nghi ve ha noi ngan nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nghĩ về Ngàn năm Thăng Long1. Không lẽ ngàn năm Thăng Long chỉ là chuyện sinh nhật thành phố Hà Nội?

Một số thành phố khác có thể có kỷ niệm năm nào đấy và hoàn toàn mang tính địa phương nhưng ngàn năm Thăng Long phải là ngàn năm Đại Việt, là ngàn năm cha ông ta cho đến tận hôm nay bền bỉ, anh dũng, khôn khéo giữ bằng được độc lập và chủ quyền dân tộc sau một ngàn năm Bắc thuộc.

Trong ngàn năm ấy có tiếng sóng vỗ của sông Bạch Đằng diệt quân Nam Hán, có tiếng gươm khua, ngựa hí của của những đạo quân Trần Hưng Đạo, Lê Lợi làm nên những Bạch Đằng, Xương Giang, Chi Lăng; có tiếng voi gầm và bước chân thần tốc của Quang Trung quét giặc Thanh ở Ngọc Hồi, Đống Đa,

Lý Công Uẩn và Chiếu dời đô từng được dàn dựng trên sân khấu.

Có cả tiếng vang ngân của "Nam quốc sơn hà..." - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên; có "Hịch tướng sĩ" và "Bình Ngô đại cáo'; có cả những câu "Kiều" và những làn điệu dân ca mang hồn dân tộc.

Trong ngàn năm Thăng Long ấy có cả Hà Nội năm 45 - 46, có Điện Biên Phủ 1954, Điên Biên Phủ trên không 1972 và Bước chân thần tốc 1975.

Trong ngàn năm Thăng Long ấy có cả mái chèo, cánh buồm của đội dân binh đảo Lý Sơn nhận lệnh triều đình ra đảo xa giữ chủ quyền

Và có cả hôm nay, những người lính hải quân trên quần đảo Trường Sa, có những người lính trên những nhà giàn cắm vào thềm lục địa giữa biển khơi thân yêu của Tổ quốc. Bão tố quật nhà giàn có những người lính quấn cờ Tổ quốc lấy thềm lục địa làm ngôi nhà ngàn năm của mình. Ngàn năm Thăng Long ấy có cả tiếng bi bô con trẻ tập đánh vần trên đảo tiền tiêu, có cả những đoàn tàu đánh cá vượt lên nỗi sợ hãi bị cướp, bị bắt giữ, bị tàu lạ đâm chìm để khẳng định chủ quyền đất nước...

2. Chỉ không đầy 10 tháng nữa chúng ta sẽ có Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, song nhìn vào chương trình nghệ thuật được chuẩn bị như sân khấu, điện ảnh sao cứ thấy văng vắng thiếu thiếu một cái gì. Không biết cụ Lý Thái Tổ có buồn không khi biết chuyện làm phim về mình mà có vài anh em văn nghệ sĩ cãi nhau ỏm tỏi để rồi chuyện làm phim về mình thành vô tiền khoáng hậu.

Tôi không biết đến tiền tỷ nhưng giá 200 tỷ định làm một bộ phim chỉ cần trích ra 20 tỷ (tức là bằng 1/10 một bộ phim) để đầu tư cho các đoàn sân khấu thành một chương trình sân khấu ngàn năm Thăng Long thì hoành tráng phải biết. Mỗi đoàn sân khấu chỉ cần 2 tỷ thôi đã có 10 vở diễn về ngàn năm Thăng Long và các ông sân khấu ngồi lại bàn với nhau xem ngàn năm qua chúng ta có thành tựu gì, đặc điểm nổi bật gì để lập thành kịch mục phân công nhau viết và dàn dựng, biểu diễn.

Tiếc quá, chuyện này lại không xảy ra và các vở diễn ngàn năm Thăng Long trong năm 2010 chắc chỉ toàn kịch lịch sử! Không biết bây giờ có kịp không nhưng có đầu tư, có định hướng chắc không muộn và tôi cứ tưởng tượng ra trong dịp đại lễ năm sau sẽ có một hội diễn ngàn năm Thăng Long thì hay biết mấy. Mươi mười lăm vở diễn tất nhiên có vở về chiếu dời đô, có nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, có Quang Trung nhưng lại có vở về Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Hà Nội năm 46, có cả vở về chiến sĩ hải quân ta hôm nay đang ở đảo Trường Sa hoặc trên các nhà giàn giữ chủ quyền dân tộc thì... hết chuyện trẻ con thuộc sử nhà Thanh (qua phim dã sử Trung Quốc) hơn sử nước nhà!

Sân khấu ta đang vắng khách ở miền Bắc không hẳn đã vì kịch dở mà cái khó bó cái khôn, dựng xong không có tiền quảng cáo rầm rộ trên tivi nên công chúng không biết mà tìm đến. Vắng khách cũng diễn, đợi người ta kháo nhau tìm đến thì không đủ lực vì tiền thuê rạp, tiền bồi dưỡng diễn viên thành khoản hao hụt khổng lồ mà ngôn ngữ kinh doanh vẫn gọi là "lỗ"! Vậy thì được đầu tư với điều kiện sau khi nghiệm thu phải diễn miễn phí 1-2 buổi trong dịp đại lễ tại nhà hát, quảng trường, góc phố hẳn người sung sướng nhất là anh em nghệ sĩ. Đây là dịp nghệ sĩ sân khấu được bày tỏ nghệ thuật cuả mình, cũng là dịp quảng bá sân khấu đến với công chúng một cách rộng rãi, tự nhiên trong những ngày lễ hội. Biết đâu, với một chương trình như thế, sau đại lễ này sân khấu sáng đèn trở lại. Làm tốt, chắc chắn cụ Lý và linh khí của cả ngàn năm Thăng Long phù hộ, theo cùng.

3. Xin đừng nghĩ ngàn năm Thăng Long là chuyện của Hà Nội. Lễ hội Ngàn năm đâu chỉ có mít tinh, diễn văn tại sân vận động với chuyện xếp hình người rồi ánh sáng lade và hoạt cảnh sân khấu trong đó. Rất mong ngày Đại lễ vào năm sau phải là ngày đại lễ của toàn dân với một niềm kiêu hãnh của mỗi con dân nước Việt về truyền thống, di sản cha ông để lại trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, gìn giữ chủ quyền dân tộc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro