𝐜𝐮𝐨̣̂𝐜 đ𝐨̂́𝐢 𝐭𝐡𝐨𝐚̣𝐢 𝐠𝐢𝐮̛̃𝐚 𝐡𝐨̂̀𝐧 𝐓𝐫𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐁𝐚 𝐯𝐚̀ 𝐱𝐚́𝐜 𝐡𝐚̀𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐢̣𝐭

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

       Nhiều thập kỉ trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện, trong khí thể vươn lên của đất nước và của dân tộc nhưng chúng ta sẽ vẫn còn tìm thấy những tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Thông qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề thấm đẫm tư tưởng nhân văn, không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà còn có ý nghĩa muôn đời với tất cả mọi người. Điều đó được thể hiện qua lời độc thoại nội tâm của hồn Trương Ba mở đầu đoạn trích: "Không!...".

     Trương Ba là một người làm vườn có tâm hồn nhân hậu, thanh cao, yêu quý cây cối và thích chơi cờ. Vì sơ suất của Nam Tào mà Trương Ba bị bắt chết nhầm. Quý mến tài chơi cờ của Trương Ba, Đế Thích đã cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để sống lại. Trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba bị thể xác chi phối, sai khiến, phải sống cuộc sống trái tự nhiên, giả tạo, không được là chính mình. Cuộc sống ấy không chỉ khiến Trương Ba đau đớn mà còn gây nên bao phiền toái, rắc rối, đau khổ cho người thân của ông. Đau đớn đến tột đỉnh hồn Trương Ba mong muốn, khao khát được thoát khỏi thân xác anh hàng thịt. Hàng loạt các từ phủ định và những câu cảm thán ngắn đã thể hiện sự phủ định quyết liệt cuộc sống trái tự nhiên, giả tạo "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo", Trương Ba khát khao mãnh liệt được thoát khỏi cảnh ngộ trớ trêu để được sống là chính mình. Ánh mắt chán chường, sợ hãi khi nhìn chân tay, thân thể xa lạ với mình. Trương Ba bày tỏ sự khinh bỉ đối với thể xác phàm tục qua cảnh xưng hô... Càng chán ghét cuộc sống trái tự nhiên, giả tạo, hồn Trương Ba càng mong muốn thoát khỏi thể xác dung tục, tầm thường càng nhanh càng tốt. Đó là nguyên nhân của sự phân li giữa hồn và xác diễn ra.

   Hồn Trương Ba và xác hàng thịt đối thoại, tranh luận với nhau về sức mạnh của thể xác. Vốn nghĩ mình là người có đời sống riêng, muốn tách ra khỏi xác hàng thịt nên hồn Trương Ba đã thể hiện thái độ tỏ ý coi thường xác qua cách xưng hô "mày - ta"; luôn phủ nhận sức mạnh của xác hàng thịt: "Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù..."; mắng mỏ, miệt thị xác hàng thịt: "Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!" nhằm mỉa mai, giễu cợt đầy khinh bỉ cho rằng xác hàng thịt âm u, đui mù, chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết. Hồn Trương Ba khinh bỉ trước nhu cầu phàm tục, tầm thường của xác "Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt..."; tự hào và có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh tinh thần: "Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn...", xác không thể nào chi phối và làm nhiễm độc tâm hồn thanh cao của ông. 

 Hành động kịch đẩy mâu thuẫn tới cao trào: xác hàng thịt thể hiện thái độ mỉa mai, khinh bỉ hồn Trương Ba, gọi hồn Trương Ba là "cái linh hồn mờ nhạt" và khẳng định sức mạnh đáng sợ của mình. Dù chỉ là xác thịt âm u đui mù nhưng đó là hoàn cảnh khiến hồn Trương Ba phải quy thuận, không có cách nào chối bỏ được. Xác đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng chứng minh cho sức mạnh đáng sợ của mình át cả linh hồn cao khiết: thèm ăn ngon, rượu thịt: "cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi"; xao xuyến với vợ hàng thịt: "tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại"; trở nên thô lỗ, phũ phàng: "tát thằng con ông toé máu mồm máu mũi". Xác hàng thịt khẳng định linh hồn không thể nguyên vẹn khi muốn tồn tại được là phải nhờ xác: bằng tiếng cười mỉa mai "Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn?". Xác hàng thịt buộc hồn Trương Ba phải quy phục mình "Đã bảo chúng ta tuy hai mà một!... Phải sống hoà thuận với nhau thôi!"

 Ở đoạn đối thoại này, xác và hồn đều tung ra những lời thoại dài. Lời của hồn Trương Ba gay gắt, chế giễu, mắng mỏ. Lời của xác hàng thịt mỉa mai không chấp nhận lí lẽ của hồn. Trước dẫn chứng mà xác đưa ra, hồn Trương Ba tỏ ra bối rối, lúng túng và hoàn toàn đuối lí. Thay cho lời thoại dài ở phần đầu giọng điệu khinh bỉ và đầy mạnh mẽ chỉ trích xác không thương tiếc, càng về cuối, lời thoại của Trương Ba càng ngắn, ấp úng và lúng túng: "Ta... ta... đã bảo mày im đi!". Đặc biệt, Trương Ba đã phải bịt tai lại "Ta không muốn nghe mày nữa!".

   Tiếp theo, Hồn Trương Ba và xác hàng thịt tranh luận với nhau về vai trò của thể xác. Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của thể xác: "Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo". Xác hàng thịt thay đổi thái độ, giọng điệu đầy buồn rầu. Đó là nỗi buồn khi vai trò và tồn tại của mình bị coi thường, bị phủ nhận. Để khẳng định vai trò của mình, xác hàng thịt đưa ra nhiều lí lẽ sắc sảo, nhiều dẫn chứng cụ thể. Xác khẳng định "tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!... Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn". Xác hàng thịt đưa ra hàng loạt dẫn chứng để khẳng định vai trò của mình: "Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân... Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi...". Nhờ có bàn tay của xác, hồn mới có thể cuốc xới và chăm sóc cây cối. Xác khẳng định rằng nhu cầu của mình là chính đáng, thể xác cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, đòi hỏi mọi người phải thừa nhận và trân trọng nhu cầu của thể xác: "Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào?". Xác cũng phê phán quan niệm sai lầm khi bỏ bê thân xác "Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...". Trước những lí lẽ của xác hàng thịt, hồn Trương Ba đuối lý, lúng túng.

   Kết thúc cuộc đối thoại, hồn Trương Ba bất lực, đau đớn chấp nhận yêu cầu của xác hàng thịt. Xác đề nghị hồn Trương Ba thỏa hiệp, chiều chuộng lẫn nhau để cùng tồn tại, ve vãn hồn "hãy chấp nhận trò chơi linh hồn" nghĩa là: hồn cứ việc nghĩ mình là thánh thiện, là thanh cao, nếu "Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi...miễn là... ông vẫn làm đủ mọi việc để thoả mãn những thèm khát của tôi!". Trước những lí lẽ ti tiện của xác, hồn một lần nữa đuối lí với lời lẽ ngắt quãng  không thành câu "Nhưng... Nhưng..." rồi khinh bỉ, mắng mỏ xác, coi xác là kẻ hèn hạ "Lí lẽ của anh thật ti tiện!" đồng thời ngậm ngùi, thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, chỉ thốt lên một lời than vãn trong cơn tuyệt vọng "Trời!". Kết cục, hồn Trương Ba trở lại nhập vào xác hàng thịt trong sự tuyệt vọng, tìm đến giải pháp tồn tại "chung sống hòa bình" vẫn tiếp tục mang tên hồn Trương Ba - da hàng thịt. Tóm lại trong cuộc đối thoại này, xác hàng thịt thắng thế, hả hê tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai, cười nhạo khi thì lên mặt dạy đời. Còn hồn Trương Ba ban đầu chủ động, về sau rơi vào thế yếu, đuối lí với lời thoại ngắn, giọng ngắt quãng kèm theo tiếng kêu, tiếng than, ngậm ngùi, bất lực và tuyệt vọng.

   Xây dựng hai nhân vật đặc biệt này, Lưu Quang Vũ đã sử dụng lời thoại giản dị, dễ hiểu nhưng sâu sắc, tinh tế, xung đột kịch diễn ra ngày càng căng thẳng, kịch tính và đầy bất ngờ. Tác giả đã sáng tạo ra một tình huống kịch đặc sắc với hình ảnh giàu tính biểu tượng, ẩn dụ; ngôn ngữ sinh động, giàu chất triết lí. Cuộc đối thoại đã thể hiện rõ nét bi kịch, cảnh ngộ trớ trêu và nhân cách cao đẹp của Trương Ba. Về bi kịch, là sống cuộc sống trái tự nhiên, giả tạo, không được là mình, phải làm những điều mình không muốn "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo". Là tâm hồn nhân hậu, thanh cao đã bị xác hàng thịt chi phối, nhiễm độc trở nên phàm tục và tàn bạo. Về nhân cách cao đẹp, Trương Ba có một tâm hồn nhân hậu, trong sạch, thanh cao, luôn khát khao được sống là chính mình "tôi muốn là tôi trọn vẹn" và dũng cảm đấu tranh với sự phàm tục, xấu xa để hướng đến những giá trị tinh thần cao quý và hoàn thiện nhân cách.

     Cuộc đối thoại giữa hồn và xác chính là xung đột diễn ra trong bản thân nhân vật, hai phần trong một con người. Giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba có sự đối lập giữa nhiều yếu tố như tốt - xấu, thanh cao - phàm tục, bản năng - lý trí... Qua đây, Lưu Quang Vũ muốn khẳng định: không gì hạnh phúc bằng khi được sống đúng là mình, sống với những gì mình đã có. Như thế cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng và ý nghĩa biết bao. Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được trở về đúng bản chất của mình, được sống trong một cơ thể thống nhất.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12