𝚌𝚞ộ𝚌 đố𝚒 𝚝𝚑𝚘ạ𝚒 𝚐𝚒ữ𝚊 𝚑ồ𝚗 𝚃𝚛ươ𝚗𝚐 𝙱𝚊 𝚟à 𝚗𝚐ườ𝚒 𝚝𝚑â𝚗

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài năng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Qua Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm thông điệp được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và người thân đã góp phần thể hiện được điều đó.

     Trương Ba là người làm vườn, yêu cây cỏ, yêu thương con cháu. Do thái độ làm việc tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình mà Trương Ba bị chết bất ngờ. Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại trong xác anh hàng thịt. Từ đó, hồn Trương Ba rơi vào một nghịch cảnh đau thương. Trong thể xác thô phàm của anh hàng thịt, Trương Ba dần đổi tính: uống rượu nhiều, ham bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao, trí tuệ nữa. Người thân buồn bã và dần xa lánh Trương Ba. Ông vô cùng đau khổ khi ý thức về sự tha hóa nhân cách của mình nhưng bất lực không thể làm gì được. Không muốn náu mình trong thể xác hàng thịt cồng kềnh, thô lỗ của anh hàng thịt, Trương Ba tìm về với người thân để mong được an ủi, sẻ chia.

   Vợ Trương Ba trách móc về sự thay đổi của Trương Ba: "Ông bây giờ còn biết đến ai nữa?". Trương Ba vốn là người nhân hậu, luôn yêu thương và quan tâm tới mọi người, trong đó có cu Tị. Vậy mà bây giờ đây Trương Ba đã trở thành một người vô tâm. Cu Tị ốm thập tử nhất sinh mà ông vẫn không hay biết. Bà vừa thương cho hoàn cảnh của chồng phải sống nhờ trong thể xác của anh hàng thịt, bà lại vừa hờn dỗi, ghen tuông khi Trương Ba luôn sang nhà chị vợ anh hàng thịt mỗi khi chị ta nhờ vả. Điều đó đã khiến cho trái tim bà Trương Ba bị tổn thương. Người vợ buôn bị sự ghen tuông dày vò đến mức bà Trương Ba quyết định sẽ bỏ "...đi biệt...Để ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt...". Bà Trương Ba đau buồn và thất vọng vì người chồng đã trở nên khác trước, đã thay đổi tâm tính: "Tôi biết, ông vốn là người hết lòng thương yêu vợ con... Chỉ tại bây giờ... ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa". Đó là sự  đau buồn, thất vọng vì người chồng đang trở nên tha hóa, xa lạ. Vì những xáo trộn, biến động, thay đổi trong gia đình khi người con cả đã quyết định phá khu vườn để mở cửa hàng bán thịt. Trước những lời nói của vợ, Trương Ba buồn rầu, thất vọng về chính bản thân mình. Ông đang dần bị tha hóa, không còn biết quan tâm đến mọi người xung quanh, ông ngậm ngùi tự trách bản thân mình. Bị vợ cự tuyệt, muốn rời xa, Trương Ba không tìm được lời giải thích đành bất lực, tay ôm đầu, thốt lên tiếng "Bà!" trong tuyệt vọng.

   Đứa cháu rất mực tôn kính ông nhưng giờ đây nó khước từ sự hiện diện của Trương Ba "Ông nội tôi chết rồi". Nó không chấp nhận một con người có bàn tay giết lợn làm hỏng chồi non trong khu vườn, nó hận bàn tay ấy làm hư cái diều của cu Tị bạn nó. Nó xua đuổi quyết liệt, cự tuyệt coi Trương Ba như kẻ thù "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!" và bỏ chạy trong tiếng khóc. Trước thái độ căm ghét, ruồng bỏ, xua đuổi ông của cháu gái, Trương Ba đau đớn, bất lực không biết thanh minh điều gì để cháu hiểu mình.

   Chị con dâu, người thương và hiểu Trương Ba sâu sắc, thông cảm cho Trương Ba, giờ đây trước cảnh gia đình sắp tan hoang nên chị phải nói thật lòng mình "...chính con cũng không nhận ra thầy nữa...". Không nhận ra tức là Trương Ba đã thay đổi quá nhiều khiến tất cả đang lệch lạc, nhòa mờ dần đi. Trương Ba đau đớn tột cùng khi bị người thân khước từ. Khao khát trở về với người thân để được chia sẻ, an ủi, vỗ về nhưng Trương Ba đã thất bại. Vẻ mặt Trương Ba thẫn thờ, lặng ngắt như tảng đá; tay ôm đầu; điệu bộ run rẩy, lập cập; giọng điệu nhẫn nhục, cầu cứu khi nhận thấy không chỉ mình đau khổ mà xót xa hơn những người thân của mình cũng chịu đau khổ và bị đảo lộn cuộc sống thậm chí người thân còn đau hơn lúc chôn ông xuống đất. Đứng trước nguy cơ bị tha hóa, Trương Ba bộc lộ thái độ dứt khoát, quyết liệt khi nói với xác hàng thịt: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác"! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!". Trương Ba phủ nhận xác, tìm giải pháp để thoát khỏi sự đau đớn, bế tắc, tuyệt vọng này.

   Với nghệ thuật xây dựng mâu thuẫn kịch ngày càng phát triển, ngôn ngữ kịch vừa triết lí, vừa trữ tình. Mỗi nhân vật có cách nói riêng, giọng nói riêng nhưng đều gặp nhau ở sự đau đớn, thất vọng về Trương Ba. Màn đối thoại với người thân cho thấy đỉnh điểm của bi kịch nhân vật không thỏa hiệp mà đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt qua những câu hỏi tự vấn, tự thú của Trương Ba làm nổi bật tâm trạng đau đớn và vẻ đẹp tâm hồn cao quý của người lao động trong cuộc đấu tranh với cái dung tục để tự hoàn thiện nhân cách.

     Như vậy, cuộc đối thoại đã góp phần thể hiện được tư tưởng của nhà văn. Được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12