Đề 3:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cảm nhận về đám tang gương mẫu trong "Hạnh phúc một tang gia" Vũ Trọng Phụng.
Bài làm:
Xã hội Việt Nam thế kỷ 20 chịu sự du nhập của nền văn hóa phương Tây, dần thay đổi những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc để chạy theo những phong trào được cho là văn minh âu hóa của thực dân Pháp, dẫn đến sự suy đồi về mặt đạo đức, lối sống của con người khi có thể sẵn sàng bán rẻ tình thân để chạy theo đồng tiền. Ngòi bút sắc sảo nhưng cũng không kém phần trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong "Số đỏ" đặc biệt là qua đoạn trích "Hạnh phúc một tang gia" đã tái hiện lại một cách xuất sắc bức tranh hiện thực về xã hội đương thời nhố nhăng, kịch cỡm, là một đám tang gương mẫu vạch trần cả bộ mặt người giả dối, xấu xa.

Trào phúng là nghệ thuật gây ra tiếng cười mang ý nghĩa phê phán xã hội. Để gây được tiếng cười trào phúng điều quan trọng nhất là tạo được tình huống mâu thuẫn và tổ chức chuyện làm nổi bật những mâu thuẫn đó. Đây là nét đặc trưng trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng- "ông vua trào phúng đất Bắc" (Mai Xuân Nhân). Người ta bắt gặp trong "Số đỏ" có cái hài mà cũng có cái bi, cười khi thấy những tình huống không tưởng để một kẻ vốn chỉ là tên ma cà bông, chuyên đi nhặt ban quần như Xuân tóc đỏ lại nghiễm nhiên trở thành một sinh viên trường thuốc, "đốc-tờ Xuân" người người kính trọng. Lại càng bi ai, ngán ngẩm khi nhìn vào hiện thực một gia đình cụ cố Hồng sẵn sàng ăn mừng trước cái chết của người thân, bán rẻ lương tâm để chạy theo đồng tiền, thói xa hoa, trụy lạc. Hình ảnh về đám tang kiểu mẫu chính là thước phim quay chậm tái hiện lại cận cảnh xã hội nhiễu nhương, giả dối, tha hoá, bản chất xấu xa của xã hội Việt Nam đương thời thể hiện ngòi bút châm biếm, đả kích sâu cay của Vũ Trọng Phụng cũng như nét phong cách sáng tác nổi bật của nhà văn so với các tác gia cùng viết về một đề tài.
Một đám tang đúng như Vũ Trọng Phụng nói là: "gương mẫu", bởi khi nhìn vào đó người ta không thấy cái không khí u ám, đau thương của nhà có người chết mà lại chứng kiến một buổi trình diễn thời trang hay một lễ hội có đủ những hạng người không khác gì đám ô hợp, đang thi nhau phô trương, khoe mẽ cái vẻ ngoài hào nhoáng của mình thay vì tiếc thương cho người quá cố. Gia đình cụ cố Hồng thì từ đầu đến cuối đều rất âu hóa, văn minh với đủ kiểu quần áo cách tân, lối sống háo danh đến hợm hĩnh, giỏi diễn trò trước mặt thiên hạ. Cô Tuyết mặc bộ y phục "ngây thơ"- "cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nửa nách và nửa vú", "để cho thiên hạ phải biết rằng mình chết đánh mất cả chữ trinh". Ông TYPN và bà Văn Minh thì đúng như ý nguyện được thiên hạ chú ý đến những kiểu quần áo tang tân thời từ tiệm may Âu hoá. Trong khi cậu Tú Tân lại chỉ huy các nhà tài tử thi nhau chụp ảnh như ở hội chợ, thì cụ cố Hồng cũng được người ta khen về cái nhà có phúc... Chẳng có ai để ý hay bận tâm mà đau thương cho cái chết của ông cụ, họ mải mê chạy đi khoe cái giàu có, văn minh của mình, lấy đám tang là nơi để quảng cáo sản phẩm, không khác nào đang tự cho thấy thói kịch cỡm, lừa đảo, háo danh. Tiếng cười trào phúng rộ lên đầy sự châm biếm ngày càng nhiều cho đến khi xuất hiện hình ảnh Xuân tóc đỏ đến với " sáu chiếc xe trên có sư chùa Bà banh xe nào cũng chia hai lọng, từ một ngả len vào chiếm chỗ sau năm lá cờ đen" thì người ta dường như còn thấp thoáng thấy một cái bi đầy chất hiện thực. Đó là sự xuống cấp trầm trọng của những giá trị truyền thống văn hoá, đạo đức trong lối sống đương thời, khi một đám ma dù có đủ cái Tây, Tàu,Ta nhưng vẫn thiếu mất tình người-điều vốn dĩ phải là trọng yếu. Qua ngòi bút sắc bén cùng lối dẫn dắt châm biếm, mỉa mai, đả kích sâu cay của Vũ Trọng Phụng điều này càng được chứng minh và khẳng định.
Nếu gia đình cụ cố Hồng là tuyến nhân vật trung tâm trực tiếp phản ánh bộ mặt đạo đức giả, xấu xa của những phong trào văn minh, âu hóa thì ngòi bút Vũ Trọng Phụng cũng chú ý đưa ống kính quan sát đến những người ngoài tang quyến. Là hai viên cảnh sát Min đơ và Min toa "đương buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ" thì được thuê giữ trật tự cho đám ma. Là những ông bạn thân của cụ cố Hồng ngực đầy những huy chương Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bôi tinh... "trên mép đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn" thì đều cảm động trước làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết hơn là tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng. Là hai sư cụ tăng Phú sung sướng mà vênh váo ngồi trên một chiếc xe vì chiến thắng của báo gõ mõ đánh đổ được hội Phật giáo, cùng với những trai thanh gái lịch chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau bằng những vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa ma... Bút pháp nghệ thuật miêu tả bậc thầy của nhà văn đi từ cái khái quát-hình ảnh đám đông rồi len lỏi vào từng góc khuất lột trần vẻ ngoài giả dối, nhố nhăng của đoàn người, cho thấy bản chất thối nát, đồi bại của xã hội người, lại thông qua ngôn ngữ trần thuật có sự đối lập với bản chất của sự việc để càng làm tăng lên tính trào phúng, châm biếm, mỉa mai và một thực trạng đáng để suy ngẫm. "Đám cứ đi" được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm trở thành một điệp khúc ám ảnh gợi sự chuyện động không ngừng nhưng vô hồn, khi hành trình của đám tang đồng thời cũng chính là hành trình đi xuống huyệt mộ của những giá trị đạo đức trong xã hội. Đằng sau câu nói của nhà văn:"Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...!"chính là cái hài trào phúng, cái bi của một hiện thực về con người đang bị ăn mòn nhân hình, nhân tính, chìm đắm trong thứ vật chất xa hoa, bề ngoài, phù phiếm.

Qua hình ảnh về một đám tang gương mẫu, có thể khẳng định Vũ Trọng Phụng đã thành công trong việc dùng tiếng cười làm vũ khí khi đến đây ông đã phơi bày hoàn toàn bản chất giả dối, thói hám lợi, hám danh của những phong trào tân tiến, văn minh dưới vẻ ngoài hào nhoáng, bao trùm là thói đạo đức giả của xã hội tư sản thành thị Việt Nam đầu thế kỉ hai mươi. Đặt vào bối cảnh chung của toàn tác phẩm, thì "Hạnh phúc của một tang gia" xứng đáng được coi như một trong những đoạn trích xuất sắc nhất góp phần tạo nên thành công của "Số đỏ" cũng như đưa tên tuổi của Vũ Trọng Phụng trở thành ngòi bút tiêu biểu cho văn học nước nhà thời kì trước cách mạng với đề tài khai thác về bức tranh hiện thực đời sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro