó trước ngó sau, vẫn chưa hiểu sự việc.

Phúc dường như mất kiên nhất với thằng hầu ngu này. Cậu bước xuống xe, kéo rồi vứt nó lên xe xong phủi phủi tay.

Lần đầu ngồi trong cỗ xe sang trọng như vậy, trầm trồ kinh ngạc cũng không phải là chuyện lạ. Sinh láo liên nhìn khắp xe, tay chạm vào đủ thứ. Cái cần xoay này thật thú vị! Xoay mấy vòng cửa kính từ từ hạ xuống. Cái ghế nệm này cũng mềm hết sức.

Nhìn biểu hiện thích thú của Sinh, Phúc cảm thấy bực dọc. Rõ ràng là cậu cho nó lên xe, cho nó thử cảm giác đi xe một lần, vậy mà một tiếng cảm ơn nó không thèm nói với cậu.

— Mày ngon rồi he Sinh. "Cảm ơn cậu!" cũng không biết đường nói. — Phúc ho khan như ông cụ non, hơi giận nói với Sinh.

Bé Sinh ngây ngô chẳng biết gì, nghe thấy cậu trách ngay lập tức cười tươi:

— Con cảm ơn cậu!

Phúc gật gù, xem như mày biết điều.

•••••

Mấy ngày sau đó Sinh đều ngồi xe chung với Phúc đến trường. Ông chú lái xe cũng hoài nghi về thằng nhỏ tên Sinh này, sao cậu hai lại đối tốt với nó thế nhở?

Nhưng phận người làm "nói ít làm nhiều", không nên táy máy chuyện của gia chủ.

Hôm nay vào giờ ra chơi, nhận lệnh cậu hai, Sinh chen chúc vào đám học sinh dưới căn-tin mua mấy bịch bim bim cho cậu.

Trường này hầu hết là con cháu của các quan, các phú hào khác trong huyện tới đây học, nên chúng ngày nào cũng có dăm ba đồng tiêu vặt.

Nghĩ đến cậu hai đang đợi ngoài sân trường nắng nóng, Sinh cố gắng dùng cơ thể nhỏ nhắn của nó bon chen qua đám ong trước mặt này. Không may Sinh đang nắm tay áo của một đứa, bị xô đẩy mất đà mà ngã xuống, cái tay áo kia bị xé rách theo.

Ngã một cú không đau lắm, nhưng lúc ngẩng đầu lên thì bao nhiêu ánh mắt đổ về phía Sinh.

— Á à thằng này, mày làm rách áo mới của tao, mày đền nổi không? — Một thằng bé mập mạp với cái áo mất ống tay trái hung hăng sấn tới trước mặt Sinh.

— Nhìn đồ mục nát thế này chắc là người hầu của nhà nào rồi. Mau, gọi chủ mày tới đây đền áo cho anh Mẫn đi!

— Đúng đấy, đền đi!

Một đám xung quanh bu đến phụ họa.

Sinh hốt hoảng trong lòng.

Nó làm gì dám gọi cậu hai chứ. Cái áo nào sờ vào mịn vải như thế, giá chắc chắc rất đắt, rất nhiều tiền. Nó mà gọi cậu hai thể nào cũng bị mắng te tua một trận, sau đó có thể bị đuổi đi nữa cơ. Nó sợ lắm.

Thấy Sinh im thin thít, đứa mập bắt đầu cáu gắt hơn, dùng cánh tay núng nính mỡ cầm lấy cổ áo Sinh kéo lên:

— Mày có chịu mở miệng ra không thì bảo? Tao bực rồi đấy!

Sinh vẫn giữ trạng thái như thế. Hôm nay là lần đầu tiên nó lì lợm như vậy. Mặc cho tên trước mặt gào rú, la hét ra sao, nó vẫn ngoan ngoãn ngậm miệng. Vì nó sợ cậu chủ đuổi hơn là tên ra oai ra hùm này.

Tính khí của công tử bị phật ý nổi lên, Mẫn vung nắm tay, đấm thẳng một phát thật mạnh lên giữa mặt Sinh. Vốn chỉ mới tám tuổi mà chịu quả đòn từ người gấp hai ba lần mình như vậy, Sinh xiểng niểng ngã xuống đất, máu mũi chảy ra.

Thầy cô gần đấy muốn cũng không dám cản. Thằng Mẫn kia là con của tay buôn gạo có tiếng ở Sài Gòn, dám lớn lối với con trai hắn xem hắn có dám xử đẹp họ không.

Thấy máu mũi chảy ra quá nhiều, bọn trẻ xung quanh kéo kéo Mẫn bảo đi đi, sợ đánh thêm vài ba đấm nữa Sinh sẽ đi đời mất. Thằng Mẫn này to béo thế thôi nhưng gặp máu cũng rúm ró người lắm chứ, theo đà đám kia lôi kéo nó cũng bỏ đi.

Sinh lập tức đứng dậy, lấy tay bóp mũi lại để cầm máu. Nó chạy nhanh khỏi căn tin để không lũ kia quay lại thì toang.

Ra sân trường nó thấy cậu hai ngồi dưới gốc bàng, từ xa trông rất tức giận. Sinh từ từ len lén lại chỗ Phúc, trên tay ôm hai gói bim bim, dúi vào lòng cậu:

— Con mua bim bim cho cậu rồi nè. Chen chúc mệt lắm. — Nhưng vẫn giữ một tay che máu mũi.

Phúc xé gói bim bim ra, lại nhìn lên tay phải che che mặt của Sinh, cậu lớn tiếng:

— Bỏ cái tay xuống!

Bị giật mình, Sinh lập tức bỏ tay xuống. Vết máu còn ươn ướt chưa khô hẳn đọng lại bên cánh mũi, trên má còn có vết bằm tím.

— Đứa nào đánh mày? — Phúc bực mình đứng lên.

— Dạ? Không có gì đâu cậu, con bị té đập mặt xuống đất nên chảy máu á. Không ai đánh con đâu! — Sinh cố tình đánh trống lảng.

Phúc tuy mới mười tuổi nhưng tính của cậu lại hệt ông già. Nhìn kĩ càng Sinh một lúc lâu, cậu mới ngồi xuống ghế ăn nốt bịch bim bim.

"Đứa nào dám đánh thằng Sinh của tao thì liệu hồn đấy! Chỉ có tao mới được bắt nạt nó thôi!" — Phúc ngấu nghiến mà nghĩ.

— Cậu hai, ăn chậm thôi! — Sinh cười cười lau máu trên mặt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro