nghe thuat song 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đồng hồ đo km cuộc đời

Một số người nói cuộc đời là một đại lộ. Đó cũng là một ý hay để nhìn về cuộc đời. Tôi tưởng tượng tôi đang chạy trên con đường của cuộc đời tôi với vận tốc 60 dặm/giờ. Mỗi phút đi được một dặm. Ước chừng tôi sống trên đại lộ ấy khoảng 12.500.000 phút, có nghĩa là đồng hồ đo km của tôi sẽ có thể đọc 12.500.000 dặm.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi dùng để nhìn ngắm con đường, hay dùng để nhìn ra cửa sổ. Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi dùng để nhìn vào kiếng chiếu hậu và không quan tâm tôi đang chạy nhanh đến thế nào.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi lái xe qua các vòng xoay, và bao nhiêu lần tôi phớt lờ các biển báo giao thông - dù chúng vẫn luôn tồn tại ở đấy... Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi không thể cầm lái vì quá say và... bao nhiêu vụ tai nạn mà tôi đã gây ra...

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi cảm thấy đáng tiếc cho chính mình, hay bao nhiêu dặm tôi đã dùng để hát những bài hát tôi yêu thích trên radio.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi lái xe cho tôi và bao nhiêu dặm tôi lái xe cho ai đó mà tôi quan tâm. Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi băng qua ai đó trên phần đường tôi đang đi mà không dừng lại để giúp họ.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi thắt dây an toàn và bao nhiêu dặm tôi đã đi mà buông tay ra khỏi tay lái.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi đi một mình và bao nhiêu dặm tôi cười vang với bạn bè và gia đình ngồi đằng sau ghế.

...

Tôi tự hỏi có bao nhiêu dặm tôi sẽ lái xe trước khi tôi biết mình đi đâu...

Hãy nhìn đời như một ly cocktail

Cuộc sống ngon lành như một ly cocktail vậy, đấy là khi bạn biết pha chế và thưởng thức nó.

1. Mỗi người chỉ có một cơ thể của riêng mình. bạn có thể làm gì tuỳ thích với nó nhưng nên nhớ rằng nó là thứ duy nhất thực sự của bạn và ở bên bạn cho đến cuối cuộc đời. Vì thế hãy đối xử tử tế với nó.

2. Không có điều gì trong cuộc sống mà không hàm chứa trong đó những bài học. có lúc bạn sẽ vô cùng thích thú nhưng cũng có lúc bạn sẽ thấy chán phèo và có những bài học khiến bạn đau. Nhưng hãy hiểu rằng điều quan trọng là bạn rút được gì sau những bài học đó.

3. "Kia" không bao giờ tốt bằng "đây". Khi những cái "kia" trở thành cái "đây" của bạn, bạn sẽ dễ dàng để mắt tới những cái "kia" khác vì nghĩ rằng nó có vẻ tốt hơn cái "đây" bạn đang có. Nên học cách bằng lòng với chính mình vì đôi khi thực chất những cái "kia" không thể bằng những cái "đây" được.

4. Tự bạn sẽ quyết định cuộc sống của mình. Bạn sẽ có những công cụ và nguyên liệu cần thiết nhưng pha chế nó như thế nào là nhờ chính đôi tay trái tim và khối óc của bạn. Vì vậy đừng trông chờ vào may mắn mà hãy chú ý đến chính bản thân mình đi.

5. Bạn sẽ quên tất cả những điều tôi nói ở trên. Thật đấy, cũng không cần thiết phải nhớ quá nhiều như vậy. hãy cứ nhìn đời như một ly cocktail đủ mọi hương vị và màu sắc. Chua vẫn có thể làm cho ngọt. Ngọt vẫn có thể làm cho đằm. Không một bartender nào có thể pha một ly cocktail thật tuyệt ngay từ lần đầu tiên. Và chắc chắn là bạn sẽ luôn có đủ nghị lực, niềm tin và lạc quan để pha ly cocktail cho mình chứ.

Hai bát mì bò

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh...

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ.

Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại:

"Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò."

Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ:

"Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Những cậu bé ăn kem.

Tôi đã đến thị trấn nhỏ này nhiều lần và chẳng còn lạ gì cảnh những đứa bé ăn xin mặt mũi lấm lem chạy hết quán này đến quán khác xin tiền của khách du lịch. Tôi không phải là khách du lịch, tôi đến đây để làm việc, nhưng cũng không ít lần khó chịu vì bị một vài đứa bé nhằng nhẵng đi theo đòi một vài đồng bạc lẻ.

Hôm nay, cũng như mọi khi, sau khi rời máy bay, tôi đến một quán giải khát nhâm nhi một cốc bia trước khi trở về khách sạn. Quán hôm nay khá đông nhưng không thấy bóng dáng một đừa trẻ ăn xin nào. Tôi nghỉ chân được một lúc thì có hai thằng bé ăn mặc khá luộm thuộm bước vào quán. Đây chắc chắn là hai đứa trẻ ăn xin nhưng tôi không bận tâm lắm vì tôi biết ông chủ quan sẽ đuổi bọn chúng ra ngoài ngay thôi. Nhưng tôi đã lầm! Ông chủ quán vẫy tay về phía bọn trẻ, gọi to:

- Cần gì vậy 2 chàng trai?

- Ở đây có kem hoa quả không ạ?

- Tất nhiên là có, vậy hai cậu cần loại gì?

- Dạ, có những loại như thế nào ạ?

Tôi nghe ông chủ quan giới thiệu về từng loại kem, giá cả, mùi vị và thậm chí còn phân tích cho chúng thấy loại nào thì được nhiều người ưa chuộn hơn. Cuối cùng thì hai cậu bé chọn hai cốc kem trung bình về giá cả trong tiệm. Chúng ăn có vẻ rất ngon lành, thì như các bạn biết đấy, những đứa trẻ ăn xin như thế này hiếm khi được ăn những món ăn mà mọi người cho rằng rất bình thường.

Khi ăn xong, đứa trẻ lớn hơn rút trong túi ra những đồng bạc lẻ, vừa vặn tiền hai cốc kem đưa cho chủ quán. Người chủ vừa đếm tiền vừa nói:

- Hai cậu đã chuẩn bị sẵn tiền rồi cơ à, thật sòng phẳng.

Lũ trẻ tạm biệt ông chủ quan ra về, chúng không còn vẻ sợ sệt như lúc đầu mới bước vào quán nữa. Khi chúng chuẩn bị bước ra khỏi cửa, ông chủ còn cố với theo:

- Cảm ơn 2 cậu, lần sau lại đến nhé!

Tôi tiến lại gần chỗ thanh toán tiền và nói:

- Này anh bạn, tôi thích cái cách anh đối xử vớ những đứa trẻ.

- Anh biết đấy, những đứa trẻ ở thị trấn này sống rất khó khăn. Chắc chắn ăn một cốc kem là một quyết định táo bạo, nhất là phải vào nơi chúng luôn bị xua đuổi. Chúng ăn và vẫn trả tiền cơ mà, tại sao chúng lại không được đối xử bình thường như những người khách khác? Nếu anh đối xử với chúng như những thằng ăn cắp, chắc chắn chúng sẽ thừa lúc sơ hở, "chôm" của anh thứ gì đó. Nhưng nếu được đối xử như những người khách hàng tử tế, chúng sẽ cư xử như những khách hàng lịch thiệp khác.

Người chủ cửa hàng không phải là người quen của tôi, tôi cũng không đến quán của anh ta thường xuyên, nhưng qua cái cách hành xử của mình, anh ấy đã khiến tôi khâm phục, khẩu phục. Cửa hàng của anh ấy tuy nhỏ nhưng luôn đông khách vì anh ấy đã biết cách làm cho khách hàng cảm nhận được giá trị đích thực của mình.

Mỗi ngày đều là dịp đặc biệt

Anh rể tôi mở ngăn kéo hộc tủ của chị tôi và lấy ra một gói giấy lụa. Anh nói: "Đây là một cái jupe lót". Anh mở gói giấy ra và trao chiếc váy cho tôi. Nó được làm bằng lụa trông rất thanh nhã với những hoa văn được thêu bằng tay tỉ mỉ. Mẩu giấy ghi giá tiền khá đắt vẫn còn đính trên đó. "Jan đã mua cái này cách đây khoảng 8 hoặc 9 năm, khi anh chị lần đầu tiên đến Nữu Ước. Cô ấy không bao giờ mặc nó. Cô ấy để dành cho một dịp đặc biệt nào đó. Ừ nhỉ, có lẽ là để dành cho dịp này...". Anh lấy cái váy từ tay tôi và bỏ chung với những áo quần khác mà chúng tôi sắp mang đến chỗ dịch vụ tang lễ. Bàn tay anh đặt chiếc váy mềm mại đó một lúc, thế rồi anh đóng sầm ngăn kéo lại và quay sang tôi: "Đừng bao giờ em để dành bất cứ thứ gì cho một dịp đặc biệt nào hết. Từng ngày em đang sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi".

Tôi nhớ mãi những lời này trong suốt lễ tang, và trong những ngày tiếp theo đó khi giúp anh và lũ cháu thu xếp những công việc trong nhà sau cái chết đột ngột của chị tôi. tôi. Tôi nghĩ về những lời này trên chuyến bay từ Midwestern, nơi gia đình chị tôi sống, về đến California. Tôi nghĩ về tất cả những điều mà chị tôi chưa từng được nghe, được thấy hoặc được làm. Tôi nghĩ về những điều chị tôi đã từng làm mà không nhận ra sự đặc biệt của nó. Tôi nghĩ về những lời nói của anh rể và những lời nói ấy đã thay đổi cuộc đời của tôi.

Tôi bớt thời gian trong việc lau chùi bụi bặm và dành nhiều thì giờ trong việc đọc sách. Tôi ngồi nơi bàn và chiêm ngưỡng cảnh quan trước mặt và không còn phiền muộn vì cỏ dại mọc cao trong vườn. Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, cho bạn bè và bớt thời gian họp hành. Bất cứ lúc nào, cuộc sống luôn là để cho ta tận hưởng chứ không phải để chịu đựng. Giờ đây tôi đang nhận thức được điều đó và đón nhận từng giây phút của cuộc sống.

Tôi đã không "để dành" thứ gì; chúng tôi sử dụng những đồ sứ và pha lê cho những dịp bình thường nhất với những bông hoa trà mới nở. Tôi mặc những chiếc áo đẹp để đi chợ nếu tôi thích. Trông tôi có vẻ rất giàu có khi có thể trả 28 đô la rưỡi cho một cái túi đồ tạp phẩm nhỏ xíu mà không hề nhăn mặt.

Tôi không để dành nước hoa đắt tiền cho những lễ hội đặc biệt nữa. Những nhân viên các cửa hàng, những người thu ngân trong ngân hàng cũng như những bạn bè ở lễ hội đều được tận hưởng cùng một mùi nước hoa đắt tiền ấy.

Cái từ ngữ "ngày đẹp nên" hay là "một ngày nào đó" đã không còn nằm trong vốn từ của tôi nữa. Nếu có điều gì xứng đáng được nghe, nhìn hoặc làm thì tôi sẽ muốn nghe, chiêm ngưỡng và thực hiện ngay giờ đây.

Nếu có điều gì đó không kịp làm, tôi bực mình vì tôi biết thời gian của mình có giới hạn. Bực mình bởi vì tôi đã hoãn lại cuộc thăm viếng những người bạn tốt vào một ngày nào đó; bực mình vì tôi đã không viết những lá thư mà tôi lại dự định viết vào một ngày nào đó; bực mình vì đã không nói với chồng và con gái của tôi là tôi yêu họ đến nhường nào. Tôi cố gắng hết mức để không phải chần chừ, hoãn lại và hoặc để dành lại điều gì nếu nó mang lại nụ cười và sự rạng rỡ cho cuộc sống của chúng tôi. Và, mỗi bình minh, khi thức giấc, tôi đều nói với chính mình, đây là dịp đặc biệt. Từng ngày, từng phút, từng hơi thở, thật sự là... một món quà của cuộc sống.

Bức tranh

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.

Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết- những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

Cong, nhưng đừng gãy

Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc lá cây rì rào. Nơi đó tôi cũng được ngắm những thân tre oằn xuống dưới sức gió rồi vút ngược lên trời cao khi những cơn gió lặng đi. Khi tôi nghĩ về tính đàn hồi của thân tre lúc chúng cong và thẳng ngược lại về vị trí cũ, khái niệm về sự thích ứng hiện lên trong óc tôi. Liên hệ điều này với con người, sự thích ứng có nghĩa là khả năng phục hồi sau một cú sốc, nỗi u sầu, hoặc bất kỳ trạng thái nào đã làm căng thẳng hết mức những cảm xúc của con người.

Bạn có bao giờ cảm thấy mình gần như gục ngã? Bạn gần như bị bẽ gãy? Hãy cảm tạ trời đất vì sau thử thách ấy bạn vẫn còn tồn tại để có thể nói về sự trải nghiệm đó. Trong thử thách đó bạn đã cảm thấy một trạng thái tình cảm lẫn lộn đang đe dọa chính sức khỏe của mình. Bạn cảm thấy những xúc cảm bị rút kiệt, tinh thần kiệt quệ và bạn gần như phải hứng chịu một trạng thái về sức khỏe không lấy gì làm dễ chịu.

Cuộc sống là sự tổng hòa của những thời khắc tươi đẹp và đen tối, những phút giây hạnh phúc cũng như bất hạnh.

Những bất hạnh tiếp đến sẽ gần như bẽ gãy bạn, nhưng hãy cố gắng cong người gắng chịu, đừng để bị bẽ gãy. Hãy nỗ lực đừng để hoàn cảnh hạ gục bạn.

Một chút hy vọng sẽ đưa bạn vượt qua những thử thách cam go. Với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hoặc một viễn cảnh tươi đẹp, thì mọi điều xem ra sẽ không đến nỗi tồi tệ. Thử thách cam go ấy rồi ra sẽ dễ dàng đương đầu hơn và kết quả cuối cùng thật xứng đáng. Nếu đường đời trở nên cam go và bạn đang ở vào thời điểm sắp gãy, hãy chứng tỏ sự thích ứng của mình. Giống như những cây tre, cong, nhưng không gãy.

Vứt bỏ sự nghi hoặc, hãy tin tưởng mọi người

Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai: "Anh đừng có tới đây để lôi kéo chúng tôi, anh tưởng rằng có thể dùng tiền để lừa bịp, hối lộ chúng tôi được sao, anh tưởng rằng có thể dùng tiền để mua được sự ân xá sao, các anh cũng thuộc loại người không chân thực rồi".

Người phạm nhân này nghe xong cảm thấy vô cùng thất vọng và nghĩ rằng trên thế gian này không còn ai tin tưởng anh ta nữa. Buổi tối, anh ta quyết định vượt ngục. Anh ta đã lấy trộm tiền của mọi người để chuẩn bị cho cuộc trốn chạy. Khi anh ta lấy đủ số tiền rồi, liền lấm lét lên tàu hoả, trên tàu khách rất đông, đã chật cứng không còn chỗ ngồi, anh ta phải đứng ngay bên cạnh chiếc toilet trên tàu.

Lúc đó bỗng nhiên xuất hiện một cố gái xinh đẹp đi vào toilet, nhưng cô chợt phát hiện ra cái khuy cửa đã bị hỏng, cô gái liền nhẹ nhàng bước ra nói với anh ta: "Thưa anh, anh có thể giữ cửa giúp tôi được không?"

Anh ta sững người một lúc, nhìn cô gái với ánh mắt dịu dàng và thuần khiết, anh ta khẽ gật đầu. Cô gái đỏ mặt bước vào bên trong toilet còn anh ta lúc này trông giống như một người vệ sĩ trung thành, nghiêm nghị giữ cái cánh cửa phòng toilet.

Và trong cái thời khắc ngắn ngủi ấy, anh ta đột nhiên thay đổi ý định, khi tàu dừng lại anh ta rời khỏi đó và đến đồn cảnh sát tự thú...

Lòng tin cũng chính là bàn đạp thực tế, có người nói rằng: "Tin tưởng người khác thật là nguy hiểm, bạn có thể phải chịu sự lừa gạt của họ" chúng ta giả sử là thiên hạ luôn luôn tồn tại sự lừa dối, như vậy thì câu nói đó đúng là có lý, lòng tin không nên xuất phát từ trong ảo giác. Bạn biết rõ với người thích nói nhiều thì không nên đem bí mật của mình mà kể cho họ nghe. Thế giới không hẳn là một chiếc sân vận động an toàn mà người ở trên đó không phải ai ai cũng có thiện ý, chúng ta buộc phải đối mặt với sự thật này. Lòng tin chân chính, không phải là sự cả tin.

Không tin tưởng người khác, thì không thể thành nghiệp lớn, cũng không thể trở thành vĩ nhân. Xin hãy ghi nhớ câu nói này: "Bạn tin tưởng người khác, thì họ mới tin tưởng bạn, trung thực với bạn. Hãy lấy phong độ của một vĩ nhân đối với người khác, họ mới có thể biểu hiện ra cái phong độ vĩ nhân mà họ có với bạn".

Chúc các bạn luôn được sống trong niềm tin!

Lời ước hẹn cao cả

Họ gặp nhau trong một bệnh viện khi đang đi dạo. Cả hai đang ở độ tuổi 17. Trong một chớp mắt, bốn mắt nhìn nhau, hai trái tim non trẻ rộn lên một niềm xúc động sâu sắc. Họ đọc trong mắt nhau một nỗi thương cảm bi ai. Kể từ hôm đó họ không còn cô đơn nữa.

Đến một ngày cả hai được thông báo rằng bệnh tình của họ không có cách nào chữa trị nữa. Trước khi được gia đình đón về nhà, họ ngồi bên nhau một buổi tối, hẹn hò cùng nhau cố gắng vượt qua số phận. Họ hứa sẽ mỗi tuần viết cho nhau hai lá thư để chúc phúc và động viên nhau. Rồi hôm sau họ chia tay nhau.

Thấm thoắt đã ba tháng trôi qua. Cô gái ngày càng yếu ớt. Một hôm cô gái cầm trong tay bức thư của chàng trai gửi đến rồi thanh thản khép đôi bở mi, miệng thoáng mỉm cười mãn nguyện. Bà mẹ cuống cuồng gọi con, nhưng cô gái đã ra đi. Bà gỡ lá thư trong tay cô ra và đọc: " ... Khi số phận đã đùa giỡn với sinh mệnh của em, em không nên sợ hãi vì bên cạnh em luôn có anh và mọi người quan tâm đến em. Anh đang khoẻ dần lên, anh sẽ đến với em một ngày gần đây, em sẽ không cô đơn".

Hôm sau bà mẹ mở tủ của con gái, phát hiện ra vài chục lá thư đều do con gái bà viết, bỏ sẵn vào phong bì, dán tem đàng hoàng. Phía trên tập thư là mẩu giấy cô con gái viết cho bà mẹ. "Mẹ ơi, đây là tập thư con viết cho một người bạn trai mà chúng con đã có lời hẹn ước đi cùng nhau suốt quãng đời còn lại. Nhưng con thấy mình yếu đi nhanh chóng, sợ không giữ được lời hứa ấy. Con đã viết sẵn những lá thư này, mỗi tuần mẹ gửi giúp con một lá cho anh ấy để anh ấy nghĩ con vẫn còn sống và đang động viên anh ấy vượt lên trên bệnh tật. Con chỉ mong anh ấy có đủ niềm tin để sống tiếp. Con gái của mẹ".

Bà mẹ lần theo địa chỉ ghi trên bì thư để đến nhà chàng trai. Bà nhìn thấy trên bàn là một tấm ảnh của một thanh niên trẻ, tràn đầy sinh khí và sức sống được viền dải băng đen. Bà vô cùng ngạc nhiên khi biết chàng trai đã ra đi cách đây một tháng. Bà mẹ chàng trai nước mắt lưng tròng chỉ vào chồng thư đặt bên cạnh khung ảnh và kể rằng: "Con trai tôi đã mất cách đây một tháng, nhưng trước khi ra đi, nó dành ba ngày ba đêm để viết những lá thư này. Nó nhờ tôi mỗi tuần gửi cho cô bạn gái nào đó một lá. Nó bảo cô gái ấy cũng đang trông mong chờ đợi sự cổ vũ động viên của nó. Thế là cả tháng nay tôi thay con trai gửi những lá thư này đi, không biết cô gái ấy có nhận được không..."

Bà mẹ của cô gái lao đến ôm chầm lấy bà mẹ của chàng trai và khóc không thành tiếng. Khi hai bà mẹ đã hiểu ra tất cả, hai bà quyết định vẫn cứ hàng tuần gửi cho nhau một lá thư mà con họ đã để lại. Họ bảo làm như thế để "Vì một ước nguyện cao cả..."

Lâu đài cát

Nắng nóng. Không khí mặn chát. Những con sóng đều đều. Một thằng bé trên bờ biển quỳ gối xúc cát bằng xẻng và nén cát vào cái xô đỏ. Sau đó nó úp xô xuống. Nhấc ra, chỉnh sửa khối cát để cho ra đời tòa lâu đài. Nó chơi vậy suốt buổi trưa. Xây thêm hào, đắp thêm tường thành, những ngọn tháp là trạm bảo vệ. Que kem làm cầu. Một khu lâu đài bằng cát được xây xong.

Thành phố lớn. Những con đường đông đúc. Giao thông sôi sục. Một người đàn ông ngồi trong văn phòng, sắp giấy tờ thành từng đống và bàn giao những công việc đã xong. Ông kê điện thoại vào giữa vai và cổ, tay vẫn gõ bàn phím vi tính liên tục. Những con số múa may, nhiều hợp đồng kí kết, niềm vui của người đàn ông và lợi nhuận sinh ra. Cả cuộc đời ông dành cho công việc. Những kế hoạch nối tiếp nhau. Tương lai nằm trong dự đoán. Tích luỹ hàng năm là những sự bảo đảm. Vốn vươn dài ra bắc cầu khắp nơi. Một đế chế được dựng nên.

Hai người xây lâu đài có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều tích tiểu thành đại. Cả hai đều làm nên chuyện từ khi chưa thấy nó. Cả hai đều cần cù và quyết tâm. Và cả hai đều biềt rằng khi thủy triều lên cũng như khi xu thế thay đổi thì mọi việc sẽ kết thúc. Và đây chính là điểm khác biệt giữa hai người. Trong khi người đàn ông làm ngơ kết quả thì đứa bé biết chấp nhận.

Hãy xem đứa bé làm gì khi mọi thứ sắp tan thành cát bụi. Khi sóng kéo đến, cậu bé thông minh nhảy lên và vỗ tay. Không buồn phiền, không sợ hãi, không tiếc nuối. Vì nó biết chuyện này sẽ xảy ra, nên nó không ngạc nhiên. Và khi cả tòa lâu đài ầm ầm sụp đổ, bị hút về biển cả, đứa bé mỉm cười. Nó cười, nhặt lấy dụng cụ và nắm tay cha về nhà. Mà sao người lớn không được ngoan như vậy. Khi con sóng thời gian tràn tới, phá sập toà lâu đài của mình, người đàn ông kinh hoàng. Ông ta lượn lờ quanh cái phế tích của mình để bảo vệ. Ông ta xây thêm tường để chặn con sóng, rồi khi nước biển thấm vào và phá vỡ nó, ông rối trí trước cơn thuỷ triều. Ông nói một cách bất chấp: "Đây là tòa lâu đài của tôi mà!".

Nhưng đại dương không trả lời, ai cũng biết cát thuộc về nơi nào.

Tôi cũng không biết gì nhiều hơn về những toà lâu đài cát. Nhưng trẻ con lại biết rõ lắm. Hãy quan sát chúng để học hỏi. Tiếp tục xây lên nhưng bằng một trái tim trẻ thơ. Lúc chiều tà bóng xế, khi con nước lên, hãy hoan nghênh nó. Sau khi chào đón tiến trình của cuộc sống, nắm lấy tay cha, rồi... về nhà.

Tôi yêu

Hải Đăng

Tôi tập yêu cuộc sống lại từ đầu, không phải theo một cách mới, mà yêu theo một lối cũ như trước. Khi tôi nhận ra những thói quen tốt đẹp đang dần rời xa mình, tôi hoảng hốt... Tập lại một thói quen cũ không phải là một điều khó khăn.

Tôi yêu những buổi sớm mặt trời chưa nhô cao, khi những ánh nắng đầu tiên chưa kịp soi vào mặt người, không gian đầy màu xám. Bầu không khí theo những khoảng thời gian, có khi lạnh nhè nhè, có khi lạnh buốt nhưng đều mang lại cảm giác nhẹ nhàng, phơi phới. Một buổi sớm đẹp.

Tôi yêu những ngày gió lộng, những lo toan, những muộn phiền, những nghĩ suy... dường như trôi theo hướng gió. Dễ chịu lạ.

Tôi yêu tất cả những cành cây, ngọn cỏ, đóa hoa... trên đường về nhà. Mỗi ngày chúng lại khác đi, xinh đẹp hơn, mới lạ hơn và thu hút hơn. Tôi thích chầm chậm đi về nhà trên đoạn đường dài để có thể nhìn hết những thứ xinh đẹp xung quanh mình, để biết rằng mình thật hạnh phúc.

Tôi yêu góc quán tôi hay ngồi một mình, chậm chạp gặm nhấm sự cô đơn, chậm chạp quan sát sự sống trước mắt mình, và chậm chạp suy nghĩ.

Tôi yêu bờ biển của tôi. Lạ. Tình yêu ấy ngày một dầy thêm. Có lẽ biển đã cất giữ quá nhiều những kỷ niệm và những ưu tư của tôi. Những mối dây tình cảm của tôi đều hướng về biển: những mối tình, những lần cô đơn, bạn bè,... Làm sao tôi diễn tả cho hết cảm xúc của mình mỗi lần ngồi ngắm biển hay những lần tôi thả bộ trên dãi cát quyện chặt phù sa. Làm sao mà tôi biết tôi lại yêu biển nhiều đến thế...

Tôi yêu những lần nhói đau. Những lần tôi khóc nức nở vì vấp ngã. Và tôi biết mình hãy còn bé nhỏ lắm, phải cố gắng nhiều hơn nữa, tôi ơi!

Tôi yêu những bài thơ tôi viết, dẫu không hay nhưng làm tôi thỏa ý thích xếp vần và giãi bày cảm xúc. Tôi thích đọc thơ và dễ xúc động trước thơ, dù sự thực tôi học văn không giỏi lắm.

...

Sẽ không bao giờ kể được hết những điều mà mình yêu, vì cuộc sống có quá nhiều thứ khiến mình phải lưu tâm và lưu luyến. Khi mình còn yêu, nghĩa là mình không hời hợt, không vô tâm và không nhàn nhạt. Tôi tin như thế.

Nói ra những điều mình yêu, để biết sống thú vị như thế nào.

"Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt... Đến trái tim cũng đâu hoàn toàn là máu đỏ, một nửa đã là máu đen rồi... Vì vậy, đừng bi quan..."(-Đặng Thùy Trâm-)

Sao phải đợi?

Sao phải đợi một nụ cười mới trở nên thật xinh tươi?

Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?

Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người ?

Sao phải đợi có một chỗ làm tốt mới bắt đầu công việc?

Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?

Sao phải đợi thất bại mới nhớ đến một lời khuyên?

Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?

Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?

Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.

Bạn thân

Sự kinh hoàng tràn ngập trong lòng một người lính thời Đệ Nhất Thế Chiến khi anh nhìn thấy người bạn tri kỷ của mình ngã xuống chiến trận.

Bị mắc kẹt trong một chiến hào và đạn pháo bay liên tục trên đầu nhưng người lính đó đã xin chỉ huy cho phép anh đi ra ngoài "vùng bình địa" giữa những chiến hào để đem người đồng đội bị trúng đạn trở vô.

Vị chỉ huy nói:

- Anh có thể đi nhưng tôi nghĩ công việc đó sẽ không đáng gì đâu. Có lẽ bạn anh đã chết và anh có thể đánh mất đi sự sống của bản thân mình.

Không màng đến lời của vị chỉ huy, người lính vẫn bỏ đi. Thật kỳ diệu, anh ta đã xoay sở để đến được bên người bạn của mình, nhấc anh ta lên vai và đem anh ấy trở về chiến hào của họ. Khi cả hai cùng té nhào xuống dưới hào, vị chỉ huy kiểm tra người lính bị trúng đạn rồi nhìn người bạn của anh một cách thông cảm.

- Tôi đã nói với anh rồi, công việc đó không đáng đâu. - Vị chỉ huy nói - Bạn anh đã chết, còn anh bị thương rất nặng.

Người lính trả lời:

- Mặc dầu vậy công việc đó vẫn rất đáng làm, thưa sếp.

- Anh nói đáng làm có nghĩa là sao? Bạn anh đã chết rồi cơ mà?

- Thưa sếp, công việc đó đáng làm là vì khi tôi đến bên anh ấy, anh ta vẫn còn sống và tôi rất mãn nguyện khi anh ấy nói với tôi rằng "Jim, tôi biết rằng chắc chắn anh sẽ đến với tôi!"

Trong cuộc sống, một việc có đáng làm hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nó. Hãy can đảm và làm những gì mà trái tim ta mách bảo để rồi mai sau trong cuộc sống bạn sẽ không phải ân hận vì mình đã không làm điều đó. Hy vọng rằng mỗi một người trong chúng ta sẽ ở trong vòng tay chân thật của những người bạn như vậy

Thuốc chữa đau buồn

Chuyện kể về một người phụ nữ vừa mất con trai.

Trong nỗi đau thương tột cùng, bà tìm đến một nhà hiền triết. "Có lời cầu nguyện nào, câu thần chú nào mà ông biết có thể làm con trai tôi sống lại không?" - lời của người mẹ thật sự tuyệt vọng.

Thay vì từ chối hoặc khuyên bà mẹ hãy nguôi ngoai, nhà hiền triết đáp: "Hãy tìm về đây cho ta một hạt giống cây mù tạc từ gia đình nào chưa từng biết đến đau khổ. Nó có thể dùng để xua tan đi nỗi đau của bà."

Người phụ nữ cảm tạ và lập tức lên đường tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà lớn rất sang trọng, gõ cửa và hỏi: "Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạc từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?". Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ. Họ kể với bà những chuyện bi thảm đã xảy ra đến với mình. Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.

Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm gia đình hạnh phúc nhất. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn. Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên đi câu hỏi về hạt giống cây mù tạc thần kỳ. Mà tự bao giờ hạt giống thần kỳ đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà rồi

Đóa hồng

Nguyễn Ngọc Hà

Chị nhìn xuống giỏ hồng - còn năm đóa. Chị bán xôi những ngày lễ như hôm nay bán thêm hoa hồng, lời hơn. Buổi sáng giá một cành hồng lên tận trời xanh 20.000đ rồi rơi xuống theo ông mặt trời. Hoàng hôn sụp xuống từ lâu. Ai trả 2.000đ cho năm đóa hồng, chị cũng bán coi như vét cú chót vậy.

Chị liên tục vẩy nước lên những đóa hoa. Chị giữ sự tươi mát cho hoa nhưng chưa bao giờ chị chăm chút nhan sắc cho chính mình, kể từ lúc lấy chồng. Chồng chị là một người đàn ông thô tục, sáng say chiều xỉn, lại còn cờ bạc, chơi đề. Sau khi ly hôn, chị dắt díu hai đứa con về ngoại và tần tảo buôn bán nuôi các con đang ở tuổi ăn tuổi lớn.

Nhìn những cô gái ngồi sau xe gắn máy hay đi bên người tình, mặt tươi như những đóa hoa họ cầm trên tay, lòng chị không khỏi dâng lên một niềm tủi buồn sâu xa. Chị nghe nghèn nghẹn nơi cổ, đau đau nơi trái tim, chị thở dài.

- Nè, hết đám hồng này bao nhiêu?

- Dạ... năm đóa... năm ngàn.

Một người đàn ông trạc tuổi chị đi chiếc xe @ láng coóng tấp vào. Giọng ông hơi lè nhè:

- Chồng con đâu mà giờ này còn đứng đây bán?

Chị e ngại nhưng vẫn lịch sự: "Chú mua mấy bông?". "Mua mão - ông đưa chị tờ 20.000đ - khỏi thối, bữa nay ngày phụ nữ mà, phải lịch sự với phụ nữ...".

Chị mừng rỡ lóng ngóng bó năm đóa hoa nằm giữa tờ giấy trắng tinh mỏng manh được cắt cẩn thận hình những cành hoa. Chị nhận tiền, đưa bó hoa cho ông. Ông cầm trao lại cho chị: "Tặng chị nè, ngày phụ nữ về sớm với chồng con đi - ông đưa ngón tay lên - về liền nha, không được bán tiếp. Chỗ hoa này tôi mua rồi, chị mà bán tiếp tôi đòi tiền lại đó".

- Thôi chú mang về tặng vợ đi - chị bỗng ngại ngùng.

- Vợ tôi có từ sớm rồi.

Nói xong ông rồ ga đi thẳng. Cầm bó hoa về nhà, chị nâng niu như từ sáng giờ chúng không phải của chị vậy. Nhẹ nhàng, chị cho hoa vào bình đặt lên bàn thờ ba chị. Con gái chị hỏi: "Ủa mẹ, hoa còn dư đó hả?".

Chị hãnh diện: "Không, mẹ được một người tặng". Nhìn ra con hẻm cụt vắng tanh, chị nhớ đến dòng xe ngược xuôi ngoài đường. Chị thật hạnh phúc. Trong cuộc sống tất bật thị thành còn có một người lưu tâm đến chị, tặng chị một bó hồng. Cho dù rượu xui ông một hành động lịch lãm như trên, chị vẫn sung sướng, một niềm vui muộn màng của một phụ nữ đã ở tuổi xế chiều.

Ngày mai tươi đẹp

Lá cây xanh rồi lại vàng, hoa nở rồi lại tàn. Nhìn những chiếc lá khô, hoa tàn đó lần lượt rời bỏ cành cây, thở dài một tiếng trở về với cát bụi, chắc bạn sẽ nghĩ : chúng đi rồi không bao giờ trở lại.

Nhưng xuân đi rồi xuân đến, hoa tàn rồi hoa lại nở, cành cây trơ trụi lại mọc ra những lá xanh tươi. Con đường nhỏ vắng vẻ, trống trải lại tràn đầy những bông hoa rực rỡ. Cái mất đi ngày hôm qua lại hoàn toàn khôi phục trở lại, nhìn thấy những điều này, bạn còn cảm thấy thế giới này thiếu gì nữa?

Chính vì hoa tàn lá rụng mới khiến cho đất cát màu mỡ, ẩn chứa sức mạnh. Chính vì có sự mục nát điêu tàn của chúng thì mới có mùa xuân năm sau sáng lạn. Trong hàng triệu mầm non tươi mới đó, trong những nụ hoa rực rỡ đó, trong những nụ cười trẻ thơ đó chẳng phải đang viết ra tên tuổi của những người đã khuất hay sao?

Không có cái cũ ra đi thì làm sao có cái mới đến? Sinh ra vốn là đi tới cái chết, chết là để thúc đẩy sinh ra.

Trong cái vũ trụ muôn đời bất biến, luân chuyển không ngừng, thay nhau sinh diệt này, chúng ta sẽ không sống mãi, nhưng chúng ta có thể "tồn tại" vĩnh hằng!

Ngày mai...

Bất luận ngày hôm nay đáng lưu luyến thế nào thì ngày mai cũng sẽ không chần chừ đến để thay thế, bất luận chúng ta chống chọi hay bình thản, sinh tồn hay tử vong thì ngày mai cũng sẽ bước tới không dừng chân.

Ngày mai bình thường mà vô hình, nó mau chóng biến thành ngày hôm nay, hóa thành ngày hôm qua, trở thành những ngày đã qua.

Ngày mai là không thể biết được, là một chuỗi những dấu chấm hỏi , kéo chúng ta bước tới trước thêm một ngày, lớn thêm một ngày tuổi nhưng vẫn không biết sẽ tăng thêm được cái gì, giảm bớt đi cái gì.

Ngày mai là gian nan, phải làm việc, phải suy nghĩ, phải chiến đấu.

Ngày mai là mong manh, giống như hạnh phúc của con người vậy, có thể có bệnh tật, đau khổ.

Ngày mai giống như một tờ giấy trắng! Chúng ta có thể tiếp nhận rồi để nó trở thành một bài thi bỏ trống, cũng có thể nguệch ngoạc vài nét lên nó, nhưng cũng có thể biến nó thành một kiệt tác có màu sắc tuyệt mỹ, có tâm tư tình ý diệu vợi.

Vì vậy ngày mai phụ thuộc vào sự sáng tạo của chúng ta. Đối với những người yêu nhau, ngày mai có thể là giai đoạn đẹp đẽ của họ. Đối với người nông dân cực khổ, ngày mai có thể là một vụ thu hoạch lớn...Cho dù có một vĩ nhân nào đó mất đi vào ngày mai thì hoàn toàn không phải là ngày mai chiến thắng người đó, mà là người đó, mà là người đó làm cho ngày mai trở nên vĩ đại, khiến ngày mai trở thành một ngày vĩnh viễn được ghi nhớ.

Đừng đợi ngày mai bước đi tới chúng ta mà hãy bước tới ngày mai! Không chờ đợi mà là xây đắp, chúng ta mới có thể có được một ngày mai thực sự tươi đẹp của chính mình.

Điều tôi muốn biết

Tôi không quan tâm bạn mưu sinh thế nào mà chỉ muốn biết bạn khao khát điều gì và có dám mơ ước đạt được điều mình đang khao khát không?

Tôi không quan tâm bạn bao nhiêu tuổi mà chỉ muốn biết bạn có dám như một kẻ ngốc liều mình vì tình yêu, vì những ước mơ và vì một chuyến phiêu lưu để được tồn tại trong cuộc đời này không?

Tôi không cần biết điều gì mới phù hợp với ước mơ của bạn mà chỉ muốn biết bạn đã dám đối mặt với nỗi đau bị cuộc đời dối trá hay lại khép chặt lòng mình vì e sợ lại một nỗi đau khác?

Tôi muốn biết bạn có dám ngồi lại với nỗi đau của tôi hay của chính bạn; có dám khiêu vũ thật điên cuồng để sự say mê tràn ngập đến tận đầu ngón tay và ngón chân của mình mà không cần phải e dè giữ ý, phải thực tế hay phải luôn nhớ đến những giới hạn của con người?

Tôi không quan tâm câu chuyện bạn kể có thật hay không mà chỉ muốn biết bạn có dám làm thất vọng người khác để thành thật với bản thân mình? Liệu bạn có thể chịu đựng bị kết tội phản bội mà vẫn không phản bội lại chính nhân cách của mình? Liệu bạn sẽ trung thực và vì thế sẽ đáng được tin cậy chứ?

Tôi muốn biết liệu bạn có nhận ra vẻ đẹp dù cho hằng ngày nó chẳng hề xinh đẹp, và liệu bạn có thể quyết định cuộc đời mình mà không cần sự hiện diện của Chúa?

Tôi muốn biết liệu bạn sẽ chịu đựng được thất bại của lẫn bạn và tôi, đứng bên bờ hồ mà hét vang đến tận trời cao là "có"?

Tôi muốn biết liệu bạn có thể thức dậy dù sau đêm dài đau khổ, thất vọng, kiệt sức và rã rời mà làm những gì phải làm cho các con của bạn không?

Tôi không quan tâm bạn là ai hay làm sao đến được đây. Tôi chỉ muốn biết liệu bạn có thể sát cánh cùng tôi trong lửa đỏ và sẽ không chùn bước thoái lui?

Tôi không quan tâm bạn đã học ở đâu, những gì và của ai. Tôi chỉ muốn biết liệu bạn có thể một mình đối diện với bản thân chân thật như người bạn bạn có bên mình trong những giây phút đơn độc?

Di chúc

Rồi cũng có một ngày, bác sĩ sẽ nói với tôi rằng bộ não của tôi không còn khả năng hoạt động nữa, hay nói cách khác là cuộc đời tôi hầu như đã chấm dứt.

Khi điều đó xảy ra, xin đừng cố gán ghép một cuộc sống nhân tạo vào trong cơ thể tôi bằng tất cả những thứ máy móc đó. Xin đừng gọi đó là "giây phút lâm chung" của cuộc đời tôi, mà hãy gọi đó là một khởi đầu của sự sống mới vì tôi sẽ góp tấm thân này để giúp những người khác có được một cuộc sống lành lặn hơn.

Hãy đem ánh sáng của tôi dâng tặng cho một người đàn ông chưa từng một lần nhìn thấy ánh nắng mặt trời, chưa bao giờ được thấy gương mặt dễ thương của trẻ thơ, và chưa từng nhìn thấy tình yêu trong đôi mắt của một người phụ nữ.

Hãy tặng trái tim của tôi cho một người luôn bị trái tim mình hành hạ bằng những cơn đau đớn triền miên.

Hãy truyền những giọt máu của tôi cho cậu bé đang thương tích đầy mình sau tai nạn giao thông kia để nó có thể sống cho tới ngày được nhìn thấy cháu chắt của mình.

Tôi sẽ hiến hai quả thận của mình cho những ai phải sống lần hồi qua ngày bằng chiếc máy chạy thận nhân tạo.

Hãy lấy xương của tôi, từng thớ thịt của tôi, và tất cả những sợi dây thần kinh này nữa nếu điều đó giúp cho những đứa trẻ tật nguyền có thể đi lại được.

Hãy nghiên cứu từng ngóc ngách trong bộ não của tôi. Nếu cần thiết, hãy lấy cả các tế bào, đem phát triển chúng, thí nghiệm chúng để một ngày nào đó chúng có thể giúp cho một cậu bé câm có thể bật lên tiếng nói hay để một cô bé bị điếc có thể nghe thấy tiếng mưa rơi bên ngoài cửa sổ.

Nếu tôi có còn lại gì thì hãy đem thiêu tất cả rồi thả tro vào trong gió, biết đâu nhờ gió mang đi, chúng cũng giúp ích được gì cho những bông hoa xinh đẹp kia.

Nếu buộc phải đem chôn thứ gì đó của tôi, xin hãy chôn đi tất cả những tội lỗi, yếu kém, hay những định kiến mà tôi đã dành cho những người chung quanh.

Hãy đem tội lỗi của tôi đến cho quỷ dữ. Đem linh hồn tôi đến cho Thượng đế. Nếu như, dù chỉ tình cờ thôi, bạn muốn nhớ đến tôi, thì hãy thay tôi làm những điều tốt hay nói những lời yêu thương với những ai đang cần đến bạn. Nếu bạn làm đúng tất cả những điều tôi đã dặn, thì tôi sẽ không bao giờ chết!

snoopyfan

Tôi thấy gia đình tôi là một gia đình siêu nhân kỳ quặc! Bạn biết tại sao không?

Vì ba tôi dù buổi tối có mệt mỏi tới đâu thì sáng luôn luôn đúng giờ pha cho 3 người: ba, mẹ và tôi - 3 ly cà phê sữa. Rồi ba mang đến cho mỗi người với một cái mỉm cười bắt đầu ngày mới.

Vì mẹ tôi luôn dậy đúng 5h để chuẩn bị cơm sáng cho cả nhà. Nên tôi luôn đi học sau khi được ăn no nê và tráng miệng bằng ly cà phê sữa.

Vì ba tôi luôn chào tôi mỗi khi ông đi đâu về bằng một cái hôn nhẹ lên tóc. Lúc nào cũng vậy!

Vì mẹ tôi là 1 người hay cáu gắt, đến nỗi tôi cũng không chịu được. Tôi không hiểu tại vì tôi và mẹ khắc khẩu hay tại tình yêu của ba dành cho mẹ nên ba chẳng than phiền gì cả!

Vì mẹ tôi luôn thích nấu nhiều món ăn trong một ngày, tức là thay vì có thể ăn một cách đơn giản thì mẹ hay dùng cái quĩ thời gian ngắn ngủi của buổi sáng ngày thường để nấu các món siêu phức tạp và nhiêu khê. Ngược lại sáng Chủ Nhật rảnh rỗi cả nhà lại ăn rất đơn giản?! Tôi cũng ko hiểu tại sao nữa?! Và bà luôn bực mình khi mà nhiều việc quá làm không hết còn ba thì đọc báo! Thế nên ba tôi hay kiêm cả việc phụ bếp cho mẹ rồi sau đó mới làm việc của ông!!! (Nhà tôi là xưởng sản xuất nhỏ với nhiều thợ ở chung).

Vì ba tôi đi lính 15 năm, bao nhiêu cực khổ khó khăn không kể xiết nhưng không hiểu sao ba luôn kể về điều đó một cách hài hước làm mọi người cười bể bụng! Mà ông hay kể trong giờ cơm và sau đó nữa, nên mẹ tôi hay đuổi ba lắm, tại ba cứ ngồi nói hoài mà chưa chịu đi ngủ trưa!

Vì mẹ tôi bị đau khớp và còn đau đốt sống cổ nữa. Vậy mà ba tôi dù mệt mỏi nhưng vẫn có thể ngồi tự tay xoa bóp cho mẹ cả tiếng đồng hồ thay vì có thể dùng máy mát-xa. Ngược lại mẹ cũng thế!

Vì mẹ tôi có thể đảm việc nội trợ của cái đại gia đình 10 miệng ăn ("việc nhà" không hề đơn giản như cái tên ngắn gọn mình gọi nó đâu nha!) mà vẫn có thể lo lắng cho các trại mồ côi, rồi đi chùa, rồi giúp đỡ những người họ hàng khó khăn và lo cho cùng lúc 3 con chim ăn uống tắm rửa và làm sạch lồng nữa chứ! (Mà bi giờ cũng hết nuôi chim nên đỡ hơn rồi, dịch mà!)

Vì tất cả những lý do trên và còn nhiều nữa mà tôi không nhớ nữa, tôi gọi gia đình của tôi là gia đình siêu nhân kỳ quặc!

Chắc gia đình của bạn cũng vậy thôi! Đúng không?

Nhật ký về mẹ

Hoàng Ngọc

Ngày... Mẹ ơi, tháng bảy rồi đó mẹ! Con lấy chồng xa, lâu lâu mới về thăm mẹ. Gần năm mươi tuổi đầu mà nói thương nhớ mẹ khôn nguôi thì sẽ có người cười phải không mẹ?

Thuở nhỏ, con thường hay theo mẹ lên chùa tụng kinh Vu Lan. Tháng bảy Vu Lan - mùa báo hiếu! Nghe thầy nói chiều nào thầy cũng lạy Phật cầu cho cha mẹ siêu thoát, con tự nhủ mình sẽ luôn ở bên mẹ để phụng dưỡng mẹ chứ không bỏ mẹ mà đi tu như thầy. Rốt cuộc rồi con cũng bỏ mẹ mà đi... lấy chồng.

Hôm nay là ngày đầu tiên Thục Vy đến trường. Nhìn nó tung tăng cùng các bạn vào lớp học con thấy nhớ mẹ. Ngày mẹ dắt con đến trường sao mà thiêng liêng quá! Đối với con cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng lạ lùng. Thấy chiếc xe đò to cao từ từ chạy tới, con thét lên run rẩy... Mẹ ôm chặt con vào lòng che chở, vỗ về. Trước khi cô giáo bước vào lớp mẹ còn nhét vào cặp con nửa ổ bánh mì thịt, mẹ sợ con bị đói. Hôm đó, cô giáo không cho chúng con ăn trong lớp, mẹ đâu có biết.

Ngày...

Con chuẩn bị cho Thục Vy vào đại học. Nó đã lớn, cuộc sống ở ký túc xá rồi nó sẽ quen như con khi xưa... Lúc đầu, chủ nhật nào con cũng về thăm mẹ. Rồi hai tuần, ba tuần, có lúc năm sáu tuần. Tháng nào mẹ cũng gửi thư, gửi tiền, mẹ viết cho con rằng mẹ chỉ sợ con đau ốm. Con đâu biết rằng mẹ ngày ngày vì thương nhớ con, mẹ ngồi vuốt từng sợi tóc rụng của mẹ thành một búi đầy... Mẹ ơi, con thương mẹ!

Ngày...

Thục Vy nó dắt bạn trai về nhà giới thiệu với con. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của nó con thấy chạnh lòng. Con có quá ích kỷ, hẹp hòi lắm không mẹ? Ngày trước, khi anh ấy về nhà mình mẹ còn vui hơn cả con nữa! Con bị choáng ngợp trong không gian toàn là hình ảnh của anh ấy. Con như con chim sơn ca líu lo vui hát. Trong mắt con, trong lòng con, xung quanh con tràn ngập ánh sáng, hương hoa, mật ngọt của tình yêu. Mẹ ơi, con khóc rồi! Đâu có mẹ lau nước mắt vỗ về con nữa! Khi những giọt nước mắt ghen hờn, ích kỷ, tình thường chảy xuống, con thấy thương mẹ vô vàn. Thục Vy nó đã lớn, nó đã rời xa vòng tay yêu thương của con. Con biết nó có khung trời riêng của nó, nó có bè bạn, hẹn hò... Nó là con ngày xưa: mẹ cho tiền, mẹ may quần áo, mẹ nhắc đi ngủ, mẹ đi họp phụ huynh, ôm mẹ mà ngủ cho ấm, mẹ ơi con thèm món này, con thích món kia, giận dỗi, hờn lẫy... Con bây giờ như cái bóng mờ nhạt bên Thục Vy, một cái bóng không thiếu được. Ngày xưa, con vô tâm đến nỗi... con làm sao thấy được những giọt nước mắt thầm lặng của mẹ, làm sao hiểu được tấm lòng cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ?

Ngày...

Tiệc cưới đã tan. Căn nhà của con sao trống vắng lạ. Nhìn những đồ dùng của Thục Vy con nhớ nó da diết... Con lại khóc. Ngày con hớn hở, tươi cười cắp tay người yêu bước lên xe hoa mẹ không tỏ vẻ gì không vui. Ngược lại, mẹ luôn nhìn con và mỉm cười, ánh mắt đầy vẻ thương yêu. Con đang lo cho Thục Vy. Lần đầu tiên về sống trong căn nhà xa lạ nó có quen được không? Nó ăn uống ra sao? Nó có làm điều gì sai quấy khiến người ta phiền trách không?... Nỗi lo cứ trĩu nặng trong lòng con. Khi xưa mẹ dạy con nấu ăn, may vá, thêu thùa, dạy con đi đứng, nói năng... Mẹ sợ người ta chê con gái mẹ hư. Con cằn nhằn: Con chỉ là con gái mẹ thôi!

Ngày...

Thục Vy đã sinh được hai ngày. Con đã chăm sóc nó như mẹ đã từng chăm sóc cho con. Lúc sinh Thục Vy, người đầu tiên con nhìn thấy khi vừa mở mắt ra là mẹ, nhưng người mà con muốn nhìn thấy hơn ai hết là Thục Vy. Tất cả đối với con lúc đó chỉ là Thục Vy. Mẹ như một bà tiên hiền tốt bụng và rộng lượng, mang đến cho con sức mạnh và nghị lực để vượt qua sóng gió cuộc đời. Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Sai rồi, con đâu có mồ côi, con có mẹ mà!

... Rồi ngày dài tháng rộng, con nuôi Thục Vy lớn lên con mới thấu hiểu tấm lòng của mẹ. Đâu chỉ đơn giản kể rằng cho con bú, nhường chỗ ráo cho con, thức trắng đêm khi con quấy khóc, tắm rửa, giặt giũ, nhường món ngon cho con, lo lắng mỗi khi con đi đâu xa... Không đủ, chưa đủ và không bao giờ đủ!

Trở về

Một người lính trở về nhà đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm tham chiến ở nước ngoài. Từ San Francisco anh gọi điện về thăm hỏi gia đình.

- Cha mẹ ơi, con đang trở về nhà đây. Nhưng con có điều muốn xin phép

cùng cha mẹ. Con muốn dẫn bạn cùng về nhà mình.

- Ồ, được thôi con trai. Cha mẹ rất sẵn lòng đón tiếp bạn con.

- Nhưng có điều này cha mẹ nên biết: anh ấy bị thương khá nặng trong chiến tranh, mất cả cánh tay và đôi chân. Anh ấy không còn chỗ nào để nương tựa, vì vậy con muốn anh ấy về sống cùng chúng ta.

- Cha mẹ rất tiếc khi nghe điều này, có thể chúng ta sẽ giúp anh ấy tìm được chỗ trú ngụ.

- Ồ không, con muốn anh ấy ở cùng chúng ta kia. - Con không biết con đang đòi hỏi điều gì đâu con trai. Một người tàn tật như vậy sẽ là một gánh nặng đè lên vai chúng ta. Chúng ta còn cuộc sống riêng tư của chúng ta nữa chứ, không thể để một điều như vậy chen vào cuộc sống của chúng ta được. Tốt hơn hết là con quay về nhà và quên anh chàng ấy đi. Anh ta chắc sẽ chóng tìm được cách tự kiếm sống thôi.

Nghe đến đó, người con trai gác máy. Vài ngày sau đó họ đột nhiên nhận được cú điện thoại từ cảnh sát San Francisco báo tin người con trai đã chết sau khi ngã từ một tòa nhà cao tầng. Cảnh sát cho rằng đây là một vụ tự sát.

Người cha và mẹ đau buồn này vội vã bay đến San Francisco và được dẫn đến nhà táng thành phố để nhận xác con. Họ nhận ra anh ngay, nhưng họ cũng kinh hoàng nhận ra một điều khác cùng lúc. Con trai họ chỉ còn lại một tay và một chân

Giá trị của những câu hỏi

Bọn chúng chẳng cần lý do gì cả. Chúng đến nhà anh chỉ vì anh là người gốc Do Thái. Quân Đức quốc xã xông vào nhà, lôi anh và cả gia đình anh đi. Ngay sau đó chúng lùa họ như bầy gia súc và tống lên xe lửa rồi chở thẳng đến trại tập trung... Chúng đã giết chết họ và chỉ mình anh còn sống.

Làm sao mà anh có thể sống nổi trước cảnh tượng hãi hùng phải nhìn thấy con mình nơi bộ quần áo của một đứa trẻ khác vì bây giờ con anh đã chết sau một cơn mưa đạn?

Thế nhưng anh vẫn phải sống.

Một hôm anh nhìn cơn ác mộng chung quanh mình và phải đối diện với một sự thật hiển nhiên: nếu anh còn ở đây thêm một ngày chắc chắn anh sẽ chết. Anh có một quyết định là phải thoát khỏi đây ngay lập tức! Anh không biết cách nào, anh chỉ biết mình phải trốn. Hàng tuần liền anh hỏi các bạn tù, "Làm sao chúng ta có thể thoát được nơi kinh hoàng này?" Anh hầu như luôn nhận được cùng một câu trả lời, "Đừng dại dột", họ trả lời "Không thể nào thoát nổi! Hỏi như vậy chỉ làm dằn vặt tâm trí anh mà thôi. Cứ chịu khó làm việc và cầu nguyện cho mình được sống sót". Nhưng anh không chấp nhận điều này - anh nhất định sẽ không chấp nhận như thế. Anh bị ám ảnh vì chuyện trốn thoát và cho dù những câu hỏi của anh không có nghĩa gì, anh vẫn luôn luôn hỏi đi hỏi lại, "Làm sao tôi có thể trốn thoát? Phải có cách nào đó. Làm thế nào tôi có thể trốn thoát khỏi nơi này mà vẫn khoẻ, vẫn sống, ngay hôm nay?"

Có lời nói rằng bạn cứ xin thì sẽ được. Và không hiểu vì sao hôm ấy anh đã nhận được câu trả lời. Có thể vì anh hỏi quá sức mãnh liệt, có thể là vì anh đã ý thức rõ "bây giờ chính là thời điểm". điểm". Cũng có thể là vì anh liên tục tập trung vào một tiêu điểm là câu trả lời cho câu hỏi của mình. Bất luận lý do gì, sức mạnh vĩ đại của tâm trí và tinh thần đã thức tỉnh nơi người đàn ông này. Câu trả lời đã đến với anh từ một nguồn gốc lạ thường: mùi lợm giọng của xác người đã thối rữa. Ở đó chỉ cách vài bước cách chỗ anh lao động, anh thấy một đống xác người đã bị xúc lên thùng xe tải - đàn ông, đàn bà, trẻ em, tất cả đã bị hít khí ngạt. Những chiếc răng vàng của họ đã bị gỡ ra, mọi đồ trang sức quí báu mà họ có, thậm chí quần áo họ mang trên người, đều bị lột sạch.

Lúc đó thay vì hỏi, "Làm sao quân Đức quốc xã có thể ghê tởm, mất nhân tính đến thế? Làm sao thượng đế có thể làm một điều tàn ác đến thế? Tại sao thượng đế lại để chuyện này xảy đến với tôi?" Stanislavsky Lech đã hỏi một câu hoàn toàn khác. Anh hỏi "Làm cách nào tôi có thể sử dụng điều này để trốn thoát?" Và ngay lập tức anh đã có câu trả lời.

Hoàng hôn đang sửa soạn kết thúc một ngày lao động, Lech chạy lại nấp sau chiếc xe tải. Chỉ trong nháy mắt anh đã lột bỏ hết quần áo và lẻn mình trần truồng vào đống xác chết mà không ai để ý. Anh giả bộ như đã chết, không một chút cử động cựa quật dù có lúc anh gần ngộp thở vì một số xác chết khác tiếp tục được đè lên người anh.

Mùi hôi thối của thịt người rữa, những cái xác chết cứng đơ bao bọc anh tứ phía. Anh chờ đợi và chờ đợi, hi vọng không một ai để ý đến một người vẫn còn sống giữa đám xác chết này và hi vọng sớm muộn chiếc xe tải cũng sẽ chạy đi.

Cuối cùng, anh nghe tiếng động cơ xe tải nổ. Anh cảm thấy chiếc xe rung lên. Và đúng lúc ấy anh cảm nghiệm được mối hy vọng của mình khi đang nằm im giữa đống xác chết. Rốt cuộc anh thấy xe dừng lại và rồi nó trút toàn bộ những thây ma xuống một chiếc hố rộng mênh mông bên ngoài trại. Lech cứ ở yên đó hàng giờ cho tới khi màn đêm buông xuống. Sau cùng anh ta cảm thấy chắc chắn không có ai ở đó, anh rúc ra khỏi núi thây người và chạy trần truồng suốt 25 dặm cho tới khi tìm được tự do.

Giữa Stanislavsky Lech và biết bao nhiêu người phải bỏ mạng ở trại tập trung, khác biệt ở chỗ nào? Tất nhiên có nhiều yếu tố nhưng một sự khác biệt quyết định chính là anh đã đặt một câu hỏi khác với những người kia. Anh đã hỏi một cách dai dẳng, hỏi và mong chờ có câu trả lời và trong tâm trí anh đã nảy sinh một giải pháp cứu sống anh. Những câu hỏi anh tự đặt ra hôm ấy ở Krakow đã khiến anh làm những quyết định chớp nhoáng ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của anh. Nhưng trước khi anh nhận được câu trả lời, trước khi anh làm quyết định và trước khi có những hành động ấy, anh đã phải hỏi mình những câu hỏi đúng.

Tôi muốn nói cho bạn điều này, người ta khác nhau là ở sự khác biệt trong những câu hỏi mà người ta nêu ra một cách nhất quán. Khi người ta chán nản, lý do thường là vì họ cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi tiêu cực như, "Có ích gì? Cố gắng làm gì, rốt cuộc cũng chẳng thay đổi được gì. Trời sao lại là tôi cơ chứ?". Nếu bạn hỏi một câu hỏi khủng khiếp, bạn sẽ nhận được câu trả lời khủng khiếp. Bộ não của bạn luôn sẵn sàng phục vụ bạn, nên bất kỳ bạn đưa ra một câu hỏi nào, nó chắc chắn sẽ có một câu trả lời.

Vì thế nếu bạn hỏi, "Tại sao tôi không bao giờ thành công?" nó sẽ cho bạn câu trả lời đại khái như sau : "Vì bạn ngốc nghếch lắm", hay "Vì bạn không đáng để làm điều gì đến nơi đến chốn".

Tôi cho bạn một ví dụ về những câu hỏi thông minh, đó là chuyện về anh bạn W. Mitchell yêu quí của tôi. Bạn nghĩ làm sao anh ta có thể sống nổi với hai phần ba thân thể đã bị cháy mà vẫn còn cảm thấy yêu đời?... Sau vụ tai nạn máy bay, khi nằm trong bệnh viện và bị liệt từ chân trở xuống, anh đã gặp một phụ nữ thật hấp dẫn, một y tá tên là Annie. Mặt anh đã cháy đen hoàn toàn, thân thể liệt từ hông trở xuống, thế mà anh đã có cam đảm hỏi : "Tôi có cách nào làm quen với cô ấy không"? Các bạn anh trả lời, "Mày điên rồi, mày đang tự lừa dối mình". Nhưng một năm rưỡi sau , anh và Annie đã thân quen nhau và nay hai người đã trở thành vợ chồng. Đó là kết quả của những câu hỏi mãnh liệt : chúng đem lại cho chúng ta một nguồn năng lực không gì có thể thay thế: những câu trả lời và những giải pháp !

Điều quan trọng là đừng bao giờ ngưng đặt câu hỏi. Sự tò mò có tính hiện hữu của nó. Ta không thể nào không kinh ngạc khi chiêm nghiệm những bí nhiệm của sự vĩnh cửu, của sự sống, của cơ cấu lạ lùng của ta thực tại. Chỉ cần người ta lãnh hội một chút bí nhiệm này mỗi ngày thôi đã đủ. Đừng bao giờ để mất sự tò mò lành thánh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yenson