Chương 8. NGHỆ THUẬT GỢI CHUYỆN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chắc bạn đã có lần tiếp xúc với một người nào đó, thoạt nhìn thì không có gì đặc biệt, thậm chí rất bình thường là khác, nhưng qua câu chuyện, bạn dường như phát hiện ở người đó có một sức mạnh tiềm ẩn nào đó, một sự hấp dẫn lạ lùng, bạn bị cuốn hút trong những lần trò chuyện. Vậy phải chăng có những bí quyết nào đó trong nghệ thuật gợi chuyện?

Nếu bạn quan tâm, xin bạn hãy đọc kỹ và cũng suy nghĩ về hai đoạn trích sau đây trong số những tài liệu mà chúng tôi có được:

"Mỗi lần đi chơi với anh ấy là mỗi lần tôi lại phát hiện ở anh ấy có một cái gì đó mà những người bạn trai khác của tôi không. Anh không khô khan như lúc đầu tôi tưởng, có lẽ do tâm hồn được tạo hoá phân chia thành nhiều "ngăn", mỗi ngăn đầy những linh kiện quý mà hình như chỉ rộng mở cho những ai cần đến và biết cách bước vào...Anh yêu thơ, biết làm thơ. Hiểu biết về hội hoạ của anh làm tôi thật kinh ngạc. Thế mà thường ngày anh rất ít bộc lộ..."

Và đây nữa, một bạn sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Sư phạm viết: "Cùng đi chơi riêng với anh ấy tôi mới phát hiện ra rằng sau cái vẻ bề ngoài dễ hấp dẫn con gái, anh ta chẳng có gì đáng kể. Anh ấy không biết cả cách nói chuyện với phụ nữ. Tôi nghe toàn chuyện bóng đá, cờ tướng rồi đến chuyện bơi lội... Tôi không phải là người chống đối thể thao nhưng chỉ sau một thời gian là tôi chán ngắt...Bây giờ thì tôi đi chơi với một người bạn trai khác, nghe anh ấy nói chuyện về âm nhạc, thơ ca, cả về thời sự nữa..những đề tài mà tôi chưa từng biết đến và tôi thấy thích hơn, tôi như lớn lên, khôn ra và những dư âm ngọt ngào về những buổi đi chơi đó cứ lớn lên theo thời gian..."

Để có thêm cứ liệu, chúng tôi bí mật tìm cách ghi lại những cuộc trò chuyện tay đôi nam nữ; giữa các bạn nam với nhau, rồi hỏi họ: "Bạn có nhận xét gì về người nói chuyện?", không phải nhận xét của người được hỏi bao giờ cũng đúng. Thì ra, hiểu tâm lý của người muốn bắt chuyện với ta, biết họ quan tâm đến điều gì, gợi ý cho họ tự nói ra điều đó, là một trong những bí quyết quan trọng trong nghệ thuật trò chuyện.

Tôi vẫn còn nhớ, một lần, trong một chuyến công tác miền Nam, tôi được mời thỉnh giảng chuyên đề Tâm lý thanh niên cho lớp tập huấn cán bọ Đoàn khu vực phía Nam tại trường Đoàn Thủ Đức.

Mặc dù đã xem bài giảng tôi đưa trước, song trưởng ban tổ chức lớp học vẫn băn khoăn vì thấy tôi quá trẻ, trong khi đó học viên phần lớn nhiều tuổi, là cán bộ từ thường vụ huyện đoàn đến tỉnh đoàn, các giảng viên trước lại đều là giáo sư. Đọc được những băn khoăn trong mắt anh, tôi quyết định phải "chinh phục" anh trước khi lên lớp.

Sau vài câu chuyện xã giao, tôi xin được vào lớp dự bị học trước như một học viên. Sự nhiệt tình, hăng hái và tự tin ở tôi bắt đầu lây sang anh. Vừa quan sát học viên, tôi vừa gợi chuyện "Anh làm công tác thanh niên này từ bao giờ", "Anh có nhận xét gì về thanh niên hiện nay so với lứa tuổi các anh khi còn thanh niên?", " Điều gì làm anh say mê với công tác thanh niên?"... Tôi đã điểm đúng "huyệt".

Anh bắt đầu kể cho tôi nghe về quá khứ hào hùng của mình. Câu chuyện được lái dần vào trọng tâm bài giảng ngày mai. Vừa nghe tôi vừa gợi ý: "Anh có biết tại sao bây giờ thanh niên rất thích đi lễ hội đền chùa", "Anh có điều kiện đi đây đi đó, giao tiếp với nhiều đối tượng, anh thấy mọi người có những nét tâm lý gì là đặc thù", "Tâm lý thanh niên miền Bắc so với miền Nam có gì khác?". Vừa tranh luận, vừa đưa ra các số liệu để minh chứng, tôi biết mình đã chinh phục được lòng tin của anh... Bài giảng hôm sau rất thành công, kẻng báo 12 giờ trưa, học viên vẫn đòi được có thêm buổi chiều để tranh luận. Kết thúc khoá học, bài giảng đó được đánh giá là một trong ba bài giảng thành công nhất. Và điều này mới quan trọng, sau lần đó anh rất quý và tin tôi, coi như người anh em, người bạn vong niên.

Người tiếp chuyện khéo léo là người biết thông qua một vài câu hỏi đã có thể khám phá ra sở thích và những lĩnh vực mà anh ta đang quan tâm rồi giải thích từng phần, vừa dẫn dắt, vừa nêu thắc mắc với một biểu hiện bên ngoài tỏ ra chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng đưa ra một nhận xét hoặc những lời khen. Vì nếu bạn làm được như thế thì trên đường đời bạn có thêm nhiều bạn tốt, nhiều người muốn tìm đến bạn. Phần lớn mọi người đều thích nói về những điều mình biết, những điều mà mình quan tâm. Triết gia R.Wemerson kể rằng: Một hôm hai cha con ông ấy muốn dụ một con bê vào chuồng nhưng họ mắc phải cái lỗi thông thường là chỉ nghĩ đến cái họ muốn. Cho nên cha kéo con đẩy. Tai hại thay! Con bê cũng như họ, chỉ nghĩ đến cái nó muốn thôi; chân nó bám chặt vào đất cứng ngắc không chịu rời đồng cỏ. Người con gái thấy tình cảnh đó, dù chị không hề biết nghệ thuật viết sách, dẫn dụ nhưng chị đã biết nhử con bê, bằng cách đưa ngón tay vào mõm con vật như mẹ cho con bú và con vật ngoan ngoãn đi theo ngón tay chị mà về chuồng.

Ngay từ đầu câu chuyện, nếu bạn thông báo, bạn biết rõ về người đó, đã từng "nghe tiếng", đã từng đọc, biết việc anh ta làm với thái độ kính phục hoặc tỏ ra hiểu rõ ràng về về những sở thích, biết tên, khả năng của người đó chắc sẽ làm người đó ngạc nhiên. Anh ta vui lên vì có bạn biết đến danh tiếng cảu anh ta, ít nhất anh ta cũng cảm thấy mình có giá trị, mình là người quan trọng

Bạn N.K là một nhà thơ, một nhà viết phê bình còn rất trẻ (22 tuổi). Khi lần đầu tiên được nghe bạn đọc thơ tại Nhà văn hoá Thanh niên, tôi có cảm tình ngay với phong cách mộc mạc, rất thật và tự nhiên đó. Đêm thơ kết thúc, tôi tìm gặp bạn N.K. Sau khi tự giới thiệu về mình, tôi bộc lộ sự mến mộ thơ anh, tâm đắc với những điều anh trăn trở...Tôi cũng như anh, không gì sung sướng bằng có người đồng cảm với mình, tôi đọc được điều đó qua ánh mắt và cử chỉ của anh.

Tiếc rằng trong cuộc sống, ta có cảm tình với những người nào đó, song hình như ta ngại biểu lộ, quá tiết kiệm lời khen và quá hào phóng sự chỉ trích.

Người nói chuyện với bạn tỏ ra là người am hiểu thường hay đặt câu hỏi để buộc bạn phải bộc lộ mình, bạn có thể gợi ý quan điểm của anh ta thế nào về chính những vấn đề đó, đừng vội trả lời, qua đó bạn có thể hiểu được ý đồ của người nói chuyện mà lái vào những mục đích cần thiết. Khi câu chuyện bắt đầu bốc, bạn thường ít giữ ý tứ mà hay thao thao bất tuyệt về khả năng của mình, điều đó thật bất lợi. Tối kỵ nói chuyện bằng lối mở đầu: " Anh không nhớ tôi sao?"...vì dễ làm người đó lúng túng, mà bạn có thể nói: "Hình như tôi đã gặp anh ở đâu đó rồi thì phải...", " Trông anh quen lắm,có phải anh..."

Mỗi người thường có những chuyện riêng tư, những vùng cấm kỵ", bạn nên tránh đặt những câu hỏi có liên quan trực tiếp đến những điều họ không muốn nói ra. Nếu cần biết, bạn chỉ nên gợi ý xa và thật cần thiết bạn hãy kể về mình, từ đó khéo léo "bắc cầu" sao để người tiếp chuyện với bạn tự nói ra. Tuyệt đối tránh chạm vào lòng tự ái người khác. Không nên ngắt lời người khác, còn nếu bạn bị ngắt lời, tốt nhất là không nên nói nữa. Mọi sự ăn thua trong tranh luận, thái độ giận dữ, cười mỉa mai hoặc "giữ kẽ" đều có hại cho bạn. Đừng tra tấn người khác bằng những tâm sự riêng hay sự đau khổ của bạn khi người khác tỏ ý không muốn nghe.

Tôi nhớ có một lần, cuộc vui liên hoan công đoàn cuối năm ở một cơ quan lẽ ra sẽ rất vui vẻ, bởi theo truyền thống, tất cả mọi người về hưu đều được mời đến. Mọi người tự do phát biểu cảm tưởng của mình. Một người đứng dậy, người đó thuộc bậc thầy của thầy tôi, là một trong những người sáng lập ra chuyên ngành mà tôi đang nói cùng các bạn. Sau vài lời về công tác, sức khoẻ, câu chuyện bỗng nhiên sa vào "ma trận của những ấm ức riêng tư". Đã 12 giờ trưa, ai cũng đói meo, không khí thật căng thẳng và nặng nề, bữa cơm liên hoan sau đó chắc bạn có thể đoán được như thế nào. Thì ra đâu chỉ có những người bình thường, mà ngay cả chính các nhà tâm lý vẫn mắc...

Người hiểu tâm lý còn phải là người tế nhị. Ví dụ trong một sinh hoạt tập thể, bạn thấy có một bạn trai hoặc gái không có ai tiếp chuyện, đang lúng túng bạn có thể lại gần bắt chuyện, lúc đó không khí sẽ khác hẳn. Biết cách hài hước pha trò cũng là điều rất quan trọng, nó làm cho câu chuyện bớt căng thẳng, tự nhiên, cởi mở hơn.

Khi người khác kể một câu chuyện mà bạn đã biết, bạn cũng không nên vội vã tỏ ra mình đã rõ hoàn toàn để người đó có cái vui kể chuyện cho bạn nghe. Nếu nói biết rồi tức là làm cụt hứng người khác, tệ hơn là bạn lại đính chính những chỗ sai của câu chuyện. Vì nếu vậy, bạn là người ích kỷ, chỉ biết mình và chơi trội rồi đấy!

Từ bây giờ bạn hãy thử áp dụng những cách này, bạn có thể trở thành người nói chuyện có duyên đấy, và biết đâu bạn lại trở thành nhà hùng biện cũng nên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro