NẠN ĐÓI ẤT DẬU 1945-LENGHIA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kỳ 1: Thảm cảnh quê nhà

Hơn 2 triệu người đã chết vì đói... Cả nhà đói, cả dòng họ đói, cả làng cả xóm cùng đói. Cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 ấy, người trẻ hôm nay sẽ không tưởng tượng nổi. Và bước vào Ất Dậu 2005 này, chúng ta hãy cùng mở lại những trang hồ sơ về trận đói khủng khiếp để đừng bao giờ quên nỗi đau ấy...

Chúng ta tự hào bởi lịch sử dân tộc hào hùng và kiêu hãnh. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát của dân tộc mình. Những người đang sống hạnh phúc hôm nay không hẳn ai cũng nhớ tới nỗi khổ nhục kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt với hơn 2 triệu đồng bào đã chết trong sự đày đọa đến tận cùng của cái đói.

Năm đó, 1945, cũng là năm Ất Dậu, cách đây tròn một vòng quay 60 năm của vũ trụ.

Tiết xuân thanh khiết, đằm ngọt trong gió lành và lộc biếc. Con đường phẳng rộng thênh thênh chạy từ phố xá phồn hoa đến làng mạc trù phú. Lúa chiêm xanh non trải từ bờ ruộng mải miết đến tận chân trời.

Từ thành phố Thái Bình xe chạy chừng nửa tiếng đồng hồ thì đến xã Tây Lương, huyện Tiền Hải. Làng quê khang trang như phố; người xe vui như hội. Cảnh thái bình no ấm đầy căng trong tiếng trẻ nô cười. Nhưng 60 năm trước, nơi đây là một địa ngục thảm khốc...

Bàn chân quỷ đói

Ông lão khoan thai quắc thước không giấu vẻ mãn nguyện của cảnh đề huề phúc lộc. Ông là Lại Thanh Hằng, người thôn Trung Tiến, tuổi 77, sức vẫn khang cường, vợ chồng yên ấm, nhà cửa đàng hoàng. Gần chục người con đều đã nên gia thất, tài danh hưng vượng. Nhưng câu chuyện của 60 năm xa xưa ấy đã làm ông bật khóc. Tiếng nấc khô khốc và giọt nước mắt người già thấm qua những nếp nhăn sâu hằn, bật lên nỗi đau khổ tột cùng.

Ông kể: Ngày ấy, gia đình ông cũng như bao nông dân khác nối đời sống bên ruộng lúa, vườn khoai. Cái bóng của đồn Tây và cổng đình bao năm đè nặng kiếp người. Đường làng khi in thêm dấu giày lũ Nhật lùn thì cuộc sống ngày càng ngột ngạt bởi sưu cao thuế nặng. Cái khô ngái của giong, khoai, củ chuối... ngày một đậm đặc trong nồi cơm.

Thế nhưng nạn đói tàn khốc nhất lịch sử chính thức ập đến từ vụ mùa năm 1944. Năm ấy điềm trời hung gở khác thường. Không chỉ cánh đồng mấy trăm mẫu của Tây Lương mà khắp nơi đâu đâu lúa cũng chết vàng. Lúa dâu, lúa di, lúa tám đều bị hoàng trùng (nay gọi là rầy) phá hết. Nhà ông cấy 2 mẫu nhưng sau khi trừ tô thuế đem về được hơn 1 tạ thóc. Đó là lương thực của bốn người lớn trong suốt sáu tháng dài ròng rã.

Bố mẹ ông bàn tính gì đó rồi mỗi bữa cơm cắt bớt phần gạo. Dần dần bớt cả bữa ăn. Năm đó ông 17 tuổi, sức đương trai nhưng mỗi ngày cũng chỉ có nửa bát cơm, hai củ khoai. Sau rồi mỗi sáng ông đi chăn trâu, mẹ ông cho một nắm thóc rang vừa đầy một lòng bàn tay. Ông gói qua mấy lần lá rồi vài tiếng lại lấy ra vã vào mồm nhai cả trấu, chia đều cho cả ngày dài.

Đêm đêm gia đình ông hì hụp ngoài sông Sứ cất vó tép. Ba, bốn người ngoi ngóp cả đêm may ra hôm sau đem ra chợ đổi được một chén thóc. Có hôm không ai mua thì đem về đổ vào nồi nấu cháo. Đầu tháng Giêng, mẹ ông bắt đầu đem nồi đồng, mâm, ấm, lư hương, tủ thờ... đi bán.

Rồi bố ông dắt trâu xuống huyện cầm cố đem về được 2 yến thóc. Mẹ ông giấu lúa vào bì, lấy gỗ đá, cối xay chất lên làm sao để không ai có thể lấy ra được. Chỉ mình bà biết một cái lỗ thông bằng mắt trâu có thể thọc tay móc ra ít một. Thỉnh thoảng bố ông nói: “Bọn cướp đang rình nhà mình...” rồi ông kê chõng ngủ bên ngoài với một cái thuổng sắc.

Nhà ông bắt đầu phải giết chó, giết lợn, giết gà… Không chỉ để ăn, mà bởi cũng không còn gì để nuôi nó. Có nhà phải giết chó mẹ và 4 chó con vừa mở mắt. Hết gia súc, gia cầm, người ta đào củ chuối, hái rau rệu, rau má, bẻ cây ngô, mò ốc, đào cua, bắt cà niễng, cào cào, châu chấu… để ăn. Cầm cự đói, nhà ông cùng dân làng ra đồng bắt chuột.

Chuột năm ấy chậm chạp, lại dạn người có lẽ cũng vì đói và liều nên rất dễ bắt. Thời gian đầu còn chuột thì chúng được nấu giả cầy, nướng lá chanh, hấp chấm muối, bó giò... Nhà ông còn kho đến mấy nồi đất toàn chuột nấu đông ăn dần. Sau hiếm chuột. Bắt được một con cả nhà mừng như phá cỗ, nướng qua loa rồi xé vội vàng ăn...

Tất cả các loại cây đu đủ, dứa dại, chuối, giong... ngoài đường, trong vườn đều bị đốn ăn không còn một mống. Có gia đình đói quá nghiền trấu, trộn mùn cưa vào cháo ăn. Cháo ít hồ dần, cuối cùng toàn mùn cưa với trấu. Làng bên còn có người ăn cả đất. Lại có người ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của Nhật, Tây để hốt phân của nó về đãi lấy hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn...

Cái đói giày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Nó cào ruột suốt ngày đêm. Nó mở banh con mắt không cho ngủ. Nó kéo bàn chân lê khắp ruộng, khắp làng. Nhà mình đói, làng mình đói thì nhà người ta, làng người ta cũng đói nên có gì đâu mà kiếm. Nhưng cái đói nó không cho ngồi, nó bắt phải đi. Kể cả đi đến nơi mà hôm qua vừa bỏ về…

Làng quê tan hoang xơ xác. Cỏ dại lút đầu gối mọc khắp đường đi, sân nhà, ngõ xóm. Tiếng trẻ con khóc như mèo hoang ai oán suốt đêm. Người người đổ hết ra đường, lê la ngoài bụi chuối, cánh đồng. Cái lạnh thấu xương, bóng đêm đen đặc xuyên qua cái tết lúc nào chẳng hay… Cả thế gian là một màu vàng vọt, xiêu vẹo của đói và đói... Bắt đầu đã có người chết đói trong làng…

Người khiêng xác

Chỉ ra vườn chuối phía sau nhà, ông Hằng nghẹn ngào nói: “Cái chết đau thương nhất đối với tôi là bác Ngảnh, đó là bác ruột tôi và cũng là một trong những người đầu tiên của thôn chết đói. Thật ra thì bắt đầu khoảng rằm tháng Giêng đã có người chết đói ngoài chợ, ngoài đồng. Những gương mặt phù thũng, những ánh mắt thất thần, những thân hình tiều tụy dúm dó bên đống rạ, bụi chuối... đã mang nặng bóng dáng của thần chết rồi.

Nhưng nửa đêm nghe tiếng khóc khô khản vẳng ra từ nhà người thân thì tôi thật sự hãi hùng. Bác Ngảnh chết lạnh cứng đờ, người co quắp trong ổ rơm. Lật thân hình da bọc xương, dúm dó trong mấy miếng vải rách nát, tôi thấy mấy sợi rơm còn vương trong miệng bác. Đó cũng là người đầu tiên trong họ nhà tôi chết đói”.

Khiêng người bác ra đồng chôn, về đến nhà lại có người nhờ bố con ông Hằng đi chôn người chết. Và bắt đầu từ đấy người chết đói trong làng đếm không xuể. Bố con ông Hằng là một trong số ít người còn đủ sức để chuyên đi chôn người chết.

Hồi tháng hai, tháng ba, người chết còn được chôn bó chiếu. Sau đến tháng tư, năm cả làng chết đến mấy trăm người thì không ai còn sức, chẳng nhà nào còn đủ chiếu chăn thì bó xác người bằng vó, bằng lưới, vùng biển thì bằng mảnh buồm. Có khi bó một người lớn với hai ba đứa nhỏ trong một tấm vó.

Ông Hằng thấp hơn nên thường đi trước. Ông nhớ có hôm mình phải đi chôn 4-5 người, mệt quá không nhấc cao tay lên được. Cái đầu người chết thả trễ xuống đất cứ đập bình bịch vào gót chân ông theo mỗi bước đi. Ông Hằng trở thành người chuyên chôn xác đói lúc nào không hay.

Bà Hoàng Thị Chén, 87 tuổi, người thôn Hiên, nói: thôn này lúc cao điểm một ngày chết mấy chục người. Cả người thôn mình lẫn người nơi khác đến đây rồi chết.

Cứ sau mỗi đêm lạnh là lại la liệt xác người trong nhà ngoài ngõ, giữa đồng. Tuần đinh lấy dây buộc vào cổ tay, cổ chân, cổ họng người chết rồi kéo lê ra hố quăng xuống. Sau này chồng bà cùng những người khác đào hố lên thấy có những đám cả 4-5 người bị chôn ở tư thế ngồi, họng còn thắt sợi dây thép.

Ông Lê Văn Bình ở huyện Đông Hưng còn kể: bấy giờ ở những khu phố hay cổng làng nhà giàu, quan lại người ta còn phải thuê người đem xác dân chết đói đi chôn, tránh thối rữa trong làng xã, khu phố. Giá ban đầu là một đồng một xác người, sau hạ xuống 5 rồi 3 hào. Có tay làm ăn dối trá, đào hố nông choèn, vùi lấp qua loa. Vài ngày chuột, quạ, sâu bọ lại bới lên thối không chịu được...

-----------------------------

Theo giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN, ngoài các chính sách tô cao thuế nặng, Nhật còn đưa ra một “chương trình kinh tế chỉ huy” nhằm thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm. Bốn năm liền từ 1941-1944 Nhật - Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 - 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó. Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật còn cần rất nhiều nguyên liệu từ những cây trồng có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu... nên chúng đã bắt rất nhiều vùng quê nhổ lúa trồng đay và các loại cây trên.

Tài liệu của người Pháp thống kê: năm 1944 VN trồng tới 45.000ha đay, gấp chín lần diện tích của năm 1940 do 10 công ty độc quyền của Nhật thu mua, chế biến, kinh doanh thứ cây này.

Cũng theo tài liệu trên, chiến tranh của đồng minh với Nhật tại Đông Dương khiến 50% hệ thống giao thông Nam - Bắc VN bị phá hủy, 90% phương tiện vận tải bị hư hỏng khiến việc đưa lương thực cứu trợ từ Nam ra Bắc càng thêm khó khăn.

Chiến tranh làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Chúng đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói.

Kỳ 2: Dưới đáy của địa ngục

Chết vì đói là cái chết đáng sợ nhất của bất cứ sinh vật nào. Cái chết đến từ từ, không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi. Thế nhưng nạn đói năm 1945 còn gây nên những tấn thảm kịch mà không ai có thể tưởng tượng được.

Nhà hoang - làng trắng

Trong căn nhà bê tông lát gạch được tô điểm bằng những chậu hoa, cây cảnh điệu đàng, gia đình ông Tô Văn Nuôi (xóm Trại, Tây Lương - Thái Bình) rộn rã tiếng cười quanh đứa bé 5 tháng tuổi bụ bẫm đáng yêu như hòn ngọc quý. Ông Nuôi là người đàn ông duy nhất trong dòng họ Tô của xóm Trại sống sót qua nạn đói 1945.

Bà Duy - cô ruột của ông, năm nay 87 tuổi - kể lại: “Chính trên nền đất này bố tôi đã chết hồi tháng hai năm đó. Mấy tuần sau mẹ tôi chết cứng lạnh khi ba chị em tôi vẫn ôm bà ngủ trong ổ rơm. Cả họ chết dần và đến tháng tư còn lại một mình nó (ông Nuôi)...”.

Ông Nuôi khi ấy mới 5 tuổi nhưng bà Duy cũng không biết làm thế nào giúp cháu. Thậm chí bà cũng không còn nhớ là có một đứa cháu bị đánh rơi, bởi chính chồng con bà cũng chết vì đói, bản thân bà cũng đã phù thũng mặt mày, nằm gục rồi lại dậy, không biết còn sống đến hôm nào.

Ông Nuôi cũng không còn nhớ chút gì về gương mặt, tình cảnh hay cái chết của bất cứ ai trong nhà mình. Ông chỉ biết rằng một mình ông hết sáng lại tối, không quần áo bò lê quanh nền bếp đầy rơm, muỗi và thạch sùng. Nhà không một bóng người. Xóm cũng không ánh đèn, không tiếng người, tiếng chó. Ông Nuôi không thể nhớ mình đã sống qua ngày ấy như thế nào, đó là địa ngục hay trần gian.

Ông nói: “Có lẽ tôi bốc tất cả những gì mình gặp để cho vào mồm. Khóc rồi bò. Bò rồi ngủ...”. Mãi 15 năm sau, khi ông lấy vợ thì căn nhà ấy mới có thêm một con người.

Bà Hoàng Thị Chén (thôn Hiên, Tây Lương) kể rằng mỗi đêm làng lại thưa thớt thêm vài ánh đèn. Ấy là khi lại có nhà chết hết hoặc chết gần hết và bỏ đi. Thậm chí nhiều làng, nhiều xóm không còn một ai. Vườn chuối nhà bà hôm nay, 60 năm trước là nhà ông Hoàng Bê, họ hàng của bà.

Một hôm bà thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chạy sang thì cả sáu người nhà ông Bê nằm chết dụi mỗi người một xó. Thây người thối rữa, chuột, bọ, kiến, muỗi... nhâu nhâu. Dân làng đến kéo sập mái nhà vách đất rồi châm lửa đốt... Ông Lại Thanh Hằng (thôn Trung Tiến, Tây Lương) cũng kể khi nghe báo nhà bà Lụt chết cả ba mẹ con trong bếp, chuột ăn, bọ rúc hết rồi..., dân làng lấy xẻng xúc đất lấp nhà bà Lụt.

Theo điều tra của Viện Sử học, chuyện tương tự đã diễn ra ở cả ba gia đình thuộc xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa. Đó là nhà ông Cao Nhuần Sặng, Trình Văn Tự, Nguyễn Văn Tự đều chết cả nhà, không ai chôn được nên làng kéo sập nhà vùi tại chỗ.

Dòng họ Tô của ông Nuôi có 35 người thì chết 31 người. Dòng họ Hoàng của nhà ông Hoàng Bê có 31 người - chết 26 người, còn hai người nữa sống chết nơi nào chẳng rõ. Tình trạng chết cả nhà, cả dòng họ, cả xóm, thậm chí cả làng không còn một người diễn ra ở không ít địa phương miền Bắc lúc bấy giờ.

Riêng ở xóm Bối Xuyên, xã Tây Lương có 51 hộ thì 40 hộ có người chết đói. Trong đó 18 hộ chết không còn ai. Hai dòng họ Tô và Lại gần như bị xóa sổ. Tỉ lệ chết đói là 62%. Đặc biệt xóm Trại ở thôn Thượng có 21 hộ, 82 nhân khẩu đều chết không còn một ai. Xóm bị xóa sổ.

Bi thương hơn chết đói

Ông Nguyễn Văn Thiết (xã Tây Ninh, Tiền Hải - Thái Bình) nói: “Tôi không nhớ là nhà ai trong xã, chỉ biết rằng đôi vợ chồng trẻ ấy mới sinh được đứa con đầu lòng chưa đầy ba tháng tuổi. Đói quá, chồng chết từ mấy hôm trước. Vợ không còn sữa cho con bú, không có gì để ăn nên để con ở nhà lang thang đi kiếm ăn. Không kiếm được gì, người mẹ biết mình sẽ chết, không thể về vì đường xa, bụng đói, sức tàn. Gặp người làng, chị nhờ trông hộ con. Nhưng khi người đó về tới nhà chị thì thấy đứa bé chỉ còn trơ cái cẳng chân tím đen ruồi, kiến bu kín. Nền nhà đầy vết chân chó và máu. Người ta nói đêm nọ nghe trong nhà có tiếng kêu như mèo con. Chắc chó hoang ở đâu đói quá vào ăn thịt đứa trẻ”. Đoàn cán bộ điều tra nạn đói của Viện Sử học cũng ghi lại rất nhiều chuyện trẻ sơ sinh không người trông, tiếng khóc khi đói lả giống tiếng mèo nên đã bị chó hoang ăn thịt như thế...

Họa diệt thân năm ấy đến bằng đủ cách. Ông Hằng nhớ ở làng có gia đình nhà ông Tác rất giàu có nhưng cũng chết đói cả nhà. Khi nạn đói ập đến, dân tình đem đủ đồ đạc, của cải, đồ gia bảo ra chợ bán tống bán tháo để lấy tiền mua gạo. Có cái nồi đồng bình thường đổi vài tạ thóc, lúc ấy chỉ đổi được vài ống lúa. Nhà ông Tác đem hết thóc lúa đổi của cải. Khi hết lương thực dự trữ, ông bán đồ đạc thì không ai có tiền mua nữa. Thế là cả nhà chết rục bên mấy kho của cải. Riêng xã Tây Lương cũng có tới ba, bốn nhà giàu chết như vậy, như nhà ông Nguyễn Văn Tứ, Bùi Văn Dị. Ở Thanh Hóa còn có người đào được vàng năm 1934 và trở thành hào phú, nhưng vì mua sắm nhiều thứ của người đói bán rẻ năm 1945 nên đến lúc hết tiền, bị đói không bán đồ được cũng chết. Ông này khi chết còn mặc áo dài, đội khăn xếp co quắp ở gốc phi lao...

Đói ăn vụng, túng làm liều. Ông Hằng kể: tháng ba Ất Dậu biết tin có thuyền thóc của Hàn Thùy (một hội đồng dân biểu) chở về qua sông Trà Lý, năm, sáu ông là Xiêm, Trật, Đót, Hỷ, Uẩn, Phiên... bày mưu cướp thóc. Đêm ấy họ đã ăn trộm được mỗi người một bị lúa chừng 10kg. Lệnh quan truy nã, tội phạm không ai kịp ăn đã phải đem lúa đi chôn. Ông Đót bị bắt trói vào cột ven đường. Tên lính Nhật vung kiếm chẻ đôi vai, máu nhuộm đỏ chiếc áo bông rách nát. Những người còn lại cũng dần bị bắt rồi chết hết. Số lúa họ cướp được đem đi chôn ở đâu không ai biết. Tài liệu của Viện Sử học còn ghi câu chuyện ông Nguyễn Văn Hợp (xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa) đi lĩnh cháo phát chẩn. Chen nhau, bị hương kiểm bắt đánh đập, tẩm dầu vào tay đốt. Ông lết về đến nhà thì chết. Cả nhà cũng chết theo không còn một ai… Cũng ở xã này, vợ chồng ông Viên Đình Thiện đói quá không chịu được cứ bốc vỏ trấu nhét mồm nhai mãi không chán. Nhai đến một lúc chồng lăn ra chết rồi vợ cũng chết theo, thối rữa ở trong nhà. Người làng đặt xác họ vào cái bồ rồi kéo đi chôn.

Ngoài thị xã Thái Bình có người bán cám cho Nhật để chúng cho ngựa ăn. Loại cám này những người bán hàng đã pha mùn cưa để bán cho người đói nhưng lính Nhật mua và cho rằng bị lừa nên đã mổ bụng ngựa, giết chết người bán cám và nhét vào bụng con vật mà khâu lại… Những câu chuyện rùng rợn và bi thương của nạn đói khiến nhiều người ám ảnh suốt cuộc đời. Họ không muốn nhắc lại vì dường như sợ những oan hồn ấy còn quanh quất đâu đây.

* Cuốn Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 ghi: Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định mỗi ngày chết 400 người. Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói có 22.908 người chết. Trong 6.161 hộ thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Nam Định chết 212.218 người; Ninh Bình: 37.939 người, Hà Nam: 50.398 người.

* Theo giáo sư sử học Văn Tạo - nguyên viện trưởng Viện Sử học: nạn đói năm 1945 đã diễn ra ở 32 tỉnh thành cũ từ Quảng Trị trở ra.

Từ năm 1990-1995 Viện Sử học với hàng trăm cán bộ nhân viên, có sự giúp đỡ của hàng trăm cộng tác viên của các tỉnh, thành cùng sự trợ giúp của nhiều giáo sư, tiến sĩ Nhật Bản đã tiến hành ba đợt điều tra nghiêm túc, tỉ mỉ và rất khoa học tại 23 điểm đại diện cho các tính chất dân cư khác nhau về nạn đói này.

Kết quả trung bình cộng cho thấy tỉ lệ người chết đói tại các địa phương là 15%. Dân số VN năm 1945 tại 32 tỉnh thành lúc đó là trên 13 triệu người. Con số 2 triệu người chết một lần nữa được khẳng định.

Kỳ 3: Hành trình của những “hồn ma”

Lũ lượt những đoàn người như hình nhân bỏ quê hương tìm lên phố xá, mong kiếm thứ bỏ vào mồm. Và cuộc hành trình ấy kéo dài từ xó nhà đến Hà Nội đã biến con người thành hồn ma xác quỉ. Hoặc là gục chết bên đường hoặc ngoai ngoác sống trong khổ nhục...

Đoạn trường đày ải

Nghe chúng tôi nhắc tới hình ảnh những người đói kéo nhau lên Hà Nội, bà Chén (xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) cố ngước đôi mắt mù lòa, lẩy bẩy đôi chân còm nhưng đã phù đỏ để đi ra ngõ. Bà nhớ từ cái ngõ này, 60năm trước bà đã ôm con hòa cùng đoàn người lê theo sự dẫn dắt của cái đói.

Đi đâu, về đâu thì không ai biết nhưng cứ từng đoàn từng đoàn rách rưới, giơ xương, trũng mắt như quỉ đói âm thầm dắt díu nhau đi. Họ không phân biệt được nam nữ, già trẻ. Chỉ có thể thấy những thân hình dài ngắn không đều mà đoán trẻ con hay người lớn mà thôi. Họ đi chậm. Không ồn ào, không cười nói. Thỉnh thoảng có người đổ gục xuống đường không giãy giụa. Nhiều thây người bất động, mắt mở trừng trừng không biết sống hay chết.

Tại các cổng chợ, ngã ba, đầu cầu, gốc cây họ nằm ngồi la liệt chìa tay ăn xin hay bới tìm lục lọi. Ngay đầu chợ, một người đàn bà có vẻ giàu có đi ngang qua, không hiểu bà ta kinh tởm hay ốm đau thế nào mà ôm bụng gập người nôn thốc nôn tháo. Hai ba đứa trẻ vội lao vào tranh nhau bốc bãi nôn, hối hả nhét vào mồm…

Bà Chén cũng gặp nhiều người ôm con nhỏ như mình. Những đứa trẻ còn sức thì khóc, không còn thì lả gục trên vai mẹ. Một người đàn bà xin được chút gì đó để ăn, bà ta kéo đầu con để chia cho nó. Gọi hồi lâu người mẹ ấy mới biết con mình đã chết tự khi nào. Trong góc chợ lại có một người đàn bà nhe răng, trợn mắt nằm co quắp chết bên hai đứa trẻ.

Thằng bé chắc chừng một tuổi không biết gì cứ hì hục nhay vú mẹ cho đến tận lúc tối trời. Bà Chén đi hai ngày một đêm như thế thì đến thị xã Thái Bình… Một số chết, một số ở lại, còn bà Chén và những đoàn người đói rách vô hồn đó cứ như thế tiếp tục đi lên Hà Nội…

Trong Viện Sử học VN có lưu một bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4/1945 tả về thảm cảnh của những cuộc hành trình này: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.

Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người trong bọn đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.

Nhân tính tiêu tan... vì đói

Lục tìm trong tâm khảm sâu thẳm, đau đớn nhưng chắc hẳn còn sáng rõ của mình, bà Chén nói: “Ánh mắt người đói lúc đó không có màu, không có thần. Nhiều lúc họ xử với nhau như thú đói, không nhân tính...”. Bà Chén lúc ấy bế một đứa con nhỏ trên tay. Dành dụm suốt từ đầu vụ đói, bà còn được mấy hào trong túi để dành cho chuyến đi này.

Chợ Bo (thị xã Thái Bình) lúc đó là một bãi đất được căng lên những mảnh ni lông, đay hay lá khô trên những chiếc cọc tre xiêu vẹo. Cả một biển người nằm ngồi lê la bới rác, xin ăn chập chờn như những bóng ma. Vài người ngồi xổm ánh mắt láo liên đầy cảnh giác bên những cái thúng úp mẹt và thường là có thêm một, hai người đàn ông to khỏe dựng đòn gánh đứng bên. Đó là những người bán hàng. Khoai, ngô, hay bánh cám, bánh đúc… trộn đầy trấu hoặc mùn cưa… Ai mua hàng phải chìa tiền. Đứng tới nửa ngày bà Chén mới cảm thấy có thể an toàn để lại gần người bán bánh hỏi mua. Thế nhưng đang định xé bánh cho con thì cả đám người đang nằm như thây ma vùng dậy vồ lấy mẹ con bà, tranh nhau chiếc bánh.

Những ngày sau, trên dặm hành trình địa ngục ấy, tất cả số tiền bà có đủ để mua ba chiếc bánh thì bà đều bị cướp hết. Cuối cùng bà cũng chỉ còn cách chờ nhặt rác rưởi, cọng rau, xin ăn và tham gia cướp của kẻ khác như họ đã cướp của bà để ăn. Bà không nhớ mình đi mấy ngày, mấy tuần hay mấy tháng thì tới Hà Nội.

Con trai bà Chén năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Anh nói: “Những câu chuyện cướp bóc, thú tính trong nạn đói, 60 năm qua mẹ tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Chỉ có một lần bà kể cho tôi nghe một câu chuyện kinh hoàng: khi bế con đi Hà Nội, qua sông Long Hầu bà thấy có hai bố con nhà nọ đói lả, phù thũng, chắc là sắp đến lúc chết. Người con chừng 7-10 tuổi.

Không hiểu lúc ấy họ kiếm được thứ gì, chắc là có thể ăn được nên hai người tranh nhau rất dữ. Đứa con co cả người nắm chặt tay bố. Hồi lâu đẩy con ra không được, người cha liền co chân đạp con xuống cầu. Đứa trẻ cố níu lấy thành cầu, hai mắt không rời miếng ăn trên tay bố. Người cha lúc ấy kiên quyết hơn và ông ta đã đạp được đứa con rơi xuống nước rồi ngấu nghiến nhét thứ đó vào mồm...”.

Theo điều tra của Viện Sử học tại xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa: ông Viên Đình Hữu đói quá quẳng con trai 4 tuổi xuống sông Đơ. Ông Hoàng Bảo ở xóm Cháy (Đông Hưng, Thái Bình) thấy bố của ông Bắc (cùng xóm) thổi nồi cơm. Ông Bắc bóp cổ bố đến chết để ăn một mình...

Suốt chặng đường khổ ải từ quê nhà lên Hà Nội, bà Chén còn gặp rất nhiều cảnh mẹ bỏ rơi con, chồng chạy trốn vợ, rồi cướp bóc, giết chóc lẫn nhau vì miếng ăn một cách đau thương và rùng rợn như vậy. Nhưng Hà Nội lúc này cũng là địa ngục...

Hà Nội - điểm hẹn sinh tồn

Ông Nguyễn Ngọc Liên, 82 tuổi, hiện trú tại phòng 105, nhà C6, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội kể: “Ngày đó nhà tôi ở 233 phố Huế. Bắt đầu từ mùa đông năm 1944, tôi đã thấy những đoàn hình nhân vô cùng thảm hại ùn ùn dắt nhau qua các phố.

Áo quần họ là miếng giẻ buộc túm dính vào những bộ xương lắc lư. Những cái đầu trơ sọ, đính hai con mắt vàng trũng thất thần. Ban đầu người hàng phố cho họ ăn những thứ có thể, nhưng càng ngày họ đến càng đông, hết lớp này đến lớp khác. Họ nằm, bò, lê và chết gục khắp đường, ngõ, vỉa hè...

Ai còn sống thì cứ lang thang xin ăn, không ít trường hợp cướp giật, móc mồm người khác giành ăn. Của bố thí không thể đủ cho đoàn người đói khát. Họ chết ngày một nhiều. Một buổi sáng tôi vừa mở cửa thì hai xác chết lạnh cứng đổ ập vào tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác hãi hùng và xót thương lúc đó”.

Ông Đặng Văn Cự - 87 tuổi, hiện ở phường Giáp Bát, Hai Bà Trưng (Hà Nội) - nói: “Ban đầu cũng chia sẻ với bà con nhưng chúng tôi cũng đói, lương thực cạn kiệt và trước cảnh tàn ác của Pháp - Nhật thì cũng không dám chắc mai này mình có thoát cảnh ma đói hay không.

Trong thành phố, nhiều thanh niên, nhà hảo tâm thành lập đoàn khất thực có trung tâm ở phố Hàng Da, quyên góp cơm cháo chia cho bà con. Nhưng vì số lượng quá lớn, tổ chức chỉ là tình cảm của một số người có điều kiện nên đoàn khất thực tồn tại không được bao lâu.

Chúng tôi cũng bị cướp giật bánh trái, ngô khoai, nhưng không ai nỡ đánh đập người đói mà chỉ tránh né. Người làng tôi bán bánh thì làm bằng đất bày ở quầy, mẹt, thúng. Ai mua thì mới đến chỗ khác lấy bánh thật ra. Ai cướp thì chỉ cướp được bánh đất mà thôi”. Cảnh người đói sinh trộm cướp và bị giết chóc thì nhiều lắm. Ông Liên nhớ: một buổi chiều trên đường Trần Quang Khải bây giờ. Một đoàn bốn chiếc xe bò chở những bì lúa chất cao 3-4m. Mỗi xe có một người kéo và bốn người đẩy. Phía trước và sau có 9-10 tên lính Nhật súng gươm tuốt trần áp tải.

Một người trong đám phu xe, bí mật dùng một chiếc dùi thép chừng 20 phân đâm một lỗ nhỏ vào bao lúa và gí một chiếc túi vải con vào hứng dòng lúa chảy. Tên lính Nhật phát hiện. Không nói gì, hắn dùng mũi kiếm đâm xuyên lưng người móc gạo. Nạn nhân rú lên một tiếng rồi đổ gục xuống đường, lênh láng máu. Đoàn xe vẫn tiếp tục đi...

Những dòng người khất thực đã kéo nhau đi trong đói lả vật vờ... Rồi họ cũng tìm đến điểm cuối cùng của cuộc hành trình - nơi chấm dứt mọi nỗi dày vò đau đớn của một kiếp người. Của triệu kiếp người...

Kỳ 4: Chặng cuối của cuộc đọa đày

Đường GP, yết hầu giao thông nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam, vươn mình qua cây cầu vượt với hàng vạn chuyến xe. Phố xá sầm uất quay cuồng với nhịp sống đô thị, ngập tràn hàng hóa và tiền bạc.

Nơi đóng cửa trần gian

Dưới chân cầu vượt là một ống cống lớn bắc qua sông Sét, chảy cắt ngang đường. Sau ống cống đó là một ngã ba có con phố rẽ tay phải dẫn đến những khu nhà đang hối hả xây dựng. Đó là những khu dân cư, các công ty và kho hàng. Ít ai biết 60 năm trước đây là điểm tụ tập đông nhất những sinh linh trước giờ chết đói: trại tế bần.

Ông Đặng Văn Cự, người dân gốc ở làng Tám (Giáp Bát), nay 87 tuổi, kể lại: thời đó làng Tám là ngoại ô, thuộc tổng Thịnh Liệt, Thanh Trì. Khu bến xe, ga tàu, bệnh viện Bạch Mai bây giờ là cánh đồng mênh mông với con sông Sét chảy vắt ngang. Từ Hà Nội đi qua cống Phố Hàn (nay là cống sông Sét nằm trên đường Giải Phóng) khoảng 20m có khu gia binh rộng 25 mẫu.

Theo Báo Bình Minh ra ngày 12/4/1945, những người VN hảo tâm khi thành lập đoàn khất thực để cứu trợ đồng bào đã chọn khu gia binh làm trại tế bần. Bắt đầu từ ngày 9/4, có 2.000 người ăn xin đã được đưa xuống đó, được phát cháo và nghỉ ngơi. Sau đó, những người ốm đau, hấp hối cũng được đưa về trại bằng xe bò.

Khi người đói chưa nhiều, trại còn có ngày hai bữa phát chẩn. Nhưng chỉ sau vài tuần số người tự tìm đến đã đông hàng vạn. Lương thực dù có nhiều đến mấy cũng không đủ cho mỗi người một bát cháo/ngày.

Ông Nguyễn Văn Điền ở Giáp Bát kể: mọi ngả đường chết đói của thành phố đều dồn về đây, từng đoàn từng đoàn những hình nhân tưởng như bất tận. Họ ngồi chật kín trại, kín cổng trại, kín cả đường vào trại và vật vờ, xiêu vẹo trên cống Phố Hàn, gặp ai cũng chìa tay xin ăn. Từ đây trại Giáp Bát trở thành nơi chứa người chết đói.

Báo Tin Mới số ra ngày 29/4/1945 viết: “Tấm bảng treo trước cổng trại ghi: ngày 26/4: buổi sáng số người còn lại 3.020 - số người chết 16. Buổi chiều, số người mới vào 2.000, số người chết 18”. Ông Điền kể: đó là số người trong trại, còn những người chờ chực bên ngoài thì nhiều vô kể và họ chết bất cứ lúc nào.

Ông nhớ mãi hình ảnh một cụ già tuy đã đói khổ nhiều ngày nhưng nhìn rất quắc thước, đạo mạo. Cụ ngồi trên cống Phố Hàn giống mọi người. Nhưng điều rất đặc biệt là cụ không xin ai một câu nào. Ai cho thì nhận. Ánh mắt cụ rất buồn, long lanh chứ không vàng nhợt vô hồn. Cụ ngồi đó mấy ngày rồi không ai thấy nữa. Người trong và ngoài trại chết ngày một nhiều. Khẩu phần lương thực phân phát cho người đói thành muối bỏ biển và tạo nên những cuộc tranh giành thảm khốc. Nhưng rồi hàng vạn sinh linh ấy cũng “gặp nhau” trong những cuộc mai táng đau thương...

Những hố chôn tập thể

Suốt 60 năm sau, bà Chén (Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) vẫn sống trên mảnh đất quê nhà Tây Lương. Bao dâu bể đổi dời, tâm khảm không ngừng muốn xóa nhòa quá khứ đau thương, khiến nhiều câu chuyện, nhiều dấu tích của nạn đói đã không còn lưu giữ trong bà. Nhưng bà vẫn biết rằng dưới ba thước đất, trong lòng đất quê hương, những ánh mắt trẻ, những tiếng khóc già cùng sự quằn quại của những linh hồn đói khát vẫn còn đó.

Còn đó trong những nấm mồ chôn vùi hàng chục, hàng trăm sinh mạng không hương khói, không mộ chí, không gỗ ván - ở quê hương bà đó là gò Ông Cảm, gò Lâu nằm giữa cánh đồng thôn Hiên bát ngát cánh cò...

Bà nhớ khi người chết đói quá nhiều, trai đinh, lính tuần khuân xác người trong những manh chiếu, mảnh vó buộc túm hai đầu, quăng xuống những cái hố to như cái ao rồi lấp. Hôm nay lấp hố này, mai lại lấp hố khác. Khi không còn chiếu, còn vó, còn bao bố và không còn cả sức người thì họ lấy dây thừng, dây thép buộc vào cổ, vào tay, chân những thây người khô khẳng đó, cho trâu, bò kéo lê theo đường ruộng hoặc trên bùn ướt rồi quăng xuống hố.

Trong tài liệu của Viện Sử học, rất nhiều địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định... đã đặt tên cho những hố chôn tập thể như thế thành cồn Ma, mả Quán, mả Đói, gò Ma... Tuy nhiên nhắc đến hố chôn tập thể thì khủng khiếp nhất vẫn là ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Liên (khu tập thể Kim Liên) kể: ngày ngày sếp đội mặc quần soóc, chạy ra phố huýt một tiếng, đám đông khất thực liền chạy ùa lại. Sếp chỉ tay vào chiếc xe kéo thùng gỗ hai bánh, nói vài câu rồi chia hai người một xe kéo rong ruổi suốt từ phố Hàm Long đến chợ Mơ, rồi dọc tuyến Hàng Đẫy, Tràng Tiền... về gần cầu Giấy đi nhặt xác người.

Mới đầu người ta còn bọc chiếu, sau thì chỉ túm đầu, túm chân quẳng lên thùng xe. Trẻ con, người già, đàn bà, đàn ông, đầu, tay chân... lủng lẳng hoặc kéo lê trên đất. Ngày nào cũng vài chục xe như vậy rong ruổi. Mấy người kéo xe kể: nhiều hôm họ quăng xác chết lên xe, trong xe có tiếng thều thào… Có anh xe dừng lại bới đống xác thì không thấy ai kêu nữa. Có anh xe thì nói vọng vào: “Thôi đằng nào cũng ra nghĩa địa thì đi đi kẻo mai không ai chôn”.

Mọi chuyến xe đều đổ về hai nghĩa trang Hợp Thiện và Phúc Thiện nằm ở cánh đồng ngoại ô hai đầu nam - bắc thành phố. Nay Hợp Thiện thuộc quận Hai Bà Trưng, bám bên sông Kim Ngưu. Phúc Thiện nằm trong công viên Thủ Lệ. Tại nghĩa trang người ta đào những cái hố sâu 3-4m, dài rộng hàng chục mét, quẳng xác chết xuống đó rồi rắc vôi bột lên trên và lấp. Từ khi xuất hiện trại tế bần Giáp Bát với lượng người chết 30-50 người mỗi ngày thì cánh đồng xung quanh cũng trở thành những hố chôn người.

Ông Điền kể rằng sau nạn đói, cánh đồng Giáp Bát lúa năm ấy không trồng nhưng từ những gốc rạ vẫn trổ đòng xanh ngăn ngắt. Người ta tranh nhau đi gặt. Gặt xong cày bừa, tung lên bao nhiêu đầu lâu, chân tay. Còn ở cánh đồng thôn Hiên, những đêm đông rét buốt hoặc những buổi trăng rằm sương lạnh trước vụ mùa, bà Chén vẫn như nghe thấy ngoài gò Ông Cảm xôn xao tiếng người như họp chợ. Phiên chợ của những hồn ma đói khát...

Khi chúng ta no ấm

Cây số 3 trên đường từ Thái Bình đi Hà Nội nay là một cụm công nghiệp, thương mại sầm uất của thành phố Thái Bình với những hàng quán ăn uống đặc sản đủ món Tây, Tàu. Nếu không được nghe những câu chuyện của 60 năm trước thì không ai nghĩ từng có hàng vạn con người đói rách quằn quại tụ tập ở đây mà hy vọng một con đường sống.

Bảo tàng tỉnh Thái Bình đang hoàn thành giai đoạn cuối những hạng mục xây dựng tân thời. Thật khang trang, quy mô và cũng khá phong phú các hiện vật trưng bày. Thế nhưng rất tiếc, về nạn đói đau thương nhất lịch sử dân tộc và lịch sử Thái Bình thì nơi này chỉ trưng bày 5-6 tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh.

Trở về Hà Nội, tìm đến nơi từng là nghĩa trang Phúc Thiện, nấm mồ tập thể chôn vùi hàng vạn con người không gỗ ván, không hương khói, mộ chí, tôi lạc vào công viên Thủ Lệ, được nhìn thấy những con người đang hạnh phúc nô cười trong tiết thanh xuân.

Đi tìm nghĩa trang Hợp Thiện tôi phải mất mấy ngày dò hỏi mới đoán được khu vực cần đến. Đó là khu tập thể Nhà máy dệt 8-3, quận Hai Bà Trưng. Nghĩa trang đã bị xóa dấu tích hoàn toàn. Những căn nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Người bán nước nói: thỉnh thoảng người ta làm đường, xây nhà cũng gặp hàng núi đầu lâu, chân tay người chất chồng trong lòng đất. Họ thắp nén hương rồi gạt xương ra và tiếp tục đào...

Theo lời chỉ dẫn của những người già, tôi tìm vào một hẻm nhỏ trên đường Kim Ngưu, rẽ vào ngách 559 với những dãy nhà cao vút nhưng chỉ chừa đủ chỗ cho một chiếc xe luồn lách. Bên phải cái ngách này là đường cụt. Nhìn thật kỹ mới thấy cổng vào rộng chừng 1,5m của khu tưởng niệm những nạn nhân 1945. Khu tưởng niệm lọt thỏm trong những bức tường nhà kiên cố.

Công trình lớn nhất ở đây là tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu cho những vong hồn xấu số. Kế bên là bức tường đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944 - 1945” và vài bệ đặt bát hương. Coi giữ nơi này là một người đàn bà luống tuổi, không ngớt mồm quảng cáo về chuyện âm hồn, linh ứng để mời khách đặt lễ... Có lẽ công việc công phu nhất của người còn sống khi ghi lại dấu ấn này chính là những tấm ảnh của nghệ sĩ Võ An Ninh và công trình khoa học đầy đặn của giáo sư Văn Tạo và các cộng sự. Tuy vậy công trình nghiên cứu trên mới chỉ in vài trăm cuốn một lần vào năm 1995. Không quên được, không cách gì tan biến được nỗi đau ấy trong ký ức của người từng đói cơn đói Ất Dậu. GS Phong Lê - nguyên viện trưởng Viện Văn học, năm ấy 7 tuổi, nhưng nỗi khổ nhục của cả làng xã đã mãi mãi khắc dấu vào tâm trí ông. Ông gọi đó là “tri thức của tôi trong năm đói 1945” - một “tri thức” đau đớn, chỉ dạy con người cái cách phải ăn những gì để sống.

Kỳ 5: Sống qua cơn đói

TT - Gia đình ông bà tôi thuộc lớp trung lưu. Bà nội và mẹ tôi rất căn cơ, tiết kiệm. Thế mà không thoát đói. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là cái đói Ất Dậu - cái đói mênh mông trùm khắp bao vùng miền, bao tỉnh huyện, không đâu và không ai thoát khỏi được.

Cái đói không của riêng ai

Tôi là cháu trai nên được bà rất chiều, còn mẹ - khỏi phải nói. Chợ về bao giờ cũng có quà. Quà phiên chợ đói mẹ đưa về cho chúng tôi lúc tấm mía gầy, lúc mấy củ khoai lang còi cọc. Mấy đứa em xúm quanh nhìn tôi bóc khoai, bóc cẩn thận cho thật hết vỏ.

Khoai được chia cho hai em phần lớn, còn tôi phần nhỏ hơn bởi tôi còn được tất cả phần vỏ còn lại, vun một nắm cho vào miệng nhai ngon lành. Vỏ khoai là thứ xưa nay không ai ăn vì nào có tiêu được, ăn vào bụng rồi trả lại cho đất mà thôi. Mấy anh em xúm quanh mấy củ khoai, trịnh trọng bóc và hăm hở nhai cả vỏ - đó là kỷ niệm về đói tôi không bao giờ quên.

Cả làng hiu hắt, vườn cổng đóng kín. Thế mà vẫn có người chui được vào nhà vì không còn chó. Người không có cái ăn thì chó cũng chết hết để làm cái ăn cho người. Người làm mướn cho ông bà tôi, một người đàn bà góa rất nghèo, đến thăm ông bà, ngồi ở góc nhà, mắt nhìn khắp trần nhà, dưới nhà. Không phải đến bây giờ mà ngay từ lúc ấy tôi đã thấy mắt của người đói rất đặc biệt.

Quan sát bà làm mướn và quan sát những người trong làng tha thẩn ngoài đường, ngoài ngõ tôi thấy họ thân hình thì khô quắt, chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, cử động thì chậm chạp, nhưng mắt lại rất tinh. Cặp mắt săm soi nhìn khắp mặt đất và đảo khắp chung quanh để tìm.

Tìm một mầm xanh của cây lá để ngắt; tìm một cái gì còn động đậy để vồ lấy, bất kể đó là con chuột, con nhái, con cào cào, thậm chí là con kiến, con gián. Tôi nhớ lần ấy bà làm mướn có nói với mẹ tôi là gián ăn cũng được, và còn ngon là đằng khác. Người đói ăn được cả gián, đó là tri thức của tôi trong năm đói 1945.

Sau này xem phim Papillon - người tù khổ sai khi thấy Papillon nằm bẹp trên nền đất, tay quờ quạng, ráo riết bắt cho được một con gián dưới quầng sáng của ánh đèn phòng biệt giam, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi được nghe từ một người đói ngày ấy.

Rồi lại nhớ đến lần đón khách Cộng hòa dân chủ Đức, năm 1972, ở khách sạn Métropole, Hà Nội, khi thấy một con gián lấp ló ở góc phòng, ông bạn giáo sư Hans Kortum bỗng kinh hãi và đòi đổi phòng ngay. Bởi, với ông, gián là thứ insecte (côn trùng) kinh tởm nhất.

“Nghệ thuật làm no”

Cái năm Dậu ấy tôi được thấy, hoặc được nghe kể biết bao người trong làng đã cố níu lấy sự sống bằng tất cả những gì có thể ăn được. Thân và gốc cây chuối và cây đu đủ. Gốc củ ráy (ngứa vô cùng). Rau má và tất cả các loại rau dại mọc ở rìa làng. Kể cả cây choóc - ngứa không kém củ ráy, ở ngoài đồng. Tất cả bỗng dưng trơ trụi, rồi biến hết. Bởi rau cỏ là thứ lành bụng.

Nhà tôi còn có cơm ngày hai bữa, mỗi bữa một lon sữa bò hai lạng rưỡi gạo, cho trộn với một rổ rau má to, xóc đều, rồi chia ra bốn cái bát lùm lùm, ai nấy lào xào ăn, chỉ một lúc sau lại đói meo. Một loại thức ăn khác là cám và khô dầu. Cám là thứ cho lợn, bây giờ làm thành bánh cho người. Cám được xem là bùi bùi, thơm thơm và nhất là no lâu. Ăn một cái bánh cám, uống một bát nước thì cứ là lưng lửng cả ngày.

Cũng như cám, khô dầu là bã của các loại hạt béo như lạc, đỗ sau khi đã ép hết nước dầu. Khô dầu đóng thành bánh bán ở chợ để chăn nuôi gia súc, bây giờ người tranh nhau mua để thay cơm. Khô dầu ăn nhiều tức bụng, ăn ngày này qua ngày khác có thể sưng bủng ra mà chết. Không phải chết đói mà là chết... no. Tôi lại nhớ Một bữa no của Nam Cao.

Tôi đã thấy bao người đói đi lại quanh quẩn, vùng này qua vùng khác để tìm cái ăn. Đồng ruộng bạc phếch, không một màu xanh. Vườn tược hoang phế, không còn cây cối. Làng mạc hết cả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Những người chết thì đã được bó vào chiếu đưa ra đồng. Cho đến lúc chiếu cũng không còn để mà bó. Những người sống thì tha thẩn trong nhà ngoài ngõ, hoặc vất vưởng trên đường, đi đứng liêu xiêu, dáng hình lểu đểu... mới thấy khủng khiếp đến thế nào cái đói của cả làng, cả nước.

Bây giờ nghĩ lại chuyện đời thấy sao dân ta khổ quá. Đọc truyện Một làng chết của Thanh Tịnh (trong tập truyện Quê mẹ) và Quái dị của Nam Cao ta hiểu cái chết do dịch tễ gây ra cho một làng. Dịch tễ như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, kiết lỵ... khiến cả “một làng chết”, ít còn ai sống sót, không còn người đi chôn.

Đọc Nghệ thuật làm no... của Ngô Tất Tố ta biết người nông dân quê ông đã có cách ăn đất sét để đánh lừa dạ dày khi cả một vùng đồng bãi phía bắc sông Hồng bị nhận chìm trong lũ lụt - một thứ lũ lụt ngâm rất lâu khiến cây cỏ khó mà sống sót...

Còn cái đói và chết năm Ất Dậu là đói và chết trên cả một địa bàn rộng lớn gồm cả trung du và đồng bằng Bắc bộ, lan vào cả một nửa miền Trung, trong đó có quê tôi. Cái chết của 2 triệu người do hậu quả của biết bao chính sách thâm hiểm và tội ác của Nhật - Pháp nhằm dồn cả một dân tộc vào thảm họa diệt chủng.

Hai triệu người, tức là ngót 1/10 dân số VN lúc ấy; và có thể còn chết thêm nữa nếu không có khẩu hiệu phá kho thóc do Việt Minh đưa ra - vậy là thóc vẫn còn ở các kho; rồi tổng khởi nghĩa tháng tám, cả dân tộc từ Bắc đến Nam rùng rùng chuyển động trong cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Một nạn đói khủng khiếp, và tiếp đó, một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc - đó là ấn tượng và ký ức Ất Dậu 1945 mà một đứa trẻ lên bảy như tôi đã được chứng kiến và trải nghiệm để in sâu vào bộ nhớ cho đến suốt đời.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh giữa những ngày tháng thương tâm ấy của năm Ất Dậu. Chỉ một ngày sau khi ra mắt toàn thể quốc dân, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, vấn đề cứu đói đã được đưa ra: “Nhân dân ta đang đói... Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”.

Và nhà nước non trẻ đã tìm ra giải pháp...

Kỳ cuối: Chống giặc đói

Một ngày sau khi ra mắt toàn thể quốc dân tại quảng trường Ba Đình, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay.

Trong sáu vấn đề đó, vấn đề số 1 là cứu đói: “Nhân dân ta đang đói… Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống” (Hồ Chí Minh toàn tập).

Có hai giải pháp chống giặc đói.

Giải pháp cấp cứu: nhường cơm sẻ áo

Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Ngay từ giữa tháng chín, Chính phủ đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn. Cụ Ngô Tử Hạ, người cao tuổi nhất trong Quốc hội, là chủ tịch buổi lễ, đã long trọng đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Chính cụ cầm càng một chiếc xe bò tượng trưng để đi các phố phường, nhân dân ai có chút gạo chút ngô đều mang ra đóng góp vào phong trào cứu đói.

Chính phủ còn phái một ủy ban vào Nam bộ điều tra và cấp tốc tổ chức việc vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng hô hào các hội buôn và tư nhân tham gia công việc vận chuyển này. Việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc chỉ thực hiện được trong tháng 9-1945, với tổng số không quá 30.000 tấn. Từ sau khi Pháp gây chiến ở Nam bộ, con đường vận chuyển bằng đường sắt bị khó khăn và không bao lâu sau thì tắc nghẽn.

Giải quyết vấn đề từ gốc: tăng gia sản xuất

Tăng gia sản xuất không chỉ là cơ sở để giải quyết triệt để nạn đói, mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ Cách mạng VN. “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập” (Hồ Chí Minh toàn tập).

Để phục vụ tăng gia sản xuất, điều cấp bách trước mắt là phải hàn khẩu xong các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. Việc này không thể chỉ dùng nhân lực mà còn cần có những chuyên gia. Nhà nước quyết định cho đấu thầu việc đắp đê. Chủ thầu phải là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cụ Nguyễn Xiển, lúc đó là chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ, là người trực tiếp điều hành việc đắp đê, kể lại trong bài hồi ký về sự nghiệp đắp đê sau cách mạng: “Cách làm đó lại gặp những mắc mớ về quan điểm. Có người nói: “Làm cách mạng mà còn dùng thầu khoán? Thầu khoán là bóc lột nhân công”. Chính Bác Hồ, trong một chuyến đi thị sát đắp đê, đã giải đáp vấn đề này: “Thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước”. Câu trả lời trên đã giải tỏa được những vướng mắc”.

Cho đến đầu năm 1946, tức là chỉ bốn tháng sau cách mạng, công tác đê điều đã hoàn thành. Đó là một bằng chứng về trách nhiệm, năng lực và sức sống của chính quyền mới.

Đồng thời với việc đắp đê, phải gấp rút tiến hành trồng trọt, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”. Chính quyền tất cả các địa phương quyết định cho phép sử dụng những đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt.

Chính quyền còn vận động cả tư nhân cho sử dụng tạm các vườn trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Mỗi địa phương lập ra một tiểu ban để huy động nhân lực và tổ chức sản xuất. Lương thực làm ra được dùng để cứu tế…

Ở Hà Nội, học sinh đã cuốc xới cả sân trường, vỉa hè, bất cứ nơi nào đất trống. Viên chức cuốc vườn trong công sở để trồng ngô, khoai… Thanh niên thủ đô chia thành những đội tăng gia đi trồng sắn ở bờ đê, bãi sông, lề đường.

Bộ trưởng Bộ Lao động lúc đó là Lê Văn Hiến kể lại: “Vào khoảng tháng 11-1945, tôi được Bác gọi sang giao nhiệm vụ mới là thay mặt Bác đi kinh lý các tỉnh phía Nam. Tôi đã báo cáo với Bác tình hình bộ trước khi đi. Bác nghe xong hỏi luôn: “Chú còn quên không báo cáo một chuyện nữa”.

Tôi ngớ người, vì trước khi gặp Bác tôi đã chuẩn bị rất đầy đủ những tài liệu về công việc của Bộ Lao động trong hai tháng qua. Chẳng lẽ mình còn thiếu sót gì?

Tôi nói: “Thưa Chủ tịch, còn chuyện gì nữa?”. Bác bảo: “Chú quên không nói về tình hình tăng gia sản xuất. Ở trước cửa bộ chú có một vườn rất rộng để không, dân thì đói, tại sao không cuốc lên trồng khoai trồng sắn để cứu đói. Trước khi đi công tác chú phải nhắc nhân viên làm việc đó”.

Trên đường trở về bộ, tôi thầm nghĩ: Bác quả là người thấu đáo, không quên một việc gì. Một việc nhỏ như thế, mình là bộ trưởng cũng không để ý tới, Bác ở tận xa mà Bác còn biết. Tôi liền triệu tập anh em trong bộ, nói ý kiến của Bác. Hôm sau mọi người đến sớm, người thì dao, người thì cuốc, thuổng, ào ào xới đất lên để trồng khoai…”.

Mặt trận quyết định nhất của tăng gia sản xuất cuối năm 1945 đầu 1946 là trồng màu. Lúa không còn kịp thời vụ nữa, phải dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu bù cho phần thiếu hụt về lúa. Đây là giải pháp sáng suốt. Phải trồng màu ngay từ tháng 11-1945 để tháng giêng đã có thu hoạch khoai lang. Tháng hai đã có thu hoạch ngô, đậu.

Ngay sau đó, trồng tiếp một vụ nữa có thể cho thu hoạch bổ sung vào tháng ba và tháng tư để chịu đựng được suốt thời kỳ giáp hạt cho đến vụ thu hoạch lúa chiêm vào tháng năm.

Kết quả sản lượng màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong năm tháng từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946 đã đạt 614.000 tấn, qui ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.

Tình hình chung ở miền Bắc Việt-Nam

GS Lưu Công Thành cho biết những tháng đầu năm 1945, trên các nẻo đường chính ở những đô thị lớn tại miền Bắc, hằng đoàn người già trẻ, lớn bé thất thểu dắt díu nhau đi cầu thực, tất cả chỉ còn da bọc xương…Ở một vài nơi có Hội từ thiện tổ chức phát cháo cứu trợ, nhưng có người nhận cháo rồi vẫn lăn ra chết vì quá kiệt sức! Thật là một cảnh tượng thương tâm…

Thời điểm xảy ra nạn đói nhằm vào mùa đông nên cứ mỗi đêm sáng ra lại có thêm rất nhiều người là nạn nhân của tử thần. Người chết nhiều đến nỗi Sở Vệ Sinh và Bệnh Viện thành phố phải thuê xe bò đi hốt xác và cho nhiều đơn vị tư nhân đấu thầu việc nầy. Hậu quả là dân chúng một số nơi đó gần như giảm đi quá nửa, một phần chết đói tại sinh quán, một phần bỏ làng ra đi rồi không bao giờ trở về nữa.

Tất cả dẫn đến tình trạng thiếu hụt sức lao động và ruộng canh tác bỏ hoang rất nhiều. Chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng, gia súc (kể cả chó) không còn bao nhiêu do bị giết chết để lấy thịt! Thậm chí có một số câu chuyện kể lại đã có hiện tượng bắt cóc trẻ con để lấy thịt. Một nhân viên tại Sở Cảnh Sát Hải Phòng thừa nhận như vậy, tuy nhiên chính quyền không xét xử công khai vì sợ lòng dân hoang mang.

Những người đói rách đi nhan nhản kiếm ăn vì thiếu đồng ruộng canh tác, thiếu lúa gạo, rồi dần dần chết lả vì đói ở các cánh đồng và đường làng khắp nơi trong các tỉnh phường xã làng xóm ở nông thôn và thành phố. Có nơi, người đói còn vào cướp phá kho chứa lúa gạo của người giàu trong làng. Ngoài người cư ngụ sinh sống từ trước tại vùng đồng bằng miền Bắc, còn có nhiều người từ miền Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đi ra ăn xin.

Nạn đói ở Hà Nội

Theo GS Đỗ Hữu Nghiêm thì tại Hà Nội, nhiều xác người chết đói nằm ngổn ngang trên các đường phố. Mỗi sáng sớm người ta phải đem xe bò chở những xác chết đó đi chôn. Có người đi ăn xin, đói lả giữa phố, đêm đến, nằm dựa lối cửa ra vào hay bờ tường các căn phố. Nhiều người sáng sớm vừa mở cửa thì xác chết đổ kềnh sang một bên, có khi ngã lăn vào phía bên trong nhà, khiến người nhà kinh hồn khiếp vía!

Ở Tràng Tập Hà Nội có khoảng 120 chú chủng sinh, các chú được nhà trường cho ăn mỗi ngày chỉ có một bữa tạm no với môt chén cơm đầy, còn hai bữa kia, ăn cháo với cám xay. Có chú tuy đói, nhưng cũng không chịu ăn cám, vì khó nuốt, đã đổ đi hết. Thực ra Ban Giám Đốc Tràng Tập cho các chú ăn cháo với cám, vì muốn cho có đủ chất bỗ do cám mang lại.

Tình hình đói ở Hà Nam

Tại quê quán của GS Đỗ Hữu Nghiêm là làng Hòa Khê, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, khu vực giáp ranh với huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội 45 cây số, bày ra cảnh thương tâm của những người đói ăn, thiếu ruộng cày, phải đi lang thang xin ăn. Khi không thể xin ăn được, người đói lả nằm ngã lăn bừa bãi khắp nơi ở giữa hay bên đường, trên đồng ruộng, trước cửa nhà, đủ kiểu mòn mỏi, rồi chết tất tưởi trong tình cảnh tứ cố vô thân, rách rưới. Số người chết đông đảo đến nỗi chôn không xuể, khiến bị nhiễm trùng và có nơi đã bị ôn dịch.

Ở bên kia con sông đào đầu làng Hòa Khê, nối sang đồng ruộng là Tè Mũ, Mai Trang, Thần Nữ có một cây cầu tre. Rất nhiều người chết la liệt ở cả hai bên sông. Những người còn khỏe mạnh rủ nhau đi sang bên đó thu lượm những xác chết còn lại, đào vội một hố lớn không sâu lắm ở cạnh cầu và đem chôn vùi như ma đuổi trong chiếc hố tập thể. Trong số đó có cả những người còn ngắc ngoải, chưa chết hẳn, còn rên lên: “Đừng chôn sống chúng tôi, để chúng tôi chết hẳn đã”. Bất chấp những lời than vãn đó, những người còn khỏe mạnh cứ lấp đất vội vàng trên những thân thể còn chút hơi sống đó và tiếng kêu chỉ tắt hẳn cho đến khi những tảng đất định mệnh bên bờ sông được lấp đầy!

Hình ảnh đó ám ảnh đám trẻ con nhiều tháng trời và mùi hôi trong nấm mồ tập thể xông lên…đến tận giấc mơ hãi hùng trên giường ngủ, trong những câu chuyện rùng rợn hù dọa nhau trên cửa miệng mọi người hằng ngày. Những người giàu tưởng tượng còn đe dọa nhau, kể chuyện nghe thấy những tiếng khóc nỉ non rưng rức của oan hồn những người bị chôn sống mỗi lần đi qua cây cầu tre vắt ngang qua con sông đào cô quạnh đó.

Cũng đầu cầu tre bên làng, có một thanh niên gần chết nằm im lìm đầu xóm ngay giữa ngã ba đường vì không còn hơi sức cử động. Đám trẻ tinh nghịch trong làng chạy đến xúm xít bu quanh xem người nằm đói đang hấp hối. Đó là một thanh niên còn trẻ nhưng trông như một ông già, quần áo tả tơi, rách nát, nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương, để lộ cả phần thân mình phía dưới. Một đứa trẻ tinh quái, nghịch độc, bẻ một cành tre rồi đâm thọc. Thân thể đáng thương kia chỉ giật giật nhè nhẹ, chắc có vẻ đau đớn mà không phản ứng gì được. Một chú bé đứng gần đó bịt mặt, với đôi mắt đỏ hoe sợ hãi vội quay đi, chạy trốn về nhà.

Cảnh đói ăn ở Thái Bình

Giám Mục Bùi Tuần kể lại (3): chiều hôm ấy, đi bộ từ Thái Bình về Thượng Phúc. Đường vắng, thỉnh thoảng gặp những thân người tuy ốm o, lê bước, ngẩn ngơ, mệt mỏi, đi kiếm ăn. Họ đi một mình hay đi chung gia đình, tìm bới kiếm ăn ở những đám cỏ hay những đống rác bụi cây.

Đến gần một bờ sông, Giám Mục Bùi Tuần thấy ba người gầy guộc nằm bất động. Một phụ nữ trẻ tuổi tuy đã chết, tay vẫn còn ôm đứa con nhỏ cũng đã chết, nhưng miệng vẫn còn ngậm vú mẹ. Một người đàn ông trẻ tuổi nằm sát bên đứa nhỏ đã chết, nhưng tay anh như đang cố với tìm chiếc chiếu rách cạnh bên, để đắp cho vợ con. Anh ngấp ngoái chết!

Theo GS Lê Văn Lăng, vào thời điểm đó Thái Bình được mệnh danh là “vựa lúa” của miền Bắc với những cánh đồng “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”. Nhưng trớ trêu thay, chính ở trên mảnh đất phì nhiêu đó, cái đói đến với tầng lớp “lê dân” mới thật dữ dội kinh khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng bình thường của con người. Tất cả những gì ăn được người ta đã ăn hết rồi, đến lượt gia súc chó mèo cũng phải “hy sinh” cho bao tử của chủ.

Sau khi không còn gì bỏ vào bụng nữa, người dân lam lũ bắt đầu ùn ùn kéo nhau vào trung tâm thị xã với áo quần rách rưới. Có người gần như trần truồng, vì đã bán những bộ áo quần lành lặn để đổi lấy gạo ăn. Cái đói cái rét như cắt thịt thúc giục họ tiến bước về phía trước. Những người đói quá lả gục xuống để rồi không bao giờ trỗi dậy nữa. Hai bên đường, thây người chết đói ngã ra như rạ. Dù vậy, họ vẫn đổ xô về thị xã Thái Bình bất chấp một vòng đai linh tráng bao quanh khu vực thị xã ngăn cản.

Thời điểm đó, GS Lê Văn Lăng dạy học ở trường tư thục Pascal. Hôm nào đến trường, giáo sư cũng nhặt được hai ba xác trẻ em đã chết cóng từ đêm trước và cùng với học sinh, mang đi chôn sau trường.

Nạn đói ở Kiến Xương

Một hôm, GS Lê Văn Lăng đi qua Kiến Xưong, bắt gặp một người đàn ông có dáng dấp lực điền đang gánh một gánh khá nặng, phía trên đậy một chiếc nón lá rách. Bỗng nghe có tiếng như âm thanh của trẻ sơ sinh. Thì ra trong thúng có khoảng chục em bé mới sinh còn đỏ hỏm mà vài đứa đã chết. Người đó gánh chúng từ một vùng làng xa xôi định đến Duyên Hà gởi cho các bà phước từ thiện chuyên nuôi trẻ em mồ côi ở cách đó ba mươi cây số. Nhưng nhà nuôi trẻ đã đóng cửa từ lâu!

Tại chợ Kiến Xương lúc bấy giờ, rất nhiều xác chết nằm la liệt, trong số đó có một phụ nữ đã chết không biết từ bao giờ, nhưng đứa con vẫn còn sống, đang bám vào ngực mẹ mà bươi bươi đôi vú một cách cuống quýt rồi nhai lấy nhai để không thôi. Sau đó vài giờ em bé cũng chết, để theo kịp mẹ về nơi chín suối hầu thoát khỏi cuộc đời khổ đau nầy!

Một bữa nọ GS Lê Văn Lăng có dịp đi ngang qua Cầu Bo thấy có vẻ khác lạ ở đầu cầu, người ta tò mò đến xem. Thì ra có khoảng ba bốn gia đình đang luộc thịt những người hàng xóm để ăn, xương tay xương chân vứt ngang bên cạnh!

Ban đêm mùa đông rét mướt lạnh lẽo, thỉnh thoảng nghe tiếng ré lên của trẻ con. GS Lê Văn Lăng phóng vội ra ngõ với cây đèn bão trên tay, bắt gặp xác đứa trẻ bị người lớn hút máu nóng với que tre cắm trong cuống họng.

Cảnh phát bánh chưng ở Thái Bình

Một ông phú hộ trong vung giúp cho nhóm từ thiện của GS Lê Văn Lăng mười tạ gạo nếp để gói bánh chưng phát cho những người đói ăn, nhân dịp Tết nguyên đán 1945 gần kề. Rồi có nhiều người tham gia, kẻ góp của, người giúp công… để làm việc lợi ích cho cộng đồng. Chiến dịch “làm và nấu bánh chưng” thu hút hơn 500 người tự nguyện gói bánh chưng và đã “sản xuất” được hơn 6.500 bánh mà mỗi bánh nặng khoảng một kilô.

Sau khi công việc nấu bánh chưng hoàn tất thì chuyện nhỏ “phân phát bánh” cho những người thực sự đói ăn đã trở nên một vấn đề nghiêm trọng. Người ta nghĩ cách đem bánh chưng ra khu nghĩa địa rồi chỉ mở hé cổng cho từng người vào thôi. Người nào được phân phát bánh chưng sẽ đánh dấu + trên tay. Ban đầu công việc có vẻ suông sẻ và trật tự, vì chưa có nhiều người biết.

Nhưng độ nửa giờ sau, thật quá đỗi kinh hoàng khi nghe thấy tiếng chạy của hàng ngàn người từ các làng lân cận kéo đến, vừa chạy vừa la: “Phát bánh chưng chưa! Phát bánh chưng chưa!” với âm thanh ồn ào và náo nhiệt chưa từng thấy. Họ leo tường vào nghĩa địa một cách chóng vánh. Rồi hàng nghìn người chen chúc dẫm đạp lên nhau và dẫm lên cả bánh chưng. Tiếng người gọi nhau ơi ới lẫn tiếng khóc thét của trẻ con trong khu vực nghĩa địa mênh mông đó.

Khi đám đông rút đi, dưới mặt đất nào là bánh chưng bị dẫm đạp nát nhoẹt, có vài ba xác trẻ em bị chèn đè dẫm đạp đến chết. Khi còn lại vài bánh chưng người ta phát cho các em quá đói, gầy gò trần trụi đứng ngoài giơ tay xin. Chúng vồ lấy ăn ngấu nghiến cả lá gói.

Lúc bấy giờ các nhà giáo phải nhờ đến ông Đốc Quýnh là một viên quan trông coi về giáo dục toàn tỉnh Thái Bình. Sáng hôm sau, ông Đốc Quýnh đóng bộ veston cà vát cẩn thận có batoong bên cạnh, còn bà vợ thì mặc áo dài. Hai người đi trên hai chiếc xe kéo rất sang trọng và chất lên mỗi xe độ 50 bánh chưng rồi lên đường trực chỉ các làng xa xôi ở ngoại thành. Khi chỉ đi ra ngoại thành được non nửa cây số, xe của quan Đốc và phu nhân bị đám đông níu kéo lại.

Khi nghe tiếng la réo: “Phát bánh chưng! Phát banh chưng!” vang lừng từ đầu thôn đến cuối xóm, quan Đốc điên tiết lên, dùng batoong phất lia lịa vào đám đông để mở đường. Nhưng xe vẫn không thể nào tiến đi được vì bị bao vây bởi hàng trăm con người rách rưới đói khát đã lâu ngày. Họ dẫm đạp, chen lấn, dày xéo lên nhau để cướp giật bánh chưng.

Khi tàn cuộc “phát bánh chưng bất đắc dĩ”, hai chiếc xe kéo sang trọng đã bị gãy nát thảm thương. Hai ông bà quan Đốc thì quần áo rách bươm, măt mày bùn đất bê bết ngao ngán lắc đầu. Bánh chưng thì rơi nhão nhoẹt lẫn với bùn đất. Anh đánh xe thì mặt mũi bầm tím, cọng thêm xác vài ba đứa trẻ kiệt sức vì bị dẫm đạp trong cơn hỗn loạn. Kể từ hôm đó không ai thấy tăm dạng ngài Đốc Quýnh đâu nữa.

Tình hình nạn đói ở Ninh Cường

Ninh Cường cách Trung Linh, Bùi Chu khoảng hai mươi cây số đường bộ, nằm ở giữa vùng Đồng Bằng Bắc Việt. GS Đỗ Hữu Nghiêm cho biết, theo lời kể lại của linh mục Vũ Minh Thái: ở Nhà Chung Ninh Cường lúc đó mọi người chỉ được ăn một bữa. Trên nhiều đường trong bờ ruộng làng, Nhà Chung cùng với dân làng đựng lên nhiều lều tranh tạm trú cho những người từ các làng quê kéo đến xin ăn. Lúc đó quân đội Nhật, dưới áp lực súng ống lưỡi lê, ra lệnh cho tất cả các nông gia phải đóng thuế bằng hiện vật, tức phải gánh hết thóc trong nhà đổ vào các kho chứa của nhà nước.

Có cả trăm người lết đến khu vực Nhà Chung Ninh Cường tạm trú trong các lều tranh bên vệ đường có dựng lều. Nhà Chung cho nhà bếp nấu cháo, phân phát cho những người đói ăn. Có người ăn được bát cháo hôm trước thì hôm sau lăn đùng ra chết. Người chết xếp chồng lên nhau cả hàng chục hàng trăm không đếm cho xiết.

Người trong làng, ai còn khỏe mạnh thì thường rủ nhau ra cánh đồng đào những hố lớn rồi ném chôn vùi xác chết xuống vội, lấp đất sơ sài, vì số người chết quá đông chôn không kịp. Mùi hôi thối của xác chết bốc lên nồng nặc mấy tháng trời.

Một kịch bản thảm thương, nghịch lý, nhưng lại rất khoa học xảy đến trước sự chứng kiến của những người còn cơ may sống sót, nhất là các nông dân: các vụ trồng lúa năm sau lại tươi tốt và thu hoạch nhiều vô số kể hơn bao giờ hết, chắc nhờ nhiều xác chết đã thối rữa thành phân bón hảo hạng cho đồng ruộng ngập nước!

Nếu người Nhật Bản còn thống trị châu Á Thái Bình Dương sau ngày 15/8/1945, thì chính họ phải trở thành những kẻ khai thác xác người tinh vi tàn bạo chẳng khác nào quân phát xít Đức khai thác các mạng người trong thế chiến thứ II ở các trại giam và lò thiêu người bên châu Au! Ngày 28/01/2005 vừa qua đánh dấu 60 năm chẵn kể từ ngày 28/01/1945 là ngày mà quân đội Đồng Minh đổ bộ lên Au châu để giải phóng dân chúng nói chung và nhất là người Do-Thái nói riêng khỏi nạn diệt chủng do bọn quân phiệt Đức chủ xướng.

Một nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử đất nước, thường gọi là «Nạn đói năm At Dậu», đã làm chết trên hai triệu nông dân Miền Bắc Việt Nam vào đầu năm 1945. Cách nay giáp 60 năm tròn, nạn đói này đã thật sự xảy ra dưới con mắt bàng quan của quân đội phát xít Nhật và chính quyền thực dân Pháp từ cuối năm 1944 đến Tết At Dậu 1945 và kéo dài đến khoảng tháng 5 dương lịch. Cùng năm ấy, tổng số tử vong do bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima (ngày 6/8) và Nagazaki (ngày 9/8) của Nhật là khoảng 200 ngàn người.Hằng năm, Nhật và thế giới vẫn làm lễ tuởng niệm cho vong linh những nạn nhân xấu số này. Số tử vong của nạn đói năm At Dậu cao gấp 10 lần hơn, cũng do chính bàn tay độc ác của ngoại bang gây ra, nhưng từ đấy đến nay, các chính phủ VN không có lấy một hành động nhớ tưởng nào. Kể cả những quyền lực thực dân và xăm lược có nhúng tay vào tội ác tầy đình này cũng ngoảnh mặt làm ngơ luôn. Lúc bấy giờ, ai nếu chẳng phải là chính phủ bảo hộ Pháp hẳn phải thấy trước tai họa lớn lao này, nhưng chẳng những họ không tìm cách ngăn ngừa nạn đói mà còn đẩy cho nó trầm trọng hơn. Chính phủ phát xít Nhật, xua quân chiếm đóng Đông Dương từ năm 1941 cho đến khi thất trận giữa năm 1945 và trong bốn năm ấy đã tận lực vét cạn tài nguyên của Việt Nam để tiếp ứng cho chiến trường Đông Á của họ, hẳn phải biết rõ họ là thủ phạm trực tiếp gây ra vụ chết đói kinh hoàng này. Thế nhưng, mãi cho đến nay, mọi chính phủ đều đồng lõa với nhau để lấp liếm tội ác diệt chủng khốn nạn này. Không một nhà nước nào còn chút liêm sỉ để nhận trách nhiệm lập một hồ sơ chính thức, một tư liệu minh bạch về nạn đói vô tiền khoáng hậu này cả!

CHẾT ĐÓI NGAY TRÊN «VỰA LÚA» LƯU VỰC SÔNG HỒNG

Ngày nay, nói đến nạn đói năm At Dậu, các bậc niên trưởng chỉ lắc đầu thở dài, ngao ngán nhớ lại cảnh chết đói thảm thương ghê rợn không bút nào tả xiết. Người người bất lực, nhà nhà bất lực, làng nước bất lực trước nạn đói, nói gì đến chống đói và cứu đói. Những hình ảnh hãi hùng vẫn còn in đậm trong ký ức họ. Như mới ngày nào đây thôi, họ bàng hoàng nhìn những tấm thân gầy đét, xơ xác, lây động từng bước chậm chạp trên con đường cái quan, trong lớp quần áo rách tả tơi, rộng quá cỡ, phất phơ trong gió bấc giữa một mùa đông rét mướt khác thường. Xa xa đằng kia, cũng những hình hài gầy guộc khô đét dìu dắt nhau đi, lung linh trong gió rét căm căm. Bên lề đường gần đó, vài tấm thân chỉ còn da bọc xương đang nằm thoi thóp dưới lớp quần áo nhàu nát, rên rỉ không ra tiếng, tay chân co quắp lại như những cành cây khô cứng, bất động chờ chết. Trước con mắt xót xa đến tê dại của người qua đường, những hình ảnh thê thảm ấy cứ thế diễn ra dồn dập mỗi ngày trên khắp các nẻo đường của lưu vực Sông Hồng, «vựa lúa» của Miền Bắc Việt Nam.

Quả vậy, lác đác đó đây trên bờ ruộng, giữa con đường làng, bên con đường cái quan, nơi góc cây, mõm đá, một hai ba, rồi hằng chục, hằng trăm cái thây ma ngã đổ sóng sượt, chồng chất lên nhau, chết khô chết cứng dưới lớp mưa phùn gió bấc da diết của mùa đông năm ấy… Người chết như rạ! Mùi hôi thúi nồng nặc phảng phất khắp hang cùng ngõ hẻm. Kẻ còn chút hơi tàn thì vẫn cố lê bước thê lương ra đi, đi mãi, để rồi khi kiệt sức lại lăn ra chết, không một tiếng than khóc, trước con mắt bàng quan của những chiếc thân gầy đét khác khập khểnh, tiếp tục lê chân đi kiếm ăn, và chờ chết…

Họ là ai? Họ là những người dân quê cần mẫn, làm quần quật suốt năm tháng trên khắp miền đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà đất đai phì nhiêu lẽ ra phải sản xuất dư đủ lúa gạo khoai sắn nuôi sống bản thân họ. Nhưng lúc bấy giờ, lạ thật, họ không còn gì để ăn, sau khi đã ăn sạch dần khoai củ và các giống chó mèo, cóc nhái, rồi đến các bụi chuối, luống lang, giun dế để cầm hơi. Họ đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực, nhưng tới đâu cũng cửa đóng then gài, làng mạc xơ xác hiu quạnh, vì nhiều người cũng đã kéo nhau ra đi về các thị xã phố phường với chút hy vọng ăn xin được chút cơm thừa canh cặn. Nhưng không, người thành phố cũng vất vả kiếm cơm, khi mà lương thực khan hiếm một cách tồi tệ, do tiếp vận khó khăn vì bom đạn của Mỹ (còn gọi là đồng minh) đánh phá các đường vận chuyển, và do chính sách thu mua lúa gạo của nhà nước thực dân Pháp và phát xít Nhật để nuôi quân. Từng tốp người, từng đoàn người đói rách cứ thế lũ lượt lê bước trên khắp các con đường đổ về các thị xã, phố phường, thành phố Hà Nội.

Ngay như tại Hà Nội, sáng sáng người ta thấy xác chết nằm ngổn ngang trên các vĩa hè đường phố, nơi công viên, sát các bờ tường, nép bên ngõ hẻm. Đó là xác những người đói lam lũ đi xin ăn, đêm đến đói lả, nằm vật vờ ra đâu đó, rồi chết lịm luôn. Có người quá đuối mệt, ngồi tựa cửa ra vào các căn nhà dọc phố xá, nghỉ tạm qua đêm, rồi chết cứng luôn ở đấy. Sáng ra, người nhà mở cửa, đụng phải xác chết lăn kềnh ra giữa lối đi hoặc đổ ập vào trong nhà, làm họ phải một phen thất điên bát đảo, kinh hãi rụng rời tay chân. Ngày ngày, người ta phải đem xe bò đi hốt những xác chết đó đem đi chôn vùi vội vã ở những hố chôn tập thể.

Suốt chiều dài lịch sử, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam phải chịu một tai họa thảm khốc và kinh khiếp đến như thế. Trong vòng 5-6 tháng và trên chính «vựa lúa» của xứ mà Tây gọi là Bắc Kỳ (Tonkin), hơn 2 triệu nông dân trên khoảng 6 triệu rưởi dân số miền này, tức khoảng một phần ba dân số, phải chết đói. Ta có thể hình dung tội ác diệt chủng này nghiêm trọng và lớn lao đến mức nào. Thực dân Pháp lúc bấy giờ nắm quyền cai trị các nước Đông Dương, gồm có Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào, hẳn phải chịu trách nhiệm pháp lý về nạn đói ấy. Quân lực phát xít Nhật dùng Việt Nam làm hậu cứ nuôi quân và tiếp liệu cho chiến tranh chắc chắn có trách nhiệm lớn trong tai họa khủng khiếp này. Thế mà cho đến nay, chưa có một chính phủ nào chịu tra cứu tường tận, thống kê chính xác, và lập hồ sơ vụ án để xét xử và đền bù thiệt hại.

VÀI NHÂN CHỨNG TƯỜNG THUẬT NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU

Học giả Lưu Công Thành, cũng là một nhân chứng, đã viết: «Có thể nói nạn đói năm At Dậu là một cảnh tượng khủng khiếp nhất trong lịch sử! Những tháng đầu năm đó, trên các nẻo đường chính ở những đô thị lớn, hàng đoàn người già trẻ, lớn bé thất thểu dắt nhau đi cầu thực, tất cả chỉ còn da bọc xương… Ở một vài nơi có Hội từ thiện tổ chức phát cháo cứu trợ, nhưng có người nhận cháo rồi vẫn lăn ra chết vì quá kiệt sức! (…) Thời điểm xảy ra nạn đói là vào mùa đông nên cứ mỗi đêm sáng ra lại có thêm rất nhiều người là nạn nhân của tử thần. Người chết nhiều đến nỗi Sở Vệ Sinh và Bệnh Viện thành phố phải thuê xe bò đi hốt xác và tổ chức cho nhiều đơn vị tư nhân đấu thầu việc này. Số liệu năm đó cho biết: có hơn 2,5 triệu người chết!» Không thấy ông Lưu Công Thành cho biết đã dựa vào tài liệu nào để nói rằng số thương vong, theo số liệu, lên đến hơn 2,5 triệu người!

Ông Lưu Công Thành tiếp: «Hậu quả là dân một số nơi gần như giảm đi quá nửa, một phần chết đói tại sinh quán, một phần bỏ làng đi rồi không trở về nữa. Tất cả dẫn đến tình trạng thiếu hụt sức lao động và ruộng canh tác bỏ không rất nhiều. Chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng, gia súc (kể cả chó) không còn bao nhiêu do bị giết để lấy thịt. Thậm chí có một số câu chuyện kể rằng có hiện tượng bắt cóc trẻ con để lấy thịt! Một nhân viên tại Sở Cảnh Sát Hải Phòng thừa nhận như vậy, tuy nhiên chính quyền không xét xử công khai vì sợ lòng dân hoang mang.»

Ong Đỗ Hữu Nghiêm tường thuật theo ký ức trong một bài viết có bổ sung ngày 13.12.2004 tại Dayton, Ohio, như sau. «Ở miền quê tôi, làng Hòa Khê, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, khu vực giáp ranh với huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội 45 cây số, chỉ mới lên bảy tuổi, tôi còn nhớ cảnh thương tâm (…) người đói lả nằm ngã lăn bừa bãi khắp nơi ở giữa hay bên đường, trên đồng ruộng, trước cửa nhà, (…) rồi chết tất tưởi trong tình cảnh tứ cố vô thân, rách rưới. Số người chết đông đảo đến nỗi chôn không xuể, khiến bị nhiễm trùng và có nơi đã có dịch.»

Ong Nghiêm viết tiếp: «Ở đầu làng tôi, bên kia sông, (…) người làng tôi thấy có quá nhiều người chết la liệt ở cả hai bên sông, nên những người còn khỏe mạnh rủ nhau đi (…) thu lượm những xác chết lại, (…) đem chôn vùi như ma đuổi tất cả số người đói đó trong một chiếc hố tập thể. Trong số người chết, có cả những người còn ngoắc ngoải, chưa hết hẳn, có người còn rên lên: «Đừng chôn sống chúng tôi, để chúng tôi chết hẳn đã.» Bất chấp những lời than vãn đó, người còn khỏe mạnh cứ lấp đất vội vàng trên những thân thể còn chút hơi sống đó và tiếng kêu chỉ tắt hẳn khi những tảng đất định mệnh bên bờ sông được lấp đầy! Hình ảnh đó ám ảnh đám trẻ chúng tôi nhiều tháng trời và mùi hôi trong nấm mồ tập thể đi theo chúng tôi khắp nơi, đến tận giấc mơ hãi hùng trên giường ngủ. (…) Đầu cầu tre bên làng, có một thanh niên gần chết nằm im lìm đầu xóm giữa ngay ngã ba đường vì không còn hơi sức cử động. Thấy thế đám trẻ tinh nghịch trong làng chạy đến xúm xít bu quanh xem người nằm đói có lẽ đang hấp hối. Một thanh niên còn trẻ nhưng trông như một cụ lão già, quần áo tả tươi, rách nát, nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương, để lộ cả mông và bộ phận sinh dục. Bỗng nhiên một đứa tinh quái, nghịch độc, bẻ một cành tre, rồi chọc vào hậu môn người sắp chết. Thân thể đáng thương kia chỉ giật giật nhè nhẹ, chắc có vẻ đau đớn mà không phản ứng gì được. Một chú bé đứng xem gần đó bịt mặt, với đôi mắt đỏ hoe sợ hãi vội quay đi, chạy trốn về nhà.»

Ong Nghiêm tiếp tục kể: «Tại Ninh Cường, cách Trung Linh, Bùi Chu khoảng hai mươi cây số đường bộ, nằm ở giữa vùng Đồng Bằng Bắc Việt, có lẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của châu thổ sông Hồng, theo lời chứng của một linh mục, thì ở nhà Chung Ninh Cuờng lúc đó (năm 1945) mọi người chỉ được ăn một bữa. (…) Những người từ các làng quê kéo ra xin ăn, vì không còn thóc hay khoai sắn để ăn. Quân đội Nhật ra lệnh, dưới áp lực súng ống lưỡi lê, cho tất cả các nông gia phải đóng thuế bằng hiện vật, tức là phải gánh hết thóc trong nhà đổ vào các kho chứa của nhà nước lúc đó mà người Nhật đã chiếm đóng và quản lý. Có cả trăm người lết đến khu vực Nhà Chung Ninh Cường tạm trú trong các lều tranh bên vệ đường… Thấy thế, Nhà Chung cho nhà bếp nấu cháo, phân phát cho những người đói ăn. Có người ăn được bát cháo hôm trước, thì hôm sau lăn đùng ra chết; người ta chết chồng lên nhau cả hằng chục hằng trăm không đếm cho xiết.»

Cũng theo ông Nghiêm, tại Thái Bình, một nhân chứng đặc biệt ghi nhận như sau: «Tháng Ba năm ấy, nay quen gọi là tháng Ba đói của năm At Dậu, 1945, (…) nhiều người đói quá, đã chết vì đói. Nhiều người đói quá, nên đành bỏ nhà, bỏ quê. Chiều hôm ấy, tôi đi bộ từ Thái Bình về Thượng Phúc. Đường vắng. Thỉnh thoảng tôi gặp những thân người tiều tụy ốm o, lê bước, ngẩn ngơ, mệt mỏi. Họ đi kiếm ăn. Đi một mình, hoặc đi chung gia đình. Họ tìm bới hy vọng ở những đám cỏ, ở những đống rác bụi cây. Đến gần một bờ sông, tôi thấy ba người gầy guộc nằm bất động. Một phụ nữ trẻ đã chết, tay vẫn ôm đứa con nhỏ. Đứa con nhỏ cũng đã chết, miệng còn ngậm vú người mẹ đã chết. Một người đàn ông trẻ nằm sát bên kia đứa nhỏ đã chết, tay như đang cố với tìm chiếc chiếu rách cạnh bên, để đắp cho vợ con. Anh ngấp ngoái chết. Tôi nghẹn ngào ngồi lại. Anh nhìn tôi. Vài phút sau, anh tắt thở.»

HỒI KÝ LÊ VĂN LĂNG: Ở THÁI BÌNH, ĂN CẢ THỊT NGƯỜI!

Ong Lê Văn Lăng «chỉ xin thuật lại những mẩu chuyện 'mắt thấy tai nghe' trong những tháng ngày đen tối ấy» trong tập hồi ký của ông: «Cùng với cả miền Bắc Việt Nam lúc đó, cuối năm 1944, đầu năm 1945, Thái Bình cũng đã phải gánh chịu 'quốc nạn' này. (…) Tháng 11 năm ấy, tiết trời đặc biệt rét đến sớm hơn mọi năm, khiến con người ta ai cũng thấy đói 'mọi lúc mọi nơi'. (…) Càng rét người ta lại càng thấy đói, càng đói người ta lại càng thấy rét, cái vòng lẩn quẩn ấy bao vây dân nghèo ngày một gay gắt hơn bao giờ hết. Thái Bình thời ấy được mệnh danh là 'vựa lúa' của miền Bắc với những cánh đồng 'cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi'. Nhưng thật trớ trêu, chính ở trên mảnh đất ấy, cái đói đến với tầng lớp 'lê dân' mới thật dữ dội kinh khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng bình thường của con người. Quân Nhật thông qua chính quyền bảo hộ Pháp buộc nông dân phải nộp hết thóc lúa cho chúng để phục vụ cho lính 'Thiên Hoàng', rồi lại cưỡng ép phá hoại trồng lúa trong vụ Đông Xuân năm ấy, để dành đất trồng đay làm bao công sự chiến đấu chống lại quân đồng minh. Thật là 'họa vô đơn chí', năm đó Thái Bình bị mất trắng vụ lúa do bị hạn hán hoành hành khắp nơi.(…) Tất cả những gì ăn được người ta đã ăn hết cả rồi, khoai sắn củ còn non biến mất quá nhanh vào dạ dày lép kẹp, rồi gia súc chó mèo đều lần lượt phải 'hy sinh' cho bao tử của chủ.»

Ong Lăng tiếp: «Không phải mọi người đều chịu cái đói; ở thành thị, công chức, người đi buôn vẫn sống bình thường, tuy có điều vất vả; chính nông dân ở các làng mới bị đói nhiều ngày trên mảnh đất ruộng vườn của họ. Không còn gì để bỏ vào bụng nữa, người dân lam lũ từ các vùng chung quanh bắt đầu ùn ùn kéo nhau về thị xã trung tâm. Nhiều huyện như Kiến Xương, Tiền Hải, người ta kiếm ăn bằng mọi cách để rồi ngã chết ra cả nhà. Những người còn sức đi được thì đi thành từng đoàn, họ lê bước trên những nẻo đường về thị xã với bộ quần áo rách rưới, có người gần như trần truồng vì đã bán những bộ quần áo lành lặn để đi đổi lấy gạo ăn. Cái đói cái rét cắt thịt như thúc giục họ tiến bước về phía trước. Những người nào đói quá thì lả đi gục xuống để rồi không bao giờ dậy nổi nữa. Hai bên đường, thây người chết đói ngã ra như rạ, lại càng thúc giục họ đổ về thị xã Thái Bình bất chấp một vành đai lính tráng bao quanh khu vực thị xã ngăn không cho họ vào. Tôi nhớ rất rõ lúc ấy là vào khoảng gần tết, trời mưa phùn âm ỉ kéo dài suốt cả tuần lễ khiến cho cái rét lạnh căm căm càng thúc đẩy làm tăng cái đói cồn cào xé ruột xé gan, ăn được một chút là thấy đói ngay, lúc nào cũng cảm thấy đói. Ở các chợ trong thị xã, người dồn về rất đông mặc dù bị lính xua đuổi rất ráo riết, nhưng sáng nào người ta cũng hốt được vài ba xác chết vì đói rét, hoặc nằm ngang chợ hoặc dưới các mái hiên nhà.»

Ong Lê Văn Lăng lúc bấy giờ là nhà giáo, dạy ở trường tư thục Pascal tại thị xã Thái Bình và vừa dạy kèm con cái của ông Hào Thùy và ở trọ luôn đó. Ong kể: «Hôm nào đến trường cũng nhặt được hai ba xác trẻ em đã chết cóng từ đêm hôm trước, tôi cùng học trò phải mang đi chôn sau trường. Một hôm, nhân có việc đi chợ Kiến Xương thì tôi bắt gặp một người đàn ông có dáng lực điền đang gánh một gánh có vẻ khá nặng, phía trên có đậy một chiếc nón lá rách. Bỗng tôi phát hiện có tiếng gì tựa như âm thanh của trẻ sơ sinh phát ra từ đôi quang gánh ấy, tôi bèn lập tức níu ông ta lại xem có phải không, thì mới biết trong đó có khoảng chục đứa bé mới sinh còn đỏ hỏn mà vài đứa đã chết. Ong ta thú thật là đã gánh chúng đến từ một làng vùng xa định dến Duyên Hà gởi cho các bà xơ từ thiện. (…) Tôi hết sức phẫn nộ và bảo ông ta còn đến gần 30 cây số đường đất nữa mới đến được chỗ ấy, mà chắc chắn là khi đến nơi thì những đứa bé sẽ không còn sống nữa đâu.»

Sau khi bảo ông tá điền đem gởi các trẻ sơ sinh ấy tại nhà ông Lại Mân, địa chủ giàu nhất Thái Bình, ông Lăng đi tiếp. Ong kể: «Tôi tiếp tục đi đến chợ Kiến Xương thì thấy rất nhiều xác chết nằm la liệt trên sân chợ. Có một người phụ nữ đã chết không biết từ lúc nào nhưng đứa con nhỏ vẫn còn sống, đang bám vào ngực mẹ nó mà bươi bươi đôi vú một cách cuống quít rồi nhai lấy nhai để không thôi. Sau đó vài giờ, tôi về ngang chợ thì thấy đứa bé cũng đã chết. (…)

Bữa nọ có dịp đi ngang qua Cầu Bo thấy có vẻ khác lạ ở đầu cầu, tôi cùng các học trò tò mò đứng nhìn xem, thì đã phát giác có khoảng ba, bốn gia đình đang ở đó, có người đang luộc thịt những người hàng xóm để ăn, xương tay xương chân vứt ngay bên cạnh! Đêm mùa đông rét mướt lạnh lẽo cũng trở nên không yên tĩnh tí nào khi hằng đêm đương ngủ, thỉnh thoảng người ta nghe tiếng ré lên của trẻ con. Phóng vội ra ngõ với cây đèn bão trên tay, mọi người sẽ bắt gặp xác đứa trẻ bị người lớn hút máu nóng với que tre cắm trong cuống họng. Đêm nào cũng có vài ba vụ như vậy mà kẻ thủ ác cũng vẫn không có người buồn bắt bớ tra cứu nữa.»

TƯ NHÂN CHỊU BẦM DẬP ĐỂ CỨU ĐÓI, ĐÀNH BUÔNG TAY!

Quá bức xúc trước cảnh chết chóc thảm thiết, ông giáo Lăng và bạn bè cùng học trò đã nảy ra sáng kiến đứng lên vận động quyên góp để cứu đói. Lần đầu tiên phong trào «lá lành đùm lá rách» được phát động ở Thái Bình. Ong chủ nhà Hào Thùy, một hào phú trong vùng chuyên đi thu mua gạo cho nhà nước Pháp, đã đóng góp mở màn 10 tạ gạo nếp. Phong trào quyên góp lan rộng đến các trường khác và có sự tham gia của các phụ huynh học sinh nữa. Cũng gần đến tết nguyên đán rồi, tiện thể bà con tổ chức nấu bánh chưng để phát cho người nghèo đói. Giới công chức trong tỉnh cũng kéo đến tham gia, người góp gạo, kẻ góp nếp, đậu, người khác góp lá dong, công việc gói bánh kéo dài trong 5, 6 ngày liền. Mấy chục lò bánh xuất hiện ngay ở sân trường. Kết quả có đến 6.500 bánh nặng ngót nghét 1 kilô, được xếp gọn trong kho nhà ông Hào Thùy.

Thế rồi đến hồi phát bánh, tưởng nhỏ mà thành to chuyện. Biết rằng dân nghèo vốn đói đã lâu, khó giữ được bình tĩnh khi thấy cái ăn, nên ông giáo Lăng đem bánh ra khu nghĩa địa Thái Bình, dùng cổng hé mở cho từng người vào nhận bánh, đánh dấu vào tay, rồi ra về trong trật tự. Ong giáo Lăng kể tiếp : «Thời gian đầu công việc có vẻ thuân lợi… Nhưng độ nửa giờ sau, chúng tôi quá đỗi kinh hoàng khi nghe thấy tiếng chạy của hàng ngàn người từ các làng lân cận kéo đến, họ vừa chạy vừa la «Phát bánh chưng chưa! Phát bánh chưng chưa!» với âm thanh ồn ào và náo nhiệt chưa từng thấy. Họ leo tường vào nghĩa địa một cách chóng vánh, rồi hàng nghìn người chen chúc dẫm đạp lên nhau, dẫm đạp lên cả bánh chưng. Tiếng người gọi nhau ơi ới hòa lẫn tiếng khóc thét của trẻ con trong khu vực nghĩa địa mênh mông đó. Chúng tôi chỉ còn biết bất lực đứng nhìn, ai nấy người đầy bùn đất nhão nhoẹt, để rồi khi đám đông rút đi thì dưới mặt đất nào là bánh chưng bị dẫm đạp nát nhoẹt cả ra, có vài ba xác trẻ em bị chèn đè dẫm đạp đến chết. (..) Tôi không thể cầm được nước mắt. Chúng tôi lắc đầu ngao ngán vì đã không thể nào lường trước được tình huống… »

Cũng may, hôm ấy chỉ mới kịp đem ra nghĩa địa vài trăm bánh chưng thôi. Nên phải tính kế khác để phát cho hết. Trong phiên họp nhà giáo của tỉnh sau đó, ông Đốc Quýnh là viên quan trông coi về giáo dục trong toàn tỉnh Thái Bình mới được hay biết vụ phát bánh chưng đổ bể. Đốc Quýnh la rầy trách mắng các thầy kém tổ chức và vỗ ngực xung phong hôm sau làm một chuyến ra ngoài thành biểu diễn phát bánh chưng làm gương. Ong giáo Lăng kể tiếp: «Sáng hôm sau, ông Quýnh đóng bộ veston cà vạt cẩn thận có batoong bên cạnh, còn bà vợ ông thì áo dài đánh xe đến chỗ chúng tôi. Hai ông bà đi trên hai chiếc xe kéo rất ư là sang trọng (thời ấy người giàu có quan quyền đều có xe kéo riêng, phu xe được nuôi ăn ở trong nhà, xe được đóng rất kỹ lại được trang trí bằng đồng sáng loáng, rồi lại được sơn vàng toàn bộ rất rực rỡ) đến trường chúng tôi, gọi bảo chất lên cho mỗi xe độ khoảng 50 bánh chưng và lên đường xuất phát trực chỉ các làng xa ở ngoại thành. Tôi liền cho vài học sinh đi theo sau để nắm tình hình, thì khoảng độ non giờ sau có em về báo là ngài Đốc Quýnh và phu nhân đã 'gặp nạn' rồi.» Thực vậy, xe chưa đi đến đâu thì đã bị đám đông ùn ùn vừa chạy tới vừa thét vang dội «Phát bánh chưng! Phát bánh chưng!», rồi chận đường, níu kéo xe, dẫm đạp, chen lấn, dày xéo lên nhau để cướp bánh, bất kể ông Đốc điên tiết lên dùng batoong phất lia lịa vào họ. Sau khi đám đông rút lui, theo ông giáo Lăng kể lại, «hai chiếc xe kéo đẹp đẽ bị gãy nát thảm thương, hai ông bà thì quần áo rách bươm, mặt mày bùn đất bê bết ngao ngán lắc đầu, bánh chưng thì rơi vãi nhão nhoẹt trộn lẫn với bùn đất. Anh đánh xe thì mặt mũi bầm tím, cộng thêm xác vài ba đứa trẻ kiệt sức chết vì bị dẫm đạp trong cơn hỗn loạn.»

Ong giáo Lăng kể tiếp: «Cuối cùng thì chúng tôi cũng phân phát hết được số bánh chưng tồn đọng bằng cách cho các học sinh mang trong người mỗi em vài bánh, tỏa đến các làng xa vào ban đêm để phát cho từng nhà quá đói rét. Tất nhiên việc thiên vị của các em là không thể tránh khỏi khi đi phát như thế, nhưng chúng tôi không thể có sự chọn lựa nào khác.»

Được biết, tại nhiều tỉnh khác, có nhà phú hào trong làng động lòng trắc ẩn trước cảnh chết chóc thê thảm, đã cho nấu cháo phát thí cho bà con ăn đỡ đói. Nhưng chỉ vài giờ sau, hoặc hôm sau, là phải đóng cửa then gài thật kỹ, vì số người đói ăn kéo nhau đến quá đông, gây ra cảnh xô xát, cướp giựt bấn loạn cả lên. Có nơi, dân đói tràn vào nhà, đập phá và cướp bóc hết lúa gạo của khổ chủ. Từ đó, tin đồn loan đi, chẳng mấy ai dám ra tay làm nghĩa hiệp nữa. Cứ thế, mỗi ngày lưỡi hái của tử thần vẫn lặng lẽ cướp đi hàng ngàn hàng vạn người lê dân cùng khổ, bất hạnh, cô thế, bất lực, đành cam chịu bản án của số mệnh…

Sống qua cơn đói

TT - Gia đình ông bà tôi thuộc lớp trung lưu. Bà nội và mẹ tôi rất căn cơ, tiết kiệm. Thế mà không thoát đói. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là cái đói Ất Dậu - cái đói mênh mông trùm khắp bao vùng miền, bao tỉnh huyện, không đâu và không ai thoát khỏi được.

Cái đói không của riêng ai

Tôi là cháu trai nên được bà rất chiều, còn mẹ - khỏi phải nói. Chợ về bao giờ cũng có quà. Quà phiên chợ đói mẹ đưa về cho chúng tôi lúc tấm mía gầy, lúc mấy củ khoai lang còi cọc. Mấy đứa em xúm quanh nhìn tôi bóc khoai, bóc cẩn thận cho thật hết vỏ.

Khoai được chia cho hai em phần lớn, còn tôi phần nhỏ hơn bởi tôi còn được tất cả phần vỏ còn lại, vun một nắm cho vào miệng nhai ngon lành. Vỏ khoai là thứ xưa nay không ai ăn vì nào có tiêu được, ăn vào bụng rồi trả lại cho đất mà thôi. Mấy anh em xúm quanh mấy củ khoai, trịnh trọng bóc và hăm hở nhai cả vỏ - đó là kỷ niệm về đói tôi không bao giờ quên.

Cả làng hiu hắt, vườn cổng đóng kín. Thế mà vẫn có người chui được vào nhà vì không còn chó. Người không có cái ăn thì chó cũng chết hết để làm cái ăn cho người. Người làm mướn cho ông bà tôi, một người đàn bà góa rất nghèo, đến thăm ông bà, ngồi ở góc nhà, mắt nhìn khắp trần nhà, dưới nhà. Không phải đến bây giờ mà ngay từ lúc ấy tôi đã thấy mắt của người đói rất đặc biệt.

Quan sát bà làm mướn và quan sát những người trong làng tha thẩn ngoài đường, ngoài ngõ tôi thấy họ thân hình thì khô quắt, chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, cử động thì chậm chạp, nhưng mắt lại rất tinh. Cặp mắt săm soi nhìn khắp mặt đất và đảo khắp chung quanh để tìm.

Tìm một mầm xanh của cây lá để ngắt; tìm một cái gì còn động đậy để vồ lấy, bất kể đó là con chuột, con nhái, con cào cào, thậm chí là con kiến, con gián. Tôi nhớ lần ấy bà làm mướn có nói với mẹ tôi là gián ăn cũng được, và còn ngon là đằng khác. Người đói ăn được cả gián, đó là tri thức của tôi trong năm đói 1945.

Sau này xem phim Papillon - người tù khổ sai khi thấy Papillon nằm bẹp trên nền đất, tay quờ quạng, ráo riết bắt cho được một con gián dưới quầng sáng của ánh đèn phòng biệt giam, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi được nghe từ một người đói ngày ấy.

Rồi lại nhớ đến lần đón khách Cộng hòa dân chủ Đức, năm 1972, ở khách sạn Métropole, Hà Nội, khi thấy một con gián lấp ló ở góc phòng, ông bạn giáo sư Hans Kortum bỗng kinh hãi và đòi đổi phòng ngay. Bởi, với ông, gián là thứ insecte (côn trùng) kinh tởm nhất.

Nghệ thuật làm no”

Cái năm Dậu ấy tôi được thấy, hoặc được nghe kể biết bao người trong làng đã cố níu lấy sự sống bằng tất cả những gì có thể ăn được. Thân và gốc cây chuối và cây đu đủ. Gốc củ ráy (ngứa vô cùng). Rau má và tất cả các loại rau dại mọc ở rìa làng. Kể cả cây choóc - ngứa không kém củ ráy, ở ngoài đồng. Tất cả bỗng dưng trơ trụi, rồi biến hết. Bởi rau cỏ là thứ lành bụng.

Nhà tôi còn có cơm ngày hai bữa, mỗi bữa một lon sữa bò hai lạng rưỡi gạo, cho trộn với một rổ rau má to, xóc đều, rồi chia ra bốn cái bát lùm lùm, ai nấy lào xào ăn, chỉ một lúc sau lại đói meo. Một loại thức ăn khác là cám và khô dầu. Cám là thứ cho lợn, bây giờ làm thành bánh cho người. Cám được xem là bùi bùi, thơm thơm và nhất là no lâu. Ăn một cái bánh cám, uống một bát nước thì cứ là lưng lửng cả ngày.

Cũng như cám, khô dầu là bã của các loại hạt béo như lạc, đỗ sau khi đã ép hết nước dầu. Khô dầu đóng thành bánh bán ở chợ để chăn nuôi gia súc, bây giờ người tranh nhau mua để thay cơm. Khô dầu ăn nhiều tức bụng, ăn ngày này qua ngày khác có thể sưng bủng ra mà chết. Không phải chết đói mà là chết... no. Tôi lại nhớ Một bữa no của Nam Cao.

Tôi đã thấy bao người đói đi lại quanh quẩn, vùng này qua vùng khác để tìm cái ăn. Đồng ruộng bạc phếch, không một màu xanh. Vườn tược hoang phế, không còn cây cối. Làng mạc hết cả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Những người chết thì đã được bó vào chiếu đưa ra đồng. Cho đến lúc chiếu cũng không còn để mà bó. Những người sống thì tha thẩn trong nhà ngoài ngõ, hoặc vất vưởng trên đường, đi đứng liêu xiêu, dáng hình lểu đểu... mới thấy khủng khiếp đến thế nào cái đói của cả làng, cả nước.

Bây giờ nghĩ lại chuyện đời thấy sao dân ta khổ quá. Đọc truyện Một làng chết của Thanh Tịnh (trong tập truyện Quê mẹ) và Quái dị của Nam Cao ta hiểu cái chết do dịch tễ gây ra cho một làng. Dịch tễ như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, kiết lỵ... khiến cả “một làng chết”, ít còn ai sống sót, không còn người đi chôn.

Đọc Nghệ thuật làm no... của Ngô Tất Tố ta biết người nông dân quê ông đã có cách ăn đất sét để đánh lừa dạ dày khi cả một vùng đồng bãi phía bắc sông Hồng bị nhận chìm trong lũ lụt - một thứ lũ lụt ngâm rất lâu khiến cây cỏ khó mà sống sót...

Còn cái đói và chết năm Ất Dậu là đói và chết trên cả một địa bàn rộng lớn gồm cả trung du và đồng bằng Bắc bộ, lan vào cả một nửa miền Trung, trong đó có quê tôi. Cái chết của 2 triệu người do hậu quả của biết bao chính sách thâm hiểm và tội ác của Nhật - Pháp nhằm dồn cả một dân tộc vào thảm họa diệt chủng.

Hai triệu người, tức là ngót 1/10 dân số VN lúc ấy; và có thể còn chết thêm nữa nếu không có khẩu hiệu phá kho thóc do Việt Minh đưa ra - vậy là thóc vẫn còn ở các kho; rồi tổng khởi nghĩa tháng tám, cả dân tộc từ Bắc đến Nam rùng rùng chuyển động trong cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Một nạn đói khủng khiếp, và tiếp đó, một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc - đó là ấn tượng và ký ức Ất Dậu 1945 mà một đứa trẻ lên bảy như tôi đã được chứng kiến và trải nghiệm để in sâu vào bộ nhớ cho đến suốt đời.

Nghĩ về nạn đói năm Ất Dậu 1945

| In |

- Văn Ngọc -

Điều vừa bất công, vừa vô lý, là nạn đói bao giờ cũng chỉ giết chết chính những người làm ra thóc gạo : người nông dân cùng khổ ! Năm ấy, chỉ riêng ở hai tỉnh Nam Định, Thái Bình và mấy tỉnh miền Trung đã có tới 2 triệu người bị chết đói. Và cái chết của họ đã bi thảm lại càng bi thảm hơn, vì nó đã diễn ra không phải ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà lại là ở những thành phố xa lạ, nơi họ cố lê gót đến để tìm đường sống.

Ngày đó, không thể nào bảo là những người dân thành thị đã bàng quan trước cảnh chết đói của đồng bào mình. Sự thật, thì dân thành thị phần lớn cũng chỉ là những người xuất thân từ nông thôn, từ các vùng quê xung quanh lên đây làm ăn mới chỉ được có một vài đời. Có lẽ không ai đã sớm quên cái gốc gác quê mùa của mình. Nhưng lúc đó, quả thực là họ đã bất lực trước một tai hoạ, mà qui mô đã vượt xa những gì từ trước tới nay họ có thể tưởng tượng được.

Đây không còn là những người ăn mày chuyên nghiệp đi xin bố thí như trước kia nữa, mà là những người dân quê đích thực, vì đói mà phải rời bỏ thôn làng, lên tỉnh tìm đất sống. Lúc đầu họ lên các thị xã ở vùng quê mình : Thái Bình, Nam Định, để rồi cũng chết đường, chết chợ ở đây. Hồi đó ở Thái Bình, Nam Định, đã diễn ra trước tiên cảnh người chết ở trên các hè đường và cảnh xe chở xác đi qua các phố mỗi ngày. Cuối cùng, như tuân theo một sự thôi thúc bản năng nào đó, họ đã kéo nhau lên thẳng Hà Nội.

Ngày đó, tôi vẫn còn nhớ, có câu ca dao không biết từ đâu lan truyền ra trên khắp các cửa miệng. Bọn trẻ chúng tôi, tuy không hiểu gì hết về cái ý nghĩa sâu xa, bóng bẩy, của câu ca dao ấy, nhưng cũng vẫn cứ bó buộc phải học thuộc lòng :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Hình như cho mãi đến khi Cách mạng tháng Tám lên, rồi đến thời kỳ Nam bộ kháng chiến, câu ca dao ấy vẫn còn hay được truyền tụng trong dân chúng.

Ngày đó, trước cảnh những người nghèo đói kéo nhau lên tỉnh để rồi cuối cùng cũng vẫn chết đói ở đây, bọn các anh chị thanh niên trong phố tôi, và ngay cả những đứa trẻ mới lên chín lên mười như chúng tôi, đều rất muốn làm một cái gì có ích, nhưng rồi cũng không biết làm gì khác hơn là ngày ngày đi xin cơm của các nhà hàng phố để đem cho họ. Nhưng rồi cũng chỉ được vài bữa. Cũng may là sau đó, Đoàn khất thực ra đời, lập đại bản doanh ở chợ Hàng Da, và lấy nơi đó làm chỗ phát chẩn. Đoàn khất thực gồm thanh niên nam nữ các phố, chủ yếu là ở khu Đông thành. Họ làm việc suốt ngày, quần quật, ở ngay chỗ đống hầm trú ẩn tránh bom Mỹ-Nhật xây bằng gạch, gần về phía phố Ngõ Trạm. Nhưng rồi cũng không được bao lâu. Làm sao mà có thể cứu đói cho hàng vạn người cùng một lúc với những bát cơm thừa canh cặn ! Và rồi còn những người ốm đau, không có thuốc chữa, những người chỉ còn thoi thóp, đang chờ chết !

Những năm tháng trước và sau Cách mạng tháng Tám dường như đi rất nhanh, nhưng sao mà súc tích đầy những sự việc ! Chúng tôi sống trong một bầu không khí sôi nổi, mà sau này không còn bao giờ tìm thấy lại được nữa.

Nạn đói như một sự cố nằm vắt ngang, nối liền thời kỳ Tiền khởi nghĩa với thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Nó là một tai hoạ do chính con người gây nên, đã đổ ập xuống đầu dân ta. Nó là một vết đen trong tiềm thức và trong ký ức của mọi người.

Nạn đói thực ra đã bắt đầu xuất hiện ngay từ đầu năm 1943 ở hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, theo những người đã từng ở đây kể lại. Nguyên nhân chính là do chính quyền bảo hộ cố ý ngăn cản, không cho chở gạo ở trong Nam ra , điều mà trước đây họ vẫn để cho làm cho đến năm 1941. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do lòng ích kỷ (hại nhân). Cả Pháp, cả Nhật đều lo cho phận mình trước, dân Việt Nam có chết đói hàng triệu họ cũng mặc kệ. Không những thế, họ lại còn bắt dân quê « bán thóc » cho họ với một giá rẻ mạt, cứ mỗi mẫu ruộng trồng lúa, dù xấu hay tốt, người dân bó buộc phải bán cho nhà nước từ hai tạ đến hai tạ rưỡi thóc ! Thêm vào đó, họ còn bắt dân phải trồng cây công nghiệp (đay, gai cho Nhật ; thầu dầu cho Pháp, v.v.), thay vì trồng ngô, trồng đậu. Do đó, người dân quê ở miền Bắc và miền Trung thường thiếu thóc và thiếu cả ngô, đậu, để ăn.

Kịp đến tháng 10-11 năm 1944, một trận lũ lụt lớn đã làm cho hầu hết các nơi trên miền Bắc mất sạch cả mùa màng, dân quê bị đói kém, trong khi đó lúa gạo ở trong Nam vẫn bị cả Pháp, lẫn Nhật, thay nhau chặn lại, không cho vận chuyển ra để cứu đói. Lâm vào bước đường cùng, người dân quê ở những vùng Thái Bình, Nam Định đã phải kéo nhau lên Hà Nội để kiếm miếng sống. Hồi đó, tôi đã từng nghe, có những người mẹ hy vọng bán con cho những nhà giàu có ở thành thị để cứu lấy chúng. Có những người mong tìm được chỗ làm thằng xe, con ở, hoặc làm phu, làm thợ. Mà quả thực là dân Nam Định, Thái Bình, xưa nay vẫn từng có nhiều người lên làm ăn sinh sống được ở trên Hà Nội. Dẫu sao, đối với họ Hà Nội vẫn là cái nguồn hy vọng cuối cùng.

Từng đoàn người bồng bế nhau, lê bước trên những con đường quê gập gềnh, khúc khuỷu, rồi trên quốc lộ số 1, để cuối cùng được đặt chân lên hè phố Hà Nội. Không biết họ đã phải đi bộ mất bao nhiêu ngày mới tới nơi ? Vì bình thường, từ Nam Định đi bộ lên Hà Nội, người khoẻ mạnh và đi nhanh cũng phải mất đến hai ngày ! Từ Thái Bình lên thì lại còn xa hơn nữa ! Không lấy gì làm lạ là đến nơi, thì họ đã hoàn toàn kiệt sức. Nhiều người đã chết ở dọc đường !

Hồi đó, ngày ngày tôi đi học ở dưới làng Tương Mai, cách chỗ cuối đường tàu điện Hà Nội - Bạch Mai một quãng đường dài, phải đi bộ theo con đường đi về Quỳnh Lôi. Từ mấy năm rồi, nhiều trường tiểu học ở trên Hà Nội đã phải di chuyển xuống những làng quanh đây để tránh bom « Mỹ-Nhật ». Chúng tôi ngày ngày chứng kiến cảnh những chiếc xe bò chở xác người chết đói từ trên Hà Nội đi xuống, đống xác trần truồng và khô đét bao giờ cũng được rắc vôi, và được phủ qua loa bằng một manh chiếu rách. Những chiếc xe xác đi tới chợ Mơ, thì ré về phía Quỳnh Lôi, nhưng rồi không biết người ta đem đi chôn vùi ở đâu.

Vào khoảng đầu năm 1945, trên khắp các hè đường xó chợ ở Hà Nội, chỗ nào cũng có những người nghèo đói ở thôn quê lên cầu thực, nằm ngồi la liệt, nhất là ở khu chợ Hàng Da, nơi mà đoàn Khất thực đã lấy làm chỗ tập hợp những người này lại mỗi ngày để phát chẩn, như tôi đã trình bày ở trên.

Số người đi ăn mày, ăn xin, ngày càng đông. Nạn ăn cắp bỗng nhiên cũng bành trướng mạnh, và lạ làm sao, các dân anh chị bự thường hoạt động ở trong Sài Gòn, bỗng nhiên lại thấy xuất hiện ở ngay giữa Hà Nội ! Tôi còn nhớ kiểu cách đi đứng rất đặc biệt của mấy tay anh chị này, có một lúc đã bén mảng đến phố tôi làm ăn, với chiếc nón úp ở đằng trước ngực. Thế là ở phố tôi đã nảy ra một phong trào bài trừ kẻ cắp, cùng một lúc với phong trào tiễu trừ những tên thân Nhật, bọn này thường dựa vào thế lực của Nhật để ức hiếp dân chúng. Hồi đó chợ Hàng da chính là nơi đã từng xảy ra nhiều vụ các anh lớn ở phố tôi trừng trị bọn thân Nhật, thường vẫn hoành hành ở đây : chúng có thói cân sai, và cứ vừa đi mua, vừa cướp giật của những người bán hàng ở chợ. Cùng lúc đó, trong đám thanh niên phố tôi đã nảy sinh ra phong trào đi học Võ Việt Nam ở bãi đá bóng Eclair ngoài bờ sông. Các anh bảo học võ để tự vệ, để « đánh Pháp, đuổi Nhật », và vẫn thường bảo chúng tôi : « Các em có muốn đánh Pháp, đuổi Nhật không ? Nếu muốn thì phải khoẻ ! ». Không bao lâu, phong trào đi tập thể dục, tiền thân của phong trào Khoẻ Vì Nước, đã lan rộng ra khắp mọi nơi.

Ngày đó, có lẽ cũng do nạn đói, mà đã nảy sinh ra nhiều hiện tượng lạ. Chuột cống, xưa nay thường ít nhìn thấy, nay bỗng lần mò lên tận cửa hàng để kiếm ăn. Có những con chuột to bằng con mèo, râu ria trông đến hãi, bò lên ngồi lù lù, nhìn thẳng vào mắt người ta, chẳng sợ hãi gì cả ! Thế là lại nảy bày ra phong trào diệt chuột ! Nhà nào cũng có hai ba cái bẫy đủ loại để giết chuột, hoặc bẫy chuột sống, rồi sau mới giết, một thú tinh nghịch của bọn trẻ con chúng tôi, vì lúc bấy giờ chúng tôi rất ghét chuột. Đồng thời, người ta đồn rằng nhân bánh cuốn bây giờ cũng làm bằng thịt chuột, nên chẳng ai còn dám ăn bánh cuốn ở hàng nữa ! Có lúc lại có cả tin đồn rằng ở dưới Nam Định, Thái Bình, đói quá, người ta đã ăn cả thịt người ! Thế là mọi người lại thấy ghê ghê, khi đi ăn phở ở hàng !

Nhưng trị gì thì còn được, chứ trị đói lúc đó thì thật là vô phương, vì nó vượt quá khả năng và phương tiện của các thanh niên công tử Hà thành, thực ra hãy còn thiếu đủ mọi kinh nghiệm về mặt tổ chức, và nhất là thiếu hậu cần !

Ở một góc phố tôi, và phố Hàng Bát Sứ, có một cửa hiệu lâu nay vẫn đóng cửa kín mít, nay trở thành chỗ tụ hội lý tưởng của những người ăn mày, ăn xin, thường là những người đã mệt yếu lắm rồi, không đi được nữa, họ nằm lại đó để sống thêm được ngày nào hay ngày nấy. Thỉnh thoảng lại có chiếc « xe nhà thương » đến, chắc để chở một người ốm đi, hoặc chiếc xe bò đến để bốc xác. Có những đứa trẻ, người chỉ còn da bọc xương, hai mắt mở to, trắng dã ; chúng cứ phải nằm nghiêng, vì đứa nào đứa nấy đều đã bị mắc chứng lòi dom...

Trước những cảnh tượng đau lòng như thế, dân hàng phố không ai bảo ai, mỗi ngày mỗi nhà đều dành một phần cơm để phát cho họ và cho tất cả những người nghèo đi ngang qua phố. Kịp đến khi Đoàn khất thực ra đời, lúc đó công việc này mới được tổ chức chặt chẽ hơn, sự phân phát mới được công bằng, và đồng đều hơn.

Nhưng không được bao lâu, thì không hiểu sao, Đoàn khất thực cũng ngừng hoạt động ! Nhật đảo chính Pháp (9-03-1945), rồi chính phủ Trần Trọng Kim lên (17-04-1945), gạo ở trong Nam vẫn không tải ra được. Có một lúc, người ta đồn là gạo đã chở ra được tới Đà Nẵng, nhưng rồi bị nghẽn lại ở đây. Người dân quê nghèo ở các vùng Nam Định, Thái Bình và mấy tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục chết đói. Chính phủ Trần Trọng Kim đòi được « độc lập » từ tay người Nhật, nhưng đã hoàn toàn bất lực trong việc cứu đói này. Và cứ như thế, nạn đói tiếp tục hoành hành cho đến Cách mạng tháng Tám.

Đối với chúng tôi, những đứa trẻ mới chưa đầy mười tuổi lúc ấy, nạn đói năm Ất Dậu dẫu sao cũng là một bài học không thể nào không ghi nhớ suốt đời, mặc dầu nó chỉ như một tai hoạ khổng lồ, vượt quá sức tưởng tượng và khả năng giải quyết của mình. Nó đã chỉ khơi dậy trong chúng tôi lòng nhân đạo và một nỗi niềm uất hận, bất lực, nào đó. Nhưng nó không vạch được ra cho chúng tôi thấy rõ sự vô nhân đạo và sự độc ác của những kẻ đã gây nên tai hoạ, cũng như sự nhu nhược, vô dụng của những kẻ cầm quyền lúc ấy, điều mà mãi sau này, khi nhận thức được những nguyên nhân đích thực của nó, chúng tôi mới rút ra được những bài học cần thiết.

Tuy nhiên, trên cái nền phông đượm một màu ảm đạm và vô vọng đó, đã nổi bật lên một vài nét chấm phá, một vài sự cố nho nhỏ, đã làm cho chúng tôi thực sự xúc động và phần nào đã thức tỉnh chúng tôi.

Một trong những sự cố đó, là một câu chuyện thương tâm đã xảy ra ngay tại trong gia đình chúng tôi ngày ấy, và đã làm cho bọn trẻ chúng tôi vô cùng bất bình và oán hận. Nó chính là một trong những sự kiện đã làm cho chúng tôi bắt đầu biết băn khoăn, nghĩ ngợi và tự đặt ra cho mình những câu hỏi.

Tôi không còn nhớ sự việc đã xảy ra vào năm nào trong thời kỳ ấy, có thể vào cuối 44, hoặc đầu 45, bởi như tôi đã trình bày ở trên, thời gian trong những năm ấy đi rất nhanh, nhưng mặt khác lại như bị dồn nén lại. Dẫu sao, thì sự việc cũng chỉ có bây nhiêu : trong nhà tôi, một hôm bỗng nhiên xuất hiện một nhân vật mới, đó là « thằng xe ». Cái tên gọi này thực ra không xa lạ gì đối với chúng tôi, vì nhà tôi đã từng có những « thằng xe ». Ngày đó, gọi một người kéo xe nhà trong nhà mình bằng « thằng xe », ở ngôi thứ ba, không có gì là quá đáng cả, vì người ta vẫn thường gọi như thế. Có nhà, người chủ ý tứ hơn, gọi là « anh xe », nhưng cũng hiếm lắm. Thường chỉ có những « kẻ dưới », thấp hèn hơn, như con xen, thằng ở, thì mới dùng chữ « anh xe ». Dẫu sao, tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của hắn, khi hắn được nhận vào làm việc, vì trong nhà tôi dạo đó thiếu người để kéo chiếc xe nhà đưa ông anh cả tôi mỗi ngày đi thăm xưởng thợ ở trên Hàng Bún.

Trở lại nhân vật « thằng xe ». Hắn có khuôn mặt hơi gầy và hơi xanh xao. Chắc hắn cũng đã từng bị thiếu ăn. Khuôn mặt thoạt trông không hiền lành cho lắm, nhưng cũng không có vẻ gì là ác. Nổi bật trên khuôn mặt đó là cặp mắt tinh ranh và lanh lợi. Sau này tôi còn khám phá ra là hắn có một cái cười rất kiêu, một cái cười nhếch mép bất cần đời. Mà hắn kiêu cũng phải, vì hắn có nhiều tài lắm : ăn khoẻ hơn tất cả những người thợ ở trong nhà, và rất dai sức khi kéo xe, vật tay cũng một cây, tài bổ củi của hắn thì không ai bì kịp ! Không hiểu sao, tôi có thiện cảm với hắn ngay từ đầu, có lẽ vì tôi cũng hay thích xuống bếp tập bổ củi chơi, và hắn đă dạy cho tôi mấy ngón làm cho tôi tiến bộ hẳn lên. Tôi chưa bao giờ thấy ai bổ củi giỏi như thế ! Mỗi ngày hắn bổ được một đống củi to tướng. Cái lưỡi búa dày như thế, mà hắn có thể bổ đúng thớ gỗ để chẻ cây củi ra thành những thanh mỏng dính, như những que diêm !

Sau mấy tháng làm việc ở nhà tôi, được ăn uống đầy đủ, hắn như đã lấy lại được hơi sức, nên lại càng khoẻ thêm, da mặt đã hồng hào hẳn. Trong nhà thầy tôi (chúng tôi gọi bố mẹ bằng thầy, u, theo lối nhà quê), lúc bấy giờ còn nhiều thợ lắm, chưa ai chạy về quê hết, mà chạy về quê lúc đó thì chỉ có mà... chết đói ! Đó là những người thợ làm đồ da, đồ mộc, đồ sắt, đồ khâu, tất cả có đến 60 người, toàn là người làng bên quê nội tôi ở Hà Nam. Họ được đưa lên đây học nghề với thầy tôi từ nhỏ, sau đó được thu dụng làm thợ, có lương tháng, và có chỗ ăn, ngủ, ngay trong nhà. Cũng nhờ thế mà làng tôi, mặc dầu là một làng rất nghèo, có rất ít ruộng, có lẽ vì thế mà không trồng lúa, chỉ có mía, lạc, khoai, đỗ tương, và củ dong, củ giềng, song những năm ấy không có ai bị chết đói cả. Những tráng đinh thì đã có công ăn việc làm ở trên Hà Nội hết cả rồi, những người còn lại ở dưới quê thì ít nhất cũng có những ruộng dong, ruộng khoai, để ăn. Trong nhà tôi còn có mấy cô sen, cô vú nữa, cũng là người làng cả. Chỉ có mỗi mình « thằng xe » là không ai biết gốc gác hắn từ đâu đến.

Ngày tháng trôi qua, thấm thoát đã sắp đến Hè. Tôi vẫn ngày ngày, đi học ở dưới Tương Mai, vẫn ngày ngày ra Bờ Hồ lấy tàu điện, mẹ tôi ngày ngày vẫn nhét vào trong cặp cho tôi một bọc cơm nắm muối vừng, hoặc tôm kho, thịt kho, để ăn vào bữa trưa.

Hà Nội đang sống những ngày khẩn trương, ít ra là đối với bọn trẻ chúng tôi. Thực ra chúng tôi cũng chỉ linh cảm mơ hồ rằng sắp xảy ra một chuyện gì, nhưng cũng không biết là cái gì ! Hàng ngày, đi học, chiều tối về chúng tôi vẫn tụ tập nhau ca hát và đàn đúm ở ngay ngoài hè phố, còn thứ Bảy, Chủ nhật, thì nào là tập kịch, nào là đi ra bãi Septo ở phố Hàng Bột tập thể thao, hoặc đi bơi trên Quảng Bá, Hồ Tây, v.v.

Hàng ngày, vẫn những cảnh tượng chết đói trên các hè phố và trên các nẻo đường ngoại ô. Quân Tàu Tưởng sang tước vũ khí của quân đội Nhật bản, bây giờ thay chân Nhật và Pháp, vẫn ngày ngày đến phố nhà tôi mua hàng. Nhưng bọn này khác với bọn khách hàng Pháp và Nhật, chúng nghèo xơ xác, làm gì có tiền mà mua, ngược lại chúng lén lút mang súng ra bán cho các anh ở trong phố. Sau này, đó là những khẩu súng đầu tiên của các anh tự vệ phố. Tôi còn nhớ hình dáng rất đặc biệt của những khẩu Pạc khoọc ...

Thế rồi, bỗng một hôm xảy ra một chuyện làm kinh động cả nhà : « thằng xe » bị đuổi ! Lý do là vì hắn đã dan díu với một con sen ở trong nhà và đã làm cho cô này có chửa ! Những chi tiết khác thì chúng tôi không được biết, nhưng trước sự trừng phạt nghiêm khắc đó của thầy tôi đối với hắn, vào lúc đó, bọn trẻ chúng tôi ở trong nhà đều cảm thấy hết sức là bất bình !

Bẵng đi mấy tuần, một hôm trẻ con trong nhà bỗng bấm nhau ra gặp « thằng xe » ở ngoài đường. Tôi hí hửng lén chạy ra, thì thấy hắn ngồi co gối ở bực cửa một cửa hàng, mặt cúi gằm. Chúng tôi chào hỏi, hắn cũng chẳng nói gì hết. Tôi để ý thấy hai chân hắn đã bắt đầu hơi bị phù. Tôi biết đó là một triệu chứng không hay rồi, vì vẫn nhận xét thấy hiện tượng này ở những người sắp chết đói. Chúng tôi bảo nhau đem cơm ra cho hắn ăn mỗi ngày ở cùng chỗ đó. Nhưng rồi hắn cũng không đến đều ở chỗ hẹn. Bẵng đi một dạo nữa, hắn mới lại lần mò đến. Lần này, đầu hắn đã bị cạo trọc, người đã bắt đầu lở lói. Mặt hắn đã khác hẳn đi rồi, gần như không còn nhận ra được nữa.

Ít lâu sau, không thấy hắn đến phố nữa. Hàng ngày tôi ra chợ Hàng Da cố ý tìm, mà cũng không gặp. Phải chi hắn cứ ở lại phố để cho chúng tôi nuôi hắn !

Chúng tôi không ai bảo ai đều nghĩ thầm : chắc hẳn « thằng xe » đã chết đói rồi ! Riêng tôi, thấy cái chết của hắn thật là vô lý.

Lẽ ra, những người lớn trong nhà, các anh các chị lớn của tôi phải can thiệp mới phải. Tại sao lại không để cho hắn quay trở lại làm việc ?

Lẽ ra, thầy tôi chẳng nên đuổi hắn đi...

Điều này làm tôi cứ băn khoăn mãi. Lẽ ra những người như hắn phải được hưởng một số phận tốt đẹp hơn. Về sau nghĩ lại, tôi vẫn thấy tội nghiệp cho hắn ! Phải chi hắn sống thêm được vài tháng nữa, ít ra cho đến những ngày tháng Tám năm ấy !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro