nghe thuat sau khau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nghệ thuật khẩu chiến với chồng

(10/08/2009 06:08:10)

Theo luật sư Bessi Hamburger, chỉ có độ 10% các vụ xung đột vợ chồng có nguyên nhân do tiền bạc hay ngoại tình dẫn đến bi kịch, còn 90% là do những nguyên nhân không đâu vào đâu.

Xưa nay, trong bất cứ cuộc xung đột nào, ai chẳng muốn dành phần thắng? Có ai muốn làm kẻ chiến bại? Nhưng nếu trong cuộc sống vợ chồng, một khi nổ ra xung đột mà bạn cũng quyết tâm giành phần thắng bằng mọi giá thì liệu có nên không? Bởi vì, trong những cuộc "nội chiến" ấy, người ta đã rút ra: "thắng" nhiều khi đồng nghĩa với "bại"!

Cái giá của chiến thắng

Một hôm tình cờ đi ngang qua nhà người bạn, tôi rẽ vào chơi. Phải bấm đến hồi chuông thứ ba mới thấy anh ta lử khử lừ khừ lê đôi dép loẹt quẹt ra mở cửa. Trông cái vẻ ủ rũ, phờ phạc của bạn khác với vẻ vồn vã mọi khi, tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cậu ốm à?

- Cũng hơi mệt!

Thấy cảnh nhà cửa bừa bãi, ấm chén mỗi nơi một chiếc, vài mảnh bát vỡ vương vãi trên sàn nhà, tôi biết ngay đây là cảnh chiến trường sau một trận "nội chiến tàn khốc". Để khẳng định điều phỏng đoán của mình, tôi hỏi thêm:

- Vợ con đâu cả rồi?

- Dắt nhau về bên ngoại ba hôm nay rồi!

Quả không sai! Thì ra sau khi cuộc "nội chiến" kết thúc, bao giờ bên thua cũng tạm rút quân về "căn cứ địa" là nhà bố mẹ đẻ, còn bên thắng thì ... ốm! Mấy tháng sau, khi tôi biết tin thì họ đã ly hôn.

Hầu hết những người vợ bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" bao giờ cũng bắt đầu bằng "đấu khẩu".

Một ông bạn khác là giảng viên môn lịch sử ở một trường đại học. Ông thường phân tích rất hay về những nguyên nhân thành công và thất bại của các cuộc khởi nghĩa. Vì thế, trước sự áp chế quá đáng của bà vợ đáo để, có lẽ ông thấy các điều kiện đã "chín muồi" (là từ ông hay dùng khi giảng bài) nên quyết định làm một cuộc "khởi nghĩa" trong gia đình. Bữa cơm hôm ấy, bà vợ vẫn vừa ăn vừa "ca cải lương" như mọi khi thì bỗng giật nảy mình vì ông quát to lên một tiếng như hổ gầm rồi bằng một động tác như có tính toán trước, ông vần cả nồi cơm cho nó lăn lông lốc ra ngoài hè (Chắc làm như thế cho bẹp nồi). Tưởng là bà vợ sẽ phải im ngay. Ai ngờ bà ta đứng bật dậy, gầm lên một tiếng to hơn và bê cả mâm cơm liệng vèo ra ngoài sân làm cho ông chồng ngồi ngay đơ ra như khúc gỗ. Có người hàng xóm ái ngại nhận xét: cuộc khởi nghĩa của ông ta bị "dìm trong bể máu" (cũng là từ ông hay dùng). Mấy năm sau, ông này chuyển vào phía Nam dạy học không trở về nữa.

Cuối cùng, người thua là những đứa con. Một nhà xã hội học Mỹ cho biết, 80% trẻ hư là con của những gia đình mà bố mẹ hay đánh cãi nhau.

Xung đột vợ chồng là hiện tượng có tính toàn cầu

Số liệu thống kê cho thấy, những cặp vợ chồng có cãi nhau vặt mỗi tuần một vài lần chiếm tới 3/4 số gia đình sống ở thành phố. Nghiên cứu cho thấy hầu hết những người vợ bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" bao giờ cũng bắt đầu bằng "đấu khẩu". Các ông chồng vũ phu sau khi thất bại về "chính trị" thường tìm thắng lợi trong "quân sự", đơn giản vì họ khoẻ hơn, chứ không phải họ đúng hơn. Các nhà xã hội học Mỹ còn cho biết, hàng năm ở nước này, có khoảng một triệu phụ nữ bị chồng đánh đập. Cứ hai gia đình Mỹ thì có một gia đình từng có chuyện đánh nhau. Và trung bình cứ 5 gia đình thì có một cặp vợ chồng mà vợ bị đánh từ 5 lần trở lên. Tiếc rằng nước ta chưa có thống kê về lĩnh vực này nhưng một bác sĩ bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cho biết, hàng năm số phụ nữ phải vào viện vì bị chồng đánh không dưới vài trăm người. Thành phố Hồ Chí Minh phải có "nhà lánh nạn" cho những phụ nữ có nguy cơ bị chồng đánh. Đại hội phụ nữ thế giới phải ra thông báo đặc biệt về tình hình bạo lực trong gia đình.

Trong những cuộc "nội chiến" ấy, người ta đã rút ra: "thắng" nhiều khi đồng nghĩa với "bại"!

Nguyên nhân xung đột vợ chồng

Theo luật sư Bessi Hamburger, ở Mỹ chỉ có độ 10% các vụ xung đột vợ chồng có nguyên nhân do tiền bạc hay ngoại tình dẫn đến bi kịch, còn 90% là do những nguyên nhân không đâu vào đâu. Thậm chí, sau khi tan cuộc, người ta không nhớ nổi cuộc xung đột đã bắt đầu vì cái gì? Theo Giáo sư De Besse của đại học Sorbonne ở Pháp thì nguồn gốc xung đột vợ chồng thường bắt nguồn từ hai tính xấu khác nhau: tính nói dai của các bà vợ và tính hiếu thắng của các ông chồng. Theo ông, phụ nữ lắm điều vì khả năng quản lý gia đình của họ tốt hơn, họ thường không bằng lòng với tính làm ẩu và bừa bãi của chồng con. Trái lại, đàn ông lúc nào cũng muốn hơn vợ về mọi mặt. Ngay cả khi họ sai, họ vẫn cố chứng minh là mình đúng. Không thắng được bằng "đấu khẩu" thì chuyển sang nói chuyện bằng "chân tay".

Nghệ thuật tháo "van an toàn"

Khảo sát cho thấy, trong hôn nhân hiện đại, vợ chồng hoà thuận đến mấy cũng có cãi nhau. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng nếu vợ chồng không bao giờ bất đồng về một cái gì chưa chắc đã tốt. Cho nên, nếu chúng ta đã biết rằng xung đột vợ chồng là không tránh khỏi, nhất là trong những năm đầu chung sống - vì lúc ấy hai bên chưa phân thắng bại - thì không còn cách nào khác là đành phải chấp nhận nó. Vấn đề là nên cãi nhau như thế nào để không làm rạn nứt hạnh phúc lứa đôi? Cũng như trong kỹ thuật lò hơi, bao giờ người ta cũng thiết kế một hệ thống van an toàn, phòng khi áp suất đột ngột tăng, những van này sẽ tự động xả bớt hơi để tránh cho lò khỏi bị nổ tung. Phải chăng trong đời sống vợ chồng cũng thế, khi cuộc tranh cãi có chiều hướng gia tăng dữ dội, gia đình có thể rạn nứt hoặc đổ vỡ, cần có "van an toàn" để làm cho nó khỏi nổ tung.

Một là, bắt đầu cãi nhau vì cái gì thì chỉ "bó hẹp" ở cái đó, không để "ngọn lửa chiến tranh" lan rộng. Vì như thế sẽ triền miên, không bao giờ hết. Nhất là không nên móc đến những sự việc xảy ra đã lâu và không "mở rộng" đến bình luận về bố mẹ hai bên. Không nên lạc sang nhận xét về thái độ của nhau một cách phỉ báng. Thí dụ: "Anh bỏ ngay cái lối nói năng vô văn hoá ấy đi!" hoặc "Nhìn vào gương xem cái mặt nhăn lại có giống khỉ không?"

Hai là, luôn nhớ rằng đây là "nội chiến" nên không dùng vũ khí "hạng nặng". Nghĩa là không dùng những từ ngữ độc địa có tính chất lăng nhục nhau. Vì như thế khi chiến tranh kết thúc, những vết thương ấy không lành được. Đặc biệt không động vào những chỗ "huyệt" của nhau. Vì chỉ động nhẹ vào đó cũng làm đối phương giãy nảy lên "như đỉa phải vôi", đánh trả bằng bất cứ thứ "vũ khí" gì có trong tay. Dale Carnegie nhận xét: "Những kẻ nói với ta những lời cay độc nhất thường lại chính là người thân của ta". Bởi vì chỉ người thân mới biết rõ chỗ nào là "huyệt". Thí dụ hồi học lớp 9, anh chồng bị lưu ban vì trốn học hoặc năm 17 tuổi, cô vợ đã phải đi nạo thai.

Ba là, không nên vội vã đưa ra quyết định gì trong khi cãi nhau. Bởi vì mọi quyết định trong trạng thái tức giận đều không chuẩn xác. Thí dụ quyết định đập ti-vi đi cho từ nay trẻ con khỏi xem hay quyết định viết đơn ly hôn và ký luôn. Có anh quyết định từ giờ đến chết không thèm động vào người "đối phương" nữa. Những quyết định đó sau khi đã bình tĩnh mới hối tiếc hoặc sửa lại rất ... ngượng.

Tranh cãi là chuyện nhà nào cũng có, nên cãi nhau thế nào để sau đó có thể yêu tiếp được, chứ đừng để hạnh phúc đội nón ra đi.

Biết tha thứ và chủ động làm lành

Người ta nhận thấy sau một cuộc chiến tranh, nước nào thắng thường tỏ ra độ lượng. Nếu vậy, sau cuộc xung đột vợ chồng, người thắng thường hay tha thứ và làm lành. Người thua lại thường hay cố chấp. Bởi vậy, ta không nên ngại làm lành, kể cả xin lỗi. Vì nhất định trong một cuộc xung đột, cả hai đều có cái sai.

Tranh cãi vợ chồng là chuyện nhà nào cũng có. Nhà văn Stevenson còn cho rằng: "Không ai có thể yêu liên tục, thỉnh thoảng phải "giải lao". Đó là lúc cãi nhau". Vì vậy, nên cãi nhau thế nào để sau đó có thể yêu tiếp được, chứ không đến nỗi "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi". Song, trong hai người nam và nữ, phụ nữ thường dịu dàng, mềm mỏng hơn. Họ biết lúc nào "cơm sôi" cần phải "bớt lửa". Cho nên từ xưa các cụ đã khuyên con cháu:"Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?". Phải chăng cái "van an toàn" bao giờ cũng nằm trong tay phái đẹp?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro