nghe thuat "du" chong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nghệ thuật "dụ" chồng

Thay vì nói những lời dài dòng khi đề nghị hay hỏi "xin" điều gì đó từ chồng, những người vợ hãy nói trực tiếp và ngắn gọn với thái độ ôn hòa, tôn trọng sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Và quan trọng nhất, người vợ hãy học cách nhận lời từ chối của chồng để tạo đà sẵn lòng đồng ý cho chồng trong những lần đề nghị sau...

Học cách công nhận trước khi đòi hỏi

Khi đàn ông cảm thấy giọng điệu ra lệnh từ lời nói của người vợ thì dù lời đề nghị đó có dễ thương đến đâu thì họ vẫn có xu hướng bớt "cho" đi đến khi cảm thấy được vợ trân trọng. Vì thế, chuyên gia tâm lý khuyên: Các bà vợ hãy luôn tỏ thái độ ghi nhận và biết ơn những gì mà chồng làm cho vợ. Kể cả những việc nhỏ nhặt như rửa vài cái bát, lau sàn nhà... Khi anh giúp chị dọn dẹp sau bữa tối, thì chị hãy thể hiện sự cảm động chứ đừng coi đó là việc đương nhiên anh phải làm. Cũng đừng chờ đợi sự tự nguyện chăm lo từ anh mà hãy khéo léo tán dương việc anh làm và tăng cấp độ mở những lời nhờ vả, để tai anh quen nghe lời nhờ vả nhẹ nhàng của chị, mà không phải là lời ra lệnh. Bởi khi cảm thấy bị vợ điều khiển, ngay lập tức anh sẽ nói không với ước nguyện, mong muốn của chị.

Trước khi muốn được sự chăm lo, săn sóc và nhận sự "cho" đi không tiếc của anh thì chị hãy tập cách công nhận, trân trọng anh. Khi nhận ra mình được vợ trân trọng, anh sẽ rất vui vẻ và luôn sẵn lòng cho đi thật nhiều. Nhưng chị đừng nóng vội đòi anh phải đạt mức độ sẵn lòng cho ngay từ ban đầu, mà phải học dần cách công nhận anh đã. Theo chuyên gia tâm lý, biết chọn thời điểm hợp lý với thái độ ôn hòa, lời lẽ thích hợp thì những lời đề nghị, đòi hỏi của chị sẽ được đáp ứng nhanh chóng. Thời điểm hợp lý chính là chị hãy cẩn thận đừng bao giờ bảo anh làm việc gì khác mà anh đang có chủ ý làm. Nếu anh định đi đổ rác, thì chị đừng cất lời: anh có thể làm ơn đổ rác hộ em được không. Khi mở lời như vậy, anh sẽ tưởng chị dạy anh phải làm gì. Khi anh đang bận bịu làm gì đó, thì tốt hơn hết các bà vợ đừng bắt chồng phải đáp ứng lời thỉnh cầu của mình ngay. Và khi yêu cầu chồng làm gì đó, các bà vợ đừng bao giờ tỏ thái độ đanh thép, nhăn nhó bởi dù có bao bọc ngoài nó là ngôn từ khéo léo đến đâu thì anh vẫn cảm thấy bị coi thường và đương nhiên anh sẽ nói không với yêu cầu của chị.

Đàn ông chẳng cần nghe những lời lý giải lê thê, dài dằng dặc về lý do anh phải giúp chị. Chị càng lê thê lý giải thì anh càng dễ từ chối. Sự dài dòng kể lể của chị sẽ khiến anh nghĩ chị thiếu niềm tin vào anh, anh cảm thấy không được coi trọng đúng lúc. Phụ nữ thường sai lầm khi cố đưa ra hàng loạt lý lẽ bênh vực cho nhu cầu đòi hỏi của mình, chị tưởng rằng khi nói như vậy anh sẽ thấy nó là chính đáng và sẵn lòng đáp ứng.

Những sai lầm dễ mắc

Cái khó nhất của việc yêu cầu, hỏi xin chồng là cách thể hiện nó như thế nào. Chuyên gia tâm lý khuyên rằng hãy dùng những cụm từ như "vui lòng, làm ơn, giúp" và không nên dùng nhiều từ "có thể". Thay vì nói: Có một đống quần áo chưa phơi, anh có thể giúp em được không, hoặc anh có thể tưới cây được không... Chị hãy nói: anh vui lòng phơi quần áo giúp em nhé, anh giúp em tưới cây nhé, anh giúp con đi dép vào nhé. Những lời nói dài dòng như: Nhà cửa bẩn thỉu và bụi bặm quá, em lại quá bận, không có thời gian, anh có thể dọn nhà giúp em được không; Con vẫn chưa đi dép xong, chúng ta bị muộn quá rồi, em không thể làm tất cả, anh có thể giúp được không... được các nhà tâm lý cho là không nên nói khi muốn nhờ vả chồng làm gì đó. Thực tế có người phụ nữ cho là khi hỏi xin hay đề nghị một cách ngắn gọn thì chồng sẽ không hiểu hết ý, việc giải thích dài dòng một chút sẽ khiến anh hiểu rằng đó là chị nhờ vả thực sự chứ không phải là lời ra lệnh. Thực chất, khi nghe lời đề nghị, lời xin của chị, anh đã thường tin chị có lý do chính đáng để xin. Nhưng nếu chị giải thích lòng vòng sẽ khiến anh nghĩ mình không thể nói không - dẫn đến việc anh cảm thấy mình bị cưỡng chế, bị buôc phải làm theo lời vợ, thậm chí ở một số người đàn ông còn xuất hiện ý nghĩ mình bị vợ coi thường, bị dắt mũi.

Không ít phụ nữ khi được chuyên gia tâm lý tư vấn như vậy đã đưa ra lý lẽ: Tại sao tôi lại phải học cách hỏi xin, vợ chồng là bình đẳng, chẳng việc gì tôi phải xin, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm đương nhiên của người làm chồng. Thực tế, với bản tính thiên bẩm của đàn ông, nếu chị muốn thay đổi anh thì lập tức anh sẽ tỏ ra chống đối. Chỉ khi biết chấp nhận và nương theo sự khác biệt về bản tính phái mạnh thì chị sẽ nhận được cái mình muốn. Việc "xin" hay yêu cầu điều gì đó từ chồng, không có nghĩa là chị tự hạ thấp mình, tự đánh mất tính độc lập, tự chủ của mình mà đơn giản đó cũng là một cách chị thể hiện sự tôn trọng, niềm tin với chồng. Cảm nhận được niềm tin và sự tôn trọng từ vợ, người chồng sẽ dần tự nguyện săn sóc vợ mà không cần đợi chị lên tiếng yêu cầu. Không ít phụ nữ lại tỏ ra bất mãn rằng tại sao chị phải đề cao cả những việc nhỏ nhặt chồng làm trong khi thực tế chị làm nhiều hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia tâm lý: Bản thân người đàn ông sẽ lập tức cho ít đi khi họ thấy mình không được tôn trọng. Nếu chị muốn nhận nhiều hơn thì tốt hơn hết là hãy tỏ ta tôn trọng và động viên, công nhận những điều anh làm, dù là nhỏ nhặt. Bởi đó là nguồn động viên và khích lệ sự mở lòng của anh. Ngược lại, nếu chị cứ mải mê cho nhiều, cống hiến nhiều mà không tôn trọng anh thì anh cũng chẳng công nhận những điều chị đã làm cho anh và đương nhiên anh cũng không mở lòng săn sóc chị. Thay vì như vậy, chị hãy cho bớt đi và tỏ ra tôn trọng anh thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Học cách đón nhận câu từ chối

Những người vợ hãy học cách sẵn sàng chấp nhận sự từ chối của chồng khi đòi hỏi nào đó không được chấp nhận, hãy tỏ thái độ cho anh thấy rằng dù anh có thể nói không nhưng chị vẫn cứ yêu anh, rằng anh hoàn toàn có thể tự do với việc trả lời có hoặc không. Bởi với đàn ông, việc được tự do nói không thì họ lại có xu hướng nói đồng ý nhiều hơn. Phần lớn phụ nữ thường có giác quan thứ 6 rất nhạy cảm, chị có thể cảm nhận được câu trả lời của anh ngay cả khi chị chưa mở lời đề nghị. Vì linh cảm này mà nhiều khi phụ nữ mắc sai lầm, khi cảm thấy không được chấp nhận, họ không yêu cầu nữa và ngầm tức giận trong lòng. Anh chẳng thể biết nội tình đang diễn ra trong tâm hồn chị, còn sự ngầm giận của chị có thể châm ngòi nổ cho bất kỳ cuộc cãi vã nào. Các nhà tâm lý khuyên rằng, việc phụ nữ học cách chấp nhận câu trả lời không từ chồng cũng quan trọng không kém gì cách học xin, học yêu cầu, học đề nghị. Những người vợ hãy cứ hỏi xin, đề nghị chồng kể cả khi biết chắc anh sẽ từ chối. Kể cả khi anh đang xem một trận bóng gay cấn, chị vẫn hãy cứ mở lời nhờ anh chạy đi mua hộ mớ rau. Câu trả lời chắc chắn là không. Khi ấy, chị hãy sắp sẵn câu trả lời cho sự từ chối của anh như: Thôi được rồi bằng một thái độ hòa nhã, vui vẻ. Khi thấy chị đáp nhận lời từ chối với thái độ xuề xòa, vui vẻ và vẫn tỏ ra tôn trọng, tin cậy anh thì anh đã thở phào nhẹ nhõm và lập tức trong lòng anh đã đề cao thái độ đó của chị. Như vậy, lần sau khi chị mở lời đề nghị anh việc gì đó thì anh đã sẵn sàng hơn.

Khi được vợ hỏi xin hay đề nghị điều gì đó, có thể lần này anh từ chối nhưng lần sau anh sẽ ghi nhớ và sẵn lòng giúp chị hơn. Còn nếu chị cứ mải mê hy sinh nhu cầu của mình, không lên tiếng yêu cầu thì anh sẽ khó mà tự biết đến được. Khi chị đều đặn hỏi "xin" một cách ôn hòa, mềm mỏng thì tự khắc trong anh đã nới rộng ngưỡng phạm vi công việc và nới rộng cả tần suất trả lời đồng ý. Đó chính là một trong những phương thức để vun vén cho một mối quan hệ gia đình lâu dài và lành mạnh.

Các nhà tâm lý cho rằng, các bà vợ không nên dài dòng về các đòi hỏi của mình, nếu người chồng hỏi tại sao thì chị chỉ cần giải thích một cách ngắn gọn. Nhưng bên cạnh đó, chị phải tỏ thái độ cực kỳ tin cậy vào anh thì ngay lập tức anh sẽ mở lòng ra với chị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro