16. Nghề nghiệp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào thuở hoang sơ con người chỉ biết hái trái rừng để sống. Khi có những khám phá mới về thức ăn động vật, họ bắt đầu săn bắn và bắt tôm cá để bổ sung nguồn lương thực. Tiến dần lên, con người biết định cư để chăn nuôi và trồng trọt. Trong thời kỳ đó, một người phải biết làm lấy tất cả những công việc theo nhu cầu của mình như cất nhà, trồng cây, săn bắn, chế tạo dao búa, cung tên, đẽo thuyền... Lâu dần con người biết trao đổi.Người đem thịt đến đổi lấy lưỡi dao tinh xảo. Tiếng tốt đồn xa, nhiều người khác đều đến năn nỉ để được đánh đổi lưỡi dao của một kẻ có khiếu đặc biệt về công việc rèn đúc dáo mác này. Từ đó người thợ rèn ở nhà đi hẳn vào chuyên môn vũ khí và đổi lấy lương thực của những người khác.

Khi giai đoạn chuyên môn tăng dần, xã hội hình thành sự phân công tự nhiên, mỗi người một việc hợp với năng khiếu của mình.
Thị trường đơn giản khởi nguồn từ dạo ấy.
Một khi đã có sự phân công nghề nghiệp, con người trở nên lệ thuộc lẫn nhau. người thợ rèn cần lương thực của người nông dân. Người nông dân cần cột nhà của người tiều phu. Người tiều phu cần đôi giày của người thợ thuộc.
Khi thị trường của cung và cầu xuất hiện, nó biến thiên theo các quy luật khách quan chi phối kinh tế của toàn bộ cộng đồng con người. Có những lúc nhu cầu về dao cuốc tăng cao, người thợ rèn trở nên giàu có. Đôi khi thời tiết thất thường, người nông dân trở nên nghèo khổ.
Những yếu tố tác động vào thị trường một cách bất ngờ và không ai có thể lường trước là nghề nghiệp của mình sẽ trở nên phát đạt hay suy thoái. Mỗi nghề đều có ít nhiều tính chất may rủi, nghĩa là đều có tính kinh doanh. Con người phải phán đoán tình hình, bỏ công sức của cải để đầu tư, và thời gian sẽ cho biết thành công hay thất bại.

Xã hội càng phức tạp thì sự phân công càng rõ rệt dứt khoát. Người chỉ thuần lập chương trình cho máy tính, người chỉ thuần chế tạo thuốc kháng sinh. Kẻ chỉ thuần tạo mẫu thời trang. Kẻ chỉ thuần trình diễn âm nhạc...
Rồi trong mỗi ngành nghề, sự phân công được diễn ra với mức độ vô cùng chuyên sâu tỉ mỉ. Trong việc xây dựng một căn nhà, không một người thợ nào đảm trách tất cả mọi công đoạn. Cần phải có thợ xây, thợ cốt thép, thợ sơn, thợ cấp thoát nước, thợ điện...
Thế là, đứng trong xã hội, hầu như ai cũng phải có nghề để sinh sống. Tuy nhiên, một nghiệp duyên từ kiếp nào đó đã thúc đẩy chúng ta chọn lấy nghề của mình, và chịu luôn cái nghiệp của nó.

Có người chọn ngành y tế chỉ vì từ kiếp trước anh đã từng hành nghề này và rất yên tâm thoải mái với cuộc sống nghề nghiệp của mình. Anh không mơ ước gì khác, không đứng núi này trông núi nọ. Kiếp này, từ thuở bé, anh đã có con đường đi rõ ràng là y khoa, không phải phân vân tính toán gì thêm nữa. Và anh vào nghề rất suôn sẻ thành công.
Có người thường mang vải vóc cúng dường bậc chân tu, bố thí vải cho người nghèo khổ. Nghiệp nhân đó đưa đến nghề mua bán vải trong kiếp này và bà trở nên giàu có.
Có người thích đắp đường, bắt cầu, đào giếng nơi công cộng để làm phước. Kiếp sau anh trở thành kỹ sư công chánh với nhà cửa rộng lớn, tiền bạc sung mãn.
Có người trở thành kẻ chăn ngựa cho một ông chủ, chỉ vì đời trước anh và bầy ngựa là kẻ mắc nợ ông chủ. Riêng anh may mắn giữ được thân người. Những kẻ khác đọa làm ngựa. Duyên xưa chưa hết anh vẫn lẩn quẩn bên bầy ngựa để chăm sóc chúng nó.
Có người đời trước làm ca sĩ, được lệnh trên là phải ca ngợi lính chiến, kêu gọi thanh niên tham gia quân đội. Đời sau anh phải đeo đẳng nghiệp quân sự suốt đời.

Có người làm nghề lái xe. Không chắc vì đời trước anh là người lái xe để sinh sống. Có khi đời trước anh là một kẻ giàu có và rất mê lái xe. Kiếp này nghèo, trở lại hành nghề lái xe để sinh sống theo đam mê lúc trước của mình.

Như đã nói, ý nghĩ là nhân và hành động là quả. Đôi khi đời trước một người làm nghề khác, nhưng tâm tư lại hướng về nghề này. Tâm ước mơ đó cũng làm xuất hiện kết quả đổi nghề mới ở kiếp sau. Ví dụ một bác sĩ thích đọc sách rồi mơ ước viết văn. Nhưng công việc bận rộn khiến cho ông không bao giờ thực hiện được điều đó trong kiếp này. Phải đợi đến kiếp sau ông mới bắt đầu lạc qua nghề văn chương mặc dù vẫn còn dính líu khá nhiều với nghề thuốc.
Có một số bác sĩ làm giàu nhờ người bệnh, nghĩa là sống sung sướng nhờ vào sự đau khổ của người khác bằng cách tính tiền thù lao quá nặng. Phước bị tổn, đời sau kẻ này vẫn còn ở trong ngành y tế, nhưng nghèo khó và bằng cấp nhỏ.
Có những người chuyên nghiên cứu về nghệ thuật nên ít có thì giờ làm phước. Đời sau họ sẽ trở thành những nghệ sĩ nhưng cầm chắc cái nghèo trong tay. Chỉ những người đã từng làm phước rộng rãi mới có thể thành đạt trong lĩnh vực nghệ thuật để trở nên nổi danh và giàu có.

Người xưa có câu "Đại phú do thiên, tiểu phú do cần"– Giàu lớn nhờ trời (may mắn) giàu nhỏ do siêng năng. Người thành công trong nghề nghiệp cũng vậy. Có những cơ hội làm ăn từ đâu đem tới ngoài dự định của họ. Thậm chí có khi họ mệt mỏi, bỏ công việc đi chơi cho khuây khỏa rồi cũng gặp mối lái làm ăn. Ngược lại có những người vắt tâm kiệt óc tìm đủ phương kế mà vẫn bị trật vuột thất bại. Cùng một nghề như nhau, nhưng kẻ thì phất to, người thì lụn bại. Tất cả đều do duyên nghiệp quá khứ.

Đức Phật khuyên hàng cư sĩ tại gia phải nuôi sống bằng một nghề chân chính (Chánh mạng). Ngành nghề trong xã hội rất đa dạng phong phú. Nhưng có những nghề càng làm càng có phước và có những nghề càng làm càng có tội. Ví dụ nghề giết thịt, nghề nấu rượu, nghề buôn ma túy, kinh doanh phim ảnh, sách báo đồi trụy, phá rừng... là những nghề làm cho người ta chồng thêm tội lỗi. Sống bằng những nghề đó thì đời sau luôn luôn gặp đau khổ, bất hạnh. Quả báo bệnh hoạn, chết yểu, điên loạn, đọa làm súc sinh chắc chắn phải xảy ra.

Có những nghề càng làm càng có phước như xây dựng đường xá, cầu cống, trường học, thủy điện, an ninh, giáo dục, bảo vệ môi trường, y tế, lương thực... Nói chung những ngành nghề đem lại lợi ích cho xã hội, đều làm cho chủ nhân có phước, nếu họ biết phục vụ một cách tận tụy cao cả. Đôi khi một người ở trong một ngành nghề dễ tạo phước nhưng họ quá ích kỷ, chỉ nghĩ tới đồng lương, gây khó khăn cho mọi người. Họ cũng bị tổn phước trầm trọng.

Như vậy, có hai yếu tố thực hiện nghề nghiệp chân chính là: Chọn nghề dễ tạo phước và phục vụ tận tình. Hãy nghĩ đến lợi ích chung của xã hội và làm việc nhiệt tình hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận cá nhân. Đương nhiên ai cũng cần phải được hưởng thành quả lao động của mình với số tiền kiếm được để sinh sống. Nhưng một người biết làm phước là người luôn luôn "đóng góp nhiều hơn hưởng thụ". Hãy làm việc thế nào mà chúng ta cảm thấy sự đóng góp của mình đối với xã hội luôn luôn cao hơn quyền lợi thu về. Được như vậy chúng ta sẽ có phước lớn về sau. Còn những kẻ chỉ muốn hưởng thụ tối đa với công sức bỏ ra tối thiểu. Trước mắt họ có vẻ giàu sang nhưng tương lai họ sẽ là một người khốn khổ vì thiếu phước.

Mỗi tuần, mỗi tháng khi kiểm lại số tiền kiếm đựợc chúng ta hãy so sánh với công sức lợi ích mà mình đã đóng góp cho xã hội. Nếu thấy công sức nhiều hơn, chúng ta có quyền nở một nụ cười vui vẻ vì biết rằng mình đang tích lũy phước dần dần theo năm tháng. Ngược lại, nếu thấy mình không làm được lợi ích gì cho xã hội mà kiếm tiền được quá nhiều, hãy lo lắng hơn là mừng rỡ, và cũng phải tìm cách cúng dường bố thí để bù đắp lại cái phước đang bị hao tổn kia.
Có một nghề mà không phải nghề, đó là tu sĩ. Đa phần khi khai giấy tờ, một tu sĩ luôn luôn ghi vào mục nghề nghiệp : tu sĩ. Như vậy, phải chăng mọi người công nhận tu sĩ là một nghề để sống như bao nhiêu nghề khác ? Một số nhân viên chính quyền ít thiện cảm với thầy tu cũng xem làm tu sĩ như là một nghề để kiếm cơm !

Tuy nhiên vấn đề này khá tế nhị.

Nếu xét về phương diện cung cầu, thì tu sĩ là người thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng, cúng tế, giảng dạy giáo lý cho tín đồ, còn tín đồ thì tùy tâm tùy sức giúp đỡ đời sống cho tu sĩ. Điều này giống như một dịch vụ có trao đổi và đòi hỏi tu sĩ phải có một mức độ chuyên môn nhất định nào đó về nghi thức và giáo lý.
Nhưng đứng ở phương diện khác, cách "trao đổi" trong lĩnh vực tôn giáo này không có tính cách thị trường thương mại vì người tu sĩ xem việc làm cúng tế, giảng dạy giáo lý là một bổn phận thiêng liêng để giúp đỡ đời sống tinh thần của tín đồ chứ không nhắm vào mục đích lợi nhuận, không qui định giá cả, lễ vật mà người tín đồ phải dâng cúng. Cũng vậy, người tín đồ vì tôn trọng đạo đức và minh triết của tu sĩ nên nương tựa và giúp đỡ để vị tu sĩ đó được rảnh rỗi chứ không nghĩ rằng họ phải đánh đổi vật chất để được lợi ích của Thánh linh.

Dĩ nhiên, không một tổ chức nào, một đảng phái nào, một tôn giáo nào, dù tốt đẹp đến đâu đều có thể tránh khỏi sự trà trộn của những phần tử xấu xa, ích kỷ. Chính những phần tử này đã làm tổn thương uy tín của tôn giáo và hàng ngũ tu sĩ, chứ bản chất đường lối của các tôn giáo hoàn toàn không có mục tiêu trục lợi hoặc tìm kiếm lợi nhuận .
Dù sao, một tu sĩ chân chính suốt đời dùng cuộc sống mình để làm gương, dùng lời nói mình để rao giảng đạo đức, họ xứng đáng được hưởng sự kính trọng và giúp đỡ của người tín đồ.

Thế gian này vốn ngập tràn tội ác, thế nên sự truyền bá đạo đức là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Đạo đức cần phải được giảng dạy ở khắp mọi nơi, trong gia đình, học đường, các đoàn thể và các tôn giáo. Mỗi nơi đều có phương pháp riêng để nêu lên hệ thống đạo đức của mình. Tôn giáo vừa mang tính chất thần bí, vừa mang tính chất đạo đức. Ở phương diện đạo đức, tôn giáo là một hình ảnh đẹp của loài người vì đã rao giảng cải hóa tâm hồn con người trở nên thuần lương hướng thượng. Ở khía cạnh thần bí, tôn giáo bị nghi ngờ phê phán, vì có nhiều điểm chưa (xin nhấn mạnh chữ chưa) phù hợp với khoa học.

Hầu hết con người tìm đến tôn giáo vì mục đích tâm linh. Nhưng một tôn giáo chân chính là tôn giáo vừa có khả năng giúp con người đạt được mục đích tâm linh, vừa có khả năng giúp con người cải tạo đạo đức phù hợp với văn minh của cộng đồng xã hội, vừa có khả năng lý luận phù hợp với khoa học để không bị đào thải vì lạc hậu. Nếu một tôn giáo chỉ thiên hẳn về một khía cạnh thần bí, khiến cho tín đồ lập dị, quái lạ với cộng đồng xã hội, đồng thời có quá nhiều điểm phản khoa học. Tôn giáo đó sẽ bị đào thải.

Một người muốn trở thành tu sĩ cũng vậy, phải sáng suốt lựa chọn một tôn giáo nào có thể giúp cho mình trở nên thánh thiện và sau đó đem lại lợi ích cho nhiều người trên cả ba lãnh vực: tâm linh, đạo đức và tính khoa học. Chỉ như vậy hình ảnh của tu sĩ mới là một hình ảnh vừa siêu thoát, vừa gần gũi với con người. Tu sĩ không còn là một nghề tìm sinh kế nữa, mà đã trở thành một thiên chức cao cả cần thiết cho cuộc đời hôm nay và mai sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro