Ngo Quyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權, 898 - 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hántrong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

Sinh năm 898 trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, Ngô Quyền được sử sách mô tả là bậc anh hùng tuấn kiệt, "có trí dũng"[1]. Ngô Quyền lớn lên khi chính quyền đô hộ của nhà Đường tại Tĩnh Hải quân đang suy yếu và tan rã, khó lòng khống chế các thế lực hào trưởng người Việt ở địa phương, do đó dẫn tới sự xác lập quyền lực của họ Khúc ở phủ thành Đại La vào năm 905 và họ Dươngvào năm 931. Sau khi trở thành con rể cho Dương Đình Nghệ, ông được tin cậy giao cai quản Ái Châu, đất bản bộ của họ Dương. Năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ, trở thành vị Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cuối cùng trong thời kì Tự chủ. Nhưng vị tân Tiết độ sứ lại không có chỗ dựa chính trị vững chắc, hành động tranh giành quyền lực của ông bị phản đối bởi nhiều thế lực địa phương và thậm chí nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhàNam Hán. Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán. Thắng lợi của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu xâm lược Tĩnh Hải quân của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc thời kì Bắc thuộc của Việt Nam. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập ra nhà Ngô. Ngô Vương qua đời ở tuổi 47, trị vì được 6 năm. Sau cái chết của ông, nhà Ngô suy yếu nhanh chóng, không khống chế được các thế lực cát cứ địa phương và sụp đổ vào năm 965.

Ngô Quyền được coi là anh hùng dân tộc Việt Nam, là vị "vua đứng đầu các vua"[1], là vị Tổ trung hưng[2]của Việt Nam. 

Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, châu mục ở châu Đường Lâm, họ Ngô của ông là dòng họ hào trưởng có thế lực, đời đời là quí tộc[1]. Mẹ của ông, sử sách không ghi chép. Ngô Quyền sinh vào năm Mậu Ngọ (898) niên hiệu Càn Ninh thứ năm hoặc Quang Hóa năm đầu đời Đường Chiêu Tông[3].

Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâmthường được biết đến như là quê hương của Ngô Quyền

Truyền thuyết kể rằng, khi mới sinh, Ngô Quyền có ba cái nốt ruồi ở lưng, có thầy tướng số trông thấy cho là lạ, đoán rằng về sau ông có thể làm chúa một phương, do đó mới đặt tên là Quyền[1]. Ngô Quyền dáng người khôi ngô, "mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp" "sức có thể cầm vạc giơ lên"[1].

Thuở thiếu thời của Ngô Quyền cũng là thời kì bão táp của chế độ thống trị nhà Đường ở An Nam. Đô hộ phủ An Nam ngày càng tỏ ra bất lực trong việc khống chế các thế lực cát cứ địa phương cũng như các thế lực bên ngoài. Người Nam Chiếu đã tấn công dữ dội Giao Châu từ năm 858 đến năm 866. Sau loạn An Sử (755 - 763) và nhất là khởi nghĩaHoàng Sào (874 - 884), nhà Đường phải đối phó với nạn phiên trấn cát cứ, sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với An Nam ngày càng yếu đi. Quyền lực của phủ Đô hộ bị phân tán xuống các vùng nhỏ, do đó xuất hiện các thế lực hào trưởng có vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy cai trị[4]. Vì vậy, họ Khúc, hào trưởng Hồng châu, đã thiết lập chính quyền tự chủ ở An Nam một cách khá dễ dàng và ít xáo trộn[5] vào năm 905. Thế lực họ Khúc yếu ớt, đối đầu và thất bại trước sự xâm lấn của nhà Nam Hán. Nhưng sự thống trị của nhà Nam Hán chẳng vững bền : năm 931, thế lực họ Dương ở Ái Châu đánh bại quan lại nhà Nam Hán là Lý Tiến, Trần Bảo ở dưới chân thành Đại La, Dương Đình Nghệ trở thành Tiết độ sứ của chính quyền người Việt tự chủ.

Thế lực họ Dương nắm quyền ở Đại La hẳn phải được sự ủng hộ của nhiều thế lực địa phương khác, trong đó có họ Ngô của Ngô Quyền. Cuộc hôn phối giữa Ngô Quyền và con gái Dương Đình Nghệ là Dương thị hẳn nhiên mang ý nghĩa liên minh chính trị giữa hai dòng họ. Ngô Quyền trở thành nha tướng và cũng là con rể của Dương Đình Nghệ, được vị Tiết độ sứ tin tưởng, giao cho quyền cai quản Ái châu, đất căn bản của họ Dương, vào năm 932[6].

[sửa]Trận Bạch Đằng

Bài chi tiết: Trận Bạch Đằng, 938

Năm 937, thế lực họ Kiều ở châu Phong tổ chức binh biến, giết chết Dương Đình Nghệ, đưa Kiều Công Tiễn lên nắm quyền, Công Tiễn tự xưng Tiết độ sứ. Hành động này đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các thế lực hào trưởng các địa phương, thậm chí chính nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng. Ngô Quyền, với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của vị cố Tiết độ sứ, đồng thời cũng là người đánh đứng liên minh Ngô - Dương, tập hợp lực lượng tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nam Hán Cao Tổ sai con trai là Lưu Hoằng Tháo đem hai vạn quân, dùng chiến thuyền, xâm lấn Tĩnh Hải quân.

Năm 938, Ngô Quyền đem quân ra Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn và nhanh chóng tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, ông sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp. Ngô Quyền dự định nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến.

Kết quả, quân Nam Hán thua chạy, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lấn Tĩnh Hải quân. Với mưu lược thần tình của mình, Ngô Quyền đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng nổi tiếng năm 938, kết thúc hơn một thiên kỉ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho Việt Nam.

Về trận Bạch Đằng, Ngô Thì Sĩ đánh giá :

Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu

Lăng Ngô Quyền được tôn tạo gần đây (tại Cam Lâm).

[sửa]Sáu năm trị vì

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng là vương, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô. Kinh đô của triều đại mới không nằm ở Đại La mà chuyển sang Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước.

Lý giải cho việc Ngô Quyền không chọn Đại La sầm uất và có truyền thống nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị trước đó, các sử gia cho rằng có 2 nguyên nhân: tâm lý tự tôn dân tộc và ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước từ kinh nghiệm cũ để lại:

Ý thức dân tộc trỗi dậy, tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương[7], quay về với kinh đô cũ thời Âu Lạc, biểu hiện ý chí đoạn tuyệt với Đại La do phương Bắc khai lập[8].

Đại La trong nhiều năm là trung tâm cai trị của các triều đình Trung Quốc đô hộ Việt Nam, là trung tâm thương mại sầm uất nhiều đời chủ yếu của các thương nhân người Hoa nắm giữ. Đại La do đó là nơi tụ tập nhiều người phương Bắc, từ các quan lại cai trị nhiều đời, các nhân sĩ từ phương Bắc sang tránh loạn và các thương nhân. Đây là đô thị mang nhiều dấu vết cả về tự nhiên và xã hội của phương Bắc, và thế lực của họ ở Đại La không phải nhỏ. Do đó lực lượng này dễ thực hiện việc tiếp tay làm nội ứng khi quân phương Bắc trở lại, điển hình là việc Khúc Thừa Mỹ nhanh chóng thất bại và bị Nam Hán bắt về Phiên Ngung. Rút kinh nghiệm từ thất bại của Khúc Thừa Mỹ, Ngô Quyền không chọn Đại La[8].

Nhưng cũng có người cho rằng, việc tìm đến vị trí bên lề của phủ trị cũ cho thấy dấu vết co cụm của tính chất địa phương, của sự tự ti sức mạnh trong cách ứng xử của các tập đoàn quyền lực thời kì này[5].

Sử sách không ghi rõ thành tính cai trị của Ngô Quyền mà chỉ nhắc đến chung chung "đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục"[1].

Năm 944, Ngô Vương qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. Ông không có miếu hiệu và thụy hiệu, sử sách xưa nay chỉ gọi ông là Tiền Ngô Vương. Trong sách Thiền uyển tập anh, phần truyện Quốc sư Khuông Việt có nhắc Ngô Thuận Đế, có lẽ là chỉ Ngô Quyền, nhưng trong thực tế, ông chưa từng xưng đế.

Các nhà sử học Việt Nam thời trung đại như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của Ngô Quyền. Lê Văn Hưu nhận định về ông rằng :

Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân[21] của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Ngô Sĩ Liên ca tụng ông là mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua[1] đồng thời cho rằng cách thức cai trị của ông có qui mô của bậc đế vương[1]. Phan Bội Châu và Trần Quốc Vượng đều tôn vinh ông là "vua Tổ phục hưng dân tộc"[2][7].

Nội thất đền thờ Ngô Quyền tại xãĐường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Loạn "Ngũ Đại Thập Quốc" ở phương bắc kéo dài hơn nửa thế kỷ là cơ hội lớn cho Việt Nam thoát khỏi ách nội thuộc Trung Hoa. Trung Quốc chia năm xẻ bảy, không đủ sức mạnh duy trì chiến tranh thường trực, tổng lực với phương nam. Trước Ngô Quyền, dù các chính quyền họ Khúc, họ Dương đã xây dựng nền tự chủ nhưng trên danh nghĩa, chức Tiết độ sứ vẫn bao hàm nghĩa là một phiên trấn của "thiên triều" phương Bắc, dù không thuộc về Nam Hán liền kề nhưng vẫn nằm trong tay của Ngũ Quý ở Trung nguyên.

Thất bại lần thứ hai ở Việt Nam khiến Nam Hán phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm, khẳng định sức mạnh của Tĩnh Hải quân không sút kém so với các chư hầu trong Ngũ Đại Thập Quốc lúc đó. Sau trận Bạch Đằng, Ngô Quyền tự mình xưng vương hiệu, thành lập hẳn một triều đại, có triều đình, quan chức, chính thức xác lập nền độc lập của Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mở ra thời kì hòa bình kéo dài gần nửa thiên niên kỉ củaViệt Nam với những triều đại : nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ mà công lao sự nghiệp lừng lẫy trong lịch sử.

Trong hơn 10 nhà cai trị Việt Nam thế kỷ 10, ông cùng Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành là những người được nhắc tới nhiều nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro