Nghị luận bài thơ Câu Cá Mùa Thu (Thu Điếu) của Nguyễn Khuyến ♫♪

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Khuyến là đại biểu xuất sắc cuối cùng của nền văn học Trung đại Việt Nam ở thế kỉ XIX. Ông được xem là bậc quán quân về thơ tả cảnh mùa thu. Thu điếu nằm trong chùm thơ thu ba bài nổi danh nhất của Nguyễn Khuyến. Bài thơ nói lên một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của một nhà nho nặng tình với quê hương đất nước.

Trong bài thơ câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu. Từ một khung ao nhỏ, cảnh sắc thu mở ra thật nhiều chiều, nhiều hướng với những hình ảnh vừa đối lập, vừa cân đối hoài hòa.

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến là những hình ảnh rất thân quen và dung dị, là kết tinh những nét đặc trưng nhất của làng quê Bắc Bộ, vừa nhẹ dịu, vừa thanh sơ qua sự quan sát tinh tế của đôi mắt và của tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương. Thi nhân đã rất tài tình trong việc kết hợp giữa thi văn và hội họa, vung ngòi bút vẽ nên cảnh trời thu bao trùm bởi khung cảnh rộng lớn màu xanh và trong veo của nước, sóng, trời, trúc, bèo và nổi bật ở giữa là màu vàng của lá. 

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

Hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả là “ao thu”. Nước ao trong veo thanh khiết, mặt ao tĩnh lặng sóng hơi gợn tí. Hai vần “eo” được gieo trong cùng một câu khiến cho độc giả có cảm giác lạnh lẽo và sự ngưng đọng của không gian càng trở nên tuyệt đối, đồng thời còn gợi nên không gian nhỏ hẹp của cái ao. Trên nền cảnh thu ấy xuất hiện một chiếc thuyền câu lẻ loi, đơn chiếc, bé nhỏ. Số từ chỉ số ít “một chiếc” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng nhỏ bé hơn, như co lại thành một nét chấm trên nền ao chật hẹp. Có khung cảnh thiên nhiên và có dấu vết của cuộc sống con người, khiến cảnh thu thêm được phần nào ấm cúng. Chiếc thuyền “tẻo teo” trông thật xinh xắn. Câu thơ đọc lên, làm cho đối tượng miêu tả trở nên gần gũi và thân mật biết bao! Hai câu đề đã vẽ nên cảnh sắc rất riêng biệt, mộc mạc, đơn sơ của mùa thu Bắc bộ với những nét đặc trưng nhất của khí thu, chất thu là cái lạnh và sự tĩnh lặng. 

Mùa thu tiếp tục hiện lên với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng”. Cảnh vật chuyển động một cách rất nhẹ, rất khẽ, làm tôn lên cái tĩnh. Tác giả đã rất nhạy cảm và tinh tế khi chớp được những khoảnh khắc tinh vi ấy: sóng biếc gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng, ngỏ trúc quanh co. Gió thổi hiu hiu làm sóng gợn, làm lá rơi, các sự vật đều có liên kết chặt chẽ với nhau. Tâm hồn nhà thơ lúc này dường như cũng hòa theo nhịp gợn của sóng, nhịp rơi của chiếc lá vàng trong từng khoảnh khắc. Cách phác họa một góc mùa thu bằng nét duyên dáng nhẹ nhàng giữa màu sắc và âm thanh khéo léo. Mọi cử động của thu đều như say say và mơ màng đến lạ kì, ngay chính nhà thơ cũng bị cuốn hút theo. Các tính từ, trạng từ “biếc”, ‘tí’, “vàng”, “khẽ”, ”vèo” được sử dụng một cách hợp lí, giàu chất tạo hình, vừa tạo ra bức tranh màu sắc thanh nhã, có xanh có vàng, vừa gợi được sự uyển chuyển, sinh động của sự vật. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc vàng của lá thu, ở màu “xanh ngắt” của bầu trời thu, ở làn “sóng biếc” trên mặt ao thu “lạnh lẽo”…Cảnh được miêu tả trong hai câu thực, mặc dù là động, nhưng vì động một cách khẽ khàng nên thực chất là lấy động để tả cái tĩnh lặng của mùa thu trong không gian quê nhà bình dị thân thuộc, thể hiện cái hồn ở nông thôn.  Quả là phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thật sâu sắc thì Nguyễn Khuyến mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế, tưởng chừng như chẳng ai để ý đến như thế! Nguyễn Khuyến đã đưa cái ao nhỏ quê hương vào thơ với thái độ trân trọng trìu mến. 

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần, lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

Trời thu cao vời vợi qua những tầng mây xanh. Bất giác ta quay về làng quê yên bình với hình ảnh ngõ trúc vắng làm lắng đọng trong tác giả nổi cô đơn vắng vẻ. Dường như tình yêu quê hương vẫn chưa bao giờ nguôi dù chỉ là khoảnh khắc bé nhỏ chiếc lá khẽ đưa vèo. Sự trống trãi từ từ lan tỏa, làm đượm buồn bức tranh yên ắng trước mắt. Tác giả ngồi suy nghĩ ưu tư trong dòng suy nghĩ mênh mông, trong lòng cứ như đang chất chứa một nỗi buồn sâu lắng vì mãi vẫn chưa câu được cá. Đâu đó tiếng cá đớp mồi làm xao động mặt nước rồi cũng vô tình làm xao động tâm hồn nhạy cảm đang lặng yên của tác giả, có cá hay không tác giả cũng không buồn nghĩ đến, chỉ biết lúc này đây tâm trí đang rối bời vì lo cho nhân dân, lo cho đất nước. Thời thế thay đổi quá nhanh, non sông mất vào tay giặc mà mình không làm được gì để giúp đời, cứu nước. Câu cuối này là thú vị nhất, vừa gợi được cảm giác, vừa biểu hiện đựơc cuộc sống ngây thơ nhất với sự việc sử dụng những âm thanh rất trong trẻo có tính chất vang ngân của những cặp vần, đã chiếm được cảm tình của độc giả, đã đọc qua một lần thì khó mà quên đựơc. 

Qua bài câu cá mùa thu, người đọc cảm nhận ở Nguyễn Khuyến tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên đất nước, tấm lòng yêu nước thầm kín nhung không kém phần sâu sắc. Nguyễn Khuyến đã sử dụng nghê thuật "lấy động nói tĩnh" rất tài tình, rất tinh tế, ngôn ngử độc đáo thể hiện hình ảnh màu sắc âm thanh tiêu biểu, cách điệp vần đặc biệt "eo" góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khuất của nhà thơ, âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo – bé tẻo teo – đưa vèo – vắng teo – chân bèo. Bài thơ còn thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế và tài thơ Nôm của tác giả.

Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc “Thu điếu” chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro