Chương 1: Ánh chiều tà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, chưa trải qua sự đời, gặp được tiên sinh là một điều may mắn mà tôi phải tích đức mấy đời mới có được.

Tôi và tiên sinh quen nhau từ rất sớm, khi đó chúng tôi đang là một đôi thanh thiếu niên. Anh ấy giống như một chàng hoàng tử, còn tôi giống một cậu nông dân, tôi hâm mộ anh ấy không cần phải lo lắng về cuộc sống, còn anh ấy hâm mộ tôi không bị gò bó tự do tự tại. Anh ấy nói tôi giống như một chú chim, không bị trói buộc, tôi bảo anh tựa như một con đại bàng, khiến người ta cảm thấy hâm mộ. Anh ấy nói tôi là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, tôi bảo anh là vệt sáng độc nhất của trời cao. Anh ấy nói tôi là duy nhất của anh ấy, tôi bảo anh là cả cuộc đời của tôi.

Bầu trời năm ấy cũng như năm nay, một tia ánh sáng phá tan gông cùm của mây đen, giương nanh múa vuốt rải xuống mặt đất. Ve kêu râm ran, cây cối chẳng màng mà tốt tươi, vạn vật như bị ấn máy gia tốc, trong nháy mắt ngẩn ngơ, cũng đã qua lâu rồi.

Tôi và tiên sinh học cùng trường cấp ba, thành tích của tôi không tốt, miễn cưỡng vào được trường, nhưng mà cũng may là tôi không có người nhà cần phải nuôi dưỡng. Thành tích của anh ấy cũng không tốt, mặt dày mày dạn xin bố cho mình đến đây học. Lúc ấy anh nói, nơi đây có hương vị của nhà, bố anh ấy đánh gãy hai cây gậy liền.

Tuy rằng thành tích của tôi không tốt nhưng ở đó cũng coi như là học sinh xuất sắc. Anh ấy thường lầm bầm bên tai tôi, rằng bạn học sinh giỏi ơi bạn học sinh giỏi à, dạy cho mình đi mà.

Tôi thường nói với anh ấy rằng, trường này quá cùi bắp, chẳng lẽ anh chưa từng nghe qua câu “thà làm đuôi phượng chứ không làm đầu gà” à?

(*) ý là thà đứng sau những người tài giỏi còn hơn cầm đầu những đứa ngu

Anh ấy luôn cười nói, đầu gà cũng là đầu mà.

Hoặc là hỏi tôi vì sao lại không đi làm đuôi phượng chứ, tôi sẽ bất đắc dĩ xoa xoa tóc anh rồi nói, tôi học ngu.

Chủ đề bỏ lửng tại đó.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi và tiên sinh cũng rất thú vị. Trong buổi lễ tốt nghiệp cấp hai năm ấy, tất cả mọi người đều kết đôi lấy điện thoại ra chụp ảnh lưu niệm, một mình tôi mặc áo cử nhân được nhà trường phát cho ngồi xổm trên mặt đất quan sát lũ kiến.

Đột nhiên, một bóng đen che mất ánh sáng của tôi, tôi ngẩng đầu lên nhìn ra sau lưng, đập vào mắt chính là khuôn mặt mê hoặc chúng sinh của tiên sinh.

Anh ấy hỏi, sao cậu lại ngồi một mình ở đây ngắm kiến?

Tôi buột miệng thốt ra, bởi vì tình yêu.

Câu trả lời nhận được là sự im lặng hồi lâu của anh ấy. Tôi và tiên sinh mắt to mắt nhỏ nhìn nhau, đột nhiên anh ấy bật cười, tôi nhìn anh bằng ánh mắt như nhìn một bệnh nhân tâm thần, ngược lại anh ấy còn cười kinh hơn, chợt anh ấy im bặt tiếng cười, sự tương phản này cách nhau chưa đầy một giây. Tôi nghi ngờ anh bị tâm thần phân liệt.

Anh ấy trịnh trọng đặt tay lên vai tôi rồi nói, hai ta cùng xem đi.

Tôi khó hiểu hỏi anh, vì sao?

Anh ấy trịnh trọng đáp lại, bởi vì tình yêu.

Lúc này người im lặng lại đổi thành tôi. Tôi cảm giác cả hai chúng tôi đều có bệnh.

Vì thế, hai tên bệnh tâm thần ngồi xổm dưới gốc cây lâu đời nhất giữa sân trường để quan sát lũ kiến, còn đặt tên cho mấy con, trong đó có hai con tên là “Dài Dài” và “Lâu Lâu” lúc ấy tôi nói anh chẳng biết đặt tên gì cả, anh ấy chỉ cười với tôi không nói lời nào.

Chúng tôi trao đổi phương thức liên lạc, vài ngày sau anh ấy gửi mấy bức ảnh cho tôi, trong đó có một tấm là hai bóng người đang ngồi xổm dưới tàng cây, ngồi rất gần, còn có một tấm là anh ấy khoác vai tôi.

Ảnh chụp không nét lắm, không thấy rõ được nét mặt, nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra được biểu cảm khi anh ấy trịnh trọng nói chuyện tầm bậy với tôi, đến giờ tôi vẫn giữ hai bức ảnh đó.

Sau thì cả hai đều không liên lạc với nhau trong một khoảng thời gian rất dài, tôi cũng đã quen rồi, im lặng không nói gì cả giống như với những người khác trong danh sách, chấm đỏ luôn sáng lên ấy đã tắt lịm từ lâu.

Nói không lưu luyến là giả, một người đã sống trong bóng tối lâu rồi, thật vất vả mới nhìn thấy một tia sáng, rất khó để không nghĩ cách đuổi theo nó, nhưng mà cũng may vì đã sống trong bóng tối lâu rồi nên khi lại phải quay về với bóng tối một lần nữa, dường như cũng không quá khó để tiếp nhận.

Gặp lại tiên sinh là khi lên cấp ba. Hôm khai giảng, chủ nhiệm lớp đứng trên bục giảng tình cảm dạt dào vạch ra tương lai, anh ấy thì lại chống nạng khập khiễng đi đến trước mặt tôi, dùng nạng gõ vào cái bàn ngay bên cạnh. Cô gái kia liếc mắt nhìn anh một cái, nhanh chóng thu dọn đồ đạc ngồi vào vị trí trống phía sau, anh ấy ngồi phịch xuống ghế, suýt nữa ngã chổng vó. Tôi tay nhanh hơn não duỗi tay ra đỡ anh, anh ấy cười vỗ vỗ tay tôi rồi chìa tay ra ý bảo không sao, sau đó thì thở hồng hộc, gào to với giáo viên đang đứng trên bục giảng: Chào thầy, thầy vất vả rồi ạ, thầy cứ tiếp tục đi ạ. Dứt lời lại gục xuống bàn thở hổn hển.

Tôi nhìn thấy khoé miệng của ông thầy hói đứng trên bục giảng giật giật, nhưng lại giống như không nhìn thấy anh mà vẫn tiếp tục nói về tương lai, dứt lời, chuyển chỗ ngồi, tôi ngồi trong góc ở hàng cuối cùng, người ngồi cùng bàn của tôi là anh.

Anh ấy nói, như vậy có cảm giác an toàn. Tôi nhìn anh bằng ánh mắt khinh bỉ.

Thầy giáo như thể mặc kệ anh, anh ấy có làm gì trong lớp thì thầy cũng vờ như không nhìn thấy, chỉ cần không làm mấy chuyện quá mức là được. Anh ấy có khá nhiều mối quan hệ, khi tan học thường có rất nhiều người tới tìm anh, bọn họ nói chuyện phiếm, còn tôi thì nằm gục xuống bàn giả chết.

Có lần tôi hỏi anh là vết thương trên người từ đâu mà ra, anh ấy nói, trên đường theo đuổi tình yêu bị ác long đánh.

Tôi chỉ cười hỏi anh còn đau không, anh ấy cũng nở nụ cười đáp rằng mình khoẻ như trâu như chó.

Tôi không thích cười nhưng anh ấy lại thích, gặp chuyện tốt cười mà không tốt cũng cười, có khi ngay cả chính bản thân anh cũng không biết vì sao mình lại cười.

Anh ấy cười rộ lên rất đẹp, là cái vẻ trong sáng không chút giấu giếm phát ra từ nội tâm. Khoé miệng nhếch lên để lộ hai cái răng nanh, cặp mắt đào hoa cong thành hình trăng non.

Anh ấy rất được lòng người khác giới, cũng khó trách, anh ấy đẹp trai mà gia cảnh còn tốt như vậy cơ mà, không chiếm được tình cảm của những thiếu nữ đang mơ mộng kia mới là lạ.

Mỗi khi tan học, sẽ luôn có một đống người giả bộ lơ đãng đi ngang qua cửa sau hoặc là dứt khoát bám vào thành cửa nhìn vào bên trong.

Tôi biết mấy bạn nữ đó đến đây không ngắm anh ấy thì sẽ là ngắm tôi, nhưng có lẽ vẫn có một vài bạn tới để tìm bạn thật. Tuy rằng lời này có hơi tự sướng, nhưng đó là sự thật.

Vừa ra chơi anh ấy đã chạy vèo ra ngoài sau đó mang về rất nhiều đồ ăn vặt, tôi cảm thấy có lẽ anh ấy định tặng cho người con gái mà mình thích nhưng cô gái đó không chịu nhận.

Vì thế hai bọn tôi lấy tiếng giảng bài nhiệt tình của giáo viên làm nền, điện thoại bật lên, đồ ăn vặt bày ra, túi đựng rác mở to, bắt đầu bữa cơm dã ngoại. Dù giáo viên có nhìn thấy thì thầy ấy cũng chỉ lắc đầu rồi rời đi.

Dãy đằng sau có mấy đứa con trai hay chơi với tiên sinh, thường tới cọ ăn cọ uống, anh ấy tiện tay cho bọn họ một chút rồi đuổi đi.

Lúc ấy tôi rất ít đối thoại với tiên sinh bởi vì tôi không thích nói chuyện, vẫn luôn cho rằng anh ấy phụ trách nói còn tôi phụ trách mỉm cười gật đầu đồng ý là đủ rồi.

Anh ấy cũng không giận, luôn nhìn tôi cười, sau đó tiếp tục nói, cũng có lúc tôi sẽ ngẫu nhiên đáp lại anh một câu, anh ấy sẽ cười ngu ngốc cả nửa ngày trời.

Anh ấy thường tổng kết cho tôi sau giờ học vào buổi chiều, rằng hôm nay tôi đã nói bao nhiêu từ, nhiều hơn ngày hôm qua bao nhiêu từ. Anh bảo tôi phải nói nhiều hơn nữa, có chuyện gì thì đừng giữ ở trong lòng, có thể tâm sự với anh ấy.

Có một lần, anh ấy đang tổng kết lại cho tôi, tôi giơ tay ý bảo anh ấy im miệng, nói câu, được rồi, tôi nhớ rồi.

Anh ấy phấn khởi nửa tháng trời.

Tôi hỏi anh tại sao lại tốt với tôi như vậy, anh ấy nói là bởi vì tình yêu.

Tôi cười hỏi anh ấy bị Vương Phỉ và Trần Dịch Tấn tẩy não à. Anh ấy lại chỉ cười không nói gì cả, tôi đoán chắc là cô gái mà anh ấy thích thích này bài hát nhỉ.

Chúng tôi vẫn luôn duy trì mối quan hệ này đến tận khi tốt nghiệp cấp ba, kết quả thi đại học của tôi không tốt lắm, đỗ một trường đại học bình thường. Anh ấy nói với tôi, bố anh ấy định cho anh đi du học.

Tôi nói, được đó, anh cố lên nha, chúng ta có duyên gặp lại.

Anh ấy lại đỏ bừng mắt, nói chỉ cần tôi lên tiếng, anh ấy sẽ không đi nữa.

Trước nay tôi chưa bao giờ thấy anh ấy như vậy. Ở trong ấn tượng của tôi, lúc nào anh cũng là một vẻ “mặc kệ thiên hạ”, cả ngày cà lơ phất phơ bám theo sau tôi rồi cười ngu si.

Tôi vỗ vai anh rồi nói với anh, bố anh làm vậy là vì muốn tốt cho anh, tương lai anh còn phải kế thừa gia nghiệp nữa, đi học sớm một chút cũng tốt.

Anh ấy nghe xong chẳng những không cảm thấy vui vẻ ngược lại còn tủi thân hơn, hốc mắt ầng ậng nước, nhưng lại quật cường không trào ra.

Anh nói, sao cậu chẳng hiểu gì hết vậy!

Tôi đáp, tôi cần hiểu cái gì?

Anh nói, cậu giả ngốc hay là ngốc thật thế!

Tôi đáp, tôi đâu ngốc, tôi rất bình thường.

Anh nói, cậu là đồ ngốc!

Tôi đáp, thôi anh vui là được.

Anh ấy không thèm quay đầu lại mà chạy thẳng một mạch, tôi đứng đờ tại chỗ không biết làm sao cho phải.

Từ đó về sau, chúng tôi không còn gặp lại nhau nữa. Lễ tốt nghiệp cấp ba anh ấy cũng không tới.

Tôi chỉ tưởng là anh ấy đi nước ngoài rồi, nhưng vẫn thấy tiếc vì không thể nói lời hẹn gặp lại với anh.

Tôi cứ nghĩ là chúng tôi sẽ không gặp lại nhau nữa, cho đến lễ khai giảng của trường đại học.

Tôi nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc đang khập khiễng chống nạng đi về phía tôi, gương mặt gây hoạ nhân gian đó vẫn cười tươi roi rói.

Có thứ gì đó lành lạnh lướt qua hai bên má tôi, tôi không biết vì sao mình lại khóc, nhưng nước mắt cứ không thể kiểm soát nổi mà trào dâng.

Tôi không nghe được tiếng xì xào của những người xung quanh, cũng chẳng nhìn thấy những ánh mắt khác thường của đám người đó, trong mắt tôi chỉ có bóng dáng khập khiễng của anh, bên tai chỉ có tiếng la ó bất đắc dĩ của anh thôi.

Anh ấy gào lên với tôi, sao lại ngẩn người ra thế! Mau tới đây đỡ tôi, mệt chết.

Tôi giơ tay gạt đi nước mắt rồi bước đến đỡ anh ấy qua.

Tôi hỏi anh sao lại biến thành bộ dạng này rồi.

Anh ấy lại nở nụ cười nói với tôi, trên đường theo đuổi tình yêu bị ác long đánh.

Cuối cùng tôi cũng hiểu được hàm ý trong câu nói của anh.

Anh ấy come out rồi, bố anh đánh anh gãy bốn cây gậy liền.

Chúng tôi ở chung một ký túc xá, chỉ có hai chúng tôi mà thôi.

Tôi nghe nói, hình như bố anh ấy đã quyên góp cho trường cả một toà nhà, hồi học cấp ba cũng vậy.

Tôi không hiểu về tình thân lắm, nhưng tôi lại rất khát khao nó.

Bố mẹ tôi đã ly hôn từ khi tôi còn rất nhỏ, bố một thân một mình nuôi dạy tôi nên người, sau đó bố gặp tai nạn giao thông, năm ấy tôi 8 tuổi.

Đến tận giờ tôi vẫn nhớ rõ vòng tay ấm áp và bàn tay có lực của bố, nhiệt độ ấy như thể vẫn còn vương lại trên người tôi.

Sau khi an táng cho bố xong, tôi ngồi một mình trong nhà nhìn chằm chằm vào giường của bố, tôi không thể nào hiểu được tại sao mới ngày hôm qua thôi bố còn đang tươi cười bình thường với tôi, tại sao hôm nay lại không còn được gặp lại bố nữa.

Ngày đó ở bệnh viện, bác sĩ bước ra khỏi phòng cấp cứu, tháo khẩu trang, ánh mắt tràn ngập thương hại nhìn tôi với cơ thể dính đầy vết máu, đấu tranh vật lộn mãi, cuối cùng vẫn không thể nói thành lời. Bác sĩ thở dài nhìn tôi, không nói thêm gì cả mà chỉ kéo tôi sang một phòng khác, rửa sạch vết thương cho tôi.

Tôi giật mình khi nghe thấy giọng nói khản đặc của mình vang lên, tôi hỏi, bố cháu đâu?

Bác sĩ không nói.

Tôi lặp lại.

Không ai đáp.

Tôi nóng nảy, ném miếng bông trong tay chú ấy xuống đất, chú ấy ngẩng đầu nhìn tôi, miễn cưỡng nặn ra một nụ cười.

Chú ấy nói, một người thật ra cũng tốt, không bị gò bó, chú cũng rất thích một cuộc sống như vậy.

Chú ấy cúi đầu nói, xin lỗi cháu, các chú, đã cố gắng hết sức…

Sau khi dứt lời, chú ấy xử lý vết thương trên người tôi xong thì lập tức rời đi.

Tôi đờ đẫn ngồi ở ghế trên, tôi không biết mình đã đứng lên rồi đi đến trước cửa như thế nào, chỉ nhớ rõ mỗi một bước tôi đi, đều giống như kim đâm.

Tôi mở cửa, nhìn thấy người phụ nữ cũng đang chật vật bên ngoài, cô ta chẳng nói chẳng rằng, quỳ bụp trước mặt tôi khóc lóc nói cô xin lỗi.

Tôi biết hiện tại tôi nên oà khóc mới phải, nhưng tôi không có, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn bao giờ hết. Người phụ nữ đó ôm tôi khóc lóc thảm thiết, tôi chỉ ngây ngốc nhìn tóc cô ta, không nói gì.

Tôi không biết nên an ủi “thủ phạm” ở trước mặt mình như thế nào, tôi chỉ biết, cô ấy cũng là một người mẹ, hôm nay cô ấy phải về nhà ăn sinh nhật với con gái mình, con gái cô ấy chỉ có một mình cô ấy, cùng giống như tôi khi trước.

Tôi đã không còn nhớ rõ cô ấy đã bị xử lý như thế nào nữa.

Sau khi thu xếp cho bố xong xuôi, tôi về nhà, phản xạ có điều kiện mà hô to một câu, bố, hôm nay con muốn ăn cháo bố nấu.

Nói xong tôi sững người, có thứ gì đó lành lạnh không kìm được mà trào ra khỏi hốc mắt.

Tôi không thể không nhận rõ một sự thật rằng: Bố không còn nữa, tôi không có nhà.

Những ngày sau đó, tôi không nhớ nổi mình đã sống như thế nào, chỉ nhớ rõ tôi đã liều mạng muốn tiến lên phía trước, nhưng đôi chân vẫn bị ghì lại trong bóng đêm, cho đến khi tôi gặp được tiên sinh.

Anh là tia sáng trong cuộc đời vô cùng tăm tối của tôi.

Tiên sinh luôn mang lại hy vọng cho tôi hết lần này đến lần khác, chưa bao giờ làm tôi thất vọng.

Năm ba đại học, buổi chiều anh ấy rủ tôi ra ngoài chơi, anh ấy tìm một quán ăn rất yên tĩnh, chúng tôi ngồi trong một góc ít gây chú ý nhất.

Lúc ăn cơm, đột nhiên tôi cắn phải một thứ gì đó cưng cứng, nhổ ra mới phát hiện đó là một cái nhẫn bạch kim kiểu nam.

Tôi lau sạch nó rồi đặt ở trước mặt anh hỏi, gì đây?

Anh ấy có vẻ hơi căng thẳng, một lúc sau mới ấp úng nói, anh, anh, anh, anh thích em… Xin đừng từ chối anh!

Tôi nhướng mày nhìn anh, cười hỏi, ồ thế hả? Thích tới nhường nào?

Mặt anh ấy càng đỏ hơn, anh yêu em một đời một kiếp.

Tôi nói, thế hết một đời một kiếp rồi, anh không còn yêu em nữa sao?

Anh ấy nói, không không không, anh vẫn sẽ luôn yêu em dù cho thế giới có bị hủy diệt.

Tôi cười, đeo nhẫn lên ngón áp út bên tay trái, nhìn cái đèn treo trên đầu thật lâu, tiên sinh vẫn cứ cúi gằm đầu nhìn mặt bàn.

Tôi nghe thấy mình nói, bỏ nhẫn vào trong đồ ăn, không sợ em bị ngộ độc thức ăn à?

Anh ấy đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn tôi. Anh ấy nói, em… Em đồng ý?!

Tôi không nhìn anh mà chỉ cúi đầu tiếp tục dùng bữa.

Tôi nói, không đồng ý? Chẳng lẽ chờ anh độc chết em à?

Anh ấy không nói gì cả, một lát sau, anh ấy đột nhiên đi đến trước mặt tôi, đột nhiên nâng đầu tôi lên, bờ môi ấm áp của anh dán lên môi tôi.

Tôi nhắm mắt lại, hưởng thụ nụ hôn ngây ngô mà lại ấm áp này.

Anh ấy tìm một khách sạn có cơ sở vật chất khá tốt, kỹ thuật non nớt khiến tôi đau ói. Trong hoàn cảnh xấu hổ như vậy, tiên sinh còn cứ luôn mồm hỏi tôi:

“Làm thế này có đau không?”

“Em có mệt không?”

“Làm như vậy có sướng không?”

Tôi thật muốn bóp chết anh mà.

Chúng tôi ở bên nhau, năm ấy anh 22 còn tôi 21.

Chúng tôi tốt nghiệp, tôi không còn là thiếu niên mặc áo cử nhân một mình ngắm kiến, anh ấy cũng không còn là người hùa theo làm trò con bò với tôi nữa.

Chúng tôi đều là người quan trọng nhất của nhau.

Nắng vẫn gắt, gió vẫn nhẹ, chỉ là thiếu niên hóng gió sưởi nắng đã trưởng thành rồi.

Sau tôi lại đến gặp bố mẹ anh ấy một lần, dường như bọn họ đã chấp nhận sự thật rằng con trai mình là đồng tính luyến ái, đối xử với tôi rất khách sáo.

Sau lại có một lần anh ấy đi công tác ở nơi khác, đến tối nhắn tin nói chuyện với tôi.

Anh gửi, 27° không sợ gì cả.

Tôi đáp, âm 3° dũng cảm tiến tới.

Anh gửi, bên em tuyết rơi chưa?

Tôi đáp, vẫn chưa, trời mới chỉ lạnh thôi, những vẫn chẳng thấy bóng tuyết đâu cả.

Anh gửi, không sao, đợi khi anh về thì tuyết sẽ rơi thôi, đến lúc đó hai ta cùng nhau đắp người tuyết. Em ngủ sớm đi nhé, ngày mai anh sẽ về.

Tôi đáp, ừm, ngủ ngon.

Anh gửi, ngủ ngon.

Tôi nhanh chóng chìm vào mộng đẹp, thầm mong tiên sinh có thể sớm trở về.

Tôi thích tuyết, mùa đông năm nào cũng rất chờ mong. Mỗi khi tuyết rơi, tôi sẽ tháo găng tay của bố mình ra và vùi bàn tay ấm áp của mình vào trong đống tuyết, cảm thụ nhiệt độ dần dần trôi đi cho đến khi tê dại mới lại xỏ tay vào găng, phủi bỏ bông tuyết trên người, dậm chân một cái, cảm thán một câu rằng mùa đông năm nay lạnh thật.

Nhưng hiện tại, tôi càng mong chờ người sẽ cùng tôi ngắm tuyết.

Tôi ngủ thẳng đến hừng đông, mở mắt ra phát hiện điện thoại bị tắt nguồn, vội vàng nạp điện. Mới vừa bật nguồn lên, hàng trăm tin nhắn và cuộc gọi nhỡ nhảy ra.

Trên đường trở về, tiên sinh gặp tai nạn.

Tôi vội vàng mặc quần áo chạy đến bệnh viện, phát hiện mẹ của chúng tôi đang rúc vào trong lòng chị cả khóc rống, bố thì ngồi ở một bên hai tay ôm đầu.

Tiên sinh có một người chị.

Chị ấy là một người phụ nữ rất có năng lực, chỉ tiếc mệnh không tốt, gả cho một tên đàn ông phụ bạc.

Trước mắt tôi lại hiện ra cảnh tượng tiên sinh vác gậy đi tìm anh rể cũ.

Bác sĩ bước ra, chú ấy tháo khẩu trang nói với chúng tôi, lần gặp cuối cùng, đợi cậu ấy ra, mọi người qua gặp cậu ấy đi.

Cả người tôi đông cứng.

Y tá đẩy tiên sinh ra, tôi đi đến trước mặt anh.

Gương mặt anh trắng bệch, không còn nhìn ra được vẻ rực rỡ ngày xưa nữa. Trên mặt tràn ngập vẻ tang thương, anh nói: Anh yêu em, xin em hãy sống thật tốt.

Anh ấy dùng hết sức nặn ra một nụ cười, rồi sau đó vĩnh viễn nhắm hai mắt lại.

Mẹ và chị cả ôm nhau khóc rống, bố bước đến trước cửa sổ, hút thuốc. Tôi đứng đờ ra trước mặt tiên sinh, nhìn anh ấy, cầu xin anh ấy hãy mở miệng nói chuyện. Nhưng tất cả đều vô ích.

Tài xế gây tan nạn đã bỏ chạy, trước khi đi còn không quên đâm tiên sinh thêm một phát nữa, tuy nói phát đầu tiên tiên sinh đã bị thương rất nặng rồi, xe bị lật, người hôn mê.

Nhưng có lẽ tài xế xe quá tải kia sợ bị phạt tiền, nên mới đâm tiên sinh thêm một phát.

Xương sườn bị gãy cắm thẳng vào phổi.

Tôi xem video theo dõi mà cảnh sát cung cấp và báo cáo kiểm tra của bệnh viện, nhất thời không biết nên nói gì cho phải.

Tôi chỉ biết khóc không ngừng. Chị cả chăm sóc cho mẹ đang bất tỉnh, lấy khăn giấy lau giọt lệ tràn ra nơi khoé mắt, bố chỉ nhìn thoáng qua rồi không xem tiếp nữa, đi ra bên ngoài hút thuốc.

Tôi không còn nhớ rõ lúc ấy mình đã kiên trì tiếp như thế nào, chỉ nhớ mình vẫn luôn run rẩy, không khống chế được đôi vai.

Mẹ cứ tỉnh rồi lại mê, mê rồi lại tỉnh, ngây người trong viện tới tận khi tổ chức lễ tang cho anh.

Bố chạy qua chạy lại giữa công ty và bệnh viện, tóc mai nhuộm trắng.

Chị cả còn có con nhỏ ở nhà, cả ngày nó cứ nghêu ngao đòi gặp “bà ngoại”.

Vốn phải là một gia đình hạnh phúc, nếu không có vụ tai nạn xe kia, nếu không bị thiếu mất một người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro