Chương 7: Đức Nhân.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi nghe thấy Đỗ Lan đồng ý với câu nói của mình thì Chiêu Dương đã trở lại trạng thái ban đầu, không còn cảm thấy tủi thân nữa. Còn Chiêu Hàng thì lại nói: "Để mở được lớp học chính quy thì phải chờ cha ta gởi thơ lên kinh, có được giấy phép mới có thể mở lớp học."

"Cần giấy phép là điều tất nhiên, tuy nhiên lớp học chính quy cần phải mời Phu Tử ở kinh về dạy, có lương bổng và học phí theo quy định của nhà nước. Chúng ta chỉ cần xin giấy phép để mở lớp học từ thiện, không thu học phí nên cũng sẽ không phải đóng thuế, việc này chỉ cần có giấy phép của Học Quan là được rồi." Đỗ Lan trình bày, y cũng hiểu những chuyện như thế này thì Chiêu Hàng sẽ không hiểu rõ ràng bằng mình.

Nghe thấy Đỗ Lan nói như vậy thì Chiêu Hàng cũng cảm thấy xấu hổ trong lòng, anh nói: "Là ta ngu muội. Ta sẽ trình báo sự việc lên cha ta, đối với việc học hành thì cha ta sẽ không phản đối."

"Đúng vậy, xưa nay cha ta làm việc luôn rất có nguyên tắc, đối với những chuyện giúp ích cho mọi người thì cha ta chưa bao giờ từ chối." Chiêu Dương cũng nói chen vào.

Nghe thấy vậy Đỗ Lan cũng có thể biết được ngài Huyện lệnh Chiêu Minh Lễ đúng thật là một vị quan phụ mẫu tốt ở nơi này. Nhưng huyện Từ Khê cách kinh thành quá xa, việc học hành không được chú trọng, người dân các đời nếu không làm nông thì phải đi lính, ngài Huyện lệnh cho dù có lòng tốt thì cũng lực bất tòng tâm mà thôi. Có lẽ đúng như lời Chiêu Hàng đã nói, Chiêu Dương chính là ánh sáng dẫn lối duy nhất cho bọn họ, chỉ cần nó học hành thành tài, mũ áo về làng thì có thể thay đổi cục diện mù mịt ở nơi này.

Dẫu rằng ai cũng biết con đường vinh hiển không hề dễ dàng, Đỗ Lan cũng biết Chiêu Dương đã bỏ lỡ hai năm học tập nên trên đường tiến tới khoa cử sẽ càng khó khăn hơn nữa. Nhưng bây giờ điều đó không còn là mộng tưởng của một mình y nữa rồi, đây còn là khao khát, cũng là niềm tin của người dân nơi đây. Vừa rồi cùng với Chiêu Dương đi đến dịch trạm, nhìn thấy cách mọi người nói chuyện với nó, y cũng biết mọi người đặt kỳ vọng vào nó đến mức nào.

Cũng dễ hiểu, với sự thông tuệ Chiêu Dương đã bày ra cho y thấy thì không khó để hiểu lý do tại sao mọi người lại đặt nhiều kỳ vọng như vậy. Ngay cả Đỗ Lan là một người được mệnh danh trăm năm khó tìm cũng phải thán phục trước sự hiểu biết, nhanh nhạy của nó. Học một hiểu mười, chỉ là hơi ngỗ nghịch mà thôi, chỉ cần dành thời gian uốn nắn thì chắc chắn sẽ thành tài. Ngọc không mài không thể thành đồ tốt, Chiêu Dương gặp được y cũng xem như gặp được người thầy có thể dẫn dắt cho nó, trau chuốt, đẽo gọt nó, khiến nó nên người.

"Nếu đã quyết định như vậy, vậy thì út Chiêu, khoảng thời gian sau này thầy sẽ dành tám phần thời gian để dạy cho con, hai phần còn lại sẽ dạy học cho đám trẻ con và thiếu niên hiếu học trong huyện." Đỗ Lan nhìn Chiêu Dương rồi lên tiếng nói. Nó cũng nhìn y cười, rồi gật đầu tỏ ý chấp thuận yêu cầu y đưa ra.

Chiêu Hàng đứng bên cạnh cũng cảm thấy vui lây, anh ta gãi tai, nhìn về phía Đỗ Lan, nói: "Vậy ta có thể được học lỏm hay không? Từ nhỏ ta sống cùng nương của ta, gia cảnh không tốt, ta chỉ mới học qua Tam Tự Kinh, những điều cao hơn ta vẫn chưa được học."

"Đương nhiên có thể. Nhưng nói trước là tôi sẽ không vì anh là con trai của ngài Huyện lệnh, hay vì anh là một lính canh mà châm chước, nhân nhượng nếu anh phạm lỗi đâu."

"Ta hiểu đạo lý này. Người là thầy, là bề trên của ta, ta phạm lỗi đương nhiên thầy phải phạt thật công tâm thì mới có thể làm gương cho những học trò khác được." Chiêu Hàng cúi người giống như đang hành lễ, anh ta đối với Đỗ Lan cũng vô cùng tôn kính. Người hiếu học đối với thầy giáo luôn có dáng vẻ nề nép, quy củ như vậy, đây là một phẩm chất đáng quý, cần được noi gương theo.

Còn Chiêu Dương thì lại không mấy hài lòng nhưng không nói ra miệng, nó vẫn còn sợ mấy lời răn dạy vừa rồi của thầy nó. Tuy Đỗ Lan không nói nặng lời nhưng ý tứ trong văn chương bộc lộ ra không phải ai cũng có thể thẩm thấu, nó là một người có học, thẩm thấu lại càng kỹ hơn. Hơn nữa nó đối với Đỗ Lan giống như có một loại cảm giác gì đó, khiến nó không cam tâm khi y không xem trọng nó, người thầy này thật đặc biệt, khiến nó chỉ muốn chạy theo, không muốn bỏ lỡ.

Buổi tối, Đỗ Lan đang dọn dẹp lại mọi thứ trong phòng cho ngăn nắp thì Chiêu Dương lại tới, nó nằm lên giường làm rối tung miếng lót giường của y. Tuy rằng đã chắc nhở nhưng động tác của đứa trẻ này thô kệch không được nhẹ nhàng, dù có cố thế nào thì lúc nằm vẫn làm xê dịch mọi thứ.

"Vì sao con không ở phòng mình mà lại sang đây?" Đỗ Lan hỏi.

"Ở một mình rất chán, hơn nữa ở phòng thì cũng đâu có việc gì để làm, ta sang đây giúp thầy dọn dẹp."

"Thầy thấy con sang đây quậy phá thì đúng hơn. Lúc rảnh rỗi con nên luyện chữ, nét chữ là nét người."

"Ta biết rồi." Chiêu Dương bĩu môi, nó nói tiếp: "Chỉ còn hôm nay là ta rảnh rỗi thôi, ngày mai ta nhất định sẽ chăm chỉ, ta cũng sẽ ngoan ngoãn nghe lời thầy."

Đỗ Lan gật đầu nhưng không trả lời, y dọn dẹp lại các tập sách và cán công văn. Lúc chiều vì đi vội cho nên đã không kịp cất hết, y lấy bức họa Trịnh Thảng tặng y đặt vào trong góc, cũng giống như giấu kín trong lòng.

Đã một năm rồi, có lẽ cũng vào một đêm hè như thế này, y theo lời hẹn của Trịnh Thảng đi tới đình viện trong cung của hắn. Vẫn như mọi ngày, y ngồi uống trà, bồi hắn ngâm thơ, bồi hắn chơi đàn, tình ý trong ánh mắt. Nhân tình ở cạnh, ngồi trước mặt y, đi đến gần y, ngồi trên đùi y, tựa đầu vào vai y. Thời điểm đó giống như muốn ngưng đọng lại, khiến y si mê.

Trịnh Thảng giống như nha phiến, khiến y không thể dứt ra được, khiến y trầm mình say mê, phóng túng dung tục. Lúc đó, y và hắn không màn đến hiểm họa sau này, chỉ biết ở cạnh nhau là đủ.

Trịnh Thảng biết y không quen ở chốn quan trường tranh đấu, hắn biết y cũng lo ngại lời đàm tiếu của thế gian, cũng lo ngại công danh rất khó khăn mới đạt được sẽ bị chôn vùi. Nhưng hai con chim vốn dĩ xa lạ, gặp nhau nơi cung cấm đầy mưu toan lại thấu hiểu lẫn nhau. Lúc đó Trịnh Thảng chỉ sợ mỗi bước y đi sẽ khiến y không thể lùi lại, nhưng hắn cam tâm tình nguyện đi cùng y, y cũng nguyện ý bước cùng hắn. Hắn là người sợ y ướt khi đi mưa, hắn cũng là người muốn điên cuồng cùng y không cần lý do.

Nhưng cũng vào lúc đó, Trịnh Thảng hô hoán, nói y khi dễ hắn, nói y mạo phạm hắn. Dù rằng chuyện mạo phạm, dung tục hơn cũng đều đã từng làm hết rồi.

Hoàng quyền là một điều gì đó có lực hấp dẫn vô hình, khiến một người từng cùng y trầm mê đã thay đổi thành như vậy, bước đi không ngoảnh lại. Y đã từng trách móc hắn, cũng đã tự trách móc mình, hắn là Thế tử, là quý nhân lá ngọc cành vàng, là người vốn đã được định sẵn là Chúa Thượng đời tiếp theo. Nhưng y ở trên người hắn, dang rộng chân hắn, phóng túng tục tằng, y là kẻ bề tôi khi quân phạm thượng, mọi thứ vốn dĩ đã biết từ rất sớm rồi, cố chấp chìm sâu vào thì hậu quả tự gánh lấy. Trách người, chi bằng trách mình, trách y dù đã xảy ra chuyện như vậy nhưng vẫn giữ lại tín vật của Trịnh Thảng, chưa từng quên hắn, chưa từng ngừng thương nhớ hắn.

Đỗ Lan mân mê bức họa, sau cùng dằn lòng đặt sách và các cuộn giấy lên trên, che khuất đi, vết thương lòng cũng vì vậy được lắng xuống phần nào. Còn Chiêu Dương nhìn thấy Đỗ Lan làm như vậy thì lên tiếng nhắc nhở: "Thầy bảo quản như vậy sẽ bị hỏng tranh đấy, nếu thầy không treo lên thì hãy dành riêng một góc để cất giữ nó."

"Không cần thiết đâu, đây chẳng qua cũng chỉ là một bức tranh hỏng, dù không làm gì thì nó vốn dĩ cũng đã hỏng rồi." Đỗ Lan đáp lời, giống như nói chính bản thân y, đã hỏng rồi.

"Thầy là người đã nói với ta rằng, chuyện cũ đã qua, đừng canh cánh trong lòng, nhưng có vẻ như chính thầy đã quên đi lời nói đó."

Đỗ Lan không trả lời, đúng thật như vậy, y dạy cho học trò của mình không nên để những chuyện đã qua vương vấn ở trong lòng, nhưng chính y lại là người không làm được. Nhưng đúng lúc y muốn nói gì đó thì bên ngoài có tiếng nói vang lên.

"Mời thầy và anh lên nhà dùng cơm."

Là Thị Muội, vợ của Chiêu Dương đang đứng bên ngoài cửa, cô cúi người khép nép, trông giống một người hầu hơn là một người vợ.

"Đi ăn cơm thôi, thầy." Chiêu Dương nói với Đỗ Lan rồi nhanh chóng rời khỏi giường, nó chạy ra chỗ Thị Muội đang đứng: "Chị đi trước, ta với thầy sẽ đi sau."

Thị Muội gật đầu thật nhẹ nhàng rồi nhanh chóng đi mất. Xét theo vai vế thì Chiêu Dương là chồng của cô, vì vậy cô phải gọi nó là 'anh', xét về tuổi tác thì cô lớn hơn nó rất nhiều, nó gọi lại cô là 'chị'. Đợi lang muội vẫn là một câu chuyện dài, có người vợ còn lớn hơn chồng mình cả mười lăm, hai mươi tuổi. Đợi đến khi đứa trẻ thành niên thì lễ thành hôn sẽ chính thức được cử hành, tuy rằng Thị Muội được gọi là vợ của Chiêu Dương nhưng chỉ có tờ khế ước bán thân mà thôi, chưa có hôn khế.

Đỗ Lan đi theo Chiêu Dương đi đến nhà ăn, ở đó ngài Huyện lệnh, Chiêu Hàng và Thị Muội đã ngồi chờ sẵn, ngoài ra còn có thêm một cô gái độ mười tám, đôi mươi mà y chưa thấy qua. Y cúi người hành lễ với Quan huyện rồi ngồi xuống ghế còn trống. Ông ta mở lời trước: "Về hai đứa con trai của ta thì thầy cũng đã biết rồi, còn đây là Ánh Hằng, con gái của ta."

Ông ta nhìn về phía cô gái lạ rồi nói, vẻ ngoài đoan trang, cao quý, phù hợp với danh phận cô chiêu lá ngọc cành vàng của cô. Chiêu Ánh Hằng e lệ cúi đầu nói: "Tiểu nữ đương tuổi cập kê, không tiện ra ngoài, mong là thầy sẽ không để bụng chuyện tiểu nữ ra mắt chậm trễ."

"Cô nương quá lời rồi, tôi chỉ là thầy của út Chiêu thôi, nào dám trách móc."

"Ta đã nghe huynh trưởng nói qua là thầy học cao, phong thái đoan chính, là người quân tử hiếm có khó tìm, bây giờ gặp được đúng là trăm nghe không bằng tận mắt nhìn thấy. Cũng coi như út Chiêu nhà chúng ta tìm được thầy giỏi, chỉ mong nó sẽ không phụ sự dạy dỗ của thầy." Chiêu Ánh Hằng nói chuyện vô cùng mạch lạc, cũng là một nữ nhân có hiểu biết, ý tứ rõ ràng.

Nhưng Chiêu Dương thì lại kêu lên: "Ta đương nhiên sẽ không phụ kỳ vọng của thầy ta."

"Vậy thì tốt."

Đúng lúc này, Quan huyện lại nói: "Ta đã nghe Chiêu Hàng báo cáo qua, thầy muốn mở lớp dạy học từ thiện, việc này đối với ta mà nói thì rất đơn giản, nhưng cũng chỉ là công dã tràng, thầy thật sự muốn làm sao?"

"Người hiếu học đâu đâu cũng có, chỉ là họ không đủ điều kiện để được học mà thôi. Hơn nữa, ngài mở lớp dạy học, tiếng lành đồn xa, cũng là điều tốt cho út Chiêu sau này. Khổng Tử có dạy rằng: Người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo mà thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho người được thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với mọi người chung quanh mình thế ấy. Đó là phương pháp phải thi hành để trở nên người nhân đức vậy."

(Nếu muốn mình tiến bộ, thì hãy nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng tiến bộ; nếu muốn đạt được ý hướng riêng của mình, thì hãy lập tức nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng đạt được các ý hướng riêng của họ. Để có thể làm được điều này, bắt đầu bằng nhũng điều nhỏ bé gần bên mình, đối xử với người khác như muốn đối xử với chính bản thân mình. Đây là con đường để sống theo đức Nhân và sự công chính.)

Nghe thấy Đỗ Lan nói như vậy, ngài Huyện lệnh cũng như hiểu ra điều gì đó, làm người phải biết đến Tam cương, Ngũ thường, những đạo lý này ngài ấy sao có thể không hiểu. Muốn lập công danh lớn thì trước hết phải biết đến chữ Nhân. Muốn tu thân phải tuân theo đạo lý. Muốn tuân theo đạo lý, phải thực hiện nhân. Nhân tức là tính người, là kính yêu người trong thân tộc, yêu nhân dân của mình. Đó là điều lớn nhất trong chữ nhân. Mà ngài ấy là quan phụ mẫu, yêu thương con dân của mình là lẽ tất nhiên phải làm. Đâu thể chỉ nghĩ đến con trai của mình, muốn một mình con trai của mình vinh quy bái tổ mà để cho huyện này đều phải vì tiền mà đi lính được. Ông ta nói: "Ngài mai, ta sẽ đến gặp Huyện Quan, xin giấy phép cho thầy."

---

Nhân: Theo Luận Ngữ, Ngũ Thường. Nhân trong Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo mà thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho người được thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với mọi người chung quanh mình thế ấy. Đó là phương pháp phải thi hành để trở nên người nhân đức vậy. – (Trích Luận Ngữ, Khổng Tử Tinh Hoa. Dịch nghĩa: Nếu muốn mình tiến bộ, thì hãy nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng tiến bộ; nếu muốn đạt được ý hướng riêng của mình, thì hãy lập tức nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng đạt được các ý hướng riêng của họ. Để có thể làm được điều này, bắt đầu bằng nhũng điều nhỏ bé gần bên mình, đối xử với người khác như muốn đối xử với chính bản thân mình. Đây là con đường để sống theo đức Nhân và sự công chính.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro