ngày nằn mưa thưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều thứ bảy, Viễn tới sân quần vợt nhưng thấy không hứng thú như mọi lần. Anh quàng chiếc túi đựng cây vợt đắt tiền lên vai, vào quán cà phê bên cạnh sân. Quán đông, khó khăn lắm Viễn mới tìm được một chỗ tương đối thoải mái ngó ra hồ tắm. Nghe nói trước năm 1975, đây là khu vui chơi dành cho những người giàu có, thế lực. Giờ, khung cảnh không khác mấy, nhưng người đến đây thuộc đủ thành phần, đông nhất là những người có thân nhân ở nước ngoài gửi "thùng" về hàng tháng hoặc những "cô chiêu, cậu ấm" chờ xuất cảnh...

Viễn gọi ly cà phê đá. Xuyến xinh tươi trong bộ quần áo thể thao màu trắng, vai cũng mang cái túi xách ló lên cái cán vợt đắt tiền bước vào. Nhận ra Viễn, Xuyến bước tới kéo ghế ngồi.

- Anh ở đây mà em tìm muốn chết. Sao ? Hôm nay anh không "dợt" banh à ?

- Không hứng thú gì cả. Em uống gì ?

- Cam tươi.

Viễn gọi cam vắt. Cũng như anh, Xuyến đang chờ theo gia đình xuất cảnh và là người mà ba má anh đã "chấm", dù Xuyến chỉ đang dở dang lớp 12 và giờ thì bỏ học. Anh quen Xuyến hồi mới vào đại học, trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn. Xuyến là con út ông bà Thẩm, vốn có tiếng trong giới kinh doanh ở Sài Gòn, sau năm 75 đã bỏ nghề, chờ con cái bảo lãnh sang Mỹ. Gia đình Xuyến sống lặng lẽ trong ngôi biệt thự Ở đường Mạc Ðĩnh Chi.

- Cha Thông râu kẽm lúc nãy rủ em tối nay đi nhảy - Xuyến cười, nói.

- Em có đi không ?

- Nếu đi, em đã không thông báo cho anh ! Em tưởng tối nay mình đi chơi mà !

- Anh mệt quá, ở nhà cho khỏe ! - Viễn thở dài.

- Dạo này anh thấy em là la...

- Anh thấy vẫn bình thường, có nhiều đi chơi nhiều quá tới mức chán - Viễn giải thích.

Một khoảng im lặng đến khó chịu, Viễn hỏi :

- Em cũng không đánh à ?

- Ðánh với thằng cha râu kẽm ấy phát chán !

- Hắn ga lăng một cây đấy !

- Khỏi nói, hắn còn tán em như sáo, nhưng chả ăn nhằm gì đâu ! Giàu mà quê bỏ xừ !

Viễn cười vang. Anh lạ gì anh chàng Thông áp phe, tiền bạc như nước, có vợ vượt biên và cũng đang chờ bảo lãnh. Anh ta sống như đế vương, nhẵn mặt các nhà hàng, vũ trường, bồ bịch tùm lum. Thông hay lên mặt đàn anh nhưng vẫn thường tán tỉnh Xuyến sau lưng Viễn. Viễn phớt lờ, xem chừng còn thích thú chờ Xuyến sa bẫy của Thông nữa là khác ! Không hiểu sao, đến giờ anh vẫn chỉ xem Xuyến như một cô... em gái.

- Hay ngày mai mình đi Lái Thiêu chơi. Trên đó mùa này nhiều trái cây - Xuyến nói.

- Mai chủ nhật rồi à ? Mới đó đã hết một tuần !

- Chẳng lẽ anh không mong thời gian qua mau ?

- Ðể làm gì ?

- Thấy người ta lên máy bay mà mình nôn. Mấy nhỏ bạn của em đã đi hết rồi !

- Bây giờ anh lại thấy hờ hững với chuyện đi...

- Anh ăn nói cứ như... thần kinh ấy !

Xuyến dằn dỗi. Viễn không giận mà bật cười :

- Có lẽ anh bị thần kinh thật !

Xuyến bưng ly cam vắt lên uống một ngụm. Cô rút một điếu thuốc châm hút.

- Không "góp ý" chuyện em hút thuốc nữa à ?

Xuyến hỏi. Viễn đẩy gói thuốc về phía Xuyến.

- Em hút cả gói này cũng chả sao !

Anh tỉnh bơ nhìn ra hồ bơi, nơi đang có rất nhiều cô gái mặc áo tắm.

- Anh nhìn gì say sưa vậy ?

- Không lẽ họ ngồi ngay trước mặt mà mình không nhìn sao ?

- Anh phải quay chỗ khác, hoặc... nhìn em nè !

- Em thì... quen quá, có gì đâu mà nhìn ?

- Anh nói nghe dễ ghét. Thế nào ? Mai có đi Lái Thiêu với em không ?

- Có lẽ ra miệt Thanh Ða, Bình Qưới hay hơn...

- Cũng được. Giờ em về. Có lẽ tối nay đi chơi với nhỏ bạn. Ở nhà buồn chết...

Xuyến ra khỏi quán. Viễn thở ra nhẹ nhõm.

Một cái đập mạnh lên vai làm anh giật mình quay lại. Không ai khác hơn là Thông.

- Nàng đâu rồi, Xuyến của cậu ấy ? - Thông hỏi.

- Vừa bỏ đi được hai phút.

- Có người đẹp bám theo như thế là nhất đời rồi, sao cậu lãnh đạm với nàng vậy ? - Thông nheo mắt.

Viễn không trả lời, hỏi lại :

- Anh rủ Xuyến tối nay đi nhảy, phải không ?

- Cô ấy nói thế à ? Tôi xem cậu như em, Xuyến như em gái. Bạn bè, ai mà chơi cái trò ma mãnh đó !

Viễn mời Thông thuốc rồi vỗ vai Thông :

- Ðưa em gái đi chơi thì cũng... chẳng chết ai !

Thông cười phá lên, gọi một lon bia, rót đầy ly :

- Lẽ ra cậu cũng phải uống bia đi chứ ?

- Mệt mỏi quá, mất cả mọi hứng thú trên đời !

- Kể cả việc đi chơi với người đẹp ?

- Sao anh biết ? - Viễn ngạc nhiên.

- Nhìn nét mặt giận dỗi của Xuyến là biết ngaỵ Giữa các bạn, có gì khác ngoài chuyện tình yêu ?

Thông cười giòn. Bộ râu kẽm của anh ta giật giật thật tức cười. Viễn khen :

- Anh đúng là tay lão luyện ! Tối nay anh làm gì ?

- Ðến vũ trường và ra về với một nàng nào đó cô đơn như mình vậy. Còn cậu ? - Thông hỏi lại.

- Nằm nhà đọc sách.

- Không hiểu nổi ! Thảo nào Xuyến kêu dạo này cậu giống như " chập điện" ! Coi chừng có ngày cô bé bỏ cậu đấy !

Viễn đứng lên bắt tay Thông rồi ra bãi lấy xe. Chiều không còn nắng, hai hàng me bị cưa ngọn được mùa mưa thay cho những nhánh lá xanh non. Áo dài trắng rợp đường. Những cô gái đạp xe sóng đôi, cười đùa vô tư giữa phố khiến Viễn nhớ lại thời đi học của mình. Mới đó mà như xa lắm rồi. Tới một ngã tư, hai nữ sinh đèo nhau trên một chiếc xe đạp bất ngờ băng ngang. Màu áo trắng làm Viễn choáng ngợp. Anh chưa kịp nhìn rõ mặt hai cô thì chiếc Dream đang ngon trớn đã tông vào xe đạp.

- Trời ơi, đồ... đui !

- Bộ Việt Kiều sao mà quờ quạng vậy, cha nội ?

Bỏ mặc chiếc Dream chỏng gọng mặt đường, Viễn lao tới đỡ hai cô gái. Cô ngồi phía sau bị thương nhẹ nên sau một lúc nhăn nhó thì đứng dậy được, đi cà nhắc vào ngồi trên vỉa hè, mặt tái xanh, nước mắt ràn rụa. Còn cô lái xa đạp được hai người đi đường khiêng vào lề, đặt nằm trên bãi cỏ. Chiếc xe đạp còng queo bị hất vào gốc cây.

- Mau gọi xích lô chở cô này đi cấp cứu !

Một người nào đó nói lớn. Giống như một cái máy, Viễn lao ra đường vẫy lia lịa. Một chiếc xích lô dừng lại, người đàn ông đứng tuổi từ trên xe nhảy xuống. Viễn hấp tấp :

- Bác làm ơn chở cô ấy tới bệnh viện gấp !

Viễn phụ với người đàn ông nãy giờ vẫn đứng cạnh cô gái đưa cô lên xích lộ Cô gái ngồi rũ ra, gương mặt xanh như tàu lá ẩn hiện sau mái tóc dài xõa tung. Hình như có máu dính ở những sợi tóc. Viễn bàng hoàng thấy đám đông vây kín, nhìn anh như một tên tội phạm. May sao cô gái bị thương nhẹ đã lấy lại được bình tĩnh. Cô cho Viễn biết tên và địa chỉ của bạn mình rồi giục :

- Anh phải đưa bạn em tới bệnh viện đàng hoàng à nghen ! Người ta ghi số xe của anh rồi đó. Chiếc xe đạp này sẽ chở tới tiệm sửa, bao nhiêu anh phải trả. Vậy thôi !

- Tên cô bé là gì ? - Viễn bối rối hỏi.

- Ðụng người ta muốn gãy chân còn hỏi tên làm chi ? Khỏi, gặp nhau ở bệnh viện được rồi. Anh mau chạy theo đi, nhớ tên nó là Ngàn đấy nhé !

Viễn gật đầu, phóng theo xích lô...

° ° °

Nhà Thảo Trang trong một xóm lao động nghèo, số nhà có đến mấy lần "suyệc". Viễn phải hỏi thăm mãi, cuối cùng anh chạy theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, đọng nước giống như một con suối. Dừng lại trước ngôi nhà có cổng sắt lưng, anh hồi hộp gọi cửa. May mắn sao, người ra mở cửa là Thảo Trang.

- Anh Viễn tìm nhà có khó lắm không ?

- Tôi định bỏ cuộc rồi đấy, nhà cô bé bí hiểm như trong truyện cổ tích của Grim vậy - Viễn cười.

- Anh mà cũng xem truyện cổ tích nữa sao ? Mời anh vào nhà chơi !

Viễn theo Thảo Trang vào nhà. Một ngôi nhà trệt bình thường : tường gạch, mái lợp fib-rô-xi-măng. Thảo Trang đẩy chiếc ghế có thành dựa từ bàn học sát cửa sổ ra mời Viễn rồi cắm điện cái quạt cũ đặt trên bàn. Thảo Trang nói :

- Nhà em ngay hướng mặt trời nên nóng khiếp lắm. Anh uống nước nhé !

Viễn gật đầu cười. Thảo Trang đi làm một ly đá chanh mang lên đặt trước mặt Viễn.

- Chân của Thảo Trang bớt đau chưa ? - Viễn hỏi.

- Hết rồi anh, may nó không gãy ! Hôm đó, ngó mặt anh xanh hơn tàu lá. Thôi, anh uống nước đi !

Viễn uống một ngụm nước chanh.

- Bộ có mình Thảo Trang ở nhà sao ?

- Ba em đạp xích lô, má bán hàng ngoài chợ, mấy em nhỏ đi học, còn nhỏ em út đi chơi nhà hàng xóm rồi. - Thảo Trang liếng thoắn nói.

- Như vậy mình làm sao đến bệnh viện được ?

- Có gì đâu, em sẽ kêu nhỏ út về coi nhà rồi mình đi. Nhưng anh Viễn uống hết ly nước đã !

- Anh phải trở Thảo Trang ra chợ Bến Thành để mua trái cây mang vào cho Ngàn nữa.

- Anh mới mua hôm qua, Ngàn ăn đã hết đâu mà mua nữa. Ước gì hôm trước em bị nặng luôn để hai đứa nằm chung với nhau cho vui và ăn ké cho mau hết ! - Thảo Trang cười.

- Ðừng đùa ác vậy ! Một người đã xính vính rồi, hai người nằm viện chắc anh... điên quá !

- Hôm nay Ngàn nó đỡ lắm rồi, khoảng một tuần lễ nữa là có thể về nhà, anh đừng lo nữa ! Em chưa thấy ai có trách nhiệm như anh. Ba má Ngàn cũng không buồn phiền gì đâu, chỉ tội cho Ngàn phải nghỉ học nhiều ngày, bài vở theo không kịp...

Viễn thở dài. Ðúng là một xui xẻo bất ngờ. Nhưng qua đó, Viễn được quen với hai nữ sinh hiền lành, tốt bụng. Sự bận rộn trong những ngày qua khiến anh cảm thấy hài lòng. Xuyến thì dửng dưng khi nghe anh kể lại vụ tai nạn, chỉ bĩu môi : "Ðền cho họ một số tiền là xong !". Vì điều này mà mấy ngày nay hai người lại giận nhau.

- Anh Viễn nghĩ gì vậy ? - Thảo Trang hỏi.

Viễn lắc đầu, uống cạn ly nước chanh rồi nói :

- Chưa khi nào anh uống một ly nước chanh tuyệt diệu như vậy !

- Anh Viễn khen làm em muốn độn thổ luôn ! - Thảo Trang đỏ mặt - Nếu chưa đi nước ngoài, có rảnh đến đây, em sẵn sàng pha nước chanh cho anh uống để "Anh đi anh nhớ quê nhà... "

- Hay lắm ! Giờ mình đi được chưa Thảo Trang ! - Viễn nhìn đồng hồ nhắc nhở.

- Chờ em chạy kêu nhỏ út về coi chừng nhà.

Thảo Trang đi một lúc trở về. Em gái út của Thảo Trang là Thảo Trâm, chừng 11 tuổi, gương mặt đỏ ửng vì nắng, mắt to tròn xoe, mái tóc bom bê cháy nắng. Thảo Trang đẩy nó tới trước Viễn :

- Nhỏ chào anh Viễn đi chứ !

Thảo Trâm bẽn lẽn chào Viễn. Mấy lần gặp Thảo Trang ở bệnh viện, anh nhớ là mình có mua quà cho Thảo Trâm nhờ Thảo Trang mang về.

- Bé nhớ anh Viễn chứ ? - Thảo Trang hỏi - Cái anh vẫn mua quà cho em luôn đó.

- Em nhớ rồi !

- Vậy bây giờ ở nhà nghe, coi chừng nhà để chị đi với anh Viễn vào bệnh viện thăm chị Ngàn.

Viễn chở Thảo Trang ngược ra con hẻm.

- Bao giờ nước sẽ rút hết, cô bé ? - Viễn hỏi.

- Nắng liên tiếp một tuần lễ ! Sao ? Ði một lần anh ngán con hẻm này rồi à ? Thế mà em đã ở đây từ nhỏ tới lớn, ngày nào cũng lội ba bốn bận đấy !

- Ngàn có thường đến đây không ?

- Khỏi nói, hai đứa em là cặp bài trùng mà !

Ra tới Bến Thành, Viễn gửi xe rồi cùng với Thảo Trang vào chợ.

- Mua gì đây anh Viễn ?

- Trái cây, sữa, đường... cái gì Ngàn thích thì Thảo Trang cứ việc mua - Viễn nói.

- Mua nhiều mang vào, nhỏ Ngàn la em chết ! Có gì anh Viễn chịu à nghen !

- Không sao, cứ mua !

° ° °

Ngàn nằm khoa ngoại, chung phòng với một chị thợ dệt bị thương cánh tay trong khi lao động. Chị ấy đã xuất viện, chỉ còn lại mình Ngàn. Thấy Viễn và Thảo Trang tới, Ngàn thoáng nhìn Viễn rồi quay ra nói với Thảo Trang :

- Tưởng hôm nay không tới chứ, nằm một mình trong căn phòng này, buồn muốn chết !

- Thôi đừng có chết - Thảo Trang cười - Ngàn mà chết thì có người sẽ ân hận suốt đời đấy !

Thảo Trang đặt giỏ thức ăn lên chiếc bàn sát đầu nằm của Ngàn, rồi ngồi xuống mép giường, giục :

- Anh Viễn ngồi đi chứ, đứng hoài mỏi chân đó !

Viễn ngồi xuống chiếc ghế đặt phía cuối giường. Anh chưa tự nhiên được với Ngàn. Mặc dù khoảng cách xa lạ ban đầu không còn, nhưng anh vẫn mặc cảm mình là người đã gây tai nạn cho Ngàn đến thăm chứ không phải một người bạn, một người thân. Thật tình, nếu không có Thảo Trang làm cầu nối, Viễn cũng không biết làm sao.

- Hôm nay anh Viễn không đi đánh quần vợt ở Tao Ðàn à ? Có phải anh dành thì giờ để đến bệnh viện thăm Ngàn không ? - Ngàn hỏi.

- Ðúng một phần thôi ! - Viễn dè dặt.

- Nghĩa là sao ? Với người bệnh mà anh úp mở như vậy không có được đâu ! - Thảo Trang đùa.

- Một phần tại tôi chán chơi với những trái banh, đánh qua đánh lại một cách đơn điệu và vô vị.

- Ngàn rất thích thể thao, nhất là môn quần vợt đấy. Ðó là mơ ước từ năm 13 tuổi lận, nhưng trò chơi đó không phải dành cho con nhà lao động, đúng không anh Viễn ? - Ngàn hỏi.

- Chỉ đúng một nửa, bởi không phải chỉ người giàu mới chơi được quần vợt. Ngàn thích thì cũng có thể chơi. Vấn đề là có rỗi rảnh không thôi !

Thảo Trang lấy trong giỏ ra mấy túi cam, nho, nhãn. Nhìn thấy, Ngàn lên tiếng trách :

- Anh Viễn bày chuyện ghê, thức ăn còn nhiều lại đi mua lắm thế ?!

- Anh Viễn muốn bồi dưỡng Ngàn tối đa cho mau hết bệnh - Thảo Trang nói.

- Làm phiền anh Viễn, Ngàn áy náy ghê !

- Anh Viễn xích tới gần đây, làm gì mà ngồi như khách lạ phương xa thế ? - Thảo Trang háy mắt.

Viễn kéo ghế lại ngồi gần chỗ hai cô gái. Thảo Trang bày nhãn ra một tờ báo, nói :

- Vừa ăn vừa nói chuyện. Cái này gọi là mình ăn theo người bệnh, phải không anh Viễn ?

Viễn cười, nhìn Ngàn đang ngả đầu vào chiếc gối kê lên thành giường. Gương mặt Ngàn còn xanh mét do mất máu nhiều. Một chân Ngàn bó bột giấu trong chiếc mền bông. Tai nạn làm cho Ngàn xuống sắc, nhưng trong vẻ mệt mỏi ấy, Ngàn vẫn còn nét quyến rũ của một cô gái mảnh mai, xinh đẹp.

- Anh thấy em hôm nay ra sao ? - Ngàn hỏi.

- Còn xanh lắm !

- Em vẫn chóng mặt. May là chân không bị cưa.

Viễn quay ra nhìn cửa sổ. Anh muốn Ngàn quên đi chuyện tai nạn như quên một cơn ác mộng. Tuy nhiên ở trong bệnh viện, biết nói chuyện gì ?

- Anh Viễn ăn nhãn với tụi em đi chứ, xem em lựa nhãn có ngon không ?

Thảo Trang tế nhị xoay chuyện. Cô đưa cho Viễn mấy trái nhãn da bò căng mọng. Viễn khen :

- Thảo Trang lựa nhãn ngon tuyệt !

- Ngàn rất thèm ra phố. Nằm ở đây nhớ lúc phụ với mẹ bán hàng ở chợ ghê !

- Xuất viện, Ngàn sẽ toại ý ! - Thảo Trang nói.

- Xuất viện cũng đâu đã đi ngay được, cái chân bó bột này biết khi nào mới lành ? - Ngàn thở dài.

- Thì đi bằng nạn ! - Thảo trang dọa.

- Như vậy thà chết dí ở trong nhà còn sướng hơn !

Sau tai nạn, Viễn có nhờ Thảo Trang đưa đến nhà Ngàn để gặp ba má cộ Nhà Ngàn cũng nằm trong một con hẻm nhưng ở khu vực chợ cầu Ông Lãnh. Ba Ngàn lái xe cho công ty du lịch, má Ngàn bán tạp hóa ở chợ. Nhà đông người, sau Ngàn có tới bốn đứa em vừa trai vừa gái. Trước Ngàn có một người anh và người chị kế đã đi làm. Ba má Ngàn tiếp Viễn rất dè dặt, nhưng sau đó thái độ cởi mở dần. Trước sự lo lắng tích cực của Viễn, không ai nỡ làm khó dễ anh. Cho đến hôm nay thì Viễn đã có thể lui tới nhà, nói chuyện với ba má Ngàn một cách thoải mái, thân tình.

- Bao giờ anh Viễn đưa chị gì ấy đến giới thiệu cho tụi em biết mặt ? - Thảo Trang bỗng hỏi.

- Chị nào đâu ? - Viễn giật mình.

- Anh đừng chối, cũng đừng lo lắng, con gái dễ làm quen nhau lắm !

- Rất tiếc, chưa có chị nào hết ! - Viễn dè dặt.

- Thế cô gì hôm trước anh chở từ Tao Ðàn ra gặp em đi học về đâu rồi ? - Thảo Trang háy mắt.

- À... à... Một cô bạn gái thường đánh quần vợt với anh. Cô ấy cũng sắp được xuất cảnh.

- Chị ấy đẹp và hấp dẫn ghê, đâu có còm ròm giống cò hương tụi em ! - Thảo Trang nói.

Viễn nhìn Ngàn. Sau mái tóc rối, gương mặt của Ngàn bình thản gần như vô tư.

- Chị ấy tên gì vậy anh Viễn ? - Ngàn hỏi.

- Xuyến.

- Anh phải dẫn chị ấy tới làm quen em nghen !

- Ðể khi nào có dịp.

Viễn và Thảo Trang ở chơi với Ngàn hết giờ thăm bệnh mới về. Ở bãi lấy xe ra, Viễn nói :

- Mình đi ăn nhé Thảo Trang, đói bụng lắm rồi !

- Tùy anh thôi, em không có đói đâu.

- Có cần phải về nhà xin phép không ?

- Anh lịch sự quá đáng ! Em lớn rồi chứ bộ nhưng em phải về trước mười giờ để học bài và giăng mùng cho tụi nhóc ngủ ! - Thảo Trang nói.

- Thảo Trang thích ăn gì ?

- Nếu bây giờ em trả lời thích đủ thứ thì sao ?

- Thì anh sẽ đưa Thảo Trang đi ăn đủ thứ trên đời như đã từng đưa nhỏ em gái của anh vậy.

- Thôi để hôm nào Ngàn xuất viện, ba đứa đi mới vui. Hôm nay tùy anh Viễn định liệu.

- Thế thì bánh xèo Ðinh Công Tráng nghe !

- Ủa, anh cũng biết chỗ đó nữa à ?

- Ở đất Sài Gòn này, chỗ nào anh không biết ?

Viễn tăng ga cho xe chồm lên, phóng về hướng Tân Ðịnh. Trước đây, Viễn không thể hình dung được cuộc sống bình lặng trong những ngày chờ xuất cảnh của mình lại gặp phải một khúc quanh đầy kỷ niệm như bây giờ...

Viễn dậy muộn hơn thường lệ. Ðêm qua mưa to, không khí sáng nay thật dễ chịu. Viễn muốn kéo dài cảm giác thú vị sau một giấc ngủ ngon. Có tiếng đập cửa phòng. Yến gọi anh ầm ĩ. Viễn nhảy xuống giường mở cửa cho em gái.

- Làm cái gì mà kêu réo ầm ĩ, không để cho người ta ngủ vậy Nhỏ ? - Viễn trừng mắt.

- Xời ơi, anh biết hôm nay là ngày gì không ? - Yến cong môi hỏi.

- Chủ nhật, như mọi tuần.

- Sao mà như mọi tuần được ? Anh đúng là một kẻ thờ ơ, đãng trí hết chỗ nói !

Yến vào phòng, nhí nhảnh trong bộ quần áo mặc nhà màu nhạt. Viễn gặng hỏi :

- Có chuyện gì vậy ? Nói đi, nhỏ !

Yến xịu mặt, giọng đầy hờn trách :

- Hôm nay là sinh nhật 18 tuổi của em...

- Nhớ, nhưng quan trọng gì đâu mà ầm ĩ thế ?

- Sinh nhật cuối cùng của em ở quê hương mà anh bảo là không quan trọng ! Em thì sẽ nhớ đời !

- Rồi sao ?

- Ba má đều bận công việc, bảo anh chở em đi Givral đặt bánh sinh nhật, tối mang tới nhà hàng.

- Tổ chức ở nhà hàng lận ? Sao không làm ở nhà, vừa vui vừa thân mật ?

- Cổ lỗ sĩ quá, ông cụ non ạ ! Tổ chức ở nhà hàng cho sang trọng, lại chả gây phiền hà đến ai. Ba má cũng đã đồng ý. Như vậy thật tiện, quậy búa xua rồi ai về nhà nấy, khỏi phải dọn dẹp.

- Thôi được, trọn ngày hôm nay, ta đặt dưới sự sai khiến của nhỏ, chịu chưa ?

- Nghĩa là anh làm tài xế cho em ?

- Ðành vậy thôi, phải chi nhỏ có một tài xế tự nguyện thì ông anh này đỡ khổ !

- Vậy thì hãy mau đi đánh răng rửa mặt, ăn sáng xong mình đi Givral, rồi còn đi đặt hoa nữa. Em còn phải đi uốn tóc, làm móng tay, lấy quần áo ở nhà may Tài... Ðủ thứ chuyện trên đời !

- Sao mà rắc rối thế, bao nhiêu việc đó chiếm hết thì giờ quí giá ngày chủ nhật của ta rồi. Giảm phiền hà một chút được không ? - Viễn rên rỉ.

Viễn vào nhà tắm. Yến ở ngoài hét vọng vào :

- Anh nhớ cạo luôn bộ râu... dê của anh nghen. Tua tủa, thấy phát... rùng rợn thế !

Viễn thò mặt qua cửa, cười :

- Râu của anh là râu quai nón, nhiều cô mê lắm, đừng có mà xuyên tạc sự thật...

- Thôi, kệ anh ! Tối nay muốn mấy con bạn của em nó nhìn thì phải cạo râu, chấm hết !

Cạo râu xong, Viễn xuống ngồi vào bàn ăn. Yến đã làm sẵn bánh mì ốp la và cà phê sữa.

- Ba má đi đâu vậy nhỏ ?

- Có trời mới biết !

- Nhà này thiệt ngộ, mạnh ai nấy đi...

Hỏi vậy chứ Viễn biết ba má anh đi đâu. Ông Hoành - ba anh - là một nhà doanh nghiệp sa cợ Ngày trước ông đầu tư nhiều dịch vụ, trong đó có xuất nhập khẩu và xây building cho Mỹ mướn. Sau 1975, ông hùn với vài ông bạn làm đồ nhựa nhưng thất bại. Thú vui của ông bây giờ là sưu tầm đồ cổ và bù khú với những ông bạn sa cơ thất thế như ông. Họ đều có con cái ở nước ngoài bảo lãnh, chỉ chờ thời gian để đi. Bà Thúy - mẹ Viễn - là con gái một thương gia nên kinh doanh đối với bà quen thuộc như son phấn và các mode quần áo. Sau 75, có sạp vải trng chợ Bến Thành, nhưng công việc đơn điệu mau chán, bà sang lại sạp vải, ở nhà giao du với bạn bè. Hôm nay chắc bà chơi bài ở nhà một bà bạn nào đó...

- Tối nay ba má có dự không ?

- Có chứ ! Em mời cả chị Xuyến nữa ! Lúc này anh với chị ấy có gì mà thấy chị ấy buồn bã vậy ?

- Người này giận người kia, rồi bị người kia giận lại, thế là xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh.

- Tối nay em hòa giải cho nghen ! Thấy anh với chị Xuyến yêu nhau mệt quá ! Em thà sô lô một mình sướng hơn !

- Nói thì giỏi lắm, gặp phải tiếng sét ái tình đánh cho một trận tả tơi, sẽ biết thế nào là lễ độ.

- Em thề qua Mỹ mới lấy chồng. Coi được là xáp vô thôi, bỏ qua thời kỳ quá độ yêu.

- Tư duy hiện đại quá ! - Viễn trêu em gái.

Bữa ăn sáng kết thúc lúc 8 giờ. Viễn giục :

- Nhanh lên ! Ta rất ghét phải chờ phụ nữ trang điểm, mỗi lần như thế còn lâu hơn cả thế kỷ.

- Rồi anh sẽ gặp một bà vợ y như vậy. Ghét của nào trời trao của ấy, ông anh kính mến ạ !

° ° °

Ðặt xong chiếc bánh sinh nhật thật cầu kỳ, Yến nhét tờ biên nhận của cửa hàng vào chiếc ví đầm màu trắng mang lủng lẳng thắt lưng.

- Giờ đi đâu ? - Viễn hỏi.

- Anh chở em tới tiệm uốn tóc.

- Rồi bắt ta ngồi chờ ở tiệm uốn tóc cho đến bao giờ mới thoát nợ ?

- Bộ anh không biết kiếm cái quán cà phê nào đó ngồi chờ sao ?

Viễn biết có cãi cũng vô ích.

- Chạy chậm thôi, em còn yêu đời lắm anh Viễn ơi ! - Yến ngồi phía sau kêu lên.

- Ta cũng đâu muốn tự tử mà kêu ầm lên thế !

° ° °

Xuyến mặc váy đầm màu huyết dụ và áo pull trắng, đôi bông tai thời trang lấp lánh. Cô nổi bật giữa khách khứa dự tiệc. Dàn nhạc bắt đầu với một bản passo sôi động. Bạn bè Yến kéo ra sàn nhảy. Xuyến đặt ly bia xuống bàn sau khi uống cạn, quay qua Viễn :

- Em muốn nhảy với anh bản này.

- Chờ chút nữa piste trống, dàn nhạc chơi một bản êm dịu hơn. Mà em cũng đừng uống bia nữa !

- Hôm nay là sinh nhật của em gái anh mà.

- Ðó không phải là một lý do.

- Em buồn.

- Tụi mình chả đứa nào vui cả.

- Sao vậy ?

- Anh cũng không biết. Có lẽ tại những tháng ngày chờ đợi này trống rỗng quá...

Viễn cười khẽ. Trong ánh đèn mờ ảo, từng cặp bạn nhảy đang quay vòng. Bạn bè của Yến toàn con nhà khá giả, ăn diện thấy phát ngợp. Họ nhảy một cách sôi động như chẳng có việc gì phải ưu tự Ba má Viễn ra về sau khi Yến cắt chiếc bánh sinh nhật nhiều tầng. Chẳng ai buồn rớ tới phần bánh của mình...

Kế tiếp là điệu rumbạ Viễn chiều ý Xuyến, ra sàn nhảy với vài cặp nam nữ khác.

- Em không hiểu tâm trạng anh bây giờ. Lúc nãy bác gái nói hình như anh không muốn ra đi, đúng vậy không ? - Xuyến hỏi khẽ.

- Má anh nói với em vậy à ? Tự nhiên anh thấy nản quá. Không còn háo hức như lúc đầu nữa...

- Hay một cô nào khác đã giữ chân anh ở lại ?

- Em muốn hiểu thế nào cũng được.

- Ðừng hòng thoát khỏi em, nếu em không có anh thì không đứa nào chiếm được cả, nghe chưa ?

Kèm câu nói là một cái véo. Viễn cảm tưởng lưng anh rướm máu vì những ngón tay nhọn của Xuyến. Lúc trở về bàn, Yến sà đến :

- Anh chị vui vẻ với nhau rồi nhé !

- Cám ơn bữa tiệc sinh nhật của Yến ! - Xuyến cười chạm ly với Yến.

- Anh Viễn của em dạo này đáng nghi lắm, chị Xuyến phải coi chừng kỹ mới được !

Yến nói rồi chạy lại với những người bạn của mình. Viễn uống nhiều, là lạ anh không thấy say.

- Tiệc xong, đi đâu nhỉ ? Hay tới Cửu Long nghe nhạc ? - Xuyến hỏi bâng quơ.

- Chương trình lập đi lập lại đến nhàm chán.

- Lúc này có màn tấu hài vui ghê lắm !

- Em thích vui cười à ?

- Không lẽ anh muốn khóc ?

Viễn và Xuyến rời buổi tiệc sau khi chúc Yến một sinh nhật hạnh phúc. Gió mát ngoài đường làm cho Viễn cảm thấy dễ chịu.

- Còn chạy xe nổi không, hay là để em chở anh !

- Anh chưa say mà !

Tối, bờ sông tấp nập người hóng mát. Nhà hàng Cửu Long hiện ra phía tay trái Viễn. Giờ này tìm một chỗ gửi xe thật khó. Viễn chạy vòng lên Hai Bà Trưng, xuống Ðồng Khởi, tấp vào bãi giữ xe ở một ngã tư, cách nhà hàng khá xa.

Khi Viễn và Xuyến tìm được bàn ngồi, chương trình đã bắt đầu được khoảng hai mươi phút. Trong bóng tối lờ mờ, Viễn chợt nhận ra Thông ở bàn bên cạnh với một cô gái trẻ. Thông giơ tay ra dấu chào Viễn, nhưng mắt lại nhìn qua Xuyến...

Ðêm đã khuya. Trời đổ cơn mưa nhỏ. Viễn là người lấy xe cuối cùng. Xuyến đứng dưới mái che của một ngôi nhà, hỏi :

- Mưa thế này làm sao về ?

- Mưa nhỏ thôi mà, không ướt đâu mà sợ !

- Sài Gòn có những cơn mưa dễ ghét ! Anh đàn ông con trai, phụ nữ như em thì sợ mưa lắm.

- Có kêu ca cũng vô ích thôi ! - Viễn nói.

- Nhưng em không muốn về nhà !

Viễn trợn mắt nhìn sững. Xuyến lên xe, nói :

- Làm gì mà nhìn dữ vậy ? Chạy đi, đơn giản là đêm nay em không muốn về nhà, vậy thôi !

- Em say hả ? - Viễn hỏi lớn.

- Không.

- Chứ sao không muốn về nhà ? Ðừng có điên vậy, bây giờ chẳng còn nơi nào để đi nữa đâu...

Loanh quanh một hồi anh đưa Xuyến tới một quán cà phê còn mở cửa trên đường 3-2. Viễn hy vọng sau khi uống một ly cà phê đặc, Xuyến sẽ tỉnh táo hẳn và Viễn sẽ thuyết phục Xuyến về nhà.

- Sao anh biết được cái quán này ?

- Anh tới đây với mấy người bạn trai.

-Xạo ! Anh đã đến đây với cô nào ? Khai ra đi !

Viễn cười, anh gọi hai ly cà phê đen.

- Sao anh bắt em uống cà phê đen ?

- Ðể em bớt say.

- Buồn cười ! Khi em bảo em tỉnh, anh lại cứ tin là em saỵ Giữa anh và em thật trái ngược nhau !

Im lặng một hồi lâu, Xuyến hỏi.

- Anh thích quán này à ?

- Không hẳn, nhưng vì không biết đưa em đi đâu nên tiện đường ghé vào đây.

Hai người uống cà phê từng ngụm nhỏ.

- Cà phê ngon tuyệt ! - Xuyến xuýt xoa.

Viễn chợt nhớ lần đi với Lãm. Trong số bạn cũ, Lãm là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Anh được gia đình bảo lãnh nhưng vì yêu Na, anh không đi. Năm rồi, hai người đã làm đám cưới. Rồi Lãm lên Di Linh, quê vợ. Ðược gia đình cho 5 sào đất, vợ chồng Lãm ra sức trồng cà phệ Nhất định trước khi đi xuất cảnh, anh sẽ lên thăm Lãm một chuyến...

- Anh nghĩ gì thừ người ra vậy ? - Xuyến hỏi.

- Nhớ tới một anh bạn đang trồng cà phê ở Di Linh. Anh đang định hôm nào sẽ lên đó chơi.

- Hay lắm ! Cho em theo với. Mình có thể đi luôn Ðà Lạt chơi một chuyến ! - Xuyến reo lên.

Khuya, quán sắp đóng cửa, khách lần lượt ra về. Viễn trả tiền rồi ra hiệu cho đứng lên. Xuyến khăng khăng không nghe nhưng nhìn nét mặt của Viễn, cô đành nhẫn nhịn khuất phục.

° ° °

Viễn nhảy xuống giường, làm vài động tác thể dục cho tỉnh người. Nhỏ Yến đã dậy trước anh. Ðêm qua, Yến cũng về rất khuya, trong cơn mưa.

- Chúc sinh nhật vui vẻ ! - Viễn nói.

- Em chưa thấy ai như anh, sinh nhật em gái mà không ở chơi được tới phút chót. Hai ông bà đưa nhau đi đâu tối qua ?

- Ði chỗ khác chơi cho nhỏ tự do, không cám ơn ông anh lịch sự mà còn thắc mắc là sao ?

- Hôm nay anh thức dậy sớm thế ? Anh chị hòa giải với nhau thật rồi chứ ?

- Bình thường.

- Như vậy thì còn gì bằng ! Chúc ông bà hạnh phúc, vui vẻ hoài cho tới khi lên... máy bay !

- Sinh nhật của nhỏ xong rồi, hôm nay, anh mời Yến đi ăn sáng, xong anh nhờ một việc.

- Sẳn sàng thôi, chờ em rửa mặt đã.

Viễn đưa đến quán cơm tấm Thuận Kiều mới mở, rất nổi tiếng. Buổi sáng, khách đông. Viễn gọi hai dĩa bì sườn đặc biệt. Trong khi chờ phục vụ mang cơm tới, Yến hỏi :

- Anh có việc gì nhờ em ?

- Không có gì quan trọng. Chỉ cần sự tế nhị thôi, mà Yến thì anh biết vốn là một người tế nhị.

- Em giúp không phải vì khoái được nịnh đâu, chỉ vì anh đã làm tài xế cho em cả ngày hôm qua.

Cơm tấm được mang ra. Ăn xong, Viễn nói :

- Mấy hôm nay anh gặp chuyện xui, lỡ gây tai nạn đụng phải người ta.

- Thôi chết, có nặng lắm không ? - Yến lo lắng.

- Không sao, chỉ bị gãy cái chân thôi.

- Trời ơi, gãy chân mà anh bảo chuyện không quan trọng ? Có phải bồi thường gì không ?

- Lúc đó không có công an. Vả lại, nạn nhân cũng đồng ý dàn xếp nên coi như tạm ổn. Người ta hiện đang nằm trong bệnh viện.

- Người ta là ai, đàn ông hay đàn bà ?

- Một nữ sinh cỡ tuổi em, đang học lớp 12, trên đường đi học về, đèo phía sau một cô bạn. Cô ngồi phía sau chỉ bị thương nhẹ.

- Hèn chi cứ thấy ông trầm tư, lo lắng. Hóa ra ông đụng người ta.

- Ðừng cho ba má biết nhé ! - Viễn dặn.

- Nhưng anh định nhờ việc gì ? Mang tiền tới bồi thường để ngưòi ta lo thuốc men phải không ?

- Chuyện tiền bạc thuốc men anh lo rồi. Anh muốn dẫn Yến vào bệnh viện thăm cô ấy.

- Anh đi được rồi, lôi em theo làm gì ?

- Ðã bảo việc hết sức tế nhị. Anh thường thăm cô ấy mỗi chiều, nhưng hôm nay anh muốn giới thiệu cho hai người kết bạn với nhau.

Yến nheo mắt hỏi :

- Cô học trò xui xẻo đó chắc là đẹp lắm ? Em biết rõ tim đen ông anh rồi. Muốn em làm nhịp cầu chứ gì ? Ðúng là một việc... hoàn toàn tế nhị.

Viễn cảm thấy bối rối trước câu nói nửa đùa nửa thật của cô em gái thông minh.

° ° °

Gửi xe xong, hai anh em vào chợ Bến Thành. Lúc băng qua đường Yến hỏi :

- Anh định mua gì cho người ta vậy ?

- Anh đâu biết mua gì ngoài trái cây. Nhưng hôm nay, anh cho em toàn quyền quyết định.

Yến dạo một vòng rồi mua một ký táo, một ký nhãn, hai ký nhọ Ðến hàng hoa tươi, Yến nói :

-Sao anh không tặng cô ấy một bó hoa nhân dịp cuối tuần ?

- Ðược đấy ! - Viễn tán thành.

- Hoa gì đây ? Một bó hồng nhung nghen !

- Ðừng, anh thích hoa hồng vàng hơn !

Yến mua một chục bông hồng vàng. Sau đó, Yến dẫn Viễn vào khu bán vải :

- Nên tặng xấp vải để người ta may áo dài, đền cái áo hôm trước bị rách - Yến nhìn Viễn, nói.

- Trời ơi, sao em giỏi quá vậy ? Không có em, anh chẳng thể nào nghĩ ra chuyện đó nổi.

- Nhưng biết mua màu gì cho hợp với cô ấy ?

- Theo anh thì nên mua màu vàng.

- Sao anh thích cái màu yếu ớt đó quá vậy ?

- Nhỏ ơi, màu vàng thuộc gam nóng, thật sang trọng. Ðó là màu của vua chúa, hoàng hậu...

-Em biết rồi, ý anh muốn cô đó là hoàng hậu của anh chứ gì ? - Yến háy mắt.

Người bán gói sắp vải lại. Viễn rất hài lòng với hai món quà tặng mang nhiều ý nghĩa này.

Bước lên cầu thang bệnh viện, Yến chợt hỏi :

- Sao không đưa chị Xuyến tới thăm cô ấy ?

- Không thể vì đây là... việc riêng của anh !

- Anh này khả nghi quá ! - Yến cười khúc khích.

Như mọi hôm, Ngàn đang ngồi tựa vào thành giường, đầu hơi ngả vào tường. Thấy Viễn đi với một cô gái, Ngàn tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng cô tế nhị không hỏi gì, chỉ lúng túng mời hai người ngồi.

- Ðây là Yến, em gái của anh. - Viễn giới thiệu - còn đây là Ngàn...

- Người mà anh Viễn rất ghét ! - Ngàn thêm.

- Sao vậy ? - Yến rất tự nhiên, vừa ngồi xuống mép giường vừa hỏi.

- Vì đã làm phiền anh ấy lâu nay, và bây giờ tới phiên Yến - Ngàn đáp.

Trong lúc Viễn đặt giỏ quà lên bàn, Yến tranh thủ nhìn kỹ Ngàn và nhận ra cô thật khác xa với Xuyến. Ngàn có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to đen thu hút, vầng trán thông minh, một vẻ đẹp thơ ngây, hồn nhiên. Thảo nào ông anh của Yến ngã lòng sau vụ tai nạn bất ngờ...

- Hôm nay chị đã khỏe chưa ? - Yến hỏi.

- Tuần sau mình xuất viện được rồi.

- Nghe anh Viễn nói, mãi hôm nay Yến mới vào thăm chị được đấy. Mong rằng sau này chúng ta là bạn. - Yến cười.

- Sau này là thế nào ? - Viễn nói - Ngay từ hôm nay ấy chứ !

- Ðó là chuyện của con gái, anh không được xía vô ! - Yến lườm Viễn.

Viễn ngồi xuống chiếc ghế ở mép giường thoáng nhìn Ngàn. Hôm nay trông cô đã khỏe, không xanh xao như ngày mới nhập viện.

- Hôm qua Thảo Trang có vào không ? - Viễn hỏi.

- Không, chắc nhỏ ấy bận việc.

- Còn hôm nay ?

- Em cũng chưa biết. Em đang mong nó đấy.

- Nếu Thảo Trang không đến, cần gì Ngàn cứ nói, anh sẽ ghé nhà Thảo Trang nhắn lại.

- Như vậy lại phiền anh nữa...

- Ðừng lo, ảnh mong được làm gì đó để chuộc một phần lỗi lầm ảnh đã gây ra - Yến khúc khích.

- Chuyện rủi ro không ai muốn cả - Ngàn ái ngại - Hôm ấy thật xui cho mình và cả anh Viễn...

Bây giờ mới nhớ tới bó hoa, Viễn tới bên giỏ xách, cầm bó hoa hồng vàng trao cho Ngàn :

- Tặng Ngàn trước khi xuất viện.

- Ngắn gọn vậy sao ? - Yến cười hỏi.

- Em cám ơn anh. - Ngàn cầm bó hoa reo lên - Ôi, đẹp quá ! Em rất thích hoa hồng vàng !

Viễn háy mắt nhìn Yến, thầm hãnh diện vì sự tiên đoán của mình. Ngàn đưa bó hoa áp sát vào mặt, mắt long lanh hạnh phúc. Yến nói luôn :

- Có xấp vải để ra viện chị may áo dài. Anh Viễn chọn màu vàng, chị có thích không ?

Ngàn xúc động :

- Ðó là màu mà mình rất thích từ nhỏ...

- Thế là anh Viễn và chị hợp nhau quá rồi, cả hai đều thích màu vàng ! - Yến cười.

Ngàn thoáng nhìn Viễn, mắt chớp nhanh rồi cúi xuống giấu vẻ bối rối. Viễn hiểu sự có mặt của anh giờ không cần thiết nữa. Anh bỏ ra ngoài...

- Anh Viễn đi đâu đây ?

Có tiếng cười khúc khích sau lưng. Quay lại, Viễn bắt gặp Thảo Trang đang tròn mắt nhìn anh.

- Sao bây giờ mới tới cô bé ? - Viễn cười hỏi.

- Em bận việc, vừa xong liền tới đây. Sao anh không ở trong đó với Ngàn, xuống đây làm gì ?

- Anh đi mua bao thuốc - Viễn đáp - Ðã có Yến, em gái anh nói chuyện với Ngàn rồi. Ði dạo phố một vòng với anh chứ ?

- Cũng được, chỉ sợ Ngàn mong em thôi.

- Một chút mình trở lại, lo gì ?

Cả hai hòa vào dòng người đi bộ trên hè đường Lê Lợi. Thảo Trang thướt tha trong chiếc áo dài lụa trắng, quần trắng, đôi giày trắng, giản dị nhưng dễ thương. Không trang điểm nhưng gương mặt Thảo Trang vẫn ửng hồng vì nắng.

- Lâu lắm em mới đi phố ! Cuối tuần có khác, người ta ở đâu mà đông quá trời !

- Bộ Thảo Trang ít đi mua sắm lắm à ?

- Dạ, đôi khi thôi ! Chắc anh Viễn nghĩ em chạy theo model lắm ? Thế thì anh lầm rồi, em với nhỏ Ngàn nhà quê lắm, đi học về chỉ biết ru rú ở nhà.

- Bộ không đi ăn kem, đi xem phim sao ?

- Lo học gần chết, đâu có rảnh mà dạo phố, ăn kem, nói gì phim ảnh...

- Buồn nhỉ !

- Chẳng buồn chút nào. Bọn em thỉnh thoảng thường rủ nhau thi tài nấu ăn vì mỗi đứa đều học thêm nội trợ, nữ công gia chánh ở đâu đó...

- Hôm nào cho anh thưởng thức tài nội trợ của Thảo Trang và Ngàn được không ? - Viễn hỏi vui.

- Sẵn sàng, nếu anh Viễn không chê.

Ði ngang hiệu sách, Viễn bảo Thảo Trang đứng bên ngoài chờ rồi anh vào lựa mua bộ sách " Tự học cắt may" mang ra đưa cho Thảo Trang.

- Hy vọng Thảo Trang thích món quà này !

Mở lớp giấy bọc ra, Thảo Trang reo lên :

- Ðúng là bộ sách mà em đang cần nhưng chưa mua được. Sao anh tài vậy ?

- Mong rằng mai mốt Thảo Trang tự may được quần áo mà không cần đến tiệm.

Thảo Trang vui hẳn lên. Cô ôm bộ sách khư khư như sợ đánh rơi xuống đường sẽ... vỡ.

° ° °

Viễn đưa Yến về tới nhà, ngạc nhiên thấy Xuyến từ quán nước bên kia đường chạy xe qua.

- Em chờ anh hơn một tiếng đồng hồ rồi.

- Có chuyện gì không ?

- Rủ anh đi chơi tối nay.

Viễn không thấy hứng thú nên định từ chối. Yến hiểu ý anh mình, cô kéo tay Xuyến :

- Chị vào nhà, em có chuyện muốn nói, sau đó hãy tính, bây giờ còn sớm quá mà.

Yến nói chuyện với Xuyến trong phòng khách. Viễn về phòng mình tắm rửa rồi nằm nghe nhạc. Lát sau, Yến lên gõ cửa phòng Viễn, hỏi lớn :

- Sao anh không xuống nói chuyện với chị Xuyến ? Nếu là em, chắc chắn em sẽ bỏ về rồi.

- Chứ bây giờ em làm gì ? - Viễn nhăn nhó.

- Nhiệm vụ của em hết rồi, em cũng phải nghỉ ngơi, tối còn đi chơi với mấy nhỏ bạn. Không lẽ tối ngày chạy lo công việc cho anh hoài sao ?

Viễn tần ngần một chút rồi xuống phòng khách.

- Anh làm gì lâu quá vậy ? - Xuyến trách.

- Tối nay em định đi đâu ? - Viễn hỏi lảng - Anh mệt quá muốn ở nhà nghỉ cho khỏe.

- Ở nhà buồn chết được.

- Thôi, thì đi vậy, nhưng có lẽ tối nay mình đi xem phim hay hơn. Vũ trường ồn ào lắm !

Xuyến bỏ xe mình lại nhà Viễn, ngồi sau chiếc xe Dream màu nho của Viễn nhập vào dòng xe cộ của con đường đã lên đèn.

- Anh và Yến vừa đi đâu về thế ? - Xuyến hỏi.

- Thăm một người bạn bị tai nạn.

- Bạn trai hay bạn gái ?

- Em hỏi gì kỹ thế ?

Viễn nói lớn. Anh cho xe phóng nhanh và cố ý lái câu chuyện sang hướng khác.

Hai người ngồi xuống ghế vừa lúc đèn trong rạp vụt tắt. Xuyến nhìn lên màn ảnh, hóa ra là một phim của Pháp mà cô đã xem ở đâu đó rồi.

- Thật chán, phim này hình như em đã xem rồi.

- Thì xem lại, có sao ? Phim này anh chưa xem.

- Biết vậy mình đi đâu ra ngoại ô chơi còn hơn.

- Sao em hay ca cẩm quá vậy ? - Viễn nhăn nhó.

Biết Viễn đang bực mình, Xuyến ngồi im, chỉ mong phim hết để ra về. Viễn ngồi ngả đầu lên thành ghế không biết thức hay ngủ. Cuối cùng phim cũng dứt. Xuyến thở phào nhẹ nhõm, hỏi :

- Anh xem từ đầu đến cuối à ?

- Không, anh ngủ.

- Ngủ sao biết phim hay ?

- Thấy người ta xem đông.

Xuyến véo Viễn một cái khiến anh nhăn mặt vì đau. Bên ngoài, trời đang mưa nhỏ, Xuyến đưa tay ra hứng mấy giọt nước mưa, kêu lên :

- Làm sao đây ? Mưa kiểu này lâu tạnh lắm. Ði ăn chút gì đi, em đói bụng rồi.

- Thì tới quán đầu đường kia cho tiện.

Hai người ghé vào một quán ăn nhỏ. Xuyến gọi vài món ăn nhẹ, thêm mấy lon bia.

- Sao mấy hôm nay anh không ra Tao Ðàn ? Có điều gì giấu em không ? Chẳng hạn như anh mới quen một cô nào đó ? - Xuyến hỏi dồn.

Thức ăn và bia được mang ra. Viễn giục :

- Thôi ăn đi, đừng có thắc mắc !

- Chắc phải nhờ người theo dõi bắt quả tang cho anh hết chối ! - Xuyến nửa đùa nửa thật, nói.

Hai người cạn lỵ Nhiều lần nhìn Xuyến hút thuốc, uống bia nhưng không hiểu sao, Viễn chưa thể quen mắt được. Trong thâm tâm Viễn, Xuyến có lẽ chỉ mãi mãi là một người bạn, không hơn...

Lâu lắm mới có ngày chủ nhật mọi người có mặt ở nhà. Ông Hoành nhìn vợ gọi ý :

- Hôm nay, em với con Yến đi chợ làm món gì ăn cho vui vẻ đi nào.

Bà Thúy chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng Yến :

- Hoan hô ba !

- Vậy thì hai mẹ con đi chợ, đi ngay bây giờ để về nấu nướng cho sớm ! - Ông Hoành giục.

Yến xách cái giỏ nhựa đi chợ thật to chạy theo bà Thúy ra cổng. Viễn định về phòng mình nhưng ông Hoành đã gọi giật lại :

- Viễn, ra đây ba nói chuyện một chút.

Viễn ra ngồi trước mặt chạ Anh rất sợ cái cách "nói chuyện một chút" của ông. Thường là một bài thuyết trình tràng giang đại hải về một vấn đề nào đó mà ông cảm thấy hứng thú bất ngờ. Viễn thường tránh mặt ông, bất đắc dĩ phải nói chuyện, anh cũng tìm cách bỏ đi. Ông Hoành biết Viễn chấp nhận nghỉ học là vì gia đình chứ thâm tâm con trai ông không thích, nhất là gần đây lại có chuyện Xuyến. Ông bà muốn Viễn cưới Xuyến vì gia đình Xuyến rất giàu, có thể nhờ cậy được khi qua đó. Nhưng Viễn không muốn. Anh thấy mình không hợp với Xuyến chút nào.

- Giữa Xuyến và con có chuyện gì vậy ?

- Bình thường vậy thôi ! - Viễn đáp.

- Xuyến vừa điện thoại cho ba hồi hôm, lúc đó gần 12 giờ đêm. Có lẽ con bé không ngủ được, lại vừa khóc xong, giọng nó như lẫn nước mắt.

- Con đâu có chịu trách nhiệm về việc cô ấy ngủ được hay không ngủ được ?

Ông Hoành trầm ngâm một lúc rồi nói :

Viễn à, trước sau rồi cũng phải tạo lập cuộc sống ở xứ lạ quê người. Gia đình Xuyến khá giả, có cơ sở làm ăn sẵn bên đó, Xuyến lại yêu con...

- Qua bên đó rồi tính ba ạ !

- Không tính từ bên này, qua đó tính được gì ?

- Chúng ta vẫn chưa biết khi nào đi mà ba.

- Ba vừa mới được tin hôm qua, đầu tháng 12 mình sẽ bay, cùng chuyến với gia đình Xuyến.

Lặng yên một hồi lâu. Viễn biết trước sau gì cũng đi, nhưng sao vẫn thấy bồi hồi lạ lùng.

- Xuyến cũng bay một chuyến với mình à ?

- Cô ấy cho ba biết trong điện thoại. Ðừng để xảy ra chuyện gì buồn phiền giữa hai gia đình. Ba thấy Xuyến cũng thông minh, xinh đẹp...

- Nhưng cô ấy kiêu kỳ đến khó chịu.

- Con gái đẹp, con nhà giàu thường vậy, có gì mà con phải bực bội ?

- Nhưng con không thích !

Ông Hoành bật cười.

- Chứ hồi đó tao có thích mẹ mày đâu mà vẫn cưới nhau, vẫn có hạnh phúc. Ở đời, có khi việc không thích vẫn phải làm. Lấy vợ cũng thế thôi...

Cảm thấy ông Hoành sắp giảng một bài về "triết lý sống ở đời", Viễn đứng lên nói :

- Con phải tới nhà một người bạn.

- Ði đâu thì đi nhưng lúc về phải ghé chở Xuyến qua đây ăn cơm với gia đình, nghe !

Viễn lật đật lấy xe phóng đi. Sáng nay Ngàn xuất viện, anh đã hẹn đến đưa Ngàn về nhà.

Khi Viễn đến, ngoài Ngàn còn một cô gái đang ngồi ở mép giường. Cô gái hao hao giống Ngàn nhưng gương mặt bầu bĩnh hơn, tóc ngắn kiểu Mai-Kạ Ngàn giới thiệu :

- Ðây là Ngân, em gái em đó !

Ngân chào Viễn bằng cái nheo mắt và một nụ cười vui vẻ. Cô nói :

- Em nghe mấy chị nói hoài, nay mới gặp anh.

- Sao hôm nay anh mới thấy em đến đây ?

- Em phải ở nhà nấu cơm, coi em chứ !

Bây giờ Viễn mới nhìn kỹ Ngân : áo sơ mi kiểu con trai, quần tây kem, nước da không trắng bằng chị nhưng trông khỏe mạnh. Hai chị em xấp xỉ nhau, người ngoài khó phân biệt ai là chị, ai là em.

- Ngân học lớp mấy ? - Viễn hỏi.

- Thua chị Ngàn một lớp.

- Ngân còn là vận động viên thể dục thẩm mỹ nữa đó anh Viễn - Ngàn nói.

- Thảo nào thấy dáng Ngân rất... thể thao.

- Ở trường em là Ngân nhịp điệu mà !

- Sao không thấy Thảo Trang ? - Viễn hỏi Ngàn.

- Em cũng đang đợi nhỏ ấy nãy giờ.

- Thủ tục xuất viện em lo xong cả rồi, có điều đồ đạc hơi nhiều, phiền anh Viễn giúp một tay.

- Tất nhiên rồi ! - Viễn cười.

- Dù sao cũng đợi Thảo Trang một chút, cứ ngồi đây nói chuyện không sao đâu ! - Ngàn nói.

Chủ nhật thân nhân thăm bệnh hơi đông. Căn phòng khá ồn ào. Ngàn đã sửa soạn xong. Cô ngồi trên giường nệm duỗi cái chân đau cho thoải mái.

Ngân ngồi bên cạnh chị, đùa :

- Cũng hên, em tưởng hôm nay chị về nhà với chiếc nạng gỗ rồi chứ.

- Ðừng có trù ẻo nhỏ ơi ! - Ngàn lườm em.

- Chắc nhờ đụng nhẹ, phải không anh Viễn ? Tại hai bà chạy ẩu nên anh mới lủi vô chứ gì ?

- Ðừng nhắc chuyện rủi ro ấy nữa, anh quê lắm ! Lỗi tại anh, thắng không kịp vì qua ngã tư mà chạy nhanh... - Viễn nói.

- Bình thường hai bà này cũng chạy xe ẩu tả lắm, em biết mà !

- Ngân chạy xe cũng đâu vừa gì ? - Ngàn nói.

Viễn nhìn cái chân Ngàn không còn bó bột nữa, bàn chân trắng hồng với những ngón thon nhỏ nằm im trên mặt nệm. Anh hỏi :

- Ngàn tự xuống cầu thang được chứ ?

- Ðược nhưng chậm, hôm qua em đi thử rồi.

Thảo Trang tới, thướt tha với áo dài trắng, quần trắng. Vừa thở, vừa cười, Thảo Trang giải thích :

- Trang phải thay ba má đi họp phụ huynh cho đứa em nên đến trễ. Xong xuôi hết chưa ?

- Xong cả rồi, bây giờ mình sa-yô-na-ra cái bệnh viện này được rồi ! - Ngân đáp.

- Ði cách sao đây ? - Thảo Trang hỏi.

- Em và chị Ngàn sẽ ngồi xích lô, anh Viễn chở chị Trang bằng honda chạy theo... hộ tống. Nhưng trước mắt di chuyển mấy cái giỏ xách lỉnh kỉnh này xuống đường đã.

Ngàn thòng hai chân xuống, vịn vào mép giường để bước đi. Viễn xách cái giỏ lỉnh kỉnh theo phía sau. Anh lo lắng dõi theo từng bước chân chậm chạp của Ngàn xuống cầu thang.

° ° °

Viễn nhấn chuông điện. Có tiếng chó sủa rồi cửa bật mở. Xuyến hiện ra với gương mặt ngái ngủ. Con berger lông xám to như con bò con gầm gừ như sắp nhảy bổ vào Viễn để bênh vực chủ.

Viễn theo Xuyến vào phòng khách, hỏi :

- Em đang ngủ à ?

- Thì biết làm gì bây giờ, ba má đi vắng cả...

- Tối qua, em gọi cho ba anh phải không ? Em đã "mắng vốn" anh những gì với ba anh vậy ?

- Em chỉ báo cho ông biết chúng mình sẽ bay cùng một chuyến, vậy thôi ! - Xuyến bối rối.

- Vậy mà ba đã "dũa" anh một trận tơi bời !

- Và giờ anh tới để trách móc em, phải không ?

- Không phải, hôm nay ở nhà có nấu nướng gì đó nên anh tới chở em qua tham dự cho vui.

- Ði ngay bây giờ à ?

- Không lẽ nhà dọn sẵn chờ mình về ăn sao ?

° ° °

Ngồi phía sau, Xuyến vòng tay ôm Viễn. Anh chưa quen nên có hơi ngượng. Ðường không rộng nhưng xe cộ chạy loạn xạ nên Viễn có cảm tưởng nó bị thu hẹp lại. Viễn phàn nàn :

- Thật chán, chạy xe kiểu này, mình không đụng người khác thì người khác cũng đụng mình.

- À, hôm trước anh đụng chàng trai hay cô gái vậy ? - Xuyến chợt hỏi.

- Em đừng làm cho anh phân tâm, sẽ đụng ngay bây giờ đấy ! - Viễn nói lảng.

- Cho em ghé chợ, mua ít trái cây ! - Xuyến nói.

Viễn dừng xe ngoài cổng trong lúc Yến vào chợ. Viễn bỗng nhớ hôm cùng đi với Thảo Trang mua trái cây mang vào viện cho Ngàn...

Về tới nhà, Yến và bà Thúy vẫn còn lo nấu nướng ở trong bếp. Thấy Xuyến, Yến reo lên :

- Hên quá, chị Xuyến tới vừa đúng lúc, vào trong này giúp em một tay.

- Chị chỉ có thể... lặt rau được thôi !

- Thế nữa có chồng, chị làm sao ?

- Dắt nhau đi ăn cơm tiệm hoặc sẽ cho chồng ăn hủ tiếu, mì gói, khỏi nấu nướng ở trong bếp lôi thôi...

- Ðể dành thì giờ trang điểm hả ?

- Chứ sao ? Mình phải đẹp để giữ chồng chứ ?!

Viễn bỏ ra vườn. Ðã gần trưa, khu vườn nhỏ bên nhà vẫn đầy bóng mát. Viễn ngồi trên băng đá kê dưới gốc cây khế lắng nghe tiếng vo vo của mấy con ong đang bay tìm mật trên những chùm hoa khế màu đỏ thẫm lấm chấm trắng, hồi tưởng lại những kỷ niệm thơ ấu của mình. Thật lạ, trước đây Viễn ít khi nhớ lại quãng đời êm đềm ấy.

Xuyến ra ngồi cạnh Viễn. Anh nhìn cô hỏi :

- Xong chưa mà em bỏ ra đây ?

- Tất nhiên là xong - Xuyến cười - Em chỉ lặt rau thôi mà, nấu nướng em có biết gì đâu !

- Mai mốt em phải đi học nữ công gia chánh.

- Học cho vui thì được, nhưng học để làm một bà nội trợ thì em xin đầu hàng ! - Xuyến nói.

Viễn tránh không muốn đi sâu vào chuyện này. Anh lơ đãng nhìn mấy con bướm đang chờn vờn trên một khóm hoa. Xuyến hỏi :

- Anh đã chuẩn bị gì cho cái ngày lên phi cơ rời thành phố này ? Coi thế chứ sắp sửa tới nơi rồi.

- Có thể anh sẽ đi Di Linh. Anh muốn đi chơi xa một chuyến trước khi ra nước ngoài.

- Có định rủ em theo không ?

- Có lẽ anh đi một mình.

Xuyến nhặt một chùm hoa khế rụng trên băng đá bỏ lên lòng bàn tay ngắm nghía. Cô hỏi Viễn :

- Anh còn nhớ đã nợ em gì không ? Một chủ nhật nào đó mình đi Lái Thiêu.

- À, nhớ rồi ! Có lẽ trước ngày đi một tuần...

Yến đưa tay vẫy hai người :

- Xong rồi, mời anh chị vào chọ Ba về rồi !

Bữa cơm thân mật có năm người. Xuyến là khách, nhưng cũng được xem như người nhà. Cô ngồi giữa Yến và Viễn. Trên bàn bày đầy các món ăn. Viễn gắp thức ăn cho Xuyến. Xuyến cười đôi mắt long lanh. Mẹ Viễn, bà hào hứng nói :

- Qua bên đó phải tổ chức đám cưới ngay cho hai cô cậu này để giữ chân nhau chứ cuộc sống bên đó khó mà lường được...

Ông Hoành cười hài lòng, ông hiểu ý bà muốn cả gia đình Xuyến cũng phải có trách nhiệm ổn định cuộc sống cho Viễn.

- Ý cháu thế nào ? - Ông Hoành hỏi Xuyến.

- Dạ, tùy hai bác và anh Viễn quyết định.

Yến lại ném cho Viễn một nụ cười ranh mãnh.

° ° °

Mưa lất phất, Viễn chở Yến ra bến xe trong cái lạnh run người. Thấy còn sớm, Viễn tấp vào một quán bán cơm tấm, cà phê.

- Sao còn vô đây ? - Yến hỏi.

- Ăn sáng đã nhỏ, còn kịp chán ! - Viễn đáp.

Quán nức mùi sườn nướng, ngầy ngật khói thuốc lá. Người ta ăn uống nói cười thoải mái. Viễn hào hứng nói với đứa bé gái mặt còn ngái ngủ đang đứng đợi nãy giờ :

- Cho hai dĩa cơm bì sườn đặc biệt, một cái đen, một cà phê sữa đá !

- Sao không rủ chị Xuyến cùng đi ? - Yến hỏi.

- Anh muốn đi một mình !

Hai dĩa cơm được mang ra. Viễn giục :

- Ăn đi, chút nữa nhớ mang cái thư anh để trên bàn tới cho Ngàn. Nhờ nhỏ bấy nhiêu thôi !

Yến nheo mắt cười :

- Chưa chắc chỉ có bấy nhiêu đâu !

- Ở Di Linh về, sẽ có nhiều quà cho nhỏ. Bơ Di Linh nổi tiếng là ngon đấy ! Thêm một ký cà phê nguyên chất, chính cống Di Linh nghe ! - Viễn nói.

- Bao giờ anh về ?

- Không lâu hơn một tuần !

... Chiếc xe đò cũ kỹ khởi hành. Gió và những giọt mưa lạnh buốt tạt vào mặt. Viễn quay qua người phụ nữ mặc áo dài xanh nước biển, khoác ngoài chiếc áo len đen, chiếc túi du lịch đặt dưới chân. Từ lúc chị bước lên xe, Viễn đã chú ý đến nét ưu tư xa vắng trên gương mặt chị. Thấy Viễn nhìn mình, chị mỉm cười. Anh làm quen :

- Chị đi Ðà Lạt à ?

- Không, tôi chỉ đi đến thị trấn Di Linh.

- Nhà của chị Ở đó ?

- Tôi lên thăm chồng đang ở nhờ nhà ông cậu để chữa bệnh.

Viễn phân vân một lúc rồi hỏi :

- Anh ấy bị bệnh gì ?

- Bác sĩ bảo là tâm thần dạng nhẹ, cần một nơi yên tĩnh, không khí dễ chịu để tịnh dưỡng. Chồng tôi lên đó hai tháng naỵ Tôi bận đi dạy nên chờ nghỉ phép mới lên thăm anh ấy được.

Viễn nhìn đôi mắt u uẩn của chị, mỉm cười :

- Tôi là Viễn. Xin lỗi, chị tên gì ?

- Anh cứ gọi tôi là Tường Lan.

- Cái tên nghe quen lắm. Hình như...

- Tôi là nghệ sĩ dương cầm.

- Chị có dạy piano ở nhạc viện thành phố ?

- Vâng !

- Ðúng là trí nhớ tôi không tồi lắm ! Tôi là khán thính giả của chị nhiều lần rồi ! - Viễn nói.

- Anh đi Ðà Lạt nghỉ mát à ? - Tường Lan hỏi.

- Tôi cũng đi Di Linh thăm người bạn nhưng nhà anh ấy cách thị trấn đến 7 cây số, ở một vùng chuyên canh cà phê.

Bất giác, Viễn nhìn bàn tay trắng hồng với những ngón thon dài của Tường Lan, một phụ nữ đẹp nhưng không may mắn ! Anh lặng lẽ thở dài.

- Mưa đến bao giờ mới tạnh đây ?! Anh biết không, anh Nguyện chồng tôi thường lên cơn trong cơn mưa và anh ấy cũng đã phát bệnh vào một đêm mưa gió dữ dội.

- Chị có biết nguyên nhân không ?

- Tôi không rõ lắm. Hình như anh ấy bị chấn động sau một cơn ác mộng. Ðêm ấy, tôi đi biểu diễn về khuya và đang ngủ say...

- Xin lỗi, chị đã có cháu nào chưa ạ ?

Tường Lan đỏ mặt bối rối đáp :

- Chúng tôi lấy nhau đã ba năm, nhưng... Ước gì có một đứa con gái thì hạnh phúc biết bao ! Chắc anh Viễn còn là sinh viên ?

- Tôi đã nghỉ học, chỉ là sinh viên nửa vời. Nói thật với chị, tôi đang chờ xuất cảnh sang Mỹ.

Tường Lan chăm chú nhìn Viễn nhưng không nói gì. Viễn cũng im lặng nhìn ra ngoài cửa xe.

- Lẽ ra giờ này chồng tôi cũng đang ở bên Pháp nếu anh ấy không yêu tôi...

- Sao vậy ?

- Anh Nguyện được ba má bảo lãnh, nhưng lúc đó đang yêu tôi, mà tôi thì không muốn đi...

- Và bây giờ chị hối hận ?

- Không, chỉ tiếc, giá ảnh không phát bệnh...

Chiếc xe đang ngon trớn bỗng giảm tốc độ, dừng lại sau một đoàn xe dài ngoằng. Anh phụ lái cho biết đoạn đường trước bị sụp lở, người ta đang làm một cây cầu nên chờ cầu làm xong mới qua được. Viễn nhìn đồng hồ thấy đã hơn 8 giờ.

- Liệu kẹt bao lâu vậy anh ? - Tường Lan hỏi.

- Chịu ! Cách tốt nhất là ta xuống xe tìm một ngôi quán nào đó trong khi chờ đợi.

Tường Lan do dự một lúc rồi bước theo Viễn.

- Vào quán bên bìa rừng cao su kia - Viễn nói.

Ðoạn đường ùn xe biến thành cái chợ Ồn ào bán mua đủ thứ, dù trời đang mưa. Hai người len lỏi qua đám đông để vào một mái quán tạm bợ che bằng vải bạt ven rừng cao su.

- Chị uống gì ?

- Cho xin chai nước ngọt, ít đá thôi.

- Sao chị không uống cà phê cho tỉnh người ?

- Có một giọt cà phê vào người là y như tim bị mệt, thôi thì là buồn ngủ còn hơn là khó chịu.

Nhắp một ngụm cà phê nhạt nhẽo, Viễn hỏi :

- Chị định đi Di Linh bao lâu ?

- Cũng phải hai tuần lễ.

- Anh ấy có trở về cùng chị không ?

- Không, chồng tôi sẽ ở trên này hết năm naỵ Nếu không bớt, tôi sẽ tính cách khác.

- Xin phép tò mò một chút, chị tính cách nào ?

Tường Lan thở dài :

- Có lẽ phải đưa anh ấy vào bệnh viện.

- Ðó không phải là cách tốt nhất - Viễn nói.

- Ðành vậy thôi ! - Tường Lan nói như sắp khóc.

Khoảng hai giờ sau, cây cầu mới làm xong, hành khách lục tục trở về xe mình. Ðã dứt mưa, chỉ còn lại một nền trời xám đục. Tường Lan hỏi :

- Bao giờ mình mới tới Di Linh ?

- Có lẽ gần tối mới tới nơi được !

- Anh Viễn này - Tường Lan dè dặt - lên đó nếu rảnh mời anh tới chỗ tôi chơi. Nhà ông cậu của tôi rất dễ tìm. Tôi sẽ ghi địa chỉ cho anh.

- Tôi rất muốn đến thăm anh chị, muốn nghe tiếng đàn của chị - Viễn nói.

- Ồ, có khó gì đâu, nhà cậu tôi có sẵn piano.

- Thế thì chờ tôi nhé, tôi sẽ tìm đến chị. Chắc chắn như vậy.

Tường Lan mỉm cười, ánh mắt của chị sáng lên một niềm vui chân thành.

Trời sẩm tối, Viễn đứng một lúc lâu bên vệ đường để định hướng nhà Lãm theo hướng dẫn trong thự Sương mù đang xuống cùng hơi lạnh khiến Viễn phải kéo cao cổ áo. Không mưa nhưng không khí thật ẩm ướt, cây lá chìm trong sương mù và hương thơm của hoa cà phê thật ngọt ngào.

Viễn lên con dốc cao đầy cỏ dại. Con đường đất đỏ hiện ra giữa hai rìa cỏ, chạy hun hút vào vườn cà phê hoa trắng rờn rợn chìm khuất dưới sương mù. Ði một đỗi, tới con ngõ có lẽ là vào nhà Lãm, anh thấy những bụi cúc vàng ven chân rào. Ðang thú vị đứng ngắm hoa, bỗng một con chó vàng từ trong nhà phóng ra sủa inh ỏi. Viễn định co chân đá cho nó một cái, bỗng có tiếng phụ nữ nạt con chó rồi bóng Na bươn bã đi ra. Cô nhìn sững người khách lạ. Nhận ra Viễn, Na reo lên :

- Trời ơi, hóa ra là anh Viễn, sao lên tối thế ?

- Kẹt xe, cũng may đi đúng hướng - Viễn cười.

- Vào nhà đi, tưởng nơi thâm sơn cùng cốc này anh Viễn sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới chứ !

- Vừa gặp nhau đã nói chuyện mích lòng rồi ! Lãm đâu ? Sao vắng hoe vậy ?

- Anh Lãm đi vắng, nhà này ngoài em với con bé Hà, còn ai nữa đâu mà không vắng ?

Nhà Lãm gồm hai gian trước sau, mái lợp tôn, vách ván, nền đất đỏ bằng phẳng. Phía trước phòng khách kê một cái giường rộng và một bàn nước tròn. Trong lúc Na đi thắp cây đèn dầu mang lên, Viễn ngồi xuống chiếc ghế đẩu cởi giầy để mang dép. Chân anh như chạm phải nước đá.

- Sao lạnh quá vậy ? - Viễn kêu lên và rụt chân lên ghế.

- Ðộ này buổi tối lạnh lắm, đi vớ thì bực bội nhưng mang dép thì như đạp phải nước đá. Tuy vậy, một lúc anh sẽ quen.

- Con bé Hà đâu rồi ? - Viễn hỏi.

Na vào buồng ẵm con gái ra. Hình như nó còn ngái ngủ. Mặt con bé bầu bĩnh, hai gò má hồng, cặp mắt to đen lóng lánh dưới ánh đèn. Nó ngạc nhiên nhìn người khách lạ.

- Chào chú Viễn đi con ! - Na nói với con bé.

- Chào chú ạ ! - Con bé khoanh tay cúi đầu chào Viễn, giọng rất dễ thương.

- Giỏi quá ! Bé Hà mấy tuổi rồi ?

- Dạ, cháu gần bốn tuổi.

- Ði học chưa ?

- Mẹ chưa cho đi học.

- Sao vậy ?

Na giải thích :

- Ở đây chưa có nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo nên tụi em đành để nó ở nhà. Em thì bận bịu suốt ngày, bỏ nó chơi một mình cũng tội.

Na vẫn xinh đẹp như hồi đi học nhưng gầy hơn, đôi mắt to đen không còn nét ngây thơ hồn nhiên mà đầy vẻ suy tự Viễn ái ngại hỏi :

- Lãm đi đâu ?

Na nói nhỏ như sợ ai nghe thấy :

- Anh Lãm theo người ta đi đào vàng trong núi rồi, cả tuần nay chưa thấy về, em lo quá !

- Có chuyện đó sao ? - Viễn ngạc nhiên.

- Vùng này người ta đang đổ xô đi đào vàng. Anh Lãm nghe người ta rủ cũng khăn gói đi theo.

- Cái thằng mơ mộng ! - Viễn phá ra cười.

- Không phải đâu anh, có người đã đào, đãi được vàng. Nhờ thế mà họ khá lên. Anh Lãm thấy cuộc sống vất vả quá, lại nhân mùa cà phê đang ra hoa, chẳng còn việc gì làm nên muốn thử thời vận. Em có ngăn nhưng không được.

- Thật vô duyên, anh lặn lội lên thăm nó, lại gặp lúc nó đi đào vàng - Viễn nhăn nhó.

- Ðể mai em nhắn anh Lãm về, anh định ở chơi bao lâu ?

- Khoảng một tuần rồi về Sài Gòn chuẩn bị lên máy bay.

- Anh sắp đi à ?

- Còn khoảng hai tháng nữa thôi.

- Mừng cho anh, nhưng buồn vì tụi này sẽ khó gặp lại anh nữa.

Viễn thở ra :

- Em cố nhắn Lãm về gấp. Anh không muốn ra đi mà không gặp được Lãm.

- Anh yên tâm, nếu không em sẽ đi tìm anh ấy.

-Làm sao em đi được ?

- Anh đừng tưởng em còn là cô tiểu thư như lúc còn đi học. Bây giờ em trồng trọt, chăn nuôi giỏi lắm đấy và đi tới đâu em cũng đi được.

- Em thay đổi nhiều lắm đấy. Có gì cho anh ăn không ? Ðói quá rồi !

° ° °

Na dậy sớm nấu nước sôi pha trà, bắc nồi cơm, đi cho heo ăn. Viễn cũng thức sớm nhưng nằm yên trên giường tận hưởng cảm giác nhàn rỗi trước buổi sáng ở một nơi lạ được rúc mình vào chăn ấm. Viễn tưởng đêm qua có mưa nhưng thật ra đó chỉ là hơi lạnh của sương mù đọng lại. Nghe gà vịt kêu ran trong sân, Viễn dậy ra đứng ở thềm nhà nhìn Na rải lúa cho chúng ăn. Không còn nhận ra một cô Na "yểu điệu thục nữ" ngày nào.

- Em pha cà phê anh uống nhé ? Anh uống thử cà phê vườn nhà xem có ngon không ?

- Cà phê nguyên chất thì còn gì bằng !

Na đặt ly cà phê phin lên bàn rồi đẩy chiếc Honda nữ dựng ở góc nhà ra sân, nói :

- Ðể em đi mua bánh mì về ăn sáng. Anh trông chừng bé Hà giùm, khi nó thức anh nhớ lên tiếng, không nó khóc vì tưởng em bỏ nó một mình.

Có lẽ tài sản đắt giá nhất của vợ chồng Lãm là chiếc Honda nữ Na đang chạy. Viễn đã thấy nó từ lúc còn học chung với Lãm, và cũng chính chiếc xe này Lãm đã chở Na đi chơi thời hai người mới yêu nhau. Ðối với vợ chồng Lãm, có khi nó là vật kỷ niệm thiêng liêng đánh dấu một thời tươi đẹp.

Na về, mang vào hai ổ bánh mì đặt trên bàn rồi đi ngay xuống bếp. Ít phút sau, Na mang lên một dĩa trứng ốp la và một nhúm muối tiêu :

- Anh ăn đi, trứng gà của nhà đó ! Mẹ con em ăn cơm sáng quen rồi. Nhà quê mà anh.

- Em đã nhắn Lãm chưa ? - Viễn vừa ăn vừa hỏi.

- Vừa nhắn xong. Cũng may có người đi vào chỗ đào vàng. Có thể chiều nay anh Lãm sẽ về tới. Anh yên tâm đi !

Ăn xong, Viễn thơ thẩn ra vườn cà phệ Sương mù đang tan dần. Phía bờ hồ đã thấy mặt trời nhú lên. Những bầy chim từ trong dãy núi bay ngang mặt hồ như lao vào một vùng ánh sáng mờ ảo. Viễn thích thú ngồi trên triền đồi, dưới một gốc cà phê hương hoa bay thơm lừng ngắm thiên nhiên đang chuyển dịch trước mặt anh.

Có tiếng động sau lưng, anh quay lại thấy Na và bé Hà đang đi tới. Con bé mặc chiếc áo len màu tím, đi lúp xúp bên mẹ như con búp bê.

- Bé Hà đòi em dắt đi tìm anh đấy ! - Na cười.

- Bé Hà ngoan quá ! Tới đây với chú Viễn !

Viễn đưa tay đón con bé vào lòng. Nó nhoẻn miệng cười, đôi mắt nó giống Na, gương mặt hao hao giống Lãm. Bé Hà nheo nheo mắt hỏi :

- Chú Viễn ra đây làm gì vậy ?

- Chú ngắm cảnh mặt trời lên đó.

- Mặt trời ở đâu mọc ra vậy chú ?

- Từ trong mây.

Con bé có vẻ thích thú khi nghe Viễn giải đáp. Nó rúc vào lòng Viễn cười khúc khích. Na vít một cành cà phê đầy hoa trắng, nhìn ra mặt hồ lấp lánh sáng bạc hỏi :

- Anh với cô Xuyến dạo này ra sao rồi ? Nghe anh Lãm nói đợi khi qua Mỹ, hai ông bà mới làm đám cưới phải không ?

- Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi qua bên đó !?

- Sao anh có vẻ thiếu tin tưởng vậy ?

- Thì cũng như lúc còn đi học, đâu ai có thể ngờ rằng Na và Lãm sẽ trôi dạt đến chốn xa xôi này. Cuộc sống đầy bí ẩn Na ạ ! - Viễn nói.

- Ðúng là không ngờ thật ! - Na chép miệng.

- Nhưng dù sao được sống với hạnh phúc mà mình chọn là điều tốt đẹp rồi ! - Viễn nói.

- Có vài người bạn thân rồi cũng lần lượt cách biệt hết trơn. Mai mốt anh đi rồi, tụi này coi như không còn ai thân thiết nữa ! - Giọng Na bùi ngùi.

- Chú Viễn đi đâu ? - Bé Hà nắm tay Viễn hỏi.

- Chú đi xa lắm ! Cháu không biết nơi đó đâu ! - Viễn vuốt mái tóc mịn như tơ của bé Hà nói.

- À cháu nhớ rồi - Bé Hà reo lên - Có lần cháu nghe ba Lãm nói chú sắp đi Mỹ, đúng không ?

- Ba Lãm đã nói vậy à ? - Viễn ngạc nhiên.

- Dạ ! Rồi chú có về nữa không ?

- Có chứ !

- Về, chú nhớ mua cho bé Hà nhiều kẹo nghen !

Thấy bé Hà và Viễn trò chuyện vui vẻ, Na cũng vui lây. Từ ngày lên đây lập nghiệp, vợ chồng Na gần như không giao tiếp với ai. Ðất rộng, người thưa, hầu hết dân ở đây đều từ các vùng xa xôi tới. Họ sống trong chu vi của những mảnh vườn cà phê và ai nấy đều tất bật vì sinh kế. Viễn lên thăm khiến Na thấy ngôi nhà mình bớt hiu quạnh.

- Em xuống chợ mua thêm thức ăn để chiều anh Lãm về mình... liên hoan nhé ! - Na nói.

- Ðừng có bày chuyện Na ơi ! - Viễn ngăn lại.

- Lâu lâu anh mới lên mà, huống chi anh lại sắp ra đi, biết bao giờ vợ chồng em có dịp gặp lại !

Na chạy đi như sợ bị Viễn kéo lại. Cô mất hút sau những hàng cà phê um tùm.

° ° °

Lãm về khoảng bốn giờ chiều, quần áo đầy đất đỏ, chiếc ba lô cũ trên lưng, vai lỉnh kỉnh các loại đồ nghề đào vàng. Mặt mày Lãm hốc hác, sạm đen nắng gió, tóc râu tua tủa, chiếc nón kaki ụp xuống mí mắt. Hai người ôm lấy nhau trong niềm xúc động. Viễn đùa :

- Chào triệu phú, được bao nhiêu ký vàng ?

Lãm cười phá lên :

- Nhiều vô số kể, nhưng mình chưa đào tới được, vàng vẫn còn nằm sâu trong lòng đất.

- Mày đúng là anh chàng có máu phiêu lưu, đầu óc đầy mộng tưởng - Viễn nói.

- Thôi chuyện đó nói sau, giờ tao đi tắm rửa rũ sạch bụi cát đã. Na, bắt con gà nấu cháo, chiều nay anh với Viễn lai rai một trận.

Na nhìn Lãm cười :

- Em cũng đã mua sẵn thịt rừng. Anh đi tắm rửa đi ! Gớm, giống y như người rừng !

- Nếu em không nhắn, anh ở trong núi luôn thì thành người rừng chứ gì ! Yên chí, có quà cho em !

- Chắc là một cục... đá xanh ! - Na cười.

Lãm ra giếng tấm xong thay bộ quần áo mới sảng khoái nói với Viễn :

-Ngồi đây tao kể chuyện đào vàng cho nghe !

- Có gì hấp dẫn không ?

- Dĩ nhiên, giống như trong xi nê vậy !

- Vậy thì chờ em làm xong công việc hãy kể cho em nghe với ! - Từ dưới bếp, Na nói vọng lên.

- Vậy thì anh và Viễn sẽ nói chuyện khác.

Bé Hà sà vào lòng Lãm. Viễn cảm thấy vui lây với hạnh phúc của bạn.

- Cô Xuyến đâu rồi ? - Lãm nheo mắt hỏi.

- Biết hai bạn sống ra sao mà dẫn khách khứa tới ? - Viễn cười đáp.

- Lúc nào tụi này cũng mong bạn bè tới chơi, nhưng có lẽ chỉ mình mày là dám thôi. Xa quá mà !

- Chú Viễn sắp đi Mỹ rồi đó ba ! - Bé Hà khoe.

- Sao con biết ?

- Có lần ba đã nói với con mà !

- Không ngờ con bé này nhớ dai như vậy ! - Lãm cười, đặt bé Hà ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.

- Nó giống mày như tạc ! - Viễn nói.

- Ðây là tác phẩm vĩ đại của hai vợ chồng - Lãm nói vẻ tự hào rồi cúi xuống hôn má con gái.

Nói vậy cũng không quá đáng, bởi Lãm và Na đã phải đấu tranh với mọi cản trở của gia đình để cưới được nhau. Viễn may mắn hơn. Giống như một người ăn cỗ, người ta đã dọn sẵn và anh chỉ việc ngồi vào chỗ của mình. Bất giác, Viễn nhớ tới Ngàn. Sao anh không quen với Ngàn sớm hơn ? Ở Ngàn, Viễn nhìn thấy một tâm hồn nhân hậu. Nhưng liệu anh có dám chống lại gia đình ?

Viễn nhìn Lãm xúc động nói :

- Rất vui khi thấy mày với Na hạnh phúc. Bé Hà đúng là "tác phẩm tình yêu vĩ đại" của mày.

- Còn mày với Xuyến thì ra sao ?

- Mọi sự còn tùy ở ngày mai - Viễn cười gượng.

- Thế bạn đã biết chính xác ngày đi rồi đấy à ?

- Ngày thì chưa, nhưng thời gian đã ấn định rồi. Hai tháng nữa thôi, thật ngắn phải không ?

- Mong đây không là lần gặp nhau cuối cùng.

- Tất nhiên rồi - Viễn xúc động nói.

- Mày định ở chơi với vợ chồng tao bao lâu ?

- Khoảng một tuần rồi còn về Sài Gòn giải quyết công việc cho xong trước khi lên máy bay.

- Có liên hoan đưa tiễn gì trước khi đi không ?

- Chắc là không.

- Nhưng với vợ chồng tao thì phải có. Hôm nay mình làm luôn đi. - Lãm cười - Tao đi mua rượu.

- Lâu không ?

- Nhanh thôi, ở gần đây !

Lãm giao bé Hà cho Nạ Anh lấy honda phóng đi. Na đã làm xong con gà và đang canh nồi cháo. Thấy Viễn đi xuống bếp, Na ngước lên hỏi :

- Anh Lãm đi đâu vậy ?

- Ði mua rượu.

- Bộ hai ông tính say sưa sao mà mua rượu ?

- Cho vui thôi, em cứ yên tâm đi !

- Em lo cho anh thôi chứ anh Lãm giờ uống rượu ghê lắm. Không hiểu lý do nào khiến ảnh thay đổi như vậy, nhiều lúc em buồn ghê !

- Chắc tại lên đây không có bạn bè, nó buồn uống rượu giải sầu.

- Bộ em không biết buồn sao ? Em cố để không nghĩ gì hết, nhất là cố không bao giờ hối hận.

- Ðừng bao giờ hối hận, nếu đó là tình yêu mà mình đã chọn lựa, rồi mọi việc sẽ qua - Viễn nói.

Có tiếng honda trước sân. Lãm về. Na dọn thức ăn lên bàn. Viễn nhìn thấy mấy món thịt rừng nướng, xào lăn tươm tất. Có cả một dĩa gà thật to và nồi cháo bốc khói. Lãm lấy chai rượu đế và cái ly nhỏ đặt lên bàn :

- Mình bắt đầu được rồi !

Chỉ vài ly, mặt Viễn đã đỏ ké. Ngà ngà say, Lãm hào hứng kể chuyện đào vàng. Na bế bé Hà lên ngồi ở mép giường, vừa đút cháo cho con vừa thích thú lắng nghe Lãm kể.

- Ông không tưởng tượng nổi đâu ! Ðó là một thung lũng rộng lớn chạy cặp một con suối nước trong veo. Không biết từ hồi nào mà người ta đồn ở đây có vàng, thế là dân khắp nơi đổ về tranh nhau đào bới. Họ đào những cái hầm thật sâu, dãi nắng dầm mưa, chịu lạnh, chịu đói, chịu cả sốt rét để cuối cùng đào lên một lớp đất như bùn lẫn với đá sỏi rồi mang ra suối đãi...

- Có vàng không ? - Viễn ngắt lời.

- Ðào chục cái hầm may ra được chút xíu vàng cám. Cũng có người đào được bằng hạt đậu xanh, nhưng rồi bệnh hoạn thuốc men, ăn uống, cũng hết, tay trắng lại hoàn tay trắng.

Lãm cao hứng, moi ba lô lấy ra một gói giấy nhỏ mở ra cho Na coi :

- Qùa tặng cho em đây !

Na nhìn chăm chú vào mảnh giấy học trò nhàu nát cát bẩn, đỏ mặt hỏi :

- Như thế này thì được bao nhiêu ?

- Khoảng hai chục hạt bụi vàng ! - Lãm cười gượng - Nhưng nó là kỳ công của anh đó !

Viễn nhìn Lãm bằng đôi mắt đỏ ngầu của người say, nhưn ggiọng nói thì rất tỉnh táo :

- Mày hãy ngủ mơ với những hạt bụi vàng ấy đi và thức dậy với vườn cà phê thực tế của mày. Những cái hoa cà phê trắng muốt ngoài vườn kia cũng là những hạt bụi vàng !

Lãm cười giòn tan, còn Viễn ngã đầu lên thành ghế nhắm mắt. Anh thấy đất trời quay tít...

° ° °

Buổi chiều, Lãm đang ở ngoài vườn cà phệ Viễn dẫn honda ra cửa. Na nhìn theo, hỏi :

- Anh có về ăn cơm không ?

- Nhà cứ ăn trước, đừng chờ ! - Viễn nói.

Trời bàng bạc sương mù. Viễn mặc chiếc áo blouson màu xám tro phóng xe ra đường lớn, hướng về phía thị trấn Di Linh. Lần theo địa chỉ Tường Lan ghi trong mảnh giấy, Viễn đến trước cổng một ngôi nhà có tường rào cao phủ đầy một loại cây leo có màu hoa tím đỏ. Cánh cổng sắt màu xanh đóng im ỉm. Viễn nhấn nút chuông điện. Ít phút sau, một người đàn ông tóc hoa râm, đeo kính lão, tay cầm cây kéo lớn để tỉa cây kiểng từ phía trong đi ra mở cổng, nhìn Viễn với ánh mắt dè dặt.

- Cậu tìm ai ?

- Dạ, đây có phải nhà cô Tường Lan không ạ ?

Người đàn ông gật đầu. Ngay lúc ấy, từ trong khoảng sân, Tường Lan vội vã đi ra nói :

- Thưa cậu, đây là anh Viễn, bạn của con ở Sài Gòn mới lên, nhân tiện ghé thăm con.

Tường Lan đẩy rộng cánh cửa cho Viễn dẫn xe vào. Cô vui vẻ nói :

- Tôi đoán hôm nay anh đến, nên từ trưa giờ có ý đợi, có việc ra chợ nhưng không dám đi. Ông cụ vừa mở cổng là cậu ruột tôi đó.

Ngôi nhà thật rộng, xung quanh có vườn cây, lối vào nhà trồng rất nhiều hoa. Tường Lan nói :

- Ông cậu tôi ở ngoài vườn suốt ngày, rất ít khi ra ngoài. Mợ tôi đã chết trước ngày giải phóng do nhồi máu cơ tim...

Hai người vào phòng khách. Bộ salon cổ xưa kê giữa phòng có cẩn xà cừ sáng lấp lánh. Ðồ vật bài trí trong phòng đều là đồ cổ, khá đắt tiền nhưng lại làm cho không khí căn phòng rộng lớn thêm lạnh lẽo, u tịch. Cây đàn piano màu đen cũng thuộc loại cổ, chiếm một vị trí trang trong ở góc phòng.

- Anh Viễn uống cà phê nhé ? - Tường Lan hỏi.

- Không khí này thì uống cà phê tuyệt quá rồi !

- Anh ngồi chờ một chút, tôi đi pha.

Viễn ngồi nhìn lơ đãng. Từ cái lọ hoa nhỏ xíu tới chiếc tủ to kềnh, chạm trổ tinh vi đã nói lên sở thích của người chủ thích sự thanh nhàn, trầm mặc. Ngôi nhà có lẽ không thích hợp với Tường Lan chút nào. Người chồng của Tường Lan, người đàn ông bị bệnh tâm thần đó đang ở đâu trong ngôi nhà này ? Viễn rất tò mò muốn biết.

Tường Lan mang ra hai tách cà phê phin :

- Hôm nay tôi cũng phá lệ, uống cà phê với anh cho vui !

Viễn rút nhánh hồng trong bình hoa trên bàn ngắm nghía rồi cắm trở vào bình.

- Xin lỗi, ông xã của Tường Lan đâu rồi ?

- Anh ấy đang ở ngoài vườn.

- Sao lúc vào đây tôi không gặp ?

- Sau nhà có khu vườn cà phê nữa, đó là một triền đồi dẫn xuống một con suối. Anh Nguyện thường ở ngoài đó hoặc xuống suối câu cá.

- Ở một nơi yên tĩnh, thơ mộng như thế này, chắc anh Nguyện sẽ chóng bình phục.

- Nhưng ngôi nhà hơi lạnh lẽo, anh thấy không ? - Tường Lan nhìn Viễn nói.

- Có lẽ tại ít người với những món đồ cổ im lìm này, trừ cây đàn piano - Viễn nhìn Tường Lan mỉm cười - Chị có thể đàn cho tôi nghe được chứ ?

- Ngay bây giờ ấy à ?

- Vâng.

- Chưa được đâu, cây đàn này bỏ lâu quá rồi. Tôi đang nhờ một người thợ già ngoài thị trấn đến lên dây giùm nhưng chưa thấy ông ấy đến.

- Ðợi cây đàn lên dây xong, chắc tôi đã về Sài Gòn rồi, thế là mất một dịp may.

- Thôi cũng được nhưng tôi sợ tiếng đàn không hay lắm đâu, vì âm thanh không chuẩn.

- Không sao, miễn nghe chị đàn là được rồi.

- Anh uống cà phê đi !

Tường Lan tới ngồi trước cây đàn, nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ. Một màu nắng mỏng xuyên qua sương mù hắt qua cửa kiếng làm cho gương mặt Tường Lan giống như một người trong tranh.

- Anh muốn nghe bản gì đây ?

- Bất cứ bản gì chị thích !

Một chuỗi âm thanh xao động ngân lên rồi lắng xuống một cách buồn bã. Tường Lan đàn bản Giọt Mưa Thụ Viễn ngạc nhiên thấy cô ngừng lại giữa chừng, ngồi bất động, trông ra ngoài cửa và hai bên má chảy xuống hai dòng nước mắt. Một lúc sau, trấn tĩnh cơn xúc động, Tường Lan quay lại hỏi :

- Anh Viễn thấy thế nào ?

- Hay lắm, nhưng rất tiếc chị đã dừng lại ở giữa chừng.

- Anh cũng thấy đó, mỗi lần đàn bản này, tôi đều bị xúc động mạnh.

- Tại sao vậy chị ? - Viễn dè dặt hỏi.

- Không thể kể cho anh nghe được đâu - Tường Lan gượng cười.

- Cuộc sống của chị dường như có nhiều bí ẩn.

Tường Lan đứng lên, đôi mắt còn đẫm ướt, nói :

- Anh có thích đi một vòng không ?

- Giới thiệu tôi với anh Nguyện đi - Viễn nói.

- Anh quả thật muốn biết chồng tôi à ?

Viễn gật đầu.

Khu vườn sau nhà thật rộng. Không gian đẫm hương thơm hoa cà phệ Không khí se lạnh vì sương mù đang xuống mờ ảo bên kia dãy núi.

- Gần như suốt ngày, anh ấy ở ngoài vườn - Tường Lan vừa đi vừa nói.

- Sao chị không gắn thu xếp lên thăm anh ấy thường xuyên hơn ? Một mình anh ấy ở đây chắc buồn lắm - Viễn nói.

- Làm sao biết một người bệnh tâm thần vui hay buồn. Lúc nào tôi cũng thấy anh ấy nhìn tôi gầm gừ, giận dữ. Chưa thấy anh ấy nhìn tôi bằng ánh mắt vui mừng bao giờ.

- Thật thế sao ?

Xuống hết triền đồi, Viễn thấy một dòng suối trong xanh tuyệt đẹp, vẻ đẹp mờ ảo. Ánh nắng mặt trời không đủ xuyên qua các vòm lá rậm rì. Tường Lan ngạc nhiên nhìn quanh :

- Thường thì anh ấy vẫn ngồi trên tảng đá lớn này để câu cá, hôm nay lại biến đi đâu rồi ?

Ngay lúc đó, Viễn thấy một bóng người hiện ra phía sau lưng. Anh quay lại, bắt gặp người đàn ông đang nhìn mình bằng ánh mắt giận dữ. Ông ta mặc bộ pyjama màu lam giống như những người tu tại gia, chiếc áo len tay dài cổ cao màu nâu nhưng có lẽ ông ta mặt theo thói quen hơn vì lạnh. Gương mặt ông bị một vết chàm vắt ngang phần gò má trái, tóc muối tiêu, nước da ngâm đen. Viễn không hiểu người đàn ông hiện ra từ chỗ nào.

- Anh Nguyện ! - Tường Lan kêu lên.

Viễn không ngờ chồng của Tường Lan lại già hơn cô đến như vậy.

- Chào anh - Viễn lên tiếng làm quen.

- Anh là ai ? Có phải là thánh Phao Lồ không ? - Người đàn ông cất giọng rè rè ma quái.

- Anh Nguyện, đây là một người quen của em, anh ấy cũng ở Sài Gòn.

- Sài Gòn ở chỗ nào ? - Người đàn ông ngơ ngác.

- Trong ngày, anh Nguyện có những lúc tỉnh, lúc điên, không có quy luật gì cả - Tường Lan giải thích - Xin lỗi anh, không thể nói chuyện với anh Nguyện trong lúc này được đâu !

- Thử cố gắng xem - Viễn nói.

- Hoài công và càng thêm bực mình thôi. Tốt nhất hãy để anh ấy một mình.

Nhưng Viễn không nghe, anh lại gần người đàn ông và vỗ vai ông ta, tỏ vẻ thân thiện :

- Nghe nói anh thích câu cá lắm phải không ?

- Ai nói với anh vậy ?

- Chị Tường Lan, vợ của anh.

- Ðồ nói láo - Người đàn ông giận dữ - Mày là thằng nói láo, đểi giả, hãy cút khỏi đây !

- Tôi là bạn của anh đây mà - Viễn cười.

- Mày là thằng lừa đảo.

Viễn lãnh đủ một cái tát bất ngờ của người đàn ông điên loạn. Cái tác khá mạnh làm Viễn lảo đảo. Tường Lan nhảy tới nắm tay người đàn ông lôi đi, và nhìn Viễn giọng run run :

- Không được đâu, tốt nhất là anh nên về đi !

Người đàn ông hươ chân múa tay và nói lảm nhảm, gần như không biết Tường Lan là ai. Viễn thở dài quay đi và khi lên hết con dốc, Viễn đứng dưới một gốc cây cà phê nói lớn :

- Tôi chờ chị Ở quán cà phê ngoài đầu phố.

° ° °

Viễn kéo ghế mời Tường Lan. Chị bối rối :

- Anh chờ tôi lâu lắm phải không ?

- Tôi tưởng chị không đến nên định ra về.

- Tôi phải đợi cho anh ấy ngủ mới yên tâm đi.

Trời lạnh quá. Tường Lan quấn lại chiếc khăn quàng cổ màu tím và ngồi thu mình trong ghế.

- Sao anh không về ngay từ chiều, bây giờ trời tối rồi, đường về nhà bạn anh có xa lắm không ?

- Chị đừn glo, chạy honda khoảng hai mươi phút là tới.

Tường Lan nhìn Viễn ái ngại :

- Hồi chiều chắc anh đau lắm ! Tôi không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy. Mong anh hiểu cho và đừng giận anh Nguyện. Hồi chiều khó khăn lắm tôimới lôi được anh ấy vào nhà để cho uống thuốc. Bây giờ thì anh ấy đã ngủ ngon.

- Làm sao biết được tâm tính bất thường của người điên - Viễn cười - Chị uống tách cà phê đen cho ấm nhé ?

- Vâng.

Viễn gọi cà phê và quay lại nói với Tường Lan :

- Lẽ ra tôi về ngay từ lúc đó, nhưn gkhông hiểu sao tôi quyết định ra quán ngồi đợi chị. Tôi có thể làm gì để giúp chị đây ?

- Giúp việc gì chứ ? - Tường Lan ngạc nhiên.

- Tôi cũng không biết nữa - Viễn ái ngại - Nhưng trước hoàn cảnh của chị, tôi cũng thấy buồn quá ! Chị có cần gì không ?

- Không, lâu lắm tôi vẫn sống như vậy.

- Cho tới bao giờ ?

- Hoặc là anh Nguyện sẽ khỏi bệnh, hoặc là tới ngày anh ấy chết.

- Chị lấy anh Nguyện trong hoàn cảnh nào ?

- Anh làm như công an hỏi cung vậy ! Nhưng hiện giờ tôi không muốn nói gì cả. Ðó là chuyện đã qua.

Cà phê được mang ra. Tường Lan cầm chiếc muỗng nhỏ, vừa quậy cà phê vừa nói :

- Chừng nào anh về lại Sài Gòn ?

- Ba hôm nữa.

- Một tuần nữa, gặp nhau tại Sài Gòn, tôi sẽ kể.

- Làm sao để gặp lại chị ? - Viễn mỉm cười - Tôi cũng không còn ở Sài Gòn bao lâu nữa.

- Anh đi đâu ? - Tường Lan ngạc nhiên.

- Tôi sắp đi xuất cảnh với gia đình như đã nói hôm gặp nhau trên xe đò.

- Hôm ấy tôi tưởng anh nói đùa.

- Tôi cũng không chủ động lắm trong chuyện này. Không đi cũng là một điều tốt.

- Thế nào chúng ta cũng sẽ gặp nhau ở Sài Gòn. Con người ta, có duyên thì sẽ gặp nhau. Tôi có đứa cháu, con bà chị ruột, tình cờ đi học về bị một thanh niên đi honda đụng phải, nó vào bệnh viện, thế là quen nhau. Theo tôi biết, anh chàng kia đang theo đuổi cô bé Ngàn, cháu gái của tôi và nó cũng rất có cảm tình với anh chàng đụng nó. Có duyên là thế đấy, dù rằng cuộc tao ngộ này... hơi đau đớn cho thể xác một chút.

Viễn hoảng hốt :

- Chị vừa nói gì, cô cháu gái của chị tên gì ?

- Tên là Ngàn. Nó đang học lớp 12 trường Nguyễn Thị Minh Khai, xinh lắm, anh muốn làm quen, về Sài Gòn tôi giới thiệu chọ Nhưng anhphải kêu tôi bằng dì, chịu không ?

Ở đời, có những sự trùng hợp quá bất ngờ và khó hiểu. Viễn cố giấu sự bối rối, một lúc mới hỏi :

- Ngàn đã kể cho chị nghe chuyện này à ?

- Ðúng vậy ! Một hôm tôi vào bệnh việc thăm, cô bé đã kể tôi nghe. Tuy tôi vai lớn hơn Ngàn, nhưng tình thân thiết như bạn gái cùng tuổi.

- Chị chưa biết mặt anh chàng đã gây tai nạn ?

- Rất tiếc, tôi chưa biết.

Viễn mỉm cười. Nghĩ cũng thú vị thật.

- Thôi chúng ta về ! Ông cậu ở nhà chắc đang chờ tôi về ăn cơm - Tường Lan nói.

- Ðể tôi đưa chị về.

Viễn gọi tính tiền rồi hai người ra khỏi quán.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyện