Chương 1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Thì Vũ, hay còn được đám người trong làng gọi là thầy đồ Vũ, tuổi đã gần ba mươi vẫn chưa vợ. Trong làng cũng có vài mối, nhưng người ta đồn thầy kén chọn, nên mãi đến cái tuổi này vẫn còn lẻ bóng. Ấy thế mà...

"Này nhóc!", thằng bé vừa mới bước vào sân nhà thầy thì bị một cô gái ngoắc tay kêu lại, "Lại tao hỏi!"

"Dạ, có chuyện gì chị?", thằng bé lễ phép hỏi lại.

Cô gái đảo mắt, vẻ mặt ranh mãnh, đáp lời: "Thầy chúng mày dạy khi nào xong?"

"Dạ, chắc đến giờ Ngọ.", đứa bé hồn nhiên đáp.

"Được rồi, vào học đi!", cô gái không kiên nhẫn mà xua tay, "Chị biết rồi!"
Nói rồi, cô gái lủi thủi đi ra sau nha.   

          Nhìn đám gà đang thả rông ngoài vườn, cô không nhịn được ác ý mà ném đá trêu chúng.

Vài tháng trước, thầy Vũ đi dạo ở bờ sông, vô tình gặp được cô ả chết trôi dạt bờ. Đến xem mới biết là còn thở, nên thầy cứu rồi vác về nhà. Lúc tỉnh lại, cô ả lại chẳng nhớ gì nhưng đuổi đi thì không chịu. Đuổi mãi không được, thầy bèn doạ: "Không đi thì tôi bắt cô làm vợ!"

Thế là tự nhiên nhà thầy có thêm một miệng ăn.

Khắp làng trên xóm dưới đều đồn rân cái chuyện thầy tự dưng có vợ. Người nói thầy số sướng, khi không có cô vợ xinh xắn. Mấy bà ngày trước làm mối cho thầy lại than thầy dạy học, kiếm đâu ra tiền mà nuôi thêm một cô vợ vừa nhìn đã biết là vụng về.

Thầy Vũ dạy xong đi xuống bếp thì thấy vợ hờ đang nhặt rau. Nhìn về phía bếp lò đang rực lửa, trên bếp là cái niêu đất sôi sùng sục, thầy lắc đầu ngao ngán lấy bớt củi ra.

Cái của nợ này ở với chàng đã hơn ba tháng mà vẫn còn vụng về lắm!

"Nhặt rau xong thì để đó rồi nàng đi ra sau hái hộ tôi ít lá chè tươi."

Bàn tay vụng về kia khựng lại, quay đầu, hất hàm nói: "Thầy đi mà nhờ cái cô hàng nước đầu làng ấy, không thì tự đi mà làm! Tôi không thích nước chè!"

"Ơ hay cái cô này!", thầy Vũ tức đến phì cười, "Hôm nay đi chợ ai chọc cô à? Tự dưng lại nhắc đến cô hàng nước!"

Nàng đứng phắt dậy, khoanh tay nói với giọng kẻ cả: "Tôi ức người từ qua giờ rồi! Tôi mới là vợ của thầy nhé!   Thế mà lúc tôi đi giặt đồ với mấy dì trong làng thì họ nói thầy cười nói với cô ả, rồi nói hai người hợp đôi!"

Đấy, cái của nợ này lại bắt đầu rồi đấy!

"Thì kệ họ!", chàng thấy vợ hờ cáu gắt bèn xoa  đầu nàng, như dỗ một con mèo, "Tôi đời này chỉ lấy một vợ thôi. Cô hơi đâu nghe lời thiên hạ."

Vợ hờ lúc này mới bớt lườm nguýt.

Thầy Vũ không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.

Từ lúc nàng tỉnh lại rồi nói mình không nhớ gì, chàng đã nhìn ra cái cốt cách kiêu ngạo của người này chắc chắn phải xuất thân từ nhà quyền quý. Người này nếu không phải con nhà phú hộ thì cũng là cành vàng lá ngọc bị chiều hư. Cái gì nàng ta cũng bướng, cái gì cũng cãi, nói chuyện với chồng thì như bề trên, việc nhà thì cái gì cũng không biết, đợi chàng chỉ từng thứ. Ngoài cái mặt xinh xắn ra, chẳng biết còn được gì nữa ...

  À, được cái nữa là khá sáng dạ, dạy đâu nhớ đấy.

  Hai vợ chồng cãi nhau trong bếp, đến quá giờ trưa cơm nước mới xong xuôi.

Ăn xong, nàng tự giác mang chén đũa đi rửa. Thầy Vũ thì thong thả làm ngụm nước chè. Thỉnh thoảng, chàng vọng xuống bếp: "Thị Thục, rửa xong chưa? Nhanh lên mà vào ăn chè lam này! Cô không vào là hết phần đấy!"
Nói mãi khiến nàng bực tức. Mang đống chén đã rửa vào nhà, nàng lầm bầm: "Dăm thứ đồ ngọt béo bở gì! Tôi cóc cần!"

"Thật không? Tôi ăn hết nhé!", thầy Vũ trêu.

Thị Thục cười cười nói kháy: "Người ta nói đàn bà con nít mới thích ăn hàng. Thầy Vũ đây một lần xơi hết hai đĩa chè lam, tranh ăn với vợ. Chậc..."

Thầy Vũ đột nhiên đứng dậy hỏi: "Cô Thục có nhớ mình bao nhiêu tuổi rồi không?"

Nàng từ lúc tỉnh lại đã chẳng nhớ gì, đến cái tên Nguyễn Thị Thục cũng là do chàng đặt thì làm sao biết được mình bao nhiêu tuổi.

"Tôi chả nhớ. Tỉnh lại đã nằm ở nhà thầy rồi.", Thục đi đến thó lấy miếng chè lam bỏ vào miệng, "Thầy muốn cho bao nhiêu tuổi thì tôi chịu bấy nhiêu."

  Thục giống trẻ con, dễ hờn dễ dỗi. Trông qua nàng khoảng chừng hai mươi. Cái tuổi này trẻ người non dạ, hay nói nhiều. Chàng thích yên tĩnh, xưa nay quen sống một mình. Lúc đầu không cho nàng ở lại vì sợ. Nhưng nàng mất trí, lại có tư sắc, để ra ngoài kia ai biết xảy ra chuyện gì. Giờ nghĩ lại, thấy sống hai người thế này cũng vui.

"Thục này, tôi tính vài hôm nữa đưa cô đi chữa bệnh. Cô nhớ lại sớm, biết nhà biết quê rồi tôi đưa cô về ra mắt cha mẹ luôn.", thầy Vũ ngồi xuống bên cạnh nàng. Thấy mặt nàng dính đường thì tiện tay lau giúp.

Thục hớp ngụm nước chè, hỏi ngược lại: "Không phải thầy còn dạy tụi nhóc trong làng à? Khi nào nhớ ra thì nhớ thôi, chữa làm gì cho phiền phức!"
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, Thục đều kiếm cớ lản tránh.

"Cô không nhớ cha mẹ à?", chàng hỏi, "Cô không muốn nhớ ra mình là ai sao?"

Thục lắc đầu nguầy nguậy. Nàng đáp: "Tôi sợ lắm."

"Sợ cái gì?", chàng gặn hỏi. Mấy lần trước có nghe nàng nói sợ đâu.

"Chẳng may lúc trước tôi là người xấu, thì thầy bỏ tôi à? Chẳng may cha mẹ tôi không còn, tôi là đứa mồ côi à?", nàng buồn rầu đáp, "Thầy không hiểu đâu."

Trong lòng nàng luôn có một linh cảm xấu, nếu nàng nhớ ra, mái nhà này sẽ không còn.

  Bất giác, nàng nhào vào lòng Nguyễn Thì Vũ, ôm chặt lấy chàng.

  Nguyễn Thì Vũ xoa đầu nàng. Ở chung ba tháng cũng đủ để chàng biết cách dỗ dành cái của nợ này. Ai bảo chàng nhặt cái đồ xấu xa này về.

"Nếu cô không muốn thì tôi không ép. Chuyện này gác lại sau vậy.", Vũ thở dài.

Nghe vậy, mắt nàng lập tức sáng rỡ. Ngẩng đầu lên nhìn chàng, Thục cười ngờ nghệch như con nít lên ba.

Buổi tối, Nguyễn Thì Vũ ngồi đọc sách trong phòng còn Thục giúp chàng quét bụi cho kệ sách. Nàng vừa làm vừa hỏi: "Thầy còn đọc cả binh pháp à?"

Nguyễn Thì Vũ giật mình nhìn nàng. Chàng hỏi: "Sao cô biết?"

Thục nhìn chàng như nhìn đứa ngốc. Cô ả hếch mặt nói: "Có chữ mà! "Ngô Gia Binh Pháp" thì không phải sách nhà binh thì là gì?"

Nguyễn Thì Vũ lại giật mình tiếp lần hai.

Đại Việt dùng chữ Nôm. Ở với nhau đã ba tháng, nàng biết chữ Nôm là điều thầy Vũ rõ như ban ngày. Nhưng mấy chữ kia là viết bằng cổ ngữ. Từ thời Thái Tông, chữ Nôm đã thành quốc ngữ. Các thầy đồ bây giờ chỉ dạy chữ Nôm, có mấy người dạy thêm cổ ngữ đâu. Chỉ có hoàng tộc và con cháu của các gia tộc lớn học ở Quốc Tử giám mới được được dạy loại chữ này.

Mặc kệ thầy Vũ ngạc nhiên, Thục thong thả ngồi xuống bên cạnh chàng, rồi nói bân quơ: "Thầy từng nói tôi có thể sinh ra trong nhà khá giả. Nhưng mà tôi lại được thầy nhặt về từ bờ sông. Thầy nói xem, có phải tôi bị ép hôn gì đó nên nghĩ quẩn mà nhảy sông không? Nếu vậy thì tôi không muốn nhớ lại đâu."

Thầy Vũ trầm ngâm không đáp lời.
"Hôm trước thầy hứa mồng tám tháng sau dẫn tôi đi xem hội chùa, thầy còn nhớ không? Hôm qua tôi đi chợ, mấy dì cứ trêu tôi, bảo tôi sao còn chưa chịu sắm quần áo mới.", Thục vẫn liếng thoắng, "Tôi biết là nhà này mình thầy làm nuôi hai miệng ăn. Tôi cũng chẳng cần quần áo đẹp làm gì đâu... Nhưng mà tôi..."

Nàng lấy hết can đảm mà nói: "Hay là thầy cho tôi viết câu đối đem ra chợ bán được không? Tôi biết tôi vụng về nhưng mà đâu thể ăn bám thầy mãi. Tôi biết chữ, mà chữ tôi không phải thầy khen đẹp hay sao? Thầy cho phép tôi đi làm nhá!"

Tuy Thục không phải là vợ hiền dâu đảm, tính nết bương bỉnh hệt một đứa nhỏ xấu xa nhưng là người hiểu chuyện. Nàng biết mình ăn nhờ ở đậu, làm gì có tiền. Vừa cãi bướng, vừa bắt người ta nuôi không phải quá lắm sao? Với lại ngày nào cũng xin tiền của Nguyễn Thì Vũ, nàng ngại lắm!

Nguyễn Thì Vũ nhìn nàng. Không biết chàng nghĩ gì, một lúc lâu sau mới đáp: "Thục có biết đám hủ Nho nói gì không?"

"Tôi không biết.", Thục ngây ngô đáp lại, "Không phải thầy cũng là Nho sinh hay sao? Sao lại nói là đám "hủ Nho"?"

Nguyễn Thì Vũ nghe nàng hỏi vậy, không biết vì sao, chàng lại cảm thấy nặng nề trong lòng. Chàng đứng dậy đi đến kệ sách, lấy một sấp giấy trắng đưa cho nàng.

"Bán câu đối cũng được, nhưng đừng nói là do chính tay cô viết.", thầy Vũ dặn dò, "Cứ nói là do tôi viết."

Thục gật đầu. Nàng không hỏi tại sao bởi nàng tin tưởng Nguyễn Thì Vũ. Nguyễn Thì Vũ dặn nàng thế nào thì đều có lý hết.

Thấy nàng vui vẻ, Nguyễn Thì Vũ cũng cảm thấy vui vẻ hơn đôi chút. Hắn nhắc nhở nàng: "Khuya rồi, chữ nghĩa gì thì ngày mai viết!"

Nàng gật đầu, nói: "Để tôi đi trải chăn."

Mùa xuân trời vẫn còn rét. Ban đầu khi Thục mới về ở, nàng giành cái giường duy nhất trong nhà. Còn thầy Vũ thì bị cho nằm đất. Vừa tức vừa buồn cười vì rõ ràng nhà của mình, giường của mình mà cô trẻ này lại ngang ngược chiếm, thầy Vũ không cam lòng hỏi: "Tại sao người ngủ dưới đất là tôi? Nhà tôi, giường tôi, chính tôi cứu cô về."

Thục lúc đó rất thản nhiên mà nói lại: "Tôi là khách, thầy là chủ. Đạo lý chủ nhường khách là hiển nhiên."

Nguyễn Thì Vũ cười phá lên. Chàng vừa cười vừa nói: "Này, có phải cô quên chính miệng cô đuổi cũng không đi, kiên quyết đòi làm vợ tôi không? Vợ chồng chung giường, có đâu chuyện tôi phải ngủ đất!"

Thục trùm chăn, lươn lẹo đáp: "Giấy trắng mực đen mới tính!"

Khi đó, chàng chỉ trêu vậy rồi mặc kệ, coi như không chấp đàn bà, nhường nàng ngủ trên giường.

Hơn một tháng sau, cơn rét đầu mùa xuân đến, lúc này, Thục lại nói hai người ngủ chung, chia giường làm đôi.
Thầy Vũ ngạc nhiên: "Không phải cô Thục không cho tôi ngủ chung sao?"
Thục ra vẻ hiểu chuyện, nhưng giọng vẫn rất bề trên: "Trời lạnh, thầy ngủ đất để nhiễm hàn à?"

Nằm trên giường, nhớ về chuyện cũ, Nguyễn Thì Vũ cảm thấy mọi thứ nhanh thật, như một giấc mộng vậy. Mới hôm nào đây mà giờ hai người đã ở với nhau mấy tháng rồi. Chàng nắm tay người nằm bên cạnh rồi hỏi câu bân quơ: "Cô Thục có thích hoa bưởi không?"

Thục nằm ngay ngắn, mắt nhìn trần nhà, đáp: "Mía ướp hoa bưởi ăn ngon lắm."

Nói rồi nàng nhắm mắt, một lúc sau đã nghe tiếng ngáy nhỏ.

Nguyễn Thì Vũ nhìn nàng ngủ say. Dáng vẻ khi ngủ của nàng vô cùng đoan chính, cành nhìn càng thuận mắt. Kể ra nếu đúng như chàng nghĩ, nàng hẳn phải xuất thân cực kì cao quý, cha mẹ phải vô cùng nuông chiều. Vì sao đã mất tích hơn ba tháng trời vẫn không tìm nàng? Vì sao một tiểu thư lá ngọc cành vàng lại có thể rơi xuống sông? Nước sông Lục Giang cực kì lạnh, dòng nước siết, nàng làm sao mà sống sót được?

Thầy nói xem, có phải tôi bị ép hôn gì đó nên nghĩ quẩn mà nhảy sông không?

Chàng biết các gia tộc lớn thường có liên hôn. Những mối hôn sự này đều không có tình cảm, chỉ bàn đến lợi ích. Nhưng cho dù không tình cảm thì sao, đổi lại một đời sung túc, gia tộc hưng thịnh thì có là gì. Trượng phu năm thê bảy thiếp, nhưng chính thê cao quý chỉ một người, nắm giữ trên dưới của phủ. Một đời như vậy, tuy phù phiếm, chết đi chẳng mang được gì nhưng cũng chẳng chịu thiệt bao nhiêu.

Chàng trở mình, toan ngồi dậy chong đèn dầu đọc sách thì cánh tay đã bị Thục xoay người ôm lấy.

Thôi thì ngủ tiếp vậy, sách vở gì thì mai đọc!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro