Cơ hội thứ hai được sống một lần nữa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Ánh sáng dịu nhẹ của mùa thu trải dài trên thành phố Osaka tráng lệ. Từng con người rảo bước lướt qua nhau một cách vội vã. Họ mải miết với công việc của mình trên những toà cao ốc chót vót, những nơi sạch sẽ và hào nhoáng, hoặc những quán hiệu lớn nhỏ trải khắp hai bên con đường. Giữa vạn con người ấy, thấp thoáng dáng mảnh khảnh của cậu thanh niên đang vác trên mình số hàng hóa tưởng như gấp đôi số cân nặng của anh. Anh cần bê đống hàng này tới kho trước buổi trưa.

- Tốt lắm, Niran. Cậu lúc nào cũng hoàn thành sớm hơn những kẻ khác đấy, chúng thật chậm chạp. Số tiền thêm này, ít thôi, nhưng cứ mang về mà ăn uống một hôm đi.

 Lời nói của ông chủ khiến mọi mệt nhọc trong người anh như biến  mất. Nhận được tiền công, anh lập tức tiến về phía khu phố ngoại ô Nishimari, nơi mà ánh sáng chói loá của thị thành chẳng thể chiếu tới. Nơi đây tổ hợp của những tên lang thang, những kẻ ăn mày rách rưới và những ngôi nhà cũng không khác người dân ở đây là bao. Anh rẽ sâu vào những ngỏ hẻm nhỏ xíu, chúng co lại ngày một sát đến nỗi phải thu người lách qua. Rồi anh dừng chân trước ngôi nhà cũ nát, tồi tàn bậc nhất nhì của khu phố, cất tiếng chào: "Mẹ ơi con về rồi !"

Lời chào đó hướng về nơi cái giường gỗ mọt gắng gượng chống cho khỏi đổ. Nó đã quá cái tuổi được sử dụng và sẵn sàng sập xuống như người già gần đất xa trời cố níu cái cuộc sống đầy bất công khổ hạnh này. Trên đó, một người phụ nữ tóc dài rối, khuôn mặt không còn dương khí, bắt đầu bốc mùi lên. 

 - Mẹ không chịu uống thuốc gì cả, con pha từ hôm qua để nguội rồi! Anh ngồi cạnh thành giường, lẩm bẩm những chuyện trog thành phố. Mẹ anh vừa mất 2 hôm do bệnh nan y và thiếu sự quan tâm từ ng cha nát rượu.

Anh nắm lấy bàn tay nặng trĩu của người đó, đặt bàn tay đó lên trên trán mình giống như vuốt ve cái mái tóc khét nắng vì làm việc của anh. Từng lời nhỏ nhẹ như thì thào, anh siết chặt bàn tay lạnh ngắt của người mẹ : 

- Con sẽ không bao giờ để mẹ cô đơn nữa đâu. Mẹ hãy uống thuốc đi mẹ. Mẹ uống mau đi kẻo nguội quá rồi kìa.

 Lời thủ thỉ của anh làm người cha nát rược vừa trở về nhà khó chịu. Đã 2 ngày nay không có một hớp rược, hắn giống như một kẻ tâm thần điên loạn. Sự bực tức trong người gã bợm rượu càng được thăng hoa khi thấy " thằng con vô dụng" đang ngồi thủ thỉ bên xác người vợ đã tắt thở 3 ngày trước. Hắn gào rống lên như một con bò động đực và đạp anh ngã xuống sàn : 

- Con mụ đó chết rồi. Chết quắt queo rồi, thở cũng không còn nữa, mày thấy chứ ? Giờ mày sẽ thay nó, kiếm tiền hoặc chết. Thật vô dụng. Nó chết rồi, và mày mua thuốc à ? Mày còn cố gắng làm gì ? Nó sẽ dậy và xoa đầu mày à ?

 Hắn vừa lè nhè vừa đá mạnh làm cái giường cố trụ chưa đổ nay đổ sụp, đè lên thi thể người mẹ tội nghiệp. Anh hoảng sợ, bò đến bên cái xác không hồn, nắm chặt bàn tay bốc mùi xác thối ấy mà khóc. Người cha nhẫn tâm không thể uống nổi thứ trước mặt hắn. Hắn đạp cả anh và cái xác ra khỏi ngôi nhà cũ nát.

Anh vừa lê chân trên con đường lẫn sỏi đá và cát bụi vừa bế cái xác của người phụ nữ tội nghiệp. Suốt 15 năm phần đời còn lại, người phụ nữ ấy chưa từng nghỉ ngơi, lao đầu vào công việc để trả nợ nần từ gã chồng và nuôi đứa con thơ. Biết bao lần cô muốn về với anh, thăm anh, nói với anh rằng tình yêu của người mẹ to lớn đến mức nào. Nhưng có về thì Niran cũng đã ngủ say. Và sáng dậy thì mẹ anh cũng đi làm. Anh luôn bị ác cảm, luôn bị mọi người chọc nghẹo vì chẳng bao giờ anh thấy mặt mẹ mình. 15  ngày sinh nhật đầu tiên của mình, anh chưa từng nhận được một câu chúc, thậm chí là một món quà nhỏ nhoi từ người mẹ mà đối với anh đó là một thứ tuyệt vời để chứng minh người mẹ còn tồn tại trong anh cũng không có. Trước ngày mẹ mất, cũng là ngày đầu tiên sau 15 năm đằng đẵng, anh được thấy mặt mẹ. Niran chỉ ngồi cạnh giường, khuôn mặt vô hồn. Người mẹ của anh đang chết dần chết mòn vì kiệt sức. Bà không còn sống được lâu nữa, bà ấy biết rõ vậy. Bà muốn nói với người con đang mong chờ kia, rằng người mẹ này vô tâm quá, không thể làm gì hơn cho con mình, nhưng cũng muộn. Mẹ anh cũng không nói được nữa, bà chỉ nước mắt lưng tròng, giương đôi mắt nặng trĩu nhìn anh với khuôn mặt méo xệch đi. Ung thư phổi. Căn bệnh thật tàn ác. Nó ngăn anh và mẹ nói những câu yêu thương cuối đời mà suốt bao năm họ không thể tâm sự cho nhau. Anh lặng lẽ hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ có yêu con không? Sao bao năm mẹ không quay về? Sao mẹ nhẫn tâm vậy ? mẹ có biết, chúng nó nói con là gì không ? Một thằng không có mẹ đấy, mẹ à. Con đau lắm, đau thấu tim này. Nhưng lúc đó, lại không có vòng tay mẹ ở đó. Mẹ còn nhớ con không ?

Đó là câu hỏi cuối anh dành cho người mẹ tội nghiệp. Mẹ anh khóc. Bà khóc ướt đẫm vạt áo và cái gối đang nằm. Bà không cách mở cái đôi môi khô rốc này để trả lời anh được. Ngày cuối cùng mẹ anh còn ở dương gian, anh đã không thể ngắm nhìn mẹ lần cuối. Anh không muốn, thực sự không muốn nhìn, người phụ nữ đã để anh lại với bao nỗi khổ cực bên người cha nát rượu bạo lực. Đến khi đôi mắt mẹ không thể mở được nữa, anh mới trở về. Khuôn mặt nặng nề nhưng không thể rơi lệ, anh nhìn vào xác mẹ, nhìn chằm chằm như nuốt từng nỗi đau vào trong. Rồi anh sắp xếp lại chăn gối gọn gàng, chùm chiếc khăn trắng lên gương mặt đau khổ ấy.  Chiếc gối lúc này rơi xuống đất nghe chan chát. Thứ mẹ anh đặt trong chiếc gối cộm lên mà anh không mấy khi chú tâm tới mà chỉ biết than phiền cho cuộc đời anh,  đó là những cuốn catsette ghi lại những lời của một người mẹ tảo tần. 15 cuốn catsette, 15 năm, 15 ngày sinh nhật được ghi trên từng cuốn, anh nghe đi nghe lại, cái giọng ấm áp ấy, nghe đến mức trong lúc khóe môi mặn chát lệ rơi, anh vẫn lẩm bẩm theo lời mẹ: 

"Con vẫn khỏe, vẫn sống tốt, mẹ vui. Mẹ vui lắm. Con là người con tuyệt vời nhất mà mẹ có được. Đừng buồn phiền suy nghĩ khi mẹ không kịp chúc con những lời chúc tốt đẹp, không sắm sửa cho con mỗi khi cơn gió thu chuyển mùa. Lỗi của mẹ,đều là lỗi của mẹ cả. Mẹ không thể làm tròn trách nhiệm được, cũng không mong con tha thứ, nhưng mẹ muốn nghe con nói, chỉ 1 lần, con có yêu mẹ không ?"

Kết thúc rồi. Không còn gì để anh níu giữ nữa. Niran đặt mẹ nằm yên nghỉ nơi ven sông, nơi mà anh luôn ước được cùng mẹ đi mỗi khi chiều xuống. Trên  đó, đơn độc những viên đá lớn nhỏ xếp lên. Một ngôi mộ tồi tàn. Nhưng đó là những gì anh có thể làm được. Niran không đủ tiền để thuê người ta xây mộ. Họ không cho anh nợ, vì chả biết bao giờ số tiền ấy mới được trả. Anh khóc như một đứa trẻ trước mộ mẹ. Cho đến khi tối hẳn, mặt trăng đã chiếu sáng cả khu phố sâu nhất, anh mới chậm rãi đi về. Người cha nát rượu đã khóa trái cánh cửa. Anh đập cửa, muốn vào. Người cha đáng quý rủa xả những ngôn từ khó nghe nhất có thể vào mặt anh và đuổi anh đi vì anh không có tiền cho ông nhâm nhi đêm trăng hôm nay.

Số tiền còm cõi của công việc làm thêm hôm nay anh đã đem hết để mua cho mẹ một chiếc áo quan thật đẹp như lời xin lỗi của một đứa con không hiểu hết được lòng mẹ. Giờ đây anh lang thang trong phố vắng, tìm kiếm thêm công việc. Giao đồ ăn nhanh, Niran chọn công việc này vì anh thông thuộc hết các ngõ nhỏ trong thành phố. Anh cứ làm việc, làm điên cuồng, làm đến khi tiếng chuông báo hết ca làm réo rắt trên đường. Sự nỗ lực của anh giúp anh có số tiền mới đủ cho 3 bữa ăn dè.

Vốn dĩ Niran muốn nhịn đêm nay, anh không có tâm trạng ăn uống. Nhưng sự kiệt sức và cơn đói đày đọa anh. Một quán ăn đêm đi ngang qua, mùi thơm của những chiếc bánh mì quyến rũ cơn đói như kẻ say tình. Anh mua chiếc bánh rẻ nhất của quán, mong sao cái dạ dày ngừng rên la. Hẳn là mùi thơm của cái bánh cuốn hút cả những tên man di mọi rợ nhất cái phố nghèo nàn này.

- Ô cha chả, thằng nhãi. Ba mày thiếu tiền tụi tao mà mày có tâm trạng mua sắm quá nhỉ ? Này nhóc, cái thời gian lão già nhà mày trốn nợ ngang nửa số thời gian mày tồn tại đến giờ đấy. Để xem nào, mày, con lão. Mày có thể giúp tụi tao đòi nợ, nhỉ ? Hoặc là mày bán cái mạng quèn này đi, hoặc là chỉ hộ tao cái nơi thằng khốn ấy chui lủi. Được chứ nhóc ? 

Thật không đúng lúc. Thật sự là chả đúng lúc. Anh run rẩy trước những tên côn đồ kia. Chúng đang cười khoái chí lắm, vì mối nợ này sẽ được thanh toán sòng phẳng, trên chính người con của "lão ấy", là anh. Niran có thể chỉ thẳng cái ngôi nhà cũ nát ấy, nơi ông bố già nát rượu say mèm đang lê la ngủ gục, và anh sẽ an toàn đủ để biến khỏi nơi này. Nhưng cái đầu của anh, lại lắc lia lịa như thể chọc tức thêm cái bản mặt xiên xẹo những vết sẹo và đen nhẻm của lũ du côn. 

Những người qua đường tuy vắng vẻ, nhưng không phải là không có. Cả những bác tuần cảnh, cũng chứng kiến điều đó. Không ai can ngăn, không ai dám lên tiếng. Chỉ có người xem là họ và người biểu diễn là lũ đầu trâu mặt ngựa kia. Tiếng gào thét đến rát cả thịt, văng vẳng trong đêm tối nơi con phố Nishimari. 4, 5 tên lực lưỡng, dùng gần như mọi thứ có thể nhấc được xung quanh đó, đập lên thân xác gầy còm của Niran. Những chiếc thùng rác sắt, hay vài cái gậy gỗ mà người làm ra nó khá có tâm khi quên không bỏ những cái đinh ở đầu, cũng được áp dụng triệt để lên anh. Chúng bỏ đi trong sự chán nản, để lại cái thân xác tàn tạ của người con trai.

Đáng ra anh nên chết. Anh đã cầu nguyện chúng giết anh đi. Cuộc sống này còn gì đáng để anh có thể tiếp tục đây ? Cái mẩu bánh mì dính đất nằm dưới mặt đường kia ư ? Hay người cha mạt hạng bê bết lúc nào cũng sặc mùi cồn đang đợi ở nhà ? Thật đáng buồn thay, chả còn gì để anh cố níu giữ, bám víu vào mà tồn tại. Khuôn mặt bê bết máu me nằm lạnh trên mặt đường, anh khóc. Không phải vì đau, không phải vì khổ. Anh thấy tội nghiệp cho cái cuộc sống của anh, nó không còn ý nghĩa nữa, không còn mục tiêu nào để đi tiếp nữa. 

Cơn mưa rào cuối mùa đông lạnh buốt xương, rửa trôi những vết lấm lem trên mặt anh. Cảm giác đau rát ập đến, ê ẩm cả người. Lê lết trong cơn mưa, chẳng hiểu sao anh lại đến mộ mẹ. Anh quỵ xuống,  úp mặt xuống nền cỏ ấy, mà gào thét. Ước gì mẹ anh còn đây, anh muốn được một lần ấm ấp vòng tay ấy, xoa đầu anh, khen anh, hay nấu cho anh món súp đặc biệt mỗi chiều. Cơn mưa mỗi lúc một lớn. Nước sông dâng lớn, chảy xiết. Niran ngồi dưới gầm cầu. Lạnh lẽo và đói bụng, anh ôm sát cái cơ thể gầy còm trong chiếc áo khoác cũ sờn. Chiếc bánh mì mới mua đã bị rơi rớt dưới đường, may mắn sao anh nhặt lại được, bẻ đi những phần không thể ăn vẫn còn mẩu nhỏ. Bỗng tiếng rên ư ử của một con vật làm anh chú ý. Một con chó, già khọm. Nó lê xền xệt cái chân bị gẫy. Con vật tội nghiệp nhìn anh như van xin. Anh nhìn nó, nó cũng nhìn anh, lặng lẽ trong đêm ấy, chẳng một tiếng động nhỏ. Con chó gặm chiếc bánh mì ngon lành làm sao! Hẳn anh nghĩ như vậy khi nhìn nó. Cơn gió lạnh ập tới, đánh vào trong gầm cầu. Anh lấy cái thân tàn tạ ấy, chắn nốt cho con chó tội nghiệp, dù chưa chắc cái số phận của anh tốt đẹp hơn con chó ấy. Mọi thứ thật lạnh lẽo, mờ nhạt dần trong đôi mắt mệt mỏi ấy...

                                                     _________________________________

Bị những tia nắng nhỏ từng giọt ấm áp lên khuôn mặt, Niran khẽ gượng nâng đôi mắt nặng trĩu nhìn lên bầu trời xanh trong kia. Mặt trời đã lên gần đỉnh, nhưng bị che đi bởi hàng cây xanh rì với những cơn gió thoang thoảng khiến lá cây lay động như sóng rì rào. Đây không phải khung cảnh quen thuộc hàng ngày với hàng cây cuối thu rụng lá đượm buồn, xung quanh là những con phố nhỏ xám xịt và những con người cũng xám xịt chẳng khác gì cái cuộc sống thường ngày của họ. Niran đang ở một nơi nào đó, khác xa cái trí nhớ nhỏ nhoi về khu phố nghèo túng ấy. Nơi đây phủ một màu xanh tuyệt vời, với hàng ngàn chú chim bay nhảy ríu rít, cạnh anh giờ đây là một dòng suối nhỏ trong vắt. Anh muốn lê lết cơ thể nặng trĩu đến bên con suối cạnh đó, nhưng không thể. Cái mệt mỏi cộng đau đớn từ cơ thể không cho phép anh tiến lên nổi dù chỉ một bước. 

- A... Anh có cần giúp đỡ không vậy? 

Một giọng thanh thanh đầy sự ấp úng và khép nép lạ thường. Một người chùm áo khoác đen đứng gần đó, tay giữ dây cương ngựa. Thấy anh, người lạ mặt xuống ngựa, chậm rãi tiến tới và giữ một khoảng cách đủ gần anh. Hẳn là người đó đang nhìn anh. Niran đoán vậy, vì dù đang nằm giữa những cây cỏ xanh mướt dưới chân người đó, anh cũng không thể nhìn hết gương mặt  được. Nghe câu hỏi từ vị khách lạ mặt, anh khẽ gật đầu. Người lữ khách lạ mặt ấy bước tới gần anh hơn, theo một cách thận trọng thái quá, như thể có gì đó khiến hắn ta phải cảnh giác với anh vậy. Vị lữ khách cầm một bầu nước nhỏ, cẩn thận để dòng nước chảy nhẹ vào miệng Niran. Dù rất cẩn thận, nhưng Niran vẫn ho vì sặc nước. Cổ họng khô khốc được làm ẩm khiến anh cảm thấy rằng có lẽ mình còn sống. Lúc này, khi tiếng ong ong trong đầu bớt đi, anh mới đảo mắt nhìn xung quanh. Cảnh vật này đích thực không phải Osaka. Niran, cơ thể vẫn còn nhức nhối, ngước mặt lên hỏi:

- N...này anh gì ơi, nơi đây là đâu vậy ? 

- Hừm, có vẻ anh từ nơi khác đến hả? Quần áo của anh cũng chẳng giống thường phục ở các vùng lân cận chút nào. Đây là vùng đất của linh hồn và phép thuật, vương quốc Elenoria. Đây là vành đai Eleanor, một khu rừng chứa pháp thuật bảo vệ kẻ lạ mặt xâm nhập vương quốc. 

Lần đầu tiên Niran nghe thấy cái tên này, và anh chắc chắn rằng cái tên đó chưa từng được nhắc qua trong bản đồ Thế giới. Không, thứ quan trọng hơn, người lữ khách vừa nói đến hai từ "linh hồn" và "phép thuật" ư? Hai thứ đó có tồn tại à? Có quá nhiều câu hỏi lớn xoay quanh đầu anh. Nơi đây là đâu? Tại sao lại lạc tới đây ? Làm thế nào anh lạc đến đất nước này được ? Liệu ở đây có nguy hiểm hay không ? Anh sẽ về nhà được hay ở đây vĩnh viễn ? Câu hỏi ngày một dồn dập khiến Niran cảm thấy một sự tò mò kì lạ lấn át nỗi sợ hãi. Tiếng bụng réo kéo anh ra khỏi luồng suy nghĩ dồn dập. Người lữ khách giật mình khi nghe cái tiếng động kì lạ, rồi che miệng. Hẳn là người đó đang cười cái bộ dạng và khuôn mặt ngây ngô của anh. Rồi người đó lấy một chút lương khô từ trong túi đưa cho anh. Niran cảm ơn rối rít vị khách lạ mặt khiến vị khách kia tỏ ra khá lúng túng. Có vẻ chính vị khách cũng không gặp trường hợp kì quặc này bao giờ. Anh muốn hỏi thêm về thế giới mới này, nhưng người lạ mặt chào tạm biệt một cách vụng về và vội vã sau khi chỉ con đường cho Niran thoát khỏi khu rừng, trước lẩn khuất vào giữa rừng cây xanh rì. 

Niran nghe theo lời của vị lữ khách tốt bụng, đi thẳng theo một đường đất có rẽ cỏ. Không, chính xác hơn thì những ngọn cỏ đang tự rẽ lối đi cho anh bước. Đi, đi mãi, đi mãi, trời đã xế  bóng, và đôi chân anh cũng mỏi nhừ, thì những mái nhà thấp thoáng hiện ra. Thật là những cấu trúc cổ lỗ và kì quặc! Anh đánh giá chúng như vậy. Những mái ngói lợp đỏ chuyển màu cam vì mưa nắng, Những cái cột gỗ trông chẳng có gì vững chãi, bức tường làm từ những miếng gạch đá xám xịt, đường phố rải đều những đèn lồng lửa thắp sáng thay vì bóng điện. Cơn đói bắt đầu làm đôi chân anh mỏi mệt, mắt anh hoa lên, rồi ngã phịch xuống nền đất lạnh. A, có một mùi thật thơm, thật kì lạ, thật quyến rũ, đó là mùi của ổ bánh mì mới ra khỏi lò nướng, nóng hổi và béo ngậy. Mùi hương dẫn anh đến trước cửa một quán bánh mì nhỏ. Trước mắt Niran là những ổ bánh mì thơm phức, được ngước nhìn cái ổ bánh mì đó, trước bao nhiêu người qua lại, dán thật sát khuôn mặt mình vào cửa sổ, ép thật chặt đến mức cảm tưởng như cái gương trong suốt có thể xuyên qua được. 

- Anh đang đói hả ?

Giọng của một cô gái trẻ làm Niran giật mình. Hẳn đây là một quán bánh, và cô gái có mái tóc vàng buông xõa với thân hình nhỏ nhắn thu gọn trong chiếc tạp dề lớn quá khổ kia là chủ tiệm. 

- À không, tôi chỉ rẻ ngang qua, thấy chiếc bánh, ừm, cái ổ bánh đó, chúng trông thật ngon miệng. Xin phép, tôi cần phải ...

Lời nói lắp bắp của anh không cản được đôi chân đang ríu lại vì mệt mỏi. Mọi thứ bắt đầu xoay vòng, thật đau đầu. Anh lại ngã xuống lần nữa, nằm bất tỉnh ngay trước quán. Mọi cố gắng khiến anh thức dậy của cô bé đều không có hiệu quả. Cô đành nhờ người vác anh vào trong quán.

Cái mùi đó lại bay khắp nơi, Niran cảm nhận được chúng, anh ngửi thấy chúng. Đói, đói quá! Anh gắng gượng dậy, tập trung nhìn vào nơi cái mùi ấy bay lên. Trên bàn, một ổ bánh mì còn bốc hơi nóng hổi. Ngập ngừng hồi lâu, anh véo một mẩu nhỏ, ăn đại. Người chủ hàng đứng quan sát từ lâu, nhưng không nói lời nào. Khi anh giật mình nhận ra thì cái bánh mì cũng trọn vẹn trong cái bao tử rồi. Anh quỳ hẳn xuống, rập đầu lia lịa và không ngớt lời xin lỗi. Đáp lại anh, cô chỉ cười một nụ cười thật tươi:

- Anh đang đói, và anh ăn những món tôi nấu một cách thật ngon lành. Đó là điều tuyệt vời nhất dành cho một đầu bếp như tôi. Đừng quá chú trọng những cái dè dặt làm gì cả. Tôi là Mionir, chủ tiệm bánh nhỏ này. Mà có vẻ anh không phải người ở đây nhỉ ?  Ngay cả những thứ giống đồng tiền kia tôi cũng chưa thấy bao giờ. Hẳn là một quãng đường khá dài.

- Tôi, ơ, tôi,... Thật khó nói, tôi cũng không biết sao tôi lại ở đây. Cảm ơn cô về bữa ăn lần nữa. Xin lỗi đã làm phiền, nhưng liệu cô có thể cho tôi biết nơi nào gần đây có việc làm và chỗ ngủ không ?

Đó là một bản năng. Niran đã quá quen với sự lao động. Anh thích ứng rất nhanh, dù mới trải  qua lần đầu. Nionir cười tươi, chỉ vào tờ giấy cáo tuyển người của một xưởng rèn và nói :

- Sẽ vất vả, nhưng nếu có nơi nào tốt cho anh, hẳn là không còn địa điểm nào tốt hơn đâu. Nhưng tốt nhất anh lên ở lại đây hôm nay đã. Cơ thể anh có nhiều vết bầm tím lắm, cần nghỉ ngơi đấy. Dưới tầng kho còn một phòng trống trên mái để làm kho, hơi bụi bặm. Anh không chê chứ ?

Lời mời tốt bụng của cô chủ tiệm bánh khiến anh rơi cả nước mắt. Sau một ngày đầy sự việc kì lạ, anh nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say. Sáng hôm sau, Niran rời khỏi ngôi nhà nhỏ, bắt đầu tìm đến xưởng rèn sau những lời cảm ơn chân thành nhất có thể gửi đến cô gái tốt bụng. Ông chủ thợ rèn là một người lực lưỡng. Cái cơ thể đồ sộ đến mức khó tin khi anh nhầm ông với cánh cửa ra vào của xưởng. Gregor có sức mạnh cơ bắp, ông nâng những thanh thép khổng lồ thật dễ dàng chỉ với một tay, và cái ấn tượng nhất là chiều cao khủng khiếp của ông : Niran cao ngang bụng ông chủ lò rèn. Cái cách nói của Gregor cũng thật khác thường. Giọng ông vang vọng, mạnh mẽ, nhưng lại khô khan như cơn gió khô hanh xát vào da :

- Hử? Thằng nhóc, nhầm địa chỉ  ? Đây không phải nơi trông trẻ đâu, về nhà đi thằng hôi sữa.

Đó được coi như lời chào thân mật nhất đối với những kẻ phá quấy công việc của Gregor. Cái xưởng mang tên ông được khắc trên khắp các bộ giáp tốt nhất của kinh thành, là niềm tự hào của ông và cả ngôi làng nhỏ bé này. Đó chính là lí do vì sao ông cảm thấy khó chịu.

- Chào ông chủ. Tôi tên Niran. Tôi đến để xin làm việc. Xin hãy cho tôi làm việc, ông chủ. Xin hãy ...

Lời nói thành khẩn của anh bị ngắt quãng bởi một cú đấm phủ đầu chân tình của ông chủ tương lai. Cả cơ thể anh bay thẳng một đường, đập vào bức tường nghe răng rắc. 

- Đây không có chỗ cho lũ trẻ nít quấy phá người lớn, nhóc ạ. Muốn làm ? Tao chưa cần cái miệng mạnh. Xéo, khuất mắt tao. 

- Tôi làm được. Ông chủ, hãy cho tôi làm thử. Ông sẽ có cái nhìn khác đấy.

Tay lau vết máu đang chảy từ khóe miệng, anh hùng hồn tuyên bố với Gregor như đang thách thức ông. Người thợ già nhìn anh bằng nửa con mắt, rồi khoái chí cười giòn giã. Có người nói cách cười của ông thật kì quặc, nhưng rất mạnh, có gì đó rất sang sảng, rất khí chất. Ông ngồi xuống chiếc ghế, miệng vẫn không ngớt tiếng cười sặc mùi mỉa mai:

- Mày ? Làm ? Gurararararara ! Thật nực cười ! Cái xưởng này chư xập xệ đến mức cần thiết một thằng nhóc làm đâu. Nhưng này, xưởng ta có một chỗ rất lí tưởng đấy. Thấy góc đằng kia, thấy không ? Cái góc của bà vợ tao đấy. mày, có thể ở lại, nhưng có điều xưởng tao thiếu người giặt quần áo. Mày có phiền tránh ra để tao làm nốt cái hợp đồng chết tiệt kia không ?

- Tôi sẽ làm. Tôi có thể làm được. Ông chủ, chỉ cần ông cho tôi một cái mái che mưa gió và chút lương thực, tôi sẽ làm.

Đó là điều có thể nói là lạ lùng nhất mà Gregor có thể nghe thấy. Một thằng đàn ông, mang cái thân nam nhi, ít nhất cũng phải có một chút thể diện, hay chút lòng danh dự vương vấn lại trong cái đầu kia. Vậy mà, cậu thanh niên trước mặt ông, hắn đang nài nỉ ông cho hắn làm công việc của đàn bà phụ nữ, suốt ngày la ó chuyện bếp núc và ăn vụng. Ôi, hẳn là Thượng Đế đã trêu đùa khi cho ông sống đủ lâu để gặp một chàng trai kì quặc này. Gregor không cười nữa, cũng là lần đầu ông nhìn kẻ khác với một con mắt bớt khinh miệt hơn. Ông túm cái lưng anh, lôi anh xềnh xệch vào nhà. Cảm giác cũng khá đầm ấm tình thương của một ông chủ lạnh lùng nếu như việc đó đơn giản là chào mừng anh đến căn nhà mới. Đáng tiếc, anh bị nhốt trong một cái lồng sắt và đương nhiên là không chung một mái nhà với bác thợ rèn tốt bụng kia, cùng với một con chó lông xù đen óng.

Buổi sáng, Gregor mở cái lồng, bắt anh giặt giũ một lượng quần áo không tưởng với kích thước cũng không thể tưởng tượng nổi. Mùi mồ hôi cộng với bùn đất, dầu mỡ váng nhòe mặt nước mỗi khi anh vò. Thật kinh dị! Nhưng anh thích cuộc sống này. Nó thật an nhàn. Ít nhất là so với trước kia, không còn nỗi lo toan sớm tối, không cần suy nghĩ chắt chiu những đồng xu lẻ tẻ cho bữa cơm ngày mai, đặc biệt hơn là không có ông già nát rượu càu nhàu cáu gắt mỗi đêm dài. Ở đây, sáng giặt quần áo, chiều giặt quần áo, tối cũng giặt quần áo. Gregor luôn tắm sau mỗi buổi làm việc, nên số quần áo phải giặt là luôn luôn có, luôn luôn sẵn sàng đợi Niran. Sau mỗi lần giặt giũ, anh được ông chủ đưa cho một bát cơm gồm thịt, rau, canh hỗn tạp. Nghe có vẻ bình thường, nhưng với anh, nó là những bữa cơm nhỏ nhẹ và ngon nhất anh có thể nhớ được. Gregor rất ít khi nói chuyện. Ông chỉ hay giục anh giặt cho nhanh để còn làm việc. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng làm, trưa làm , tối cũng làm. Những công việc chất lên nhau còn cao hơn cả ông ấy. Công xưởng chan chát tiếng búa, tiếng cưa , tiếng hàn, điều duy nhất giúp anh đỡ cô đơn là con chó xù nằm cùng " phòng " và cô con gái Meledy suốt ngày ra xem anh giặt giũ quần áo của lão già khọm chỉ biết rèn với rèn kia.  

Một ngày nắng nhẹ, tiết trời mát và có chút se se lạnh. Một buổi sáng giặt giũ sắp tới. Anh ngồi dậy, tự nhủ sao mãi Gregor chưa mở cái lồng sắt này. Đã quá giờ làm một chút. Cái bóng đen vĩ đại đã tới với một thanh kiếm có chuôi chạm khắc khá đẹp. Ông đặt thanh kiếm lên bàn, rồi dùng tay không xé nát cánh cửa lồng sắt nơi Niran đang ở trong. Có thể nói gì hơn ngoài việc run như tắm trong ngày đông giá lạnh đây ? Khuôn mặt Gregor nghiêm nghị lạ thường dù bình thường ông cũng chẳng mấy khi biết đùa.

- Nhóc, hôm nay nghỉ. Cậu là một thằng khờ, khờ nhất trong số những thằng khờ ta gặp trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời. Có lẽ đó lại hay, khi nghiễm nhiên có thêm một tên phục vụ giặt quần áo, Gurarararara.

Cách cười vẫn thật mạnh mẽ như khi Niran mới gặp ông, dù Gregor pha trò dở tệ. Nhưng Niran cũng vẫn cười, một cách nào đó thật gượng gạo:

- Ông chủ, ý ông là sao ? Tôi làm không được tốt ạ ? Tôi vô cùng xin lỗi, thực sự thì ...

Lời nói của anh lại bị ngắt quãng, một lần nữa, cũng bằng một cách tương tự như lần đầu, một cú đánh của Gregor. Lần này, anh đã nhìn thấy, bắt kịp được ông, nhưng cú đấm dù được chặn bởi hai tay anh cũng vẫn làm Niran giật lùi về sau. Hậu quả của việc cắt lời người lớn chăng ? Có lẽ sau này anh sẽ phải đòi thêm tiền chữa trị thương tổn về thể xác và tinh thần, nếu như vương quốc này áp dụng chúng. Gregor lại cười, cười đến tứa cả nước mắt. Cười phát chán, ông nhấc bổng thanh kiếm lên, vuốt ve nó: 

- Thanh kiếm đầu tiên của cuộc đời thợ rèn, thật đáng hoài niệm. Ta đã rèn cái thứ này để nhà vua luyện kiếm lúc nhỏ. Hắn cũng vui tính lắm, kéo lê cái lưỡi kiếm mà cố nhấc mãi không lên nổi.

Gregor lại cười. Ngày hôm nay ông cười thật nhiều. Chắc hẳn có gì vui ? Niran cũng chẳng biết. Gregor bắt đầu huơ thanh kiếm lên, rất mạnh và chắc. Ông nhấc lên rồi lại hạ xuống, xem chừng khá hứng thú. Rồi bất chợt, thanh kiếm bay khỏi tay ông, lao thẳng vào chàng giặt quần áo. Thanh kiếm sượt qua mặt anh, găm sâu xuống nền đất, ngập đến gần nửa lưỡi kiếm. Ôi nó mà lệch thêm tí nữa liệu anh còn ở đây mà ngạc nhiên không ? Niran tự nhủ như vậy.

- Thử thách đầu tiên, rút nó ra khỏi đất và nhấc bổng nó lên. Làm được, mày sẽ mang tên tao trên lưng. Nếu thất bại, tiếp tục với cái góc quen thuộc. 

Lời nói lạnh lùng nhưng cũng đủ hiểu. Niran cầm thật chắc cái chuôi vàng óng của thanh kiếm. Nặng quá ! Lại ngập sâu ! Anh gồng hết sức kéo thanh kiếm ra khỏi nền đất. Thanh kiếm thẳng đứng, không chút nhúc nhích trước những cố gắng của anh. Mỗi một giờ trôi qua, sức lực của anh ngày một lụi dần, giống như niềm tin đánh bật cái cục sắt chết tiệt kia ra khỏi mặt đất đang tắt ngúm theo dòng thời gian vô định.

"À, thật là một đêm đầy sao.". Niran nhìn lên bầu trời lạnh lẽo. Thanh kiếm có lẽ có nhúc nhích. Có lẽ vậy, hoặc anh đang tự an ủi cái công sức bỏ phí vô ích kia. Trời đã tối mịt, những cơn gió lạnh lẽo heo hút thổi qua gương mặt anh. Lạnh vì cơn gió, hay vì khuôn mặt thẫm ướt nước này đang tái đi trước sự hà khắc của thời tiết ? Niran không biết, anh cũng không cần biết, mắt anh cứ nhạt nhòa dần đi, cho đến khi mọi thứ tối dần và đen hẳn.

Tiếng chim ríu rít nghe đâu đó gần đây. Lại là những tia nắng nhỏ phiền phức. Niran quay người đi, tránh cái ánh nắng cuối mùa đang chiếu lên cơ thể. Anh đã ngủ quên trên thềm đất từ bao giờ, cho đến khi ánh bình minh chiếu sang trên  mảnh đất này. Ngủ cũng tốt, quên đi cũng tốt. Anh sẽ tiếp tục quay về với cái chậu lớn kia, tiếp tục vắt mạnh, vò những bộ quần áo khét mùi than nóng ám vào sâu đến mức như thể nó là dấu hiệu cho cái xưởng này. Lười quá, chả muốn dậy nổi, hay cứ nằm đây luôn ? Đằng nào ông già chủ xưởng cũng không thấy kêu ca mà ? 

Anh nhắm mắt nhưng đầu óc cứ mông lung những thứ không đâu vào đâu, lộn xộn quá. Rồi ngay trong lúc ấy, như thể đáp lại nguyện ước của anh, tiếng bước chân nặng nề tiến đến gần anh mà cười :

- Gurarara, tội nghiệp thằng nhóc con. Tao biết cũng buồn đấy nhưng quá giờ khởi động rồi nhóc. Dậy!

Anh nằm im, không nói năng, nhúc nhích một li. "Hmmmm...", Gregor vuốt bộ râu trắng, mắt nhìn đăm chiêu vào cậu thanh niên. Thực ra đây cũng là thử thách quá sức với cậu ta, ông thấy vậy. Tiếc là lão chỉ nghĩ đến rèn, hàn, tiếng búa, tiếng bay, hơi nóng của than hồng và hơi nước cay xè, chứ chả có nhiều kinh nghiệm trong việc dỗ trẻ. Lão bắt đầu bóp trán, lần đầu tiên lão phải suy nghĩ nên nói điều gì với người khác. Có lẽ chính bản thân lão cũng khó chịu với cái suy nghĩ trong đầu lão, nên lão ngồi xuống. Gregor ghét vận động đầu óc. Điều này làm lão phát ốm. 

- Tao không thuê mày ăn vạ, nhóc à. Cuộc đời không vấp ngã thì đó không phải là cuộc đời đáng sống. Phải có ghập ghềnh và ngã đau, sau đó đứng lên mà đi tiếp. Đó mới là sống. Giờ thì mày muốn đứng dậy, hay nằm đó như con nít bị giành kẹo? 

Ôi nghe cái giọng lão mà buồn cười. Lão nói vấp váp, vồ vập đến mức nghe thật ngượng nghịu. Niran quay ngược người lại. Trên khuôn mặt đó, vẫn trượt dài vết nước mắt. Anh khóc. Ôi, thật xấu hổ! Khóc vì những điều thật ngớ ngẩn làm sao ! Anh lấy tay che chúng, những giọt cảm xúc chân thật nhất mà anh tạo ra. Gregor đưa cánh tay to lớn hướng về phía anh, hướng ánh mắt nhìn ra chỗ khác, che đi cái vẻ mặt kì quặc với cái ngón tay chóc chóc vào má:

- Đứng dậy, nhóc. Sao lại phải che dấu những giọt nước mắt ? Chẳng có gì sai khi biểu lộ cảm xúc cả, Niran. Nên nhớ, không có sự yếu đuối và xấu hổ đằng sau những giọt nước mắt. Chính những ai có thể để rơi những những cảm xúc kia ra ngoài mới là kẻ mạnh mẽ. Nào, tay ?

Anh cười. Hàng nước mắt cứ giàn giụa trào ra. Cười vì cái sự ngượng nghịu của lão già Gregor cũng có, mà cái cảm xúc đang chất đầy trong anh cũng có. Chưa bao giờ trong đời, Niran cảm thấy anh sinh ra để sống cái cuộc đời này. Đã bao lần anh ước nó ngừng lại, để không phải gánh chịu thêm bất cứ nỗi đau nào nữa. Nhưng  bàn tay to lớn đầy chai sạn ấy đã giang ra kéo anh khỏi bờ vực tuyệt vọng ghê tởm. Có lẽ nơi này là nơi bắt đầu lại, cho cuộc sống của anh.

- Anh đang khóc à ? Ba bắt nạt anh ấy nhá nhá. Con biết rồi nhá nhá. Con méc mẹ, mẹ cầm roi đánh ba cho xem.

Meledy ngạc nhiên hỏi một cách ngây ngô khi thấy Niran mắt còn hơi đỏ ngồi cười bên cạnh bố. Thật là một cô bé dễ thương. Gregor bế cô con gái tinh nghịch của mình lên, quay vòng vòng mà nói nựng:

- Nào nào, ai là cục cưng của ba nào ? 

Niran nhìn không chớp mắt. Nhìn mặt anh cũng hiểu, anh đang ngạc nhiên đến mức không điều khiển nổi quai hàm đang há hốc của mình. Có lẽ dẫu là quái vật, thì Gregor cũng là một ông bố, anh tự nhủ như vậy để lí giải hành động và lời nói chả mấy ăn khớp với thân hình đồ sộ và cả những lời khuyên răn triết lí kia. Lão vừa chơi với Meledy, vừa lườm anh thật đáng sợ. Bằng cách nào đó, lão vừa chơi với con, vừa áp sát gần anh, thì thầm tâm tình:

- Mày có 5 phút để chạy và đừng có để tao bắt được, nhóc con. 

Có vẻ dù bàn tay đã cố che miệng, nhưng điệu bộ của lão lúc nhảy múa cùng cô con gái đã tạo chất xúc tác cho tiếng cười kia bật ra thành tiếng. Điều đó thật không hay chút nào. Lời dọa nạt có hiệu lực ngay tức thì. Niran cắm cổ hướng ra cửa ngoài. Anh nghe rõ tiếng gọi giật lại của lão, làm anh bất giác phải xoay người lại. Một túi tiền bay thẳng vào người anh. 

- Đi vào thị trấn, bên phải. Thấy có hội hiếc gì đó đông lắm. Vào đó thì may ra tao không bắt được mày đấy, thằng ôn.

Sau cùng, lão cũng không che dấu được cái bản chất của lão. Cũng là một người cha mà thôi. Thoáng trong đầu anh hiện lên một kẻ say khướt, những cơn say không bao giờ tỉnh và những câu hằn học khô khốc. Chỉ thoáng qua thôi, Niran bỗng chốc quên đi, rồi men theo con đường trải đá đi vào thị trấn như thể chưa từng có gì vừa xảy ra.

















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro