gaara bão cát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

hình tượng của những hạt cát trong mắt tôi không phải là một hình tượng mang đến các loại cảm giác bình phàm như hỷ nộ ái ố... nó là hiện thân cho những biến thiên trong trời đất, sự hủy diệt và tàn tích, sự phiêu tán và điêu linh. chẳng nói đâu xa, người việt nam với bản tính nho nhã của mình vẫn thường thay cho "cái chết" một cụm từ đồng nghĩa là "trở về cát bụi" đó thôi.

không phải ngẫu nhiên mà sa mạc lúc nào cũng trông như góa bụa. sự thênh thang của không gian kết hợp với những biến hóa mãnh liệt theo thời gian giúp sa mạc khoác lên mình một dáng vẻ cô liêu, hoang hoải. tựa hồ nó đang mất một thứ gì không thể nắm giữ, và những điều vô giá cứ trôi tuột qua kẽ tay như một nắm cát cạn dần.

sự mất mát không thuần túy là một cơn đau bất định ngày hồi phục. sự mất mát còn là những bất lực bẽ bàng. và điều tối hậu, nó mang đến nỗi cô độc nhiều hơn hết thảy mọi bi kịch còn lại trong đời.

gaara là một con người cô độc. kể cả sau khi cậu gặp được naruto, tôi vẫn giữ quan niệm ấy bởi lần đến cùng cái đầu mối yêu thương, ta cũng không tìm đâu được sự thấu cảm tuyệt đối. con người dầu có bao nhiêu tri kỷ vẫn sẽ không được thấu hiểu hoàn toàn, nhất là những con người phải chịu đựng những nỗi áp bức chỉ bản thân mới hiểu. phần vì họ khăng khăng giữ riêng cho mình những góc khuất không người chạm tới, và tuyệt nhiên là gaara luôn cô độc như một lẽ thường tất phải. hẳn rằng sẽ có nhiều người tìm thấy sợi dây liên kết đầy manh mỏng nhưng kiên định kết nối chính mình với sự cô độc của cậu ta, tôi cũng không ngoại lệ. thực tế chứng minh rằng sợi dây ấy là tinh thần đồng cảm. vì bằng một cách nào đấy thì nỗi buồn muôn đời nay luôn dễ đồng cảm hơn niềm vui, không phải sao?

tôi muốn dành những lời tán thưởng cao quý nhất cho người đã nhào nặn hình tượng gaara gắn liền với cuồng phong sa mạc. điều này thể hiện nhân vật có được một sự thông hiểu am tường đến từ người sáng tạo. bởi như tôi đã phân tích, cát là tượng trưng của sự mất mát. còn thực thể nào hòa hợp với gaara hơn cát? và còn ai hợp với cát hơn một người từ khi sinh ra đã gánh phải mệnh số đơn côi?

không chút lòng thương, cái bóng của sự mất mát đã đè nặng gaara ngay từ lúc lọt lòng. đó là một đêm lâm bồn kỳ lạ: đứa trẻ mặc nhiên không một lời kêu khóc, còn những người xung quanh đã lệ trào tức tưởi; đứa trẻ chưa kịp mở mắt chào đời, người mẹ của nó đã vội khép mi từ giã cõi đời.

nghịch cảnh được đà, liền cứ vậy mà tiếp diễn. trên cái phông nền triền miên bão cát, gaara là vai chính của những vở bi kịch nối tiếp nhau chất chồng như trời đọa. vở kịch đầu tiên mang tên tình bạn - nó hạ màn bằng tiếng lòng vỡ mộng của kẻ hằng nuôi vọng tưởng được hòa nhập bị xã hội khước từ bằng một cái đóng cửa phũ phàng. vở kịch thứ hai mang tên tình thân - nó khai màn vào lúc trái tim của kẻ lữ hành đã ngưng tìm kiếm những "liều thuốc" bên ngoài, vào lúc gaara đã chấp nhận mình chỉ còn huyết thống làm điểm tựa. bất chợt tất cả lại sụp đổ. cái đêm oan nghiệt cậu trót giết yashamura là thời khắc ấn định những gì từng thuộc về cậu rồi sẽ bị tước bỏ, bị băng hoại, rời bỏ cậu từng chút một. trái tim của con quỷ ngã ái la bị xén nhỏ thành từng hạt cát, rơi vãi dưới ánh nguyệt lạnh lùng.

suốt thời kì tăm tối bị lưu đày vào kiếp quỷ, cậu đã lầm lạc trong bi phẫn và lấy giết chóc làm lý do tồn tại của mình. những hạt cát lúc bấy giờ như kẻ đồng lõa bảo bọc lấy tên chủ mưu là cậu, cùng cậu gây ra bao tội ác. nhưng đồng thời, chúng cũng vùi chôn cậu trong cỗ quan tài của sự sa ngã độc cô.

tôi không trách vị kazekage đệ tứ năm ấy sống tận hiến vì làng, hy sinh đến cái hồn thơ của người con ruột thịt. về mặt logic mà nói, cách làm ấy có hiệu quả, có mang lại lợi ích. nhưng cũng có tàn nhẫn, có bất công. luật lệ nào đã định một đứa trẻ nên chịu đựng sự bạo hành về tinh thần lẫn thể xác vì an toàn của cộng đồng chung? hãy xét lại: một cộng đồng nhẫn tâm đến mức chấp nhận sống dưới sự bảo hộ có được từ máu và nước mắt của kẻ bất hạnh bé nhỏ ấy thì có xứng đáng được bảo hộ? và vị kage, và người bố trên cây phả hệ, có thực là đang làm việc công tư phân minh? hay chỉ đơn giản là lãnh đạo bằng biện pháp cực đoan dưới tư cách một kage, và tàn hủy cả trái tim con cái dưới tư cách một người bố? câu hỏi này đặt dưới góc nhìn lý tính, thì dễ dàng trả lời. nhưng đặt dưới góc nhìn cảm tính, mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối mà cốt lõi là sự xung đột giữa các giá trị đạo đức, cụ thể là cán cân giữa gia đình và nghĩa vụ.

để có thể hiểu cho cái hành động bất nhẫn của rasa - bố của gaara, ta hãy thử trả lời câu hỏi: "giữa việc tự mình hủy hoại con trai mình và việc đứng nhìn an nguy của làng bị hủy hoại, ngươi sẽ chọn vế nào?".

nó làm tôi nghĩ đến một câu nói, "sao phải chọn nếu bạn có thể có cả hai?". nghĩa là, để tránh khỏi vế thứ hai - "đứng nhìn an nguy của làng bị hủy hoại", tôi cùng lúc xin tránh luôn vế thứ nhất - "tự mình hủy hoại con trai mình". bằng cách nào? đáp án này vị kazekage quá cố của chúng ta đã tìm ra trong lần cuối cùng gặp con trai mình qua thuật tạp giới chuyển sinh, đó là lòng tin! tin rằng đứa con ấy không phải một món đồ vật, một món vũ khí vô tri cần người có trí khôn kiểm soát và sử dụng, mà nó có thể tự ý thức và bảo vệ những điều quan trọng với chính mình. tin rằng trẻ em cũng có cho chúng những lý tưởng riêng và sở hữu một nguồn sức mạnh đủ để thực hiện lý tưởng ấy theo cách của chúng.

lòng tin. nghe thì đơn giản đến nực cười, nhưng những bậc cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng đặt lòng tin vào con cái. sự độc đoán của cha mẹ là đáng gờm! họ thường bám vào luận điệu rằng con cái là những sinh vật yếu ớt, cần người nào đó quyết định thay chúng mọi thứ, kể cả phải thao túng tâm lý đối phương như cái cách rasa làm với gaara - từ đầu chí cuối chưa từng quan tâm đến cảm nhận và ý kiến của con mình. bởi họ hoàn toàn không tin tưởng những đứa "trẻ người non dạ" này có thể gánh vác trách nhiệm quyết định đời mình hay đủ sức mạnh để bảo vệ một ai.

(liên hệ đến một trường hợp: nếu vị kazekage đệ tứ lúc bấy giờ có thể như tsunade của làng lá, tin tưởng vào naruto, chấp nhận cho cậu ấy ra tiền tuyến, tự do quyết định cách sống của mình thay vì thao túng và kiểm soát, dù bên trong cậu là vĩ thú - một mối nguy hiểm tiềm tàng, thì có lẽ mọi chuyện đã rất khác).

kể cả người vĩ đại nhất cũng có khuyết điểm, và tôi cho rằng cái nhìn hủ cựu trên là một sai lầm phổ biến ở những đấng sinh thành cao thượng của chúng ta. sai lầm ấy có thể làm cho một đứa trẻ bị khuyết tật tâm lý, không thể tự lập hay thậm chí kích thích sự nổi loạn. mà ở trường hợp của gaara, hệ quả dâng cao đến đỉnh điểm: bóp méo nhân sinh quan của một con người. gaara đã phải trả giá cho sai lầm của bố mình. từ một con người trở thành ngã ái la - một con quỷ chỉ biết yêu bản thân mình.

nam cao viết, "nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả". tương tự vậy, con người ta không yêu ai được, chỉ vì không được ai yêu. trải nghiệm của gaara vào cái ngày oan nghiệt ấy là quá tầm đối với một đứa trẻ. nếu trong quãng đường tăm tối năm xưa, người phụ thân của cậu có thể có thể cho cậu nhiều hơn một ánh nhìn lạnh nhạt. thì biết đâu, tâm hồn của đứa trẻ ấy sẽ giảm đi một chút đớn đau, sa mạc trong lòng gaara cũng nguôi ngoai một lần bão tố.

nhưng như những cồn cát cứ thay hình đổi dạng trên sa mạc, mọi sự lại biến thiên một lần nữa. cuộc đời là một kẻ thích chơi khăm, mới giây trước còn giày vò ta đến thân tàn ma dại, mà giây đã sủng nịnh ta ngang ông chúa bà hoàng. con tạo đối với gaara đành rằng chẳng chút dịu dàng nhưng cũng công bằng như ai. đó là khi naruto cả gan bước vào tâm bão của gaara mà lật đổ cái pháo đài chấp niệm của cậu, cho cậu thấy những điều cậu đánh mất tự rất lâu rồi - tình yêu thương, tình bạn hữu, cái thiện, và lòng tin. một cách không kiêng dè, ánh nắng của làng lá soi chiếu tới kiệt cùng những tầng địa chất của làng cát, kéo theo một cơn mưa rào tưới tắm cho loài cây gai góc đơm hoa.

có thể nói naruto như một cơn gió xuân quét sạch nhưng tơ giăng trong cõi lòng cằn cỗi của gaara, khấp khởi bay đến lật giở quyển sổ thiên mệnh của gaara sang trang mới và ướp vào đó những hương đồng cỏ nội. để từ một kẻ bị cả làng ruồng rẫy, cậu trai năm nào ngồi vào bàn họp của ngũ đại kage, danh vang tứ phía, tiếng lưu muôn đời. những hạt cát giờ đây là hóa thân của người mẹ hiền mà cậu chưa một lần gặp mặt, che chở cậu thập toàn thập vẹn, cùng cậu trải mùi khói lửa, nếm vị chiến chinh, giữ gìn thay cậu cái lòng chính nghĩa, bạn bầy. dẫu cát vẫn là hiện thân của sự mất mát, nhưng gaara thì đã không còn cuồng loạn đau thương. cậu không còn là một ngã ái la khát máu và đấu tranh cho bản thân mình. gaara của hiện tại: ngài kazekage đệ ngũ đấu tranh cho hòa bình bốn biển. quá khứ chống đỡ tương lai, cậu dùng cát trấn giữ quê hương, biến sự mất mát thành sức mạnh để bảo vệ điều mình đang có - những miên trường sa mạc, nơi cậu trị vì, nơi có các dân làng và đồng đội tin tưởng đặt cả mạng sống của họ vào tay cậu.

thế mới biết chỉ cần có một người chịu đặt lòng tin ở mình, duy một người thôi, cũng đủ cho ta đội trời đạp đất mà đứng vững giữa sơn hà, làm nên bao điều kì vĩ mà trước nay ta chưa từng nghĩ đến. tin tưởng lẫn nhau - sự liên kết của người với người có lẽ đến thế thì thôi.

tôi không phủ nhận, tôi viết bài này với bảy phần cảm tính. vì cái văn hứng cũng như thi hứng, rất dễ nảy nở khi tiếp xúc với những số phận và con người oan trái. nhưng có một sự thật không thể chối bỏ, gaara bão cát là một hình tượng toàn bích, không thể thay đổi, không thể căn chỉnh. cứ như cát sẽ không thần phục ai ngoài gaara, và gaara cũng không thể sử dụng một nguyên tố tự nhiên nào ngoài cát. sự đồng nhất gần như hoàn hảo giữa cát và người con sinh ra từ sa mạc đã tạo ra những điểm tương giao đầy thú vị trong hành trình phát triển và khắc họa chân dung nhân vật.














Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro