Văn hóa ẩm thực của người Việt đặc biệt đến mức nào?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối cùng thì một ngày làm việc mệt mỏi cũng đã kết thúc. Mai là cuối tuần rồi, trước khi kịp lên kế hoạch cho một ngày xả hơi thì bạn phải điền no cái bụng mình bằng một bữa ăn thật ngon chứ nhỉ. Nhưng nên chọn món gì đây? Quây quần với hội bạn bên nồi lẩu nghi ngút khói? Bắt một chuyến xe đến hàng bún chả gần nhất chén một bữa thật no? Hay ghé đến phố ăn vặt để thưởng thức bữa tiệc bánh giò, bún riêu, bánh rán? Ôi, khó chọn quá đi mất!.

Có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh này không? Và liệu bạn có giống tôi, thắc mắc vì sao ẩm thực Việt Nam lại phong phú đến vậy? Nếu có, thì hãy cùng tôi bước chân lên chuyến tàu đi khám phá ẩm thực trên toàn Việt Nam để tìm ra lý do nhé!

"Người Việt không nhận ra những món ăn có giá thành hết sức rẻ của họ có tiêu chuẩn ẩm thực cao đến thế nào" Đây là một lời khẳng định chất lừ của vị đầu bếp số một thế giới Gordon Ramsay về ẩm thực của Việt Nam. Và hoàn toàn không ngoa khi ông đánh giá cao như vậy về ẩm thực Việt.

Đặc trưng của ẩm thực Việt Nam là sự dung hòa trong cách pha trộn nguyên liệu. Không quá cay, quá ngọt hay quá mặn mà đạt đến một độ đậm đà khá hoàn hảo. Các nguyên liệu gia vị để chế biến món ăn rất phong phú. Bao gồm nhiều loại rau thơm, gia vị thực vật, quả hoặc lá non.

Ngoài ra, lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam, cùng với đó là 54 dân tộc anh em. Chính khác biệt về vị trí địa lý đã tạo nên nét riêng biệt đặc trưng trong ẩm thực của từng vùng miền. Đơn giản chỉ một món bánh cuốn, người Hà Nội dùng bánh cuốn nóng và giò chả kèm với một bát nước mắm vị đậm đà, người Cao Bằng lại dùng nước hầm xương pha cùng nước mắm, thả ngập chả và thịt; còn bánh cuốn miền Trung lại tạo nên sự khác biệt bởi Ram cuốn chặt tay, bên trong có nhân thịt lợn băm nhỏ, hành, miến và ngò tàu...Cùng một món ăn, qua mỗi vùng lại được điều chỉnh một chút về hình thức và hương vị, tạo nên những màu sắc đặt biệt trên khắp Việt Nam.

Nhiều du khách nước ngoài nói vui rằng, khi đến Việt Nam họ cảm thấy khỏe hẳn ra, bởi họ được thưởng thức những bữa ăn rất nhiều rau nhưng không hề chán ngán. Quả đúng vậy, văn hóa ăn uống của Việt Nam rất chuộng rau (luộc, xào, làm dưa, ăn sống), ăn kèm với nhiều loại nước canh đặc biệt là canh chua, trong khi đó số lượng các món ăn có dinh dưỡng từ động vật thường ít hơn. Những loại thịt được dùng phổ biến nhất là thịt lợn, bò, gà, ngan, vịt, các loại tôm, cá, cua, ốc, hến, trai, sò,... Ngoài ra, món ăn chế biến từ những loại thịt như chó, dê, rùa, rắn, ba ba,... thường không phải là nguồn thịt chính, nhiều khi được coi là đặc sản và chỉ được sử dụng trong một dịp liên hoan, tiệc nào đó với rượu uống kèm.

Bên cạnh đó, món chay cũng chiếm một vị trí không nhỏ trong văn hóa ẩm thực của người Việt, thường dành cho một số dịp đặc biệt theo đạo Phật, hoặc dành cho những tu giả Phật giáo. Tuy vậy, trong cộng đồng thì không có quá nhiều người ăn chay trường, chủ yếu là các sư thầy trong các chùa, những người theo chủ nghĩa ăn chay hoặc người bị bệnh nặng buộc phải ăn kiêng. Thú vị nhỉ.

Nhưng, nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Việt không đơn thuần chỉ là sự đa dạng món ăn, mà còn là cách họ thưởng thức nó nữa. Cách ăn uống, phép tắc ăn uống, cách chế biến thực phẩm, cách chọn thực phẩm của người Việt biểu hiện đặc tính, cách suy tư, cũng như mối quan hệ giữa con người với nhau và cả giữa con người với thế giới thần thánh và ma qủy. Nghe có vẻ hơi khó hiểu, nhưng gượm đã, hãy để tôi giải thích. Nếu là người Việt, hoặc sống ở Việt Nam trong thời gian dài, hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với từ "kiêng". Mùng 1 âm lịch mỗi tháng cần phải kiêng mực, thịt chó, ốc,...Ăn cơm xới vừa đủ bát, không được cắm đũa thẳng đứng trong bát bởi đó là cơm cúng. Chuẩn bị đi thi thì né trứng và chuối ra. Nghe quen chưa nào!

Những điều nhỏ ấy có thể không được để ý và suy ngẫm quá nhiều nhưng chắc chắn chưa bao giờ nó bị bỏ quên và xem nhẹ. Chúng ta thực hiện nó nhiều đến nỗi đã trở thành một bản năng. Và đó chính là sự đặc sắc trong văn hóa ăn uống của người Việt!

Bạn biết không, đối với người Việt, một trong những thước đo để đánh giá về phong cách, giáo dục và đẳng cấp của một người là cách ứng xử của họ trên bàn cơm đấy! Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng của từng người, của từng gia đình, của từng cộng đồng dân cư và của cả xã hội. Nhưng đương nhiên, chúng ta cũng sẽ có những quy tắc chung. Việc ăn thành mâm, sử dụng đũa và đặc biệt trong bữa ăn không thể thiếu cơm là tập quán chung của tất cả các dân tộc sinh sống trên đất Việt. Thêm vào đó, mời người lớn tuổi, có vai vế cao hơn dùng bữa trước, khi ăn uống không gây ra tiếng động lớn, một tay nâng bát để ăn,... là những phép tắc dùng cơm cơ bản mà gần như bất cứ gia đình truyền thống nào cũng tuân theo.

Nếu muốn khám phá chi tiết về những đặc sản cũng như nguyên tắc dùng bữa của từng tỉnh thành trên khắp Việt Nam thì quả thực là không thể cho một bài viết. Chúng ta đành tạm dừng chuyến đi này lại và hẹn nhau vào một ngày khác, để khám phá ẩm thực của toàn Việt Nam bạn nhé! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bí#vị