Nạn đói ở Trung Quốc (1959-1962)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

DIỄN BIẾN NẠN ĐÓI LỚN NHẤT LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI

Trong lịch sử hàng ngàn năm qua đã xuất hiện rất nhiều nạn đói do thiên tai, mất mùa gây ra nhưng nạn đói lớn nhất lịch sử loài người lại không phải là thiên tai mà là do nhân họa. Tức là do con người tạo ra 100%.
Và nạn đói ấy diễn ra ngay tại Trung Quốc, là hậu quả của chủ trương "3 ngọn cờ hồng" do Mao Trạch Đông đứng đầu CPC nghĩ ra.
"3 ngọn cờ hồng" là:
• Đường lối chung
• Đại nhảy vọt trong Công Nghiệp
• Công xã nhân dân trong Nông Nghiệp
Một trong 3 ngọn cờ chính là phong trào "Đại nhảy vọt" - phát động toàn dân làm gang, thép với mục tiêu: nhanh chóng đưa sản lượng thép lên tới 10 triệu tấn và gang là 13 triệu tấn. Sau vài tháng, hàng chục triệu tấn gang-thép đã ra lò nhưng hầu hết là phế liệu.
Vậy là nền kinh tế đất nước trở nên hỗn loạn. Về sản lượng lương thực, các nhà lãnh đạo lại cố bịa ra một con số thật đẹp-nghĩa là cao gấp 2-3 lần sản lượng hiện tại.
Do đó lương thực sắp hết sạch nhưng cứ ngỡ là còn quá nhiều, nhân dân thì lại tin tưởng tuyệt đối vào các số liệu mà CPC đưa ra. Hơn nữa, CPC còn ra 1 đạo luật giống hệt thời Lenin. Luật là:"Ai không lao động thì khỏi cho ăn". Còn Nhân Dân thì thấy luật này cũng chí lý, vậy là họ nấu thép hăng say. Mà sức lao động thì có giới hạn, phải ăn uống thì mới có sức làm tiếp. Nhưng khẩu phần ăn thì cạn dần, rồi hết sạch. Không đủ ăn mà cứ làm thì kiệt sức. Mà kiệt sức không làm được nữa, như luật: "Không làm thì khỏi ăn". Nạn đói bắt đầu xuất hiện.

Nạn đói kéo dài trong 3 năm (1959-1961) đã cướp đi sinh mạng của hơn 43 triệu người.

Thật ra nạn đói bùng nổ còn do nhiều chính sách sai lầm cùng kết hợp tạo ra. Sai lầm nối tiếp sai lầm sẽ dẫn đến thảm họa. Cụ thể là CPC đề ra hàng loạt chủ trương: cấm sở hữu đất đai, hàng trăm triệu nông dân bị bắt đi nấu thép, chính phủ độc quyền cung cấp lúa gạo-thu mua ở giá thấp và bán lại với giá cao. Để tối đa hóa hiệu suất nông nghiệp, hạt giống được gieo trồng sâu hơn bình thường và sát rạt nhau. Chính điều này đã khiến hoa màu trở nên còi cọc, năng suất thấp. Chính sách diệt chim sẻ được áp dụng triệt để. Trái với dự tính của các lãnh đạo, phong trào diệt chim sẻ lại làm bùng phát số lượng châu chấu phá hoại mùa màng, tàn phá hoa màu ở vùng nông thôn gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Còn lý do "Đại nhảy vọt" ra đời là do Mao không thích kế hoạch "5 năm lần 1" (1953-1957) theo mô hình kiểu Soviet. Mao cho rằng việc huy động hàng trăm triệu người dân sẽ giúp Trung Quốc phát triển Công Nghiệp và Nông Nghiệp một cách song song. Sau đó họ thúc đẩy chuyển các tổ chức tập thể thành các công xã. Từ đó các "công xã nhân dân" cũng ra đời.
● Nhà ăn tập thể
Năm 1958, Mao đề xuất thành lập các nhà ăn tập thể, coi đó là biện pháp có hiệu quả để các công xã nhân dân thực hiện tổ chức quân sự hoá, hành động chiến đấu hoá, sinh hoạt tập thể hoá, là vấn đề then chốt để bồi dưỡng tinh thần tập thể và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa cho nông dân. Các nhà ăn tập thể ồ ạt ra đời. Đến cuối năm 1959, nông thôn cả nước đã lập được 4 triệu nhà ăn tập thể, hơn 400 triệu người tham gia, chiếm 72,6% số người trong các công xã, riêng Hà Nam lên tới 99%. Cơ sở để Mao đưa ra chủ trương trên là lương thực quá nhiều, không biết dùng vào việc gì nữa. Mao tuyên bố lương thực của Trung Quốc đủ nuôi tất cả mọi người trên Trái Đất.
Báo cáo của Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp gửi Bộ Chính trị ngày 25/8 viết:"tổng sản lượng lương thực cả năm 1958 đạt trên 400 triệu tấn, gấp hơn 2 lần năm 1957". Tháng 10, tại Hội nghị hợp tác nông nghiệp các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, Đàm Chấn Lâm nhấn mạnh 400 triệu tấn và khẳng định: "có khả năng đạt 500 triệu tấn". Về sau mới biết sản lượng lương thực năm 1958 chỉ có 200 triệu tấn.
Lúc đầu nhà ăn tập thể tưng bừng một thời, khẩu hiệu chung là "ăn thật no" và "không phải trả tiền", nhiều nơi đề ra "ăn no, ăn ngon, ăn sạch", "mỗi bữa 4 món thức ăn", thậm chí có nơi tuyên bố phấn đấu 1 tháng 90 bữa ăn, không bữa nào ăn món trùng lặp, ngang tiêu chuẩn bếp ăn của vua chúa Trung Quốc, có nơi coi nhà ăn tập thể là khởi đầu để "tiến lên chủ nghĩa cộng sản trong vòng 3 năm".
Nhưng chẳng mấy chốc lương thực cạn dần, từ thả sức ăn ngày 3 bữa chuyển sang ăn cháo, rồi cháo loãng, rau dại. Lãnh đạo địa phương không dám giải tán nhà ăn tập thể vì sợ làm sai chỉ thị của lãnh tụ vĩ đại, bị kết tội hữu khuynh, "đi con đường tư bản chủ nghĩa". Nông dân không thể bỏ nhà ăn tập thể vì toàn bộ khẩu phần lương thực của họ do nhà ăn quản lý rồi, đành mỗi ngày 2 lần đến nhận cháo loãng.
● Làm thép
"Năm 1958 phải nâng sản lượng thép lên gấp 2 lần 1957", câu nói tuỳ tiện của Mao đã làm cho toàn bộ nền kinh tế rối tung lên. Sản lượng thép Trung Quốc năm 1957 là 5,35 triệu tấn, tăng gấp 2 lần là 10,7 triệu tấn. Giữa tháng 8-1958 khi Hội nghị Bắc Đới Hà ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, cả nước mới sản xuất được 4,5 triệu tấn thép, hoàn toàn không thể sản xuất thêm 6,2 triệu tấn thép trong 4 tháng rưỡi còn lại. Tại hội nghị trên, Mao nói: "Hoàn thành 11 triệu tấn thép là việc lớn liên quan đến lợi ích của toàn dân, phải cố sống chết làm cho bằng được. Phải ra sức thu gom sắt phế liệu, có thể tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông".
Có nghĩa là phải hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào kể cả đưa các thanh ray đường sắt vào lò nấu thép.
Hội nghị bí thư phụ trách công nghiệp các tỉnh và thành phố họp tại Bắc Đới Hà 7 ngày cuối tháng 8/1958, Bộ trưởng luyện kim Vương Hạc Thọ giao chỉ tiêu cho các tỉnh, tổng cộng cả nước trong 4 tháng cuối năm 1958 phải sản xuất 11,5 triệu tấn gang, 7 triệu tấn thép. Tối 9/4, Ban Bí thư triệu tập hội nghị điện thoại các bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ động viên "Đại tiến vọt" về gang thép. Đặng Tiểu Bình thì tránh mặt, giao cho Bành Chân và Đàm Chấn Lâm chủ trì cuộc họp này. Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Hà Nam hăng hái nhất, "Nhân dân nhật báo" đưa tin: "Hà Nam trước 10/9 mỗi ngày sản xuất 780 tấn gang, nhưng đến 15-9 đã xây dựng được 45.000 lò luyện gang, huy động 3,6 triệu nông dân và 407.000 xe vận tải các loại, một ngày sản xuất 18.693 tấn gang".
Tất nhiên Chu Ân Lai thì không tin. Ông cử Cố Minh xuống kiểm tra. Cố Minh từng du học ở Nhật Bản, là người am hiểu sản xuất gang thép. Ông xuống xã Tân Hương nơi báo cáo đã sản xuất mỗi ngày 102 tấn gang, quan sát hiện trường sản xuất gặp gỡ cán bộ quần chúng, rồi mang theo sản phẩm mẫu về báo cáo Chu:
- Thưa Thủ tướng, toàn là chuyện dối trá. Ở Công ty gang thép Yên Sơn, muốn có một tấn gang, phải dùng ba bốn tấn quặng sắt, hai ba tấn than cốc, cộng thêm vật liệu phụ trợ khác, tổng cộng hơn 10 tấn. Một ngày làm ra 102 tấn thép phải vận chuyển trên 1.000 tấn nguyên vật liệu, xã Tân Hương làm gì có khả năng ấy. Xin Thủ tướng xem, sản phẩm tốt nhất là miếng gang xốp này.
Ông Chu cầm mẫu sản phẩm lên xem, im lặng rất lâu.
Chu Ân Lai biết rõ chuyện sản xuất gang thép ở Hà Nam là dối trá, nhưng lúc đó chưa thể nói gì. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Giao thông Cao Dương được lệnh dẫn một tổ công tác xuống tìm hiểu tình hình luyện gang thép ở Hà Nam. Ông phát hiện sản lượng dối trá, chất lượng kém, liền gửi thư ý kiến lên Trung Ương.
Mao đọc báo cáo trên, đùng đùng nổi giận, coi Cao Dương là phần tử cơ hội hữu khuynh, bắt đem theo cả vợ con đi lưu đày ở Quý Châu. Hồi đó cán bộ các cấp có một câu "tự giải thoát": "phải tính giá thành chính trị, đừng tính giá thành kinh tế". "Giá thành chính trị" là thể diện của Mao, "giá thành kinh tế" là thiệt hại tài sản của nhân dân. Cuối tháng 7/1958, lực lượng lao động trong ngành gang thép là vài chục vạn người, cuối tháng 8 tăng lên vài triệu, cuối tháng 9 lên 50 triệu, đến cuối năm lên 90 triệu, cộng thêm lực lượng chi viện thì số lao động đổ vào ngành gang thép lên đến trên 100 triệu người.
Ngày 22/12/1958, Tân Hoa Xã công bố cả năm đã sản xuất 11,08 triệu tấn thép, 13,69 triệu tấn gang, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tăng gấp đôi sản lượng thép.
Những điều không công bố: trong đó bao gồm 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường 1 tấn gang lúc đó là 150 NDT, gang làm ra theo phương pháp thủ công giá thành 315 NDT. Nhà nước phải trợ giá 5 tỉ NDT.
Thiệt hại kinh tế trong ba năm "Đại tiến vọt" là 120 tỉ NDT, tương đương khoản tiền vốn dùng cho 2 kế hoạch 5 năm của Trung Quốc hồi đó.
● Bi kịch bắt đầu
Cục Thống Kê hồi đó cho biết lãng phí lương thực trong các nhà ăn tập thể lên tới 17,5 triệu tấn, tương đương 11% số lương thực cung ứng cho nông thôn. Ngoài ra, khoảng 10% lương thực bị hư hỏng ngoài đồng do không kịp thu hoạch, bởi phần lớn lao động khỏe mạnh đã bị huy động đi làm gang thép. Huyện Tỉnh Nghiên (Tứ Xuyên) vào lúc thiếu lương thực nghiêm trọng nhất năm 1959, bình quân mỗi người 1 ngày được phân phối không đến 100 gam lương thực, cứ 8 người có 1 người chết đói. Đầu năm 1959, đi thăm một số tỉnh, nguyên soái Chu Đức không tán thành nhà ăn tập thể. Ông nói cần chia lương thực cho các hộ nông dân, cần giữ lại một chút chế độ tư hữu cho nông dân làm nghề phụ, chăn nuôi. Chu Đức nói với Bí thư Đào Chú: "Hai việc lớn nhất năm 1958 là ồ ạt làm gang thép và công xã hoá đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và cá nhân". Ý kiến của Chu Đức được lưu truyền rất nhanh trong cả nước.
Tình hình các tỉnh dần trở nên nghiêm trọng. Do thiếu lương thực, lao động quá sức. Từ cuối năm 1959, vùng nông thôn đã xuất hiện tình trạng bệnh phù thũng và chết đói, nhiều người bỏ nhà ra đi. Tỉnh uỷ Hà Bắc báo cáo toàn tỉnh có 44 huyện, 235 công xã đã phát hiện gần 6 vạn người mắc bệnh phù thũng, trên 450 người đã chết. Nhưng Mao vẫn tiếp tục tổ chức các nhà ăn tập thể. Mao giấu báo cáo của Tỉnh uỷ Hà Bắc, nhưng lại cho phân phát trong cả nước, báo cáo của Bí thư Tỉnh uỷ Quí châu Chu Lâm miêu tả "80% số nhà ăn tập thể ở tỉnh này là vững chắc" Lựa theo khẩu vị của Mao, Chu Lâm nhấn mạnh "nhà ăn tập thể là trận địa xã hội chủ nghĩa phải giữ vững, để mất trận địa này, không thể củng cố công xã nhân dân, cũng không thể giữ vững phong trào Đại tiến vọt". Mao yêu cầu các nơi làm theo Quý Châu.
Trước tình hình nghiêm trọng này, tư tưởng chỉ đạo của Mao là "giữ vững thành thị, hy sinh nông thôn".
Đại tiến vọt thực tế gồm 2 lần. Lần thứ nhất diễn ra trước Hội nghị Lư Sơn 1959, cuối măm 1958 đã phát hiện có vấn đề nghiêm trọng. Sau Hội nghị Lư Sơn để chứng minh "3 ngọn cờ hồng đúng đắn", Mao phát động phong trào chống hữu khuynh trong toàn đảng rồi dấy lên cao trào "Đại tiến vọt 2" trong cả nước. Lần này là thê thảm nhất.
Ngày 3-9-1958, Mao tuyên bố:"Sản lượng lương thực năm nay có thể tăng xấp xỉ gấp 2 lần năm ngoái, từ 185 triệu tấn lên khoảng 370 triệu tấn nếu năm 1959 lại tăng gấp hai lần năm nay, lên 750 triệu tấn".
Tin lan ra cả thế giới đều biết. Sau vụ thu hoạch, đột nhiên các tỉnh báo cáo không nộp đủ lương thực như dự định. Mao sốt ruột: "vấn đề phổ biến trong cả nước là các công xã, đội trưởng sản xuất che giấu sản lượng, chia nhau lương thực, tình hình nghiêm trọng, phải giải quyết ngay", hơn nữa, "phải tiến hành một đợt giáo dục kiên quyết mới giải quyết được". Song "kiên quyết" như thế nào thì không nói rõ, cuối cùng các cấp dưới đã lợi dụng điều này để đi moi lương thực của nông dân. Đã đói lại càng đói hơn.
Tỉnh Hà Nam vụ thu 1958 có tới 50% mùa màng bị hư hỏng ngoài đồng (do lao động khỏe bị huy động đi làm gang thép). Năm 1959 sản lượng lương thực giảm, chỉ có 9,75 triệu tấn, nhưng các nơi hư báo lên tới 22,5 triệu tấn. Bí thư tỉnh uỷ Ngô Chi Phó lấy đó làm cơ số giao chỉ tiêu cưỡng bức thu mua lương thực. Chuyên khu Tín Dương thực sản chỉ có 2 triệu tấn, Bí thư Khu uỷ Lộ Hiến Văn vống lên 4,15 triệu tấn, tỉnh giao chi tiết thu mua 48 vạn tấn đã là quá cao, khu uỷ xung phong nhận 52 vạn tấn. Khẩu phần lương thực, hạt giống và thức ăn gia súc của nông dân bị cướp đi rất nhiều, bình quân đầu người chỉ còn hơn 50 kg, đủ ăn trong 4 tháng, một số huyện thậm chí không đủ 3 tháng. Chưa đến cuối năm 1959 bếp ăn tập thể của nhiều công xã không còn đỏ lửa và hết lương thực.
Để quán triệt tinh thần "kiên quyết giáo dục" của Mao Trạch Đông, Khu uỷ đã tổ chức cuộc họp ở huyện Hoàng Xuyên, lôi hơn 60 người ra đấu tố, lại lôi thêm 4 người từ nhà tù ra xét xử công khai. Những nông dân đến dự đều gầy gò, vàng vọt, khoảng 50% mắc bệnh phù thũng, 1 người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà.
Ngày 8-11-1959, cán bộ Đội sản xuất Lê Thụ, huyện Quang Sơn, nghi ngờ xã viên Từ Phó Chính có lương thực mà không giao nộp đã cho dân quân treo Từ lên xà nhà, đánh đập dã man, 6 ngày sau tử vong. 6 người trong gia đình Từ sau đó đều chết đói. Xã viên Yên Gia Tâm do không nộp đủ lương thực, bị đánh đập tàn bạo, 5 ngày sau qua đời. Vợ Yên là Hoàng Tú Anh rang lúa mạch cho con ăn, bị trói lại đưa ra đấu tố, bị dội nước lạnh giữa ngày đông giá rét và giày vò cho đến chết. Còn lại 5 người con, chỉ có đứa lớn 14 tuổi bỏ chạy đến nhà họ hàng thoát thân, còn lại 4 đứa nhỏ đều chết đói. Biết bao gia đình bị tan cửa nát nhà.
Mùa xuân 1960, nạn đói tràn lan, có làng 80 ngày người dân không được một hạt gạo vào bụng. Nhiều người chết đói hoặc bỏ đi nơi khác kiếm ăn. Vậy mà Bí thư Khu uỷ Lộ Hiến Văn vẫn lên giọng: "Không phải thiếu lương thực, mà lương thực rất nhiều, 90% là vấn đề tư tưởng". Ông ta chỉ thị cho công an phong toả mọi nẻo đường, không cho dân chúng bỏ đi nơi khác, chỉ thị cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học ở các thị trấn không được đón tiếp người từ vùng nông thôn lên. Bưu cục Tín Dương đã giữ lại trên một vạn lá thư của cán bộ và quần chúng xin cứu đói.
Theo báo cáo của Khu uỷ gửi Trung ương sau này, chỉ riêng đông xuân 1959-1960, Tín Dương có hơn 1 triệu người chết đói, dân số giảm mạnh, đồng ruộng hoang vu, nhiều nhà chết không còn một ai.
Sự kiện Tín Dương bị phơi trần, để bảo vệ mình, Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Hà Nam Ngô Chi Phố hạ lệnh bắt Lộ Hiến Văn cùng 16 Bí thư Huyện uỷ và Huyện trưởng thuộc Khu Tín Dương, cách chức 982 cán bộ cấp dưới, bắt và đưa ra xét xử 275 người, kết án tử hình Dương Thủ Tích, Bí thư Huyện uỷ Cố Sử và Mã Long Sơn, Bí thư Huyện uỷ Quang Sơn.
Sáu tỉnh nặng nhất là An Huy 18,37%, Tứ Xuyên 13,07%, Quý Châu 10,23%, Hồ Nam 6,81%, Cam Túc 6,45%, Hà Nam 6,12%. Sáu tỉnh bị nhẹ nhất là Hồ Bắc (gồm cả Bắc Kinh, Thiên Tân) 11% Giang Tây 1,06%, Thiểm Tây 1,02%, Cát Lâm 0,94%, Chiết Giang 0,55%, Sơn Tây 0,37%. Sự chênh lệch này liên quan rất lớn tới tố chất của các Bí thư Tỉnh uỷ: nơi nào càng bám sát "đường lối cách mạng" của Mao, thì tỉ lệ người chết đói càng nhiều.
Nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác: khi chôn người chết chỉ vùi nông, tối đến bới lên xẻo lấy thịt ăn, hoặc tang chủ đã lóc thịt thân nhân trước khi mai táng. Tàn nhẫn hơn là nạn ăn thịt trẻ con, điển hình là chuyện xảy ra ở Đội sản xuất số 1, Đại đội 5, Công xã Đông Dương, huyện Sùng Khánh, Khu Ôn Giang, tỉnh Tứ Xuyên.
Theo lời Trịnh Đại Quân, nguyên cán bộ Ban công tác nông thôn huyện Sùng Khánh. Đội sản xuất trên có 82 hộ, 491 nhân khẩu, chỉ trong một năm từ tháng 12-1959 đến tháng II-1960, đã có 48 bé gái 7 tuổi trở xuống bị người lớn làm thịt, chiếm 90% số bé gái cùng độ tuổi ở nơi này. 83% số gia đình ở đội này từng ăn thịt người. Chuyện đau lòng đó diễn ra trong bối cảnh lương thực hết sạch, mọi người từng nhiều ngày phải ăn giun dế, côn trùng, lá cây, vỏ cây, cỏ dại, và cả đất thó. Kế toán Vương Giải Phóng là người đầu tiên phát hiện vụ ăn thịt trẻ con. Hồi đó, tuy nhà ăn tập thể thực tế đã ngừng hoạt động vì không còn lương thực nữa, nhưng lệnh cấm các gia đình nấu nướng vẫn còn hiệu lực, bếp nhà ai nổi lửa là phạm pháp.
Đêm ấy, đến lượt Vương cùng 2 người khác đi tuần. Các mái nhà phủ trắng tuyết sáng hẳn lên khi trăng nhô ra khỏi đám mây. Nhóm tuần tra phát hiện một dải khói mỏng toả ra từ 1 mái nhà. Họ chia nhau bao vây rồi đồng loạt nhảy vào nhà, nổ một phát súng cảnh cáo: "tất cả ngồi im !". Đèn dầu được châm lên, nhà Nhị Oa có 8 nhân khẩu, đã chết đói 2, còn lại 6 người, nhưng lúc này chỉ thấy có 5. Thành viên thứ 6 là 1 cô bé 3 tuổi vừa bị giết hại, xẻ ra lấy thịt, đang luộc trong nồi. Trong lúc tổ tuần tra tìm dây trói, Nhị Oa và mấy đứa con lao vào cướp thịt bé gái, nhai ngấu nghiến. Khi cả nhà bị trói thành 1 xâu đưa về trụ sở Đại đội sản xuất, trời đã sáng bạch. Cán bộ lãnh đạo địa phương sau khi nghiên cứu cân nhắc, đã quyết định ỉm vụ này đi, vì sợ bị kỷ luật. Sau một ngày bị giam giữ, cả nhà Mạc Nhị Oa lại được tha. Dân làng bàn tán, cho rằng chính phủ ngầm cho phép ăn thịt trẻ con. Thế là nạn ăn thịt trẻ con lan tràn, do "trọng nam khinh nữ", họ chỉ ăn bé gái, giữ lại bé trai.
Không những ăn thịt, mà còn nghiền vụn xương đầu và tay chân ăn cho bằng hết. Kẻ nhẫn tâm thì làm thịt con ngay tại nhà mình. Kẻ mềm yếu hơn thì gạt nước mắt đánh đổi với hàng xóm: trao con mình cho người khác ăn, mang con người khác về làm thịt. Một số xã viên đã đi bắt cóc trẻ con ở vùng lân cận về ăn, hoặc gài bẫy trẻ con như bẫy thú, kể cả việc sử dụng một loại thuốc nổ xưa kia dùng để bẫy sói: trẻ nhỏ nhặt được chiếc "kẹo" mùi vị thơm ngon, cho vào miệng nhai liền phát nổ, đầu mặt tan tành, khi gia đình hay tin tìm đến, thì chỉ còn lại vũng máu.
Ở 1 diễn biến khác, trong 1 gia đình nông dân, người cha chỉ còn lại một đứa con trai và một đứa con gái trong Nạn đói khủng khiếp. Một hôm, người cha đuổi đứa con gái ra khỏi nhà. Khi cô trở về, cô không thể tìm thấy người em trai mà chỉ nhìn thấy mỡ trắng nổi ở trong chảo và một đống xương ở bên cạnh bếp. Vài ngày sau, người cha đổ thêm nước vào chảo, và gọi đứa con gái lại gần. Cô gái sợ quá và xin cha cô từ ngoài cửa, "Bố, đừng ăn thịt con. Con có thể kiếm củi và nấu cơm cho bố ăn. Nếu bố ăn thịt con, thì sẽ không còn ai làm việc này cho bố nữa."
Trong 3 năm đói kém ấy, tình hình xã hội rối ren nghiêm trọng. Tháng 12-1960, Chuyên khu Vô Hồ tỉnh An Huy xảy ra 180 vụ cướp lương thực. Nhiều vụ khác xảy ra ở Cam Túc, Quảng Đông, Quý Châu, Tứ Xuyên. Nhiều vụ bạo động qui mô lớn, các hoạt động phiến loạn vũ trang nổ ra ở Vân Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, An Huy, Hồ Bắc, các chính đảng hoạt động bí mật mọc lên như nấm, mãi đến năm 1970 mới dẹp xong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro