Light In August - William Faulkner (Part 5)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nó đứng đó, hai tai và mặt đỏ và bỏng rát vì xà bông thô và khăn lau ráp, trong bộ quần yếm mới, cứng, lắng nghe người lạ mặt đó. Nó đã liếc nhìn một lần và thấy một người đàn ông thấp và mập với bộ râu màu nâu rất ngắn và tóc tai cũng rất ngắn, dù không phải mới cắt. Tóc và râu ông ta, cả hai trông cứng và khỏe, không có lấy một sợi bạc, như thể sự nhiễm sắc tố không thể thâm nhập vào tuổi bốn mươi mấy mà khuôn mặt ông để lộ ra. Đôi mắt ông có màu sáng và lạnh. Ông mặc bộ đồ lớn đen cực kỳ nhưng tươm tất. Một cái mũ đen đặt trên đùi, một bàn tay thô ráp, sạch sẽ giữ nó, các ngón tay nắm lại ngay ở vành mũ bằng dạ phớt mềm. Một sợi dây chuyền to nặng bằng bạc dùng để đeo đồng hồ lủng lẳng trước áo gi-lê. Đôi giày đen, to, bóng nhờ đánh xi bằng tay, để cạnh nhau. Ngay cả đứa con nít lên năm cũng biết, khi nhìn ông, là chính ông không dùng thuốc lá sợi và chắc là không cho phép ai dùng. Nhưng nó không nhìn người đàn ông vì cặp mắt của ông ta.

Tuy vậy, nó vẫn cảm thấy ông nhìn nó chòng chọc, ánh mắt lạnh lẽo và chăm chú dù không cố ý nghiêm khắc. Đó là cái nhìn soi xét mà ông hẳn đã dùng để đánh giá một con ngựa hay cái cày cũ bán hạ giá, đã tin trước là mình sẽ thấy ra những khuyết điểm, đã tin trước là mình sẽ mua. Lời nói của ông thì hiếm hoi, dứt khoát, tẻ nhạt: giọng nói của một người đòi hỏi người nghe trong im lặng hơn là nghe với sự chú ý. "Và ngay bà cũng không thể, hay không muốn, cho tôi các thông tin về gia đình đó?"

Bà giám đốc không nhìn ông. Sau cặp kính, đôi mắt bà hình như đông cứng lại, ít ra là trong một khoảnh khắc. Bà vội nói ngay lập tức, gần như quá vội một chút: "Chúng tôi đã không nỗ lực xác minh dòng dõi gia đình cháu. Như tôi đã kể với ông, cháu nó được tìm thấy trên bậc tam cấp ở đây, vào đêm Giáng sinh; hai tuần nữa là đủ năm năm đó. Nếu dòng dõi cha mẹ cháu đối với ông là quan trọng, tốt hơn ông không nên nuôi con nuôi làm gì."

"Đó có phải chính xác là điều tôi muốn nói đâu," người lạ mặt nói. Giọng ông giờ trở nên hòa giải một chút. Ông xoay sở ngay tức khắc để xin lỗi mà không nhân nhượng tí nào trong quan niệm của mình. "Tôi tưởng mình có thể nói chuyện với cô Atkins (đó là tên cô tư vấn dinh dưỡng) chứ, bởi vì tôi trao đổi thư từ với chính cô ấy mà."

Một lần nữa giọng nói của bà giám đốc lại lạnh lùng và gấp rút, vang lên không chờ ông chấm dứt: "Tôi có thể, có lẽ chẳng kém gì cô Atkins đâu, đưa cho ông các thông tin về cháu này hay bất cứ cháu nào khác trong đám trẻ của chúng tôi, bởi vì cô ấy, chính thức, chỉ phụ trách phòng ăn và nhà bếp ở đây thôi. Chỉ là ngẫu nhiên trong trường hợp này cô ấy tỏ ra tử tế làm thư ký giúp chúng tôi trong việc trao đổi thư từ với ông."

"Không có gì đâu," người lạ mặt nói. "Không có gì đâu. Trước đây tôi chỉ nghĩ..."

"Ông chỉ nghĩ cái gì? Chúng tôi không ép buộc ai nhận nuôi trẻ con của chúng tôi, và chúng tôi cũng không ép buộc các cháu phải ra đi mà không muốn, nếu chúng có những lý do vững chắc. Đây là chuyện mà hai bên phải ngồi lại giải quyết với nhau. Chúng tôi chỉ góp ý tư vấn thôi."

"Tôi biết" người lạ mặt nói. "Không có gì đâu, như tôi vừa mới nói với bà. Tôi chắc chắn là thằng nhỏ này sẽ ổn thôi. Nó sẽ có một cuộc sống gia đình êm ấm với bà McEachern và tôi. Chúng tôi không còn trẻ nữa, và chúng tôi thích sự yên tĩnh. Và nó sẽ không được ăn ngon mặc đẹp hay ăn không ngồi rồi đâu. Cũng không phải làm việc quá sức nó. Tôi tin chắc là với chúng tôi, nó sẽ lớn lên biết kính sợ Chúa và biết ghê tởm sự vô công rồi nghề và tính kiêu căng, dù dòng dõi cha mẹ nó thế nào đi nữa."

Vậy là cái giấy hẹn trả tiền mà nó đã ký bằng ống tuýp kem đánh răng vào một buổi chiều cách đây hai tháng thì được hủy bỏ, và người ký, đã quên bẵng nó, giờ đây đang ngồi bất động, trùm người bằng chiếc mền dùng để đắp ngựa sạch sẽ, trông nhỏ thó, không hình dạng rõ ràng, trên cái ghế chiếc xe ngựa nhỏ xóc lên xóc xuống trên con đường làng đóng băng đầy vết xe lún, trong bóng hoàng hôn tháng chạp. Họ đã đi suốt ngày hôm đó. Buổi trưa, người đàn ông cho nó ăn, lấy từ bên dưới ghế ngồi một cái hộp bằng các-tông đựng đồ ăn nhà quê nấu ba ngày trước. Chỉ lúc này người đàn ông mới mở miệng nói với nó. Ông nói không quá hai từ, đưa bàn tay mang găng đang nắm cái roi ngựa chỉ về phía cuối con đường làng, nơi có cái ánh sáng duy nhất đang sáng chói trong cảnh hoàng hôn. "Nhà đó," ông nói. Thằng nhỏ không nói gì. Người đàn ông hạ ánh mắt về phía nó. Ông cũng trùm kín người để chống lạnh, thấp đậm, bự con, không ra hình dạng rõ rệt, trông ít nhiều giống như tảng đá, không dễ khuất phục, thô lỗ hơn là khắc nghiệt. "Tao nói rồi, nhà đó." Thằng bé vẫn không lên tiếng. Nó chưa bao giờ ở dưới một mái ấm gia đình nên không thể nói gì. Và nó còn quá nhỏ để biết nói mà không nói gì cùng lúc. "Ở đó mày sẽ tìm thấy đồ ăn, chỗ ngủ và được hai tín đồ Cơ đốc chăm sóc," người đàn ông nói. "Và công việc để làm, tùy theo sức mày, có làm lụng thì mày mới không nghịch ngợm. Vì tao sẽ sớm dạy cho mày biết là có hai điều đáng ghét: sự lười biếng và tính lông bông; và hai đức tính là lao động và lòng kính sợ Chúa." Thằng bé vẫn không lên tiếng. Nó không bao giờ lao động mà cũng chẳng biết sợ Chúa. Nó biết về Chúa còn ít hơn biết về công việc. Nó đã thấy công việc được làm thông qua những người cầm xẻng và cào ở sân chơi, sáu ngày mỗi tuần. Nhưng Chúa chỉ đến ngày chủ nhật thôi. Và lúc đó, ngoại trừ phải tắm rửa cho sạch sẽ và ăn mặc tươm tất, chính là âm nhạc mới làm vui tai chứ lời giảng thì chỉ qua tai này sang tai kia rồi mất hút - nói chung là dễ chịu, dù hơi buồn chán một chút. Nó không nói gì cả. Chiếc xe ngựa cứ gập ghềnh. Hai chú ngựa cứng cáp, được chăm sóc tốt, biết là gần tới nhà, tới chuồng, kéo xe nhanh hơn.

Còn có một chuyện khác mà nó sau này mới nhớ lại, khi trí nhớ không còn giữ lại bộ mặt nó, không còn giữ lại những kỷ niệm hời hợt. Khi đó là ở văn phòng bà giám đốc. Đứng không nhúc nhích, tránh ánh mắt của người lạ mặt mà nó cảm thấy đang dán chặt lên người, nó chờ người lạ mặt nói ra những gì mà đôi mắt ông đang nghĩ. Rồi cuối cùng ông lên tiếng: "Christmas. Một cái họ tà đạo. Phạm thánh đó. Tôi sẽ đổi nó."

"Về phương diện pháp lý, ông có toàn quyền mà," bà giám đốc nói. "Chúng tôi không quan tâm đến tên họ các cháu, nhưng đến việc các cháu được đối xử ra sao."

Nhưng người lạ mặt đã không lắng nghe ai cũng như không nói chuyện với ai. "Bắt đầu từ bây giờ, họ nó là McEachern."

"Thích hợp lắm," bà giám đốc nói. "Cho cháu mang họ của ông."

"Nó sẽ ăn bánh mì của tôi và nó sẽ theo đạo của tôi," người lạ mặt nói. "Vậy thì tại sao nó lại không mang họ tôi chớ?"

Thằng bé không nghe. Không bận tâm. Nó không để ý đặc biệt gì hơn nếu ông nói trời hôm nay nóng quá trong khi trời mát thực sự. Thậm chí, nó cũng chẳng buồn tự nhủ Họ mình không phải là McEachern. Họ mình là Christmas Bận tâm về cái họ lúc này thì có ích gì. Còn nhiều thời gian mà.

"Tại sao không chớ?" bà giám đốc nói.

7

Và trí nhớ biết điều này; hai mươi năm sau, trí nhớ còn có thể tin Cái ngày đó tôi trở thành đàn ông

Nắng chủ nhật vào tràn đầy căn phòng khắc khổ nhưng sạch sẽ. Những tấm màn ở cửa sổ thì cũng sạch tuy bị mạng nhiều chỗ, khẽ khàng lung lay trong gió thoảng đầy mùi đất mới cày và mùi táo dại. Trên chiếc đàn đạp hơi[50] màu vàng bằng gỗ sồi giả, với các bàn đạp được bọc bằng những mảnh thảm cũ mòn và giạt sợi, có một cái bình đựng hoa phi yến[51]. Thằng nhỏ ngồi trên một cái ghế lưng thẳng, trước cái bàn mà trên đó đặt một cái đèn bằng kền và một cuốn Kinh thánh to đùng với quai cài và bản lề bằng đồng, và một ổ khóa cũng bằng đồng. Nó mặc áo sơ-mi trắng, sạch sẽ, không cổ cồn. Quần nó thì mới, bằng vải thô, có màu sẫm. Đôi giày thì vừa mới đánh xi một cách vụng về, như một đứa bé tám tuổi có thể làm, với vài vết còn xỉn đây đó, nhất là xung quanh gót giày, nơi mà nó đã quên không quẹt xi tới. Trên bàn, đã mở sẵn trước mặt nó, là một cuốn sách giáo lý vấn đáp của giáo hội Trưởng lão.

McEachern đứng bên cạnh bàn. Ông mặc áo sơ-mi được hồ bột, rất sạch, và cùng cái quần màu đen mà thằng bé đã thấy khi gặp ông lần đầu. Tóc ông cứng, hơi ướt, không có sợi bạc, thì được chải gọn gàng trên cái sọ tròn. Bộ râu cũng được chải chuốt, hơi còn ướt. "Mày không cố gắng học giáo lý," ông nói.

Thằng nhỏ không ngước mắt nhìn lên. Nó cũng không cử động. Nhưng bộ mặt của người đàn ông thì cũng chai cứng như nó. "Con thiệt tình đã ráng hết sức mà."

"Vậy thì ráng thêm lần nữa đi. Tao cho mày một tiếng đồng hồ đó." McEachern rút từ túi ra một cái đồng hồ quả quít to bằng bạc và đặt ngửa nó lên bàn, rồi kéo lại sát bàn một cái ghế thứ hai lưng thẳng, bằng gỗ cứng, và ngồi xuống, đặt hai bàn tay được cọ rửa sạch sẽ lên đùi, đặt đôi chân mang giày được đánh xi láng cón nằm ngay ngắn. Giày không có lấy một vết xỉn vì được quẹt xi đều khắp. Tuy nhiên, hôm qua, vào giờ ăn tối, chúng vẫn còn có những vết xỉn. Và sau đó, vừa cởi đồ xong và sắp sửa vào giường ngủ, trên người chỉ có cái áo sơ-mi, thì thằng nhỏ đã phải chịu một trận đòn bằng roi và phải đánh giày lại. Thằng nhỏ ngồi ở bàn. Bộ mặt cúi xuống của nó thì hầu như bất động, không biểu lộ gì hết. Không khí mùa xuân đi vào từng cơn rất nhẹ, thoáng qua căn phòng trần trụi và sạch sẽ.

Lúc đó là chín giờ. Hai người đã ngồi đó từ tám giờ. Gần đó có nhiều nhà thờ nhưng nhà thờ thuộc giáo hội Trưởng lão thì cách xa năm dặm và cần một tiếng đồng hồ đánh xe mới tới đó. Lúc tám giờ rưỡi thì bà McEachern đến. Bà mặc đồ đen, đội cái mũ có dây buộc dưới cằm - nhỏ con, lưng hơi khòm, vẻ mặt mệt mỏi, bà bước vào một cách rụt rè. Bà trông già hơn đức ông chồng thô kệch và mạnh khỏe cả mười lăm tuổi. Bà chưa vào hẳn bên trong căn phòng. Bà chỉ vào đến ngưỡng cửa rồi đứng đó một lát, với mũ và bộ áo đầm có màu đen đã phai dù được chải khá thường, mang theo cái dù và cái quạt bằng lá cọ, và có cái gì đó lạ lùng xung quanh đôi mắt, như thể bất cứ cái gì bà thấy hay nghe thì bà thấy hay nghe qua hình dạng đàn ông hay giọng nói đàn ông thường tức thì hơn, như thể bà chỉ là phương tiện diễn đạt cho ý muốn kiểm soát mọi thứ của ông chồng mạnh mẽ và tàn nhẫn. Ông có lẽ đã nghe tiếng chân bà. Nhưng ông không nhìn lên mà cũng không nói. Bà quay lưng đi chỗ khác.

Đúng giờ đã định, McEachern ngẩng đầu lên. "Bây giờ mày biết rồi chớ?" ông nói.

Thằng nhỏ không cử động. "Không biết," nó nói.

McEachern đứng dậy một cách dứt khoát nhưng không vội vàng. Ông đưa tay lấy cái đồng hồ, đóng nắp lại, bỏ vào túi, buộc cái dây chuyền vào dải đeo quần. "Đi nào," ông nói. Ông không nhìn ra sau. Thằng nhỏ theo ông, đi dọc theo hàng lang ra tận phía sau nhà; nó cũng bước đi thẳng người, đầu ngẩng cao, trong im lặng. Nhìn tấm lưng hai người, ta có cảm tưởng thật sự có một quan hệ thân tộc trong tính ương ngạnh, như một sự giống nhau di truyền. Bà McEachern đứng ở trong bếp. Bà vẫn đội mũ, vẫn cầm dù và quạt. Bà đang nhìn ra cửa thì họ đi ngang. "Ông ơi," bà kêu lên. Cả hai người, chẳng ai buồn nhìn đến bà. Có lẽ họ đã không nghe; có lẽ bà đã không kêu lên. Họ cứ đi tiếp, người này sau người kia, và hai cái lưng, trong sự chối từ cứng ngắc trước bất cứ thỏa hiệp nào của họ, trông giống nhau hơn là sự liên hệ máu mủ đã có thể tạo ra chúng. Họ băng qua cái sân sau, tiếp tục đi về phía chuồng ngựa và bước vào trong. McEachern mở cánh cửa chuồng có cái máng thức ăn rồi bước tránh sang bên. Thằng nhỏ đi vào. McEachern đưa tay rút xuống từ trên vách một cái dây da thuộc bộ yên cương. Nó không mới, không cũ, như đôi giày của ông. Nó sạch, như đôi giày của ông, và nó có cùng mùi như ông: một cái mùi da thuộc sạch sẽ, cứng rắn, có tính đàn ông, sống động. Ông nhìn xuống thằng nhỏ.

"Cuốn sách đâu rồi?" ông nói. Thằng nhỏ đứng trước ông, bất động, bộ mặt thản nhiên và hơi xanh xao dưới làn da mềm mại như tờ giấy da. "Bộ mày không mang theo à?" McEachern nói. "Quay lại lấy nó đi." Giọng nói ông không có gì hằn học, nhưng cũng chẳng có gì là con người hay riêng tư cá nhân trong đó. Nó chỉ lạnh lùng, khắt khe, như những con chữ được viết hay in ra. Thằng nhỏ quay lưng và đi ra ngoài.

Khi nó vào trong nhà thì bà McEachern đang đứng ở hành lang. "Joe," bà gọi. Nó không trả lời. Thậm chí không nhìn bà, không thấy mặt bà, không thấy cái cử chỉ cứng nhắc đưa bàn tay lên nửa chừng, một bức tranh biếm họa vụng về về cái cử chỉ dịu dàng nhất mà bàn tay con người có thể làm ra. Nó bước qua trước mặt bà một cách căng thẳng, dáng vẻ cứng đờ, mặt đanh lại, có lẽ vì kiêu hãnh hay vì tuyệt vọng. Hay có lẽ vì kiêu căng, sự kiêu căng ngu ngốc của đàn ông. Nó lấy cuốn giáo lý vấn đáp trên bàn và quay lại chuồng ngựa.

McEachern đang đợi, tay cầm cái dây da. "Để nó xuống," ông nói. Thằng nhỏ đặt cuốn sách xuống đất. "Không phải chỗ đó," McEachern nói, không tỏ vẻ nóng nảy. "Tất nhiên là mày tưởng mặt đất chuồng ngựa mà các con thú giậm chân là chỗ hợp với Kinh thánh. Nhưng tao cũng sẽ dạy mày chuyện đó." Ông tự mình nhặt cuốn sách và để nó trên cái gờ tường. "Tụt quần xuống," ông nói. "Không được làm dơ quần."

Và thằng nhỏ đứng im, cái quần nằm dưới chân, đôi chân trần lộ ra dưới cái áo sơ-mi ngắn. Nó đứng đó, mảnh khảnh và thẳng người. Khi cái roi da quất xuống, nó không tỏ ra nao núng, mặt không rung rinh. Nó nhìn thẳng về phía trước, vẻ mặt trông ngây ngất và trầm tĩnh như một nhà sư trong tranh vẽ. McEachern bắt đầu quất roi một cách có phương pháp, dùng sức chậm và dứt khoát, nhưng không hăng tiết hay giận dữ. Thật khó mà nói cái nào trong hai bộ mặt trông ngây ngất, trầm tĩnh và vững tin hơn.

Ông quất mười lần rồi ngừng tay. "Cầm sách đi," ông nói. "Cứ để quần mày như vậy." Ông đưa cuốn giáo lý vấn đáp cho thằng nhỏ. Nó cầm lấy. Nó vẫn đứng yên, thẳng người, ngẩng mặt và đưa cuốn sách lên với thái độ phấn khích. Nếu khoác lên người chiếc áo thụng trắng, nó đã có thể là một lễ sinh trong ca đoàn đạo Thiên chúa, và thay vì gian giữa của giáo đường là cái máng thức ăn tối tăm và đe dọa, và cái vách ngăn làm bằng những tấm ván sần sùi mà đằng sau là các con thú thỉnh thoảng cựa quậy trong bóng tối hăng mùi a-mo-ni-ắc với tiếng thở phì phì và tiếng uỳnh uỵch lười biếng. McEachern ngồi xuống, cứng nhắc, trên cái thùng đựng đồ ăn cho gia súc, hai chân giạng ra, một bàn tay để trên đầu gối, cái đồng hồ bạc ở trong lòng bàn tay kia, bộ mặt sạch sẽ và nhiều râu trông cứng như đá tạc, cặp mắt lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng không có gì hằn học.

Hai người, kẻ đứng, người ngồi như vậy cả một tiếng đồng hồ. Trước khi hết giờ bà McEachern đi ra phía cửa sau nhà. Nhưng bà không nói. Bà chỉ đứng đó, nhìn cái chuồng ngựa, đầu vẫn đội mũ, tay vẫn cầm dù và quạt. Rồi bà quay vào trong nhà.

Và một lần nữa, khi kim giây chỉ chính xác là đủ một giờ, McEachern lại bỏ đồng hồ vào túi. "Bây giờ thì mày biết chưa?" ông nói. Thằng nhỏ không trả lời, vẫn đứng thẳng người, cứng nhắc, vẫn cầm cuốn giáo lý trước mặt mình. McEachern giật cuốn sách ra khỏi tay nó. Nếu không thì nó chẳng nhúc nhích chút nào. "Lập lại các lời giáo lý đi," McEachern nói. Thằng nhỏ nhìn thẳng vào bức vách trước nó, nhìn chằm chằm. Mặt nó giờ thì tái mét dù nước da nó thường mềm mại và ấm áp. Một cách cố ý, ông cẩn thận đặt cuốn sách lên gờ tường và nắm cái dây da. Ông quất mười lần. Khi ông đánh xong, thằng bé còn đứng bất động một lát. Nó chưa ăn sáng. Cả hai người, chưa ai ăn sáng. Rồi thằng bé lảo đảo, và nó chắc đã té nếu ông không chụp cánh tay nó để giữ lại. "Lại đây," McEachern nói, cố gắng đưa nó đến cái thùng đựng thức ăn cho gia súc. "Ngồi xuống đi."

"Không," thằng nhỏ nói. Và nó bắt đầu giật mạnh cánh tay để khỏi bị nắm nữa. McEachern thả nó ra.

"Mày sao rồi? Mày bệnh à?"

"Không," thằng nhỏ nói. Giọng yếu ớt, mặt tái mét.

"Cầm sách này," McEachern nói, ấn nó vào tay thằng nhỏ. Bà McEachern, đến từ nhà, hiện ra ở khung cửa sổ gian nhà chứa đồ ăn cho gia súc. Bây giờ bà mặc một cái áo đầm[52] rộng và dài, suôn đuột, đã bạc màu và một cái mũ che nắng, và xách một cái xô bằng gỗ tuyết tùng. Bà đi ngang qua cửa sổ, mắt không nhìn vào cái gian nhà đó và biến mất. Một lát sau họ nghe tiếng ken két của cái ròng rọc nơi giếng nước được kéo chậm rãi, cái âm thanh yên bình và gây ngạc nhiên đến trong không khí ngày "xa-ba". Rồi bà xuất hiện lại trước cửa sổ, lần này người hơi nghiêng sang một bên vì xách xô nước nặng, và đi vào nhà, không buồn nhìn về phía chuồng ngựa.

Và một lần nữa, đúng một giờ sau, McEachern đưa mắt rời khỏi đồng hồ, nhìn lên. "Mày có học không?" ông nói. Thằng nhỏ không trả lời, không cử động. Khi McEachern lại gần, ông thấy là thằng nhỏ không nhìn vào trang sách chút nào, đôi mắt nó thì trừng trừng và trống rỗng hoàn toàn. Khi đặt tay mình lên cuốn sách, ông nhận ra nó bám chặt cứng như thể bám một cuộn dây hay một cái cột. Khi McEachern dùng sức giật mạnh cuốn sách ra khỏi tay nó, thằng nhỏ ngã nhào cả người xuống, nằm dài dưới đất không nhúc nhích.

Khi nó tỉnh lại, trời đã xế chiều. Nó nằm trong giường riêng của mình, trong cái gác xép ngay dưới mái thấp. Căn gác thì yên tĩnh, đã ngập bóng hoàng hôn. Nó cảm thấy khá khỏe, và nó nằm thêm một lát, thanh thản nhìn lên cái trần nhà nằm nghiêng ở trên đầu trước khi nhận ra có người đang ngồi gần bên giường. Đó là McEachern. Bây giờ ông mặc quần áo thường ngày - không phải bộ quần yếm mặc khi ra đồng, nhưng cái áo sơ-mi phai màu, sạch, không cổ cồn, và cái quần bằng vải ka-ki phai màu, sạch. "Mày thức rồi," ông nói. Ông đưa tay giở cái mền ra. "Lại đây," ông nói.

Thằng nhỏ không cử động. "Cha lại sắp đánh con nữa phải không?"

"Lại đây," McEachern nói. "Dậy đi." Thằng nhỏ ngồi dậy, bước xuống giường rồi đứng đó, mảnh khảnh, luống cuống trong bộ đồ lót bằng vải bông. McEachern cũng cử động, một cách nặng nề, vụng về, cơ bắp xơ cứng, như thể tiêu xài hết cả sức lực; thằng nhỏ nhìn ông với cặp mắt quan tâm nhưng không ngạc nhiên của con nít, và thấy ông chậm chạp và nặng nề quỳ xuống bên cạnh giường. "Quỳ xuống đi," McEachern nói. Thằng nhỏ quỳ xuống; Hai người quỳ trong căn gác ngột ngạt, đầy bóng hoàng hôn: đứa bé trong bộ đồ lót được cắt ngắn, và người đàn ông tàn nhẫn chưa hề biết đến lòng thương xót hay nỗi hoài nghi. McEachern bắt đầu cầu nguyện. Ông cầu nguyện một đỗi lâu, giọng đều đều tẻ nhạt, gây buồn ngủ, đơn điệu. Ông xin được tha thứ vì đã làm điều sai trái trong ngày "xa-ba" và vì đã giơ tay đánh một đứa bé, một đứa mồ côi, được Chúa yêu thương. Ông cầu cho quả tim chai cứng của thằng nhỏ được mềm dịu lại và cho cái tội bất phục tùng, nó cũng được tha thứ nữa, nhờ sự nói giúp của chính người mà nó đã coi thường, đã không vâng lời. Ông cầu xin đấng Toàn Năng thể hiện tất cả lòng rộng lượng của Ngài bằng, thông qua, và vì ân sủng toàn trí của Ngài.

Khi cầu nguyện xong, ông đứng dậy một cách khó nhọc. Thằng nhỏ vẫn quỳ. Nó không cử động chút nào. Nhưng đôi mắt nó mở (nó không bao giờ giấu mặt hay ngay cả cúi mặt cũng không) và gương mặt thì rất bình thản; bình thản, lặng câm, không dò thấu được. Nó nghe người đàn ông sờ soạng ở bàn có đặt cái đèn. Một que diêm bật lên, cháy đỏ; ngọn lửa được giữ yên trên bấc, dưới cái chụp đèn hình cầu mà trên đó bàn tay người đàn ông bây giờ hiện ra như thể nó đã nhúng máu trước đây. Những cái bóng xoay tròn rồi đứng yên. McEachern lấy lên cái gì đó trên bàn bên cạnh đèn: cuốn giáo lý vấn đáp. Ông nhìn xuống thằng nhỏ: một cái mũi, một gò má cao trông giống đá hoa cương, râu mọc tận hốc mắt sâu như cái hang đằng sau cặp kính. "Cầm sách đi," ông nói.

***

Chuyện ấy đã bắt đầu từ sáng chủ nhật đó, trước bữa ăn sáng. Nó đã không ăn sáng; chắc là cả nó và người đàn ông, không ai nghĩ tới việc ăn dù chỉ một lần. Chính ông đã không ăn sáng dù ông đã đến bàn và nói lời nguyện xá tội cho đồ ăn và cho sự cần thiết phải ăn đồ ăn đó. Vào bữa ăn trưa, ông ngủ vì kiệt lực thần kinh. Rồi đến giờ ăn tối, cả hai đều không nghĩ đến việc ăn. Thằng nhỏ thậm chí không biết tại sao có cái gì không ổn trong người, tại sao nó cảm thấy yếu ớt và bình yên.

Giờ nằm trong giường, đó chính là điều nó cảm thấy. Ngọn đèn vẫn cháy. Đêm đã buông xuống đủ đầy. Một khoảng thời gian đã trôi qua, nhưng dường như nếu nó quay đầu nó vẫn thấy cả hai người, người đàn ông và chính nó, quỳ bên cạnh giường, hay ít ra, thấy trên tấm thảm những dấu lõm không thực sự hiển nhiên của hai cặp đầu gối. Ngay cả không khí cũng có vẻ tiết ra cái giọng nói đơn điệu đó, giọng của một ai đó đang nói trong giấc mơ, nói, cầu khẩn, tranh cãi với một sự Hiện diện, và chính cái này cũng không thể để lại vết lõm ma quái nào trên một tấm thảm thật.

Nó đang nghỉ ngơi như vậy, nằm ngửa, hai tay khoanh chéo trên ngực như bức tượng trên mộ, thì lại nghe tiếng chân lần nữa ở cái cầu thang hẹp. Không phải tiếng chân của người đàn ông đâu. Vì trước đó nó đã nghe McEachern đánh xe ngựa ra đi trong bóng hoàng hôn để đến một ngôi nhà thờ cách đó ba dặm, không thuộc giáo hội Trưởng lão nhưng ở đó ông có thể sám hối, việc mà ông đã tự buộc cho mình trong buổi sáng.

Không quay đầu, thằng nhỏ nghe bà McEachern chậm chạp, cực nhọc leo lên cầu thang. Nó nghe bà lại gần trên sàn gỗ. Nó không nhìn bà, mặc dù sau vài khoảnh khắc bóng bà trải dài trên tường mà nó có thể thấy, và nó thấy là bà đang bưng theo cái gì đó. Một cái khay với đồ ăn. Bà đặt khay lên giường. Nó đã không nhìn bà lấy một lần. Nó đã không cử động. "Joe này," bà nói. Nó không cử động. "Joe này," bà nói. Bà thấy mắt nó mở. Bà không chạm đến người nó.

"Con không đói," nó nói.

Bà không cử động. Bà đứng đó, hai tay khoanh trước tạp dề. Bà cũng không có vẻ đang nhìn nó. Bà có vẻ đang nói chuyện với bức tường bên kia giường. "Má biết con nghĩ gì. Không phải vậy đâu. Ổng không hề biểu má mang đồ ăn cho con. Chính má nghĩ ra mà làm đó. Ổng không biết đâu. Không phải ổng biểu đưa đồ ăn cho con đâu." Nó không cử động. Bộ mặt nó bình thản như một bộ mặt tạc vào đá, mắt nhìn cái góc nhọn tạo ra bởi trần nhà bằng gỗ. "Con chưa ăn gì cả ngày hôm nay. Ngồi dậy ăn đi. Không phải ổng biểu má mang đồ ăn lên cho con. Ổng không biết đâu. Má chờ cho đến khi ổng đi xong rồi má mới tự mình nấu cái này đó."

Vậy là nó ngồi dậy. Trong khi bà luôn đưa mắt nhìn, nó ra khỏi giường, cầm cái khay lên, mang đến góc phòng và lật úp nó lại, đổ cả dĩa lẫn đồ ăn, mọi thứ, xuống đất. Rồi nó quay lại giường, tay vẫn bưng cái khay trống như thể nó là người mang cái bình bày bánh thánh cúng lễ, và thay vì áo thụng trắng, nó mặc bộ đồ lót, trước đây mua cho người lớn, nay đã được cắt ngắn lại. Giờ thì bà không nhìn nó, dù bà cứ đứng im. Hai tay bà vẫn khoanh trước tạp dề. Nó lên giường, nằm ngửa như trước, mắt mở to dán lên trần nhà. Nó thấy cái bóng của bà, bất động, không hình thù rõ rệt, hơi khòm. Rồi cái bóng biến đi. Nó không nhìn nhưng nó nghe thấy bà quỳ ở góc phòng, nhặt các dĩa bể để lại trong khay. Rồi bà rời phòng. Cả không gian đều im ắng. Ngọn đèn vẫn cháy bình thường từ cái bấc đứng yên; trên tường, những cái bóng chập chờn của các con bướm đêm lượn qua lượn lại thì lớn như những con chim. Từ bên ngoài cửa sổ, nó ngửi thấy, cảm thấy bóng tối, mùa xuân và mùi đất.

Hồi đó nó mới tám tuổi. Chỉ rất nhiều năm sau trí nhớ mới biết những gì nó nhớ; rất nhiều năm sau buổi tối đó, khi mà một giờ sau, nó ngồi dậy, rời giường, đến quỳ ở góc phòng, không như nó quỳ trên tấm thảm đâu, quỳ phía trên những đồ ăn đã lấm bẩn, và nó đưa tay bốc ăn, như một tên mọi rợ, như một con chó.

Đêm đang xuống. Lẽ ra nó đã về tới gần nhà, xa hẳn nơi mà nó đang đứng đây. Mặc dù mỗi chiều thứ bảy được tự do nhưng chưa bao giờ nó ở xa nhà đến vậy, vào cái giờ muộn đến vậy. Khi về đến nhà, nó sẽ ăn đòn roi. Nhưng không phải vì những gì nó đã có thể hay đã không thể làm trong khi vắng mặt. Khi về đến nhà, nó sẽ ăn đòn roi, dù nó chẳng phạm tội gì, y chang như thể McEachern bắt nó quả tang phạm tội.

Nhưng có lẽ chính nó chưa biết là nó sẽ không phạm tội. Chúng tụ họp một cách lặng lẽ, cả năm đứa, trong lúc chạng vạng, gần ô cửa sắp sụp của một xưởng cưa bỏ hoang. Núp chờ cách đó khoảng một trăm thước, chúng thấy một đứa con gái da đen đi vào, đưa mắt liếc ra sau một cái, rồi biến mất. Một trong những thằng nhỏ lớn tuổi hơn đã sắp xếp việc này trước đó, và giờ thì hắn vào đó đầu tiên. Những thằng nhỏ khác thì rút thăm bằng những cọng rơm để chia phiên nhau. Chúng mặc quần yếm giống nhau, và sống chung quanh đây, trong vòng bán kính ba dặm, và giống như thằng nhỏ mà chúng biết tên là Joe McEachern, và mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi, tất cả bọn chúng đều có thể đi cày, vắt sữa bò, bửa củi như người lớn. Có lẽ nó thậm chí không nhận ra đó là tội lỗi cho tới khi nó nghĩ đến người đàn ông đang đợi nó ở nhà, bởi vì ở tuổi mười bốn, tội lỗi lớn nhất có lẽ là bị buộc tội công khai là còn tân.

Đến phiên nó. Nó đi vào cái nhà hoang. Bên trong tối tăm. Ngay lập tức, nó cảm thấy cả người bị một sự hối hả ghê gớm khống chế. Trong người nó có cái gì đó đang tìm cách chạy ra ngoài, giống như mỗi khi nó nghĩ đến kem đánh răng trước đây. Nhưng nó không thể cử động ngay tức khắc, cứ đứng đực người ra đó, ngửi mùi đàn bà với mùi da đen, tất cả cùng lúc; bị bắt làm tù nhân của conảcáiđĩdađen[53] đó và sự gấp rút của chính mình, bị cuốn hút, bị buộc phải đợi cho đến khi cô ta lên tiếng: một âm thanh dẫn đường, không phải là một tiếng gì đặc biệt và khiến nó bất ngờ. Rồi nó dường như có thể thấy ra cô ta - một cái gì đó nằm sóng soài, đáng khinh bỉ; có lẽ đó là đôi mắt cô ta. Khom lưng xuống, nó tưởng mình đang nhìn xuống một cái giếng tối om, và dưới đáy nó thấy hai tia sáng lóe lên như ánh phản chiếu của những vì sao đã chết. Nó bước tới, vì chân nó đụng cô ta. Rồi chân nó đụng cô ta lần nữa, vì lần này nó đá cô ta. Nó đá cô ta thật mạnh, đá vào trong và xuyên qua tiếng rên la nghẹn ngào vì kinh ngạc và sợ hãi. Cô ta bắt đầu hét to trong khi nó kéo cô ta lên, giữ chặt bằng cánh tay, và tung những cú đấm ác liệt, dã man vào người cô ta, có lẽ đánh vào tiếng hét nữa, nhưng dù sao nó vẫn cảm thấy da thịt cô ta, cảm thấy mình là tù nhân của conảcáiđĩdađen đó và sự gấp rút của chính mình.

Rồi cô ta bỏ chạy dưới những cú đấm của nó, và nó cũng bỏ chạy về phía sau, khi những thằng nhỏ khác nhào lên người nó, cả đám, lóng ngóng ghì lấy nó, và nó đánh trả, hơi thở phì phò vì giận dữ và tuyệt vọng. Lúc đó, chính mùi con đực mà nó ngửi, mà cả bọn ngửi; và ở đâu đó, dưới cái mùi này, con Cái vừa bỏ chạy, vừa la hét. Chúng giẫm đạp, lắc lư, đánh đấm bất kể vào thứ gì mà tay hay người chúng chạm tới, cho tới khi cả bọn đổ xuống thành một đống, nó nằm dưới cùng. Vậy mà nó vẫn vừa khóc, vừa chống cự, đánh trả. Bây giờ không còn là vì con Cái đó nữa. Chúng chỉ đánh nhau. Như thể có một ngọn gió dữ nhưng sạch thổi qua bọn chúng. Chúng giữ chặt nó dưới đất, không để nó cựa quậy được chút nào. "Bây giờ mày thôi chưa? Tụi tao hạ mày rồi. Mày hứa không đánh nhau nữa đi."

"Tao không...," nó nói. Nó cố sức cựa quậy, thở hổn hển.

"Joe, thôi đi! Mày không thể đánh lại cả tụi tao. Hơn nữa, không thằng nào muốn đánh nhau với mày mà."

"Không," nó nói, vùng vẫy, gần như đứt hơi. Cả nó lẫn những đứa khác không còn thấy, không còn nhận ra đứa nào là đứa nào nữa. Chúng đã hoàn toàn quên cô gái, quên cả lý do tại sao chúng đánh nhau, nếu như chúng có biết lý do. Về phần bốn thằng nhỏ, đó chỉ là phản xạ hoàn toàn tự động: sự thôi thúc tự phát đẩy con đực đánh với, hay do, hay cho con cái mà nó vừa mới hay sắp sửa giao cấu. Nhưng không đứa nào trong bọn biết tại sao Joe lại đánh nhau. Và nó đã không thể nói với mấy đứa kia. Chúng vẫn đè chặt nó dưới đất, nói chuyện với nhau bằng những giọng đều đều, hơi nghẹn.

"Mấy thằng nào phía sau đó, đi đi. Rồi tụi tao sẽ thả nó ra cùng lúc."

"Ai kẹp nó đây? Thằng nào tao đang kẹp đây chớ?"

"Đây này. Thả nó ra. Không, chờ đã. Tao giữ nó. Tao và..." Một lần nữa, cả đám trồi lên, vật lộn nhau. Chúng lại kẹp nó được. "Tụi mình giữ chặt nó rồi. Giờ tất cả thả nó ra cùng lúc rồi chạy đi nghe. Tránh ra đi."

Hai đứa trong bọn đứng lên, đi lùi về phía cửa. Rồi hai đứa nữa dường như từ dưới đất nhảy lên, chạy như bay ra khỏi căn nhà hoang lờ mờ tối. Ngay lúc được thả, Joe đã tìm cách đấm chúng, nhưng chúng đã xa rồi. Nằm ngửa, nó nhìn theo bốn thằng kia đang bỏ chạy trong bóng chạng vạng, rồi chúng chậm lại, ngoái đầu nhìn ra phía sau. Nó đứng dậy, đi ra khỏi căn nhà đó. Nó dừng lại, đứng ở cửa, đưa tay phủi áo quần, một cử chỉ hoàn toàn không tự giác, trong khi cách đó một quãng ngắn bọn kia lặng lẽ xúm lại và quay nhìn hắn. Nó không nhìn chúng. Nó đi tiếp, cái quần yếm nhuốm màu chạng vạng trong bóng chạng vạng. Trễ giờ về nhà rồi. Sao hôm đã mọc, sáng và nặng như một nụ hoa lài. Nó không một lần nhìn ra sau. Nó cứ đi, hình dáng nhòa dần như một bóng ma; bốn thằng nhỏ kia lặng lẽ xúm lại, đưa mắt dõi theo nó, mặt chúng trông nhỏ và tái đi trong ánh chạng vạng. Từ nhóm chúng đột ngột bật ra giọng nói oang oang: "Daaa!" Nó không ngoái nhìn. Một giọng nói thứ hai phát ra, dịu dàng, và đến tai nó, nghe êm và rõ: "Gặp lại mày ở nhà thờ ngày mai nghe Joe." Nó không trả lời. Thỉnh thoảng nó đưa tay phủi cái quần yếm, một cách máy móc.

Khi nó về đến chỗ mà nhà nó hiện ra trong tầm mắt thì mọi ánh sáng đã lụi tàn ở phía Tây. Trong cánh đồng cỏ nằm sau kho thóc, có một con suối: một khóm cây liễu mà trong bóng tối người ta có thể ngửi, nghe, nhưng không thấy. Khi nó lại gần, tiếng kêu như sáo thổi của những chú ếch con ngưng bặt như nhiều sợi dây bị những cây kéo cắt đứt cùng lúc. Nó quỳ xuống; trời quá tối để có thể phân biệt đâu là cái đầu nó, ngay cả bằng đường nét. Nó rửa ráy mặt mũi, chùi sạch đôi mắt bị sưng. Nó đi tiếp, xuyên qua cánh đồng cỏ, về phía ánh sáng trong nhà bếp. Cái ánh sáng này có vẻ quan sát nó, dò xem nó, đầy vẻ hăm dọa, như một con mắt.

Khi đến sát hàng rào sân sau, nó dừng lại, đưa mắt nhìn ánh sáng hắt ra từ cửa sổ nhà bếp. Nó đứng đó một lát, người tựa vào hàng rào. Đám cỏ thì ồn ào, sống động với tiếng dế kêu vang. Trên mặt đất xám ướt sương, trên tấm màn tối tăm của cây cối, những con đom đóm lập lòe bay, khi ẩn khi hiện thất thường. Một con chim nhại hót trên cây bên cạnh nhà. Sau lưng nó, trong các rừng cây bên kia con suối, hai con chim đớp muỗi[54] hót vang. Xa hơn, như thể ở bên kia chân trời cuối cùng của mùa hè, một con chó săn hú lên. Rồi nó bước qua hàng rào và thấy một người nào đó ngồi bất động trước cửa chuồng bò trong đó có hai con bò cái mà nó đã chưa vắt sữa.

Nó không có vẻ ngạc nhiên khi nhận ra McEachern, như thể toàn bộ cái hoàn cảnh này thì hoàn toàn lô-gích, hợp lý và không thể tránh được. Có lẽ khi đó nó nghĩ đến việc là nó và người đàn ông lúc nào cũng có thể tin cậy lẫn nhau, tùy thuộc lẫn nhau; là chỉ riêng người đàn bà thì không thể đoán trước được. Và nó, kẻ đã chưa phạm cái mà McEachern chắc chắn xem như một trọng tội, có lẽ thấy là hoàn toàn phù hợp việc nó sắp sửa bị trừng phạt, đúng y như thể nó đã phạm cái tội đó. McEachern không đứng lên. Ông vẫn ngồi đó, dửng dưng như tảng đá, cái áo sơ-mi nổi lên mờ mờ trắng trên nền đen của cánh cửa hé mở. "Tao đã vắt sữa và cho bò ăn rồi," ông nói. Rồi ông đứng dậy, vẻ dứt khoát. Có lẽ thằng nhỏ biết là ông đã cầm sẵn cái dây da trong tay. Dây vút lên, quất xuống, một cách đều đặn, có đếm số, tiếng roi quất nghe đục và rõ. Thân thể thằng nhỏ hẳn là bằng gỗ hay đá: một cái cột hay cái tháp mà trên đó cái phần có tri giác của nó suy tưởng như một nhà tu kín, trầm mặc và xa xôi trong sự nhập định hay sự đóng đinh tự nguyện trên thập giá.

Khi hai người đến gần nhà bếp thì đã bước đi bên nhau. Rồi khi ánh sáng từ cửa sổ hắt lên họ, người đàn ông ngừng lại, quay người, cúi xuống nhìn kỹ. "Mày đánh nhau à?" ông nói. "Về chuyện gì vậy?"

Thằng nhỏ không trả lời. Bộ mặt nó thì khá khép kín và điềm tĩnh. Sau một lát, nó trả lời. Giọng lạnh tanh và bình thản. "Không có gì cả."

Họ cứ đứng đó. "Có phải ý mày là mày không thể hay không muốn nói ra đây?" Thằng nhỏ không trả lời. Nó không hạ ánh mắt xuống. Nó không nhìn cái gì cả. "Vậy thì mày là thằng ngu nếu mày không biết. Và nếu mày không nói ra thì mày là thằng điếm từ trước đến nay. Mày có đi với gái à?"

"Đâu có," thằng nhỏ nói. Người đàn ông nhìn nó. Khi ông nói, giọng nghe có vẻ trầm ngâm.

"Mày không bao giờ nói láo với tao. Ít ra theo chỗ tao biết." Ông nhìn thằng nhỏ, nét mặt nhìn nghiêng của nó trông bình thản. "Mày đánh nhau với đứa nào vậy?"

"Nhiều hơn một đứa."

"Chà," người đàn ông nói. "Tụi nó chắc bị đánh bầm tím chớ gì?"

"Con không biết. Chắc vậy."

"Chà," người đàn ông nói. "Đi tắm rửa đi. Bữa ăn tối sẵn sàng rồi đó."

Khi lên giường ngủ tối đó, nó quyết định trốn đi. Nó cảm thấy mình như con đại bàng: cứng cỏi, đầy đủ, mạnh mẽ, không hối tiếc, tràn trề sinh lực. Nhưng cái quyết định này không tồn tại lâu, dù lúc đó nó không biết là, giống như con đại bàng, da thịt của chính nó cũng như toàn bộ cái không gian kia vẫn mãi là cái lồng.

***

McEachern mất hết hai ngày mới nhận ra là con bò cái tơ đã biến mất. Rồi ông tìm thấy một bộ com-lê mới ở chỗ mà người ta giấu trong chuồng ngựa; và khi xem xét nó, ông biết là chưa ai mặc cả. Ông tìm thấy nó trong buổi sáng, nhưng không nói gì. Tối hôm đó, ông đi vào chuồng bò, nơi Joe đang vắt sữa. Ngồi trên ghế đẩu, đầu tựa vào hông con bò, thân thể thằng nhỏ giờ đây ít nhất cũng cao bằng thân thể một người đàn ông. Nhưng McEachern không thấy điều đó. Nếu ông mà thấy được cái gì thì đó là đứa bé mồ côi năm tuổi ngồi trên ghế xe ngựa với sự thụ động lặng lẽ, cảnh giác và coi thường của một con thú vào buổi tối mùa đông mười hai năm trước. "Tao không thấy con bò cái tơ của mày," McEachern nói. Joe không trả lời. Nó khom người trên cái xô, trên tiếng sữa phụt ra kêu xì xì liên tục. McEachern đứng sau, đang nhìn nó từ trên xuống. "Mày có nghe không, tao vừa nói, không thấy con bò cái tơ của mày đâu cả."

"Con biết mà," Joe nói. "Nó đi xuống chỗ con suối chớ đâu. Con sẽ đi tìm nó, bởi vì nó là của con mà."

"À há!" McEachern nói. Không lên giọng. "Con suối đó ban đêm không phải là chỗ ở cho một con bò cái đáng giá năm chục đô-la đâu."

"Nó mà mất thì mặc kệ con," Joe nói. "Nó là của con trước đây mà."

"Trước đây à?" McEachern nói. "Mày vừa nói trước đây con bò cái đó là của mày, phải vậy không?"

Joe không ngước nhìn lên. Giữa các ngón tay nó, sữa tiếp tục tia ra xuống cái xô. Nó nghe McEachern di chuyển phía sau lưng mình. Nhưng Joe không nhìn quanh cho tới khi sữa không ra nữa. Rồi nó quay người lại. McEachern đang ngồi trên một miếng gỗ gần cửa. "Tốt hơn mày xách sữa lên nhà trước đi," ông nói.

Joe đứng lên, xô sữa đung đưa trong tay. Giọng nó quả quyết nhưng điềm tĩnh: "Con sẽ đi tìm nó sáng mai."

"Đem sữa lên nhà đi đã," McEachern nói. "Tao chờ mày ở đây."

Joe còn đứng đó thêm một lát. Rồi nó bước đi. Nó ra khỏi chuồng bò và đi về phía nhà bếp. Bà McEachern đi vào khi nó đặt xô sữa lên bàn. "Bữa ăn tối sẵn sàng rồi đó," bà nói. "Ông McEachern đã về chưa?"

Joe đã quay người đi về phía cửa. "Ổng sắp vào nhà rồi," nó nói. Nó cảm thấy người đàn bà quan sát mình. Bà nói, giọng ngần ngừ và lo ngại:

"Con chỉ đủ thì giờ tắm rửa thôi đó."

"Con và ổng sẽ vào nhà nhanh thôi mà." Nó quay về chuồng bò. Bà McEachern ra đứng ở ngưỡng cửa, nhìn theo nó. Trời chưa tối hẳn và bà thấy ông chồng mình đứng ở cửa chuồng bò. Bà không lên tiếng gọi. Bà chỉ đứng đó, nhìn hai người đàn ông gặp nhau. Bà không thể nghe họ nói gì.

"Mày nói chắc nó phải ở dưới chỗ suối phải không?" McEachern nói.

"Con đã nói có lẽ vậy. Đồng cỏ dưới đó thì rộng mà."

"À há," McEachern nói. Cả hai giọng nói đều điềm tĩnh. "Mày nghĩ nó ở đâu bây giờ?"

"Con không biết. Con không phải là con bò cái. Con không biết nó có thể ở đâu."

McEachern cất bước. "Tao với mày đi tìm xem sao," ông nói. Họ đi vào cánh đồng cỏ, người này sau người kia. Con suối cách xa khoảng bốn trăm thước. Những con đom đóm lập lòe trên hàng cây tối tăm giăng ngang như tấm màn. Họ đến hàng cây đó. Các thân cây thì bị các bụi rậm chằng chịt ở đầm lầy làm cho nghẹn thở, khó mà vào sâu, thậm chí giữa ban ngày. "Kêu nó đi," McEachern nói. Joe không trả lời, không cử động. Hai người đối mặt nhau.

"Nó là của con mà," Joe nói. "Cha đã cho con mà. Con đã nuôi từ khi nó còn là con bê bởi vì cha cho con để nó là riêng của con mà."

"Đúng," McEachern nói. "Tao đã cho nó cho mày. Để dạy mày biết trách nhiệm khi có cái gì, khi sở hữu, khi có quyền sở hữu cái gì. Trách nhiệm của người sở hữu đối với cái mà mình sở hữu, dưới sự chấp thuận miễn cưỡng của Chúa. Để dạy mày biết lo xa và làm tăng giá trị. Kêu nó đi."

Hai người còn đứng đối mặt nhau thêm một lát nữa. Có lẽ họ nhìn chòng chọc lẫn nhau. Rồi Joe quay người, đi dọc theo bờ đầm lầy, McEachern theo sau."Tại sao mày không kêu nó?" ông nói. Joe không trả lời. Nó có vẻ không xem xét cả đầm lầy lẫn con suối chút nào. Trái lại, nó nhìn cái ánh sáng duy nhất đánh dấu ngôi nhà trong bóng tối, thỉnh thoảng ngoảnh mặt nhìn ra sau như thể tính toán khoảng cách giữa nó và ngôi nhà. Họ không đi nhanh, vậy mà họ đến được cái hàng rào đánh dấu ranh giới cuối cùng của cánh đồng cỏ. Trời bây giờ đã tối đen. Khi đến hàng rào, Joe quay lưng và dừng lại. Bây giờ nó nhìn người kia. Một lần nữa, họ đứng đối mặt nhau. Rồi McEachern nói: "Mày đã làm gì với con bò cái tơ đó?"

"Con đã bán nó," Joe nói.

"À há! Mày đã bán nó. Và người ta trả mày bao nhiêu, nếu mày để tao hỏi?"

Giờ thì họ không thể phân biệt mặt mũi lẫn nhau nữa. Hai người chỉ còn là bộ dạng, cao gần như nhau, dù McEachern thì to con hơn. Trên áo sơ-mi trắng giờ chỉ thấy được lờ mờ, cái đầu của McEachern trông giống như một trong những viên đạn đại bác bằng cẩm thạch người ta thấy ở các đài tưởng niệm cuộc Nội chiến. "Con bò cái của con mà," Joe nói. "Nếu nó không phải của con thì tại sao cha biểu nó là của con? Tại sao cha đã cho con?"

"Mày có lý đó. Nó là riêng của mày. Tao không rầy la mày về chuyện mày bán nó, miễn là mày bán được giá. Và thậm chí mày có bị thiên hạ gạt trong việc mua bán này, một thằng nhỏ mười tám tuổi thì chắc dễ bị gạt lắm, tao vẫn không la rầy mày đâu. Tuy vậy, đáng lẽ mày nên hỏi ý kiến của người nào có nhiều kinh nghiệm đời hơn. Nhưng thôi, mày phải tự học chuyện đời mà, như tao đã từng. Điều mà tao muốn hỏi là, mày đã để tiền ở đâu cho an toàn?" Joe không trả lời. Hai người đối mặt nhau. "Mày đã đưa cho má nuôi để giữ giùm, phải vậy không đó?"

"Phải," Joe nói. Miệng nó nói ra như vậy, một lời nói láo. Trước đó, nó đã không có ý định trả lời chút nào. Nó nghe miệng nó buột ra cái tiếng đó với một thứ ngạc nhiên tức tối. Nhưng, đã trễ rồi. "Con đã đưa tiền cho má giữ," nó nói.

"À há," McEachern nói. Ông thở dài; đó là một tiếng thở khoan khoái vì thỏa mãn và chiến thắng. "Và mày chắc chắn cũng sẽ nói rằng chính má nuôi đã mua bộ com-lê mới mà tao thấy giấu ở tầng trên chuồng ngựa. Mày đã để lộ ra tất cả tội lỗi mà mày đủ sức phạm phải: lười biếng, vô ơn bạc nghĩa, và ăn nói thiếu tôn kính và xúc phạm Chúa. Và bây giờ tao bắt quả tang mày phạm hai tội còn lại: nói láo và dâm đãng. Mày dùng bộ com-lê đó để làm gì, để đi chơi bời đàng điếm chớ gì? Rồi ông chợt nhận ra thằng bé ông mang về nuôi mười hai năm trước giờ đây đã là một người đàn ông rồi. Mặt đối mặt, chân đối chân, ông vung nắm tay đấm mạnh Joe.

Joe nhận hai cú đấm đầu tiên; có lẽ vì thói quen, có lẽ vì ngạc nhiên. Nhưng nó chịu đựng, cảm thấy hai lần cái nắm tay cứng rắn của McEachern đập mạnh vào mặt mình. Rồi nó nhảy vọt ra phía sau, thu mình lại, đưa lưỡi liếm máu, thở hổn hển. Hai người vẫn đối mặt nhau. "Này, đừng có cả gan đánh tôi lần nữa," nó nói.

Sau đó, nằm trên giường ở gác mái, người lạnh và cứng đờ, nó nghe tiếng nói của họ từ căn phòng bên dưới vang đến qua cái cầu thang hẹp.

"Chính tôi đã mua nó cho con!" Bà McEachern nói. "Chính tôi mà! Tôi đã mua nó bằng tiền túi của tôi. Ông có nói là tôi có thể sở hữu... có thể tiêu xài mà... Ôi, ông Simon ơi! Ông Simon ơi!"

"Bà nói láo còn vụng về hơn cả nó," người đàn ông nói, giọng chừng mực, khàn khàn, không giận dữ, đi qua cầu thang chật hẹp mà lên tận giường Joe đang nằm. Nó không nghe nữa. "Quỳ xuống đi! Quỳ xuống đi! QUỲ XUỐNG, CON ĐÀN BÀ kia. Hãy cầu xin Chúa, chớ không phải ta, ban ân sủng và tha tội cho."

***

Bà luôn cố gắng tỏ ra tử tế với nó, ngay từ buổi tối tháng chạp đầu tiên cách đây mười hai năm. Bà đang đợi ở ngoài hiên - một con người kiên nhẫn, mờ nhạt, không có gì biểu lộ giới tính của mình ngoại trừ cái váy và cái búi tóc hoa râm gọn gàng - khi chiếc xe ngựa về đến nhà. Dường như thay vì bị giết hại hay bị biến đổi một cách tinh tế bởi người đàn ông tàn nhẫn và cố chấp thành một cái gì đó mà bà không nhận thấy và nằm ngoài ý định của ông, bà đã bị gò một cách bền bỉ, càng ngày càng mỏng đi như một thứ kim loại thụ động và dễ dát, cho đến mức chỉ còn là một mớ những hy vọng mơ hồ, những ham muốn không được thỏa mãn, giờ đây yếu ớt và nhợt nhạt như tro tàn.

Khi chiếc xe ngựa dừng lại, bà đi tới như thể bà đã sửa soạn trước mọi thứ, đã tập dợt trước mọi thứ: bằng cách nào bà sẽ đỡ nó xuống xe và bế nó vào nhà. Nó không hề được đàn bà bế từ khi nó biết đi. Nhưng nó tránh né bà, quờ quạng xuống xe, đi vào nhà trên chính đôi chân của mình, từng bước ngắn, trông nhỏ thó và không ra hình thù gì rõ ràng trong cái mền trùm lên người. Bà đi theo, lởn vởn quanh nó. Bà kéo ghế cho nó ngồi. Như thể bà lởn vởn quanh nó với một thứ như sự cảnh giác căng thẳng, vẻ mặt vừa bối rối, vừa tỉnh táo, chờ lúc thuận tiện để bắt đầu lại và cố gắng làm cho nó và cả chính mình xử sự theo như bà đã sắp đặt trước đó. Quỳ trước mặt nó, bà tìm cách cởi giày cho nó. Khi nhận ra điều bà muốn làm, nó đẩy tay bà ra rồi tự mình cởi hai chiếc giày, dù không đặt chúng xuống sàn nhà. Nó giữ chúng trong tay. Bà cởi đôi bít tất dài của nó, rồi đi lấy một chậu nước nóng. Bà mang nước tới nhanh đến nỗi hẳn ai cũng biết, trừ con nít, là bà chắc phải giữ nước nóng chờ đó cả ngày để được sẵn sàng như vậy. Vào lúc đó thì nó mở miệng lần đầu tiên. "Tui đã rửa ráy hôm qua rồi," nó nói.

Bà không trả lời. Bà quỳ trước nó trong khi nó nhìn đỉnh đầu bà và hai bàn tay bà sờ soạng đôi bàn chân nó một cách hơi vụng về. Nó không thử giúp bà nữa. Nó không biết bà đang cố sức làm gì, ngay cả khi nó ngồi đó, hai bàn chân bị lạnh đang ngâm trong nước nóng. Nó không biết rằng chẳng có cái gì khác, vì cảm thấy quá sướng. Nó chờ đợi cái phần còn lại bắt đầu, cái phần chẳng dễ chịu chút nào, bất cứ cái phần đó là cái gì. Chuyện này thì cũng chưa bao giờ xảy ra với nó trước đây.

Sau đó, bà đưa nó vào giường. Nó đã tự mặc và cởi áo quần một mình trước đó, trong gần hai năm, không để ai chú ý hay giúp đỡ, ngoại trừ thỉnh thoảng một vài Alice[55]. Nó quá mệt để có thể nhắm mắt ngủ ngay lập tức, và bây giờ nó cảm thấy bối rối và do đó trở nên căng thẳng, chờ cho đến khi bà đi khỏi để có thể ngủ. Nhưng bà không đi ra. Trái lại, bà kéo ghế lại gần giường và ngồi xuống. Phòng lạnh ngắt, không có đốt lửa để sưởi. Bây giờ bà quấn một khăn choàng quanh vai, và hơi thở được bọc ấm trong khăn trở thành hơi nước như thể bà đang hút thuốc. Và giờ thì nó tỉnh như sáo sậu. Nó chờ đợi sự bắt đầu của cái phần mà nó không thích, bất kể cái đó là cái gì, bất kể cái đó là cái gì mà nó đã làm. Nó đâu biết rằng chẳng có cái gì khác. Và đó cũng là điều chưa bao giờ xảy ra với nó trước đây.

Đêm đó, chuyện bắt đầu. Nó tin là chuyện này sẽ kéo dài đến hết phần đời còn lại của nó. Vào tuổi mười bảy, khi nhìn lại quá khứ, nó có thể thấy, bây giờ, một chuỗi dài những cố gắng nhỏ mọn, vụng về, vô ích, phát sinh từ sự bất mãn, từ sự dò dẫm và từ bản năng tối tăm: những đồ ăn cho nó mà bà sửa soạn một cách kín đáo và nằn nì nó chấp nhận và ăn uống cũng một cách kín đáo trong khi nó không muốn chút nào, và nó biết là dù gì đi nữa thì McEachern cũng chẳng thèm để ý đến; Đã có nhiều lần, như tối nay, bà ra sức xen vào giữa nó và sự trừng phạt, dù xứng đáng hay không, dù đúng hay không, sự trừng phạt này vẫn là khách quan mà người đàn ông và thằng nhỏ chấp nhận như một sự việc tự nhiên và không thể tránh được, cho tới khi, bằng cách xen vào, bà cho sự việc ấy một mùi thơm, một sự giảm nhẹ, một dư vị.

Đôi khi Joe nghĩ mình sẽ nói ra với riêng bà, một người không thể, vì sự bất lực của mình, thay đổi hay bỏ qua cái chuyện này, và cho riêng bà biết, buộc bà phải giấu với người đàn ông mà cái phản ứng tức khắc và thấy trước được của ông ta đối với cái biết đó sẽ xóa bỏ cái chuyện này như là một yếu tố trong mối quan hệ của họ đến độ cái chuyện này sẽ không bao giờ xuất hiện lại nữa. Để nói với bà một cách kín đáo, để đền đáp một cách kín đáo những đồ ăn kín đáo mà nó đã không muốn: "Má nghe này, ổng nói là ổng đã nuôi dưỡng một thằng ăn nói báng bổ và vô ơn bạc nghĩa. Con thách má nói với ổng là ổng đã nuôi dưỡng ai cho tới nay. Là ổng đã nuôi dưỡng một thằng mọi đen ngay dưới mái nhà của mình, với đồ ăn của chính mình, ngay tại bàn ăn của chính mình."

Bởi vì bà bao giờ cũng tỏ ra tử tế với nó. Người đàn ông đó, người đàn ông cứng rắn, đúng đắn, tàn nhẫn đó, chỉ đơn giản trông chờ nó hành sử theo một cách nào đó và nhận phần thưởng hay hình phạt nào đó, y như nó có thể trông chờ người đàn ông đó phản ứng theo một cách nào đó đối với những việc làm tốt hay xấu nào đó của riêng nó. Chính là người đàn bà đó, với tính cách và bản năng phụ nữ ưa giữ bí mật, mới tìm ra dấu vết mơ hồ của cái ác trong những hành động tầm thường và vô tội nhất. Đằng sau tấm ván di động trên tường của gác mái nơi nó ngủ, bà đã giấu một số tiền tích trữ nhỏ trong một cái lon thiếc. Tiền thì chẳng bao nhiêu và chắc không phải là bí mật đối với ai ngoại trừ ông chồng, và thằng nhỏ tin là nó đã không quan tâm đến làm gì. Nhưng chuyện giấu tiền này thì không bao giờ bí mật đối với nó. Ngay từ khi nó còn là trẻ con, bà đã dẫn nó theo với mình, và với tất cả sự thận trọng chi li và bí ẩn của một đứa bé chơi đùa, bà leo lên gác mái và bỏ thêm vào số tiền tích trữ ít oi và hiếm hoi và kinh khủng đó những đồng năm và mười xen (kết quả của vài trò lừa dối, vài trò lường gạt nhỏ nhặt, tuy rằng không ai ở bất cứ nơi nào dưới mặt trời này đã từng nói không với bà, và việc này thì nó không biết), bỏ vào lon dưới cặp mắt tròn xoe của nó những đồng xu mà nó thậm chí không biết đến giá trị của chúng. Chính bà đã tin cậy nó, khăng khăng tin cậy nó, y như bà khăng khăng bắt nó ăn: cùng nhau âm mưu, cùng nhau giữ bí mật, biến chính cái hành động này thành một bí mật mà sự việc tin cậy phải làm ví dụ minh họa.

Không phải công việc vất vả mà nó ghét; cũng không phải sự trừng phạt hay sự bất công. Nó đã quen với chuyện đó ngay cả trước khi gặp cha mẹ nuôi của mình. Nó không trông đợi ít hơn các điều đó đâu, và như vậy nó không cảm thấy bị xúc phạm mà cũng chẳng tỏ ra ngạc nhiên. Chính là người đàn bà đó: lòng tử tế nhu nhược này mà Joe tự nó tin là mình bị bắt làm nạn nhân vĩnh viễn và nó thù ghét cái lòng tử tế này còn hơn cái công lý khắc nghiệt và tàn nhẫn của đám đàn ông. 'Bả cố làm cho mình khóc đó,' nó nghĩ trong khi nằm dài, lạnh và cứng đờ trong giường, hai bàn tay đặt dưới đầu, thân thể tắm trong ánh trăng, tai nghe tiếng thầm thì liên tục của giọng nói người đàn ông theo cầu thang mà lên trong chặng đầu tiên hướng tới thiên đường; 'Bả đã cố làm cho mình khóc trước đây. Rồi bây giờ bả nghĩ ổng bả hẳn đã thắng mình như vậy.'

8

Không gây tiếng động, nó lấy ra một sợi dây thừng từ chỗ giấu. Một trong hai đầu dây thì được sửa soạn sẵn để cột vào cửa sổ. Bây giờ, nó có thể leo xuống đất hay leo ngược lên chỉ trong chớp mắt. Bây giờ, sau hơn một năm tập luyện, nó có thể leo dây mà chỉ dùng sức hai cánh tay, không một lần đụng vào tường, với sự nhanh nhẹn như bóng ma của một con mèo. Khom người ở cửa sổ, nó thả nhẹ đầu dây kia xuống tận đất. Dưới ánh trăng, cái dây trông mong manh như tơ nhện. Rồi, với hai chiếc giày cột chung lại và đeo sau lưng vào cái nịt, nó theo dây tụt xuống, vụt ngang qua như chiếc bóng trước cửa sổ căn phòng hai người già đang ngủ. Cái dây treo ngay trước cửa sổ đó. Nó kéo sang một bên, kéo căng cho sát tường và cột lại. Rồi, dưới ánh trăng, nó đi tới chuồng ngựa, trèo lên tầng trên và lấy ra bộ com-lê mới từ chỗ giấu. Bộ đồ được gói cẩn thận trong giấy. Trước khi mở ra nó dùng bàn tay rờ mó các nếp giấy gấp. 'Ổng tìm ra cái này rồi,' nó nghĩ. 'Ổng biết.' Nó nói ra tiếng, thầm thì: "Đồ quỉ quyệt. Đồ chó đẻ."

Nó mặc đồ trong bóng tối, rất nhanh. Nó đã bị trễ, bởi vì nó phải để họ có thì giờ mà ngủ yên sau tất cả sự náo động về con bò cái tơ. Sự náo động này thì do người đàn bà gây ra, vì bà đã xen vào sau khi sự việc đã xong xuôi, đã được giải quyết, ít ra là cho đêm nay. Trong gói giấy có một áo sơ-mi trắng và cà vạt. Nó bỏ cà vạt vào túi, nhưng nó mặc thêm áo vest để chiếc sơ-mi trắng không quá lộ liễu dưới ánh trăng. Nó đi xuống và ra khỏi chuồng ngựa. Vải mới, sau khi mặc quần yếm đã mềm xèo vì giặt quá nhiều, cho nó cảm giác giàu có và thô ráp. Ngôi nhà nằm im ắng dưới ánh trăng, tối tăm, thâm trầm, hơi dối trá. Như thể dưới ánh trăng ngôi nhà đã có thêm một nhân cách: đe dọa, lừa lọc. Nó tạt ngang trước nhà và đi vào con đường làng. Nó rút ra từ túi quần cái đồng hồ có giá một đô-la. Nó mua cái này ba ngày trước, với một phần tiền có được. Nhưng vì nó chưa bao giờ sở hữu một cái đồng hồ trước đây nên nó đã quên lên giây. Nhưng mà nó đâu cần đồng hồ để biết mình bị trễ rồi.

Con đường làng chạy thẳng dưới trăng, hai bên có cây cối mà thân cành thì dày và rõ nét như sơn màu đen, trải bóng trên lớp bụi mỏng. Nó bước nhanh, bỏ lại ngôi nhà đằng sau, và bây giờ nếu từ nhà nhìn ra thì không thể thấy nó nữa. Trước mặt nó, gần đó, con đường làng sẽ gặp con lộ lớn. Giờ thì nó trông đợi chiếc xe hơi chạy ngang qua vào bất cứ lúc nào, vì nó đã dặn nàng là nếu không thấy nó chờ ở ngã ba đường thì nó sẽ gặp nàng ở ngôi trường, nơi đang có buổi khiêu vũ. Nhưng không có chiếc xe nào chạy qua, và khi đến được con lộ, nó chẳng nghe gì cả. Đường, đêm, đều trống vắng. 'Có lẽ cổ đã đi qua rồi,' nó nghĩ. Nó lấy ra lại cái đồng hồ đứng kim và nhìn nó hơi lâu. Đồng hồ đứng vì nó đã không có dịp lên giây. Nó bị trễ ngoài ý muốn bởi chính những người đã không cho nó cơ hội lên giây cái đồng hồ của mình, và như vậy đã không cho nó biết là có trễ hay không. Ở đầu con đường làng tối tăm, trong ngôi nhà giờ đây đã ở ngoài tầm mắt, người đàn bà đó giờ đây nằm ngủ, sau khi đã làm tất cả những gì có thể để làm nó trễ hẹn. Nó nhìn theo hướng đó, về phía đầu con đường làng; nó ngừng cùng lúc cái việc nhìn và suy nghĩ, như thể trí óc và thể xác nó có cùng một nút điều khiển, tin mình đã thấy cái gì đó di chuyển giữa các bóng tối trên con đường làng. Rồi nó nghĩ mình lầm, có lẽ đã thấy cái đó trong đầu, được chiếu lên tường như một cái bóng. 'Nhưng mình mong đúng là ổng,' nó nghĩ. 'Mình ước gì đúng là ổng. Mình ước gì ổng đi theo mình và thấy mình leo lên xe hơi. Mình ước gì ổng thử bám theo mình. Mình ước gì ổng thử chặn mình lại.' Nhưng nó chẳng thấy gì trên con đường làng vắng vẻ, ngắt quãng bằng những cái bóng gian trá. Rồi nó nghe từ xa, trên con lộ, hướng về phía thành phố, tiếng chiếc xe hơi. Nó nhìn và sau một lát thấy ánh phản chiếu của hai ngọn đèn pha.

***

Nàng làm bồi bàn trong một tiệm ăn nhỏ, dơ dáy, nằm trong hẻm dưới phố. Một người lớn chỉ tình cờ nhìn thoáng qua cũng biết ngay là nàng đã quá tuổi ba mươi. Nhưng dưới mắt Joe, nàng trông không hơn mười bảy, chắc vậy, vì nàng nhỏ thó lắm. Nàng không những nhỏ thó mà còn mảnh dẻ nữa, gần như giống đứa con nít. Nhưng dưới mắt người lớn, sự nhỏ thó này không đến từ sự mảnh mai tự nhiên mà từ sự sa đọa nội tâm: sự mảnh mai ấy đã chưa bao giờ thanh xuân, và trong các đường cong của thân thể nàng thì không có lấy một cái gì trẻ trung đã từng sống hay còn sống lay lất ở đó. Tóc nàng đen. Khuôn mặt thì xương xẩu, bao giờ cũng cúi xuống đất, như thể cái đầu nàng được đặt sẵn như vậy, hơi lệch khỏi cổ một chút. Cặp mắt thì giống như mắt hạt trai của các con thú bông: với cái gì đó hơn cả sự cứng rắn mà thực sự lại không cứng rắn.

Chính vì sự nhỏ thó đó mà nó cố tìm nàng, làm như sự nhỏ thó phải hay có thể bảo vệ nàng trước những cặp mắt láo liên đầy tà tâm của phần lớn đàn ông, và như vậy cho nó cơ hội tốt hơn để chinh phục nàng. Giả thử nàng to con lớn xác hơn thì nó đã không dám. Và nó hẳn sẽ nghĩ, 'Để làm gì chớ! Cổ chắc đã có kép rồi, một thằng cha nào đó.'

Câu chuyện bắt đầu vào mùa thu khi nó mười bảy tuổi. Đó là một ngày giữa tuần. Mỗi khi họ xuống thị xã thì thường vào ngày thứ bảy, và họ mang theo đồ ăn trưa - đồ nguội đặt trong cái giỏ được mua và giữ lại cho việc này - với ý định trải qua cả buổi chiều ở đó. Ngày hôm đó, McEachern đến gặp viên luật sư, với ý định lo xong việc và quay về nhà trước giờ ăn trưa. Nhưng mãi đến gần mười hai giờ trưa mới thấy ông xuất hiện ở con đường mà Joe đang chờ. Ông vừa đến, vừa nhìn đồng hồ của mình. Rồi ông nhìn lên cái đồng hồ thị xã đặt trên tháp tòa thị sảnh rồi nhìn mặt trời, mặt lộ vẻ bực tức và căm giận. Ông cũng nhìn Joe với vẻ mặt đó, cái đồng hồ đã mở trong tay, cặp mắt lạnh lùng, cáu kỉnh. Dường như ông đang xem xét và cân nhắc, lần đầu tiên, cái thằng nhỏ mà ông đã nuôi dạy từ thuở còn thơ. Rồi ông quay người. "Đi với tao," ông nói. "Biết làm sao được bây giờ!"

Thị xã là điểm phân nhánh của các đường xe lửa. Tuy giữa tuần mà vẫn có nhiều đàn ông ở ngoài đường. Toàn bộ bầu không khí thị xã thì toát ra tính khí đàn ông, và người ta có vẻ đến rồi đi chớ không ở lại lâu dài: một dân cư mà ngay cả các ông chồng cũng chỉ ở nhà cách khoảng và vào dịp nghỉ lễ thôi - một dân cư đàn ông có cuộc sống bí hiểm, mà hiện trường thực sự của họ thì ở xa, mà sự hiện diện đứt quãng của họ thì được nuông chiều như sự hiện diện của các khán giả ở rạp hát.

Joe chưa từng thấy trước đó cái chỗ McEachern dẫn nó đến. Đó là một tiệm ăn nằm trong một con hẻm - một cánh cửa hẹp dơ dáy giữa hai cửa sổ dơ dáy. Thoạt đầu, nó không biết đó là một tiệm ăn. Không có biển hiệu bên ngoài và nó không ngửi thấy mùi đồ ăn, cũng không nghe thấy tiếng nấu nướng. Nó chỉ thấy một cái quầy dài bằng gỗ với một hàng ghế không lưng tựa, và một mụ đàn bà tóc vàng to béo sau tủ kính xì gà gần chỗ ra vào và một nhóm đàn ông ở phía cuối quầy, không phải đang ăn uống, tất cả cùng quay đầu như một người và nhìn nó với McEachern bước vào, xuyên qua màn khói thuốc lá. Không ai mở miệng nói gì. Họ chỉ nhìn McEachern và Joe làm như họ đã ngừng thở cùng một lúc với ngừng nói, làm như cả khói thuốc cũng ngừng theo và bây giờ bay vô định, lơ lửng trên sức nặng của riêng nó. Đám đàn ông không mặc quần yếm nhưng tất cả đều đội mũ, và bộ mặt họ thì giống nhau tất: không trẻ, không già; không nông dân mà cũng chẳng thị dân. Họ trông giống như những người vừa xuống xe lửa và ngày mai lại đi nữa, những người không có địa chỉ nào trong đời.

McEachern và Joe ngồi ăn trên hai chiếc ghế không lưng tựa ở quầy. Joe ăn nhanh bởi vì McEachern ăn nhanh. Bên cạnh nó, người đàn ông dù đang bận ăn vẫn có giữ thế ngồi cứng ngắc, mặt còn lộ vẻ căm tức. Đồ ăn mà McEachern gọi ra thì đơn giản: nấu nhanh và ăn nhanh. Nhưng Joe biết là không phải vì keo kiệt. Có lẽ sự keo kiệt đã dẫn họ tới đây hơn là tới chỗ khác, nhưng nó biết chính là ý muốn ra đi cho nhanh đã chọn lựa các đồ ăn. Ngay khi vừa đặt dao nĩa ăn xong xuống quầy, McEachern nói, "Đi thôi,". Ở quầy xì gà, McEachern trả tiền cho người đàn bà tóc màu đồng thau. Nhìn bà, người ta có cảm tưởng là nơi bà có cái gì đó dửng dưng với thời gian: một sự đứng đắn cứng cỏi như nạm kim cương ở ngoài mặt, và hung hăng. Bà thậm chí không nhìn họ, khi họ đi vào cũng như khi McEachern đưa tiền. Vẫn không nhìn họ, bà thối tiền, nhanh và đúng, đẩy các đồng tiền trượt trên quầy kính, hầu như không để cho McEachern có thì giờ đưa cho tờ bạc giấy. Bà hầu như tự tạo cho mình một bề thế phía sau ánh lấp lánh giả tạo của mái tóc được chăm sóc kỹ lưỡng, khuôn mặt thận trọng, giống như tượng một con sư tử cái ngồi giữ cổng, giương ra sự đứng đắn như một tấm mộc mà đằng sau đó có những người đàn ông tụm năm tụm ba, nhàn rỗi, mập mờ, tha hồ mà đội lệch mũ và ngậm lệch điếu thuốc, mặt họ bị các cuộn khói xoắn rạch lên. McEachern đếm tiền thối rồi hai người đi ra ngoài đường. Ông lại nhìn Joe lần nữa. Ông nói: "Tao muốn mày nhớ chỗ này. Trên thế giới này có những chỗ mà một người đàn ông có thể tới nhưng một thằng con nít hay một thằng mới lớn ở tuổi mày thì không thể tới. Tiệm ăn này là một trong những chỗ đó. Lẽ ra mày không bao giờ nên tới đó. Nhưng mày phải thấy những thứ như vậy để mà biết cái gì phải tránh ra và xa lánh. Có lẽ tốt hơn mày đến đó với tao để tao giải thích và cảnh báo mày. Và ăn uống ở đó thì rẻ."

"Nó có cái gì không tốt, cái chỗ này?" Joe nói.

"Đó là chuyện của phố thị, không phải chuyện của mày. Mày chỉ phải chú ý đến những điều tao nói đây: tao cấm mày trở lại chỗ đó trừ phi có tao đi cùng. Nhưng việc này sẽ không xảy ra nữa đâu. Lần tới, dù đi sớm hay trễ, tao sẽ mang theo đồ ăn trưa."

Đó là những gì nó thấy ngày hôm đó trong khi ăn nhanh bên cạnh người đàn ông cứng rắn và căm tức một cách điềm tĩnh, hai người hoàn toàn cô lập ngay chính giữa cái quầy dài. Ở một đầu quầy là mụ đàn bà tóc màu đồng thau, và ở đầu kia là nhóm đàn ông và cô bồi bàn với bộ mặt nghiêm túc, hay cúi gằm và hai bàn tay to, quá to, đang sắp đặt các dĩa, tách, và cái đầu nàng khi ngẩng lên sau quầy thì có chiều cao của một đứa trẻ cao lớn. Rồi nó và McEachern rời đi. Nó không mong có bao giờ trở lại. Không phải vì McEachern cấm đoán nó, nhưng đơn giản vì nó tin là cuộc đời sẽ không còn cho nó cơ hội nào nữa. Như thể nó tự nói với chính nó, "Đây không phải là những người giống mình. Mình có thể thấy họ nhưng không biết họ đang làm gì và cũng không biết tại sao. Mình có thể nghe họ nhưng không biết họ đang nói gì, tại sao, nói với ai. Mình biết là không phải chỉ có đồ ăn, việc ăn mà còn có cái gì đó khác nữa. Nhưng mình không biết đó là cái gì. Và mình sẽ không bao giờ biết được."

Và như vậy chuyện đó biến mất khỏi bề nổi những ý tưởng của nó. Đôi khi, trong vòng sáu tháng tiếp theo, nó có xuống thị xã nhưng chẳng bao giờ vào lại tiệm ăn đó, ngay cả đi ngang cũng không. Nó đã có thể làm vậy được. Nhưng nó không nghĩ vậy. Có lẽ nó không cần. Có lẽ thường xuyên hơn là nó biết, ý nghĩ của nó bỗng dưng biến thành một bức tranh, lúc đầu mơ hồ rồi rõ nét hơn: một cái quầy dài, trống không, ít nhiều có vẻ đáng ngờ, với một mụ đàn bà tóc đỏ chói, bộ mặt lạnh lùng, ngồi bất động ở một đầu như thể canh giữ quầy, và ở đầu kia, những người đàn ông đầu cúi xuống, hút liên tục, bật lửa và vứt đi những điếu thuốc lá lúc nào cũng ở trên miệng, và cô bồi bàn, một người đàn bà không cao lớn hơn một đứa trẻ, đang đi tới đi lui giữa quầy và nhà bếp, tay mang bát đĩa, mỗi lần là phải đi ngang trong tầm tay sờ soạng của đám đàn ông cứ cúi người xuống, mũ lệch xuống tai, nói chuyện với nàng xuyên qua khói thuốc, thầm thì với nàng cái gì đó một cách gần như thích thú và hân hoan, và bộ mặt nàng thì trầm ngâm, nghiêm túc, cúi gằm xuống, như thể nàng không nghe gì cả. Nó nghĩ, 'Mình thậm chí không biết họ đang nói cái gì với cổ,' trong khi nghĩ Mình thậm chí không biết là họ đang nói với cổ những điều mà cánh đàn ông không nói trước mặt đứa con nít tin rằng Mình chưa biết là vào lúc ngủ mí mắt khép lại thì giam hãm, ngay ở trong mắt, khuôn mặt nghiêm trang, trầm ngâm, bi thảm, buồn bã, và trẻ trung của người đàn bà này; một khuôn mặt đầy chờ mong, mang sắc màu của tất cả ma lực mơ hồ, chưa thành hình của nỗi ham muốn thanh xuân. Đã có rồi, cái gì đó để nuôi dưỡng tình yêu. Đã ngủ rồi, bây giờ mình biết tại sao, tuy có tự kiềm chế, mình đã đánh đập đứa con gái da đen đó cách đây ba năm. Và cổ cũng phải biết chuyện này và phải tự hào nữa, trong sự chờ đợi đầy kiêu hãnh

Vậy là nó không trông đợi gặp lại nàng lần nữa, bởi vì tình yêu nơi những người trẻ thường cần sự ham muốn hơn là hy vọng để sống. Rất có thể là nó thấy mình ngạc nhiên không kém gì McEachern, nếu như ông biết chuyện, trước hành động của mình và trước những gì mà hành động này làm lộ ra, làm nghĩ tới. Lần này thì đúng ngày thứ bảy, vào mùa xuân. Nó vừa tròn mười tám tuổi. McEachern có việc phải gặp lại luật sư của mình. Nhưng lần này ông sửa soạn trước. "Tao sẽ ở đó khoảng một tiếng đồng hồ," ông nói. "Mày có thể làm một vòng đi xem phố xá." Ông nhìn Joe một lần nữa, nghiêm khắc và có tính toán trong đầu, lại tỏ ra băn khoăn, như một con người chính trực bị buộc phải thỏa hiệp giữa công lý và sự xét xử. "Đây này," ông nói. Ông mở ví tiền và lấy ra một đồng tiền. Mười xen. "Mày ráng đừng có vung tiền lung tung cho bất kỳ ai muốn lấy nghe. Thực kỳ lạ," ông nói một cách khó khăn, "dường như con người ta chỉ có thể biết được giá trị tiền bạc bằng cách biết phung phí nó trước tiên. Mày phải trở lại đây trong vòng một giờ."

Nó nhận đồng tiền đó và đi thẳng tới tiệm ăn. Nó thậm chí không bỏ tiền vào túi. Nó làm chuyện này không suy nghĩ trước, không có mục đích, gần như không có ý muốn, như thể hai bàn chân dẫn dắt nó chứ không phải cái đầu. Nó cầm đồng tiền rất chặt, nhỏ và nóng trong lòng bàn tay, như con nít hay làm. Một cách vụng về và hơi loạng choạng, nó bước qua cánh cửa có khung lưới. Mụ đàn bà tóc vàng sau tủ kính xì gà (bà dường như đã không di chuyển trong sáu tháng qua, không sửa đổi một lọn của mái tóc ánh màu đồng thau cứng ngắt, hay ngay cả chiếc áo đầm) nhướng mắt nhìn nó. Ở đầu quầy bên kia, một nhóm đàn ông với mũ đội lệch và điếu thuốc gắn trên miệng và mùi tiệm hớt tóc trên người, cũng nhướng mắt nhìn nó. Tên chủ tiệm đang ở giữa bọn họ. Nó nhận ra, nó thấy tên chủ tiệm lần đầu tiên. Như những người đàn ông khác, hắn cũng đội mũ và hút thuốc. Hắn không cao to lắm, không cao to hơn chính Joe bao nhiêu, với điếu thuốc đang cháy ở góc miệng, như thể để cho lời nói đi qua không bị vướng mắc. Chính từ bộ mặt có mắt lé và bất động sau các vòng khói của điếu thuốc lá mà bàn tay không đụng đến một lần cho tới khi nó cháy hết và được nhổ ra và chà bẹp dưới gót giày, mà Joe sẽ có được một trong những thói kiểu cách của mình. Nhưng giờ thì chưa đâu. Cái đó sẽ phải đến sau này, khi cuộc đời bắt đầu diễn biến nhanh đến mức mà sự chấp nhận sẽ thay thế cho sự hiểu biết và sự tin tưởng. Bây giờ nó chỉ nhìn tên đàn ông đang cúi người phía sau quầy, với cái tạp dề dơ dáy trên người mà hắn mặc giống như một tên trộm đeo bộ râu giả tạm thời. Sự chấp nhận sẽ phải đến sau này, cùng lúc với toàn bộ những gì vào lúc này có vẻ như một sự lăng mạ đối với tính cả tin: cái ý tưởng hai con người này có thể là vợ chồng, cái nhà này như là chỗ kinh doanh ăn uống, với những cô bồi bàn được thâu nhận hết cô này đến cô khác, chỉ vừa biết bưng bê những dĩa đồ ăn rẻ tiền, nhờ rẻ tiền mà tiệm ăn mới sống được đó; và nó chấp nhận, ưa thích, trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi và dữ dội này, như một con ngựa đực chưa thiến hay ngờ vực, ngạc nhiên và mê mẩn trên cánh đồng cỏ bí mật đầy những con ngựa cái chuyên nghiệp và mệt mỏi, và nó, đến lượt mình, làm nạn nhân của vô số những con người vô danh.

Nhưng chuyện này chưa xảy ra đâu. Nó đi đến bên quầy, kẹp chặt đồng tiền trong tay. Nó tin là tất cả đàn ông đều ngừng nói để nhìn nó, bởi vì nó không thể nghe gì hết bây giờ, ngoại trừ tiếng chiên xào khó chịu sau cửa bếp, và nó nghĩ Cổ ở phía sau đó. Vì vậy mà mình không thấy cổ Nó ngồi lên ghế. Nó tin là cả đám đàn ông đang nhìn nó. Nó tin là mụ đàn bà sau tủ kính xì gà đang nhìn nó, và tên chủ tiệm cũng vậy, những làn khói thuốc trước mặt hắn dường như trở nên bất động trong sự đốt cháy lười biếng. Rồi tên chủ tiệm nói ra một từ duy nhất. Joe biết là hắn ta không di chuyển hay đụng tay vào điếu thuốc. "Bobbie," hắn nói.

Một cái tên đàn ông. Đây không phải là một ý nghĩ. Vì quá nhanh, quá trọn vẹn: Cổ đã đi rồi. Họ thâu nhận một người đàn ông thế vào chỗ của cổ. Mình đã phung phí mười xen, như ổng nói Nó tin là nó không thể bỏ đi bây giờ; là mụ đàn bà tóc vàng sẽ chặn nó lại nếu nó cố đi ra. Nó tin là đám đàn ông ở phía sau biết điều này và đang cười nhạo nó. Vậy là nó ngồi yên trên ghế, hạ ánh mắt xuống, tay nắm chặt đồng tiền. Nó không thấy cô bồi bàn cho tới khi hai bàn tay quá to hiện ra trên quầy, trước mặt và dưới mắt nó. Nó có thể thấy các hình vẽ trên chiếc áo đầm của nàng và cái vạt yếm của tạp dề và hai bàn tay với những khớp đốt ngón tay to đặt trên mép quầy, cũng hoàn toàn bất động như những thứ nàng mang từ bếp ra. "Cà phê và bánh nướng," nó nói.

Tiếng nói của người đàn bà vang lên, chán nản, gần như trống rỗng. "Chanh, cùi dừa, sô-cô-la?"

Xét theo chiều cao mà từ đó tiếng nói đến, hai bàn tay đó có vẻ như không phải của nàng. "Phải," Joe nói.

Hai bàn tay không cử động. Tiếng nói không thay đổi. "Chanh, cùi dừa, sô-cô-la. Thứ nào?" Những người khác chắc thấy họ lạ quá đi. Đối mặt nhau, ở mỗi bên của cái quầy gỗ sẫm màu, đầy vết bẩn, dây mỡ, trơn nhẵn nhờ cọ sát lâu ngày, họ có vẻ như đang cầu nguyện: tên trai trẻ, với gương mặt nhà quê, áo quần sạch sẽ và mộc mạc, sự vụng về tạo cho nó một cái vẻ không thực và ngây thơ; và người đàn bà đối diện nó đang đợi, buồn rầu, bất động, và vì sự nhỏ thó của mình, cũng có một chút dáng dấp mà chính nó có, một dáng dấp vượt ra ngoài thể xác. Khuôn mặt nàng thì xương xương, hốc hác. Da thì căng trên hai xương gò má, thâm quầng quanh mắt; dưới hai mí rũ xuống, cặp mắt nàng có vẻ không có chiều sâu, như thể chúng thậm chí không thể phản chiếu được một hình ảnh. Hàm dưới của nàng có vẻ quá hẹp để chứa được hai hàng răng.

"Cùi dừa," Joe nói. Chỉ có cái miệng nó nói, bởi vì ngay lập tức nó muốn rút lại lời nói. Nó chỉ có mười xen. Nó đã nắm đồng tiền chặt đến nỗi nó chưa nhận ra đó chỉ là mười xen thôi. Bàn tay nó toát mồ hôi trên và xung quanh đồng tiền. Nó tin là những người đàn ông ở đầu quầy kia đang nhìn nó và cười lần nữa. Nó không thể nghe họ và nó không nhìn họ. Nhưng nó tin là họ đang làm vậy. Hai bàn tay đã biến đi. Rồi chúng quay lại, đặt một cái dĩa và một cái tách trước mặt nó. Giờ thì nó nhìn nàng, nhìn mặt nàng. "Bánh nướng bao nhiêu vậy?" nó nói.

"Bánh nướng thì mười xen." Nàng chỉ đứng đó, trước mặt nó, phía bên kia quầy, với hai bàn tay to tướng một lần nữa đặt trên mặt gỗ sẫm màu, với vẻ mặt mệt lử và chờ đợi. Nàng không nhìn nó bao giờ. Nó nói, giọng yếu ớt và tuyệt vọng:

"Thôi, tui không uống cà phê đâu."

Nàng không cử động trong một lát. Rồi một trong hai bàn tay to tướng di chuyển và cầm lên tách cà phê; bàn tay và cái tách biến đi. Nó ngồi yên, ánh mắt cũng hạ xuống, chờ đợi. Và điều nó chờ đợi đã đến, không phải từ tên chủ tiệm nhưng từ mụ đàn bà ngồi sau tủ kính xì gà. "Cái gì vậy?" mụ nói.

"Ảnh không muốn uống cà phê," cô bồi bàn nói. Nàng vừa đi vừa nói, như không ngừng lại chút nào khi nghe câu hỏi. Giọng đều đều, điềm tĩnh. Giọng của người đàn bà kia cũng điềm tĩnh nữa.

"Bộ cậu ta không gọi cà phê sao?" mụ nói.

"Không có gọi," cô bồi bàn nói, vẫn với cái giọng đều đều đang di chuyển xa dần. "Tôi nghe lộn."

Khi nó ra ngoài, khi tâm trí nó bị giày vò bởi sự xấu hỗ, niềm tiếc nuối, nỗi ham muốn mãnh liệt tìm chỗ ẩn nấp, khi bước nhanh qua trước cái mặt lạnh lùng của mụ đàn bà sau tủ kính xì gà, nó tin là nó biết sẽ không bao giờ muốn, không bao giờ có thể gặp lại nàng. Nó không nghĩ là nó có thể chịu đựng khi thấy nàng lần nữa, ngay cả khi nhìn con hẻm, cái cửa dơ dáy, ngay cả khi nhìn từ xa, và một lần nữa, nó chưa nghĩ Nhỏ tuổi thì thực là kinh khiếp. Quá kinh khiếp. Kinh khiếp Khi những ngày thứ bảy đến, nó tìm ra, phịa ra các lý do để tránh đi xuống thị xã, và McEachern để mắt đến nó tuy chưa nghi ngờ gì cả. Nó ra sức làm việc vất vả, quá vất vả để quên ngày tháng trôi qua. McEachern nhìn việc làm của nó với vẻ trầm ngâm đầy ngờ vực. Nhưng chẳng có gì mà người đàn ông có thể biết được hay suy diễn ra. Làm việc, nó được cho phép mà. Và như vậy những đêm dài cũng qua đi, vì nó quá mệt mỏi để nằm đó mà mở mắt thao láo. Rồi với thời gian, ngay cả nỗi tuyệt vọng và lòng tiếc nuối và sự xấu hỗ cũng bớt dần. Nó không ngừng nhớ, không ngừng tạo dựng lại cái cảnh đó. Nhưng giờ thì chuyện đó đã trở nên cũ mòn rồi, như một cái dĩa hát đã quay quá nhiều lần, chỉ quen thuộc bởi vì sự hao mòn đã làm rè các tiếng hát. Sau một khoảng thời gian, McEachern chấp nhận thực trạng này. Ông nói:

"Tao đã để mắt theo dõi mày dạo sau này. Và bây giờ tao phải, hoặc nghi ngờ ngay cả cặp mắt mình, hoặc tin là cuối cùng mày cũng bắt đầu chấp nhận những gì Chúa thấy đúng mà chia phần cho mày. Nhưng tao không muốn những lời khen của tao khiến mày trở nên kiêu ngạo. Mày sẽ còn có thời gian và cơ hội (và ý hướng nữa chứ, chắc vậy rồi) để làm tao thấy hối tiếc là đã nói ra. Hay để rơi lại vào sự chây lười và vô công rồi nghề. Tuy nhiên, phần thưởng, cũng như là hình phạt, đã được tạo ra cho con người. Mày có thấy con bò cái tơ dưới kia không? Kể từ hôm nay, nó là của riêng mày đó. Hãy xử sự làm sao để mà tao sẽ không phải hối tiếc là đã cho nó cho mày."

Joe cám ơn ông. Lúc đó nó có thể nhìn con bê và nói lớn: "Nó là của con." Rồi nó lại nhìn con bê, và một lần nữa đây không phải là một ý nghĩ, vì quá nhanh và quá trọn vẹn: Đây không phải là một món quà đâu. Thậm chí cũng không phải là một lời hứa: là một sự hăm dọa đó trong khi nghĩ, 'Mình đâu có xin nó. Ổng cho mình mà. Mình đâu có xin nó,' tin rằng Chúa biết mình xứng đáng được hưởng nó bằng lao động của mình mà

Đó là vào một tháng sau đó. Sáng thứ bảy. "Tao tưởng là mày đã không còn thích phố xá nữa chớ," McEachern nói.

"Con cho là có đi thêm một chuyến nữa thì cũng không chết ai," Joe nói. Nó có trong túi nửa đô-la. Bà McEachern đã cho nó trước đó. Nó xin bà năm xen. Bà nằn nì để nó nhận năm mươi xen. Nó cầm lấy đồng tiền, để trong lòng bàn tay, với vẻ lạnh lùng, khinh bỉ.

"Chắc vậy rồi," McEachern nói. "Vả lại, mày đã làm việc dữ quá rồi. Nhưng đối với một người mới bước chân vào đời thì chuyện đi xuống phố thường xuyên không phải là một thói quen tốt đâu."

Nó không cần phải trốn đi, dù nó không ngại làm vậy, có lẽ thậm chí bằng bạo lực. Nhưng McEachern làm cho sự việc dễ dàng. Nó ba chân bốn cẳng đi thẳng tới tiệm ăn. Lần này, nó bước vào mà không loạng choạng. Cô bồi bàn không có đó. Có lẽ nó thấy, hay nó nhận ra là nàng không có đó. Nó ngừng ở quầy xì gà, mụ đàn bà vẫn ngồi đằng sau, và đặt đồng tiền nửa đô-la lên quầy kính. "Tôi nợ năm xen. Tiền tách cà phê đó. Lần trước, tôi đã kêu bánh nướng và cà phê, trước khi biết ra tiền bánh nướng là mười xen. Tôi nợ bà năm xen." Nó không nhìn về phía cuối tiệm ăn. Những người đàn ông vẫn có đó, mũ lệch trên đầu, thuốc lá trên môi. Và tên chủ tiệm cũng có đó; trong khi chờ đợi, nó nghe hắn cuối cùng lên tiếng, trên người vẫn là cái tạp dề bẩn thỉu, nói xuyên qua điếu thuốc trên miệng:

"Cái gì đó? Nó muốn gì?"

"Cậu ta nói cậu nợ Bobbie năm xen," mụ đàn bà nói. "Cậu muốn đưa cho Bobbie năm xen." Giọng bà thì điềm tĩnh. Giọng tên chủ tiệm cũng điềm tĩnh.

"Ôi trời," hắn nói. Joe có cảm tưởng là cả thiên hạ trong tiệm ăn đang dỏng tai nghe. Nó nghe mà không lắng nghe, nó thấy mà không nhìn. Bây giờ nó đang bước về phía cửa ra vào. Đồng tiền nửa đô-la nằm trên quầy kính. Ngay cả khi ở phía cuối gian phòng, tên chủ tiệm vẫn có thể thấy đồng tiền, bởi vì hắn nói, "Để trả cái gì đây?"

"Cậu ta nói cậu nợ một tách cà phê," mụ đàn bà nói.

Joe hầu như đã đến ngưỡng cửa. "Ê, Jack," người đàn ông nói. Joe không ngừng bước. "Đưa tiền cho nó đi," người đàn ông, vẫn đứng tại chỗ nói, giọng đều đều. Khói thuốc bay loanh quoanh trước mặt hắn, không có gì đẩy khói đi xa. "Trả tiền lại cho nó đi," người đàn ông nói. "Tao không biết nó muốn dở trò khỉ gì ở đây nhưng bất kể là cái gì thì tao vẫn ngửi không vô đâu. Trả tiền lại cho nó đi. Này Hiram[56], tốt hơn mày nên quay lại nông trại của mày đi. Có lẽ ở đó mày có thể trả cho con gái với năm xen này."

Bây giờ Joe ở ngoài đường, mồ hôi toát ra dưới nửa đô-la, và từ cái đồng tiền này mồ hôi loang ra cả bàn tay, và bàn tay thì dường như lớn hơn chiếc bánh xe ngựa khi chạm đến. Joe bước đi giữa những tiếng cười. Những tiếng cười của đám đàn ông đã nhấc bỗng nó lên cho đến tận cửa. Chúng quét bay nó, đẩy nó ra ngoài đường, rồi chúng bắt đầu trôi qua nó, lụi tàn, để nó rơi lại xuống đất, trên vỉa hè. Nó và cô bồi bàn đối diện nhau. Nàng đã không thấy nó tức khắc, vì nàng đi nhanh, mắt nhìn xuống, mặc áo đầm màu tối và đội mũ. Một khi ngừng bước, nàng vẫn không nhìn nó, nàng đã nhìn nó trong cái liếc nhìn toàn cảnh rồi mà, như khi nàng đặt dĩa bánh nướng và tách cà phê lên quầy. Nàng nói, "Ồ, và anh quay lại để trả tiền cho tôi. Trước mặt họ. Và họ chế giễu anh. A, thiệt tình!"

"Tui nghĩ là có thể cô buộc phải bỏ tiền riêng ra trả cho ly cà phê đó. Tui nghĩ..."

"A, thiệt tình! Mấy người đó thiệt là quá đáng!"

Hai người không nhìn nhau, tuy đứng đối diện. Dưới mắt kẻ khác, chắc hai người trông giống như hai tu sĩ gặp nhau trên lối nhỏ trong vườn vào giờ thiền hành. "Tui chỉ nghĩ là tui..."

"Anh ở đâu?" nàng nói. "Ở nhà quê à? A, thiệt tình! Anh tên gì?"

"Không phải McEachern đâu," nó nói. "Christmas."

"Christmas? Bộ đó là tên anh hả? Christmas? A, thiệt tình!"

***

Vào những chiều thứ bảy, trong và sau tuổi thiếu niên, nó đi săn hay câu cá với bốn hay năm đứa con trai cùng lứa. Nó chỉ thấy các cô gái ở nhà thờ, ngày chủ nhật. Trong tâm trí nó, họ thì liên kết với Chúa và Giáo hội. Vậy là nó không thể để mắt đến họ. Vì nếu làm thế, ngay cả đối với nó, hẳn là đồng nghĩa với sự từ bỏ nỗi thù ghét đạo giáo của mình. Nhưng nó và bọn con trai nói chuyện về gái. Có lẽ vài đứa trong bọn nó biết - ví dụ như cái thằng đã sắp đặt cuộc chơi với đứa con gái da đen buổi chiều nọ. "Mấy cô nàng, tất cả, đều có ham muốn cả," thằng đó nói với các đứa khác. "Nhưng có những lúc các cô nàng không thể làm gì cả." Những đứa khác không biết điều này. Chúng không biết là mọi cô gái đều có ham muốn, nói gì biết đến chuyện là có những lúc họ không thể làm gì cả. Chúng nghĩ khác. Nhưng thú nhận là chúng không biết điểm thứ hai thì mặc nhiên thú nhận cùng lúc là chúng đã không khám phá ra điểm thứ nhất. Vậy là chúng lắng nghe thằng bạn mình nói. "Có cái gì đó xảy ra với các cô nàng mỗi tháng một lần." Hắn diễn tả ý tưởng mà hắn có trong đầu về cái hiện tượng thể xác đó. Có lẽ hắn biết. Dù gì đi nữa, hắn nói rất rõ ràng, đầy thuyết phục. Giá như hắn cố diễn tả chuyện đó như một trạng thái tinh thần, như cái gì đó mà hắn chỉ tin thôi, thì chúng hẳn đã không để tai nghe. Nhưng hắn đã vẽ ra một bức tranh hiện thực về thể xác mà người ta có thể phân biệt bằng khứu giác và ngay cả bằng thị giác. Bọn trẻ bị ấn tượng mạnh: sự bất lực tạm thời và tuyệt vọng của cái gì vừa trêu ngươi vừa không làm thỏa mãn nỗi ham muốn; một hình dạng mềm mại và cao cấp, nơi cư ngụ của ý chí, bị biến thành nạn nhân, vào những quãng thời gian cố định và không thể tránh được, của một vết bẩn định kỳ ghê tởm. Đó là những gì hắn kể, và năm đứa bạn vừa lắng nghe, vừa nhìn nhau trong im lặng, ánh mắt xoi mói và bí ẩn. Ngày thứ bảy sau đó, Joe không đi săn cùng lũ bạn. McEachern nghĩ là nó đã đi săn rồi vì không thấy khẩu súng đâu. Nhưng Joe ẩn nấp trong chuồng bò. Nó ở đó suốt cả ngày hôm đó. Và vào ngày thứ bảy tiếp theo, nó có đi, một mình, sớm, trước khi các đứa bạn đến tìm nó. Nhưng nó không săn. Nó đang ở cách nhà chưa đầy ba dặm khi, vào cuối buổi chiều, nó bắn chết một con cừu. Nó thấy bầy cừu trong một thung lũng hẻo lánh và rón rén đến gần và dùng súng giết một con. Rồi nó quỳ xuống, hai bàn tay nhúng vào máu còn ấm của con thú đang chết, cả người run rẩy, miệng khô khốc, mắt cứ lấm la lấm lét nhìn ra sau lưng. Rồi nỗi sợ qua đi và nó trấn tĩnh lại. Nó không quên lời thằng bạn nói với nó về các cô gái. Nó chỉ chấp nhận sự việc. Nó nhận ra là mình có thể sống với sự việc này, sát cánh với nó. Như thể nó tự nhủ, phi lý và trầm tĩnh một cách tuyệt vọng Thôi được. Bởi vì như vậy rồi. Nhưng không phải đối với mình. Không phải trong cuộc đời và trong tình yêu của mình Rồi ba bốn năm qua đi và nó đã quên, theo nghĩa một sự việc bị quên ngay khi nó không một lần chống nổi cái trí óc cứ một mực bảo rằng nó không đúng mà cũng không sai.

Nó gặp lại cô bồi bàn vào tối ngày thứ hai tiếp sau cái ngày thứ bảy mà nó đã tìm cách trả tiền tách cà phê. Vào thời điểm này, nó chưa có sợi dây thừng. Nó trèo qua cửa sổ và nhảy gần ba thước xuống đất rồi lội bộ cả năm dặm đường vào thị xã. Nó không nghĩ gì hết về việc trở lại phòng mình bằng cách nào.

Nó tới thị xã và đi đến góc đường mà nàng đã hẹn với nó. Đó là một góc đường yên tĩnh và nó đến khá sớm, và nghĩ Mình sẽ phải nhớ chớ. Để cổ chỉ cho mình phải làm gì và làm cách nào và khi nào làm. Không để cổ thấy mình không biết, thấy mình dựa trên cổ để chỉ cho biết

Nó chờ hơn một tiếng đồng hồ thì nàng mới xuất hiện. Nó đã tới trước một giờ. Nàng đi bộ đến. Nàng đến và đứng trước nó. Nhỏ thó, mắt nhìn xuống, với cái vẻ cương quyết và chờ đợi riêng của mình, nàng ra khỏi vũng tối, nàng đến. "Anh đây rồi," nàng nói.

"Tui tới đây sớm nhất mà tui có thể. Tui phải chờ cho họ đi ngủ đã. Tui sợ tới trễ."

"Anh chờ đây lâu không? Bao nhiêu lâu rồi?"

"Tui không biết. Tui chạy chết cha luôn, gần như suốt cả đoạn đường. Tui sợ trễ mà."

"Anh chạy sao? Cả ba dặm à?"

"Năm dặm đó, chớ không phải ba đâu."

"A, thiệt tình!" Rồi hai người không nói nữa. Họ đứng đó, hai cái bóng đối mặt nhau. Hơn một năm sau, nhớ lại đêm đó, nó nói, bỗng nhiên tỏ ra hiểu biết Như thể cổ đang chờ mình đập cho cổ một trận "Sao đây?" nàng nói.

Bây giờ, nó bắt đầu run rẩy một chút. Nó ngửi được mùi người nàng, ngửi được sự chờ đợi: bất động, biết nhiều, hơi chán nản; nó nghĩ Cổ chờ mình bắt đầu và mình không biết cách nào Ngay cả đối với nó, giọng nói của nó nghe ngu ngốc làm sao. "Tui nghĩ giờ khuya rồi."

"Khuya rồi à?"

"Tui nghĩ có lẽ người ta đang chờ cô... người ta chờ cho đến khi cô..."

"Chờ tôi... chờ tôi..." Tiếng nói nàng lụi tàn, chết hẳn. Nàng nói, không cử động; hai người đứng như hai cái bóng: "Tôi ở chung với Mame và Max. Anh biết đó. Tiệm ăn. Anh chắc nhớ họ chớ, cái lần mà anh muốn trả năm xen đó..." Nàng bật cười. Tiếng cười không có sự vui vẻ, không có gì hết bên trong. "Khi tôi nghĩ đến chuyện đó. Khi tôi nghĩ đến cảnh anh mang năm xen đến chỗ đó." Rồi nàng ngừng cười. Nhưng sự vui vẻ cũng không ngừng theo tiếng cười. Tiếng nói lại vang lên bên tai nó, bình thản, hèn hạ, nhún nhường. "Tôi đã tính sai đêm nay. Tôi quên khuấy cái gì đó." Có lẽ nàng chờ nó hỏi nàng quên cái gì. Nhưng nó không hỏi. Nó chỉ đứng đó, với tiếng nói bình thản, nhún nhường đang lụi tàn đâu đó hai bên tai nó. Nó đã quên con cừu bị bắn chết. Nó đã sống quá lâu với sự việc mà thằng bạn lõi đời hơn đã kể ra với nó. Bằng con cừu bị giết, nó có được sự miễn nhiễm chống lại sự việc đó trong một thời gian quá dài để mà sự việc đó còn tồn tại. Như vậy, thoạt đầu nó không hiểu điều nàng đang cố gắng nói với nó. Họ cứ đứng ở góc đường. Một góc đường nằm ở rìa thị xã, nơi đường phố trở thành một con lộ chạy dài qua khỏi những sân cỏ được chăm chút, ngay hàng thẳng lối, giữa những căn nhà nhỏ thưa thớt và những cánh đồng cằn cỗi - những căn nhà nhỏ, rẻ tiền làm thành khu ngoại ô của các thị xã cùng loại như thế. Nàng nói, "Nghe này, tôi bị bịnh tối nay." Nó không hiểu. Nó không nói gì. Có lẽ nó không cần hiểu. Có lẽ nó đã trông đợi một điều xui xẻo không tránh được, nó nghĩ, 'Thật không thể tin được'; nó nghĩ nhanh quá, ngay cả đối với một ý tưởng: Cổ sẽ biến mất trong chốc lát. Cổ sẽ không còn đây nữa. Và mình sẽ quay về nhà, vào giường, như thể chưa bao giờ rời nhà. Tiếng nàng tiếp tục: "Khi tôi nói với anh đêm thứ hai, tôi đã không nghĩ đến cái ngày... mỗi tháng đó. Anh làm tôi bất ngờ quá. Gặp giữa đường, như vậy đó, đêm thứ bảy. Tôi quên mất nó là ngày nào. Chỉ sau đó mới nhớ lại, sau khi anh đi rồi."

Giọng nó cũng bình thản như giọng nàng. "Bệnh lắm sao? Cô không có thuốc men gì ở nhà để uống sao?"

"Tôi không có thuốc...", giọng nàng tắc nghẹn. Nàng nói, "A, vậy sao." Nàng nói đột ngột: "Thôi khuya rồi, và anh còn cả bốn dặm để cuốc bộ nữa."

"Tui đã cuốc bộ xong rồi mà. Giờ tui đây nè." Giọng nó nhỏ nhẹ, hoang mang, tuy cố giữ bình tĩnh. "Tui nghĩ giờ cũng khuya rồi," nó nói. Rồi có cái gì đó thay đổi. Không nhìn nó, nàng cảm thấy cái gì đó trước khi nàng nghe ra đó là cái gì từ cái giọng cứng ngắc của nó: "Bệnh cô thuộc loại gì vậy?"

Nàng không trả lời ngay tức khắc. Rồi nàng nói, bình thản, nhún nhường: "Anh chưa từng có bồ, phải không? Tôi cá là anh chưa có đó." Nó không trả lời. "Chưa phải không?" Nó không trả lời. Nàng làm một động tác. Nàng chạm đến người nó, lần đầu tiên. Nàng bước tới, nắm cánh tay nó, nhẹ thôi, với cả hai bàn tay. Hạ ánh mắt xuống, nó có thể thấy cái hình dạng tối sẫm của cái đầu cúi xuống, như thể từ khi mới đẻ nó đã hơi bị lệch trên cổ nàng. Nàng giải thích cho nó, ngập ngừng, vụng về, có lẽ chỉ bằng số chữ nghĩa hạn chế của mình. Nhưng nó đã nghe điều này ngày trước. Nó đã chạy trốn về phía quá khứ, chạy xa hơn con cừu bị giết, cái giá đã trả cho sự miễn nhiễm đó mà, cho tới buổi chiều kia, khi ngồi bên bờ sông, nó cảm thấy phẫn nộ hơn là tổn thương hay hơn là ngạc nhiên. Nó giật mạnh cánh tay ra khỏi hai bàn tay nàng. Nàng không tin là nó muốn đánh nàng. Thực ra, nàng nghĩ đến chuyện khác. Nhưng kết quả cũng vậy thôi. Nhìn nó đi xa dần trên con lộ rồi ra khỏi tầm mắt, cả hình lẫn bóng, nàng tin là nó đang chạy. Tiếng chân nó còn vang vọng bên tai nàng một lúc sau khi nàng không còn thấy nó nữa. Nàng không đi ngay. Nàng vẫn đứng đó, như khi nó bỏ đi, bất động, đầu cúi xuống, như thể chờ đợi cú đấm mà nàng đã nhận vào mặt trước đó rồi.

Nó thực sự không có chạy. Nhưng nó bước nhanh, và theo hướng ngược với nhà nó, khiến nó càng lúc càng xa ngôi nhà cách đó năm dặm mà nó đã rời đi bằng cách trèo qua cửa sổ, mà nó chưa nghĩ đến cách nào trở vào lại. Nó tiếp tục đi theo con lộ, rất nhanh, rồi rẽ ngang vào một khoảng đất đã được cày xới sau khi nhảy qua cái hàng rào. Một thứ gì đó đang mọc trên các luống cày. Ngoài xa là khu rừng, cây cối. Nó đến đó và đi vào khu rừng, giữa những thân cây cứng rắn, dưới cái bóng yên ả của các cành cây, cái bóng có hơi hướm nặng nề, có cảm xúc mãnh liệt và không thể thấy được. Trong bóng tối này, trong sự dò dẫm cực nhọc này, nó có vẻ thấy, như trong một hang động, một hàng những cái bình đựng di cốt có hình dạng được làm ra khéo léo và càng xa càng nhỏ dần, nhợt nhạt dưới ánh trăng. Và không có cái nào là hoàn hảo. Mỗi cái đều có vết nứt, và từ mỗi vết nứt chảy ra cái gì đó như chất lỏng, có màu sắc của cái chết, và bốc mùi hôi thối. Nó đến sát một thân cây, chống cả hay cánh tay gấp lại lên đó, đưa mắt nhìn các bình đựng di cốt sắp thành hàng dưới ánh trăng. Và nó ói mửa.

Vào ngày thứ hai tiếp đó, nó có sợi dây thừng. Nó vẫn đứng đợi ở cùng góc đường đó; nó vẫn đến sớm như lần trước. Rồi nó thấy nàng. Nàng đến tận chỗ nó đứng. "Tôi tưởng có lẽ anh sẽ không đến lại đây," nàng nói.

"Thật à?" Nó chụp cánh tay nàng, kéo nàng ra con lộ.

"Mình đi đâu đây?" nàng nói. Nó không trả lời, cứ kéo nàng đi. Nàng phải chạy lóc cóc mới theo kịp bước chân nó. Nàng chạy thật vụng về: một con thú bị cản trở bởi những gì phân biệt nàng với những con thú: các gót giày, áo quần, cơ thể nhỏ thó của nàng. Nó kéo nàng rời con lộ, về phía cái hàng rào mà nó nhảy qua cách đây một tuần. "Chờ chút," nàng nói, giọng ngắt quãng. "Cái hàng rào - tôi không thể -" Khi nàng khom người để chui qua giữa những hàng dây thép mà nó đã nhảy qua, chiếc áo đầm bị móc lại. Nó cúi xuống, đưa tay giật mạnh nó ra, giữa tiếng vải bị xé rách.

"Tui sẽ mua một cái áo khác cho cô," nó nói. Nàng không nói gì. Nàng để mình nửa được mang đi, nửa được kéo đi giữa những chồi cây, những luống cày cho tới khu rừng, giữa đám cây cối.

Nó giấu sợi dây thừng đã cuộn lại kỹ lưỡng sau tấm ván di động trong căn phòng gác mái của nó, nơi mà bà McEachern giấu những đồng tiền năm và mười xen bà chắt chiu để dành. Nhưng sợi dây thì được nhét sâu bên trong cái lỗ mà bà McEachern không thể thọc tay tới. Nó có cái ý này là từ bà. Thỉnh thoảng, trong khi cặp vợ chồng già ngáy đều trong căn phòng dưới nhà, trong khi nó kéo sợi dây yên lặng ra khỏi lỗ, nó nghĩ đến điều nghịch lý đó. Thỉnh thoảng, nó nghĩ đến chuyện nói ra với bà, chỉ cho bà thấy nơi nó giấu cái công cụ phạm tội của mình, bởi vì chính bà đã cho nó ý tưởng này, đã dạy cho nó cách giấu và chỗ giấu. Nhưng nó biết là làm vậy thì chỉ tổ khiến bà giúp nó giấu sợi dây, khiến bà muốn thấy nó phạm tội để mà bà có thể giúp nó giấu kín sợi dây, để mà bà cuối cùng có thể bộc lộ không ngại ngần những lời thầm thì, những cái ra hiệu có ý nghĩa đến mức mà McEachern, dù không muốn, cũng phải nghi ngờ chuyện gì đó.

Rồi nó bắt đầu ăn cắp, lấy tiền từ chỗ cất giữ. Chắc là bà đã không gợi ý việc này với nó, đã không hề đề cập đến tiền bạc trước mặt nó. Có thể là nó thậm chí không nhận ra rằng nó đã dùng tiền để trả cho những khoái lạc của mình. Đó là vì trong bao nhiêu năm nó đã nhìn thấy bà McEachern giấu tiền ở một chỗ nào đó. Rồi đến lượt nó có cái cần giấu. Nó để cái đó vào chỗ mà nó biết là an toàn nhất. Và mỗi khi giấu hay lấy ra sợi dây thừng, nó thấy cái lon thiếc đựng tiền.

Lần đầu tiên nó lấy đi năm mươi xen. Nó lưỡng lự khá lâu giữa năm mươi và hai mươi lăm xen. Rồi nó lấy năm mươi xen bởi vì đó là chính xác số tiền nó cần. Nó dùng số tiền này để mua một hộp kẹo mốc meo dính cứt ruồi từ một gã đàn ông đã nhận được nó như phần thưởng trong trò chơi trả mười xen để ném banh vào tấm ván có lỗ ở một cửa tiệm. Nó trao hộp kẹo đó cho cô bồi bàn. Đó là món đồ đầu tiên nó cho cổ cho tới lúc đó. Nó cho cổ như thể nó là người đầu tiên nghĩ đến chuyện cho cổ một cái gì từ trước đến nay. Nàng đưa hai bàn tay to tướng cầm lấy cái hộp in màu lòe loẹt nhưng đã phai mòn, mặt lộ vẻ là lạ. Lúc đó, nàng đang ngồi trên giường trong phòng ngủ của mình trong căn nhà nhỏ, nơi nàng ở chung với một tên đàn ông và một mụ đàn bà tên Max và Mame. Một đêm, khoảng chừng một tuần trước đó, tên đàn ông vào trong phòng. Nàng đang thay áo quần, đang ngồi trên giường cởi cái bít tất dài. Hắn vào, người tựa vào cái tủ thấp, miệng phì phèo thuốc lá.

"Một tên chủ trang trại giàu có," hắn nói. "Một John Jacob Astor[57] đến từ chuồng bò cái."

Nàng đã mặc áo quần, ngồi bất động trên giường, đầu cúi xuống. "Ảnh có trả tiền cho tôi mà."

"Trả bằng cái gì? Hắn đã xài hết cả năm xen của hắnrồi à?" Tên đàn ông nhìn nàng, chép miệng. "Trời đất, một cô em nõn nà như vầymà cho mấy thằng nhà quê nó vày vò! Có phải vì vậy mà tao mang mày từ Memphisxuống đây sao? Có lẽ tốt hơn tao nên bắt đầu làm từ thiện, bố thí cho thiên hạđồ ăn thức uống luôn cho rồi."



* * *


[50] Melodeon: nhạc cụ có bàn phím (như đàn ống, organ), các nốt nhạc được tạo ra bằng không khí bơm qua các lưỡi gà kim loại điều khiển bằng bàn đạp. Từ harmonium thì thông dụng hơn - ND.

[51] Larkspur: một loại cây trồng trong vườn, có hoa màu xanh, hồng hoặc trắng; còn gọi là cây la lết - ND.

[52] Nguyên văn: Mother Hubbard, chỉ một loại áo đầm rộng, không thắt eo, dài tới mắt cá mà phụ nữ nông thôn Mỹ thường mặc, dựa theo nhân vật trong bài hát ru rất được ưa thích vào thế kỷ 19, "Old Mother Hubbard" (ra đời năm 1805) - ND.

[53] Nguyên văn: womanshenegro - ND.

[54] Whippoorwill, có lông màu hung, giống chim én - ND.

[55] Alice là cô gái 12 tuổi đã tỏ ra tử tế với nó ở viện mồ côi khi nó 3 tuổi (xem chương 6) nên nó gọi chung những cô gái chăm sóc nó là Alice. Ngoài ra, theo thống kê, Alice là một trong những tên đặt cho các bé gái sinh ở Mỹ được ưa chuộng nhất ở nước này từ năm 1880 đến 1920 - ND.

[56] Tên (first name) khá được ưa chuộng để đặt cho con trai vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở nước Mỹ - ND.

[57] John Jacob Astor (1763-1848): một trong nhữngdoanh nhân giàu nhất nước Mỹ lúc sinh thời (tương tự như ông Bill Gates thờinay) - ND.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro