1shot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


nằm trong một con đường dẫn tới khu chợ nọ, có tiệm gia công trang sức nằm im lìm cạnh cái lò rèn, ngày qua tháng lại đầy tiếng búa dao.

anh thợ bạc dáng người thư sinh, trời cho đôi tay khéo léo mà theo thầy học làm trang sức. ròng rã suốt bốn năm trời mới có được căn tiệm cho riêng mình làm chủ, nhận sửa chữa dây chuyền, nhẫn, khuyên tai cho các cô các chị. cả chợ được anh thợ khéo tay nên ai cũng vui vẻ mà gửi đồ sửa hộ, anh thợ được vậy mà đủ tiền sống qua ngày.

ở phía bên cạnh, đối nghịch hoàn toàn với căn tiệm sạch sẽ của anh thợ nọ, là cái lò rèn dao rèn búa, suốt ngày râm ran tiếng mấy thanh sắt va vào nhau, tiếng máy mài vang rít cả hàm răng.

mà cái gã thợ đó cũng chẳng phải thư sinh hay gì, dáng người phát tướng đô con, người lúc nào cũng lôi thôi dính đầy vụn sắt cùng nhọ than, mở miệng thì toàn đao to búa lớn, đã vậy bên tay còn có vết sẹo dài như bị bỏng, trông lại thêm phần đáng sợ.

gã thợ rèn từ lâu vốn chẳng ưa gì tên thợ bạc bên cạnh, con trai gì mà ẻo lả như mấy thằng học sinh, quanh năm vác cái ba lô to đùng cùng cặp kính dày cộm, tới lúc học xong lại chẳng nghề ngỗng gì mà quanh quẩn trong xó nhà, lại thành ra bộ dạng vô tích sự.

cơ mà con người ta có nghề đàng hoàng chứ có như gã nói đâu! nghe đâu còn nuôi được cha mẹ ở quê kia kìa.

đành là ghen ghét bao lâu nhưng đôi khi ngẫm nghĩ, gã cũng có chút ganh tị với anh thợ nọ, bởi cái vẻ ngoài khá ưa nhìn lại thêm cái nghề mà phụ nữ vốn hay lui tới nên được nhiều cô để ý lắm. quanh quẩn vài tuần là lại có cô nào đó ghé thăm. còn gã, năm này tháng nọ thui thủi một mình cùng đống dao búa, đến một mống tình còn chưa thấy tăm hơi. có trời mới biết gã đã sốc như nào khi biết thằng nhóc ẻo lả mà gã hay chê lên chê xuống lại suýt soát tuổi mình!

nhưng dù sao thì cái tên bên cạnh cũng chẳng phải hạng cao sang gì mà được nhiều cô thương mà thề nguyện chung chăn chung gối một đời. tới tới lui lui cả hai đều y như nhau, đã gần nửa năm mươi nhưng vẫn ế chổng chơ ra đó, sớm tối ra vào cũng chỉ thấy mặt nhau rồi lại ừ hử cho qua như chẳng quen chẳng biết, chả ai nói với ai điều gì. mà cũng dần dần, gã chẳng còn đoái hoài chuyện ghen tức gì với người kia nữa.

.

mấy dạo rài gã cứ hay lóng ngóng về căn tiệm bên cạnh, cách vài hôm lại có cô gái nào đến, người vận váy hoa, chân đi giày bệt gọn gàng ngồi trước cửa tiệm mà hủ hỉ gì đó với anh thợ bạc, cả hai to nhỏ cái gì đó trông bộ vui lắm, còn chẳng để ý tới gã hay rình mò bên cạnh luôn cơ mà!

vậy rồi cảnh tượng chướng mắt cứ lặp đi lặp lại, cho tới khoảng hơn tháng thì cô gái kia không còn đến nữa, ngẫm tới ngẫm lui lại đâm ra đoán mò anh thợ nọ bị cô kia đá rồi chứ đâu, gã thầm gật gù với cái ý nghĩ yêu sớm chỉ khổ của mình.

nhưng rồi cũng có hôm, gã phát hiện 'thằng nhóc' bên cạnh tập tành bia rượu, cứ tối đến là lại thấy nó ngồi trước cửa căn tiệm nhỏ mà nốc cạn hết lon này đến chai nọ, một bộ chán đời đến thảm thương.

nhận thấy cửa tiệm đã bao ngày không đón khách, gã lầm lì nện từng nện búa yếu ớt xuống miếng sắt vốn đã biến dạng. buông xuống cây búa trên tay, gã lôi từ trong túi quần ra một sợi dây bằng kim loại. nhìn nó đung đưa trong không khí một hồi lâu, cho đến khi sợi dây ngưng chuyển động hẳn, gã thu lại sợi dây vào lòng bàn tay, rời đi.

tần ngần một hồi trước cửa tiệm gia công trang sức đã kín cửa từ xế chiều, gã tiến tới đập mạnh vài cái, cánh cửa kéo bằng sắt đã hanh gỉ rít lên từng tiếng, chất giọng gã hơi trầm khàn kêu lớn

- thạc, thạc ơi, có nhà không?

bên trong không nghe thấy tiếng động gì, gã lại giáng từng tiếng đập lớn tựa cây búa lớn lên cửa, tưởng chừng như sắp méo mó đến nơi.

có tiếng rột roạt vọng ra từ ổ khoá, tiếng bánh xe kéo dưới chân cửa đã lâu ngày không thay nhớt càng rít tai hơn mà mở ra một cách khó khăn. trong bóng tối hắt hiu của căn nhà nhỏ, bóng dáng hơi loạng choạng xuất hiện trước mắt cùng tiếng rượu thoang thoảng lởn vởn xung quanh. gã nhíu mày nhìn tên nhóc tươm tất mọi ngày giờ chẳng khác gì mấy gã thất nghiệp, kéo giúp cánh cửa sắt, người kia đầu tóc rối bù hỏi lại

- có gì không tuấn?

- không có gì, định nhờ thạc sửa dùm sợi dây chuyền mà tiệm đóng cửa rồi, sẵn tiện hỏi thăm xíu.

gã hơi mất tự nhiên nói, tay đưa vào túi lấy ra sợi dây khi nãy đưa anh.

nhìn đi, đã làm tới vậy rồi còn từ chối kiểu gì được chứ!

gã đắt ý nghĩ, sợi dây vẫn lửng thửng trong tay, thạc nhìn, cũng không nói gì thêm, đưa tay bắt lấy sợi dây, giọng hơi khàn hỏi

- khi nào tuấn lấy?

- tùy thạc.

- vậy hai ngày nữa nha, nay tiệm đóng cửa.

- tức là hai ngày nữa thạc mở cửa lại?

- hm... chắc là vậy.

- thạc bệnh hả? tôi thấy thạc hơi mệt.

- đâu có, uống mấy lon nên đầu hơi choáng thôi, để tuấn lo rồi.

- có gì đâu... - gã hơi ngại trả lời. - hàng xóm với nhau cả mà.

ánh mắt anh hơi ngưng lại, nhìn tuấn vài giây rồi cười, một nụ cười hiền chồng chất lên cái vẻ mệt mỏi vốn có.

- vậy sao, tôi còn tưởng tuấn ghét tôi lắm.

gã hơi chột dạ nhìn nhìn thạc, thấy anh vẫn cười, gã hơi ngại mà nói

- cũng không phải ghét bỏ gì, nhà cạnh nhau cả mà, hỏi thăm xíu cũng không phải gì to tát lắm.

anh lại cười, bước sang một bên, miệng nói

- tuấn vào nhà chơi.

gã hơi ngại nhưng rồi cũng theo chân thạc bước vào trong.

.

thạc lấy vài lon bia đưa tới, gã đón lấy nhưng cũng không có ý định uống cùng. thạc thấy vậy cũng không nói gì thêm, lặng người nốc một hơi bia trước con mắt ái ngại của người bên cạnh. gã nhìn chằm chằm, không tự chủ hỏi

- có chuyện buồn sao?

hỏi xong, gã cũng hơi bất ngờ vì sự quan tâm mà mình vô tình dành cho ai đó. không tự nhiên khui ra lon bia trên tay một hơi tu hết mấy ngụm, thạc lên tiếng, một câu trả lời chẳng mấy liên quan

- tuần sau tôi về quê rồi.

nghe anh nói, ánh mắt gã hơi ngưng lại rồi coi như thường mà uống tiếp mấy ngụm.

- sao không tiếp tục làm ở đây? - gã hỏi.

- ông già dưới quê bị bệnh, nhà cửa ruộng vườn một mình mẹ tôi quản không kịp nên phải về.

- vậy chừng nào thạc lại lên.

gã hỏi, thạc chỉ im lặng mà không trả lời. này xem như là lãng tránh cái gì đó đi, vì cô gái hôm nào chẳng hạn...

- tôi không có lí do ở lại. - thạc nói bằng chất giọng khô khốc, dù trước đó đã nốc cạn hết mấy lon bia. gã chợt nghĩ lại, đúng là không có lí do thật.

- vậy còn sợi dây của tôi thì sao?

gã hỏi, một câu hỏi chẳng liên quan mấy, nhưng chung quy vẫn là cái cớ để người kia nghĩ lại, nhưng nghĩ cái gì, chính gã cũng không biết.

- tôi sẽ tranh thủ làm xong cho tuấn mà!

anh cười, một nụ cười trông có phần bất đắc dĩ, chẳng biết vì câu hỏi của gã hay vì cố gượng lên nữa. thở ra một hơi, gã đánh liều hỏi

- mấy hôm trước có cô nào hay ghé chỗ thạc đó, giờ sao không thấy nữa rồi?

anh thợ nọ chỉ cười nhẹ, bóp méo lon bia mà uống cạn, không đầu không đuôi mà nói

- theo chồng rồi.

quả đúng như gã đoán, cô nọ chắc đã tìm được ông chồng nào giàu hơn đám thợ quèn bọn họ rồi. cũng đành vậy thôi chứ biết sao, trong cái xã hội này kẻ lắm tiền nhiều của đương nhiên được ưu ái hơn đám nghèo nàn bọn họ mà, có trách thì trách gã với anh chẳng giàu được như người ta đi.

gã buông tiếng thở dài, tiếng thở mỏng tanh, cô quạnh lan tỏa trong không khí, bàn tay thô ráp vỗ lên vai người bên cạnh

- thôi để nó qua đi, rồi thạc định khi nào mới thu xếp về?

- chắc qua tuần sau, với lại làm xong sợi dây chuyền cho tuấn rồi tôi mới đi.

- ừ. tôi đợi thạc...

...gã chắc nịt lên tiếng, chẳng biết đợi thạc làm xong sợi dây hay đợi thạc trở về nữa.

.

hai hôm sau, y như lời hẹn, thạc đem sợi dây tuấn gửi đến hôm trước sang cho. sợi kim loại được đánh bóng sạch đẹp, chẳng còn cái hình dáng đen đúa đầy vết nhơ như hôm nào. gã cầm lấy, đòi trả tiền nhưng thạc cứ chối đây đẩy, qua qua lại lại một hồi, tuấn cũng ngậm ngùi mà nhét lại tiền vào trong.

.

liên tiếp mấy ngày, gã cũng không còn qua lại nhà thạc nữa, cửa tiệm cũng khoá ngoài. gã ngồi thẩn người rồi lại đoán già đoán non, không chừng thạc về quê luôn rồi.

cầm sợi dây chuyền còn mới tinh nằm giữa đống dao búa đầy vết đen, gã quyết định gọi cho thạc.

vác người chạy ra nhìn nhìn cái biển hiệu tiệm bạc bên cạnh, gã ấn dãy số rồi không chần chừ mà bấm gọi ngay. một loáng sau đầu dây bên kia có người bắt máy, là anh thợ bạc mà gã vội vã tìm số gọi cho được đấy mà. gã lúng túng không biết nói gì cho phải, khi nghe người kia liên tục hỏi tên mới hoàn hồn mà cất tiếng

- là tôi, tuấn nè.

- tuấn hả? sao biết số tôi mà gọi hay vậy?

- trên biển cửa tiệm có ghi.

- à, tôi quên mất! mà tuấn gọi tôi có chuyện gì không?

gã nghĩ một hồi, đến khi nhớ ra sợi dây chuyền trong tay mình, nhanh nhẹn nói

- sợi dây thạc sửa hôm trước nó lại đứt nữa rồi, tôi không quen ai để nhờ sửa được nên mới gọi cho thạc...

- tuấn nói làm tôi cảm giác như tôi là ông thợ bạc duy nhất ở cái đất này vậy!

- thì đúng là vậy mà!

tức thì đầu dây bên kia vang lên tiếng cười, gã cũng theo âm thanh đó mà vẽ nên một đường cong trên khuôn mặt hơi ngăm của mình. thạc nói

- hay tuấn thử ghé mấy tiệm bạc trên thị trấn coi thử, ở đó có mấy người sửa mát tay lắm!

- thôi, thạc không sửa tôi cũng không dám đem cho ai sửa, mà ở dưới quê thạc có còn sửa đồ nữa không?

bên kia im lặng hẳn đi, chỉ còn lại hơi thở phả vào ống nghe, thạc lại nói

- ở đây cơm còn không đủ ăn, lấy đâu ra vòng vàng mà sửa hả tuấn.

gã hơi ngẩn người, chợt nhớ đến cuộc nói chuyện chống vánh hôm nào của cả hai, thạc bảo ở dưới quê vốn nghèo nên mới cố bương chải lên thành phố kiếm sống, dù cuộc sống bây giờ chỉ có lẩn quẩn ở chợ lẻ thì so với ngày trước vẫn là tốt hơn nhiều. nhưng giờ thì đâu lại về đấy, thạc vẫn đành lòng rời cái đất này mà về quê, bỏ gã một mình sớm tối cô đơn như hồi xưa ấy. nhưng biết sao được, lại phải tập quen thôi.

tuấn cũng lặng hẳn, bàn tay gã bấu chặt vào sợi dây chuyền vẫn còn vẹn nguyên, nói tiếp

- còn vì cô kia nữa, đúng không?

gã hơi do dự nhưng rồi cũng hỏi. vốn dĩ gã đã biết khá nhiều thứ từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với cô gái nọ cách đấy vài hôm. phận con gái vì muốn cho cha mẹ cuộc sống an nhàn mà phải bước theo chồng, thuận theo ý gia đình sắp đặt.

nhân sinh, ai cũng tham muốn có được nhiều hơn những thứ họ cần.
vì vốn dĩ, tình yêu cũng phải nuôi dưỡng bằng vật chất.

ngay từ đầu cả hai vốn đã không nên duyên, có trách cũng chẳng thể dùng cái ngữ khí của kẻ bị thương mà trút giận lên người cô gái kia được. lực bất tòng tâm, có muốn, vốn cũng chẳng thể thay đổi cái nghĩa lý của sự đời. mà trong cái nghĩa lý đó, tiền vẫn chiếm thế thượng phong, không phải sao?

thạc cũng chỉ im lặng, hơi thở khó nhọc buông ra bên đầu dây kia

- chuyện cũng lỡ rồi, tuấn đừng nhắc nữa.

biết mình lại đục khoét nỗi đau của ai đó, gã thở dài, nói

- vậy thạc không về nữa, đúng không?

đầu bên kia ừ nhẹ một tiếng, âm thanh nhẹ bẫng vỡ vào hư không, rồi biến mất dần như cái quan hệ hàng xóm chỉ vỏn vẹn vài ngày của bọn họ.

cả hai bên rơi vào trầm mặc, lát sau thạc mới lên tiếng từ biệt

- thôi, không có gì thì tuấn cúp máy đi, để lâu tốn tiền.

gã chợt hoàn hồn lại, nhận ra mình đã nấu cháo điện thoại từ nãy đến giờ, ái ngại nói

- tôi quên mất, mà thạc cho tôi gửi lời thăm hai bác ở nhà nha!

thạc cảm ơn một tiếng rồi tắt máy. chiếc điện thoại vẫn còn để hờ trên tai, khẽ buông xuống, gã thở dài rồi lại trở vào trong nhà, không dám nhìn về cửa tiệm bên cạnh thêm lần nữa.

.

vậy rồi, ngày dài tháng rộng cũng dần qua, có mấy người tìm đến chỗ thạc nhờ sửa nữ trang nhưng không gặp, kiên trì vài lần rồi tự bảo với nhau 'anh thợ nọ nghỉ luôn rồi'. cứ vậy, người ta cũng quên béng đi anh thợ bạc hôm nào, mà nếu có nhớ thì cũng chả được tích sự gì khi anh chẳng còn làm nữa.

nhưng duy chỉ có gã vẫn ở đó, bên cạnh cửa tiệm đã được chủ nhà treo lại cái bảng cho thuê, tấm biển treo trước nhà đã bị người dỡ xuống từ hôm nào, một khoảng không trống rỗng chẳng hề quen mắt. gã lạ lẫm nhìn, rồi lại lui cui trở vào bên trong. từ ngày hôm ấy, gã cũng chẳng ghé mắt qua tiệm thêm lần nào nữa.

ngày dài tháng rộng, gã thợ rèn vẫn quanh năm mài dao sửa kéo ở khu chợ ấy, vẫn chờ đợi ai đó dù chẳng một lời hứa hẹn nào từ trước. gã chờ, chờ anh thợ nào đó trở về sửa cho gã sợi dây chuyền vốn còn mới tinh, nhưng mối nối của nó đã đứt lìa từ khi nào ấy, cũng đã khá lâu rồi...

.

181018

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro