Phần Không Tên 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi châu Âu hoang mangAlessandro bật khóc khi nói đến những nạn nhân của vụ khủng bố mới rồi ở Brussels. Ông khóc một lúc, những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Thế rồi, khi sự xúc động dịu xuống, ông nói với tôi, giọng lạc đi: "Không, chúng tôi không thể sợ hãi chúng. Chúng tôi không thể dựng lên các bức tường, núp phía sau chúng, tự vệ trước những nỗi lo lắng về một cái chết không biết lúc nào sẽ đổ xuống đầu".

"Chúng tôi" ở đây không chỉ là những người Italy, như Alessandro, mà là châu Âu và một nền văn minh, một phong cách và giá trị sống, một bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời có hàng nghìn năm. Đối với Alessandro, ông già trí thức đã 70 tuổi đang ngồi với tôi trong cái quán cà phê đông đúc ở ngoại ô Rome này, những gì đã xảy ra ở Brussels và ở Paris là cú sốc lớn.

Tôi biết, Alessandro và nhiều người châu Âu khác đã khóc trong những ngày này, cũng như đã khóc sau khi Paris bị tấn công hai lần trong năm ngoái, không phải vì sợ hãi. Họ khóc cho những giá trị mà châu Âu từng được cho là cái nôi sinh thành và khai sáng và là chuẩn mực của thế giới văn minh trong nhiều thế kỷ qua. Rất nhiều, từ những tuyên ngôn về bác ái, những thành tựu khai sáng, từ tự do ngôn luận; tự do tôn giáo, với sự bao dung về tôn giáo ở một số nước, cho đến tự do đi lại giữa một khối các quốc gia hàng xóm của nhau - Hiệp ước Schengen, ý tưởng mới nhất của châu Âu. Tất cả đều đã bị tấn công. Rất nhiều máu đã đổ.

Khi những cuộc chiến tranh và xung đột hoặc bùng lên hoặc lan rộng ở khắp nơi, từ Trung Đông cho đến châu Phi, bỗng nhiên châu Âu bị bao vây bởi sự bất ổn, trong khi bản thân châu lục ấy đã hứng chịu biết bao vấn đề, từ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nợ của Hy Lạp cho đến cuộc khủng hoảng bây giờ mang tên "di cư", với hơn một triệu người đã rồng rắn từ châu Phi và Trung Đông tới châu Âu. Hàng triệu người khác cũng sẵn sàng xô đổ các biên giới về tự nhiên và các hàng rào dây thép gai, các trạm kiểm soát mà các quốc gia dựng lên để ngăn cản họ. Tất cả hướng về châu Âu để ít ra có thêm một chút hy vọng sống. Nhưng liệu châu Âu có sẵn sàng mở cửa cho họ nữa không? "Không hề thiếu chỗ trong nhà và trong tim chúng tôi", Alessandro nói. "Nhưng châu Âu phải chọn lọc, để không cho những kẻ khủng bố bước vào".

Nhưng Alessandro và nhiều người ở châu Âu này hiểu rằng, điều đó không đơn giản. Và nữa, những cuộc khủng bố ở Pháp và Bỉ được thực hiện bởi một hệ thống những kẻ đã được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong xã hội và cuộc sống ở châu Âu, hiểu một cách rành rẽ những vấn đề, những góc phố, nền văn hóa, ngôn ngữ ở nơi chúng sống và mang quốc tịch. Chúng không đến từ bên ngoài. Chúng đến từ bên trong. Châu Âu như bị phản bội bởi một thế hệ những người nhập cư mà họ đã tiếp nhận rất nhiều năm về trước. Họ hoang mang vì không hiểu điều gì đã đẩy các thanh niên ấy chối bỏ nền văn minh ở đất nước đã cưu mang cha mẹ và bản thân họ, đẩy mình vào con đường chết cho một lý tưởng cực đoan, kéo theo biết bao cái chết khác của người vô tội, và gieo rắc những nỗi nghi kị cho bao người đang sống.

Chỉ cần liếc mắt một chút, qua quán cà phê mà tôi và Alessandro đang ngồi là những quán kebab, những tiệm bánh ngọt và rau quả mà người Maroc và Tunisia làm chủ. Xa chút nữa là những tiệm rửa xe và chăm sóc ôtô cũng với những người làm công Bắc Phi. Alessandro bảo, ông biết nhiều trong số họ đến từ đâu, có quá khứ như thế nào và trong bao năm qua, họ đã sống ra sao với người dân khu này, nhưng khi những cuộc tấn công khủng bố nổ ra ở châu Âu, có một bầu không khí ảm đạm đã làm lạnh các mối quan hệ giữa những người Italy chính gốc và những người nhập cư. Sự chia rẽ và ngờ vực giữa những người Công giáo và Hồi giáo đã tăng lên do nỗi sợ hãi rằng, liệu có ai trong số những người Bắc Phi có giấy tờ nhập cư hợp pháp ở Italy kia một ngày nào đó sẽ cho nổ tung giữa trung tâm Rome. Cộng đồng Hồi giáo ở đây đã nhiều lần tuyên bố họ chống lại mọi hành động khủng bố và họ khẳng định mục tiêu quan trọng của cộng đồng là hòa nhập vào cuộc sống ở mảnh đất này. Nhưng khoảng cách giữa họ với người bản địa dường như đang rộng thêm ra, bởi dù những người Hồi giáo đó sống tốt mấy đi chăng nữa, vẫn luôn tồn tại một sự nghi kị theo nhiều dạng thức với họ.

Cách nơi chúng tôi ngồi chỉ hai cây số, tại khu Tor Sapienza nằm ở rìa thành phố, vài tháng trước, những cuộc va chạm giữa cảnh sát và người dân khu phố, vốn bị lực lượng cực hữu và phát xít mới kích động, đã nổ ra sau khi người dân không chấp nhận một tòa nhà bỏ hoang ở nơi này được thành phố biến thành trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Căng thẳng bùng nổ sau khi một cô gái đi dạo tại đây bị một kẻ lạ mặt tấn công. Không ai biết hắn là ai, nhưng người ta nhanh chóng đổ tội cho người nhập cư. Những cuộc tấn công chống người nhập cư cũng diễn ra ở một vài nơi khác của Rome như những đốm lửa nhỏ đang loang ra, trong hoàn cảnh những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân không chỉ càng tăng mối lo về việc bị khủng bố, mà còn sợ rằng, văn hóa và tôn giáo của họ bị tổn hại một khi khủng hoảng di cư không được giải quyết.

Như Alessandro, họ sợ các giá trị phương Tây bị giày xéo bởi những người khác tôn giáo và văn hóa. Họ cũng không hiểu tại sao các giá trị lớn lao ấy bị từ chối một cách phũ phàng và bị tấn công. Và như thế, các cánh cửa châu Âu dần dần khép lại với dòng người tị nạn, và những khối thuốc nổ khác trong lòng Lục địa già sẽ chỉ chực chờ một lúc nào đấy sẽ bùng lên, sau khi bọn khủng bố làm xong phận sự của chúng: gieo rắc nỗi ngờ vực, dựng lên các bức tường vô hình giữa các cộng đồng tôn giáo và giữa người bản địa với người nhập cư.

Ông già Alessandro nói với tôi rằng: "Chúng tôi phải chống lại những kẻ khủng bố và cả nỗi sợ hãi. Chúng tôi có những giá trị cần phải bảo vệ và tìm cách nhân rộng lên".

Vẫn còn những quả bomĐất nước tôi
Hôm qua
Một vụ nổ như bom
Trên con phố mới
Người "cưa bom" bị chết cùng ba người vô tình đi qua đường
Chết đau thương vì chính sự liều lĩnh, thiếu hiểu biết và bất cẩn của anh ta

Sau chiến tranh hơn bốn mươi năm
Đất nước tôi vẫn còn những quả bom chưa nổ
Lại thêm một số người "cảm tử"
Làm nghề cưa bom
Họ mưu sinh
Trên sự nghèo khó, thiếu hiểu biết và bất hạnh của chính mình
Dẫu biết rằng sau chiến tranh có gần 4 vạn người chết
Và hơn 6 vạn người tàn tật vì bom, mìn

Trên hành tinh này
Không có nơi nào người dân yên lành dám cưa bom giữa phố
Chỉ trừ những kẻ đánh bom liều chết ở phía bên kia
Tôi không sao hiểu được
Tôi không sao cắt nghĩa được...

Đất nước tôi
Hôm qua
Kẻ lái xà-lan đâm sập trụ cầu
Cũng không bằng lái giống kẻ lao ôtô đâm chết ba người trước đó
Tôi chẳng hiểu thế nào
Tôi không biết vì sao...

Đất nước tôi
Cứ mỗi ngày qua đi
Lại có thêm vài chục người chết bất đắc kỳ tử ngoài đường
Mỗi năm hơn tám ngàn người tử vong vì tai nạn giao thông
Mỗi năm chúng ta mất trắng gần một "sư đoàn"
Và số người bị thương gấp ba lần số chết
Những năm qua đã có dăm "sư đoàn" dân sự đi vào cát bụi
Và dăm "sư đoàn" dân sự biến thành phế nhân

Không một viên tướng nào bị cách chức
Không một viên tướng nào chịu từ chức
Không một viên tướng nào bị rớt sao
Không lẽ mặt trận này không có tướng?

Tôi chỉ thương đất nước mình
Những người nông dân hiền lành, chịu khó
Vẫn phải mưu sinh bằng nghề thu gom sắt vụn và cưa bom:
- Đồng nát đi, đồng nát đi
Tiếng rao một thời quá khứ
Vọng đến thời tương lai

Không có nơi nào nhiều bom, mìn như đất nước tôi
Sau hơn 40 năm chiến tranh
Vẫn còn những quả bom sắp nổ
Và những nẻo đường "bất đắc kỳ tử"
Chiều nay
Vẫn còn bao người phải khóc
Thương xót những người thân gặp thảm nạn hôm qua...

Nếu không bừng tỉnhNăm 1853, ở Nhật Bản thời Mạc Phủ, 4 tàu chiến Mỹ của Đô đốc Perry lù lù tiến vào cửa biển Uraga mà không hề báo trước. Họ bắn một loạt đại bác lên trời thị uy, rồi đòi gặp chính quyền. Yêu sách của họ là Nhật Bản phải mở cảng biển cho tàu Mỹ đến giao thương.

Trong lịch sử Nhật Bản, sự kiện này là điểm khởi đầu của công cuộc duy tân tự cường theo chủ trương "thoát Á", "Tây học" để hiện đại hoá nước Nhật.

4 chiếc tàu chiến Mỹ và loạt đại bác của chúng đã làm cho người Nhật bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước mức độ phát triển của phương Tây và sự lạc hậu, hèn kém của nước Nhật sau 250 năm bài ngoại, gần như chỉ giao thương với người Trung Quốc. Sự ngỡ ngàng của người Nhật trước những thành tựu phát triển của Mỹ và châu Âu còn kéo dài hàng chục năm sau sự kiện đó.

Năm 25 tuổi, ở cảng Yakohama, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi lúc bấy giờ nhìn thấy những con tàu biển của Tây đồ sộ, chạy bằng máy hơi nước. Ông ngợp. Tiếp xúc với Tây, Fukuzawa thất vọng, vì: "Họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được".

Không chịu được, người Nhật quyết Tây học. Trong cuốn sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" xuất bản năm , cụ Đào Trinh Nhất mô tả cuộc duy tân của người Nhật: "Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị, giáo dục, nào là văn hoá, võ bị, nào là công thương, lý tài [ngân hàng], nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay phương diện nào mà không hoá xưa theo nay, đổi cũ ra mới".

Người Nhật duy tân theo Tây mà rầm rộ cứ như đi trẩy hội, quyết xoá bỏ những thói hư tật xấu, văn hoá hủ bại có nguồn gốc nghìn năm mà không thèm tiếc nuối. Chỉ với 30 năm duy tân thời Minh Trị, Nhật Bản trở thành cường quốc, đuổi kịp, thậm chí còn vượt nhiều nước châu Âu và Mỹ trên một số lĩnh vực công nghiệp.

Rồi cụ Đào Trinh Nhất than: "Người [Việt] mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang lễ, phẩm hàm... nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly [Triều Tiên] cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách "chụp hình" như ta". Cụ Đào kêu trời với các thói phong thuỷ, vàng mã, bói toán, cúng sao và các kiểu mê tín dị đoan của người Tàu du nhập vào Việt Nam, mà người Nhật quyết không theo.

Sự phát triển vượt trội của châu Âu và Mỹ là ở các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thể hiện qua phát minh, sáng chế, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và chế biến. "Tây học" của Nhật Bản thành công rực rỡ ở tất cả những lĩnh vực này.

Việt Nam cũng từng có nhiều cơ hội "Tây học" với người Pháp, người Mỹ, người Nga, nhưng không thu được nhiều kết quả. Đến hiện nay, tất cả những lĩnh vực vừa kể của Việt Nam đều rất yếu, chủ yếu mới ở trình độ lắp ráp, vận hành, sửa chữa máy móc của thiên hạ, chưa phát minh, chế tạo được mặt hàng công nghiệp gì đáng kể, trong khi Nhật Bản đã làm chủ công nghệ vũ khí, máy bay, tàu biển, máy móc công nghiệp và giao thông từ đầu thế kỷ 20, chỉ sau có mấy chục năm Tây học. Việt Nam chưa từng có cuộc duy tân Tây học nào đáng kể và cho đến tận bây giờ, xét trên nhiều phương diện, nước ta giống Tàu nhiều hơn là giống Tây, nhất là về văn hoá, hủ tục. Mà có giống Tàu thì theo tôi cũng chỉ giống được Tàu xưa, không giống được Trung Quốc với nền khoa học và sản xuất công nghiệp phát triển thời nay. Bởi vì sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc Tây học thành công, chính Trung Quốc cũng đã Tây học mạnh mẽ và gặt được nhiều thành tựu. Người ta chú trọng nghệ tinh, thực nghiệp, còn Việt Nam thì vẫn nặng nề tư tưởng học để làm quan, "mê mộng khoa cử độc hại".

Thực sự, để phát triển mạnh, Việt Nam rất cần một sự bừng tỉnh, cần một phong trào Tây học giống cuộc duy tân 150 năm trước đây của Nhật Bản. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở mọi cấp học từ phổ thông đến đại học, bởi tiếng Anh mà kém thì khó lòng "Tây học" cho tốt được.

Sự im lặng của người tử tếTôi rất thích một câu nói được cho là của văn hào William Shakespeare: "Lòng tốt là thứ khiến người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy và người điếc cũng có thể nghe thấy".

Tôi viết báo, thi thoảng tham gia các chương trình truyền hình. Trên gương mặt tôi có một vết sẹo to, dài hơn 4 cm. Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ tẩy nó đi dù nhiều người góp ý ra vào. Đó là hậu quả của một vụ tai nạn giao thông trong đêm hè muộn 10 năm trước, tôi chỉ biết trong khoảnh khắc phanh tránh va chạm với nhóm thanh niên vượt đèn đỏ ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún (Hà Nội), trong tích tắc còn kịp nhận ra mặt đập mạnh xuống đường, đau đớn, rồi mọi thứ tối om. Cũng trong cái tích tắc không còn tính bằng giây ấy, một bộ phim cả cuộc đời chiếu nhanh lật chớp nhoáng từng khuôn hình cực rõ nét trong đầu là ký ức tuổi thơ, là bàn tay ấm của mẹ, là khoảnh khắc vỡ òa khi biết tin đậu đại học và còn nhiều thứ khác... Mở mắt ra là trong phòng cấp cứu, bác sĩ đã khâu xong, tê cứng nửa mặt. Có một bác gái nhặt rác đêm đó đã bế tôi vào.

Tôi đi tìm bác suốt nhiều năm nhưng vô vọng, đêm ấy không có thêm nhân chứng nào cả. Ngay cả tài sản là xe máy, chiếc cặp đi làm có máy tính xách tay... cũng được gửi cẩn thận ở công an phường và không để lại một manh mối nào. Hàng ngày đi qua ngã tư ấy tôi luôn cố hình dung ra gương mặt ân nhân, chắc hẳn bà rất phúc hậu. Có lẽ đó là một ám ảnh ký ức để củng cố cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào lòng tốt của con người luôn hiện hữu. Cuộc sống quá mong manh để kịp hoài nghi lẫn nhau.

Sau vụ tai nạn, tôi dán các miếng decal nhỏ in tên mình, địa chỉ, số điện thoại người thân vào ví và các vật dụng cá nhân trong ba lô. Có thể đó là cách giúp mình và giúp cả một vị ân nhân nào đó bớt khó khăn khi thực thi việc cứu người. Tôi cũng bắt đầu học cách sơ cứu, hình thành phản xạ biết năng nổ giúp người bị nạn xa lạ ngoài đường là vài ông say rượu ngã chổng kềnh, vài người hỏng xe đêm hôm... Xin đừng hiểu đó là một cách kể công. Khi gương mặt từng đẫm máu nằm áp suốt mặt đường lạnh ngắt đau đớn tuyệt vọng, chắc hẳn không riêng tôi, ai cũng vậy thôi đều sẽ khao khát có một bàn tay nâng mình dậy. Vì vậy, tôi kinh sợ khi đọc một số thông tin miệt thị việc cô giáo nỗ lực cứu học trò trong vụ tai nạn thảm khốc tại Ái Mộ, Gia Lâm mới đây. Đám đông ấy đã dùng nhiều thủ pháp ngôn ngữ uyên bác để cho rằng việc cấp cứu người bị nạn luôn thuộc về lực lượng chuyên biệt đã qua đào tạo. Vậy phải chăng một đám đông hiếu kỳ khoanh tay đứng xem, cẩn thận quay video nạn nhân để đăng Facebook như những khán giả lịch lãm mới là cách làm đúng đắn nhất? Đúng quá, có thể họ sẽ không bị phiền toái thêm bởi những câu hỏi từ cơ quan chức năng hay điều gì tương tự. An bài luôn là một đáp án chuẩn mực.

Rạng sáng 18/10/2010, trong khi đang cố đưa khách vượt lũ trên quốc lộ 1A gần khu vực cầu Rong, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một xe khách chở hơn 30 người đã bị cuốn xuống sông Lam khiến 19 hành khách mất tích. Theo người dân quanh vùng nơi xảy ra tai nạn, trong số 18 hành khách thoát nạn, có bảy hành khách được hai anh Thuật và Kha ở xã Xuân Lâm, huyện Nghi Xuân cứu sống. Anh Thuật lấy dây thừng buộc vào người, một đầu siết chặt lên chấn song cửa sổ và lao mình lên chiếc thuyền chăn vịt mỏng mảnh xuống dòng sông dữ. Tôi gặp anh Thuật trong ngôi nhà tuềnh toàng, giường ngủ sát với chuồng vịt vài chục con, anh có phần ngượng ngùng kể lại: "Cả đêm, vợ chồng tôi ngồi canh lũ, nhà đang bị ngập do lũ từ sông Cả đổ về. Đến khoảng 4 giờ sáng, tôi nghe tiếng kêu cứu trên sông. Tôi đoán có người gặp nạn nên gọi điện thoại cho Kha ở gần nhà, bơi thuyền đến nơi có người kêu cứu. Chúng tôi quen nghề sông nước rồi. Nghe người ta kêu cứu mình không đang tâm ngồi yên trong nhà. Tội họ lắm". Ai bắt anh làm điều đó?

Tôi không có số liệu của các đội vận chuyển cấp cứu khẩn cấp các tỉnh thành. Nhưng theo thống kê của Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An, trong năm 2015 có đến 950 chuyến xe xuất bến nhưng không đón được bệnh nhân. Nguyên nhân là các cuộc điện thoại hoang báo, năm 2014 là 870 chuyến và năm 2013 là 700 chuyến. Bình quân mỗi ngày, tổng đài của đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An nhận được hàng trăm cuộc gọi quấy rối. Đó lại là một hiện tượng xã hội độc ác chứ không đơn giản là trò đùa. Nó khởi nguồn cho những động thái chậm chạp xen lẫn hoài nghi cứu người. Không ít người cũng luôn bi quan cho rằng sự tử tế, lòng tốt đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Nhưng theo tôi bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt.

Một vĩ nhân từng nói, đại ý rằng: Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#thơ-ca